Chương I: Khuyên đầy đủ Tín, Nguyện
1027. Dù tinh tấn tu trì ngũ giới và thập thiện
Vui thú cõi trời, người, chính là gốc rễ đọa sa
Dù phiền não thiên cung không sâu đậm tựa Sa Bà
Khi phước tận dù là thần tiên cũng đọa.
Vì từng tạo phước nên theo nhân hưởng quả
Tạo phước thì tạo nghiệp cũng dễ thôi
Tạo nghiệp rồi, trong nháy mắt đọa luân hồi
Một hơi thở, lãnh thọ thân cõi dữ.
Nên người xưa nói,
Kẻ tu hành không giữ gìn chánh niệm
Không khéo vun trồng Tịnh nghiệp sáu thời
Vì có tu nên được phước trời, người
Phước báu ấy chẳng khác nào oán địch
Tam giới bất an tựa như hỏa trạch
Người khôn ngoan phải cầu chỗ xuất sanh
Nếu không Tín Nguyện mà chỉ niệm Phật danh
Hạnh xưng niệm đó chỉ là tự lực
Vì không tin, không nguyện nên không cảm ứng
Không cùng nguyện lực Di Đà kết mối đạo giao
Nếu đã dứt Kiến, Tư Hoặc thì có thể bay cao
Nếu chưa đoạn Hoặc, nghiệp căn còn đó
Chuyện Thảo Đường Thanh và Giới Diễn Ngũ Tố
Là những chứng nhân xác thực đã đành
Phải biết rằng không đủ Tín Nguyện mà được vãng sanh
Thì nhân niệm Phật và quả vãng sanh không cân xứng
Đại sư Ngẫu Ích nói,
“Vãng sinh, không vãng sinh, đều do tín nguyện lực
Phẩm vị thấp, cao, bởi trì danh cạn hay sâu”.
Nếu ngày ngày không lo lập tín nguyện khẩn cầu
Lúc bỏ xác khó nương vào Phật lực
Dù cho miệng niệm A Di Đà Phật
Lòng không tin, không ước nguyện vãng sinh
Bởi không cầu, không hết dạ kính tin
Nên không cảm Phật Di Đà tiếp dẫn
Trong khi trăm mối nặng nề, tâm nghiêng ngả
Lúc lâm chung nghiệp thiện ác hiện ra
Nếu không nương vào nguyện lực Phật Di Đà
Ác nghiệp kéo liền đi theo ác nghiệp
Không Tín, Nguyện, dù nhất tâm xưng niệm
Trong vô số người chỉ có được một, hai
Nghiệp tận tình không, chứng được vô sinh
Trong thế giới, chẳng bao người thực hiện
Nếu cậy vào tự lực, bỏ qua Tín Nguyện
Kẻ bình thường chẳng biết nẻo thoát ra
Dù là vua cõi trời với thiên quốc, long xa
Hoặc tăng sĩ đắc tổng trì đại pháp
Nghe một ngộ ngàn, nổi danh cùng khắp
Tâm thờ ơ cõi trần không muốn thọ thân
Nếu được vậy thì mới mong chiêu cảm đức ân
Và đại nguyện Phật Di Đà nhiếp thọ
Sen báu chín tầng nở hoa Tịnh độ
Vĩnh viễn thoát vòng sinh tử, chuyển luân
Chẳng những người phàm mà ngay cả tứ thánh nhân
Nếu không hướng Đại thì cũng không thể đến
Cảm ứng thánh phàm do nơi Tín, Nguyện
Dù đã tu tinh tấn hạnh trì danh
Nếu không kính tin, lập nguyện thì không thể vãng sanh
Nên Tín, Nguyện, chính là điều khẩn yếu
Đủ Tín-Nguyện-Hạnh muôn người tu, muôn người đến.
Việc thiện đã làm nên hồi hướng Tây phương
Nếu như mong cầu phước báo cõi thế gian
Tâm đôi ngã càng khó về Tịnh độ
Người chánh chân niệm Phật không cầu hưởng thọ
Nhưng tự nhiên được quả báo thế trần
Người tịnh tu luôn tha thiết, chuyên cần
Nương Phật lực tránh binh đao, lửa, nước
Trừ phi nghiệp tạo gây từ thuở trước
Quả báo từ trầm trọng hóa nhẹ nhàng
Nên hiện đời tai họa gặp giữa đàng
Phật liền từ mẫn đưa tay tiếp dẫn
Chưa chứng tam muội đã vào trong dòng thánh
Cõi thế mông lung mấy kẻ được vậy chăng?
1100. Lập nguyện thoát Sa Bà như nguyện của tù nhân
Luôn mong mỏi về cố hương là Tịnh độ.
Nay được thân người, sinh nơi trung thổ
Mau tìm lên núi báu nhận Ma ni
Bởi chúng sinh còn Hoặc Nghiệp , mãi đến rồi đi
Nên Phật dạy hãy cầu về Lạc quốc
Ngay trong tất cả việc lập công, lập đức
Việc giữ gìn giới hạnh cả một đời
Không nương vào đó để cầu trường thọ an vui
Hãy hồi hướng về Tây phương Cực Lạc
Tức phù hợp với nguyện sâu của Phật
Ví như người sóng vùi dập lênh đênh
Chiếc thuyền từ đã đến, nếu bước lên
Nương thuyền Phật mà vượt qua bể khổ
Chớ cầu phước báo nhân thiên mà bỏ lỡ
Cơ hội ngàn năm thoát cõi trầm luân
Khi phước báo cạn rồi ai biết trước chỗ thọ thân
Là nơi địa ngục? Súc sanh? Ngạ quỷ?
Nếu biết dùng Diệu Trí tức đưa về Diệu Vị
Dùng trí sai lầm như lấy ngọc ném chim con
Sao gọi là hành động của người khôn
Hãy cẩn trọng! Xin hãy nên cẩn trọng!
Không tin theo Tịnh môn mà toan trừ vọng
Dù là người lãnh thọ chỗ chân truyền
Từ các pháp môn Giáo, Mật, Luật, Thiền
Cũng không dễ được liễu sinh thoát tử.
Huống chi chỗ thâm huyền mấy ai đại ngộ
Nếu đại ngộ rồi, có thực chứng hay không?
Chỉ ngộ mà chưa chứng đạo thậm thâm
Thì chưa thể thoát ngoài vòng sinh diệt.
Kẻ học đạo dùng Thức mà nhận biết
Cũng đừng quên phải đoạn Hoặc, chứng Chân
Riêng Tịnh môn lấy Phật lực làm nhân
Tín-Hạnh-Nguyện xuôi thuyền qua bỉ ngạn.
Người thuần thành và cả người ngũ nghịch
Trọn tấc lòng sám hối niệm Phật danh
Lúc lâm chung quyết định được vãng sanh
Cho nên nói là mang theo nghiệp cũ.
Trong ba cõi, thọ sinh rồi thọ tử
Phước báo nhân thiên cũng có lúc cạn cùng
Gốc tử sinh lắm mờ mịt, mông lung
Chưa chứng đạo mà tử ma đã gọi
Mầm mống chợt diệt, chợt sinh, vẫn đang tiếp nối
Nương Tịnh môn cảm ứng sẽ song đôi
Dù tâm chưa hoàn toàn thanh tịnh, an vui
Vẫn được Phật đưa tay ra hóa độ
Chớ nghe lối luận bàn mong bác bỏ
Dọa nạt người phải đến chỗ Nhất Tâm
Nhất Tâm ở đây là Tín-Hạnh-Nguyện hòa chung
Chớ không phải “vô tâm, vô nhất vật”
Ví nước hồ thu chưa hề dừng tánh động
Nếu gió không lồng lộng trận phong ba
Trên mặt hồ vẫn hiện bóng trăng ngà
Hãy suy nghĩ đến tận tường nghĩa ấy.
Đời mạt pháp, đây là nơi nương cậy
Hợp căn cơ của tất cả người tu
Nếu đã rõ thông Năng, Sở mặc dù
Đều vẫn phải vào tận nơi Thực Chứng.
Nếu không Tín Nguyện vãng sinh, chỉ tự hào, tự lực
Đường gian nan, thật khó thể vượt qua
Nghe luận bàn của các vị Thiền gia
Quy Tịnh độ vào Thiền tông mà bỏ quên Tín Nguyện
Nếu theo đó hành trì, may ra khai ngộ
Cầu thoát ly ba cõi há dễ làm?
Lại toan mang Phật và cõi Phật quy kết vào tâm
Hiểu sai nghĩa Tịnh tâm là Tịnh độ!
Thương cho kẻ hồ đồ vì chẳng rõ
Ấn Quang tôi khuyên người học Tịnh tông
Chớ nên dùng lời khai thị của Thiền tông
Mà áp đặt thay thế cho Tịnh lý
1170. Bởi tông chỉ và pháp môn có đồng, có dị.
(Hết chương I)