Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt,
luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Lời Tựa
Tứ phần giới bản là con đường rộng lớn mở ra muôn hạnh, là phép tắc chân chính dẫn dắt Ba thừa.[1] Từ khi đấng Pháp Vương xuất thế khế hợp thời cơ, tùy nhân duyên cứu độ chúng sanh, Ngài thể hiện lòng xót thương của bậc thượng thánh, đồng thời cũng buồn tiếc cho sự chìm đắm của hàng tiểu phàm.
Cho nên, mới mở ra môn Bất húy[2], chỉ bày thuật sâu mầu bí mật[3], giảng giáo môn ‘Vô vấn tự thuyết’, hiển rõ con đường thẳng tắt cho người mới học. Do đó, ở nơi vắng vẻ Ngài hưng khởi cội nguồn giáo này, tập chúng để nêu ra phép tắc nhiệm mầu. Trước nói nguyên do, trình bày rộng về công phát khởi; sau nêu ra tông chỉ chính, bao trùm hết thảy mọi căn cơ. Do căn cứ theo thời mà giảng nói hạnh chung, thế là đại chúng tuân hành, hòa hợp, thanh tịnh đồng lắng nghe, nhờ đó chính pháp mới tồn tại dài lâu. Chỉ vì, ba thời đến không tranh cạnh, tình chấp thì biến chuyển, kinh lại dẫn chuyện mộng thấy tấm lụa;[4] luật thì nêu thí dụ cây gậy gãy[5], làm cho giáo tùy theo văn mà phân chia, lí thuận theo tình mà đổi thay. Do đó, hai bộ, năm bộ khác nhau như mây bay lớp lớp; mười tám bộ, năm trăm bộ khác nhau như núi non trùng trùng. Nếu xét đến khởi nguyên chế giới thì đều do tùy chấp tình kiến phân bộ; nhưng nếu xét cho cùng chỗ qui về thì đều thông với chính nghiệp[6].
Đến cuối thời Tào Ngụy (220-265), giới bổn mới truyền vào Trung Quốc.[7] Đến đầu đời Tùy (581-618), thì giới luật đã bị thay đổi nhiều. Trong đó, hoặc có bản vẫn giữ nguyên tiếng Phạn, hoặc đã dịch sang tiếng Hán, hoặc dựa theo ý nghĩa, hoặc căn cứ theo duyên. Song, nếu so sánh đối chiếu các thuyết với nhau thì việc thành tựu thật mờ mịt; dối gạt người trước; che tối người học sau. Về bản tiếng Phạn thì văn và nghĩa trái ngược nhau; còn bản chữ Hán thì văn nghĩa cũng không dung thông. Nếu căn cứ theo luật thì chỉ được phần tông chỉ mà mất phần biện tướng. Theo nghĩa lí mà tìm cầu thì tuy đã hiểu sâu, nhưng vẫn chưa dẹp hết đầu mối tranh luận. Theo duyên mà y cứ thì dường như đều tròn đủ, nhưng chỉ toàn là những kiến giải riêng. Bởi vì chính giới[8], tức những giới điều cấm chế rõ ràng, chỉ có Phật mới ngăn hay cho phép, còn các bậc hiền thánh thì chỉ biết im lặng làm theo. Vì thế, những điều trình bày trong luật luận đều căn cứ theo chính kinh, còn về lời của Phạt hay Đại-Tiểu hiền thánh khác thì chưa từng dám suy lường đến. Nay tổng hợp những kiến giải trên thì thấy phần nhiều đều theo ý mình; còn khảo xét lại duyên xưa thì thật chưa có thời gian. Nay vì giới bổn rộng lược khác nhau, văn thì cục hạn, thì nghĩa ẩn kín, nếu áp dụng thì không đúng oai nghi, mà bỏ qua thì không có nơi y cứ. Nếu không biện rõ tướng thì người khó mà nương theo.
Từ thuở nhỏ tôi đã ngượng mộ đạo mầu, lòng tôn sùng khuôn phép thanh tịnh. Ngày trước tôi đã từng đến các đạo tràng giảng pháp ở kinh đô, dốc lòng tìm thầy cầu học và trải qua nhiều năm miệt mài, chưa một lần rời sách lìa văn, nhưng vẫn cảm khái vì văn nghĩa vẫn còn có chỗ ngăn trệ.
Đến năm Canh Dần, niên hiệu Trinh Quán thứ 4 (630), tôi đi khắp nơi tìm người để luận bàn về Luật tông, nhưng chỉ thấy mọi người luận bàn tạp loạn, chứ chẳng thấy ai suy nghĩ sâu rộng. Lại thấy mọi người chỉ chú trọng việc bàn luận cao xa, còn hành sự dụng thì hoàn toàn không có; vừa mới biết danh từ năm thiên bảy tụ thì đã cho mình là luật sư; hoặc chỉ thuật chỗ hưng phế, hơn kém của giáo và luật, chứ đâu mở được điểm trọng tâm để quyết định chính xác mà tuân theo. Giả như có hỏi đến việc hưng suy của giới luật thì lại khéo nương vào sớ để giải thích. Nếu gạn đến chứng cứ cốt yếu thì không có văn để minh chứng, chỉ một bề ức thuyết. Hoặc có những bậc thông minh thiên phú, học rộng hiểu nhiều, công hạnh và danh tiếng đều vang xa, nhưng trí dụng thì không có chuẩn tắc, tình chấp cách xa như trời đất. Đó là điều làm lòng tôi còn chưa an, bởi nghĩa phải nương vào pháp để xác định, thì dứt hết mọi tranh luận, vậy cần gì phải nhiều lời?
Nay tôi mạo muội nương vào luật bản, trích đủ từ trong chính kinh,[9] nhưng vẫn nương vào lời Phật giải thích, nên gọi là chú thuật. Văn chỉ có một quyển thì đồng với những bản xưa truyền lại; trì và phạm đều trình bày, nên nay và xưa khác biệt. Như vậy ngõ hầu khiến cho người học đã lâu và người mới học sau đều tu tập, bậc trí người ngu đều tuân theo. Người hiểu biết cạn thì có thể thông hiểu đủ ba phẩm trì luật, người đã rành rẽ thì biết đó chính là một đời giáo hóa của Đức Phật. Nếu nương vào đó để tìm cầu thì thành tựu rất lớn.
Lại nữa, vì mỗi giới đều có duyên khởi, nhưng từ xưa lại vọng truyền và phản bác là không có, nếu không hiểu biết rõ ràng thì rốt cuộc cũng chỉ trở về chỗ hư dối mà thôi. Do đó, tùy mỗi giới mà so sánh dẫn chứng, chọn lấy nhũng điểm cốt yếu mà thêm vào; khiến hiển bày giới tướng, thông thạo thứ bậc; giới nặng, giới nhẹ đều được hiện rõ; đủ để tô thân, bồi đức; đủ để giữ gìn Phật pháp, cứu vãn thời cuộc.
Vì thế, đọc văn thì không nên chọn lấy văn sai lầm; tư duy ý nghĩa thì không nương vào nghĩa các sư khác. Được như vậy thì không chỉ tự mình được Thánh quả vô lậu, mà còn cứu giúp cho những ai có duyên; thế nên mới tự ý đặt bút viết lời tựa này vậy.
Kinh biệt giải thoát khó được nghe
Trải qua vô lượng câu-chi[10] kiếp
Tụng đọc thụ trì cũng như thế
Làm theo lời dạy càng khó hơn. QUYỂN 1
Là một bộ luật quan trọng trong sáu bộ luật[11] của ngài Nam Sơn, bắt nguồn từ bộ luật của ngài Đàm-vô-đức.[12] Vào cuối đời Đường ở núi Thái Nhứt, sa môn Đạo Tuyên[13] chú thích.
Cúi đầu lễ chư Phật,
Và Pháp, tì-kheo Tăng
Nay nói pháp tì-ni
Để chánh pháp còn lâu.
Giới như biển không bờ,
Như báu cầu không chán.
Muốn giữ thánh pháp tài
Chúng họp nghe tôi nói.
Muốn trừ bốn pháp khí
Và diệt pháp tăng-tàn.
Ngăn ba mươi xả-đọa,
Chúng họp nghe tôi nói.
Tì-bà-thi, Thức-khí,
Tì-xá, Câu-lưu-tôn,
Câu-na, Hàm-mâu-ni,
Ca-diếp, Thích-ca Văn.
Chư Thế Tôn, Đại đức,
Vì tôi nói việc này.
Nay tôi sắp tụng giới,
Các ngài đều cùng nghe.
Ví như người què chân,
Không thể đi lại được.
Người phá giới cũng vậy,
Không được sinh trời, người
Muốn được sinh lên trời,
Hoặc sinh vào cõi người.
Phải giữ gìn giới chân,
Chớ có để sai phạm.
Như xe vào đường hiểm,
Phòng rớt chốt gãy trục.
Phá giới cũng như thế,
Khi chết lòng lo sợ
Như người tự soi gương,
Đẹp, xấu sinh vui, buồn.
Nói giới cũng như thế,
Tròn, khuyết sanh vui, buồn.
Như hai quân đánh nhau,
Mạnh tiến, yếu rút lui.
Nói giới cũng như thế,
Sạch, nhơ sinh vui, buồn.
Ở đời vua là lớn,
Các dòng, biển là to.
Các sao, trăng là sáng,
Các Thánh, Phật là hơn.
Trong tất cả giới luật,
Giới kinh là hơn hết.
Như Lai lập giới cấm,
Nửa tháng nói một lần.
Bài kệ văn trên do tôn giả Pháp Hộ[14] sáng tác, là bài tựa chung của quảng giáo[15] và lược giáo;[16] cũng là lời khai, trì, hủy trước; là cội gốc để thành tựu hai việc nói và nghe.
Từ hai chữ “hoà hợp” trở xuống là phần chính của hai giáo quảng và lược. Trong phần này tự chia làm ba phần: phần tự, phần chính tông và phần lưu thông.
Hỏi: Tăng tập hợp chưa?
Đáp: Tăng đã tập hợp.
Hỏi: Tăng có hòa hợp không?
Đáp: Tăng đã hòa hợp.
- Hòa hợp
Bấy giờ, có các tì-kheo tri thức cùng thầy, khác bộ thuyết giới chung. Mọi nghi thức đều phải tuân thủ, cung kính làm theo, bố-tát cùng một nơi, hòa hợp nói giới. Nếu làm trái với những điều vừa nêu trên thì mắc tội.
Phật dạy: “Có ba trường hợp hoà hợp: một là đáng đến thì đến; hai là đáng gửi dục thì gửi dục; ba là hiện tiền bị quở trách thì không quở trách”. Nếu trái lại với ba trường hợp này thì phạm lỗi biệt chúng.
- Tăng tập hội
Bấy giờ, có tì-kheo đến ngày thuyết giới, hoặc đang ở trong cương giới, hoặc đang ở trong giới trường nhưng không chịu đến nơi thuyết giới. Phật dạy: “Phải gọi vị ấy đến và nhắc nhở. Đó là lời chỉ dạy của Ta.” Nếu tì-kheo nào đã ra ngoài cương giới, hoặc đã đến nơi thuyết giới nhưng không chịu ngồi thì cứ y như pháp xử trị người đó.
Từ nay trở đi, tuỳ theo trú xứ, đến ngày thuyết giới, tất cả tì-kheo phải đến nhà bố-tát trước, quét dọn, trải toạ cụ, châm dầu, đốt đèn và chuẩn bị thẻ[17] v.v… nếu có khác tì-kheo khách đến, đủ bốn người, hoặc hơn bốn người thì nên tiến hành tác pháp yết-ma thuyết giới. Nếu chỉ có một người thì nên tâm niệm thanh tịnh. Nếu có người biệt chúng thuyết giới thì nên xử trị đúng như pháp.
Hỏi: Người chưa thọ giới cụ túc đã ra chưa?
Đáp: Trong đây không có người chưa thụ giới cụ túc (Nếu có và đã ra thì đáp: Người chưa thụ giới cụ túc đã ra)
Bấy giờ, có tì-kheo xúi giục tì-kheo khác ngăn việc thuyết giới. Phật đều bảo họ đến nơi không thấy không nghe. Ngoại trừ người chưa thọ đại giới ra, nếu phi nhân[18] đến thì cho phép. Không được ở trước ni chúng mà tác pháp thuyết giới.
Hỏi: Những tì-kheo không đến có thuyết dục[19] và thanh tịnh không?
Đáp: Có người thuyết dục và thanh tịnh.
- Bạch Đại đức Tăng, tì-kheo tên…… vì việc Tăng như pháp, có gửi ý muốn và thanh tịnh cho tôi, tôi đã nhận ý muốn và thanh tịnh.
Thượng tọa nói: Thiện
Người nhận dục đáp: Nhĩ.
Nếu không có người gửi ý muốn thì đáp: Trong đây không có tì-kheo gửi ý muốn và thanh tịnh.
Bấy giờ, đến ngày thuyết giới, có tì-kheo bị bệnh, hoặc người nuôi bệnh và người làm việc cho Tam bảo không đến nghe giới. Đức Phật dạy: “Phải gửi dục và thanh tịnh.” Tuỳ theo từng trường hợp hoặc nói nhiều hoặc nói ít. Nếu không thể hiện bằng thân tướng, hoặc không nói thì việc gửi dục không thành. Hoặc người bị bệnh nặng nếu khiên đến trong tăng thì sợ bệnh nặng thêm. Hoặc ra ngoài đại giới tác pháp, vì không có phương tiện nên có thể được phép biệt chúng tác pháp yết-ma thuyết giới.
Hỏi: Chúng Tì-kheo-ni có sai người đến xin giáo giới không?
Đáp: Trong đây có Tì-kheo-ni đến thỉnh giáo giới.
Hoặc đáp: Trong đây không có tì-kheo-ni đến thỉnh giáo giới.
Đức Phật dạy: “Nếu có thì người đó phải đứng lên và bạch rằng: ‘Tì-kheo-ni tăng hòa hợp đảnh lễ dưới chân tì-kheo tăng.’” Điều này được trình bày đầy đủ như trong bộ San Bổ Yết-ma. Nếu không có người đến thì trả lời rằng: “Không có tì-kheo-ni đến xin giáo giới.”
Hỏi: Nay tăng hoà hợp để làm gì?
Đáp: Yết-ma thuyết giới.
Đức Phật dạy: “Đến ngày thuyết giới không một ai được ở trong phòng.” Tì-kheo ngồi bên cạnh phải kiểm tra nhau xem ai đến ai không đến. Phải bạch trước, sau đó mới thuyết giới. Nếu tì-kheo si mê nói trước rằng: ‘Tôi không thuộc giới, có chỗ bị quên,’thì việc thuyết giới không thành. Phải nương theo người thông thuộc giới, hoặc nương tựa với tì-kheo năm hạ thuộc lòng giới khiến được lợi ích, hoặc đến y chỉ với tì-kheo khác để học thông suốt lời tựa của giới kinh, cho đến những pháp khác. Khi trở về trú xứ cũ theo thứ tự lần lượt nói tiếp, không nên tụng lại. Nếu không thể tụng được thì chỉ nói pháp, tụng kinh rồi giải tán. Nếu không làm như thế thì như pháp mà trị.
- Đại đức tăng lắng nghe! Hôm nay ngày thứ 15, Tăng bố-tát thuyết giới nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng bằng lòng bố-tát thuyết giới. Bạch như thế!
Phật dạy: “Phải tùy theo pháp luật nhà vua ban, hoặc 14 ngày, hoặc 15 ngày nên theo cách đó mà tính ngày. Hoặc trắng, hoặc đen, mỗi kỳ có 15 ngày, tùy theo tháng mà nói. Nếu có đủ bốn người thì nên làm pháp bạch như thế. Nếu chỉ có ba người, dưới ba người nên tam ngữ thuyết giới.[20]
- Các Đại đức! Nay tôi sắp nói Ba-la-đề-mộc-xoa.[21]
Đức Phật dạy: “Vì người mới thọ giới chưa nghe giới cho nên không biết học gì.” Vì thế Đức Phật cho phép chư tì-kheo tập họp lại một nơi, hòa hợp thuyết giới.
Ba-la-đề-mộc-xoa là giới. Tự giữ gìn oai nghi, trú xứ, hành, căn, đầu mặt, tập các thiện pháp, thành tựu tam-muội, phải kết, phải nói, phải tự nói tội, phải giảng giải, mở bày, lặp lại, phân biệt.
- Chư tì-kheo cùng tụ tập ở một nơi.
Đức Phật dạy: “Những người cùng làm yết-ma thì phải tụ tập tại một nơi, cho đến người đáng trách không trách.” Đó gọi là như pháp. Nếu chúng đông nhiều mà âm thanh nhỏ, e không nghe rõ thì nên thiết tòa cao rồi đứng trên đó mà thuyết giới. Nếu gặp tám nạn và những lý do khác thì tùy thời gian có thể nói tóm lược. Nếu có tì-kheo khách tụ tập ở ngoài cương giới đã lâu, tuỳ theo số lượng nhiều-ít; khi đó đã nói hết lời tựa của giới kinh mà những người kia nói thanh tịnh thì cho phép được vào cùng nghe giới. Ngoài ra, những trường hợp khác như trong luật đã nói rõ.
- Các ngài phải lắng nghe cho kĩ, nhớ nghĩ cho hay.
Phật dạy: “Phải lắng lòng chuyên tâm nghe pháp.”
- Nếu tự biết mình có phạm thì phải tự phát lồ sám hối.
Phật dạy: “Đó là trường hợp đã phạm nhưng chưa sám hối.” Có hai hạng người trí: đó là người tự biết mình có tội và người biết mình có tội rồi như pháp mà sám hối. Nếu muốn sám hối phải đến trước mặt tì-kheo thanh tịnh nói rõ những tội mình phạm. Như pháp trừ tội xong mới được phép nghe giới. Cho đến có sự nghi ngờ với tội đã phạm, cũng như thế mà nói. Nếu Tăng đều phạm, không có người đáng để sám hối, thì không kể là người biết hay người si, phải bạch sám hối rồi sau mới thuyết giới.
- Nếu không phạm thì im lặng. Vì im lặng nên biết chư Đại Đức đều thanh tịnh.
Phật dạy: “Người không phạm có hai trường: vốn không phạm; hoặc phạm mà đã sám hối rồi .”
- Nếu có người hỏi cũng nên trả lời như thế.
Phật dạy: “Như hai tì-kheo hỏi đáp nhau.”
- Tì-kheo như thế ở trong chúng hỏi đến lần thứ ba, nếu nhớ biết có tội nhưng không chịu sám hối thì mắc tội cố ý nói dối. Phật nói người nói dối thì làm trở ngại đạo pháp.
Phật dạy: “Khi Tăng thuyết giới, im lặng là nói dối nên phạm tội đột kiết la.”
Trở ngại đạo: ngăn ngại tứ thiền,[22] tam không,[23] tứ quả.[24] Phật bảo các thầy tì-kheo: “Giống như biển lớn kia không bao giờ dung chứa xác chết, giả sử có cũng bị trôi dạt ra ngoài. Pháp của Ta cũng như thế, không dung chứa xác chết.”
Tử thi là dụ cho những người không phải sa-môn phạm hạnh mà tự cho mình là sa môn phạm hạnh, phạm giới, ác pháp, bất tịnh, uế ô, tà kiến, che dấu, bên trong đã mục rã, bên ngoài hiện thanh tịnh hoàn hảo. Giống như cây mọc giữa đồng trống, dù ở trong chúng nhưng luôn cách xa chúng, chúng cũng thường xa cách người kia, cho nên người biết sám hối tội mới được nghe giới.
- Nếu tì-kheo nhớ biết mình có tội muốn được thanh tịnh thì nên sám hối. Sám hối thì được an vui.
Phật dạy: “Vì giới học thanh tịnh nên liền được thanh tịnh định, tuệ, gọi là đạt được thiền quả và được an vui.
- Này chư đại đức! Tôi đã nói lời tựa của giới kinh. Nay hỏi chư Đại đức trong đây thanh tịnh không?(hỏi 3 lần). Chư Đại đức trong đây thanh tịnh vì im lặng. Việc ấy tôi xin ghi nhận như vậy.
Từ đầu đến đoạn này là nói rõ riêng về lời tự. Còn phần văn sau tức nói rõ về phần chánh tông.
- Bạch các Đại đức! Đây là bốn pháp ba-la-di[25] trích trong giới, nửa tháng nói một lần.
1. Giới Dâm
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở tại nước Tỳ-xá-ly. Bấy giờ, Tu-đề-na-tử vì tin Phật mà xuất gia. Một thời gian sau thầy trở về làng cũ rồi cùng với người vợ cũ làm việc bất tịnh. Các tì-kheo biết việc ấy và nói với Tu-đề-na rằng: “Thầy phải ở trong chánh pháp thanh tịnh của Như Lai, đối với pháp dâm dục mà không khởi dục thì mới có thể đoạn trừ lòng khát ái, phá hoại hang ổ, trừ dứt mọi trói buộc, lòng ái dục đã dập tắt hết thì niết-bàn hiển hiện, tại sao thầy lại làm việc xấu ác như thế?” Vì thế các tì-kheo đem việc ấy bạch Phật. Phật liền cho tập hợp chúng Tăng, Ngài biết đến lúc phải thuyết giới và vị tì-kheo kia tự nhận lỗi rồi. Đức Phật quở trách rằng: “Việc làm của thầy là sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải sa-môn, chẳng phải hạnh thanh tịnh, không phải hạnh tùy thuận, việc ấy không nên làm.”
Phật lại bảo các tì-kheo: “Ta dùng vô số phương tiện nói pháp đoạn trừ dâm dục, thoát khỏi sự trói buộc của luyến ái.” Phật lại nói: “Pháp dâm dục này giống như lửa, như đuốc, cũng giống như dao, như kích.” Đức Phật quở trách như thế rồi nói: “Đây là người si mê, có nhiều hạt giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới. Nay Ta phải kết giới.” Vì thế Ngài cho tập hợp đại chúng lại nói mười lý do mà Phật phải kết giới.
1. Thống nhiếp trong Tăng.
2. Làm cho Tăng vui vẻ.
3. Làm cho Tăng yên ổn.
4. Người chưa tin làm cho được tin.
5. Người đã tin thì làm cho lòng tin lớn thêm.
6. Người khó điều phục làm cho được điều phục.
7. Làm cho người có hổ thẹn được vui vẻ.
8. Đoạn trừ pháp hữu lậu hiện tại.
9. Đoạn trừ pháp hữu lậu vị lai.
10. Làm cho chánh pháp tồn tại lâu.
Khi chế những giới khác cũng lấy mười điều này làm tiêu chuẩn. Tất cả những giới sau đều lược bớt không nêu mười điều này. Nhưng khi muốn thuyết giới phải nói như thế.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, cùng với tì-kheo đồng giới, không hoàn giới, giới sút kém, không tự phát lồ, cho đến loài súc sanh, phạm bất tịnh hạnh; tì-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.
c. Giải thích
- Tì-kheo: Đức Phật nói có tám loại tì-kheo: 1. Danh tự tì-kheo; 2. Tương tự tì-kheo; 3. Tự xưng tì-kheo; 4. Khất cầu tì-kheo; 5. Trước cát tiệt tì-kheo; 6. Phá kiết sử tì-kheo; 7. Thiện lai tì-kheo; 8. Bạch tứ như pháp thành tựu xứ sở tì-kheo.
Trong tám loại tì-kheo này chỉ có trường hợp khi thọ đại giới làm pháp bạch tứ yết-ma, như pháp thành tựu đắc xứ sở, trụ trong pháp của tì-kheo. Đó là ý nghĩa của hai chữ ‘tì-kheo’.
- Cùng tì-kheo: Đức Phật dạy: “Nếu có tì-kheo cùng với tì-kheo khác thọ đại giới, bạch tứ yết-ma, cho đến trụ trong pháp của tì-kheo.” Đó là nghĩa của ba chữ ‘cùng tì-kheo’.
- Đồng giới: Đức Phật dạy: “Ta đã vì hàng đệ tử mà kết giới rồi, thà chết chớ để sai phạm.” Trong đây nói cùng với tì-kheo khác nhất giới, đồng giới, đẳng giới. Đó là nghĩa của hai chữ ‘đồng giới’.
- Nếu không hoàn giới: Đức Phật dạy: “Nếu có tì-kheo không thích đời sống phạm hạnh thì cho phép vị ấy xả giới hoàn tục trở về nhà. Sau đó, nếu muốn xuất gia lại ở trong Phật pháp tu hành phạm hạnh thì nên độ cho xuất gia thọ đại giới.” Vì sao không gọi là xả giới? Hoặc người ấy điên cuồng, hoặc tâm loạn, hoặc thống não, hoặc câm, điếc. Nếu đến trước những hạng người như thế và những người xung quanh mà cùng nhau nói xả giới thì việc xả giới ấy không thành. Hoặc nói giỡn, hoặc ngủ quên, hoặc người không có trí, hoặc không phải tự nói, hoặc đối trước người không hiểu thì việc xả giới ấy không thành. Nếu nói tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng, bỏ hòa thượng, bỏ giới luật, tôi thích đời sống tại gia, thì đó gọi là xả giới.
- Giới ốm không tự hối: Đức Phật dạy: “Thế nào gọi là giới ốm không xả giới? Nếu có tì-kheo thường ôm lòng sầu muộn, không thích đời sống phạm hạnh, chán chường đời sống của một tì-kheo, có ý muốn trở về đời sống tại gia. Liền nói: ‘Tôi nhớ cha mẹ, vợ con, bà con, thôn làng, thành ấp, ruộng vườn và tài sản. Tôi muốn bỏ Phật cho đến bỏ học xứ v.v…’ Nếu có suy nghĩ như vậy rồi nói, nay tôi xả giới. Đó là giới ốm thành xả.”
- Phạm bất tịnh hạnh: Đức Phật dạy: “Đó là pháp dâm dục. Đối với người nam thì có hai đường, đối với người nữ thì có ba đường. Nếu từ đường vào đúng đường, từ đường vào không phải đường, từ không phải đường vào đúng đường. Hoặc mới vừa chạm vào, hoặc vào hết, cho đến vào chừng bằng đầu sợi lông tất cả đều ba-la-di.”
- Cho đến cùng với súc sanh: Đức Phật dạy: “Đó là bộ phận có thể hành dâm.” Có ba đối tượng có thể hành dâm: nhân, phi nhân[26] và súc sanh. Lại có năm đối tượng hành dâm: phụ nữ, đồng nữ,[27] nhị hình,[28] huỳnh môn,[29] nam tử. Nếu tì-kheo có ý dâm dục đến trước những đối tượng kia, hoặc hành dâm trong hai đường, ba đường thì lúc mới vào liền phạm. Nếu có vật ngăn cách cũng phạm. Hoặc hành dâm với người ngủ quên, hoặc xác chết chưa phân hủy, hoặc phần lớn thân thể chưa hư hoại mà hành dâm nơi hai đường, ba đường thì mới vừa vào liền phạm. Như thế nói rộng ra. Nếu tì-kheo bị oan gia bắt đem trước đối tượng hành dâm cưỡng ép làm việc dâm dục vào hai đường ba đường, lúc mới vào có cảm giác ưa thích thì phạm, không có tâm ưa thích thì không phạm. Trường hợp có vật ngăn cách, không có vật ngăn cách, tất cả giống như trên đã nói. Nếu tì-kheo bị oan gia cưỡng bắt ép làm việc dâm dục mà có tâm ưa thích, không có tâm ưa thích, có vật ngăn cách, không có vật ngăn cách, đều giống như trên đã nói.
- Tì-kheo đó ba-la-di: Đức Phật dạy: “Giống như người bị đứt đầu không thể mọc lại. Tì-kheo cũng như thế, khi phạm giới này rồi thì không trở lại làm tì-kheo như pháp, vì vậy nên gọi là ba-la-di.”
Nếu tì-kheo tìm cách làm muốn làm việc bất tịnh, việc thành thì phạm ba-la-di; không thành thì phạm thâu-lan-giá.[30] Hoặc chỉ bày tì-kheo làm việc bất tịnh, nếu người kia làm theo thì người dạy mắc tội thâu-lan-giá, nếu người kia không làm theo thì phạm tội đột-kiết-la. Trừ tì-kheo và Tì-kheo-ni ra, nếu chỉ bày cho những chúng khác mà họ làm, hoặc không làm, thì tất cả đều phạm đột-kiết-la.
Hoặc đối với thân thể đã tan rã một nửa, hoặc đã tan rã hết, hoặc giữa hai đốt xương, hoặc ở nơi lỗ đất, hoặc ở nơi lỗ bùn mà làm việc bất tịnh thì đều phạm thâu-lan-giá. Hoặc đúng đường, hoặc tưởng là đường, hoặc nghi, hoặc tưởng không phải đường tất cả đều ba-la-di.
Hoặc không phải đường, hoặc tưởng đường, hoặc nghi đường tất cả đều phạm thâu-lan-giá. Tì-kheo-ni phạm ba-la-di. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni thì phạm đột-kiết-la. Những ai đã phạm những lỗi như đã nêu thì bị diệt tẩn.[31] Đây là trường hợp phạm.
- Trường hợp không phạm: Hoặc ngủ quên không hay biết, không thọ lạc, hoàn toàn không có ý dâm.
- Người không phạm: Người đầu tiên khi Phật chưa chế giới, người cuồng si, người loạn tâm, người bị khổ não bức bách.
- Không ở chung: Phật dạy: “Có hai hình thức ở chung: cùng một yết-ma, cùng một nơi thuyết giới. Không được tham dự vào hai việc ấy cho nên gọi là không được ở chung.”
2. Giới Trộm
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở tại thành La-duyệt. Bấy giờ, tì-kheo Đàn-ni-ca ngồi thiền trong một am cỏ nơi vắng vẻ. Một hôm, tôn giả vào thành khất thực, khi trở về thì thấy thảo am của mình bị người dỡ lấy làm củi. Vì thế, tôn giả liền làm một ngôi thất khác toàn bằng đất nung. Phật biết việc ấy liền cho người đến đập bỏ. Sau đó, tôn giả lại nói dối là vua cho phép lấy tùy ý chặt lấy gỗ. Vì việc này làm cho vị quan giữ cây bị bắt giữ. Sau khi sự việc được làm rõ tôn giả vua, đại thần của vua, nhân dân quở trách và đuổi ra khỏi thôn không cho trở lại. Chư tì-kheo biết được việc ấy bạch Phật. Nhân việc đó, theo như trên Phật chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, nơi thôn xóm hay chỗ trống vắng, với tâm trộm cắp, lấy vật không được cho. Tùy theo vật không được cho mà lấy, hoặc bị vua hay đại thần của vua bắt, hoặc giết, hoặc trói, hoặc đuổi ra khỏi nước, rằng “ngươi là giặc, ngươi ngu si, ngươi không biết gì.” Tì-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.
c. Giải thích
- Tì-kheo: Nghĩa như trên đã giải thích.
- Nơi thôn xóm: thôn thì có bốn loại: 1. Bốn phía đều có tường bao; 2. Có hàng rào bao quanh; 3. Có tường và rào nhưng không giáp vòng; 4. Bốn phía đều có nhà.
- Hoặc ở nơi vắng vẻ: tức vùng đất trống và vắng vẻ ở ngoài thôn.
Xứ:[32] là những nơi như: hoặc dưới lòng đất, hoặc trên mặt đất, hoặc để trong xe, hoặc vác trên vai, hoặc trong không trung, hoặc trên móc giá áo, hoặc để trong xóm, hoặc a-lan-nhã,[33] hoặc trên đồng ruộng, hoặc xứ sở,[34] hoặc trên ghe thuyền, hoặc trên sông nước, hoặc qua đò không nộp thuế, hoặc người gửi vật rồi mình chiếm lấy không trả lại, hoặc lấy nước, hoặc lấy dương chi,[35] hoặc lấy hoa quả cỏ cây, hoặc chúng sinh không chân, hoặc chúng sinh hai chân, bốn chân và nhiều chân, hoặc tài sản chung, hoặc cùng giao ước, hoặc dò xét, hoặc giữ gìn, hoặc đường vòng. Đó gọi là xứ.
- Không cho: không phải vật người vất bỏ, hoặc tưởng là vật của người, tưởng có người gìn giữ, tưởng có chủ, không phải vật của mình, dùng tạm, không được sự đồng ý.
- Lấy bằng tâm trộm: lấy bằng tâm trộm thì có năm loại: tâm đen tối, tâm tà, tâm quanh co, tâm sợ hãi, tâm thường muốn trộm của người. Lại có năm cách trộm: quyết định lấy, lấy với tâm sợ hãi, lấy vật của người gửi, thấy lấy liền, lấy vật do người giao lại. Hoặc dựa vào thế lực của người thân, hoặc dùng lời nói thuyết phục làm người cuồng loạn rồi lấy.
- Tùy vật không cho mà lấy: vì theo pháp luật của nhà vua; nếu lấy năm tiền, hoặc vật có trị giá bằng năm tiền, nếu lấy những vật có giá trị như thế thì mắc tội chết. Đức Phật theo vương pháp, nếu trộm đủ năm tiền thì phạm tội nặng.
- Hoặc bị Vua: Vua là người được tự do, không bị người khác ràng buộc.
- Đại thần của vua: Đại Thần là những người phụ giúp cho vua.
- Bị bắt, hoặc giết, hoặc trói, hoặc đuổi ra khỏi nước, rằng ‘ông là giặc, ngươi ngu si, ngươi không biết gì. Tì-kheo ấy là ba-la-di.
Tì-kheo như trên đã giải thích. Được vật ở các nơi. Nếu trộm đúng năm tiền, hoặc hơn năm tiền thì phạm ba-la-di. Phương tiền trộm thì phạm thâu-lan-giá. Nếu trộm dưới năm tiền thì phạm thâu-lan-giá. Nếu trộm mà không được thì phạm đột-kiết-la. Dạy người trộm lấy, nếu người kia lấy được vật thì cả hai đều phạm ba-la-di. Nếu người được chỉ bày kia tự ý lấy vật khác, hoặc lấy vật ở chỗ khác, thì người lấy phạm tội nặng, người dạy phạm thâu-lan-giá. Nếu người bị sai lấy vật, người bị sai không có tâm trộm, thì người sai phạm ba-la-di, người bị sai không phạm. Hoặc sai người lấy vật; người được sai lấy trộm, thì người nhận sai phạm tội nặng, người sai không phạm. Tưởng có chủ thì phạm tội nặng, hoặc nghi thì phạm thâu-lan-giá; vật không có chủ mà tưởng có chủ, nghi có chủ thì phạm thâu-lan-giá.
Tì-kheo-ni và bốn chúng v.v... đều giống như giới trên đã nói.
- Trường hợp không phạm: vì tưởng cho mình nên lấy, tưởng mình có, hoặc tưởng đồ vất bỏ, hoặc tưởng của người thân.
- Không được ở chung: nghĩa như trên đã giải thích.
3. Giới Sát
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở tại thành Tỳ-xá-li. Bấy giờ, Đức Phật dạy chư tì-kheo quán bất tịnh.[36] Các thầy tì-kheo kia tu tập định quán sát rồi, sinh ra nhàm chán thân mạng này, nên mới khen ngợi việc chết, khuyên người chết. Khi ấy, có tì-kheo Nan-đề nhận lời giết người mướn, hàng cư sĩ vô cùng hoảng sợ trước việc làm này. Phật cũng biết được việc đó liền dạy cho chư tì-kheo phương pháp thiền quán. Các thầy tì-kheo thực hành theo và tất cả đều chứng A-la-hán. Nhân đó, Đức Phật quở trách lỗi trước và chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, cố ý tự tay dứt sinh mạng người, cầm dao đưa người, khen ngợi sự chết, khuyến khích cho chết, nói: ‘Này nam tử ích gì cuộc sống xấu ác này, thà chết còn hơn sống!’ Với tâm tư như vậy, dùng mọi phương tiện khen ngợi sự chết, khuyến khích cho chết; tì-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.
c. Giải thích
- Tì-kheo nào, cố ý tự tay dứt: đó là hành động sát hại. Hoặc tự mình giết, hoặc sai người giết, hoặc sai người giết, hoặc sai người đi và về mà giết, hoặc trùng sứ[37] mà giết, hoặc sai sứ luân chuyển[38] giết, hoặc nhờ người nam giết, hoặc sai người tìm người nam để nhờ giết, hoặc cầu người cầm giao giết, hoặc sai người tìm người cầm dao giết, hoặc thể hiện bằng thân tướng, hoặc miệng nói, hoặc thể hiện qua thân và miệng, hoặc sai người khen ngợi, hoặc sai người đưa thư, hoặc dạy người đưa thư, hoặc giết bằng hầm hố, hoặc ỷ phạt,[39] hoặc đưa thuốc, hoặc đưa dụng cụ tự sát và các cách giết khác.
- Mạng người: đoạn từ thức đầu đến thức cuối gọi là đoạn mạng người.
Cầm dao đưa cho người, khen ngợi người chết, khuyến khích người chết: ‘Này nam tử! Cần gì đời sống xấu ác này, thà chết hơn sống’! Khởi tâm như thế, tìm nhiều cách khen ngợi người chết, khuyến khích người chết, tì-kheo ấy ba-la-di: nếu giết người bằng những cách như trên mà người không chết thì phạm thâu-lan-giá. Hoặc giết phi nhân, hoặc giết súc sinh có trí hiểu được tiếng người, hoặc súc sinh có thể biến hình, phương tiện giết, đều phạm thâu-lan-giá; không chết phạm tội đột-kiết-la. Nếu giết súc sinh có thể biến hình thì phạm ba-dật-đề; thật là người mà tưởng là người thì phạm ba-la-di; tưởng, nghi không phải người thì phạm thâu-lan-giá. Bốn chúng phạm tướng giống như trên đã nói.
- Trường hợp không phạm: ném dao, gậy, ngói, đá, trúng nhằm làm chết người, hoặc do xây cất phòng xá lỡ rớt cây, đá mà chết, hoặc dìu người bịnh ra vào phòng; tất cả những trường hợp ấy đều không có tâm hại mà người kia bị chết thì đều không phạm.
- Không được ở chung: nghĩa như trên.
4. Giới Đại Vọng Ngữ
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở tại thành Tỳ-xá-ly. Bấy giờ, gặp lúc mất mùa lương thực quí hiếm, các thầy tì-kheo khất thực khó được thức ăn. Khi ấy, có một số tì-kheo an cư bên sông Bà-cầu mới khen nhau là đắc pháp của bậc thượng nhân. Nghe vậy, hàng cư sĩ có tín tâm giảm bớt phần ăn của gia đình đem dâng cúng cho những vị ấy. Sau mùa an cư những vị này về thăm Phật, theo thường lệ Đức Phật hỏi việc an cư tu tập trong ba tháng, nhân đó biết được việc kia, vì thế Phật quở trách và chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, thật không sở tri mà tự xưng rằng: ‘Tôi chứng đắc pháp thượng nhân, tôi biết như vậy, tôi thấy như vậy.’ Vào lúc khác, tì-kheo ấy hoặc bị người cật vấn, hoặc không người cật vấn, muốn tự thanh tịnh nên nói như vầy: ‘Tôi thật không biết, không thấy, mà nói có thấy có biết, nói lời hư dối vọng ngữ,’ trừ tăng thượng mạn, tì-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.
c. Giải thích
- Tì-kheo nào, thật không có sở tri: nghĩa là thật không có hiểu biết gì về pháp.
- Tự nói rằng: ‘Tôi đắc pháp của bậc thượng nhân…: tự nói có tín, có giới, có thí, có văn, có trí, có tuệ và biện tài hơn người. Pháp của con người là: ấm của con người, giới của con người và nhập của con người. Thượng nhân pháp là: là những pháp có công năng làm cho xuất li, thành tựu đạo quả.
- Tôi đã vào pháp thù thắng của bậc thánh: tự nói tôi có niệm tại thân, nhớ nghĩ chân chính, giữ giới nghiêm mật, có dục, không buông lung, siêng năng, được định, thụ dụng chân chính, có đạo, có sự tu, có tuệ, có kiíến, có đắc và có quả.
- Tôi biết điều đó, tôi thấy điều đó: hoặc nói trời, rồng, quỉ, thần đến cúng dường cho tôi. Hoặc nói tôi đắc pháp quán bất tịnh, tứ thiền và tứ không định[40] v.v…
- Vào thời gian khác, người kia hoặc bị người hỏi, hoặc không bị người hỏi, tự muốn được thanh tịnh mà nói rằng: ‘Tôi thật không biết, không thấy mà nói biết, nói thấy’: ý muốn rồi sau đó hối hận lỗi trước, dùng thật chuyển thànhh hư. Bởi miệng tạo nghiệp cho nên khi nói xong thì liền mắc tội nặng.
- Trừ tăng thượng mạn: tì-kheo có tâm kiêu mạn tự nói mình đắc đạo nhưng sau đó vị ấy tinh tấn tu hành đắc được quả A-la-hán, sinh tâm phân vân liền đem việc ấy hỏi Đức Phật. Phật dạy: ‘Người tăng thượng mạn thì không phạm.’
- Tì-kheo đó ba-la-di: nếu biết việc ấy là không thật mà cố ý nói với người, người nghe hiểu được thì phạm ba-la-di; người kia không hiểu thì phạm thâu-lan-giá. Hoặc ra dấu bằng tay, hoặc sai sứ, hoặc đưa thư, hoặc ra dấu, nếu người kia biết thì phạm cũng như thế. Nếu nói với súc sinh không thể biến hình thì phạm đột-kiết-la. Còn nói với bốn chúng dưới thì giống như trước đã trình bày.
- Trường hợp không phạm: người tăng thượng mạn, hoặc mắc nghiệp báo, hoặc không nói tôi được, hoặc nói đùa, hoặc nói nhanh, hoặc nói mập mờ, hoặc định nói việc này lại nói nhầm việc kia.
- Không được ở chung.
Chư đại đức! Tôi đã nói bốn pháp Ba-la-di. Nếu tì-kheo nào phạm pháp nào trong bốn pháp Ba-la-di thì không được sống chung với chư tì-kheo. Như trước, sau cũng như thế. Tì-kheo đó mắc ba-la-di không được sống chung. Nay hỏi chư Đại đức trong đây thanh tịnh không (3 lần). Chư Đại đức trong đây thanh tịnh vì im lặng. Việc này tôi xin ghi nhận như vậy.
Chư Đại đức! Đây là mười ba pháp Tăng-già-bà-thi-sa nửa tháng nửa tháng nói một lần, trong giới kinh chép ra.
1. Giới Cố Ý Xuất Chất Bất Tịnh
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật du hành đến thành Xá-vệ. Bấy giờ, tì-kheo Ca-lưu-đà-di vì dục tâm lẫy lừng, thân hình tiều tuỵ, thầy ở riêng một mình trong một phòng, giường tốt chăn êm, dưới đất thì trải tọa cụ, ăn uống đầy đủ, theo ý thích vọc âm xuất tinh, các căn xướng thích, nhan sắc hồng hào. Các thầy tì-kheo biết được, đem việc ấy bạch Phật. Phật dùng vô số phương tiện quở trách tì-kheo Ca-lưu-đà-di rồi, đồng thời chế ra giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, cố ý vọc âm cho xuất tinh, trừ chiêm bao, tăng-già-bà-thi-sa.
c. Giải thích
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Cố ý vọc âm xuất tinh: thật tâm có ý cố làm ra chất bất tịnh. Tiền cảnh thì có sáu trường hợp: hoặc đối với nội sắc, ngoại sắc, nội ngoại sắc, hoặc nước, hoặc gió, hoặc là không. Tùy theo cách làm, nếu xuất chất bất tịnh thì liền phạm.
- Trừ trong mộng: Đức Phật dạy: “Người ngủ với ý loạn động thì có năm lỗi: một là thấy ác mộng; hai là chư thiên không bảo hộ; ba là tâm không vào pháp; bốn là không nghĩ đến tướng sáng và năm là trong mộng bị xuất tinh. Nếu khéo nhiếp ý mà ngủ thì có được năm công đức, tức trái lại với năm điều bất lợi trên.
- Tăng-gia-bà-thi-sa: nếu phương tiện vọc âm mà không bị xuất tinh thì phạm thâu-lan-giá. Tì-kheo tự làm, chỉ bày người làm, nếu xuất tinh thì phạm thâu-lan-giá; nếu không xuất tinh thì phạm đột-kiết-la; Tì-kheo-ni thì phạm ba-dật-đề; ba chúng dưới thì phạm đột-kiết-la.
- Trường hợp không phạm: tất cả những hành động đều không có ý làm xuất tinh.
2. Giới Xúc Chạm Người Nữ
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, tì-kheo Ca-lưu-đà-di vì Phật trước đã chế giới, thầy ở trong, ngoài cổng đợi những phụ nữ đến rồi dẫn vào phòng nắm tay, sờ mó; người thích thì cười giỡn, người không thích thì nổi nóng, mắng chởi, nhục mạ. Các thầy tì-kheo đem lỗi ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật liền cho tập hợp Tăng và chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, với ý dâm dục, cùng người nữ thân xúc chạm nhau, hoặc nắm tay, hoặc nắm tóc, hoặc xúc chạm mỗi một thân phần, tăng-già-bà-thi-sa.
c. Giải thích
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Có ý dâm dục: tâm ái nhiễm và ô uế.
- Cùng với người nữ: nghĩa là đối tượng thì có bốn loại: thức, ngủ, mới chết và hỷ hoại một ít phần.
- Thân: từ tóc đến chân.
- Xúc chạm nhau: hoặc nắm, xoa, xoa mạnh, hoặc kéo tới, hoặc đẩy lui, hoặc xoa thuận, hoặc xoa nghịch, hoặc đưa lên, hoặc vuốt xuống, hoặc nắm, hoặc đè, hoặc làm những hành động xúc chạm khác.
- Hoặc nắm tay, hoặc nắm tay, hoặc xúc chạm toàn thể thân phần, tăng-già-bà-thi-sa: nếu xúc chạm bốn hạng người nữ mà có tâm đắm trước thì liền phạm tăng-tàn. Nếu người nữ xúc chạm tì-kheo mà tì-kheo động thân thì cũng phạm như vậy. Nếu không động thân thì chỉ phạm đột-kiết-la. Trước có nhiễm tâm thì phạm thâu-lan-giá; xúc chạm nhau mà có y ngăn cách thì phạm thâu-lan-giá; cả hai đều có y thì đều phạm đột-kiết-la.
Nếu xúc chạm với người hai hình thì phạm thâu-lan-giá. Nếu vì dục tâm mà xúc chạm thân người nam, hoặc y, toạ cụ cho đến tự xúc và xúc chạm súc sinh, tất cả đều phạm tội đột-kiết-la. Tì-kheo-ni thì phạm ba-la-di. Ba chúng dưới phạm đột-kiết-la.
- Trường hợp không phạm: đó là: bị người nắm, xúc chạm người cùng phái, đùa giỡn mà xúc chạm nhau.
3. Giới Nói Lời Thô Ác Với Người Nữ
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, tì-kheo Ca-lưu-đà-di đã nghe Phật chế hai giới trước rồi, liền ở trước người nữ khởi dục tâm và nói với người nữ kia những lời thô tục. Các thầy tì-kheo đem lỗi ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, với ý dâm dục, nói lời dâm dục thô ác với người nữ; tùy tiện nói những lời dâm dục thô ác, tăng-già-bà-thi-sa.
c. Giải thích
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Với ý dâm dục, với người nữ: người nữ có trí và còn sống.
- Lời thô ác, lời dâm dục: thô ác là không phải phạm hạnh. Lời lẽ dâm dục là nói sự tốt, xấu của hai đường. Hoặc xin, hoặc dạy người xin, hoặc hỏi, hoặc trả lời, hoặc giảng giải, hoặc nói, hoặc dạy, hoặc mắng chửi. Xin, nói: ‘Nên cùng với tôi ở nơi hai đường làm việc như thế.’ Hoặc lại nói những lời lẽ khác thì cũng nên hiểu như thế.
- Tùy tiện nói những lời dâm dục thô ác, tăng-già-bà-thi-sa: nếu nói lời thô một lần thì phạm tăng-tàn. Cũng tùy trường hợp, hoặc nói nhiều lời, hoặc nói ít lời, nhưng nếu rõ ràng thì mỗi lời đều phạm một tăng-tàn; nếu nói không rõ ràng thì phạm thâu-lan-giá. Nếu đưa thư, ra dấu, sai người, làm điệu bộ mà người nữ hiểu được thì cũng phạm tăng-tàn. Nếu người nữ không hiểu thì phạm thâu-lan-giá. Ngoài hai đường đại tiện và tiểu tiện ra nói những chỗ khác thì phạm thâu-lan-giá. Nói lời thô tục với phi nhân nữ, huỳnh môn, nhị hình; nếu họ hiểu thì phạm thâu-lan-giá. Loài súc sinh không thể biến đổi hình dạng; hoặc nói lời tục tỉu với người nam, tất cả trường hợp trên đều phạm tội đột-kiết-la. Nói lời thô tục với tì-kheo-ni thì phạm thâu-lan-giá. Nói với ba chúng dưới thì phạm đột-kiết-la. Cho đến nói với những người ít giới hơn mình cũng phạm tội đột-kiết-la.
- Trường hợp không phạm: Vì nói phép quán bất tịnh, hoặc nói giảng nói luật, hoặc trì kinh, hoặc vì có người hỏi nên trả lời; tất cả đều không có ý dục nên không phạm.
4. Giới Tự Khen Mình Và Khuyến Khích Người Nữ Cúng Dường Sự Dâm Dục
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở trong thành Xá-vệ. Bấy giờ, tì-kheo Ca-lưu-đà-di nghe Phật đã chế ba giới trước, ông mời gọi những người nữ và kéo họ vào phòng rồi tự khen mình và khuyên họ: “Các nàng nên đem sự dâm dục cúng dường cho tôi.” Những người nữ trách mắng tì-kheo Ca-lưu-da-di và cho là điều kì lạ. Các thầy tì-kheo biết được lỗi ấy, liền bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, với ý dâm dục, đối trước người nữ tự khen thân mình, nói: “Này cô, tôi tu phạm hạnh, trì giới tinh tấn, tu tập pháp lành; cô nên đem sự dâm dục cúng dường tôi. Đó là sự cúng dường bậc nhất’; tăng-già-bà-thi-sa.
c. Giải thích
- Tì-kheo nào, với ý dâm dục ở trước người nữ: Người nữ: như trên đã giải thích.
- Tự khen thân mình: nghĩa là khen mình đẹp trai, lịch lãm. Cho rằng tôi thuộc dòng dõi Sát-đế-lợi, là trưởng giả, cư sĩ, đại Bà-la-môn.
- Nói rằng: “Này cô, tôi tu phạm hạnh.”: nghĩa là người siêng năng tu tập xa lìa mọi nhơ uế.
- Trì giới tinh tấn: nghĩa là giữ giới không bị khuyết, không thủng chảy, không nhiễm nhơ.
- Tu tập pháp lành: như là thích ở chỗ thanh vắng, đến giờ đi khất thực, mặc y phấn tảo,[41] thực hành pháp dư thực, không ăn phi thời, chỉ ăn một bữa, không ăn nhiều lần, ngồi nơi gò mả, ngồi dưới gốc cây, thường ngồi, ngồi bất cứ chỗ nào nếu chỗ ấy không có người ở (tùy tọa), giữ ba y, chúc tụng, ẩn nấu, nghe nhiều, thường nói pháp, giữ luật, ngồi thiền v.v…
- Cô nên đem sự dâm dục cúng dường tôi. Đó là sự cúng dường bậc nhất, tăng già-bà-thi-sa: Nếu khen ngợi mình như thế xong và bảo cúng dường cho tôi, nhưng khi người cúng đến không nói gì đến việc dâm dục thì phạm thâu-lan-giá. Ngoài ra, trường hợp khác đều phạm như những giới trước đã nói.
- Trường hợp không phạm: Nếu tì-kheo nói với người nữ: "Trú xứ này đáng quý bậc nhất, tì-kheo này tinh tấn, giữ giới, thực hành các thiện pháp, các người nên đem thân, khẩu, ý nghiệp v.v… cúng dường cho vị tì-kheo kia.” Nếu người nữ kia nghĩ rằng vì mình mà khen thân. Hoặc nói luật rồi dần dần đề cập đến việc này. Hoặc người kia cho rằng khen họ, hoặc nói lầm; tất cả đều không phạm.
5. Giới Làm Mai Mối
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở La-duyệt-kì. Lúc ấy, có tì-kheo Ca-la, xưa kia là một đại thần nên biết rành rẽ các pháp thế gian. Những gia đình trong thành mỗi khi có hôn sự đều đến hỏi tì-kheo ấy. Bấy giờ, có người muốn kết hôn gặp đối tượng nhưng không biết là tốt hay xấu nên mới đến hỏi tì-kheo Ca-la là sẽ được sướng hay khổ. Hàng cư sĩ biết việc đó chê trách tì-kheo Ca-la. Các tì-kheo bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách rồi chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, tới lui bên này, bên kia làm mai mối; đem ý người nam nói với người nữ; đem ý người nữ nói với người nam; hoặc để thành vợ chồng, hoặc vì việc tư thông, cho đến chỉ trong chốc lát, tăng-già-bà-thi-sa.
c. Giải thích
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Tới lui bên này, bên kia làm mai mối: Đó chính là làm cho hai bên kết giao với nhau.
- Đem ý người nam nói với người nữ; đem ý người nữ nói với người nam: Người nữ có hai mươi hạng: mẹ giám hộ, cha giám hộ, cha mẹ giám hộ, anh giám, chị giám hộ, anh chị giám hộ, tự mình giám hộ, pháp giám hộ, dòng họ giám hộ, người thân giám hộ, tự ý muốn làm tì nữ, vì được cho áo mà làm nô tì, vì cho tài sản mà làm nô tì, vì cùng hợp tác mà làm nô tì, vì được cứu khi nước cuốn trôi mà làm nô tì, vì không thâu thuế mà nguyện làm nô tì, vì được mua lại, hay sinh từ trong nhà chủ mà làm nô tì, vì làm mướn mà làm nô tì, được người khác giúp đỡ mà xin làm nô tì, vì bị bắt ngoài biên cương mà làm nô tì. Người nam cũng có hai mươi hạng người như người nữ vừa nêu trên.
- Hoặc để thành vợ chồng, hoặc vì việc tư thông, cho đến chỉ trong chốc lát, tăng-già-bà-thi-sa: Nếu chỉ mới nhận lời, phạm đột-kiết-la. Nếu đem lời người này đến nói với người kia nhưng không về báo lại kết quả cho người này biết thì phạm thâu-lan-giá. Nếu trở về báo lại kết quả cho người này biết thì phạm tăng-tàn. Hoặc viết thư, hoặc sai sứ đi, hoặc ra dấu, hoặc hiện tướng; tùy theo trường hợp hoặc làm mai mối nhiều lần, hoặc ít lần, nói rõ ràng nếu người kia đáp lại thì tất cả đều phạm tăng-tàn. Nếu người kia không hiểu thì phạm thâu-lan-giá. Trừ hai đường, nếu nói các chi phần khác trên thân thể để làm mai mối phạm thâu-lan-giá. Hoặc làm mai mối cho phi-nhân, huỳnh môn, hai căn, thì phạm thâu-lan-giá. Hoặc làm mai mối cho súc sinh, mai mối cho người nam với người nam, phạm đột-kiết-la. Hoặc đưa thư giúp người mà không xem trước, hoặc vì hàng cư sĩ mà sai người khác làm phạm đột-kiết-la. Tì-kheo-ni thì phạm giống như đây.
- Trường hợp không phạm: Nếu người nam, người nữ trước đó đã tư thông, sau chia tay rồi hòa hợp trở lại; hoặc vì cha mẹ cha giận hờn nhau mà làm cho họ thân gần trở lại. Hoặc xem thư rồi đem đến cho cư sĩ có tín tâm, tinh tấn cũng như vậy. Nếu vì Phật pháp tì-kheo làm sứ giả thì không phạm.
6. Giới Không Có Tín Chủ Làm Phòng Quá Hạn Lượng
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở thành La-duyệt-kì. Bấy giờ, Đức Phật cho phép các thầy tì-kheo được làm phòng riêng. Bấy giờ, tì-kheo Khoáng-dã liền làm một cái phòng lớn. Vì thế thầy phải tìm xin nhiều loại vật nên làm cho hàng cư sĩ buồn phiền. Xin mãi không được, ông đến chặt cây có thần đang ở. Thần cây và các thầy tì-kheo khác đem việc ấy thưa Phật. Phật liền đi đến chỗ của tì-kheo Khoáng-dã quở trách, chỉ dạy rồi chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, tự khất cầu để cất thất, không có thí chủ, tự làm cho mình, cần phải đúng lượng. Trong đây đúng lượng là dài mười hai gang tay Phật, bên trong rộng bảy gang tay Phật. Phải mời các tì-kheo đến chỉ định nơi chốn. Các tì-kheo ấy cần chỉ định nơi chốn, là nơi không có nguy hiểm, nơi không bị bít lối. Nếu tì-kheo, nơi có nguy hiểm, nơi bị bít lối, tự khất cầu để cất thất, không có thí chủ, tự làm cho mình, không mời các tì-kheo đến để chỉ định nơi chốn, hoặc làm quá lượng định, tăng-già-bà-thi-sa.
c. Giải thích
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Tự khất cầu: tì-kheo tự đi đến chỗ này, chỗ kia xin vật liệu xây dựng.
- Để cất thất: Chữ ốc (屋) cũng giống như chữ Phòng (房), nghĩa là cái phòng, cái nhà.
- Không có thí chủ: nghĩa là người kia không có thí chủ. Như không có một người, hai người cho đến nhiều người.
- Tự làm cho mình: nghĩa là không phải làm cho người khác.
- Cần phải đúng lượng. Trong đây đúng lượng là dài mười hai gang tay Phật, bên trong rộng bảy gang tay Phật. Phải mời các tì-kheo đến chỉ định nơi chốn: các thầy tì-kheo kia xem biết chỗ không có nguy hiểm, không cản trở rồi vào trong Tăng, cởi giầy, bày vai bên phải, lạy dưới chân thượng tọa, quỳ sang bên phải chấp tay thưa rằng:
Đại đức Tăng lắng nghe! Tì-kheo tên…..tự xin làm phòng riêng, không có tín chủ, tự làm cho mình, nay tôi theo chúng Tăng xin chỉ cho chỗ không nguy hiểm, không trở ngại. Bạch như vậy ba lần.
- Các tì-kheo ấy cần chỉ định nơi chốn: Bấy giờ, chúng Tăng xem xét kĩ tì-kheo ấy nếu đáng tin thì cho phép làm. Nếu là người không đáng tin thì chúng Tăng phải đến chỗ cần xây phòng xem xét lại. Nếu Tăng không đến thì phải sai một người đáng tin trong Tăng đến xem. Nếu là chỗ nguy hiểm, trở ngại thì không cho phép xây cất; còn chỗ không nguy hiểm, không trở ngại thì cho phép xây dựng. Trong chúng nên cử người có thể làm yết-ma; hoặc là thượng tọa, thứ tọa, hoặc người thông thạo luật, không thuộc luật, nên làm pháp bạch:
Đại đức Tăng lắng nghe! Tì-kheo….. tự xin làm phòng, không có tín chủ, tự làm cho mình, nay theo Tăng xin chỉ định chỗ không nguy hiểm, không trở ngại. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng bằng lòng nên chỉ định tì-kheo… nơi chốn, là nơi không nguy hiểm, không trở ngại, bạch như vậy.
Đại đức Tăng lắng nghe! Tì-kheo….. tự làm phòng, không có tín chủ, tự làm cho mình, đến Tăng xin chỉ định cho chỗ không nguy hiểm, không trở ngại. Tăng nay chỉ định cho tì-kheo…. nơi chốn, là nơi không nguy hiểm, không trở ngại. Chư trưởng lão nào bằng lòng chỉ định cho tì-kheo….. ở chỗ không nguy hiểm, không trở ngại thì im lặng. Ai không bằng lòng thì nói. Tăng bằng lòng vì im lặng, việc ấy tôi nên ghi nhận như thế.
Vị tì-kheo làm phòng kia nên biết thứ tự, trước là đặt đá, và chỗ nào có ao phải lấp bằng cho đến sau cùng trát vách xong.
- Là nơi không có nguy hiểm: có cọp, sói, sư tử, các loại thú cho đến trùng kiến. Nếu không bị những cầm thú và côn trùng gây hại nên ban đất cho bằng phẳng. Nếu có đá, cây, gốc cây, bụi gai nên sai người đào lên. Nếu có hầm hố, cống rảnh, vũng nước đọng v.v… nên nhờ người lấp bằng. Nếu sợ nước ứ đọng phải đắp đê ngăn nước. Nếu đất đó có người nhận là của họ thì phải thương lượng với họ cho dứt khoát, đừng để có lời qua tiếng lại. Đó gọi là chỗ có nạn.
- Nơi không bị bít lối: chỗ không có hại. Là chỗ mà xe cộ lưu thông qua lại được.
- Nếu tì-kheo, nơi có nguy hiểm, nơi bị bít lối, tự khất cầu để cất thất, không có thí chủ, tự làm cho mình, không mời các tì-kheo đến để chỉ định nơi chốn, hoặc làm quá lượng định, tăng-già-bà-thi-sa: nếu tì-kheo nào làm phòng ở hai nơi có sự nguy hiểm và nơi bị bít lối thì phạm hai tội đột-kiết-la. Không được sự chỉ định của Tăng mà làm quá kích thước cho phép thì phạm hai tội tăng-tàn.
Nếu tì-kheo làm phòng ở chỗ có sự nguy hiểm, không có sự trở ngại và ngược lại, làm ở chỗ không có sự nguy hiểm mà có sự trở ngại thì tùy trường hợp mà phạm. Hoặc bảo người làm, làm thành cũng phạm như vậy. Nếu làm cho người, làm thành thì phạm hai tội thâu-lan-giá, hai tội đột-kiết-la.
Nếu dùng dây đo đất rồi làm, người nhận lời làm và người làm quá kích thước cho phép thì cả hai đều phạm. Không báo lại, cũng không hỏi người kia mà tự ý làm đều phạm tội đột-kiết-la. Tì-kheo-ni làm sai qui định phạm thâu-lan-giá.
- Trường hợp không phạm: nếu làm đúng kích thước cho phép, hoặc làm ít hơn, hoặc làm nơi được tăng chỉ định, chỗ không có sự nguy hiểm, chỗ không có sự trở ngại, làm đúng pháp hoặc đo đúng kích thước rồi làm. Nếu làm cho Tăng, làm Phật đường, làm giảng đường, làm am tranh, làm am lá hay chỉ làm một cái thất nhỏ. Đó gọi là làm đúng như pháp.
7. Giới Có Thí Chủ Làm Chùa Cho Mình Nhưng Không Có Sự Chỉ Định Của Tăng
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở nước Câu-diệm-di. Bấy giờ, vua Ưu-điền xây dựng phòng ốc cho tì-kheo Xiển-đà. Tì-kheo Xiển-đà cậy thế, tùy ý đốn hạ các cây cổ thụ dọc bên đường. Người đi đường chê cười, quở trách. Các thầy tì-kheo biết được việc ấy đem bạch Phật. Phật quở trách và nói: ‘Nếu chặt cây cổ thụ phạm đột-kiết-la.’ Nhân đó, Đức Phật chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, muốn cất chùa lớn, có thí chủ làm cho mình, cần phải mời các tì-kheo khác đến chỉ định nơi chốn. Các tì-kheo ấy cần phải chỉ định nơi chốn, là nơi không có nguy hiểm, nơi không bị bít lối. Nếu tì-kheo, nơi có nguy hiểm, nơi bị bít lối, cần chùa lớn, có thí chủ làm cho mình, không mời các tì-kheo đến chỉ định nơi chốn, tăng-già-bà-thi-sa.
c. Giải thích
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Muốn cất chùa lớn: chùa lớn là chùa cần sử dụng nhiều tài vật để xây cất.
- Có thí chủ: trái với trường hợp của giới trên là không có thí chủ.
- Làm cho mình, cần phải mời các tì-kheo khác đến chỉ định nơi chốn: tì-kheo kia như trên đã nói rồi. Vị ấy phải đến trong Tăng lễ dưới chân thượng tọa v.v… xin với Tăng ba lần. Văn tác bạch xin giống như giới trên. Chỉ khác ở chỗ là “có thí chủ làm cho mình.”
- Các tì-kheo ấy cần phải chỉ định nơi chốn: Tăng nên xem xét, nếu người ấy đáng tin, có trí tuệ thì tin lời người ấy và bạch nhị yết-ma chỉ cho chỗ xây dựng chùa. Nếu không đáng tin thì cũng giống như trên, hoặc cho làm hoặc ngăn lại.
- Là nơi không có nguy hiểm: nghĩa là có các loại thú dữ như: sư tử, gấu ngựa, gấu người v.v… nhưng nếu không bị chúng gây hại thì nên giống như trên đã nói, có thể san lấp bằng phẳng, cho đến nếu sợ có người nhìn nhận đất đó của họ thì phải giải quyết cho rạch ròi trước rồi mới xây dựng.
- Nơi không bị bít lối: là ở trong khoảng đất nơi mà xe cộ có thể lưu thông được.
- Nếu tì-kheo, nơi có nguy hiểm, nơi bị bít lối, cần chùa lớn, có thí chủ làm cho mình, không mời các tì-kheo đến chỉ định nơi chốn, tăng-già-bà-thi-sa: về phần hình thức và giải thích cũng giống như giới trước đã nói; chỉ có khác là không có hai chữ “quá lượng.”
8. Giới Vu Khống Tì-Kheo Phạm Ba-La-Di Không Có Căn Cứ
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở thành La-duyệt-kì. Bấy giờ, tôn giả Đạp-ba mới vừa chứng quả A-la-hán, tay phát ra ánh sáng. Ngài làm tri sự cho Tăng, được Phật khen là bậc nhất. Tì-kheo Từ Địa theo cấp bậc trong chúng, được chia cho phòng xấu, lại được thức ăn không ngon. Nhưng cũng vì thế Từ Địa sinh lòng hiềm khích, liền bảo em mình Tì-kheo-ni…… đến trước Tăng mắng chửi tôn giả Đạp-ba. Các thầy tì-kheo thấy vậy hỏi tì-kheo-ni kia, thì cô thú nhận là tự bịa ra nói. Các thầy tì-kheo đem việc ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, vì thù hận ấp ủ, đối với tì-kheo không phải ba-la-di, mà vu khống bằng pháp ba-la-di không căn cứ, muốn hủy hoại đời sống thanh tịnh của vị ấy. Về sau, dù bị cật vấn hay không bị cật vấn, sự tình ấy được biết là không căn cứ, tì-kheo này nói rằng: ‘Tôi vì thù hận nên nói như vậy.’ Tì-kheo nói như vậy, tăng-già-bà-thi-sa.
c. Giải thích
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Vì thù hận ấp ủ: có mười nhân duyên ác pháp gây ra sân hận ứng với mười việc. Nhưng trong trường hợp này tì-kheo Từ Địa vì hai việc mà sinh sân hận.
- Đối với tì-kheo không phải ba-la-di, mà vu khống bằng pháp ba-la-di không căn cứ: Có căn cứ tức phải đủ ba việc: thấy, nghe và nghi. Thấy có căn cứ là thấy phạm phạm hạnh, thấy trộm năm tiền, thấy giết người. Hoặc người khác thấy rồi nói lại. Đó gọi là thấy có căn cứ.
Nghe đã phạm phạm hạnh, nghe trộm năm tiền, nghe giết người. Nghe tự nói đắc pháp thượng nhân. Hoặc nghe người khác nói lại nghe người kia nói. Đó gọi là nghe có căn cứ.
Nghi có căn cứ có hai trường hợp. Một là do thấy mà sinh nghi. Thấy tì-kheo cùng với người nữ đi vào trong rừng rồi đi ra, thân hình trần trụi, không tấm vải, thân thể nhớp nhúa, tay cầm dao dính máu, làm bạn với người xấu.
Vì nghe mà sinh nghi. Nếu ở trong chỗ khuất nghe tiếng giường động, nghe tiếng trở mình, hoặc nghe tiếng động của thân thể, hoặc nghe tiếng thì thầm với nhau, hoặc nghe nói tôi phạm phi phạm hạnh, cho đến nghe nói tôi đắc pháp của bậc thượng nhân. Ngoài ba căn cứ như vừa nêu trên mà đem những việc khác không có căn cứ để vu khống thì đó gọi là vu khống không có căn cứ.
- Muốn hủy hoại đời sống thanh tịnh của vị ấy: nghĩa là bảo chúng Tăng diệt tẩn người kia để tôi được ở an ổn.
- Về sau, dù bị cật vấn hay không bị cật vấn: Phật bảo các thầy tì-kheo hỏi người hủy báng kia để biết việc ấy có thật hay không? Nếu người kia dùng những việc không có căn cứ mà hủy báng người khác thì mắc tội nặng.
- Sự tình ấy được biết là không căn cứ, tì-kheo này nói rằng: tì-kheo kia nói: ‘Đạp-ba-la là người thanh tịnh, thật không có việc như vậy.’
- Tôi vì thù hận nên nói như vậy: do trước đó theo thứ tự tì-kheo ấy nhận được phòng xấu, thức ăn đạm bạc nên ôm hận trong lòng nên mới hủy bán tì-kheo kia.
- Tì-kheo nói như vậy, tăng-già-bà-thi-sa: nếu dùng bốn việc không có căn cứ vu khống, nói rõ ràng phạm tăng-tàn, nói không rõ ràng phạm thâu-lan-giá. Hoặc ra dấu, viết thư, sai sứ, hoặc làm ra điệu bộ, dù rõ hay không rõ tất cả đều phạm như thế. Nếu dùng mười ba nạn[42] để hủy báng người thì cũng phạm tăng-tàn. Trừ trường hợp người bị hủy báng không phải là tì-kheo như pháp. Hoặc dùng những sự việc vô căn cứ khác hủy báng thì tùy việc mà phạm như trước đã nói.
Nếu hủy báng tì-kheo-ni thì cũng phạm như trước. Nếu hủy báng những chúng dưới thì phạm tội đột-kiết-la. Tì-kheo-ni hủy báng cũng phạm tăng-tàn.
- Trường hợp không phạm: cả ba trường hợp thấy, nghe, nghi đều có căn cứ và nói đúng sự thật; hoặc nói đùa, hoặc nói nhanh, hoặc nói một mình, hoặc nói ở nơi vắng vẻ, hoặc nói nhầm, tất cả đều không phạm.
9. Giới Mượn Việc Ba-La-Di Có Căn Cứ Để Vu Khống
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở tại thành La-duyện-kì. Bấy giờ, tì-kheo Từ Địa thấy hai con dê đang giao phối với nhau, liền nói con dê đực này là Đạp-ba, con dê cái là tì-kheo-ni Từ Địa. Ông liền nói với các thầy tì-kheo, hôm nay chính mắt tôi trông thấy, không giống như trước không có bằng chứng gì. Các thầy tì-kheo hỏi kĩ lại, Từ Địa liền tự thú nhận là vu khống. Các thầy tì-kheo đem việc ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, vì thù hận, dựa vào tiểu tiết trong sự tình của phần khác, đối với tì-kheo không phải ba-la-di, mà vu khống bằng pháp ba-la-di không có căn cứ, muốn hủy hoại đời sống phạm hạnh của vị ấy, về sau, dù bị cật vấn hay không bị cật vấn, sự tình ấy được biết là dựa lấy tiểu tiết trong sự tình của phần khác, tì-kheo này nói rằng: ‘Tôi vì thù hận nên nói như vậy.’ Tì-kheo nào như vậy, tăng-già-bà-thi-sa.
c. Giải thích
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Vì thù hận: như trên đã nói.
- Dựa vào tiểu tiết trong sự tình của phần khác: hoặc dựa vào một tội khác, mục đích khác, người khác, hoặc là người tại gia, hoặc nghe tin đồn.
- Đối với tì-kheo không phải ba-la-di, mà vu khống bằng pháp ba-la-di không có căn cứ, muốn hủy hoại đời sống phạm hạnh của vị ấy, về sau, dù bị cật vấn hay không bị cật vấn, sự tình ấy được biết là dựa lấy tiểu tiết trong sự tình của phần khác, tì-kheo này nói rằng: ‘Tôi vì thù hận nên nói như vậy.’ Tì-kheo nào như vậy, tăng-già-bà-thi-sa: Về phần phạm và không phạm cũng giống như giới trước.
10. Giới Phá Tăng Và Chống Lại Sự Can Gián
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở nước Di-ni-lâu, Ngài độ tám người dòng họ Thích. Sau đó, Ngài dẫn họ đến nước Chiêm-ba thì tất cả đều chứng Tăng thượng địa. Trong đó, chỉ có Đề-bà-đạt-đa chứng được thần túc thông. Một thời gian sau, Phật trở về nước La-duyệt-kì. Bấy giờ, Đề-bà-đạt-đa xúi giục người hại Phật. Việc ấy bại lộ, tiếng xấu đồn xa, không ai cúng dường thức ăn, vì thế tì-kheo ấy ăn riêng chúng và bị Phật quở trách. Nhưng Đề-bà-đạt-đa không chịu dừng lại, tì-kheo ấy lại bày cách phá Tăng. Hàng tì-kheo nói lỗi và can ngăn và Phật chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, muốn phá hoại hòa hợp Tăng, tiến hành phá hoại hòa hợp Tăng, chấp chặt pháp phá hòa hợp Tăng, kiên trì không bỏ. Các tì-kheo nên can gián tì-kheo này rằng: ‘Đại đức chớ pháp hòa hợp Tăng, chớ tiến hành phá hoại hòa hợp Tăng, chớ chấp chặt pháp hoại hòa hợp Tăng, kiên trì không bỏ. Đại đức nên cùng Tăng hòa hợp, vì cùng Tăng hòa hợp, hoan hỉ không tranh chấp, đồng một thầy học, hòa hợp như nước với sữa, thì ở trong Phật pháp mới có sự tăng ích, sống an lạc.’ Khi tì-kheo ấy được can gián, kiên trì không bỏ. Tì-kheo được can gián như vậy ba lần cho bỏ việc ấy, cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt; nếu không bỏ, tăng-già-bà-thi-sa.
c. Giải thích
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Muốn phá hoại: phá hoại có tất cả mười tám việc: như pháp, phi pháp, như luật, phi luật, phạm, không phạm, hoặc nhẹ, hoặc nặng, che giấu, không che giấu, thô ác, không thô ác, việc thường làm, việc không thường làm, chế định, không chế định, đã nói, chưa nói.
- Hòa hợp: cùng yết mà, cùng thuyết giới.
- Tăng: chỉ cho bốn tì-kheo, hoặc năm tì-kheo, hoặc mười tì-kheo, cho đến vô số tì-kheo.
- Tiến hành phá hoại hòa hợp Tăng, chấp chặt pháp phá hòa hợp Tăng, kiên trì không bỏ: nghĩa là dùng mười tám cách phá hoại sự hòa hợp của Tăng.
- Các tì-kheo nên can gián tì-kheo này rằng: ‘Đại đức chớ pháp hòa hợp Tăng, chớ tiến hành phá hoại hòa hợp Tăng, chớ chấp chặt pháp hoại hòa hợp Tăng, kiên trì không bỏ. Đại đức nên cùng Tăng hòa hợp, vì cùng Tăng hòa hợp, hoan hỉ không tranh chấp, đồng một thầy học, hòa hợp như nước với sữa, thì ở trong Phật pháp mới có sự tăng ích, sống an lạc.’: nên nói với vị tì-kheo kia rằng: ‘Đại đức nên từ bỏ việc này, chớ để cho Tăng phải làm pháp can gián, quở trách mà phạm tội nặng.’ Nếu dùng lời can ngăn được thì tốt. Nếu không thể dùng lời can gián được thì có thể nhờ Tì-kheo-ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, hoặc vua, quan, hoặc nhờ các sa-môn, bà-la-môn đạo khác. Hoặc nhờ tì-kheo ở những nơi khác có hiểu biết mà người kia có thể tin theo lời can gián, thì nên nhờ họ can gián tì-kheo kia. Đó là can gián.
- Khi tì-kheo ấy được can gián, kiên trì không bỏ: nghĩa là chống lại sự can gián.
- Tì-kheo được can gián như vậy ba lần cho bỏ việc ấy, cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt: tì-kheo kia nên tập hợp chúng tăng làm pháp yết-ma, như pháp tác bạch can gián rồi, lại cầu xin Tăng làm pháp yết-ma, cho đến yết-ma lần thứ nhất, lần thứ hai cũng như thế.
- Nếu không bỏ: nghĩa là chống lại sự can gián của Tăng. Giới sau cũng như giới này.
- Tăng-già-bà-thi-sa: khi Tăng can gián bạch lần thứ hai xong, nếu tì-kheo kia từ bỏ ý định thì phạm ba thâu-lan-giá. Cho đến bạch xong mới từ bỏ thì phạm một thâu-lan-giá; bạch chưa xong mà đã từ bỏ thì chỉ phạm một đột-kiết-la. Nếu trước khi làm pháp yết-ma nhận pháp phá Tăng, kiên trì không từ bỏ đều phạm đột-kiết-la. Tì-kheo-ni phạm tăng-tàn.
- Trường hợp không phạm: can gián lần đầu từ bỏ liền, hoặc làm pháp yết-ma phi pháp mà quở trách, can gián. Hoặc phi pháp, phi luật, chẳng phải lời Phật dạy, hoặc phá bạn xấu, hoặc phá tri thức, hoặc muốn phá Tăng, hoặc làm không đúng pháp, hoặc vì Tăng mà làm hư tổn tháp của hòa thượng A-xà-lê, tri thức, người phá không phạm.
11. Giới Giúp Phá Tăng Và Chống Lại Sự Can Gián
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở nước La-duyệt-kì. Bấy giờ, tì-kheo Đề-bà-đạt-đa dùng năm pháp: suốt đời khất thực, mặc y phấn tảo, thường ngủ dưới gốc cây, không uống sữa, không ăn muối, cá và thịt để chỉ dạy các tì-kheo khác. Khi chúng Tăng can ngăn tì-kheo Đề-bà-đạt-đa thì các tì-kheo đồng bạn khác giúp tì-kheo Đề-bà-đạt-đa phá hoại sự can ngăn của Tăng. Các tì-kheo đem việc ấy bạch Phật. Phật quở trách rồi, nhân việc ấy mà chế định giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, có bè đảng từ một, hoặc hai, hoặc ba, cho đến vô số. Các tì-kheo bè đảng ấy nói với các tì-kheo rằng: ‘Đại đức, chớ can gián tì-kheo ấy. Tì-kheo ấy là tì-kheo nói như pháp, tì-kheo ấy là tì-kheo nói như luật. Những điều tì-kheo ấy nói chúng tôi ưa thích. Những điều tì-kheo ấy nói, chúng tôi chấp nhận.’ Chúng tì-kheo ấy nói: “Đại đức chớ nói như vầy: ‘Tì-kheo ấy là tì-kheo nói như pháp. Tì-kheo ấy là tì-kheo nói như luật. Những điều tì-kheo ấy nói chúng tôi ưa thích. Những điều tì-kheo ấy nói chúng tôi chấp nhận.’ Nhưng tì-kheo ấy là tì-kheo nói phi pháp, là tì-kheo nói phi luật. Đại đức, chớ phá hoại hòa hợp Tăng. Các ngài nên hoan hỉ hòa hợp Tăng. Đại đức cùng Tăng hòa hợp, hoan hỉ, không tranh chấp, đồng học một thầy, hòa hợp như nước với sữa, ở trong Phật pháp mới có tăng ích, sống an lạc.” Các tì-kheo bè đảng được can gián như vậy mà kiên trì không bỏ. Chúng tì-kheo kia nên can gián ba lần cho bỏ việc này. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt. Nếu không bỏ, tăng-già-bà-thi-sa.
c.Giải thích:
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Có bè đảng từ một, hoặc hai, hoặc ba, cho đến vô số: đồng bạn là từ bốn người trở lên đến nhiều vô số. Có hai trường hợp phục tùng. Một là phục tùng vì pháp. Nghĩa là dùng pháp truyền dạy làm cho tăng giới, tăng tâm, tăng tuệ, tụng đọc, tiếp nhận. Hai là phục tùng vì ăn mặc. Đó là cấp cho y phục, thức ăn uống, mền nệm, giường, đồ nằm, thuốc thang.
- Các tì-kheo bè đảng ấy nói với các tì-kheo rằng: ‘Đại đức, chớ can gián tì-kheo ấy. Tì-kheo ấy là tì-kheo nói như pháp, tì-kheo ấy là tì-kheo nói như luật. Những điều tì-kheo ấy nói chúng tôi ưa thích. Những điều tì-kheo ấy nói, chúng tôi chấp nhận.’: Đây là nói việc giúp đồng đảng xấu chống sự can gián của Tăng. Nói Điều Đạt là người rành thông pháp và luật. Chúng tôi đều rất hài lòng, sao Tăng lại làm pháp can gián tì-kheo ấy và cho rằng việc ấy trái với luật.
- Chúng tì-kheo ấy nói: “Đại đức chớ nói như vầy: ‘Tì-kheo ấy là tì-kheo nói như pháp. Tì-kheo ấy là tì-kheo nói như luật. Những điều tì-kheo ấy nói chúng tôi ưa thích. Những điều tì-kheo ấy nói chúng tôi chấp nhận.’ Nhưng tì-kheo ấy là tì-kheo nói phi pháp, là tì-kheo nói phi luật. Đại đức, chớ phá hoại hòa hợp Tăng. Các ngài nên hoan hỉ hòa hợp Tăng. Đại đức cùng Tăng hòa hợp, hoan hỉ, không tranh chấp, đồng học một thầy, hòa hợp như nước với sữa, ở trong Phật pháp mới có tăng ích, sống an lạc.”: đây là nói các thiện tì-kheo dùng pháp can gián những gì Điều Đạt nói, nhân và pháp đều không đúng, chớ có ngu ngơ tin theo.
- Các tì-kheo bè đảng được can gián như vậy mà kiên trì không bỏ. Chúng tì-kheo kia nên can gián ba lần cho bỏ việc này. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt. Nếu không bỏ, tăng-già-bà-thi-sa: phần quở trách, giáo huấn và chế giới cũng giống như trên.
12. Giới Làm Nhơ Nhà Người Bị Tẩn Xuất
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, tì-kheo A-thấp-bà và một số tì-kheo khác ngủ nhờ trong thôn Kì-liên và làm nhơ uế nhà người. Các thầy tì-kheo đem việc ấy bạch Phật. Phật bảo tôn giả Xá-lợi-phất và những tì-kheo khác đến chỗ những thầy tì-kheo kia đang ở làm pháp diệt tẩn. Trong khi tôn giả Xá-lợi-phất và các thầy tì-kheo tác pháp, những tì-kheo kia hủy báng chúng Tăng và không chịu nghe lời. Chúng Tăng đem việc ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, sống nương tựa xóm làng, hay thành ấp, mà làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu. Sự làm hoen ố nhà người ai cũng thấy, ai cũng nghe. Hành vi xấu ai cũng thấy, ai cũng nghe. Các tì-kheo nên nói với tì-kheo ấy rằng: ‘Đại đức là người làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu. Sự làm hoen ố nhà người ai cũng thấy, ai cũng nghe. Hành vi xấu ai cũng thấy, ai cũng nghe. Đại đức, ngài làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu, nay nên xa lánh xóm làng này, không nên sống ở đây nữa.’ Tì-kheo ấy nói với các tì-kheo rằng: ‘Chư đại đức, các tì-kheo có thiên vị, có thù nghịch, có sợ hãi, có bất minh. Vì có tì-kheo đồng tội như vậy, mà có người bị đuổi, có người không bị đuổi.’ Các tì-kheo nên trả lời rằng: “Đại đức chớ nói ‘Tăng có thiên vị, có thù nghịch, có sợ hãi, có bất minh. Vì có tì-kheo đồng tội như vậy, mà có người bị đuổi, có người không bị đuổi’.” Nhưng các tì-kheo không có thiên vị, không có thù nghịch, không có sợ hãi, không có bất minh. Đại đức làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu. Sự làm hoen ố nhà người ai cũng thấy, ai cũng nghe. Hành vi xấu ai cũng thấy, ai cũng nghe. Tì-kheo ấy được can gián như vậy mà kiên trì không bỏ; các tì-kheo nên can gián ba lần cho bỏ việc ấy. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt. Nếu không bỏ, tăng-già-bà-thi-sa.
c. Giải thích
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Sống nương tựa xóm làng: thôn có bốn loại như trên đã nói.
- Hay thành ấp: thành là vùng đất thuộc của vua.
Mà làm hoen ố nhà người: nhà thì có người nam, có người nữ. Làm hoen ố nhà người có bốn trường hợp:
- Một là dựa vào nhà này làm hoen ố nhà kia. Nghĩa là được vật ở nhà này đem cho lại nhà kia. Nhà cúng phẩm vật biết được việc ấy nên không vui. Còn nhà nhận được vật thì nghĩ mình phải báo đền ân, nên nói rằng: “Người ta cho mình vật thì mình phải đền ân người ta. Nếu người ấy không cho ta thì vì sao ta phải cho lại?”
- Hai là dựa vào lợi dưỡng mà làm hoen ố nhà người. Được lợi dưỡng như pháp và các thứ còn dư trong bát, hoặc cho một cư sĩ. Người được cho ấy nghĩ: “Mình phải báo ân người kia. Nếu người kia không cho tôi thì tại sao tôi phải cho lại?”
- Ba là dựa vào người thân làm hoen ố nhà người. Tì-kheo nào dựa vào vua, quan, đại thần, hoặc vì cư sĩ, hoặc không vì cư sĩ, người kia nghĩ rằng: “Nếu người ấy vì mình thì mình nên cúng dường người ấy; nếu người ấy không vì mình thì mình không nên cúng dường.”
- Bốn là dựa vào tăng-già-lam làm hoen ố nhà người. Nếu tì-kheo lấy hoa quả của chùa đem cho cư sĩ, hoặc không cho cư sĩ. Người được cho kia nghĩ mình phải cúng dường, người không được cho nghĩ rằng tôi không cúng dường.
- Có hành vi xấu: tì-kheo kia làm những việc không đúng pháp như thế. Tự trồng hoa, tưới nước, hái hoa, kết thành tràng, lấy chỉ xâu lại rồi đem cho người. Hoặc dạy người làm như vậy. Trong làng có người nữ ngồi cùng giường, ăn cùng mâm, nói cười huyên huyên, hoặc tự xướng ca nhảy múa, hoặc người khác làm rồi hòa theo, hoặc hò vè, hoặc gảy đàn, đánh trống, thổi sáo, ngâm nga, hoặc giả tiếng chim hót, hoặc chạy, hoặc đi khập khiễng, huýt gió, hoặc tự mân mê thân thể, hoặc nhận lời cười thuê.
- Sự làm hoen ố nhà người ai cũng thấy, ai cũng nghe. Hành vi xấu ai cũng thấy, ai cũng nghe: Bấy giờ, có thầy tì-kheo ngủ ở trong làng ấy, sáng ngày thầy đắp y, ôm bát vào thôn khất thực. Pháp phục ngay ngắn, thầy từng tự bước đi, cuối mặt đi thẳng, không ngoái nhìn hai bên, đi từng nhà từng nhà. Hàng cư sĩ thấy vậy mới bàn tán với nhau. Người này là người gì? Tại sao cuối mặt mà đi, cũng không ngoái nhìn hai bên, cũng không nói cười, cũng không giao tiếp với ai, cũng không chào hỏi ai, chúng ta không nên cúng dường thức ăn cho người này. Người này không như thầy A-thấp-bà giao thiệp với mọi người và làm những việc như nói ở trên. Chúng ta nên cúng dường A-thấp-bà. Khi ấy, tì-kheo khất thực kia khó khăn lắm mới xin được thức ăn. Sau mùa an cư, vị ấy về thăm Phật, Đức Phật hỏi: Chỗ ở có vui vẻ an ổn không? Tăng có hòa hợp không? Không bị việc khất thực làm khổ chứ? Vị tì-kheo kia trình bày hết mọi việc với Phật. Phật từ xa quở trách tì-kheo A-thấp-bà và sai chúng Tăng đến làm pháp diệt tẩn.
- Các tì-kheo nên nói với tì-kheo ấy rằng: ‘Đại đức là người làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu. Sự làm hoen ố nhà người ai cũng thấy, ai cũng nghe. Hành vi xấu ai cũng thấy, ai cũng nghe. Đại đức, ngài làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu, nay nên xa lánh xóm làng này, không nên sống ở đây nữa.’: Bấy giờ, tôn giả Xá-lợi-phất nói pháp cho hàng cư sĩ nghe, làm cho họ sinh lòng tin và vui. Sau khi ăn trưa xong, tôn giả tập hợp Tăng làm pháp yết-ma nêu tội, làm pháp ức niệm và chỉ tội. Làm yết-ma như trên rồi đuổi tì-kheo A-thấp-bà ra khỏi thôn làng. Trong lúc đang làm pháp yết-ma, tì-kheo A-thấp-bà đứng dạy mắng chửi chúng Tăng và nói những người khác cũng phạm như tôi sao không bị đuổi mà chỉ đuổi một mình tôi. A-thấp-bà nói như thế.
- Tì-kheo ấy nói với các tì-kheo rằng: ‘Chư đại đức, các tì-kheo có thiên vị, có thù nghịch, có sợ hãi, có bất minh. Vì có tì-kheo đồng tội như vậy, mà có người bị đuổi, có người không bị đuổi.’: Bấy giờ, tôn giả Xá-lợi-phất trở về thưa với Phật và trình bày mọi việc. Phật từ xa quở trách và bảo làm pháp can gián.
- Các tì-kheo nên trả lời rằng: “Đại đức chớ nói ‘Tăng có thiên vị, có thù nghịch, có sợ hãi, có bất minh. Vì có tì-kheo đồng tội như vậy, mà có người bị đuổi, có người không bị đuổi’.” Nhưng các tì-kheo không có thiên vị, không có thù nghịch, không có sợ hãi, không có bất minh. Đại đức làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu. Sự làm hoen ố nhà người ai cũng thấy, ai cũng nghe. Hành vi xấu ai cũng thấy, ai cũng nghe. Tì-kheo ấy được can gián như vậy mà kiên trì không bỏ; các tì-kheo nên can gián ba lần cho bỏ việc ấy. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt. Nếu không bỏ, tăng-già-bà-thi-sa: nếu trước khi Tăng làm pháp yết-ma mà nói Tăng có yêu, có ghét, có giận, có sợ, có si, nếu không xem thư đem đến, và vì hàng cư sĩ mà truyền tin, tất cả phạm đột-kiết-la. Tì-kheo-ni cũng phạm như tì-kheo.
- Trường hợp không phạm: chúng Tăng vừa mới nói thì từ bỏ liền; can gián không đúng pháp. Hoặc được quần áo, thức ăn đem dâng cha mẹ và cho người bệnh, cho trẻ nhỏ, cho người đang mang thai, cho người bị nhốt trong tù, hoặc cho những người giúp việc trong chùa. Hoặc trồng hoa quả, tự hái, cắt, cho đến dạy người kết hoa đem cúng dường Phật, Pháp, Tăng, tất cả đều không phạm. Nếu có người muốn đánh, bị giặc cướp, chỗ có nạn cọp, sói gây sợ hãi, hoặc mang vác vào trong làng để lẫn trốn, đều không phạm. Nếu vì qua sông, rạch, nhảy qua hầm thì không phạm. Nếu có bạn đi phía sau, ngoái lại nhìn không thấy gọi lớn thì không phạm. Hoặc vì cha mẹ, vì người bệnh, hoặc vì người bị giam trong ngục, hoặc người nam thành tín bị bệnh, hoặc ở trong ngục, xem thư đem đến, hoặc vì tháp của Tăng, nuôi bệnh tì-kheo, đem thư qua lại, như thế đều không phạm.
13. Tánh Xấu Chống Lại Sự Can Ngăn Của Tăng
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở nước Câu-diệm-di. Bấy giờ, tôn giả Xiển-đà ngang bướng chống lại sự can gián của Tăng. Xiển-đà nói lại: ‘Tôi nên dạy các đại đức. Vì sao? Vì thánh chủ của tôi đắc chính giác.’ Các thầy tì-kheo đem lỗi ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách rồi liền chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, có tính ngoan cố không nhận lời khuyên của người khác. Khi được các tì-kheo khuyên can như pháp những điều trong học giới, tự thân không nhận lời can gián, lại nói: “Các Đại đức, chớ nói với tôi điều gì hoặc tốt hoặc xấu. Tôi cũng không nói với các Đại đức điều gì hoặc tốt hoặc xấu. Các Đại đức thôi đi, đừng can gián tôi.” Các tì-kheo can gián tì-kheo ấy rằng: “Đại đức, chớ tự thân không nhận lời can gián. Đại đức như pháp can gián các tì-kheo. Các tì-kheo cũng như pháp can gián Đại đức. Như vậy, chúng đệ Phật được tăng ích, trao đổi dạy bảo nhau, trao đổi can gián nhau, trao đổi sám hối với nhau.” Tì-kheo này được can gián như vậy, kiên trì không bỏ. Các tì-kheo nên ba lần can gián cho bỏ sự ấy. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt. Nếu không bỏ, tăng-già-bà-thi-sa.
c. Giải thích
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Có tính ngoan cố không nhận lời khuyên của người khác. Khi được các tì-kheo khuyên can như pháp những điều trong học giới: dùng giới luật, như pháp mà truyền dạy, có bảy phạm tụ: Ba-la-di, Tăng-già-bà-thi-sa, Ba-dật-đề, Ba-la-đề-đề-xá-ni, Thâu-lan-giá, Đột-kiết-la, ác thuyết.
- Các tì-kheo như pháp can gián rồi: như pháp như luật, như lời Phật dạy.
- Tự thân không nhận lời can gián, lại nói: “Các Đại đức, chớ nói với tôi điều gì hoặc tốt hoặc xấu. Tôi cũng không nói với các Đại đức điều gì hoặc tốt hoặc xấu. Các Đại đức thôi đi, đừng can gián tôi.”: đây là việc can gián chính của giới này. Hai lần can gián sau theo thứ tự đều là những lời giáo huấn.
- Các Đại đức thôi đi, đừng can gián tôi.” Các tì-kheo can gián tì-kheo ấy rằng: “Đại đức, chớ tự thân không nhận lời can gián. Đại đức như pháp can gián các tì-kheo. Các tì-kheo cũng như pháp can gián Đại đức. Như vậy, chúng đệ Phật được tăng ích, trao đổi dạy bảo nhau, trao đổi can gián nhau, trao đổi sám hối với nhau.” Tì-kheo này được can gián như vậy, kiên trì không bỏ. Các tì-kheo nên ba lần can gián cho bỏ sự ấy. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt. Nếu không bỏ, tăng-già-bà-thi-sa: nếu trước khi bạch yết-ma mà càng bướng không nghe lời can gián thì phạm một đột-kiết-la. Tì-kheo-ni cũng phạm giống như tì-kheo.
- Trường hợp không phạm: mới can gián lần thứ nhất thì từ bỏ liền, quở trách không đúng pháp, không đúng pháp, không đúng luật, chẳng phải lời Phật dạy. Nếu can gián người vô trí thì nên nói với người ấy rằng: “Việc làm của hòa thượng A-xà-lê của thầy cũng như vậy. Thầy nên học hỏi, tụng đọc thêm kinh luật.” Nếu những việc ấy như thế, hoặc nói sai, đều không phạm.
Chư Đại đức tôi đã nói mười ba pháp tăng-già-bà-thi-sa, chín giới trước vừa làm liền phạm, bốn giới sau can gián đến lần thứ ba mới phạm. Nếu tì-kheo nào phạm mỗi mỗi pháp biết mà che giấu thì buộc phải thực hành Ba-lợi-bà-sa.[43] Hành Ba-lợi-bà-sa xong phải thực hành thêm sáu đêm ma-na-đỏa. Hành ma-na-đỏa[44] xong mới cho nói tội và phải đối trước hai mươi vị tì-kheo tăng nói tội của tì-kheo ấy. Nếu thiếu một người không đủ số chúng là hai mươi vị tì-kheo, thì chẳng những tội của vị tì-kheo kia không hết mà các tì-kheo cũng bị quở trách. Nay xin hỏi các Đại đức trong đây có thanh tịnh không? (3 lần). Các Đại đức trong đây thanh tịnh, vì các thầy đều im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.
Chư đại đức! Đây là hai pháp Bất định mỗi nửa tháng nói một lần, trích trong giới kinh.
1. Giới Ngồi Ở Chỗ Khuất
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, tì-kheo Ca-lưu-đà-di lúc chưa xuất gia có quen với vợ của người bạn, người nữ ấy tên là Trai-ưu-bà-tư. Nàng ta rất xinh đẹp ai thấy cũng để ý. Một hôm, Ca-lưu-đà-di đến nhà người kia và họ ngồi ở chỗ khuất nói lời phi pháp. Bấy giờ, bà Tì-xá-khư Mẫu tình cờ nhìn qua khe cửa trông thấy, bà tức tốc đi đến gặp Phật và trình bày những gì bà thấy. Nhân đó, Đức Phật quở trách Ca-lưu-đà-di và chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, cùng một người nữ, một mình ngồi tại chỗ khuất, chỗ kín, chỗ có ngăn che, chỗ có thể hành dâm, nói lời phi pháp. Có vị ưu-bà-tư trụ tín nói một pháp trong ba pháp, hoặc ba-la-di, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hoặc ba-dật-đề, và tì-kheo ngồi ấy tự xác nhận ‘Tôi phạm tội này.’ Vậy cần xử trị một trong ba pháp, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hoặc ba-dật-đề, hoặc đúng như lời ưu-bà-tư trụ tín. Cần như pháp xử trị tì-kheo ấy. Đây gọi là pháp bất định.
c. Giải thích
- Tì-kheo nào: nghĩa như trên.
- Cùng một người nữ: người nữ có trí, còn sống.
- Một mình: nghĩa là chỉ có một tì-kheo và một người nữ.
- Ngồi tại chỗ khuất: chỗ khuất có hai trường hợp: Một là khuất tầm nhìn, hoặc do bụi, sương mù, trong bóng tối không nhìn thấy nhau. Hai là cách âm, cho đến chỗ nói vừa phải nhưng không nghe.
- Chỗ kín: bên trên có vật che.
- Chỗ có ngăn che: hoặc do cây cối, vách tường, hàng rào, vải, và những vật ngăn che khác.
- Chỗ có thể hành dâm: nghĩa là chỗ có thể làm việc dâm dục.
- Nói lời phi pháp: là nói cách hành dâm.
- Có vị ưu-bà-tư trụ tín: nghĩa là người tin Phật, tin Pháp, tin Tăng và quy y với Phật, Pháp, Tăng; không giết hại, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, ghi nhớ kĩ, thực hành, không trái phạm, những gì người này nói ra đều thật không dối.
- Nói một pháp trong ba pháp, hoặc ba-la-di, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hoặc ba-dật-đề, và tì-kheo ngồi ấy tự xác nhận ‘Tôi phạm tội này.’ Vậy cần xử trị một trong ba pháp, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hoặc ba-dật-đề, hoặc đúng như lời ưu-bà-tư trụ tín. Cần như pháp xử trị tì-kheo ấy. Đây gọi là pháp bất định: đây là nói, tì-kheo kia tự nói chỗ mình định đến, chỗ mình đến, hoặc ngồi, hoặc nằm, hoặc làm, nếu không tự nói thì đều như ưu-bà-tư nói mà trị tội.
2. Giới Ở Chỗ Trống
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, tì-kheo Ca-lưu-đà-di là người đầu tiên phạm giới này. Nhân duyên cũng giống như giới trước, chỉ khác là lần này ở chỗ trống cho nên hai tội khác nhau.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, cùng một người nữ, một mình ngồi tại chỗ trống, chỗ không thể hành dâm, nói lời thô tục. Có vị ưu-bà-tư trụ tín nói một trong hai pháp, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hoặc ba-dật-đề, và tì-kheo ngồi ấy tự xác nhận ‘Tôi phạm tội này.’ Vậy cần xử trị một trong hai pháp, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hoặc ba-dật-đề, hoặc đúng như lời ưu-bà-tư trụ tín. Cần như pháp xử trị tì-kheo ấy. Đây gọi là pháp bất định.
c. Giải thích
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Cùng một người nữ, một mình ngồi tại chỗ trống: nghĩa là chỗ không có tường, vách và những vật ngăn che khác.
- Chỗ không thể hành dâm: nghĩa là chỗ không tiện lợi cho việc hành dâm.
Nói lời thô tục: tức nói việc dâm dục, khen ngợi hai đường tốt xấu.
- Có vị ưu-bà-tư trụ tín nói một trong hai pháp, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hoặc ba-dật-đề, và tì-kheo ngồi ấy tự xác nhận ‘Tôi phạm tội này.’ Vậy cần xử trị một trong hai pháp, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hoặc ba-dật-đề, hoặc đúng như lời ưu-bà-tư trụ tín. Cần như pháp xử trị tì-kheo ấy. Đây gọi là pháp bất định: Đây là nói, tì-kheo kia tự nói chỗ mình định đến, chỗ mình đến, hoặc ngồi, hoặc nằm, hoặc làm, nếu không tự nói thì đều như ưu-bà-tư nói mà trị tội. Trong đây không xác định được phạm tội nào, nên gọi là bất định.
Chư Đại đức! Tôi đã nói hai pháp bất định, nay xin hỏi chư Đại đức trong đây thanh tịnh không? (3 lần). Chư Đại đức trong đây thanh tịnh, vì các ngài đều im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.
Chư Đại đức! Đây là ba mươi pháp Ni-tát-kì ba-dật-đề,[45] nửa tháng tụng một lần, trích từ giới kinh.
1. Giới Chứa Y Dư Quá Hạn
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ, cho phép tì-kheo giữ ba y không được có dư. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo chứa nhiều y dư, rồi hoặc sáng mặc, hoặc trưa mặc, chiều mặc. Sáu thầy kia, suốt ngày sửa sang, trau chuốt y phục, gôm lại và cất chứa. Các thầy tì-kheo đem việc ấy thưa Phật. Đức Phật quở trách rồi, nhân đó khai cho và chế lại giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, y đã xong, y ca-thi-na đã xả, cất chứa y dư, trong mười ngày không tịnh thí được phép chứa. Nếu quá mười ngày, ni-tát-kì ba-dật-đề.
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Y đã xong: nghĩa là đã đủ ba y.
- Y ca-thi-na đã xả: nghĩa là đã qua thời gian giữ y công đức.
- Cất chứa y dư: Y có mười loại. Trường y: đó là dài bằng tám ngón tay của Như Lai và rộng bằng bốn ngón tay của Như Lai.
- Trong mười ngày không tịnh thí được phép chứa. Nếu quá mười ngày: ban đầu Đức Phật không cho phép chứa y dư, sau đó có người cúng tôn giả A-nan một cái y phấn tảo tốt, tôn giả A-nan muốn dâng y ấy cho tôn giả Ca-diếp nhưng sợ phạm, vì tôn giả Ca-diếp mười ngày mới trở về tinh xá, vì thế Phật cho phép chứa y dư đến mười ngày.
- Ni-tát-kì ba-dật-đề.
- Sự không phạm: có tám trường hợp không phạm: hoặc không được y, hoặc đã làm pháp tịnh thí, hoặc đem cho người, hoặc bị mất y, hoặc y cũ rách, hoặc may các vật không phải y, hoặc chiều ý của người thân, trái lại tám trường hợp vừa nêu thì đều phạm ni-tát-kì ba-dật-đề.
Nếu là y xả-đọa mà không chịu xả, lại đem đổi y khác thì phạm một ni-tát-kì ba-dật-đề và một đột-kiết-la. Y này xả-đọa nên xả cho Tăng, cho đến cho một người, không được biệt chúng xả, xả không thành thì phạm đột-kiết-la. Tì-kheo-ni cũng phạm giống như tì-kheo. Ba chúng dưới cho đến giới dưới cũng phạm đột-kiết-la.
- Trường hợp không phạm: hoặc cất chứa trong vòng mười ngày, hoặc làm pháp tịnh thí, hoặc đem cho người, hoặc nghĩ bị giặc cướp, hoặc nghĩ bị mất, hoặc nghĩ bị cháy, nước trôi. Nếu bị cướp y, bị mất y, nhận mặc. Hoặc người khác cho để làm mền. Hoặc có người đi xa gửi lại, trên đường đi người ấy qua đời. Những trường hợp như thế không làm pháp tịnh thí, không cho người, đều không phạm.
2. Giới Ngủ Lìa Y
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo đem y gửi người bạn thân, đi đây đi đó. Người kia đem y ra phơi. Tì-kheo thấy vậy hỏi: Phật cho phép giữ ba y, không được có y dư, y này của ai? Người kia trình bày tường tận và bị các tì-kheo trách. Các tì-kheo đem việc ấy thưa Phật. Nhân đó, Đức Phật chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, y đã xong, y ca-thi-na đã xả, trong ba y, lìa một trong ba y ngủ đêm chỗ khác, trừ tăng yết-ma, ni-tát-kì ba-dật-đề.
c. Giải thích
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Y đã xong, y ca-thi-na đã xả: như trên đã giải thích.
- Trong ba y: Tăng-già-lê, Uất-đa-la, An-đà-hội. Nhưng y có tất cả mười loại.
- Lìa một trong ba y ngủ đêm chỗ khác: trường hợp không bị mất y là ở trong tăng-già-lam chỉ có một cương giới. Trường hợp mất y là trong tăng-già-lam có một vài cương giới. Các cương giới như dưới bóng cây, bãi đất trống, trên xe, trên thuyền, thôn làng, nhà, giảng đường, nhà kho, lẫm những nơi riêng như thế này cũng như vậy. Tăng-già-lam đề cập ở đây như bốn loại đã được nói ở trên.
Cây nghĩa là bóng cây che đủ để một người ngồi thiền. Bãi đất trống là nơi phơi ngũ cốc. Trên xe hoặc là chỗ quay xe. Cương giới trên thuyền cũng như vậy. Thôn làng có bốn loại. Giảng đường hình thù có nhiều chỗ trống. Kho là nơi cất chứa các vật dụng. Lẫm là nơi cất chứa ngũ cốc.
A-lan-nhã không có giới hạn. Trong khoảng giữa tán cây, khoảng cách giữa mỗi cây là bằng bảy cung, mỗi cung như vậy dài bằng bốn khủy tay của người bình thường.
Giới của già-lam: cương giới của già-làm này không phải là cương giới của già-làm kia, cũng không phải là cương giới của cây, càng không phải cương giới của kho, lẫm v.v… Ngược lại, cương giới của các giới khác không phải là cương giới của tăng già-lam.
Cương giới của một tăng-già-lam ở bên cạnh một tăng-già-lam khác được tính bằng sức của người trung bình dùng đá, gạch ném đến chỗ nào thì đó gọi là giới của y. Cho đến cương giới của kho, lẫm cũng như vậy. Tì-kheo để y trong già-lam cho đến để ở dưới gốc cây mà ngủ, khi mặt trời chưa mọc, hoặc bỏ y, hoặc tay cầm y, hoặc đi đến chỗ ném đá, hoặc không bỏ y, hoặc tay cầm y, hoặc không đến được chỗ ném đá, tùy theo trường hợp lìa y mà phạm ni-tát-kì ba-dật-đề.
- Trừ Tăng yết-ma: bấy giờ có thầy tì-kheo mắc chứng bệnh càn tiêu, y tăng-già-lê phấn tảo quá nặng, vị ấy có việc phải đi lại đó đây, nhưng vì không thể mang theo được, thầy đem việc ấy bạch Phật, Phật bảo tì-kheo ấy xin ba lần rồi, bạch nhị yết-ma cho phép lìa y.
- Ni-tát-kì ba-dật-đề: ngoài ba y ra, nếu lìa các y khác thì phạm đột-kiết-la. Tì-kheo-ni phạm giống như tì-kheo.
- Trường hợp không phạm: Tăng đã làm pháp yết-ma cho phép được lìa y, mặt trời chưa mọc, hoặc tay cầm y, hoặc xả y, hoặc đến được chỗ đã ném đá, hoặc tưởng bị cướp y, hoặc bị ngăn sông cách biển, hoặc có nạn nguy cấp, hoặc bị giặc cướp, thú dữ, hoặc bị người bắt giữ lại, hoặc bị nạn có thể làm mất phạm hạnh, hoặc không lìa y và đến được nơi đã ném đá, tất cả những trường hợp trên đây đều không phạm.
3. Giới Xin Y Quá Thời Gian Một Tháng
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, Phật chỉ cho tì-kheo giữ ba y. Có một tì-kheo y tăng-già-lê của thầy bị cũ rách, nhưng trước đó Phật chỉ cho phép chứa vải trong vòng mười ngày nên không đủ vải để may y khác. Cho nên Phật mới cho phép chứa vải dư đến khi nào đủ may y mới thôi. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo nhận những loại vải đồng loại không đủ rồi giặt, nhuộm, làm phép mặc tịnh, gửi cho người rồi đi giáo hóa. Các tì-kheo đem lỗi ấy thưa Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách rồi chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, y đã đủ, y ca-thi-na-đã xả, nếu tì-kheo được y vải phi thời, cần thì nhận; nhận rồi mau chóng may thành y; đủ thì tốt, không đủ thì được phép chứa một tháng, vì chờ cho đủ; nếu chứa quá hạn, Ni-tát-kì ba-dật-đề.
c. Giải thích
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Y đã đủ, y ca-thi-na đã xả.
- Nếu tì-kheo được y vải phi thời: Đúng thời: nếu không có y ca-thi-na thì được nhận y trong vòng một tháng, tính từ sau ngày tự tứ. Nếu có y ca-thi-na thì thời gian nhận y là trong vòng năm tháng, kể từ ngày tự tứ trở về sau. Không đúng thời: là vượt quá thời gian cho phép vừa nói.
- Cần thì nhận; nhận rồi mau chóng may thành y; đủ thì tốt: Nếu trong vòng mười ngày mà nhận được đủ những vải cùng loại, cắt may như trên đã nói. Trường hợp không được đủ thì qua đến ngày thứ mười một, tùy theo vải nhiều hay ít đều phạm xả-đọa.
- Không đủ thì được phép chứa một tháng, vì chờ cho đủ: Nếu vải không cùng loại không đủ đến ngày thứ mười một vải cùng loại đủ, phải cắt may liền trong ngày. Trái lại, nếu để sang ngày thứ mười hai thì tùy theo số vải được nhiều hay ít đều phạm. Để đến ngày thứ hai mươi chín cũng phạm như vậy. Đến ngày thứ ba mươi, dù đủ hay không đủ, vải cùng loại hay không cùng loại ngay trong ngày ấy nên may.
- Nếu chứa quá hạn, ni-tát-kì ba-dật-đề.
Tì-kheo-ni cũng phạm như tì-kheo.
- Trường hợp không phạm: nếu trong vòng mười ngày có đủ vải cùng loại và may. Cho đến ngày thứ ba mươi, ngay trong ngày ấy may y. Ngoài ra các trường hợp khác cũng giống như giới chứa y dư.
4. Giới Nhận Y Của Tì-kheo-ni Không Phải Bà Con
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở nước La-duyệt-kì. Bấy giờ, Tì-kheo-ni Liên Hoa Sắc mang thức ăn vào trong núi để cúng dường các thượng tọa. Khi ấy, có một thầy tì-kheo mặc y bá nạp cũ xấu; thấy vậy, Tì-kheo-ni Liên Hoa Sắc cởi y tốt của cô đổi cho tì-kheo kia. Sau đó, cô mặc y xấu rách kia đến gặp Phật. Đức Phật thấy lạ liền hỏi, mới biết là cô đổi y của tì-kheo kia. Nhân đó, Đức Phật quở trách tì-kheo kia và chế ra giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, thọ nhận y từ tì-kheo-ni chẳng phải thân quyến, trừ đổi chác, ni-tát-kì ba-dật-đề.
c. Giải thích
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Từ tì-kheo-ni chẳng phải thân quyến: không phải thân quyến: nghĩa là không phải cha mẹ, không phải người thân, cũng không phải bà con trong bảy đời. Trái với những trường hợp trên là bà con. Nếu đã không phải bà con, cũng không suy tính có khả năng cúng hay không. Nếu là bà con cũng phải suy tính biết có y, không có y, có nên nhận hay không nên nhận. Hoặc tốt hoặc xấu, hoặc mới hoặc cũ v.v…
- Thọ nhận y: y thì có mười loại. Tì-kheo-ni muốn mặc y cũ rách nên đến xin phép Phật. Phật nói: “Không nên làm như vậy. Phật cho phép chứa năm y còn nguyên và chắc. Ngoài ra những y khác tùy ý làm phép tịnh thí hoặc cho người. Vì sao như vậy? Phụ nữ mặc y thượng hạng còn chưa đẹp huống gì mặc y cũ rách.”
- Trừ đổi chác: Bấy giờ, hai bộ Tăng được y mới chia đều; hai bên lấy nhằm của nhau. Phật nói: “Cho phép đổi cho nhau.”
Trao đổi: nghĩa là lấy y đổi y. Nếu không phải y, hoặc lấy những vật không phải y đổi lấy y; như kim khâu, ống tre, dao, chỉ, những vật ngắn nhỏ, hoặc chỉ một viên thuốc mà đổi lấy y.
- Ni-tát-kì ba-dật-đề: tì-kheo-ni phạm đột-kiết-la.
Trường hợp không phạm: nhận y của tì-kheo-ni bà con, hoặc trao đổi, hoặc vì Tăng, hoặc vì Phật mà lấy, thì đều không phạm.
5. Giới Nhờ Tì-kheo-ni Không Phải Bà Con Giặt Y Cũ
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, tì-kheo Ca-lưu-đà-di và tì-kheo-ni Thâu-lan-đà, cả hai đều rất xinh đẹp, hai người đã có ý với nhau. Một hôm, hai người ngồi trò chuyện với nhau thì Ca-lưu-đà-di xuất tinh, làm dơ y An-đà-hội[46] mới bảo Thâu-lan-đà đem về giặt. Các tì-kheo đem việc ấy trình Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách Ca-lưu-đà-di và chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, khiến tì-kheo-ni chẳng phải thân quyến giặt y cũ, hoặc nhuộm, hoặc đập, ni-tát-kì ba-dật-đề.
c. Giải thích
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Khiến tì-kheo-ni chẳng phải thân quyến: như trên đã nói. Nếu không phải là Thức-xoa, sa-di ni bà con mà giặt nhuộm, đập y cũ thì phạm đột-kiết-la.
- Giặt y cũ: Y cũ là y thậm chí chỉ mới mặc qua một lần. Nếu giặt, nhuộm, đập y mới thì phạm đột-kiết-la.
- Hoặc nhuộm, hoặc đập, ni-tát-kì ba-dật-đề: hoặc bảo, sai giặt, nhuộm, đập; hoặc làm qua làm lại phạm ba ni-tát-kì ba-dật-đề; hoặc chỉ một người làm, tùy người nào làm thì phạm đột-kiết-la.
- Trường hợp không phạm: hoặc vì bệnh nên nhờ giặt, nhuộm, đập; hoặc vì Tăng, vì Phật; hoặc mượn y người khác rồi giặt, nhuộm, đập tất cả đều không phạm.
6. Giới Xin Y Ở Người Thế Tục Không Phải Bà Con
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, tì-kheo Bạt-nan-đà nói pháp cho mọi người nghe, nhân đó Bạt-nan-đà xin cái áo mà người kia đang mặc, miễn cưỡng lắm người kia mới cho Bạt-nan-đà. Sau khi cho rồi, người kia mặc áo chiếc đi vào thành và nói bị giặc ở trong Kì-hoàn cướp mất áo. Người đời vì thế mà cười chê, trách móc tì-kheo. Các thầy tì-kheo khác đem việc ấy trình Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, xin y từ cư sĩ hay vợ cư sĩ không phải thân quyến, ni-tát-kì ba-dật-đề, trừ trường hợp đặc biệt. Trường hợp đặc biệt là nếu tì-kheo y bị cướp, y bị mất, y bị cháy, y bị nước cuốn trôi. Đây là trường hợp đặc biệt.
c. Giải thích
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Xin y từ cư sĩ hay vợ cư sĩ không phải thân quyến: về giải thích chính văn cũng giống như trên.
- Ni-tát-kì ba-dật-đề, trừ trường hợp đặc biệt: tì-kheo-ni cũng phạm như tì-kheo.
- Trường hợp đặc biệt là nếu tì-kheo y bị cướp: Bấy giờ, có thầy tì-kheo bị cướp lột mất y phải ở trần mà đi. Phật nói không nên làm như thế. Nếu làm như vậy phạm đột-kiết-la. Nếu tì-kheo nào gặp phải trường hợp như vậy thì phải lấy cỏ mềm, lá cây che thân rồi đến chùa bên cạnh, hoặc lấy y dư, hoặc lấy y của người bạn quen biết bên cạnh. Nếu không có thì nên vào trong Tăng hỏi lấy y định chia. Nếu vẫn không có thì hỏi lấy y, ngọa cụ của Tăng. Nếu không cho thì tự vào kho xem, hoặc rọc nệm, mền cắt lấy may y rồi ra ngoài xin y. Nếu xin được y rồi trở lại giặt, nhuộm khâu trở lại và để lại chỗ cũ. Nếu không để lại chỗ cũ thì theo phép mà xử trị.
- Y bị mất, y bị cháy, y bị nước cuốn trôi. Đây là trường hợp đặc biệt.
- Trường hợp không phạm: nếu gặp trường hợp bị cướp, bị mất y xin người không phải bà con, hoặc xin người thân, hoặc xin người xuất gia, hoặc xin giúp cho người khác, hoặc người khác xin cho mình, hoặc không xin mà người ta tự cho, tất cả đều không phạm.
7. Giới Lấy Y Quá Phần
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, có nhiều thầy tì-kheo trên đường trở về tinh xá Kì-hoàn gặp cướp, bị cướp mất y. Khi các tì-kheo này về đến Kì-hoàn, có các cư sĩ biết được việc ấy, họ cùng nhau đem nhiều vải vóc đến cúng dường các thầy tì-kheo. Các thầy tì-kheo nói với các cư sĩ: Thôi đi! Các cư sĩ chớ vì việc ấy mà cúng dường, các thầy tì-kheo đều đã đủ ba y rồi, cho nên không cần nữa. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo nói: ‘Cứ nhận rồi đem cho chúng tôi.’Các thầy tì-kheo kia nghe vậy liền nhận và đem cho nhóm sáu thầy tì-kheo. Các thầy tì-kheo đem việc lầm lỗi ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.
b.Văn giới:
Tì-kheo nào, y bị mất, y bị cướp, y bị cháy, y bị nước cuốn trôi, nếu có cư sĩ, vợ cư sĩ không phải thân quyến, đem cho nhiều y yêu cầu tùy ý nhận. Tì-kheo ấy nên biết đủ mà nhận. Nếu nhận quá, ni-tát-kì ba-dật-đề.
c. Giải thích
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Y bị mất, y bị cướp, y bị cháy, y bị nước cuốn trôi: Nếu bị mất một y, không được nhận vải. Nếu mất hai y, chỉ còn lại một y. Y ấy hoặc hai lớp, ba lớp, bốn lớp, nên rọc y ấy ra để may Tăng-già-lê,[47] Uất-đa-la-tăng,[48] An-đà-hội.
- Nếu có cư sĩ, vợ cư sĩ không phải thân quyến: đều được giải thích như trên.
- Đem cho nhiều y yêu cầu tùy ý nhận: nếu có cư sĩ cúng nhiều vải, hoặc loại vải rẻo, hoặc vải mỏng, hoặc không bền chắc, nên may làm hai lớp, ba lớp, bốn lớp, nên may làm viền y, nên gấp lại để trên vai chỗ hay ra mồ hôi, nên dùng thắt nút. Nếu còn dư nên nói với cư sĩ: đây là những vải dư, cắt may gì? Nếu người cúng nói: không phải vì ngài mất y mà chúng con cúng vải. Chúng con tự ý dâng cúng cho quý Đại đức. Nếu có nhu cầu thì nên nhận.
- Tì-kheo ấy nên biết đủ mà nhận: nếu cả ba y đều bị mất, tì-kheo kia nên biết đủ mà nhận. Biết đủ có hai trường hợp: 1. Người tại gia biết đủ: nghĩa là tùy khả năng người tại gia cúng bao nhiêu nhận bấy nhiêu. 2. Người xuất gia biết đủ: chỉ ba y.
- Nếu quá: nghĩa là mất một y thì nhận một y, nếu mất cả ba y như đã quy định.
- Ni-tát-kì ba-dật-đề: tì-kheo-ni cũng phạm giống như tì-kheo.
- Trường hợp không phạm: hoặc biết đủ mà nhận, hoặc nhận ít hơn sự cho phép, hoặc cúng nhiều vải, hoặc vải rẻo, vải mỏng, vải không bền chắc, hoặc may làm hai ba lớp, nếu có dư, như trên đã nói; tất cả đều không phạm.
8. Giới Khuyến Khích Cư Sĩ Cúng Thêm Tiền May Y
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, có hai vợ chồng người cư sĩ kia bàn với nhau: ‘Bạt-nan-đà là bạn cũ của chúng ta, chúng ta nên đem tiền may y, mua vải cúng cho thầy ấy.’ Khi ấy, có một tì-kheo khất thực đi ngang tình cờ nghe được về nói cho Bạt-nan-đà biết. Sau đó, Bạt-nan-đà tìm đến nhà người kia, khuyến khích họ nên may mới, y rộng lớn, bền chắc. Vì thế, bị người đời chê cười. Các tì-kheo đem việc ấy thưa Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, có hai cư sĩ hay vợ cư sĩ để dành tiền sắm y cho tì-kheo, đều nói rằng: ‘Ta để dành tiền may y như vậy dâng cúng cho tì-kheo có tên như vậy.’ Tì-kheo ấy trước chưa nhận được sự yêu cầu tùy ý của cư sĩ, mà đến hai nhà cư sĩ, nói như vầy: ‘Lành thay, để dành tiền như vậy, như vậy để sắm y cho tôi. Hãy chung lại làm một cái y.’ Vì muốn đẹp. Nếu nhận được, ni-tát-kì ba-dật-đề.
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Có hai cư sĩ hay vợ cư sĩ: như trên đã giải thích.
- Để dành tiền sắm y cho tì-kheo: nghĩa là hoặc lấy tiền, hoặc vàng, bạc, chân châu, lưu li, hoặc ngọc thạch, hoặc chuỗi báu, chất giống vàng, cho đến mười loại y.
- Đều nói rằng: ‘Ta để dành tiền may y như vậy dâng cúng cho tì-kheo có tên như vậy.’ Tì-kheo ấy trước chưa nhận được sự yêu cầu tùy ý của cư sĩ: nếu được hứa cúng thì phải hỏi cần y gì? Phật cho phép những tì-kheo muốn ít, biết đủ được xin những y bị thiếu.
- Mà đến hai nhà cư sĩ, nói như vầy: ‘Lành thay, để dành tiền như vậy, như vậy để sắm y cho tôi. Hãy chung lại làm một cái y.’ Vì muốn đẹp: Xin có hai trường hợp: 1. Xin tiền: nói đàn-việt[49] cúng tiền may đại y, cho đến xin tăng thêm một tiền, một phần trong mười sáu phần. 2. Xin y: nói với cư sĩ rằng, nên may y dài, rộng, cho đến chỉ tăng thêm một sợi chỉ.
- Nếu nhận được, ni-tát-kì ba-dật-đề: tì-kheo-ni cũng phạm giống như tì-kheo.
- Trường hợp không phạm: đã nhận được lời hứa tùy ý trước rồi mới đến; xin vừa đủ, xin ít hơn lượng mình cần, xin từ người thân, xin của người xuất gia, hoặc xin giúp cho người khác, người khác xin cho mình, hoặc không xin mà tự được.
9. Giới Khuyến Khích Hai Nhà Tăng Tiền May Y
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, có hai vợ chồng hai gia đình kia bàn với nhau, định cúng tiền may y cho tì-kheo Bạt-nan-đà. Có tì-kheo khất thực tình cờ nghe được mới mách với Bạt-nan-đà. Tì-kheo Bạt-nan-đà liền tìm đến hai gia đình kia khuyến khích họ may y. Các cư sĩ nghe vậy chê cười. Các thầy tì-kheo đem việc ấy trình Phật. Nhân đó, Đức Phật chế giới này.
b. Văn giới
Nếu tì-kheo nào, có hai cư sĩ hay vợ cư sĩ để dành tiền sắm y cho tì-kheo, đều nói rằng: ‘Ta để dành tiền may y như vậy dâng cúng cho tì-kheo có tên như vậy.’ Tì-kheo ấy, trước chưa nhận được sự yêu cầu tùy ý của cư sĩ, mà đến hai nhà cư, nói như vầy: ‘Lành thay, để dành tiền như vậy, như vậy để sắm y cho tôi. Hãy chung lại làm một cái y.’ Vì muốn đẹp. Nếu nhận được, ni-tát-kì ba-dật-đề.
Phần giới tướng, trường hợp phạm, trường hợp không phạm, đều giống như giới trên.
10. Giới Đòi Y Gấp Quá Thời Hạn
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, trong thành La-duyệt có vị đại thần là bạn thân với tì-kheo Bạt-nan-đà, nên thường lui tới thăm Bạt-nan-đà. Một hôm, ông ta sai người đem tiền may y đến đưa cho tì-kheo Bạt-nan-đà. Tì-kheo Bạt-nan-đà đem tiền may y ấy gửi lại cho một người khác.[50] Sau đó, nhân có việc Bạt-nan-đà đến đòi gấp, vì thế bị người kia mắng. Những người đời thấy vậy cười chê tì-kheo. Các tì-kheo khác đem lỗi ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, hoặc vua, hoặc đại thần, hoặc bà-la-môn, hoặc cư sĩ, hay vợ cư sĩ, sai sứ mang tiền sắm y đến tì-kheo bảo rằng: ‘Hãy mang số tiền sắm y như vậy cho tì-kheo có tên như vậy.’ Người xứ kia đến chỗ tì-kheo, nói với tì-kheo rằng: ‘Đại đức, nay tiền sắm y này được gửi đến ngài, ngài hãy nhận.’ Tì-kheo ấy nên nói với người kia rằng: ‘Tôi không được phép nhận tiền may y này, khi nào cần hợp thời và thanh tịnh tôi sẽ nhận.’ Vị sứ kia nên hỏi tì-kheo rằng: ‘Đại đức có người chấp sự[51] không?’ Tì-kheo cần y nên nói: ‘Có’, và chỉ người dân trong tăng-già-lam, hoặc ưu-bà-tắc, nói rằng: ‘Đó là người chấp sự của tì-kheo, thường chấp sự cho các tì-kheo.’ Bấy giờ, sứ giả đến chỗ người chấp sự, trao số tiền sắm y rồi, trở lại chỗ tì-kheo, nói như vầy: ‘Đại đức, tôi đã trao số tiền sắm y cho người chấp sự mà Đại đức chỉ đó, khi nào Đại đức cần, đến đó sẽ được y.’ Tì-kheo khi cần nên đến chỗ người chấp sự, hoặc hai lần, ba lần để cho họ nhớ lại, hoặc bằng cách nói rằng: ‘Tôi cần y.’ Hoặc hai lần, hoặc ba lần khiến cho họ nhớ lại. Nếu nhận được y thì tốt. Bằng không được y thì bốn lần, năm lần, sáu lần, đứng im lặng trước họ. Nếu bốn lần, năm lần, sáu lần, đứng im lặng trước người đó mà nhận được y thì tốt; bằng không được y mà cố cầu quá giới hạn đó, nếu được y, ni-tát-kì ba-dật-đề. Nếu không được y thì tự chính mình, hoặc sai sứ đến chỗ người xuất tiền sắm ý nói rằng: ‘Trước đây, ngài sai sứ mang tiền sắm y cho tì-kheo có tên như vậy; tì-kheo ấy cuối cùng không nhận được y. Ngài nên lấy tiền lại, đừng để mất. Như vậy là hợp thức.’
c. Giải thích
- Tì-kheo nào: nghĩa như trên.
- Hoặc vua: là người được tự do không bị bất cứ ràng buộc nào.
- Hoặc đại thần: là những người hầu bên cạnh vua.
- Hoặc bà-la-môn: là người có đời sống như các đạo sĩ Bà-la-môn.
- Hoặc cư sĩ: trừ vua, đại thần, bà-la-môn, những người tại gia khác đều gọi là cư sĩ.
- Vợ cư sĩ: tà vợ của những người tại gia.
- Sai sứ mang tiền sắm y đến tì-kheo bảo rằng: như đã giải thích ở trên.
- ‘Hãy mang số tiền sắm y như vậy cho tì-kheo có tên như vậy.’ Người xứ kia đến chỗ tì-kheo, nói với tì-kheo rằng: ‘Đại đức, nay tiền sắm y này được gửi đến ngài, ngài hãy nhận.’ Tì-kheo ấy nên nói với người kia rằng: ‘Tôi không được phép nhận tiền may y này, khi nào cần hợp thời và thanh tịnh tôi sẽ nhận.’ Vị sứ kia nên hỏi tì-kheo rằng: ‘Đại đức có người chấp sự không?’ Tì-kheo cần y nên nói: ‘Có’, và chỉ người dân trong Tăng-già-lam, hoặc ưu-bà-tắc, nói rằng: ‘Đó là người chấp sự của tì-kheo, thường chấp sự cho các tì-kheo.’ Bấy giờ, sứ giả đến chỗ người chấp sự, trao số tiền sắm y rồi, trở lại chỗ tì-kheo, nói như vầy: ‘Đại đức, tôi đã trao số tiền sắm y cho người chấp sự mà Đại đức chỉ đó, khi nào Đại đức cần, đến đó sẽ được y.’ Tì-kheo khi cần nên đến chỗ người chấp sự, hoặc hai lần, ba lần để cho họ nhớ lại, hoặc bằng cách nói rằng: ‘Tôi cần y.’: làm cho họ nhớ là: hoặc người giúp việc, hoặc đang ở nhà, đang ở chợ, ở công sở, nên đến chỗ người ấy một, hai, ba lần; nói rằng: ‘Nay tôi cần y nên may y cho tôi.’
- Hoặc hai lần, hoặc ba lần khiến cho họ nhớ lại. Nếu nhận được y thì tốt. Bằng không được y thì bốn lần, năm lần, sáu lần, đứng im lặng trước họ.: người giúp việc kia hoặc ở nhà, hoặc ở chợ, hoặc ở công sở, tì-kheo nên đến trước chỗ người kia đứng im lặng. Người giúp việc cho tì-kheo kia hỏi: ‘Vì việc gì thầy đứng ở đây?’ Tì-kheo nói: ‘Ông tự phải biết việc đó.’
Nếu người kia nói: ‘Nay tôi không biết, có người nào khác biết không?’ Tì-kheo phải nói cho người kia biết việc đó. Đây là trường hợp giữ im lặng.
- Nếu bốn lần, năm lần, sáu lần, đứng im lặng trước người đó mà nhận được y thì tốt: nếu lập lại một lần là phá đi hai lần im lặng, cho đến nói đi nói lại ba lần tức là phá sáu lần im lặng.
- Bằng không được y mà cố cầu quá giới hạn đó, nếu được y, ni-tát-kì ba-dật-đề.: tì-kheo-ni phạm cũng như tì-kheo.
- Nếu không được y thì tự chính mình, hoặc sai sứ đến chỗ người xuất tiền sắm ý nói rằng: ‘Trước đây, ngài sai sứ mang tiền sắm y cho tì-kheo có tên như vậy; tì-kheo ấy cuối cùng không nhận được y. Ngài nên lấy tiền lại, đừng để mất. Như vậy là hợp thức.
- Trường hợp không phạm: hoặc sai người báo cho biết, hoặc người kia nói: nay tôi không cần nên đem cúng người khác. Tì-kheo đó lựa lúc thích hợp dùng lời ôn hòa mà đòi y; hoặc vì làm ba-lợi-ca-la, cho nên lựa lúc thích hợp dùng lời ôn hòa mà đòi, hoặc tùy nghi mà đòi được y.
11. Giới May Ngọa Cụ Bằng Tơ Tằm
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở nước Khoáng-dã. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo đến nhà nuôi tằm xin những loại tơ tằm chưa thành, những loại tơ tằm đã thành và những loại tơ tằm tạp nhạp để may ngọa cụ. Hoặc xem người ta phơi kén, hàng cư sĩ chê cười, cho là giết hại mạng sống, chẳng phải chính pháp. Các thầy tì-kheo đem lỗi bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, làm ngọa cụ mới bằng loại tơ tằm tạp, ni-tát-kì ba-dật-đề.
c. Giải thích
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Làm ngọa cụ mới bằng loại tơ tằm tạp, ni-tát-kì: tạp: hoặc lông, hoặc kiếp cụ,[52] hoặc vải, hoặc các loại tơ sợi. Những loại tơ tằm bị bỏ thì hoặc dùng búa, rìu, bầm, chặt ra rồi trộn với bùn dùng để trét vách.
- Ba-dật-đề: hoặc tự mình làm, hoặc bảo người làm, làm thành thì đều phạm. Làm không thành phạm đột-kiết-la. Nếu làm cho người, thành phạm đột-kiết-la. Tì-kheo-ni làm phạm đột-kiết-la.
- Trường hợp không phạm: nếu xin được loại tơ tằm đã thành rồi dùng búa bầm trộn với bùn để trét tường, bôi lên đất, thì không phạm.
12. Giới Dùng Lông Màu Đen May Ngọa Cụ
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở nước Tì-xá-li. Bấy giờ, các Lê-xa Tử làm nhiều việc bất chính, họ may những áo choàng bằng loại lông toàn màu đen trùm kín thân đi trong đêm tối, làm cho mọi người không thấy. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo thấy vậy liền làm theo và bị các Lê-xa chê cười. Các tì-kheo đem việc ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật nhân đó mà chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, làm ngọa cụ mới bằng lông dê toàn đen, nâu, ni-tát-kì ba-dật-đề.
c. Giải thích
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Bằng lông dê toàn đen, nâu: hoặc lông đã đen sẵn, hoặc do nhuộm thành đen.
- Làm ngọa cụ mới, ni-tát-kì ba-dật-đề: hoặc tự mình may, bảo người may, may cho người, đều phạm giống như giới vừa nói trên. Tì-kheo-ni phạm đột-kiết-la.
- Trường hợp không phạm: hoặc được cái ngọa cụ đã may sẵn, hoặc cắt, rọc cho rách, hoặc nhỏ, mỏng, vá làm hai lớp, hoặc chỉ là cái tọa cụ nhỏ, hoặc may mền, hoặc may mũ, hoặc may áo lót, hoặc may khăn lau mồ hôi, hoặc may vớ, tất cả đều không phạm.
13. Giới Dùng Lông Trắng May Ngọa Cụ
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo dùng lông dê toàn màu trắng may ngọa cụ mới, bị hàng cư sĩ chê cười, họ bảo giống như vua và đại thần. Các tì-kheo đem việc ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, làm ngọa cụ mới thì nên dùng hai phần lông dê toàn màu đen, phần thứ ba màu trắng, phần thứ tư màu xám. Nếu tì-kheo không dùng hai phần đen, phần thứ ba trắng, phần thứ tư xám mà làm ngọa cụ mới, ni-tát-kì ba-dật-đề.
c. Giải thích
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Làm ngọa cụ mới thì nên dùng hai phần lông dê toàn màu đen, phần thứ ba màu trắng, phần thứ tư màu xám:
Màu trắng: hoặc sinh ra lông đã có màu trắng sẵn, hoặc nhuộm cho lông thành màu trắng. Lông: là loại lông mọc ở phần đầu, ở trên tai, ở chân, hoặc loại lông lẫn lộn nhiều màu khác nhau. Nếu muốn may ngọa cụ bốn mươi bát-la[53] thì dùng hai mươi bát-la lông màu đen, mười bát-la lông trắng, mười bát-la lông nhiều màu. Cho đến ngọa cụ hai mươi bát-la cũng nên theo lượng trên mà tính lường cho thích hợp.
- Nếu tì-kheo không dùng hai phần đen, phần tứ ba trắng, phần thứ tư xám mà làm ngọa cụ mới, ni-tát-kì ba-dật-đề: hoặc tự may, bảo người may, hoặc may cho người đều phạm. Tì-kheo-ni phạm đột-kiết-la.
- Trường hợp không phạm: may đúng lượng, được ngọa cụ đã may sẵn. Ngoài ra các trường hợp khác đều giống như giới trên.
14. Giới Ngọa Cụ Chưa Đủ Sáu Năm
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo chê ngọa cụ cũ, hoặc nặng, nhẹ, dày, mỏng, nhưng không xả ngọa cụ cũ mà may thêm ngọa cụ mới khác, thường tìm xin, cất chứa thật nhiều. Các tì-kheo đem việc ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, làm ngọa cụ mới, phải thụ trì cho đến sáu năm. Nếu chưa đủ sáu năm, không xả, mà lại làm cái mới, trừ Tăng yết-ma, ni-tát-kì ba-dật-đề.
c. Giải thích
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Làm ngọa cụ mới, phải thụ trì cho đến sáu năm. Nếu chưa đủ sáu năm, không xả, mà lại làm cái mới: hoặc may cho mình, hoặc bảo người may, hoặc may cho người; đều giống như giới trên.
- Trừ Tăng yết-ma: Bấy giờ, có một thầy tì-kheo mắc chứng bệnh càn-tiêu mà y phấn tảo và ngọa cụ quá nặng, tì-kheo ấy không đủ sức để mang theo; Phật dạy nên đến trong Tăng xin ba lần rồi được may ngọa cụ mới. Tăng nên làm pháp bạch nhị cho tì-kheo đó được phép may ngọa cụ mới.
- Ni-tát-kì ba-dật-đề: tì-kheo-ni phạm đột-kiết-la.
- Trường hợp không phạm: Tăng cho phép, hoặc đủ sáu năm, hoặc chưa được sáu năm mà bỏ cái cũ thì được may cái mới. Hoặc được cái đã may sẵn, hoặc không may, hoặc được người khác may cho; tất cả đều không phạm.
15. Giới Không May Chồng Lên Trên Tọa Cụ Mới
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, đến giờ Phật bảo các tì-kheo đi thụ thực. Như thường lệ, sau khi các tì-kheo đi thụ thực, Ngài dạo khắp các phòng, thấy những tọa cụ cũ bị vứt bỏ bừa bãi mà không ai thu dọn. Vì các tì-kheo chê những cái này dày, mỏng, nhẹ, nặng rồi may thêm cái mới. Vì thế, Đức Phật dạy lấy cái cũ may đắp lên cái mới. Sau đó, nhóm sáu thầy tì-kheo không tuân thủ. Các tì-kheo đem lỗi ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, may tọa cụ mới, phải lấy một miếng của cái cũ vuông vức một gang tay, may lên trên cái mới, cho hoại sắc. Nếu may tọa cụ mới, không lấy một miếng của cái cũ vuông vức một gang tay đắp lên trên cái mới, cho hoại sắc, ni-tát-kì ba-dật-đề.
c. Giải thích
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- May tọa cụ mới, phải lấy một miếng của cái cũ vuông vức một gang tay, may lên trên cái mới, cho hoại sắc: nếu lúc người kia may tọa cụ mới mà cái tọa cụ cũ chưa hư rách, chưa bị thủng thì phải lấy cái cũ giặt, nhuộm sửa lại, rồi kéo cho giãn ra cắt lấy ngang rộng một gang tay may đắp lên ngọa cụ mới; hoặc may xung quanh, hoặc may ở giữa, vì làm cho cái mới bớt sặc sỡ.
- Nếu may tọa cụ mới, không lấy một miếng của cái cũ vuông vức một gang tay đắp lên trên cái mới, cho hoại sắc, ni-tát-kì ba-dật-đề: hoặc tự may cho mình, hoặc bảo người may, hoặc mình may cho người khác, may thành thì phạm giống như giới trên. Tì-kheo-ni phạm đột-kiết-la.
- Trường hợp không phạm: cắt lấy cái cũ may đắp lên cái mới. Hoặc người kia không có tọa cụ, nay may cái mới; hoặc may cho người; hoặc được cái đã may xong, hoặc cái hoàn toàn cũ, tất cả đều không phạm.
16. Mang Lông Dê Đi Quá Giới Hạn
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, tì-kheo Bạt-nan-đà có được lông dê, thầy treo trên đầu gậy quẩy đi, các cư sĩ thấy vậy chê cười, cho rằng tì-kheo buôn bán lông dê. Các thầy tì-kheo khác đem việc ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, khi đi đường được lông dê, nếu không có người mang, tự mình được mang đi cho đến ba do-tuần. Nếu không có người mang, tự mình mang đi quá ba do-tuần, ni-tát-kì ba-dật-đề.
c. Giải thích
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Khi đi đường được lông dê, nếu không có người mang, tự mình được mang đi cho đến ba do-tuần: hoặc đang đi trên đường, hoặc tại chỗ ở được lông dê, nếu cần thì nên nhận, không có người mang, tự mang đi trong vòng ba do-tuần. Nếu có người nên nói với người kia: ‘Tôi có vật này xin mang giúp cho tôi đến chỗ kia.’ Trong suốt đoạn đường ấy, tì-kheo không được mang giúp, nếu mang phụ phạm đột-kiết-la. Nếu bảo tì-kheo-ni, bốn chúng mang quá ba do-tuần thì phạm đột-kiết-la. Ngoài lông dê, nếu mang các loại vải khác hoặc đay gai v.v…phạm đột-kiết-la. Gánh các vật khác trên đầu gậy cũng phạm đột-kiết-la.
- Nếu không có người mang, tự mình mang đi quá ba do-tuần, ni-tát-kì ba-dật-đề.: tì-kheo-ni phạm đột-kiết-la.
- Trường hợp không phạm: chỉ mang trong vòng ba do-tuần, chưa tới ba do-tuần, có người mang giúp, nhờ người mang nhưng không mang phụ, nhờ tì-kheo-ni và bốn chúng mang trong vòng ba do-tuần, hoặc mang lông mịn, dây bằng lông, hoặc mang loại lông mọc trên đầu, may làm mũ, khăn, tất cả đều được.
17. Giới Bảo Tì-kheo-ni Không Phải Bà Con Nhuộm Lông Dê
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở nước Ca-duy-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu thầy tì-kheo đem lông dê nhờ Tì-kheo-ni giặt, nhuộm, xé ra. Khi ấy, có tì-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề vì nhuộm lông dê, màu nhuộm còn dính trên tay. Tì-kheo-ni đến lễ dưới chân Phật và đứng qua một bên. Đức Phật biết nhưng cố hỏi. Sau khi nghe xong sự việc, Đức Phật quở trách nhóm sáu thầy tì-kheo và chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, sai tì-kheo-ni không phải thân quyến giặt, nhuộm, chải lông dê, ni-tát-kì ba-dật-đề.
c. Giải thích
Tì-kheo-ni phạm đột-kiết-la.
Phần chế giới, phạm, không phạm đều giống như giới giặt y cũ.
18. Giới Chứa Tiền Và Vật Báu
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở thành La-duyệt. Bấy giờ, có vị đại thần chuẩn bị thức ăn để dâng cúng cho tì-kheo Bạt-nan-đà. Người con của vị đại thần kia dùng năm tiền đổi lấy thức ăn ấy. Sau đó, Bạt-nan-đà đến lấy năm tiền và đem ra chợ gửi. Các tì-kheo quở trách, vua và đại thần bàn tán. Nhân đó, Đức Phật giảng dạy, dẫn dụ, quở trách và chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, tự tay cầm tiền, hoặc vàng bạc, hoặc bảo người cầm, hoặc nhận từ dưới đất, ni-tát-kì ba-dật-đề.
c. Giải thích
- Tiền: trên mặt có hoa văn và hình tượng.
- Tì-kheo nào, tự tay cầm tiền, hoặc vàng bạc, hoặc bảo người cầm, hoặc nhận từ dưới đất, ni-tát-kì: cách xả trong giới này là: Giả như chỗ kia có người làm vườn đáng tin cậy, hoặc ưu-bà-tắc, tì-kheo nên nói với người kia rằng: Những thứ này không thích hợp với tôi, anh phải biết điều đó. Nếu người kia lấy rồi trao lại cho tì-kheo, tì-kheo nên vì người kia mà nhận những vật đó rồi đưa cho tịnh nhân cất giữ. Nếu được y bát đúng như pháp, nên đem đổi, nhận lấy giữ để sử dụng. Nếu người ưu-bà-tắc kia đã nhận rồi, trao cho tì-kheo y bát đúng như pháp, thì tì-kheo nên nhận giữ và sử dụng.
- Ba-dật-đề: tì-kheo-ni phạm giống như tì-kheo. Nếu không nói cho người kia biết vật đó, chỉ cho xem vật đó, đột-kiết-la.
- Trường hợp không phạm: hoặc nói cho biết, chỉ cho biết vật đó, pháp xả như trên. Nếu người kia không chịu đưa y bát, tì-kheo khác nói với người kia: ‘Phật dạy, vì để hợp pháp nên mới đưa cho anh, anh nên hoàn trả vật ấy cho tì-kheo.’ Nếu người kia vẫn không chịu trả lại, tì-kheo ấy tự đến nói với người kia: ‘Phật dạy tì-kheo phải làm pháp tịnh thí cho anh, anh nên trao lại cho Tăng, cho tháp, hòa thượng, tri thức và người cúng, chớ có ý định làm mất tài vật của người cúng kia.
19. Giới Buôn Bán Tiền Tài Bảo Vật
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở tại thành La-duyệt-kì. Bấy giờ, tì-kheo Bạt-nan-đà đi vào chợ, lấy tiền đổi tiền, hàng cư sĩ chê cười và nói: “Tì-kheo buôn bán giỏi quá!” Chư tì-kheo nghe được đem việc ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách rồi chế giới.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, kinh doanh tiền tài bảo vật, dưới mọi hình thức, ni-tát-kì ba-dật-đề.
c. Giải thích
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Kinh doanh tiền tài bảo vật, dưới mọi hình thức: hoặc lấy loại vàng đã thành phẩm đổi vàng chưa thành phẩm; vàng chưa thành phẩm đổi vàng đã thành phẩm; vàng đã thành phẩm đổi vàng chưa thành phẩm; bạc cũng có ba cách đổi như vậy, riêng tiền thì chỉ có một đổi. Có tám loại tiền: tiền làm bằng vàng, tiền bạc, tiền đồng, tiền sắt, tiền bạch lạp, tiền chì, tiền gỗ và tiền làm bằng hồ giao.
- Ni-tát-kì ba-dật-đề: tì-kheo-ni cũng phạm giống như tì-kheo. Ngoài ra, cách xả, khai đều giống nhau và cách thức đòi châu báu cũng giống giới trước.
- Trường hợp không phạm: hoặc lấy tiền, vật quý đổi chuỗi hạt và vật dụng; hoặc lấy tiền đổi tiền, hoặc vì Phật, Pháp, Tăng.
20. Giới Buôn Bán
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, tì-kheo Bạt-nan-đà đến một thôn không có trú xứ lấy gừng tươi đem đổi thức ăn. Ăn xong mang bát đi. Sau đó, tôn giả Xá-lợi-phất đến khất thực, đàn-việt đem chuyện của Bạt-nan-đà trình bày với tôn giả Xá-lợi-phất nghe. Tôn giả hổ thẹn không nói lời nào. Bạt-nan-đà còn đem y đổi với ngoại đạo, sau đó hối hận xin đổi lại nhưng không được. Chư tì-kheo đem lỗi ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, kinh doanh mậu dịch dưới mọi hình thức, ni-tát-kì ba-dật-đề.
c. Giải thích
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Dưới mọi hình thức: lấy thuốc đúng thời đổi thuốc đúng thời, thuốc không đúng thời, thuốc bảy ngày, thuốc trọn đời, ba-lợi-ca-la, như thế trao đổi lẫn nhau. Cho đến lấy y đổi y.
- Kinh doanh mậu dịch: nghĩa là vật có giá trị một tiền nhưng nhiều lần nâng giá lên, hạ giá xuống. Nâng bán giá: nghĩa là giá chỉ một tiền mà nói ba tiền. Lại nâng giá bán: nghĩa là giá đáng một tiền mà nói năm tiền. Mua cũng như vậy. Tất cả đều phạm.
- Ni-tát-kì ba-dật-đề: tì-kheo-ni cũng phạm giống như tì-kheo.
- Trường hợp không phạm: cho phép năm chúng xuất gia đổi với nhau, nhưng phải tự thẩm định, không cùng nhau so đo cao thấp như cách làm của người ngoài chợ; không được đổi với người ngoài, sai tịnh nhân đổi, nếu người kia đổi ý thì nên cho đổi lại, hoặc đổi sữa, dầu đều không phạm.
21. Chứa Bát Quá Thời Hạn
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ nhóm sáu thầy tì-kheo chứa bát, bát nào xấu thì bỏ, thường tìm bát tốt, chứa bát rất nhiều. Hàng cư sĩ dạo quanh thấy vậy liền chê cười: “Chẳng khác gì lò đúc của người thợ gốm.” Chư tì-kheo đem lỗi ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, chứa bát dư, không tịnh thí, được phép chứa trong hạn mười ngày. Quá hạn, ni-tát-kì ba-dật-đề.
c. Giải thích
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Chứa bát dư: bát có sáu loại: bát bằng sắt, bát đen, bát đỏ, bát nước ở Tô-ma, bát ở nước Ô-già-la, bát ở nước Ưu-già-xa, nhưng quan trọng nhất là bát bằng sắt và bát bằng đất nun. Bát lớn ba đấu, bát nhỏ một đấu rưỡi, đây là lượng của bát. Như thế nên trì và tịnh thí.
- Không tịnh thí: tịnh thí và không tịnh thí có tám cách làm pháp giống như trong giới “chứa y dư”.
- Được phép chứa trong hạn mười ngày: Bấy giờ, tôn giả A-nan được một cái bát quý, muốn dâng cúng cho tôn giả Ca-diếp để mỗi ngày sử dụng, nhưng mười ngày nữa tôn giả Ca-diếp mới trở về. Tôn giả A-nan sợ phạm xả-đọa nên mới đem việc ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật liền khai và chế cho phép được chứa bát đến mười ngày.
- Quá hạn, ni-tát-kì ba-dật-đề: tì-kheo-ni phạm như tì-kheo.
Phần phân biệt giới tướng và trường hợp không phạm giống như giới “chứa y dư”.
22. Giới Không Đáng Xin Bát
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, bát của tì-kheo Bạt-nan-đà bị vỡ, thầy xin nhiều bát và cất chứa. Sau đó, những cư sĩ cúng bát cho Bạt-nan-đà có cơ hội gặp nhau, họ mới biết Bạt-nan-đà nhận nhiều bát, liền than phiền: “Tì-kheo thụ nhận không biết chán.” Chư tì-kheo đem lỗi ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách rồi chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, chứa bát trám dưới năm chỗ không chảy rỉ, mà tìm xin bát mới, vì muốn đẹp, ni-tát-kì ba-dật-đề. Tì-kheo kia nên đến trong Tăng để xả, lần lượt cho đến lấy cái bát tối hạ trao cho, khiến thụ trì cho đến khi vỡ; đó là điều hợp thức.
c. Giải thích
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Chứa bát trám dưới năm chỗ không chảy rỉ: mỗi vết trám cách nhau khoảng hai ngón tay.
- Mà tìm xin bát mới, vì muốn đẹp: nếu bát trám đủ năm lần, không bị chảy, lại xin bát mới thì phạm đột-kiết-la.
- Ni-tát-kì: cách xả: Ở trong tăng của trú xứ đang cư trú xả bát rồi, đơn bạch nhận sám hối, liền nói tên tội, hình thức phạm; đồng thời chúng Tăng quở trách và người kia cũng sinh tâm nhàm chán, từ bỏ. Nếu bát tốt thì phải lấy lại đem cất và lấy cái bát xấu nhất đưa cho người kia. Liền làm pháp đơn bạch lấy, rồi theo thứ tự đến thượng tọa mà đổi. Đem bát của thượng tọa đưa cho thứ tọa, hoặc đưa cho vị tì-kheo kia. Như thế từng tự đổi nhau cho đến vị hạ tọa.
- Ba-dật-đề: tì-kheo-ni phạm giống như tì-kheo.
- Tì-kheo kia nên đến trong Tăng để xả, lần lượt cho đến lấy cái bát tối hạ trao cho, khiến thụ trì cho đến khi vỡ; đó là điều hợp thức: Sau khi Tăng đã làm pháp bạch nhị yết-ma trao bát. Người kia phải tự giữ gìn, không được để bát ở những nơi có ngói, đá rơi; không được để bát bên dưới nơi có dựng gậy, dựng đao; không được để bát ở dưới những vật đang treo ở trên; không được để bát trên tảng đá, mô đất trên đường; không được để bát dưới cây đang có trái; không được để bát ở những chỗ đất không bằng phẳng; không được để bát bên trong cửa sổ và cửa lớn; không được để bát sau cánh cửa; không được để bát ở dưới giường, bên góc giường, trừ trường hợp để tạm; không được để bát giữa hai giường; không được đứng rửa bát, cho đến chân đạp vỡ bát. Người kia không nên cố làm vỡ bát, cố làm mất bát. Nếu sử dụng bát không đúng pháp thì phạm đột-kiết-la.
-Trường hợp không phạm: bát nứt đủ năm chỗ và bị rỉ, hoặc ít hơn năm chỗ và bị rỉ. Xin bát mới: hoặc xin người thân, xin người xuất gia, mình xin giúp cho người khác, người khác xin cho mình, không xin mà tự được. Hoặc theo thứ tự cúng dường mà được; hoặc tự bỏ tiền ra mua. Những trường hợp như vậy cất giữ thì đều không phạm.
23. Giới Xin Tơ Và Nhờ Thợ Dệt Không Phải Bà Con
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở tại nước Xá-vệ. Khi ấy, tì-kheo Bạt-nan-đà vì vá tăng-già-lê nên xin chỉ và xin được rất nhiều, rồi đem chỉ nhờ người dệt, hoặc tự mắc tơ vào khung cửi, xem người dệt. Hàng cư sĩ thấy vậy chê cười. Các thầy tì-kheo đem lỗi ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách và chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, tự mình xin chỉ sợi, nhờ thợ dệt không phải bà con dệt làm ba y, ni-tát-kì ba-dật-đề.
c. Giải thích
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Tự xin chỉ sợi: tì-kheo xin khắp nơi. Chỉ sợi có tất cả mười loại.
- Nhờ thợ dệt không phải bà con dệt làm ba y: nếu người thợ dệt và người cho chỉ đều là người thân thì không phạm. Nếu người cho chỉ không phải người thân thì phạm đột-kiết-la. Xem người dệt, tự mình dệt, hoặc chỉ mắc tơ vào khung cửi thì phạm đột-kiết-la.
- Ni-tát-kì ba-dật-đề: tì-kheo-ni cũng phạm giống như tì-kheo.
- Trường hợp không phạm: người cho chỉ và người dệt đều là người thân; hoặc tự dệt để làm túi đựng bát; làm túi đựng giầy; tấm bện để gâm kim, thiền đới,[54] dây thắc lưng, mũ, bít tất, khăn quàng, bít tất dùng để mang giầy đều được.
24. Bảo Thợ Dệt Thêm Tơ
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở tại nước Xá-vệ. Khi ấy, có cư sĩ đem tơ đưa cho thợ dệt nhờ may y cho tì-kheo Bạt-nan-đà. Sau đó, tì-kheo Bạt-na-đà tìm đến nhà người thợ dệt, chọn loại tơ tốt đưa cho người thợ dệt và hứa sẽ trả thêm tiền. Hàng cư sĩ biết được và chê cười. Các thầy tì-kheo đem việc ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật quở trách rồi chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, được cư sĩ hay vợ cư sĩ nhờ thợ dệt, dệt y cho tì-kheo. Tì-kheo kia trước không nhận được lời mời tùy ý, liền đến nhà của thợ dệt và nói: ‘Y này may cho tôi, ông hãy may sao tốt nhất, làm cho rộng, lớn, bền chắc. Tôi sẽ tăng tiền cho ông.’ Tì-kheo ấy đưa ra giá, thậm chí chỉ trả giá đáng bằng một bữa ăn. Nếu nhận được y, ni-tát-kì-ba-dật-dề.
c. Giải thích
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Được cư sĩ hay vợ cư sĩ nhờ thợ dệt, dệt y cho tì-kheo. Tì-kheo kia trước không nhận được lời mời tùy ý: Nếu cư sĩ đưa tiền may y cho tì-kheo thì cho phép những tì-kheo thiểu dục tri túc được phép nhận. Yêu cầu mà không được như ý gọi là tùy ý.
- Liền đến nhà của thợ dệt và nói: ‘Y này may cho tôi, ông hãy may sao tốt nhất, làm cho rộng, lớn, bền chắc. Tôi sẽ tăng tiền cho ông.’ Tì-kheo ấy đưa ra giá, thậm chí chỉ trả giá đáng bằng một bữa ăn. Nếu nhận được y, ni-tát-kì ba-dật-dề: nếu xin y không được thì đột-kiết-la. Tì-kheo-ni cũng phạm giống như vậy.
- Trường hợp không phạm: nếu xin ít hơn, yêu cầu người thân, yêu cầu người xuất gia, người khác yêu cầu cho mình, thì được.
25. Giới Đoạt Y Của Tì-Kheo
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở tại nước Xá-vệ. Khi ấy, đệ tử của tì-kheo Bạt-nan-đà có khả năng khuyến hóa[55] giỏi. Tì-kheo Bạt-nan-đà muốn cùng du hành, nên trước đó đem y cho một tì-kheo. Một tì-kheo khác nói: “Tì-kheo ấy ngu si không biết tụng giới, nói giới, bố-tát, yết-ma.” Sau đó, tì-kheo Bạt-nan-đà trở về rồi đến tì-kheo kia lấy lại y, nhưng tì-kheo kia không đưa. Vì thế, tì-kheo Bạt-nan-đà tước đoạt lại y. Các tì-kheo quở trách, nêu tội. Nhân đó, Đức Phật chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, trước cho tì-kheo y, sau đó vì giận hờn, hoặc tự tước đoạt, hoặc sai người tước đoạt, nói: “Trả y lại cho tôi, tôi không cho ngài nữa.” Nếu tì-kheo kia trả lại y và tì-kheo ấy nhận y, thì ni-tát-kì ba-dật-đề.
c. Giải thích
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Trước cho tì-kheo y, sau đó vì giận hờn, hoặc tự tước đoạt, hoặc sai người tước đoạt, nói: “Trả y lại cho tôi, tôi không cho ông nữa.”: nếu vì giận hờn nên tự tước đoạt và sai người tước đoạt rồi cất giữ thì phạm. Tước đoạt được rồi, nhưng chưa cất thì phạm đột-kiết-la. Nếu vắt lên cây, treo trên giá, móc trên giường hoặc để ở chỗ khác, dời khỏi chỗ cũ thì phạm tội đọa. Lấy nhưng chưa đem khỏi chỗ cũ phạm đột-kiết-la.
- Nếu tì-kheo kia trả lại y và tì-kheo ấy nhận y, thì ni-tát-kì ba-dật-đề: tì-kheo-ni cũng phạm giống như tì-kheo.
- Trường hợp không phạm: Không vì giận hờn. Hoặc nói: “Tôi hối tiếc không cho ngài nữa, hãy trả lại y cho tôi.” Tì-kheo kia biết vị ấy có lòng hối tiếc nên trả lại y. Hoặc có người khác nói với tì-kheo kia: “Tì-kheo ấy hối tiếc, ông nên trả lại y cho tì-kheo ấy.” Nếu mượn y của người khác rồi để ở nơi vắng vẻ, nơi không có đường đi, làng xóm, tước đoạt lại thì không phạm. Vì sợ mất, sợ rách. Hoặc tì-kheo kia phá giới, phá kiến, phá oai nghi. Nếu bị nêu tội diệt tẩn thì nên đuổi đi. Hoặc vì việc này mà dẫn đến mạng nạn, phạm hạnh nạn. Tất cả những trường hợp như vừa nêu, nếu tước đoạt lại, không cất giữ, đưa ra cho mọi người biết thì đều không phạm.
26. Giới Chứa Thuốc Bảy Ngày Quá Thời Hạn
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở tại nước Xá-vệ. Khi ấy, các tì-kheo gặp gió mùa thu nên sinh bệnh, thân thể khô gầy và bị ghẻ lở. Đức Phật dạy: “Có năm thứ bơ, dầu, bơ đặc, mật, mỡ, cho phép người có bệnh được dùng đúng thời và phi thời.” Một lần, Đức Phật ở thành La-duyệt-kì, đồ chúng của tì-kheo Tất-lăng-già chứa nhiều những thứ ấy, nên chảy tràn ra đường, nên bị người đời chê trách. Đức Phật biết được, sau khi quở trách các tì-kheo rồi chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, mắc bệnh, các loại thuốc dư tàn như tô, dầu, sinh tô, mật, đường thỏi, được dùng trong vòng bảy ngày. Nếu quá bảy ngày mà còn dùng, ni-tát-kì ba-dật-đề.
c. Giải thích
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Mắc bệnh: đó là thầy thuốc dặn phải uống. Ấy là những loại thuốc.
- Các loại thuốc dư tàn như tô, dầu, sinh tô, mật, đường thỏi, được dùng trong vòng bảy ngày: về văn và nghĩa của tám môn đều giống như giới nói về y ở trên.
- Nếu quá bảy ngày mà còn dùng: tì-kheo ấy sau khi xả thuốc cho Tăng và bạch pháp yết-ma trị tội rồi, Tăng nên như pháp trao thuốc lại cho tì-kheo kia, hoặc đến ngày thứ bảy xả cho tì-kheo. Tì-kheo kia nhên nhận và dùng. Nếu hơn bảy ngày thì dùng tô, du ấy bôi lên cửa, còn mật, đường thỏi thì đưa cho người giữ vườn. Nếu chưa đủ bảy ngày thì bạch nhị yết-ma trả lại cho tì-kheo; tì-kheo nên nhận để xoa chân, đốt đèn.
- Ni-tát-kì ba-dật-đề: tì-kheo-ni cũng phạm như tì-kheo.
- Trường hợp không phạm: khác với việc xả và dùng v.v… như trên vừa trình bày thì không phạm.
27. Giới Xin Và Sử Dùng Y Tắm Mưa Trước Mùa Mưa
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở tại nước Xá-vệ. Khi ấy, Tì-xá-khư Mẫu thỉnh Phật và Tăng đến nhà thụ trai. Sáng hôm sau, Tì-xá-khư-mẫu sai tì nữ đến tinh xá để thỉnh Phật và chúng Tăng. Đến nơi, tì nữ nhìn thấy chúng Tăng ở trần tắm mưa. Tì nữ thấy vậy trở về thưa với Tì-xá-khư Mẫu. Nhân đó, Tì-xá-khư Mẫu phát tám nguyện và được Phật khen ngợi. Rồi nhóm sáu thầy tì-kheo thường hay xin y tắm mưa. Nhân đó, Đức Phật chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, mùa xuân còn một tháng, nên xin y tắm mưa, còn lại nửa tháng nên dùng. Nếu tì-kheo nào quá trước một tháng tìm cầu y tắm mưa, dùng quá trước nửa tháng, ni-tát-kì ba-dật-đề.
c. Giải thích
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Mùa xuân còn một tháng, nên xin y tắm mưa: y tắm mưa: là loại y mà tì-kheo dùng để tắm mưa. Y này có mười loại. Tì-kheo được phép bắt đầu xin y này từ ngày 16 tháng 3.
- Còn nửa tháng nên dùng: tì-kheo được phép bắt đầu dùng y tắm mưa trước ngày mùng 1 tháng 4.
- Nếu tì-kheo nào quá trước một tháng tìm cầu y tắm mưa: trước ngày 16 tháng 3, nên tìm cầu y tắm mưa.
- Dùng quá trước nửa tháng: nên sử dùng trước ngày 01 tháng 4.
- Ni-tát-kì ba-dật-đề: tì-kheo-ni phạm đột-kiết-la.
- Trường hợp không phạm: nếu xả bỏ để dùng vào việc khác; hoặc mặc tắm, hoặc giặc, hoặc phơi, thì đều không phạm.
28. Giới Nhận Y Cấp Thí Trước Thời Hạn, Chứa Y Sau thời Hạn
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật trụ ở Tì-la-nhã. Bấy giờ, Ngài cho phép các thầy tì-kheo được nhận y mùa hạ. Vì biết Đức Phật cho phép nhận y, nên nhóm sáu thầy tì-kheo thường xin y, thường nhận y. Tì-kheo Bạt-nan-đà an cư chỗ khác, nhưng đến nhận y ở chỗ khác. Đức Phật ở nước Xá-vệ, trong mùa an cư, có đại thần cúng y khi còn trong mùa an cư. Nhân đó, Đức Phật khai cho phép tì-kheo được nhận y cấp thí và chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, còn mười ngày nữa mới mãn ba tháng hạ an cư, các tì-kheo nhận được y cấp thí. Tì-kheo biết đó là y cấp thí có thể thụ nhận, nhận rồi được phép chứa cho đến thời của y, nếu chứa quá thời hạn cho phép, ni-tát-kì ba-dật-đề.
c. Giải thích
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Còn mười ngày nữa mới mãn ba tháng hạ an cư: tức khoảng thời gian từ ngày 6 tháng 7 về sau, từ ngày 15 tháng 7 trở về trước.
- Các tì-kheo nhận được y cấp thí: vì nếu nhận thì được, nếu không nhận thì mất, nên gọi là cấp thí. Y có mười loại.
- Tì-kheo biết đó là y cấp thí có thể thụ nhận, nhận rồi được phép chứa cho đến thời của y: thời của y: tự tứ xong, tì-kheo không được nhận y ca-thi-na[56] thì được nhận y trong vòng một tháng; tì-kheo được nhận y ca-thi-na thì được nhận y trong vòng năm tháng. Nếu còn mười ngày nữa mới tự tứ mà được y cấp thí, nhận rồi, được phép chứa từ một tháng đến năm tháng. Cho đến, trường hợp ngày mai tự tứ[57] cũng nên nhận và được phép chứa từ một tháng đến năm tháng. Trường hợp ngoại lệ, cho phép chứa thêm chín ngày.
- Nếu chứa quá thời hạn cho phép, ni-tát-kì ba-dật-đề: đối với y cấp thí, nếu nhận trước thời gian cho phép, sau thời gian cho phép đều phạm tội đọa. Tì-kheo-ni cũng phạm giống như tì-kheo.
- Trường hợp không phạm: hoặc không quá trước thời gian cho phép, sau thời gian cho phép; hoặc y bị cướp, bị mất, nhận trước thời gian cho phép thì không phạm. Nếu gửi y cho tì-kheo khác rồi đi xa, lại bị đường xá chia cắt không về kịp, nhận y sau thời gian cho phép thì không phạm.
29. Ở Lan-Nhã Có Nghi Lìa Y Quá Hạn
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật ở nước Xá-vệ. Khi ấy, có tì-kheo trụ ở chốn lan-nhã bị cướp đánh, lấy hết mười vật.[58] Vì thế, Đức Phật dạy cho phép tì-kheo gửi một y trong ba y ở nhà người trong thôn. Nhóm sáu thầy tì-kheo nghe Đức Phật cho phép, liền gửi y rồi ra đi. Các tì-kheo biết việc đó bạch với Phật. Nhân đó, Đức Phật chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, ba tháng hạ đã mãn, một tháng ca-đề[59] sau đã hết, ở a-lan-nhã chỗ có sự nghi ngờ, có kinh sợ. Tì-kheo sống tại trú sứ như vậy, trong ba y, nếu muốn có thể gửi lại một y ở nhà trong thôn. Các tì-kheo có nhân duyên được lìa y ngủ cho đến sáu đêm, nếu quá, ni-tát-kì ba-dật-đề.
c. Giải thích
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Ba tháng hạ đã mãn, một tháng ca-đề sau đã hết: tức nửa tháng tám sau.
- Ở a-lan-nhã: cách thôn năm trăm cung.[60] Theo qui định của nước Già-ma-la thì một cung dài bằng bốn tấc, thường dùng cánh tay của người trung bình để đo.
- Chỗ có sự nghi ngờ: nghi có trộm cướp.
- Có kinh sợ: ở chỗ ấy có sự sợ hãi về trộm cướp.
- Tì-kheo sống tại trú sứ như vậy, trong ba y, nếu muốn có thể gửi lại một y ở nhà trong thôn: thôn tức là tụ: nghĩa là làng xóm.
- Các tì-kheo có nhân duyên được lìa y ngủ cho đến sáu đêm: nếu tì-kheo có duyên sự ngủ lìa y đến đêm thứ bảy trước khi minh tướng[61] chưa xuất hiện, hoặc xả, hoặc nắm y, hoặc chỗ có thể dùng đá ném tới; trái lại những trường hợp vừa nêu thì phạm.
- Ni-tát-kì ba-dật-đề: nhân duyên, được khai giống như giới lìa y đã nói ở trên.
30. Giới Xoay Vật Thuộc Về Tăng
a. Duyên khởi
Một thời, Đức Phật trụ ở nước Xá-vệ. Một hôm, có cư sĩ muốn cúng dường cơm và y cho Phật và chúng Tăng. Tì-kheo Bạt-nan-đà nghe được tin ấy, nói với cư sĩ kia: “Người cúng dường cho Tăng rất nhiều, nay ông có thể cúng dường cho tôi.” Sau đó, cư sĩ gặp một vị trưởng lão tì-kheo oai nghi đầy đủ, liền sinh tâm hối hận và than van. Các tì-kheo đem lỗi ấy bạch Phật. Nhân đó, Đức Phật chế giới này.
b. Văn giới
Tì-kheo nào, biết đó là vật thuộc về Tăng, mà tự xin về cho mình, ni-tát-kì ba-dật-dề.
c. Giải thích
- Tì-kheo: nghĩa như trên.
- Biết: không biết thì không phạm.
- Đó là vật thuộc về Tăng: có ba loại: 1. Vật thuộc về Tăng: thí chủ vì Tăng đã hứa cúng cho Tăng; 2. Vì Tăng: họ vì Tăng nên sắm sửa, nhưng chưa hứa cúng cho Tăng; 3. Đã trao cho Tăng: đã hứa với Tăng và đã xả cho Tăng. Vật: cho đến những vật dụng dùng để uống nước.
- Mà tự xin về cho mình: hoặc đã hứa cho Tăng rồi chuyển qua dùng vào việc xây tháp; hoặc hứa cho bốn phương Tăng rồi chuyển cho hiện tại Tăng; hoặc trao cho ni Tăng; hoặc trao cho Tăng ở trụ xứ khác; hoặc làm trái lại với giao ước trước; hoặc sinh nghi ngờ, tất cả những trường hợp này đều phạm đột-kiết-la.
- Ni-tát-kì-ba-dật-dề.
- Trường hợp không phạm: hoặc không biết, hoặc không hứa, hoặc hứa ít nhưng khuyến hóa được nhiều, hứa với ít người nhưng cho nhiều người, khuyến khích cho vật tốt, hoặc nói đùa, nói sai, thì đều không phạm.
Chư Đại đức! Tôi đã nói ba mươi Ni-tát-kì ba-dật-đề. Nay xin hỏi chư Đại đức trong đây có thanh tịnh không? (3 lần) Chư Đại đức trong đây thanh tịnh vì chư Đại đức im lặng. Việc ấy xin ghi nhận như vậy. Chú thích:
[1] Ba thừa 三乘: Thanh văn thừa, Bích-chi-phật thừa và Bồ-tát thừa.
[2] Môn Bất húy 不諱之門: Tức môn Giới luật. Húy chính là quá,(lỗi lầm).
[3] Thuật sâu mầu bí mật 祕密之深術: Cũng chỉ cho giới luật, vì giới luật chỉ được truyền trong bốn chúng mà thôi.
[4] Mộng thấy tấm lụa 經陳夢[疊*毛]之徵: kinh Đại tập ghi: “Vua nằm mộng thấy tấm lụa trắng từ trời rơi xuống đứt làm năm đoạn. Vua lo sợ đến hỏi Phật. Đức Phật nói: ‘Đó không phải việc liên quan đến bệ hạ. Sau khi Ta nhập niết-bàn các đệ tử của Ta chia Tì-ni làm năm bộ’”.
[5] Cây gậy gãy 分杖之喻: Vua Bình-sa nằm mộng thấy một cây gậy bằng vàng gãy làm mười tám khúc, vua sợ hãi đến hỏi Phật. Đức Phật nói: “Sau khi Ta diệt độ hơn một trăm năm, có vua A-thâu-ca cai trị Gia-thiệm bộ. Bấy giờ, các Bật-sô chia giáo pháp thành mười tám phần để hướng đến cửa giải thoát, nhưng đích đến của mười tám phần ấy chỉ có một. Đây là điềm báo trước, bệ hạ chớ lo lắng.”
[6] Chính nghiệp 正業: ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh, lìa tất cả những hành vi xấu ác như sát sinh, trộp cướp, tà dâm.
[7] Vào niên hiệu Gia Bình thứ 2 (250), ngài Đàm-ma-la-ca đến Lạc Dương và dịch bộ Tăng-kì giới bản. Hai năm sau, lại có ngài Đàm-đế dịch bộ Đàm-vô-đức Yết-ma. Trong số các vị Phạm tăng đến nước Ngụy thời kì này thì hai ngài Đàm-ma-la-ca và ngài Đàm-đế là những vị truyền bá giới luật đầu tiên. Lúc bấy giờ, ở Trung Quốc đã có người xuất gia, nhưng chưa biết cách tác pháp thụ giới. Như vậy, có thể nói bộ Tăng-kì giới bản là giới pháp căn bản cho người xuất gia và bộ Đàm-vô-đức Yết-ma là phương cách tác pháp thụ giới đầu tiên ở Trung Quốc. Do đó, ngài Đàm-ma-la-ca chính là vị tổ đầu tiên truyền giới luật vào Trung Quốc. Đồng thời, người Trung Quốc xuất gia thụ giới đầu tiên là Chu Sĩ Hành.
[8] Chính giới 正戒: Khi Đức Phật chưa xuất hiện ở đời, Chuyển Luân vương cũng dạy con người mười pháp thiện như không giết, không trộm, không tà dâm, không nói dối, không nói hai lưỡi, không ác khẩu, không ỷ ngữ, không tham dục, không giận dữ, không tà kiến. Đó gọi là chính giới.
[9] Chính kinh 正經: Chính là sung vào những ghi chép chính; kinh là thuận pháp, thuận thường, nên gọi chung là Chính Kinh.
[10] Câu-chi 俱胝(S: Koṭi): đơn vị chỉ số lượng của Ấn Độ.
[11] Sáu bộ 六部: đó là: 1. Tứ phần luật hàm chú giới bản (3 quyển); 2. Tứ phần luật hành sự sao (3 quyển); 3. Tứ phần yết-ma sớ (4 quyển); 4. Tứ phần giới bản sớ (4 quyển); 5. Thập tì-ni nghĩa sớ (4 quyển); 6. Tì-kheo-ni nghĩa sao (3 quyển).
[12] Đàm-vô-đức 曇無德 (S: Dharmaguptaka): Tổ của Pháp Tạng bộ (1 trong 20 bộ phái Tiểu thừa), là đệ tử của tổ Ưu-ba-cúc-đa. Trong lần kiết tập thứ nhất, tôn giả Ưu-ba-li tụng tạng luật 80 lần gọi là Bát Thập Tụng Luật. Về sau trải qua sự truyền thừa phát triển, ngài Đàm-vô-đức thu thập từ Bát Thập Tụng Luật lập thành một bộ gọi là Đàm-vô-đức bộ hay Pháp Tạng bộ. Đàm-vô-đức là vị khai sáng Luật tông, nên gọi là Tứ Phần Luật tông là chỉ cho Đàm-vô-đức Luật tông.
[13] Đạo Tuyên 道宣 (596-667): Cao tăng Trung Quốc, sống vào đời Đường, họ Tiền, tự Pháp Biến, người Ngô Hưng, tỉnh Chiết Giang, là Sơ Tổ của Nam Sơn Luật tông. Có thuyết cho là người Đan Đồ, Nhuận Châu, tỉnh Giang Tô. Ngài sinh năm Khai Hoàng thứ 16 (596), đời Tùy. Sau ngài nương theo Ngài Trí Thủ (567-635) ở Trường An thụ giới Cụ túc, chuyên học luật. Vì lúc đầu Ngài trụ trì chùa Phong Đức núi Chung Nam nên gọi Ngài là Nam Sơn luật sư. Ngài tịch năm Càn Phong thứ 2 (667), thọ 72 tuổi.
[14] Tôn giả Hộ Pháp 法護尊者: chính là ngài Đàm-vô-đức.
[15] Quảng giáo 廣教: giáo pháp được giảng dạy đầy đủ. Khoảng 12 năm đầu, sau khi Đức Phật thành đạo, đại chúng đều thanh tịnh, không có ai phạm lỗi nên Đức Phật chưa chế giới, mà chỉ dạy: “Chớ làm các điều ác…” Hành pháp răn dạy đệ tử gọi là Lược giáo hay Lược giới. Sau 12 năm, trong hàng đệ tử người phạm giới pháp dần dần thêm nhiều, nên Phật phải nói nhiều giới luật, chỉ ra những sai lầm của từng giới một, nên gọi là Quảng giáo hay Quảng giới.
[16] Lược giáo 略教: sau khi đức Thích tôn thành đạo, trong khoảng 12 năm đầu, hàng đệ tử của Ngài chưa phạm giới, nên Phật nói giáo giới sơ lược.
[17] Chuẩn bị thẻ 舍羅 (S: Śalākā): tấm thẻ nhỏ bằng tre, gỗ, đồng, sắt dùng để đếm số tì-kheo tham dự khi giáo đoàn thực hành pháp Diệt tránh hoặc bố-tát.
[18] Phi nhân 非人(S: Amanuṣya): từ gọi chung cho các loại: trời, rồng, dạ-xoa, ác quỷ, tu-la, địa ngục… không thuộc loài người, mắt người không thể thấy.
[19] Thuyết dục 說欲: nói lại lòng mong muốn của vị tì-kheo vắng mặt cho tăng chúng biết khi thực thiện pháp sự. Tì-kheo muốn thành tựu các việc Tăng như thụ giới, thuyết giới nhưng vì bận việc khác không thể đến tham dự được nên gửi lòng mong muốn tán đồng của mình cho tì-kheo khác. Sau khi nhận dục, tì-kheo đó mới đem việc này trình bày lại giữa tăng chúng, gọi là Thuyết dục. Trao dục ý của mình cho tì-kheo khác đến dự hội gọi là Dữ dục. Tì-kheo nhận sự ủy thác của tì-kheo này gọi là Thụ dục.
[20] Tam ngữ thuyết giới 三語說戒: là nói ba điều như sau: 1. Hai đại đức nhớ nghĩ cho; 2. Hôm nay ngày thứ 15 tăng nói giới; 3. Con tì-kheo tên… thanh tịnh.
[21] Ba-la-đề-mộc-xoa 波羅提木叉(S: Prātimokṣa-saṃvara): một trong ba thứ luật nghi; là giới luật nghi mà 7 chúng mỗi mỗi phân biệt thụ trì để xả bỏ các điều ác ở 7 chi nơi miệng và thân. Vì giới thể phát sinh do thụ lĩnh giới pháp ở cõi Dục, cho nên còn gọi là Dục triền giới, thuộc về giới hữu lậu.
[22] Tứ thiền 四禪(S:Catvāri dhyānāni): bốn loại thiền định căn bản dùng để đối trị hoặc nghiệp và sinh ra các công đức, cũng chỉ Sơ thiền, Đệ nhị thiền, Đệ tam thiền, Đệ tứ thiền thuộc cõi Sắc, nên còn gọi là Sắc giới định.
[23] Tam không 三空: ba thứ Không được lập ra dựa vào sở chấp của chúng sinh: ngã không, pháp không, câu không.
[24] Tứ quả 四果: bốn quả vị hàng Thanh Văn thuộc Tiểu thừa chứng được. Giai đoạn theo thứ lớp là: quả Dự lưu, quả Nhất Lai, quả Bất hoàn, quả A-la-hán. Có thuyết chỉ cho quả A-la-hán.
[25] Ba-la-di 波羅夷 (S: Pārājika): giới căn bản về tội cực ác mà tì-kheo, Tì-kheo-ni phải giữ gìn sau khi thụ giới Cụ túc, 1 trong 5 thiên, 1 trong 6 tụ, 1 trong 7 tụ. Người tu hành nếu phạm giới này thì: 1. Mất tư cách tì-kheo, Tì-kheo-ni, không được sống chung với Tăng; 2. Bị trục xuất khỏi giáo đoàn, không được ở chung với Tăng; 3. Sau khi chết rơi vào địa ngục.
[26] Phi nhân 非人(S: Amanuṣya): từ gọi chung các loại như trời, rồng, dạ-xoa, ác quỉ, tu-la, địa ngục... không thuộc loài người, mắt người không thể thấy được.
[27] Đồng nữ 童女 (S: Kumārī): thiếu nữ vị thành niên.
[28] Nhị hình 二形 (S: Ubhayavyañjanaka): người có hai bộ phận sinh dục nam và nữ, sinh lí khác thường. Trong luật của Phật giáo, người này không được xuất gia, thụ giới.
[29] Huỳnh môn 黃門 (S: Paṇḍaka): chỉ cho người có nam căn hư hoại. Theo luật Thập tụng 21, luật Tứ Phần 35, 59, Huỳnh môn được chia làm năm loại, gọi là Ngũ chủng huỳnh môn, Ngũ chủng bất năng nam, Ngũ chủng bất nam. Năm loại đó là: 1. Sinh bất năng nam; 2. Bán nguyệt bất năng nam; 3. Đố bất năng nam; 4. Biến bất năng nam; 5. Bệnh bất năng nam.
[30] Thâu-lan-giá 偷蘭遮 (S: Thullaccaya): các tội nếu phạm sẽ cấu thành Ba-la-di, Tăng tàn nhưng chưa thành Ba-la-di, Tăng tàn. Các tội thuộc về ngũ thiên, ngoài tội Đột-kiết-la thì tất cả nhân tội, quả tội hoặc nặng hoặc nhẹ còn lại đều gọi chung là Thâu-lan-giá; 1 trong 6 tụ, 1 trong 7 tụ giới do Phật chế. Thâu-lan-giá được chia làm hai loại chính phụ: Độc đầu Thâu-lan-giá và Phương tiện Thâu-lan-giá.
[31] Diệt tẩn 滅擯 (S: Nāśanīyaṃ): một khoa xử tội trong giới luật, một trong bảy cách trị phạt các tì-kheo hoặc chỉ cho sự tước đoạt tăng tịch, cho nên còn gọi là Tước tịch. Đối với tì-kheo phạm vào trọng tội mà trong tâm không hối hận thì loại bỏ tăng tịch của vị ấy và đuổi đi. Tội ấy tương đương với tội tử hình của thế gian.
[32] Xứ 處: ‘xứ’ ở đây được hiểu là vị trí mà vật đó hiện có.
[33] A-lan-nhã 阿蘭若(S:Araṇya): thường chỉ khu rừng vắng, không có thú dữ.
[34] Xứ sở 處所: chỉ phạm vi cư trú của người.
[35] Dương chi 楊枝(S: Danta-Kāṣṭha): mảnh gỗ mỏng nhỏ dùng để đánh răng nạo lưỡi, là một trong tám vật mà Phật qui định cho hàng tì-kheo phải có.
[36] Quán bất tịnh 不淨觀 (S: A-śubhā-smṛti): pháp quán bất tịnh là một pháp trong quán trong Ngũ đình tâm quán để đối trị phiền não tham dục.
[37] Trùng sứ 重使: sứ giả này tiếp theo sứ giả khác, một chuỗi sứ giả.
[38] Luân chuyển sư 展轉使: bởi sứ giả lần lượt giết nhau (để phi tang thủ phạm).
[39] ỷ phạt 倚撥: biết người kia đứng tựa nơi chỗ nào đó, rồi hoặc đặt để các dụng cụ có thể làm hại chết người kia.
[40] Tứ không định 四空定(S: Catasra ārūpya-samāpattayaḥ): bốn cảnh giới vượt ngoài sự ràng buộc của Sắc pháp, là thứ định có được do tư duy Tứ Vô sắc. Nếu muốn sinh lên Tứ Vô sắc giới thì phải tu tập Tứ Vô sắc định. Nói cách khác, tứ Vô sắc định là pháp tu hành để đối trị sự ràng buộc của Sắc pháp, diệt trừ tất cả sự cảm thụ, tư tưởng đối với ngoại cảnh và cảnh giới tinh thần thanh tịnh vô nhiễm, trạng thái tịch tĩnh như hư không nhờ sự tu hành này mà đạt đến.
[41] Y phấn tảo 糞掃衣(S: Pāṃsu-kūla): ca-sa được may bằng vải rách nhặt từ trong đống rác, sau khi đã được giặt sạch.
[42] Mười ba nạn 十三難: tức mười ba già nạn trước khi thụ giới tì-kheo, đó là: 1. Phạm biên tội; 2. Phá tịnh hạnh của Tì-kheo-ni; 3. Tặc trú; 4. Phá nội ngoại đạo; 5. Giết cha; 6. Giết mẹ; 7. Giết a-la-hán; 8. Phá hòa hợp Tăng; 9. Với ác ý gây thương tích thân Phật; 10. Bất năng nam; 11. Phi nhân; 12. Súc sinh; 13. Nhị hình.
[43] Ba-lợi-bà-sa 波利婆沙 (S: Parivāsa): Hán dịch là Phú tàng hoặc Biệt trụ: có nghĩa là che giấu hoặc ở riêng.
[44] Ma-na-đỏa 摩那埵 (S: Mānatta): phương pháp diệt tội và sám hối của một vị tì-kheo, khi phạm trọng tội tăng tàn. Khi phạm tội tăng tàn, phải phát lồ sám hối ngay, trong vòng sáu ngày sáu đêm ở riêng một chỗ, làm các việc nặng nhọc thay cho chúng tăng như: quét dọn tháp, tăng phòng, nhà vệ sinh, nhà tắm, được vào trong Tăng, nhưng không được luận đàm với người khác. Trong thời gian trị phạt này người phạm tội phải chí thành sám hối, làm cho chúng Tăng hoan hỉ.
[45] Ni-tát-kì ba-dật-đề 尼薩耆波逸提: đây là một thứ tội khinh, nghĩa là điều đã phạm, nếu sám hối thì diệt được tội, nếu không sám hối các lỗi lầm thì bị đọa vào đường ác (địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh). Có hai loại: Xả đọa và Đơn đọa. Xả đọa: tội đọa phải xả tài vật và sám hối. Đơn đọa: tội đọa chỉ cần ở trước người khác mà sám hối liền được thanh tịnh.
[46] An-đà-hội 安陀會衣(S: Antarvāsa): pháp y do ráp năm miếng vải may thành. Y này được mặt lót nên gọi là Hạ y, thông thường khi làm việc hay lúc ngủ mặc y này, là y thấp nhất trong ba y. Cách may thì ráp mảnh vải một bức dài và một bức ngắn may thành một điều, có cả thảy là 5 điều và phải dùng loại vải gai hoại sắc để may y.
[47] Tăng-già-lê 僧伽梨 (S: Saṅghātī): pháp y chín điều trở lên của tì-kheo, một trong ba y. Y này được đắp mặc khi vào cung vua, vào tụ lạc khất thực, lên tòa thuyết pháp, hàng phục ngoại đạo, vì thế còn gọi là Nhập vương cung tụ lạc y. Y này lớn nhất trong ba y nên gọi là Đại y. Vì có nhiều điều nên gọi là Tạp toái y.
[48] Uất-đa-la-tăng 鬱多羅僧(S: Uttarasanga): là y bảy điều, được mặc khi lễ bái, nghe giảng, bố-tát v.v…
[49] Đàn-việt 檀越 (S: Dāna): Phiên âm tiếng Phạn, có nghĩa là bố thí, hoặc người bố thí.
[50] Một người khác: trong văn luật gọi là Tịnh chủ 淨主, còn gọi là Thí chủ.
[51] Người chấp sự 執事人: là người trông coi công việt. Danh từ chuyên dùng trong luật học, chỉ người làm giúp những việc mà tì-kheo không được phép làm, ví dụ như giữ tiền, nấu ăn v.v…
[52] Kiếp cụ 劫貝: là cây bông gạo.
[53] Bát-la 鉢羅: có bộ gọi là ba-la 波羅: là một đơn vị trọng lượng. Thí dụ, ngọa cụ nặng 10 cân, thì 5 cần toàn đen, 2,5 cân trắng và 2,5 cân thô.
[54] Thiền đới 禪帶: sợi dây lưng sử dụng khi tọa thiền, buộc ở eo, đề phòng bụng bị lạnh. Theo luật Tứ phần 41, ngồi ở chỗ trống hay bị đau lưng cho nên may thiền đới phòng hộ.
[55] Khuyến hóa 勸化: khuyến tấn và chuyển hóa, tức khuyên bảo sách tấn chúng sinh chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ, chuyển phàm thành thánh.
[56] Y Ca-thi-na 迦絺那衣(S: Kaṭhina): Ca-thi-na là y mà các tì-kheo cùng hợp tác làm chung cho một tì-kheo, như là biểu lộ sự xác nhận và ngưỡng mộ những thành tựu thù thắng mà tì-kheo ấy đạt được trong đời sống phạm hạnh.
[57] Tự tứ 自恣(S: Pravāraṇā): tùy thuận theo người khác mà tự mình nêu lên những lỗi lầm đã phạm. Ngày cuối cùng của Hạ ăn cư, mỗi vị tì-kheo tự nêu lên các tội mình đã phạm trong ba việc thấy, nghe, nghi, đối trước các tì-kheo khác mà sám hối, sám hối thì được thanh tịnh, tự sinh vui mừng, nên gọi là Tự tứ.
[58] Mười vật 什物: các vật dụng sinh hoạt trong tự viện.
[59] Tháng ca-đề 迦提一月: theo Thiên văn học Ấn, tháng ca-đề là tháng mà sao mão gặp nguyệt cung, tức trong khoảng tháng 10-11 dương lịch. Nhưng theo truyền thống Hán tạng, thời gian được kể trong khoảng từ ngày 16 tháng 7 đến hết ngày 15 tháng 8 âm lịch. Tháng ca-đề là tháng may y. Trong thời gian này cho phép tì-kheo được may y.
[60] Cung 弓: Số đo đất, sáu xích 尺 thước là một cung 弓, tức là một bộ 步, 360 bộ là một dặm, 240 bộ vuông là một mẫu.
[61] Minh tướng 明相: nghĩa đen là tướng sáng. Ban đêm là tướng tối, ban ngày là tướng sáng. Nghĩa bóng là chỉ cho mặt trời. Nên có thể dịch ‘minh tướng’ là mặt trời.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.118.32.52 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.