Hãy đạt đến thành công bằng vào việc phụng sự người khác, không phải dựa vào phí tổn mà người khác phải trả. (Earn your success based on service to others, not at the expense of others.)H. Jackson Brown, Jr.
Kẻ bi quan than phiền về hướng gió, người lạc quan chờ đợi gió đổi chiều, còn người thực tế thì điều chỉnh cánh buồm. (The pessimist complains about the wind; the optimist expects it to change; the realist adjusts the sails.)William Arthur Ward
Trời không giúp những ai không tự giúp mình. (Heaven never helps the man who will not act. )Sophocles
Cơ học lượng tử cho biết rằng không một đối tượng quan sát nào không chịu ảnh hưởng bởi người quan sát. Từ góc độ khoa học, điều này hàm chứa một tri kiến lớn lao và có tác động mạnh mẽ. Nó có nghĩa là mỗi người luôn nhận thức một chân lý khác biệt, bởi mỗi người tự tạo ra những gì họ nhận thức. (Quantum physics tells us that nothing that is observed is unaffected by the observer. That statement, from science, holds an enormous and powerful insight. It means that everyone sees a different truth, because everyone is creating what they see.)Neale Donald Walsch
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Khi gặp phải thảm họa trong đời sống, ta có thể phản ứng theo hai cách. Hoặc là thất vọng và rơi vào thói xấu tự hủy hoại mình, hoặc vận dụng thách thức đó để tìm ra sức mạnh nội tại của mình. Nhờ vào những lời Phật dạy, tôi đã có thể chọn theo cách thứ hai. (When we meet real tragedy in life, we can react in two ways - either by losing hope and falling into self-destructive habits, or by using the challenge to find our inner strength. Thanks to the teachings of Buddha, I have been able to take this second way.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Trực giác của tâm thức là món quà tặng thiêng liêng và bộ óc duy lý là tên đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội tôn vinh tên đầy tớ và quên đi món quà tặng. (The intuitive mind is a sacred gift and the rational mind is a faithful servant. We have created a society that honor the servant and has forgotten the gift.)Albert Einstein
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Bạn nhận biết được tình yêu khi tất cả những gì bạn muốn là mang đến niềm vui cho người mình yêu, ngay cả khi bạn không hiện diện trong niềm vui ấy. (You know it's love when all you want is that person to be happy, even if you're not part of their happiness.)Julia Roberts
Các sinh vật đang sống trên địa cầu này, dù là người hay vật, là để cống hiến theo cách riêng của mình, cho cái đẹp và sự thịnh vượng của thế giới.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Đông phương huyền bí »» CHƯƠNG 3: NGƯỜI ĐẠO SĨ BÊN BỜ SÔNG ADYAR »»

Đông phương huyền bí
»» CHƯƠNG 3: NGƯỜI ĐẠO SĨ BÊN BỜ SÔNG ADYAR

Donate

(Lượt xem: 5.490)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       


Đông phương huyền bí - CHƯƠNG 3: NGƯỜI ĐẠO SĨ BÊN BỜ SÔNG ADYAR

Font chữ:

Những tuần lễ sau đó, tôi vượt qua vùng cao nguyên Décan để đi xuống miền nam. Tôi viếng thăm nhiều nơi danh lam thắng cảnh, nhưng không gặp một nhân vật nào đáng kể. Tuy nhiên, có một sức mạnh huyền bí mà tôi nhắm mắt tuân theo không suy nghĩ đã thúc giục tôi tiếp tục tiến bước.

Ngày nọ, tôi ngồi trên chuyến xe lửa đêm đi xuống Madras, và không tìm thấy giấc ngủ. Tôi bèn ngồi dậy để thử kiểm điểm những kết quả đã thu thập được. Tôi phải nhìn nhận rằng những kết quả ấy rất mỏng manh, và tôi chưa có dịp gặp gỡ một người đạo sĩ nào. Còn nói về hy vọng gặp được một vị chân sư thì tôi đành tạm gác sang một bên vì chưa thấy có chút manh mối tương quan nào cả.

Ngược lại, tôi đã gặp phải không biết bao nhiêu những sự dị đoan mê tín và những tập quán cổ xưa lỗi thời. Bây giờ tôi mới hiểu những nụ cười nghi hoặc và những lời cảnh cáo của các bạn tôi ở Bombay. Lần đầu tiên tôi nhận thức được sự khó khăn của vấn đề tôi đang theo đuổi.

Nói về những tu sĩ tự xưng là sùng tín và đạo hạnh thì ở xứ này không thiếu. Họ họp thành một thành phần đông đảo không thể tưởng tượng. Nhưng có đáng để tốn công nhọc sức đi tìm những người như thế hay không thì lại là một chuyện khác.

Bạn đi ngang qua một ngôi đền cổ kính thâm nghiêm, bề ngoài có vẻ rất hấp dẫn và đầy hứa hẹn. Bạn bước vào trong với một tấm lòng sùng kính thiêng liêng và tiến đến gần nơi thánh điện. Bạn nhìn vào trong và bạn thấy những gì? Những người hành lễ ngây ngô vừa cầu nguyện vừa rung một cái chuông nhỏ để làm cho những lời cầu xin của họ được thấu đến tai của những vị thần trong đền!

Thành phố Madras với những phong cảnh tưng bừng nhộn nhịp và màu sắc địa phương rực rỡ lạ mắt làm cho tôi rất thích thú. Tôi tạm trú ở một vùng ngoại ô cách thành phố hai dặm. Nơi đây tôi sẽ được gần gũi với người bản xứ hơn là ở khu sang trọng dành cho người Âu.

Tôi đi theo con đường cái, nhà cửa hai bên đường đều quét vôi trắng, trước mỗi nhà đều có một hàng hiên để hóng mát. Chung quanh vùng có cây cối sầm uất, cảnh vật tươi tốt trông thật thích mắt. Cách đó chừng nửa dặm, con sông Adyar uốn quanh, dòng nước chảy chậm chạp lờ đờ. Hai bên bờ sông có những vườn dừa che bóng mát rượi. Tôi định lúc nào rảnh rang sẽ đi bách bộ dạo chơi dưới bóng những hàng dừa, hoặc ngồi ngắm cảnh trên bờ sông. Con sông Adyar chảy về ngoại ô phía nam thành phố Madras, trước khi đổ ra vịnh Coromandel.

Một buổi sớm mai, tôi dạo chơi trên bờ sông với một người thanh niên Ấn mà tôi mới làm quen và tôi đã có dịp thổ lộ với anh ta về mục đích cuộc sưu tầm của tôi. Thình lình anh ta nắm lấy tay tôi và nói:

– Kìa! Ông hãy nhìn xem, người đang đi về phía chúng ta từ đàng xa kia là một yogi. Có lẽ ông sẽ muốn biết về người ấy, nhưng có điều rất tiếc là khó mà làm quen được với với ông ta.

– Tại sao vậy?

– Tôi biết chỗ ông ta ở, nhưng tôi chưa từng thấy ai dè dặt và kín đáo như người này.

Người lạ mặt đã tiến đến gần chúng tôi. Ông ta có cái vóc vạc cao lớn lực lưỡng và trạc độ ba mươi lăm tuổi. Gương mặt có điều làm cho tôi chú ý nhất là những nét đặc biệt của một người da đen: nước da rất sậm, mũi thấp, cặp môi dày, vai rộng. Tóc ông ta dài và cột lại thành một búi nhỏ trên đỉnh đầu. Ông ta đeo hai cái khoen lớn khác thường dưới hai trái tai. Ông ta vận một cái chăn quấn chung quanh thân mình, một đầu vắt lên vai bên trái, hai vai để trần và đi chân trần.

Ông ta đi ngang qua chúng tôi với những bước đi chậm rãi, mắt nhìn xuống đất như đang tìm một vật gì và dường như không nhìn thấy chúng tôi. Đằng sau đôi mắt đó hẳn phải là một tâm hồn sáng suốt linh hoạt, và tôi tự hỏi trong cơn suy tư trầm lặng và đơn chiếc của ông ta lúc ấy, không biết ông ta đang suy gẫm về vấn đề gì.

Tôi bỗng có ý muốn phá tan bức rào ngăn cách với con người kỳ lạ đó. Lúc ấy ông ta đã đi qua khỏi chỗ chúng tôi đứng. Tôi bèn đề nghị:

– Tôi muốn nói chuyện với ông ta. Chúng ta hãy quay trở lại.

Người thanh niên bèn cản tôi:

– Ông sẽ mất thời giờ vô ích thôi.

– Nhưng hãy thử xem, biết đâu.

Người bạn tôi lại can ngăn lần nữa:

– Người này sống ẩn dật và cách biệt đến nỗi không ai biết gì cả về cuộc đời của ông ta. Ông ta tránh xa tất cả mọi người, thậm chí đến cả những người láng giềng. Tốt hơn, chúng ta không nên quấy rầy ông ta.

Nhưng tôi đã quyết định quay trở lại, và người bạn trẻ của tôi đành phải đi theo. Không bao lâu, chúng tôi đã theo gần kịp người lạ mặt. Ông ta vẫn tiến bước mà không tỏ vẻ gì biết rằng có chúng tôi đi theo. Chúng tôi cố đi nhanh hơn để vượt lên. Tôi bảo người bạn tôi:

– Anh hãy nói giúp là tôi muốn nói chuyện với ông ta.

Người bạn trẻ của tôi do dự và lắc đầu từ chối:

– Tôi không dám.

Không muốn bỏ qua một cơ hội tốt, tôi quyết định phải đánh bạo làm quen. Tôi không còn cách nào khác, đành bất chấp những luật lệ xã giao thông thường. Tôi bèn đứng chặn đường người yogi và thốt ra một câu ngắn ngủi rút trong số vốn tiếng Ấn Độ nghèo nàn của tôi. Người lạ mặt ngước mắt nhìn lên, miệng hơi nở một nụ cười, nhưng lại lắc đầu tỏ vẻ không muốn bị làm phiền.

Người bạn trẻ của tôi thấy rằng đã đến lúc anh ta phải can thiệp. Bằng một giọng do dự, anh ta nói vài lời xin lỗi bằng tiếng Tamoul. Người yogi không đáp lại, nét mặt ông ta trở nên cứng rắn, cặp mắt lạnh lùng cách biệt. Người thanh niên luống cuống nhìn tôi, sự im lặng càng trở nên nặng nề và khó chịu. Làm sao thoát ra khỏi tình trạng đó?

Trong cơn bối rối, tôi mới biết rằng thật không phải dễ gì mà làm cho một người ẩn sĩ mở miệng để nói chuyện với mình. Những người ấy hẳn là không thích bị ai phỏng vấn, đừng nói chi là tiếp đón một người ngoại chủng tọc mạch muốn biết về đời sống nội tâm của họ. Điều mà họ càng không thích hơn nữa là phải nói chuyện với một người Anh, là hạng người mà họ luôn có định kiến rằng không hề có một chút thiện cảm hoặc hiểu biết gì về những điều huyền vi tế nhị của pháp môn Yoga.

Nhưng ý nghĩ đó bị xô đuổi bởi một ý nghĩ khác. Tôi cảm thấy rõ rệt rằng mình đang là cái đích đặt dưới sự dò xét tỉ mỉ và sâu sắc của người yogi. Tôi chắc chắn rằng phía sau vẻ mặt thờ ơ lãnh đạm kia, ông ta đang chú ý thăm dò những ý nghĩ thầm kín nhất của tôi. Hay là tôi đã lầm? Nhưng tôi vẫn không thể gạt bỏ cái cảm giác khó chịu đó: tôi đang là một vật khám nghiệm dưới một ống kính hiển vi!

Người thanh niên lấy làm bực mình và ngầm lấy cùi chỏ thúc vào hông tôi, như muốn nói rằng ta hãy nên lui bước. Anh ta làm cho tôi khó chịu, và chỉ độ một phút nữa là tôi cũng đành nhượng bộ rút lui và nhìn nhận sự thất bại của mình. Nhưng ngay khi đó, người yogi cử động; ông ta đưa tay chỉ một gốc dừa gần bên và ra hiệu bảo chúng tôi cùng đến ngồi dưới bóng cây. Ông ta ngồi xuống sau hết và nói vài lời bằng tiếng Tamoul với người thanh niên.

Tôi nhận thấy giọng nói ông ta trong và ấm gần như tiếng nhạc. Người bạn trẻ của tôi thông dịch lại:

– Đạo sĩ nói rằng người sẵn lòng tiếp chuyện với ông.

Tôi liền hỏi quí danh đạo sĩ và được biết ông ta có một cái tên rất dài. Tôi bèn xin phép gọi ông ta là Brama cho tiện và dễ nhớ. Tôi nói với người thanh niên:

– Anh hãy nói giùm là tôi rất chú trọng đến pháp môn Yoga và tôi muốn được hiểu biết ít nhiều về khoa ấy.

Người yogi nghe xong liền gật đầu mỉm cười:

– À! Tôi cũng đoán là như vậy. Vậy ông muốn biết điều gì, xin ông cứ hỏi.

– Đạo sĩ tu luyện theo pháp môn nào?

– Tôi tu theo pháp môn Hatha Yoga, tức là phép chủ trị xác thân. Đó là pháp môn khó nhất. Thể xác con người và nhất là bộ máy hô hấp phải được tập luyện và kiểm soát như một con lừa! Sau đó, việc làm chủ được hệ thần kinh và trí óc sẽ dễ dàng như trò chơi trẻ con.

Tôi lại hỏi:



– Tu theo pháp môn này đem đến những ích lợi gì?

Cặp mắt mơ màng như nhìn về một cõi xa xăm, Brama đáp:

– Sức khỏe, ý chí và sống lâu. Đó là chỉ kể sơ qua vài điều. Người yogi tu luyện đúng phép sẽ làm chủ được xác thân và làm cho nó trở nên cứng rắn như sắt. Sự đau đớn không còn tác động đến nó được nữa. Tôi biết một yogi đã chịu đựng một cuộc giải phẫu mà không cần dùng đến thuốc mê. Ông ta trải qua suốt ca mổ mà không một tiếng rên. Người yogi cũng có thể phơi mình trần dưới tiết trời lạnh lẽo nhất mà không hề gì cả.

Tôi lấy sổ ra ghi chép, và câu chuyện bắt đầu chuyển sang một giai đoạn thú vị hơn. Lối viết chữ tốc ký của tôi làm Brama mỉm cười, nhưng ông ta không ngăn cản việc ấy.

– Đạo sĩ có thể cho biết thêm vài chi tiết?

– Được, nếu ông muốn. Thầy tôi đã từng sống ở một địa điểm ngoài trời trên dãy Hi Mã Lạp Sơn đầy tuyết phủ mà trên người không mặc gì khác hơn một manh áo mỏng. Người có thể nằm suốt nhiều giờ liên tiếp ở một nơi mà nước phải đông lại trong tức khắc, nhưng vẫn không hề chi cả. Đó là cái sức mạnh nhiệm mầu của pháp môn Yoga.

– Đạo sĩ là đệ tử của ngài?

– Phải, nhưng tôi chưa đạt tới mức cao tột, mặc dầu tôi đã công phu cố gắng luyện tập không ngừng trong suốt mười hai năm.

– Nhưng chắc đạo sĩ cũng đã đạt tới một trình độ nhất định nào đó rồi, và có được những năng lực vượt hơn người thường?

Brama gật đầu nhưng không nói gì. Ông ta làm cho tôi càng tò mò hơn nữa. Tôi bèn hỏi:

– Xin đạo sĩ cho biết trong trường hợp nào ông đã trở thành một người yogi?

Im lặng. Cả ba người chúng tôi đều ngồi dưới bóng cây ven bờ sông. Trên lùm cây bên kia sông, tiếng bầy quạ kêu vang lẫn với tiếng kêu chí choé của vài con khỉ nhảy nhót trên cành. Bỗng nhiên, Brama cất tiếng nói:

– Được.

Tôi đoán chắc ông ta có thể hiểu được những câu hỏi của tôi có một lý do sâu xa hơn là một sự tò mò. Ông ta choàng lại cái khăn vắt trên vai, đôi mắt mơ màng nhìn về phía bên kia sông và bắt đầu nói:

– Thuở nhỏ, tôi là một đứa trẻ ít nói và thích sống cô đơn. Tôi không thấy gì là vui thú trong những trò chơi của các bạn tôi, vì thế tôi luôn tránh xa họ và thích đi dạo một mình ở những nơi vườn cây hay ngoài đồng vắng. Ít người biết được những gì diễn ra trong tâm hồn kín đáo của một đứa trẻ. Tôi sống cách biệt với mọi người và cảm thấy rằng đời không có gì vui. Vào năm mười hai tuổi, tình cờ tôi nghe lỏm được một câu chuyện giữa những người lớn nói về vấn đề Yoga. Đó là lần đầu tiên tôi nghe đến danh từ đó, và những gì tôi nghe trong câu chuyện cũng đủ làm cho tôi tò mò muốn biết thêm. Tôi chất vấn nhiều người và góp nhặt được vài quyển sách nói về Yoga, trong đó tôi đọc được nhiều điều thú vị về các đạo sĩ Yogi. Cũng như con ngựa giong ruổi trên sa mạc mong mỏi tìm đến dòng suối mát, trí óc tôi khát khao sự hiểu biết. Nhưng tôi chỉ có một mình và không làm sao tiến xa hơn nữa được.

Một hôm, tình cờ tôi lật một quyển sách và thấy trong đó có câu: “Muốn tiến bộ trên đường tu luyện pháp môn Yoga, phải nhờ có sự chỉ dẫn của một bậc danh sư.

Những lời này làm cho tâm hồn tôi thắc mắc băn khoăn. “Một danh sư” ư? Tôi hiểu ngay rằng, muốn tìm được thầy thì không có cách nào khác hơn là bỏ nhà ra đi để tìm kiếm khắp thiên hạ. Nhưng tôi không thể mong đợi sự cho phép của cha mẹ tôi về việc này. Không biết phải làm thế nào, tôi bèn lén lút luyện thử một vài phép hô hấp mà tôi đã góp nhặt được từ những tài liệu trong các sách. Phép luyện này, thay vì có ích, lại làm hại cho tôi. Tôi không biết rằng phép khí công rất nguy hiểm nếu không có sự dìu dắt của một bậc danh sư. Nhưng vì tôi quá nóng lòng nên không thể chờ đợi mãi được. Sau vài năm tập luyện lén lút một mình, hậu quả bất ngờ đưa đến là tôi bị đứt một gân máu trên đỉnh đầu, dường như đó là chỗ chịu đựng yếu nhất.

Tôi cảm thấy toàn thân tôi giá lạnh và sức khỏe yếu dần, máu chảy lênh láng ở chỗ vết thương. Tôi tưởng rằng tôi sắp chết. Hai giờ sau đó, tôi nhìn thấy một linh ảnh lạ lùng, hình như tôi thấy gương mặt đạo mạo của một vị đạo sĩ già hiện ra và nói với tôi: “Con thấy chăng, phép tu luyện ngăn cấm đối với kẻ phàm tục có thể đưa con đến một tình trạng nguy hiểm là dường nào! Con hãy nhớ lấy bài học này.” Rồi linh ảnh biến mất, nhưng lạ thay, từ đó trở đi tôi cảm thấy khá hơn và không bao lâu sức khỏe của tôi hoàn toàn bình phục trở lại. Nhưng ông hãy xem, vết sẹo hãy còn đây.

Brama cúi đầu cho chúng tôi xem một vết sẹo nhỏ hiện ra rõ ràng trên đỉnh đầu. Ông ta nói tiếp:

– Sau khi tai nạn đó xảy ra, tôi bèn ngưng việc luyện hơi thở và chờ đợi để cho thời gian làm giảm bớt những sự ràng buộc với gia đình. Khi tôi được tự do, tôi liền từ giã gia đình và đi châu du khắp nơi để tìm thầy. Tôi biết rằng phương pháp hay nhất để chọn lựa một bậc thầy là hãy sống chung với người ấy trong vài tháng. Tôi đã gặp qua được vài ba người, nhưng khi sống chung với họ thì tôi luôn bị thất vọng. Những vị ấy đều là những sư trưởng đứng đầu các tu viện hoặc đạo viện, nhưng không có vị nào làm cho tôi thỏa mãn. Về phần lý thuyết thì họ biết rất nhiều, nhưng về kinh nghiệm tự thân thì hầu như họ chẳng có gì cả. Phần nhiều họ chỉ lặp lại những điều đã có trong sách, còn việc dìu dắt tôi trên phương diện thực hành thì họ không làm được.

Tôi đã bỏ qua tất cả mười vị thầy, nhưng vẫn không thối chí, sự nhiệt thành của tuổi trẻ lại càng sôi sục thêm nữa, và những thất vọng liên tiếp đó càng nung nấu thêm lòng cương quyết của tôi.

Khi tôi đã đến tuổi trưởng thành. Tôi bèn quyết định từ bỏ gia đình và tất cả ruộng vườn nhà cửa, dứt bỏ hẳn cuộc sống thế tục và đi lưu lạc khắp nơi để tìm thầy. Tôi dứt bước ra đi, phiêu lưu đây đó.

Một ngày kia, tôi đến một làng thuộc tỉnh Tanjore. Tôi xuống sông để tắm gội, xong rồi mới lên dạo chơi trên bờ sông. Tôi thấy một ngôi đền nhỏ xây bằng đá màu đỏ. Vì hiếu kỳ, tôi đến nhìn vào trong thì lấy làm ngạc nhiên mà thấy có một số người ngồi vây quanh một người khác để mình trần. Họ nhìn người này với một sự kính mến vô cùng: quả thật, trên gương mặt người này có một cái gì vừa huyền bí vừa tôn nghiêm.

Tôi đứng ở trên thềm và nhìn xem với một sự say sưa, chăm chú. Tôi nhận thấy rằng cả nhóm đang thụ giáo người này về một môn học nào đó, và tôi có cái linh cảm rằng người này là một vị đạo sĩ chân chính, một bậc danh sư mà tôi đang tìm kiếm chứ không phải một học giả nhồi sọ đầy những lý thuyết. Tại sao tôi có cái linh cảm đó, tôi cũng không thể nói được.

Bỗng nhiên, bốn mắt chúng tôi gặp nhau. Tuân theo một sự thúc giục thầm kín bên trong, tôi bước ngay vào đền. Vị tôn sư tiếp đón tôi một cách niềm nở, mời tôi ngồi và nói:

– Con đây rồi! Đã sáu tháng nay ta luôn nghĩ đến việc thâu nhận con làm đệ tử.

Thật là vừa đúng sáu tháng kể từ ngày tôi bước chân ra đi! Và tôi đã gặp thầy tôi trong hoàn cảnh đó. Từ đó trở đi, tôi theo thầy tôi khắp mọi nơi. Có đôi khi ngài xuống tỉnh thành, nhưng thường hơn là ngài ở tận trong rừng thẳm. Tôi bắt đầu thu hoạch được những kết quả tiến bộ mau chóng về khoa Yoga. Thầy tôi là một vị yogi thượng đẳng về pháp môn Hatha Yoga, tức là pháp môn tinh luyện xác thân. Khoa Yoga có nhiều môn phái khác nhau về phương pháp thực hành. Môn phái của tôi chuyên lo tinh luyện xác thân trước nhất, rồi sau mới tu luyện về tinh thần. Phép luyện khí công, tức luyện hơi thở, cũng thuộc về pháp môn này. Có một lần, tôi phải nhịn đói suốt bốn mươi ngày liên tiếp để chuẩn bị cho một giai đoạn công phu đặc biệt và nhận lãnh một vài quyền năng của pháp môn Yoga.

Một hôm, thầy tôi gọi tôi lại gần và nói: “Cuộc đời xuất gia và hoàn toàn thoát tục chưa phải là của con. Con hãy trở lại thế gian và sống một cuộc đời bình thường. Con sẽ lập gia đình và sinh một đứa con. Đến năm ba mươi chín tuổi, con sẽ được thấy nhiều ấn chứng và sau đó sẽ được tự do rút lui ra ngoài vòng thế tục. Chừng đó, con hãy trở lại nơi rừng thẳm để tu luyện cho đến khi công phu viên mãn. Thầy sẽ chờ đợi, con có thể trở lại với thầy.”

Tôi vâng lời thầy dạy và trở về quê hương. Tôi cưới một người vợ và có một đứa con đúng như lời thầy tôi đã nói trước. Sau đó ít lâu, vợ tôi qua đời, cha mẹ tôi cũng đã khuất núi, và tôi lại từ giã quê hương một lần nữa để đến ở nơi đây, tại nhà một bà lão góa bụa, người đồng hương với tôi và đã từng biết tôi từ khi tôi còn nhỏ. Bà lão này coi sóc nhà cửa bếp núc cho tôi, và vì tuổi già làm cho bà trở nên ít nói và kín đáo, nên bà để cho tôi bình yên sống cuộc đời ẩn dật mà sự tu tập của tôi cần đến.

Brama nói dứt lời, tôi cũng không hỏi thêm gì nữa. Sau vài phút im lặng, ông ta đứng dậy và bước chậm rãi trở về nhà. Tôi và người bạn trẻ cùng đi theo sau. Chúng tôi đi qua một đám rừng dừa và những đám cây cối sầm uất. Nước sông Adyar phản chiếu ánh nắng sáng ngời.

Một hay hai giờ trôi qua trong khi chúng tôi đi dạo một cách thú vị dọc theo bờ sông. Không bao lâu, chúng tôi đã về đến làng. Một ngọn gió nhẹ từ bờ biển thổi vào mát rượi. Đến một bên đường, một bầy lợn đi ngang qua. Một bà lão chăn lợn cầm cái gậy quất ngọn roi tre vào những con đi lạc bầy.

Brama quay lại để từ giã chúng tôi. Tôi tỏ ý muốn gặp ông ta lần nữa. Ông ta gật đầu bằng lòng. Tôi bèn mời ông ta đến nhà tôi chơi. Người bạn trẻ của tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy người đạo sĩ nhận lời đến chơi nhà tôi ngay chiều hôm đó.

Chiều đến, tôi ngồi đợi Brama và sắp đặt sẵn trong trí những câu hỏi mà tôi sẽ đưa ra. Những điều ông ta thuật lại về cuộc đời của ông ta làm tôi thích thú và muốn tìm hiểu thêm về con người đặc biệt đó.

Vừa nghe nói có ông ta đến, tôi liền bước ra hàng ba và chắp tay chào theo kiểu Ấn Độ để tỏ thiện chí đối với ông ta và cũng vì tôi muốn tỏ ra tôn trọng phong tục bản xứ.

Brama theo tôi vào phòng khách và ngồi xuống sàn gạch, hai chân xếp bằng. Tôi mời ông ta ngồi trên bộ ván gỗ, nhưng ông ta từ chối và bảo thích ngồi dưới sàn gạch hơn. Tôi tỏ lời cám ơn ông ta về cuộc thăm viếng và mời ông ta dùng một ít bánh trái. Ông ta lẳng lặng ngồi ăn.

Khi ông ta đã dùng xong trà bánh, tôi thấy có bổn phận nói qua đôi chút về mình để ông ta biết được lý do vì sao tôi đường đột muốn làm quen với ông ta.

Trong vài câu vắn tắt, tôi thổ lộ với ông ta về những hoàn cảnh và những sức mạnh huyền bí đã dắt dẫn tôi đến với xứ Ấn Độ. Brama im lặng ngồi nghe tôi nói đến khi dứt câu chuyện, ông ta mới bước đến gần, thân mật đặt một bàn tay lên vai tôi và nói:

– Tôi rất thích thú khi được biết rằng ở Tây phương vẫn có những người như bạn. Bạn sẽ không uổng phí thời giờ khi quyết định đến đây và chắc chắn sẽ học hỏi được rất nhiều. Ngày đầu tiên tôi được quen biết bạn, ấy là ngày sung sướng nhất của tôi. Bạn cứ hỏi điều gì bạn muốn biết, tôi sẽ vui lòng giải đáp nếu tôi có thể.

Những lời này có vẻ rất hứa hẹn. Tôi bèn hỏi ông ta về lịch sử, tính chất và mục đích của pháp môn Hatha Yoga. Ông ta đáp:

– Làm gì có ai biết được pháp môn này bắt nguồn từ bao giờ trong lịch sử? Những sách cổ Ấn Độ nói rằng pháp môn này trước hết do thần Shiva truyền dạy cho nhà hiền triết Gheranda. Vị này mới truyền lại cho nhà hiền triết Marteyanda. Đến lượt vị sau này truyền dạy lại cho các đệ tử và từ đó nó được lưu truyền cho hậu thế trải qua hàng bao nhiêu ngàn năm. Nó có mấy ngàn năm lịch sử, chúng tôi không được biết rõ và cũng không cần biết điều đó, mặc dầu chúng tôi luôn tin rằng trong tất cả các môn Yoga thì môn này là xuất hiện sớm nhất. Thật vậy, vào thời kỳ cổ xưa nhân loại cũng đã rơi vào một tình trạng sa đọa đến nỗi các bậc thánh nhân phải phát minh ra một phương pháp giải thoát tâm linh mà sự thực hành lại áp dụng trước hết cho thể xác. Pháp môn này chỉ được một số ít môn đồ hiểu rõ và thực hành đúng đắn, còn phần đông những người phàm tục thì dễ hiểu sai lầm. Vì những môn đồ chân chính ngày càng hiếm, nên những sự tập luyện trái phép, những lối tu khổ hạnh điên rồ thường bị gán một cách sai lầm cho pháp môn Hatha Yoga mà cũng không có ai đưa ra lời cải chính nào.

Bạn hãy đi lên tận Bénarès, bạn sẽ thấy có những người nằm suốt ngày đêm trên bàn chông sắt nhọn, hoặc có người đưa một cánh tay lên trời suốt nhiều năm cho đến khi cánh tay chết mất một nửa và móng tay mọc dài đến hơn nửa thước! Người ta nói rằng những người này thực hành pháp môn Hatha Yoga, nhưng sự thật không phải vậy. Trái lại họ còn làm hoen ố danh dự của pháp môn ấy. Mục đích của pháp môn này không phải là hủy hoại xác thân để làm những trò lạ mắt cho người đời khâm phục. Những người khổ hạnh kể trên chỉ là những kẻ ngu dốt không biết gì về mục đích của pháp môn Yoga. Họ chỉ là những kẻ bày trò lạ mắt ở giữa chợ để kiếm ăn. Chỉ có thế thôi.

– Nhưng ta có nên phiền trách họ chăng? Sự thật là, nếu những nhà đạo sĩ chân tu ngày càng hiếm hoi và luôn giấu kín những bí pháp chân truyền của họ, thì những sự sai lầm và lạm dụng kể trên làm sao tránh khỏi?

Brama nhún vai đáp:

– Một ông vua có khi nào phơi bày những ngọc ngà châu báu ra trước mắt mọi người? Không, người ta cần cất giữ những của quí ấy trong kho tàng và giấu kín trong chốn thâm cung. Còn sự quý giá của pháp môn Yoga thì có kho tàng nào có thể so sánh được? Vậy chúng tôi có nên đem ra phơi bày ở giữa chợ hay chăng? Kẻ nào muốn biết, hãy tự ra công tìm lấy. Đó là phương pháp chọn lọc tốt nhất. Những sách cổ Ấn Độ luôn dặn dò sự chân truyền bí pháp cho những đệ tử thâm niên đã từng trải qua nhiều thử thách. Khoa Yoga của môn phái chúng tôi là môn bí mật nhất, bởi vì nó đầy sự nguy hiểm không những đối với môn đồ, mà còn đối với kẻ phàm tục. Vậy bạn tưởng rằng tôi được phép tiết lộ cho bạn những điều khác hơn là những nguyên tắc sơ đẳng hay chăng, và dẫu cho những điều sơ đẳng này, liệu có thể nói ra mà không đắn đo cẩn thận hay sao?

– Tôi hiểu.

– Tuy nhiên, có một phần của pháp môn Yoga mà tôi có thể nói cho bạn nghe. Đó là phương pháp luyện ý chí trở nên mạnh mẽ và thân thể được cường tráng để có thể bước qua những giai đoạn khó khăn trên đường đạo.

– A! Đó là điều mà bên Âu Tây có nhiều người muốn biết.

– Môn phái chúng tôi có gần hai mươi phép tập luyện, gọi là những tư thế, tiếng Phạn gọi là Asama, để tăng cường sức mạnh cho những bộ phận và cơ quan trong thân thể, và để chữa trị hay ngăn ngừa một vài chứng bịnh. Mỗi tư thế đó ảnh hưởng đến những bí huyệt trong hệ thần kinh, và những bí huyệt này lại tác động đến những bộ phận hay cơ quan suy yếu và giúp cho nó được hoạt động mạnh mẽ trở lại.

– Môn phái của ngài có dùng thuốc men để chữa bịnh chăng?

– Nếu cần, chúng tôi cũng dùng đến một vài loại cỏ thuốc, và thường hái những loại cỏ ấy vào tuần trăng lên. Chúng tôi có bốn phương pháp để giữ cho thân thể luôn luôn khỏe mạnh cường tráng. Trước hết, là phép nghỉ ngơi để làm xoa dịu hệ thần kinh và cân não. Kế đó là phép tĩnh tọa. Thứ ba là phép tẩy uế thân thể bằng những phương pháp mà các bạn có thể cho là kỳ dị, nhưng có hiệu lực rất tốt. Sau cùng là phép khí công, tức là phép luyện và kiểm soát hơi thở.

Tôi đề nghị ông ta biểu diễn cho xem một vài phép tập luyện. Brama mỉm cười và nói:

– Những điều tôi sẽ chỉ cho anh đây không có gì là bí mật. Chúng ta hãy bắt đầu bằng phép nghỉ ngơi. Điều này chúng ta có thể học được từ loài mèo. Thầy tôi thường để con mèo ngồi giữa các đệ tử và giảng giải cho họ thấy được những ưu điểm trong tư thế của nó khi ngồi yên bất động. Người dạy họ hãy quan sát nó một cách tỉ mỉ khi nó ngồi ngủ trưa hoặc ngồi rình chuột. Người chỉ cho họ thấy rằng con mèo biết cách dùng sức. Nó biết bảo tồn sinh lực, không để tiêu hao, phí phạm một chút sinh lực nào. Đôi khi các bạn tưởng rằng mình biết cách nghỉ ngơi, nhưng sự thật là các bạn không biết. Bạn ngồi trên ghế một lát, rồi ngả về bên nọ, quay sang bên kia, hoặc tréo chân chữ ngũ, rồi lại duỗi thẳng hai chân ra. Mặc dầu bạn vẫn ngồi trên ghế, bề ngoài trông có vẻ thoải mái, nghỉ ngơi, nhưng thật ra trí óc bạn có nghỉ ngơi được không? Phải chăng đó chỉ là một hình thức hoạt động âm thầm?

– Đó là một điều mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến.

– Loài vật biết phép nghỉ ngơi dưỡng sức, nhưng ít người biết được phép này. Đó là vì loài vật sống theo bản năng, mà bản năng chính là biểu hiện của tự nhiên. Còn con người thì được hướng dẫn bằng lý trí. Nhưng vì con người phần nhiều không kiểm soát được bộ óc của họ, nên hậu quả là hệ thần kinh và cơ thể đều bị ảnh hưởng, và bởi đó họ không hề biết cách nghỉ ngơi một cách thật sự.

– Bây giờ phải làm thế nào?

– Việc trước tiên mà bạn phải tập luyện không gì khác hơn là ngồi xếp bằng theo kiểu Đông phương. Ghế bành tuy rất hữu ích cho khí hậu lạnh lẽo ở các xứ miền bắc, nhưng bạn phải tập ngồi không có ghế trong thời gian luyện tập để chuẩn bị nhập môn vào khoa Yoga. Phép ngồi của chúng tôi thật ra là thoải mái nhất. Sau khi làm việc hay đi bộ, nó đem lại sự nghỉ ngơi, yên ổn cho cả toàn thân. Phương pháp dễ nhất để tập ngồi là trải chiếu dưới đất rồi ngồi lên, xếp hai chân vào và tréo hai bàn chân. Không nên có cảm giác quá gò bó hay căng thẳng, và đừng co bắp thịt lại.

Như vậy, phép tập trước tiên là hãy ngồi như thế và giữ cho toàn thân yên lặng, trừ ra hơi thở nhẹ và đều. Khi đã giữ được thế ngồi đó, bạn hãy để cho trong lòng yên tĩnh, vắng lặng, không bận rộn nghỉ ngợi gì đến những việc trần gian, phàm tục. Hãy tập trung tư tưởng vào một đối tượng có sức cuốn hút mạnh, chẳng hạn như một bức tranh rất đẹp hay một đóa hoa.

Tôi rời khỏi ghế bành và ngồi xuống đất, đối diện với Brama, theo đúng như phép ngồi mà anh ta vừa mô tả. Brama nói:

– A! Đúng đấy. Bạn đã ngồi được khá dễ dàng, nhưng có nhiều người Âu không ngồi được vì họ chưa quen. Nhưng bạn có một điểm phải sửa lại: hãy giữ cho xương sống thẳng đứng, đừng cong về phía trước. Bây giờ, để tôi chỉ cho bạn xem một thế ngồi khác.

Brama bèn đưa hai đầu gối lên đến tận cằm, nhưng vẫn giữ hai bàn chân tréo. Thế ngồi này làm cho hai bàn chân ông ta tách rời khỏi thân mình. Ông ta dùng hai bàn tay ôm chặt quanh hai đầu gối Tôi nói:

– Thế ngồi này có vẻ giản dị quá nhỉ?

– Trong phép nghỉ ngơi, chúng tôi không cần đến những gì khó khăn phiền phức. Thật vậy, những tư thế dễ dàng nhất lại đem đến những kết quả rất tốt. Bạn hãy nằm ngửa trên lưng, hai chân duỗi thẳng, đưa hai ngón chân cái ra ngoài. Hai bàn tay mở ra và đặt ở hai bên thân mình. Buông xuôi tất cả các bắp thịt, nhắm mắt lại và để cho sức nặng của toàn thân đè lên sàn gạch. Bạn không thể tập kiểu nằm này trên giường một cách đúng phép, vì cần phải giữ cho xương sống hoàn toàn ngay thẳng. Hãy dùng một cái chăn trải trên sàn gạch. Trong phép nằm nghỉ này, những sức mạnh hàn gắn của thiên nhiên sẽ giúp bạn bồi bổ sinh lực. Chúng tôi gọi đây là thế nằm của người chết. Khi đã quen thực hành, bạn có thể nghỉ ngơi trong những tư thế này suốt nhiều giờ nếu muốn. Những tư thế đó làm cho các thớ thịt không bị căng thẳng và làm dịu hệ thần kinh. Sự nghỉ ngơi của bắp thịt phải đi trước sự nghỉ ngơi của trí não.

– Thật vậy, những phép tập luyện mà ông nói dường như không có gì khác hơn là ngồi yên lặng theo cách này hay cách khác

– Bạn tưởng rằng như thế là vô ích sao? Những người Âu Tây chỉ biết có hoạt động, nhưng phải chăng chính vì lẽ đó mà khinh thường sự nghỉ ngơi? Bạn tưởng rằng sự tịnh dưỡng của hệ thần kinh là vô ích sao? Thật ra, chính sự nghỉ ngơi, dưỡng sức là nền tảng của pháp môn Yoga, nhưng không phải chỉ có chúng tôi mới cần dùng đến nó, mà thế giới Tây phương của các bạn còn cần dùng đến nó nhiều hơn.

Về điểm này, tôi phải thừa nhận những lời nói của Brama không phải là vô căn cứ. Ông ta nói thêm:

– Bài học chiều nay như vậy đã đủ. Bây giờ tôi phải đi.

Tôi cám ơn ông ta về bài học vừa qua và bày tỏ ý muốn được học hỏi thêm. Ông ta nói:

– Sáng mai, anh hãy đến gặp tôi nơi bờ sông.

Ông ta choàng lại cái khăn trên vai, và chắp hai bàn tay chào từ giã.

lll



Tôi đã gặp lại người đạo sĩ ấy nhiều lần. Theo ý muốn của ông ta, tôi đến tìm ông ta trong những lúc ông ta đi dạo mỗi buổi sớm mai trên bờ sông, nhưng khi tôi mời ông ta về nhà thì ông ta chỉ đến chơi với tôi vào những buổi chiều tối.

Những đêm đó đã giúp ích cho tôi rất nhiều vì người đạo sĩ hình như sẵn sàng chia sẻ những sự hiểu biết cổ kính thâm sâu của ông ta dưới ánh trăng khuya hơn là dưới ánh mặt trời nóng gắt.

Một ngày nọ, tôi hỏi anh ta về một điểm đã làm tôi thắc mắc từ lâu. Tôi vẫn tưởng rằng người Ấn Độ chỉ có màu da nâu hay đồng bạch, nhưng Brama lại có một màu da sậm gần như người da đen. Brama liền cho tôi biết rằng ông ta thuộc về một chủng tộc thổ dân bản xứ đã cư trú lâu đời nhất tại Ấn Độ. Khi chủng tộc Aryen từ trung tâm châu Á vượt qua miền núi non phía tây bắc tràn xuống những vùng đồng bằng Ấn Độ để xâm chiếm xứ này, thì họ gặp những dân tộc bản xứ thuộc chủng tộc Dravidien và đẩy lui những dân tộc này xuống tận miền Nam. Giống dân Dravidien này cho đến nay vẫn là một dân tộc riêng biệt, trừ phi họ hấp thụ tôn giáo của giống dân Aryen đã chinh phục họ. Mặt trời nóng gắt vùng nhiệt đới đã làm cho màu da họ trở thành sậm gần như đen, và điều này kết hợp với một số yếu tố tương đồng khác đã làm cho một số nhà nhân chủng học lầm tưởng rằng họ có xuất xứ từ những chủng tộc ở châu Phi. Cũng như ngày xưa, khi họ còn làm chủ xứ Ấn Độ, người dân Dravidien vẫn còn để tóc dài và cột lại thành búi nhỏ ở phía sau gáy, và họ vẫn còn nói những thổ ngữ địa phương, quan trọng nhất là tiếng Tamoul.

Brama quả quyết rằng những giống dân chinh phục thuộc chủng tộc Aryen có màu da đồng bạch đã hấp thụ được đạo pháp Yoga của giống dân Dravidien truyền lại, cũng như nhiều yếu tố văn hóa khác nữa. Nhưng tôi đã hỏi vài nhà trí thức Ấn Độ về vấn đề này thì họ đều cho là không đúng. Tôi xin nhường lại cho các nhà học giả giải quyết vấn đề này.

Vì không có ý định viết một luận đề về phương pháp thể dục của khoa Yoga Ấn Độ, nên tôi chỉ nói sơ qua ở đây về những nguyên tắc đại cương của khoa này. Những tư thế (asana) mà Brama biểu diễn cho tôi xem, hoặc dưới bóng mát của hàng dừa trên bờ sông, hoặc ở tại nhà tôi, gồm những phép tập luyện rất lạ kỳ và khó khăn đến nỗi theo sự nhận xét của người Âu Tây thì có thể là lố bịch và không thể thực hiện.

Một vài tư thế đó gồm có những phép tập luyện công phu như chống hai tay xuống đất, ép khuỷu tay vào hai bên hông và nâng đỡ sức nặng của toàn thân trên các đầu ngón tay. Tư thế này gọi là Mayurasana. Hoặc ngồi xếp bằng, tréo hai tay ra sau lưng và cố đưa hai bàn tay ra phía trước để nắm lấy hai ngón chân cái, gọi là Padmasana). Hoặc sắp xếp cả hai tay và hai chân đều tréo lại với nhau, làm thành một cái gút rất là phức tạp; hoặc vắt hai chân lên cổ hay lên vai; hoặc những thế ngồi vặn vẹo thân mình một cách kỳ dị không thể tưởng tượng...

Nhìn xem Brama biểu diễn những cách tập luyện đó, tôi bắt đầu nhận thấy sự khó khăn của pháp môn Hatha Yoga. Tôi hỏi:

– Tất cả có bao nhiêu tư thế?

– Pháp môn Hatha Yoga có tất cả 84 tư thế, nhưng tôi chỉ mới học được 64 tư thế mà thôi.

Anh ta vừa nói vừa biểu diễn một tư thế mới và giữ vững thế ngồi đó một cách tự nhiên dễ dàng như tôi ngồi trên ghế bành. Hình như đó là một thế ngồi quen thuộc của anh ta. Tôi thấy tư thế này tuy không khó làm, nhưng chắc chắn không phải dễ chịu: Chân trái xếp cong lại, bàn chân đụng vào hông bên mặt đặt dưới thân mình, chân mặt xếp lại chịu hết sức nặng của toàn thân. Tôi hỏi:

– Tư thế này có ích lợi gì?

– Kèm với một phép thở đặc biệt, người yogi sẽ cảm thấy khỏe khoắn và trẻ lại như hồi niên thiếu.

– Vậy phép thở đó như thế nào?

– Tôi không được phép tiết lộ điều đó.

– Nhưng làm như vậy có mục đích gì?

– Vấn đề ngồi hay đứng trong một tư thế nào đó trong thời gian bao lâu không quan trọng. Nhưng chính sự tập trung ý chí cần thiết để thi hành những tư thế đó một cách đúng phép mới là quan trọng, vì điều đó làm khơi dậy những sức mạnh tiềm tàng trong mỗi con người. Những sức mạnh đó là bí mật của thiên nhiên và chỉ hoàn toàn phát triển khi có kèm theo những phép luyện hơi thở, vì hơi thở có những công năng rất nhiệm mầu. Sự khơi dậy những sức mạnh tiềm tàng đó là mục đích chính của pháp môn Hatha Yoga. Có những tư thế khác giúp cho chúng ta rèn luyện các giác quan và tinh thần, vì ai cũng biết rằng tinh thần con người ảnh hưởng đến thể xác. Trong những giai đoạn cao siêu của pháp môn Yoga, khi người hành giả phải tham thiền nhập định trong nhiều giờ thì tư thế ngồi là một yếu tố rất quan trọng, vì nó giúp cho sự tập trung tư tưởng được dễ dàng, giúp thêm sức tinh tấn cho người hành giả và tăng cường rất nhiều năng lực ý chí. Như thế, bạn có thể thấy pháp môn Hatha Yoga có ích lợi biết là dường nào!

– Còn những thế ngồi vặn vẹo thân mình như thế là để làm gì?

– Bạn nên biết rằng có những trung tâm bí yếu của hệ thần kinh nằm rải rác nhiều nơi trong thân thể. Mỗi tư thế đều có công năng gây ảnh hưởng đến một trung tâm nhất định. Nhờ tác động vào các bí huyệt đó mà ta có thể gây ảnh hưởng đến sự vận động của các bộ phận trong cơ thể, cũng như đến sự hoạt động của trí não. Những thế ngồi vặn vẹo đó là để tác động đến những bí huyệt của hệ thần kinh, vì ngoài ra người ta không thể dùng cách nào khác.

Tôi bắt đầu nhận định một cách rõ ràng hơn về những nguyên tắc căn bản của môn thể dục Hatha Yoga. Môn thể dục này so với những phương pháp thể dục Âu Mỹ khác nhau thế nào, đó là một điều lý thú mà chúng ta nên biết. Tôi bèn hỏi Brama điều đó, ông ta nói:

– Tôi không được biết rõ về các phương pháp ở Âu Mỹ, nhưng tôi có nhìn thấy những quân nhân Anh tập luyện ở một doanh trại gần Madras. Nhìn họ luyện tập, tôi nhận ra được mục đích của các huấn luyện viên. Dường như mục đích chính của họ là tăng cường sức mạnh của các bắp thịt, vì người Tây phương các anh luôn luôn hoạt động bằng thể xác. Vì thế, tôi thấy họ vận động tay chân một cách hăng hái, mạnh bạo. Họ tiêu phí sinh lực một cách quá đáng vì muốn làm nở nang các bắp thịt và có được một sức mạnh dồi dào hơn. Điều này dĩ nhiên là thích hợp với khí hậu lạnh lẽo ở những xứ miền Bắc.



– Như vậy, theo ông thì hai phương pháp thể dục Đông và Tây khác nhau thế nào?

– Cách tập theo pháp môn Yoga thật ra chỉ là những tư thế nghỉ ngơi, không cần vận động tay chân khi đã giữ vững được một tư thế ngồi hay đứng nhất định. Thay vì làm nở nang các bắp thịt để tăng thêm sức mạnh nhờ phát triển thể xác, chúng tôi nhắm đến mục đích tăng thêm sức chịu đựng dẻo dai bền bỉ của cơ thể. Chúng tôi cho rằng, việc làm nở nang các bắp thịt tuy là hữu ích, nhưng chính cái sức mạnh ý chí đã điều khiển và vận động các bắp thịt mới có giá trị nhiều hơn. Nếu tôi chỉ cho bạn một tư thế đặc biệt nào đó, một người Âu như các bạn thường sẽ thực hiện tư thế đó một cách vội vàng, nóng nảy. Như thế, bạn sẽ không thu hoạch được những sự lợi ích bằng cách biết thực hành đúng phép như một người Yogi.

– Làm thế nào mới gọi là đúng phép?

– Người Yogi thực hiện một tư thế theo cách chậm rãi, có ý thức, và giữ vững tư thế ấy trong vài phút. Để tôi chỉ cho anh xem một tư thế vận dụng cả toàn thân.

Brama nằm ngửa xuống đất, duỗi thẳng hai chân và hai tay dọc theo thân mình. Rồi ông ta từ từ đưa hai chân lên, giữ hai đầu gối thẳng, cho đến khi hai chân gần làm thành một góc thẳng đứng so với sàn gạch. Ông ta đặt hai cùi chỏ chống trên sàn gạch, rồi dùng hai tay đỡ lấy thân mình. Sức nặng toàn thân khi ấy được chống đỡ bằng hai vai, gáy và đầu. Sau khi giữ vững tư thế lộn ngược đầu này trong chừng năm phút, người yogi mới từ từ hạ hai chân xuống, ngồi dậy và giải thích sự lợi ích của nó:

– Tư thế này dồn máu xuống bộ não do trọng lượng của nó trong vài phút. Lúc bình thường, máu được đưa lên đầu do sức vận động của quả tim. Sự khác biệt giữa hai trường hợp là, trong tư thế này máu dồn xuống não tạo ra một ảnh hưởng xoa dịu. Đối với những người làm việc bằng trí não, như các nhà nghiên cứu, học giả, sinh viên, việc thực hành tư thế này sẽ đem lại sự khỏe khoắn cho trí não Nhưng người ta chỉ thu thập những lợi ích đó bằng cách thực hành đúng theo phương pháp chứ không phải làm một cách hấp tấp vội vàng như người Âu Tây các bạn.

– Nếu tôi không lầm, thì ông muốn nói rằng phương pháp Yoga giữ thân thể trong một trạng thái yên tĩnh và thăng bằng, còn phép tập luyện nghiêng về sự vận động của Tây phương làm cho thân thể bị náo động?

Brama đồng ý:

– Đúng là như vậy.

Brama còn biểu diễn cho tôi xem vài tư thế khác nữa và giải thích những sự ích lợi của mỗi phép tập luyện. Tôi được biết một tư thế có công dụng tăng cường tủy sống, chữa các chứng thần kinh suy yếu và giúp cho máu huyết được lưu thông điều hòa. Trong một tư thế khác, bí huyệt thần kinh ở cổ, vai và chân được kích thích một cách mạnh mẽ và tạo ảnh hưởng rất tốt cho bộ ngực.

Người phương Tây hiện nay thường xem người Ấn Độ như một dân tộc chậm tiến, di sản của một khí hậu nóng bức và sự nghèo túng. Nhưng họ sẽ phải lấy làm ngạc nhiên khi biết mình đã hoàn toàn nhầm lẫn, vì xứ Ấn Độ từ đời thượng cổ đã từng phát minh ra một phương pháp thể dục tinh vi và huyền diệu đến thế. Chúng ta biết rằng những phương pháp thể dục Âu Tây cũng có giá trị rất lớn, nhưng có ai dám kết luận rằng nó đã được hoàn toàn? Ai dám nói rằng nó không còn gì phải cải tiến thêm nữa về các phương diện phát triển cơ năng, bảo tồn sức khoẻ và ngăn ngừa bệnh tật? Biết đâu rằng nếu Tây phương áp dụng phương pháp khoa học để khảo cứu về môn Hatha Yoga như một phép dưỡng sinh mầu nhiệm để giúp cho sự hiểu biết của chúng ta về khoa sinh lý học được hoàn bị hơn, và đưa chúng ta tiến thêm một bước trên con đường đi tìm một đời sống lành mạnh?

Tuy nhiên người ta phải nhìn nhận rằng chỉ có khoảng hơn một chục tư thế Yoga là dành cho việc tập luyện và thực hành một cách phổ biến đối với mọi người. Còn lại hơn bảy mươi tư thế khác đều rất khó khăn, càng tìm hiểu lại càng thấy dị kỳ hơn, chỉ có thể được luyện tập bởi những thanh thiếu niên hăng hái, hãy còn trẻ trung và dẻo dai. Brama cũng nhìn nhận như vậy:

– Tôi đã khổ công tập luyện mỗi ngày suốt mười hai năm mới có thể nhuần nhuyễn được tất cả 64 tư thế mà tôi biết. Tôi có sự may mắn là bắt đầu tập khi còn trẻ, vì một người đã lớn tuổi mới bắt đầu tập có thể gặp nhiều sự nguy hiểm. Những bắp thịt và gân xương của họ đều đã cứng và không quen vận động nên dễ bị đau đớn. Tuy thế, với sự kiên tâm bền chí người ta cũng có thể thu được những kết quả rất mỹ mãn.

Brama ngừng một lúc và nói tiếp:

– Người phương Đông chúng tôi nó thói quen tập ngồi kiết già từ thuở nhỏ. Đó là thế ngồi căn bản, nền tảng cho tất cả những tư thế khác, và có một ảnh hưởng rất tốt.

Nói xong, ông ta ngồi kiết già hai chân xếp bằng giống như thế ngồi của tượng Phật mà tôi đã thấy. Ông ta giải thích:

– Thế ngồi này còn được gọi là tư thế hoa sen. Nó rất quan trọng và được chọn làm thế ngồi của các đạo sĩ lúc tham thiền. Nó giúp cho thân thể được vững vàng, nhờ đó hành giả không bị té ngã khi đã hoàn toàn xuất thần nhập định. Bạn hãy nhìn xem, trong tư thế hoa sen này, hai chân xếp lại tạo thành một nền tảng vững chắc nâng đỡ cả thân mình. Nếu thân mình không vững thì tâm thần ắt phải xao động và phân tán, còn trong tư thế này thì hành giả cảm thấy an ổn và tự tin. Vì thế, nó giúp ta dễ tập trung tư tưởng, và đó là điều quan trọng nhất trong công phu tập luyện. Chúng tôi thường dùng thế ngồi này để luyện hơi thở, vì sự phối hợp này làm kích thích một luồng nội hỏa tiềm tàng trong cơ thể và giúp cho hành giả phát triển một vài năng lực đặc biệt.

Câu chuyện của chúng tôi đến đây chấm dứt. Brama đã biểu diễn cho tôi xem một loạt các tư thế khó khăn, những thế ngồi vặn vẹo lạ lùng. Tôi không còn nghi ngờ gì nữa, quả thật anh ta đã hoàn toàn làm chủ được thể xác. Liệu có người Âu Tây nào đủ kiên tâm bền chí để thực hành những phép tập luyện khó khăn và phức tạp đến thế? Liệu có người Âu Tây nào chịu dành đủ thời gian để tập luyện pháp môn này?

    « Xem chương trước «      « Sách này có 14 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Các tông phái đạo Phật


Nguyên lý duyên khởi


Kinh Bi Hoa


Em Là Vì Sao Sáng

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.110.99 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...