Nỗ lực mang đến hạnh phúc cho người khác sẽ nâng cao chính bản thân ta. (An effort made for the happiness of others lifts above ourselves.)Lydia M. Child
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Một người sáng tạo được thôi thúc bởi khát khao đạt đến thành công, không phải bởi mong muốn đánh bại người khác. (A creative man is motivated by the desire to achieve, not by the desire to beat others.)Ayn Rand
Thành công không được quyết định bởi sự thông minh tài giỏi, mà chính là ở khả năng vượt qua chướng ngại.Sưu tầm
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Hãy nhớ rằng, có đôi khi im lặng là câu trả lời tốt nhất.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Sự kiên trì là bí quyết của mọi chiến thắng. (Perseverance, secret of all triumphs.)Victor Hugo
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tôi đọc Đại Tạng Kinh »» LỜI CUỐI SÁCH »»

Tôi đọc Đại Tạng Kinh
»» LỜI CUỐI SÁCH

Donate

(Lượt xem: 1.602)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tôi đọc Đại Tạng Kinh - LỜI CUỐI SÁCH

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Hôm nay ngày 7 tháng 7 năm 2021, nghĩa là đúng một tháng sau mùa An Cư Kiết Hạ, nhằm ngày 28 tháng 5 năm Tân Sửu, Phật lịch 2565, tôi đã chấp bút viết xong mấy trăm trang viết tay của quyển sách thứ 69 này.

Dĩ nhiên là việc hình thành một cuốn sách không khó lắm đối với người đã có kinh nghiệm viết và dịch nhiều sách. Chỉ là vấn đề tìm nguồn tài liệu, sau đó sắp đặt dàn bài và lấy ý tưởng rồi bắt đầu đặt bút xuống viết mà thôi. Thời gian này thì không tính được, có thể mất nhiều tháng, đôi khi cũng có thể đến nhiều năm. Ví dụ như tác phẩm này chẳng hạn. Ban đầu tôi định viết với một tiêu đề khác, nhưng sau đó thấy rằng đã ở tuổi 72, 73 như tôi trong năm nay mà không cố gắng viết cũng như tra cứu để hoàn thành tác phẩm này, thì không biết đến bao giờ mới thực hiện được. Bởi lẽ khi tuổi đời càng cao, mắt càng mờ, lưng còng, gối mỏi, sức khỏe không cho phép mình thực hiện những gì mình mong đợi, nên tôi đã ngồi lại bàn giấy nơi thư phòng của Tổ Đình Viên Giác tại Hannover để thực hiện việc này như là một cách để đền ơn Tam Bảo vậy.

Hôm qua ngày 6 tháng 7 năm 2021 cũng là một ngày đặc biệt đáng ghi nhớ. Đó là sinh nhật lần thứ 85 của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, mà tôi đã có nhân duyên gặp Ngài cũng như học hỏi với Ngài trong nhiều lần và ở nhiều nơi khác nhau như: Ấn Độ, Đức Quốc. Có lần tôi đã đến Ấn Độ để thuyết trình bằng tiếng Anh về Phật giáo Việt Nam tại Đại Học New Delhi cách đây chừng 15 năm về trước. Hôm đó Ngài cũng đã thuyết trình về Phật giáo Tây Tạng. Đến ngày 18 tháng 6 năm 1995 lần đầu tiên Ngài đến Hannover để lãnh giải thưởng danh dự do Thị trưởng thành phố, ông Schmalstieg trao tặng, nên chúng tôi đã thỉnh Ngài về Chùa Viên Giác dùng bữa trưa, sau đó Ngài ban cho một thời pháp bằng tiếng Anh và tiếng Tây Tạng, do Thầy Hạnh Tấn, Thầy Hạnh Giới và Christop dịch sang Đức ngữ rồi Việt ngữ.

Sau đó mấy năm, đến năm 1999 tôi đã viết tác phẩm về “Tiếp kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma” bằng cả Việt ngữ và Đức ngữ.

Lần thứ 2 Ngài đến thăm và giảng pháp tại Chùa Viên Giác, Hannover, là vào ngày 20 tháng 9 năm 2013, lúc ấy Thầy Hạnh Giới đang làm Trụ Trì và chính Thầy Hạnh Giới đã dịch bài giảng của Ngài trực tiếp từ tiếng Anh sang Việt ngữ rất lưu loát. Báo chí và những phương tiện truyền thông của Đức lúc bấy giờ loan tin rất đầy đủ về 2 cuộc viếng thăm này. Ngay cả trong trang nhà của chính phủ Tây Tạng của Ngài đang điều hành thuở ấy tại Dharamsara, Ấn Độ, cũng đã tường thuật đầy đủ bằng Anh ngữ. Đây là đại nhân duyên của Chùa Viên Giác, với chúng tôi và với Phật tử Việt Nam cũng như Đức tại thành phố Hannover này.

Nhiều lần Ngài đã đến Hamburg, Schneverdingen, Frankfurt v.v… tôi đều đã đến tham dự nghe Ngài giảng và học pháp với Ngài, đôi khi cả tuần lễ như ở Schneverdingen chẳng hạn. Có lần cách đây chừng 15 năm, Ngài đến Đại Học Hamburg để chủ trì những ngày hội thảo về việc chấp nhận thọ giới Tỳ Kheo Ni cho nữ tu Tây Tạng và những người nữ Tây Phương tu theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, tôi cũng đã được hân hạnh ngồi dùng cơm trưa tại một khách sạn chung một bàn với Ngài và với Thủ Tướng lưu vong Tây Tạng tại Ấn Độ, Thị trưởng thành phố Hamburg và nhiều vị Bộ trưởng khác nữa. Tôi là khách danh dự của hôm đó, bởi lẽ so với những vị khách Tăng được mời, thì tôi là người có tuổi hạ cao hơn những người đang tham dự, nên đã được đặc ân ấy.

Tôi nhớ rất rõ hôm ấy Ngài hỏi tôi về chư Ni Phật giáo Việt Nam có phải thực hành theo Tứ Phần Luật của Pháp Tạng bộ không, và tôi đã trả lời đầy đủ câu hỏi của Ngài bằng Anh ngữ. Tôi hỏi Ngài tại sao tháng vừa rồi Ngài bỏ chuyến đi thăm viếng Pháp quốc? Thì Ngài chỉ nơi bụng của mình và Ngài bảo rằng: “Cái bao tử nó có vấn đề”, rồi Ngài cười rất hồn nhiên.

Những lần được cung đón Ngài như thế, tôi được Ngài cụng đầu, nhiều khi thân thiện Ngài còn béo má tôi nữa. Những lúc chào hỏi, Ngài hay bảo với tôi rằng: “Oh, my friend!”, rồi hồn nhiên hỏi thăm nhiều chuyện khác. Đây là cách ngoại giao của một vị Vua, một vị Thủ tướng mà Ngài đã dành trọn đời mình để cống hiến cho quê hương Tây Tạng cũng như cho Phật giáo thế giới.

Nhân ngày sinh của Ngài, Thầy Hạnh Tuệ đang là tăng chúng Chùa Viên Giác hay nhắc khéo với tôi là: “Bạch Sư Phụ ngày mai hay mốt là sinh nhật của Đức Đạt Lai Lạt Ma”, và chính Thầy ấy hay hoan hỷ phát tâm cúng dường tịnh tài lên chư Tăng Ni hiện diện, để cầu nguyện cho Ngài được sống lâu hơn nữa, nhằm mang từ bi, trí tuệ đến cho mọi loài và mọi người trên quả địa cầu này. Bởi lẽ suốt 10 năm (từ năm 2007 đến năm 2017), Thầy Hạnh Tuệ đã điều hành Trung Tâm Tu Học Viên Giác ở Bồ Đề Đạo Tràng tại Ấn Độ, đã có nhiều lần đảnh lễ Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng như gieo duyên với Phật giáo Tây Tạng, nên Thầy ấy đã thể hiện được việc tưởng niệm này.

Cũng chính nhờ ở Trung Tâm Tu Học Viên Giác tại Bồ Đề Đạo Tràng do Thầy Hạnh Nguyện và Thầy Hạnh Tấn sáng lập trong 10 năm ấy, mà Thầy Hạnh Tuệ đã lạy kinh từng chữ một theo cách “ngũ thể đầu địa”, như chư Tăng và Phật tử Tây Tạng vẫn hành trì hằng ngày. Những bộ kinh mà Thầy Hạnh Tuệ lạy mỗi chữ mỗi lạy là Kinh Đại Bát Niết Bàn, Kinh Pháp Hoa và Kinh Đại Bảo Tích. Riêng Kinh Đại Bảo Tích gồm 9 tập tất cả, mỗi tập dày đến trên 500 trang và mỗi ngày như vậy, ngoài việc điều hành nhân viên người Ấn Độ làm việc cho Trung Tâm Tu Học Viên Giác ra, Thầy ấy thường hay ra phía hướng đông của gốc cây Bồ đề, nơi Đức Phật thành đạo, lạy mỗi ngày từ 1.000 đến 3.000 lạy. Trong nhiều năm Thầy ấy đã lạy xong 9 quyển Kinh Đại Bảo Tích, mỗi chữ mỗi lạy như thế và tính đến năm nay 2021 Thầy ấy đã lạy tất cả trên dưới 3 triệu lạy, theo lối lạy ngũ thể đầu địa của Phật giáo Tây Tạng.

Ngày 6 tháng 7 năm 2021 vừa qua, cũng là ngày chư Ni và Phật tử Chùa Bảo Quang, Hamburg đã thỉnh linh cốt của Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Tâm về Tổ Đình Viên Giác, Hannover để lễ Phật và lễ Tổ lần cuối trước khi đến ngày lễ Chung thất vào ngày 30 tháng 7 năm 2021, ngày sẽ an táng phần tro cốt này tại nghĩa trang Öjendorf, Hamburg.

Ni Trưởng viên tịch vào ngày mùng 3 tháng 5 năm Tân Sửu, nhằm ngày 18 tháng 6 năm 2021, thế thọ 83 tuổi và hạ lạp 57 năm. Ni Trưởng xuất gia từ năm 1956 và ở Đức từ năm 1984 đến nay là đúng 37 năm hành đạo cũng như xây dựng Bảo Quang Ni Tự tại Hamburg đã thành tựu viên mãn.

Trước khi viên tịch, Ni Trưởng có làm tờ di chúc là tro cốt sẽ được chia ra làm 4 phần. Hũ tro thứ nhất gọi là Nhân Duyên và hũ tro này sẽ mang về Việt Nam đến tỉnh Quảng Nam, nơi làng Bình Triều có con sông chợ Được, sẽ rải tro cốt vào dòng sông này, vì nơi đó Ni Trưởng đã được sinh ra và lớn lên đến năm 15 tuổi thì đi xuất gia học đạo tại Chùa Bảo Thắng ở Hội An. Trước khi tro cốt đem đi rải vào dòng sông chợ Được thì ghé về Chùa Sư Nữ Bảo Thắng để lễ Phật và lễ Tổ, nơi này cũng có một dòng sông rất thơ mộng đang chảy qua Chùa Bảo Thắng giống như dòng sông nhỏ chảy qua Chùa Bảo Quang tại Hamburg vậy.

Hũ thứ 2 gọi tên là Thầy Tổ. Hũ này được nhập tháp tại Chùa Tường Vân ở Huế, nơi Sư Phụ của Ni Trưởng là cố Sư Bà Thích Nữ Đàm Minh đang an nghỉ, và trước khi đi về chốn Tổ, Ni Trưởng mong muốn về lại chùa Bảo Quang ở Đà Nẵng để đảnh lễ Phật, lễ Tổ. Vì nơi đây Ni Trưởng đã nhận được ân giáo dưỡng của Thầy mình trong nhiều năm.

Hũ thứ 3 gọi là Đảnh Lễ. Vì bình sinh Ni Trưởng đã nhiều lần đến Ấn Độ để thăm Tứ Động Tâm, nên nắm tro còn lại cuối đời này Ni Trưởng muốn đưa về nơi Linh Thứu Sơn để được tham gia những Pháp hội của Đức Phật đã từng giảng những bộ kinh quan trọng như Pháp Hoa, Đại Bát Niết Bàn và cũng là nơi mà Ngài Ca Diếp đã mỉm cười khi nhận được tâm truyền của Đức Phật gọi là “Niêm hoa vi tiếu”.

Hũ thứ 4 được gọi là hũ Cảm tạ và Tiếp nối. Sau khi về lễ Phật, lễ Tổ tại Tổ Đình chùa Viên Giác Hannover thì linh cốt của Ni Trưởng sẽ được chôn tại Nghĩa trang Phật giáo Öjendorf, Hamburg và Ni Trưởng mong rằng mỗi năm cứ đến ngày Rằm tháng Bảy mọi người có thân nhân chôn cất tại đây sẽ đi viếng mộ và lấy ngày này làm ngày Thanh Minh cho Phật tử Việt Nam ở vùng này. Đồng thời cũng là một sự cảm tạ sâu xa đối với xứ Đức đã cưu mang không biết cả mấy trăm ngàn người tỵ nạn Việt Nam từ năm 1978 đến nay.

Ngoài ra ở Ni Trưởng cũng có một điều đặc biệt là từ khi xa quê hương để sang Đức quốc làm việc Đạo từ năm 1984 đến 2021 là 37 năm dài, nhưng Ni Trưởng chưa về lại thăm quê một lần nào, mặc dầu lúc nào hồn quê cũng lai láng trong tâm thức của Ni Trưởng. Những năm cuối đời, Ni Trưởng bệnh, ít nói nhưng hay mỉm cười, và mỗi lần ghé thăm Ni Trưởng tôi hay ngâm bài thơ của Trần Trung Đạo nhan đề là “Bao giờ nhỉ tôi về thăm xứ Quảng” để Sư nghe với giọng Quảng thuần túy của mình. Những khi như vậy Ni Trưởng rất hoan hỷ.

Những Đại Giới Đàn Đôn Hậu được tổ chức tại Tổ Đình Viên Giác, Hannover vào cuối tháng 6 năm 2005 tôi đã cung thỉnh Ni Trưởng làm Đàn Đầu Hòa Thượng bên giới đàn của chư Ni và đến năm 2008 khi tôi được tấn phong lên phẩm vị Hòa Thượng, tôi đã tổ chức tấn đàn truyền giới Sa di, Sa di ni, Thức xoa, Tỳ kheo và Tỳ kheo ni, tôi cũng đã thỉnh Ni Trưởng làm Đàn Đầu Hòa Thượng Ni trong Đại Giới Đàn Pháp Chuyên này. Những giới đàn về sau thì Ni Trưởng đã yếu dần, nên tôi đã thỉnh Ni Trưởng Thích Nữ Như Tuấn làm Đàn Đầu Hòa Thượng Ni trong Giới Đàn Quán Thông, được tổ chức tại Tổ Đình Viên Giác, Hannover từ ngày 29 đến 30 tháng 6 năm 2019; kỷ niệm năm tôi 70 tuổi đời và 56 năm xuất gia học đạo, năm đó đã không có sự tham dự của Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Tâm nữa.

Đặc biệt trong những giới đàn của Tăng và Ni được tổ chức tại Tổ Đình Viên Giác Hannover hay Chùa Thiện Minh ở Lyon, Chùa Khánh Anh tại Paris, Pháp quốc luôn có những giới tử người Âu Châu đến cầu thọ Đại Giới của Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni thuộc các quốc tịch như: Ý, Pháp, Đức, Hòa Lan, Bỉ v.v… Đây cũng là một điểm son của Phật giáo Việt Nam tại Âu Châu, mà Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Tâm đã đóng góp phần mình vào sự thể hiện tinh thần của Pháp Tạng Bộ thuộc Tứ Phần luật, mà ở đó Bát Kỉnh Pháp được nêu lên hàng đầu và chính Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Tâm đã thể hiện được điều đó.

Đứng về phương diện của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu thì Ni Trưởng đã nhiều lần làm Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Từ Thiện Xã Hội, rồi Vụ Trưởng Ni Bộ Bắc Tông. Đối với Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Chi Bộ Đức Quốc thì Ni Trưởng ngay từ những ngày đầu tiên mới đến Đức từ năm 1984, Ni Trưởng đã tham gia vào Chi Bộ; lúc thì Chi Bộ Phó Nội Vụ, lúc thì Cố Vấn cho Chi Bộ v.v… chỉ ngần ấy việc làm trong lúc bình sinh của Ni Trưởng, chúng tôi không ngại để phong tặng cho Ni Trưởng là bậc Ni lưu thuộc Chúng trung tôn của Đức Phật và là một bậc Trượng phu của Phật giáo Việt Nam. Và nơi đây xin ghi lại mấy hàng này để thâm tạ thâm ân của một bậc chân Ni, đã đóng góp hết mình cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam tại Đức cũng như Âu Châu bằng một dòng tưởng niệm như sau:

“Nam Mô Từ Tôn Lâm Tế Chánh Tông, Liễu Quán Pháp Phái, Tường Vân môn hạ, tứ thập tứ thế, Đức Quốc khai sơn Bảo Quang Ni Tự, thượng Nguyên hạ Từ, tự Diệu Tâm, Hòa Thượng Ni chi Giác linh.”

Nguyên sanh Kỷ Mão niên (1939) vãng sanh ư Tân Sửu ngũ nguyệt sơ tam nhựt, thượng thọ bát thập tam tuế, ngũ thập thất hạ lạp (18.6.2021).

Đây chính là phần niệm ân của chúng tôi và xin ghi lại vào sách này, để ngày sau những đệ tử hãy gìn giữ lấy hình ảnh cũng như công hạnh của Ni Trưởng mà noi theo trên bước đường tu Phật, cũng như hành hạnh Phật của mỗi người xuất gia trong cuộc sống đầy thử thách như ở ngoại quốc ngày hôm nay.

Cũng như mọi năm, kể từ năm 1984 đến 2021 là 38 năm như thế, Tăng Ni chúng Tổ Đình Viên Giác tại Hannover, Đức Quốc đều làm lễ tác pháp An cư Kiết hạ mỗi năm 3 tháng từ sau lễ Phật Đản, độ 16 tháng 4 âm lịch là vào hạ và độ từ 15 tháng 7 âm lịch trước hoặc sau lễ Vu Lan mấy ngày chúng tôi có làm Lễ Tự Tứ để nhận tuổi đạo. Từ đó đến nay không gián đoạn một năm nào cả. Nhờ vậy mà chúng tôi có nhiều thời giờ để tu tập, hành trì cũng như viết sách v.v… Đại khái giờ giấc trong mùa An cư được sắp xếp trong ngày và tháng như sau:

5:45 phút sáng, tất cả Tăng Ni chúng đều tập trung tại bàn Tổ để lễ Tổ trước khi lên Chánh điện. Tôi thường hay để đồng hồ reo vào lúc 5 giờ sáng, nhưng bây giờ lớn tuổi nên dậy sớm hơn nhiều trước khi đồng hồ báo thức. Lúc còn nhỏ thì thức khuya, nên dậy sớm để tụng kinh, ngồi Thiền là một cực hình. Bây giờ ở tuổi già, đa phần ai cũng thích đi ngủ sớm và dậy sớm cũng là chuyện bình thường thôi. Từ hai, ba năm nay tôi có thói quen dậy 2 hay 3 lần trong đêm để đi vệ sinh, sau đó vào ngủ tiếp. Được một cái là sau khi nằm lại trên giường, độ 5 phút sau, tôi đã được tái tạo lại giấc ngủ một cách bình an và độ 4 giờ 15 phút là mắt bắt đầu tỉnh táo. Đến 4 giờ 20 hay trễ lắm là 4:30 thì tôi thức dậy hẳn, làm vệ sinh, sau đó ngồi vào bàn làm việc, mở máy Laptop lên để xem những e-mail mà các nơi gởi về vào ngày hôm trước. Cái nào trả lời được liền thì tôi trả lời; cái nào không đáng trả lời thì xóa đi. Khi xem đến mail phải trả lời là tôi trả lời liền; không chỉ xem qua rồi để đó, đến ngày mai sẽ quên đi và người gởi mail thì phải chờ đợi. Nhờ thói quen này mà tôi giải quyết được nhiều việc cần phải giải quyết. Đa phần nhiều vị chỉ xem qua và lướt đi, không trả lời liền; nên đến khi tìm lại thì cả mail đáng phải trả lời và mail spam nằm chung với nhau, rất khó kiếm và tốn thì giờ nữa. Đây là cách làm việc riêng của tôi; nhưng hiệu quả không phải là ít. Tiếp theo nếu có thời gian thì tôi vào xem tin tức thế giới và tin tức Việt Nam.

5:40 phút tôi phải rời phòng để lên nhà thờ Tổ, vì Tăng Ni chúng đang chờ tôi ở đó. Sau khi xá Tổ xong, tất cả theo thứ lớp chúng tôi lên điện Phật để ngồi Thiền độ 15 phút và tiếp theo trì tụng Thần Chú Thủ Lăng Nghiêm, có kinh hành nhiễu Phật, tiếp đó lạy Thánh hiệu của chư Phật, chư vị Bồ Tát. Kế tiếp những bài sám nguyện và thông thường mỗi sáng tôi cử một bài sám khác nhau, nên chư Tăng Ni của Tổ Đình Viên Giác thuộc rất nhiều bài sám. Ví dụ như sáng thứ Hai, tôi cử bài Quy Mạng đọc theo âm Hán Việt. Sáng thứ Ba tụng bài Sám Quy Mạng do Thiền Sư Thích Nhất Hạnh dịch ra Việt ngữ. Sáng thứ Tư tôi cho Đại chúng tụng bài Sám Quy Mạng nghĩa do Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải dịch. Đến sáng thứ Năm Đại chúng tụng Sám Khể Thủ âm Hán Việt. Sáng thứ Sáu tụng Sám Ngã Niệm. Sáng thứ Bảy tụng sám: Đệ Tử hôm nay quỳ trước điện... và sáng Chủ nhật cho tụng sám Nhứt Tâm âm Hán Việt hay Việt ngữ hoàn toàn.

Chỉ trừ những sáng có Bố tát vào ngày mồng Một và Rằm âm lịch hằng tháng, thì không đi kinh hành và thay vào đó có lạy Chúc Tán hồng danh cũng như chỉ tụng Lăng Nghiêm Thập Chú và tụng Sám Phổ Hiền để sau đó còn giáo giới cho Cư sĩ, Sa di, Sa di ni và tiếp theo quý Thầy tụng giới bổn Tỳ kheo 250 giới. Còn chư Ni thì ra phòng Tổ hay phòng của Chöling ở tầng 3 để đọc tụng giới của mình đã thọ trì.

Đến chiều ngày mồng Một và Rằm có lễ Bố Tát tụng giới Bồ Tát gồm 10 giới trọng và 48 giới nhẹ cho cả người xuất gia và tại gia. Trước đó một ngày của hai ngày Sóc và Vọng này vào lúc 17 giờ tại chùa đều có lễ bái Hồng Danh Sám Hối. Sau những ngày Bố Tát như thế Thầy Trụ Trì thường hay cúng cùng chư Tăng Ni trong nửa tháng một lần.

Một thời kinh buổi sáng kéo dài từ lúc 5:45 đến độ 7 giờ sáng là hoàn tất, sau đó ai trở về phòng nấy lo phận sự riêng của mình. Riêng tôi sau lúc trở lại phòng hay tập thể dục theo động tác như người Tây Tạng và còn một ít thời gian thì đọc sách hay xem email tiếp.

Đến 8 giờ tôi có mặt tại trai đường, vì tất cả Đại chúng đang chờ tôi tại đó. Ngày xưa cơm nước sáng, trưa, chiều đều được dọn lên bàn, nhưng vì sau này số lượng chư Tăng Ni đông, nên quý Thầy cho dùng theo cách Selbst Bedinung hay Self Service, tự lấy đồ ăn, ngay cả quý Thượng Tọa, chỉ trừ người lớn tuổi đi đứng khó cũng như Phương Trượng hay Ni Trưởng là do quý Thầy thị giả lo cho đầy đủ, khỏi cần phải đứng sắp hàng để đến phiên mình lấy thức ăn.

Tất cả đều dùng sáng, trưa và tối trong Chánh niệm. Sau khi dùng xong sẽ có một khoảng thời gian ngắn 5 hay 10 phút để trình bày việc trong ngày của chùa hay của Đại chúng.

Độ 8:30 là xong tất cả, vì những người phục vụ trong nhà bếp còn phải lo dọn rửa nữa. Nếu ngồi lâu nói chuyện, sẽ làm cho công việc ứ đọng lại. Riêng tôi, sau khi trở lại phòng, lo vấn đề vệ sinh cá nhân và đến 9 giờ sáng bắt đầu đi bách bộ ra những Hoppy Garden gần chùa. Mỗi ngày tôi đi ít nhất là 3.000 bước chân như thế, dầu cho có đông sang, hạ về, thu đến hay xuân lại. Tôi làm theo một thói quen nhất định như thế trong mấy chục năm nay, nên sức khỏe tạm ổn ở tuổi già 72, 73 như hiện nay. Tôi đi dọc theo những hàng cây táo, cây tùng, cây trắc bá diệp. Nhiều khi để mắt ngắm những loài hoa đang nở vào mùa xuân hay những sợi tuyết bay vào mùa đông lạnh giá. Đây là hạnh phúc của chính mình, ngoài việc đọc tụng Kinh điển hay đọc sách báo. Đa phần tôi mở cửa để vào Vô Học Cốc ngồi chừng 30 phút. Nếu là mùa đông tôi sẽ đốt sưởi bằng gỗ lên để sưởi ấm và sau đó, đi bách bộ về chùa. Trên đường đi gặp nhiều người Đức thì bắt chuyện để thăm hỏi như việc nắng mưa của đất trời hay câu chuyện thời sự trên truyền hình vào tối ngày hôm trước v.v…

Về đến sân chùa độ 10 giờ 15 phút, tôi đi vòng quanh Quan Âm Các để xem những cây cỏ chung quanh đây đó, đoạn đến trước cổng Tam Quan hướng về Bồ Tát Quan Thế Âm đảnh lễ Ngài ba vái và tiếp đến đi vào trong sân chính, cụng đầu vào tôn tượng đức Địa Tạng Vương, thân hình bằng đá trắng, Ngài đã đứng đó và cầm tích trượng để cứu giúp chúng sanh trong cảnh khổ đau ở chốn địa ngục. Kế tiếp tôi đi đến trước tượng Đức Quan Thế Âm Bồ Tát được dựng lộ thiên trong hồ nước, vái Ngài ba lần và tiến về phía tượng Đức Bổn Sư (do Sư Cô Từ Ngọc và Phật tử Thái Lan cúng cho Chùa Viên Giác từ 30 năm về trước với hình dáng của Phật giáo Nam Tông), để đốt nhang kính lễ Ngài. Tiếp đến tôi đến bên hồ cá để chuẩn bị cho cá ăn vào mỗi sớm mai, sau khi đi dạo về. Đây cũng là niềm hỷ lạc khi thấy đàn cá Koi bơi lội trong hồ như thế. Hầu hết cá này không phải do chùa mua, mà Phật tử người Việt cũng như người Đức mua mang đến hồ của chùa để thả. Mùa đông cá vẫn ở trong hồ như thế, mặc dầu bên trên mặt hồ đã bị đóng băng, nhiều khi âm 20 độ C mà cá vẫn sống, không ăn gì cả. Đôi khi cả 3 tháng như vậy, khi mùa xuân đến tuyết tan, cá mới bắt đầu ăn từ từ. Ngày nào tôi phải đi Phật sự xa thì Thầy Hạnh Lý hay Thầy nào còn ở lại chùa thay tôi cho cá ăn và mỗi ngày chỉ cho cá ăn một lần thôi. Phần tôi chỉ chừng đó việc, còn những anh em khác thì có vô số công chuyện để làm như: dọn hồ cho sạch sẽ, bao lưới lên trên để chim khỏi ăn cá, trang trí hồ cho đẹp; những việc này có Thầy Hạnh Luận, Thầy Hạnh Tuệ, Thầy Hạnh Bổn, Phật tử Đồng Nhã, Đồng Tâm v.v…

Độ 10:15 tôi đã có mặt ở văn phòng của những vị Cư sĩ đang làm việc tại đây để thăm hỏi vài lời. Họ là những người hộ đạo cho chùa rất lâu năm từ những năm 1984 về sau này như Bác Thị Tâm Ngô Văn Phát, Phật tử Thị Chơn Ngọc Diệp, Anh Như Thân Hà Phước Nhuận, Chú Lương Hiền Sanh, Cô Lâm Yến Nga, Phật tử Hugo Thiện Tâm, Phật tử Thiện Đạo Uông Minh Trung v.v… Nếu không có những vị này thì tờ báo Viên Giác khó tồn tại từ năm 1979 đến nay 2021, đã hơn 42 năm và in được 243 số như thế. Ngoài ra những người ở xa như Anh Chủ bút Nguyên Trí Nguyễn Hòa (Phù Vân) hay hàng trăm người viết văn cộng tác bài vở nữa. Đây là sự sống, là niềm tin của người con Phật khi họ hướng về chùa.

Công việc của văn phòng thì quá nhiều. Ví dụ như việc cho báo, thư mời: Tết, Phật Đản, Vu Lan vào phong thư rồi mang ra bưu điện để gởi đi đến nhà của các Phật tử, được biết tờ báo Viên Giác đã có mặt ở 23 quốc gia trên thế giới. Ngày nay trang nhà Viên Giác và Facebook đã hình thành, có nhiều người vào đọc tin tức hay thông báo nhanh hơn, nhưng những vị lớn tuổi không thích dùng máy móc thì sách vở, báo chí cầm trên tay để đọc vẫn là niềm vui thích vô bờ. Thăm hỏi có nhiều việc để nói. Hôm nay nói về thời tiết, ngày mai nói về công việc phải làm, những sách vở cũ xuất bản từ những năm 1980, 1990 phải đánh máy lại để đưa lên mạng v.v… vì ngày ấy đánh máy chữ còn phải bỏ dấu tay cũng như không lưu trữ vào máy điện toán được, nên bây giờ phải đánh máy lại. Đó là chưa kể những sách của tôi viết, hầu như mỗi năm một cuốn và mỗi cuốn dày độ 300 trang viết tay. Tất cả đều do Chú Sanh và Cô Nga đánh máy. Bây giờ Cô Nga đã nghỉ, chỉ còn lại Chú Sanh; nhưng chú bây giờ cũng đã lớn tuổi rồi, chắc cũng không còn thời gian để hộ trì chùa lâu dài như xưa nữa. Cho đến nay trên dưới 70 tác phẩm như vậy tôi đều viết tay và chữ viết tay của tôi xấu lắm, chỉ có thư ký quen mặt chữ mới đọc được. Nhiều khi ý tưởng quá dồi dào nên không kịp để nắn nót viết từng nét chữ, mà tôi viết dài như sải tay, mỗi chữ chỉ có một hai nét, trong khi chữ ấy lẽ ra phải viết đủ là 4 hay 5 nét chẳng hạn. Sau này những bài ngắn chừng 4 đến 6 trang thì tôi tự đánh máy để đỡ công chú Sanh phải làm. Ví dụ như Thư Tòa Soạn mỗi 2 tháng một lần, hay những bài tôi vừa suy nghĩ vừa đánh vào Laptop cho nhanh, sau đó nhờ cô Thanh Phi ở Úc xem lại lỗi chính tả, thì không cần nhờ chú Sanh nữa. Anh Như Thân lo phần báo Viên Giác, Thiện Đạo lo giấy tờ thuế má, trả lời điện thoại khi có Phật tử gọi đến. Thị Chơn và Hugo lo cho lớp học người Đức. Trong thời gian Corona gần 2 năm nay, thì Thị Chơn ở nhà và dịch tin tức từ tiếng Đức ra tiếng Việt để đưa lên trang nhà viengiac.info. Nhờ vậy mà các nơi đều xem được tin tức cập nhật hằng ngày rất nhanh chóng.

Từ xa xưa của hơn 40 năm về trước, đã có anh Tuấn Tusito và chị Diệu Hoa Nguyễn Thu Cúc dịch giùm những sách tôi viết bằng tiếng Việt sang Đức ngữ. Rồi Thầy Hạnh Tấn, Thầy Hạnh Giới, Hạnh Giả v.v… họ là những người đã hỗ trợ cho tôi ở nhiều phương diện. Ngoài ra những sách tiếng Đức, tiếng Anh khi tôi dịch ra tiếng Việt đều phải nhờ Thầy Hạnh Giới và Hạnh Giả xem lại cách hành văn. Riêng tiếng Nhật chỉ có một mình tôi săn sóc câu văn; chứ người rành Nhật ngữ ở Đức hầu như không có.

Sách chữ Hán cũng vậy. Tất cả kinh sách bằng chữ Hán sau khi tôi dịch xong, đều đưa lên trang nhà Viên Giác, dẫu chưa được chỉnh sửa lại. Sau này thì có Thầy Hạnh Nhẫn giúp hiệu đính cho một vài bài và khi nào sách chữ Hán hay sách tiếng Việt, trước khi đưa lên Amazon đều được anh Nguyên Minh Nguyễn Minh Tiến đọc kỹ và sửa lại giùm. Nhiều khi có những quyển như: Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa hay Vua là Phật, Phật là Vua có cả Ban Biên Tập báo Viên Giác đều đọc lại giùm trước khi in ấn như anh Nguyên Trí, Nguyên Đạo, quý cô Nguyên Hạnh, Diệu Thiện, Thiện Giới, Diệu Như, Nguyên Hằng, Thi Thi Hồng Ngọc, Song Thư v.v… tôi kể sẽ không bao giờ hết. Do vậy phải cảm ơn tất cả nhiều tấm lòng đã giúp những tác phẩm của tôi được hình thành như vậy. Cái dở của tôi là khi đặt bút xuống là cứ viết, viết cho đến khi nào mỏi lưng, mỏi mắt, hết mực mới đứng dậy và dừng bút và hầu như chẳng có quyển nào khi viết mà tôi đọc lại những gì mình đã viết. Chỉ khi nào viết xong hết sách tôi mới đọc lại lần cuối mà thôi. Do vậy sai chính tả, lạc ý văn cũng là chuyện thường tình và quý vị này đã giúp điều chỉnh câu văn lại giùm tôi.

Giống như quyển sách thứ 69 này cũng vậy. Bây giờ tôi đã viết đến trang thứ 278 rồi; nhưng tôi đã chưa đọc lại từ đầu, là mình đã viết những gì. Do vậy sự trùng lặp rất nhiều. Kính mong quý vị khi đọc, hiểu và thông cảm cho tôi điều này.

Đúng 10:30 sáng tôi trở lại phòng làm việc của mình và bắt đầu ngồi vào bàn giấy để cặm cụi viết. Cứ thế và cứ thế cho đến 11:20 thì phải nghỉ và bắt đầu y áo để đến trai đường tham dự buổi ngọ trai trong ngày. Nhiều khi có lễ cúng dường Trai Tăng của các Phật tử thì tôi hay đáp từ và tuyển chọn những đề tài nào trong Kinh điển, nhất là Đại Tạng Kinh hợp với từng hoàn cảnh thì tôi nói chừng 5 đến 10 phút như vậy. Thỉnh thoảng lắm mới lặp lại vài ý chính, nhưng đa phần là những đáp từ khác nhau.

Độ chừng 20 phút sau tất cả Tăng Ni dùng ngọ cúng dường xong thì kinh hành lên chánh điện đi 3 vòng trong khi chuông trống Bát Nhã ngày nào vào buổi trưa cũng gióng lên những âm thanh hùng tráng ấy. Việc này cũng tương xứng với câu đối mà cố Hòa Thượng Thích Quảng Thạc ở Việt Nam đã tặng, khi Ni Trưởng Thích Nữ Như Viên sang định cư tại Đức từ năm 1986 là:

Tuệ cự cao tiêu quang Việt địa
Từ chung trường khấu chấn Tây dương

Nghĩa đen:

Đuốc tuệ giương cao làm tỏ ngời đất Việt
Chuông từ ngân dài làm rung động khắp Tây Phương

Dịch thơ thành 9 chữ như sau:

Đuốc tuệ cao ngời rạng danh dòng Việt tộc
Từ bi chuông gióng vang dội khắp trời Tây

Sau khi đi kinh hành 3 vòng, trở lại nơi Phật điện để tụng Bát Nhã Tâm Kinh và hồi hướng. Nếu ngày nào có thí chủ đến cúng cho chư Hương linh thờ tại chùa thì chúng tôi lại có mặt tại nhà thờ vong. Đa phần thì Thầy Trụ Trì Thích Hạnh Bổn, Thầy Hạnh Tuệ, Hạnh Lý, Hạnh Nhẫn, Thông Triêm cúng; nhưng nếu khi nào có Phật tử lớn tuổi mất thì tôi hiện diện để nói vài lời an ủi gia đình họ sau lễ xả tang hay tuần thất v.v… Bởi lẽ những người đến với Chùa Viên Giác từ 30 năm về trước đều là những người đã đóng góp công sức của mình rất nhiều vào công việc tạo dựng nên ngôi Tam Bảo ở đây, nên tôi phải có mặt vậy. Năm rồi (2020) và năm nay (2021) tôi hầu như không đi xa như mọi khi, nên trong 2 mùa An Cư Kiết Hạ này có rất nhiều gia đình về chùa cuối tuần để cúng dường Trai Tăng, trai phạn và cúng tuần thất cho ương linh vừa mới qua đời hay giỗ, kỵ v.v…

Sau khi quá đường xong là đúng 12 giờ 30 phút, tôi trở lại phòng mình nghỉ trưa cho đến 14:00 giờ. Bởi lẽ buổi sáng thức sớm; nên giờ nghỉ trưa rất cần thiết cho người lớn tuổi như tôi.

Độ 14:30 đến 18:30 là giờ viết sách hay đọc sách, thư từ của Phật tử gởi đến. Ở khoảng giữa này thường có nghỉ giải lao vài lần. Thông thường nếu không phải trong mùa An cư kiết hạ thì giờ này tôi hay đọc Đại Tạng Kinh. Cũng có ngày tôi đọc đến 200 trang như vậy, nhưng đa phần là 100 trang. Mới đây tôi đọc quyển “Viết” của Trần Trung Đạo 272 trang chỉ trong một ngày chủ nhật là xong và gấp sách lại. Nhiều khi thấy sách hay mà chưa có ai điểm sách này thì tôi lại viết bài tóm lược nội dung của quyển sách mà tác giả muốn gởi đến các độc giả khắp nơi. Bởi lẽ khi người đọc, đọc sách ấy có cái cảm nhận khác với tác giả khi dựng xây một tác phẩm, nên cần có người điểm sách là vậy. Nhờ đó mà trên trang nhà quangduc.com nếu quý vị tìm vào và bấm mục tác giả thì sẽ có rất nhiều bài viết của tôi được lưu trữ nơi đó. Nhờ vậy nếu sau này có ai đó muốn tìm tài liệu cũng dễ dò tìm.

Ngay như những sách của tôi đã viết lâu rồi mà thấy có đưa lên Amazon thì tôi cũng nhờ anh Nguyên Minh Nguyễn Minh Tiến lo giùm việc này. Đây cũng giống như một thư viện trên không gian rộng, khắp nơi trên thế giới đều có thể vào thăm được. Ngày xưa mỗi lần ra một cuốn sách, in cả 1.000 cho đến 3.000 cuốn, từ Đài Loan gởi về đến chùa, nhiều lúc không còn nhà kho để chứa. Còn bây giờ tất cả đều chứa trên Amazon, khi cần, muốn in bao nhiêu cuốn thì yêu cầu chỗ in, rồi trả tiền, chờ 1 đến 2 tuần lễ là có sách gởi đến địa chỉ của người nhận, rất là tiện lợi.

Đúng 18:30 phút trong ngày là giờ dùng chiều của tôi và vài Thầy. Bây giờ trong mùa An Cư Kiết Hạ ít có Thầy Cô nào dùng đông đủ như buổi trưa hoặc buổi sáng. Lý do không phải cữ dùng chiều, mà quý vị này bảo rằng ăn tối nặng bụng, vì còn phải tụng kinh, ngồi thiền nữa. Đây là thói quen của tôi dầu ở chùa hay đi đâu cũng hay dùng chiều, nhưng trong mùa An Cư Kiết Hạ chỉ dùng cháo nhẹ và trái cây mà thôi.

Đến 19:00 thì tôi rời phòng ăn để về phòng ở, lo vệ sinh rồi chuẩn bị cho thời kinh tối. Cho đến năm 2019 chùa vẫn còn lạy kinh mỗi chữ mỗi lạy, nhưng sau khi lạy xong bộ kinh Đại Bát Niết Bàn 2 quyển thì tôi cũng đã 70 tuổi rồi. Cho nên từ mùa hạ năm 2019 đến năm nay 2021, chúng tôi đã trì kinh Đại Bảo Tích và kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa do Ngài Huyền Trang người Trung Hoa dịch từ tiếng Phạn sang chữ Hán, vào thời Nhà Đường, thế kỷ 7, từ năm 661 đến tháng 10 năm 663. Và từ năm 1972 cho đến 1992 trong vòng 20 năm như vậy, cố Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm ở Nha Trang đã dịch ra Việt ngữ từ những bản chữ Hán này trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, 600 cuốn thành 24 tập, mỗi tập dày độ hơn 500 trang.

Cho đến hôm nay, gần một tháng rưỡi An Cư Kiết Hạ của năm 2021, chúng tôi đã trì tụng mỗi tối từ 20:00 giờ đến 21:00 giờ gồm 20 trang khổ chữ lớn, và đúng thời điểm này đang ở tập thứ 7, kinh văn số 145; nghĩa là còn rất nhiều năm nữa, chúng tôi phải tiếp tục trì tụng hằng đêm trong các mùa An cư Kiết hạ nữa mới xong. Hy vọng đến trước mùa Vu Lan năm nay sẽ tụng xong quyển thứ 8, nghĩa là còn 16 tập nữa mới hết bộ Đại Bát Nhã này.

Từ 21:00 giờ đến 21:30 là giờ tọa thiền nơi Phật điện trước khi trở lại liêu phòng để an nghỉ sau một ngày dài tu và học như vậy. Năm rồi và năm nay vì dịch Covid 19, Phật tử ở nhà, ít khi đi chùa, nên chùa phải mở hai hệ thống Zoom và Facebook để các Phật tử theo dõi cùng tụng theo; mỗi ngày và mỗi lần như vậy vào ra lên xuống khác nhau, nhưng nhìn chung cả 2 hệ thống đều có chừng 40 Phật tử tham dự để tụng cùng. Thế nhưng đến sáng ngày hôm sau xem lại thì đã có 300 hay 400 lần đã lướt qua phần trì tụng Kinh Đại Bát Nhã của ngày hôm trước. Có lẽ do trái giờ nên những châu lục khác không vào trì tụng kinh chung với chùa, nên mới xảy ra những việc như thế này.

Trong mùa An Cư Kiết Hạ năm nay có nhiều sự kiện đặc biệt và tôi sẽ viết để kể lại cho quý vị nghe, có liên quan đến người Đức, có nhiều cách khác nhau để họ đến tiếp cận với Phật giáo.

Việc thứ nhất là có một bà cụ người Đức độ trên 70 tuổi, có một người em mới qua đời; đồng thời con chó cưng của bà cũng đã mất. Bà nhớ thương con chó nên đã mang đến chùa, tìm quý Thầy làm lễ cầu siêu cho con chó và cho người em quá cố của mình. Nhìn lúc bà cúng dường để hồi hướng cho con chó, còn nhiều hơn là cúng hồi hướng cho em mình nữa. Ban đầu bà hay đến chùa vào lúc 17:00 giờ chiều mỗi ngày để tụng công phu chiều cùng Thầy Hạnh Nhẫn, nhưng nay thì tụng kinh Đại Bát Nhã bằng tiếng Việt cũng như ngồi Thiền mỗi tối, bà đều tham gia. Thầy Hạnh Nhẫn cho biết rằng nay bà tụng kinh A Di Đà và Mông Sơn Thí Thực bằng tiếng Việt đã nhuần nhuyễn lắm rồi. Từ đó bà bắt đầu làm công quả như tưới cây trên Chánh điện hay giúp Thầy Hạnh Nhẫn những việc nho nhỏ của Hương Đăng phải chu toàn.

Từ đó bà gần gũi với chùa nhiều hơn và xem chùa như là chỗ để đi về lúc tuổi già. Nhiều khi bà còn dẫn con gái của mình đến chùa vào những ngày Chủ nhật để cúng cơm cho người em trai của bà và con chó cưng nữa. Sau đó họ mang đồ cúng xuống trai đường để dùng cơm chung với Phật tử Việt Nam. Bây giờ không phải chỉ có một hai hay nhiều người Đức đến chùa, mà nhiều người ngoại quốc khác cũng đến chùa để cùng tụng kinh Đại Bát Nhã bằng tiếng Việt và sau đó cùng chung ngồi thiền. Sau khi xả thiền, họ trở về nhà và hôm khác lại đến. Họ còn rủ thêm nhiều người Đức đi chùa nữa. Họ cũng đã biết cúng dường Tam Bảo và làm công quả cho chùa.

Cách đây chừng 2 tuần lễ tôi đã nhận được một email viết bằng tiếng Đức. Nội dung như sau:

“Con tên là . . . . cách đây 25 năm về trước con đã học pháp và quy y với Thầy Thích Như Điển, vào ngày 14 tháng 7 này con làm lễ kết hôn với một người vợ Đức. Sau khi ký giấy kết hôn tại Tòa Thị Chính Hannover, con muốn vợ chồng con bất cứ giá nào cũng đến chùa để lễ Phật và nhờ quý Thầy đọc cho một bài kinh cầu nguyện, cũng như ban cho những lời giáo huấn theo cái nhìn của Đạo Phật khi làm lễ kết hôn. Con mong rằng quý Thầy sẽ giúp đỡ cho chúng con được toại nguyện.”

Nội dung chỉ có như vậy và khi đọc xong email tôi rất xúc động, nên viết email trả lời ngay là đồng ý vào ngày giờ đó sẽ làm lễ Hằng Thuận cho hai người theo nghi lễ Phật giáo tại Chùa Viên Giác, Hannover.

Rồi một hôm có một người Đức ở vùng Stuttgart viết email về cho Tu Viện Viên Đức như sau:

“Tôi đã tu Thiền Tuệ Minh Sát (Vipassana) theo truyền thống Nam Tông đã 25 năm rồi. Tôi có một người bạn cũng muốn cùng tôi đến Tu Viện Viên Đức ở Ravensburg để tự hành thiền và bế quan trong vòng 1 tuần lễ. Mong rằng quý Thầy hoan hỷ giúp đỡ cho.”

Sau đó tôi điện thoại cho Thầy Hạnh Vân đang Trụ Trì tại đó và tôi viết thư bằng tiếng Đức trả lời lại như sau:

“Trên nguyên tắc thì không có gì trở ngại cả. Với tôi Tiểu Thừa, Đại Thừa hay ngay cả Kim Cang Thừa cũng không sao. Cuối cùng rồi chúng ta chỉ có một Phật Thừa mà thôi. Vậy các bạn hãy đến và việc ăn uống xin tự lo liệu, chúng tôi chỉ cung cấp cho các bạn chỗ ăn, ở và tọa thiền, hành thiền trong vòng một tuần lễ. Còn việc cúng dường cho Tu Viện thì xin tùy tâm vậy.”

Mấy ngày sau đó thì hai người Đức này đã đến thăm Tu Viện và cuối cùng họ đã ở lại đây trong vòng 1 tuần lễ để hành Thiền. Cứ thế và cứ thế Phật giáo đã đi vào lòng người Đức cũng như người Âu, Mỹ, Úc, Phi lúc nào cũng không ai hay biết.

Ba câu chuyện trên đây là sự thật 100% và tôi hay lấy đó làm dẫn dụ khi có dịp nói chuyện với Đại chúng rằng: “Quý Thầy, Cô thấy đó, ngày xưa khi người Ý, người Pháp, người Tây Ban Nha, người Hòa Lan đến Á Châu mình giảng đạo, đã tốn hao không biết bao nhiêu tiền của, đôi khi còn phải đổi cả mạng sống nữa, với một mục đích duy nhất là mang Lời Chúa đến với mọi người; nhưng thuở ấy việc bách hại cấm đạo đã xảy ra một cách khốc liệt. Vì văn hóa giữa 2 xứ Đông Tây khác biệt nhau khá nhiều, nên mới xảy ra những cảnh sát hại những vị Linh mục như vậy. Còn ngày nay Phật giáo chúng ta đến các xứ Âu Mỹ này bằng nhiều lý do khác nhau; nhưng chúng ta đã chẳng phải tốn tiền để chiêu dụ người khác theo đạo Phật, chúng ta cũng không bị những chính quyền sở tại bắt nạt khi làm việc đạo tại đây, mà ngược lại là đằng khác. Chính quyền các nước Âu, Mỹ, Úc ngày nay đã chấp nhận giáo lý của Đức Phật một cách tự nhiên và đối xử bình đẳng với những Tôn Giáo địa phương khác như Thiên Chúa hay Tin Lành. Phật giáo vốn chủ trương Từ Bi, Trí Tuệ và Lợi Tha nên ngày nay người Tây phương theo đạo Phật không ít. Hãy lấy 3 câu chuyện bên trên để suy ngẫm thì chúng ta sẽ thâm hiểu được vấn đề nhiều hơn.”

Câu chuyện này còn kéo theo nhiều câu chuyện khác nữa và sau mỗi bữa dùng sáng lại có một đề tài khác nhau được nêu ra để cho được “Kiến hòa đồng giải” như sau: Nguyên là tại Chùa Viên Giác Hannover có rất nhiều chư Tăng Ni người ngoại quốc, đặc biệt là người Đức hay tới lui, nhiều khi xin ở lại nhiều ngày, nhiều tháng, có khi nhiều năm. Riêng tôi luôn khuyên Đại chúng rằng: “Hãy nên hoan hỷ và giúp đỡ họ. Quý Thầy, Cô thấy đó, nhìn những hình ảnh của những Tăng Ni người Đức ngồi tụng một thời kinh bằng tiếng Đức về Bát Nhã hay nhìn họ lạy Phật 3 lạy khi hết thời kinh, nhiều khi họ cũng hòa mình vào với Đại chúng niệm câu Phật hiệu Nam Mô A Di Đà Phật bằng tiếng Việt một cách nhịp nhàng, thật là đáng quý biết bao. Do vậy nên đối xử bình đẳng với họ, nhất là việc cúng dường. Lúc nào cũng nên cư xử theo tinh thần Lục Hòa là ‘Lợi hòa đồng quân’ là một chuyện nên làm”.

Từ đó tôi hay giảng rộng cho quý Thầy Cô nghe về thế nào là thường trụ Tăng, thế nào là khách Tăng, thập phương Tăng, chiêu đề Tăng, ngoại hộ Tăng v.v… Từ đó mọi người xem nhau như huynh đệ trong một nhà, mặc dầu chúng tôi theo nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau.

Đọc Đại Tạng Kinh để rõ lời Phật dạy và hành trạng của chư Tổ đã thực hành lời dạy của Đức Phật như thế nào, để từ đó chúng ta có được một bản đồ tu Phật nằm gọn trong tay thì chắc rằng chúng ta không lạc lối đi về đến Bảo Sở. Trong hai pháp học và pháp hành, thực ra pháp nào cũng quan trọng như nhau, nhưng theo tôi ở đời Mạt Pháp này, pháp hành rất quan trọng. Bởi lẽ lời Phật vang vọng từ xa, cách đây hơn 2.500 năm lịch sử. Tuy giáo pháp dạy người để giải thoát ấy còn đây; nhưng ngày nay người thực hành pháp quá ít, so với những gì họ đã học. Vấn đề quan trọng là phải hấp thụ giáo lý ấy như thế nào để được lợi mình và lợi người, thì đó mới là mấu chốt của vấn đề.

Quý vị đọc qua cả hằng mấy trăm trang sách mà tôi đã viết để giới thiệu về việc “Tôi đọc Đại Tạng Kinh” không biết quý vị có lãnh hội được một vài điều mà tôi đã trình bày chăng? Nếu không có gì cả thì đó quả thật là do lỗi của tôi quá vụng về vậy, vì đã không đáp ứng được nhu cầu của quý vị. Nếu có ít nhiều lợi lạc gì đó khi đọc quyển sách này thì tôi xin hồi hướng tất cả lên ba ngôi Tam Bảo để chứng minh và gia hộ cho quý vị luôn thẳng tiến đường tu để đạt thành giác ngộ, giải thoát.

Trong toàn bộ các bộ Đại Tạng đều ghi lại đầy đủ về Kinh, Luật và Luận. Chúng ta chỉ cần hạ thủ công phu siêng năng thọ trì, đọc tụng thì sẽ được lợi ích vô cùng. Nếu chúng ta thấy “kinh sách quá nhiều làm sao đọc cho hết”, thì hãy nhìn con tằm ăn dâu để ứng dụng vào đời sống thực tế của mình. Ban đầu chúng ta thấy có rất nhiều lá dâu nằm trên nia. Thấy cả một núi lá dâu, nhưng khi cho vào máng ăn của tằm, thì chẳng mấy chốc tằm ăn hết cả cọng lẫn lá, và lúc bấy giờ chúng ta chỉ thấy toàn là tằm nằm trên nia kia, chứ không còn thấy lá dâu đâu nữa cả. Do vậy người ta bảo rằng: “Ăn như tằm ăn lên” là vậy. Sau khi tằm ăn dâu thì chúng sẽ tạo thành con kén, sợi tơ, và người đời mang những sợi tơ ấy dệt nên những lụa là gấm vóc cho con người dùng.

Đã có lần Thiền Sư Nhất Hạnh bảo rằng: “Nếu tằm ăn dâu mà chỉ thải ra toàn là những chất dâu nguyên thủy, thì đâu có làm lợi ích được gì cho đời, mà tằm phải tạo ra những lụa là gấm vóc cho người dùng thì đó mới là điều hữu dụng”. Cũng như thế ấy, nếu chúng ta học giáo pháp của Đức Phật, mà không vận dụng được giáo pháp ấy để làm cho mình được an lạc, tự tại, cũng như giúp đời và giúp người được an vui hạnh phúc, thì việc thực hành pháp của chúng ta đã đi sai mục đích chính rồi.

Những gì tôi đã đọc, những gì tôi đã viết ra đây, vốn chỉ là những hiểu biết của một cá nhân thôi. Còn quý vị mới là quan trọng. Bởi lẽ nếu tôi đã giới thiệu một món ăn tinh thần cao cả ấy đến quý vị mà quý vị không trân quý, thì món ăn ấy cũng không còn tác dụng sâu xa vào tâm thức của quý vị nữa.

Phật giáo, hay nói đúng hơn là những lời Phật dạy quá cao siêu vĩ đại, nhưng nó cũng rất là đại chúng, rất bình dân không cầu kỳ, câu nệ như những câu chuyện thực tập pháp trong vòng 24 tiếng đồng hồ của mình trong mỗi ngày, hay của chư Tăng Ni trong mỗi mùa An Cư Kiết Hạ, và hình ảnh của những người Đức đã chấp nhận Phật giáo như là một liều thuốc dưỡng sinh khi tu học theo pháp môn của đạo Phật, thì đó chính là những thành quả của việc thực hành Pháp của Phật dạy vậy.

Sau khi viết xong gần 300 trang viết tay này, tôi sẽ dành thời gian để đọc lại và sửa những chỗ cần sửa hay thêm bớt cho những chỗ thiếu hay dư, sau đó mới nhờ chú Sanh đánh máy, sau khi có bản đánh máy tôi gởi cho cô Thanh Phi ở Úc, nhờ cô xem lại và sửa lỗi chính tả. Chừng này công đoạn cũng tốn cả mấy tháng trời. Việc tiếp theo là gởi qua cho Liên Phật Hội ở Hoa Kỳ để nhờ anh Nguyên Minh Nguyễn Minh Tiến chỉnh sửa lại toàn bộ quyển sách và dàn trang để đưa lên Amazon.

Lâu nay tôi đã có được mấy chục quyển sách đưa lên Amazon là nhờ sự hỗ trợ tài chánh đắc lực của Thiện Trí ở San Jose và vợ chồng Nguyên Hùng, Nguyên Ân ở Florida, USA. Ân nghĩa này tôi không bao giờ dám quên cả. Nếu không có những vị này thì tâm nguyện của tôi sẽ không bao giờ được thành tựu.

Sau khi đưa lên Amazon rồi, công đoạn tiếp theo là Phật tử Nguyên Đạo sẽ đặt sách để gởi đến những nơi nào cần gởi. Vì Amazon giống như một Đại Thư Viện trên không trung, ở đâu cũng có thể mua được và lúc nào cũng có thể nhờ họ in được, chứ chúng ta không cần phải in ra một lần mấy ngàn quyển như lâu nay.

Quyển sách này viết năm 2021, nhưng đến năm 2022 mới xuất bản được. Bởi lẽ cần có nhiều thời gian để thực hiện những công đoạn như trên và mong rằng khi độc giả đọc đến sẽ có được một niềm hỷ lạc nho nhỏ nơi tâm là tốt lắm rồi.

Lời cuối của tôi phải niệm ân tất cả Đại chúng Chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc. Nếu không có những Thầy, Cô lo cho tôi từ miếng ăn, đồ mặc hay chỗ ở như Thầy Hạnh Lý, hoặc đưa hình ảnh lên Facebook như cháu Thiện Đức Văn Nhật Tâm, Thiện Tuệ Kevin Ngô v.v… thì tôi đã không làm nên được những công việc hằng ngày như đã dự định. Ngoài ra việc ăn uống cũng là một vấn đề hệ trọng, nếu không có Anh Vũ chăm sóc cho tôi cũng như Đại chúng Viên Giác mỗi ngày ba bữa cơm cháo tương rau để có đủ dưỡng chất thật là lành mạnh, nhằm dưỡng nuôi cơ thể này, thân ít mang tật bệnh, thì không thể hoàn thành những gì như tôi đã dự định.

Xin niệm ân chính phủ Đức đã rải lòng từ, cứu giúp cho cả 80 triệu dân Đức đỡ chết nhiều sau cơn đại dịch Covid 19, mà còn cung cấp thuốc men cho nhiều quốc gia khác, thuốc chủng miễn phí, để họ có thể đối phó với sự chết chóc hằng ngày đã xảy ra khắp đó đây trên quả địa cầu này.

Chương phụ lục kế tiếp là tài liệu nên tham khảo. Đây cũng là một nhân duyên và tôi sắp trình bày vậy. Nguyên là sau khi thành lập Hội Đồng Chứng Minh và Hội Đồng Hoằng Pháp của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất do Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ làm Cố vấn chỉ đạo đề xướng, mà nhân sự đa phần đều ở ngoại quốc. Thành phần cốt cán vẫn là nhân sự của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Liên Châu gồm: Canada, Hoa Kỳ, Úc Châu và Âu Châu. Phiên họp được hình thành vào ngày 10 tháng 5 năm 2021, gồm 4 Ban. Đó là:

- Ban Truyền Bá giáo lý

- Ban Trước Tác và Phiên dịch

- Ban Truyền Thông Báo Chí và Xuất Bản

- Ban Bảo Trợ.

Từ đó về sau này, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ liên lạc thường xuyên với tôi hơn, vì tôi đang giữ vai trò Chánh Thư Ký của Hội Đồng Hoằng Pháp này cùng với 2 vị Phó Thư Ký, là Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu (Hoa Kỳ) và Hòa Thượng Thích Bổn Đạt (Canada). Ưu tiên hàng đầu của Hòa Thượng Tuệ Sỹ là kế thừa và tiếp tục phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam, từ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshyu Daizokyo). Ngoài ra Ban Trước Tác và Phiên Dịch dưới sự cố vấn của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ còn đảm nhận nhiều công việc khảo đính và phiên dịch những ngôn ngữ khác nữa để đưa vào Đại Tạng. Đây là công việc của nhiều thế kỷ và cả hàng trăm, hàng ngàn người, chứ sức của một vài người dầu tài giỏi đến đâu đi nữa cũng khó mà thực hiện được. Do vậy Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ mới đứng ra cố vấn chỉ đạo cho Hội Đồng này.

Ngài gởi cho tôi 3 tập tài liệu quan trọng. Đó là:

Biên Bản Hội Nghị toàn thể Hội Đồng Phiên dịch Tam Tạng của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, được họp tại Đại Học Vạn Hạnh ở Sài Gòn từ ngày 20 đến ngày 22 tháng 10 năm 1973.

Văn kiện thứ hai: “Giới thiệu công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam” của Ngài Trí Siêu và Hòa Thượng Tuệ Sỹ viết vào mùa Phật Đản năm 2552 - Mậu Tý 2008.

Văn kiện thứ ba: “Một số vấn đề ngữ pháp trong các Bản dịch Phạn Hán” của Hòa Thượng Tuệ Sỹ viết, không thấy tài liệu này được viết vào thời điểm nào, nhưng tôi nghĩ rằng phải được viết sau tài liệu thứ 2 bên trên.

Đọc biên bản thứ nhất chúng ta phải cúi đầu kính ngưỡng quý Trưởng Lão Hòa Thượng, đã không ngại tuổi cao, sức khỏe yếu kém mà 18 vị đã nghiêng vai kề gánh trách nhiệm công việc phiên dịch trọng đại này. Bây giờ nhìn lại thì chỉ còn một mình Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ còn hiện hữu, với tư cách là thành viên trẻ nhất lúc bấy giờ vào thời điểm năm 1973, và năm nay 2021 thì Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ cũng đã 78 tuổi rồi (sinh năm 1943). Do vậy Ngài mong muốn thực hiện tâm nguyện của các bậc tiền bối, trước khi sức khỏe không còn cho phép để cáng đáng được nhiều công việc nặng nề hơn nữa.

Dĩ nhiên là trước năm 1973 nhiều bộ Kinh, Luật và Luận đã được nhiều Hòa Thượng dịch ra Việt ngữ rồi như: Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Đại Bát Niết Bàn v.v… Luật như: Tứ Phần Luật, Bồ Tát giới v.v… Luận thì có Đại Thừa Khởi Tín Luận, Đại Trí Độ Luận v.v… nhưng chưa biên tập thành như Đại Chánh Tạng của Nhật Bản đã biên tập. Bởi lẽ thời điểm cuối năm 1973 chiến tranh Việt Nam đã leo thang khủng khiếp và tiếp theo ngày 30 tháng 4 năm 1975 miền Nam Việt Nam bị thất thủ; một số quý Hòa Thượng trong Hội Đồng phiên dịch bị tù đày, bệnh hoạn hoặc nhiều lý do khác nhau bao phủ lên cả Dân Tộc và Đạo Pháp Việt Nam lúc đương thời, nên tâm nguyện ấy các Ngài đã không thực hiện trọn vẹn được.

Trong thời gian trước và sau năm 1975, cố Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm đã dịch bộ Đại Bát Nhã gồm 600 cuốn trong vòng 20 năm (1972-1992), rồi Hòa Thượng Thích Đỗng Minh dịch nhiều bộ luật giá trị, Hòa Thượng Thích Thiện Siêu tiếp tục dịch Đại Trí Độ Luận v.v… Thế rồi năm 1994 cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh sau khi tốt nghiệp Tiến Sĩ tại Đài Loan đã về nước, gặp một số chư Tôn Đức trong Hội Đồng Phiên Dịch cũ và đã thương lượng như thế nào đó để một số Kinh, Luật và Luận được đưa vào Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, nhất là 17 quyển đầu từ Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm, Tăng Nhất A Hàm và Bộ Bản Sanh thì không có lỗi gì nhiều, trong này cũng có những bản dịch của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ nữa.

Phần những tập tiếp theo thuộc về Kinh, Luật rồi Luận có nhiều người khác dịch như: Đại Tập Bộ, Kinh tập bộ 1 đến Kinh tập bộ 4, sau đó đến phần Mật Giáo từ tập thứ 18 đến tập thứ 21, thì Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh không cho dịch và cũng không có mặt trong Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, trừ bản dịch về Kinh Lăng Nghiêm của Bác Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám.

Kể từ tập thứ 22 thuộc về bộ luật cho đến tập thứ 24. Tập thứ 25 thuộc giải thích kinh luận cho đến tập 26. Từ tập này đến tập thứ 29 thuộc Tỳ Đàm bộ. Từ tập 30 thuộc Trung Quán bộ và Du Già. Tập 32 thuộc Luận tập bộ. Tập 33 thuộc kinh sớ cho đến tập thứ 39. Tập 40 thuộc về luật sớ bộ. Kể từ tập thứ 41 đến tập 44 thuộc luận sớ bộ và từ tập 44 đến tập thứ 48 thuộc Chư Tông bộ. Từ tập thứ 49 đến tập 52 thuộc Sử truyện bộ. Tập thứ 53 và nửa phần tập 54 thuộc bộ Sự Vựng, cho đến kinh văn số 2131 thuộc về Ngoại giáo bộ của tập thứ 54 này, là hết phần dịch ra Việt ngữ của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

Nếu chia ra cho rõ ràng như Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh thì phải hiểu rằng: Tập thứ nhất thuộc A Hàm bộ Thượng; tập thứ 2 thuộc A Hàm bộ Hạ. Tập thứ 3 và thứ 4 thuộc bộ Bản Duyên; từ tập thứ 5 đến tập thứ 8 thuộc bộ Bát Nhã. Tập thứ 9 thuộc bộ Pháp Hoa và bộ Hoa Nghiêm; bộ Hoa Nghiêm cho đến hết tập thứ 10. Sau đó tập thứ 11 đến tập thứ 12 là bộ Bảo Tích và bộ Niết Bàn; tập thứ 13 thuộc Đại Tập bộ. Tập 14 cho đến tập thứ 17 thuộc Kinh tập bộ và từ tập thứ 18 đến tập thứ 54 như bên trên đã giải thích.

Bởi lẽ chư Tăng Ni còn đang học trong các Phật Học Viện dịch và chú giải ra Việt ngữ, chưa có kinh nghiệm nhiều và hầu như không có người giảo chánh lại tất cả các bản dịch, nên việc dịch sai lời, sai ý của kinh văn đã gặp phải không ít, nhất là 15 quyển sau cùng về bộ Sử Truyện và bộ Sự Vựng. Trong 15 quyển này từ quyển thứ 188 đến quyển thứ 202 của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, tôi đã xem qua hết, nhưng chỉ sửa được những lỗi chính tả cần thiết, chứ không tra cứu vào bản chữ Hán của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Lý do là không đủ người và thì giờ để thực hiện công việc này.

Dẫu sao đi nữa thì khi Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh được in hết 202 tập, thì cũng là một công trình đầu tiên của Phật giáo Việt Nam về Đại Tạng Kinh bằng Việt ngữ. Tuy còn sai nhiều, nhưng so với 2.000 năm lịch sử của Phật giáo Việt Nam, thì đây là một sự đóng góp không nhỏ cho Phật giáo Việt Nam của cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh nói riêng và cộng đồng Phật giáo Việt Nam nói chung, để chúng ta có được một bộ Đại Tạng Kinh bằng chữ Việt như các dân tộc Nhật Bản, Đại Hàn, Tây Tạng v.v…

Tuy còn phải sửa đổi lại cách dịch hay dịch lại các bản dịch khó hiểu đi nữa, thì bộ Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh vẫn là bộ đầu tiên được hoàn thành bằng Việt ngữ của Phật giáo Việt Nam, và sau đó những bộ Đại Tạng Kinh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời do Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ chủ trương, cũng sẽ hoàn thành với sự cộng tác đóng góp của Hội Đồng Hoằng Pháp; hay bộ Việt Nam Thánh Điển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trương v.v… Tất cả những sự đóng góp này đều đã nói lên được tinh thần dấn thân cao cả của chư Tôn Đức Tăng Ni và Phật tử, đã nghĩ đến việc phát triển lâu dài về sau này cho những thế hệ tương lai không rành Hán ngữ, thì những việc hy hiếm này đáng được cung kính đảnh lễ biết bao nhiêu.

Phần tôi cũng chỉ hy vọng như thế và mong rằng một Đại Tạng Kinh bằng Việt ngữ hoàn bị sẽ xuất hiện trong tương lai không xa.

Kính nguyện thập phương Tam Bảo, chư Phật, chư lịch đại Tổ Sư thùy từ gia hộ cho Phật giáo Việt Nam chúng ta có được một Đại Tạng Kinh hoàn hảo nhất mà từ xưa đến nay chưa hoàn thành được.

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát tác đại chứng minh

Tác giả Thích Như Điển

Viết xong quyển sách này vào ngày 9 tháng 7 năm 2021, nhằm ngày 30 tháng 5 năm Tân Sửu, tại thư phòng của Tổ Đình Viên Giác Hannover, Đức quốc.

Hôm nay cũng là ngày khai mạc Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 32 trên hệ thống Zoom – Online cho gần 500 chư Tôn Đức Tăng Ni và học viên Phật tử gồm 21 quốc gia tham dự.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 10 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Đại Bát Niết-bàn


Những Đêm Mưa


Những tâm tình cô đơn


Đừng bận tâm chuyện vặt

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.12.151.118 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...