Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Phán đoán chính xác có được từ kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm thường có được từ phán đoán sai lầm. (Good judgment comes from experience, and often experience comes from bad judgment. )Rita Mae Brown
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Kẻ yếu ớt không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm chất của người mạnh mẽ. (The weak can never forgive. Forgiveness is the attribute of the strong.)Mahatma Gandhi
Chúng ta không làm gì được với quá khứ, và cũng không có khả năng nắm chắc tương lai, nhưng chúng ta có trọn quyền hành động trong hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Chúng ta thay đổi cuộc đời này từ việc thay đổi trái tim mình. (You change your life by changing your heart.)Max Lucado
Cuộc sống xem như chấm dứt vào ngày mà chúng ta bắt đầu im lặng trước những điều đáng nói. (Our lives begin to end the day we become silent about things that matter. )Martin Luther King Jr.
Tôi biết ơn những người đã từ chối giúp đỡ tôi, vì nhờ có họ mà tôi đã tự mình làm được. (I am thankful for all of those who said NO to me. Its because of them I’m doing it myself. )Albert Einstein
Tôi không thể thay đổi hướng gió, nhưng tôi có thể điều chỉnh cánh buồm để luôn đi đến đích. (I can't change the direction of the wind, but I can adjust my sails to always reach my destination.)Jimmy Dean

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Giai nhân và Hòa thượng »» CHƯƠNG 5. THA PHƯƠNG CẦU ĐẠO »»

Giai nhân và Hòa thượng
»» CHƯƠNG 5. THA PHƯƠNG CẦU ĐẠO

Donate

(Lượt xem: 2.282)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Giai nhân và Hòa thượng - CHƯƠNG 5. THA PHƯƠNG CẦU ĐẠO

Font chữ:

Cánh cửa thất nơi Phương Trượng đường đã được mở vào sáng nay sau hơn tám năm Sư Cụ Từ Tâm nhập thất để mỗi tối trì tụng kinh Kim Cang, niệm Phật và trì thần chú Đại Bi. Tuy Ngài không tiếp xúc với thế sự hằng ngày, nhưng mọi việc xảy ra bên ngoài Ngài đều biết rõ, nhất là việc nội tự trong thời gian qua.

Đầu tiên, Ngài bước xuống thiền sàng lễ Phật và đi quanh vườn chùa, đưa mắt nhìn chỗ này, chỗ nọ, đoạn quay lại Phương Trượng Đường và gọi hai chú Ngộ Đạo và Ngộ Tánh vào dặn rằng:

- Nay thì Ngộ Đạo tuy chưa đủ 20 tuổi để thọ giới Tỳ Kheo, nhưng theo Luật định kẻ ở chùa từ nhỏ đến lớn, có thể tính mỗi năm là thêm một tháng. Do vậy hơn 18 năm qua, con ở chùa là hơn một năm rưỡi, cộng với hơn 18 tuổi của con, vị chi là gần 20 tuổi. Cái tuổi có thể đăng đàn thọ Cụ túc giới nơi “Tuyển Phật Trường”. Còn Ngộ Tánh, tuy tánh ấy vẫn chưa sáng, vì đã trải qua một cơn giông tố nội tâm, tuy nhiên giới luật sẽ ràng buộc kẻ tu hành và giúp ta thoát qua chặng đường sanh tử, nên ta quyết định cho hai con thọ “Cụ Túc Giới”. Sau khi thọ xong, đúng theo luật các con phải ở thêm năm năm nữa với ta, nhưng ta thiết nghĩ các con nên chuẩn bị hành trang, ta sẽ cho các con đi tha phương cầu học đạo giải thoát.

- Mô Phật, chúng con xin vâng.

Cả hai nhìn nhau trong tâm trạng kẻ buồn người vui. Vì nghĩ rằng cái ngày ấy chắc chắn rồi cũng phải đến trong cuộc đời của một người tu sĩ như hai chú Ngộ Đạo và Ngộ Tánh.

Sau khi thọ giới tỳ-kheo tại chùa Sắc Tứ Hưng Phước Tự, hai tân tỳ-kheo Ngộ Đạo và Ngộ Tánh theo lời dạy của Sư Cụ chuẩn bị hành trang thật kỹ càng để đến các nước láng giềng học Đạo.

Nước đầu tiên mà hai thầy tân tỳ-kheo này đến là Ấn Độ. Trước khi đi, hai thầy cũng đã tìm quyển “Đại Đường Tây Vức Ký” của Ngài Huyền Trang biên soạn vào năm 645 tức vào năm Trinh Quán thứ 19, tại Trung Hoa, bằng chữ Hán để học. Các vị này sau khi đọc xong đều trầm trồ thán phục. Ngày ấy vào thế kỷ 7 mà Ngài chỉ đi bộ suốt hai năm, chuyến đi và lúc về nào kinh sách, tượng Phật, xá lợi nặng nề trên hai vai và voi ngựa và Ngài cũng đã phải lặn lội qua những con sông sâu. Khổ cực biết dường nào. Thời gian ấy cũng tốn hai năm nữa. Cộng thêm với 15 năm ở Ấn Độ và các nước lân bang, trong đó có năm năm ở tại Đại Học Na-lan-đà, Ngài Huyền Trang học Du Già Sư Địa Luận và các bộ Luận lớn với Pháp Sư Giới Hiền. Ngài ra đi lúc 33 tuổi và về lại kinh đô Trường An lúc đó 50 tuổi. Vua Đường Thái Tông dâng cho Ngài cung Ngọc Hoa để Ngài chủ trì dịch những kinh sách tiếng Phạn đã mang về ra tiếng Trung Hoa, đến 657 bộ.

Suốt 19 năm trường như thế, Ngài đã miệt mài với kinh điển. Buổi sáng Ngài chủ trì phiên dịch, buổi chiều giảo chính lại câu văn và buổi tối thăng toà thuyết pháp về những gì đã dịch được trong ngày hôm ấy. Đến năm 664, Ngài viên tịch thọ 69 tuổi. Như vậy cả cuộc đời, Ngài đã hy sinh cho hậu thế biết dường bao. Đặc biệt trong quyển “Đại Đường Tây Vức Ký” Ngài đi đến đâu cũng đều có ghi lại rõ ràng từng nơi, từng Phật tích về phong tục tập quán, ngôn ngữ, bộ phái v.v. Nếu không có tài liệu ấy những người học Phật đi sau thật là khốn khổ.

Hai thầy đọc đến đoạn Ngài Huyền Trang đến Bồ-đề Đạo Tràng, nơi đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo, hai Thầy nhớ lại câu Ngài Huyền Trang đã cảm thán lúc ấy như sau:

“Phật tại thế thời, ngã trầm luân,
Kim đắc nhân thân, Phật diệt độ,
Áo não thử thân đa nghiệp chướng,
Bất kiến Như Lai kim sắc thân.”

Nghĩa là:

“Lúc Phật tại thế, con trầm luân,
Nay được thân người, Phật diệt độ,
Buồn trách sao mình nhiều nghiệp chướng,
Chẳng thấy thân vàng của Như Lai.”

Đó là tâm trạng của Ngài Huyền Trang hồi thế kỷ 7. Còn bây giờ đã gần 1.000 năm sau, hai thầy tân tỳ-kheo Ngộ Đạo và Ngộ Tánh mới đến được xứ Ấn Độ và lần đầu tiên họ tìm đến Bồ-đề Đạo Tràng để đảnh lễ Phật. Họ đi quanh Đại Tháp ba vòng như để hồi tưởng lại Như Lai sau khi diệt độ và cứ mỗi nơi có ghi lại dấu tích gì hai thầy đều chí thành cung kính đảnh lễ.

Khi đến Kim Cương Toà dưới cội Bồ-đề, nơi đây đức Thế Tôn đã thành Chánh Đẳng Chánh Giác, họ quỳ xuống oà khóc như trẻ thơ vắng mẹ lâu ngày, bây giờ mới gặp lại. Họ mừng quá và thầm nghĩ rằng: “Đúng là mình có phước duyên, chứ bao nhiêu người đâu có được cơ hội ấy. Họ nhìn cành lá cây Bồ-đề vẫn còn tỏa rộng, che rợp cả lối đi và có nhiều cành còn vươn cao lên phía đại tháp nữa. Họ cụng đầu nhiều lần vào cành cây Bồ-đề và gục đầu khóc nức nở như chưa bao giờ được khóc như thế.

Kế đến họ đi ra phía sau, nơi Đức Phật lần đầu tiên quy y cho hai người thương nhân Miến Điện. Lúc ấy khi Phật vừa thành đạo thì hai thương nhân này đến, muốn xin quy y. Phật đã nhận lời và khi ấy mới có Nhị bảo chứ chưa có Tam Bảo. Nghĩa là chưa có Tăng đoàn.

Rồi họ đi đến chỗ tuần lễ thứ hai, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy sau khi Đức Phật thành đạo để đảnh lễ những nơi mà Phật đã trầm tư cũng như nói lên những câu nói thật giá trị lịch sử. Ví dụ như câu: “Không phải khi mới sinh ra, người ta là một bà-la-môn, mà người ta phải làm gì đó mới có thể trở thành một bà-la-môn” v.v...

Quang cảnh Bồ-đề Đạo Tràng chung quanh còn hoang phế lắm. Hai thầy ghé thăm Đại học Ma-kiệt-đà đã một thời huy hoàng sánh với Na-lan-đà, cũng như thăm hang đá nơi Đức Phật tu khổ hạnh, rồi qua sông Ni-liên-thiền để xem nơi Đức Phật tắm rửa trước khi thành đạo.

Gần đó, có Linh Thứu sơn, Trúc Lâm Tinh Xá và Đại học Na-lan-đà họ cũng đã ghé qua. Khi đi lên con đường của vua Tần-bà-sa-la từng đi thuở trước, họ hình dung rằng vua đã phải cực nhọc như thế nào. Rồi đến động đá A-nan và Ngài Xá-lợi-phất. Chính nơi động đá này, theo Ngài Huyền Trang ghi lại trong Đại Đường Tây Vức Ký thì Ngài A-nan tu Thiền bị ma quấy nhiễu và Ngài phải nhờ đến Phật giúp an tâm cho. Ngài là vị thị giả luôn hầu cận bên Đức Phật, nên hang đá này nằm phía dưới chân núi, còn hương thất của Phật nằm tận trên đỉnh cao. Điều ấy cũng hợp với một trong năm điều kiện của Ngài đưa ra khi nhận làm thị giả cho Phật là: “Bất cứ ai, trước khi muốn gặp Đức Phật thì phải qua Ngài.” Nếu A-nan thấy Phật đang bận ngồi Thiền hoặc giảng Pháp, Ngài sẽ không cho vị khách ấy gặp, dầu cho vị khách đó là ai đi chăng nữa. Còn Ngài Xá-lợi-phất, bậc trí tuệ bậc nhất bao giờ cũng ở gần Tăng chúng để dạy dỗ họ. Khi hai thầy Ngộ Đạo và Ngộ Tánh đến đây, những tu viện trên núi Linh Thứu chỉ còn là những nền đá trơ gan cùng tuế nguyệt. Năm tháng chất chồng, thời gian thay đổi, tất cả rồi cũng phải như thế thôi. Đó là Đức Phật và những vị quân vương nổi tiếng. Còn thân phận của hai người, thật ra chẳng có một mảy may ý nghĩa gì so với cuộc sống thế trần này.

Họ leo lên tận đỉnh núi để nhìn xuống kinh đô xứ Ma-kiệt-đà, rồi đưa mắt nhìn xuống nền móng nhà tù khi vua A-xà-thế đã giam giữ phụ vương mình để đoạt ngôi, vì theo lời xúi giục của Đề-bà-đạt-đa. Chính nơi đây Đức Phật đã truyền giới Bát Quan Trai cho vua Tần-bà-sa-la và dùng thần thông để cho Hoàng hậu Vi-đề-hy thấy hết các cảnh giới Tịnh độ trong mười phương và cuối cùng Hoàng Hậu chọn vãng sanh về thế giới Cực Lạc của Đức Phật A-di-đà.

Sau khi viếng thăm Trúc Lâm Tinh Xá, suối nước nóng và nơi kiết tập kinh điển lần đầu tiên nơi động Thất Diệp cùng Đại học Na-lan-đà, hai người đã tìm cách đi đến vườn Lộc Uyển bên sông Hằng để đảnh lễ nơi Đức Phật đã thuyết bài Pháp Tứ Diệu Đế đầu tiên cho năm anh em Kiều-trần-như nghe và bắt đầu từ đó Tăng đoàn được thành lập. Tại đây cảnh trí hoang sơ lắm. Chỉ còn lại ngôi Đại Tháp và trụ đá của vua A-dục cũng như những nền cũ của các tu viện ngày xưa. Điều ấy chứng tỏ rằng khi đạo Phật thịnh hành và có những bậc Thánh Tăng xuất hiện, thì đã có hàng hàng lớp lớp người từ bỏ thế tục xuất gia cầu đạo giải thoát và khi Phật Giáo lâm nguy, không phải là Phật Giáo đã chết, mà Phật Giáo chỉ chuyển mình hướng theo một quy luật khác để tồn tại mà thôi.

Ngộ Đạo và Ngộ Tánh đắm chìm trong ánh sáng từ bi của Đức Phật và những công đức của vua chúa cùng những người giàu có ngày xưa đã giúp cho Phật giáo ở nhiều lãnh vực, cho nên nhân loại ngày nay dầu ở đâu trên quả địa cầu này cũng đều có thể học hỏi giáo lý giải thoát ấy được. Họ lần dò đến nước Xá-vệ, nơi mà Thái tử Kỳ-đà cùng ông Trưởng giả Cấp Cô Độc đã dâng trọn của cải cũng như niềm tin lên đức Phật và chư Tăng, họ đã dựng Kỳ Viên Tinh Xá cúng dường Đức Phật và Tăng chúng. Trong hơn 45 mùa hạ của Đức Phật, Ngài đã an cư nơi đây hơn 25 lần và những kinh quan trọng được thuyết giảng nơi đây, trong đó có kinh A-di-đà.

Bên cạnh đó có nhà của chàng Vô Não và nơi đức Phật đã dùng thần thông, thi triển thần lực với ngoại đạo. Cho đến lúc Ngộ Đạo và Ngộ Tánh tới nơi, ở đây cũng chỉ còn những dấu tích hoang phế của một thời. Điều ấy Bà Huyện Thanh Quan cũng từng cảm thán khi tâm hồn hoài Lê vẫn còn đó:

“Tạo hóa gây chi cuộc hý trường,
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương,
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.”

So ra thì ở đâu cũng thế thôi! Có còn chăng là còn cái phước, cái đức và cái trí tuệ, chứ lâu đài cung điện, nhà cửa ruộng vườn, trước sau rồi cát bụi cũng trả về cho cát bụi mà thôi.

Họ tìm đến nơi cây Bồ-đề A-nan để hồi tưởng về người đệ tử mà Đức Phật rất thương mến đó. Sau đó họ tìm đến nơi nàng vũ nữ giả bụng mang dạ chửa để vu oan cho Phật. Đến nơi này thì Ngộ Đạo quay qua Ngộ Tánh hỏi rằng:

- Thế sư huynh có nhớ chuyện này không?

- Chuyện gì thế?

- Chuyện nàng vũ nữ độn bụng chữa vu oan cho Phật đó.

- Đệ kể lại xem.

- Đây là câu chuyện: “Thuở ấy ngoại đạo không thích gì sự phát triển Tăng Đoàn của Đức Phật. Một hôm Đức Phật đang thuyết pháp có một ma nữ giả bụng mang dạ chữa và vu oan cho Đức Phật, cho rằng chính cái bào thai trong bụng là con của Ngài. Ngài vẫn điềm nhiên không tỏ ra một thái độ gì cả. Trong khi các vị có trí tuệ biết rằng đó là việc vu oan, nhưng những bậc xuất gia mà lậu tận chưa hết, sinh ra nghi ngờ, không hiểu tại sao mà Phật lại như vậy. Chư Thiên thấy thế không xong, để giữ lòng tin cho mọi người, nên mới hóa hiện ra một con chuột chui vào bụng ma nữ cắn đứt sợi dây bên trong. Thế là cái bụng độn rơm kia bị tuột xuống. Nàng mắc cỡ quá mới đâm đầu xuống cái giếng này tự tử và giếng ấy vẫn còn đây.”

- Lúc nào sư đệ cũng rành rẽ hơn ta.

- Không dám! Có đâu như sư huynh lúc nào cũng tìm đến ma nữ.

- Nhưng có sao đâu?

- May mà Sư Cụ cho anh em chúng ta đi học xa như thế này, chứ còn ở trong nước thì...

- Thì sao?

- Thì lửa gần rơm lâu ngày sẽ bị cháy.

- Nhưng bây giờ thì sư huynh đã quên nàng rồi.

- Chắc không đó?

Họ nói với nhau như chọc ghẹo để nhớ lại chuyện lẩm cẩm vừa qua, nhưng đời họ đâu có gì để luận bàn. Họ chỉ chăm chú một việc là đi chiêm bái và đảnh lễ những nơi còn lại. Thế là họ đã đến nơi thành Tỳ-xá-ly. Nơi đây có nhiều sự kiện quan trọng lắm. Ví dụ như Đức Phật lần đầu tiên tuyên bố là Ngài sẽ nhập Niết-bàn. Nơi ngài độ cho bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề xuất gia. Nơi đức Phật lên cõi trời Đao Lợi để giảng kinh Địa Tạng cho mẫu hậu Ma-da nghe. Nơi mà ông Duy-ma-cật đã hiện thân bịnh để nói pháp. Cuối cùng, thành Tỳ-xá-ly cũng là nơi kiết tập kinh điển lần thứ hai sau khi đức Phật diệt độ 100 năm.

“Thuở ấy, Ma Ba-tuần đã hiện ra và thưa với Phật rằng:

- Bạch Ngài! Tất cả những gì đáng độ, Ngài đã độ. Bây giờ các chúng đệ tử của Ngài đã đủ. Ngài nên vào Niết-bàn như lời đã hứa sau khi thành đạo.”

Đức Phật lấy móng tay của mình múc lên một ít đất và hỏi Ma Ba-tuần rằng:

- Đất trong móng tay ta nhiều hay ở dưới đất nhiều?

- Dĩ nhiên là đất trong móng tay Ngài ít hơn.

- Cũng như thế đó. Những gì ta dạy cho đệ tử của ta cũng giống như đất trong móng tay này. Còn những gì ta chưa dạy còn lại nhiều như đất của đại địa vậy. Thôi còn ba tháng nữa ta sẽ vào Niết-bàn.

Trong khi đó Ngài A-nan ở trong rừng trải qua một giấc mơ rằng cành lá của cây đại thọ đã rụng hết, chỉ còn một gốc cây trơ trọi. Sau đó Ngài về bạch Phật rằng đã xảy ra chuyện gì thì Phật bảo: Trước đó ta có bảo cho ngươi nghe rằng: Một bậc giác ngộ nếu có lời thưa thỉnh, ta sẽ ở lại lâu dài hơn trên đời này, nhưng đầu óc của ngươi đã bị Ma Ba-tuần che khuất, khi nhớ ra thì đã muộn rồi. Vì ta đã hứa với Ma Ba-tuần ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết-bàn.

Ngài A-nan nghe thế dập đầu xuống đất khóc than thảm thiết, nhưng biết làm sao hơn…”

Gần đây có vườn nhà của ông Trưởng giả Duy-ma-cật nữa. Nhìn cái vườn nhỏ như thế này mà chứa đến chín triệu Bồ Tát từ cõi trời Chúng Hương đến và mỗi vị có một tòa sư tử, mới hay pháp Phật thật nhiệm mầu bất khả tư nghì.

Đọc kinh Duy-ma-cật, Ngộ Đạo thấy có nhiều điểm hay và hôm nay nhân đến vườn này nên hỏi Ngộ Tánh thử sư huynh mình có nhớ ra không?

- Thưa sư huynh! Sư huynh có biết tại sao khi thiên nữ hiện thân ra nơi đây để rải hoa dâng cúng các vị Bồ Tát và các vị Thanh Văn mà khi hoa rơi trên vai của Bồ Tát lại không dính, nhưng lại dính trên vai của các vị Thanh Văn?

- Chắc các vị Thanh Văn thích hoa hơn các vị Bồ Tát.

- Chưa đúng hẳn.

- Vậy chứ sao?

- Theo đệ là do các vị Thanh Văn tu hành còn chấp trước nhiều lắm, nên hoa rơi đến đâu thì dính đến đó. Còn các vị Bồ Tát vượt lên trên sự chấp có, chấp không, cho nên mới không bị dính.

- Thế sư đệ muốn tu theo hạnh nào?

- Chắc sư huynh đã biết rồi.

- Còn ta, ta chỉ tu theo pháp Thanh Văn thôi.

- Nghĩa là vẫn còn nghĩ đến người đẹp?

Ngộ Tánh liếc một cái thật mạnh về Ngộ Đạo làm như có ý trách móc và hỏi lại Ngộ Đạo rằng:

- Thế thì món cơm Hương Tích tại sao mà có?

- Vì Ngài Duy-ma-cật muốn các vị đệ tử của Phật Thích-ca biết được công đức của Phật ở cõi Chúng Hương ấy như thế nào, mới có ý ấy.

- Nhưng tại sao chỉ một nồi cơm nhỏ mà mấy ngàn, mấy vạn, mấy triệu Bồ Tát ăn cũng không hết?

- Bởi vì cơm Hương Tích là cơm công đức, không thể ăn hết công đức của vị Phật ở cõi Chúng Hương kia được.

- Đúng là xứng đáng sư đệ của ta rồi. Hèn gì mà lúc nào Sư Cụ cũng tuyên dương sư đệ ở nhiều phương diện…

- Việc ấy đệ đâu có bao giờ để ý.

Nói xong hai thầy tìm đến nơi Đức Phật đã độ cho bà dì ruột là Ma-ha Ba-xà-ba-đề và 500 thể nữ cùng xuất gia với điều kiện là phải giữ gìn tám pháp cung kính với chư Tăng. Tiếp đó họ hướng về phía thành Câu-thi-na, nơi đức Phật nhập diệt để lạy tam bộ nhứt bái và mười mấy ngày sau họ mới đến nơi.

Ở đây dấu tích hai cây sa-la vẫn còn đó và hình Phật nằm nhập Niết-bàn bất động, trông dáng vẻ rất từ bi, nhưng cả hai người đều không cầm được nước mắt. Họ đã khóc như chưa bao giờ được khóc, rồi họ ôn lại những gì trong kinh Đại Bát Niết-bàn cũng như kinh Di Giáo mà Phật đã dạy. Sau đó họ đi đến nơi làm lễ trà tỳ của Đức Phật. Bây giờ chỗ này chỉ còn một tháp kỷ niệm lớn. Vì xá-lợi đã được các vua chúa đương thời phân chia để thờ và vua A-dục về sau cũng đã dựng 84.000 tháp để thờ xá lợi ấy và ngày nay xá lợi của đức Phật đã hiện diện khắp mọi nơi. Từ Thiên cung cho đến Long cung và ở cõi Diêm-phù-đề này nữa, nơi nào mà chẳng có pháp thân của đức Phật.

Câu-thi-na vào một chiều thu trông rất buồn và ảm đạm. Họ cũng đã cảm lây với cái không khí đau sầu khổ não của các đệ tử Phật trước khi Ngài vào Đại Niết-bàn. Họ xót thương cho thân phận của mình là sinh ra sau Phật quá xa. Vì thế ánh sáng Chánh pháp đã yếu dần. Thay vào đó là Ma vương, ngạ quỷ đã hoành hành khắp nơi trên thế giới. Người có đức hạnh đã ở ẩn trong rừng sâu, trên núi cao, chỉ còn những người đạo hạnh không tinh chuyên đang múa may quay cuồng với nhân thế.

Họ phải vượt qua biên giới bằng thư giới thiệu của nhà chức trách, mới đến được nơi vườn Lam-tỳ-ni, nơi Thái Tử Tất-đạt-đa đản sanh vào năm 624 trước Tây lịch. Giờ đây cây vô ưu không còn nữa. Chỉ còn trơ lại cây trụ đá của vua A-dục, do Ngài Huyền Trang phát hiện trong thế kỷ 7. Bây giờ vẫn đứng trơ gan cùng tuế nguyệt. Chung quanh đó chẳng còn gì, chùa viện hầu như hoang tàn đổ nát, trông thấy mà cảm lây với sự tang thương của đất trời vạn vật. Bên cạnh đó có một hồ nước thiêng, tương truyền rằng sau khi mẫu hậu Ma-da hạ sanh Thái Tử, chín con rồng đã phun nước để tắm cho Thái Tử và hoa sen từ dưới đất đã mọc lên để đỡ chân Thái Tử trong mỗi bước đi, để đến bước cuối cùng Ngài nói:

“Trên trời dưới đất chỉ có cái ta là quan trọng hơn cả và đây là lần sanh cuối cùng của ta.”

Quả là bậc Chánh Biến Tri. Vì khi Ngài sanh ra, Ngài đã biết sanh vào đâu và chọn lựa chốn nào để sanh. Còn chúng ta ở nơi bụng mẹ trong chín tháng mười ngày tối đen như mực, chẳng biết thế giới bên ngoài ra sao, chứ bên trong toàn là máu huyết, đờm dãi và bị ngộp thở. Thế mà nhiều người đã chẳng chịu ra, cứ muốn dấn thân vào. Đã đành nếu là Bồ Tát vào cõi hồng trần không có sao, vì các Ngài có thể dùng tâm Bồ Tát và hành động của Bồ Tát để chuyển hóa khổ đau thành ra an lạc hạnh phúc. Còn chúng ta thì trái lại. Ta vào đời đâu phải vì nguyện lực độ sanh. Tất cả chỉ vì nghiệp lực, mà đã là nghiệp lực thì mình cứu mình còn không nổi làm sao cứu nổi ai?

Sau khi thăm tất cả những thánh tích trong cuộc đời đức Phật, họ đã học được bài học vô giá cho cuộc sống tu hành, cho bây giờ cũng như cho mai hậu. Nhân cơ hội ấy họ đã đi hết xứ Nepal rồi Bhutan và vượt qua Hy Mã Lạp Sơn để vào thăm Tây Tạng huyền bí.

Xứ Tây Tạng trong một thời gian dài luôn lấy Phật Giáo làm quốc giáo. Đặc biệt từ thế kỷ 9, 10, Đức Đạt-lai Lạt-ma được kính trọng tôn xưng là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm, với lòng từ bi vô lượng Ngài đi vào đời để cứu khổ chúng sanh. Chữ Lạt-ma có nghĩa là vị thầy. Chữ Đạt-lai có nghĩa là trí tuệ. Vị thầy ấy được người dân Tây Tạng cung kính như một vị Phật sống, một quốc vương, một tăng vương, cai trị một quốc gia toàn núi đồi và có dân số rất ít, chừng mấy triệu người.

Họ có triều đình gồm hai viện. Một viện do chư Tăng điều hành và một viện do cư sĩ điều hành. Kinh điển mà họ dùng đa phần bằng tiếng Phạn và tiếng Tây Tạng. Họ ảnh hưởng rất nhiều về Mật Giáo bởi các vị Đại Sư Santideva và Ngài Tông Khách Ba v.v...

Cung điện Potala là một cung điện gồm nhiều tầng và nhiều dãy nhà ngang dọc. Trên cùng nơi lớn nhất là nơi thờ Tượng Đức Quán Thế Âm. Bên cạnh đó là Pháp tòa, cũng là ngai vàng của Đức Đạt-lai Lạt-ma ngự trị.

So với Ấn Độ, Népal thì Tây Tạng, cách kiến trúc khác xa rất nhiều. Vả lại nơi đây toàn là núi đồi, cho nên những chùa viện được cất thật cao trên vách núi cheo leo. Cứ tưởng tượng rằng một vị tăng sĩ khi vào đó nhập thất chắc chừng vài ba chục năm họ mới xuống núi một lần. Họ hình như không còn thiết tha gì với cuộc sống trần thế này nữa. Vì lẽ theo quan niệm của những người nhập thất là càng xa nơi ồn ào náo nhiệt nhiều chừng nào càng tốt chừng ấy!

Ở Tây Tạng cũng như Bhutan, chùa viện là trung tâm sinh hoạt. Bhutan ảnh hưởng văn hóa của Phật Giáo Tây Tạng, vì Tây Tạng có thời chiếm cứ Bhutan để làm thuộc địa. Vì vậy Phật Giáo Bhutan cũng gần giống như Phật Giáo Tây Tạng, nghĩa là đa phần dân chúng theo Phật Giáo.

Đến Bhutan để thấy rằng trên từ vua chúa, hoàng hậu đến bá quan văn võ, dưới cho đến thần dân, mọi người đều tin theo Phật và nơi nơi đều thực hiện hạnh từ bi đối với thiên nhiên cũng như muông thú. Họ cũng có hai cơ quan điều hành đất nước. Một là viện của chư Tăng, phần khác do vua và các quan nắm giữ.

Ở đây họ cũng chịu ảnh hưởng Ngài Santideva của Ấn Độ không ít. Tương truyền rằng sau khi Ngài Santideva bay qua Tây Tạng để truyền giáo, Ngài cũng dùng thần lực bay qua Bhutan để truyền dạy giáo pháp nhiệm mầu của Phật.

Ở trên một đỉnh đồi thật cao gần thủ đô Thimpu của Bhutan có một hang động và nơi đây mọi người dân cũng như chư Tăng tin rằng sau khi truyền phép mật tông thì Ngài từ hang động này dùng thần lực để thăng thiên và từ đó biệt vô âm tín.

Lịch sử của Ngài Santideva (dịch là Tịch Thiên) ở Ấn Độ cũng mang nhiều nét ly kỳ lắm. Tương truyền rằng lúc nhỏ Ngài có một ước mơ là tu theo trí tuệ của Bồ Tát Văn-thù và ước gì trong đời, Ngài được gặp Ngài Văn-thù một lần cho thoả chí. Một hôm nằm mộng Ngài thấy một vị Tara đến báo rằng hãy vào rừng thì sẽ gặp. Ngài Santideva rất hoan hỷ. Khi vào rừng sâu, Ngài được gặp Ngài Văn-thù-sư-lợi Bồ Tát và được học Pháp Trí Tuệ của Bồ Tát Văn-thù suốt mấy năm như vậy. Sau khi được pháp Trí Tuệ rồi, Ngài được Ngài Văn-thù ban cho một cây kiếm báu bằng gỗ và với nhiều sự gởi gắm giữ gìn.

Lớn lên Ngài được làm Thừa Tướng hầu cận đức Vua. Một hôm có một vị đại thần tâu với vua rằng: Làm Thừa Tướng hầu bên cạnh Vua mà lúc nào cũng mang cây kiếm giả, thì khi quân giặc đến làm sao có thể chiến đấu để phò vua. Đó là một tội khi quân và đáng trách. Vua nghe tâu như vậy thấy có lý, nên một hôm vua hỏi Ngài Santideva rằng:

- Tại sao ngươi lại dám khi quân như thế. Trong khi hầu cận ta mà chỉ mang thanh kiếm gỗ?

- Muôn tâu bệ hạ! Hạ thần không có tội đường đột ấy. Chỉ sợ Thánh Thượng không tin, nên không dám tỏ bày.

- Ngươi hãy chứng minh.

- Đây là cây kiếm báu của Đức Văn-thù. Nếu Ngài muốn xem thì Ngài phải lấy tay bịt con mắt phải lại.

- Để làm gì?

- Bệ hạ cứ thực hiện như vậy.

Khi lưỡi kiếm vừa rút ra khỏi bao, thì một tia hào quang sáng chói lòa dội ngược vào mắt trái của Vua. Tức thời con mắt này tự động rơi xuống đất. Đức Vua rất hối hận mà nói rằng:

- Quả ngươi có lý. Còn ta có mắt mà cũng như mù.

Sau khi nói xong lời hối hận ấy, mắt trái của Vua hoàn lại như cũ và kể từ đó Vua tin tưởng Santideva nhiều hơn. Nhưng sau nhiều năm tháng làm Thừa Tướng với bao nhiêu nỗi nhọc nhằn của nhân thế, nên Ngài đã từ quan và đến Đại học Na-lan-đà xin xuất gia học Đạo.

Sau khi xuất gia, Ngài vẫn là con người bình thường, đôi khi các bạn đồng tu còn cho là biếng nhác nữa, vì thấy Ngài chẳng siêng năng học hành tu niệm gì cả. Một hôm, Ngài mới bảo các vị đồng tu rằng:

- Quý vị hãy làm cho tôi một pháp tòa.

- Để làm gì?

- Để nói pháp.

Các vị đồng tu đều cười khảy, tỏ ý chẳng tin lời nói của một người biếng lười như thế, nhưng họ vẫn sẵn sàng làm một pháp tòa để cho Ngài Santideva thuyết pháp. Thăng tòa, Ngài hỏi đại chúng:

- Quý vị muốn tôi nói pháp nào? Pháp quá khứ, pháp hiện tại, hay pháp vị lai.

Ai nghe thấy cũng cười và đồng loạt trả lời trong vẻ khinh bỉ vì cho rằng Ngài đâu có khả năng nói pháp. Họ nói:

- Tất cả pháp đều nên nói.

Thế là Ngài thao thao bất tuyệt giảng về pháp quá khứ, hiện tại và vị lai không một chỗ vấp nào cả. Sau khi thuyết xong Ngài dùng thần lực bay lên hư không và thế là mọi người tiếc ngẩn ngơ, không ngờ Bồ Tát đang ở trước mặt mà chẳng nhìn ra. Sau đó mọi người về phòng của Ngài thì thấy trên bàn có để lại ba quyển sách nhan đề là Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận, Bồ Tát Hạnh và một quyển thuộc về kinh. Cả ba quyển này có tác dụng với Phật Giáo Mật Tông rất nhiều. Đặc biệt là Phật Giáo Tây Tạng, Bhutan, Népal và Mông Cổ.

Nghe qua câu chuyện vừa như thần thoại, vừa như truyền thuyết ấy, cả Ngộ Đạo và Ngộ Tánh đều bàng hoàng. Rõ ràng là vẫn có những vị tu chứng đấy chứ! Chỉ vì mình không và chưa có nhân duyên để gặp đấy thôi.

Trong quyển “Đại Đường Tây Vức Ký”, Ngài Huyền Trang cũng có ghi lại rằng: Trong núi Hy Mã Lạp Sơn có ngọn núi Everest cao 8.848 thước ấy vẫn còn hai hay ba vị tu theo pháp “Diệt Tận Định”, có nghĩa là quý Ngài ấy đã tọa Thiền gần hai triệu năm rồi và thân thể vẫn còn bất động. Thân thể này sẽ được sống dậy với ba điều kiện như sau:

Thứ nhất là nghe tiếng khảy móng tay mà tỉnh dậy. Thứ hai là khi có tiếng chuông đánh gần bên tai và thứ ba là khi ánh sáng mặt trời rọi đến. Các Ngài vẫn còn tính nghe và tính biết. Chỉ không ăn uống gì cả mà thôi.

Ngài Huyền Trang cũng có ghi lại việc nhập diệt của Ngài Ma Ha Ca Diếp gần Bồ Đề Đạo Tràng trên núi Kê Túc như sau:

“Hiện tại Ngài Ca Diếp đang nhập Diệt thọ tưởng định và chờ đến khi nào Ngài Di Lặc Bồ Tát ra đời độ Tam Hội Long Hoa xong, lúc ấy có các vị Tăng không tin nên đã cùng với đức Phật Di Lặc đến nơi và dùng ngón tay khảy ba lần, lúc ấy Ngài Ca Diếp từ bên trong hang đá bay ra, dâng y vàng của Mẫu Hậu Ma Gia lên Ngài Ca Diếp và Ngài dùng thần lực để bay lên không trung và dùng lửa Tam Muội để thiêu thân mình rồi thác hoá.”

Như vậy ta có thể tin là còn 7 triệu năm nữa. Trong bảy triệu năm ấy Ngài Ma Ha Ca Diếp không ăn uống gì cả. Còn ta ăn ngày ba bữa vẫn thấy đói như thường. Nghĩ đến đó mà thẹn cả lòng. Nên cả Ngộ Đạo và Ngộ Tánh đều yên lặng bước đi và bàn với nhau về những dự tính trong thời gian sắp đến.

Cả hai thầy sau bao nhiêu năm chiêm bái và học hỏi ở những nơi trên, bây giờ họ muốn băng rừng vượt suối qua các xứ Trung Hoa, Đại Hàn và Nhật Bản là những nơi mà Phật giáo đã có mặt lâu đời. Đồng thời những nước này dùng chữ Hán, có thể qua bút đàm mọi người sẽ hiểu, chứ thật ra những nước như Ấn Độ, Népal, Tây Tạng và Bhutan, đi đến đâu họ cũng gặp khó khăn. Vấn đề đầu tiên vẫn là vấn đề ngôn ngữ. Còn những vấn đề khác như ăn, uống, ngủ nghỉ đối với họ không thành vấn đề.

Trước khi họ đến Trung Hoa, họ được biết rằng Phật Giáo được truyền vào Trung Hoa từ đời nhà Hán, nhưng đến hơn 300 năm sau Phật giáo mới thịnh hành được. Vì lẽ Nho giáo đã có mặt lâu đời ở đây, phải thật tình mà nói sở dĩ Phật giáo phát triển dễ dàng ở Trung quốc là nhờ Đạo giáo hay còn gọi là Lão giáo. Tinh thần “vô vi chi đạo” của Lão Giáo dễ hòa hợp với tinh thần Bát Nhã hay tinh thần Tánh Không hoặc Trung Đạo trong văn học Bát Nhã. Do vậy mà trên từ vua quan dưới cho đến thứ dân ai ai cũng ngưỡng mộ đạo Phật suốt từ thời đạo Phật được truyền vào đến nay. Tuy cũng có vài giai đoạn khó khăn, Phật giáo bị Pháp nạn, nhưng không vì thế mà bị lu mờ trên mọi phương diện trong đời sống của người dân tại xứ sở rộng lớn này.

Người ta nói ở Trung Hoa có nhiều châu huyện, nhưng có bốn châu là tiêu biểu hơn cả. Đó là Tô Châu, Hàng Châu, Quảng Châu và Liễu Châu. Tại Tô Châu có chùa Hàn Sơn rất nổi tiếng. Không phải ngôi chùa tự nổi tiếng mà nhờ bốn câu thơ của Trương Kế mà ngôi chùa trở nên nổi tiếng hơn. Đó là bài:

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên,
Cô Tô thành ngoại Hàn sơn tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Dịch thơ:

Trăng tà tiếng quạ kêu sương,
Lửa chài cây bến sầu vương não lòng.
Ngoài thành chùa núi tên Hàn,
Cô Tô khách đến khuya thuyền nghe chuông.

Đây là câu chuyện có một nho sinh thời đó thi hỏng, anh ta buồn quá nên mới thuê thuyền đi trên sông để hóng mát, uống rượu ngâm thơ. Mãi từ khi tiếng quạ kêu buổi tối, lúc mà ánh lửa bập bùng trên thuyền chài đậu dưới hàng cây phong, cho đến khuya lơ khuya lắc người nho sinh ấy mới thức dậy, vì chợt nghe tiếng chuông chùa đã báo hiệu vào canh khuya. Bài thơ đại ý chỉ có thế, nhưng ý thơ thì quá hay và bài Đường luật này phải nói rằng các nho sinh như Ngọc Minh tức là Thích Ngộ Tánh bây giờ đã thuộc làu từ dạo ấy. Bây giờ qua đây, nghe những giai thoại này nghĩ rằng như chuyện mới xảy ra đâu đây.

Rồi Hàng Châu có con gái tuyệt thế giai nhân. Quả thật là đẹp tuyệt vời. Đến đây để thấy sông Tiền Đường như thế nào, không biết ngày xưa Kiều đã nhảy xuống sông này tự tử rồi được sãi Giác Duyên vớt lên có lớn như bây giờ không, chứ trong lúc này thì dòng sông thơ mộng lắm. Hình như nhiều bà hoàng hậu, vương phi của các vua Trung Hoa ở những triều đại trước đều xuất thân từ Hàng Châu này.

Bên bờ sông có những cây liễu rũ buông mình trên dòng nước mát trông giống như những cung nữ thời xưa đứng chờ thời để một lúc nào đó được vua đi ngang qua đoái mắt nhìn theo. Quả thật là đẹp. Đúng với danh tiếng Hàng Châu.

Rời Hàng Châu đến Quảng Châu là thủ phủ của tỉnh Quảng Đông mà tương truyền rằng đây là giang sơn của người Việt chúng ta, nên vào cuối thế kỷ 18 sau khi Quang Trung Nguyễn Huệ chiến thắng trận Đống Đa với quân Thanh, đã đưa quân qua gần tới Quảng Châu. Nhiều người Việt Nam bảo rằng chỉ tiếc vì vua mất quá sớm, chứ không thì Quảng Đông và Quảng Tây đã đòi lại được rồi. Hai chữ phải chi sao mà nó trễ nãi thế!

Ở đây đặc biệt là đồ ăn rất ngon. Hầu như các thợ nấu ăn Trung quốc có mặt khắp nơi trên thế giới đều xuất thân từ Quảng Châu này. Nơi đây có chùa Quang Hiếu nhỏ lắm, nhưng người ta bảo nhau rằng: Khi thành Quảng Châu chưa có, thì chùa Quang Hiếu đã có rồi. Đúng là Phật giáo đã có mặt lâu đời ở Trung quốc. Bên cạnh đó có chùa Lục Dung, chùa có sáu cây dung rất lớn. Tô Đông Pha, một thi sĩ nổi danh đời Đường đã đến đây và có bài thơ nổi tiếng để tặng nơi này, bây giờ vẫn còn hai câu thơ khắc vào ván treo ở phía trước cửa tháp.

Đi chừng vài ba tiếng đồng hồ, đến chùa Nam Hoa ở Thiều Quang, nơi mà cả cuộc đời hành đạo của Lục Tổ Huệ Năng được ghi dấu tại đây. Ở đây ba chân thân xá lợi của Ngài Huệ Năng, Ngài Đơn Điền và Ngài Hám Sơn đều còn ngồi nguyên vẹn tại Tổ Đường. Nơi Tào Khê này là đạo tràng dựng nghiệp Tổ thuộc Nam truyền hay Đốn giáo. Từ đây Thiền Tông được truyền sang Việt Nam, qua Đại Hàn và qua Nhật Bản. Nếu nói Ấn Độ là chốn Phật ra đời, thì ở đây lại là chốn Tổ. Ai là con cháu của Thiền Tông và Tịnh Độ Tông hãy nên về đây một lần để đảnh lễ nhục thân xá lợi của ba Ngài.

Phật ra đời đã lâu ở Ấn Độ. Nếu không có những vị Tổ tiếp nối dòng sinh mệnh của Phật thì Phật giáo đâu có cơ hội truyền thừa liên tục từ mấy ngàn năm qua.

Đi đến đâu Ngộ Đạo và Ngộ Tánh cũng trầm ngâm. Thỉnh thoảng Ngộ Tánh than mệt, nhưng Ngộ Đạo hết lời khích lệ. Dầu Ngộ Đạo tuổi nhỏ hơn Ngộ Tánh nhưng ngẫm nghĩ những công khó của chư Tổ ngày trước nên cố gắng hơn và nhân cơ hội này họ mới có duyên đi đến đây để học hỏi những điều của người xưa để lại.

Liễu Châu là một trong bốn châu còn lại, ít có liên quan đến Phật Giáo, nhưng vì ở đây người Trung quốc có tục lệ khi chết phải chôn, mà phải chôn trong quan tài tốt. Tại Liễu Châu gỗ rất tốt, vì đây toàn là chốn rừng già. Do vậy ở Trung quốc nhiều người già muốn về Liễu Châu để sống và chết tại đó để được vững tâm hơn và thân thể của mình lâu mục nát. Đó có thể là quan niệm của Nho giáo chứ chẳng phải của Phật giáo.

Lần này hai người đến đây cốt để đi đảnh lễ tứ đại danh sơn, tức là bốn chốn núi danh tiếng, là nơi thị hiện của bốn vị Bồ Tát trong tinh thần Đại Thừa. Đó là Phổ Đà Sơn, nơi thị hiện của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát; Nga Mi Sơn, nơi thị hiện của đức Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát; Cửu Hoa Sơn, nơi thị hiện của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát và Ngũ Đài Sơn là nơi thị hiện của Đức Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.

Trí tưởng tượng của người Trung Hoa thật phong phú, họ đã mường tượng và suy diễn lịch sử Phật Giáo bằng nhiều hình thức khác nhau, trong óc sáng tạo của họ. Thật sự ra các kinh điển của Phật dạy đều có đề cập đến các vị Bồ Tát này trong nhiều pháp hội khác nhau, nhưng đâu phải tại Trung quốc. Thế là mấy trăm năm sau thôi, đa phần người Trung quốc đều nghĩ rằng các vị Bồ Tát ấy là người Trung Hoa. Việc này thật sự ra cũng hay chứ không dở. Vì lẽ đạo Phật đến đâu mọc rễ tại đó. Ấy mới là đạo Phật.

Muốn đến Phổ Đà Sơn phải dùng thuyền đi từ Ninh Ba hoặc Thượng Hải. Đây là một cái đảo, trên đó có nhiều chùa viện xây la liệt từ trên đỉnh xuống đến biển. Gần bờ biển có một ngôi chùa tuy nhỏ, trông rất khiêm nhường, nhưng là ngôi chùa nổi tiếng nhất. Ngôi chùa này gọi là “Bất Khẳng Khứ Quán Âm Điện” có nghĩa là điện thờ đức Quán Thế Âm không chịu đi.

Câu chuyện được kể lại rằng: Vào đời Đường có một vị sư người Nhật tên Tuệ Ngạc sang Trung quốc để học đạo, sau đó Ngài về nước. Khi về, vị sư muốn mang tượng Quan Âm của núi này về Nhật để thờ tự, lễ bái, nguyện cầu. Thế nhưng đi chưa ra khỏi bờ biển được bao lâu thì sóng gió nổi lên và các hoa sen bằng sắt mọc lên chặn thuyền của vị Sư Nhật Bản lại. Vị ấy đi không được, đành quay lại bờ. Đoạn Ngài lập miếu để thờ tượng ấy và nơi đây đã xảy ra nhiều việc linh hiển có ghi trong quyển “Phổ Đà Sơn Dị Truyện”. Do Phật Bà không chịu đi về Nhật, nên gọi là “Bất Khẳng Khứ”. Đó là sự thật chứ không phải giai thoại. Ai đến đó cũng rất cảm động và có nhiều người khóc sướt mướt lễ bái đức Quan Thế Âm.

Đức Quan Thế Âm ở Ấn Độ là hình thù của một người nam, khi qua Tây Tạng là hiện thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Khi đến Trung quốc trở thành một người nữ và đến nước khác lại có nhiều hóa thân khác nhau, cho nên Quan Âm có nghìn mắt, nghìn tay là thế. Gặp trong hoàn cảnh nào Ngài hiện ra cảnh ấy để cứu độ nhân sinh. Ngộ Đạo và Ngộ Tánh khi đến đây cũng hồi tưởng lại tượng Đức Quan Thế Âm có thờ nơi chùa Sắc Tứ Hưng Phước Tự của mình.

Sau khi rời khỏi Phổ Đà Sơn, họ đã đi lên hướng phía Bắc để đảnh lễ nơi Đức Văn Thù thị hiện. Nơi ấy gọi là Ngũ Đài Sơn. Gồm có năm đài là Nam, Tây, Đông, Bắc và Trung đài. Nơi đây có một ngôi chùa thật cao, leo đến 1.080 bậc cấp mới lên tận đỉnh được. Không biết người xưa đã làm cách nào mà có thể khuân vác, vận chuyển gạch ngói lên tận mây xanh ấy. Quả là bất khả tư nghì.

Tiếp đến hai thầy viếng Nga Mi Sơn và Cửu Hoa Sơn, nơi đức Đại Hạnh Phổ Hiền thị hiện. Các núi ở đây rất đẹp, giống như đôi lông mi của người con gái, nên gọi là Nga Mi. Trung quốc có một phái võ của người nữ gọi là phái Nga Mi. Tại Nga Mi cảnh thật đẹp, nơi đây có một chùa đúc tượng đồng Ngài Phổ Hiền và voi trắng sáu ngà có từ thời nhà Đường trông oai vệ và có hồn lắm. Ở đây núi cao, sương thấp cho nên cảnh vật mờ mờ ảo ảo trông thật nên thơ.

Danh sơn cuối cùng là Cửu Hoa Sơn. Nơi đây có chín ngọn núi mọc lên như lẵng hoa đang nở nên gọi là Cửu Hoa. Đức Địa Tạng trong kinh Địa Tạng và Đức Địa Tạng ở đây đã hiện thân vào đời nhà Đường hơi khác. Hình ảnh mà đức Địa Tạng đang thờ trong các chùa ở Việt Nam và Trung Hoa cũng như Đại Hàn là hình ảnh của Ngài Kim Kiều Giác, là một Đông Cung Thái Tử của Đại Hàn, bỏ ngôi báu đi xuất gia. Vào đời nhà Đường, Ngài đến núi này để tu học và tìm cho được chơn thân của Ngài Địa Tạng. Cuối cùng thì chính Ngài đã hiện thân là Địa Tạng Vương. Vì vậy cho nên hình ảnh của các vị Bồ Tát, vị nào cũng còn để tóc dưới hình thức thị hiện là một nam nhơn hay nữ nhơn, nhưng Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát nhìn trên đầu của Ngài là hình ảnh của vị Tăng sĩ, đầu cạo nhẵn. Đó là lý do.

Ngộ Đạo và Ngộ Tánh ngẩn ngơ trước các cảnh thiên nhiên của Trung Hoa đẹp không thể nào tả hết. Thật đúng như những bức tranh thủy mặc mà các họa sĩ đã vẽ và giới thiệu. Nơi nào có núi non là nơi đó có chùa viện và một điều thú vị là đi đến chùa nào cũng nghe họ tụng kinh hai thời sáng tối đều giống Việt Nam mình, nên Ngộ Tánh lên tiếng trước.

- Đó, đệ thấy không, họ tụng kinh giống mình quá xá phải không?

- Không biết là ai giống ai đó.

- Dĩ nhiên là Việt Nam mình giống Trung Hoa thì đúng hơn. Vì lẽ đạo Phật Việt mình một phần lớn được truyền từ Trung Hoa vào mà.

- Điều ấy xin nói kỹ lại. Vậy tại sao khi Ngài Khương Tăng Hội từ Giao Châu mình qua nơi đất Nghiệp, Ngài bảo rằng lúc đó Trung quốc ít chùa viện hơn mình?

- Huynh nên biết rằng đạo Phật Trung Hoa được truyền từ Ấn Độ sang từ thời Hán Minh Đế, nghĩa là đầu thế kỷ thứ nhất kia. Hai Ngài Ma Đằng và Trúc Pháp Lan mang kinh Tứ Thập Nhị Chương đầu tiên vào đất Nghiệp đó. Sau đó vua chúa nhà Hán đều có tín tâm với Phật, nhưng sau đó có nhiều triều đại phế Phật, do vậy khi Ngài Khương Tăng Hội đến thì tình thế mới như vậy.

- Nhưng đệ có biết hai thời công phu do ai soạn không?

- Chà chà cái này phải hỏi lại đấy. Thế sư huynh có biết không?

- Sư huynh cũng chịu. Huynh này chỉ biết một điều là ở Ấn Độ chư Tăng không tụng Lăng Nghiêm vào buổi sáng, không tụng A-di-đà vào buổi chiều. Họ chỉ ngồi Thiền thôi. Nếu tụng họ chỉ tụng kinh Pháp Cú và những bài kinh ngắn, chứ đâu dài hàng tiếng đồng hồ như các chùa ở xứ mình.

- Một điều chắc chắn là vào đầu thế kỷ 5, Ngài Huệ Viễn là Tổ Khai Tông của Tịnh Độ đã có mặt tại đó từ thời nhà Tấn. Vậy thì chắc chắn Kinh A-di-đà và Kinh Quán Vô Lượng Thọ cũng như kinh Vô Lượng Thọ đã bắt đầu tụng vào thời này.

- Còn Kinh Lăng Nghiêm?

- Dĩ nhiên là do các nhà sư Ấn Độ mang vào, chứ không lẽ tự nhiên các Tổ Sư Trung Hoa soạn ra cái chữ gì mà nó chẳng có nghĩa ấy sao?

- Đệ quên một điều là thần chú Lăng Nghiêm do Phật nói để giải cứu cho Ngài A-nan bị Ma-đăng-già bắt.

- Đệ đã hiểu rồi, còn huynh thì sao? Tại vì không trì tụng kinh Lăng Nghiêm thường xuyên nên bị Ma-đăng-già quấy nhiễu, có phải thế không nào, hãy bật mí cho đệ biết đi.

- Không nói thì đệ cũng biết rồi, nhưng ta …

- Nhưng sao? Có lẽ còn vương vấn đấy chứ?

- Chúng sanh mà đệ.

- Thôi chúng ta hãy quên đi chuyện cũ. Bây giờ chúng ta nên tìm cách sang Đại Hàn để viếng thăm các danh lam cổ tự tại đó. Vì lẽ Phật giáo Đại Hàn cũng dùng chữ Hán và tụng kinh giống mình, chỉ khác âm vận mà thôi.

Thế là họ cất bước ra đi với hai tay nãi nhẹ nhàng trên đường du hóa. Đi đến đâu, gặp chùa nào họ xin vào ngủ tá túc qua đêm. Ban ngày đi, ban đêm nghỉ. Họ chỉ dùng một bữa ngọ trai đã quen rồi kể từ mấy năm còn ở Ấn Độ. Do đó họ cảm thấy an lạc trong từng bước đi. Nếu nơi nào không có nhà dân chúng thì họ tìm trái cây trong rừng hái lấy làm đồ ăn thay cơm cháo. Nơi nào đồng không nhà trống thì họ cố nhịn qua đêm, thế là xong. Còn phương tiện di chuyển đối với họ cũng đơn giản. Lúc thì đi xe ngựa, khi thì đi kiệu, nếu đường khó đi, nhưng đa phần là đi bộ. Vì họ nghĩ đến Ngài Huyền Trang đã khổ nhọc hồi thế kỷ 7 rất nhiều. Còn bây giờ so ra với ngày xưa, họ vẫn còn chưa thấm vào đâu, nên họ đã hăng hái tiến bước.

Ngày lại tháng qua họ đã đến Triều Tiên lúc nào chẳng hay biết. Khi đến biên giới họ đã trình thư giới thiệu cho quan sở tại và họ đã vào đất này một cách dễ dàng.

Tại Trung quốc cảnh đã đẹp thì tại Triều Tiên cảnh sắc còn đẹp hơn. Hình như núi ở đây cao hơn và sông ở đây tuy không dài như ở Trung quốc và Ấn Độ, nhưng vẻ đẹp thật là lộng lẫy kiêu sa. Vừa đi, vừa ngắm cảnh hai bên đường cũng đã làm cho họ bớt nhọc nhằn. Họ thấy cách xây chùa ở đây cũng khác với Trung quốc và Ấn Độ. Vì núi ít cây nên chùa xây trong hang đá cũng nhiều, nhất là miền bắc. Còn miền nam Triều Tiên thì trù phú hơn. Có nhiều chùa rất lớn như Phật Quốc Tự, Hải Ấn Tự và Thông Độ Tự chẳng hạn. Ba chùa này là ba chùa đại biểu của Phật Giáo Đại Hàn. Mỗi chùa như vậy ngự trị trên một và nhiều dãy núi khác nhau và mỗi chùa như vậy lớn gấp mấy chục lần chùa viện của Việt Nam chúng ta.

Ở Trung quốc có đến 10 Tông Phái lớn, nhưng ở Đại Hàn chỉ có Tông Tào Khê thuộc Thiền Tông là lớn nhất. Còn các Tông khác thì ít người theo, ngay cả pháp môn Niệm Phật A-di-đà cũng vậy. Có lẽ ở Triều Tiên gần với Trung quốc nên hấp thụ Thiền từ Lục Tổ Huệ Năng dễ hơn, nên họ đã ảnh hưởng được như vậy chăng?

Ngộ Đạo và Ngộ Tánh lần lượt thăm ba ngôi chùa trên và mỗi nơi ở lại nhiều tháng, ngay cả nhiều năm để tham cứu học hỏi. Chùa Viện tại Đại Hàn họ dậy sớm lắm. Mới hai giờ sáng đã ngồi Thiền và họ hành trì cho đến sáng. Ăn cơm tối thì bốn giờ chiều và hình như tám giờ tối họ đã đi ngủ rồi. Có lẽ để tiết kiệm nhang dầu chăng? Họ dùng chay như Trung quốc, đồ chay đa phần là cây củ cải trong núi rừng được hái đem về luộc và chấm tương. Điều đặc biệt là họ ăn ớt rất nhiều. Có lẽ để chống lạnh. Vì lẽ Đại Hàn, ngay cả cái tên của nước này đã biểu hiện rõ một điều là “lạnh lắm”. Mà lạnh lắm thì phải có khả năng chống chọi lại với thiên nhiên, chỉ có ớt mới có thể giúp cho thân thể một phần khi ăn uống sẽ tạo nên nhiều năng lượng.

Họ lễ bái với nhau, chứ không phải một người ngồi để cho mình lễ. Dù cho vị thầy đó là Hòa Thượng hay Thượng Toạ đi chăng nữa. Ở đây tinh thần bình đẳng có thể thấy qua sự thể hiện này.

Trong những năm tháng mà Ngộ Đạo và Ngộ Tánh ở đây, họ tìm cách học tiếng Đại Hàn và đi tìm tòi những sách vở để nghiên cứu thì được biết rằng từ đầu thế kỷ 13, người Việt Nam mình đã có mặt tại quê hương lạnh giá này.

Như tất cả chúng ta đều biết là qua chủ mưu của Trần Thủ Độ, ông ta đã đưa Trần Cảnh lên làm vua, tức vua Trần Thái Tông sau này, và việc phế lập trong lúc ấy chỉ một mình Trần Thủ Độ chuyên quyền. Ông ta ép công chúa Lý Chiêu Hoàng phải nhường ngôi và cả gia tộc nhà Lý hầu như bị tru diệt hết. Ngay cả Lý Huệ Tông sau khi đã nhường ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng để đi xuất gia và lấy hiệu là Huệ Quang, thế mà một hôm Trần Thủ Độ đi ngang qua chùa thấy Huệ Quang đang nhổ cỏ, ông ta buộc miệng nói rằng: “Nhổ cỏ thì phải nhổ tận gốc.” Ý nói rằng sẽ không chừa một người nào nhà họ Lý lại cả. Do vậy mà trong gia tộc hay nói đúng hơn là hoàng tộc, có một tướng quân mang họ Lý, đó là Hoàng tử Lý Long Tường, đã cùng với gia đình và một số người quen thuộc khác xuống thuyền và qua Cao Ly tỵ nạn từ năm 1222. Kể từ đó ở trong nước xem như đã yên và ngôi vua nhà Trần bắt đầu phát triển.

Lý Long Tường đã hỗ trợ các vua Cao Ly và sau này được phong là Nam Hoa Tướng Quân. Dòng họ ấy cho đến nay vẫn còn sinh sống tại bán đảo này. Tuy chẳng còn ai nói được tiếng Việt, nhưng trong gia phả họ vẫn hãnh diện là con cháu nhà Lý của Việt Nam.

Rõ ràng trong các chùa thuộc Tông Tào Khê họ chuyên ngồi Thiền, nhưng kinh Bát Nhã họ vẫn tụng và kinh Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Đại Bát Niết-bàn họ đều có học, không bỏ sót một môn học hay kinh điển nào. Hoàn toàn giống hệt như ở Trung quốc.

Sau khi ở Cao Ly mấy năm thì cả hai người tìm cách xuống thuyền sang Nhật Bản. Khi ngồi chờ chuyến thuyền sang bên kia bờ đại dương, họ nghĩ đến những chuyến đi của Ngài Giám Chân Hòa Thượng vào thế kỷ 9 từ Trung quốc sang truyền giới luật cho tăng ni Nhật Bản mà cảm thấy vững tâm hơn. Vì thời đó gian nguy hiểm gấp trăm lần mà các Ngài vẫn còn qua lại giữa hai nước được, huống gì là ngày nay. Thế rồi họ quyết chí để đi đến một phương trời xa lạ khác.

Cuối cùng, hai người cũng lên được thuyền buồm của Nhật Bản cho đi nhờ khỏi trả tiền, nhưng phải về đảo Hokkaido, tức Bắc Hải Đảo, cập cảng Sapporo chứ không cập cảng ở Yokohama (Hoành Tân). Họ rất mừng được đi như thế, vì đây là cơ hội để hai người có thể đi chiêm bái tất cả chùa viện cũng như cảnh trí và học hỏi những phong tục tập quán từ bắc chí nam, gồm bốn hòn đảo lớn của xứ đảo này. Phật giáo đã được truyền sang đây từ Đại Hàn vào thế kỷ 6.

Mấy ngày lênh đênh trên biển cả, họ chỉ thấy trời mây sóng nước. Thỉnh thoảng mới thấy một đoàn hải âu liệng quanh thuyền, họ biết rằng đã gần đất liền rồi. Cả Ngộ Đạo và Ngộ Tánh đều mừng rỡ và một ngày nọ họ đã lên bờ sau khi từ giả thuỷ thủ đoàn với những cái chào cảm ơn thật mỏi cổ. Trông ra ai cũng vui vẻ vì được về lại quê hương của mình sau những ngày tháng lênh đênh trên biển cả và phước đức cho họ là chẳng gặp một trận cuồng phong nào. Không như những thế kỷ trước, Ngài Giám Chân Hòa Thượng từ Trung quốc đi không biết bao nhiêu lần đều không thành công. Mãi đến lần thứ sáu, đoàn thuyền của Ngài mới đến được xứ Phù Tang này. Ngay cả Ngài Đạo Nguyên, sáng Tổ của Tào Động Tông Nhật Bản, khi sang Trung quốc học Đạo cũng đã gặp không biết bao nhiêu là chướng nạn trên đường cầu đạo. Còn họ là những người vô danh, ngôn ngữ không rành nhiều và sự tu hành còn non nớt, nhưng có lẽ nhờ đức của Sư Cụ Từ Tâm và sự gia hộ của chư Tổ mà họ đã đến được đây một cách bình yên vô sự.

Hình thể của Hokkaido giống như một củ khoai lang cắt ngang, gồm bốn cạnh. Đa phần dân chúng ở đây sống về nghề nông và chăn nuôi. Họ sống chung với một dân tộc thiểu số trong vùng, gọi là người Ainu, trông cũng giống như người Nhật nhưng mặt mày thô hơn. Vả lại, văn hóa của họ vẫn còn là văn hóa du mục, nên so với người Nhật họ còn kém xa lắm. Quanh vùng không có chùa viện nào to lớn đáng kể. Chỉ có những cảnh trí và suối nước nóng là nổi tiếng mà thôi. Người Nhật rất thích thiên nhiên và họ sống rất hòa hợp với thiên nhiên. Mỗi khi gặt hái mùa màng xong, họ có những ngày lễ hội để ăn mừng và cảm tạ đất trời đã giúp cho họ có được một cuộc sống an bình và cơm no áo ấm như thế.

Từ đảo Hokkaido muốn qua đảo chính Honshu phải dùng tàu bè. Do vậy mà hai người đã tìm cách sang đây. Đầu tiên họ ghé Sendai là một thị trấn miền bắc đẹp tuyệt vời. Với những lá phong vào mùa thu có nhiều màu sắc, những chiếc lá của cây sồi rụng bay lả tả trong rừng, trên đường đi và chen lẫn với những lá khác dệt nên những gấm hoa của đất trời vạn vật, giống như một tấm thảm thiên nhiên gồm nhiều màu sắc tụ hội lại. Đi đến đâu họ cũng trầm trồ khen ngợi. Họ quan sát cách ăn mặc cũng như sinh hoạt của người Nhật thì thấy họ cũng chẳng khác với người Trung quốc và Việt Nam là mấy. Vì chữ nghĩa họ vẫn dùng Hán văn, ăn uống họ vẫn dùng cơm gạo và đặc biệt có một loại tương gọi là miso gần như xác đậu nành cho vào nước nóng nấu chung với đậu hủ, ăn rất tuyệt vời. Gọi là missosuru. Đây là món ăn đặc biệt truyền thống của người Nhật cũng giống như kim chi của Đại Hàn hay dưa cải muối của người Việt Nam. Họ cũng uống trà và nghe đâu trà tại Nhật là do một vị thiền sư người Nhật tên là Vinh Tây (Eisai) vào thế kỷ 12 đã qua học đạo tại Trung quốc, khi trở về nước ngài đã mang hạt trà về và gieo hạt, cây trà lên xanh tốt. Ngài đã dạy cho dân chúng lấy lá trà phơi khô rồi đem sắc với nước sôi uống, là một món tráng miệng bổ dưỡng rất tốt cho sức khoẻ. Do vậy mà trên từ Thiên Hoàng đương đại dưới cho đến thứ dân, ai ai cũng hoan hỷ dùng trà và Ngài Vinh Tây trở thành vị Tổ Sư của Trà Đạo Nhật Bản, cũng giống như Ngài Hải Thượng Lãn Ông là tổ nghề y học của Việt Nam chúng ta.

Đến Tokyo, tức là Đông Kinh, vẫn còn sơ sài lắm. Vì các vua chúa Nhật từ khi lập quốc cho đến thế kỷ 18 vẫn đóng đô ở Nara và Kyoto. Mãi sau này mới dời về Tokyo, ít ra là sau cuộc Duy Tân của Minh Trị (Meiji) Thiên Hoàng vào năm 1868. Do vậy mà đền đài cung điện thành quách ở đây chưa có nhiều. Chỉ có bến cảng Yokohama là buôn bán sầm uất, đa phần là người Trung Hoa dùng thuyền đến đây để trao đổi hàng hoá. Có nhiều người ở lại đây luôn, nhất là sau khi nhà Thanh lên chiếm ngôi nhà Minh vào năm 1640, có nhiều người không muốn cộng tác với nhà Minh nên đã dùng thuyền đến tỵ nạn tại Nhật.

Ở Việt Nam chúng ta cũng thế, khi đó người Trung Hoa đến tỵ nạn tại Hội An. Vì Hội An thuở ấy đã là một thương cảng lớn buôn bán giao thương với nhiều nước ở Âu châu như Hòa Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha v.v… Từ đó ta thấy rằng Việt Nam chúng ta cũng có sự liên hệ với người ngoại quốc đã từ xa xưa lắm rồi, chứ không phải chỉ với Trung quốc mà thôi. Các vị giáo sĩ người Bồ Đào Nha đến Việt Nam muốn truyền đạo họ phải học tiếng Việt Nam và sau khi học, họ đã sáng chế ra chữ Quốc Ngữ tại làng Thanh Chiêm, thuộc xã Cẩm Hà, gần Hội An bây giờ. Còn ngôn ngữ tiếng Nhật thì do Ngài Bạch Ẩn Huệ Hạc (Hakuin), là một Thiền Sư người Nhật đã sáng tác các loại chữ Hiragana và Katakana. Ngoài ra, chữ Hán vẫn đọc theo tiếng Nhật đã có tự lâu rồi. Việc này cũng giống như chữ Hán Việt của chúng ta vậy. Chỉ khác một điều là chữ Việt ngày nay do các vị giám mục người Bồ Đào Nha sáng chế. Còn chữ Nhật ngày nay do các vị sư Nhật sáng chế. Vì lẽ ấy cho nên văn hóa Nhật là văn hóa Phật Giáo. Nói lên điều đó không ngoa chút nào. Từ Trà Đạo, Hoa Đạo, Thi Đạo, Kiếm Đạo, Nhu Đạo v.v… tất cả đều từ chùa mà ra và tất cả đều do các vị thiền sư chủ xướng, đề bạt cũng như sáng tác. Như thế đủ thấy là vị trí của Phật Giáo không nhỏ tại đảo quốc này.

Đi về hướng đông của Tokyo, tâm hồn Ngộ Đạo và Ngộ Tánh như được thư giãn rất nhiều, vì lẽ cảnh nào cũng đẹp tuyệt vời. Nếu nói cảnh trí ở Trung Hoa là những bức tranh thủy mạc thì cảnh trí tại Nhật Bản là những sức sống hiện thực trong những bức tranh thiên nhiên ấy.

Nhà của người Nhật đa phần nhỏ hơn nhà của người Trung quốc và được xây dựng bằng những vật liệu nhẹ để tránh nạn động đất. Ở Nhật động đất thường xảy ra hằng ngày. Vì lẽ núi Phú Sĩ vẫn còn hoạt động, đây giống như là ngòi thuốc nổ chậm. Cho nên người Nhật không xây nhà cao và nặng nề như những nước khác.

Tại Kyoto, cứ đi chừng 50 thước là có một ngôi chùa. Chùa dựng lên khắp nơi, mà chùa nào cũng đẹp tuyệt vời. Mái không cong như kiểu Trung quốc hay Việt Nam mà độ cong vừa tầm như cánh phuợng hoàng đang chuẩn bị xòe ra và đáp xuống đất. Đặc biệt họ không dùng màu sắc sặc sỡ như Trung quốc hay Tây Tạng, chỉ toàn bằng gỗ. Ở Kyoto có ngôi chùa tên là Higashi Hongangi, có nghĩa là Đông Bổn Nguyện tự. Công trình này xây dựng từ thế kỷ 12, bởi Tịnh Độ Tông là một tông phái lớn do Ngài Thân Loan Thánh Nhân lập nên. Ngôi chùa này có tất cả 250 cây cột. Mỗi cây độ hai người ôm và cao chừng 50 thước tính từ sàn nhà lên đến nóc, thẳng tuốt một đường không có chắp nối. Tương truyền rằng ngày ấy muốn dựng những cây cột này toàn dân xứ Nhật huy động những người đàn bà hy sinh mái tóc của mình rồi gọp lại với nhau, để bện thành những sợi dây cúi thật dài hàng trăm thước, như thế mới có thể buộc vào thân cây cột và dựng chùa được. Cho đến ngày nay, những cây cột ấy vẫn còn và những dây cúi ấy vẫn sót lại một vài dây, có trưng bày nơi đại điện của chùa để ghi nhớ lại những công đức của người xưa.

Đến đây để thấy cái vĩ đại của đất trời, cái bao la của tạo hóa và nhất là cái ý chí kiên cường của con người, quyết rằng không chịu thua trước bất cứ một hoàn cảnh nào mà thiên nhiên vốn vô tình, nhưng thuở ấy đã gặp những khó khăn như thế. Ngộ Đạo và Ngộ Tánh càng ngẩn ngơ hơn khi đi thăm hết các chùa viện quanh vùng. Nào Kim Các Tự, Ngân Các Tự... Các chùa này có lịch sử viết cả quyển sách cũng không nói hết.

Chùa Thanh Thủy (Kyomizudera) được xây dựng một nửa trên núi và một nửa dưới triền đồi, vì vậy cho nên thơ mộng và lãng mạn. Đặc biệt chùa này xây toàn bằng gỗ quý, trông rất bề thế và đồ sộ. Mái vẫn lợp tranh để giữ lại truyền thống cũ của người Nhật. Dưới thềm chùa có ba dòng nước chảy từ trong suối ra. Một dòng tượng trưng cho tình yêu, một dòng khác tượng trương cho công danh sự nghiệp và tiền tài và một dòng nữa tượng trưng cho sức khoẻ. Mỗi người thảy một đồng bạc kẽm vào miệng hồ rồi chấp tay khấn nguyện theo điều mình mong muốn, đoạn nhắm mắt lại để hứng nước. Hứng trúng giòng nước nào tức ứng nghiệm với lời nguyện của mình cho việc đó. Đấy là một tập tục tương đối hay, nên có rất nhiều người đến đây để cầu.

Từ giã Kyoto trong luyến tiếc, Ngộ Đạo và Ngộ Tánh lên đường đi đến Nara là kinh đô cổ nhất của Nhật Bản. Nơi đây đã có lần Thánh Đức Thái Tử (Shotoku Taishi), là một Phật Tử thuần thành, lấy Tam quy, Ngũ giới đưa vào Hiến pháp 17 điều để trị dân. Ngoài ra mỗi ngày trước khi lâm triều, nhà vua đều hướng về hướng đông để đảnh lễ các vị Phật. Những hành động thiện mỹ ấy của đức vua vào thế kỷ 7 khiến cho triều đình và dân chúng ai ai cũng vâng mệnh phụng hành những giáo chỉ, mệnh lệnh của vua và triều đình ban ra.

Tại Nara có chùa Todaiji (Đông Đại Tự) là một chùa cổ hơn so với Pháp Long Tự gần đó. Nghe truyền rằng vào thế kỷ 18, khoảng năm 758, triều đình Nhật Bản có cho người qua nước Phù Nam để mời đoàn nhạc công qua Nhật trình diễn âm nhạc Phật giáo. Trong đoàn đó lại có thêm những nhạc sư Việt Nam của Phật giáo Đàng Trong. Chính nhã nhạc hoàng cung ấy mãi cho đến bây giờ Nhật Bản vẫn còn trình tấu vào những khi triều đình có đại lễ liên quan đến Phật giáo.

Ở giữa chánh điện có một tượng đồng đen rất to, cao chừng 40 mét. Nghe đâu tượng này được đúc trước và sau đó mới xây chùa, nên tượng nằm lọt vào bên trong. Vào thế kỷ 8, 9 mà đúc được những tượng bằng đồng to lớn như thế này thì quả thật đầu óc người xưa quá cao cả tuyệt vời. Chung quanh chùa là vườn tùng, vườn bách. Lại thêm có nhiều chú nai đang ngơ ngác tìm cỏ để ăn. Đến đây Ngộ Đạo và Ngộ Tánh nhớ lại bài học của Tổ Quy Sơn trong văn Cảnh Sách rằng:

“Chẳng thấy như dây leo kia, nhờ dựa vào thân cây tùng mà lên được đến tầng cao chót vót. Hãy chọn nhân lành cao trổi mà ký thác đời mình, mới có thể rộng làm lợi ích.”

Quả thật ngẫm nghĩ lời dạy của người xưa mà thấm thía vô cùng. Ngày xưa người ta ăn lá cây, uống nước suối để sống mà có được những tâm hồn cao thượng như vậy. Còn bây giờ có đầy đủ tất cả nhưng vẫn thấy thiếu thốn.

Họ đến đây cũng học được tư tưởng Thiền của Lâm Tế và Tào Động. Lâm Tế có Ngài Nhất Hưu, Ngài Bạch Ẩn và Ngài Bàn Khuê là những vị Đại Thiền Sư thời bấy giờ. Tào Động Tông thì có Ngài Đạo Nguyên, Nhật Liên Tông có Ngài Nhật Liên Thánh Nhân. Tịnh Độ Tông có Ngài Thân Loan Thánh Nhân... toàn là những vị Thánh, nhưng cũng từ những người phàm mà qua công phu tu tập đã thành tựu được như thế. Ngày xưa các Ngài nghe tiếng chim kêu, tiếng suối chảy, cảm được cái linh diệu của hoa nở hương bay nên ngộ được đạo. Còn bây giờ những việc ấy xảy ra nhan nhản hằng ngày khắp đó đây nhưng nào có đánh động được lòng người.

Phải chăng “thời thế tạo anh hùng” là đúng trong lúc này? Còn cái tự thể là Phật tánh của mỗi người thì ta đã đánh mất từ lâu rồi? Gió vẫn thổi, mưa vẫn rơi, hoa vẫn nở, chim vẫn kêu ríu rít trên cành như bao đời nay vậy. Nhưng con người thì có nhiều đổi thay quá, khiến ai trông thấy cũng đau lòng.

Ở Nhật, những bảo tháp được xây dựng toàn bằng gỗ cao từ 3 đến 11 tầng. Nhiều tháp xây bằng gỗ nhưng không có một cái đinh sắt nào đóng vào, mà chỉ ghép toàn bằng mộng. Ngọn tháp cao năm tầng được gọi là “Ngũ trùng tháp” ấy đã trải qua không biết bao nhiêu với phong sương cùng tuế nguyệt và những trận động đất khủng khiếp, nhưng vẫn còn đứng đó như muốn thi gan cùng tuế nguyệt. Thật là bất khả tư nghì.

Họ đứng nhìn những công trình kiến trúc vào thời xa xưa ấy mà thầm khâm phục vô cùng. Ngoài ra, người Nhật còn theo một Đạo giống như Đạo thờ ông bà của chúng ta là Shinto, dịch nghĩa là Thần Đạo. Đây là cái Đạo mà Vua chúa được thờ như những vị Thần của quốc gia, sinh ra chỉ để đứng trên thiên hạ mà cai dân, trị nước, phải nhất nhất tuân theo. Tuy Shinto không có tu sĩ, nhưng họ đã gìn giữ được lâu ngày, vì chính Hoàng gia và Triều đình là những người luôn luôn bảo trợ cho họ. Họ phục sức những đồ lễ cũng giống như Kimono của người Nhật mặc, nhưng chỉ toàn một màu đen và trắng. Chỉ những vị chức sắc thì đội mũ nhiều màu.

Sau khi viếng thăm Nara ở đảo chính của Nhật Bản, họ lại tìm thuyền nhỏ qua thăm đảo Tứ Quốc (Sikokku). Đảo này không có những thánh tích đặc biệt, nhưng trên đảo có đến 33 đạo tràng của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, thường hay gọi là “Quán Âm Linh Trường”, tức nơi linh thiêng của Đức Quán Thế Âm. Những hành giả tu Thiền hay tu Tịnh Độ, trước khi giải một công án chưa xong, hoặc giả sau khi đã giải một công án gọi là “tu hành sau khi đã giác ngộ”, hoặc giả cũng có những người nhất tâm niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương thì hay đi tuần như thế. Do họ đi bộ nên gọi là “tuần lễ”, tức là tuần hành và lễ bái. Đến đâu họ cũng tha thiết nguyện cầu để được toại nguyện.

Đến đây, Ngộ Đạo và Ngộ Tánh được nghe kể lại những câu chuyện của các vị Tổ Thiền Lâm Tế trong những thế kỷ trước cũng đã có đến Tứ Quốc này để đi “tuần lễ” và nhờ đó mà ngộ đạo. Ví dụ như Ngài Duy Tinh khi quán công án của Ngài Lâm Tế về “âm thanh của một bàn tay”, quán hoài không ra chỗ hồ nghi. Thế mà sau khi đi “tuần lễ” ở đảo Tứ Quốc này thì Ngài đã giải được công án đó. Ngài sinh ra tại Nhật vào thế kỷ 17 và hành đạo khắp nơi vào thế kỷ 18. Cuộc đời của Ngài thật là ly kỳ. Khi đã chứng đạo rồi, Ngài luôn đề xướng công án “bất sanh Thiền”, nghĩa là Thiền ấy chẳng sanh, đã có sẵn nơi tâm. Điều này ngược lại với Thiền của Ngài Bạch Ẩn đã xuất hiện trước đó chừng hơn nửa thế kỷ. Ngài tu hành rất khổ hạnh. Sau khi được Thầy mình ấn chứng rồi, ngài về lại quê hương làm chòi tranh và ngồi thiền trong chòi cho đến bịnh lao phổi mà cũng không dừng nghỉ. Đôi khi khạc ra toàn đờm và máu. Thế nhưng ngài vẫn cứ ngồi. Một hôm, Ngài đứng dậy đi rửa mặt và sau khi rửa mặt xong không thể trở lại chỗ ngồi cũ. Ngài đứng đó cảm nhận được một mùi hương bay đến. Đó là mùi hương của hoa mai. Thế là Ngài ngộ đạo.

Trong khi Ngài tu hành lúc chưa được ấn chứng thì Ngài luôn nhận được những lá thư động viên từ mẹ của mình. Khi chồng thư càng cao bao nhiêu Ngài hiểu rằng mẹ mình càng sống được lâu và khỏe mạnh bấy nhiêu. Đến khi mẹ Ngài mất, Ngài đem tất cả những lá thư ấy đốt đi và cùng lúc tụng kinh siêu độ cho mẹ. Sau đó Ngài hốt hết những tro đã được đốt đó đem về, làm một Tôn Tượng Địa Tạng với dáng hình của mẹ và trên bụng Ngài Địa Tạng Ngài cho tất cả những tro này vào và gọi là “Phật Thai Tạng”, ý nói chư Phật chư Bồ Tát đã vì cứu độ chúng sanh mà vào đời chịu khổ, trong đó có mẹ Ngài.

Lúc đương thời mẹ Ngài còn sống, ngài cứ hỏi cái “minh đức” trong sách Đại học thuộc Tứ thư của Nho giáo, mà Thầy dạy chữ Nho đã không giải thích được. Ngài đem sự ưu tư ấy về hỏi mẹ, nhưng mẹ cũng không giải rõ và cuối cùng Ngài đã sáng ra là cái “minh đức” ấy chính là Phật tánh của mình. Khi chưa hiểu đạo đi quanh đi co để tìm cho ra câu giải đáp, nhưng khi đã ngộ đạo rồi thì cái đó nó ở bên trong chứ không phải ở bên ngoài và nó chính là cái Phật tánh mà ai cũng có. Ngộ Đạo quay lại hỏi Ngộ Tánh rằng:

- Sư huynh có biết tại sao ở đây họ thờ nhiều tượng Địa Tạng mà những tượng này không giống với Trung quốc và Việt Nam mình. Tại sao tượng nhỏ xíu vậy?

- Nghe đâu tiếng Nhật gọi là Ojijosama, nhưng cũng còn gọi là Omizunoko. Nghĩa là có những người đàn bà sinh con không được, bị chết sớm. Do đó họ làm những tượng Địa Tạng nhỏ như thế để cầu nguyện cho con mình được siêu thoát.

- Nhưng muốn siêu thì phải cầu Đức A-di-đà tiếp dẫn chứ sao lại Ngài Địa Tạng?

- Có lẽ họ nghĩ rằng Ngài Địa Tạng có thệ nguyện gần gũi với họ chăng.

- Theo đệ nghĩ thì có lẽ ở Nhật nhiều tông phái quá, cho nên họ chọn một vị Bồ Tát nào có đại nguyện thì họ thờ.

- Có thể là sư đệ cũng có lý, nhưng ta sẽ cố gắng tìm hiểu thêm.

Họ hiểu được rằng đạo Phật khi đi vào nước nào thì hội nhập với phong tục và tập quán của nước đó, cũng như đạo Phật ấy phải là đạo Phật của nước đó, chứ không còn là đạo Phật của Ấn Độ nữa, hoặc giả cũng không phải là của Trung Hoa hay Đại Hàn. Theo tinh thần Đại Thừa thì mỗi một nước như vậy có một cách riêng để đem đạo vào đời. Cũng ví như Thiền tại Ấn Độ thì im lặng tĩnh mịch, nhưng khi được truyền qua Trung quốc đến đời Ngài Lâm Tế thì quát mắng, đánh, hét v.v... Vậy nếu chúng ta nói cái đó không phải Thiền cũng không được. Vì Thiền đã qua nhiều giai đoạn gạn lọc và qua nhiều quốc độ khác nhau nên phải vậy.

Cũng như thế đó, Phật giáo tại Nhật, nhất là Tịnh Độ Tông dưới sự lãnh đạo của Ngài Shinran Shonin (Thân Loan Thánh Nhân) vào thế kỷ 13, nghĩa là ở Việt Nam mình thuộc vào thời nhà Trần, ở Nhật các tăng sĩ đã lập gia đình, có vợ con cưới hỏi hẳn hoi, nhưng tại Việt Nam mình mấy trăm năm sau còn không biết tại sao và cho đó là xấu. Thế nhưng việc nhập thế của Tông phái này họ lấy lý do là “tức thân thành Phật”, nghĩa là thành Phật ngay trong thân này chứ không cần chờ ở vị lai, và quan niệm rằng sắc thân cũng là Phật thân, nên với họ rất tự tại vô ngại ở mọi vấn đề.

Đó có thể là quan niệm sống về Đạo và thực hành về Đạo của Phật Giáo Nhật Bản mà thôi. Dĩ nhiên nó không phải là bài học mô phạm cho những xứ Phật giáo khác. Vì mỗi nước đều có phong tục tập quán riêng của mình.

Sau khi đi chiêm bái theo các đoàn hành hương đi “tuần lễ”, Ngộ Đạo và Ngộ Tánh bắt đầu tìm cách sang đảo Kyushu (Cửu Châu). Đây cũng là một trong bốn đảo lớn còn lại mà họ muốn đi. Vùng này khí hậu tương đối ấm áp và đa phần là núi. Vùng Kagoshima (Lộc Nhi Đảo) núi lửa vẫn còn đang hoạt động mạnh và họ đã tìm cách đến đó để xem. Gần đó có loại củ cải ở vùng này thật lớn, lớn không thể tưởng tượng nổi. Một củ như thế hai người khiêng không nổi. Đến đây họ cũng nhớ lại câu chuyện của Hòa Thượng củ cải trong truyện kể của người Nhật.

Ngài tu hành sống đời sống thanh đạm nơi núi thẳm rừng sâu. Vào thời xa xưa, dĩ nhiên là Nhật cũng không có những món ăn trân quý như sau này. Công việc của Ngài mỗi ngày là làm ruộng và ruộng chùa chỉ có củ cải là tốt hơn bất cứ loại hoa màu nào. Sau khi thu hoạch nhiều mùa, cải chất thành đống và bị thối, Ngài chẳng biết làm gì nên nghĩ ra cách phơi khô và muối mặn, đến mùa đông đem ra dùng. Từ đó về sau trở thành thông lệ, khi ăn củ cải muối người ta gọi là Takuwan. Đôi khi còn thêm chữ Osho vào sau để tỏ lòng tôn kính. Chữ Osho có nghĩa là Hòa Thượng, Hòa Thượng Củ Cải. Củ cải cũng được lấy tên của Ngài nữa. Do vậy mà ngày nay ai đến Nhật khi ăn củ cải muối mặn nên nhớ đến vị hòa thượng này.

Thời gian thấm thoát trôi qua, mới đó mà họ ở Nhật đã khá lâu, đã trải qua nhiều mùa xuân hạ thu đông và giờ đây cả hai người đều có thể sử dụng tiếng Nhật một cách nhuần nhuyễn và dĩ nhiên những phong tục tập quán của Nhật họ cũng đã rành. Những cái chào của họ không còn cảm thấy bị mỏi cổ như lúc ban đầu khi tàu mới cập bến tại Sapporo ở Hobkaido trong những năm trước nữa. Họ đến đâu cũng học hỏi được rất nhiều và cả hai bây giờ đều muốn quay về Việt Nam, nơi ngôi chùa Hưng Phước đầy kỷ niệm của tuổi thơ.

Trên đường về, tàu đi dọc theo eo biển của Trung Hoa rồi cuối cùng thì dừng lại ở Hải Phòng và hai người trên tuyến hải trình xa xôi ấy đã hồi tưởng lại.

Tất cả những nước đã đi qua, họ thấy rằng nước nào cũng có những vị vua và những vị thiền sư rất đặc biệt. Riêng Việt Nam mình thì Ngộ Đạo và Ngộ Tánh cũng rất hãnh diện về ba ông vua Phật tử. Một ở vào triều Lý, đó là Lý Công Uẩn. Ông Vua này sau khi lên làm vua đã là một ông vua Phật tử hiền lành, thông minh, nhưng không để lại một tư tưởng nào, do đó ngày nay khi nghiên cứu đến lịch sử khó mà có cái gì đó chắc thật để dựa vào mà phẩm bình, đa phần là tư tưởng của Thiền Sư Vạn Hạnh trong thời gian ấy. Ông vua thứ hai là Trần Thái Tông, mà đã có lần hai người đề cập đến phía trước. Tuy nhiên, đi sâu hơn nữa thì thấy ông vua Phật tử này là người khai mở triều Trần. Công việc triều chính bận rộn không biết là bao nhiêu, mà sau khi vào núi Yên Tử gặp quốc sư Phù Vân rồi và sau đó có sự can thiệp mạnh của Trần Thủ Độ mà ông phải về lại cung cấm để tiếp tục nhiếp chính. Ban ngày lo việc triều đình, ban đêm lo tụng Kinh, niệm Phật, ngồi Thiền. Quả là một ông vua khác thường so với mọi ông vua khác. Ông có soạn nhiều sách kinh để lại. Trong đó có hai quyển “Khóa Hư Lục” và “Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi” (Sám Hối Sáu Thời Trong Ngày) là quan trọng nhất và còn lại nguyên vẹn. Do đó ta có thể thấy được tư tưởng của ông vua này rất rõ ràng.

Qua quyển “Sám Hối Sáu Thời Trong Ngày” do vua Trần Thái Tông soạn, ta thấy rằng chính vua cũng sám hối nữa, chứ không phải chỉ soạn ra cho người khác sám hối. Đó là sám hối sáu căn gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Gồm có sám hối buổi sáng, nửa buổi, buổi trưa, buổi chiều, buổi tối và khuya. Mỗi một thời như vậy có một nghi thức riêng. Đa phần không thay đổi nội dung mấy. Tuy nhiên phải nói rằng đây là một ông vua liễu đạo mới có thể chủ trương và đề xướng như thế. Khi vua đã thực tập sám hối ban ngày thì chắc rằng các quan văn võ triều đình ai ai cũng thực hành như thế cả. Đó là cái phước của nhân dân trăm họ sinh ra trong thời đó.

Ngoài ra, tác phẩm “Khóa Hư Lục” của nhà vua soạn ra theo tinh thần tánh không của Trung Quán Luận và dựa vào cái “không hai” của lý tưởng Bát-nhã, nên tác phẩm này là một tác phẩm rất độc đáo, khó có ông vua nào khác sánh bằng và ông dùng cái lý tưởng Trung Đạo trong tác phẩm này để trị dân. Vì vậy cho nên suốt trong triều Trần đã ba lần quân Nguyên Mông đến đánh phá Việt Nam chúng ta, nhưng lần nào họ cũng phải gánh lấy thất bại ê chề rồi mang quân trở về lại Trung quốc.

Tinh thần Bát-nhã của Ngài Long Thọ trong Trung Quán luận đã ảnh hưởng đến nhà vua không ít trong tác phẩm “Khóa Hư Lục”. Đó là giáo nghĩa “bát bất” gồm bất tăng, bất giảm, bất thường, bất đoạn, bất khứ, bất lai, bất nhất, bất dị”. Ở vào thời điểm thế kỷ 13 mà có được cái nhìn như vậy quả là một cái nhìn thực tướng đối với vạn pháp.

“Bất tăng bất giảm” cũng là tinh thần của Bát-nhã, có nghĩa là mọi sự vật, sự việc ta nhìn thấy có lên xuống, còn mất, đều là do con mắt chấp ngã, chấp tướng của mình, lấy mình làm chủ, nên mới có sự phân biệt ấy, chứ thật ra tất cả pháp thế gian hay xuất thế gian đều không tăng mà cũng không giảm.

“Bất thường bất đoạn”, nghĩa là các pháp ấy luôn luôn thay đổi chứ không ở yên một chỗ, cũng không phải mất đi. Do vậy, trong Kinh Kim Cang Phật dạy rằng: “Tất cả pháp đều là Phật pháp”. Cái gì là thường thì cái ấy không thuận theo sanh tử, cái gì là đoạn thì cái ấy không đúng với nhân quả. Do vậy, mọi vật trên thế gian này chỉ thay đổi và hoán chuyển vị trí để tồn tại, chứ thật ra nó không còn mà cũng chẳng mất.

“Bất khứ bất lai” cũng giống như tinh thần của Kinh Kim Cang định nghĩa là: “Như Lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai.” Nghĩa là: “Như Lai chẳng từ đâu đến và cũng chẳng đi về đâu. Đó là Như Lai.” Vậy thì cái gì có đến, có đi, cái ấy còn đối đãi, không phải là chân thật tướng, chân thật nghĩa của vạn pháp. Không phải hôm nay chúng ta có mặt trong cuộc đời này thì bảo rằng ta đã đến. Ngày mai ta mất đi thì bảo rằng ta đã đi. Thật ra chẳng có đi mà cũng chẳng có đến. Tất cả sự đến đi đó chỉ là những hiện tượng, mà đã là hiện tượng thì không có thật tướng. Đã không có thực tướng nghĩa là giả định. Bởi vì giả định cho nên ta thấy có đến, có đi.

“Bất nhất bất dị” là điểm sâu sắc nhất, mà trong bất cứ một loại triết học nào của Đông Tây cũng không thể sánh bằng. Đây có nghĩa là chẳng phải một mà cũng chẳng phải khác một. Nghĩa là trong cái này có cái kia và trong cái kia có cái này. Ngoài vật chất không có tinh thần, ngoài tinh thần không có vật chất. Cũng ví như lửa nằm trong củi, ngoài củi không có lửa. Bản tính của lửa là bản tính Phật, mà Phật tính ấy không trong cũng chẳng ngoài, nên gọi là không khác một.

Đây có thể là ý chính của tư tưởng Trần Thái Tông đưa vào áp dụng trong cách cai dân trị nước của Ngài. Cho nên ông gọi rằng: “Sắc thân tức thị Phật thân.” Cái thân bằng da bằng thịt này tức là thân Phật. Dĩ nhiên là Phật không phải tự nhiên mà có. Sở dĩ có Phật là nhờ có sắc thân này. Do vậy mà lý luận ngoài cái này không có cái kia và ngoài cái kia không có cái này.

Đến đời vua cháu là Trần Nhân Tông đã quá chín muồi qua tư tưởng Phật học đó. Do vậy, ông vua này mới sáng lập ra một phái Thiền mới thuần túy của Việt Nam. Đó là phái thiền Trúc Lâm Yên Tử. Qua những thơ văn và bút tích còn để lại, chúng ta thấy hình tượng trong tác phẩm “Cư Trần Lạc Đạo” quả là một nhân cách sống thật tuyệt vời. Ở trong cuộc đời vẩn đục này mà vẫn vui với Đạo. Cái Đạo ấy không cần phải trốn tránh thế gian mới có được. Ông chủ trương Niệm Phật Thiền, hoặc Thiền Niệm Phật cũng là một trong những cách giải quyết vấn đề sanh tử.

Sống giữa đời sau khi đã chiến thắng quân Mông Cổ hai lần vào năm 1285 và 1287 thì ông thấy đã quá đủ để chứng kiến bao nhiêu sự thịnh suy của dân tộc và sự phù phiếm của thế gian, nên ông đã quyết nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, rồi lên làm Thái Thượng Hoàng. Mãi đến năm 1296 ông mới chính thức xuất gia để hoàn thành sở nguyện của mình. Vì lợi ích quốc gia, ông cũng quyết định gả con gái là Huyền Trân Công chúa, em vua Trần Anh Tông, cho vua Chiêm Thành là Chế Mân năm 1306. Nhân việc này mà Châu Ô và Châu Rí đã trở thành lãnh thổ của Việt Nam. Nếu không thì quê hương Đại Việt của chúng ta cũng không thể có được một giang sơn gấm vóc trải dài từ Bắc vô Trung rồi vào Nam như thế. Vả lại vua chúa của nước ta tuy có ảnh hưởng tinh thần tùy duyên của Đạo Phật không ít, nhưng cũng có tư tưởng thương dân như con ruột nên đã tìm cách mở mang bờ cõi về phía nam và giữ cho đất nước yên bình, không bị chiến tranh quấy nhiễu.

Rồi những triều đại tiếp tục trong lịch sử cũng thế. Một Ngọc Hân công chúa vợ của Nguyễn Huệ cũng là một bậc nữ lưu tài hoa trong bài văn tế khóc chồng, chứng tỏ rằng người đàn bà ấy bản lãnh lắm. Sau Hoàng Đế, chính là Bà. Bà đã làm đẹp mặt cho chồng và quân sĩ ở chốn sa trường khi đối đầu với mấy vạn quân Thanh.

Rồi công chúa Ngọc Vạn đã được gả về Chân Lạp nhưng khi vua chết, bà xin về ở Gia Định, rồi từ đó xây thành trấn lũy để trở thành Tây Cống và là một tiền đồn khá quan trọng ở Đàng Trong.

Vua Minh Mạng cũng có người con gái đi xuất gia tại chùa Tam Thai, núi Non Nước ở Đà Nẵng v.v...

Như thế ta có quyền kết luận là Phật Giáo Việt Nam chúng ta cũng đâu có thua kém gì so với các nước Phật Giáo lân bang. Chỉ có điều là cái tinh thần nhập thế ấy của vua chúa Việt Nam chúng ta chưa được phổ cập nhiều ra ngoại quốc đó thôi.

Cả hai người, Ngộ Đạo và Ngộ Tánh cùng đồng quan điểm là bất cứ ở thời điểm nào mọi người cũng nên học ngoại ngữ và xem đó là vấn đề quan trọng. Vì nếu ngôn ngữ không thông suốt thì chắc chắn phần bất lợi sẽ thuộc về mình. Suốt mấy năm trường lang thang trên các nước đó đây, họ đã hiểu rõ điều đó hơn ai hết. Do vậy mà họ đã có những kế hoạch cụ thể là sau khi về lại chùa xưa họ sẽ dựng lại chương trình tu học, trong đó có vấn đề trau dồi ngoại ngữ.

Cả hai cùng đi, cùng suy nghĩ và cùng bàn luận với nhau về nhiều đề tài sôi nổi như thế. Cho nên họ trở về lại làng xưa lúc nào chẳng hay biết. Bỗng đâu có một bóng người xuất hiện và chào.

- Xin hai sư huynh dừng bước.

- A-di-đà Phật! Thí chủ đây là...

- Là Vạn Tâm của năm xưa, bạn cũ của Ngọc Minh, à quên là chú... à.... phải là Thầy Ngộ Tánh chứ.

- A ha! Đi đâu mà hối hả vậy?

- Mừng quá là mừng mà cũng lo quá là lo.

- Mừng gì vậy và lo gì vậy?

- Mừng vì gặp lại hai huynh ở đây và lo là lo cho Sư Cụ Từ Tâm đã hấp hối trên chùa. Chắc là Ngài còn chờ nhị vị đó.

- Anh nói sao? Có phải... có phải... điều ấy là thật?

- Dĩ nhiên là vậy. Nhưng nào, chúng ta cùng nhanh lên, kẻo không thì trễ.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 11 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.17.181.112 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...