Nếu có một lúc nào đó bạn thử dành đôi chút thời gian để nhìn lại những
suy nghĩ của chính mình trong một ngày, bạn sẽ thấy ra được nhiều điều
rất thú vị.
Hầu hết những gì bạn suy nghĩ dường như đều hướng về tương lai hoặc quay
lại quá khứ. Có rất ít những suy nghĩ được dành cho hiện tại, trừ khi
bạn là người đã có thực hành nếp sống tỉnh thức.
Tư tưởng của chúng ta có thói quen bị cuốn hút trở về những gì đã trôi
qua mà chúng ta cho là tốt đẹp hơn hiện nay; hoặc là mơ mộng vươn đến
tương lai với những viễn ảnh mà ta hy vọng là sẽ vượt xa hiện tại. Những
tư tưởng này làm cho ta thấy thích thú, và nhất là nó giúp ta tránh né
không phải đối mặt với những khó khăn đang xảy ra trong hiện tại. Vì
thế, chúng ta không lấy làm lạ khi mỗi lần gặp nhiều khó khăn thì dường
như người ta lại càng hay nghĩ nhiều về quá khứ.
Những điều chúng ta mang nặng trong lòng nhiều nhất thường cũng là những
điều đã qua. Có những việc trôi qua hàng đôi ba mươi năm, nhưng mỗi khi
gặp điều gì nhắc đến, ta lại nhớ về nó như mới xảy ra hôm nào.
Những lo toan, tính toán của chúng ta thì chắc chắn là hoàn toàn rơi vào
tương lai. Những dự định, mong muốn... tất cả đều hoàn toàn chưa có mặt
trong hiện tại.
Và chúng ta tồn tại, sinh hoạt một cách tự nhiên nhờ vào những tư tưởng
quay về quá khứ hoặc hướng đến tương lai đại loại như thế. Điều đó không
có gì sai trái. Quá khứ đã trải qua cho chúng ta kinh nghiệm, và phần
lớn xã hội loài người được tổ chức tốt nhờ vào kinh nghiệm. Tương lai
cho ta hy vọng, nhờ vào hy vọng ta có được sức mạnh thúc đẩy để vượt qua
khó khăn hôm nay. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là chúng ta thường
lầm lẫn giữa mục đích và phương tiện. Kinh nghiệm quá khứ và hy vọng
tương lai là những phương tiện giúp ta sống tốt hơn, nhưng bản thân cuộc
sống lại chính là hiện tại. Chúng ta chỉ có thể vui buồn, thương yêu,
hờn giận... bằng vào hiện tại mà thôi. Không thể có niềm vui quá khứ hay
hạnh phúc tương lai khi không có hiện tại đang hiện hữu của hôm nay.
Lấy một ví dụ để làm rõ hơn. Ta có thể không quên một hành vi lường gạt,
dối trá của ai đó trong quá khứ. Và điều này mang lại cho ta kinh nghiệm
quý giá để không bị lường gạt theo cách tương tự như thế một lần nữa.
Nhưng nếu ta nhớ lại và căm giận, tức tối về những nhân vật A, B... nào
đó đã lường gạt ta, liệu điều đó có ý nghĩa gì? Những nhân vật A, B...
của quá khứ không còn tồn tại trong hiện tại, nhưng sự căm giận, tức tối
như thế sẽ là có thật. Và tác động duy nhất của việc ấy chỉ là nuôi
dưỡng thêm những khổ đau, bất hạnh cho chính ta mà thôi.
Những hy vọng tương lai cũng thế. Liệu có chút ý nghĩa gì khi ta chỉ mơ
mộng đến tương lai mà không có những hành động thiết thực, đúng đắn ngay
trong hiện tại này?
Điều mà chúng ta cần nhận thức rõ ở đây là cuộc sống chính là hiện tại.
Chỉ trong hiện tại ta mới có thể tìm được niềm vui, hạnh phúc, mới tận
hưởng được giá trị thiêng liêng mà cuộc sống mầu nhiệm ban tặng cho mỗi
chúng ta. Sử dụng thời gian quý giá trong hiện tại này để nuối tiếc về
quá khứ hay sống với những viễn ảnh về tương lai đều là những sự hoang
phí rất đáng tiếc.
Chúng ta không làm gì được với quá khứ, và chúng ta cũng không có khả
năng nắm chắc được tương lai, nhưng chúng ta có trọn quyền hành động
trong hiện tại. Từ hiện tại này, chúng ta quyết định việc quá khứ và
tương lai tác động đến ta như thế nào.
Ta không thay đổi được quá khứ, nhưng ta có thể từ chối những tác động
không hay mà quá khứ mang đến cho ta. Ta thường an ủi người khác rằng
chớ nên quá đau buồn vì những chuyện đã qua, nhưng chính bản thân ta
không làm được như vậy. Hầu hết chúng ta đều như vậy. Đó là vì ta chưa
hiểu được rằng cuộc sống chính là hiện tại. Ta sợ rằng nếu buông bỏ quá
khứ đi ta sẽ không còn tồn tại được, vì những gốc rễ của quá khứ đã ăn
sâu trong ta. Nhưng ta không hiểu rằng chẳng cần phải buông bỏ quá khứ,
chỉ cần ta từ chối không chấp nhận những ảnh hưởng xấu của nó mà thôi.
Điều này là hợp lý và ta hoàn toàn có thể làm được. Như dạo chơi trong
một khu bán hàng, ta có quyền chỉ chọn mua những gì ta thích. Ta không
chối bỏ quá khứ, nhưng ta không có nghĩa vụ phải đau đớn, buồn thương,
căm giận... về quá khứ. Những điều đó chỉ có hại cho hiện tại tươi đẹp
này của ta mà thôi.
Chúng ta cũng tạo dựng nên tương lai bằng chính hiện tại này. Chẳng hạn,
chúng ta không thể chỉ ngồi lo lắng về một viễn ảnh môi trường bị phá
hoại trong tương lai. Như thế không ích lợi gì. Nhưng ta có thể làm một
điều gì đó dù nhỏ nhoi, như chọn dùng những sản phẩm có lợi cho môi
trường, hạn chế việc sử dụng bừa bãi các hóa chất độc hại, giữ vệ sinh
khu phố nơi mình ở... Mỗi việc làm của ta đều góp phần trong việc quyết
định tương lai sẽ như thế nào. Điều quan trọng hơn nữa là khi bắt tay
vào việc như thế, ta đã thật sự sống trong hiện tại của mình. Và nhờ đó
ta mới có thể cảm nhận được niềm vui cuộc sống.
Khi hiểu được rằng cuộc sống chính là hiện tại, ta sẽ không còn muốn phí
thời gian cho quá khứ hoặc tương lai nữa. Ta sẽ muốn dành trọn tất cả
cho hiện tại này. Và chỉ khi đó ta mới cảm nhận được hết những gì đang
xảy đến với ta.
Chúng ta cần học biết cách để quay về hiện tại. Vâng, tôi nói là quay
về, vì có rất nhiều khi chúng ta rời bỏ hiện tại một cách hoàn toàn
không cố ý, nhưng là theo những thói quen cố hữu. Đôi khi, chúng ta dạo
chơi với một cháu bé rất dễ thương trong công viên xinh đẹp. Nhưng ngày
mai ta sẽ có một cuộc họp quan trọng. Và hoàn toàn không cố ý, ta bắt
đầu nghĩ về việc mình sẽ nói gì trong buổi họp, rồi ta hình dung, tưởng
tượng những người khác sẽ nói gì, ta sẽ phản ứng ra sao... Thế là ta rời
bỏ công viên xinh đẹp, rời bỏ cháu bé... Ta không còn biết có giây phút
hiện tại nhiệm mầu ta đang có thể tận hưởng cuộc sống tươi đẹp quanh
mình. Và vì ta không cảm nhận được vẻ đẹp của công viên, nên lúc đó công
viên xinh đẹp này không còn hiện hữu đối với ta. Cháu bé cũng sẽ nhận ra
sự không quan tâm của ta, và cháu chạy đi tìm một niềm vui nơi khác. Có
thể cháu sẽ chơi với vài hòn sỏi, một khóm hoa... Ta cho rằng đó là
những vật vô tri, nhưng chúng đang hiện hữu cùng cháu bé, còn ta tuy
hiện diện nơi ấy nhưng lại hoàn toàn xa cách...
Có thể ta biện minh cho những suy nghĩ của mình là thể hiện tinh thần
trách nhiệm, là do điều này điều nọ... Nhưng tất cả đều không phải là
những lý do có thể chấp nhận được. Không một ông chủ, một cơ quan nào có
quyền chi phối bạn phải mất thêm thời gian ngoài những giờ làm việc quy
định. Nếu bạn là người biết sống trong hiện tại, thời gian bạn dành cho
công việc đã là quá đủ, vì những lúc ấy bạn không nghĩ đến gì khác ngoài
công việc. Nhưng khi bạn dạo chơi thì thời gian dạo chơi đó là của bạn,
nếu bạn dành thời gian ấy để nghĩ đến bất cứ điều gì khác, sẽ không còn
chút ý nghĩa nào của việc dạo chơi.
Đứng về mặt khoa học mà nói thì việc sắp xếp thời gian “giờ nào việc ấy”
là hoàn toàn hợp lý không có gì phải bàn cãi. Nhưng chỉ tiếc là thói
quen của chúng ta thường không theo nề nếp như vậy.
Những lúc như thế, ta phải biết cách nhận ra chính mình và quay về với
hiện tại.
Chúng ta có thể mỉm cười khi tự mình nhận ra sự “lạc đường” này. Nụ cười
của chúng ta báo cho cháu bé biết là ta đã trở về, và cháu có thể tung
tăng chạy đến nô đùa cùng ta. Nụ cười của ta cũng báo cho thảm cỏ xanh,
hàng cây rợp bóng, hồ nước mát... tất cả đều biết là ta đã quay về. Ta
mỉm cười với tất cả và tất cả mỉm cười với ta. Cảnh đẹp bao giờ cũng mỉm
cười, chỉ có ta đã lãng quên đi không nhận ra nụ cười ấy.
Để chắc chắn mình sẽ không rời bỏ hiện tại này một lần nữa, ta có thể
bắt đầu thực tập chừng năm mười hơi thở, hoặc nhiều hơn nếu cần.
Khi ta thở vào, ta biết mình đang hiện hữu nơi đây cùng cháu bé kháu
khỉnh dễ thương và khung cảnh công viên xinh đẹp. Khi ta thở ra, ta biết
là tất cả đều đang hiện hữu cùng ta trong một thực tại nhiệm mầu. Ta
cũng biết là thời gian tồn tại của ta trong cuộc đời này có giới hạn và
rất mong manh. Có thể ngày mai, hoặc chỉ chốc lát nữa đây, ta sẽ không
còn có dịp để tận hưởng cuộc sống này. Và vì thế, ta không nên bỏ phí dù
chỉ là một giây phút thoáng qua.
Các cháu bé còn nhỏ tuổi luôn cho ta những hình ảnh đẹp về cách sống
trong hiện tại. Các cháu không nghĩ về quá khứ, chẳng lo lắng về tương
lai. Khi ở bên ta, các cháu thật sự hiện hữu cùng ta. Khi nô đùa, các
cháu để hết tâm trí vào trò chơi của mình... Điều đó cho thấy bản năng
tự nhiên của chúng ta là sống trong hiện tại. Quá khứ đã để lại những
vết hằn sâu đậm trong ta, và gánh nặng tương lai làm ta không dám ngơi
nghỉ... Những điều đó tạo thành nơi chúng ta một thói quen xa rời hiện
tại, và đánh mất cuộc sống của chính mình, bởi vì cuộc sống chính là
hiện tại. Đã đến lúc chúng ta phải học biết cách sống trong hiện tại để
có thể cảm nhận, tận hưởng được niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống
này.