Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Khi bạn dấn thân hoàn thiện các nhu cầu của tha nhân, các nhu cầu của bạn cũng được hoàn thiện như một hệ quả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Cách tốt nhất để tiêu diệt một kẻ thù là làm cho kẻ ấy trở thành một người bạn. (The best way to destroy an enemy is to make him a friend.)Abraham Lincoln
Cuộc đời là một tiến trình học hỏi từ lúc ta sinh ra cho đến chết đi. (The whole of life, from the moment you are born to the moment you die, is a process of learning. )Jiddu Krishnamurti
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Lo lắng không xua tan bất ổn của ngày mai nhưng hủy hoại bình an trong hiện tại. (Worrying doesn’t take away tomorrow’s trouble, it takes away today’s peace.)Unknown
Hãy cống hiến cho cuộc đời những gì tốt nhất bạn có và điều tốt nhất sẽ đến với bạn. (Give the world the best you have, and the best will come to you. )Madeline Bridge
Hãy làm một người biết chăm sóc tốt hạt giống yêu thương trong tâm hồn mình, và những hoa trái của lòng yêu thương sẽ mang lại cho bạn vô vàn niềm vui và hạnh phúc.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Chánh niệm - Thực tập thiền quán »» Chương Mười Hai: Đối trị với sự xao lãng - Phần II »»

Chánh niệm - Thực tập thiền quán
»» Chương Mười Hai: Đối trị với sự xao lãng - Phần II

Donate

(Lượt xem: 12.765)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Chánh niệm - Thực tập thiền quán - Chương Mười Hai: Đối trị với sự xao lãng - Phần II

Font chữ:



SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Bây giờ đây, ta đang ngồi thiền thật đẹp. Thân ta bất động và vững chãi, tâm ta an vui và tĩnh lặng. Chúng ta nhẹ nhàng chú tâm theo dõi hơi thở của mình, ra, vào, ra, vào... Tĩnh lặng và an định. Mọi việc đều thật hoàn hảo.

Bỗng dưng có một tư tưởng không biết từ đâu đột ngột khởi lên trong đầu: “Phải chi bây giờ mình có được một cây kem thì tuyệt biết mấy!” Đó rõ ràng là một sự xao lãng. Ta ghi nhận nó, và đem mình trở lại chú tâm vào hơi thở, nhẹ nhàng theo dõi, ra, vào... và rồi: “Mình đã trả tiền nước tháng này chưa nhỉ?” Lại là một sự xao lãng. Ta lại ghi nhận nó, và mang sự chú ý trở về với hơi thở. Ra, vào, ra, vào... “Cuốn phim mà mình chờ đợi sẽ ra ngày hôm nay. Chắc là mình sẽ đi coi tối thứ Ba này. Không, thứ Ba không được, nhưng mà thứ Tư cũng bận lắm. Chắc là phải thứ Năm...” Lại thêm một sự xao lãng nữa!

Bạn lại kéo mình ra khỏi nó và trở về với hơi thở, nhưng có điều là khi bạn chưa kịp làm việc ấy thì đã có một giọng nói nhỏ trong đầu: “Ái chà, nhức mỏi lưng quá! Chịu không nổi!” Và rồi cứ tiếp tục mãi, hết xao lãng này đến xao lãng khác, dường như là bất tận...

Thật là bực mình! Nhưng thật ra thiền tập là chỉ có vậy thôi. Những sự xao lãng đó là vấn đề chính. Chủ yếu là làm sao để đối trị được chúng, học cách ghi nhận chúng mà không để bị dính mắc. Đó là lý do chúng ta ngồi thiền. Những sự xao lãng, lo nghĩ vu vơ ấy rất là phiền toái, nhưng cái tâm bình thường của ta hoạt động như vậy đó. Đừng bao giờ cho nó là kẻ thù. Nó chỉ đơn giản là một thực tại của ta. Và nếu như bạn muốn thay đổi bất cứ một điều gì, trước hết bạn phải thấy được thực chất của nó.

Lần đầu tiên, khi bạn mới ngồi xuống tập trung sự chú ý vào hơi thở, bạn sẽ nhận thấy rằng tâm ý của mình lung tung vô cùng. Nó như một con ngựa bất kham, chạy nhảy khắp nơi. Nó húc đầu này, đá vó đầu kia. Nó rượt đuổi chính nó, chạy theo một vòng tròn bất tận. Nó nói chuyện không ngừng. Nó suy nghĩ. Nó tưởng tượng và mơ mộng viển vông. Nhưng bạn đừng bao giờ bực tức vì những chuyện ấy. Đó cũng là tự nhiên thôi. Mỗi khi tâm ta xao lãng, không còn chú tâm vào đề mục thiền quán, ta chỉ cần quán sát sự xao lãng ấy trong chính niệm.

Trong thiền quán, khi chúng ta nói đến sự xao lãng là nói đến bất kỳ một vấn đề nào lôi kéo sự chú ý rời xa hơi thở. Điều này khiến ta có thêm một quy luật mới rất quan trọng trong sự hành thiền. Đó là, mỗi khi có một trạng thái tâm thức nào khởi lên, đủ mạnh để kéo ta ra khỏi đề mục thiền quán, hãy tạm thời chú tâm vào chính sự xao lãng ấy. Tạm thời dùng sự xao lãng ấy làm đối tượng thiền quán trong lúc đó. Xin bạn nhớ rõ là chỉ tạm thời. Điều đó rất quan trọng. Tôi không bao giờ khuyên bạn giữa đường đổi ngựa. Và tôi cũng không khuyên bạn cứ vài ba giây lại đổi đề mục thiền quán của mình một lần. Hơi thở lúc nào cũng là đối tượng tập trung chủ yếu của ta. Bạn chuyển sự chú ý của mình sang sự xao lãng chỉ trong thời gian vừa đủ để có thể nhận diện được những đặc tính của nó. Nó là gì? Nó mạnh đến đâu? Và nó kéo dài đến bao lâu?

Vừa khi bạn có được câu trả lời cho những câu hỏi ấy, không cần bằng lời, là bạn đã xong việc với nó và có thể đem sự chú ý trở về với hơi thở. Ở đây cũng vậy, xin bạn để ý đến cụm từ không cần bằng lời. Những câu hỏi ấy không phải là sự mời gọi chúng ta “nhiều chuyện” thêm. Vì làm như thế là chúng ta đang đi ngược chiều về phía gia tăng sự suy nghĩ. Chúng ta muốn mình bớt lại sự suy nghĩ. Chúng ta muốn trở về với một kinh nghiệm thuần túy của hơi thở, không cần ngôn từ, không cần ý niệm. Những câu hỏi ấy là để giúp bạn thoát ra được sự xao lãng, thấy được tự tính của nó, chứ không phải để bạn trở nên bị dính mắc hơn. Chúng có mục đích, chỉ trong một bước, giúp bạn nhận diện được cái gì làm mình xao lãng và rồi buông bỏ nó - một công mà hai chuyện!

Vấn đề là thế này: Khi một sự xao lãng, hay bất cứ một trạng thái tâm thức nào khác khởi lên trong tâm, nó xuất hiện trước trong phần tiềm thức của ta. Và ngay sau đó, nó mới hiển lộ lên trên phần ý thức. Cái khoảnh khắc sai biệt ấy rất là quan trọng. Vì chính ngay trong khoảng thời gian tích tắc ấy, sự dính mắc xảy ra. Sự dính mắc ấy có mặt gần như là tức thì, và nó xảy ra ngay trong phần tiềm thức của mình. Khi sự dính mắc ấy khởi lên trên phần ý thức, khi ta bắt đầu nhận diện được, là ta đã bị nó kiềm chế mất rồi! Và chừng ấy, mỗi lúc ta quán sát nó, ta lại càng bị nó trói chặt vào thêm. Lúc này, thật ra ta không còn có khả năng quán sát bằng một sự nhận diện đơn thuần nữa, ta chỉ suy nghĩ về nó mà thôi. Những việc ấy diễn ra trong một chớp mắt. Và vấn đề nằm ngay ở chỗ đó. Khi ta có ý thức về một sự xao lãng nào, thì ta đã bị sự xao lãng ấy kiềm chế mình rồi!

Ba câu hỏi: “Nó là gì? Nó mạnh đến đâu? Và, nó kéo dài bao lâu?” là một phương thuốc thần diệu để chữa trị cho chứng bệnh này. Muốn trả lời được ba câu hỏi đó, ta bắt buộc phải hiểu được tính chất của sự xao lãng ấy một cách sâu sắc. Và muốn làm được việc ấy, ta phải tách rời ra khỏi nó, bước lùi lại một bước, và nhìn một cách khách quan. Chúng ta phải thôi không suy nghĩ cái tư tưởng ấy, hoặc cảm nhận cái cảm thụ ấy, thì mới có thể quán sát nó một cách khách quan được. Tiến trình đó chính là một bài thực tập về chính niệm, một ý thức và sự nhận diện đơn thuần. Năng lực kiềm hãm của sự xao lãng sẽ bị phá vỡ và chính niệm sẽ được thiết lập trở lại. Và từ đó, chính niệm sẽ nhẹ nhàng trở về với đối tượng chính của nó là hơi thở.

Khi bạn mới bắt đầu thực tập phương pháp này, có lẽ bạn sẽ phải nhờ đến ngôn từ. Bạn đặt câu hỏi thành lời và bạn có câu đáp lại cũng bằng lời. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, bạn sẽ không phải cần đến chúng nữa. Một khi bạn thực tập quen rồi, bạn chỉ cần đơn giản ghi nhận sự xao lãng, nhận diện những đặc tính của nó, và trở về với hơi thở. Đó là một quá trình không cần ý niệm và rất nhanh. Sự xao lãng tự nó có thể là bất cứ một điều gì: một tiếng động, một cảm giác, một cảm thụ, một mơ tưởng, bất cứ là một điều gì... Nhưng cho dù là gì đi chăng nữa, ta cũng đừng bao giờ đàn áp nó, đừng cố xua đuổi nó ra khỏi tâm mình. Việc ấy hoàn toàn không cần thiết. Chỉ cần quán sát nó trong chính niệm, bằng một sự nhận diện đơn thuần. Lặng lẽ khảo sát sự xao lãng ấy, rồi tự nó sẽ biến mất. Và tự nhiên bạn sẽ thấy sự chú ý tự nhiên nhẹ nhàng trở về với hơi thở. Cũng đừng bao giờ tự trách mình vì đã có những xao lãng ấy. Sự xao lãng là tự nhiên. Chúng đến và chúng đi.

Nhưng cho dù đã có những lời khuyên, rồi bạn vẫn sẽ tự trách mình sau mỗi lần xao lãng. Và điều đó là tự nhiên. Hãy quán sát cảm giác hối trách ấy như là một sự xao lãng khác, và rồi trở lại với hơi thở của mình.

Hãy theo dõi chuỗi tiến trình ấy: Thở. Thở. Một tư tưởng vu vơ khởi lên. Sự bực mình khởi lên vì thấy mình suy nghĩ. Tiếp đó, một sự tự trách mình. Bạn trở về với hơi thở. Thở. Thở. Nó là một chu kỳ rất tự nhiên và nhịp nhàng, nếu bạn biết thực hành cho đúng. Dĩ nhiên, chìa khóa của vấn đề là sự kiên trì. Nếu bạn có thể nhận diện những xao lãng này mà không bị dính mắc, mọi việc sẽ trở nên rất dễ dàng. Bạn sẽ nhẹ nhàng lướt xuyên qua những xao lãng ấy, và trở về với hơi thở.

Lẽ dĩ nhiên, cũng cùng một sự xao lãng ấy có thể sẽ khởi lên trong giây phút kế tiếp. Nhưng ta chỉ cần nhận diện nó bằng chính niệm. Nếu đó là một tư tưởng xao lãng có gốc rễ lâu đời, nó có thể sẽ còn tiếp tục trong một thời gian dài, nhiều khi là hàng năm. Nhưng đừng bao giờ bực mình. Đó cũng là chuyện tự nhiên. Hãy nhận diện sự xao lãng ấy và trở về với hơi thở. Đừng chống cự lại chúng, chỉ tốn công vô ích mà thôi. Mỗi năng lượng bạn đưa vào sự chống cự sẽ nuôi dưỡng cho những tư tưởng ấy, và làm cho chúng mạnh thêm. Vì vậy, đừng bao giờ cố gắng xua đuổi những tư tưởng ấy ra khỏi tâm mình. Bạn sẽ không bao giờ thắng được trận chiến đó. Chỉ cần quán sát nó bằng chính niệm, và tự nó cuối cùng sẽ đi mất. Thật kỳ lạ, nhưng bạn càng đơn thuần nhận diện nó bao nhiêu thì nó sẽ càng trở nên yếu đi bấy nhiêu. Nếu bạn quán sát đủ lâu, và đủ năng lực của chính niệm, nó sẽ biến mất vĩnh viễn. Còn khi bị chống cự lại, nó sẽ càng mạnh thêm. Hãy quán sát nó một cách khách quan, nó sẽ héo hon và tàn tạ đi.

Chính niệm là một chức năng có thể tháo gỡ và hoá giải sự xao lãng. Những xao lãng nho nhỏ có thể được giải trừ chỉ bằng một cái nhìn thoáng qua thôi. Đem ánh sáng chính niệm chiếu lên nó, và lập tức nó tan biến ngay, không bao giờ trở lại nữa. Còn những ý tưởng có gốc rễ sâu xa, đã trở thành tập quán thói quen, đòi hỏi ta phải có nhiều kiên trì, dùng chính niệm tinh chuyên quán chiếu cho đến khi nào sợi dây trói buộc bị đứt tung. Thật ra, sự xao lãng cũng giống như một con cọp giấy! Tự nó không có một quyền lực nào hết. Nó phải được nuôi dưỡng thường xuyên, nếu không nó sẽ chết. Và khi ta từ chối không nuôi dưỡng nó bằng sự sợ hãi, sân hận và lòng ham muốn của mình nữa, nó sẽ bị tiêu diệt.

Chính niệm là khía cạnh quan trọng nhất của thiền quán. Nó là yếu tố chủ yếu mà ta đang cố gắng trau giồi. Vì vậy, ta không cần phải chống lại sự xao lãng. Điều quan trọng là có chính niệm về việc gì đang xảy ra chứ không phải kiểm soát những gì đang xảy ra. Bạn nên nhớ, định lực chỉ là một phương tiện. Nó là thứ yếu so với sự nhận diện đơn thuần. Dưới cái nhìn của chính niệm thì không có một cái gì là xao lãng hết. Bất cứ điều gì khởi lên trong tâm cũng đều được xem như một cơ hội để giúp ta thực tập chính niệm. Hơi thở được chọn làm đối tượng cơ bản giúp ta tập trung tâm ý. Và sự xao lãng là đối tượng thứ hai để giúp ta chú tâm. Nó cũng có thật và là một phần của thực tại, cũng như hơi thở. Thật ra, đối tượng chính niệm của ta là gì, việc ấy không quan trọng. Bạn có thể có chính niệm về hơi thở, hoặc có chính niệm về sự xao lãng của mình. Bạn có thể có ý thức rõ rằng tâm mình đang an tĩnh và có định lực mạnh mẽ, hoặc thấy rõ rằng tâm mình đang hỗn độn, rối ren và định lực hoàn toàn suy sụp. Tất cả đều là chính niệm. Ta chỉ cần tiếp tục duy trì sự chính niệm đó, và cuối cùng định lực sẽ được phục hồi.

Mục đích của thiền quán không phải là để chú tâm vào hơi thở mãi mãi và không bị gián đoạn. Đó là một mục tiêu vô cùng vô ích. Mục đích của thiền quán cũng không phải để đạt được một tâm hoàn toàn bất động và an tĩnh. Mặc dù đó là một trạng thái rất tốt đẹp, nhưng tự nó không thể nào đưa ta đến giải thoát được. Mục tiêu của thiền quán là để có được một chính niệm liên tục, không gián đoạn. Chính niệm, và chỉ có chính niệm, mới có thể đưa ta tới giác ngộ.

Sự xao lãng có đủ mọi hình tướng, mức độ, và mùi vị. Tâm lý học Phật giáo phân chia chúng ra thành nhiều loại. Một trong những loại đó là chướng ngại. Chúng được xem như là chướng ngại vì chúng ngăn trở hai yếu tố thiền quán của ta: chính niệm và định lực. Ta cũng nên thận trọng chỗ này: Chữ “chướng ngại” có vẻ mang một ý niệm hơi tiêu cực, mà thật ra chúng là những trạng thái tâm thức mà ta muốn loại trừ. Nhưng điều ấy không có nghĩa là ta phải đàn áp chúng, trốn tránh hoặc ghét bỏ chúng.

Chúng ta hãy lấy lòng ham muốn làm một ví dụ. Ta muốn tránh không kéo dài bất cứ một trạng thái ham muốn nào khi nó khởi lên, vì nó sẽ dẫn đến sự ràng buộc và phiền não. Nhưng điều đó không có nghĩa là mỗi khi có những tư tưởng ham muốn khởi lên, ta phải xua đuổi nó ra khỏi tâm mình. Chúng ta chỉ cần đừng khuyến khích và nuôi dưỡng nó ở lại mà thôi. Ta để cho nó đến, và ta để cho nó đi.

Khi ta nhận diện lòng ham muốn một cách đơn thuần, sẽ không có sự phê phán, khen chê nào hết. Chúng ta chỉ đơn giản bước lùi lại và nhìn nó khởi lên. Cả quá trình sinh động của sự ham muốn, từ đầu cho đến cuối, cần được quán sát với cùng một thái độ ấy. Chúng ta không giúp thêm, cũng không ngăn chận, và cũng không xen vào một chút nào hết. Nó ở bao lâu thì nó sẽ ở bấy lâu. Và trong khi nó có mặt, ta sẽ học hỏi hết những gì mình có thể học được. Chúng ta quán sát tác dụng của sự ham muốn. Ta nhận thức việc nó gây phiền não cho ta và là gánh nặng cho kẻ khác như thế nào. Ta ý thức rằng nó khiến ta lúc nào cũng cảm thấy không thoả mãn, luôn ở trong một trạng thái thèm khát và thiếu thốn. Từ kinh nghiệm trực tiếp đó, ta hiểu được sâu sắc sự ham muốn là một chướng ngại cho ta. Và sự hiểu biết đó không phải là lý thuyết, mà là một thực nghiệm.

Tất cả những chướng ngại khác cũng được đối trị cùng bằng một phương thức ấy, và ở đây chúng ta sẽ xem xét chúng từng cái một.

Ham muốn

Giả sử như trong lúc ngồi thiền có một kinh nghiệm dễ chịu nào đó khởi lên khiến bạn bị xao lãng. Nó có thể là một mơ tưởng thú vị hoặc một ý nghĩ tự hào. Nó có thể là một cảm giác hãnh diện. Nó có thể là một ý tưởng thương yêu hoặc một cảm giác an vui do thiền quán mang lại. Cho dầu đó là gì đi nữa, chắc chắn theo sau sẽ là một trạng thái ham muốn - ta muốn có được những gì mình đang mơ tưởng, hoặc muốn kéo dài cảm giác thú vị, dễ chịu ấy. Và cho dầu bất cứ nó là gì, bạn cần đối trị những sự ham muốn ấy như sau.

Ghi nhận tư tưởng hoặc cảm xúc dễ chịu ấy khi nó khởi lên. Ghi nhận trạng thái ham muốn đi kèm theo nó như là một cái gì riêng biệt. Ghi nhận chính xác cường độ và tầm mức của sự ham muốn ấy. Và rồi, ghi nhận xem nó kéo dài bao lâu và khi nào nó biến mất. Sau khi làm xong những việc ấy, bạn đem sự chú ý trở về với hơi thở của mình.

Ghét bỏ

Giả sử như trong lúc ngồi thiền có một kinh nghiệm khó chịu nào đó khởi lên khiến bạn bị xao lãng. Nó có thể là một cái gì làm bạn sợ hãi hoặc một sự lo âu, phiền toái nào đó. Nó có thể là một mặc cảm tội lỗi, buồn chán hoặc một cái đau. Cho dù ý nghĩ hoặc cảm thụ đó là gì đi nữa, bạn sẽ thấy mình tìm cách xua đuổi hoặc đàn áp nó - cố gắng trốn tránh, chống cự hoặc chối bỏ nó. Và phương cách đối trị của ta ở đây cũng tương tự. Hãy theo dõi sự phát sinh của tư tưởng hoặc cảm thụ khó chịu ấy. Ghi nhận trạng thái ghét bỏ đi kèm theo nó. Quán sát xem nó kéo dài bao lâu và khi nào thì qua mất. Và rồi đem sự chú ý trở về với hơi thở.

Hôn trầm

Hôn trầm có nhiều cấp bậc và cường độ khác nhau, nó bao gồm từ một chút uể oải cho đến một trạng thái hôn mê, không còn biết gì hết. Ở đây, chúng ta nói về một trạng thái của tâm thức, chứ không phải là của cơ thể. Buồn ngủ hoặc sự mệt mỏi của cơ thể là những điều hoàn toàn khác hẳn và trong hệ thống phân loại của Phật học thường được xếp vào những cảm thụ vật lý. Hôn trầm rất gần gũi với sự ghét bỏ, vì nó là một cách khéo léo để tâm ta trốn tránh những vấn đề nào nó cảm thấy khó chịu. Hôn trầm cũng giống như là ta tắt đi bộ máy tâm thức của mình, làm lu mờ đi những tri giác và nhận thức của ta. Nó là một sự giả vờ ngu ngốc như mình đang ngủ.



Kích động

Những trạng thái bất an và lo lắng là những biểu hiện của sự kích động trong tâm. Tâm ta phóng nhảy khắp nơi, không chịu ở yên một chỗ. Bạn có thể cứ suy đi, nghĩ lại loanh quanh chỉ có một vài vấn đề. Cái mạnh nhất ở đây là một cảm thụ không an ổn. Tâm ta từ chối không chịu dừng yên ở bất cứ nơi nào. Nó chạy nhảy không ngừng. Và phương thuốc cho tình trạng này cũng tương tự. Sự bất an truyền đạt một cảm thụ đặc biệt đến tâm thức ta. Bạn có thể cho nó là có một mùi vị hoặc một kết cấu đặc biệt nào đó. Gọi đó là gì đi chăng nữa, cảm giác bất an ấy vẫn có những đặc tính riêng biệt mà ta có thể nhận diện được. Hãy tìm nó. Khi bạn đã thấy nó, hãy ghi nhận sự có mặt của nó. Ghi nhận khi nào nó khởi lên. Theo dõi xem nó kéo dài bao lâu, và khi nào chấm dứt. Và rồi trở lại với hơi thở.

Nghi ngờ

Nghi ngờ cũng có một cảm giác cá biệt của nó trong tâm thức. Kinh điển Pali diễn tả tâm trạng nghi ngờ rất hay. Nó cũng giống như cảm giác của một người bị lạc lối hoang mang trong sa mạc, và anh ta đến một ngã tư đường không có bảng chỉ dẫn. Nên đi theo lối nào đây? Không làm sao biết được. Và anh ta cứ đứng đó phân vân mãi.

Một trong những hình thức nghi ngờ có mặt trong lúc ngồi thiền là những câu độc thoại trong đầu, tương tự như thế này: “Tại sao mình lại cứ ngồi yên như thế này để làm gì? Có thật sự ích lợi gì không chứ? Ồ! Nhất định là có rồi. Nó giúp ích cho mình nhiều lắm. Trong sách nói như vậy mà. Không đâu, việc này thật là điên rồ. Mất công sức, mất thì giờ thôi, chứ chẳng có ích lợi gì hết. Nhưng không, mình sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Mình nói mình cố gắng học thiền, và mình sẽ nhất định học thiền. Mà mình có cứng đầu quá không? Chẳng biết nữa. Mình chẳng biết gì hết...” Đừng để bị rơi vào chiếc bẫy này. Nó cũng chỉ là một chướng ngại mà thôi. Một làn hỏa mù của tâm thức, với mục đích không cho ta nhìn thấy được những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại. Muốn đối trị tâm ngờ vực, ta chỉ cần ý thức được trạng thái thay đổi không yên này của tâm, như là một đối tượng thiền quán. Đừng để bị kẹt trong chiếc bẫy ấy. Bước lùi lại và nhìn nó cho rõ. Xem nó mạnh đến đâu. Xem khi nào nó đến và kéo dài bao lâu. Rồi xem nó từ từ qua đi, và ta lại trở về với hơi thở.

Đó là những phương cách chung bạn có thể sử dụng để hóa giải bất cứ một sự xao lãng nào khởi lên. Tôi dùng chữ xao lãng để chỉ cho bất cứ một trạng thái nào khởi lên và làm trở ngại cho sự thiền tập của ta. Có một số chướng ngại rất là vi tế. Tôi nghĩ chúng ta cũng nên nêu ra một vài ví dụ. Những trạng thái tiêu cực đa số thường rất dễ nhận diện, như là: bất an, sợ hãi, nóng giận, bức rức, chán nản và thất vọng.

Sự dính mắc và tham muốn thì hơi khó nhận diện hơn một chút, vì chúng có thể được áp dụng vào những gì chúng ta cho là cao thượng hoặc đáng quý. Ta có thể ham muốn cho mình được hoàn thiện hơn. Ta có thể đeo đuổi những đức tính tốt lành. Ta có thể dính mắc vào những kinh nghiệm an tĩnh, hạnh phúc trong lúc ngồi thiền. Buông bỏ những cảm giác cao quý ấy không phải là dễ. Nhưng cuối cùng, chúng cũng chỉ làm tăng trưởng thêm lòng tham của ta mà thôi. Thật ra, chúng chỉ là một sự mong muốn được thoả mãn và một cách khéo léo để tránh né thực tại.

Nhưng khó nhận diện hơn hết là những trạng thái tâm thức tích cực mà nhẹ nhàng len lỏi vào trong sự thiền tập của ta. Hạnh phúc, an vui, hài lòng, cảm thông, và từ bi đối với tất cả mọi người ở khắp mọi nơi. Những trạng thái này rất là ngọt ngào và tốt lành, đến nỗi ta không có lòng dạ nào mà tự tách mình ra khỏi chúng. Nó khiến ta cảm thấy như là mình đã phản bội nhân loại. Nhưng bạn đâu cần phải cảm thấy như vậy? Tôi không bao giờ khuyên bạn nên bác bỏ những trạng thái tâm thức ấy, hoặc biến mình trở thành gỗ đá. Tôi chỉ muốn bạn hãy nhìn chúng như chúng thật sự đang hiện hữu. Chúng chỉ là những trạng thái của tâm thức. Chúng đến và chúng đi. Chúng sinh lên rồi chúng diệt đi. Khi bạn tiếp tục thiền tập, những trạng thái này sẽ càng xảy ra thường xuyên hơn. Điều quan trọng là đừng để bị dính mắc vào chúng. Chỉ cần quán sát từng cái một khi nó khởi lên. Xem nó là gì, mạnh bao nhiêu, và kéo dài đến bao lâu. Rồi xem nó từ từ trôi đi mất. Nó cũng chỉ là một vở tuồng nữa trên sân khấu tâm thức của mình mà thôi.

Cũng giống như hơi thở có từng giai đoạn, những trạng thái tâm thức cũng thế. Mỗi hơi thở có phần bắt đầu, phần giữa và phần cuối. Mỗi trạng thái tâm thức có các giai đoạn sinh khởi, tăng trưởng và hoại diệt. Bạn nên cố gắng quán sát để thấy rõ được những giai đoạn này. Lẽ dĩ nhiên việc ấy không phải dễ. Như chúng ta đã biết, mỗi tư tưởng và cảm giác đều khởi lên bắt đầu trước hết từ trong phần tiềm thức của ta, rồi sau đó mới khởi lên trên bề mặt của ý thức. Thường thì ta chỉ ý thức được chúng sau khi chúng đã xuất hiện trên bình diện ý thức, và có mặt ở đó trong một thời gian. Thật ra, chúng ta chỉ ý thức được sự xao lãng sau khi nó đã thôi không còn quấy rầy ta nữa, và đang bắt đầu phai mờ đi. Cũng chính ngay ở điểm này, ta đột nhiên ý thức tự nãy giờ mình đang lo nghĩ, mơ tưởng xa xôi, viển vông, hoặc là gì đó. Rõ ràng, lúc đó mọi việc cũng đã quá trễ rồi. Chúng ta có thể gọi hiện tượng này là bắt con sư tử bằng đuôi, hành động đó không khôn ngoan chút nào hết. Cũng giống như khi đối diện với một con thú dữ, ta cũng phải tiến đến ngay trước những trạng thái tâm thức của mình. Và với sự kiên trì, ta sẽ nhận diện được những xao lãng ấy, khi chúng vừa mới khởi lên từ phần tiềm thức sâu kín trong tâm.

Vì những trạng thái tâm thức khởi lên từ dưới tiềm thức, muốn bắt được ngay khi nó vừa xuất hiện, ta phải nới rộng nhận thức của mình xuống dưới phần tiềm thức ấy. Việc này cũng hơi khó, vì ta không thể thấy được những gì có mặt ở nơi đó, ít nhất là cũng không được rõ ràng như ở trên bình diện ý thức. Nó đòi hỏi một sự thực tập. Và một định lực thâm sâu cũng có ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng ấy. Định lực sẽ làm chậm lại sự xuất hiện của những trạng thái tâm thức này. Nó cho ta thời gian để cảm nhận từng cái một, khi chúng vừa mới khởi lên từ phía dưới tiềm thức, ngay cả trước khi ta thấy được sự có mặt của chúng trên phần ý thức. Định lực sẽ giúp ta nới rộng nhận thức của mình xuống phần tăm tối còn nằm sâu ở phía dưới, nơi tư tưởng và cảm giác của ta bắt đầu phát khởi.

Khi định lực của bạn thâm sâu, bạn sẽ có khả năng nhìn thấy được những tư tưởng và cảm giác chầm chậm khởi lên, riêng rẽ như những bong bóng nước, mỗi cái cá biệt và có những khoảng trống ở giữa nhau. Nó nổi lên thật chậm rãi từ dưới tiềm thức. Nó ở lại trên bề mặt ý thức một đôi chút, rồi từ từ trôi đi mất.

Nhận diện đơn thuần những trạng thái tâm thức là một công việc đòi hỏi một sự chính xác đặc biệt. Nhất là đối với cảm thụ hoặc cảm xúc. Chúng ta dễ đi quá đà đối với những cảm xúc của mình, có nghĩa là cộng thêm vào đó những gì dư thừa. Và ta cũng rất dễ bị thiếu hụt, không tiếp xúc hết, không nhận thức được hoàn toàn cảm xúc của mình. Mục tiêu mà ta muốn đạt đến là kinh nghiệm được mỗi trạng thái tâm thức một cách thật trọn vẹn, như nó thật sự đang hiện hữu, không thêm thắt vào và cũng không bỏ sót bất cứ một điều gì hết.

Chúng ta hãy lấy một ví dụ về cái đau nơi chân của mình. Cái thật sự đang có mặt ở đó chỉ là một dòng cảm giác thuần túy và biến chuyển. Nó luôn luôn biến đổi, không bao giờ là cùng một cái, từ giây phút này sang giây phút kế. Nó di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, và cường độ nó tăng giảm khác nhau. Cái đau không phải là một vật. Nó là một sự kiện. Ta không nên dán lên nó bất cứ một ý niệm nào, hoặc liên kết nó với bất cứ một cái gì khác. Với một sự nhận diện đơn thuần, ta sẽ kinh nghiệm nó đơn giản như là một dòng năng lượng có thứ tự trôi chảy, và ngoài ra không là gì khác. Không có tư tưởng và không có sự bác bỏ. Chỉ là năng lượng.

Trên con đường thiền tập, chúng ta cần xét lại quan điểm của mình về vấn đề hình thành khái niệm. Đối với đa số chúng ta, sự thành công trong học đường và trong cuộc đời, là nhờ vào khả năng biết sử dụng, sắp xếp những hiện tượng tâm thức một cách hợp lý. Đó là khả năng biết nhận định. Công danh sự nghiệp, những thành công trong đời sống hằng ngày, những liên hệ hạnh phúc... phần lớn những thành đạt ấy là nhờ vào khả năng biết nhận định của mình. Nhưng trong thiền tập, chúng ta tạm gác bỏ qua một bên tiến trình nhận định và sử dụng khái niệm ấy, và chú tâm trực tiếp đến cái bản chất của những hiện tượng tâm thức. Trong thiền tập, chúng ta muốn kinh nghiệm tâm thức mình một cách trực tiếp, khi mọi khái niệm hoàn toàn chưa sinh khởi.

Nhưng tâm bình thường của chúng ta lại nhận định cái hiện tượng ở chân ấy là đau đớn. Ta nghĩ đến nó như là một “cái đau”. Nhưng đó chỉ là một khái niệm. Nó là một nhãn hiệu ta dán lên trên cái cảm giác ấy. Rồi chúng ta tạo nên một ảnh tượng trong đầu, hình ảnh của một cái đau, có hình dạng rõ ràng. Bạn dường như thấy được một biểu đồ của cái chân đau, và ngay chỗ bị đau được vẽ bằng những đường nét rõ ràng, và còn có màu sắc nữa. Việc ấy rất sáng tạo và vô cùng thú vị, nhưng không phải là cái ta muốn. Chúng chỉ là những khái niệm khô cứng được ta gắn kết vào thực tại sinh động. Và thường thường ta sẽ tự cho rằng, “Chân tôi bị đau.” “Tôi” là một khái niệm. Nó là một sự dư thừa cộng thêm vào cái kinh nghiệm thuần túy của mình.

Khi bạn thêm cái “tôi” vào là bạn tạo ra một khoảng cách giữa thực tại và cái ý thức quán sát thực tại ấy. Những tư tưởng như là “tôi” hoặc “của tôi” hoàn toàn không có chỗ đứng trong một kinh nghiệm trực tiếp. Chúng không chỉ là những “phụ gia” vô ích, mà còn rất là thâm hiểm. Khi ta mang cái “tôi” vào, tức là ta nhận cái đau là mình. Ta chỉ làm cho cái đau ấy quan trọng thêm mà thôi. Và khi ta bỏ cái “tôi” ra ngoài, cái đau sẽ không còn là đau đớn. Nó chỉ là một dòng năng lượng thuần túy có cường độ cao. Nó còn có thể là kỳ diệu nữa kìa! Nếu bạn thấy cái “tôi” ấy đang len lỏi vào trong kinh nghiệm của cái đau, hoặc bất cứ một cảm giác nào khác, bạn hãy theo dõi nó trong chính niệm. Hãy nhận diện đơn thuần cái hiện tượng nhận-cái-đau-làm-mình ấy của ta.

Mục tiêu chung của chúng ta thật ra rất đơn giản. Ta muốn thật sự nhìn thấy được mỗi cảm giác của mình, cho dù đó là đau đớn, hỷ lạc hay là chán chường. Ta muốn kinh nghiệm được nó một cách trọn vẹn và thuần túy, dưới một hình thái tự nhiên nhất, chưa bị làm sai lạc. Và chỉ có một phương cách duy nhất mà thôi. Thời điểm của bạn phải thật là chính xác. Ý thức về mỗi cảm giác phải được phối hợp ngay cùng một lúc với sự sinh khởi của cảm giác ấy. Nếu bạn nắm bắt trễ một chút, bạn sẽ hụt mất phần đầu, và không thấy được tất cả. Và nếu bạn vẫn còn nắm giữ cảm giác ấy, khi nó đã phai mờ rồi, thì cái mà bạn giữ đó chỉ là ký ức về nó mà thôi. Nó đã đi qua mất. Và trong khi bạn lo nắm giữ ký ức ấy, bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội nhìn thấy sự sinh khởi của một cảm giác kế tiếp. Đây là một công việc vô cùng tinh tế. Bạn lúc nào cũng phải có mặt trong giây phút hiện tại, tiếp nhận và rồi buông bỏ, mà không được một chút chậm trễ. Nó đòi hỏi một sự tiếp xúc rất nhẹ nhàng. Sự liên hệ của bạn với cảm giác, không bao giờ có thể là của quá khứ hoặc tương lai, nhưng luôn đơn giản là cái ngay trong lúc này.

Tâm bình thường của chúng ta lúc nào cũng tìm cách đặt khái niệm lên trên mọi hiện tượng, và nó làm một cách rất khéo léo. Mỗi cảm giác sẽ khơi dậy một chuỗi những ý niệm. Lấy ví dụ về cái nghe chẳng hạn. Bạn đang ngồi thiền, và có ai đó ở phòng cạnh bên đánh rơi một cái đĩa. Âm thanh ấy chạm vào tai bạn. Ngay lập tức trong đầu bạn hiện lên hình ảnh của căn phòng cạnh bên. Có lẽ bạn cũng thấy luôn được người đánh rơi cái đĩa ấy. Nếu đây là một khung cảnh quen thuộc, như là trong nhà bạn chẳng hạn, có thể bạn sẽ hình dung ra tất cả như trong một cuốn phim 3 chiều, về ai làm rơi đĩa và chiếc đĩa nào bị đánh rơi. Và toàn bộ chuỗi sự kiện ấy xảy ra trong một chớp mắt. Nó nhảy vọt lên từ tiềm thức với những chi tiết thật rõ rệt, trong sáng, và hấp dẫn đến nỗi nó tống khứ hết mọi chuyện khác ra khỏi tâm ta. Chuyện gì đã xảy ra cho cái cảm giác nguyên sơ lúc ban đầu, và cái kinh nghiệm nghe thuần tuý ấy? Nó hoàn toàn bị đàn áp và lạc mất đâu đó trong những sự lộn xộn và quên lãng. Ta bỏ lỡ thực tại. Ta đi vào một thế giới mộng tưởng.

Đây là một ví dụ khác: Bạn đang ngồi thiền và chợt có một âm thanh chạm đến tai mình. Nó là một tiếng động không rõ rệt lắm, một tiếng lạo xạo đâu đó, mà có thể do bất cứ một cái gì. Và những gì xảy ra kế tiếp có thể là thế này: “Cái gì vậy? Ai thế? Âm thanh ấy xuất phát từ đâu vậy? Có xa chỗ mình ngồi không? Có gì nguy hiểm không?...” Và cứ thế mà tiếp tục, không có câu trả lời, chỉ toàn là những tưởng tượng và phỏng đoán của ta mà thôi.

Nhận định bằng ý niệm là một tiến trình rất xảo quyệt và khôn khéo. Nó len lỏi vào trong kinh nghiệm của ta, và rồi hoàn toàn chiếm đoạt hết. Trong thiền tập, nếu ta nghe một âm thanh, ta chỉ cần nhận diện đơn thuần về cái kinh nghiệm nghe ấy. Nó và chỉ có riêng nó mà thôi! Thật ra, những gì xảy ra rất là đơn giản, mà nhiều khi vì vậy chúng ta lại bỏ qua và không chịu nhìn thấy. Làn sóng âm thanh chạm vào màng nhĩ của ta theo một phương cách đặc biệt nào đó. Những làn sóng ấy được chuyển thành những tín hiệu điện trong bộ não, và rồi những tín hiệu ấy biểu hiện thành một dạng âm thanh trong tâm thức của ta. Và chỉ có vậy thôi. Không có hình ảnh. Không có phim chiếu. Không có ý niệm. Không có sự độc thoại, thắc mắc. Chỉ đơn giản là một tiếng động. Thực tại không trang điểm và đơn sơ một cách kỳ diệu. Khi bạn nghe một tiếng động, hãy có chính niệm về tiến trình nghe đó. Còn tất cả những cái khác chỉ là dư thừa, được thêm thắt vào. Bỏ chúng đi. Và luật đó có thể áp dụng hết cho tất cả mọi cảm giác, mọi cảm thụ, mọi kinh nghiệm của bạn. Hãy nhìn lại kinh nghiệm của chính mình cho thật kỹ. Đào xuyên qua hết những tầng lớp của mớ đồ cũ vụn vặt trong tâm thức, để xem cái gì thật sự có mặt. Bạn sẽ vô cùng kinh ngạc khi khám phá ra rằng nó đơn giản và nhiệm mầu đến như thế nào!

Cũng có những lúc, sẽ có nhiều cảm giác cùng khởi lên một lượt. Bạn có một tư tưởng sợ hãi, một cảm giác co thắt trong bụng, một cái lưng đau, ngứa ở lỗ tai bên trái, tất cả cùng có mặt trong một lúc. Đừng ngồi đó bối rối. Đừng thay đổi tới lui, hoặc phân vân không biết nên chọn cái nào làm đối tượng. Sẽ có một cái là mạnh nhất. Chỉ cần bạn mở rộng ra, và hiện tượng nào dai dẳng nhất, nổi bật nhất, tự nó sẽ bắt bạn phải chú ý đến nó. Hãy chú tâm đến nó một đôi chút, chỉ lâu đủ để nhìn thấy nó phai mờ đi. Rồi trở về với hơi thở của mình. Nếu có một cái nào khác nổi bật lên, hãy cho nó vào. Và khi xong rồi, lại trở về với hơi thở.

Nhưng bạn nên cẩn thận, quá trình này cũng rất có thể bị lạm dụng. Đừng cứ ngồi đó và tìm kiếm một cái gì để làm đối tượng chính niệm. Hãy luôn giữ chính niệm trên hơi thở, cho đến khi có một cái gì khác xen vào lôi kéo sự chú ý của mình đi. Khi nào bạn cảm thấy việc ấy xảy ra, đừng chống cự lại. Hãy để sự chú ý của bạn nhẹ nhàng chuyển sang đối tượng xao lãng ấy một cách tự nhiên, và giữ chính niệm ở đó cho đến khi nào nó phai nhạt đi. Rồi trở về với hơi thở của mình. Đừng tìm kiếm thêm bất cứ một hiện tượng vật lý hoặc tâm lý nào khác. Chỉ trở về chú ý đến hơi thở của mình. Hãy để cho những đối tượng tự động đến với ta. Lẽ dĩ nhiên, cũng có những lúc bạn ngủ gật đi một chút. Cho dù bạn đã thực tập lâu, có lúc bạn sẽ giật mình tỉnh dậy, ý thức rằng từ nãy giờ mình đang ở đâu đó! Đừng nản lòng. Hãy ý thức rõ rằng mình đã mê ngủ khoảng bao lâu và trở về với hơi thở. Ta không cần phải có một phản ứng tiêu cực nào. Chính sự ý thức rằng mình đã xao lãng tự nó đã là một hành động chính niệm. Tự nó chính là một bài tập về sự chính niệm thuần túy, về sự nhận diện đơn thuần.

Chính niệm sẽ được tăng trưởng theo sự thực tập chính niệm. Cũng giống như khi ta tập thể dục cho các cơ bắp vậy. Mỗi khi bạn tập luyện, bắp thịt của bạn sẽ nở nang thêm một chút. Bạn làm cho nó được mạnh thêm một chút. Sự thật bạn có cảm giác giật mình tỉnh giấc ấy, cũng là một bằng chứng rằng năng lượng chính niệm của bạn đã được tăng trưởng. Nó có nghĩa là bạn đã thắng cuộc. Hãy trở về với chính niệm và không hối hận. Mặc dù hối hận là một phản ứng tự nhiên, và nó thế nào cũng có mặt - chỉ là một thói quen của tâm thức. Nếu bạn cảm thấy bực mình, chán nản, hoặc tự trách móc mình, hãy quán sát chúng bằng chính niệm. Nó cũng chỉ là một sự xao lãng khác mà thôi. Chú tâm đến nó một chút, quán sát nó phai mờ đi, và trở về với hơi thở.

Những quy tắc tôi vừa trình bày có thể và cần được áp dụng cho mọi trạng thái tâm thức khác. Bạn sẽ khám phá ra rằng đây là một việc làm không phải dễ. Đây sẽ là một công việc khó khăn nhất mà bạn đã từng thực hiện. Bạn sẽ khám phá ra mình sẵn sàng áp dụng phương pháp ấy cho một số kinh nghiệm này, và lại hoàn toàn không muốn áp dụng nó cho một số khác.

Thiền tập cũng giống như một loại axít của tâm thức vậy. Nó sẽ từ từ xói mòn bất cứ cái gì nó tiếp xúc. Loài người chúng ta rất kỳ lạ. Chúng ta ưa thích mùi vị của một số chất độc, và ta cứ lì lợm tiêu thụ chúng mặc dù biết chúng đang tiêu hủy mình. Những tư tưởng mà ta bị dính mắc là những độc tố. Bạn sẽ thấy rằng, có một số tư tưởng chúng ta sẵn sàng đào sâu và bứng nhổ tận gốc rễ, trong khi có một số khác chúng ta lại cưng chiều, bảo vệ hết mình. Và đó là tình trạng của con người.

Thiền quán không phải là một trò chơi. Chính niệm không phải chỉ là một môn thực tập giải trí. Nó là con đường dẫn ta thoát ra khỏi một bãi lầy, bãi lầy của sự thương yêu và ghét bỏ của chính ta! Áp dụng chính niệm để hoá giải những vấn đề đau đớn, khó khăn trong cuộc sống, dầu sao thì tương đối cũng vẫn dễ hơn. Khi ta nhận thấy rằng sự sợ hãi và tuyệt vọng sẽ tiêu tan dưới ánh sáng quán chiếu của chính niệm, tự nhiên ta sẽ muốn đem ra áp dụng mãi. Đó là những trạng thái tâm thức tiêu cực. Chúng làm ta đau khổ. Ta muốn loại trừ chúng vì chúng mang cho ta phiền não. Nhưng sẽ khó khăn gấp bội phần khi ta đem áp dụng cũng cùng quá trình đó cho những trạng thái tâm thức mà ta trân quý, như là lòng yêu nước, tình mẫu tử, hoặc một tình yêu chân thật. Nhưng việc ấy cũng vô cùng cần thiết. Vì những dính mắc tích cực cũng sẽ giữ bạn lại trong bãi lầy, giống như những dính mắc tiêu cực vậy. Bạn sẽ có thể ngoi lên và thoát được ra khỏi bãi lầy ấy để có thể hít thở dễ dàng hơn, nếu bạn biết chuyên cần thực tập thiền quán. Thiền quán là con đường dẫn đến Niết-bàn. Và từ những gì được kể lại do những người đã đi trước trên con đường ấy, nó rất xứng đáng cho sự cố gắng hết sức của ta.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 18 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Một trăm truyện tích nhân duyên (Trăm bài kinh Phật)


Giải thích Kinh Địa Tạng


An Sĩ toàn thư - Khuyên người bỏ sự tham dục


Đường Không Biên Giới

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.60.114 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...