Lo lắng không xua tan bất ổn của ngày mai nhưng hủy hoại bình an trong hiện tại. (Worrying doesn’t take away tomorrow’s trouble, it takes away today’s peace.)Unknown
Bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu cứ mãi đi tìm những yếu tố cấu thành hạnh phúc. (You will never be happy if you continue to search for what happiness consists of. )Albert Camus
Cho dù người ta có tin vào tôn giáo hay không, có tin vào sự tái sinh hay không, thì ai ai cũng đều phải trân trọng lòng tốt và tâm từ bi. (Whether one believes in a religion or not, and whether one believes in rebirth or not, there isn't anyone who doesn't appreciate kindness and compassion.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Hãy làm một người biết chăm sóc tốt hạt giống yêu thương trong tâm hồn mình, và những hoa trái của lòng yêu thương sẽ mang lại cho bạn vô vàn niềm vui và hạnh phúc.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Điều quan trọng không phải vị trí ta đang đứng mà là ở hướng ta đang đi.Sưu tầm
Bằng bạo lực, bạn có thể giải quyết được một vấn đề, nhưng đồng thời bạn đang gieo các hạt giống bạo lực khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người duy nhất mà bạn nên cố gắng vượt qua chính là bản thân bạn của ngày hôm qua. (The only person you should try to be better than is the person you were yesterday.)Khuyết danh
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Giai nhân và Hòa thượng »» CHƯƠNG 8. GIỮA HAI CHỌN LỰA »»

Giai nhân và Hòa thượng
»» CHƯƠNG 8. GIỮA HAI CHỌN LỰA

Donate

(Lượt xem: 2.253)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Giai nhân và Hòa thượng - CHƯƠNG 8. GIỮA HAI CHỌN LỰA

Font chữ:

Mấy ngày nay cảnh chùa Sắc Tứ Hưng Phước dường như cũng buồn theo với sự suy nghĩ sắp xếp của Thầy Ngộ Tánh. Bởi vì Thầy có một quyết định tương đối đột ngột. Do vậy mà Thầy nhìn thấy bất cứ nơi đâu và bất cứ cái gì ở chùa này cũng đã là những kỷ niệm đáng trân quý, kể từ khi Thầy ấy vào chùa xuất gia, rồi đi tha phương cầu học, cho đến nay cũng đã hơn hai mươi năm rồi. Trong hai mươi năm đó biết bao nhiêu là buồn vui của cuộc đời tăng sĩ. Vì vậy cho nên Thầy ngâm nho nhỏ hai câu thơ Kiều cho đỡ buồn. Bởi vì chẳng ai trong lúc này có thể chia sẻ với Thầy được cả.

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.”

Thầy bước ra sân nhìn hồ sen, nhìn những hoa mẫu đơn, hoa thược dược, hoa giấy, hoa cúc v.v... chúng vẫn đang khoe sắc thắm và dường như vẫn tươi cười trước những làn gió thổi qua. “Thiên nhiên bao giờ cũng đẹp cả. Tuy nó rất vô tình.” Đó là lời dạy của Sư Cụ Từ Tâm đã dạy cho Ngộ Đạo và Ngộ Tánh từ thuở mới vào chùa. Bây giờ còn đâu nữa. Một người được tiến thân vùn vụt. Việc không đợi vẫn đến, việc không đáng gì cũng có người lo lắng chăm sóc. Còn mình vẫn hẩm hiu cô quạnh. Những gì mình muốn tâm sự đâu biết nói với ai và nói ai sẽ hiểu. Vị sư đệ bây giờ đã được tấn phong lên Thượng Tọa rồi và uy tín càng ngày càng cao, nhưng tự bản thân mình xét thấy không bằng sư đệ đã đành, đằng này con đường tu vốn sẽ mang đến cho con người ta cảnh giới giải thoát nhưng dường như ta vẫn còn bị ràng buộc và ta cố ngoi ra khỏi nhưng vẫn không thể nào vượt khỏi những dằn vặt của nội tâm. Thầy suy nghĩ thế rồi lên bàn Phật để lễ Phật tạ từ và trở về bàn Tổ đốt ba nén nhang khấn nguyện và sau đó thì sụp lạy và bắt đầu trình thưa:

“Nam Mô A Di Đà Phật. Kính bạch Sư Cụ. Con là Ngộ Tánh tức nho sinh Ngọc Minh thuở nào. Cái thuở mà đường công danh của con chưa trọn vẹn nhưng con có ý xuất gia tu học. Ngài cũng đã rộng lòng từ bi dung nạp và thuở ấy con cũng có nghe Thầy dặn rằng: “Con đường tu không dễ mà cũng chẳng khó. Nếu nói dễ thì ai tu cũng đã thành chánh quả hết rồi. Còn nói khó tại sao vẫn có người thành Phật thành Tổ. Tất cả đều do ở chính mình.” Con rất rõ về điều này, nhưng thật ra con không làm chủ con được nữa, nhất là việc kiểm soát tự chính mình trong những cơn dục vọng nổi lên. Ngày con mới vô chùa, bao nhiêu niệm bao nhiêu ước mong đều đẹp và trắng thơm như bông hoa thiên lý trước chùa, nhưng dần dà tương chao vẫn chưa thấm, lại thêm những sắc màu của mỹ nhân đã làm cho tâm con xao xuyến. Lúc ấy con đã muốn xa Ngài, xa huynh đệ và cố bắt cho được con bướm đang vờn, nhưng trong tay chẳng có gì. Vả lại Sư Cụ có dạy cho huynh đệ chúng con đi học đạo ở các nước lân bang. Con nghĩ đây là cơ hội tốt để con quên đi quá khứ. Mà thật vậy, khi con đến xứ người, mãi say mê nghiên cứu học hỏi, nên con đã quên đi tất cả. Chỉ thỉnh thoảng mới nhớ thôi. Nhưng không ngờ sau khi về lại chùa xưa, gặp lại giai nhân cũ. Lòng con quặn thắt. Con muốn thét lên cho hả dạ là con yêu nàng, nhưng trên thật tế nàng có bao giờ yêu con đâu. Người con yêu mà lại không được yêu. Còn người họ không yêu hoặc không biết yêu mà lại đi tỏ tình và cố bắt cho được con ong kia, nên cuối cùng phải vào tù ra khám. Con biết sư đệ con đã có căn tu từ trước. Do vậy mà bao nhiêu quyến rũ như công danh sắc đẹp cũng không màng. Con tin rằng Ngộ Đạo sẽ ngộ được tự tánh của mình để được làm Phật làm Tổ sau này. Còn con tuy Ngài đặt cho con cái pháp danh là Ngộ Tánh, nhưng tánh con vẫn còn hôn mê tục lụy quá. Con đã cố gượng mà gượng vẫn không nổi và con cũng biết rằng Ngài có giúp con thì cũng chỉ giúp tiến lên thôi, chứ chẳng bao giờ giúp việc thoái lui cả, nhưng con quyết một điều là phải ra đời lập gia đình cưới vợ, sinh con để cô Mỹ Lệ cũng biết rằng con không yêu được cô ta con vẫn còn có thể lấy những người đàn bà khác làm vợ, chứ đâu phải trên thế gian này chỉ có một mình cô ta đâu. Con sẽ lấy người con yêu, chứ con không muốn lấy người yêu con. Con sẽ chủ động để trả nợ tình. Nợ ấy không biết là con có mắc nơi cô ấy không, nhưng con thiết nghĩ bây giờ con có ở chùa cũng vô bổ. Vì tâm con bây giờ đã hướng về hướng khác rồi. Con biết đây là điều tội lỗi, nhưng con mong rằng nếu trên bước đường thiên lý ấy rủi con có sa cơ thất thế kính mong Ngài cho con cơ hội để chuộc lại những lỗi lầm xưa và chỉ có cửa Phật mới có thể giúp con lúc ấy được.

Giờ đây con sẽ vào đời thực sự, không như là các vị Bồ Tát thỏng tay vào chợ để cứu đời, mà con, con sẽ lăn lộn trong đời cho hả dạ một kiếp nhân sinh.

Cúi xin Ngài chấp nhận cho con lời van vái này.

Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.”

Ngộ Đạo ngồi phía sau bàn Tổ để lắng nghe những lời bộc bạch của Ngộ Tánh từ đầu đến cuối , nhưng có lẽ Ngộ Tánh không biết. Vì lẽ mấy hôm nay thấy Ngộ Tánh buồn, nên mọi cử chỉ của Ngộ Tánh đều được Thượng Tọa Ngộ Đạo theo dõi và cũng không ngờ rằng Ngộ Tánh có cái quyết định đường đột như thế. Chỉ có đi lấy vợ để báo thù thì đâu có ý nghĩa gì. Ngộ Đạo tằng hắng một tiếng lớn để cho Ngộ Tánh biết là có sự hiện diện của mình và Ngộ Tánh khựng lại trước cái lạy thứ ba và tự biết rằng những điều than thở vái van nãy giờ Ngộ Đạo đã nghe được hết rồi.

- A Di Đà Phật! Chào sư huynh.

- Chắc là Thầy, à quên Thượng Tọa đã nghe hết những lời của huynh này thổ lộ cùng giác linh Sư Cụ?

- Dĩ nhiên là vậy và xin sư huynh cảm thông cho sự đường đột ấy.

- Lẽ ra sẽ nói với đệ vài lời trước khi từ giã nơi đây, nhưng bây giờ thì đệ đã rõ hết rồi. Ta xin cảm ơn đời, cảm ơn người, cảm ơn đàn-na tín thí đã nuôi ta mấy chục năm nay.

- Dĩ nhiên là chúng mình sẽ không quên nhau được. Đệ nhớ những ngày tháng chúng ta vẫn còn ở bên Sư Cụ. Nhớ những bài học vở lòng về Qui Sơn Cảnh Sách, nhớ những ngày tháng khó khăn khi tha phương cầu học.

- Ta biết vậy, nhưng chẳng có thể làm gì hơn, khi tâm mình vẫn còn chất đầy những khổ đau và ước muốn về ái dục. Nếu ta có đem giới luật đè lên cũng giống như là đá đè lên cỏ, cỏ vẫn mọc. Ta biết ta tội lỗi, nhưng giờ ta đã quyết.

- Đường đời muôn vạn nẻo khó lường, sư huynh khá bảo trọng. Sở dĩ người ta quý hoa sen là vì hoa sen tuy mọc trong bùn lầy nhưng vẫn không bị bùn lầy làm vẩn đục. Chứ nếu hoa sen bị vẩn đục và không tỏa hương thơm ngát để cống hiến cho đời thì hoa sen đâu còn giá trị gì cao quý nữa.

- Đệ nói đúng. Điều ấy không sai với chân lý. Nhưng ta chỉ có sức chịu đựng đến đây mà thôi.

- Đây là một ít hành trang xin tặng sư huynh và khi nào sư huynh cần đến đệ thì đệ này sẽ không từ chối.

- Mô Phật! Xin cảm ơn và bây giờ huynh xuống núi đây.

- A Di Đà Phật! Chúc huynh đi vào đời mạnh khỏe.

Sau khi Ngộ Tánh đi rồi, Ngộ Đạo trở về phòng mình và Thầy tự nghĩ về sự quyết định có tính cách cương quyết và khó nói của Ngộ Tánh, nhưng biết làm sao hơn. Như thế vẫn còn tốt hơn là trong khi thân ở chùa mà tâm thì đi chơi ở nơi khác. Ngày xưa Ngộ Đạo khi nghe một người đã đi xuất gia mà hoàn tục, Ngộ Đạo không thích lắm. Vì bảo rằng: “Tu thì phải tu cho trót và gọt thì phải gọt cho trơn.” Nếu đi tu, nửa đường mà hoàn tục tránh sao khỏi miệng đời quở trách là: “Ông ấy tu gì, có mà tu hú cá mòi thì có.” Lúc ấy Ngộ Đạo cũng hoàn toàn đồng ý với suy nghĩ này, nhưng bây giờ thì Ngộ Đạo hiểu khác. Người phát tâm xuất gia cũng giống như là một người đang phát nguyện đi trên con đường giải thoát, nhưng suốt cả một lộ trình sanh tử ấy. Nếu không kham nổi, muốn để gánh giải thoát xuống để nghỉ ngơi trong kiếp luân hồi này, ví như Ngộ Tánh là một trường hợp điển hình, thì ta cũng chẳng có quyền gì để bắt buộc anh ta phải gánh đi tiếp tục nữa, trong khi anh ta không đủ sức để gánh cái gánh nặng kia. Dẫu sao đi nữa anh ta cũng đã gánh đi được một đoạn đường. Nếu đời sau anh ta sanh ra làm người lại và muốn tiếp tục gánh vác công việc của người xuất gia, lúc ấy hẳn không muộn, hoặc giả ngay cả trong đời này, nếu anh ta trở lại cuộc đời tu niệm thì cũng tốt thôi.

Ngộ Đạo thầm nghĩ sao mà Sư Cụ mình tài tình đến thế. Những gì Ngài dự định hay những gì Ngài cảnh báo trước đều đúng trăm phần trăm, mà chỉ có những bậc tiên tri hay những bậc chứng đạo mới có thể rõ biết được như thế. Nhưng theo lời tiên đoán của Sư Cụ cuộc đời của Ngộ Tánh vẫn chưa dừng nghỉ ở đây. Còn phải lặn hụp với tử sinh, lận đận với đường đời trong nhiều trận thử thách nữa. Do vậy Ngộ Đạo sẵn sàng giúp đỡ anh nếu có một ngày nào đó quay đầu trở lại chùa xưa và gặp lại người bạn cũ.

Ngộ Tánh vẫy tay chào mọi người và chào từ biệt ngôi chùa thân yêu, nơi đây đã dưỡng nuôi anh cả hơn hai mươi năm trường. Ngộ Tánh bây giờ không mặc áo dài nữa mà chỉ mặc trên người một bộ áo bà ba như lúc mới đến chùa. Còn tất cả y áo Ngộ Tánh đã trả lại cho chùa và trao cho Ngộ Đạo giữ lại giùm.

Đang đi xuống núi thì bỗng nhiên Vạn Tâm, người bạn cũ thuở còn là nho sinh xuất hiện. Hai người gặp nhau rất ngỡ ngàng và Vạn Tâm mở đầu:

- Sư huynh đi đâu vậy?

- Sư huynh xuống núi, à mà bây giờ hết sư huynh rồi.

- Sao lạ vậy?

- Đâu có gì là lạ. Vì không muốn trở thành hòa thượng vậy thôi.

- Trong khi đó Vạn Tâm này muốn trở thành hòa thượng đó.

- Vì sao vậy?

- Vì chán đời quá rồi.

- À! Anh thì chán đời, còn ta thì chán ngấy cảnh đạo. Ngày hai buổi cứ sớm Kinh chiều Kệ rồi sớm Kệ chiều Kinh suốt mấy chục năm trời đâu có thay đổi gì đâu. Vì vậy bây giờ ta muốn thay đổi vậy.

- Sư huynh muốn làm cách mạng?

- Nói vậy cũng không đúng. Vì cách mạng là thay cũ đổi mới và cái mới ấy phải khá hơn cái cũ mới gọi là cách mạng. Còn việc ta làm nó cũ xì và xưa như trái đất, chứ không có gì mới mẻ cả, nên không thể gọi là cách mạng được.

- Nhưng ngày xưa sư huynh tự nguyện đi xuất gia và thưa với Sư Cụ, trong khi gia đình không đồng ý thì anh cũng quyết chí đi cho được. Còn bây giờ ai khuyến khích anh trở về lại với cái vũng bùn đau khổ của thế nhân này vậy?

- Dĩ nhiên là cũng tự nguyện thôi. Ngày trước khi xuất gia mình nguyện thực hành Bồ Tát đạo đi vào đời để độ sanh. Còn bây giờ mình muốn đời độ lại mình.

- Sư huynh nói gì mà kỳ quặc quá vậy. Nhưng thôi để đệ hỏi lại cho rõ, chứ không sau này đệ cũng sẽ hối hận nữa. Vậy đi xuất gia có cái gì khó và cái gì dễ?

- Cái khó và dễ thì khó nói lắm. Tùy theo mỗi người. Nếu mình bảo khó là việc ấy khó, mình bảo dễ là việc ấy dễ. Nhưng thực ra khó nhất là tự làm chủ lấy mình. Nếu mình không tự làm chủ lấy mình những việc hằng ngày xảy ra nhan nhản trong cuộc đời như tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, địa vị, ăn uống v.v... nó sẽ đánh mình gục trước khi mình muốn chuyển nó. Còn dễ thì quá dễ. Vì qua một cơn ngứa của thân thể và da thịt thì ta sẽ trở lại bình thường. Tất cả chỉ là mộng, nhưng vì ta tưởng thật nên ta mới bị nó dụ dỗ.

- Vậy huynh xem thử đệ đây có xuất gia được không?

- Ai đi lại không được. Cửa chùa rộng mở mà, nhưng liệu rằng trong cái rộng rãi thênh thang như thái hư đó, tâm đệ có đủ rộng để dung chứa không vậy?

- À! Thì Thiện Tài Đồng Tử trong Kinh Hoa Nghiêm đã đi tham bái năm mươi ba quốc độ và khi trở về lại chốn xưa thì cũng chỉ có tâm mình là chính.

- Đúng là vậy. Nhưng ai biết tâm mình đang ở đâu. Do vậy mới vào ra ba cõi, xuống lên sáu đường.

- Ý nghĩa của việc xuất gia ra sao và huynh đã thực chứng cái gì mà xuống núi sớm vậy, trong khi đệ vẫn muốn lên núi?

- Thì xuất có nghĩa là ra và gia có nghĩa là nhà. Nhưng nhà ở đây gồm ba loại là nhà thế tục, nhà phiền não và nhà tam giới. Đệ muốn ra khỏi nhà nào?

- Nhà nào cũng muốn ra khỏi hết. Vì đệ chán cho cái cuộc sống gia đình lắm rồi.

- Đệ kể lại cho huynh xem, sao lâu quá chẳng gặp nhau chắc có rất nhiều thay đổi?

- Đúng vậy huynh ơi! Ngày chia tay với huynh đó đệ trở về buồn lắm, thi đâu hỏng đó. Vì vậy phải về quê làm ruộng. Đúng là: “Văn chương phú lục chẳng hay, trở về làng cũ học cày cho xong.” Là câu nói của ông bà mình ngày xưa mà. Ở nông thôn thì đâu có gì vui. Ngày lại tháng qua đệ lấy vợ và sinh con, nhưng rồi đâu có hạnh phúc gì. Mới đầu thì cái gì cũng hay cũng đẹp, giống như những cành hoa vậy, ta đứng xa trông thấy mỹ miều, nhưng gần rồi thì thấy nó cũng tầm thường lắm, mà gần lâu lại sinh mùi, không của mình thì cũng của đối phương. Nhất là khi không có tiền để lo cho gia đình thì đó là nỗi khổ tâm, đồng thời tình cảm không đáp ứng đủ gia đình sẽ tan nát. Còn con cái nữa mà chi. Đúng là “con là nợ, vợ là oan gia” mà. Biết vậy nhưng sao ai cũng nhào vô hết.

- Té ra đệ muốn làm hòa thượng là vì không chống chọi lại với đời sao?

- Dĩ nhiên không phải vì đời đen bạc mà đệ muốn đi tu, nhưng đi tu là đệ muốn thoát ra khỏi cái buộc ràng đó chứ. Còn huynh sao đã thoát được rồi mà bây giờ lại muốn bước trở vô lại?

- Đúng là cái vòng lẩn quẩn. Khi tâm ta yên thì những lúc thiền định rất có kết quả, nhưng khi tâm ta động đa phần ngồi quán Phật cứ ra quán em hoài vậy đó.

- Em nào?

- Thì em mình tưởng tượng ra đó.

- Đó chỉ là ảo ảnh mà?

- Dĩ nhiên là ảo ảnh, nhưng vì mình chưa làm chủ được mình cho nên ta vẫn còn lẩn quẩn. Đây là nguyên nhân chính của ta. Thật ra ngày Sư Cụ còn hiện tiền Sư Cụ cũng thương ta giống như Ngộ Đạo vậy. Nhưng ngày qua tháng lại có bóng dáng giai nhân đi lễ Phật, khiến tâm ta bị động và sóng tình đã nổi dậy trong ta, ta không thể nào kiềm hãm nổi. Vì vậy ta đã đem lòng thương nàng. Nàng ấy là ai chắc đệ biết rồi. Đó là Mỹ Lệ con quan Tể Tướng đương triều. Ban đầu ta ngỡ rằng nàng để ý đến ta, nhưng dần dần ta biết nàng đã chẳng hề đoái hoài gì cái tình cảm của ta đối với nàng cả. Trong khi đó nàng lại đi thương Ngộ Đạo, mà Ngộ Đạo đâu có bao giờ thương cô ta đâu và sự kiện chùa Hưng Phước cũng như việc cô Mỹ Lệ tù tội vì sao chắc là đệ đã hiểu rồi. Tức vì yêu không được, cho nên ta phải trả thù cho chữ yêu mà thôi. Lý do chỉ có vậy.

- Nếu vậy thì tầm thường lắm. Vì đi lên mới khó, chứ đi xuống ai mà đi không được. Không cố gắng huynh cũng có thể bị tuột xuống dốc như thường và bây giờ chính là lúc huynh muốn tuột dốc phải không?

- Bây giờ thì mọi việc đã an bài.

- Ai đã an bài cho huynh đâu. Chính huynh tự nguyện làm Bồ Tát để độ người, rồi bây giờ muốn người khác độ mình là nghĩa làm sao? Có lẽ do huynh không chuyên trì giới luật mới ra như vậy?

- Đúng thế, giới luật mà giữ vẹn tròn thì giống như là vật cản che cho các căn của mình. Trong khi đó cửa nhà của ta không có đóng cho nên gió nghiệp cứ lai vãng hoài.

- Đệ có nghe Phật dạy trong Kinh về câu chuyện con rùa và con dã can. Không biết huynh có nhớ chăng?

- Bây giờ thì quên hết cả rồi.

- Con rùa đang bò đi trên đường, bỗng dưng gặp con dã can. Dĩ nhiên là con rùa không thể tới lui gì được nữa, bèn rút hết đầu và bốn chân vào trong để giữ gìn và chờ đợi. Trong khi đó con dã can chạy lại và ngồi chờ khi nào con rùa thò ra một chân thì nó sẽ ngoạm liền và sẽ ăn thịt con rùa. Chờ hoài nhưng con rùa vẫn kiên nhẫn không thò đầu và chân ra. Cuối cùng con dã can bỏ đi. Như thế đó, nếu người xuất gia biết giữ gìn các căn của mình giống như con rùa vậy thì đâu có phá giới và đâu có mất thân huệ mạng. Trong khi huynh đã làm được người xuất gia mà huynh không lo gìn giữ các căn, thỉnh thoảng còn muốn buông tay vào đời hay thỏng chân vào chợ, trước sau gì cũng bị dã can ăn thịt. Đệ đây đã bầm mình rồi. Bây giờ xin chừa. Còn huynh muốn nguyện sống trong cuộc đời thế tục thì cứ xin tự nhiên.

- Vậy là cái gì tốt hơn?

- Dĩ nhiên Đạo vẫn tốt hơn, nhưng đôi khi mình làm không tròn bổn phận mình hay đổ thừa lỗi này cho người này người kia. Vì thế, vì thế... nên tôi không tu được. Vì Thầy đó, bà đó... chùa đó khó quá tôi không thể nào tu ở đó. Như vậy mình đi xuất gia là vì ông đó, bà đó, chùa đó hay là vì sự cầu giải thoát cho chính mình? Nếu việc gì mà thuận với mình thì bảo rằng nhân tốt duyên lành. Còn việc gì mà không thuận với mình lại bảo rằng nghiệp. Nhưng Phật dạy rằng nghiệp dẫu lành hay dữ mình cũng có thể chuyển nghiệp được mà. Thực sự ra ái tình nó cũng giống như là cây kim và sợi chỉ vậy. Nếu cây kim để yên thì sợi chỉ mới xâu qua lỗ kim được. Nếu cây kim cứ xoay tròn như con rùa rút đầu cổ và chân vào, làm sao sợi chỉ có thể xâu thông qua được. Đau lắm, nhức lắm huynh ơi. Cuộc đời vui đâu chẳng thấy nhưng khổ lại nhiều.

- Như vậy hóa ra những người đi tu là những người trốn tránh đời sao?

- Thật sự ra không phải là trốn, mà vì mình đã biết bộ mặt thật của đời rồi. Nó không thật, nó toàn là đồ giả không hà, thì mình nhận nó làm ruột thịt làm gì nữa. Đó mới là tỉnh thức.

- Thế đệ đã tỉnh thức chưa?

- Sáng mắt rồi nên mới tìm lên chùa đây này. Trong khi đó huynh trở về lại cuộc đời thế tục thì đệ buồn lắm.

- Biết tính sao hơn khi mà tâm mình đã không tự làm chủ được mình.

- Thì ở đời cũng thế. Đường đời muôn vạn nẻo chứ đâu có phải đơn giản gì.

- Nhưng lòng ta đã quyết.

- Thôi xin chào huynh. Nếu huynh đã quyết lòng như thế.

Thầy Ngộ Tánh của ngày nào đường đường là một vị tỳ-kheo tăng của Sắc Tứ Hưng Phước Tự, còn bây giờ Thầy chỉ nguyện mình trở thành một cư sĩ với cái tên gọi Ngọc Minh của cha mẹ đặt cho ngày nào, để Thầy trở về đời sống thế tục, sống như bao nhiêu người khác đang sống và biết đâu mình sống trong đời thường như thế dễ độ cho đời hơn là ở chỗ cao sang quyền quý hay nơi chốn chùa chiền lúc nào cũng lấy đạo đức làm mô phạm và nói ra bất cứ cái gì là phải như thế này hay như thế kia mới được. Nếu không sẽ phạm và mất hết phước đức v.v... khi người ta có quyền và nhất là những người tăng sĩ đang được mọi người cung kính thì nói cái gì mà Phật tử chẳng nghe. Chi bằng bây giờ trong tay ta chẳng có gì cả, ta thử vào đời xem thử ta có thể chuyển đời được như ý ta muốn chăng.

Suy nghĩ mông lung như thế và chàng Ngọc Minh đã trở về nhà cũ của cha mẹ mình lúc nào chẳng hay biết. Nhà bây giờ chẳng còn ai, chỉ trừ cây khế già đang sống trơ vơ trước ngõ mà lúc nhỏ Ngọc Minh thường cùng với bọn nhỏ leo trèo và hái trái để ăn. Còn cha mẹ chàng đã quá vãng từ lâu. Ở nơi nhà này chỉ còn một bà lão giúp việc. Khi lão thấy Ngọc Minh về thì bà thở dài đứt ruột và lên tiếng.

- Thế là Thầy đã về?

- Bây giờ không còn là Thầy nữa mà chỉ là một Ngọc Minh của ngày nào thôi. Cụ cứ xem như bình thường không có gì phải khách sáo cả.

- Già này chỉ còn một mình sống thui thủi nơi đây. Nếu có cậu về sống cũng ấm cúng thêm chứ có sao đâu, nhưng dự định tương lai của cậu sẽ như thế nào?

- Tôi sẽ lấy vợ.

- Lấy vợ? Lấy vợ rồi lấy gì cho vợ, rồi con... sau này sẽ sinh sống với nhau. Bao nhiêu tiền của ruộng đất sau khi ông bà ra đi cũng chẳng còn gì cả. Vì phải lo thuốc thang cho hai cụ và làm lễ tống táng cho được đàng hoàng, kẻo không thì thế gian lâu nay cũng thường hay nói là “ma chê cưới trách” mà. Do vậy nhà chả còn gì.

- Tôi sẽ làm lại từ đầu.

- Nhưng với cậu chỉ toàn là hai tay trắng của bạch diện thư sinh ngày nào mà?

- Tôi có một ít vốn của bạn tôi đã cho.

- Nhưng cái vốn vào đời đâu chỉ là tiền bạc. Nào là kinh nghiệm sống, lanh lợi, địa vị v.v... Nhưng so ra sau khi cậu đi xuất gia ở cửa Không ấy chắc cậu cũng đã chẳng gặt hái được gì. Bây giờ về lại sống cuộc đời bình thường này nó không đơn giản đâu cậu ơi. Già này sống kéo lê cuộc sống và muốn về chầu Phật cho xong, chứ ở trong thế giới này nó khổ tâm lắm. Làm thế nào họ cũng chẳng vừa lòng và dẫu có là gì đi chăng nữa cũng chẳng qua hai chữ duyên nghiệp và phước đức của ông bà để lại mà thôi.

- Xin cảm ơn cụ và tôi sẽ cố gắng hết mình để lo cho cuộc sống này.

Sau khi đối đáp xong với một người giúp việc đã từng trải việc đời. Ngọc Minh có một chút suy nghĩ. Nhưng chàng chẳng quan tâm. Vì chàng nghĩ rằng mình phải lấy vợ và lập gia đình để trả thù tiểu thư Mỹ Lệ, vì mình yêu mà chẳng được yêu. Chỉ đơn giản vậy thôi. Còn bao nhiêu chuyện khác nữa sẽ hạ hồi phân giải.

Cuối cùng chàng cũng đã tìm được một cô gái trung niên vừa ý. Vì tuổi chàng bây giờ cũng ngấp nghé năm mươi rồi, đâu có còn thanh xuân gì nữa mà lựa chọn. Tuy tuổi tác khác nhau nhiều nhưng lúc đầu họ sống với nhau rất là hạnh phúc. Vì họ chỉ đối đãi với nhau bằng những cử chỉ chân tình và chia sẻ nhau trong từng cái khó khăn mệt nhọc. Ban đầu họ tặng nhau bằng những nụ hoa hồng khi chưa cưới và dần dà những cánh hoa ấy lơi bớt đi. Có lẽ Ngọc Minh thấy những câu chuyện vào đề đã đủ. Sau khi cưới nhau họ chỉ tặng cho nhau cái gì đó thật cần thiết khi có lễ trọng trong năm như Tết nhứt chẳng hạn và sau hai ba năm, khi mà họ đã có hai mặt con với nhau thì bây giờ hầu như không còn tặng cho nhau cái gì nữa cả, mà thay vào đó là những lời chanh chua khó nuốt.

Ngọc Minh suy nghĩ hoài nhưng chẳng có câu trả lời. Tại sao khi người ta thương yêu nhau người ta hay quên đi tất cả, chỉ thấy cái tốt của người khác và che đậy cũng như tha thứ cho nhau những sai trái. Đến khi không vừa ý với nhau, không có lời xấu ác nào mà không sử dụng đến. Có lẽ để cho thỏa mãn tự ngã của mỗi người.

Chàng là người đàn ông, chàng cũng có cái mặc cảm chứ. Tuy không phải là mặc cảm tội lỗi, vì chàng đâu có làm gì nên tội lỗi. Nếu có, chỉ là cái tội nghèo và không có tiền lo cho vợ con thôi. Nhiều lúc như thế Ngọc Minh nghĩ đến Vạn Tâm, nhưng Vạn Tâm cũng nghèo xơ xác và hắn ta cũng có vẻ chán đời, chỉ muốn đi tu thôi, thì còn nhờ cậy gì được. Còn Thượng Tọa Thích Ngộ Đạo bây giờ đã cao ngất tòa sen, đạo đức và địa vị chẳng ai bằng, nhưng không lẽ ta lại trở lại chốn chùa cũ để xin ăn bám, mà còn phải lo cho vợ con nữa thì quả là điều mà lương tâm của Ngọc Minh không cho phép.

Chàng suy đi nghĩ lại nhiều kế sách mà đã chẳng có một phương pháp nào có thể thực hiện để có nhiều tiền cả. Phần thì vợ khó chịu, con la khóc. Phần thì Ngọc Minh cũng chẳng có một nghề nghiệp gì trong tay. Vả lại tuổi cũng đã lớn rồi, đâu phải dễ gì tìm được công việc làm. Hay là ta dạy học tại nhà. Vì chữ Thánh Hiền ta vẫn có. Nhưng chỉ dạy học thì làm sao mà giàu có được. Người dạy học chỉ giàu chữ nghĩa, chứ không giàu tiền bạc. Chàng suy đi nghĩ lại nhiều cách mà đã chẳng tìm ra một hướng giải quyết nào cả.

Một hôm nhân có việc trong nhà nên cô vợ lớn giọng với chàng:

- Anh tính sao thì tính chứ tôi chịu không nổi nữa rồi. Nhà mình đã có tới bốn miệng ăn lại có thêm một lão già ăn không ngồi rồi, chỉ có bám hại, không làm sao mà ngóc đầu lên nổi đây. Mình làm sao đấy thì làm.

- Dù sao đi nữa thì Cụ cũng đã ở với cha mẹ anh từ xa xưa rồi và bây giờ mình phải có bổn phận.

- Bổn phận? Vậy thì ai phải có bổn phận với vợ con anh. Anh chỉ có được cái lợi khẩu của một gã nho sinh và cái làm biếng. Ngoài ra mấy mươi năm ở chùa anh đã chẳng làm nên tích sự gì mà lúc nào cũng dạy chuyện đạo đức nhân nghĩa. Miệng nói đạo đức mà bụng đói thì sao đây? Anh có bằng lòng với hiện tại không và con anh, tương lai của chúng nó anh phải giải quyết như thế nào? Không lẽ tôi phải cưu mang đèo bồng tất cả?

Chàng nghe những lời đay nghiến của vợ mà tan nát cả lòng mình. Chàng không ngờ là cái kết quả của sự trả thù cho tình yêu nó là thế. Do vậy mà trong “Thập nhị nhân duyên” Phật dạy rất chí lý. Chúng sanh vì vô minh mà bị đắm say trong sanh tử và trong “Tứ thập nhị chương” Ngọc Minh cũng đã có học rồi. Trong đó ví con người nếu lỡ vào tù tội thì cũng có ngày ra khỏi tù, nhưng khi con người bị ái dục sai sử muôn vạn kiếp cũng khó ra. Nhưng lúc ấy là lúc ấy, chàng đâu có bao giờ quan tâm. Vả lại lời dạy ấy của Sư Cụ Từ Tâm hay của những vị Thầy Giáo Thọ khác nó cũng chỉ từ chữ nghĩa, sách vở. Còn bây giờ nó là một bài học sống, rất thực tế, đang ở ngay trước mắt mình chứ nào đâu có xa xôi gì. Làm sao giải quyết đây? Rõ ràng chữ “ái” nó chỉ đơn giản như thế mà mọi người đều khó dứt trừ. Chàng nhớ lại khi chàng được làm lễ cho xuất gia Sư Cụ Từ Tâm có xướng bài kệ hay lắm như sau:

“Hủy hình thủ khí tiết,
Cát ái từ sở thân,
Xuất gia hoằng Thánh đạo,
Thệ độ nhứt thiết nhân.
Nam Mô Ly Cấu Địa Bồ Tát.”

Các Bồ Tát đều lìa xa chỗ đất dơ nhớp của thế gian này. Mặc dầu các Ngài là những bậc đã chứng đắc được những cái gì của vô thường sanh diệt và người xuất gia là người phải cắt dây ái, từ bỏ cái ân của những người thân kẻ thuộc trong gia đình và để hoằng dương Thánh Đạo. Cái đạo mà đã một thời chính Đức Phật cũng đã bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan để ra đi tìm chân lý. Còn ta, ta đâu có gì để mà trở lại với cuộc đời. Vả chăng ta đã chẳng độ được đời như ta đã nghĩ, mà đời đang độ ta và ta phải giải quyết ra sao trong trường hợp này đây? Đang suy nghĩ miên man như vậy thì người vợ giục tiếp:

- Anh tính làm sao thì tính, chứ tôi sẽ không sống tiếp được trong cảnh như thế này.

- Từ từ tôi sẽ tính.

- Nhưng ngày tháng chẳng đợi chờ, tiền bạc không còn gì và của cải riêng chẳng có là bao. Anh phải tạo cơ hội. Hay là....

- Hay là gì? Chắc mình đã tìm ra một phương án?

- Như thế này nhé. Nếu anh thực hiện được việc này mình sẽ giàu to và lúc đó thì tha hồ mà giàu sang phú quý.

Đoạn nàng nói nhỏ vào tai chàng.

- Nhưng còn cái đức về sau?

- Giờ này mà còn nói phước đức nữa? Cái phước và cái đức đó đang ở xa đây rồi.

Kế hoạch thực hiện đã bị bại lộ và tất cả những người chủ mưu đều bị bắt, trong đó có cả Ngọc Minh. Sau khi xét xử nhiều ngày, Ngọc Minh phải vào tù. Những ngày ở trong tù chàng đã thấm thía với tất cả cái ý nghĩa là: “Nhứt nhật tại tù thiên thu tại ngoại.” Nghĩa là một ngày ở trong tù bằng một ngàn mùa thu ở bên ngoài. Đúng vậy khi con người mất tự do rồi mới sực nhớ lại và mới biết cái giá trị của tự do là gì. Đa phần sống trong sự tự do ít ai lưu ý đến tự do. Cũng như thế ấy ta đang sống với không khí, nếu không có không khí để thở thì làm sao ta sống được. Nhưng có mấy ai để ý về vấn đề này. Cho đến khi nào đó người ta phải sống bằng dưỡng khí và chờ đợi tử thần đến gọi mới thấy cái giá trị của không khí quý giá biết là dường bao.

Đa phần con người ta cứ đi tìm cái gì ngoài cái mình đang có và đến khi đã để cái ấy bị mất đi rồi, lúc ấy mới quay lại tìm thì đã trễ rồi. Do vậy người ta định nghĩa về hạnh phúc là những cái gì mà người ta đang có chứ không phải là những cái gì người ta đi tìm. Cũng ví như tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, địa vị, ăn uống v.v... đa phần chúng ta không thỏa mãn. Vì chúng ta còn cầu cho nhiều hơn nữa mới đủ, nhưng biết bao giờ mới đủ.

Suy nghĩ như thế và buồn bã quá, lại có tiếng gọi bảo ra gặp người thân, nên Ngọc Minh mừng quá vội vã ra nơi gặp.

- Ủa! Không ngờ là Vạn Tâm. Chính là anh?

- Vâng! Tôi đây.

- Tại sao anh biết tôi trong này?

- Thì chuyện ấy ở ngoài xã hội ai mà chẳng biết. Nhưng thôi, xin hỏi anh là có khỏe không?

- Khỏe gì nổi anh, mà dẫu có khỏe đi nữa, còn mang thân tù tội như thế này cũng chẳng có ích gì cho đời.

- Thế thì cái nguyện vào đời để độ đời của anh đã thực hiện xong chưa?

- Chẳng độ được gì cả mà bây giờ đang thấy bị đời độ mình đây rồi nè!

- Nhưng tại sao anh phải sa vào chỗ cám dỗ để làm những chuyện tội lỗi tày trời như vậy?

- Thì tại không có tiền và tại nghe lời vợ.

- Lỗi ấy do anh, chứ đâu phải do vợ?

- Nhưng mà tại vợ xúi.

- Nhưng anh không làm chủ được anh từ ban đầu, từ lúc còn là Thầy Ngộ Tánh kia, chứ đâu phải bây giờ. Hôm nay đệ này đến thăm huynh và mang cho huynh một số thực phẩm cũng như tin tức bên ngoài. Xin huynh bảo trọng và tuần sau Vạn Tâm sẽ đến thăm anh.

Ở trong tù mà được có người thăm như thế quả là phước đức lắm. Cứ mỗi lần có người thăm nuôi là người tù xem như được sống lại ở một kiếp tái sinh nào đó, trong đó có Ngọc Minh. Bây giờ có thì giờ nhiều chàng ôn lại bài học ngũ dục của thế gian mà ngày xưa khi còn là chú tiểu đã học với Sư Cụ Từ Tâm, nhưng lúc ấy chú Ngộ Tánh đâu có quan tâm. Còn bây giờ sau bao nhiêu thất bại, Ngọc Minh ngẫm lại mới thấy được cái chân giá trị của nó.

Về tiền tài hay tiền bạc như ông bà mình vẫn thường hay nói đó. “Kẻ ấy lắm tiền nhiều bạc.” Chữ nhiều bạc phía sau không phải là tiền kẽm, mà là bạc phước, bạc tình, bạc nghĩa, đen bạc v.v... Có tiền nhiều như ông xã, ông huyện, phú ông v.v... cũng chưa hẳn đã là yên ổn. Vì khi có tiền nhiều sinh ra lo lắng và nghi ngờ ngay cả vợ con mình là những người không ngay thẳng. Do đó ta phải dòm ngó, tính toán mới yên tâm. Vì ta chỉ nghĩ rằng chính ta mới là người có quyền và có được khả năng quản lý tài sản đó. Khi có tiền nhiều sinh ra rượu chè, trai gái, cờ bạc v.v... Ai đó có đến quyên tiền để làm việc phước đức ta bảo rằng đã ủng hộ đóng góp rồi, hoặc giả nếu có cũng chỉ ủng hộ sơ sài cho qua chuyện. Lẽ ra với khả năng của mình như thế mình có thể đóng góp được nhiều hơn nữa, nhưng không. Vì ta nghĩ sự bạc phước đâu có đến với mình. Vì mình đang giàu có mà. Tiền nhiều quá thì sinh ra bao nhiêu chuyện ăn chơi trác táng, do đó tình nghĩa vợ chồng bị sứt mẻ và thân bại danh liệt mấy hồi.

Trong khi đó người không có tiền như mình cũng khổ, bị vợ sai khiến đủ điều, mà mình không làm cũng không được, cho nên mới tù tội như thế này đây. Quả thật người xưa nói “chữ tài liền với chữ tai một vần” cũng đúng, mà tài là tài ba như cô Kiều chứ mình đâu có tài gì. Thôi thì ở đây nên hiểu chữ tài là tài sản hay tiền tài cũng được. Cũng có thể nghĩ rằng “chữ tù liền với chữ tu một vần” cũng đúng thôi. Vì đi tu là tự nhốt mình vào khuôn khổ giới luật để được giải thoát sau này. Còn mình bị tù không phải do tự nguyện mà do lỗi lầm, nên mới khổ sở như thế này đây. Vả lại dầu giàu hay nghèo mà mình biết làm chủ đồng tiền thì mới đúng, chứ ở đây đa phần chúng ta bị đồng tiền làm chủ cho nên chúng ta mới khổ công mệt xác.

Suy nghĩ về sắc đẹp thì ôi thôi có nhiều việc để nói lắm. Cái gì mình chưa thấy mình muốn tìm, nhưng khi thấy biết rồi cũng chán phèo, chứ đâu có gì để mà ham thích. Tất cả cũng chỉ là một cái túi da bên ngoài bôi trét son phấn. Còn bên trong chứa đựng toàn những đồ giả không thôi. Sở dĩ nói giả, vì nó không thật. Đó là ruột, phèo, gan, phổi v.v... chỉ cần đem ra ngoài phơi nắng vài ngày là nó hôi thối, chẳng ai dám gần chứ đừng nói là ôm ấp, rồi nói những lời tỉ tê đường mật. Ngày ấy ta đã mãi theo dõi tiểu thư Mỹ Lệ. Vì còn son trẻ và đẹp sắc nước hương trời theo cái nhìn của ta thuở đó. Chứ còn bây giờ chắc nàng cũng đã già lắm rồi. Tuổi nàng cũng đã gần sáu mươi rồi còn gì nữa. Nếu nàng lấy chồng sớm thì nàng cũng đã có cháu nội cháu ngoại. Nhưng vì chỉ đợi chờ Thầy Ngộ Đạo. Thế nhưng Ngộ Đạo đâu có đoái hoài. Vì lẽ Thầy ấy hiểu về sự vô thường. Còn ta và cô Mỹ Lệ vẫn đeo đuổi cái không thường ấy cho nên mới vào tù ra khám như thế này. Nàng ở tù vì nàng cũng muốn làm cho hả giận cái tự ái của mình là mình muốn yêu mà chẳng được yêu. Ta đây cũng thế, sở dĩ ta đi vào đời và tay bị nhúng chàm cũng chỉ vì chữ sắc và chữ tình. Ta cũng muốn yêu nàng nhưng không được yêu và ta trả thù tình yêu cho nên mới ra nông nỗi này. Phải chi lúc ấy nàng yêu ta, ta yêu nàng thì đâu có ra nông nỗi đoạn trường như thế này.

Nghĩ đến đó Ngọc Minh hoảng vía. Vì cũng chưa chắc đã là yên chuyện, nào còn những chuyện ghen tương, đổ thừa đổ lỗi cho nhau nữa. Đây vốn là cái nghiệp xưa như trái đất. Nghĩa là khi nào con người có mặt trên quả địa cầu này là những chúng sanh như chúng ta đều lộn xộn và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng lắm chứ không đơn giản như mình suy nghĩ đâu. Ví dụ như cái đầu suy nghĩ như thế này, trong khi đó cái chân lái đi hướng khác. Do vậy cho nên mới có tai nạn xảy ra. Đó chỉ là một ví dụ đơn cử. Còn bao nhiêu ví dụ khác nữa nếu Ngọc Minh nghĩ tới phải sợ cho đến rởn tóc gáy.

Còn những nhà phát minh khoa học, những vị tu sĩ của các tôn giáo họ sống đâu có cần đàn bà, nếu là đàn ông và họ cũng chẳng cần đàn ông, nếu họ là đàn bà. Vì lẽ họ đã quên đi những “cơn ngứa” bình thường, họ chỉ chú tâm vào một mục đích khác sẽ dễ quên đi những gì không cần thiết, dầu cho đó có là sự đòi hỏi của thể xác đi chăng nữa. Ví dụ như khi chúng ta đói. Vì chúng ta biết rằng giờ đó có ăn uống. Nếu chúng ta có chuyện gì đó quan trọng hơn phải làm trước lúc ăn cơm, chúng ta sẽ quên việc ăn cơm ngay. Sau đó chừng vài tiếng đồng hồ chúng ta thấy không cần phải ăn nữa. Nói như thế không có nghĩa là người kia có thể nhịn đói dài dài được. Điều quan trọng ở đây là khi tự mình làm chủ được trong chuyện tình cảm, sắc đẹp v.v... thì mình sẽ chiến thắng nó. Ví dụ như những ông vua có cả năm bảy chục phi tần cung nữ và có cả hàng trăm người con, nhưng nếu hỏi ông ta đã đủ chưa, chắc rằng ông ta sẽ trả lời chưa đủ. Còn chư Tăng chư Ni đâu có vợ chồng con cái, nhưng họ vẫn thấy đủ như thường. Vì họ rõ được đường đi lối về mà họ đã chọn. Còn ta, ta đã lỡ lầm rồi, không biết là mình có cơ hội để trở lại đường tu chăng?

Nghĩ về danh vọng hay địa vị trong cuộc đời thì ai mà không ưa không thích? Ngày xưa ta đi học, đi thi bao nhiêu trường mà không đỗ chẳng qua cũng vì cái nợ công danh. Tiếng thơm ấy là cho cha mẹ, cho gia đình, cho thân tộc, vợ con về sau, nhưng đâu phải có công danh là được. Ví như Sư Cụ Từ Tâm đấy, công đã thành danh đã toại, nhưng cũng đã từ quan để xuất gia học đạo, đủ thấy rằng chốn quan trường và bãi danh lợi ấy đã chẳng giúp được nội tâm của một quan văn thanh liêm như Ngài, nên Ngài đã giũ áo từ quan. Có nhiều người không hiểu chuyện bảo rằng Ngài không dám đối mặt với thực tế của cuộc đời, mới trốn đời để đi xuất gia như thế. Còn người hiểu chuyện lại rất tán thành việc xuất gia ấy. Vì họ nghĩ rằng đâu có cái gì chắc thật trong đời này đâu, cái công danh vẫn là cái nợ đời mà lâu nay có không biết bao nhiêu người muốn cởi bỏ, nhưng cởi bỏ chưa được.

Khi ta còn nhỏ ta thấy người khác cao lớn hơn mình, mình cũng muốn được như thế, nhưng khi lớn rồi có gì khác nhiều với lúc nhỏ chăng? Hay đó chỉ là một chặng đường mà ai cũng phải đi và phải đến? Ta không chờ đợi nó vẫn đến như thường. Một ví dụ khác là khi ta học căn bản, ta muốn thi đỗ ông này ông kia, và sau khi đỗ ông Nghè, ông Cống, ông Tiến sĩ rồi, những bằng cấp này thật sự ra cũng chẳng là gì cả. Nếu ta không làm đúng nghĩa và đúng giá trị với bằng cấp ấy thì bằng cấp cũng chỉ là một miếng giấy chứng nhận ngày này tháng này mình đã đỗ đạt mà thôi.

Còn nói về ăn uống cũng có rất nhiều chuyện để đề cập ở đây. Ngọc Minh nhớ lại lúc ăn tương chao đậu muối qua những ngày tháng ở chùa rồi cũng qua đi. Thời gian trôi nhanh quá, tuổi trẻ của Ngọc Minh và Ngộ Đạo ở chùa Sắc Tứ Hưng Phước trôi qua lúc nào chẳng hay biết, đến khi nhớ lại mới thấy giật mình. Nhưng đó là thời gian tuyệt vời nhất của tuổi thơ như Thầy Ngộ Đạo và tuổi thanh niên như của mình. Lúc ấy mọi việc đã có các vị tịnh hạnh nhơn và Sư Cụ lo rồi, cho nên họ chỉ có lo ăn lo học thôi, mà cũng đã chẳng nên hình. Nghĩ như thế mà buồn cho mình. Rồi bây giờ vào ở tù, cái thân phận của người tù chắc không khá hơn con chó đi hoang ở ngoài để kiếm ăn là mấy.

Có thể con chó không kiếm được đồ ăn và khổ sở như mình ở đây chỉ có nước muối để chang cơm, nhưng được một cái là con chó ấy có tự do để qua lại, còn ta thì không được đi đâu. Chỉ qua lại trong bốn bức tường và đối diện với cái không to tướng. Không đây chẳng phải không của Bát-nhã hay Trung quán, mà cái không đây là không có ý nghĩa gì cả, không vô lý, không nhơn nghĩa v.v... Nằm ngủ thì trên nền nhà ngập đầy nước tiểu dơ dáy và muỗi mòng chích suốt đêm. Nhiều lúc nghĩ đến thân mà tủi và không biết là vợ con mình đã ra sao cũng như có bao giờ Thượng Tọa Thích Ngộ Đạo nghĩ đến mình chăng? Hay chỉ được có mỗi Vạn Tâm tự thuở nào còn tới lui thăm viếng hỏi han, chứ còn ngoài ra thì bặt vô âm tín. Đúng là ở đời người ta lo phù thịnh chứ đâu có ai phù suy bao giờ và khi có thì giờ Ngọc Minh suy nghĩ về lịch sử một chút cho đỡ buồn. Ví như có những ông vua, những bà hoàng hậu, mỗi ngày ăn hằng trăm món cao lương mỹ vị, nhưng không biết là họ có hài lòng chăng hay còn đòi thêm nhiều món trân châu mỹ vị khác nữa? Ví dụ như bà Từ Hy Thái Hậu mỗi bữa ăn bà dùng đến năm trăm loại khác nhau. Dĩ nhiên là bà không ăn hết đâu, nhưng để tránh ngộ độc và có lẽ những người lo phần ngự thiện có cơ hội để trổ tài. Đó là lúc còn làm vua, chứ khi bị thất sủng nhiều ông vua cũng bị đày hoặc tù tội chứ có hơn chi mình, nhất là một triều đại khác lên thay thế triều đại này.

Quả thật trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra được cả: “Được làm vua, thua làm giặc.” Ấy là lẽ thường. Cũng ví như thân phận của mình đây, nếu kế hoạch thành tựu thì nhiều người được hưởng. Còn bây giờ bị thất bại, một mình mình phải ở tù thôi. Vợ và con là những người gần gũi nhất mà cũng đâu có thấy thăm viếng hỏi han gì. Như thế cuộc đời này còn bạc hơn vôi nữa.

Còn suy niệm về vấn đề ngủ nghỉ. Càng ngủ nhiều đầu óc chẳng minh mẫn chút nào, nhưng ở trong tù chỉ có giấc ngủ là có thể làm cho mình quên đi nhiều nỗi nhọc nhằn của nội tâm, chứ còn thức để đếm thời gian không biết bao nhiêu là nỗi đắng cay trong cuộc thế hiện về. Ngọc Minh nhớ lại hồi còn ở chùa mà tiếc rẻ. Tuy phải ngủ ít, mà tuổi trẻ lại thích ngủ nhiều, nhưng không được ngủ. Còn bây giờ tha hồ ngủ mà giấc ngủ nào cũng chập chờn, đâu có bao giờ trọn giấc.

Nhưng so ra trong thời gian đời người, trong bốn trạng thái đi, đứng, nằm, ngồi thì nằm là nhiều nhất trong cuộc sống. Mỗi ngày ta có ít nhất là tám tiếng đồng hồ để nằm ngủ. Một năm có 365 lần như thế và nhân lên tuổi thọ trong cuộc sống của mỗi người, thời gian mà mình dành cho sự ngủ ấy không ít. Phật và chư vị Bồ Tát suốt ngày phải bận rộn với bao nhiêu việc độ sanh, nên quý Ngài chắc rằng ngủ rất ít, nhiều khi không cần ngủ nữa mà chỉ lo độ cho hết chúng sanh mới được toại nguyện.

Ngài Địa Tạng có lời nguyện khi nào địa ngục không còn một chúng sanh nào ở trong đó nữa Ngài mới thành Phật. Như vậy thời gian ấy còn lâu lắm, nhưng do Ngài nguyện vào chỗ tối tăm để độ sanh nên có lẽ Ngài không quan tâm đến thời gian. Còn ta đây không muốn vào chốn ngục tù mà bị vào đây, nên thời gian dường như đi qua rất chậm.

Ngọc Minh nằm đêm suy nghiệm về cuộc đời và về lẽ sắc không cũng như những nguyên nhân đưa đến sự khổ của con người. Chính bây giờ đây mới là lúc chàng đã rõ tất cả những mặt thật của cuộc đời và Ngọc Minh cảm thấy đức Phật nói bài pháp Tứ Diệu Đế đầu tiên là một chân lý tuyệt hảo và chẳng có cái chân lý nào ra khỏi cái Khổ, Tập, Diệt, Đạo này được cả.

Đang suy nghĩ miên man bỗng có tiếng kêu cửa.

- Ê! Anh tù số 008 kia, có người muốn gặp.

- Ai vậy?

- Vạn Tâm và một ông thầy chùa.

Ngọc Minh mừng quá, biết là Thầy Ngộ Đạo đã đến thăm mình cùng với Vạn Tâm. Thế là chàng vội vã bước ra khỏi ngục tối để đi vào một phòng giam khác rộng rãi hơn, đủ chỗ cho ba hay bốn người ngồi nói chuyện.

Khi gặp nhau mặt nhìn mặt mà chẳng nói nên lời và Ngọc Minh bỗng đến trước Ngộ Đạo và sụp lạy xuống với hai hàng nước mắt như chực sẵn đổ tuôn trào, trong khi Ngộ Đạo lấy hai tay đỡ Ngọc Minh lên và ra dấu bảo rằng đừng làm thế. Thế nhưng đây là cơ hội để Ngọc Minh kể hết những nỗi niềm của mình. Dĩ nhiên không phải để biện bạch cho nỗi oan ức của cuộc đời, mà để thấy rõ cái mặt thật của cuộc đời hơn. Tất cả cũng đều được che đậy trên một mớ từ ngữ giả tạo, ngôn ngữ của sự xã giao, mánh lới để gạt gẫm nhau không thương tiếc, mạnh được yếu thua v.v...

Ngộ Đạo thong thả nói:

- Như huynh thấy đó, lời dạy của Sư Cụ Từ Tâm đối với chúng mình chẳng sai một tí nào hết. Đời này vốn vô thường, sinh diệt diệt sinh, cũng giống như hoa cỏ trong vườn chùa của mình vậy thôi. Những gì mình tưởng là của mình nhưng đâu phải là của mình. Những gì mình tưởng thuộc về mình, nhưng chẳng thuộc về ai cả. Khi chết đi, cát bụi trả về với cát bụi, mỗi thứ tan rã đi một nơi, chỉ còn cái tâm thức ấy là phải đi trả nghiệp mà thôi.

Vạn Tâm nhân cơ hội ấy chen vào:

- Con cũng thấy thế và cuộc đời này chẳng có gì là vui là đẹp cả, nên con xin Thầy cho phép con xuất gia để bòn chút phước. Vì lúc nhỏ đã chẳng lưu tâm đến đời sống tâm linh mà mải mê với tứ đổ tường, còn bây giờ thì con đã rõ. Ngẫm lại phận con và thấy anh Minh đây mà con cũng đau xót lây.

Thấy Vạn Tâm khóc, Ngọc Minh quay sang hỏi.

- Thế là bây giờ đệ cũng đã tỉnh ngộ rồi chăng? Hay là sau khi mãn hạn tù, huynh sẽ xin Thượng Tọa Ngộ Đạo cho phép anh em chúng ta vào chùa cùng tu niệm. Chắc là không trễ lắm chứ?

- Tuổi gần bảy mươi như chúng ta vào chùa chắc cũng chẳng lợi lạc gì, nhưng ít ra cái tâm cũng được yên một ít.

Vạn Tâm nghĩ rằng có lẽ đây cũng đầy đủ cơ duyên để báo cho Ngọc Minh nghe một tin chẳng vui mấy mà lâu nay chàng có ý trông đợi cũng như trách móc về vấn đề vợ con. Nghĩ vậy, Vạn Tâm quay sang Ngọc Minh tâm sự:

- Đệ có chuyện này muốn tỏ bày, mong huynh đừng buồn

- Đâu có cái gì còn có thể buồn hơn nỗi khổ ở tù đâu. Đệ cứ nói.

- Vợ con của anh.....

- Chúng nó đã ra sao? Đúng là mình bạc phước.

- Đã ra người thiên cổ qua một cơn hỏa hoạn và bây giờ nhà cửa, người vật chẳng còn gì. Đệ và Thượng Tọa Ngộ Đạo mới đến làm lễ tống táng cho bốn người một lúc, trong đó có cả cụ bà giúp việc năm xưa.

- Thầy ơi.... thế là hết! Con đã chẳng còn gì nữa cả. Mong Thầy cứu con với và cứu con một lần chót. Con quyết rằng sẽ không bao giờ có tâm coi thường mình và muốn trả thù kẻ khác cho hả giận nữa đâu.

Thầy Ngộ Đạo nhìn tấm thân tiều tụy của Ngộ Tánh tức Ngọc Minh bây giờ mà thầm nghĩ: Tuổi đã gần bảy mươi rồi mà chưa tỉnh mộng đời nữa hay sao, lại còn có gì đâu để tuyến tiếc? Ngộ Đạo quay về phía hai người nói:

- Chúng ta vốn là bạn với nhau thuở nào. Tôi và các huynh tuy bây giờ hoàn cảnh không giống nhau, nhưng tôi vẫn là tôi của thuở nào. Quý huynh không có gì phải khách sáo hết. Khi nào Ngọc Minh mãn hạn tù, nên cùng Vạn Tâm về chùa để làm lễ xuất gia luôn một thể. Chứ còn ở đây vốn không phải là chốn trang nghiêm để thưa thỉnh điều đó.

Cả hai người nghe và mừng rỡ vô cùng, nhất là lòng từ bi của Thượng Tọa Trụ Trì chùa Sắc Tứ Hưng Phước đã như giúp xoa dịu cho họ những nổi khổ triền miên trong cuộc đời họ kể từ lúc xuống núi cho đến nay. Nếu đem một vật gì đó có thể đong, đựng, chứa được thì riêng phần nước mắt không cũng đã không có chỗ chứa rồi, huống gì là những nỗi khổ khác của kiếp nhân sinh. Không những một mình mình khổ mà bao nhiêu chúng sanh khác cũng phải bị khổ lụy theo mình nữa. Do đó mà hai người đã hạ quyết tâm.

Sau khi mãn hạn tù Ngọc Minh trở lại ngôi nhà xưa để thăm lần cuối. Bây giờ đứng trước đống tro tàn, chàng đã rõ và sáng thêm về nổi khổ biệt ly, nên hai tay chàng tự động chấp lại và tụng thầm bài “Cuộc Hồng Trần”:

Cuộc hồng trần xoay vần quá ngán,
Kiếp phù sinh tụ tán mấy lăm hồi.
Người đời có biết chăng ôi!
Thân này tuy có, có rồi hoàn không.
Chiêm bao khéo thấy lạ lùng,
Mơ màng trong một giấc nồng mà chi.
Làm cho buồn bã thế ni,
Hình dung mới đó bữa nay mất rồi.
Khi nào đứng đứng ngồi ngồi,
Bây giờ thiêm thiếp như chồi cây khô.
Khi nào du lịch giang hồ,
Bây giờ nhắm mắt mà vô quan tài.
Khi nào lược giắt trâm cài,
Bây giờ gởi xác ra ngoài gò hoang.
Khi nào trau ngọc chuốt vàng,
Bây giờ một nắm xương tàn lạnh tanh.
Khi nào mắt đẹp mày thanh,
Bây giờ thấy dạng thấy hình là đâu.
Khi nào lên gác xuống lầu,
Bây giờ một nắm cỏ sầu xanh xanh.
Khi nào liệt liệt oanh oanh,
Bây giờ một trận tan tành gió mưa.
Khi nào ngựa lọc xe lừa,
Bây giờ mây rước trăng đưa mơ màng.
Khi nào ra trướng vào màn,
Bây giờ nhà cửa xóm làng cách xa.
Khi nào mẹ mẹ, cha cha,
Bây giờ bóng núi cách xa muôn trùng.
Khi nào vợ vợ, chồng chồng,
Bây giờ trăng khuyết còn mong chi tròn.
.......
Không ân, không oán, không sầu,
Không già, không chết, có đâu luân hồi.
Tánh xưa nay đã tỏ rồi,
Gương xưa nay đã lau chùi trần ô.
Tu hành phải đợi kiếp mô,
Nguồn tình biển ái đã khô bao giờ.
Lựa là phải ngộ thiền cơ,
Mà đèn trí tuệ để lờ đi đâu.
Mấy lời hộ niệm trước sau,
Nguyện cho thành Phật mau mau nữa mà,
Phân thân ra khỏi Ta Bà,
Từ bi tiếp độ những là chúng sanh.”

Ngọc Minh sau khi tụng bài Cuộc Hồng Trần xong lại đứng thừ người ra đó, như chiêm nghiệm những nỗi vô thường, những sự oan khiên trái nghiệp trong bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp mà con người vốn không thóat khỏi sự tử và sự sinh này. Riêng câu “Thân này tuy có, có rồi hoàn không” cũng đủ để cho chàng chiêm nghiệm thấy thấm thía vô cùng. Ngay cả thân của chàng đây từ một chàng nho sinh nho nhã đang lo đi học, chẳng biết gì về cuộc đời vốn đổi thay muôn mặt, rồi hiểu lý đạo xin vào chùa để xuất gia, rồi đi tha phương học đạo, rồi không vượt qua nổi câu chuyện ái tình lẩm cẩm, để rồi tự mình quyết định sai lầm giữa hai chọn lựa ấy, để ngày nay vào đời, mới ra nông nổi như thế này và bây giờ mới lại phải rõ biết con đường tử sinh là không lối thoát, sẽ vào chùa để bắt đầu trở lại.

Rồi mai đây ta chết, chẳng biết có giải thoát được chăng. Vì ở sau lưng ta còn không biết bao nhiêu tiếng kêu gào oan ức, có lẽ họ cũng cần ta trợ niệm để họ được thác sanh về thế giới cao cả hơn. Chứ còn ở thế giới này quả thật rằng có đó rồi mất đó. Đâu có ai khi ra đi giữ lại được cái gì, ngoại trừ cái nghiệp của mình phải mang theo. Vợ con, tiền tài, sắc đẹp, danh vọng v.v... rồi cũng phải để lại tất cả. Chỉ ra đi với hai bàn tay trắng mà thôi. Khi đến thế giới này ta đã chẳng mang theo được gì, thì khi ra đi khỏi nơi này chúng ta cũng chẳng có thể đèo bòng theo cái gì được cả. Ngoại trừ cái nghiệp là một việc bắt buộc.

Ngọc Minh nhớ lại lúc mới vào chùa. Sư Cụ Từ Tâm đã ngâm cho nghe một đoạn Kiều là:

“Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa...”

Thật vậy, bây giờ chàng chẳng trách ai hết, mà chỉ trách mình đã vụng đường tu nên mới ra nỗi ấy. Nếu mình thẳng một đường, đừng rẽ trái hay rẽ phải qua ngã rẽ của cuộc đời, thì đâu có ra nông nỗi như ngày hôm nay.

Đến câu gần cuối của bài sám này cũng đã làm cho Ngọc Minh sáng tỏ ra: “Nguồn tình bể ái đã khô bao giờ.” Rõ ràng là thế, chúng sanh cứ mãi ngập chìm trong sinh tử, tử sinh bao giờ mới ra khỏi. Nếu không phải tự mình bước ra khỏi cái mắt xích của Thập Nhị Nhân Duyên ấy bắt đầu từ cái niệm ái ân. Đúng là: “Ái bất nhiễm bất sanh Ta-bà, niệm bất nhất bất sanh Tịnh độ” là vậy. Nếu ái dục không nhiễm thì không có sanh vào thế giới đầy kham nhẫn và ác trược này và nếu chúng ta không chuyên niệm đến danh hiệu Đức Phật A Di Đà thì ta không thể nào sanh về cảnh giới Tịnh Độ được.

Bây giờ chàng biết phải làm gì rồi. Sau đó chàng quỳ xuống lạy ba lạy như để tạ từ, toan đứng lên, nhưng phía sau hình như có ai đó đang đứng lâu lắm và bàn tay ấy đang đặt lên vai mình. Ngọc Minh quay lại, hóa ra là Vạn Tâm.

- Ồ! Bạn lúc nào cũng có mặt bên cạnh.

- Bạn bè là vậy chứ có sao đâu. Niềm vui của bạn cũng là niềm vui của tôi, nỗi buồn của bạn cũng là nỗi buồn của mình.... chúng ta là tri kỷ mà. Thôi bạn hãy đứng lên đi, chúng mình sẽ quay trở lại chùa xưa.

- Cảm ơn bạn nhiều.

Hai người lủi thủi bước đi trong bóng chiều tà khi ánh thái dương vừa khuất núi. Họ âm thầm không nói gì nhiều và có lẽ cả hai đều có một kế hoạch cho mình trong tương lai, ở vào giai đoạn cuối của cuộc đời mình. Họ đi bên nhau và tôn trọng sự im lặng của nhau và mỗi người đã hồi tưởng lại cuộc đời quá khứ của mình đã gần bảy mươi năm trôi qua thật là vô tích sự. Chẳng gây được một kỳ tích gì cho đời mà còn làm cho chính tự thân của mỗi người đa mang thêm nghiệp chướng nữa. Bây giờ chỉ có cửa từ bi mới có đủ khả năng để dung chứa những tấm lòng, những linh hồn quá khổ đau, không còn khổ đau nào có thể làm cho họ chịu đựng được nhiều hơn nữa.

Họ suy nghĩ miên man như thế và đến cổng tam quan chùa lúc nào không hay biết. Trong ba cửa ấy, trung quan, giả quan và không quan, họ chẳng biết phải đi vào cửa nào. Đi vào chùa, ngõ nào cũng là ngõ Không hết. Do vậy Ngọc Minh quyết định không tự đẩy cửa vào mà cố gọi thật to vào bên trong để báo tin cho người trong chùa biết là mình đã đến.

- A Di Đà Phật! Xin mở cửa giùm.

- A Di Đà Phật, hai vị đây là....?

- Chúng tôi là Ngọc Minh và Vạn Tâm.

- À à, tôi có biết.

Bà Thanh Tịnh trả lời thế và tiếp:

- Mấy ngày nay trong chùa có nghe Thầy Trụ Trì nói đã gặp hai vị và nay mai rồi hai vị cũng sẽ trở lại chùa, nên ở đây cũng không ngạc nhiên mấy. Thôi mời hai vị vào.

Sau khi họ để hai gói hành lý trước hàng hiên của chánh điện, họ vào lễ Phật và lễ Tổ. Khi đến bàn Tổ, Ngọc Minh đốt nhang rồi sụp lạy ba lạy và vái như sau:

“Nam Mô A Di Đà Phật! Kính bạch Ngài! Ngày hôm nay chúng con đã về, đã thật sự quay lại chùa xưa, quay lại tự tánh của chúng con, chứ không còn rong ruỗi những bước chân chập chững trong cuộc đời như những năm trước đây nữa. Con mong Ngài chứng giám cho lòng thành của chúng con. Lẽ ra chúng con phải là đệ tử xuất gia của ngài, nhưng bây giờ con xin làm lại cuộc đời, nên con xin làm đệ tử của Thượng Tọa Ngộ Đạo. Thầy ấy tuy nhỏ tuổi hơn chúng con, nhưng là người chưa và không bị nhiễm thế trần, nên đáng làm Thầy của con và nay mai chúng con sẽ xin phép Thầy ấy làm lễ thế phát cho chúng con. Mong Ngài chứng giám cho tấm lòng thành của chúng đệ tử....

Nam Mô A Di Đà Phật.”

Mấy tàn nhang của những cây nhang vừa đốt tự nhiên rớt xuống vào những chân nhang đang cắm, dường như điều ấy chứng tỏ rằng Sư Cụ cũng đã gật đầu, chứng tri cho sự trở về của họ. Trong khi đó bà Thanh Tịnh đứng nấp sau bàn Tổ cũng đã lén nghe hết tất cả những lời nguyện và bà mừng thầm rằng từ đây chùa có thêm hai người nữa và nỗi lo ngày xưa của bà cho Thầy Ngộ Đạo bao nhiêu thì ngày nay bà càng mừng hơn bấy nhiêu, vì thấy Thầy Ngộ Đạo vẫn là một con người đáng kính, trong đó có chuyện này. Vì họ là bạn bè cùng trang lứa hoặc lớn hơn đôi chút. Nhưng bây giờ họ xin xuất gia và làm đệ tử thì việc ấy ở ngoài thế gian khó có lắm. Chỉ có thể xảy ra được nơi cửa chùa mà thôi.

Bà đang vui tự nhiên cơn ho kéo đến làm cho bà phải ho lên mấy tiếng để chứng tỏ cho hai người biết là đang có sự hiện diện của mình. Thế rồi cả ba người đã đi đến phòng khách của chùa để gặp Thầy Trụ Trì nơi đó. Họ đã hàn huyên rất nhiều việc của bao nhiêu năm xa cách, bao đổi thay của thời thế và lòng người. Họ đã ngồi bên nhau như thế lâu lắm, đã không biết bao nhiêu lần châm trà và thay đổi trà mà câu chuyện vẫn còn như muốn tiếp tục nữa.

Nhưng tiệc vui nào rồi cũng phải tàn. Sự khổ đau nào rồi cũng phải chấm dứt. Vì vậy cho nên câu tục ngữ “Hết cơn bỉ cực đến hồi thái lai” rất đúng cho trường hợp này của Ngọc Minh và Vạn Tâm.

Đêm đó dường như họ không ngủ được và trong giấc ngủ chập chờn ấy cuốn phim quá khứ trong cuộc đời họ lại hiện về thật rõ nét. Họ bắt đầu nhận diện từng hình ảnh một và hiểu thật rõ hành vi tung tích trong từng hành động của mỗi nhân vật trong cuộc đời và bây giờ tuy tuổi đã cao, nhưng niềm tin của họ còn vững vàng hơn trước rất nhiều. Họ cứ miên man suy nghĩ như thế cho đến khi nghe tiếng Đại Hồng Chung gióng lên vào lúc trước khi cử hành thời Công Phu Khuya, cả hai cùng choàng ngồi dậy.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 11 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Học Phật Đúng Pháp


Vào thiền


Quy Sơn cảnh sách văn


Tôi đọc Đại Tạng Kinh

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.10.68 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...