Đêm giao thừa. Khu xóm tĩnh lặng. Gió lùa qua vườn sau làm lay động những giò phong lan đã mãn khai hoặc còn chớm nụ. Những ngọn đèn đường kiên trì đứng giữa trời sương. Cây bạch đàn đong đưa nhẹ những cành lá trổ đầy hoa. Sương kéo xuống, hơi lạnh ùa vào cửa sổ để hé. Chung trà độc ẩm, nguội thật nhanh trong khi ánh nến lung linh, ấm cúng và khói hương lặng lờ tỏa trong điện Phật.
Trở về với thực tại. Thực tại là đâu? Là giây phút đương hiện, hiện tiền, ngay ở nơi chốn nầy. Nhà thiền gọi là “bây giờ và ở đây.” Thuật ngữ dùng lâu, dùng nhiều, dùng quen, dùng bất cứ ở đâu, dùng bất cứ thời gian nào, đã trở thành sáo ngữ. Có một người để tâm vào hơi thở, đặt tâm vào thân, đặt thân vào nơi chốn và thời gian hiện tại. Có một người như thế hiện hữu trong thời gian và không gian đương hiện hay không? Tâm và thân là một hay hai? Tâm và hơi thở là một hay hai? Hơi thở và thân là một hay hai? Nơi chốn và thời gian là một hay hai? Có một người hay hai người, hoặc nhiều người khác đang cùng hiện hữu trong nơi chốn và thời gian đương hiện hay không? Có sự nhận thức về sự hiện hữu của chính mình cùng lúc với sự hiện hữu của nhiều người khác trong cùng thời gian và nơi chốn hiện tại hay không? Có sự nhận thức chung của tất cả mọi người trong cùng một lúc, một nơi chốn hay không? Nghĩa là mọi người đều biết, ngay nơi giây phút và nơi chốn hiện tại nầy, có mình và người khác, đang ngồi cùng nhau, mỗi người một chung trà uống trong yên lặng, hoặc đang thực hành một khóa lễ tụng kinh theo nghi thức, hoặc đang tuần tự ngồi xuống trên những bồ đoàn đã được sắp xếp ngay ngắn nơi thiền đường. Thực tại đang diễn ra như thế. Có một người và nhiều người đang đặt thân và tâm vào cái đương hiện. Có một sự trình diễn, của một người hay nhiều người, theo thứ tự ngăn nắp của thời gian và không gian, không ai muốn làm trái ngược cái trật tự đã được sắp sẵn từ ngày hôm qua và những ngày trước đó, và sẽ tạm kết thúc ở tương lai vào giờ giấc đã được qui định. Mọi thứ lễ nghi, dù trong hình thức đơn giản nhất, đều được đặt trong một thời khóa biểu, và được thông báo sự khởi đầu hay kết thúc bằng một tiếng chuông hay một tiếng kẻng. Tất cả đều là sự trình diễn của một tập thể nhỏ hoặc lớn, trong cái khung qui định của thời gian và nơi chốn.
Chỉ khi nào không có cá thể hay tập thể đồng lòng làm chung một việc, trong cùng thời gian và nơi chốn; chỉ khi nào không có cá thể hay tập thể tách biệt nhau, mỗi người mỗi ý mỗi việc; chỉ khi nào không có bất cứ sự hiện hữu nào của cá thể và tập thể, bằng thân xác hay tâm thức, dấn mình vào thời khóa biểu của mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, mùa đông, quá khứ, hiện tại, tương lai… thực tại mới là thực tại. Một khi chứng nghiệm thực tại nầy, tất cả đồng hiện trong cảnh giới nhất tâm. Trong nhất tâm, không có sai biệt, không có trật tự của thời gian và không gian. Sai biệt chỉ trình hiện khi một cá ngã khởi sự động chuyển. Và trong sự động chuyển, có sự động chuyển từ đại bi tâm, khác với sự động chuyển từ vô minh.
Trong khoảnh khắc, từ sự khởi xuất của đại bi tâm, nhìn ra muôn ngàn thế giới, nhìn ra vạn loại chúng sinh, cùng lúc đồng hiện: nơi kia, có những người đói khát bò lết trên đường tìm kiếm thức ăn, nơi đây có những người no đủ, thừa mứa, vất bỏ cao lương vào thùng rác; nơi kia có những người co ro, không đủ áo quần và củi lửa sưởi ấm trước cơn giá lạnh, nơi đây có những người chăn êm nệm ấm, hạnh phúc vùi mình trong giấc ngủ an bình; nơi kia có những người gào khóc thảm thiết trước sự biệt ly, chết chóc, nơi đây có những người hạnh phúc ôm chầm lấy nhau trong yêu thương tương ngộ… Chiến tranh, thiên tai, tật bệnh, khủng bố, kỳ thị, đàn áp, cướp bóc, tù đày… khiến cho hàng triệu người thống khổ trên khắp các châu lục, không ngoại trừ một xứ sở nào, dù là quốc gia thịnh vượng tự do nhất. Người ta tìm cách thiết lập lại một trật tự nào đó trong sự rối tung, hỗn loạn của những hệ thống, chính sách chồng xéo, đan bện vào nhau, mà không nhận thức được rằng căn nguyên của hỗn loạn chính là từ sự khởi động của vô minh; và chính vô minh đã bày vẽ ra cảnh giới của mâu thuẫn, loạn động, bất thường, khổ đau. Vô minh còn, thống khổ còn.
Thống khổ không biết khi nào và nơi đâu sẽ cùng tận; nhưng người hành đạo cứu khổ, như quáng nắng bên đường, như sương xuân trên cỏ, như bọt nước lăn tăn đầu ngọn sóng, như ráng chiều tím ngát trời tây phương, lặng lẽ bước đi trên dặm dài không vết tích. Con đường vô tận trải theo thống khổ bất tận. Không ngừng nghỉ. Không mỏi mệt. Âm thầm đi mãi trong vô tận thời gian, vô biên trú xứ…
Đêm trừ tịch đã qua. Nhìn ra cửa sổ vẫn thấy những trụ điện sừng sững vươn lên giữa trời sương. Bầy chim sẻ cất tiếng líu lo nơi cây bạch đàn xanh lá. Lòng nhẹ nhàng. Thư thả bước khỏi điện Phật khi mặt trời vừa lên.