Bây giờ, chúng ta nói về giáo pháp Tứ diệu đế của đạo Phật. Nghi vấn đầu
tiên có thể đưa ra là: Tại sao các chân lý này lại được xem là cơ bản
nhất, và trong thực tế, tại sao đức Phật lại giảng dạy những chân lý
này?
Để trả lời được vấn đề này, ta phải liên hệ giáo pháp Tứ diệu đế với
kinh nghiệm của chính ta trong kiếp người. Một sự thật hoàn toàn tự
nhiên trong cuộc sống là: Mỗi người chúng ta đều có một khát vọng bẩm
sinh luôn tìm kiếm hạnh phúc và muốn vượt qua khổ đau. Đây là một bản
năng sẵn có, nên ta không cần phải chứng minh sự tồn tại của nó. Hạnh
phúc là điều mà tất cả chúng ta đều khao khát muốn đạt được, và dĩ nhiên
chúng ta có quyền đáp ứng sự khao khát đó. Cũng vậy, khổ đau là điều mà
ai cũng mong muốn tránh khỏi, và chúng ta cũng có quyền nỗ lực để vượt
qua đau khổ. Nếu như sự khát khao đạt được hạnh phúc và vượt qua đau khổ
là bản chất sẵn có của mọi sinh vật, và cũng là một nhu cầu tự nhiên,
vậy thì vấn đề là chúng ta phải nỗ lực như thế nào để đáp ứng sự khao
khát đó.
Vấn đề này đưa ta đến với giáo pháp Tứ diệu đế; vì giáo pháp này giúp ta
hiểu được mối quan hệ giữa hai loại sự kiện: nguyên nhân và kết quả. Một
mặt, ta phải gánh chịu khổ đau, nhưng khổ đau không phải tự nhiên mà có,
mà được sinh khởi từ các nguyên nhân và điều kiện của chính nó. Mặt
khác, ta được huởng hạnh phúc, thì hạnh phúc cũng chỉ có được từ những
nguyên nhân và điều kiện của chính nó.
Trong đạo Phật, khi nói đến hạnh phúc ta không chỉ hiểu một cách giới
hạn như một trạng thái cảm xúc. Chắc chắn sự tịch diệt (trạng thái chấm
đứt hoàn toàn mọi đau khổ) không phải là một trạng thái của cảm xúc,
nhưng ta có thể nói rằng tịch diệt là dạng cao tột nhất của hạnh phúc.
Bởi vì, theo định nghĩa thì tịch diệt là hoàn toàn thoát khỏi mọi khổ
đau. Nhưng trạng thái tịch diệt, hay hạnh phúc chân thật, lại cũng không
phải tự nhiên xuất hiện hay hoàn toàn không có nguyên do. Dĩ nhiên, đây
là một điểm hết sức tinh tế, vì theo quan điểm Phật giáo thì tịch diệt
không phải là một sự kiện duyên sinh, nên không thể nói là nó được tạo
thành hay gây ra bởi bất cứ điều gì. Thế nhưng, sự hiện thực hóa hay đạt
tới tịch diệt lại quả thật là phụ thuộc vào con đường tu tập và nỗ lực
của cá nhân. Bạn không thể đạt tới trạng thái tịch diệt nếu không có sự
nỗ lực. Do đó, trong ý nghĩa này ta có thể nói rằng con đường dẫn tới sự
tịch diệt là nguyên nhân của tịch diệt.
Giáo pháp Tứ diệu đế phân biệt một cách rõ ràng hai loại nguyên nhân và
kết quả: những nguyên nhân gây ra đau khổ và những nguyên nhân tạo ra
hạnh phúc. Bằng cách chỉ ra cách phân biệt những nguyên nhân này trong
cuộc sống, mục đích của giáo pháp này không gì khác hơn là giúp ta đáp
ứng khát vọng sâu xa nhất của mình – đạt được hạnh phúc và vượt qua đau
khổ.
Khi đã nhận hiểu được lý do đức Phật truyền giảng giáo pháp Tứ diệu đế,
có thể chúng ta sẽ tiếp tục tự hỏi về lý do của việc sắp xếp các chân lý
đó theo một trình tự đặc biệt. Tại sao Tứ diệu đế được dạy theo một trật
tự nhất định, bắt đầu về sự khổ (Khổ đế) rồi tiếp tục với nguyên nhân
của sự khổ (Tập khổ đế)... Về điểm này, ta nên hiểu rằng trình tự giảng
dạy giáo pháp Tứ diệu đế không liên quan gì đến trình tự sinh khởi của
sự vật trong thực tại. Đúng hơn thì trình tự đó liên quan đến việc một
người nên khởi đầu như thế nào để thực hành đạo Phật và đạt tới sự chứng
ngộ nhờ vào sự thực hành đó.
Trong Tối thượng luận,
[15] ngài Di-lặc (Maitreya)
cho rằng có bốn giai đoạn để chữa một chứng bệnh:
Cũng giống như một căn bệnh cần được chẩn đoán, những nguyên nhân gây
bệnh cần được loại trừ, một trạng thái khoẻ mạnh cần đạt tới và phương
pháp chữa trị cần được áp dụng; cũng vậy, sự đau khổ cần phải được nhận
biết, các nguyên nhân gây ra đau khổ cần phải được loại trừ, sự chấm dứt
của đau khổ cần phải đạt tới và con đường tu tập để dứt khổ cần phải
được thực hành.
[16]
Ngài Di-lặc đã sử dụng sự tương tự của một người bệnh để giải thích
phương cách đạt được sự giác ngộ dựa trên giáo pháp Tứ diệu đế. Để một
bệnh nhân được lành bệnh, trước hết người đó phải biết mình đang mang
bệnh, nếu không thì sẽ không có mong muốn chữa bệnh. Một khi đã nhận
biết mình có bệnh, thì tất nhiên là bạn sẽ cố tìm biết những nguyên nhân
gây bệnh và những gì làm cho bệnh nặng thêm. Khi đã xác định được những
điều này, bạn sẽ biết được liệu căn bệnh có thể chữa khỏi hay không, và
bạn sẽ khởi lên ước muốn được khỏi bệnh. Thật ra cũng không chỉ đơn
thuần là một ước muốn, vì một khi đã nhận biết được các điều kiện đã dẫn
đến căn bệnh, niềm khao khát được khỏi bệnh sẽ càng mạnh mẽ hơn nhiều vì
sự nhận biết đó mang lại cho bạn sự an tâm và tin chắc rằng sẽ vượt qua
được căn bệnh. Với lòng tin chắc đó, bạn sẽ sẵn lòng dùng đến tất cả các
loại thuốc men và phương pháp điều trị cần thiết.
Cũng giống như vậy, ngay từ đầu niềm khao khát được thoát khỏi sự khổ
đau sẽ không sinh khởi trừ phi bạn nhận biết được là mình đang đau khổ.
Bởi vậy, sự thực hành trước tiên của người Phật tử là nhận biết trạng
thái hiện thời của mình là khổ đau, thất vọng và không thỏa mãn, trong
tiếng Phạn gọi là duḥkha. Chỉ khi đó bạn mới muốn nhìn vào các nguyên
nhân và điều kiện đã gây ra đau khổ.
Điều rất quan trọng là phải hiểu được bối cảnh mà trong đó Phật giáo
nhấn mạnh tới việc nhận ra rằng tất cả chúng ta đều ở trong trạng thái
khổ đau, nếu không thì sẽ có nguy cơ hiểu nhầm quan điểm của Phật giáo,
cho rằng đó là những tư tưởng u ám, một chủ nghĩa bi quan về cơ bản và
gần như là một nỗi ám ảnh về sự khổ đau trong thực tại.
Lý do mà đức Phật hết sức nhấn mạnh vào việc phát triển một hiểu biết
sâu sắc về bản chất của khổ đau là vì còn có một khả năng thay thế – có
một lối thoát, và chúng ta thật sự có khả năng tự giải thoát khỏi mọi
khổ đau. Đây là lý do vì sao việc nhận biết được bản chất của khổ đau là
hết sức thiết yếu. Bởi vì, sự thấu hiểu về khổ đau càng vững vàng và sâu
sắc thì sự khao khát được giải thoát khỏi khổ đau sẽ càng mạnh mẽ hơn.
Do vậy, sự nhấn mạnh của Phật giáo về bản chất khổ đau nên được nhìn
trong bối cảnh rộng hơn như thế, với sự đánh giá cao về khả năng hoàn
toàn giải thoát khỏi khổ đau. Nếu ta không nghĩ đến sự giải thoát, thì
việc dành nhiều thời gian để quán chiếu về khổ đau cũng là hoàn toàn vô
nghĩa.
Chúng ta có thể nói rằng, hai loại nguyên nhân và kết quả mà tôi vừa đề
cập trên đây, một mặt chỉ đến tiến trình của những chúng sinh chưa giác
ngộ, liên quan đến chuỗi nhân quả giữa khổ đau và nguồn gốc của nó; mặt
khác lại chỉ đến tiến trình của những chúng sinh giác ngộ, gắn liền với
những liên kết nhân quả giữa con đường tu tập và sự tịch diệt hoàn toàn.
Khi đức Phật diễn giải chi tiết về hai quá trình này, Ngài đã chỉ dạy
giáo pháp về Thập nhị nhân duyên, trong tiếng Phạn gọi là 12 nidna
(dvdaśanidna).
[17]
Các nidna là mười hai mối liên hệ trong chu kì của cuộc sống đi từ vô
minh
[18] đến hành (hay “tác ý”),
[19]
đến thức... và tiếp tục cho đến già và chết (lão tử). Khi tiến trình
nhân quả của một chúng sinh chưa giác ngộ được mô tả chi tiết – nghĩa là
một đời sống trong vòng đau khổ và những nguyên nhân của đau khổ – thì
trình tự của 12 nhân duyên bắt đầu từ vô minh, tiếp tục với hành,
thức... vân vân. Trình tự này mô tả cách thức một chúng sinh, do nơi
những nguyên nhân và điều kiện nhất định, phải rơi vào tiến trình của
một đời sống mê muội.
Mặc dù vậy, cũng một chúng sinh đó, nếu có thực hành những sự tu tập tâm
linh nào đó, thì có thể làm đảo ngược tiến trình này, và trình tự ngược
lại đó chính là trình tự của tiến trình dẫn tới giác ngộ. Chẳng hạn, nếu
chuỗi tương tục của vô minh kết thúc thì chuỗi tương tục của các hành vi
tác ý cũng sẽ dừng. Nếu những hành vi đó đã dừng lại, thì chỗ dựa của
những hành vi ấy là thức cũng sẽ dừng lại, và cứ tiếp tục như vậy...
Bạn có thể thấy rằng, trong một ý nghĩa nào đó, giáo pháp Thập nhị nhân
duyên là một sự trình bày chi tiết về hai loại nguyên nhân và điều kiện
đã được mô tả trong Tứ diệu đế.