Chúng ta không học đi bằng những quy tắc mà bằng cách bước đi và vấp ngã. (You don't learn to walk by following rules. You learn by doing, and by falling over. )Richard Branson
Người khôn ngoan học được nhiều hơn từ một câu hỏi ngốc nghếch so với những gì kẻ ngốc nghếch học được từ một câu trả lời khôn ngoan. (A wise man can learn more from a foolish question than a fool can learn from a wise answer.)Bruce Lee
Nếu muốn người khác được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi. Nếu muốn chính mình được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Ta sẽ có được sức mạnh của sự cám dỗ mà ta cưỡng lại được. (We gain the strength of the temptation we resist.)Ralph Waldo Emerson
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Chúng ta có thể sống không có tôn giáo hoặc thiền định, nhưng không thể tồn tại nếu không có tình người.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nếu tiền bạc không được dùng để phục vụ cho bạn, nó sẽ trở thành ông chủ. Những kẻ tham lam không sở hữu tài sản, vì có thể nói là tài sản sở hữu họ. (If money be not thy servant, it will be thy master. The covetous man cannot so properly be said to possess wealth, as that may be said to possess him. )Francis Bacon

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» QUYỂN 27 - Phẩm BỒ TÁT SƯ TỬ HỐNG - Phẩm thứ mười một - Phần một »»

Kinh Đại Bát Niết-bàn
»» QUYỂN 27 - Phẩm BỒ TÁT SƯ TỬ HỐNG - Phẩm thứ mười một - Phần một

Donate

(Lượt xem: 9.694)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Kinh Đại Bát Niết-bàn - QUYỂN 27 - Phẩm BỒ TÁT SƯ TỬ HỐNG - Phẩm thứ mười một - Phần một

Font chữ:


Diễn đọc: Diệu Pháp Âm
Lúc ấy, Phật bảo tất cả đại chúng: “Thiện nam tử! Nếu các ông còn hoài nghi những việc như có Phật hay không có Phật, có Pháp hay không có Pháp, có Tăng hay không có Tăng, có khổ hay không có khổ, có tập hay không có tập, có diệt hay không có diệt, có đạo hay không có đạo, có thật hay không có thật, có ngã hay không có ngã, có lạc hay không có lạc, có tịnh hay không có tịnh, có thường hay không có thường, có thừa hay không có thừa, có tánh hay không có tánh, có chúng sanh hay không có chúng sanh, có hiện hữu hay không có hiện hữu, có chân chánh hay không có chân chánh, có nhân hay không có nhân, có quả hay không có quả, có tạo tác hay không có tạo tác, có nghiệp hay không có nghiệp, có quả báo hay không có quả báo, nay cho phép các ông tùy ý thưa hỏi, ta sẽ vì các ông phân biệt giảng giải.

“Thiện nam tử! Ta thật không thấy có bất cứ ai, dù là trong hàng chư thiên, loài người, chúng ma, Phạm thiên, sa-môn hay bà-la-môn, có thể đến đây thưa hỏi mà ta không trả lời được.”

Bấy giờ, trong hội có một vị Bồ Tát tên là Sư Tử Hống liền đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi, chỉnh trang y phục, dung mạo, đến lễ kính dưới chân Phật, rồi quỳ xuống chắp tay bạch Phật: “Thế Tôn! Con vừa muốn hỏi, Như Lai đại từ đã đoái thương cho phép con được hỏi.”

Lúc ấy, Phật bảo Đại chúng rằng: “Các thiện nam tử! Nay các ông nên sanh lòng cung kính sâu xa, tôn trọng, ngợi khen xưng tán vị Bồ Tát này. Nên dùng mọi thứ hương hoa, kỹ nhạc, chuỗi ngọc, cờ phướn, lọng che, y phục, món ăn thức uống, mền gối, thuốc thang, phòng xá, điện đường mà cúng dường vị này, cung kính tiếp đón khi [vị này] đến và lễ tiễn khi [vị này] đi. Vì sao vậy? Vì người này đối trước chư Phật quá khứ đã từng trồng sâu căn lành, thành tựu phước đức, nên hôm nay mới đối trước mặt ta muốn cất tiếng [thỉnh pháp hùng hồn như tiếng] sư tử rống.

“Thiện nam tử! Như sư tử chúa tự biết sức của thân mình, [cùng với] sức của răng nanh, vuốt nhọn, liền ngồi xổm bốn chân trên đất, vững vàng trong động núi cao, đập đuôi và phát lên tiếng rống. Nếu có đủ những tướng như vậy, nên biết là có thể phát tiếng rống như sư tử.

“Nếu quả thật là chúa sư tử thì vừa rạng sáng đã ra khỏi động, duỗi thẳng mình, hả họng thật to, nhìn khắp bốn hướng, rồi vì mười một nguyên do mà phát tiếng rống lớn. Những gì là mười một nguyên do?

“Một là vì muốn phá trừ những loài chẳng phải sư tử mà giả làm sư tử.

“Hai là vì muốn thử sức lực của chính mình.

“Ba là vì muốn làm cho chỗ ở của mình được yên ổn [không bị quấy nhiễu].

“Bốn là vì muốn cho các sư tử con biết chỗ ở của mình.

“Năm là vì muốn cho cả bầy sư tử không có sự sợ sệt.

“Sáu là vì muốn cho những kẻ ngủ mê được tỉnh giấc.

“Bảy là vì muốn cho những con thú lười nhác thôi không lười nhác nữa.

“Tám là vì muốn cho các loài thú đều đến nương dựa với mình.

“Chín là vì muốn điều phục những con voi tơ sung sức to lớn.

“Mười là vì muốn dạy bảo con cái.

“Mười một là vì muốn tạo sự oai nghiêm cho quyến thuộc của mình.

“Tất cả cầm thú khi nghe tiếng sư tử rống thì loài ở dưới nước liền lặn xuống vực sâu, loài sống trên cạn liền chạy núp vào hang động, loài bay trên không liền rơi xuống, những con voi tơ sung sức to lớn đều sợ chạy vãi cả phẩn!

“Này các thiện nam tử! Như loài chồn hoang dù đi theo sư tử đến cả trăm năm cũng không thể rống được như sư tử. Nếu là sư tử con thì vừa đủ ba tuổi đã có thể gầm rống như sư tử chúa.

“Thiện nam tử! Như Lai có Chánh giác, trí tuệ là nanh vuốt, Bốn như ý là chân, Sáu Ba-la-mật là thân đầy đủ, Mười sức hùng mạnh, Đại bi là đuôi, an trụ nơi Bốn thiền là hang động thanh tịnh, nên vì chúng sanh phát tiếng [thuyết pháp hùng hồn như] sư tử rống, phá dẹp binh ma, chỉ bày cho đại chúng Mười sức, rộng mở công hạnh Phật, vì những kẻ tà kiến làm chỗ [cho họ] quay về nương tựa; an ủi vỗ về những kẻ sợ sệt trong vòng sanh tử; giác ngộ những chúng sanh ngủ mê trong vô minh; khiến cho những kẻ làm việc ác phải sanh lòng hối tiếc.

“Vì muốn khai mở chỉ bày cho tất cả những chúng sanh tà kiến biết rằng [sự giảng thuyết của] bọn sáu thầy ngoại đạo không phải tiếng sư tử rống; vì muốn phá tan lòng kiêu mạn của bọn Phú-lan-na; vì muốn làm cho những người trong hàng Nhị thừa sanh lòng tự hối [mà quay sang Đại thừa]; vì muốn dạy cho các vị Bồ Tát trong hàng Ngũ trụ sanh tâm Đại lực; vì muốn làm cho Bốn bộ chúng có chánh kiến không sanh lòng sợ sệt đối với những đệ tử tà kiến; nên [vị sư tử chúa Như Lai] từ nơi hang động là Thánh hạnh, Phạm hạnh và Thiên hạnh duỗi thẳng mình đi ra; vì muốn cho tất cả chúng sanh phá tan lòng kiêu mạn nên hả miệng thật to; vì muốn cho chúng sanh khởi sanh các pháp lành, nên quay nhìn khắp bốn hướng; vì muốn chúng sanh được Bốn vô ngại nên ngồi xổm bốn chân trên mặt đất; vì muốn chúng sanh an trụ đầy đủ trong Trì giới Ba-la-mật nên phát tiếng rống như sư tử.

“Tiếng rống như sư tử có nghĩa là giảng thuyết một cách rõ ràng chắc chắn: ‘Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật; Như Lai là thường trụ không hề biến đổi.’

“Thiện nam tử! Hàng Thanh văn, Duyên giác dù đi theo Như Lai Thế Tôn cho đến vô lượng trăm ngàn a-tăng-kỳ kiếp cũng không thể [thuyết pháp hùng hồn như] tiếng sư tử rống. Hàng Bồ Tát Thập trụ nếu tu hành Ba hạnh như trên, nên biết là có thể phát ra tiếng [thuyết pháp hùng hồn như] như sư tử rống.

“Các thiện nam tử! Đại Bồ Tát Sư Tử Hống đây, nay muốn làm đại sư tử phát tiếng rống lớn như vậy. Cho nên các ông phải hết lòng cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen xưng tán.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Đại Bồ Tát Sư Tử Hống: “Thiện nam tử! Nếu ông muốn hỏi, nay có thể tùy ý hỏi.”

Bồ Tát Ma-ha-tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Thế nào là tánh Phật? Vì nghĩa gì mà gọi là tánh Phật? Sao lại gọi là thường, lạc, ngã, tịnh? Nếu tất cả chúng sanh đều có tánh Phật, vì sao không thấy được tánh Phật của tất cả chúng sanh? Hàng Bồ Tát Thập trụ trụ ở những pháp nào mà không thấy được [tánh Phật] một cách rõ ràng? Chư Phật trụ ở những pháp nào mà thấy được [tánh Phật] rõ ràng? Bồ Tát Thập trụ dùng con mắt nào mà không thấy được [tánh Phật] một cách rõ ràng? Chư Phật dùng con mắt nào mà thấy được [tánh Phật] rõ ràng?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Lành thay, lành thay! Nếu ai có thể vì pháp thưa hỏi, người ấy ắt có đủ hai sự trang nghiêm: một là trí tuệ, hai là phước đức. Bồ Tát nào có đủ hai sự trang nghiêm ấy ắt rõ biết được tánh Phật, cũng rõ biết được vì sao gọi là tánh Phật, cho đến có thể biết rằng Bồ Tát Thập trụ dùng mắt gì để thấy, chư Phật Thế Tôn dùng mắt gì để thấy.”

Bồ Tát Sư Tử Hống lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là trí tuệ trang nghiêm? Thế nào gọi là phước đức trang nghiêm?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Trí tuệ trang nghiêm là nói từ Địa vị thứ nhất cho tới Địa vị thứ mười [của hàng Bồ Tát]. Đó gọi là trí tuệ trang nghiêm. Phước đức trang nghiêm là nói từ Bố thí Ba-la-mật cho tới Bát-nhã, [nhưng] không phải Bát-nhã Ba-la-mật.

“Lại nữa, thiện nam tử! Trí tuệ trang nghiêm là nói chư Phật, Bồ Tát. Phước đức trang nghiêm là nói hàng Thanh văn, Duyên giác và Bồ Tát trụ ở chín địa vị đầu tiên.

“Lại nữa, thiện nam tử! Phước đức trang nghiêm là hữu vi, hữu lậu, có quả báo, có chướng ngại, chẳng phải thường, là pháp phàm phu. Trí tuệ trang nghiêm là vô vi, vô lậu, không có quả báo, không có chướng ngại, là thường trụ.

“Thiện nam tử! Nay ông có đủ hai sự trang nghiêm ấy nên mới có thể thưa hỏi nghĩa lý sâu thẳm nhiệm mầu. Ta cũng có đủ hai sự trang nghiêm ấy nên mới có thể giải đáp nghĩa này.”

Bồ Tát Ma-ha-tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu Bồ Tát nào đầy đủ hai sự trang nghiêm như vậy, ắt không nên thưa hỏi về một việc, hai việc. Vì sao Thế Tôn nói rằng có thể giải đáp một việc, hai việc? Vì lẽ gì? Vì tất cả các pháp không có [sự phân chia thành] một việc, hai việc. Nếu có [sự phân chia thành] một việc, hai việc, đó là tướng phàm phu.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu Bồ Tát nào không có [đủ] hai sự trang nghiêm, ắt không thể rõ biết về [lẽ] một việc, hai việc. Nếu Bồ Tát nào có đủ hai sự trang nghiêm mới [có thể] rõ biết về [lẽ] một việc, hai việc.

“Nếu nói rằng các pháp không có [sự phân biệt] một, hai; nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? Nếu [các pháp] không có [sự phân biệt] một, hai, làm sao có thể nói rằng tất cả các pháp là không có một, không có hai?

“Thiện nam tử! Nếu ai nói rằng: ‘Một, hai là tướng phàm phu’, đó phải gọi là Bồ Tát Thập trụ, chẳng phải hạng phàm phu. Vì sao vậy? Một, gọi là Niết-bàn; hai, gọi là sanh tử.

“Vì sao một gọi là Niết-bàn? Vì đó là thường. Vì sao hai gọi là sanh tử? Vì đó là tham ái, vô minh.

“Sự thường tồn của Niết-bàn chẳng phải tướng phàm phu; sự [phân] hai của sanh tử cũng chẳng phải tướng phàm phu. Vì nghĩa ấy, người có đầy đủ hai sự trang nghiêm thì có thể hỏi, có thể đáp.

“Thiện nam tử! Ông có hỏi: ‘Thế nào là tánh Phật?’ Hãy lắng nghe, lắng nghe cho kỹ! Ta sẽ vì ông phân biệt giảng nói.

“Thiện nam tử! Tánh Phật gọi là nghĩa Không theo đệ nhất nghĩa. Nghĩa Không theo đệ nhất nghĩa gọi là trí tuệ. Chỗ nói không đó là không thấy cả cái không và chẳng phải không.

“Người trí vẫn thấy cả cái không và chẳng phải không, thường và vô thường, khổ và vui, vô ngã và ngã. Không là tất cả các pháp trong sanh tử; chẳng phải không là Đại Niết-bàn... cho đến vô ngã là sanh tử; ngã là Đại Niết-bàn.

“[Nếu] thấy tất cả là không mà không thấy chỗ chẳng phải không, như vậy không gọi là trung đạo. Cho đến [nếu] thấy tất cả là vô ngã mà không thấy ngã cũng không gọi là trung đạo.

“Trung đạo gọi là tánh Phật. Vì nghĩa ấy, tánh Phật là thường hằng, không hề biến đổi, chỉ vì vô minh che lấp nên chúng sanh không thể thấy được.

“Hàng Thanh văn, Duyên giác thấy tất cả là không mà không thấy chỗ chẳng phải không; cho đến thấy tất cả là vô ngã mà không thấy [có chân] ngã. Vì nghĩa ấy, họ không đạt được nghĩa không theo đệ nhất nghĩa. Vì không đạt được nghĩa không theo đệ nhất nghĩa nên họ không thực hành trung đạo. Vì không [thực hành] trung đạo nên không thấy được tánh Phật.

“Thiện nam tử! Có ba hạng [người] không thấy được trung đạo. Một là [những người] theo hạnh lúc nào cũng vui, hai là [những người] theo hạnh lúc nào cũng khổ, ba là [những người] theo hạnh có khổ có vui.

“Tu theo hạnh lúc nào cũng vui chính là các vị Đại Bồ Tát. Vì thương xót tất cả chúng sanh nên tuy vào địa ngục A-tỳ vẫn luôn vui thích như ở cõi trời Tam thiền.

“Trường hợp lúc nào cũng khổ là nói tất cả những người phàm phu.

“Tu theo hạnh có khổ có vui là hàng Thanh văn, Duyên giác. Hàng Thanh văn, Duyên giác tu tập theo hạnh có khổ có vui, [lầm] cho đó là trung đạo. Vì nghĩa ấy nên tuy [họ] có tánh Phật nhưng không thể thấy được.

“Như lời ông hỏi: ‘Vì nghĩa gì mà gọi là tánh Phật?’ Thiện nam tử! Tánh Phật là hạt giống trung đạo dẫn đến A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề của tất cả chư Phật.

“Lại nữa, thiện nam tử! Đạo có ba hạng, đó là bậc thấp, bậc cao và khoảng giữa.

“Bậc thấp là [những người đối với] Phạm thiên vô thường mà sai lầm thấy là thường.

“Bậc cao là [những người đối với] sanh tử vô thường mà sai lầm thấy là thường; Tam bảo là thường mà sai lầm cho là vô thường.

“Vì sao gọi đó là bậc cao? Vì [những người ấy] có khả năng đạt đến quả tối thượng là A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Đạo thuộc về khoảng giữa là nghĩa không theo đệ nhất nghĩa. [Đó là những người] đối với vô thường thấy biết là vô thường, thường thấy biết là thường.

“[Người hiểu] nghĩa không theo đệ nhất nghĩa chẳng gọi là bậc thấp. Vì sao vậy? Vì tất cả phàm phu không thể đạt đến. Cũng chẳng gọi là bậc cao. Vì sao vậy? Vì [gọi như thế] tức là [thuộc về] bậc cao [theo nghĩa nói trên]. Đạo của chư Phật và Bồ Tát tu hành không phải bậc cao, không phải bậc thấp, vì nghĩa ấy nên gọi là trung đạo.

“Lại nữa, thiện nam tử! Cội gốc của sanh tử có hai loại, một là vô minh, hai là tham ái. Ở giữa hai thứ [vô minh và tham ái] này ắt phải có những nỗi khổ sanh, già, bệnh, chết. [Thấy biết] như vậy gọi là trung đạo. Trung đạo như thế có thể phá trừ sanh tử, nên gọi là trung. Vì nghĩa ấy nên pháp trung đạo gọi là tánh Phật.

“Vì thế, tánh Phật là thường, lạc, ngã, tịnh; chúng sanh vì không thể thấy được [tánh Phật] nên là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh; nhưng tánh Phật thật không phải là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh.

“Thiện nam tử! Ví như trong nhà người nghèo khổ có một kho báu, nhưng người ấy không thấy biết. Vì không thấy biết nên [phải chịu bần cùng khốn khổ, ví như chúng sanh] chỉ biết vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Rồi có vị thiện tri thức đến bảo người ấy rằng: ‘Trong nhà ông có kho báu, vì sao phải chịu bần cùng khốn khổ, không có những sự thường, lạc, ngã, tịnh?’ [Vị thiện tri thức này] liền dùng phương tiện khiến cho người ấy được thấy biết. Sau khi thấy biết rồi, người ấy liền được [giàu có sung sướng, ví như chúng sanh đạt được] thường, lạc, ngã, tịnh.

“Tánh Phật cũng giống như vậy, chúng sanh không thấy được. Vì không thấy được tánh Phật nên chỉ biết là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Nhờ có bậc thiện tri thức là chư Phật, Bồ Tát dùng sức phương tiện với nhiều cách dạy bảo, khiến cho chúng sanh thấy được tánh Phật. Sau khi thấy được tánh Phật rồi, chúng sanh liền đạt được thường, lạc, ngã, tịnh.

“Lại nữa, thiện nam tử! Chỗ thấy biết của chúng sanh khởi lên gồm có hai loại: một là thường kiến, hai là đoạn kiến. Hai cách thấy biết ấy không gọi là trung đạo. Không phải thường cũng không phải đoạn mới gọi là trung đạo. Không phải thường cũng không phải đoạn tức là trí tuệ quán chiếu Mười hai nhân duyên. Trí tuệ quán chiếu ấy gọi là tánh Phật.

“Hàng Nhị thừa tuy cũng quán xét nhân duyên nhưng chưa được gọi là tánh Phật.

“Tánh Phật tuy là thường nhưng vì chúng sanh bị vô minh che lấp nên không thể thấy được. Chúng sanh lại cũng như con thỏ, con ngựa, chưa đủ sức lội qua dòng sông lớn Mười hai nhân duyên. Vì sao vậy? Vì không thấy được tánh Phật.

“Thiện nam tử! Trí tuệ quán chiếu Mười hai nhân duyên đó chính là hạt giống A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì nghĩa ấy, Mười hai nhân duyên được gọi là tánh Phật. Thiện nam tử! Ví như có loại dưa chuột được gọi là ‘bệnh nhiệt’. Vì sao vậy? Vì loại dưa ấy có thể là nguyên nhân gây bệnh nhiệt. Mười hai nhân duyên cũng thế, [có thể là nguyên nhân dẫn đến quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề nên được gọi là tánh Phật.]

“Thiện nam tử! Tánh Phật có nhân, lại có nhân của nhân; có quả và có quả của quả.

“Nhân của tánh Phật là Mười hai nhân duyên. Nhân của nhân ấy là trí tuệ.

“Quả của tánh Phật là [quả vị] A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Quả của quả ấy là Vô thượng Đại Bát Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Ví như vô minh là nhân, các hành là quả; hành là nhân, thức là quả... Vì nghĩa ấy nên thể của vô minh ấy là nhân, mà cũng là nhân của nhân; thức là quả, mà cũng là quả của quả. Tánh Phật cũng thế.

“Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên Mười hai nhân duyên là không hiện ra, không diệt mất, không thường không đoạn, chẳng một chẳng hai, chẳng đến chẳng đi, không phải nhân không phải quả.

“Thiện nam tử! Có trường hợp là nhân mà không phải quả, chẳng hạn như tánh Phật. Có trường hợp là quả mà không phải nhân, chẳng hạn như Đại Niết-bàn. Có trường hợp vừa là nhân, vừa là quả, chẳng hạn như các pháp sanh bởi Mười hai nhân duyên.

“Không phải nhân không phải quả gọi là tánh Phật. Vì không phải nhân quả nên thường hằng, không biến đổi.

“Vì nghĩa ấy nên trong các kinh ta dạy rằng ý nghĩa [rốt ráo] của Mười hai nhân duyên là rất sâu xa, không thể biết, không thể thấy, không thể suy xét. Đó là cảnh giới của chư Phật, Bồ Tát, chẳng phải chỗ hàng Thanh văn, Duyên giác có thể đạt đến.

“Vì nghĩa gì mà hết sức sâu xa? Hành vi tạo nghiệp của chúng sanh là không thường không đoạn, nhưng [thật] có quả báo; tuy mỗi một ý niệm đều liên tục theo nhau diệt mất, nhưng [thật] không có gì mất đi; tuy không có người tạo tác, nhưng [thật] có nghiệp được tạo ra; tuy không có người thọ lãnh, nhưng [thật] có quả báo; người thọ báo tuy mất đi nhưng quả báo [thật] không hề mất; [tuy] không có sự toan tính nhận biết nhưng tự hòa hợp [các nhân duyên] mà có.

“Tất cả chúng sanh tuy sống trong Mười hai nhân duyên nhưng không thấy biết. Vì không thấy biết nên [mãi mãi luân chuyển,] không có khởi đầu, không có kết thúc.

“Hàng Bồ Tát Thập trụ chỉ thấy chỗ kết thúc mà không thấy được chỗ khởi đầu. Chư Phật Thế Tôn thấy rõ chỗ khởi đầu, chỗ kết thúc. Vì nghĩa ấy, chư Phật thấy được tánh Phật một cách rõ ràng.

“Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh vì không thấy rõ được Mười hai nhân duyên nên phải chịu luân chuyển [mãi mãi trong sanh tử].

“Thiện nam tử! Ví như con tằm tạo ra cái kén, tự nó sanh ra, tự nó chết đi. Tất cả chúng sanh cũng giống như vậy, vì không thấy tánh Phật nên tự tạo nghiệp trói buộc, luân chuyển mãi trong sanh tử, khác nào như trái cầu [bị người chơi đánh qua lại mãi]!

“Thiện nam tử! Cho nên trong các kinh ta có dạy rằng: ‘Ai thấy được Mười hai nhân duyên tức thấy Chánh pháp. Thấy Chánh pháp tức là thấy Phật.’ Phật, đó chính là tánh Phật. Vì sao vậy? Vì hết thảy chư Phật đều lấy đó làm tánh.

“Thiện nam tử! Trí tuệ quán chiếu Mười hai nhân duyên có bốn bậc: bậc thấp, bậc vừa, bậc cao và bậc cao nhất.

“Trí tuệ quán chiếu bậc thấp không thấy được tánh Phật. Vì không thấy [tánh Phật] nên [người tu] chỉ đạt đến quả Thanh văn mà thôi.

“Trí tuệ quán chiếu bậc vừa cũng không thấy được tánh Phật. Vì không thấy [tánh Phật] nên [người tu] chỉ đạt đến quả vị Duyên giác.

“Trí tuệ quán chiếu bậc cao tuy thấy tánh Phật nhưng không thật rõ ràng. Vì thấy [tánh Phật] không thật rõ ràng nên [người tu] trụ ở hàng [Bồ Tát] Thập trụ.

“Trí tuệ quán chiếu bậc cao nhất thấy được tánh Phật một cách rõ ràng nên đạt được đạo A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Vì nghĩa ấy nên Mười hai nhân duyên gọi là tánh Phật. Tánh Phật tức là nghĩa không theo đệ nhất nghĩa. Nghĩa không theo đệ nhất nghĩa gọi là trung đạo. Trung đạo gọi là Phật. Phật gọi là Niết-bàn.”

Bấy giờ, Đại Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu Phật và tánh Phật chẳng khác gì nhau thì tất cả chúng sanh cần gì phải tu hành?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Ông hỏi như vậy là không hợp lý. Tuy Phật và tánh Phật chẳng khác gì nhau, nhưng tất cả chúng sanh thảy đều chưa được đầy đủ.

“Thiện nam tử! Ví như có người sanh lòng ác giết hại mẹ. Giết mẹ rồi mới sanh tâm hối cải. Bấy giờ, tuy Ba nghiệp đều lành, nhưng vẫn gọi là người của địa ngục. Vì sao vậy? Vì chắc chắn sẽ đọa vào địa ngục. Tuy các ấm, nhập, giới [tạo thành] người ấy hiện không ở trong địa ngục, nhưng vẫn gọi là người của địa ngục.

“Thiện nam tử! Cho nên trong các kinh ta có dạy: ‘Nếu thấy người tu hành điều thiện, đó gọi là thấy chư thiên và loài người; nếu thấy kẻ làm điều ác, đó gọi là thấy địa ngục.’ Vì sao vậy? Vì chắc chắn sẽ thọ quả báo [tương ứng như vậy].

“Thiện nam tử! Vì tất cả chúng sanh chắc chắn sẽ đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề nên ta nói: ‘Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật.’ Nhưng thật ra tất cả chúng sanh đều chưa có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp... Vì nghĩa ấy nên trong kinh này ta có nói kệ:

Vốn là có mà nay thành không,
Vốn là không mà nay thành có;
Nếu nói trong Ba đời có pháp,
Thật không thể có nghĩa như thế!

“Thiện nam tử! Về pháp có, chia ra ba loại: một là có trong tương lai, hai là có trong hiện tại, ba là có trong quá khứ.

“Tất cả chúng sanh trong tương lai đều sẽ đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, đó gọi là tánh Phật.

“Tất cả chúng sanh trong hiện tại đều có phiền não trói buộc, cho nên hiện nay không có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp.

“Tất cả chúng sanh trong quá khứ đều có dứt trừ phiền não, nhờ vậy nên trong hiện tại được thấy tánh Phật.

“Vì nghĩa ấy, ta thường dạy rằng: ‘Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật; cho đến hạng nhất-xiển-đề cũng có tánh Phật.’

“Hạng nhất-xiển-đề không có pháp lành, nhưng tánh Phật vẫn là lành, vì trong tương lai sẽ có [pháp lành].

“Tất cả hạng nhất-xiển-đề đều có tánh Phật. Vì sao vậy? Vì hạng nhất-xiển-đề chắc chắn rồi cũng sẽ được thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Thiện nam tử! Ví như trong nhà người kia hiện có kem sữa. Có người hỏi: ‘Ông có bơ chăng?’ Người ấy đáp: ‘Tôi có.’ Kem sữa thật không phải là bơ, nhưng người ấy phương tiện khéo léo biết chắc mình có thể làm ra được nên đáp là có bơ.

“Chúng sanh cũng vậy, hết thảy đều có tâm. Đã có tâm thì chắc chắn sẽ được thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì nghĩa ấy nên ta thường dạy: ‘Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật.’

“Thiện nam tử! Về chỗ tất cánh có hai loại, một là tất cánh trang nghiêm, hai là tất cánh cứu cánh; hoặc một là tất cánh thế gian, hai là tất cánh xuất thế.

“Tất cánh trang nghiêm là sáu pháp ba-la-mật; tất cánh cứu cánh là chỗ đạt được giáo pháp cao trổi nhất của tất cả chúng sanh. Giáo pháp cao nhất gọi là tánh Phật. Vì nghĩa ấy, nên ta dạy rằng: ‘Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật.’ Tất cả chúng sanh đều có giáo pháp cao trổi nhất, nhưng vì vô minh che lấp nên không thấy.

“Thiện nam tử! Chúng sanh ở cõi này vì bị quả báo che lấp nên không thể thấy châu Uất-đan-việt và cõi trời Ba mươi ba. Cũng giống như vậy, chúng sanh bị các phiền não che lấp nên không thấy tánh Phật.

“Lại nữa, thiện nam tử! Tánh Phật tức là Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm. Tánh ấy ví như đề-hồ, tức là mẹ của hết thảy chư Phật. Nhờ sức của Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm nên khiến cho chư Phật được thường, lạc, ngã, tịnh. Tất cả chúng sanh cũng đều có Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm nhưng vì không tu hành nên không thấy được, và vì thế mà không thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Thiện nam tử! Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm có năm tên gọi. Một là Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm, hai là Bát-nhã Ba-la-mật, ba là Tam-muội Kim cang, bốn là Tam-muội Sư tử hống, năm là tánh Phật. Tùy theo công năng ở mỗi nơi mà có tên gọi khác nhau.

“Thiện nam tử! Như một tam-muội có rất nhiều tên. Như thiền gọi là tứ thiền; căn gọi là định căn; lực gọi là định lực; giác gọi là định giác; chánh gọi là chánh định; bát đại nhân giác gọi là định giác. Phép định Thủ-lăng-nghiêm cũng vậy.

“Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh đều có đủ ba mức định: bậc cao, bậc trung và bậc thấp.

“Bậc cao là nói tánh Phật. Vì vậy ta nói rằng: ‘Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật.’

“Bậc trung là nói tất cả chúng sanh đều có định lực ở mức Sơ thiền, khi gặp nhân duyên liền có thể tu tập; nếu không có nhân duyên thì không thể tu. Nhân duyên có hai loại, một là gặp hỏa tai, hai là dứt trừ được những phiền não trói buộc trong Dục giới. Vì vậy nên nói rằng: ‘Tất cả chúng sanh đều có đủ định lực bậc trung.’

“Bậc thấp là nói nhiều mức định khác nhau của tâm trong Mười đại địa. Vì vậy nên nói rằng: ‘Tất cả chúng sanh đều có đủ định lực bậc thấp.’

“Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật, nhưng vì phiền não che lấp nên không thấy được. Hàng Bồ Tát Thập trụ tuy thấy được giáo pháp cao trổi nhất [là tánh Phật], nhưng không biết được Như Lai là pháp thường trụ. Vì vậy nên nói rằng: ‘Hàng Bồ Tát Thập trụ tuy thấy tánh Phật nhưng không thật rõ ràng.’

“Thiện nam tử! Thủ-lăng-nghiêm có nghĩa là ‘hết thảy mọi việc đều hoàn tất rốt ráo’. Nghiêm có nghĩa là kiên cố. Hết thảy mọi việc đều hoàn tất rốt ráo và được kiên cố, nên gọi là Thủ-lăng-nghiêm. Cho nên nói rằng: ‘Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm gọi là tánh Phật.’

“Thiện nam tử! Thuở trước, khi ta ở bên bờ sông Ni-liên-thiền có bảo A-nan rằng: ‘Nay ta muốn tắm, ông hãy cầm áo và mang nước làm sạch đến.’ Khi ta đã xuống nước, tất cả những loài chim bay, các loài dưới nước, trên cạn đều tụ tập đến để chiêm ngưỡng thân ta. Khi ấy lại có năm trăm Phạm-chí cũng vừa đến bờ sông. Nhân khi đến chỗ ta, họ bảo nhau rằng: ‘[Ông ấy] làm sao lại được thân kim cang [tốt đẹp đến] như thế? Giá như ông Cồ-đàm ấy không thuyết lẽ đoạn kiến ắt chúng ta sẽ theo ông ấy mà thỉnh thọ giáo pháp.’

“Thiện nam tử! Khi ấy ta dùng Tha tâm trí biết được suy nghĩ của các Phạm-chí ấy, liền hỏi họ rằng: ‘Vì sao các ông cho rằng ta thuyết lẽ đoạn kiến?’

“Vị Phạm-chí ấy đáp: ‘Trước đây, khi giảng kinh ngài luôn nói rằng tất cả chúng sanh đều không có ngã. Đã nói là vô ngã, sao còn nói không phải đoạn kiến? Nếu là vô ngã thì ai là người giữ giới, ai là người phá giới?’

“Ta đáp: ‘Ta không chỉ nói ‘Tất cả chúng sanh đều không có ngã’, ta còn tuyên thuyết: ‘Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật’. Tánh Phật đó, há chẳng phải ngã sao? Vì nghĩa ấy, ta không hề thuyết lẽ đoạn kiến. Tất cả chúng sanh vì không thấy tánh Phật cho nên là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Như vậy mới gọi là thuyết lẽ đoạn kiến.’

“Khi ấy, các Phạm-chí nghe nói tánh Phật tức là ngã, liền phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, tức thời xuất gia tu học đạo Bồ-đề. Tất cả các loài chim bay cùng các loài dưới nước, trên cạn cũng đều phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Phát tâm rồi, liền được xả bỏ thân cầm thú.

“Thiện nam tử! Tánh Phật ấy thật chẳng phải ngã, nhưng vì chúng sanh nên gọi đó là ngã.

“Thiện nam tử! Vì có nhân duyên nên Như Lai nói vô ngã là ngã, nhưng thật ra đó là vô ngã. Tuy nói như vậy nhưng không có sự hư dối.

“Thiện nam tử! Vì có nhân duyên nên nói ngã là vô ngã, nhưng quả thật đó là ngã. Tuy nói vô ngã nhưng vì [tùy thuận] thế gian nên không hề có sự hư dối.

“Tánh Phật là vô ngã, Như Lai nói là ngã, vì [tánh Phật] đó là thường.

“Như Lai là ngã nhưng nói là vô ngã, vì [Như Lai đã] được [hoàn toàn tự do] tự tại.”

Lúc ấy, Đại Bồ Tát Sư Tử Hống bạch rằng: “Thế Tôn! Nếu tất cả chúng sanh đều có tánh Phật, cũng như lực sĩ kim cang, vì sao tất cả chúng sanh lại không thấy được?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Như hình sắc tuy có xanh, vàng, đỏ, trắng khác nhau, hoặc hình dáng dài, ngắn... nhưng người mù không thấy được. Cho dù [người mù] không thấy nhưng cũng không thể nói rằng không có những màu xanh, vàng, đỏ, trắng hoặc hình dạng dài, ngắn... khác nhau. Vì sao vậy? Vì người mù tuy không thấy nhưng người sáng mắt vẫn thấy.

“Tánh Phật cũng vậy. Tất cả chúng sanh tuy không thấy được, nhưng Bồ Tát Thập trụ thấy được một phần nhỏ; đức Như Lai thấy được trọn vẹn. Bồ Tát Thập trụ thấy tánh Phật ví như người ta thấy hình sắc vào ban đêm; đức Như Lai thấy tánh Phật rõ ràng như người ta thấy hình sắc vào ban ngày.

“Thiện nam tử! Ví như mắt bệnh kéo mây thì nhìn thấy hình sắc không rõ. Gặp thầy thuốc giỏi trị liệu cho mắt; nhờ tác dụng của thuốc liền được thấy rõ ràng. Bồ Tát Thập trụ cũng vậy, tuy thấy tánh Phật nhưng không thật rõ, nhờ tác dụng của Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm nên mới thấy được rõ ràng.

“Thiện nam tử! Nếu ai thấy tất cả các pháp là vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh, lại thấy những gì không thuộc về tất cả các pháp cũng là vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh, người ấy không thấy được tánh Phật.

“Tất cả các pháp đó gọi là sanh tử; không thuộc về tất cả các pháp đó gọi là Tam bảo.

“Hàng Thanh văn, Duyên giác thấy tất cả các pháp là vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh; lại thấy những gì không thuộc về tất cả các pháp cũng là vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh. Vì nghĩa ấy họ không thấy tánh Phật.

“Hàng Bồ Tát Thập trụ thấy tất cả các pháp là vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh; thấy những gì không thuộc về tất cả các pháp có một phần là thường, lạc, ngã, tịnh. Vì nghĩa ấy, trong mười phần tánh Phật liền thấy được một phần.

“Chư Phật Thế Tôn thấy tất cả các pháp là vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh; thấy những gì không thuộc về tất cả các pháp là thường, lạc, ngã, tịnh. Do đó các ngài thấy rõ tánh Phật như người ta nhìn trái a-ma-lặc đặt trong lòng bàn tay. Vì nghĩa ấy nên phép định Thủ-lăng-nghiêm gọi là hoàn tất rốt ráo.

“Thiện nam tử! Ví như mặt trăng trong đêm đầu tháng, tuy không thể nhìn thấy nhưng không thể nói là không có. Tánh Phật cũng thế, tất cả phàm phu tuy không thấy được nhưng không thể nói rằng không có tánh Phật.

“Thiện nam tử! Tánh Phật đó là nói Mười sức, Bốn đức chẳng sợ, Ba chỗ niệm của tâm đại bi. Tất cả chúng sanh đều có ba thứ ấy; nếu phá trừ hết phiền não sẽ được thấy tánh Phật. Hạng nhất-xiển-đề thì sau khi phá trừ tánh nhất-xiển-đề mới có thể đạt được Mười sức, Bốn đức chẳng sợ, Ba chỗ niệm của tâm đại bi. Vì nghĩa ấy, ta thường tuyên thuyết: ‘Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật.’

“Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh đều có đủ Mười hai nhân duyên, cả trong lẫn ngoài. Những gì là mười hai?

“Phiền não đời quá khứ gọi là vô minh.

“Nghiệp đời quá khứ gọi là hành.

“Lúc mới thọ thai trong đời hiện tại này gọi là thức.

“Vào thai năm phần, bốn căn chưa đủ, gọi là danh sắc.

“Bốn căn đầy đủ lúc chưa xúc chạm thì gọi là lục nhập.

“[Tiếp cận trần cảnh mà] chưa phân biệt khổ, vui gọi là xúc.

“Quen nhiễm huân tập sự ưa mến, đó gọi là thọ.

“Gần gũi ưa muốn năm dục, đó gọi là ái.

“Tham cầu [những đối tượng] bên trong và bên ngoài, đó gọi là thủ.

“Vì các sự việc bên trong và bên ngoài mà khởi lên ba nghiệp thân, khẩu và ý, đó gọi là hữu.

“Thức của đời hiện tại chuyển sang đời sống kế tiếp gọi là sanh.

“Các yếu tố danh sắc, lục nhập, xúc, thọ của đời hiện tại [chấm dứt để] chuyển sang đời sống kế tiếp gọi là lão bệnh tử.

“Đó gọi là Mười hai nhân duyên.

“Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh tuy có Mười hai nhân duyên như vậy, nhưng cũng có những chúng sanh không đầy đủ. Như những đứa trẻ chết khi còn ở trong thai ắt không có đủ Mười hai nhân duyên. Trải từ lúc sanh ra cho đến khi [già] chết thì có đủ Mười hai nhân duyên.

“Chúng sanh Sắc giới không có ba loại thọ, ba loại xúc, ba loại ái, không có lão bệnh, nhưng cũng gọi là đủ Mười hai nhân duyên. Chúng sanh Vô sắc giới không có từ [danh] sắc cho đến lão bệnh, nhưng cũng gọi là đủ Mười hai nhân duyên. Vì lẽ nhất định [rồi sẽ] có [trong luân hồi]. Vì những lẽ đó nên nói là tất cả chúng sanh đều có đủ Mười hai nhân duyên bình đẳng như nhau.

“Thiện nam tử! Tánh Phật cũng thế. Vì lẽ tất cả chúng sanh nhất định rồi sẽ được thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề nên ta nói rằng: ‘Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật.’

“Thiện nam tử! Trên Tuyết sơn có một thứ cỏ gọi là nhẫn nhục. Bò ăn cỏ ấy thì vắt sữa ra thành đề-hồ. Lại có những loại cỏ khác, nếu bò ăn vào thì vắt sữa không thành đề-hồ. Tuy [vắt sữa bò ra] không thành đề-hồ, nhưng cũng không thể [vì thế mà] nói là Tuyết sơn không có cỏ nhẫn nhục.

“Tánh Phật cũng thế. Tuyết sơn ví như Như Lai, cỏ nhẫn nhục ví như kinh Đại Niết-bàn, những cỏ khác ví như Mười hai bộ kinh. Nếu chúng sanh có thể nghe và thọ nhận, thưa hỏi về kinh Đại Bát Niết-bàn, ắt sẽ thấy được tánh Phật. Trong Mười hai bộ kinh tuy không nghe nói có tánh Phật, nhưng cũng không thể [vì thế mà] nói rằng không có tánh Phật.

“Thiện nam tử! Tánh Phật vừa là sắc, vừa chẳng phải sắc, vừa không phải sắc cũng không chẳng phải sắc; vừa là tướng, vừa chẳng phải tướng, vừa chẳng phải tướng cũng không chẳng phải tướng; vừa là duy nhất, vừa không duy nhất, vừa không duy nhất cũng không chẳng phải duy nhất; vừa không phải thường, vừa không phải đoạn, vừa không phải chẳng thường, không phải chẳng đoạn; vừa có, vừa không, vừa chẳng phải có, chẳng phải không; vừa dứt mất, vừa chẳng dứt mất, vừa chẳng phải dứt mất cũng chẳng phải không dứt mất; vừa là nhân, vừa là quả, vừa chẳng phải nhân cũng chẳng phải quả; vừa là nghĩa lý vừa không phải nghĩa lý, vừa không phải nghĩa lý cũng không chẳng phải nghĩa lý; vừa là văn tự, vừa không phải văn tự, vừa không phải văn tự cũng không chẳng phải văn tự; vừa là khổ, vừa là vui, vừa chẳng phải khổ cũng chẳng phải vui; vừa là ngã, vừa không phải ngã, vừa không phải ngã cũng không chẳng phải ngã; vừa là không, vừa chẳng phải không, vừa không phải không cũng không chẳng phải không.

“Vì sao [tánh Phật] là sắc? Vì [chư Phật] có thân kim cang. Vì sao [tánh Phật] là chẳng phải sắc? Vì Mười tám pháp bất cộng [của chư Phật] không thuộc về sắc pháp. Vì sao [tánh Phật] là không phải sắc cũng không chẳng phải sắc? Vì sắc và chẳng phải sắc đều không có tướng nhất định.

“Vì sao [tánh Phật] là tướng? Vì [chư Phật] có Ba mươi hai tướng tốt. Vì sao [tánh Phật] là chẳng phải tướng? Vì những tướng ấy không hiện ra ở tất cả chúng sanh. Vì sao [tánh Phật] là chẳng phải tướng cũng không chẳng phải tướng? Vì tướng và chẳng phải tướng đều không [có sự] quyết định chắc chắn.

“Vì sao [tánh Phật] là duy nhất? Vì tất cả chúng sanh chỉ [hướng theo] một thừa duy nhất mà thôi. Vì sao [tánh Phật] là chẳng phải duy nhất? Vì [Như Lai phương tiện] thuyết giảng thành Ba thừa. Thế nào là không duy nhất cũng không chẳng phải duy nhất? Vì có vô số pháp.

“Vì sao [tánh Phật] là không phải thường? Vì [chúng sanh] do duyên mà thấy [được tánh Phật]. Vì sao [tánh Phật] là không phải đoạn? Vì [tánh Phật] lìa khỏi đoạn kiến. Vì sao [tánh Phật] là không phải chẳng thường cũng không phải chẳng đoạn? Vì [tánh Phật] không có khởi đầu, không có kết thúc.

“Vì sao [tánh Phật] là có? Vì tất cả chúng sanh đều có tánh Phật. Vì sao [tánh Phật] là không? Vì [chúng sanh] phải nhờ phương tiện mới thấy được [tánh Phật]. Vì sao [tánh Phật] là chẳng phải có, chẳng phải không? Vì [tánh Phật đồng] như tánh hư không.

“Vì sao [tánh Phật] là dứt mất? Vì [thấy tánh Phật là] đạt được Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm. Vì sao [tánh Phật] là chẳng phải dứt mất? Vì tánh Phật là thường. Vì sao [tánh Phật] là chẳng phải dứt mất cũng chẳng phải không dứt mất? Vì [thấy tánh Phật là] đã trừ bỏ tất cả các tướng dứt mất.

“Vì sao [tánh Phật] là nhân? Vì [thấy tánh Phật là] đã thấu rõ được nhân. Vì sao [tánh Phật] là quả? Vì [thấy tánh Phật là] đã quyết định chắc chắn. Vì sao [tánh Phật] là chẳng phải nhân chẳng phải quả? Vì tánh Phật là thường.

“Vì sao [tánh Phật] là nghĩa lý? Vì [thấy tánh Phật là] có thể nắm bắt nghĩa lý một cách không ngăn ngại. Vì sao [tánh Phật] là chẳng phải nghĩa lý? Vì không thể [dùng lời lẽ để] giảng thuyết [tánh Phật]. Vì sao [tánh Phật] là không phải nghĩa lý cũng không chẳng phải nghĩa lý? Vì [xét đến chỗ] rốt ráo [thì tất cả] đều là không.

“Vì sao [tánh Phật] là văn tự? Vì [tánh Phật] có tên gọi. Vì sao [tánh Phật] là chẳng phải văn tự? Vì [tên gọi đó cũng chỉ là] gọi tên cái không tên. Thế nào là không phải văn tự cũng không chẳng phải văn tự? Vì [thấy tánh Phật là] đã dứt trừ hết thảy văn tự.

“Vì sao [tánh Phật] là vừa khổ, vừa vui? Vì các cảm thọ đều do duyên mà sanh khởi. Vì sao [tánh Phật] là chẳng phải khổ cũng chẳng phải vui? Vì đã dứt trừ hết thảy mọi cảm thọ.

“Vì sao [tánh Phật] là ngã? Vì tánh Phật là thường. Vì sao [tánh Phật] là chẳng phải ngã? Vì [thấy tánh Phật rồi nhưng vẫn] chưa được đầy đủ tám đức tự tại. Vì sao [tánh Phật] là không phải ngã cũng không chẳng phải ngã? Vì [tánh Phật là] không tạo tác, không lãnh chịu.

“Vì sao [tánh Phật] là không? Vì [tánh Phật] là nghĩa không theo đệ nhất nghĩa. Vì sao [tánh Phật] là chẳng phải không? Vì tánh Phật là thường. Vì sao [tánh Phật] là không phải không cũng không chẳng phải không? Vì có thể tạo tác gieo nhân cho mọi pháp lành.

“Thiện nam tử! Nếu ai có thể suy xét hiểu rõ những ý nghĩa như vậy của kinh Đại Niết-bàn, nên biết người ấy ắt sẽ thấy tánh Phật. Tánh Phật đó không thể suy xét luận bàn, chính là cảnh giới chư Phật Như Lai, không phải chỗ hiểu biết của hàng Thanh văn, Duyên giác!

“Thiện nam tử! Tánh Phật không phải ấm, giới, nhập; không phải vốn là không mà nay thành có; không phải đã có rồi trở lại không; [nhưng là] do nhân duyên lành mà chúng sanh thấy được [tánh Phật].

“Ví như sắt vốn màu đen, cho vào lửa nung thành màu đỏ; khi lấy ra để nguội thì trở lại màu đen. Màu đen ấy chẳng phải ở trong [sắt], chẳng phải ở ngoài [sắt], là do nhân duyên mà có vậy.

“Tánh Phật cũng thế. Tất cả chúng sanh khi dập tắt ngọn lửa phiền não ắt có thể nghe thấy được tánh Phật.

“Thiện nam tử! Như khi hạt giống vỡ, mầm cây sanh ra. Mầm cây ấy chẳng phải ở trong [hạt giống], chẳng phải ở ngoài [hạt giống], cho đến hoa, trái cũng là như vậy, đều do nhân duyên mà có.

“Thiện nam tử! Kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn này thành tựu đầy đủ vô lượng công đức. Tánh Phật cũng thế, đều là chỗ thành tựu của vô lượng vô biên công đức.”

Lúc ấy, Đại Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Bồ Tát thành tựu đầy đủ bao nhiêu pháp mới thấy được tánh Phật mà vẫn chưa thấy được rõ ràng? Chư Phật Thế Tôn thành tựu bao nhiêu pháp mà thấy được rõ ràng tánh Phật?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Bồ Tát thành tựu đầy đủ mười pháp, tuy thấy tánh Phật nhưng chưa được sáng rõ. Những gì là mười? Một là ít ham muốn, hai là tự biết đủ, ba là tịch tĩnh, bốn là tinh tấn, năm là chánh niệm, sáu là chánh định, bảy là chánh tuệ, tám là giải thoát, chín là tán thán giải thoát, mười là dùng pháp Đại Niết-bàn giáo hóa chúng sanh.”

Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Ít ham muốn và tự biết đủ có gì khác nhau?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Ít ham muốn là không mong cầu, không nắm giữ; tự biết đủ là khi có được [món gì] dù ít trong lòng cũng không bực tức tiếc nuối. Ít ham muốn là [trong lòng] có ít sự ham muốn; tự biết đủ là [đối với] mọi sự vật [dù được ít hay nhiều] trong lòng cũng không buồn bực.

“Thiện nam tử! Ham muốn có ba loại: ham muốn xấu ác, ham muốn quá nhiều và ham muốn [thỏa mãn] sự ham muốn.

“Ham muốn xấu ác là [những trường hợp] như có tỳ-kheo sanh tâm tham dục, mong muốn được làm bậc thượng thủ trong đại chúng để tất cả chúng tăng đều nghe theo mình; để cho cả Bốn bộ chúng đều cúng dường, cung kính, tán thán, tôn trọng mình; để mình được thuyết pháp trước hết với Bốn chúng, khiến cho hết thảy đều tin nhận lời mình; cũng để cho vua chúa, đại thần, trưởng giả đều cung kính mình; để mình được nhiều y phục, đồ ăn thức uống, giường ghế, thuốc thang, phòng ốc, nhà cửa cao đẹp. Đó là sự ham muốn [dẫn đến] sanh tử, nên gọi là ham muốn xấu ác.

“Thế nào là ham muốn quá nhiều? Như có tỳ-kheo sanh tâm tham dục, mong muốn làm thế nào cho Bốn bộ chúng đều biết rằng mình đã chứng đắc địa vị Sơ trụ, cho đến Thập trụ; chứng đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề; chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, cho đến quả A-la-hán; chứng đắc Bốn thiền, cho đến Bốn trí vô ngại, [mà thật chưa hề có những sự chứng đắc như vậy.] Đó là vì [tham cầu] lợi dưỡng nên gọi là ham muốn quá nhiều.

“Thế nào là ham muốn [thỏa mãn] sự ham muốn? Như có tỳ-kheo mong muốn sanh lên các cõi Phạm thiên, Ma thiên, Tự tại thiên, hoặc muốn làm Chuyển luân Thánh vương, hoặc sát-lỵ, cư-sĩ, bà-la-môn... [chỉ là để] mọi sự đều được tùy theo ý thích của mình. Đó là vì [tham cầu] lợi dưỡng, [không có mục đích gì khác] nên gọi là ham muốn [thỏa mãn] sự ham muốn.

“Nếu ai không bị ba loại ham muốn xấu xa đó làm hại thì gọi là ít ham muốn.

“Ham muốn tức là sự ưa thích luyến mến hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu. Nếu không ưa thích luyến mến hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu thì gọi là ít ham muốn.

“Không mong cầu những sự tham muốn trong tương lai, đó gọi là ít ham muốn. Có được mà không trói buộc vướng mắc, đó gọi là tự biết đủ.

“Không cầu được sự cung kính, đó gọi là ít ham muốn. Có được mà không tích lũy, gom giữ, đó gọi là tự biết đủ.

“Thiện nam tử! Có những trường hợp ít ham muốn mà không gọi là biết đủ. Có những trường hợp biết đủ mà không gọi là ít ham muốn. Cũng có trường hợp vừa ít ham muốn vừa biết đủ. Lại cũng có trường hợp không biết đủ cũng không ít ham muốn.

“Ít ham muốn [mà không gọi là biết đủ] là nói các vị Tu-đà-hoàn.

“Biết đủ [mà không gọi là ít ham muốn] là nói các vị Phật Bích-chi.

“Vừa ít ham muốn vừa biết đủ là nói các vị A-la-hán.

“Không ít ham muốn cũng không biết đủ là nói các vị Bồ Tát.

“Thiện nam tử! Lại có hai loại ít ham muốn và biết đủ. Một là thiện, hai là bất thiện. Bất thiện là nói hạng phàm phu; thiện là nói các bậc thánh nhân, Bồ Tát.

“Tất cả thánh nhân tuy chứng đắc đạo quả nhưng không tự xưng mình chứng đắc. Vì không tự xưng nên lòng không buồn giận. Đó gọi là biết đủ.

“Thiện nam tử! Bồ Tát Ma-ha-tát tu tập kinh Đại thừa Đại Niết-bàn, vì muốn thấy tánh Phật nên tu tập ít ham muốn, biết đủ.

“Thế nào là tịch tĩnh? Tịch tĩnh có hai loại: một là tâm tịch tĩnh, hai là thân tịch tĩnh.

“Thân tịch tĩnh là thân chẳng bao giờ tạo tác ba nghiệp ác.

“Tâm tịch tĩnh, là ý chẳng bao giờ tạo tác ba nghiệp ác.

“Đó gọi là thân tâm tịch tĩnh.

“Thân tịch tĩnh là chẳng bao giờ gần gũi với Bốn chúng, chẳng tham dự công việc của Bốn chúng.

“Tâm tịch tĩnh là chẳng bao giờ nhiễm tập những sự tham dục, sân khuể, si mê.

“Đó gọi là thân tâm tịch tĩnh.

“Có những tỳ-kheo, thân tuy tịch tĩnh nhưng tâm không tịch tĩnh; hoặc thân không tịch tĩnh nhưng tâm tịch tĩnh. Hoặc có những trường hợp thân và tâm đều tịch tĩnh. Lại có những trường hợp thân và tâm đều không tịch tĩnh.

“Thân tuy tịch tĩnh nhưng tâm không tịch tĩnh, đó là trường hợp các tỳ-kheo ngồi thiền ở chốn vắng lặng, lìa xa Bốn chúng, nhưng lòng thường chất chứa tham dục, sân khuể, si mê. Đó gọi là thân tuy tịch tĩnh nhưng tâm không tịch tĩnh.

“Thân không tịch tĩnh mà tâm tịch tĩnh, đó là trường hợp các tỳ-kheo thân cận Bốn chúng, vua chúa, đại thần... nhưng lòng đã dứt hẳn tham dục, sân khuể, si mê. Đó gọi là thân không tịch tĩnh nhưng tâm tịch tĩnh.

“Thân tâm tịch tĩnh, đó là chư Phật, Bồ Tát.

“Thân tâm đều không tịch tĩnh, đó là phàm phu. Vì sao vậy? Những kẻ phàm phu tuy thân tâm an tĩnh nhưng không thể quán xét sâu xa những lẽ vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Vì nghĩa ấy, những nghiệp về thân, khẩu, ý của phàm phu đều không thể tịch tĩnh. Hàng nhất-xiển-đề, những kẻ phạm bốn trọng cấm, làm năm tội nghịch, những kẻ như thế cũng không gọi là thân tâm tịch tĩnh.

“Thế nào là tinh tấn? Như có tỳ-kheo vì muốn cho các nghiệp thân, khẩu, ý được trong sạch, bèn lìa xa tất cả những nghiệp ác, tu tập tất cả các nghiệp lành. Đó gọi là tinh tấn.

“Người siêng năng tinh tấn luôn chú tâm nhớ nghĩ đến sáu điều. Đó là: Phật, Pháp, Tăng, trì giới, bố thí và chư thiên. Như vậy gọi là chánh niệm.

“Người có đầy đủ chánh niệm, đạt được tam-muội, như vậy gọi là chánh định.

“Người có đầy đủ chánh định, quán chiếu và thấy các pháp [thể tánh] dường như hư không. Như vậy gọi là chánh tuệ.

“Người có đầy đủ chánh tuệ, lìa xa hết thảy mọi sự trói buộc của phiền não. Đó gọi là giải thoát.

“Người đạt được giải thoát rồi, vì chúng sanh mà ca ngợi sự tốt đẹp của việc giải thoát, giảng nói cho [chúng sanh] biết rằng giải thoát ấy là thường còn, không biến đổi. Đó gọi là tán thán giải thoát.

“Giải thoát tức là Vô thượng Đại Niết-bàn. Niết-bàn tức là ngọn lửa phiền não trói buộc đã tắt hẳn. Lại nữa, Niết-bàn gọi là nơi trú ẩn. Vì sao vậy? Vì có thể ngăn che mưa gió độc hại phiền não. Lại nữa, Niết-bàn gọi là chỗ nương về. Vì sao vậy? Vì có thể vượt khỏi tất cả mọi sự sợ sệt. Lại nữa, Niết-bàn gọi là hải đảo. Vì sao vậy? Vì bốn con sông lớn hung bạo không thể cuốn trôi. Những gì là bốn con sông hung bạo? Một là sự hung bạo của tham dục, hai là sự hung bạo của chấp hữu, ba là sự hung bạo của kiến chấp, bốn là sự hung bạo của vô minh. Vì thế nên Niết-bàn gọi là hải đảo.

“Lại nữa, Niết-bàn gọi là chỗ rốt ráo quay về. Vì sao vậy? Vì có thể đạt được mọi niềm vui rốt ráo.

“Nếu Bồ Tát Ma-ha-tát thành tựu đầy đủ mười pháp như vậy sẽ thấy được tánh Phật, tuy chưa được sáng rõ.

“Lại nữa, thiện nam tử! Người xuất gia có bốn thứ bệnh nên không đạt được bốn quả sa-môn. Bốn thứ bệnh đó là gì? Đó là nói bốn sự ham muốn xấu: một là ham muốn y phục, hai là ham muốn thức ăn, ba là ham muốn chỗ ngồi nằm, bốn là ham muốn sở hữu. Đó gọi là bốn sự tham muốn xấu.

“Có bốn phương thuốc hay có thể trị những bệnh ấy của người xuất gia. Một là dùng phấn tảo y có thể trị bệnh xấu ác là ham muốn là y phục. Hai là theo pháp khất thực có thể trị bệnh xấu ác là ham muốn thức ăn. Ba là ngủ dưới gốc cây có thể trị bệnh xấu ác là ham muốn chỗ ngồi nằm. Bốn là thân tâm tịch tĩnh có thể trị bệnh xấu ác là ham muốn sở hữu.

“Dùng bốn phương thuốc ấy, người xuất gia trừ được bốn thứ bệnh. Đó gọi là Thánh hạnh. Có Thánh hạnh ấy thì được gọi là thiểu dục, tri túc.

“Tịch tĩnh có bốn niềm vui. Những gì là bốn? Một là niềm vui xuất gia, hai là niềm vui vắng lặng an tĩnh, ba là niềm vui dứt tuyệt mãi mãi, bốn là niềm vui rốt ráo trọn vẹn. Có được bốn niềm vui ấy gọi là tịch tĩnh.

“Vì có đủ Bốn tinh tấn nên gọi là tinh tấn.

“Vì có đủ Bốn niệm xứ nên gọi là chánh niệm.

“Vì có đủ Bốn thiền nên gọi là chánh định.

“Vì thấy được Bốn Thánh thật, nên gọi là chánh tuệ.

“Vì dứt trừ mãi mãi những phiền não trói buộc nên gọi là giải thoát.

“Vì chê trách hết thảy lỗi lầm phiền não nên gọi là tán thán giải thoát.

“Thiện nam tử! Bồ Tát Ma-ha-tát an trụ đầy đủ nơi mười pháp kể trên sẽ thấy được tánh Phật, nhưng vẫn chưa được rõ ràng.

“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát Ma-ha-tát nghe được kinh này rồi liền thường gần gũi tu tập theo [nghĩa lý trong] kinh, lìa xa tất cả những việc thế gian. Đó gọi là thiểu dục. Sau khi xuất gia chẳng sanh lòng hối tiếc. Đó gọi là biết đủ.

“Bồ Tát có được sự biết đủ rồi, thường ở những nơi vắng vẻ cô tịch, lìa xa chốn náo nhiệt ồn ào. Đó gọi là tịch tĩnh.

“Người không biết đủ thì không thích những nơi vắng vẻ cô tịch. Nếu là người biết đủ ắt thường ưa thích những nơi vắng vẻ cô tịch. Ở những nơi vắng vẻ cô tịch, người ấy thường suy xét rằng: ‘Hết thảy người đời đều cho rằng ta đã chứng đắc đạo quả sa-môn, nhưng nay ta thật chưa chứng đắc. Vậy làm sao ta lại dối gạt mọi người?’ Suy xét như vậy rồi, người ấy liền tinh cần tu tập đạo quả sa-môn. Đó gọi là tinh tấn.

“Gần gũi tu tập theo kinh Đại Niết-bàn, đó gọi là chánh niệm. Tùy thuận hạnh chư thiên, đó gọi là chánh định. Trụ yên trong định ấy với chánh kiến, chánh tri, đó gọi là chánh tuệ.

“Người có chánh tri kiến, lìa xa các phiền não trói buộc, đó gọi là giải thoát.

“Bồ Tát ở hàng Thập trụ, vì chúng sanh nên khen ngợi Niết-bàn, đó gọi là tán thán giải thoát.

“Thiện nam tử! Bồ Tát Ma-ha-tát an trụ đầy đủ trong mười pháp nói trên sẽ thấy được tánh Phật, nhưng vẫn chưa được rõ ràng.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ít ham muốn là [nói trường hợp] như có tỳ-kheo ở chỗ vắng vẻ, ngồi ngay ngắn không nằm; hoặc trụ yên dưới gốc cây; hoặc ở những bãi tha ma; hoặc ngồi trên bãi cỏ nơi trống trải; khất thực nuôi thân, tùy chỗ xin được [dù ít hay nhiều] đều thấy đủ; hoặc chỉ ngồi ăn duy nhất một lần [trong ngày]; chỉ giữ dùng ba tấm y, là loại áo xấu may bằng vải vụn hoặc dệt bằng lông. Đó gọi là ít ham muốn.

“Tu hành như vậy rồi, trong lòng không thấy hối tiếc. Đó gọi là biết đủ.

“Tu pháp Tam-muội Không, đó gọi là tịch tĩnh.

“Chứng đắc Bốn quả thánh rồi nhưng đối với quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề lòng vẫn mong cầu không ngừng nghỉ. Đó gọi là tinh tấn.

“Chú tâm suy xét ý nghĩa Như Lai là thường tồn, không biến đổi; đó gọi là chánh niệm.

“Tu tập Tám giải thoát, đó gọi là chánh định.

“Chứng đắc Bốn vô ngại, đó gọi là chánh tuệ.

“Lìa xa Bảy lậu hoặc, đó gọi là giải thoát.

“Khen ngợi Niết-bàn không có mười tướng, đó gọi là tán thán giải thoát. Mười tướng ấy là: sanh, lão, bệnh, tử, sắc, thanh, hương, vị, xúc và vô thường.

“Lìa xa mười tướng ấy gọi là Đại Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Đó gọi là Bồ Tát Ma-ha-tát trụ yên đầy đủ trong mười pháp nói trên, tuy thấy tánh Phật nhưng vẫn chưa được rõ ràng.

“Lại nữa, thiện nam tử! Vì nhiều ham muốn nên gần gũi các hàng vua chúa, đại thần, trưởng giả, sát-lỵ, bà-la-môn, tỳ-xá, thủ-đà, tự xưng rằng mình chứng đắc quả Tu-đà-hoàn cho đến quả A-la-hán. Vì muốn được lợi dưỡng nên trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, cho đến đang lúc đại, tiểu tiện, nếu thấy kẻ đàn-việt đi đến liền tỏ sự cung kính đón tiếp chuyện trò.

“Trừ bỏ mọi ham muốn xấu ác nên gọi là ít ham muốn.

“Tuy chưa thể dứt sạch mọi phiền não trói buộc, nhưng có thể cùng dự vào chỗ làm của Như Lai, đó gọi là biết đủ.

“Thiện nam tử! Hai pháp ít ham muốn và biết đủ là nhân duyên gần gũi của niệm và định. Người có hai pháp ấy thường được bậc thầy trong tông môn và các bạn đồng học khen ngợi. Khắp trong các kinh điển ta cũng thường khen ngợi hai pháp ấy. Nếu ai có đủ hai pháp ấy ắt được đến gần chỗ vào Đại Niết-bàn và được hưởng năm sự vui thích. Đó gọi là tịch tĩnh.

“Kiên trì giới luật gọi là tinh tấn.

“Biết sanh lòng hổ thẹn gọi là chánh niệm.

“Không thấy có tướng của tâm gọi là chánh định.

“Không mong cầu nơi các pháp, tánh, tướng, nhân duyên, đó gọi là chánh tuệ.

“Vì không có tướng nên phiền não phải dứt mất, đó gọi là giải thoát.

“Khen ngợi kinh Đại Niết-bàn này gọi là tán thán giải thoát.

“Thiện nam tử! Đó gọi là Bồ Tát Ma-ha-tát trụ yên trong mười pháp kể trên được thấy tánh Phật, nhưng vẫn chưa thấy được rõ ràng.

“Thiện nam tử! Theo như lời ông hỏi: ‘Hàng Bồ Tát Thập trụ dùng con mắt nào để thấy tánh Phật mà không được rõ ràng; chư Phật Thế Tôn dùng con mắt nào mà thấy được tánh Phật một cách rõ ràng.’

“Thiện nam tử! Dùng tuệ nhãn mà thấy tánh Phật thì thấy không được rõ ràng. Dùng Phật nhãn mà thấy mới được rõ ràng.

“Vì còn tu hành đạo Bồ-đề nên thấy chẳng rõ ràng. Nếu không còn có chỗ phải tu hành, ắt được thấy rõ ràng.

“Trụ nơi mười địa vị, tuy thấy nhưng vẫn không được rõ. Không có chỗ trụ, không có chỗ đi nên thấy được rõ ràng.

“Bồ Tát Ma-ha-tát dùng trí tuệ làm nhân nên thấy chẳng rõ. Chư Phật Thế Tôn dứt hết nhân quả nên thấy được rõ.

“Bậc đã giác ngộ tất cả gọi là tánh Phật. Hàng Bồ Tát Thập trụ chưa gọi là giác ngộ tất cả nên tuy thấy mà không được rõ.

“Thiện nam tử! Có hai cách thấy biết. Một là dùng mắt thấy, hai là do nghe biết mà thấy. Chư Phật Thế Tôn dùng mắt thấy tánh Phật, như nhìn trái a-ma-lặc giữa lòng bàn tay. Hàng Bồ Tát Thập trụ nghe biết mà thấy tánh Phật, nên thấy chẳng rõ. Hàng Bồ Tát Thập trụ chỉ có thể tự biết chắc mình sẽ được chứng đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề nhưng không thể [thấy] biết rằng tất cả chúng sanh đều có tánh Phật.

“Thiện nam tử! Lại có trường hợp dùng mắt thấy tánh Phật. Đó là chư Phật Như Lai và hàng Bồ Tát Thập trụ. Lại có trường hợp nhờ nghe biết mà thấy tánh Phật. Đó là tất cả chúng sanh cho đến hàng Bồ Tát trụ ở Cửu địa.

“Nếu Bồ Tát nghe rằng tất cả chúng sanh đều có tánh Phật nhưng không sanh khởi lòng tin thì không gọi là nghe thấy.

“Thiện nam tử! Như có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào muốn được thấy Như Lai, cần phải tu tập Mười hai bộ kinh, thọ trì, đọc tụng, sao chép, giảng giải.”

Đại Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Tất cả chúng sanh không thể biết được tướng [trạng] của tâm Như Lai, nên quán sát như thế nào để biết được?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh thật không thể biết được tướng trạng của tâm Như Lai. Nếu muốn quán sát để biết được thì có hai nhân duyên: Một là dùng mắt thấy, hai là nghe biết mà thấy.

“Nếu thấy thân nghiệp của Như Lai liền biết đó là Như Lai, như vậy gọi là dùng mắt thấy. Nếu quán xét khẩu nghiệp của Như Lai liền biết đó là Như Lai, như vậy gọi là nghe biết mà thấy.

“Nếu thấy dung mạo hình sắc của tất cả chúng sanh đều không thể sánh được liền biết đó là Như Lai, như vậy gọi là dùng mắt thấy. Nếu nghe giọng nói vi diệu tối thắng không giống với âm thanh của tất cả chúng sanh liền biết đó là Như Lai, như vậy gọi là nghe biết mà thấy.

“Nếu thấy Như Lai biến hóa thần thông chỉ vì chúng sanh mà không vì lợi dưỡng liền biết đó là Như Lai, như vậy gọi là dùng mắt thấy. Nếu thấy khi Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát chúng sanh, vì chúng sanh mà thuyết giảng, không vì lợi dưỡng nên biết đó là Như Lai, như vậy gọi là nghe biết mà thấy.

“[Nếu Bồ Tát quán xét những việc] Như Lai thọ thân như thế nào? Vì sao thọ thân? Vì ai mà thọ thân? Đó gọi là dùng mắt thấy. Nếu quán xét [những việc] Như Lai thuyết pháp như thế nào? Vì sao thuyết pháp? Vì ai mà thuyết pháp? Đó gọi là nghe biết mà thấy.

“[Vì thấy người] tăng thêm nghiệp ác của thân mà không có lòng sân hận nên biết đó chính là Như Lai, như vậy gọi là dùng mắt thấy. [Vì thấy người] tăng thêm nghiệp ác của miệng mà chẳng có lòng sân hận nên biết đó chính là Như Lai, như vậy gọi là nghe biết mà thấy.

“Nếu thấy Bồ Tát vào lúc mới sanh ra hướng về mười phương, mỗi phương đều bước đi bảy bước, có hai vị Đại tướng quỷ thần là Ma-ni-bạt-đà và Phú-na-bạt-đà cầm phướng, lọng theo che, làm chấn động vô số thế giới, chiếu tỏa hào quang vàng chói sáng đẹp khắp hư không; có hai vị Long vương là Nan-đà và Bạt-nan-đà dùng sức thần thông mà tắm gội thân thể Bồ Tát; hình tượng chư thiên đều [đứng dậy] nghênh tiếp, lễ bái; tiên nhân A-tư-đà chắp tay cung kính; đến tuổi trưởng thành Bồ Tát lìa bỏ mọi sự ham muốn như những thứ nhơ nhớp, không bị những niềm vui thế tục làm mê hoặc, xuất gia tu đạo, ưa thích những nơi vắng vẻ tịch tĩnh; vì muốn phá trừ tà kiến nên trải qua sáu năm khổ hạnh; đối với chúng sanh bình đẳng không phân biệt; tâm thường an định, không chút tán loạn; đầy đủ các tướng tốt và vẻ đẹp trang nghiêm nơi thân; Bồ Tát đi đến nơi nào thì mặt đất mấp mô đều trở nên bằng thẳng; y phục cách thân bốn tấc chẳng rơi xuống; khi đi nhìn thẳng chẳng quay nhìn hai bên; bất cứ món gì Bồ Tát ăn vào đều [có vị ngon] hoàn hảo; chỗ Bồ Tát ngồi rồi đứng dậy, cỏ không giập rối; vì điều phục chúng sanh nên Bồ Tát hiện đến thuyết pháp với tâm không kiêu mạn; nếu thấy [tất cả những sự việc] như vậy gọi là dùng mắt thấy được tướng trạng của tâm Như Lai.

“Nếu nghe rằng Bồ Tát sau khi bước đi bảy bước rồi nói rằng: ‘Thân này của ta là thân cuối cùng’; [lại nghe rằng] tiên nhân A-tư-đà chắp tay nói: ‘Đại vương nên biết, thái tử Tất-đạt chắc chắn sẽ thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, không bao giờ ở lại thế tục mà làm Chuyển luân Thánh vương. Vì sao vậy? Vì có các tướng quý sáng rõ. Chuyển luân Thánh vương [tuy có] các tướng quý [nhưng] không được sáng rõ, còn thái tử Tất-đạt thân tướng xán lạn rõ ràng, nên chắc chắn sẽ thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“[Lại cũng nghe rằng] khi nhìn thấy những sự già, bệnh, chết, Bồ Tát liền nói: ‘Tất cả chúng sanh thật đáng thương thay! Thường mãi chạy theo những sự khổ sanh, già, bệnh, chết mà không thể quán xét biết được mình đang chịu khổ. Ta sẽ trừ dứt sự khổ đau ấy.’ Bồ Tát theo vị tiên nhân ngũ thông A-la-la thọ học phép định Vô tưởng. Học thành tựu rồi liền chỉ ra chỗ sai lầm của phép định ấy. Sau đó Bồ Tát theo vị tiên Uất-đà-già thọ học phép định Phi hữu tưởng phi vô tưởng. Thành tựu phép định ấy rồi liền giảng rõ đó chẳng phải Niết-bàn, chỉ là pháp sanh tử. Bồ Tát trải qua sáu năm khổ hạnh mà không đạt được gì, liền nói rằng: ‘Tu khổ hạnh như vậy chỉ là rỗng không, chẳng đạt được gì. Nếu là pháp thật, hẳn ta đã có chỗ đạt được. Vì là hư dối nên ta không có chỗ đạt được. Đó là tà thuật, chẳng phải chánh đạo.’

“[Lại nghe] sau khi [Bồ Tát] thành đạo, Phạm thiên khuyến thỉnh rằng: ‘Cầu xin Như Lai vì chúng sanh mở rộng bầu cam lộ, thuyết giảng pháp vô thượng!’ Phật dạy rằng: ‘Phạm vương! Tất cả chúng sanh thường bị phiền não che lấp, không thể thọ nhận lời dạy Chánh pháp của ta.’ Phạm vương lại thưa thỉnh: ‘Thế Tôn! Trong tất cả chúng sanh có ba hạng. Hạng căn trí lanh lợi, hạng căn trí trung bình và hạng ngu độn. Những chúng sanh căn trí lanh lợi có thể thọ nhận, xin Phật thuyết giảng.’ Phật dạy: ‘Phạm vương! Hãy nghe cho kỹ, hãy nghe cho kỹ! Nay ta sẽ vì tất cả chúng sanh, khai mở pháp môn cam lộ.’ Liền đó, Phật chuyển bánh xe Chánh pháp tại thành Ba-la-nại, tuyên thuyết trung đạo.

“Tất cả chúng sanh không phá trừ phiền não trói buộc, không phải không thường phá trừ. Không phá trừ, cũng không phải không phá trừ [phiền não], đó gọi là trung đạo.

“Không hóa độ chúng sanh, cũng không phải không thường hóa độ, đó gọi là trung đạo.

“Không phải là thành tựu tất cả, cũng không phải là không thành tựu, đó gọi là trung đạo.

“Mỗi khi có thuyết giảng đều không tự xưng là thầy, cũng không [thấy người nghe] là đệ tử, đó gọi là trung đạo.

“Thuyết giảng không vì lợi ích nhưng không phải là không đắc quả, đó gọi là trung đạo.

“[Nghe biết rằng] lời nói của Như Lai là chân chánh, đúng thật, hợp thời, không hư dối, nhiệm mầu sâu xa bậc nhất, như vậy gọi là nghe biết mà thấy được tướng trạng của tâm Như Lai.

“Thiện nam tử! Tướng trạng của tâm Như Lai thật không thể thấy! Như có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào muốn thấy Như Lai, phải y theo hai loại nhân duyên nói trên [mới có thể thấy được].”

    « Xem chương trước «      « Sách này có 44 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Giai nhân và Hòa thượng


Các bài tiểu luận về Phật giáo của Trần Trọng Kim


Lục tổ Đại sư - Con người và huyền thoại


Hạnh phúc là điều có thật

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.217.118.7 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (241 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...