Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Truyện Giới Chánh Phạm [傳戒正範] »» Bản Việt dịch quyển số 3 »»

Truyện Giới Chánh Phạm [傳戒正範] »» Bản Việt dịch quyển số 3

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Truyền giới chánh phạm

Kinh này có 4 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 |
Việt dịch: Thích Thọ Phước

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

3. Nghi thức xin giới, sám hối trước khi lên đàn thụ giới Bồ-tát

3.1. Thưa với hai thầy

Kinh Bồ-tát giới yết-ma ghi: “Khi các Bồ-tát muốn thụ giới Bồ-tát thì phải nói pháp tạng Bồ-tát, học xứ ma-đát-lí-ca Bồ-tát và tướng phạm xứ cho họ nghe trước, để họ lắng nghe, tiếp nhận và dùng tuệ quán sát. Tự mình thích thụ giới, phát nguyện thụ giới Bồ-tát, chứ không phải do người khác khuyên, không phải vì muốn hơn người khác. Phải biết đó gọi là Bồ-tát kiên cố, đủ khả năng lãnh thụ tịnh giới Bồ-tát.” Theo như kinh đã trình bày. Vì thế nên biết, muốn thụ giới Bồ-tát trước phải xin giới và chỉ dạy, tiếp theo là xét kĩ, sám hối, vấn nạn. Truyền thụ như pháp, không cần dẫn đạo, thì không biết cách phát tâm và cầu thỉnh. Thế nên, phải thưa với hai thầy trợ giúp và giáo hóa trước, sau đó mới thưa thỉnh hòa thượng.

Ghi chú:

Cách thức xin giới, khai đạo phải được tiến hành trước ngày truyền giới hai, ba ngày. Sau giờ ngọ, sai tịnh nhân quét dọn pháp đường, sắp đặt tòa cao. Nếu không có tịnh nhân thì tân tì-kheo làm việc ấy cũng được. Đến giờ, đánh kiền chùy, tập hợp chúng. Những người tập hợp trong ấy không phải chỉ có tì-kheo. Tất cả những chúng muốn cầu giới Bồ-tát như tì-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di đều cùng tập hợp. Nếu chúng đông thì nên chọn mười tì-kheo đến thỉnh thầy dẫn lễ. Nếu ít hơn bốn người, cho đến, rất ít, chỉ có mấy tì-kheo thì có thể cùng nhau đến thỉnh. Đến rồi, đỉnh lễ một lễ, mời đến pháp đường. Đến pháp đường rồi cùng đỉnh lễ ba lễ, đứng dậy và một người đứng đầu đại diện chắp tay thưa rằng: …

Tì-kheo chúng con tên… nay muốn tiến cầu đại giới Bồ-tát, nhưng không biết các phép tắc, lại khẩn cầu các thầy thương tình chỉ dạy cho chúng con.

Thầy dẫn lễ nói:

Này các tì-kheo, đã có thể tăng tâm, tăng giới, lợi mình, lợi người, pháp môn hưng thịnh, công đức khó nghĩ, nay tôi dẫn các người đến thưa với hai thầy, xin mọi người cùng đến phương trượng.

Ghi chú:

Trả lời rồi, tất cả đồng đỉnh lễ một lễ, đứng lên, đứng thành hai hàng. Bấy giờ, hai thầy dẫn lễ, mỗi vị dẫn hai tì-kheo chia ra đến thỉnh hai thầy. Thỉnh đến pháp đường rồi, thầy dẫn lễ bảo chúng như thường lệ đỉnh lễ ba lễ, quì gối, chắp tay. Hai thầy dẫn lễ đỉnh lễ hai thầy một lễ, rồi đứng dậy, chắp tay, thay chúng thưa rằng: …

Những tì-kheo tên… kia nay muốn xin Bồ-tát đại giới viên đốn, cho nên, phải thưa với hai thầy a-xà-lê trước, cúi xin đừng tiếc nuối tâm từ bi lợi vật, khuyến khích người mới học thành tựu thượng chí, vui vẻ dời bước, cùng đến phương trượng thỉnh hòa thường lên pháp đường, rủ lòng chỉ bảo, khiến cho những chúng kia nghe hiểu thụ trì, không còn mê muội trong việc tu tập, xin thương xót cho! (Thưa rồi bảo chúng đỉnh lễ một lễ.)

Thầy yết-ma nói:

Các tì-kheo, nay các người muốn thưa thỉnh hòa thượng, cầu giới pháp diệu thiện Bồ-tát viên đốn, có thể nói các ông là đệ tử Phật chân thật. Đó gọi là người có đại đạo tâm. Chốc lát nữa đây, nếu hòa thượng từ bi nhận lời đến pháp đường, thì lúc hòa thượng khai đạo các ông phải lắng nghe, suy nghĩ, có thể lãnh thụ giới này. Bởi vì, thệ nguyện của Bồ-tát sâu rộng, hành môn vô lượng, không giống với việc tu trì của tì-kheo. Nếu có mảy may sợ hãi, căn cơ, khí chất thấp kém, thì đại giới khó tròn. Thế thì, giả sử vòng sắt xiết chặt đỉnh đầu cũng không bao giờ thoái mất tâm bồ-đề. Hạnh nguyện kiên cố như thế mới gọi là người thụ trì Bồ-tát giới. Vì thế, hai thầy của tôi sẽ nói rõ cho các ông biết. Các ông mỗi người đều phải kính cẩn cùng đến phương trượng đón rước hòa thượng.

Ghi chú:

Thầy dẫn lễ bảo chúng đỉnh lễ ba lễ, chia làm hai hàng. Vị đứng đầu theo hai thầy đến phương trượng, còn những người khác đứng yên tại chỗ.

3.2. Xin giới và khai đạo

Ghi chú:

Khi thỉnh hòa thượng có thể sai chín người. Một người cầm hương đi trước, kế tiếp thầy dẫn lễ đánh khánh, tiếp theo là hai thầy và những chúng khác đi sau. Đến phương trượng rồi, mọi lễ nghi đều như thường lệ. Hòa thượng đến pháp đường lên tòa, hai thầy đỉnh lễ trước rồi trở về vị trí. Thầy dẫn lễ hướng lên thượng điện, trải tọa cụ, đỉnh lễ ba lễ, quì gối, chắp tay, thưa rằng:..

Kinh bạch hòa thượng! Xin hòa thượng chấp nhận cho những tì-kheo… kia nay muốn cầu viên mãn Bồ-tát tịnh giới, nên tụ tập ở trước tòa, đỉnh lễ, trình bày, xin hòa thượng khai pháp môn cam lộ giải thoát, truyền kim cang quang minh bảo giới, không bỏ từ bi, rủ lòng dạy răn. (Thưa xong, đỉnh lễ ba lễ, xếp tọa cụ, trở về vị trí, hô rằng: ...)

Dâng hương lên, trở về vị trí. Các tì-kheo… tiến lên phía trước xếp hàng, trải tọa cụ, nghe tiếng khánh, đỉnh lễ ba lễ, vén y, quì gối, chắp tay.

Thầy a-xà-lê nói:

Các tì-kheo, tất cả những lời xin giới, sẽ được người đứng đầu đại diện cho chúng chí thành trình thưa.

Người đứng đầu thưa:

Chúng con là tì-kheo… hủy hình, lìa tục đã lâu, luôn muốn tiến tu đạo nghiệp, nhưng không có phương pháp, nay may mắn gặp đại hòa thượng, giới đức cao vời, biển tì-ni sâu thẳm, nhờ đây mà chúng con được lên đàn lãnh thụ giới cụ túc, mới dự vào hàng Tăng, lại muốn dứt hết suy nghĩ, chí thành, tăng thêm đại giới. Cho nên, nay chúng con đỉnh lễ trước tòa, chí thành thỉnh cầu, kính xin một niệm chí thành chiếu soi, rủ lòng từ với quần sinh, ban bố Bồ-tát diệu thiện tịnh giới, khiến cho chúng con tên… tu học Đại thừa, khế ngộ tâm địa. Tức vận công bốn hoằng giáo hóa, dùng đức báo đáp thí giới sữa pháp. Hàng phàm phu thấp kém chúng con không thể nào kể hết lòng chí thành cầu thỉnh. (Thưa rồi, thầy dẫn lễ bảo chúng đỉnh lễ một lễ, chắp tay, quì gối, nhất tâm lắng nghe.)

Hòa thượng vỗ thủ xích, dạy:

Các tì-kheo, nay các người tha thiết, chí thành cầu xin Bồ-tát diệu thiện giới pháp, thì trước phải dùng ba thứ đại tín quyết định, sâu chắc mà phát tâm bồ-đề vô thượng để cầu xin. Nếu lòng tin không quyết định thì không thể đoạn trừ được lưới nghi. Nếu tâm không sâu chắc thì không thể mạnh mẽ siêng tu. Sở dĩ, tâm a-nậu-đa-la-tam-miểu-tam-bồ-đề an trụ Đại thừa như núi, như biển, không lay, không động, đều do có đầy đủ sức tin sâu, tin chắc này.

Ba tín đó là gì?

- Tin sâu, tin chắc tất cả chúng sinh đều có đầy đủ đức tướng trí tuệ của Như Lai, chỉ vì vọng tưởng, chấp chặt nên không chứng đắc. Cho nên, nay phải siêng tu thắng hạnh, thệ thành giác đạo, nguyện độ chúng sinh, đều chứng quả Phật. Kinh Phạm võng ghi:

Ông là Phật sẽ thành

Ta là Phật đã thành

Luôn tin như thế ấy

Giới phẩm đã đầy đủ.

- Tin sâu, tin chắc giới ba-la-đề-mộc-xoa là gốc nhân chính tu chứng bồ-đề, niết-bàn. Nếu không có giới làm nhân cho gốc tu thì cũng giống như nấu cát mà mong thành cơm; giả sử trải qua số kiếp nhiều như bụi đất cũng không bao giờ thành cơm được. Cho nên, kinh Hoa nghiêm ghi: “Giới là gốc của Vô thượng bồ-đề; vì thế, phải giữ gìn tịnh giới trọn vẹn.” Nếu người nào có thể giữ gìn tịnh giới thì người đó được Như Lai khen ngợi. Kinh Niết-bàn ghi: “Muốn thấy Phật tính, chứng đại niết-bàn, ắt phải thâm tâm tu trì tịnh giới.”

- Tin chắc, tin sâu pháp thân, báo thân, hóa thân của tất cả chư Phật đều thanh tịnh, sáng tỏ, vô biên tướng hảo đều nhờ trì giới mà được trang nghiêm thành tựu. Kinh Tát-già-ni-càn-tử ghi: “Thân công đức của Như Lai lấy giới làm gốc.” Vì thế, nên biết trên cầu quả Phật nhất định thành tựu hai nghiêm, dưới giáo hóa chúng sinh tròn đủ vạn hạnh. Có giới thì tu chứng không hư dối, không giới thì mệt nhọc có ích gì?

Nếu các ông có đầy đủ ba sức tin này thì mới có thể cảm cầu đức Phật Thích-ca Mâu-ni giáo chủ cõi Sa-bà làm hòa thượng bổn sư đắc giới; Bồ-tát đại trí Văn-thù làm yết-ma a-xà-lê; Bồ-tát nhất sinh bổ xứ Di-lặc làm giáo thụ a-xà-lê; tất cả chư Phật hiện tại ở mười phương làm tôn chứng sư; tất cả Bồ-tát ở mười phương làm bạn cùng học. Tuy tôi nhận lời mời lên tòa, nhưng chỉ là pháp sư răn dạy của các ông, gọi là hòa thượng bỉnh giới. Tức là người có trách nhiệm nói lại những điều Đức Phật chế, răn dạy người học sau. Ngày mai, trong lúc lên đàn thụ giới, các ông mỗi người đều phải chuyên chú vào một việc, dứt hết các duyên.

Tuy thân này đang ở trước thầy, nhưng tâm phải quán tưởng chư Phật đang hội họp. Phải biết tịnh giới của Bồ-tát chẳng phải bằng sức tin nông cạn và tâm tán loạn mà có thể lãnh thụ được. Cho nên, kinh ghi: “Từ lúc ba lần bạch yết-ma xong thì tướng pháp nhĩ liên tục hiện trước chư Phật, đại Bồ-tát hiện trụ trong vô biên thế giới mười phương. Do đây biểu thị Bồ-tát đó đã thụ tịnh giới Bồ-tát.”

Bấy giờ, chư Phật và Bồ-tát thấy tướng pháp nhĩ của Bồ-tát ấy, nên biết ở thế giới tên… có Bồ-tát tên… theo (ở chỗ) Bồ-tát tên…chính thức thụ tịnh giới Bồ-tát (với Bồ-tát tên). Tất cả chư Phật, Bồ-tát xem Bồ-tát thụ giới ấy như con, như em, nên sinh ý nghĩ gần gũi, quan tâm, thương xót. Nhờ các Đức Phật, Bồ-tát quan tâm, thương xót, nên làm cho những Bồ-tát ấy mong cầu thiện pháp tăng thêm gấp bội, không còn lui giảm.

Bồ-tát được thụ tịnh giới như thế so với những tịnh giới được thụ khác tối thắng vô thượng; còn được thêm vô vượng vô biên đại công đức tạng. Đồng thời, phát khởi tối thượng thiện tâm ý lạc bậc nhất, có thể diệt trừ hết các loại ác hành của tất cả hữu tình. Tất cả các biệt luật nghi khác không bằng một phần của kế phần, toán phần, dụ phần cho đến, ổ-ba-ni-sát đàm phần của giới Bồ-tát này; vì nó tóm thâu tất cả công đức lớn. Người thụ giới này rồi, dù được chuyển thân cùng khắp mười phương thế giới, sinh ra bất cứ nơi đâu, cũng không xả bỏ luật nghi, tịnh giới của Bồ-tát. Do đó, Bồ-tát không xả bỏ đại nguyện vô thượng bồ-đề, cũng không bị phạm thượng phẩm triền và phạm tha thắng xứ pháp.

Nếu sinh lại đời khác, quên mất ý niệm xưa mà gặp được bạn lành vì muốn giác ngộ nên sinh ý niệm giới Bồ-tát; tuy nhiều lần thụ lại nhưng vẫn không phải mới đắc giới. Theo văn kinh này thì biết thụ trì giới tì-kheo gọi là Tăng giới; phải ở trong Tăng lễ thỉnh thập sư, bạch tứ yết-ma đắc giới mới được; nhưng giới ấy chỉ có hiệu lực trong một đời này. Thụ trì giới Bồ-tát gọi là Phật giới; phải ở trước thầy bạch chư Phật, ba lần thẩm xét và yết-ma mới đắc giới và có hiệu lực đến thân sau chứng quả giác ngộ. Vì thế, nên thỉnh Thế Tôn Thích-ca, Bồ-tát Văn-thù, Bồ-tát Di-lặc làm tam sư truyền giới Bồ-tát.

Chư Phật chứng minh cho họ, nhưng chư Phật và Bồ-tát chưa lìa chân tế; người cầu giới thật trụ ở cõi này có thể giúp cho người truyền thụ được lợi ích. Bởi vì, chúng sinh cơ cảm nên chư Phật đạo giao. Giống như con càng hiếu thảo thì mẹ càng thương yêu. Giống như nước càng trong thì trăng hiện càng rõ. Thụ giới Đại thừa là đệ tử Phật chân chính. Chư Phật, Bồ-tát từ bi hộ niệm cũng như thế.

Ngày mai, tôi sẽ y theo kinh, luật Đại thừa kết đàn, trải tòa, tập chúng, bạch Phật để đổi tâm tự lợi của tì-kheo, tì-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di thành tâm rộng lớn của Bồ-tát trang nghiêm cõi nước lợi sinh; chuyển giới biệt giải thoát của tì-kheo, tì-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di thành tam tụ giới của Bồ-tát bảo giải thoát.

Nhưng ba tụ diệu giới này, có ‘thể’ là vô tác, trùm khắp pháp giới, ‘lượng’ thì bằng với hằng sa, nhờ biểu sắc để hiển bày. Tuy gọi là thụ, nhưng toàn tính khởi tu không có hai mà hai. Tuy gọi là trì nhưng toàn tu ở nơi tính hai mà không hai. Thế thì, giống Phật nhờ duyên mà khởi; tính và tu giao kết thành. Đạt được ‘thể’ ấy rồi, tự nhiên dứt ác, làm thiện; tự nhiên làm lợi ích, cứu giúp chúng sinh. Trong thời gian đang chỉ và hành lợi sinh thật không có lợi sinh chỉ và hành có thể đắc. Vì các pháp vốn không sinh, chỉ có một đạo chân tịnh.

Luận Khởi tín ghi: “Vì biết pháp tính không nhiễm, tùy thuận tu hành giới ba-la-mật, nhưng tính của tính giới ấy Phật và chúng sinh đều có, sâu bọ loài nào cũng có. Có tính tức có tâm, có tâm thì đều thành Phật.”

Kinh Phạm võng ghi: “Bảo giới Kim cang quang minh là cội nguồn của tất cả Phật, là cội nguồn của tất cả Bồ-tát.” Hạt giống Phật tính: tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Tất cả ý, thức, sắc và tâm là tình, là tâm đều thâu vào trong Phật tính giới. Nhưng vì sợ các ông hoặc không thể phát đại nguyện bồ-đề vô thượng và ngay trong thân này phạm bảy tội nghịch. Tuy lí thể của Phật tính mỗi người vốn đầy đủ chưa từng thiếu kém, nhưng rốt cuộc rất khó phát khởi đương thể của giới. Những điều đã ghi rõ trong kinh, luật nhất định phải vặn hỏi.

Lát nữa đây, các ông lại theo các đại đức dẫn lễ, đêm nay vào sám ma đường ở trước thầy yết-ma; trước là dẫn từng người vốn được thụ trì giới phẩm; trong những giới đã thụ trì ấy hoặc nhiễm, hoặc tịnh, mỗi người hãy tự phát lộ. Tiếp theo, căn cứ theo bảy tội nghịch bị Đại thừa ngăn, tra xét rõ ràng, nếu không phá những giới trọng căn bản, không phạm bảy tội nghịch ác thì mới có thể như luật, như pháp truyền thụ thanh tịnh. Bấy giờ, những người ấy được các Đức Phật khen quí thay, được trời, rồng bảo vệ. Đây gọi là tì-ni hiện hữu ở đời và chính pháp được tồn tại dài lâu.

Hỏi: Các ông có thể vâng làm được không?

Trả lời: Có thể vâng làm.

Thầy dẫn lễ nói:

Các tì-kheo hãy đứng lên, nghe tiếng khánh, lễ tạ ba lễ, vén y, xếp tọa cụ, xếp hàng. Người chịu trách nhiệm đón rước bước ra khỏi hàng đưa hòa thượng trở về phương trượng.

Ghi chú:

Đưa hòa thượng về phòng theo những lễ nghi như thường lệ rồi, lại đến pháp đường đỉnh lễ đưa hai thầy giáo thụ và yết-ma và lễ tạ thầy dẫn lễ xong. Theo thứ tự mỗi người trở về chỗ cũ; đợi đến đầu đêm mới vặn hỏi và sám hối.

3.3. Xét giới và ngăn cản

Kinh Phạm võng ghi: “Khi cho người thụ giới không được chọn lựa. Tất cả vua, con vua, đại thần, bá quan, tì-kheo, tì-kheo-ni, tín nam, tín nữ, dâm nam, dâm nữ, mười tám Phạm thiên, các vị trời sáu từng trời cõi Dục, hàng vô căn, hai căn, loại huỳnh môn, nô tì, tất cả quỉ thần, đều được thụ giới. Khi sắp thụ giới, vị thầy truyền giới phải hỏi: ‘Đời nay các ông có gây bảy tội nghịch không?’”

Pháp sư Bồ-tát không được cho người phạm bảy tội nghịch thụ giới. Cho nên biết, lí tính không có sai khác. Người nào có tâm thì đều được thâu nhận. Nếu bị sự chướng thì ngăn cản. Người nào không phạm thì cho phép thụ giới. Vốn trong chỗ không chọn lựa mà chia làm chọn lựa; nhưng trong lúc xét hỏi, lại có chính-quyền, đốn-tiệm khác nhau. Cho nên, ở đây xếp lại thành bốn, để tiện làm gương sáng treo trên đài, để xét những cơ nghi được thụ giới. Vì thế, nếu không tập luyện trước thì đến lúc thụ giới trở thành người không hiểu biết gì.

- Những người nam, người nữ xuất gia, hoặc thụ trì giới thức-xoa-ma-na, giới sa-di, giới sa-di-ni; hoặc học giới, đủ tuổi không khuyết; hoặc thân khí hoàn mỹ không bị ngăn, đã từng lên đàn, bạch tứ yết-ma, từng thụ giới tì-kheo, tì-kheo-ni, nay lại phát thêm đại tâm, cầu tam tịnh giới. Nếu giới này lưu hành rộng rãi thì không làm cho trụ trì Tăng bảo bị phế bỏ. Như pháp, như luật, gọi là chính thụ. Thụ rồi gọi là tì-kheo Bồ-tát, tì-kheo-ni Bồ-tát.

- Hoặc thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, hoặc học giới chưa đủ tuổi; dù các căn không đủ, nhưng nhờ có thể phát tâm bồ-đề, có thể hành Bồ-tát hạnh; tuy không được thâu nhận để được thụ giới cụ túc và dự vào hàng Tăng, nhưng vẫn thuộc vào trường hợp Phật tính bình đẳng. Vì những trường hợp ấy chưa thụ giới cận viên mà cầu thụ tam tụ tịnh giới; tuy vượt cấp bậc giới, nhưng Phật từ bi tạm khai cho, đó được gọi là quyền thụ. Thụ giới rồi gọi là thức-xoa-ma-na Bồ-tát, sa-di Bồ-tát, sa-di-ni Bồ-tát.

- Người nam, nữ sống tại gia nào sùng tín Tam bảo, thích tu mười điều thiện, hoặc thụ năm chi học xứ, nhiều năm giữ gìn cẩn thận; hoặc trì giới Bát quan trai, tuân thủ kĩ trong một ngày. Nay mới phát tâm thù thắng, cầu thụ đại giới Bồ-tát. Đây là từ tiểu tiến tới đại, tín và trí lớn dần, gọi là tiệm thụ. Thụ rồi, gọi là ưu-bà-tắc Bồ-tát, ưu-bà-di Bồ-tát.

- Người nam, người nữ nào ở thế gian, nhiều kiếp đã trồng căn lành sâu dày, đời này chìm đắm, không mau tỉnh lại, chóng giác ngộ, quán chiếu, vững chí khát khao, một lòng, tin tưởng qui y Tam bảo, khẩn cầu giới pháp Đại thừa, sức nguyện rộng sâu, đồng sự nhiếp hóa. Vì những người này lâu nay chưa từng giữ giới phẩm của người tại gia, cùng một lúc liền nhận học xứ Bồ-tát, gọi đó là đốn thụ. Thụ rồi, gọi là cận sự nam Bồ-tát, cận sự nữ Bồ-tát.

Bốn trường hợp này, khi xét hỏi, sám hối vẫn phải chia làm bốn hạng riêng biệt.

- Hạng người thứ nhất: Đó là tì-kheo. Phải hỏi kĩ về việc giữ 250 giới pháp. Đó là tì-kheo-ni. Phải hỏi kĩ về bản pháp và 348 giới, cho đến bảy tội bị ngăn và ở trước hai bộ Tăng hỏi chung. Nếu hủy, phá những giới căn bản thì phải làm pháp yết-ma diệt tẩn. Nếu phạm bảy tội nghịch thì phải y theo luật định ngăn cản. Nếu phạm những giới khác mà có tâm cầu sám hối thì cho sám hối để thanh tịnh trở lại.

- Hạng người thứ hai: Thức-xoa-ma-na, Trung Quốc dịch là Học giới nữ. Đức Phật dạy hạng này phải học ba pháp. Khi tra xét, sám hối phải hỏi theo đúng thứ tự. Một, học căn bản, tức là bốn giới trọng. Hai, học sáu pháp, tức là xúc chạm nhau với tâm nhiễm ô, trộm chưa đủ năm tiền, đoạn mạng súc sinh, tiểu vọng ngữ, ăn phi thời, cố uống rượu. Ba, học hành pháp, tức là những oai nghi trong các giới của đại ni.

Nếu là sa-di, sa-di-ni thì chỉ xét hỏi mười giới căn bản. Đối với bảy tội già và trọng thì ba chúng đều bị hỏi. Ở trong ba chúng như thế, hoặc phạm bảy già tội căn bản thì mỗi mỗi y theo luật mà đuổi đi. Nếu sáu pháp của học giới nữ không thanh tịnh thì phải đợi đủ hai năm mới làm pháp yết-ma. Bởi vì, những người kia vốn đã thụ giới thức-xoa-ma-na, tức không thuộc chúng sa-di-ni. Lại nữa, sa-di-ni thì không có giữ học giới của thức-xoa-ma-na, cũng chẳng phải Học giới nữ chân tịnh, nhưng cả hai cũng không phải là một và không có nền móng của tam tụ. Cho nên, không thể tiến thụ giới Bồ-tát. Ba chúng nhỏ ấy, chỉ có học giới này bị ngăn cấm. Vì nó quan trọng gấp bội so với sa-di và sa-di-ni.

- Hạng người thứ ba: Đó là nam, nữ giữ năm giới, cận sự giới. Trong đó, có người thụ đủ, thụ nhiều, thụ một nửa, thụ ít, thụ một phần không giống nhau; phải tùy theo giới đã thụ mà hỏi kĩ càng; không được người thụ phần nhỏ mà hỏi phần lớn; người thụ đủ phần mà hỏi một nửa phần. Như thế, tám giới cận sự mà những người nam, nữ kia đã thụ vốn khác với năm giới thụ trọn đời của người tại gia. Cho nên, khi xét hỏi, chỉ hỏi trì-phạm trong một ngày một đêm thôi.

Lại nữa, trong tám giới, cấm dâm trong một ngày một đêm là cấm tuyệt chứ không khai; khác với năm giới chỉ cấm tà dâm mà thôi. Về việc xét bảy tội nghịch thì bốn chúng đều xét như nhau.

Trong đó, nếu người nào phạm mỗi một tội trong bốn tội trọng và bảy tội nghịch thì phải ngăn cản. Nếu phạm những giới khác thì cho phép sám hối và cho phép tiến thụ giới.

- Hạng người thứ tư: Họ là những người hoàn toàn chưa thụ giới, nay mới phát đại tâm cầu thụ. Theo như trong kinh Thiện sinh, khi hỏi bảy giới chướng nặng, nếu không có thiện tín nam nữ nào phạm bảy giới chướng này thì phải cho thụ năm giới làm ưu-bà-tắc, ưu-bà-di trước. Nhưng năm giới cấm thuộc tục đế ấy chỉ mới là nền tảng của giới Bồ-tát tại gia. Ngày hôm nay, theo kinh Phạm võng, xét lại bảy tội nghịch, nếu không phạm mới tiến thụ tam tụ. Tuy nay mới thụ năm giới, lẽ nào lại phạm bảy tội nghịch được sao? Đức Phật dạy, có sự ngăn ngại, nên phải làm theo và hỏi.

Ghi chú:

Thời gian tác pháp phải diễn ra sau giờ ngọ. Pháp đường, chỗ ngồi, phải trang hoàng trang nghiêm; việc phát thẻ, thâu thẻ, xếp hàng, ra, vào, tất cả nghi thức đều giống như nghi thức thụ giới cụ túc. Đến giờ, đánh kiền chùy, tập hợp chúng. Thầy dẫn lễ đến pháp đường trước, chúng đỉnh lễ ba lễ. Thầy dẫn lễ sai bốn người đứng đầu đến thỉnh các thầy kiểm thẻ, thâu thẻ, thư kí, tuần tra. Cách thức thỉnh giống như trước. Thầy dẫn lễ theo thứ tự dẫn năm người, một người cầm hương đến thỉnh thầy yết-ma đến pháp đường. Thầy yết-ma lễ Phật, ngồi vào ghế, niêm hương, chúng dâng hương, khen ngợi xong.

Thầy dẫn lễ nói:

Cắm hương lên, trở về chỗ cũ. Những người tiếp rước tiến lên phía trước xếp hàng, trải tọa cụ, nghe tiếng khánh, đỉnh lễ ba lễ, vén y, xếp tọa cụ, tất cả trở về hàng.

Ghi chú:

Lễ nghi và những lời căn dặn cho những thầy nhận sai đều giống như cách thức của hai đàn trước đã nói rõ. Ở đây không lặp lại.

Thầy dẫn lễ nói:

Các tì-kheo hãy chí thành, cùng tụng chú đại bi theo tôi, cầu gia hộ cho pháp diên thanh tịnh, nhờ oai lực trừ diệt ma chướng (tụng chú này 3 lần).

Nam Mô Cam Lộ Vương Bồ-tát ma-ha-tát (3 lần).

Các tì-kheo cùng tiến lên trước xếp hàng, trải nửa tọa cụ, nghe tiếng khánh, đỉnh lễ ba lễ, vén y, quì gối, chắp tay.

Pháp khí thành đã lâu mà sợ mài giũa chưa đến mức; muốn tiến lên thềm thánh, bước trước tiên là phải chuẩn bị hành lí. Nay đã đăng đàn thụ giới cụ túc, tâm thánh được mài thêm; cho nên, tôi thay các ông đốt hương, trải tòa, cung thỉnh luật sư tên… làm thầy a-xà-lê xét giới, hỏi già, sám hối cho các ông. Đáng lẽ, lời thỉnh sư các ông phải tự trình bày, nhưng sợ các ông không biết, nên nay tôi dạy. Mỗi người tự nói pháp danh của mình:… Còn những lời khác các ông nói theo tôi.

Đại đức, một lòng nhớ nghĩ, con tì-kheo tên:.. nay thỉnh đại đức a-xà-lê xét giới, hỏi già, sám hối; xin đại đức làm a-xà-lê xét giới, hỏi già, sám hối cho con. Con nương theo đại đức được dự vào giai vị Bồ-tát thanh tịnh. Xin thương xót cho (thỉnh 3 lần, lễ 3 lễ).

Thầy yết-ma vỗ thủ xích và nói:

Các tì-kheo, các ông đã ba lần ân cần thỉnh, nay tôi sẽ làm a-xà-lê xét giới, hỏi già, sám hối cho các ông; những lời tôi dạy các ông phải lắng nghe kĩ. Việc dạy dỗ phải tùy theo căn cơ mà giảng nói, trước tiệm sau đốn, luật căn cứ vào sự việc mà chế, nhờ thân đạt được tâm. Nếu thân bất tịnh thì tâm giới nương vào đâu? Nay đã giữ kĩ năm thiên thì ba tụ càng tăng; nguyện thích tứ hoằng, chẳng chuyên tự lợi.

Như thế, những người ấy phát tâm rộng lớn hướng thẳng đến bảo sở, mong đạt được quả đức của Như Lai, không dừng lại ở hóa thành. Có hoài bảo mãnh liệt này thì gọi là thượng thiện. Chỉ sợ cái giới phao bị lủng, bát bị vỡ thì khó mà chứa đựng được. Cũng như, đã phạm những điều Phật chế thì phạm hạnh làm sao lập được? Những lỗi lầm xưa chưa rửa sạch thì không sao tu chứng được.

Tì-ni tạng ghi: “Người phạm bốn tính giới nặng, lui mất đạo quả, giống như người bị chặt đầu thì không sống lại được; giống như chặt lỗi cây thì cây không sống lại; giống như mũi cây kim đã gẫy thì không thể dùng lại được; giống như tảng đá đã vỡ vụn không thể ráp lại được.” Trong những giới các ông đã thụ như thế, nếu phạm thì như pháp không thể dung chứa.

Kinh Đại thừa Phạm võng ghi: “Người nào đời này phạm bảy già tội, thầy không cho phép được cho thụ giới. Người nào không phạm mới được cho thụ giới.” Từ đó suy ra, theo Tiểu thừa thì bảy chúng phạm tội trọng; theo Đại thừa không cho lên đàn thụ giới. Nếu Đại thừa phạm bảy già tội thì tất cả mọi chọn lựa đều có căn cứ. Dù nói, tội không có tự tính, lí có chân thường, nhưng điều quan trọng là không hủy hoại tâm thì đạo mới xứng hợp. Xưa nay, trước nương vào tì-ni tạng để kiểm xét những giới tì-kheo đã thụ, trong mỗi mỗi tướng gồm các việc trì, phạm, nguyên vẹn, thiếu sót v.v..

Ghi chú:

Ở đây chỉ nói về tì-kheo. Nếu có sáu chúng kia cùng thỉnh thầy kiểm xét, sám hối, có thể lời văn được đổi lại rằng: “Xét những giới đã thụ, như giới tì-kheo, giới tì-kheo-ni, giới thức-xoa-ma-na, giới sa-di, giới sa-di-ni, giới ưu-bà-tắc, giới ưu-bà-di, trong mỗi mỗi tướng đều có các việc trì, phạm, nguyên vẹn, thiếu sót v.v.. .” Nay nêu tên chung của bảy chúng, để khi đến giờ tùy mỗi chúng mà áp dụng.

Kế tiếp, theo trong Đại thừa giáo, chọn lựa bảy già trọng ác ấy. Nay tôi sẽ lần lượt hỏi các ông, các ông lần lượt thành thật trả lời. Người nào không dốc lòng, can đảm thành thật trả lời, người nào che giấu những lỗi lầm cũ thì những việc thiện mới khó sinh. Giả sử có theo chúng sám hối, cũng không thể trừ diệt được tội ấy và dù có thụ giới cũng không đắc giới; lại thêm tội cố nói dối. Phải suy nghĩ đại giới Bồ-tát, vốn từ ở nơi tâm địa, tâm địa tạp loạn, nên chẳng phải là giới khí. Kinh Thủ Lăng-nghiêm ghi: “Nay các ông muốn chiêm nghiệm vô thượng bồ-đề thì phải vận tâm ngay thẳng để trải lời những gì tôi hỏi”.

Hỏi: Các ông có thể vâng làm được không?

Trả lời: Được.

Những người bị kiểm xét và hỏi ấy, nếu chỉ hơn mười người thì tiến hành xét giới tướng liền mà không cần bảo đứng lên và không cần bảo ra ngoài rồi vào lại. Nhưng nếu có sáu chúng tì-kheo-ni, v.v.. ở bên trong thì phải bảo họ ra ngoài và gọi riêng đến xét giới. Vì những chúng ấy giới tướng không giống nhau. Nếu chúng tì-kheo đông, có thể bảo họ ra khỏi pháp đường và xếp hàng theo thứ tự số thẻ, rồi sau đó mới vào pháp đường nghe xét giới. Ấy là vì sợ khi hỏi-đáp không nghe, lời lẽ không hiểu.

Thầy dẫn lễ nói:

Các tì-kheo v.v.. cùng đứng lên, nghe tiếng khánh, đỉnh lễ ba lễ, vén y, xếp tọa cụ.

Những người đứng đầu hàng dẫn chúng ra khỏi pháp đường, tập hợp và đợi, không được tán loạn. Đợi đến khi được gọi, mỗi người theo thứ tự hàng ngũ từ góc cửa bên trái đi đến chỗ thầy kiểm tra thẻ, lần lượt theo thứ tự bước lên pháp đường; đến trước chỗ thầy (giáo thụ) ngồi và sau khi xét giới xong, từ góc cửa bên phải đi đến chỗ thầy thâu thẻ, và lần lượt theo thứ tự ra khỏi pháp đường. Riêng những vị thuộc hàng thứ nhất ở lại trong pháp đường chờ đợi, còn những hàng khác tạm lui ra. (Đợi các chúng khác ra khỏi pháp đường hết mới gọi: …)

Hàng thứ nhất ở gần phía trước nên tiến liên trên, xếp hàng, trải nửa tọa cụ, nghe tiếng khánh, đỉnh lễ ba lễ, vén y, quì gối, chắp tay, mỗi người vận tâm quán tưởng và niệm ba lần.

Nam Mô Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo (3 lần).

Mỗi người tự nói pháp danh của mình.

Thầy (giáo thụ) vỗ thủ xích và nói:

Các tì-kheo, nay tôi sẽ hỏi bốn pháp ba-la-di mà ông đã thụ trì. Các ông phải lắng nghe kĩ và trả lời.

- Giới thứ nhất: Phạm bất tịnh hạnh. Trong giới này các ông có phạm không? (Nếu có phạm hoặc không phạm thì đều phải thành thật trả lời.)

Ghi chú:

Trong đây, văn hỏi giới tướng không thể chép đầy đủ, vì sợ nhiều người kéo dài thời gian, gây chậm trễ, nên chỉ hỏi một cách vắn tắt.

- Giới thứ hai: Lấy vật có chủ, không cho, với tâm trộm. Trong giới này các ông có phạm không? (như trên)

- Giới thứ ba: Cố ý đoạn mạng người, khen ngợi, khuyến khích người chết. Trong giới đây các ông có phạm không? (như trên)

- Giới thứ tư: Thật không có hiểu biết mà tự nói mình đã đắc pháp thượng nhân. Trong giới đây các ông có phạm không? (như trên)

Tì-kheo nào phạm bốn pháp này, không được bố-tát, làm yết-ma, ở chung với các tì-kheo. Những người ấy phá căn bản, phải như pháp, như luật, như lời Phật dạy dùng pháp bạch tứ yết-ma, đuổi đi. Những người ấy lui mất và không có phần đạo quả, không được tiến lên đại giới Bồ-tát. Theo kinh Mục Liên vấn ghi: “Người phạm tội ba-la-di tương lai sẽ bị rơi vào địa ngục Diễm Nhiệt”.

Các tì-kheo, nay tôi sẽ hỏi các ông về mười ba pháp tăng-già-bà-thi-sa mà các ông đã thụ trì. Các ông phải lắng nghe kĩ và trả lời.

- Giới thứ nhất: Vọc âm xuất tinh, trừ trong mộng. Trong giới này các ông có phạm không? (Nếu phạm hoặc không phạm thì phải trả lời đúng sự thật).

- Giới thứ hai: Ông có ý dâm dục, xúc chạm thân người nữ không? (như trên)

- Giới thứ ba: Ông có nói lời thô xấu, nói lời dâm dục với người nữ không? (như trên)

- Giới thứ thứ tư: Ông có khuyên người nữ đem pháp dâm dục cúng dường mình không? (như trên)

- Giới thứ năm: Ông có đến nhà người này, người kia làm mai mối cho nam, nữ không? (như trên)

- Giới thứ sáu: Lập thất nhỏ (như trên).

- Giới thứ bảy: Cất chùa lớn (như trên).

- Giới thứ tám: Hủy báng vô căn cứ (như trên).

- Giới thứ chín: Giả căn báng (như trên).

- Giới thứ mười: Phá Tăng (như trên).

- Giới thứ mười một: Tùy thuận phá Tăng (như trên).

- Giới thứ mười hai: Làm nhơ nhà người (như trên).

- Giới thứ mười ba: Ác tính bất thụ nhân ngữ (như trên).

Tì-kheo nào trong mười ba giới đây tùy phạm mỗi mỗi giới, biết mà cố che giấu, buộc phải trao pháp ba-lợi-bà-sa; thực hành pháp ba-lợi-bà-sa xong, buộc phải trao thêm pháp sáu đêm ma-na-đỏa; thực hành ma-na-đỏa xong phải đối trước Tăng gồm hai mươi vị tì-kheo trình bày tội. Nếu Tăng không đủ số hai mươi vị tì-kheo thì không được trình bày tội. Nếu không theo đúng như luật định sám hối trình bày tội, thì như trong kinh nói: ‘Sẽ bị rơi vào địa ngục Kêu Gào lớn.’

Thầy giáo thụ vỗ thủ xích và nói:

Các tì-kheo, nay tôi hỏi hai pháp bất định mà các ông đã thụ trì, các ông phải nghe kĩ và trả lời.

1. Giới một mình cùng với người nữ ngồi ở chỗ bị ngăn che, chỗ có thể làm việc dâm dục, nói những lời phi pháp; hoặc ba-la-di, hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hoặc ba-dật-đề. Xử trị trong ba pháp này. Trong giới này các ông có phạm không?

2. Giới ngồi với người nữ ở chỗ trống, chỗ không thể làm việc dâm dục, nói lời phi pháp; hoặc tăng-già-bà-thi-sa, hoặc ba-dật-đề. Xử trị trong hai pháp này (như trên).

Tì-kheo nào phạm hai pháp này, trị tội nhẹ-nặng không nhất định, cần phải đúng tình huống, đúng việc; hoặc dùng hai pháp để xử trị; hoặc dùng một pháp để xử trị; cho nên gọi là pháp Bất định.

Thầy giáo thụ vỗ thủ xích và nói:

Các tì-kheo, nay tôi sẽ hỏi ba mươi pháp ni-tát-kì ba-dật-đề mà các ông đã thụ trì. Các ông phải lắng nghe kĩ và trả lời.

1. Giới chứa vải dư, quá mười ngày. Trong giới này các ông có phạm không? (Nếu phạm hay không phạm phải trả lời đúng sự thật).

2. Giới ngủ ở chỗ khác cách xa y, trừ trường hợp được Tăng yết-ma. (như trên).

3. Giới chứa vải không đúng thời, quá một tháng (như trên).

4. Giới nhận y của tì-kheo-ni không phải bà con, trừ trường hợp trao đổi (như trên).

5. Giới sai tì-kheo-ni không phải bà con giặt, nhộm, đập y cũ (như trên).

6. Giới xin cư sĩ, vợ cư sĩ không phải bà con y, trừ trường hợp bị cướp y, bị mất y, bị cháy, bị nước cuốn trôi (như trên).

7. Giới hoặc bị cướp y, bị mất y, bị cháy, bị nước cuốn trôi y, được cư sĩ, vợ cư sĩ không phải bà con cho y, mà nhận không biết đủ (như trên).

8. Giới khuyên cư sĩ tăng giá y (như trên).

9. Giới khuyên hai nhà tăng giá y (như trên).

10. Giới yêu sách giá y quá hạn (như trên).

11. Giới may ngọa cụ mới bằng tơ tằm (như trên).

12. Giới may ngọa cụ mới bằng lông dê toàn màu đen (như trên).

13. Giới ngọa cụ quá phần (như trên).

14. Giới ngọa cụ chưa được sáu năm mà bỏ, may thêm ngọa cụ mới, trừ Tăng yết-ma (như trên).

15. Giới tọa cụ không hoại sắc (như trên).

16. Giới quảy lông dê (như trên).

17. Giới nhờ chải lông dê (như trên).

18. Giới cầm giữ vàng bạc (như trên).

19. Giới buôn bán các loại vật báu (như trên).

20. Giới buôn bán dưới mọi hình thức (như trên).

21. Giới chứa bát dư hơn mười ngày (như trên).

22. Giới đổi bát mới (như trên).

23. Giới xin chỉ sợi (như trên).

24. Giới chỉ dẫn thợ dệt (như trên).

25. Giới đoạt lại y (như trên).

26. Giới thuốc bảy ngày (như trên).

27. Giới y tắm mưa (như trên).

28. Giới y cấp thí (như trên).

29. Giới a-la-nhã gặp nạn lìa y (như trên).

30. Giới xoay tăng vật về mình (như trên).

Tì-kheo nào phạm ba mươi pháp này nên xả với Tăng. Nếu chúng đông, hoặc một người không được xả riêng chúng. Nếu xả không theo đúng như luật định và không sám hối, theo Kinh nói, người ấy sẽ rơi vào địa ngục Phú Chướng. Cho nên gọi những tội này là xả đọa.

Thầy giáo thụ vỗ thủ xích và nói:

Các tì-kheo, nay tôi sẽ hỏi chín mươi pháp ba-dật-đề mà các ông đã thụ trì. Các ông hãy lắng nghe kĩ và trả lời.

1. Giới cố ý nói dối. Trong giới này các ông có phạm không? (Nếu phạm hay không phạm thì phải trả lời đúng sự thật).

2. Giới mắng nhiếc (như trên).

3. Giới nói li gián (như trên).

4. Giới ngủ chung phòng với người nữ (như trên).

5. Giới ngủ chung phòng với người chưa thụ đại giới (như trên).

6. Giới tụng đọc kinh chung với người chưa thụ đại giới (như trên).

7. Giới nói thô tội (như trên).

8. Giới nói pháp thượng nhân (như trên).

9. Giới nói pháp hơn năm, sáu lời (như trên).

10. Giới đào phá đất (như trên).

11. Giới phá hoại thực vật (như trên).

12. Giới nói quanh (như trên).

13. Giới nói xấu Tăng sai (như trên).

14. Giới trải tọa cụ Tăng không cất (như trên).

15. Giới trải ngọa cụ trong phòng Tăng (như trên).

16. Giới chen lấn chỗ ngủ (như trên).

17. Giới đuổi tì-kheo ra ngoài (như trên).

18. Giới ghế ngồi không vững (như trên).

19. Giới dùng nước có trùng (như trên).

20. Giới cất nhà lớn (như trên).

21. Giới giáo giới ni không được Tăng sai (như trên).

22. Giới giáo thụ ni sau mặt trời lặn (như trên).

23. Giới giáo thụ ni vì lợi dưỡng (như trên).

24. Giới cho tì-kheo-ni y (như trên).

25. Giới may y cho tì-kheo-ni (như trên).

26. Giới ngồi với tì-kheo-ni ở chỗ khuất (như trên).

27. Giới đi chung đường với tì-kheo-ni (như trên).

28. Giới đi chung thuyền với tì-kheo-ni (như trên).

29. Giới thức ăn do tì-kheo-ni khuyến hóa (như trên).

30. Giới đi chung đường với người nữ (như trên).

31. Giới lữ quán một bữa ăn (như trên).

32. Giới ăn nhiều lần (như trên).

33. Giới ăn riêng chúng (như trên).

34. Giới nhận quá ba bát (như trên).

35. Giới pháp dư thực (như trên).

36. Giới mời người túc thực (như trên).

37. Giới ăn phi thời (như trên).

38. Giới thức ăn cách đêm (như trên).

39. Giới bỏ vào miệng vật không được cho (như trên).

40. Giới đòi thức ăn ngon (như trên).

41. Giới cho ngoại đạo ăn (như trên).

42. Giới trước, sau bữa ăn đi đến nhà khác không báo (như trên).

43. Giới ngồi trong nhà đang có ăn (như trên).

44. Giới ngồi với người nữ ở chỗ khuất (như trên).

45. Giới một mình ngồi với người nữ ở chỗ đất trống (như trên).

46. Giới đuổi đi không cho thức ăn (như trên).

47. Giới thuốc bốn tháng (như trên).

48. Giới xem quân trận(như trên).

49. Giới ngủ lại trong quân (như trên).

50. Giới xem quân đội chiến đấu (như trên).

51. Giới uống rượu (như trên).

52. Giới đùa giỡn trong nước (như trên).

53. Giới thọc cù nôn (như trên).

54. Giới không nghe lời can ngăn (như trên).

55. Giới dọa nhát tì-kheo (như trên).

56. Giới nửa tháng tắm (như trên).

57. Giới đốt lửa (như trên).

58. Giới giấu vật dụng của tì-kheo (như trên).

59. Giới tự tiện dùng y không hỏi chủ (như trên).

60. Giới hoại sắc y mới (như trên).

61. Giới cố giết hại sinh mạng (như trên).

62. Giới cố uống, dùng nước có trùng (như trên).

63. Giới cố gieo nghi hối (như trên).

64. Giới che giấu thô tội (như trên).

65. Giới truyền cụ túc cho người chưa đủ hai mươi tuổi (như trên).

66. Giới khơi lại tránh sự (như trên).

67. Giới đi chung với cướp (như trên).

68. Giới kiên trì ác kiến (như trên).

69. Giới hỗ trợ tì-kheo bị xả trí (như trên).

70. Giới bao che sa-di bị đuổi (như trên).

71. Giới không chịu học giới (như trên).

72. Giới khinh chê học giới (như trên).

73. Giới vô tri học giới (như trên).

74. Giới phủ nhận yết-ma (như trên).

75. Giới không dữ dục (như trên).

76. Giới dữ dục rồi hối (như trên).

77. Giới lén nghe đấu tranh (như trên).

78. Giới sân đánh tì-kheo (như trên).

79. Giới nhá đánh tì-kheo (như trên).

80. Giới vu khống tăng tàn (như trên).

81. Giới thâm nhập cung vua (như trên).

82. Giới cầm nắm bảo vật (như trên).

83. Giới vào làng trái giờ (như trên).

84. Giới giường cao quá lượng (như trên).

85. Giới đệm bông (như trên).

86. Giới ống đựng kim (như trên).

87. Giới ni-sư-đàn quá lượng (như trên).

88. Giới may y che ghẻ quá lượng (như trên).

89. Giới áo tắm mưa quá lượng (như trên).

90. Giới lượng y Như Lai (như trên).

Tì-kheo nào phạm chín mươi pháp đây, nếu không theo đúng như luật sám hối, thì theo như kinh nói, sẽ bị rơi vào địa ngục Bát Hàn, Bát Nhiệt.

Thầy giáo thụ vỗ thủ xích và nói:

Các tì-kheo, nay tôi sẽ hỏi bốn pháp ba-la-đề-đề-xá-ni mà các ông đã thụ trì. Các ông phải nghe kĩ và trả lời.

1. Giới không có bệnh mà vào trong làng, tự tay nhận thức ăn của tì-kheo-ni không phải bà con. Trong giới này các ông có phạm không? (Nếu phạm hay không phải thì phải trả lời đúng sự thật).

2. Giới tì-kheo ở trong nhà thí chủ, chỉ bảo cho tì-kheo này canh, tì-kheo kia cơm. Hoặc tự mình không bảo dừng, không có tì-kheo nào bảo dừng (như trên).

3. Giới trước đã làm pháp yết-ma học gia, gia chủ không mời, không bệnh tự tay nhận thức ăn (như trên).

4. Giới ở trong a-lan-nhã nghi trú xứ có sự khủng bố, không nói trước với đàn việt ở ngoài tăng già-lam thì không được nhận thức ăn. Ở trong tăng già-lam không bệnh tự tay nhận thức ăn (như trên).

Tì-kheo nào phạm bốn pháp này, phải đến sám hối với tì-kheo khác. Nói: ‘Tôi phạm pháp đáng trách; việc không nên làm’. Đây gọi là pháp hối quá. Nếu không theo luật sám hối với tì-kheo khác, theo kinh nói người ấy sẽ bị rơi vào địa ngục Hắc Thằng.

Thầy giáo thụ vỗ thủ xích và nói:

Các tì-kheo, nay tôi sẽ hỏi một trăm pháp cần phải học mà các ông thụ trì. Các ông phải lắng nghe kĩ và trả lời.

1. Giới đắp nội y không ngay ngắn. Trong giới này các ông có phạm không? (Nếu phạm hay không phải thì phải trả lời đúng sự thật).

2. Giới đắp ba y không ngay ngắn (như trên).

3. Giới vắt ngược y vào nhà bạch y (như trên).

4. Giới vắt ngược y vào trong nhà bạch y, ngồi (như trên).

5. Giới quấn y trên cổ vào nhà bạch y (như trên).

6. Giới quấn y trên cổ vào trong nhà bạch y, ngồi (như trên).

7. Giới trùm đầu đi vào nhà bạch y (như trên).

8. Giới trùm đầu vào trong nhà bạch y, ngồi (như trên).

9. Giới vừa đi vừa nhảy vào nhà bạch y (như trên).

10. Giới vừa đi vừa nhảy trong nhà bạch y, ngồi (như trên).

11. Giới ngồi chồm hổm trong nhà bạch y (như trên).

12. Giới chống nạnh vào nhà bạch y (như trên).

13. Giới chống nạnh vào trong nhà bạch y, ngồi (như trên).

14. Giới lắc lư thân vào nhà bạch y (như trên).

15. Giới lắc lư thân vào trong nhà bạch y, ngồi (như trên).

16. Giới vung tay vào nhà bạch y (như trên).

17. Giới vung tay vào nhà bạch y, ngồi (như trên).

18. Giới che kín thân vào nhà bạch y (như trên).

19. Giới che kín thân vào nhà bạch y, ngồi (như trên).

20. Giới quay nhìn hai bên vào nhà bạch y (như trên).

21. Giới quay nhìn hai bên vào nhà bạch y, ngồi (như trên).

22. Giới im lặng vào nhà bạch y (như trên).

23. Giới im lặng vào nhà bạch y, ngồi (như trên).

24. Giới cười giỡn vào nhà bạch y (như trên).

25. Giới cười giỡn vào nhà bạch y, ngồi (như trên).

26. Giới không dụng ý khi nhận thức ăn (như trên).

27. Giới không nhận thức ăn tràn bát (như trên).

28. Giới không nhận canh tràn bát (như trên).

29. Giới không ăn canh và cơm bằng nhau (như trên).

30. Giới không theo thứ tự thụ thực (như trên).

31. Giới moi giữa bát mà ăn (như trên).

32. Giới không bệnh đòi canh, cơm cho mình (như trên).

33. Giới lấy cơm phủ lên canh để mong cầu được thêm (như trên).

34. Giới nhìn vào trong bát của người ngồi bên cạnh (như trên).

35. Giới không tập trung khi ăn (như trên).

36. Giới vo cơm lớn rồi ăn (như trên).

37. Giới há miệng đợi cơm mà ăn (như trên).

38. Giới vừa ăn vừa nói (như trên).

39. Giới vo cơm ném vào miệng mà ăn (như trên).

40. Giới ăn làm rơi rớt cơm (như trên).

41. Giới phồng má mà ăn (như trên).

42. Giới nhai thức ăn ra tiếng (như trên).

43. Giới húp ăn thức lớn tiếng (như trên).

44. Giới lè lưỡi liếm thức ăn (như trên).

45. Giới rảy tay khi ăn (như trên).

46. Giới nhặt cơm rơi khi ăn (như trên).

47. Giới tay dơ cầm đồ đựng thức uống (như trên).

48. Giới đổ nước rửa bát vào nhà bạch y (như trên).

49. Giới đại tiểu tiện, khạc nhổ trên cỏ tươi. Trừ khi có bệnh (như trên).

50. Giới đại tiểu tiện và khạc nhổ vào trong nước (như trên).

51. Giới đứng đại tiểu tiện. Trừ khi có bệnh (như trên).

52. Giới nói pháp cho người vén y. Trừ có bệnh (như trên).

53. Giới nói pháp cho người quấn y trên cổ. Trừ có bệnh (như trên).

54. Giới nói pháp cho người trùm đầu. Trừ có bệnh (như trên).

55. Giới nói pháp cho người quấn đầu. Trừ có bệnh (như trên).

56. Giới nói pháp cho người chống nạnh. Trừ có bệnh (như trên).

57. Giới nói pháp cho người mang giày da. Trừ có bệnh (như trên).

58. Giới nói pháp cho người mang guốc gỗ. Trừ có bệnh (như trên).

59. Giới nói pháp cho người đánh xe. Trừ có bệnh (như trên).

60. Giới ngủ trong tháp Phật. Trừ giữ tháp (như trên).

61. Giới giấu tài vật trong tháp Phật. Trừ vì muốn giữ kĩ (như trên).

62. Giới mang giày da đi vào trong tháp Phật (như trên).

63. Giới xách giày da vào trong tháp Phật (như trên).

64. Giới mang giày da đi nhiễu quanh tháp Phật (như trên).

65. Giới mang phú-la đi vào trong tháp Phật (như trên).

66. Giới tay cầm phú-la đi vào trong tháp Phật (như trên).

67. Giới ngồi bên tháp ăn, để lại cỏ và thức ăn làm nhơ đất (như trên).

68. Giới mang xác chết đi ngang qua dưới tháp (như trên).

69. Giới chôn tử thi dưới tháp (như trên).

70. Giới thiêu tử thi dưới tháp (như trên).

71. Giới thiêu tử thi trước tháp (như trên).

72. Giới thiêu tử thi xung quanh tháp, làm cho mùi hôi thúi bay vào tháp (như trên).

73. Giới mang tử thi, y, vật đi ngang qua dưới tháp (như trên).

74. Giới đại tiêu tiện dưới tháp Phật (như trên).

75. Giới đại tiểu tiện trước tháp Phật (như trên).

76. Giới đại tiểu tiện xung quanh tháp, làm cho mùi hôi thúi bay vào tháp (như trên).

77. Giới mang tượng Phật đến nơi đại tiểu tiện (như trên).

78. Giới tước dương chi dưới tháp Phật (như trên).

79. Giới tước dương chi trước tháp Phật (như trên).

80. Giới tước dương chi xung quanh tháp (như trên).

81. Giới khạc nhổ dưới tháp (như trên).

82. Giới khạc nhổ trước tháp (như trên).

83. Giới khạc nhổ xung quanh tháp (như trên).

84. Giới ngồi duỗi chân trước tháp Phật (như trên).

85. Giới thờ Phật ở phòng dưới, mình ở phòng trên (như trên).

86. Giới nói pháp cho người ngồi mà mình đứng. Trừ có bệnh (như trên).

87. Giới nói pháp cho người nằm mà mình ngồi. Trừ có bệnh (như trên).

88. Giới nói pháp cho người ngồi mà mình không ngồi. Trừ có bệnh (như trên).

89. Giới nói pháp cho người ngồi chỗ cao mình ngồi chỗ thấp. Trừ có bệnh (như trên).

90. Giới nói pháp cho người đi trước mình đi sau. Trừ có bệnh (như trên). .

91. Giới nói pháp cho người đi trên đường cao mình đi dưới đường thấp. Trừ có bệnh (như trên).

92. Giới nói pháp cho người ở giữa đường mình ở lề đường. Trừ có bệnh (như trên).

93. Giới nắm tay cùng nhau đi (như trên).

94. Giới trèo lên cây quá đầu người. Trừ khi có nhân duyên (như trên).

95. Giới bỏ bát vào đãy, buộc trên đầu gậy, quẩy trên vai mà đi (như trên).

96. Giới không nên nói pháp cho người vác gậy. Trừ có bệnh (như trên).

97. Giới không nên nói pháp cho người vác kiếm. Trừ có bệnh (như trên).

98. Giới không nên nói pháp cho người vác giáo. Trừ có bệnh (như trên).

99. Giới không nên nói pháp cho người vác dao. Trừ có bệnh (như trên).

100. Giới không nên nói pháp cho người cầm dù. Trừ có bệnh (như trên).

Tì-kheo nào phạm một trăm pháp này gọi là đột-kiết-la. Gọi là ác tác. Nếu không theo luật dạy sám hối, thì theo kinh nói sẽ bị rơi vào địa ngục Đẳng Hoạt.

Thầy giáo thụ vỗ thủ xích và nói:

Các tì-kheo, nay tôi sẽ hỏi bảy pháp diệt tránh mà các ông đã thụ trì. Các ông phải lắng nghe kĩ và trả lời.

1. Giới nên cho pháp hiện tiền tì-ni sẽ cho pháp hiện tiền tì-ni.

Hỏi: Trong giới đây các ông có phạm không?

(Nếu phạm thì trả lời có, nếu không phạm thì trả lời: …)

Trả lời: Không.

Ghi ghú:

Bảy pháp này có thể diệt bốn loại tránh sự. Nếu nên trao cho pháp ‘hiện tiền’ mà không trao; không đáng trao mà lại trao cho người khác pháp diệt thì phạm tội trái pháp tì-ni, gọi là đột-kiết-la. Đó gọi là không nên cho mà cho. Nay hỏi tức ‘nên’ mà trả lời là ‘có phạm’. Hoặc tuy có tránh sự sinh khởi, thì lúc ấy trao pháp là thích hợp, không trái với Phật chế. Nay hỏi ‘mới có thể’ mà trả lời là ‘không’. Lại nữa, vốn không có tránh sự khởi, thì pháp này không được áp dụng. Nay hỏi ‘cũng có thể’ mà trả lời là ‘không’. Sự không đồng nhất này được các giới khác trả lời, nên chỉ trình bày tóm lược thêm. Nếu muốn biết rõ thì tự khảo cứu kĩ trong tạng luật.

2. Giới đáng trao cho ức niệm tì-ni sẽ trao cho ức niệm tì-ni (như trên).

3. Giới đáng trao cho bất si tì-ni sẽ trao cho bất si tì-ni (như trên).

4. Giới đáng trao cho tự ngôn trị sẽ trao cho tự ngôn trị (như trên).

5. Giới đáng trao cho mích tội tướng sẽ trao cho mích tội tướng (như trên).

6. Giới đáng trao cho đa nhân mích tội sẽ trao cho đa nhân mích tội (như trên).

7. Giới đáng trao cho như thảo phú địa sẽ trao cho như thảo phú địa (như trên).

Này các tì-kheo, nếu có bốn loại tránh sự sinh khởi tức liền nên trao cho pháp tương xứng với một trong bảy pháp ấy để diệt. Nếu việc đáng trao mà không trao, không đáng trao mà trao, nên tránh sự không diệt. Đó gọi là phạm.

Thầy giáo thụ vỗ thủ xích và nói:

Các tì-kheo, mỗi mỗi tướng nội thuộc giới pháp cụ túc đã kiểm xét kĩ rồi, còn lại bảy tội nghịch của Đại thừa phải chọn lựa, nay sẽ hỏi thêm.

Bảy tội nghịch đó là:

1. Làm thân Phật chảy máu: là tội đại nghịch ác rất nặng. Các ông có phạm tội này không? (Nếu phạm hay không phải thì phải trả lời đúng sự thật).

Nếu vì tâm sân hận hủy hoại tất cả tượng Phật, tháp xá-lợi và kinh điển Đại thừa. Đó gọi là kết thù với Phật. Những trường hợp giống đây cũng nên ngăn lại.

2. Giết cha: là tội đại nghịch ác rất nặng (như trên).

3. Giết mẹ: là tội đại nghịch ác rất nặng (như trên).

4. Giết hòa thượng: là tội đại nghịch ác rất nặng (như trên).

5. Giết a-xà-lê: là tội đại nghịch ác rất nặng (như trên).

6. Phá yết-ma, chuyển pháp luân tăng: là tội đại nghịch ác rất nặng (như trên).

7. Giết thánh nhân: là tội đại nghịch ác rất nặng (như trên).

Ông có phạm những tội này thì bị ngăn chặn. Nếu trong những tội này không phạm thì tạm lui ra.

Thầy giáo thụ đã xét hỏi như thế rồi, nếu có người phạm thầy thư kí sẽ ghi chép rõ ràng. Cách thức gọi vào-ra đều giống như đã trình bày trong hai đàn sám hối. Trong đây, nếu xét hỏi giới tướng của sáu chúng thì cương mục được ghi thêm ở phía sau; cũng giống như xét giới hỏi trước đã xong, mới hỏi bảy già. Cho đến, hàng cuối cùng hỏi xong, đứng tránh sang một bên. Nghe tiếng kiền chùy tập hợp, người phát lộ vào pháp đường trước, mỗi người xếp hàng theo thứ tự đã định. Bấy giờ, thầy nhận sai lại thưa. Nghi thức thưa cũng giống như trong hai đàn trên không khác. Đợi thầy nhận sai lui ra rồi, thầy dẫn lễ mới hướng dẫn chúng tiến lên phía trên, xếp hàng, đỉnh lễ, quì gối.

Thầy giáo thụ vỗ thủ xích và nói:

Từ trước đến nay các ông đều đã hiểu lời tôi hướng dẫn. Theo những gì các ông thổ lộ, tôi biết trong giới cụ túc của tì-kheo các ông đã giữ kĩ. Người nào không phạm bảy già bị Đại thừa ngăn thì người đó là pháp khí chân tịnh. Nay tôi sẽ đem lời của các ông, trình bày lại với hòa thượng. Tức vì tiến thụ đại giới Bồ-tát nên càng chí thành, tha thiết cầu từ quang của chư Phật, Bồ-tát che chở, soi sáng. Đồng thời chứng minh cho sự sám hối, từ vô thỉ đến đời này ba chướng, tám khổ, đều được tiêu trừ. Từ giờ phút này đến cùng tận về sau bốn hoằng, hai lợi đều tròn đủ. Nguyện giáo hóa tất cả chúng sinh, cùng thành Vô thượng chính giác. Nay tôi thay các ông đốt hương, đọc kệ. Các ông hãy đọc theo tôi. Sám hối như pháp, mỗi người tự nói pháp danh của mình.

Ghi chú:

Thầy giáo thụ đứng dậy, niêm hương, trở lại vị trí, chắp tay, xướng rằng: ..

Nghiệp ác đã tạo từ xa xưa

Do tham, sân, si đời quá khứ

Đều từ thân, miệng, ý phát sinh

Sám hối tất cả các tội chướng.



Nghiệp ác đã tạo từ xa xưa

Do tham, sân, si đời quá khứ

Đều từ thân, miệng, ý phát sinh

Nay ở trước Phật xin sám hối.

Nghiệp ác đã tạo từ xa xưa

Do tham, sân si đời quá khứ

Đều từ thân, miệng, ý phát sinh

Sám hối tất cả các tội căn.

Xét giới công đức thật tuyệt vời

Bao nhiêu phúc lành đều hồi hướng

Nguyện cho chúng sinh bị chìm đắm

Chóng sinh cõi Phật Vô Lượng Quang

Mười phương ba đời tất cả Phật

Tất cả Bồ-tát ma-ha-tát

Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật.

Nếu ở trong chúng xét thấy có người phạm giới căn bản nặng và phạm bảy tội nghịch thì phải khuyên răn riêng.

Thầy giáo thụ vỗ thủ xích và nói:

Từ trước đến nay trong khi xét hỏi, có người nào phạm giới và bị ngăn cản. Đây là tội ác cực nặng, phá hoại đạo khí; theo kinh, luật thì bị ngăn cản nghiêm ngặt, lòng người cũng khó dung. Những lời của tôi hôm nay cũng như thế. Tôi sẽ trình bày lại với phương trượng hòa thượng, đều theo luật định, răn dạy các ông. Nhưng, ngày mai các ông không được truyền giới cùng một lúc với đại chúng thanh tịnh.

Thầy dẫn lễ nói:

Các tì-kheo đứng dậy, nghe tiếng khánh đỉnh lễ ba lễ, vén y, xếp tọa cụ, hỏi thăm, chia hàng. Những vị chịu trách nhiệm đón rước bước ra đưa thầy về phòng.

Ghi chú:

Như lễ thường, đưa thầy về phòng rồi, trở lại pháp đường đồng lễ tạ thầy dẫn lễ ba lễ. Thầy dẫn lễ bảo những người sám hối, tất cả đến đại điện lễ Phật suốt đêm.

Thêm cương mục phần xét giới tướng tì-kheo-ni. Nếu có ni chúng thì cũng giống như văn trước đã trình bày, cũng xưng niệm:

Nam Mô Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo (3 lần).

Rồi hỏi từng người một.

Thầy giáo thụ vỗ thủ xích và nói:

Các tì-kheo-ni, nay tôi sẽ hỏi tám pháp ba-la-di mà các cô đang thụ trì. Các cô phải nghe kĩ và trả lời.

1. Giới phạm bất tịnh hạnh, thụ pháp dâm dục. Trong giới này các cô có phạm không? (Nếu phạm hay không phải thì phải trả lời đúng sự thật).

Ghi chú:

Giới tướng được hỏi ở đây, không thể chép toàn bộ văn, vì sợ đông người kéo dài, chậm trễ, nên chỉ nêu tóm lược cương mục để hỏi thôi.

2. Giới lấy vật không cho (như trên).

3. Giới cố giết mạng người (như trên).

4. Giới đại vọng ngữ (như trên).

5. Giới xúc chạm (như trên).

6. Giới làm tám việc (như trên).

7. Giới phú tàng trọng tội (như trên).

8. Giới tùy thuận bị xử (như trên).

Tì-kheo-ni phạm tám pháp này không được cùng các tì-kheo-ni bố-tát, yết-ma và ở chung. Tì-kheo-ni ấy phá căn bản, nên như pháp, như luật, như lời Phật dạy, bạch tứ yết-ma đuổi đi. Những tì-kheo-ni ấy lui mất và không có phần đạo quả, không được tiến thụ đại giới Bồ-tát. Theo kinh Mục Liên vấn nói, người phạm ba-la-di sẽ rơi vào địa ngục Diễm Nhiệt.

Thầy giáo thụ vỗ thủ xích và nói:

Các tì-kheo-ni, nay tôi sẽ hỏi mười bảy tăng-già-bà-thi-sa mà các cô đang thụ trì. Các cô phải lắng nghe kĩ và trả lời.

1. Giới qua lại làm mai mối. Trong giới này các cô có phạm không? (Nếu phạm hay không phải thì phải trả lời đúng sự thật).

2. Giới hủy báng không có căn cứ (như trên).

3. Giới lấy một phần việc khác hủy báng (như trên).

4. Giới tố tụng (như trên).

5. Giới độ nữ tặc (như trên).

6. Giới tự ý giải tội (như trên).

7. Giới độc hành (như trên).

8. Giới nhận của nam nhiễm tâm (như trên).

9. Giới tán trợ ni khất thực bất chính (như trên).

10. Giới phá hòa hợp Tăng (như trên).

11. Giới tùy thuận phá Tăng (như trên).

12. Giới làm nhơ nhà người (như trên).

13. Giới ác tính không nghe lời can ngăn (như trên).

14. Giới tương thân tương trợ ác hành (như trên).

15. Giới tán trợ ác hành (như trên).

16. Giới dọa bỏ đạo (như trên).

17. Giới vu Tăng thiên vị (như trên).

Tì-kheo-ni nào phạm mỗi mỗi giới trong mười bảy pháp này nên đến trước hai bộ Tăng, buộc phải hành pháp ma-na-đỏa nửa tháng. Hành ma-na-đỏa rồi mới cho xuất tội. Xuất tội rồi phải ở trước bốn mươi người thuộc hai bộ Tăng nói tội của tì-kheo-ni ấy. Nếu thiếu một người không đủ chúng bốn mươi người, thì tội của tì-kheo-ni ấy không trừ được. Nếu không sám hối, xuất tội theo như luật dạy, thì theo kinh nói, người phạm tội ấy sẽ bị rơi vào địa ngục Kêu Gào.

Thầy giáo thụ vỗ thủ xích và nói:

Các tì-kheo-ni, nay tôi sẽ hỏi ba mươi ni-tát-kì ba-dật-đề mà các cô đang thụ trì. Các cô nên lắng nghe kĩ và trả lời.

1. Giới chứa vải dư quá mười ngày. Trong giới này các cô có phạm không? (Nếu phạm hay không phải thì phải trả lời đúng sự thật).

2. Giới lìa mỗi một y ngủ ở chỗ khác (như trên).

3. Giới chưa đủ vải, chứa quá một tháng (như trên).

4. Giới xin vải từ người không phải bà con (như trên).

5. Giới người cho nhiều vải, nhưng người nhận phải biết đủ (như trên).

6. Giới không nhận lời mời tùy ý, vì thích y đẹp mà xin vải (như trên).

7. Giới không nhận được lời mời tùy ý, vì thích y đẹp mà đòi tiền nhiều người (như trên).

8. Giới đòi y quá sáu lần (như trên).

9. Giới tự tay nhận vàng, báu, bạc, tiền (như trên).

10. Giới buôn bán bảo vật bằng mọi hình thức (như trên).

11. Giới kinh doanh buôn bán dưới mọi hình thức (như trên).

12. Giới bát thủng dưới năm lỗ, không chảy, xin thêm bát mới tốt (như trên).

13. Giới tự xin chỉ, tơ dệt y (như trên).

14. Giới không nhận lời mời tùy ý, thích y đẹp dặn thợ dệt dệt y (như trên).

15. Giới đã cho y rồi, sau đó vì sân hận đoạt y lại (như trên).

16. Giới chứa thuốc quá bảy ngày (như trên).

17. Giới chứa y cấp thí quá thời hạn (như trên).

18. Giới biết đó là vật của Tăng mà tự lấy về mình (như trên).

19. Giới cần thứ này mà đòi vật kia (như trên).

20. Giới tiền dùng để giảng đường mà đem đổi y rồi chia nhau (như trên).

21. Giới tiền để cúng dường thức ăn cho người khác mà lấy đổi y rồi chia nhau (như trên).

22. Giới tiền để xây phòng mà đem may y (như trên).

23. Giới tiền để xây nhà mà đem đổi y rồi chia nhau (như trên).

24. Giới chứa bát tốt, dư (như trên).

25. Giới chứa nhiều vật dụng tốt (như trên).

26. Giới không cho y bệnh (như trên).

27. Giới không phải thời y mà nhận và may y (như trên).

28. Giới đã buôn bán trao đổi, sau đó vì sân hận mà đoạt lại (như trên).

29. Giới xin y nặng và giá trị quá giới hạn (như trên).

30. Giới xin y nhẹ và giá trị quá giới hạn (như trên).

Tì-kheo-ni nào phạm ba mươi pháp này, nên xả với Tăng. Hoặc có nhiều người, hoặc chỉ một người không được xả riêng chúng. Nếu không xả, sám hối đúng luật, thì theo kinh nói sẽ rơi vào địa ngục Phú Chướng. Cho nên, gọi những pháp ấy là Xả-đọa.

Thầy giáo thụ vỗ thủ xích và nói:

Các tì-kheo-ni, nay tôi sẽ hỏi một trăm bảy mươi tám pháp ba-dật-đề mà các cô đang thụ trì. Các cô phải lắng nghe kĩ và trả lời.

1. Giới biết mà vẫn nói dối. Trong giới này các cô có phạm không? (Nếu phạm hay không phải thì phải trả lời đúng sự thật).

2. Giới hủy báng bằng đủ mọi cách (như trên).

3. Giới nói lời hai lưỡi (như trên).

4. Giới ngủ đêm chung phòng với người nam (như trên).

5. Giới ngủ đêm với chúng nhỏ (như trên).

6. Giới tụng kinh chung với người đời (như trên).

7. Giới nói tội với người đời (như trên).

8. Giới nói với người đời mình chứng ngộ (như trên).

9. Giới nói cho người nam nghe quá năm, sáu lời (như trên).

10. Giới tự mình đào đất (như trên).

11. Giới phá hoại thôn của quỉ thần (như trên).

12. Giới nói quanh làm người khác buồn phiền (như trên).

13. Giới chê trách vị tri sự (như trên).

14. Giới trải tọa cụ không xếp cất (như trên).

15. Giới khách trải tọa cụ không xếp cất (như trên).

16. Giới ỷ mình cao quí, xúc não người (như trên).

17. Giới cậy thế lôi kéo người ra ngoài (như trên).

18. Giới ngồi giường chân ráp bị sút ra (như trên).

19. Giới dùng nước có trùng tưới lên bùn (như trên).

20. Giới phòng lớn lợp nhiều lớp (như trên).

21. Giới không bệnh nhận thức ăn quá (như trên).

22. Giới ăn riêng chúng (như trên).

23. Giới nhận thức ăn quá ba bát (như trên).

24. Giới ăn phi thời (như trên).

25. Giới ăn thức ăn dư để cách đêm (như trên).

26. Giới không nhận lời mời ăn mà ăn (như trên).

27. Giới nhận lời mời chỗ khác mà không dặn lại (như trên).

28. Giới cố ngồi nán trong nhà có ăn (như trên).

29. Giới ngồi ở chỗ khuất trong nhà có ăn (như trên).

30. Giới ngồi với người nam ở chỗ đất trống (như trên).

31. Giới hứa cho thức ăn rồi đuổi về (như trên).

32. Giới nhận thuốc quá bốn tháng (như trên).

33. Giới đến xem quân trận (như trên).

34. Giới ngủ trong quân trận quá giới hạn (như trên).

35. Giới ngủ trong quân, xem chiến trận (như trên).

36. Giới uống rượu trái qui định (như trên).

37. Giới đùa giỡn trong nước (như trên).

38. Giới dùng tay cù lét nhau (như trên).

39. Giới không nghe lời can ngăn (như trên).

40. Giới dọa nạt tì-kheo-ni khác (như trên).

41. Giới không bệnh tắm quá lần (như trên).

42. Giới nhóm lửa ở nơi đất trống (như trên).

43. Giới giấu y và vật dụng của tì-kheo-ni khác (như trên).

44. Giới đã cho y người khác còn tự ý lấy dùng (như trên).

45. Giới được vải không nhuộm (như trên).

46. Giới cố ý đoạn mạng sống loài vật (như trên).

47. Giới uống và dùng nước có trùng (như trên).

48. Giới làm phiền tì-kheo-ni khác (như trên).

49. Giới che giấu thô tội của người khác (như trên).

50. Giới khơi lại tránh sự đã diệt (như trên).

51. Giới biết họ là giặc cướp mà vẫn đi chung đường (như trên).

52. Giới vì tà kiến mà sinh ra hủy báng (như trên).

53. Giới ngủ chung với người tà kiến (như trên).

54. Giới biết sa-di bị đuổi mà vẫn ngủ chung (như trên).

55. Giới hỏi ngược lại người trì luật (như trên).

56. Giới khinh chê tì-ni (như trên).

57. Giới không chí tâm nghe giới (như trên).

58. Giới hủy báng rằng, dựa vào sự thân thiết (như trên).

59. Giới không gửi dục mà bỏ đi (như trên).

60. Giới gửi dục rồi sau đó lại chê trách (như trên).

61. Giới rêu rao lỗi của người này với người kia (như trên).

62. Giới vì giận dữ mà đánh tì-kheo-ni khác (như trên).

63. Giới vì giận dữ mà dùng tay tát người (như trên).

64. Giới vì giận dữ mà hủy báng không căn cứ (như trên).

65. Giới bước qua khỏi cửa cung vua (như trên).

66. Giới dùng tay xúc chạm vật quí (như trên).

67. Giới vào thôn trái giờ (như trên).

68. Giới làm giường quá lượng (như trên).

69. Giới dùng bông làm giường nệm (như trên).

70. Giới lấy tỏi của người khác ăn (như trên).

71. Giới cạo lông ở ba chỗ (như trên).

72. Giới dùng nước tẩy tịnh quá phần (như trên).

73. Giới làm năm căn bằng hồ dao (như trên).

74. Giới tì-kheo-ni cùng vỗ cho nhau (như trên).

75. Giới cung cấp nước và quạt (như trên).

76. Giới xin ngũ cốc sống (như trên).

77. Giới tiểu tiện trên cỏ tươi (như trên).

78. Giới không quan sát mà đổ chất dơ (như trên).

79. Giới đi xem múa hát (như trên).

80. Giới đứng với người nam ở chỗ khuất trong thôn (như trên).

81. Giới đi vào chỗ khuất vắng với người nam (như trên).

82. Giới nói thầm với người nam (như trên).

83. Giới ngồi rồi, không nói mà bỏ đi (như trên).

84. Giới không hỏi xin mà tự ý ngồi (như trên).

85. Giới không hỏi xin mà tự trải chỗ ngủ (như trên).

86. Giới đi vào phòng cùng với người nam (như trên).

87. Giới không suy xét mà vội nhận lời (như trên).

88. Giới vì chuyện nhỏ mà thề thốt (như trên).

89. Giới đấm ngực và gào khóc (như trên).

90. Giới không bệnh mà nằm chung (như trên).

91. Giới nằm chung chăn, nệm (như trên).

92. Giới cố ý gây phiền bằng cách hỏi kinh (như trên).

93. Giới không chăm sóc người bệnh (như trên).

94. Giới trong an cư, vì sân mà đuổi người ra ngoài (như trên).

95. Giới du hành suốt ba mùa (như trên).

96. Giới an cư xong vẫn ở lại (như trên).

97. Giới du hành nơi biên giới có sự bất ổn an ninh (như trên).

98. Giới du hành trong biên giới có sự bất ổn an ninh (như trên).

99. Giới sống chung đụng với người thế tục (như trên).

100. Giới đến xem cung vua (như trên).

101. Giới lộ hình tắm sông (như trên).

102. Giới y tắm mưa quá lượng (như trên).

103. Giới may y quá ngày (như trên).

104. Giới không xem y quá ngày (như trên).

105. Giới cản trở việc cúng y cho Tăng (như trên).

106. Giới không hỏi mà lấy y mặc (như trên).

107. Giới đem y cho ngoại đạo (như trên).

108. Giới ngăn cản Tăng chia y (như trên).

109. Giới khiến Tăng không xuất y ca-thi-na (như trên).

110. Giới ngăn ni không xuất y ca-thi-na (như trên).

111. Giới không giúp dập tắt tránh sự (như trên).

112. Giới đem thức ăn cho ngoại đạo (như trên).

113. Giới làm người sai khiến cho bạch y (như trên).

114. Giới tự tay dệt vải (như trên).

115. Giới ngồi, nằm trên giường của bạch y (như trên).

116. Giới ngủ trong nhà dân không từ giả chủ nhà (như trên).

117. Giới tụng tập chú thuật (như trên).

118. Giới dạy người tụng chú thuật (như trên).

119. Giới độ và truyền giới cụ túc cho người nữ đang có mang (như trên).

120. Giới độ và truyền giới cho người nữ đang cho con bú (như trên).

121. Giới chưa đủ tuổi mà truyền giới cụ túc (như trên).

122. Giới không cho hai năm học giới, chưa đủ tuổi mà cho thụ giới cụ túc (như trên).

123. Giới cho học giới, không cho học pháp, chưa đủ tuổi mà cho thụ giới cụ túc (như trên).

124. Giới cho học giới, học pháp, đủ tuổi, Tăng không cho phép mà cho thụ giới cụ túc (như trên).

125. Giới cho học giới, chưa đủ 12 tuổi, cho thụ giới cụ túc (như trên).

126. Giới cho học giới, đủ 12 tuổi, không thưa với Tăng mà cho thụ giới cụ túc (như trên).

127. Giới cho dâm nữ thụ giới cụ túc (như trên).

128. Giới độ người không đúng pháp (như trên).

129. Giới không y chỉ hai năm (như trên).

130. Giới chống lại Tăng, cho người thụ giới cụ túc (như trên).

131. Giới chưa đủ tuổi hạ mà truyền giới cụ túc cho người (như trên).

132. Giới đủ tuổi hạ, Tăng không cho phép mà truyền giới cho người (như trên).

133. Giới không bằng lòng, hủy báng Tăng (như trên).

134. Giới người đời ngăn cản mà vẫn truyền giới cụ túc (như trên).

135. Giới độ người đang mến, đang giận đàn ông (như trên).

136. Giới không nhận học nữ (như trên).

137. Giới nhận y mà không truyền giới cụ túc (như trên).

138. Giới chưa đủ tuổi hạ mà truyền giới cho nhiều người (như trên).

139. Giới truyền giới cụ túc để cách đêm mới dẫn đến Tăng (như trên).

140. Giới không bệnh mà không nhận giáo thụ (như trên).

141. Giới nửa tháng không cầu Tăng giáo thụ (như trên).

142. Giới mãn hạ mà không đến Tăng tì-kheo xin tự tứ (như trên).

143. Giới ăn cư nơi không có tì-kheo (như trên).

144. Giới vào chùa tì-kheo mà không thưa (như trên).

145. Giới mắng chửi tì-kheo (như trên).

146. Giới ưa gây gổ, giận hờn Tăng (như trên).

147. Giới nhờ đàn ông nặn mụt nhọt mà không báo với chúng (như trên).

148. Giới đã ăn no, sau đó lại ăn nữa (như trên).

149. Giới tật đố về gia đình (như trên).

150. Giới dùng hương bột xoa thân mình (như trên).

151. Giới dùng dầu mè xoa thân (như trên).

152. Giới sai tì-kheo-ni xoa bóp thân (như trên).

153. Giới sai thức-xoa-ma-na xoa bóp thân (như trên).

154. Giới sai sa-di-ni xoa bóp thân (như trên).

155. Giới sai phụ nữ xoa bóp thân (như trên).

156. Giới mặc và cất chứa váy lót (như trên).

157. Giới chứa đồ trang sức của phụ nữ (như trên).

158. Giới mang dép, cầm dù (như trên).

159. Giới không bệnh ngồi xe cộ mà đi (như trên).

160. Giới vào thôn mà không mặc tăng-kì-chi (như trên).

161. Giới đến nhà cư sĩ lúc xẩm tối (như trên).

162. Giới xẩm tối mà còn mở cửa chùa (như trên).

163. Giới xẩm tối đi ra ngoài mà không dặn lại (như trên).

164. Giới trái với luật an cư (như trên).

165. Giới truyền giới cụ túc cho người nữ bị bệnh rỉ chảy (như trên).

166. Giới truyền giới cụ túc cho người nữ hai hình (như trên).

167. Giới truyền giới cụ túc cho người nữ hai đường hợp lại (như trên).

168. Giới truyền giới cho người mắc nợ và có bệnh (như trên).

169. Giới học kĩ thuật của thế tục để nuôi sống (như trên).

170. Giới dạy người thế tục kĩ thuật (như trên).

171. Giới bị đuổi mà không đi (như trên).

172. Giới không xin phép mà hỏi nghĩa với tì-kheo (như trên).

173. Giới muốn gây phiền người nên gây rối (như trên).

174. Giới xây tháp trong chùa Tăng (như trên).

175. Giới khinh thường tì-kheo mới thụ giới (như trên).

176. Giới vì muốn làm dáng vừa đi vừa uốn éo thân (như trên).

177. Giới trang điểm như phụ nữ (như trên).

178. Giới sai nữ ngoại đạo xoa hương thơm lên thân (như trên).

Tì-kheo-ni nào phạm 178 pháp này, hoặc không sám hối đúng như luật định, theo kinh nói, người ấy sẽ rơi vào địa ngục Bát Hàn, Bát Nhiệt. Cho nên gọi đó là tội đọa.

Thầy giáo thụ vỗ thủ xích và nói:

Các tì-kheo-ni, nay tôi sẽ hỏi tám pháp ba-la-đề đề-xá-ni mà các cô đang thụ trì. Các cô nên lắng nghe kĩ và trả lời.

1. Giới không bệnh mà xin bơ. Trong giới này các cô có phạm không? (Nếu phạm hay không phải thì phải trả lời đúng sự thật).

2. Giới không bệnh mà xin dầu (như trên).

3. Giới không bệnh mà xin mật (như trên).

4. Giới không bệnh mà xin đường phèn (như trên).

5. Giới không bệnh mà xin sữa (như trên).

6. Giới không bệnh mà xin sữa đông (như trên).

7. Giới không bệnh mà xin cá (như trên).

8. Giới không bệnh mà xin thịt (như trên).

Tì-kheo-ni nào phạm tám pháp này phải đến trước tì-kheo-ni khác sám hối. Nói: ‘Tôi phạm pháp đáng trách là việc không nên làm’. Đây gọi là pháp sám hối. Nếu không đến trước tì-kheo-ni khác sám hối đúng như luật dạy, thì theo kinh nói, người ấy sẽ rơi vào địa ngục Hắc Thằng.

Thầy giáo thụ vỗ thủ xích và nói:

Các tì-kheo-ni, nay tôi sẽ hỏi pháp một trăm chúng học mà các cô đang thụ trì. Các cô phải lắng nghe kĩ và trả lời.

1. Giới nội y không ngay ngắn. Trong giới này các cô có phạm không? (Nếu phạm hay không phải thì phải trả lời đúng sự thật).

2. Giới năm y không ngay ngắn (như trên).

3. Giới vén y mà đi (như trên).

3. Giới vắt ngược y vào nhà bạch y (như trên).

4. Giới vắt ngược y vào trong nhà bạch y, ngồi (như trên).

5. Giới quấn y trên cổ vào nhà bạch y (như trên).

6. Giới quấn y trên cổ vào trong nhà bạch y, ngồi (như trên).

7. Giới trùm đầu đi vào nhà bạch y (như trên).

8. Giới trùm đầu vào trong nhà bạch y, ngồi (như trên).

9. Giới vừa đi vừa nhảy vào nhà bạch y (như trên).

10. Giới vừa đi vừa nhảy trong nhà bạch y, ngồi (như trên).

11. Giới ngồi chồm hổm trong nhà bạch y (như trên).

12. Giới chống nạnh vào nhà bạch y (như trên).

13. Giới chống nạnh vào trong nhà bạch y, ngồi (như trên).

14. Giới lắc lư thân vào nhà bạch y (như trên).

15. Giới lắc lư thân vào trong nhà bạch y, ngồi (như trên).

16. Giới vung tay vào nhà bạch y (như trên).

17. Giới vung tay vào nhà bạch y, ngồi (như trên).

18. Giới che kín thân vào nhà bạch y (như trên).

19. Giới che kín thân vào nhà bạch y, ngồi (như trên).

20. Giới quay nhìn hai bên vào nhà bạch y (như trên).

21. Giới quay nhìn hai bên vào nhà bạch y, ngồi (như trên).

22. Giới im lặng vào nhà bạch y (như trên).

23. Giới im lặng vào nhà bạch y, ngồi (như trên).

24. Giới cười giỡn vào nhà bạch y (như trên).

25. Giới cười giỡn vào nhà bạch y, ngồi (như trên).

26. Giới không dụng ý nhận thức ăn (như trên).

27. Giới không nhận thức ăn tràn bát (như trên).

28. Giới không nhận canh tràn bát (như trên).

29. Giới không ăn canh và cơm bằng nhau (như trên).

30. Giới không theo thứ tự thụ thực (như trên).

31. Giới moi giữa bát mà ăn (như trên).

32. Giới không bệnh đòi canh, cơm cho mình (như trên).

33. Giới lấy cơm phủ lên canh để mong cầu được thêm (như trên).

34. Giới nhìn vào trong bát của người ngồi bên cạnh (như trên).

35. Giới không tập trung khi ăn (như trên).

36. Giới vo cơm lớn rồi ăn (như trên).

37. Giới há miệng đợi cơm mà ăn (như trên).

38. Giới vừa ăn vừa nói (như trên).

39. Giới vo cơm ném vào miệng mà ăn (như trên).

40. Giới ăn làm rơi rớt cơm (như trên).

41. Giới phồng má mà ăn (như trên).

42. Giới nhai thức ăn ra tiếng (như trên).

43. Giới húp thức ăn lớn tiếng (như trên).

44. Giới lè lưỡi liếm thức ăn (như trên).

45. Giới rảy tay khi ăn (như trên).

46. Giới nhặt cơm rơi khi ăn (như trên).

47. Giới tay dơ cầm đồ đựng thức uống (như trên).

48. Giới đổ nước rửa bát vào nhà bạch y (như trên).

49. Giới đại tiểu tiện, khạc nhổ trên cỏ tươi. Trừ khi có bệnh (như trên).

50. Giới đại tiểu tiện và khạc nhổ vào trong nước (như trên).

51. Giới đứng đại tiểu tiện. Trừ khi có bệnh (như trên).

52. Giới nói pháp cho người vén y. Trừ có bệnh (như trên).

53. Giới nói pháp cho người quấn y trên cổ. Trừ có bệnh (như trên).

54. Giới nói pháp cho người trùm đầu. Trừ có bệnh (như trên).

55. Giới nói pháp cho người quấn đầu. Trừ có bệnh (như trên).

56. Giới nói pháp cho người chống nạnh. Trừ có bệnh (như trên).

57. Giới nói pháp cho người mang giày da. Trừ có bệnh (như trên).

58. Giới nói pháp cho người mang guốc gỗ. Trừ có bệnh (như trên).

59. Giới nói pháp cho người đánh xe. Trừ có bệnh (như trên).

60. Giới ngủ trong tháp Phật. Trừ giữ tháp (như trên).

61. Giới giấu tài vật trong tháp Phật. Trừ vì muốn giữ kĩ (như trên).

62. Giới mang giày da đi vào trong tháp Phật (như trên).

63. Giới xách giày da vào trong tháp Phật. (như trên).

64. Giới mang giày da đi nhiễu quanh tháp Phật (như trên).

65. Giới mang phú-la đi vào trong tháp Phật (như trên).

66. Giới cầm phú-la đi vào trong tháp Phật (như trên).

67. Giới ngồi bên tháp ăn, để lại cỏ và thức ăn làm nhơ đất (như trên).

68. Giới mang xác chết đi ngang qua dưới tháp (như trên).

69. Giới chôn tử thi dưới tháp (như trên).

70. Giới thiêu tử thi dưới tháp (như trên).

71. Giới thiêu tử thi trước tháp (như trên).

72. Giới thiêu tử thi xung quanh tháp, làm cho mùi hôi thúi bay vào tháp (như trên).

73. Giới mang tử thi, y, vật đi ngang qua dưới tháp (như trên).

74. Giới đại tiêu tiện dưới tháp Phật (như trên).

75. Giới đại tiểu tiện trước tháp Phật (như trên).

76. Giới đại tiểu tiện xung quanh tháp, làm cho mùi hôi thúi bay vào tháp (như trên).

77. Giới mang tượng Phật đến nơi đại tiểu tiện (như trên).

78. Giới tước dương chi dưới tháp Phật (như trên).

79. Giới tước dương chi trước tháp Phật (như trên).

80. Giới tước dương chi xung quanh tháp (như trên).

81. Giới khạc nhổ dưới tháp (như trên).

82. Giới khạc nhổ trước tháp (như trên).

83. Giới khạc nhổ xung quanh tháp (như trên).

84. Giới ngồi duỗi chân trước tháp Phật (như trên).

85. Giới thờ Phật ở phòng dưới, mình ở phòng trên (như trên).

86. Giới nói pháp cho người ngồi mà mình đứng. Trừ có bệnh (như trên).

87. Giới nói pháp cho người nằm mà mình ngồi. Trừ có bệnh (như trên).

88. Giới nói pháp cho người ngồi mà mình không ngồi. Trừ có bệnh (như trên).

89. Giới nói pháp cho người ngồi chỗ cao mình ngồi chỗ thấp. Trừ có bệnh (như trên).

90. Giới nói pháp cho người đi trước mình đi sau. Trừ có bệnh (như trên).

91. Giới nói pháp cho người đi trên đường cao mình đi dưới đường thấp. Trừ có bệnh (như trên).

92. Giới nói pháp cho người ở giữa đường mình ở lề đường. Trừ có bệnh (như trên).

93. Giới nắm tay cùng nhau đi (như trên).

94. Giới trèo lên cây quá đầu người. Trừ khi có nhân duyên (như trên).

95. Giới bỏ bát vào đãy, buộc trên đầu gậy, quẩy trên vài mà đi (như trên).

96. Giới không nên nói pháp cho người vác gậy. Trừ có bệnh (như trên).

97. Giới không nên nói pháp cho người vác kiếm. Trừ có bệnh (như trên).

98. Giới không nên nói pháp cho người vác giáo. Trừ có bệnh (như trên).

99. Giới không nên nói pháp cho người vác dao. Trừ có bệnh (như trên).

100. Giới không nên nói pháp cho người cầm dù. Trừ có bệnh (như trên).

Tì-kheo-ni nào phạm một trăm pháp này gọi là Đột-kiết-la, cũng gọi là Ác tác. Nếu không sám hối đúng như luật định, thì theo kinh nói, người ấy sẽ bị rơi vào địa ngục Đẳng Thiệt.

Các tì-kheo-ni, nay tôi sẽ hỏi bảy pháp diệt tránh mà các cô đang thụ trì. Các cô phải lắng nghe kĩ và trả lời.

1. Giới đáng trao pháp hiện tiền tì-ni thì trao pháp hiện tiền tì-ni. Trong giới này các cô có phạm không?

Nếu có phạm hoặc không phạm trì trả lời đúng sự thật. Căn cứ theo trong giới tướng của tì-kheo có thể biết.

2. Giới đáng trao cho ức niệm tì-ni sẽ trao cho ức niệm tì-ni (như trên).

3. Giới đáng trao cho bất si tì-ni sẽ trao cho bất si tì-ni (như trên).

4. Giới đáng trao cho tự ngôn trị sẽ trao cho tự ngôn trị (như trên).

5. Giới đáng trao cho mích tội tướng sẽ trao cho mích tội tướng (như trên).

6. Giới đáng trao cho đa nhân mích tội sẽ trao cho đa nhân mích tội (như trên).

7. Giới đáng trao cho như thảo phú địa sẽ trao cho như thảo phú địa (như trên).

Các tì-kheo-ni, nếu có bốn loại tránh sự sinh khởi thì liền ứng với trong bảy pháp này nên trao cho để diệt tránh sự ấy. Nếu đáng trao cho mà không trao, không đáng trao mà trao thì tránh sự đó cũng không diệt. Đây gọi là phạm.

Trong 348 giới tướng này đều đã hỏi từng giới rồi. Còn bảy tội nghịch thuộc Đại thừa cũng giống như trong nghi thức truyền giới tì-kheo, xem xét đó cũng không khác.

Phụ thêm phần cương mục giới tướng của thức-xoa-ma-na. Nếu có chúng thức-xoa thì cũng theo như văn trên, tức niệm “Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo” rồi, hỏi các thức-xoa từng giới một.

Thầy giáo thụ vỗ thủ xích và nói:

Các thức-xoa-ma-na, nay tôi sẽ hỏi sáu pháp mà các cô đang thụ trì. Các cô phải lắng nghe kĩ và trả lời.

1. Không được phạm bất tịnh hạnh. Nếu phạm thì không phải là con gái dòng họ Thích. Nếu cùng với người nam có tâm nhiễm ô thân thể xúc chạm nhau thì gọi là giới bị khuyết, nên học giới thêm. Trong pháp này các cô có phạm không? (Nếu phạm hay không phải thì phải trả lời đúng sự thật).

2. Không được trộm cướp. Nếu phạm thì không phải con gái dòng họ Thích. Nếu trộm dưới năm tiền thì gọi là giới bị khuyết, nên học giới thêm ( như trên).

3. Không được đoạn mạng người. Nếu phạm thì không phải con gái dòng họ Thích. Nếu đoạn mạng súc sinh, những loài có thể biến đổi hình v.v.. thì gọi là giới khuyết, nên học giới thêm (như trên).

4. Không được đại vọng ngữ. Nếu phạm thì không phải là con gái dòng họ Thích. Nếu ở trong chúng cố nói tiểu vọng ngữ thì gọi là giới khuyết, nên học giới thêm (như trên).

5. Không được ăn phi thời. Nếu ăn phi thời thì gọi là giới khuyết, nên học giới thêm (như trên).

6. Không được uống rượu. Nếu uống rượu thì gọi là giới khuyết, nên học giới thêm (như trên).

Ghi chú:

Theo như trên bảy già tội thuộc Đại thừa này, hoặc có sa-di, sa-di-ni và hai chúng tại gia, giới tướng đều giống như thường, nên không nêu ra. Nhưng khi xét những chúng khác, thì chỉ đổi tên người đang thụ trì giới tướng, mà văn từ trước-sau đều giống nhau, nên không chép lại.

3.4. Khai thị khổ hạnh

Đêm trước đã xét hỏi giới và bảy già tội rồi. Sáng sớm hôm sau, thầy yết-ma và các thầy dẫn lễ, thầy thư kí đến phương trượng đỉnh lễ hòa thượng và trình sổ sách ghi nhiễm, tịnh, tội đã xét hỏi. Đợi hòa thượng xem xong, nếu không có ai phạm thì lễ tạ rồi lui ra.

Nếu người nào phạm trọng giới và bảy già tội thì gọi những người ấy đến phương trượng. Hòa thượng căn cứ theo kinh, luật của hai thừa khai đạo cho những người kia, hoặc khiến họ dốc lòng suy xét, thật ngộ vô sinh; hoặc bảo họ kết đàn sám hối, cầu thấy điềm lành; hoặc bảo họ chuyên tu tịnh độ, đới nghiệp vãng sinh.

Những tội lỗi ấy chẳng phải tác pháp yết-ma mà sám hối được, cũng chẳng phải lòng tin nông cạn, cũng chẳng phải chỉ vài lần mệt nhọc đôi chút mà có thể diệt trừ được. Ba cách sám pháp như trên, gọi là theo lời dạy mà kiểm xét tâm. Đó gọi là chân thật sám hối. Người nào chỉ khởi niệm thế tục trong chừng giây lát, không biết có khổ, không cầu giải thoát; thì giả sử một nghìn Đức Phật xuất hiện ở đời cũng khó mà sám trừ được. Hòa thượng ban cho pháp như thế rồi, chúng đỉnh lễ và lui ra.

Buổi chiều, thầy dẫn lễ bảo những người cầu giới thanh tịnh, không phạm đến tịnh đường trải tọa cụ, đánh kiền chùy, tập chúng. Vẫn dẫn chín người đến đón rước hòa thượng. Lễ nghi giống thường lệ. Hòa thượng đến pháp đường lên tòa rồi, hai thầy dẫn lễ trải tọa cụ, đỉnh lễ hòa thượng ba lễ, quì gối, chắp tay, thưa rằng:

Chúng con… hôm qua vâng lời chỉ bảo, dẫn các tì-kheo đến chỗ thầy yết-ma xét giới và hỏi già nạn. Những lời thưa trình ấy đợi đến sáng ngày mai mới trình bày lại vắn tắt. Nay kính thỉnh đại hòa thượng chọn thời hạn thiết đàn, lên tòa truyền giới; khiến họ bỏ cái lều cỏ ngoài cửa mà được kho báu trong nhà; trở thành Phật tử chân chính, làm cho giáo pháp hưng thịnh. Nay trước khi thụ giới, còn có việc gì sẽ làm, pháp gì sẽ tác, xin hòa thượng rủ lòng chỉ dạy, để chúng con tiện làm theo. Chúng con không biết gì hơn chỉ biết chí thành khẩn cầu.

Ghi chú:

Thưa xong, đỉnh lễ ba lễ, xếp hàng, đứng và bảo:

Cắm hương lên, trở về vị trí, tất cả cùng tiếng lên trên, xếp hàng, trải tọa cụ, nghe tiếng khánh, chí thành đỉnh lễ ba lễ, vén y, quì gối, chắp tay.

Hòa thượng vỗ thủ xích và nói:

Các tì-kheo, đêm qua tôi đã sai các thầy dẫn lễ, dẫn các ông đến chỗ của thầy xà-lê, xét hỏi giới, ngăn cản, tuyển chọn đạo khí. May mắn cho các ông căn bản vẹn toàn, già-nghịch không phạm; mong ngày mai có thể truyền thụ giới pháp. Nhưng đại giới Bồ-tát thụ rồi vĩnh viễn không dễ và hành trì cũng rất khó. Cho nên, hôm nay tôi làm cho các ông phát ý chí rộng lớn, lập thệ nguyện vững chắc trước.

Vì thế, kinh Phạm võng ghi: “Đã là Phật tử thì phải vận hảo tâm, trước học oai nghi, kinh, luật Đại thừa, chỉ dạy rộng rãi vị giải nghĩa, thấy Bồ-tát tân học đời sau, từ trăm dặm, nghìn dặm đến cầu kinh, luật Đại thừa, thì phải như pháp nói tất cả khổ hạnh cho họ nghe. Hoặc đốt thân, đốt cánh tay, đốt ngón tay; hoặc không đốt thân, cánh tay, ngón tay cúng dường các đức Phật chẳng phải là Bồ-tát xuất gia.”

Ở đây ý nói vì pháp đốt thân để cúng dường chư Phật. Tức là dưới có cùng một lòng bi ngưỡng với tất cả chúng sinh, trên cầu là cùng đạo tâm nguyện với Phật.

Kinh lại ghi: “Cho đến, hổ đói, sói đói, sư tử đói, tất cả ngạ quỉ, đều nên bỏ thân, thịt, tay, chân mà cung cấp cho chúng.”

Ở đây ý nói vì cứu khổ xả thân để cung cấp cho quỉ thần và súc sinh. Tức là có cùng từ lực với chư Phật Như Lai và tâm nguyện cao tột là hạ hóa chúng sinh.

Hoặc có người khuyên người khác đốt thân cúng dường Phật, nhưng vì chư Phật Như Lai có trăm nghìn tướng hảo, vạn đức trang nghiêm, nên tự nhiên người ấy thấy Phật đáng kính, đáng qui ngưỡng, và có tâm chân thật cầu pháp. Đó là việc mà người ấy có thể làm và bằng lòng làm.

Hoặc có người khuyên người khác xả thân để cứu các quỉ, súc sinh, nhưng vì quỉ, súc sinh có vô lượng xấu ác, thân hình kì lạ, vốn chẳng dám thân gần, còn sinh tâm sợ hãi. Đó là việc mà người ấy khó làm và không muốn làm.

Nếu có Bồ-tát mới học, chí thành từ xa đến cầu thụ giới pháp Đại thừa, người ấy là luật sư Đại thừa nên trước phải nói cho họ biết pháp khổ hạnh này, rồi sau mới truyền giới cho họ. Vì sao? Vì đức Như Lai xét kĩ căn cơ của chúng sinh; bởi tất cả chúng sinh từ vô thỉ kiếp đến nay, đều lấy ngã ái làm gốc, rất khó đoạn trừ. Nếu người nào muốn phát tâm bồ-đề, thực hành hạnh Bồ-tát, phải lấy đàn độ làm đầu thì những độ khác mới thành.

Cho nên, đối với người mới cầu giới Bồ-tát thì trước phải dạy họ thực hành khổ hạnh này để kiểm tra căn cơ Đại thừa, khiến họ phát chân chí Đại thừa quyết định. Bởi vì, pháp môn tâm địa thập vô tận giới, như lí mà chứng, xứng tính mà tu. Nếu người nào chấp ngã, đắm tướng, không thể tin đó là pháp, hủy diệt cảm thụ chứng thì cũng chẳng phải là chỗ gieo hạt giống. Trái lại, chỉ có người cho không có ‘ngã, không, nhân’ từ sâu, bi lớn, có thệ nguyện rộng lớn, nhẫn trí hiện tiền, mới đáng thụ trì tu chứng.

Nhưng khổ hạnh này cũng gọi là pháp hành. Vì lấy tính tịnh lí làm pháp; mà pháp thì không có ‘hữu ngã’, lìa cáu bẩn của ngã. Pháp không có chúng sinh, lìa cáu bẩn của chúng sinh. Pháp không có tham ái, lìa cáu bẩn của tham ái. Pháp không có xả thí, lìa cáu bẩn của xả thí. Nếu chấp pháp có ‘ngã, nhân, tham ái’ thì không thể xả bên trong, xả bên ngoài, xả hết. Vì người ấy biết pháp không có ‘ngã, nhân, tham ái’ thì có thể bố thí tài sản, bố thí pháp, bố thí bình đẳng. Vì thế hàng Tam hiền đặt tâm xả lên hàng đầu, Bồ-tát thập địa tu đàn độ trước hết.

Vì thế, đức Thích-ca Thế Tôn của ta ở trong vô lượng kiếp tu Bồ-tát hạnh gieo mình cho hổ ăn, xẻo thịt cho chim ưng ăn, khoét nghìn lỗ trên thân để đốt đèn, tự móc hai mắt để cứu giúp người bệnh, đến như cho bốn chi, gan, mật, đầu, lưỡi, tủy, não, quốc thành, vợ, con, voi, ngựa, bảy báu v.v.., đều dùng sức nhẫn xả thí, thành tựu bố thí ba-la-mật vô ngã, để cầu diệu đạo vô thượng, cứu độ pháp giới chúng sinh, xem ba nghìn đại thiên thế giới không có một chỗ nào nhỏ chừng bằng hạt cải, chẳng phải là nơi mà Như Lai trong thời gian tu nhân xả thân. Một Đức Phật đã như thế, các Đức Phật khác cũng đều như thế.

Tuy nói các ông mới phát tâm vào đạo, nhưng sức nhẫn chưa đủ, nhân-pháp chưa không. Người đã phát tâm bồ-đề cầu thụ giới Bồ-tát, đối với đại nguyện ấy cần phải giữ cho vững chắc; đối với khổ hạnh ấy cần phải thực hành. Mỗi người các ông đừng khiếp sợ! Nếu các ông có thể vận dụng tâm bất trụ tướng thanh tịnh xả ấy, hoặc đốt một nén hương, hoặc thắp một ngọn đèn cúng dường mười phương chư Phật. Và trong những điều mong cầu, không vì cầu phúc báo ở cõi người, cõi trời; không vì cầu tiểu quả quyền thừa; nguyện đắc vô thượng bồ-đề, cứu giúp pháp giới hữu tình. Vào đời sau, như đức Dược Vương đốt thân, Nhị Tổ chặt cánh tay. Cho đến, thực hành vô lượng vô biên khổ hạnh khó thực hành để cầu pháp lợi sinh đều từ hôm nay thụ giới Bồ-tát. Song, đốt một nén hương, thắp một ngọn đèn nhỏ là nhân rốt ráo, viên mãn bố thí ba-la-mật.

Nay các ông nghe tôi nói mà ý còn do dự, tâm sinh nghi ngờ, thoái lui, tức không phải là sư tử con thứ thiệt; cũng không phải hạng căn tính Đại thừa. Nếu như tôi không tuân theo Phật qui định, tiến hành khai đạo trước, mà vội truyền giới Đại thừa cho các ông thì chẳng những tôi chẳng phải là luật sư Đại thừa, mà còn phạm lỗi nói giới ngược với kinh, luật. Vì thế, tôi đã theo qui định nói cho các ông nghe.

Nay các ông đã nghe kĩ (vỗ thủ xích), tôi hỏi lại các ông: Mỗi người các ông có thể tin hiểu phụng hành được không?

Trả lời: Có thể y giáo phụng hành.

Hòa thượng nói: Các ông đã nói có thể làm được, vậy tôi đợi các ông thắp đèn, đốt hương, cúng Phật, phát nguyện rồi, ngày mai lên đàn, nhận lãnh giới pháp Bồ-tát.

Thầy dẫn lễ nói:

Các tì-kheo cùng đứng lên, nghe tiếng khánh, lễ tạ ba lễ, vén y, xếp tọa cụ, chia hàng, những người đứng đầu đưa hòa thượng về phòng.

Đưa hòa thượng về phòng rồi, trở lại pháp đường, lễ tạ các thầy dẫn lễ. Sau đó mọi người trở về phòng của mình nghỉ ngơi chốc lát. Thầy dẫn lễ dẫn những người cầu giới Bồ-tát cùng đến đại điện, đốt hương, thắp đèn xong; như thường lệ, đỉnh lễ chư Phật, Bồ-tát, phát mười nguyện lớn rồi lui ra. Đến trước canh một, lại bảo tất cả tập trung lên đại điện, suốt đêm cùng nhau đỉnh lễ đức hiệu của Đức Phật Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni, để cầu gia hộ, nguyện vào Phật thừa.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 4 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.227.21.70 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập