Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Pháp môn Tịnh Độ là con đường chính yếu dẫn chúng sanh thời nay thoát sanh tử, là chiếc thuyền vững chắc đưa mọi người vượt thẳng qua năm đường. Một khi lên cõi ấy, thì vĩnh viễn không còn lui sụt, được mang thân trời tự do bay đến khắp nơi, thức ăn thức uống tự nhiên hiện đến. Lại được dự vào chúng hội thanh tịnh, thường được gặp Phật, nghe pháp mà chóng vào thánh vị. Nơi đây không sợ bị loài hữu tình như cọp, sói, sư tử, muỗi mòng, chấy rận làm hại; cũng không bị bức bách bởi các cảnh vô tình như lạnh, nóng, gió, mưa. Hành giả được sanh vào hoa sen, thọ mạng vô lượng, không có các nỗi khổ sanh già bệnh chết, chỉ hưởng toàn niềm vui, nên gọi là thế giới Cực Lạc.
Vì muốn giúp chúng sanh mê muội ở thế giới này xa lìa khổ đau, nên Thích-ca Như Lai mở cánh cửa chiết phục, đức Từ phụ A-di-đà chỉ con đường nhiếp thọ. Sở dĩ các ngài hết lời dặn dò, thiết tha răn dạy, ca ngợi Tịnh Độ, khuyên mọi người vãng sanh, chính là nguyên nhân này. Cho nên rất nhiều đạo tục, hiền thánh Tây Thiên và cõi này hồi hướng phát nguyện vãng sanh, đến lúc lâm chung họ đã thấy Phật và thành tựu bản nguyện. Các truyện kí đã ghi chép đầy đủ những điều này. Nhưng hàng phàm phu thấp kém tham đắm âm thanh, sắc tướng nhiễm ô mà cam tâm chịu nổi chìm trong sanh tử, không có một ý niệm cầu thoát li. Như một người vào thôn xóm lo liệu công việc, nếu không sắp xếp trước một nơi tạm trú, khi đêm đến ắt phải lang thang ngoài đường. Tình cảnh bấy giờ thật đáng thương xót! Nhưng trong các bậc thượng thiện chán khổ cầu vui, lại có rất nhiều vị phát tâm niệm Phật mà rất ít người biết được cảnh quán tưởng. Nhân đây tôi xin thuật khái quát đôi điều, mong những người tin ưa có cửa vào đạo, ngõ hầu không luống uổng công phu khổ hạnh.
(Bước vào đạo tràng nên tưởng niệm Tam bảo, rồi thành khẩn và thống thiết phát nguyện: “Tánh thể của ta và chúng sanh trong pháp giới không hai, không khác tánh thể của chư Phật, bồ-tát. Nhưng ta và chúng sanh vẫn còn mê, chư Phật và bồ-tát đã giác ngộ. Ngày hôm nay ta vì tất cả chúng sanh trong pháp giới cầu sanh tịnh độ An Dưỡng, nên vào đạo tràng này tụng đọc kinh văn, xưng niệm danh hiệu Phật… như trong bộ Pháp hoa tam-muội hành sự vận tưởng bổ trợ nghi đã trình bày rõ).
Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật ghi: “Nếu người chí tâm cầu sanh Tây phương, trước tiên nên quán tượng Phật cao một trượng sáu đứng trên mặt hồ. Vì như trước đã nói, thân Phật vô biên, tâm lực của phàm phu không thể thấy biết”. Thế thì thân có tám vạn tướng hảo, chỉ hàng bồ-tát Thập tín mới thấy được, chẳng phải là cảnh quán của hàng phàm phu sơ tâm. Cho nên mới dạy quán thân Phật một trượng sáu. Tuy vậy, hành giả cũng không cần phải quán toàn thân ba mươi hai tướng này, mà chỉ cần quán một tướng thâm nhập. Đó là quán tướng lông trắng giữa hai chặng mày của Đức Phật tự nhiên hiện tiền. Nếu quán tướng này thành tựu, thì có thể chuyển sang quán các tướng khác trên thân mà không ngăn ngại.
Khi pháp quán này thành thục, thì mắt tâm thấy rõ giữa hai chặng mày có một sợi lông trắng như tuyết, dài một trượng[1] năm tấc, chu vi năm tấc, bên ngoài có tám góc, bên trong rỗng. Sợi lông này mềm mại xoay theo chiều phải, ngay ngắn, ánh hiện rõ ràng trên khuôn mặt Đức Phật, lại trong suốt và sáng rực rỡ không thể diễn đạt. Muốn quán tướng này, trước tiên hành giả phải thông đạt nghĩa “Vạn pháp đều từ tâm sanh, muôn vật đều do thức biến”. Kinh ghi: “Tâm bao trùm cả vũ trụ, lượng biến khắp hằng sa cõi”. Lại ghi: “Tâm như họa sĩ giỏi, vẽ đủ các thân hình, muôn vật trên thế gian, tất cả do tâm tạo”. Thế thì quốc độ Cực Lạc y báo với cây báu, đất báu, ao báu… cùng với thân hải chúng[2] A-di-đà chánh báo đủ ba mươi hai tướng… vốn đủ nơi tâm ta, do tâm ta tạo, chẳng từ tâm người khác mà có. Nếu thấu đạt được như thế, thì mới bàn đến việc “tức tâm quán Phật”, mới được nói “duy tâm Tịnh Độ, bản tánh Di-đà”. Cho nên Quán kinh ghi: “Chư Phật Như Lai là thân pháp giới. Thân này thể nhập vào tâm tưởng của tất cả chúng sanh”. Đại sư Thiên Thai Trí Giả giải thích câu này với hai nghĩa: Một là căn cứ theo nghĩa cảm ứng giao nhau, hai là căn cứ theo nghĩa giải và nhập tưng ưng. Nếu không có nghĩa thứ nhất, thì quán đây chẳng phải là quán Phật. Nếu không có nghĩa thứ hai, thì ngoài tâm có Phật. Thế thì giải và nhập tương ưng là tức tâm, cảm ứng đạo giao là quán Phật. Cho đến giải thích “tâm này làm Phật, tâm này là Phật”, từ phương diện tu quán mà nói là “tâm làm”, từ phương diện “vốn đầy đủ” mà nói “tâm là”. Những đoạn văn này ghi trong chương Tượng quán thứ tám. Theo đó có thể kết hợp nói: “Tâm này làm mặt trời, tâm này là mặt trời, tâm này làm Thế Chí, tâm này là Thế Chí. Cho đến chín phẩm, tùy theo cảnh khởi quán cũng đều như vậy. Nhưng “tức tâm quán Phật” cũng gọi là “ước tâm quán Phật”. “Ước tâm” là nói theo phương diện nương gá Phật, “tức tâm” là nói theo phương diện “vốn đầy đủ”, do “vốn đầy đủ” cho nên “tức”. Hễ nêu bất cứ một nghĩa nào, nhất định cũng bao hàm cả hai ý.
Cảnh quán này, tuy có rất nhiều người giải thích, nhưng chưa được xác đáng. Bây giờ, trước tiên tôi dẫn dụng những thuyết xưa để bình nghị, sau đó mới chính thức đưa ra ý kiến của bả tông. Pháp sư Tịnh Giác cho rằng nhiếp Phật về tâm rồi mới quán tưởng, đó là quán Phật. Như vậy, tâm tưởng Tây phương mà cảnh tại Đông thổ, cảnh và quán đã sai biệt, thì làm sao sanh Tây phương, lại cũng lạm qua pháp trực quán tâm. Pháp sư Quảng Trí cho rằng nhiếp tâm về Phật gọi là quán Phật; tôi cho đây chính là trực quán Phật, mà sao tổ sư lại gọi tâm quán là tông? Theo kiến giải của hai sư, nhất định trước phải liễu ngộ “vạn pháp duy tâm” rồi mới quán tâm; trước tiên phải thông đạt “vạn pháp duy Phật” rồi mới quán Phật. Pháp này giống như pháp thường ngồi… trực quán Tam đạo[3], cũng chính là trực quán tâm, trực quán Phật. Hai sư tranh luận mãi mà không giải quyết được, bèn đến cầu tổ sư Tứ Minh Tri Lễ. Tổ sư liền phát cả hai thuyết: “Chẳng phải nhiếp Phật về tâm, cũng chẳng phải nhiếp tâm về Phật, mà chính là “ước tâm quán Phật”. Vì sao? Vì A-di-đà và Tịnh Độ vốn đủ trong tâm ta. Nên nương vào Phật quả đủ ba mươi hai tướng ấy để huân tánh thể pháp thân vốn đủ nơi tâm ta. Nếu thành tựu quán trí thì Phật tự nhiên hiện. Cho nên Diệu tông sao ghi: ‘Nương y chánh kia mà huân tâm tánh ta, tâm tánh dễ phát’, chính là ý này”.
Hỏi: Ước tâm quán Phật chỉ là cảnh sở quán. Vậy cảnh này cũng bao hàm quán năng quán sao?
Đáp: Một chữ quán là quán năng quán, hai chữ tâm và Phật là cảnh sở quán.
Hỏi: Nếu vậy thì cảnh sở quán là vọng hay là chân?
Đáp: Tông ta luận về cảnh và quán hoàn toàn khác với các thuyết khác. Trực quán chân tâm, chân Phật đều thuộc Phật giới. Vì thế, hễ nói quán tâm, quán Phật thì đều thuộc cảnh vọng, cốt ở chỗ liễu ngộ được vọng tức chân, chứ không cần phá vọng rồi mới được chân. Các thuyết khác nói phá vọng rồi chân mới hiển. Đây là nghĩa “Duyên lí đoạn cửu”, tức là nhờ lí hiển mà phá tu ác chín cõi, hiển tu thiện cõi Phật. Đây là pháp đoạn diệt, thuộc Thiên Biệt giáo, chứ không phải diệu quán của Viên giáo.
Hỏi: Ước tâm quán Phật, Phật là người quả thì đâu được cho là vọng. Nếu là vọng, thì A-di-đà Thế Tôn là phàm phu sao?
Đáp: Hành giả sơ tâm, khi chưa quên ngoại cảnh, còn thấy có Phật khác, thì tất cả đều là vọng, cũng là các ấm nhập ngoài tâm. Thế thì biết, lỗi do ta chứ liên quan gì đến Phậ!
Hỏi: Cảnh sở quán không ngoài các pháp trong và ngoài tâm. Tâm thì thuộc bên trong, Phật thì thuộc bên ngoài. Nay nói ước tâm quán Phật, há chẳng phải quán cả bên trong lẫn bên ngoài sao? Nếu vậy thì nhất định vừa ngửa mặt quán Phật, vừa cúi đầu chiếu soi tâm, giống như chân bước đã chân qua ngạch cửa mà còn do dự. Như vậy rốt cuộc dụng tâm như thế nào đây?
Đáp: Câu hỏi này rất không thỏa đáng. Nay nêu ra chỗ sai của một thuyết này, sau đó đưa ra nghĩa đúng. Nghĩa thứ nhất, các bậc tiền bối xác định cảnh thuộc bên ngoài, quán thuộc tâm. Thuyết này có hai diểm sai: một rơi vào lỗi quán cả trong ngoài; hai, nói quán thuộc tâm thì phạm lỗi mất chân tâm. Vì hàng sơ tâm cần phải nhờ vọng tâm mà quán ứng thân A-di-đà, khi hiển Phật thể chân thật mới tránh được lỗi này. Tuy tổ sư có nói “Duy tâm quán lập”, nhưng đó chính là dùng tam quán quán cảnh do vọng tâm tạo. Nếu pháp quán này thành tựu, thì chân Phật mới hiển lộ. Cho nên biết thuyết này rất sai lầm.
Bây giờ xin nêu ra nghĩa đúng. Cần phải biết, tâm ta không bị giới hạn bởi nơi chốn, như trước đã dẫn kinh. Cho nên ngài Kinh Khê Trạm Nhiên nói: “Nói duy tâm há chỉ chân tâm thôi đâu? Nên biết tâm phiền não cũng trùm khắp. Các ông còn chư biết tâm phiền não trùm khắp, thì đâu hiểu được sắc sanh tử trùm khắp. Vì sao sắc trùm khắp? Vì sắc tức tâm”. Nếu vậy thì không cần thâu Phật về trong thân năm ấm ở Đông độ, cũng không cần ngửa mặt quán Phật, cúi đầu chiếu soi tâm. Nay xác định cảnh ngoài tâm, nhưng cảnh cũng là tâm, không cần thâu Phật về tâm. Đó mới đúng là ước tâm quán Phật. Giải thích như thế, chẳng những hiểu sâu ý Phật mà còn vượt khỏi phàm tình. Huống gì chính từ kim khẩu Phật đã dẫn dụ: “Như cầm gương soi, thì nhìn thấy được hình ảnh của mặt. Hình ảnh của mặt hiện trong gương đó vốn ở bên ngoài. Như vậy đâu thể thâu ảnh của mặt vào thân ta mới gọi là hình ảnh của ta? Đây cũng là đưa tâm hướng về Tây phương mà tạo nhân vãng sanh. Tuy tâm cùng khắp, không có nơi chốn, nhưng do mê mà bị cuộc hạn. Nay dùng diệu giải dung hòa tâm hạn cuộc này tức Phật, thành tựu Tam đế tam quán. Thế thì gương dụ cho pháp quán, hành động cầm dụ cho tu quán, thấy hình ảnh dụ cho pháp quán thành tựu, thấy được Phật bản tánh. Khi pháp quán chưa thành, hình ảnh đã ở bên ngoài, là dụ cho tâm đâu cần thâu về thân ta. Thí dụ này đã hiển nhiên, chỉ vì người không thông đạt mà thôi.
Hỏi: Ước tâm quán Phật nhất định là bên ngoài, cảnh thuộc hư vọng. Những nghĩa này đã rõ ràng, không còn gì phải nghi ngờ. Nhưng xin giải thích yếu nghĩa dùng tam quán thể hội vọng cảnh này thành tam đế vi diệu!
Đáp: Như nhất tâm, nhất ý, chuyên quán tưởng sợi lông trắng giữa hai chặng mày, không rời mảy may, thì thấy rõ ràng cảnh này đầy đủ các pháp. Vậy các tướng này từ thân ta sanh hay từ tâm hiện? Chẳng phải từ thân, cũng chẳng phải từ tâm mà được. Cũng như vậy, không từ thân ta mà được Phật tâm, cũng không từ tâm ta mà được Phật sắc. Vì sao như vậy? Vì tâm Phật là vô tâm, sắc Phật thì vô sắc, không thể dùng sắc tâm để cầu tam-ma-đề. Cảnh sở quán đã không, thì quán năng quán cũng vắng lặng. Năng sở đều bặt, không rơi vào thức tưởng. “Không” này tuy bất khả đắc, nhưng có thể tùy niệm mà thấy. Như gương soi mặt, hình ảnh của mặt hiện trong gương. Như tì-kheo quán xương trắng, thấy xương phát ra vô số ánh sáng. Ánh sáng này không do ai mang đến, và cũng thật không có xương trắng, đều do tâm tạo ra. Tất cả đều như huyễn, như hóa. Phật vốn chẳng từng đến chỗ ta, ta cũng chưa từng đến với Phật, tâm chẳng tự biết tâm, tâm chẳng tự thấy tâm. Tâm có tưởng là si, tâm vô tưởng là niết-bàn. Pháp này không thể chỉ bày, đều do niệm tưởng tạo ra. Dẫu có niệm, thì cũng là không, vô sở hữu. Ở đây, tam quán là nói theo năng quán, tam đế là nói theo sở quán. Đế và quán không hai, năng sở như nhất. Cho nên tổ sư nói: “Tam đế, tam quán, tuy ba mà chẳng phải ba, ba mà một, một mà ba, không nương không gá. Đế và quán, tên tuy khác, nhưng thể lại đồng, nên năng và sở tuy hai mà chẳng phải hai”, chính là chỗ này.
Hỏi: Trong một tâm có đủ tam quán, cả tam đế chỉ là một cảnh, chẳng trước, chẳng sau mới thành Viên đốn tam-muội. Nhưng theo lời ngài vừa nói, hình như có thứ lớp. Vậy nghĩa Nhất tâm ở đâu?
Đáp: Tuy nói thì có trước sau, nhưng khi dụng tâm thì đồng thời. Vã lại, như quán tướng lông trắng tức tâm ta, ngoài tâm không có pháp, nhưng pháp pháp bất khả đắc chính là không; các tướng ấy lại hiển hiện rõ ràng, chính là giả. Giả tức là cảnh, không tức là quán. Thông đạt rõ ràng, không bị cảnh làm ô nhiễm, tức là bặt giả. Thông đạt rõ ràng, không bị trí làm cho thanh tịnh, tức là bặt không. Chẳng nhiễm, chẳng tịnh, cảnh và quán đều mất, năng và sở đều tiêu, tức là trung đạo, thì nào có trước sau!
Nếu luận theo giả quán, thì cũng như thế. Sợi lông trắng hiện rõ ràng, như xương trắng phát ánh sáng, đó là giả. Tướng ấy bất khả đắc, chính là không. Tướng ấy không do ai mang đến, cũng không có xương trắng, chính là trung. Nếu luận theo trung quán, tức thấu đạt được sợi lông trắng này chẳng phải không, chẳng phải giả. Nếu tâm có tưởng tức là si, nếu tâm vô tưởng tức là niết-bàn, pháp này không thể chỉ bày, đều do niệm tưởng tạo ra, lìa nhị biên. Cả hai đều bặt cũng tức là cả hai đều chiếu. Vì đều chiếu cho nên không và giả rõ ràng, vì bặt và chiếu đồng thời nên không có trước sau. Thế thì, một pháp không tức tất cả pháp đều không, nên ba quán đều không. Một pháp giả tức tất cả đều giả, nên ba quán đều giả. Một pháp trung tức tất cả pháp đều trung, nên ba quán đều trung, chẳng trước, chẳng sau, bặt dứt nghĩ suy.
Hỏi: Y báo chánh báo Tịnh Độ cách đây mười vạn cõi nước, sao lại nói duy tâm Tịnh Độ, bản tánh Di-đà? Hơn nữa kinh lại nói Phật A-di-đà cách đây không xa?
Đáp: Câu này phải giải thích theo nghĩa tam đế tam quán mới hết nghi. Vì sao? Vì theo nghĩa “chẳng mất bản thể mà đông tây rõ ràng”, đâu ngại cách xa mười vạn cõi, thì đây là diệu giả; theo nghĩa “đồng nhất tánh thể mà chẳng cách mảy may”, thì đây chính là diệu không; theo nghĩa “chẳng phải một chẳng phải khác”, hai tướng đều bặt, thì đây là diệu trung. Cũng là một tức tất cả, cho nên không ngại nói cách xa; tất cả tức một, cho nên không ngại nói ở gần; chẳng phải một cũng chẳng phải tất cả, cho nên chẳng ngại nói chẳng xa chẳng gần. Lấy đây áp dụng với lấy, bỏ, chẳng lấy, chẳng bỏ hay hợp, tan, chẳng hợp, chẳng tan… cũng giống như thế. Trong sáu chương đầu của bộ Chỉ quán đã nói rõ điều này. Các khế kinh giảng rộng về diệu giải, luận thẳng vào nghĩa “các pháp vốn đủ”, đều nói đến diệu pháp tam đế. Do Lí cụ này mới có sự dụng. Vì “tức giả” nên không mất tự thể, không xa mà xa nên có việc vãng sanh cõi ấy. Lại do “tức không”, nên đồng nhất thể tánh; vì uy lực Phật, vì năng lực của tam-muội, vì trong một niệm thấy được Phật, vì tâm tại định, vì nhanh như trong khoảng búng ngón tay, nên không gần mà gần, mà thật không có việc vãng sanh cõi ấy. Hai lớp phủ định nhị biên chẳng phải sanh, chẳng phải không sanh. Sự đã tức lí chính là diệu sự, nhưng khi Đức Phật còn ở đời, căn cơ chúng sanh bén nhạy, nên nêu bất kì một việc đều đầy đủ ba việc. Cho nên kinh A-di-đà (tiểu bản), chỉ nói Phật ở xa, kinh Thập lục quán chỉ nói Phật ở gần. Gần xa đã đồng chiếu, thì nhất định dần xa cũng đồng tịch. Thế thì xa gần mà chẳng phải xa gần, sanh tức không sanh, không sanh tức sanh, chảng phải sanh chẳng phải không sanh. Người đời nay chỉ hiểu trên ngôn từ, chỉ chấp một bên, không thể thấu hiểu trọn vẹn. Cho nên luận Thập nghi ghi: “Người đời nay, hễ nghe nói sanh thì liền chấp là thật sanh, nghe chẳng sanh liền chấp thật chẳng sanh”, chính là rơi vào lỗi này. Buồn thay! Nếu không căn cứ theo ba pháp lí cụ mà bàn đến ba pháp sự dụng, thì sẽ gặp lỗi từ tâm sanh pháp, lại rước lấy lời chê “duyên lí đoạn cửu”, nào phải là pháp môn Viên đốn. Nếu không như thế, vì sao Diệu tông sao dẫn dụng ba lực trong kinh Ban-chu tam-muội để minh chứng? Ba lực là Phật lực, tam-muội lực và bản công đức lực. Hai lực đầu chẳng phải là sự dụng sao? Một lực sau chẳng phải là lí cụ sao? Nhưng chúng sanh đời nay muốn lập hạnh tu tập, cần phải phân biệt rõ cửa nhập lí và nơi khởi quán. Vì chúng sanh còn mê, chưa ngộ lí, cho nên đến chương thứ bảy là Chánh tu mới nêu mười cảnh như ấm… với mục đích là phân biệt chọn lựa cảnh sở quán. Ở đây cũng vậy, như trước đã luận, do không thấy được ý này, há chẳng phải là mê lầm sao?
Hỏi: Duy tâm trong duy tâm Tịnh Độ bản tánh Di-đà đồng dị như thế nào với duy tâm trong duy sắc duy tâm của mười môn bất nhị?
Đáp: Duy tâm Tịnh Độ là cảnh ấm sở quán, bản tánh Di-đà là pháp môn dùng để hiển thị, cũng là pháp quán năng quán. Chỉ cần nêu một thì hiển cả hai ý. Mười môn bất nhị căn cứ theo diệu sắc diệu tâm của ba đế để luận về duy tâm. Cho nên phi sắc phi tâm là “không”, mà là sắc là tâm tức giả, duy sắc duy tâm là trung. Đó là luận theo trung đạo bặt đối đãi mà gọi là diệu sắc diệu tâm, đâu thể đổ đồng với tâm và cảnh ấm sở quán của duy tâm Tịnh Độ.
Như khi đã quan sát kĩ cây kim vàng, thì sau đó chỉ cần tự nhìn là biết đúng hay không. Nếu thấy thân tướng hai vị bồ-tát đã giống với Phật A-di-đà, thì cần phải phân biệt cho rõ. Kinh ghi: “Chỉ cần nhìn đầu thì biết là Quán Thế Âm hay Đại Thế Chí. Trên đỉnh đầu bồ-tát Quán Thế Âm có nhục kế giống như hoa sen chưa nở, màu hồng, sáng bóng. Còn trên nhục kế của bồ-tát Đại Thế Chí có chiếc bình báu, ánh sáng phát ra rực rỡ. Khi niệm danh hiệu các vị bồ-tát này thì cũng nên quán tưởng các hình tướng trên. Nếu niệm hải chúng thanh tịnh thì nên quán tưởng chư thiên và hàng tam thừa vây quanh một vị Phật hai vị bồ-tát. Tướng trạng của các cảnh và quán đã nói đều giống như trên.
Nếu không siêng năng tu tập thì đâu thể gọi là Viên tu. Cho nên bất đắc dĩ, tôi thuận tay ghi lại những điều này, nhưng do tuổi già mắt kém, không kịp kiểm văn, chắc có nhiều đều sai sót. Xin người đọc lượng thứ cho.
Trước tiết Đông Chí ba ngày, mùa đông niên hiệu Chí Đại thứ ba (1310). Chú thích:
[1] Một trượng 一丈: một đơn vị đo chiều dài thời xưa của Trung Hoa. Một trường bằng mười thước, mỗi thước bằng khoảng hơn ba tấc tây.
[2] Hải chúng: chư tăng sống hòa hợp, giống như biển lớn chỉ có một vị mặn.
[3] Trực quán Tam đạo: trực quán hoặc tức bát-nhã, quán nghiệp tức giải thoát, quán khổ tức pháp thân.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.146.206.87 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.