1. Kệ đức Phật Tỳ-bà-thi (Vipayin)
(Đức Thế Tôn thứ 998 về Quá khứ Trang nghiêm kiếp)
Thân tùng vô tướng trung thụ sanh,
Du như huyễn do chư hình tượng.
Huyễn nhân tâm thức bổn lai vô,
Tội phúc giai không vô sở trụ.
Diễn nôm
Thân thọ sanh từ nơi không tướng,
Như giấc mơ do tượng hình ra.
Người mơ tâm thức đâu mà?
Trụ đâu tội phước đều là thành không.
Kinh Trường A-hàm chép rằng: Vào thuở mà người ta hưởng thọ được tám
muôn tuổi, đức Phật này ra đời, dòng Sát-lỵ, họ Câu-lỵ-nhã, cha là
Bàn-đầu, mẹ là Bàn-đầu Bà-đề. Ngài ở thành Bàn-đầu Bà-đề, ngồi dưới cây
Ba-ba-la, thuyết pháp ba hội, độ cho người ta được 348.000 người. Ngài
có hai phép thần túc đặc biệt: phép thứ nhất tên là Khiên-trà, phép thứ
hai tên là Đề-xá. Thị giả là ngài Vô-ưu-tử Phương Ưng.
2. Kệ đức Phật Thi-khí (Ikhin)
(Đức Thế Tôn thứ 999 về Trang nghiêm kiếp)
Khởi chư thiện pháp bổn thị huyễn;
Tạo chư ác nghiệp diệc thị huyễn.
Thân như tụ mạt, tâm như phong,
Huyễn xuất vô căn vô thật tánh.
Diễn nôm
Pháp lành khởi, vốn xưa là huyễn;
Nghiệp dữ gây, cũng huyễn mà ra.
Thân bọt đậu, tâm gió qua,
Không gốc, không thật, tánh là huyễn thôi!
Kinh Trường A-hàm chép rằng: Vào thuở mà người ta hưởng thọ được bảy
muôn tuổi đức Phật này ra đời, dòng Sát-lỵ, họ Câu-lỵ-nhã, cha là Minh
Tướng; mẹ là Quang Diệu. Ngài ở thành Quang Tướng, ngồi dưới cây
Phân-đà-lỵ, thuyết pháp ba hội, độ cho người ta được 250.000 người. Ngài
có hai phép thần túc đặc biệt: phép thứ nhất tên là A-tỳ-phù, phép thứ
nhì tên là Bà-bà. Thị giả là ngài Nhẫn-hạnh-tử Vô Lượng.
3. Kệ đức Phật Tỳ-xá-phù (Visvabhù)
(Đức Thế Tôn thứ 1.000 về Trang nghiêm kiếp)
Giả tá tứ đại dĩ vi thân,
Tâm bổn vô sanh, nhân cảnh hữu.
Tiền cảnh nhược vô, tâm diệc vô,
Tội, phước như huyễn, khởi diệc diệt.
Diễn nôm
Bốn vật lớn mượn làm thân đó,
Tâm không sanh, nhân cảnh mà sanh.
Cảnh không, tâm cũng không thành,
Đôi đàng tội phước như hình huyễn thôi!
Kinh Trường A-hàm chép rằng: Vào thuở mà người ta hưởng thọ được bảy
muôn tuổi, đức Phật này ra đời, dòng Sát-lỵ, họ Câu-lỵ-nhã, cha là Thiện
Đăng, mẹ là Xương Giới. Ngài ở thành Vô Dụ, ngồi dưới cây Bà-la, thuyết
pháp hai hội, độ cho người ta được 113.000 người. Ngài có hai phép thần
túc đặc biệt: phép thứ nhất tên là Phù-du, phép thứ nhì tên là
Uất-đa-ma. Thị giả là ngài Tịch-diệt-tử Diệu Giác.
4. Kệ đức Phật Câu-lưu-tôn (Krakucchanda)
(Đức Thế Tôn thứ nhất về Hiện tại Hiền kiếp)
Kiến thân vô thật thị Phật thân.
Liễu tâm như huyễn thị Phật huyễn,
Liễu đắc thân, tâm bổn tánh không.
Tư nhân dữ Phật hà thù biệt?
Diễn nôm
Thân không thật, ấy là thân Phật;
Tâm bông lông, biết Phật bông lông.
Thân, tâm, tánh ấy vốn không,
Người ta với Phật cũng đồng như nhau.
Kinh Trường A-hàm chép rằng: Vào thuở mà người ta hưởng thọ được bốn
muôn tuổi, đức Phật này ra đời, dòng Bà-la-môn, họ Ca-diếp. Cha tên là
Lễ Đắc, mẹ là Thiện Chi. Ngài ở thành An Hòa, ngồi dưới cây Thi-lỵ-sa,
thuyết pháp một hội, độ cho người ta được 40.000 người. Ngài có hai phép
thần túc đặc biệt: phép thứ nhất tên là Tát-ni, phép thứ hai tên là
Tỳ-lâu. Thị giả là ngài Thiện-giác-tử Thượng Thắng.
5. Kệ đức Phật Câu-na-hàm Mâu-ni (Kanaka-
mouni)
(Đức Thế Tôn thứ 2 về Hiền Kiếp)
Phật bất kiến thân, tri thị Phật,
Nhược thật hữu tri, biệt vô Phật.
Trí giả năng tri tội tánh không,
Thản nhiên bất bố ư sanh tử.
Diễn nôm
Thân chẳng thấy, biết là thân Phật,
Nếu biết rồi, thì Phật là không.
Người khôn biết tội tánh không,
Thản nhiên chẳng sợ trong vòng tử sanh.
Kinh Trường A-hàm chép rằng: Vào thuở mà người ta hưởng thọ được ba muôn
tuổi, đức Phật này ra đời, dòng Bà-la-môn, họ Ca-diếp. Cha tên Đại Đức,
mẹ là Thiện Thắng. Ngài ở thành Thanh Tịnh, ngồi dưới cây Ô-tàm
Bà-la-môn, thuyết pháp một hội, độ cho người ta được 30.000 người. Ngài
có hai phép thần túc đặc biệt: phép thứ nhất tên là Thư-hàm-na, phép thứ
nhì là Uất-đa-lâu. Thị giả là ngài An-hòa-tử Đạo Sư.
6. Kệ đức Phật Ca-diếp (Kayapa)
(Đức Thế Tôn thứ 3 về Hiền kiếp)
Nhất thiết chúng sanh tánh thanh tịnh,
Tùng bổn vô sanh, vô khả diệt.
Tức thử thân, tâm thị huyễn sanh,
Huyễn hóa chi trung vô tội, phước.
Diễn nôm
Tánh chúng sanh thảy thanh tịnh hết,
Do không sanh, không diệt mà ra.
Thân, tâm là huyễn thôi mà,
Huyễn thì tội, phước hóa là đều không.
Kinh Trường A-hàm chép rằng: Vào thuở mà người ta hưởng thọ được hai
muôn tuổi, đức Phật này ra đời, dòng Bà-la-môn, họ Ca-diếp. Cha là Phạm
Đức, mẹ là Tài Chủ. Ngài ở thành Ba-la-nại, ngồi dưới cây Ni-câu-luật,
thuyết pháp một hội, độ được người ta 20.000 người. Ngài có hai phép
thần túc đặc biệt: phép thứ nhất tên là Đề-xá, phép thứ nhì là Bà-la-bà.
Thị giả ngài là Thiện-hữu-tử Lập Quân.
7. Kệ đức Phật Thích-ca Mâu-ni (Çakyamouni)
(Đức Thế Tôn thứ 4 về Hiền Kiếp)
Pháp bổn pháp vô pháp,
Vô pháp, pháp diệc pháp.
Kim phó vô pháp thời,
Pháp pháp hà tằng pháp.
Diễn nôm
Pháp là pháp, vốn xưa không pháp,
Không pháp mà cũng pháp đó đây.
Ta trao không pháp buổi nay,
Pháp nào pháp nấy, nào hay pháp nào.
Ngài giáng sanh trong dòng nhà vua Sát-lỵ, phóng đại quang minh; dưới
đất nảy lên hoa sen vàng. Ngài bước đi bảy bước, đưa một tay chỉ lên
trời, một tay chỉ xuống đất, dùng tiếng như sư tử rống mà nói rằng:
“Trên trời, dưới đất, chỉ có một mình ta là tôn quý.” Hôm ấy là ngày
mùng 8 tháng 4 năm 624 trước Công nguyên. Ngài xuất gia tu hành thành
Phật, chuyển Pháp luân Tứ diệu đế, thuyết pháp hành đạo 49 năm. Thị giả
của ngài là ngài A-nan.
Sau ngài dạy đệ tử là Ca-diếp rằng:
“Nay ta đem Chánh pháp nhãn tạng, diệu tâm Niết-bàn giao phó cho nhà
ngươi.”
Nói rồi ngài thuyết bài kệ trên.
Ngài thuyết kệ xong rồi, ngồi ngay thẳng, lặng lẽ nhập Niết-bàn dưới gốc
cây Sa-la. Các đệ tử liền lấy củi thơm thiêu hóa. Năm ấy ngài 80 tuổi.