Chúng ta nhất thiết phải làm cho thế giới này trở nên trung thực trước khi có thể dạy dỗ con cháu ta rằng trung thực là đức tính tốt nhất. (We must make the world honest before we can honestly say to our children that honesty is the best policy. )Walter Besant
Bạn có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không. (You may delay, but time will not.)Benjamin Franklin
Cuộc sống không phải là vấn đề bất ổn cần giải quyết, mà là một thực tiễn để trải nghiệm. (Life is not a problem to be solved, but a reality to be experienced.)Soren Kierkegaard
Cuộc đời là một tiến trình học hỏi từ lúc ta sinh ra cho đến chết đi. (The whole of life, from the moment you are born to the moment you die, is a process of learning. )Jiddu Krishnamurti
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Mạng sống quý giá này có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào, nhưng điều kỳ lạ là hầu hết chúng ta đều không thường xuyên nhớ đến điều đó!Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Người tốt không cần đến luật pháp để buộc họ làm điều tốt, nhưng kẻ xấu thì luôn muốn tìm cách né tránh pháp luật. (Good people do not need laws to tell them to act responsibly, while bad people will find a way around the laws.)Plato
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Hãy làm một người biết chăm sóc tốt hạt giống yêu thương trong tâm hồn mình, và những hoa trái của lòng yêu thương sẽ mang lại cho bạn vô vàn niềm vui và hạnh phúc.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Để có đôi mắt đẹp, hãy chọn nhìn những điều tốt đẹp ở người khác; để có đôi môi đẹp, hãy nói ra toàn những lời tử tế, và để vững vàng trong cuộc sống, hãy bước đi với ý thức rằng bạn không bao giờ cô độc. (For beautiful eyes, look for the good in others; for beautiful lips, speak only words of kindness; and for poise, walk with the knowledge that you are never alone.)Audrey Hepburn

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» QUYỂN 29 - Phẩm BỒ TÁT SƯ TỬ HỐNG - Phẩm thứ mười một – Phần ba »»

Kinh Đại Bát Niết-bàn
»» QUYỂN 29 - Phẩm BỒ TÁT SƯ TỬ HỐNG - Phẩm thứ mười một – Phần ba

Donate

(Lượt xem: 12.231)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Kinh Đại Bát Niết-bàn - QUYỂN 29 - Phẩm BỒ TÁT SƯ TỬ HỐNG - Phẩm thứ mười một – Phần ba

Font chữ:


Diễn đọc: Diệu Pháp Âm
Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Như Phật có dạy: ‘Tất cả các pháp có hai loại nhân, nhân chính và nhân tùy thuộc.’ Vì có hai loại nhân ấy, lẽ ra không có sự trói buộc và giải thoát. Như năm ấm [hợp thành thân] này, trong mỗi một niệm đều [liên tục] sanh ra, diệt đi. Nếu năm ấm sanh và diệt [liên tục] như thế thì ai là người chịu trói buộc hay được giải thoát?

“Bạch Thế Tôn! Do năm ấm này mà sanh ra năm ấm tiếp theo sau. Nhưng năm ấm này tự chúng diệt mất, không chuyển thành năm ấm sau đó. Tuy không chuyển thành, nhưng [năm ấm trước] có thể sanh ra năm ấm sau. Cũng như nhân hạt giống sanh ra mầm cây. Hạt giống không chuyển thành mầm cây; tuy không chuyển thành nhưng có thể sanh ra mầm cây. Chúng sanh cũng vậy, làm sao [có sự] trói buộc, làm sao [có sự] giải thoát?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Hãy nghe cho kỹ, hãy nghe cho kỹ! Ta sẽ vì ông mà phân biệt giảng giải.

“Thiện nam tử! Khi người ta sắp lìa bỏ mạng sống phải chịu sự khổ não rất lớn, họ hàng thân thích vây quanh khóc kể thảm thiết. Người ấy hoảng sợ, không còn biết nương dựa, cầu cứu nơi đâu. Tuy có năm giác quan nhưng lúc đó không còn nhận biết gì cả. Toàn thân đều run rẩy, không thể tự kiềm chế; thân thể lạnh dần, hơi ấm sắp dứt, liền nhìn thấy hiện tướng báo ứng của những việc lành, việc dữ đã làm.

“Thiện nam tử! Như khi mặt trời sắp lặn thì núi đồi đổ bóng về phương đông, không có lý nào lại đổ về phương tây! Nghiệp quả của chúng sanh cũng vậy. Khi [năm] ấm này diệt mất, [năm] ấm kia [tự nhiên] nối tiếp sanh ra; như khi thắp đèn lên thì bóng tối mất, đèn tắt rồi thì bóng tối hiện ra.

“Thiện nam tử! Ví như dùng dấu sáp ấn vào khối đất sét ướt [để nung thành đồ vật]. Dấu sáp với đất sét hợp lại cùng nhau. [Khi nung xong thì] dấu sáp mất đi, hoa văn [trên vật nung] hiện ra. Nhưng dấu sáp ấy không biến mất vào đất sét, còn hoa văn kia không phải từ đất sét ra, cũng không phải từ nơi khác đến. Do nhân duyên là dấu sáp nên tạo thành hoa văn ấy.

“[Năm] ấm hiện tại diệt mất thì [năm] ấm của thân trung ấm sanh ra. [Năm] ấm hiện tại không biến thành năm ấm của thân trung ấm; năm ấm của thân trung ấm cũng không phải tự sanh ra, cũng không phải từ nơi khác đến. Do nhân là năm ấm hiện tại nên sanh ra năm ấm của thân trung ấm; cũng như dấu sáp kia in vào đất sét, dấu sáp mất đi rồi thành ra những hoa văn. Tên gọi [của năm ấm trước sau] tuy không khác nhưng thời điểm và điều kiện đã khác hẳn. Cho nên ta nói: ‘Năm ấm của thân trung ấm mắt thường không thấy được, chỉ thiên nhãn mới [có thể] thấy.’

“[Chúng sanh mang thân] trung ấm có ba cách ăn: một là ăn bằng sự suy tưởng, hai là ăn bằng sự xúc chạm, ba là ăn bằng ý niệm.

“Có hai loại thân trung ấm, một là do quả báo của nghiệp tốt lành, hai là do quả báo của nghiệp xấu ác. Nhân nơi nghiệp lành mà được các giác quan tốt đẹp, nhân nơi nghiệp xấu ác mà có các giác quan xấu ác.

“Vào lúc cha mẹ cùng nhau giao hợp, tùy theo nghiệp nhân duyên [mà thân trung ấm] hướng đến chỗ thọ sanh. [Thân trung ấm ấy] đối với mẹ sanh tâm ái luyến, đối với cha sanh tâm sân hận, vào lúc người cha xuất tinh liền cho [tinh trùng] đó là [thân mình] hiện hữu, nên nhìn thấy rồi sanh lòng vui thích. Do ba loại nhân duyên phiền não [là ái luyến, sân hận và vui thích] nên thân trung ấm liền diệt mất, [ngay khi đó] sanh ra năm ấm tiếp theo; cũng như dấu sáp in vào đất sét, dấu sáp mất rồi thì hoa văn hình thành.

“Khi [chúng sanh được] sanh ra, các căn có thể đầy đủ hoặc khiếm khuyết. Người có đủ các căn, khi thấy hình sắc thì khởi lòng tham muốn. Vì khởi lòng tham muốn nên có ái luyến. Vì [bị hình sắc] mê hoặc nên sanh tham muốn, đó gọi là vô minh. Do hai nhân duyên là tham ái và vô minh nên mọi cảnh giới [chúng sanh] nhìn thấy đều là điên đảo, như vô thường thấy là thường, vô ngã thấy là ngã, không vui thấy là vui, không trong sạch thấy là trong sạch. Vì bốn sự điên đảo ấy mà làm ra những việc lành, dữ. [Từ đó] phiền não tạo ra nghiệp, nghiệp tạo ra phiền não. Đó gọi là trói buộc. Vì nghĩa ấy nên gọi là năm ấm sanh ra.

“Nếu người được gần gũi Phật và đệ tử Phật, các bậc thiện tri thức, ắt sẽ được nghe và thọ nhận Mười hai bộ kinh. Nhờ nghe Chánh pháp, quán chiếu cảnh giới lành, được đại trí tuệ. Đại trí tuệ đó gọi là tri kiến chân chánh. Nhờ được tri kiến chân chánh nên đối với chốn sanh tử sanh tâm hối tiếc. Nhờ sanh tâm hối tiếc nên không thấy vui thích. Vì không thấy vui thích nên có thể trừ được tâm tham dục. Nhờ trừ được tâm tham dục nên tu tập Tám Thánh đạo. Nhờ tu tập Tám Thánh đạo nên đạt đến chỗ không còn sanh tử. Nhờ không còn sanh tử nên gọi là được giải thoát, như lửa không gặp củi gọi là diệt mất. Vì diệt mất sanh tử nên gọi là diệt độ. Vì nghĩa ấy nên gọi là năm ấm diệt mất.”

Bồ Tát Sư Tử Hống lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Như trong không trung không có gai, làm sao gọi là nhổ [gai] ra? [Năm] ấm không ràng buộc, vì sao [nói là] trói buộc?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Do gông cùm là phiền não nên trói buộc năm ấm. Lìa năm ấm ra không thể riêng có phiền não; lìa phiền não ra cũng không riêng có năm ấm.

“Thiện nam tử! Như những cây cột chống đỡ cái nhà; lìa nhà ra thì không có cột, lìa cột ra thì không có nhà. Năm ấm của chúng sanh cũng vậy. Vì có phiền não nên gọi là trói buộc, vì không phiền não nên gọi là giải thoát.

“Thiện nam tử! Như bàn tay và cái nắm tay, sự nắm lại, ba pháp ấy [tự chúng] hợp tan, sanh diệt chứ ngoài ra không có pháp nào khác nữa. Năm ấm của chúng sanh cũng vậy. Vì có phiền não nên gọi là trói buộc, vì không phiền não nên gọi là giải thoát.

“Thiện nam tử! Như nói danh sắc trói buộc chúng sanh. Nếu danh sắc diệt mất thì không có chúng sanh, lìa danh sắc ra không riêng có chúng sanh, lìa chúng sanh ra không riêng có danh sắc. Nên nói rằng danh sắc trói buộc chúng sanh, mà cũng [có thể] nói là chúng sanh trói buộc danh sắc.”

Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Như con mắt vốn không tự thấy, ngón tay không tự xúc chạm, con dao không tự cắt, sự thọ nhận không tự thọ nhận, sao Như Lai nói rằng danh sắc trói buộc danh sắc?

“Vì sao vậy? Vì nói danh sắc đó tức là chúng sanh, nói chúng sanh tức là danh sắc. Nếu nói danh sắc trói buộc chúng sanh cũng tức là danh sắc tự trói buộc danh sắc!”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Như khi hai bàn tay chắp lại, không có pháp nào khác đến chắp cả. Danh với sắc cũng vậy. Vì nghĩa ấy, ta nói rằng danh sắc trói buộc chúng sanh. Nếu lìa danh sắc ắt được giải thoát. Cho nên ta nói chúng sanh được giải thoát.”

Bồ Tát Sư Tử Hống lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Nếu có danh sắc tức là trói buộc, thì các vị A-la-hán chưa lìa khỏi danh sắc, lẽ ra cũng là bị trói buộc?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Có hai loại giải thoát, một là dứt nhân, hai là dứt quả. Nói dứt nhân là dứt trừ phiền não. Các vị A-la-hán đã dứt trừ phiền não, các mối phiền não đều đã hoại diệt. Cho nên các nhân phiền não không thể trói buộc. Nhưng vì chưa dứt quả nên gọi là trói buộc nơi quả. Các vị A-la-hán không thấy tánh Phật. Vì không thấy tánh Phật nên không thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì nghĩa ấy có thể nói là còn trói buộc nơi quả, nhưng không thể nói là trói buộc nơi danh sắc.

“Thiện nam tử! Ví như việc thắp đèn, khi dầu chưa hết thì ánh sáng chưa mất. Nếu dầu đã cạn thì chắc chắn ánh sáng phải diệt mất. Thiện nam tử! Dầu là ví như các phiền não, đèn là ví như chúng sanh. Vì tất cả chúng sanh còn có dầu phiền não nên không thể nhập Niết-bàn, nếu dứt hết phiền não ắt sẽ nhập Niết-bàn.”

Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Đèn và dầu là hai thứ có tánh chất khác nhau; chúng sanh và phiền não thì khác, vì chúng sanh tức là phiền não, phiền não tức là chúng sanh; chúng sanh gọi là năm ấm, năm ấm gọi là chúng sanh; năm ấm gọi là phiền não, phiền não gọi là năm ấm. Vì sao Như Lai lại ví với [việc thắp] đèn?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Có tám cách ví dụ. Một là xuôi theo trình tự diễn tiến mà ví dụ, [gọi là thuận dụ], hai là ngược với trình tự diễn tiến mà ví dụ, [gọi là nghịch dụ], ba là nêu sự việc trước mắt mà ví dụ, [gọi là hiện dụ], bốn là dùng sự việc không có [nhưng hợp nghĩa] mà ví dụ, [gọi là phi dụ], năm là nêu ví dụ trước rồi đặt vấn đề sau, [gọi là tiên dụ], sáu là đặt vấn đề trước rồi nêu ví dụ sau, [gọi là hậu dụ], bảy là nêu ví dụ cả trước và sau để làm rõ vấn đề, [gọi là tiên hậu dụ], và tám là dùng sự biến đổi [tương tự của sự việc] để làm ví dụ, [gọi là biến dụ].

“Thế nào là xuôi theo trình tự diễn tiến mà ví dụ? Như trong kinh dạy rằng: ‘Trời đổ mưa lớn, mương rãnh đều đầy; vì mương rãnh đầy nên các vũng nhỏ đầy; vì các vũng nhỏ đầy nên vũng lớn đầy; vì vũng lớn đầy nên suối nhỏ đầy; vì suối nhỏ đầy nên suối lớn đầy; vì suối lớn đầy nên hồ nhỏ đầy; vì hồ nhỏ đầy nên hồ lớn đầy; vì hồ lớn đầy nên sông con đầy; vì sông con đầy nên sông cái đầy; vì sông cái đầy nên biển cả đầy.

“Như Lai đổ cơn mưa pháp cũng giống như vậy, làm cho giới hạnh của chúng sanh được trọn vẹn đầy đủ; vì giới hạnh trọn vẹn đầy đủ nên tâm không hối tiếc được trọn vẹn đầy đủ; vì tâm không hối tiếc được trọn vẹn đầy đủ nên sự hoan hỷ được trọn vẹn đầy đủ. Vì sự hoan hỷ được trọn vẹn đầy đủ nên hạnh xa lìa [thế tục] được trọn vẹn đầy đủ. Vì hạnh xa lìa [thế tục] được trọn vẹn đầy đủ nên sự an ổn được trọn vẹn đầy đủ. Vì sự an ổn được trọn vẹn đầy đủ nên chánh định được trọn vẹn đầy đủ. Vì chánh định được trọn vẹn đầy đủ nên tri kiến chân chánh được trọn vẹn đầy đủ. Vì tri kiến chân chánh được trọn vẹn đầy đủ nên hạnh chán lìa [sanh tử] được trọn vẹn đầy đủ. Vì hạnh chán lìa được trọn vẹn đầy đủ nên sự chê trách [sanh tử] được trọn vẹn đầy đủ. Vì sự chê trách [sanh tử] được trọn vẹn đầy đủ nên giải thoát được trọn vẹn đầy đủ. Vì giải thoát được trọn vẹn đầy đủ nên Niết-bàn được trọn vẹn đầy đủ.

“Đó gọi là xuôi theo trình tự diễn tiến mà ví dụ.

“Thế nào là ngược với trình tự diễn tiến mà ví dụ? [Như nói rằng] biển cả có nguồn gốc là sông cái; sông cái có nguồn gốc là sông con; sông con có nguồn gốc là hồ lớn; hồ lớn có nguồn gốc là hồ nhỏ; hồ nhỏ có nguồn gốc là suối lớn; suối lớn có nguồn gốc là suối nhỏ; suối nhỏ có nguồn gốc là vũng lớn; vũng lớn có nguồn gốc là vũng nhỏ; vũng nhỏ có nguồn gốc là mương rãnh; mương rãnh có nguồn gốc là cơn mưa lớn.

“Niết-bàn [cũng vậy,] có nguồn gốc là giải thoát; giải thoát có nguồn gốc là chê trách [sanh tử]; chê trách [sanh tử] có nguồn gốc là chán lìa [sanh tử]; chán lìa [sanh tử] có nguồn gốc là tri kiến chân chánh; tri kiến chân chánh có nguồn gốc là chánh định; chánh định có nguồn gốc là an ổn; an ổn có nguồn gốc là hạnh xa lìa [thế tục]; hạnh xa lìa [thế tục] có nguồn gốc là hoan hỷ; hoan hỷ có nguồn gốc là tâm không hối tiếc; tâm không hối tiếc có nguồn gốc là giữ theo giới luật; giữ theo giới luật có nguồn gốc là cơn mưa Chánh pháp.

“Đó gọi là ngược với trình tự diễn tiến mà ví dụ.

“Thế nào là nêu sự việc trước mắt mà ví dụ? Như trong kinh dạy rằng: ‘Tâm tánh chúng sanh ví như loài khỉ. Tánh của loài khỉ là buông cái này chộp lấy cái kia. Tâm tánh chúng sanh cũng vậy, luôn vướng mắc vào hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, sự xúc chạm và các pháp, không lúc nào tạm dừng.

“Đó gọi là nêu sự việc trước mắt mà ví dụ.

“Thế nào là dùng sự việc không có [nhưng hợp nghĩa] mà ví dụ? Như xưa có lần ta bảo vua Ba-tư-nặc rằng: ‘Đại vương! Như có những kẻ thân tín từ bốn phương đến đây, thảy đều tâu rằng: Đại vương! Có bốn quả núi lớn từ bốn phương đang tiến dần lại đây, sắp hại nhân dân. Vua nghe vậy rồi nên lập kế sách gì?’ Vua đáp: ‘Bạch Thế Tôn! Nếu có những quả núi tiến dần lại đây như thế thì không có chỗ nào trốn tránh được, chỉ nên hết lòng trì giới và thực hành bố thí mà thôi.’ Ta liền ngợi khen rằng: ‘Lành thay, đại vương! Ta nói bốn hòn núi ấy tức là sanh, già, bệnh, chết của chúng sanh. Sanh, già, bệnh, chết thường đến bức người, vì sao đại vương chẳng lo tu tập trì giới, bố thí?’ Vua hỏi: ‘Bạch Thế Tôn! Trì giới, bố thí được những kết quả gì?’ Ta đáp: ‘Đại vương! [Tu tập như vậy] sẽ được hưởng nhiều khoái lạc ở cõi người, cõi trời.’ Vua hỏi: ‘Bạch Thế Tôn! Như cây ni-câu-đà [nếu] trì giới, bố thí thì có được hưởng sự an ổn ở cõi người, cõi trời chăng?’ Ta đáp: ‘Đại vương! Cây ni-câu-đà không thể trì giới, bố thí. Nhưng nếu cây ấy có thể trì giới, bố thí, ắt cũng sẽ được thọ hưởng [như vậy] không khác gì.

“Đó gọi là dùng sự việc không có [nhưng hợp nghĩa] mà ví dụ.

“Thế nào là nêu ví dụ trước rồi đặt vấn đề sau? Như trong kinh ta có dạy rằng: ‘Ví như có người tham đóa hoa đẹp, khi đưa tay hái lấy liền bị nước cuốn trôi. Chúng sanh cũng vậy, tham muốn ưa thích năm món dục nên bị dòng nước sanh tử cuốn trôi nhận chìm. Đó gọi là nêu ví dụ trước rồi đặt vấn đề sau.

“Thế nào là đặt vấn đề trước rồi nêu ví dụ sau? Như trong kinh Pháp cú có kệ rằng:

Chớ khinh tội nhỏ,
Cho rằng không hại;
Giọt nước tuy nhỏ,
Dần đầy hồ to!

“Đó gọi là đặt vấn đề trước rồi nêu ví dụ sau.

“Thế nào là nêu ví dụ cả trước và sau để làm rõ vấn đề? Ví như cây chuối sau khi trổ buồng rồi ắt phải chết. Kẻ ngu được lợi dưỡng cũng giống như vậy. Lại như con la mang thai thì mạng sống chẳng còn bao lâu! [Đó gọi là nêu ví dụ cả trước và sau để làm rõ vấn đề.]

“Thế nào là dùng sự biến đổi tương tự của sự việc để làm ví dụ? Như trong kinh có nói: ‘Cõi trời Ba mươi ba có cây ba-lỵ-chất-đa, rễ cây ăn xuống đất sâu đến năm do-diên, bề cao một trăm do-diên; cành lá tỏa ra bốn phía che phủ năm mươi do-diên; lá già úa chuyển sang màu vàng, chư thiên nhìn thấy liền sanh tâm vui vẻ. Không bao lâu thì lá rụng, chư thiên nhìn lá rụng lại sanh tâm vui vẻ. Rồi không bao lâu cành cây cũng đổi màu. Khi cành cây đổi màu, chư thiên [nhìn thấy cũng] lại sanh tâm vui vẻ. Rồi không bao lâu màu sắc này cũng mất, cành sanh nụ hoa. Nhìn thấy nụ hoa, chư thiên lại sanh tâm vui vẻ. Chẳng bao lâu, nụ hoa sanh ra búp hoa. Nhìn thấy búp hoa, chư thiên lại sanh ra vui vẻ. Rồi không bao lâu, búp nở ra hoa. Khi hoa nở hương thơm bay xa đến năm mươi do-diên, ánh sáng chiếu xa tới tám mươi do-diên. Bấy giờ, trong ba tháng mùa hạ chư thiên ở dưới cây ấy mà thọ hưởng mọi sự khoái lạc.

“Thiện nam tử! Các đệ tử của ta cũng giống như vậy. Lá màu vàng là ví như những đệ tử có ý muốn xuất gia. Lá rụng là ví như những đệ tử cạo bỏ râu tóc. Cành cây đổi màu là ví như các đệ tử bạch Tứ yết-ma, thọ giới cụ túc. Thoạt tiên sanh ra nụ hoa là ví như các đệ tử phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Búp hoa là ví như các vị Bồ Tát hàng Thập trụ được thấy tánh Phật. Hoa nở là ví như các vị Bồ Tát đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Hương thơm là ví như vô lượng chúng sanh mười phương thọ trì giới cấm. Ánh sáng là ví như danh hiệu Như Lai rộng truyền khắp mười phương không gì ngăn ngại. Ba tháng mùa hạ là ví như ba pháp Tam-muội. Chư thiên ở cảnh trời Ba mươi ba thọ hưởng khoái lạc là ví như chư Phật nơi cảnh giới Đại Niết-bàn được các đức thường, lạc, ngã, tịnh.

“Đó gọi là dùng sự biến đổi [tương tự của sự việc] để làm ví dụ.

“Thiện nam tử! Khi dẫn ra các ví dụ, không nhất thiết phải dùng trọn hết ý nghĩa. Có khi chỉ dùng một phần nhỏ, hoặc có khi dùng một phần lớn, cũng có khi dùng trọn. Như nói khuôn mặt Như Lai ví như vầng trăng tròn, đó là chỉ dùng một phần nhỏ [ý nghĩa của ví dụ].

“Thiện nam tử! Ví như có người chưa từng thấy sữa, hỏi người khác rằng: ‘Sữa là món gì vậy?’ Người kia đáp rằng: ‘Sữa giống như nước, như đường, như vỏ sò.’ Dùng nước là [để nêu nghĩa] chất lỏng, dùng đường là [để nêu nghĩa] vị ngọt, dùng vỏ sò là [để nêu nghĩa có] màu [trắng đục]. Tuy dẫn ra ba ví dụ, nhưng vẫn chưa phải thật là sữa.

“Thiện nam tử! Ta dùng đèn làm ví dụ để so với chúng sanh, cũng giống như vậy.

“Thiện nam tử! Cũng như lìa khỏi nước thì không có con sông; lìa khỏi năm ấm thì không thể riêng có chúng sanh.

“Thiện nam tử! Cũng như lìa khỏi thùng xe, trục, bánh, nan hoa, vành... thì không riêng có cái xe. Chúng sanh [và năm ấm] cũng giống như thế.

“Thiện nam tử! Nếu muốn nhận hiểu được ví dụ cây đèn, hãy lắng nghe, lắng nghe thật kỹ. Ta sẽ giảng giải.

“Tim đèn là ví như hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu; dầu để thắp đèn là ví như ái dục; ánh sáng là ví như trí tuệ; phá tan sự tăm tối là ví như phá trừ vô minh; hơi nóng là ví như các Thánh đạo.

“Như dầu hết thì đèn tắt; ái dục của chúng sanh vừa dứt liền thấy được tánh Phật. [Khi ấy,] tuy có danh sắc cũng không thể trói buộc được, tuy ở trong hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu nhưng không bị những cảnh giới ấy làm cho ô nhiễm.”

Bồ Tát Sư Tử Hống lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Năm ấm của chúng sanh vốn là không, không thuộc về ai cả, vậy ai là người nhận sự giáo hóa, tu tập Chánh đạo?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh đều có tâm nhớ nghĩ, tâm trí tuệ, tâm phát khởi, tâm chuyên cần tinh tấn, tâm tin nhận, tâm an định. Các pháp như vậy tuy nối nhau diệt mất trong từng niệm tưởng, nhưng vì có sự tương tự, tiếp nối nhau không dứt cho nên gọi là [có người] tu tập Chánh đạo.”

Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Các pháp ấy đều diệt mất trong mỗi một niệm. Sự diệt mất trong mỗi một niệm ấy cũng tương tự, tiếp nối nhau không dứt, vậy làm sao tu tập?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Như ngọn đèn kia tuy [có sự liên tục] diệt mất trong mỗi một niệm, nhưng vẫn có ánh sáng phá tan sự tăm tối. Tất cả các pháp như tâm nhớ nghĩ v.v... cũng là như vậy.

“Thiện nam tử! Như món ăn của chúng sanh, tuy [có sự liên tục] diệt mất trong mỗi một niệm, nhưng cũng giúp cho kẻ đói được no lòng. Ví như phương thuốc hay, tuy [có sự liên tục] diệt mất trong mỗi một niệm, nhưng cũng có thể làm cho khỏi bệnh. Ánh sáng mặt trời mặt trăng, tuy [có sự liên tục] diệt mất trong mỗi một niệm, nhưng cũng có thể làm tăng trưởng cỏ cây rừng rậm.

“Thiện nam tử! Ông có hỏi rằng: ‘Nối nhau diệt mất trong từng niệm, làm sao [tu tập] tăng trưởng?’ [Đó là] vì tâm thức không dứt đoạn nên gọi là tăng trưởng.

“Thiện nam tử! Như người tụng đọc kinh sách, từng chữ từng câu không thể cùng lúc; câu trước chẳng đến câu giữa, câu giữa chẳng đến câu sau; người với câu chữ cũng như tâm tưởng đều nối nhau diệt mất trong từng niệm tưởng. Nhưng tu tập lâu ngày thì vẫn được thông thuộc.

“Thiện nam tử! Ví như người thợ kim hoàn, từ nhỏ tập làm nghề cho đến lúc tuổi già; tuy mỗi một niệm đều nối nhau diệt mất, niệm trước chẳng đến niệm sau, nhưng do sự tích chứa quen thuộc [lâu ngày] nên tay nghề thật khéo léo, hoàn hảo. Do đó mới được khen là thợ kim hoàn giỏi. Người đọc tụng kinh sách cũng giống như vậy.

“Thiện nam tử! Ví như hạt giống kia, đất không dạy rằng: ‘Mày phải sanh mầm’, nhưng do tánh [tự nhiên] của pháp [là như vậy] nên mầm tự nhiên sanh. Đến như hoa kia cũng không dạy rằng: ‘Mày phải kết quả.’ Nhưng do tánh [tự nhiên] của pháp [là như vậy] nên quả tự nhiên sanh. Chúng sanh tu tập đạo pháp cũng giống như vậy.

“Thiện nam tử! Ví như phép đếm số, một chẳng đến hai, hai chẳng đến ba, tuy mỗi một niệm đều nối nhau diệt mất nhưng vẫn [đếm được] đến số ngàn, số vạn... Chúng sanh tu tập đạo pháp cũng giống như vậy.

“Thiện nam tử! Như ngọn đèn, trong mỗi một niệm đều nối nhau diệt mất. Ngọn lửa trước, khi diệt mất không bảo ngọn lửa sau rằng: ‘Khi ta diệt thì mày phải sanh ra để xua tan bóng tối.’ [Nhưng do tánh tự nhiên của pháp là như vậy nên ánh sáng vẫn tự nhiên nối tiếp nhau mà xua tan được bóng tối.]

“Thiện nam tử! Ví như con nghé vừa sanh ra liền tìm vú sữa mà bú. Cái trí khôn biết tìm vú sữa đó thật không do ai dạy bảo. Tuy mỗi một niệm đều nối nhau diệt mất, nhưng [thật có] trước đói, sau no. Cho nên phải biết rằng, [việc trước việc sau] chẳng phải tương tự; nếu là tương tự thì lẽ ra chẳng sanh khác biệt. Chúng sanh tu tập đạo pháp cũng giống như vậy; ban đầu chưa có sự tăng trưởng, nhưng nhờ tu lâu mà có thể phá trừ tất cả phiền não!”

Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Như Phật có dạy: ‘Người đã chứng quả Tu-đà-hoàn rồi, tuy sanh vào cõi nước xấu ác cũng vẫn giữ giới, không phạm vào những việc giết hại, trộm cắp, dâm loạn, nói đâm thọc, uống rượu say.’ Năm ấm của vị Tu-đà-hoàn đã diệt mất ở cõi này, không đến nơi cõi nước xấu ác kia. Việc tu tập đạo pháp cũng thế, không hề đến cõi nước xấu ác kia. Nếu là tương tự, vì sao chẳng sanh nơi cõi nước thanh tịnh nhiệm mầu? Nếu năm ấm ở cõi nước xấu ác kia chẳng phải là năm ấm [trước đây] của vị Tu-đà-hoàn, vì sao [có được khả năng] không tạo nghiệp ác?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Vị Tu-đà-hoàn tuy sanh nơi cõi nước xấu ác vẫn không mất đi danh hiệu Tu-đà-hoàn. Vì năm ấm [trước và sau] không tương tự nên ta mới dẫn trường hợp con nghé làm ví dụ. Vị Tu-đà-hoàn tuy sanh vào cõi nước xấu ác, nhưng do có đạo lực nên không tạo các nghiệp ác.

“Thiện nam tử! Ví như ở Hương sơn, vì có sư tử chúa nên không có dấu vết của tất cả các loài chim thú, vì chẳng con nào dám đến gần. Có khi sư tử chúa ấy bỏ đi vào trong Tuyết sơn, nhưng tất cả các loài chim thú vẫn không dám đến đó. Vị Tu-đà-hoàn cũng vậy, tuy không tu tập đạo pháp, nhưng nhờ đạo lực nên không tạo các nghiệp ác.

“Thiện nam tử! Ví như có người uống nước cam lộ. Tuy cam lộ ấy tiêu mất rồi nhưng do năng lực của nó nên người ấy được sống lâu không chết.

“Thiện nam tử! Như ở núi Tu-di có vị thuốc rất hay tên là Lăng-già-lỵ. Người uống thuốc ấy, tuy mỗi một niệm đều nối nhau diệt mất nhưng nhờ năng lực của thuốc nên không phải chịu sự bệnh hoạn khổ não.

“Thiện nam tử! Ví như chỗ ngồi của vị Chuyển luân vương, tuy lúc vắng mặt vua cũng không ai dám đến gần. Vì sao vậy? Vì oai lực của nhà vua.

“Vị Tu-đà-hoàn cũng vậy, tuy sanh nơi cõi nước xấu ác, không tu tập đạo pháp, nhưng do đạo lực [từ trước] nên không hề tạo các nghiệp ác.

“Thiện nam tử! Năm ấm của vị Tu-đà-hoàn thật đã diệt mất ở cõi này; tuy sanh năm ấm khác, nhưng vẫn không mất đi [năm] ấm của Tu-đà-hoàn.

“Thiện nam tử! Như chúng sanh vì muốn được [ăn] quả nên đối với hạt giống làm đủ mọi điều khó nhọc như bón phân, chăm sóc, tưới nước... Trong khi chưa được ăn quả, hạt giống đã diệt mất. Nhưng cũng có thể nói rằng, nhân nơi hạt giống mà có được quả. Năm ấm của vị Tu-đà-hoàn cũng vậy.

“Thiện nam tử! Ví như người giàu có, nhiều tiền của, nhưng chỉ có một đứa con trai duy nhất. Ông qua đời trước người con trai. Người con trai này lại có một đứa con trai đang ở nước khác. Ít lâu sau, thình lình người con trai cũng qua đời. Đứa cháu nội của người nhà giàu ấy nghe tin liền trở về thừa kế sản nghiệp. Tuy biết rằng của cải ấy chẳng phải do anh ta làm ra, nhưng khi anh ta nhận lấy thì không ai ngăn cản. Vì sao vậy? Vì là con cháu trong dòng họ. Vị Tu-đà-hoàn [với năm ấm đã từng tu tập] cũng giống như vậy.”

Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Như Phật có nói kệ:

Nếu tỳ-kheo tu tập
Giới, định và trí tuệ;
Vị ấy không thối chuyển,
Gần gũi Đại Niết-bàn.

“Bạch Thế Tôn! Thế nào là tu giới? Thế nào là tu định? Thế nào là tu trí tuệ?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Như có người thọ trì giới cấm chỉ vì sự lợi ích riêng mình, muốn được hưởng khoái lạc trong hai cõi trời, người, không phải vì sự độ thoát tất cả chúng sanh, không vì sự ủng hộ Chánh pháp Vô thượng; chỉ vì sự lợi dưỡng, vì sợ sệt ba đường ác; vì muốn được mạng sống, hình sắc, thế lực, sự an ổn, tài biện thuyết hơn người; vì sợ phép vua luật nước, vì sợ tiếng tăm xấu ác, vì sự nghiệp thế tục... Người giữ giới [vì những nguyên nhân] như vậy không được gọi là tu tập giới.

“Thiện nam tử! Thế nào gọi là tu tập giới một cách chân chánh? Nếu khi thọ trì giới cấm vì độ thoát tất cả chúng sanh, vì ủng hộ Chánh pháp; vì hóa độ những ai chưa được hóa độ, giải thoát cho những ai chưa được giải thoát, làm cho những ai chưa quy y [Tam bảo] quay về quy y, những ai chưa nhập Niết-bàn được nhập Niết-bàn; trong khi tu tập như vậy lại không thấy có giới cấm, không thấy có hình tướng của giới, không thấy có người giữ giới, không thấy có quả báo, không thấy có sự hủy phạm giới. Thiện nam tử! Nếu có thể [tu tập trì giới] như vậy, đó gọi là tu tập giới [một cách chân chánh].

“Sao gọi là tu tập định? Như người tu định là vì muốn độ thoát lấy mình, vì lợi dưỡng; chẳng vì chúng sanh, không vì sự hộ trì Chánh pháp; vì thấy những lỗi lầm [tai hại] của tham dục, thức ăn nhơ nhớp và sự bất tịnh của nam căn, nữ căn, của chín lỗ trong thân; [vì thấy những sự] tranh đấu, kiện tụng, đánh, đâm, sát hại lẫn nhau. Nếu vì những nguyên nhân ấy mà tu định thì không gọi là tu tập định [chân chánh].

“Thiện nam tử! Sao gọi là tu tập định một cách chân chánh? Nếu vì chúng sanh mà tu tập định, được tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sanh; vì muốn giúp cho chúng sanh được pháp không thối chuyển; vì muốn cho chúng sanh được tâm của bậc thánh; vì muốn cho chúng sanh đạt được Đại thừa; vì muốn hộ trì Chánh pháp Vô thượng; vì muốn giúp cho chúng sanh không thối chuyển tâm Bồ-đề; vì muốn giúp cho chúng sanh đạt được phép định Thủ-lăng-nghiêm; vì muốn giúp cho chúng sanh đạt được phép định Kim cang; vì muốn giúp cho chúng sanh đạt được Đà-la-ni; vì muốn giúp cho chúng sanh đạt được Bốn pháp vô ngại; vì muốn giúp cho chúng sanh thấy được tánh Phật; trong khi tu tập những công hạnh như vậy lại không thấy có định, không thấy có hình tướng của định, không thấy người tu tập, không thấy có quả báo. Thiện nam tử! Nếu có thể [tu tập] như vậy, đó gọi là tu tập định [một cách chân chánh].

“Sao gọi là tu tập trí tuệ? Như người tu hành có ý nghĩ rằng: ‘Nếu ta tu tập trí tuệ như thế này, ắt sẽ được giải thoát, ra khỏi ba đường ác. Ai là người có thể làm lợi ích tất cả chúng sanh? Ai là người có thể cứu độ mọi người thoát khỏi đường sanh tử? Đức Phật ra đời thật khó gặp, như hoa Ưu-đàm-bát, nay ta có khả năng dứt trừ được mọi phiền não trói buộc, đạt được quả vị giải thoát, vậy ta phải siêng năng tu tập trí tuệ để mau chóng dứt trừ phiền não, mau chóng được độ thoát.’ Nếu tu tập như thế thì không gọi là tu tập trí tuệ [chân chánh].

“Sao gọi là tu tập trí tuệ một cách chân chánh? Người trí nếu quán xét rằng: ‘Sanh, già, chết đều là khổ. Tất cả chúng sanh bị vô minh che lấp nên không biết tu tập Chánh đạo vô thượng. Ta nguyện đem thân này thay thế tất cả chúng sanh chịu sự khổ não cùng cực. Nguyện cho những tâm bần cùng, hạ tiện, phá giới và những nghiệp tham lam, sân hận, si mê của tất cả chúng sanh thảy đều tụ tập vào thân ta! Nguyện cho chúng sanh không khởi tâm tham lam, bám giữ, không bị danh sắc trói buộc! Nguyện cho tất cả chúng sanh sớm vượt ra khỏi vòng sanh tử, dù riêng mình ta ở lại trong sanh tử cũng không chán ngán! Nguyện cho tất cả đều đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề!’ Trong khi tu tập như vậy, không thấy có trí tuệ, không thấy có hình tướng của trí tuệ, không thấy có người tu, không thấy có quả báo. Như thế gọi là tu tập trí tuệ [chân chánh].

“Thiện nam tử! Người tu tập [một cách chân chánh] giới, định, trí tuệ như vậy gọi là Bồ Tát. Ai không thể tu tập giới, định, tuệ như vậy gọi là Thanh văn.

“Lại nữa, thiện nam tử! Sao lại gọi là tu tập giới? Là có thể phá trừ mười sáu điều xấu ác của tất cả chúng sanh. Những gì là mười sáu? Một là vì lợi mà nuôi dê con hay dê, đến khi béo mập thì bán đi. Hai là vì lợi mà mua những con dê ấy về giết thịt. Ba là vì lợi mà nuôi lợn con hoặc lợn, đến khi béo mập thì bán đi. Bốn là vì lợi mà mua những con lợn ấy về giết thịt. Năm là vì lợi mà nuôi bò hoặc nghé con, đến khi béo mập thì bán đi. Sáu là vì lợi mà mua những con bò ấy về giết thịt. Bảy là vì lợi mà nuôi gà cho béo mập rồi bán. Tám là vì lợi mà mua gà về giết thịt. Chín là câu cá. Mười là săn bẫy thú. Mười một là cướp giật. Mười hai là làm kẻ đao phủ hành hình đồng loại. Mười ba là giăng lưới bắt chim. Mười bốn là nói hai lưỡi [cố ý gây chia rẽ]. Mười lăm là làm kẻ cai ngục [hành hạ người một cách phi lý]. Mười sáu là học dùng bùa chú [tà vạy] để bắt các loài rồng, rắn... [làm vui].

“Nếu ai có thể vì chúng sanh trừ dứt mười sáu nghiệp ác đó thì gọi là tu tập giới.

“Sao gọi là tu tập định? Là có thể dứt trừ tất cả các phép định của thế gian, chẳng hạn như: phép định Vô thân, có thể khiến chúng sanh khởi tâm điên đảo, cho đó là Niết-bàn; các phép định Hữu vô biên tâm, Tịnh tụ, Thế biên, Thế đoạn, Thế tánh, Thế trượng phu, Phi tưởng phi phi tưởng. Những phép định ấy khiến cho chúng sanh khởi tâm điên đảo, cho đó là Niết-bàn. Nếu ai có thể dứt trừ vĩnh viễn những phép định [thế gian] như thế thì gọi là tu tập định [một cách chân chánh].

“Sao gọi là tu tập trí tuệ? Là có thể phá trừ những sự thấy biết xấu ác của thế gian. Tất cả chúng sanh đều có sự thấy biết xấu ác, chẳng hạn như thấy sắc đó tức là ngã, cũng là những vật của ta; hoặc thấy trong sắc có ngã, trong ngã có sắc... Cho đến đối với thức cũng thấy biết như vậy. Hoặc thấy rằng cái thường còn là ngã; tuy sắc diệt mất nhưng ngã vẫn còn. Hoặc thấy rằng sắc tức là ngã, nên sắc diệt mất thì ngã diệt mất. Lại như có người nói: ‘Người tạo tác là ngã, người thọ nhận là sắc.’ Hoặc có người nói: ‘Người tạo tác là sắc, người thọ nhận là ngã.’ Hoặc có người nói: ‘Không có tạo tác, không có thọ nhận, tự sanh tự diệt, thảy đều không có nhân duyên.’ Hoặc có người nói: ‘Không có tạo tác, không có thọ nhận, hết thảy đều do đấng Tự tại làm ra.’ Hoặc như có người nói: ‘Không có người tạo tác, không có người thọ nhận, thảy đều do thời tiết làm ra.’ Hoặc có người lại nói: ‘Người tạo tác, kẻ thọ nhận đều là không có. Chỉ có Năm đại như đất, nước v.v... [hợp lại] gọi là chúng sanh.

“Thiện nam tử! Nếu ai phá trừ được những sự thấy biết xấu ác đó của tất cả chúng sanh thì gọi là tu tập trí tuệ.

“Thiện nam tử! Tu tập giới là làm cho thân được vắng lặng an tĩnh. Tu tập định là làm cho tâm được vắng lặng an tĩnh. Tu tập trí là trừ diệt lòng nghi ngờ. Trừ diệt lòng nghi ngờ là để tu tập theo đạo. Tu tập đạo là để thấy tánh Phật. Thấy tánh Phật là để đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề là để đạt đến Vô thượng Đại Niết-bàn. Đạt đến Đại Niết-bàn là để dứt trừ tất cả sanh tử của chúng sanh, dứt trừ tất cả phiền não, dứt trừ tất cả các cảnh giới hiện hữu, dứt trừ tất cả các giới, [cho đến] dứt trừ tất cả các chân lý. Dứt trừ tất cả từ sanh tử cho đến các chân lý là để đạt được các pháp thường, lạc, ngã, tịnh.”

Bồ Tát Sư Tử Hống lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Như Phật có dạy: ‘Nếu không sanh không diệt thì gọi là Đại Niết-bàn. Pháp sanh ra đó cũng là không sanh không diệt như vậy, tại sao chẳng được gọi là Niết-bàn?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Đúng vậy, đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Pháp sanh ấy tuy cũng là không sanh không diệt, nhưng lại có khởi đầu, có kết thúc.”

Bồ Tát Sư Tử Hống lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Pháp sanh tử cũng không có khởi đầu, không có kết thúc. Nếu không có khởi đầu, không có kết thúc thì gọi là thường tồn. Thường tức là Niết-bàn, vì sao không gọi sanh tử là Niết-bàn?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Pháp sanh tử ấy đều có nhân quả. Vì có nhân quả nên không gọi là Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì bản thể của Niết-bàn là không có nhân quả.”

Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Niết-bàn đó cũng có nhân quả. Như Phật có nói kệ rằng:

Do nhân mà sanh cõi trời,
Do nhân mà đọa đường ác,
Do nhân mà được Niết-bàn,
Nên tất cả đều có nhân.

“Như lúc trước, Phật có dạy chư tỳ-kheo rằng: ‘Nay ta sắp nói về đạo quả của sa-môn. Sa-môn là người có thể tu tập đầy đủ giới, định, trí tuệ. Đạo, là Tám Thánh đạo. Quả của sa-môn là nói Niết-bàn.

“Bạch Thế Tôn! Niết-bàn là như vậy, há chẳng phải quả sao? Vì sao Phật nói rằng: ‘Bản thể của Niết-bàn là không có nhân quả?’”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Chỗ tuyên thuyết của ta về nhân Niết-bàn đó, là nói tánh Phật. Tánh của tánh Phật không sanh ra Niết-bàn. Cho nên ta nói Niết-bàn không có nhân. Vì có thể phá trừ phiền não nên gọi là quả lớn; vì không do đạo mà sanh ra nên gọi là không có quả. Cho nên Niết-bàn là không có nhân, không có quả.”

Bồ Tát Sư Tử Hống bạch rằng: “Thế Tôn! Tánh Phật của chúng sanh là chung nhau hay mỗi người đều riêng có? Nếu là chung nhau, thì khi một người đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, lẽ ra tất cả chúng sanh cũng đều đạt được!

“Bạch Thế Tôn! Ví như hai mươi người có chung một mối oán thù. Nếu một người trừ được mối oán thù đó, mười chín người kia cũng được dứt trừ. Tánh Phật cũng vậy, khi một người đạt được, những người khác lẽ ra cũng đều đạt được!

“Còn nếu mỗi người đều riêng có, ắt phải là vô thường. Vì sao vậy? Vì [là pháp] tính đếm được. Nhưng Phật có dạy: ‘Tánh Phật của chúng sanh không phải một, không phải hai.’ Nếu mỗi người đều riêng có, lẽ ra không thể nói rằng: ‘Chư Phật là bình đẳng.’ Cũng không thể nói rằng: ‘Tánh Phật như hư không.’”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Tánh Phật của chúng sanh không phải một, không phải hai. Chư Phật là bình đẳng, giống như hư không. Tất cả chúng sanh đồng có chung tánh Phật; nếu ai có thể tu tập Tám Thánh đạo, nên biết rằng người ấy sẽ được thấy rõ.

“Thiện nam tử! Nơi Tuyết sơn có một thứ cỏ tên là nhẫn nhục. Nếu bò ăn cỏ ấy thì [sữa của nó hóa] thành đề-hồ. Tánh Phật của chúng sanh cũng giống như vậy.”

Bồ Tát Sư Tử Hống lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Như Phật nói cỏ nhẫn nhục đó, vậy chỉ có một hay là có nhiều? Nếu chỉ có một, bò ăn rồi ắt phải hết. Nếu cỏ ấy có nhiều, làm sao nói rằng tánh Phật của chúng sanh cũng giống như vậy?

“Như lời Phật dạy: ‘Nếu ai tu tập Tám Thánh đạo ắt sẽ thấy tánh Phật.’ Nghĩa ấy chẳng đúng! Vì sao vậy? Nếu đạo là một, như cỏ nhẫn nhục, lẽ ra phải [có lúc] hết. Như đạo ấy [có thể] hết thì một người tu rồi, những người khác ắt không còn [đạo] để tu! Nếu đạo là nhiều, làm sao có thể nói rằng tu tập đầy đủ? [Người tu tập thành đạo rồi] cũng không thể gọi là [thành tựu] Nhất thiết chủng trí!”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Ví như con đường bằng thẳng, tất cả chúng sanh đều đi trên đường, không có chướng ngại. Giữa đường có cây lớn che bóng mát, người đi đường đều dừng lại nghỉ ngơi dưới đó. Bóng mát của cây ấy là thường tồn, không biến đổi, không tiêu mất, không ai mang đi được.

“Con đường ấy ví như [Tám] Thánh đạo, bóng mát của cây ví như tánh Phật.

“Thiện nam tử! Ví như thành lớn chỉ có một cửa. Tuy có nhiều người do cửa ấy mà ra vào, cũng không ai [thấy] chướng ngại, không ai [có thể] tháo dở [cửa ấy] mang đi.

“Thiện nam tử! Ví như cây cầu bắc ngang sông, [nhiều] người đi trên đó cũng không ai bị ngăn cản, cũng không ai [có thể] tháo dở [cây cầu ấy] mang đi.

“Thiện nam tử! Ví như vị lương y trị đủ các bệnh, không ai có thể ngăn cản ép buộc vị ấy phải trị nơi này, bỏ nơi kia. Các Thánh đạo và tánh Phật cũng giống như vậy.”

Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Những ví dụ vừa dẫn ra đó, ý nghĩa chẳng đúng. Vì sao vậy? Kẻ đi trước trên đường làm ngăn trở kẻ đi sau, vì sao nói rằng không có chướng ngại? Các ví dụ khác cũng đều như thế. Nếu Thánh đạo và tánh Phật là như vậy, thì một người đang tu lẽ ra phải làm ngăn trở những người khác!”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Lời ông nói đó là không hợp nghĩa. Ví dụ con đường mà ta dẫn ra là loại ví dụ chỉ lấy một phần ý nghĩa, không phải tất cả.

“Thiện nam tử! Như đường đi của thế gian ắt phải có chướng ngại, chỗ này khác với chỗ kia, không hề giống nhau. Con đường vô lậu không giống như vậy, có thể khiến chúng sanh không có chướng ngại, bình đẳng không hai, không có chỗ ngăn trở, không có chỗ này khác với chỗ kia. Con đường Chánh đạo như vậy có thể làm nhân thành tựu cho tánh Phật của tất cả chúng sanh, chẳng phải [thuộc loại] nhân sanh ra. Cũng như ngọn đèn soi sáng rõ mọi vật, [thật không hề sanh ra mọi vật, nhưng nhờ nó mà người ta thấy được rõ ràng mọi vật.]

“Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh đều [có] vô minh làm nhân duyên với hành, không thể nói rằng: ‘Vô minh của một người đã là nhân duyên với hành rồi thì những người khác lẽ ra là không.’ Tất cả chúng sanh đều có vô minh làm nhân duyên với hành. Cho nên nói rằng: ‘Đối với Mười hai nhân duyên, tất cả [chúng sanh] đều bình đẳng.’ Chánh đạo vô lậu mà chúng sanh tu tập cũng giống như vậy, đều dứt trừ mọi phiền não là nhân sanh vào các cảnh giới hiện hữu. Vì nghĩa ấy nên gọi là bình đẳng. Như người đã chứng đắc thì sự thấy biết chỗ này hay chỗ kia đều không có chướng ngại. Đó gọi là Nhất thiết chủng trí.”

Bồ Tát Sư Tử Hống lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sanh không phải cùng một loại thân, hoặc mang thân người, hoặc thân súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Như vậy là nhiều thân khác nhau, chẳng phải một loại; vì sao nói rằng tánh Phật là một?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Ví như có người bỏ thuốc độc vào sữa. Từ sữa cho đến đề-hồ, thảy đều có độc. Sữa không gọi là kem sữa, kem sữa không gọi là sữa; cho đến đề-hồ cũng vậy. Tên gọi tuy thay đổi nhưng tánh độc vẫn không mất. Trong cả năm món [chế biến từ sữa ấy] thảy đều có độc. Như ăn món đề-hồ có thể bỏ mạng, nhưng thật ra [thì người kia] không bỏ thuốc độc vào đề-hồ! Tánh Phật của chúng sanh cũng vậy, tuy ở trong Năm đường, thọ lấy các thân khác nhau, nhưng tánh Phật ấy vẫn là một, thường không biến đổi.”

Bồ Tát Sư Tử Hống bạch Phật: “Thế Tôn! Trong mười sáu nước lớn có sáu thành lớn là Xá-bà-đề, Bà-chỉ-đa, Chiêm-bà, Tỳ-xá-ly, Ba-la-nại và Vương-xá. Sáu thành ấy hiện là lớn nhất đời nay, vì sao Như Lai bỏ những thành ấy mà đến chốn hẻo lánh tồi tàn chật hẹp là thành Câu-thi-na này để nhập Niết-bàn?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Ông chớ nên nói rằng thành Câu-thi-na này là chốn hẻo lánh tồi tàn chật hẹp, mà nên nói rằng: ‘Thành này được trang nghiêm bởi công đức vi diệu.’ Vì sao vậy? Vì đây là chỗ đi đến của chư Phật, Bồ Tát.

“Thiện nam tử! Như nhà của kẻ nghèo hèn, nếu có vua ghé qua thì nên khen ngợi là trang nghiêm tốt đẹp, thành tựu phước đức, nên mới có thể khiến đức vua xa giá ngự đến.

“Thiện nam tử! Như một người đang bệnh nặng, uống một vị thuốc xấu tệ. Uống xong liền khỏi bệnh. Người ấy liền lấy làm vui vẻ, khen rằng: ‘Vị thuốc này là nhiệm mầu kỳ diệu nhất, có thể giúp ta khỏi bệnh!’

“Thiện nam tử! Như người đi thuyền giữa biển cả, bỗng nhiên thuyền chìm, không biết bám vào đâu. Rồi nhờ bám lấy một cái xác chết mà [sống sót] vào được trong bờ. Khi vào bờ rồi, người ấy lấy làm vui mừng, ngợi khen xác chết ấy rằng: ‘Ta nhờ gặp xác chết này mới được bình an.’

“Thành Câu-thi-na này cũng vậy, thật là chỗ chư Phật, Bồ Tát đi đến, sao lại gọi là nơi hẻo lánh tồi tàn chật hẹp?

“Thiện nam tử! Ta nhớ thuở xưa, cách nay vô số kiếp nhiều như số cát sông Hằng, vào một kiếp tên là Thiện Giác, có vị Thánh vương họ Kiều-thi-ca đầy đủ bảy món báu và một ngàn người con trai. Vua ấy bắt đầu tạo lập thành này, hai bề ngang dọc đều rộng mười hai do-diên, trang nghiêm bằng bảy món báu. Trong vùng này có nhiều con sông nước chảy hiền hòa, trong trẻo và ngọt mát. Đó là các sông Ni-liên-thiền, Y-la-bạt-đề, Hy-liên-thiền, Y-sưu-vị-viên, Tỳ-bà-xá-na... Tất cả có đến năm trăm con sông [như vậy]. Dọc theo ven sông, ở hai bờ đều có cây cối rậm rạp, hoa quả tươi ngon.

“Thuở ấy, nhân dân sống lâu vô cùng. Bấy giờ, vị Chuyển luân Thánh vương đã sống qua một trăm năm rồi liền nói rằng: ‘Theo lời Phật dạy thì tất cả các pháp đều vô thường. Nếu ai có thể tu tập Mười điều lành ắt dứt trừ được nỗi khổ vô thường lớn lao đó.’ Nhân dân nghe được lời ấy, thảy đều cùng nhau kính cẩn tu tập theo Mười điều lành.

“Thuở ấy, ta được nghe danh hiệu Phật, thọ trì Mười điều lành, suy xét và tu tập, lần đầu tiên khởi phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Phát tâm như vậy rồi, ta lại đem pháp ấy mà truyền dạy cho khắp vô lượng vô biên chúng sanh, rằng tất cả các pháp đều là vô thường, biến đổi, hư hoại.

“Cho nên nay ta trở lại xứ này, cũng dạy rằng các pháp là vô thường, biến đổi, hư hoại, chỉ riêng nói rằng thân Phật là pháp thường trụ mà thôi!

“Ta nhớ lại nhân duyên thuở trước đã từng đến đây, nên ngày nay mới đến nơi này mà nhập Niết-bàn, cũng là báo đáp ơn xưa của vùng đất này. Vì nghĩa ấy, trong kinh ta có dạy rằng: ‘Là đệ tử Phật, khi đã thọ ân thì phải lo việc báo đáp.’

“Lại nữa, thiện nam tử! Thuở xưa, chúng sanh sống lâu đến vô lượng tuổi. Bấy giờ, thành này tên là Câu-xá-bạt-đề, ngang dọc đều rộng năm mươi do-diên. Thuở ấy, trong cõi Diêm-phù-đề, dân cư làng mạc kế cận nhau, gần gũi như trong tầm bay của con gà. Có một vị Chuyển luân vương tên là Thiện Kiến, có đủ bảy món báu và một ngàn người con trai, cai trị khắp Bốn cõi thiên hạ. Vị thái tử lớn nhất của ngài nhờ [tu tập] suy xét Chánh pháp mà đắc quả Phật Bích-chi.

“Thuở ấy, vị Chuyển luân vương sau khi thấy thái tử của mình thành Phật Bích-chi, oai nghi sáng rỡ, thần thông ít có, liền thản nhiên từ bỏ ngôi vua như người ta nhổ bãi nước bọt, đến xuất gia giữa rừng cây sa-la này. Trong suốt tám vạn năm ngài tu tập tâm từ. Rồi đối với các tâm bi, tâm hỷ và tâm xả, ngài cũng tu tập mỗi tâm trong suốt tám vạn năm như vậy.

“Thiện nam tử! Thánh vương Thiện Kiến thuở ấy nay chính là ta đây. Cho nên ngày nay ta thường ưa thích an trụ trong bốn pháp từ, bi, hỷ, xả. Bốn pháp ấy gọi là Tam-muội. Vì nghĩa ấy, thân Như Lai là thường, lạc, ngã, tịnh.

“Thiện nam tử! Vì nhân duyên ấy, hôm nay ta đến tại thành Câu-thi-na này, giữa rừng cây sa-la mà vào Chánh định.

“Thiện nam tử! Ta lại nhớ thuở xưa, cách nay vô lượng kiếp, thành này tên là Ca-tỳ-la-vệ. Vua trong thành tên là Bạch Tịnh, phu nhân của vua tên là Ma-da. Vua có một con trai tên là Tất-đạt-đa. Thuở ấy, thái tử không cần thầy dạy, tự mình suy xét mà thành tựu chánh quả Vô thượng Bồ-đề. Ngài có hai đệ tử là Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên, vị đệ tử thị giả tên là A-nan. Thuở ấy, đức Thế Tôn ở giữa hai cây [sa-la] mọc sóng đôi mà diễn thuyết kinh Đại Niết-bàn này.

“Thuở ấy ta ở trong pháp hội, được nghe giảng pháp, rằng tất cả chúng sanh đều có tánh Phật. Ta nghe như vậy rồi, đối với đạo Bồ-đề liền được địa vị không còn thối chuyển, bèn tự phát nguyện rằng: ‘Nguyện trong đời vị lai, khi ta thành Phật thì cha mẹ, quốc độ, danh hiệu, đệ tử, người thị giả, cho đến việc thuyết pháp giáo hóa đều giống hệt như đức Thế Tôn hiện nay, không có gì khác. Vì nhân duyên ấy, nay ta đến tại nơi này rộng bày giảng thuyết kinh Đại Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Khi ta mới xuất gia, chưa chứng đắc quả Phật, vua Tần-bà-sa-la có sai sứ đến nói rằng: ‘Nếu Thái tử Tất-đạt-đa lên ngôi Thánh vương, tôi sẽ làm phận bầy tôi. Nếu ngài không thích sống đời thế tục thì khi thành Chánh quả, nguyện đến thành Vương-xá này trước hết để thuyết pháp độ người, thọ lễ cúng dường của tôi!’ Bấy giờ, ta im lặng nhận lời thỉnh nguyện ấy.

“Thiện nam tử! Khi vừa mới thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, ta đi về phía nước Kiệt-xà. Bấy giờ, ở vùng sông Y-liên-thiền có người Bà-la-môn họ Ca-diếp cùng với năm trăm đệ tử ở bên sông ấy cầu đạo vô thượng. Ta vì người ấy nên đến thuyết pháp.

“Ca-diếp nói rằng: ‘Cồ-đàm! Nay tôi già yếu, đã một trăm hai mươi tuổi. Nhân dân nước Ma-già-đà cho đến Đại vương Tần-bà-sa-la đều cho rằng tôi đã chứng quả A-la-hán. Nay nếu tôi ở trước mặt ông mà nghe và thọ nhận giáo pháp, e rằng hết thảy nhân dân sẽ nghĩ ngược lại rằng: ‘Đại đức Ca-diếp chẳng phải là bậc A-la-hán sao?’ Cồ-đàm! [Vì thế tôi] cầu xin ông hãy mau đi đến xứ khác! Nếu nhân dân ở đây biết chắc rằng Cồ-đàm có công đức hơn tôi, thì bọn chúng tôi không do đâu mà nhận được sự cúng dường [của nhân dân] nữa!’

“Khi ấy ta đáp rằng: ‘Ca-diếp! Nếu ông không quá lo lắng rằng ta là kẻ nhiều sân hận, xin vui lòng cho ta ngụ lại một đêm, sáng mai sẽ đi sớm.’

“Ca-diếp nói: ‘Cồ-đàm! Tôi không có ý gì khác, cũng rất yêu mến ngài. Chỉ có điều là nơi tôi ở đây có một con rồng độc, tánh rất hung bạo, e nó sẽ làm hại ngài.’

“Ta đáp: ‘Ca-diếp! Trong tất cả các thứ độc không gì hơn Ba độc! Ta nay đã dứt trừ [ba độc ấy] rồi, các thứ độc của thế gian ta không hề sợ.’

“Ca-diếp nói: ‘Nếu ngài không sợ thì tốt lắm, xin mời ở lại.’

“Thiện nam tử! Lúc bấy giờ, vì muốn hóa độ Ca-diếp nên ta hiện ra mười tám cách biến hóa như trong kinh [A-hàm] có nói. Khi ấy, Ca-diếp cùng với năm trăm người đồng bọn được thấy, nghe như vậy rồi, liền chứng quả A-la-hán.

“Lúc đó, Ca-diếp còn có hai người em là Già-da Ca-diếp và Na-đề Ca-diếp, [mỗi người] cũng có số đệ tử là năm trăm người, thảy đều được chứng quả A-la-hán.

“Bấy giờ, những đồ đệ của bọn sáu thầy [ngoại đạo] ở thành Vương-xá nghe được việc ấy liền đối với ta sanh lòng độc ác.

“Vì đã nhận lời thỉnh cầu của vua [Tần-bà-sa-la trước đây], ta liền đến thành Vương-xá. Khi ta còn trên đường chưa đến nơi thì nhà vua cùng với rất đông dân chúng đã kéo đến nghênh tiếp. Ta liền vì họ mà thuyết pháp.

“Lúc bấy giờ, khi nghe pháp rồi thì chư thiên ở cõi trời Dục giới có tám mươi sáu ngàn vị phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Trong số những người đi theo vua Tần-bà-sa-la có một trăm hai mươi ngàn người chứng quả Tu-đà-hoàn.

“Có vô số chúng sanh được thành tựu tâm nhẫn nhục.

“Khi vào thành rồi, ta hóa độ Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên cùng với các đệ tử của họ là hai trăm năm mươi người, thảy đều buông bỏ những [tà kiến] trước đây, xuất gia học đạo.

“Ta liền ở lại thành Vương-xá, thọ nhận sự cúng dường của vua Tần-bà-sa-la. Bọn sáu thầy ngoại đạo liền tụ họp rồi kéo nhau bỏ đi sang thành Xá-vệ.

Bấy giờ, ở thành Xá-vệ có một vị trưởng giả tên Tu-đạt-đa, đến thành Vương-xá để lo việc cưới vợ cho con, đang ngụ tại nhà trưởng giả San-đàn-na. Khi ấy, chủ nhà nửa đêm bảo người nhà rằng: ‘Mọi người hãy mau mau thức dậy, cùng nhau quét dọn trang hoàng nhà cửa và bày biện các món ăn ngon.’

“Tu-đạt-đa nghe vậy, tự nghĩ rằng: ‘Chẳng phải là họ muốn thỉnh vua nước Ma-già-đà đây sao? Hay là vì có hôn sự nên muốn hội họp vui vẻ?’

“Suy nghĩ như vậy rồi liền đến hỏi chủ nhà rằng: ‘Có phải đại nhân muốn thỉnh vua Tần-bà-sa-la của nước Ma-già-đà hay chăng? Hay vì có hôn sự nên mở hội vui vẻ chăng? Vì sao phải gấp rút đến như vậy?’

“Trưởng giả đáp rằng: ‘Cư sĩ! Không phải vậy. Sáng mai tôi sẽ thỉnh Phật, là đấng Pháp vương Vô thượng.’

“Trưởng giả Tu-đạt vừa nghe đến danh hiệu Phật thì [bỗng dưng không hiểu vì sao] toàn thân rúng động, liền hỏi lại: ‘Phật là ai vậy?’

“Chủ nhà đáp: ‘Ông thật chưa nghe biết gì sao? Ở thành Ca-tỳ-la có một vị trong dòng Thích-ca, tên là Tất-đạt-đa, họ Cồ-đàm, con vua Bạch Tịnh. Vị ấy sanh ra chưa bao lâu thì có một thầy tướng đoán rằng về sau sẽ làm Chuyển luân Thánh vương. Việc ấy rõ ràng chắc chắn như người ta nhìn rõ trái am-la trong lòng bàn tay. Nhưng nếu ngài không ưa thích việc ấy, từ bỏ ra đi xuất gia thì sẽ không thầy mà tự giác ngộ, đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vị ấy đã dứt trừ hoàn toàn tham, sân, si, là bậc thường trụ không biến đổi, không sanh không diệt, không còn lo sợ. Lòng ngài đối với tất cả chúng sanh đều bình đẳng, thương yêu như cha mẹ đối với đứa con duy nhất. Thân tâm của ngài cao quý hơn hẳn trong tất cả chúng sanh, nhưng ngài không vì thế mà sanh lòng kiêu mạn. Đối với sự tôn xưng cung kính hay oán ghét gây hại, ngài vẫn giữ lòng bình đẳng không phân biệt. Ngài có trí tuệ thông đạt, đối với tất cả các pháp không có sự ngăn ngại, thành tựu đầy đủ Mười sức, Bốn đức chẳng sợ, Ngũ trí Tam-muội, Đại từ, Đại bi và Ba niệm xứ. Vì thế nên xưng hiệu ngài là Phật. Ngài nhận lời mời thỉnh của tôi, sáng mai sẽ đến đây. Cho nên cần phải gấp gáp, không có thời gian thư thả mà tiếp đãi ông.’

“Tu-đạt-đa nói: ‘Lành thay! Đại nhân, đức Phật mà ông nói đó, công đức thật không ai bằng! Vậy hiện nay ngài đang ở đâu?’

“Trưởng giả đáp: ‘Hiện ngài đang ở thành Vương-xá này, tại tinh xá Trúc Lâm, nơi rừng Ca-lan-đà.’

“Khi ấy [đang còn trong đêm], ông Tu-đạt-đa hết lòng nghĩ nhớ đến các công đức của Phật như Mười sức, Bốn đức chẳng sợ, Ngũ trí Tam-muội, Đại từ, Đại bi và Ba niệm xứ. Đang khi nghĩ nhớ, bỗng nhiên có ánh sáng rực rỡ, dường như lúc ban ngày. Ông liền theo ánh sáng ấy mà đi ra, đến dưới cửa thành. Do thần lực của Phật, [tuy chưa đến giờ mà] cửa thành tự nhiên mở rộng. Ông đi ra khỏi thành rồi, chợt thấy có một miếu thờ thiên thần bên đường, liền vào đó lễ bái cung kính. Khi ấy trời tối đen trở lại, khiến ông hoảng hốt muốn quay trở về chỗ ngụ.

“Bấy giờ, ở cửa thành ấy có một vị thiên thần hiện đến nói với Tu-đạt-đa: ‘Này ông, nếu ông đến chỗ đức Như Lai, ông sẽ được nhiều sự tốt đẹp, ích lợi.’

“Tu-đạt-đa hỏi: ‘Tốt đẹp, ích lợi như thế nào?’

“Vị thiên thần đáp: ‘Trưởng giả! Nếu có người dùng những vật như chân bảo kết thành xâu, trăm con tuấn mã, trăm thớt voi tơ, trăm cỗ xe báu, vàng đúc thành người có đến số trăm, nữ nhân đoan chánh thân đeo chuỗi ngọc, các thứ của báu đầy dẫy, cung điện cao đẹp, nhà cửa nguy nga điêu khắc chạm trổ, mâm vàng lúa bạc, mâm bạc lúa vàng, mỗi thứ đủ số một trăm... mang bố thí cho một người. Rồi lại bố thí cho một người khác, cứ như vậy dần dần bố thí đủ khắp cho tất cả mọi người trong cõi Diêm-phù-đề. Công đức mà người ấy có được cũng không bằng công đức của người phát tâm đi đến chỗ đức Như Lai chỉ vừa nhấc chân một bước.’

“Tu-đạt-đa liền hỏi: ‘Thiện nam tử! Ông là ai vậy?’

“Thiên thần đáp: ‘Trưởng giả! Tôi là Thắng Tướng, con nhà Bà-la-môn, trước đây từng là thiện tri thức của ông. Ngày trước, nhân được gặp hai vị Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên [đệ tử của Phật], tôi sanh lòng hoan hỷ. Khi bỏ thân rồi, tôi được sanh làm con của Tỳ-sa-môn Thiên vương ở phương Bắc, có phận sự thủ hộ thành Vương-xá này. Tôi nhờ lễ bái những vị như Xá-lợi-phất và sanh lòng hoan hỷ mà được thân hình tốt đẹp như thế này, huống chi được gặp bậc Đại Sư [của họ] là đức Như Lai và lễ bái cúng dường?’

“Trưởng giả Tu-đạt nghe như vậy rồi liền trở ra đường, [lập tức] tìm đến chỗ Phật. Khi đến nơi, ông cung kính lễ bái, đầu và mặt đều cúi sát chân Như Lai. Lúc ấy, Như Lai liền vì ông mà thuyết pháp thích hợp. Trưởng giả nghe rồi liền chứng quả Tu-đà-hoàn. Khi chứng quả rồi liền có lời thỉnh cầu rằng: ‘Như Lai đại từ! Xin ngài hạ cố đến thành Xá-vệ, thọ nhận sự cúng dường nhỏ mọn của con!’

“Ta liền hỏi: ‘Ở thành Xá-vệ có cảnh tinh xá nào có thể làm chỗ an trụ cho đại chúng hay không?’

“Tu-đạt-đa thưa: ‘Nếu Phật rủ lòng thương nhận lời đến đó, con sẽ cố hết sức lo liệu việc xây cất.’

“Thiện nam tử! Khi ấy ta lặng thinh chấp nhận lời thỉnh cầu của Tu-đạt.

“Được sự nhận lời của ta, trưởng giả Tu-đạt liền bạch rằng: ‘Từ trước tới nay con chưa hề làm việc này, xin Như Lai cho ngài Xá-lợi-phất theo con để chỉ bảo cách thức xây dựng.’

“Ta liền bảo Xá-lợi-phất đi theo trợ giúp. Liền đó, Xá-lợi-phất và Tu-đạt-đa cùng đi chung một cỗ xe, thẳng sang thành Xá-vệ. Do thần lực của ta, chỉ qua một ngày đêm họ đã đến nơi.

“Lúc ấy, Tu-đạt-đa thưa với Xá-lợi-phất rằng: ‘Bạch Đại đức! Phía ngoài thành lớn này, không biết nơi nào có cảnh đất chẳng gần chẳng xa, có nhiều suối ao, rừng cây tốt đẹp, hoa quả sum sê, thanh tịnh thoáng rộng? Con nguyện sẽ vì đức Phật Thế Tôn và chư tỳ-kheo mà tạo lập nơi ấy một ngôi tinh xá.’

“Xá-lợi-phất đáp: ‘Cảnh vườn rừng [của trưởng giả] Kỳ-đà là chẳng gần chẳng xa, thanh tĩnh tịch mịch, có nhiều suối ao, cây cối hoa quả bốn mùa đều có. Nơi ấy là tốt nhất, có thể xây dựng tinh xá.’

“Lúc ấy, Tu-đạt-đa nghe vậy rồi liền đến nhà trưởng giả Kỳ-đà, thưa rằng: ‘Nay tôi muốn vì đấng Vô thượng Pháp vương mà tạo lập chỗ an trú cho Chư tăng. Chỉ có cảnh vườn đất của ngài là thích hợp để xây dựng, tôi muốn mua đất ấy, ngài chịu bán chăng?’

“Kỳ-đà đáp rằng: ‘Dù ông mang vàng ròng đến trải đầy mặt đất nơi ấy, tôi cũng không bán cho ông!’

“Tu-đạt-đa liền nói: ‘Lành thay, Kỳ-đà! Xem như rừng đất ấy đã thuộc về tôi, ngài hãy nhận lấy vàng.’

“Kỳ-đà hỏi lại: ‘Vườn đất tôi không bán, sao lại nhận lấy vàng?’

“Tu-đạt-đa liền nói: ‘Nếu ngài còn không quyết đoán, chúng ta hãy cùng đi nhờ người phân xử vậy.’

“Khi ấy, hai vị trưởng giả cùng đi đến chỗ người phân xử. Người ấy nói rằng: ‘Vườn đất thuộc ông Tu-đạt, ông Kỳ-đà hãy nhận lấy vàng.’

“Trưởng giả Tu-đạt lập tức sai người dùng xe ngựa chở vàng đến trải khắp trên đất ấy. Ngay trong ngày, chỉ còn một khoảnh năm trăm bước là chưa kín vàng mà thôi.

“Kỳ-đà nói: ‘Trưởng giả! Nếu ông hối tiếc, tôi đồng ý cho ông hủy bỏ việc [mua bán] này!’

“Tu-đạt đáp: ‘Tôi không hối tiếc, chỉ đang nghĩ xem sẽ xuất kho nào cho vừa đủ số vàng này.’

“Kỳ-đà thầm nghĩ: ‘Đấng Pháp vương Như Lai quả thật không ai bằng! Ngài thuyết giảng Chánh pháp nhiệm mầu, thanh tịnh không cấu nhiễm, nên mới khiến cho người này xem nhẹ của cải đến như thế!’

“Ông liền bảo Tu-đạt: ‘Chỗ còn thiếu đó không cần đem vàng tới nữa, xin để cho tôi góp phần. Tôi sẽ vì đức Phật mà tự mình xây dựng cửa lầu, đức Như Lai sẽ thường ra vào thông qua cửa ấy.’ Rồi trưởng giả Kỳ-đà tự mình xây dựng cửa lầu [ngay ở lối vào tinh xá].

“Trong vòng bảy ngày, trưởng giả Tu-đạt xây dựng xong phòng lớn đủ ba trăm căn, chỗ thiền phòng an tịnh là sáu mươi ba nơi; thất mùa đông, nhà mùa hạ, thảy đều riêng biệt; nhà trù, phòng tắm, chỗ rửa chân, nhà xí... không thiếu gì cả.

“Xây dựng xong, trưởng giả Tu-đạt hai tay nâng lư hương hướng về phía thành Vương-xá mà khấn rằng: ‘Việc xây dựng đã xong, nguyện đức Như Lai từ bi thương xót, vì chúng sanh mà thọ nhận chỗ ở này!’

“Lúc đó, Như Lai từ xa rõ biết tâm ý của trưởng giả Tu-đạt, liền cùng đại chúng ra khỏi thành Vương-xá. Trong thời gian nhanh như một lực sĩ co duỗi cánh tay đã đến thành Xá-vệ, trong khu vườn rừng Kỳ-đà, tinh xá Tu-đạt. Khi đến nơi rồi, trưởng giả Tu-đạt liền đem toàn bộ khu tinh xá đã xây dựng đó mà dâng cúng cho ta. Ta thọ nhận rồi, liền an trụ nơi đó.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 44 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.221.248.140 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...