Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
20. Tất cả đều được vãng sanh hay không.
Hỏi: Có phải tất cả mọi người cầu sanh Cực Lạc đều được vãng sanh hay không, hay là có người được vãng sanh, có người không được? Nếu tất cả chúng sanh đều được vãng sanh, vì lý do gì cõi Phật A Di Đà có ngày chung tận, Đức A Di Đà có lúc nhập niết bàn [1]. Hơn nữa, các Bồ tát Hoa Tụ và Sơn Hải Tuệ không nên phát nguyện rằng “nếu còn chúng sanh chưa được vãng sanh Cực Lạc và nếu con vãng sanh trước thì con sẽ không bao giờ thành Phật”, và cũng không nên phát nguyện rằng “tất cả chúng sanh vãng sanh rồi thì con mới vãng sanh.” Còn nếu có người không được vãng sanh, thì vì lý do gì những kẻ tạo tội ngũ nghịch thập ác phỉ báng Chánh pháp, tội nặng vô cùng mà vẫn được vãng sanh, có tội nào nặng hơn những tội này để không được vãng sanh? Hơn nữa, kinh đã nói rằng tất cả chúng sanh đều được vãng sanh, thì những kẻ không được vãng sanh ắt phải là “phi chúng sanh.” Vả lại, Đức Đại bi Thế Tôn (A Di Đà) lòng từ trùm khắp, vì nhân duyên gì lại ngăn chặn một số chúng sanh không cho vãng sanh, nếu vậy thì lòng đại bi vô hạn đó quả thật không được bình đẳng. (89)
Đáp: Có hai cách giải thích. (1) Tất cả chúng sanh đều được vãng sanh: Vì tâm đại bi của Đức Phật không có hạn lượng, sanh khởi lòng từ bình đẳng, đem sự lợi ích đến tất cả, phát nguyện rộng lớn, không phân biệt thân thù, cho nên tất cả chúng sanh không ai mà không được vãng sanh. Hỏi: Nếu vậy, làm sao trả lời cho thông những câu hỏi vừa nêu trên? Đáp: Tuy cho phép tất cả chúng sanh được vãng sanh, thế nhưng, chí nguyện chúng sanh có sự khác biệt, hoặc không tin Chánh pháp, hoặc ham thích Tiểu thừa, hoặc đam mê cõi uế, hoặc nguyện ở cõi uế để cứu độ chúng sanh, hoặc muốn nguyện về các cõi Phật khác để tu hành. Như vậy, do chúng sanh có nhiều loại tâm hành khác biệt, không thể khiến cho tất cả đều vãng sanh Cực Lạc. Tuy đều được vãng sanh, nhưng không phải tất cả đều sanh. Ví như, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tuy đều có thể thành Phật, nhưng không phải tất cả đều thành. Nếu tất cả đều thành Phật thì chúng sanh giới có hạn lượng. Ở đây cũng tương tự như vậy, ý nghĩa không mâu thuẫn với những câu hỏi vừa nêu trên. Hơn nữa, quán sát cơ duyên của một loại chúng sanh ưa thích vãng sanh Tây Phương, thì có thể hiểu rõ sự phát nguyện của Bồ tát Pháp Tạng và sự diệt độ của Phật A Di Đà. (2) Cũng có những chúng sanh bị ngăn không cho vãng sanh Tây Phương: Như kinh nói: “Những người đáng độ, nay đã độ xong.” Lại nói: “Nhân duyên hóa độ đã hết, bèn nhập Niết bàn.” Những lời kinh này căn cứ vào các chúng sanh hữu duyên, mà không luận bàn tổng quát tất cả chúng sanh. Tuy tâm Phật rộng rãi bao trùm khắp tất cả chúng sanh, nhưng sự hóa độ chỉ giới hạn vào những kẻ hữu duyên, cho nên sự vãng sanh cũng chỉ tiếp độ những người căn cơ đã đầy đủ. Đức Như Lai (A Di Đà) cũng có ngày chứng nhập Niết bàn, và như thế, Bồ tát Quán Thế Âm, ở giai vị Bổ xứ, tiếp nối hạnh nghiệp của Phật A Di Đà. Căn cứ vào đây, biết rằng không phải tất cả chúng sanh đều được vãng sanh Cực Lạc.
21. Cõi nước Thanh Thái.
Hỏi: Trong kinh nói cõi Cực Lạc không có người nữ, tại sao Kinh Cổ Âm Vương Đà La Ni nói: “Cõi Đức Phật A Di Đà tên là Thanh Thái, nơi ngự trị của đức Thánh vương là một tòa thành dài rộng mười ngàn do tuần, trong đó phần lớn nhân dân đều thuộc về giai cấp sát đế lợi. Cha của Đức Phật A Di Đà là chuyển luân vương tên Nguyệt Thượng, mẹ của ngài tên Thù Thắng Diệu Nhan, con ngài tên Nguyệt Minh, thị giả tên Vô Cấu Xưng, đệ tử trí tuệ đệ nhất tên Lãm Quang, đệ tử thần thông đệ nhất tên Đại Hóa, ma vương tên Vô Thắng, Đề Bà Đạt Đa tên Tịch Ý. Nếu như không có người nữ, tại sao Đức Phật lại có mẹ? (90)
Đáp: Có ba cách giải thích. (1) Đức Phật có thân thọ dụng và thân biến hóa. Kinh Quán Vô Lượng Thọ đề cập thân thọ dụng, còn Kinh Cổ Âm Vương Đà La Ni đề cập đến thân biến hóa. Hơn nữa, từ thân thọ dụng hóa hiện: (a) thân phần đoạn sanh tử, thị hiện thọ thai sanh, có đủ cha mẹ, (b) thân biến dịch sinh tử, thị hiện hóa thân, không có cha mẹ.
(2) Cha mẹ, thành ấp, v.v..., đều là pháp công đức. Như Kinh Duy Ma Cật nói: “Trí tuệ là mẹ của Bồ tát, phương tiện là cha của Bồ tát, v.v...” Có thể dùng công đức làm các loại tên người, giảng nói các loại pháp, như ngài Văn Thù Sư Lợi ở phía đông Giác Thành gặp đồng tử Thiện Tài, Giác Thành cũng là tên của công đức. Ở đây cũng tương tự như vậy, dùng các công đức làm tên cha mẹ, v.v... Nói tên nước Thanh Thái là hiển thị pháp giới tối thanh tịnh của Như Lai. Thể tánh thanh tịnh gọi là “thanh”, thể tướng bao la gọi là “thái”, nơi mà vạn đức y chỉ gọi là “nước.” Thành dài rộng mười ngàn do tuần là hiển thị Đại viên kính trí của Như Lai. Trí đó đầy đủ thập trí, thập lực, nhân đây mà nói thành rộng mười ngàn do tuần. “Trong đó phần lớn nhân dân đều thuộc về giai cấp sát đế lợi”, sát đế lợi tức là dòng dõi vua. Trong đại viên kính trí có những hạt giống pháp có hằng hà sa công đức, cho nên nói là “phần lớn thuộc về giai cấp sát đế lợi.” Cha tên Nguyệt Thượng, đây là Kim Cang Tam Muội, vì Nguyệt (mặt trăng) có công năng phá trừ bóng tối (vô minh), tam muội có công dụng trừ hoặc (phiền não). Chuyển luân thánh vương, nghĩa là vua chuyển luân vượt quá các vị vua nhỏ, ví cho Kim Cương Dụ Định vượt quá các tam muội khác. Thù Thắng Diệu Nhan, nghĩa là trong một thân, dung nhan là hơn hết, trong sáu Ba la mật, Bát nhã ba la mật là thù thắng nhất, là mẹ của chư Phật. Con tên là Nguyệt Minh, nghĩa là Phật ví dụ cho mặt trời, ánh sáng đệ nhất, các Bồ tát là con Phật, cho nên gọi là Nguyệt Minh (ánh sáng mặt trăng, kém hơn ánh sáng mặt trời). Thị giả tên là Vô Cấu Xưng, đây là sự hiển thị Bình đẳng tánh trí của Đức Như Lai, thường quán sát Đại viên kính trí gọi là phụng sự (thị giả), lìa xa phiền não gọi là Vô Cấu Xưng. Đệ tử trí tuệ đệ nhất tên Lãm Quang, là hiển thị Diệu quán sát trí của Đức Như Lai, quán tất cả các pháp, không pháp nào không rõ ràng, nên gọi là Lãm Quang. Đệ tử thần thông đệ nhất tên Đại Hóa, là hiển thị Thành sở tác trí của Đức Như Lai, khởi tất cả loại biến hóa của thân ngữ ý nên gọi là thần thông. Đây là chỉ cho ba trí. Ở phía sau Đại viên kính trí nên gọi là đệ, từ Đại viên kính trí sanh ra nên gọi là tử. Ma vương tên Vô Thắng, là hiển thị công đức đại bi của Đức Như Lai. Phật dùng tâm đại bi thương xót chúng sanh, thường ở trong sanh tử, cứu độ hữu tình, ma ưa thích sanh tử, cho nên gọi là ma vương. Tâm đại bi này vượt quá tâm bi của hàng Nhị thừa cho nên gọi là Vô Thắng. Đề Bà Đạt Đa tên Tịch Ý, nghĩa là phiền não náo động não loạn người tu, ví như Đề Bà Đạt Đa. Đức Như Lai quán sát tất cả phiền não đều là Niết bàn, cho nên Đề Bà Đạt Đa (phiền não) tên là Tịch. Trên đây là dùng các công đức để thiết lập tên của cha mẹ, v.v..., chứ không phải trên cõi Tịnh Độ, Đức A Di Đà thật có cha mẹ, v.v...
(3) Như trong Kinh Bi Hoa, v.v..., nói chư Phật trong các cõi tịnh uế, thị hiện thành đạo có sự khác biệt; hoặc có Bồ tát ở cõi nước đó sanh, tu Bồ tát hạnh, rồi ở cõi nước đó thành Đẳng Chánh Giác, thế giới không biến đổi, danh hiệu và kiếp cũng không có sự thay đổi; hoặc có Bồ tát ở cõi nước đó sanh, rồi ở cõi nước đó thành Đẳng Chánh Giác, thế giới tuy không biến đổi, nhưng danh hiệu và kiếp biến đổi; hoặc có Bồ tát ở cõi nước đó sanh, tu Bồ tát hạnh, rồi ở cõi nước đó thành Đẳng Chánh Giác, đang lúc thành Phật, thế giới có sự biến đổi, thù thắng hơn thế giới trước, danh hiệu và kiếp cũng đều biến đổi, như trong Kinh Quán Thế Âm Thọ Ký có nói đầy đủ; hoặc có Bồ tát ở thế giới này sanh, đến thế giới khác thành Đẳng Chánh Giác, như trong Kinh Bi Hoa có nói. Đây là do Bồ tát trong lúc tu nhân, phát nguyện không đồng, cho nên có sự khác biệt như vậy. Lại như trong các kinh có nói, hoặc có Bồ tát xuất gia từ nhỏ thành Đẳng Chánh Giác, hoặc có Bồ tát lấy vợ sanh con, rồi sau đó lìa bỏ ngũ dục, xuất gia thành Đẳng Chánh Giác. Hoặc có Bồ tát ở thế giới này sanh, ở thế giới này thành đạo; hoặc có Bồ tát ở thế giới khác sanh, ở thế giới khác thành đạo. Như Kinh Pháp Hoa nói Long Nữ ở thế giới Ta Bà, thọ thân súc sanh (rồng), sau đó qua thế giới Vô Cấu ở phương nam, xả bỏ thân nữ, biến hiện thân nam, thành Đẳng Chánh Giác. Lại như Hoa Quang Như Lai sanh từ bào thai, sau đó ở cõi Tịnh độ thành Đẳng Chánh Giác. Cho nên kinh nói: “Lúc Phật là vương tử, bỏ nước xả vinh hoa, ở nơi thân cuối cùng, xuất gia thành Chánh Giác.” Căn cứ lời kinh, Phật Hoa Quang ở thế giới kia, thọ thân thai sanh, sau đó trong cõi Tịnh độ thành Đẳng Chánh Giác. Nếu không phải thai sanh, làm gì có sự việc ngài là vương tử, bỏ nước xả vinh hoa? Hiện nay Đức Phật A Di Đà cũng vậy, ở nước Thanh Thái thọ thai sanh, sau đó ở cõi Cực Lạc thành Đẳng Chánh Giác.
22. Ngũ thông siêu thắng.
Hỏi: Các ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên đắc được ngũ thông nhưng sự thấy nghe cũng không vượt quá cõi Ta Bà, vì sao các phàm phu vãng sanh Cực Lạc dù thần thông tối thiểu cũng thấy nghe vượt quá trăm ngàn vạn ức cõi Phật. Dùng đây suy ngẫm có thể biết rằng những người vãng sanh Cực Lạc đều là bậc đại căn đại hạnh Bồ tát, chứ không phải là kẻ phàm mà có thể vãng sanh được. (91)
Đáp: Ý nghĩa này không nhất định. Không thể cho rằng các thánh nhân ở cõi uế đắc được ngũ thông thù thắng hơn những phàm phu ở cõi Tịnh độ. Ví như chúng sanh cõi Uất Đan Việt thọ mạng đúng một ngàn năm, trong khi chúng sanh cõi trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng tuy thọ mạng tám vạn kiếp nhưng lại có kẻ chết yểu. Đâu có thể cho rằng loài trời thọ mạng dài lâu, nhất định không có sự chết yểu. Cõi Tịnh độ cũng thế, chúng sanh cõi đó, tuy vẫn còn là phàm phu, nhưng vì nghiệp thọ sanh thù thắng, hoặc quả báo Tịnh độ ưu việt, nương bổn nguyện Phật, hoặc nhờ uy linh của các bậc Thánh, hoặc tư lương tốt đẹp, hoặc đắc được Diệu định Đại thừa, nương vào những nhân duyên này mà đắc được thần thông thù thắng hơn các bậc Thánh nơi cõi uế, đây cũng đâu có gì lạ? Lại như, các thân trung ấm đang tìm cõi thọ sanh, do nghiệp mà có thần thông, đôi khi vượt quá các bậc Nhị thừa. Nếu vậy, đâu có gì lạ khi các chúng sanh ở cõi Tịnh độ có thần thông vượt hơn các bậc thánh Nhị thừa ở cõi Ta bà. Cho nên kinh có nói: “Thiện căn vô lậu của các bậc Thanh văn Duyên giác không bằng thiện căn hữu lậu của các vị Bồ tát sơ phát tâm.”
23. Phần đoạn biến dịch.
Hỏi: Không biết những chúng sanh vãng sanh Cực
Lạc thọ thân phần đoạn sanh tử hay biến dịch sanh tử? (92)
Đáp: Ở cõi Cực Lạc, các vị Bồ tát Bát địa trở lên nhất luật thọ thân biến dịch sanh tử, còn Bồ tát Thất địa trở xuống cho đến Sơ địa, hoặc thọ thân biến dịch, hoặc thọ thân phần đoạn sanh tử. Còn từ các bậc Tam hiền trở xuống đến Sơ tín, đều là thọ thân phần đoạn sanh tử. Thế nhưng, tất cả đều được thọ mạng vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp, ba mươi hai tướng tốt, thân sắc vàng ròng, thân lượng vô biên, ngũ thông tự tại, vi diệu bất khả tư nghì.
24. Cực Lạc không có sự khổ.
Hỏi: Cõi Cực Lạc không có những sự khổ. Không biết trong ba khổ, tám khổ, cõi Cực Lạc không có những khổ nào? (93)
Đáp: Theo các bộ phái Tiểu thừa, như Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, v.v..., thân Phật vẫn còn đầy đủ ba khổ, trong tám khổ vẫn còn năm khổ (sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ và ngũ ấm xí thạnh khổ), chỉ có ba điều không khổ là ái biệt ly, oán tắng hội và cầu bất đắc, bởi vì thân Như Lai, mười lăm giới là hữu lậu (năm căn, năm trần và năm thức), còn ba giới kia thông cả hữu lậu và vô lậu (ý giới, pháp giới và ý thức giới). Vì là thân hữu lậu nên có năm khổ, nhưng đã đoạn tham sân si, nên không có ba khổ còn lại, bởi vì ái biệt ly khổ là phiền não ái (si), oán tắng hội khổ là phiền não sân, cầu bất đắc khổ là phiền não tham. Đức Phật tuy thương xót dòng họ Thích bị thái tử Lưu Ly tru diệt, nhưng ngài không có ái biệt ly khổ; tuy bị Đề Bà Đạt Đa làm cho chảy máu, bị con gái Bà la môn vu khống, bị đặt bẩy hầm lửa, bị bỏ thuốc độc vào cơm, bị nhiều kẻ oán địch cấu kết mưu hại, nhưng ngài không có oán tắng hội khổ; tuy đi khất thực ôm bát trống về, gặp lúc đói khát, không người bố thí, gặp những trường hợp như vậy, ngài không có cầu bất đắc khổ. Phật pháp Đại thừa cho rằng thân Phật, năm uẩn, mười hai xứ (nhập), mười tám giới đều là vô lậu. Kinh Niết Bàn nói: “Chư Phật tôn pháp làm thầy, vì pháp thường trụ, chư Phật cũng thường trụ.” Lại nói: “Xả sắc vô thường, được sắc thường trụ. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.” Kinh Duy Ma Cật nói: “Thân Phật vô lậu, các lậu đã diệt tận.” Tương tự, các kinh điển Đại thừa đều cho rằng thân Phật là vô lậu. Ba khổ, tám khổ đều là pháp hữu lậu, cho nên thân Phật không còn thọ các khổ. Từ Bồ tát thập địa trở xuống đến giai vị phàm phu, có hai cách giải thích. (1) Trong ba khổ có hành khổ, hoại khổ. Trong tám khổ có một khổ, nghĩa là ngũ ấm xí thạnh khổ. Vì các Bồ tát thập địa trở xuống vẫn còn thọ thân hữu lậu biến dịch hoặc phần đoạn. Lại nữa, sự biến hóa thay đổi là hành khổ; các sự vui hữu lậu, lúc sanh thì lạc, lúc trụ là lạc, còn lúc hoại là khổ, cho nên có hoại khổ. Những vị ấy không có sự bức bách ưu khổ của thân tâm nên không có khổ khổ. Lúc mới thọ thân, tuy gọi là sanh, nhưng không có các khổ nương vào, vả lại không có sự bức bách của bào thai, nên không có sanh khổ; thọ mạng dài lâu vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp, dù là phàm phu cũng nhập vào biến dịch sanh tử, rốt ráo thành Phật, nên không có tử khổ, sau đó xả thân (chết) ở cõi Tịnh, nguyện sanh vào cõi uế, cứu độ chúng sanh, tuy cũng là chết, nhưng không có khổ, đây là vì đem tâm ưa thích, nguyện xả báo thân, tu hạnh từ bi. Còn thân năm uẩn là do phiền não sanh ra, thể chất là hữu lậu, tức là năm ấm xí thạnh khổ. Ở cõi Tịnh độ, bốn đại an ổn, không có bệnh khổ, hình hài không suy tổn, không có lão khổ, cùng chư vị thiện tri thức tập hợp, không có oán tắng hội khổ, các duyên đều đầy đủ, không có cầu bất đắc khổ. (2) Ở cõi Cực Lạc, tám khổ cũng giống như vừa nêu trên. Còn trong ba khổ, chỉ có hành khổ, bởi vì vẫn còn thọ thân phần đoạn, biến dịch. Chúng sanh chỉ thọ sự vui sướng thanh tịnh, thường hằng không gián đoạn, rốt ráo chứng đắc sự vui tịch diệt, tuy sự vui sướng đôi lúc tạm ngừng, nhưng không lấy làm khổ, nên không có hoại khổ. Cho nên nói cõi Cực Lạc không có sự khổ là nói không có khổ khổ và hoại khổ.
Hỏi: Cõi Cực Lạc tuy không có khổ khổ, hoại khổ, v.v..., nhưng vẫn còn hành khổ, nếu vậy, tại sao gọi là Cực Lạc? (94)
Đáp: Trong ba khổ chỉ có một khổ, trong tám khổ cũng chỉ có một khổ; trong ba khổ thiếu hai khổ, trong tám khổ thiếu bảy khổ, tuy còn lại một (khổ), cũng không gọi là khổ. Kinh Niết Bàn nói: “Như sông còn lại một ít nước, cũng gọi là không có nước; như ăn một tí muối, cũng gọi là không có muối.” Lại như luận A tỳ đàm nói: “Một giọt nước biển, một hạt bụi núi Tu Di, không thể gọi là có biển, có núi.” Ở đây cũng vậy, giả sử có chút ít khổ, cũng không ngại gọi là Cực Lạc. Lại nữa, sự bức bách bất an đối với thân và tâm gọi là ưu và khổ, cõi Phật A Di Đà đều không có hai loại này nên gọi là Cực Lạc.
25. Cực Lạc độ khổ.
Hỏi: Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Phân thân của hóa Phật A Di Đà, hóa Quán Thế Âm, hóa Đại Thế Chí tập hợp tại thế giới Cực Lạc cứu độ chúng sanh đau khổ.” Cõi Cực Lạc không có sự khổ, vì sao lại nói rằng tập hợp tại cõi Cực Lạc cứu độ chúng sanh đau khổ? Nay nói cứu độ chúng sanh đau khổ là độ chúng sanh cõi Cực Lạc, hay chúng sanh cõi khác? (95)
Đáp: Thông cả hai, độ chúng sanh ưu khổ ở cõi mình và cõi khác. Hỏi: Cõi Cực Lạc đã không có chúng sanh ưu khổ, làm sao mà độ chúng sanh ưu khổ ở đó, còn các cõi khác tuy có chúng sanh ưu khổ, phải nên đến đó để độ họ, lý do gì lại tập hợp tại cõi Cực Lạc để độ chúng sanh ở các cõi xa? Đáp: Chúng sanh cõi Cực Lạc tuy không có sự khổ (thông thường), nhưng vẫn còn sự khổ của hành khổ hữu vi của hai loại sanh tử phần đoạn và biến dịch. Chư Phật tập hợp thuyết giảng diệu pháp, khiến cho chúng sanh cõi Cực Lạc mau thoát khỏi hai loại sanh tử, thành tựu pháp thân, cho nên gọi là cứu độ. Đối với chúng sanh ở cõi khác, hoặc là các ngài phân thân đến đó làm việc cứu độ, chẳng hạn, các chúng sanh ở cõi Ta Bà thành tựu Tịnh nghiệp, lúc lâm chung sẽ có hoá Phật đến rước vãng sanh Cực Lạc; hoặc các ngài tập hợp ở cõi Cực Lạc, biến hiện chư vị hóa Bồ tát, khiến họ sanh khởi tâm Đại bi, bỏ sự vui ở cõi Tịnh độ, hóa hiện đến cõi khác, hành Đại bi hạnh, giáo hóa mười phương chúng sanh hữu duyên, cho nên nói: “Tập hợp ở cõi Cực Lạc cứu độ chúng sanh ưu khổ.” Như kinh luận có nói đến trường hợp các vị Bồ tát Bát địa lúc chứng đắc chân như tịch diệt, phần lớn đều không muốn xuất định để đi cứu độ chúng sanh, chư Phật phải hiện thân đến xoa đầu, khuyến khích, khiến họ ra khỏi định, để hoàn thành công hạnh độ hóa hữu tình. Đây cũng là nghĩa vừa nêu trên. Kinh Duy Ma Cật nói: “Bồ tát ở cõi Ta Bà, tâm Đại bi đối với chúng sanh rất vững chắc.” Lại nói: “Những người như thế (tâm Đại bi kiên cố) mới có thể lìa sự vui Tịnh độ mà đến những nơi nhiều phiền não (Ta Bà) để làm Phật sự.”
26. Tám thức ba thọ.
Hỏi: Kinh A Di Đà nói: “Chúng sanh cõi Cực Lạc không bị các sự khổ, chỉ hưởng thọ pháp lạc.” Không biết trong tám thức, có mấy thức tương ứng với lạc thọ? (96)
Đáp: Trong tám thức, hai thức thứ bảy (Mạt na) và thứ tám (A lại da) luôn luôn liên tục, duyên vào cảnh giới vi tế, khó nhận biết được. Dù đọa ngục A tỳ vô cùng thống khổ, hoặc sanh vào cõi Tam thiền vô cùng hỷ lạc, thì hai thức này lúc nào cũng ở trong trạng thái xả thọ, ngay đến đạt đến quả vị Phật, tịnh thức tương ưng với đại viên kính trí, bình đẳng tính trí, hai thức này cũng vẫn tương ưng với trạng thái xả thọ. Căn cứ vào đây biết rằng ở thế giới Cực Lạc, thức thứ bảy và thức thứ tam thường ở trong trạng thái xả thọ. Sáu thức kia thì tương ưng với ba thọ hỷ, lạc và xả. Ý thức tương ưng với hai thọ hỷ lạc, năm thức còn lại tương ưng với lạc thọ. Còn xả thọ thì tương ưng với cả sáu thức. Kinh Xưng Tán Tịnh Độ nói: “Không có tất cả sự ưu khổ của thân tâm, mà chỉ có vô lượng sự hỷ lạc thanh tịnh, cho nên gọi là thế giới Cực Lạc.” Căn cứ vào đây, biết rằng trong cõi Tịnh độ, sáu thức không có sự ưu khổ, nhưng không ngại có xả thọ, bởi vì sau sự hỷ lạc, trạng thái [hỷ lạc] giảm dần đến giai đoạn “ngừng bặt”, phần lớn tương ưng với xả thọ. Hơn nữa, thể tánh của xả thọ không có sự bức bách, do thiện nghiệp chiêu cảm, cho nên chúng sanh cõi đó cũng tương ưng với xả thọ. Lại nữa, chúng sanh cõi đó sanh khởi vị đáo định và trung gian thiền của các định từ cõi Tứ thiền trở lên, làm sao không cho phép tương ưng với xả thọ. Cho nên biết rằng, cõi đó tuy gọi là Cực Lạc, nhưng cũng tương ưng với xả thọ. Nếu không, cõi đó cũng không thể tương ưng với hỷ thọ.
27. Thân không có trùng.
Hỏi: Bàn về phần đoạn sanh tử, các bộ luận như Luận Đại Trí Độ, v.v..., đều cho rằng thân của các chúng sanh phần đoạn sanh tử đều là thân chứa đựng ký sinh trùng. Kinh Đại Phẩm Bát Nhã nói: “Trong thân của các Bồ tát a bệ bạt trí không có tám vạn ký sinh trùng.” Chúng sanh cõi Cực Lạc có thân phần đoạn sanh tử ắt trong thân phải có ký sinh trùng. Nếu vậy, Kinh A Di Đà nói cõi đó không có ba đường ác thì đây là điều mâu thuẫn. Làm thế nào để giải thích? (97)
Đáp: Chúng sanh cõi Tịnh độ, tuy thọ thân phần đoạn sanh tử nhưng trong thân không có tám vạn ký sinh trùng. Luận Đại Trí Độ và Kinh Đại Phẩm Bát Nhã nói thân có ký sinh trùng là căn cứ vào cõi uế mà nói. Vả lại, ngay trong cõi uế, các vị trời cõi Sắc, tuy là phàm phu, nhưng trong thân cũng không có tám vạn ký sinh trùng, hoặc bị nạn tam tai. Vào thời cuối của kiếp hoại, trước tiên, ba nẻo ác bị diệt tận, lúc đó thọ thân cõi người còn không có tám vạn ký sinh trùng, bởi vì đã không còn ba nẻo ác, huống chi chúng sanh cõi Tịnh độ thọ sắc thân thanh tịnh vi diệu! Tuy họ thọ thân phần đoạn sanh tử nhưng trong thân không có ký sinh trùng.
28. Cách đây không xa.
Hỏi: Kinh Xưng Tán Tịnh Độ nói cõi Cực Lạc cách thế giới Ta Bà vượt quá trăm ngàn câu chi na do tha cõi Phật, nhưng trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ lại nói cõi Phật A Di Đà cách đây không xa. Lời dạy của hai kinh có sự mâu thuẫn, xin giải thích rõ ý nghĩa này. (98)
Đáp: Thế giới Cực Lạc cách cõi Ta Bà trăm ngàn câu chi na do tha cõi Phật quả đúng là xa xăm. Hiện nay nói Cực Lạc cách Ta Bà không xa là có ý nghĩa khác. Ở đây chỉ trình bày sơ lược mười điều để giải thích nghĩa này: do Phật lực nên không xa, do phương tiện nên không xa, do ứng hiện nên không xa, do tự tâm nên không xa, do thủ hộ nên không xa, do hữu duyên nên không xa, do bổn nguyện nên không xa, do đến tiếp dẫn nên không xa, do vãng sanh nên không xa, do không phóng dật nên không xa. (1) Phật lực: Kinh nói: “Do Phật lực nên thấy được cõi đó.” (2) Phương tiện: Kinh nói: “Có phương tiện khác khiến bà [Vi Đề Hy] được thấy.” (3) Ứng hiện: Kinh nói: “Phật A Di Đà đứng trên không trung.” (4) Tự tâm: Kinh nói: “Tâm đó làm Phật, tâm đó là Phật.” (5) Thủ hộ: Kinh nói: “Chư Phật, Bồ tát thường đến nơi hành giả.” (6) Hữu duyên: Kinh nói: “Chúng sanh hữu duyên đều thấy được Phật và cõi giới Cực Lạc.” (7) Bổn nguyện: Kinh nói: “Do bổn nguyện lực khiến cho hành giả tu quán tưởng thường được thấy.” (8) Đến tiếp dẫn: Kinh nói: “Cùng các Hóa Phật đến nghinh tiếp hành giả.” (9) Vãng sanh: Kinh nói: “Trong khoảng khảy ngón tay, liền được sanh về thế giới Cực Lạc.” (10) Không phóng dật: Kinh Niết Bàn, quyển thứ ba mươi, nói: “Nếu phóng dật, tuy ở gần Phật và các đệ tử cũng vẫn gọi là xa cách.” Hiện nay chỉ cần chuyên tâm niệm Phật, không làm việc phóng dật, tức là gần gũi Đức Phật, không gọi là xa cách. Do đầy đủ mười nghĩa này nên gọi là không xa.
29. Tâm đó làm Phật.
Hỏi: Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Tâm đó làm Phật, tâm đó là Phật. Tâm đó sanh ra biển chánh biến tri của chư Phật.” Thế nào tâm có thể làm Phật? (99)
Đáp: Theo Duy thức học, ngoài tâm không có pháp, vạn pháp vạn tướng đều do tự tâm biến hiện. Luận Đại Thừa Khởi Tín nói: “Tâm sanh chư pháp sanh, tâm diệt chư pháp diệt.” Kinh Duy Ma Cật nói: “Nếu tâm thanh tịnh thì cõi Phật thanh tịnh.” Lại nói: “Do tâm cấu ô nên chúng sanh cấu ô, do tâm thanh tịnh nên chúng sanh thanh tịnh.” Cho nên biết rằng vạn pháp đều do tâm biến hiện. Đang lúc dùng tâm này quán tưởng Phật A Di Đà thì Phật A Di Đà là bổn tánh tướng, tâm đang quán tưởng biến hiện ảnh tượng tướng, ảnh tượng tướng đó gọi là tướng phần, tâm quán tưởng tức là kiến phần. Hai phần này không thể tách rời tự chứng phần. Lực lượng của kiến phần có thể hiển hiện tướng phần nên gọi là “tâm đó làm Phật.” Tướng phần này tức là tâm tự chứng phần, không có thể tánh nào khác, nên gọi là “tâm đó là Phật.” Muốn quán tưởng tất cả biển công đức của Như Lai, đều phải dùng ảnh tượng biến hiện bởi tự tâm, cho nên gọi là “tâm đó sanh ra biển chánh biến tri của chư Phật.” Hoặc là do tâm tưởng tu tập các công hạnh làm nhân cho sự thành Phật, nên gọi là “tâm đó sanh ra biển chánh biến tri của chư Phật.” Kinh Hiền Hộ, phần thứ hai, nói: “Bồ tát cũng vậy. Chuyên tâm quán tưởng, thấy được chư Phật, sau khi thấy Phật bèn hỏi các ngài Phật pháp, nghe xong tâm ý hoan hỷ, liền suy tưởng rằng: ‘Hiện nay chư Phật từ đâu đến, mà thân ta cũng từ đâu đến.’ Quán tưởng chư Phật rốt ráo không từ đâu đến, mà cũng không đi về đâu. Thân ta cũng vậy, vốn không từ đâu đến, huống là có chỗ để trở về. Hành giả đó nên quán tưởng như vậy.” Hiện nay, ba cõi do tâm hiện, tâm này có Phật. Vì sao? Tùy vào tâm niệm mà thấy được tự tâm. Hiện nay, ta từ tâm thấy Phật, tâm ta làm Phật, tâm ta là Phật. Tâm ta là Như Lai. Tâm ta là thân ta. Tâm ta thấy Phật. Tâm không tự biết tâm, tâm không tự thấy tâm. Kinh Hoa Nghiêm cũng nói: “Tâm như người thợ vẽ, vẽ đủ loại ngũ ấm, trong tất cả thế gian, không pháp nào không tạo, như tâm, Phật cũng thế, các chúng sanh cũng vậy, tâm, Phật và chúng sanh, cả ba đều không khác.” Tâm ý cấu ô gọi là chúng sanh, tâm ý thanh tịnh gọi là chư Phật. Đây là ý nghĩa mà chúng ta đang đề cập đến.
30. Có thể thấy Phật đảnh hay không.
Hỏi: Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Nếu thấy được tướng bạch hào thì tám vạn bốn ngàn tướng khác sẽ hiển hiện.” Làm thế nào để thấy được tướng Vô kiến đảnh? (100)
Đáp: (1) Có người giải thích rằng: “Tướng Vô kiến đảnh này, đã gọi là vô kiến đảnh, thật ra không thể thấy được. Nói thấy tám vạn bốn ngàn tướng, nhưng thật sự đã loại trừ tướng Vô kiến đảnh, mà chỉ thấy tám vạn ba ngàn chín trăm chín mươi chín tướng khác. Vì số ít thuận số nhiều cho nên nói thấy, nhưng thật ra không thấy tướng này. Nếu không, danh và nghĩa sẽ mâu thuẫn. Ví như núi Tu Di bị thiêu rụi, chỉ còn một hạt bụi, hoặc biển lớn bị khô cạn, chỉ sót một hạt nước, thì không thể nói rằng núi biển vẫn còn tồn tại. Ở đây cũng tương tự, quán sát đầy đủ tất cả các tướng, chỉ có một tướng này không thể quán sát, nhưng không thể nói không quán sát đầy đủ tất cả các tướng.” (2) Có người giải thích rằng: “Tướng này tuy không giống các tướng khác, phần lớn không thấy, nên gọi là Vô kiến đảnh tướng. Do uy thần lực của Phật gia bị khiến cho chúng sanh, trong lúc tu quán thấy được tướng đó. Hơn nữa, thân tha thọ dụng và thân biến hóa, từ đầu đến chân đều vì chúng sanh mà hiển hiện, khiến cho họ được lợi ích. Nếu tướng Vô kiến đảnh không thể thấy được làm sao lợi ích chúng sanh, làm sao gọi là thân tha thọ dụng? Nếu chỉ một tướng này không phải tha thọ dụng, chứng tỏ tướng này là thù thắng bậc nhất, khiến cho chúng sanh tôn trọng, và vì phần lớn không thấy được, nên gọi là Vô kiến đảnh tướng. Nhưng chư Phật cũng vì chúng sanh hiển hiện tướng này cho họ thọ dụng, tôn kính, thì người tu quán tưởng tại sao lại không thấy được? Chúng ta không thể y vào mặt chữ mà chấp nghĩa. Nên biết chư Phật cho phép chúng sanh quán kiến tướng Vô kiến đảnh.
31. Được thấy chư Phật.
Hỏi: Quán thứ chín trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ vốn chỉ là quán tưởng thân tướng quang minh của Đức A Di Đà. Nếu pháp quán này thành tựu, lẽ ra chỉ thấy được thân tướng của Đức Phật A Di Đà, vì lý do gì lại có thể thấy được thân tướng của chư Phật mười phương? (101)
Đáp: Có ba nghĩa được thấy mười phương chư Phật. (1) Vì công đức của chư Phật đồng nhau, đều hóa độ bình đẳng lợi ích chúng sanh, cho nên quán tưởng thấy được một Phật, tức là thấy được mười phương chư Phật. Kinh Văn Thù Bát Nhã đề cập Nhất Hành Tam Muội nói: “Nếu có thể niệm niệm quán tưởng một Đức Phật, thì trong mỗi niệm có thể thấy được chư Phật ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai. Vì sao? Quán niệm công đức của một vị Phật vô lượng vô biên, không khác với công đức của vô lượng chư Phật.” Phật pháp bất tư nghị không có sự khác biệt, đều nương vào Diệu pháp Nhất thừa mà thành Phật, đều đầy đủ vô lượng công đức biện tài. (2) Do thấy một vị Phật nên chứng được Niệm Phật Tam Muội, trừ chướng diệt tội, vì thế có thể thấy được mười phương chư Phật. (3) Quang minh của Đức Phật A Di Đà chiếu khắp mười phương, hành giả do quang minh này mà thấy được mười phương chư Phật. Trong Kinh Bát Chu Tam Muội, Bồ tát Bạt Đà Hòa bạch Đức Phật Thích Ca Mâu Ni: “Chúng sanh đời vị lai, làm sao thấy được mười phương chư Phật.” Đức Phật dạy nên niệm Phật A Di Đà thì có thể thấy mười phương chư Phật. Do vì Đức Phật A Di Đà đặc biệt có duyên với chúng sanh cõi Ta Bà, cho nên trước tiên chuyên tâm xưng niệm Đức A Di Đà thì sẽ dễ thành tựu tam muội, trừ diệt tội chướng, quang minh chiếu khắp, sẽ thấy được mười phương chư Phật.
32. Sanh trước chư Phật.
Hỏi: Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Tu pháp quán này sẽ được vãng sanh đến trước chư Phật mười phương.” Tu pháp quán tưởng Phật A Di Đà, nguyện vãng sanh Tây Phương, lẽ ra chỉ nên nói: “vãng sanh đến trước Phật A Di Đà”, vì sao lại nói: “vãng sanh đến trước chư Phật?” (102)
Đáp: Có bốn cách giải thích. (1) Lúc tu tập pháp quán thứ chín, quán Chân thân, không những thấy Phật A Di Đà mà cũng thấy mười phương chư Phật, do đây, không những có thể vãng sanh về cõi Cực Lạc, mà còn có thể tùy nguyện vãng sanh về các cõi Phật khác, cho nên gọi là “vãng sanh đến trước chư Phật.” (2) Tuy thấy mười phương chư Phật, nhưng ý nguyện ban đầu là muốn vãng sanh Tây Phương, làm sao có thể cùng lúc vãng sanh đến trước chư Phật? Ở đây nói vãng sanh đến trước chư Phật, ý nói do pháp quán (thứ chín) thù thắng, lúc hành giả vãng sanh Tây Phương, không chỉ nhìn thấy Đức A Di Đà, mà cũng thấy được mười phương chư Phật, cho nên gọi là vãng sanh đến trước chư Phật. (3) Đức A Di Đà tuy chỉ là một thân, nhưng trong cõi Cực Lạc có vô số Hóa Phật, lúc hàng giả vừa vãng sanh về cõi ấy, các Hóa Phật hiện đến vây quanh, xoa đầu thuyết pháp, cho nên nói là “vãng sanh đến trước chư Phật.” (4) Đức Phật A Di Đà tuy hiện một thân, nhưng thân ấy là do chư Phật đồng thời biến hiện, hình tướng tuy là một, nhưng cá thể lại là nhiều, vì nhiều vị Phật có duyên với một chúng sanh, cho nên đều biến hiện đồng với Đức A Di Đà ở cùng một nơi. Ví như, có nhiều ngọn đèn ở cùng một nơi, ánh sáng của mỗi ngọn đèn tuy khác nhau, nhưng không chướng ngại nhau, ánh sáng chỉ là một. Thân Phật cũng như vậy, mỗi vị Phật biến hiện một thân, tuy giống như chỉ có một thân, nhưng thật sự là nhiều thân. Tuy vãng sanh trước một Đức Phật, vẫn gọi là vãng sanh đến trước chư Phật.
33. Tức thấy Phật tâm.
Hỏi: Kinh Pháp Hoa nói: “Giả sử khắp thế gian, đều như Xá Lợi Phất, nhất tâm cùng suy lường, cũng không biết tâm Phật.” Đây muốn nói hàng phàm phu và Nhị thừa đều không thể biết rõ tâm Phật. Lại có luận nói: “Địa độ, nhân độ, căn độ, không thể biết được tâm trí của kẻ khác.” Nếu vậy, tại sao Kinh Quán Vô Lượng Thọ lại nói: “Nếu thấy được thân Phật ắt thấy được tâm Phật. Tâm Phật tức là tâm từ bi.” Có kinh nói: “Con vượn dâng mật cho Phật cũng biết được tâm của ngài.” Lại có kinh nói: “Mục Kiền Liên dùng tha tâm thông quán sát biết rõ Phật muốn dùng A Nan làm thị giả.” Hai kinh nói khác nhau, phải giải thích thế nào cho thông? (103)
Đáp: Các học giả Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ giải thích ý nghĩa này nói: “Đức Phật có hai tâm, một là “tằng đắc tâm”, hai là “vị tằng đắc tâm.” Nếu Phật khởi vị tằng đắc tâm thì dù các ngài Xá Lợi Phất, v.v..., tận lực suy lường cũng không thể biết được, nếu Phật khởi tằng đắc tâm thì dù loài vượn cũng có thể biết được tâm Phật. Trong Kinh Giải Thâm Mật, Đức Phật tự giải thích: “Kiến phần tâm của Phật, ngay các Bồ tát Thập địa cũng không thể biết được, còn tướng phần tâm của Phật thì tất cả phàm phu đều có thể biết được.” Hiện nay nói thấy tâm Phật, tức là thấy tướng phần tâm. Kinh nói: “Tâm Phật tức là tâm từ bi”, nhưng Phật có ‘duyên lý nội chứng trí tâm’ và ‘duyên sự ngoại quán chúng sanh tâm.’ Duyên lý nội tự chứng trí tâm kiến phần tâm, chỉ có chư Phật biết lẫn nhau, các vị Bồ tát Thập địa trở xuống đều không thể suy lường. Duyên sự ngoại quán chúng sanh tâm kiến phần tâm cũng chỉ có chư Phật biết lẫn nhau, các vị Bồ tát Thập địa trở xuống cũng không thể suy lường. Duyên lý nội tự chứng trí tâm tướng phần tâm và duyên sự ngoại quán chúng sanh tâm tướng phần tâm, nếu được Đức Phật gia bị, thì ngay cả loài khỉ cũng có thể biết được tâm Phật. Phần X: Biện biệt chín phẩm
1. Chín phẩm vãng sanh.
Hỏi: Những người được vãng sanh y vào giai vị nào để phân thành chín phẩm? (104)
Đáp: Phân biệt chín phẩm sơ lược có hai cách giải thích, phân biệt chín phẩm chi tiết có nhiều cách giải thích.
A. Phân biệt sơ lược: (1) Chín phẩm này đều là Bồ tát giai vị Thập tín. Căn cứ vào công hạnh, hoặc trụ hoặc thoái, làm thiện làm ác, lên xuống không đồng, phân thành chín phẩm. Ba phẩm trên là Bồ tát thập tín bất thoái, tùy theo giai vị, công hạnh sâu cạn mà phân thành ba phẩm. Ba phẩm giữa là những hành giả thoái tâm Đại thừa, phát tâm Tiểu thừa, thoái công hạnh Đại thừa, tu công hạnh Tiểu thừa, tùy công hạnh sâu cạn mà phân thành ba phẩm. Ba phẩm dưới là những hành giả thoái tâm Đại thừa, khởi tâm sanh tử, thoái công hạnh Đại thừa, tạo tội sanh tử, tùy tội nặng nhẹ, phân thành ba phẩm. (2) Phát tâm Vô thượng Bồ đề, tu hạnh Bồ tát, công hạnh sâu cạn, phân thành ba phẩm trên. Phát tâm Thanh văn Bồ đề, tu hạnh Thanh văn, công hạnh sâu cạn, phân thành ba phẩm giữa. Không phát tâm Đại Tiểu thừa, không tu công hạnh Đại Tiểu thừa, chỉ biết phát tâm sanh tử, chỉ biết tạo tội sanh tử, tạo tội nặng nhẹ, phân thành ba phẩm dưới. Đây là phân chín phẩm sơ lược.
B. Phân biệt chi tiết: (1) Đối với ba bậc thượng phẩm, có nhiều kiến giải khác biệt. (a) Có người cho rằng vãng sanh thượng phẩm thượng sanh là các Bồ tát Tứ địa, Ngũ địa, Lục địa, vãng sanh thượng phẩm trung sanh là các Bồ tát Sơ địa, Nhị địa, Tam địa, vãng sanh thượng phẩm hạ sanh là các Bồ tát Tam hiền (Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng). (b) Có người cho rằng vãng sanh thượng phẩm thượng sanh là các Bồ tát Thập hồi hướng, vãng sanh thượng phẩm trung sanh là các Bồ tát Thập hạnh, vãng sanh thượng phẩm hạ sanh là các Bồ tát Thập trụ. (c) Có người cho rằng vãng sanh thượng phẩm thượng sanh là các Bồ tát Tam hiền (Thập hồi hướng, Thập hạnh, Thập trụ), vãng sanh thượng phẩm trung sanh là các Bồ tát Thập tín hậu tâm, vãng sanh thượng phẩm hạ sanh là các Bồ tát Thập tín sơ tâm. (d) Có người cho rằng vãng sanh thượng phẩm thượng sanh là các Bồ tát Thập hạnh, Thập hồi hướng, vãng sanh thượng phẩm trung sanh là các Bồ tát Thập trụ, vãng sanh thượng phẩm hạ sanh là các Bồ tát Thập tín. (e) Có người cho rằng vãng sanh thượng phẩm thượng sanh là các Bồ tát Thập trụ sơ tâm, vãng sanh thượng phẩm trung sanh là các Bồ tát Thập tín hậu tâm, vãng sanh thượng phẩm hạ sanh là các Bồ tát Thập tín sơ tâm. (f) Có người cho rằng vãng sanh thượng phẩm thượng sanh là các Bồ tát Thập tín và các phàm phu phát tâm Bồ đề, tu tập ba hạnh (giới định tuệ), vãng sanh hai phẩm thượng phẩm trung sanh và hạ sanh là các phàm phu phát tâm Bồ đề, tu tập pháp thiện thế gian, tùy công hạnh sâu cạn mà phân thành hai phẩm. Các nhà chú giải giải thích ba phẩm vãng sanh thượng trung hạ có sự khác biệt là vì các kinh luận có sự phán định khác nhau về giai bậc của Vô sanh pháp nhẫn. Kinh Nhân Vương Bát Nhã cho rằng chứng được Vô sanh pháp nhẫn là các Bồ tát Thất địa, Bát địa và Cửu địa. Các kinh luận khác cũng phán định khác nhau về sự chứng đắc Vô sanh pháp nhẫn, hoặc tại Sơ địa, hoặc tại nhẫn vị. Kinh Bồ Tát Bổn Nghiệp Anh Lạc cho rằng Vô sanh pháp nhẫn tại giai vị Thập trụ, Kinh Hoa Nghiêm cho rằng Vô sanh pháp nhẫn tại giai vị Thập tín, Kinh Chiêm Sát cho rằng Vô sanh pháp nhẫn tại giai vị phàm phu. Do đây các nhà chú giải, mỗi người căn cứ vào một giai vị đắc Vô sanh pháp nhẫn mà phân biệt ba phẩm có sự cao thấp khác nhau. (2) Đối với ba bậc trung phẩm: (a) Có người cho rằng vãng sanh Trung phẩm thượng sanh là các bậc Tam quả, vãng sanh Trung phẩm trung sanh là các hành giả chứng đắc Bảy phương tiện, vãng sanh Trung phẩm hạ sanh là những người đã gieo trồng thiện căn giải thoát. (b) Có người cho rằng vãng sanh trung phẩm thượng sanh là các bậc nhẫn vị, vãng sanh trung phẩm trung sanh là những người đã hoạch được thiện căn tam giải thoát [2], vãng sanh trung phẩm hạ sanh là những người đã từng trồng thiện căn giải thoát. (c) Có người cho rằng vãng sanh ba bậc trung phẩm đều là những người đã trồng thiện căn giải thoát, chỉ do trì giới sâu cạn, hoặc không trì giới, nhưng tu tập pháp thiện thế gian mà có sự phân chia ba phẩm khác biệt. (3) Đối với ba bậc hạ phẩm: chỉ do gặp nhân duyên tạo tội nặng nhẹ khác nhau, phân thành ba phẩm.
Vô sanh pháp nhẫn có sáu giai vị: (1) văn tuệ: dưới giai vị Thập tín, (2) sanh thắng giải: từ Thập tín trở lên, (3) tư tuệ: từ Thập trụ trở lên, (4) tu tuệ: từ Noãn vị trở lên, (5) chứng đắc: ở giai vị Sơ địa, (6) tương tục: ở giai vị Bát địa. Đây là ở giai vị tu nhân, đến quả vị Phật thì chứng đắc viên mãn.
2. Lục tín không thoái chuyển.
Hỏi: Các hành giả vãng sanh Cực Lạc đều được giai vị Bất thoái, tại sao Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói hành giả vãng sanh thượng phẩm trung sanh phải trải qua bảy ngày mới được bất thoái chuyển Vô thượng Bồ đề? (105)
Đáp: Trong các hành giả vãng sanh thượng phẩm trung sanh, các Bồ tát Thập tín từ giai vị ngũ tâm trở xuống đều có thể bị thoái chuyển, Bồ tát Thập tín lục tâm mới không còn bị thoái chuyển. Sau khi sanh bảy ngày mới lên được giai vị đệ lục bất thoái tâm, cho nên gọi là được tâm bất thoái nơi đạo Bồ đề. Lúc mới vãng sanh được gọi là bất thoái là căn cứ vào “ở cõi bất thoái chuyển” mà nói. Hai bộ kinh A Di Đà và Quán Vô Lượng Thọ căn cứ vào ý nghĩa khác nhau, nhưng thật sự không có mâu thuẫn.
3. Phật có đến rước người vãng sanh Trung phẩm hạ sanh hay không.
Hỏi: Vì sao các phẩm vãng sanh đều được Đức A Di Đà nương vào bổn nguyện đến nghinh tiếp mà chỉ riêng trung phẩm hạ sanh là không đề cập đến việc Đức Phật A Di Đà đến nghinh tiếp. Đây là có ý gì? (106)
Đáp: Căn cứ vào Bốn mươi tám đại nguyện: “Nếu không đến tiếp dẫn, thề không thành Chánh giác”, và hơn nữa, ba bậc hạ phẩm còn được Thánh chúng đến nghinh tiếp, có thể suy luận rằng tất cả mọi phẫm vãng sanh đều có Thánh chúng đến tiếp dẫn. Trong kinh không đề cập đến là vì nhà phiên dịch sai sót, hoặc lược bớt. Có người giải thích rằng: “Ba bậc trung phẩm, Đức Phật vì lòng đại từ bi nên đến tiếp dẫn chứ không phải do bổn nguyện, do đó hành giả vãng sanh trung phẩm hạ sanh, lúc lâm chung Đức Phật quả thật không đến rước, chứ không phải kinh văn thiếu sót, bởi vì trong Bốn mươi tám đại nguyện có nói rõ: “Nếu tôi chứng ngôi Chánh Giác, mười phương chúng sanh, phát tâm Bồ đề, tu các công đức, chí tâm phát nguyện, muốn sanh nước tôi, đến lúc lâm chung, nếu tôi không cùng đại chúng hiện đến trước người đó, tôi nguyện không thành Chánh Giác.” Trong nguyện này đã nói rõ “phát tâm Bồ đề, tu các công đức, nếu không cùng đại chúng hiện đến trước người đó, nguyện không thành Chánh Giác”, câu “phát tâm Bồ đề” này, tức là phát tâm Vô thượng đại Bồ đề. Những hành giả trong ba bậc trung phẩm này vì chưa phát tâm Vô thượng Bồ đề, mà chỉ tu các công đức, cầu nguyện vãng sanh, tuy được vãng sanh, Đức Phật không đến rước, điều này không đi ngược bổn nguyện. Do vì những người này không phát tâm Vô thượng Bồ đề, không xứng đáng với lời đại thệ nguyện của Đức Phật A Di Đà. Kinh Dược Sư nói: “Tám vị Bồ tát hướng dẫn vãng sanh Tây Phương”, đây tức là Đức Phật không đến rước. Nếu Đức Phật A Di Đà đến rước, ắt sẽ vãng sanh Tây Phương, việc gì cần đến Đức Dược Sư Lưu Ly Quang phải sai khiển tám vị Bồ tát dẫn đường chỉ lối? Cho nên biết là không có Phật đến rước. Lý do Phật không đến rước là vì người ấy tuy trước đó có tu đạo, nhưng không chuyên tâm quyết định, không phải là người chí tâm phát nguyện muốn về Cực Lạc, nên Kinh Dược Sư nói: “nhưng chưa quyết định”, nếu đã chí tâm phát nguyện, ắt không phải là người “bất định.” Vả lại, Kinh Dược Sư nói về công hạnh của hành giả, cũng chỉ là công hạnh của hành giả ba bậc trung phẩm, cho nên không thích đáng với bổn nguyện của Phật A Di Đà. Lại nữa, Kinh Bồ Tát Xử Thai nói: “Chúng sanh tu tập nghiệp Tây Phương, phần lớn đều không được vãng sanh về Cực Lạc, mà sanh về xứ Giải Mạn.” Đây không phải là người chí tâm phát nguyện, chuyên tu hành nghiệp Tây Phương. Do vì hành nghiệp không chuyên cần, phát nguyện không chí thiết, không thích đáng với bổn nguyện, cho nên Đức Phật A Di Đà không đến nghinh tiếp. Nếu Phật A Di Đà đến nghinh tiếp, tức là công hạnh Tây Phương đã thành tựu, chả lẽ Phật đến tiếp dẫn mà vẫn còn sanh về xứ Giải Mạn hay sao? Kinh Vô Lượng Thọ nói hành giả ba phẩm vãng sanh đều phát tâm Vô thượng Bồ đề, đều được Đức Phật đến nghinh tiếp. Giả như lúc thức không thấy Phật đến, trong giấc ngủ cũng được thấy Phật đến tiếp dẫn vãng sanh.
4. Diệt tội nhiều ít.
Hỏi: Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói hành giả vãng sanh hạ phẩm thượng sanh chí tâm niệm Phật, diệt trừ năm mươi ức kiếp tội ác sanh tử, hành giả vãng sanh hạ phẩm trung sanh nghe được công đức của Phật, và hành giả hạ phẩm hạ sanh xưng danh hiệu Phật đều được diệt trừ tám mươi ức kiếp tội ác sanh tử. Vì sao cùng niệm danh hiệu Phật A Di Đà, công đức không khác, mà công năng diệt tội lại có sự khác biệt? (107)
Đáp: Có hai cách giải thích. (1) Công đức niệm Phật bằng nhau, đáng lý diệt trừ tội chướng cũng phải giống nhau, nhưng vì tội chướng của những người vãng sanh ba phẩm có sự nặng nhẹ khác biệt. Người vãng sanh hạ phẩm thượng sanh tội chướng ít, chỉ có năm mươi ức kiếp tội làm chướng ngại vãng sanh, còn hai bậc dưới thì tội nhiều hơn, cho nên có tám mươi ức kiếp tội làm chướng ngại việc vãng sanh, vì tội chướng có nặng nhẹ khác nhau, cho nên kinh nói sự diệt tội nhiều ít không đồng, chứ không phải công đức niệm Phật khác nhau, mà khiến cho sự diệt tội có sự khác biệt. Ví như tráng sĩ có sức vác được một trăm ký lô, một người có kiện hàng năm mươi ký lô bảo tráng sĩ vác đi, không phải tráng sĩ không có sức vác nhiều hơn, nhưng kiện hàng chỉ nặng có năm mươi ký. Ý nghĩa ở đây cũng vậy, người hạ phẩm thượng sanh chỉ có năm mươi ức kiếp tội chướng, Đức Phật tùy theo tội chướng của họ mà nói diệt năm mươi ức kiếp tội chướng. Người hạ phẩm trung sanh tội nặng hơn người trước ba mươi ức kiếp, Đức Phật cũng tùy theo tội của họ mà nói diệt tám mươi ức kiếp tội chướng. Còn người hạ phẩm hạ sanh tội chướng quá nặng, cho nên Đức Phật dạy họ niệm đầy đủ mười danh hiệu Phật A Di Đà, mỗi niệm diệt trừ tám mươi ức kiếp tội chướng sanh tử. Nói ba bậc diệt tội khác nhau, không có nghĩa là công đức niệm Phật có sự khác biệt. (2) Niệm danh hiệu Phật tuy không khác nhau, do tâm niệm Phật có sự thành khẩn khác biệt, khiến cho sự diệt tội cũng có sự nhiều ít khác biệt. Người hạ phẩm thượng sanh, tội tương đối nhẹ, lâm chung không có ác tướng, không có tâm quá sợ hãi, tuy chí thành niệm Phật, nhưng chỉ có thể trừ diệt năm mươi ức kiếp tội chướng sanh tử. Người hạ phẩm trung sanh, lúc lâm chung, lửa dữ địa ngục nhất thời hiện đến, người đó hoảng sợ, niệm Phật chí thành, do vì tâm ý tha thiết, cho nên diệt trừ được tám mươi ức kiếp tội chướng sanh tử. Hỏi: Nếu vậy, người hạ phẩm hạ sanh, sự sợ hãi lớn nhất, khi niệm Phật phải được diệt tội nhiều kiếp hơn, tại sao sự diệt tội cũng giống người hạ phẩm trung sanh, chỉ có tám mươi ức kiếp? Đáp: Người hạ phẩm hạ sanh, lúc lâm chung, khí lực kiệt quệ, tận lực chí thành, cũng chỉ đến mức đó. Tâm lực có giới hạn, lẽ nào diệt được nhiều tội? Vả lại, người hạ phẩm hạ sanh, tội chướng nặng nề, Đức Phật dạy niệm đủ mười danh hiệu, mới được vãng sanh về cõi Phật thanh tịnh. Ví như kiếm thần có thể chặt đứt cây lớn. Nếu dùng sức mạnh, kiếm sẽ chém sâu, nếu dùng sức không mạnh, kiếm sẽ chém cạn, không phải tại kiếm bén hay lụt, mà tại sức người mạnh yếu khác nhau. Ở đây cũng tương tự, công đức của Phật như nhau, nhưng vì tâm thành khẩn của hành giả có sự khác biệt, cho nên sự diệt tội cũng có khác nhau nhiều ít.
5. Nghe kinh niệm danh hiệu Phật.
Hỏi: Vì sao nghe đề kinh của Mười hai bộ kinh chỉ diệt trừ được ngàn kiếp tội ác sanh tử, còn niệm Phật một câu lại diệt trừ năm mươi ức kiếp tội ác sanh tử? Kinh Bát Nhã nói: “Nghe kinh mà không phỉ báng, công đức vượt hơn cúng dường tám trăm bốn ngàn vạn ức na do tha Đức Phật.” (108)
Đáp: Kinh Bát Nhã nói cúng dường Phật là vào thời thạnh pháp, nhưng nếu dùng tâm trước tướng [3] mà cúng dường, công đức vẫn là ít, còn nói nghe kinh là vào thời mạt pháp, nhưng nếu dùng tâm vô tướng mà thọ trì, thì lại được nhiều công đức. Hiện nay nói “nghe kinh, niệm Phật trong thời mạt pháp”, đây đều là trước tướng tu hành. Thế nhưng, có nhân duyên quá khứ với Đức Phật A Di Đà được chín muồi, trong thời ác trược có thể niệm Phật, sanh lòng tin tưởng, đây là điều cực kỳ hiếm có. Vả lại, chư Phật có năng lực hoằng dương kinh điển, do đó công đức niệm Phật có công năng diệt tội nhiều hơn công đức nghe kinh!
6. Đầy đủ mười niệm.
Hỏi: Hành giả vãng sanh hạ phẩm hạ sanh tuy tội nặng hơn người vãng sanh hạ phẩm trung sanh ở phần ngũ nghịch báng pháp, không rõ nguyên nhân gì mà hành giả vãng sanh hạ phẩm trung sanh chỉ nghe công đức của Phật liền được vãng sanh, còn hành giả vãng sanh hạ phẩm hạ sanh phải niệm đầy đủ mười niệm A Di Đà Phật mới được vãng sanh? (109)
Đáp: Có hai cách giải thích. (1) Nếu theo sự tính toán thông thường, tạo tội ngũ nghịch lẽ ra chỉ thọ sáu kiếp tội nghiệp sanh tử, thế nhưng, người phạm tội này bị thọ chín lần tám mươi ức [4] (9 x 8.000.000.000) kiếp tội chướng sanh tử là vì khi người này tạo tội ngũ nghịch đã trưởng dưỡng những tội chướng khác, khiến cho chúng tăng trưởng thế lực, có thể chiêu cảm quả báo chín lần tám mươi ức kiếp tội chướng sanh tử. Ví như một niệm sân hiện tiền có thể thiêu rụi tất cả pháp lành, chướng ngại trăm ngàn pháp môn. Ở đây cũng tương tự như vậy, tạo tội ngũ nghịch có thể khiến cho những nghiệp ác quá khứ tăng trưởng thế lực, có thể chướng ngại việc vãng sanh Tịnh độ. (2) Tội ngũ nghịch này chỉ chiêu cảm quả báo năm kiếp thọ khổ, nhưng tội hủy báng Chánh pháp, theo như kinh nói, sẽ thọ khổ dài lâu vô lượng a tăng kỳ kiếp. Kinh Đại Phẩm Bát Nhã và Kinh Phật Tạng nói: “Người hủy báng Chánh pháp bị đọa vào địa ngục A tỳ. Ở cõi này đến kiếp hoại, người tội sẽ sanh về địa ngục A tỳ ở cõi khác, như vậy lần lượt trải qua vô số kiếp.” Cho nên cần phải niệm đủ mười danh hiệu Phật, (mỗi niệm) diệt trừ tám mươi ức kiếp trọng tội sanh tử, mới được vãng sanh Tịnh độ.
7. Bảy sự thù thắng của Niệm Phật.
Hỏi: Có nhiều pháp môn tu tập vãng sanh, vì sao lúc lâm chung chỉ dạy pháp niệm Phật mà không dạy các pháp môn vãng sanh khác. Điều này có ý gì? (110)
Đáp: Có bảy lý do thù thắng để dạy chúng sanh lúc lâm chung niệm Phật mà không dạy pháp môn khác: tối thắng, đơn giản, dễ dàng, diệt tội, nhân duyên, nghinh tiếp, vãng sanh. (1) Tối thắng: tất cả phàm thánh, hoặc người hoặc pháp, không ai vượt quá Đức Phật là bậc tối tôn tối thắng, đoạn tận hai chướng (phiền não chướng, sở tri chướng), vạn đức tròn đầy, tự giác giác tha, giác hạnh viên mãn, thương xót chúng sanh quá hơn con một, là nơi đại quy y, là bến là bờ, là nơi cứu vớt, độ thoát của tất cả hữu tình, cho nên cần phải chí thành xưng niệm danh hiệu của ngài. (2) Đơn giản: trong tất cả pháp tu thiện, chỉ có niệm danh hiệu Phật là đơn giản, tất cả các pháp môn khác đều rườm rà phiền toái, vả lại lúc lâm chung, chỉ cần niệm danh hiệu Phật, cần gì phải tu pháp môn khác. (3) Dễ dàng: trong tất cả các pháp môn tu hành, chỉ có niệm Phật là dễ tu nhất. Trong lúc lâm chung, trăm khổ vây quanh, khí lực suy nhược, mọi sự đều phải xả bỏ, khuyên tu niệm Phật còn e không thành tựu. Những pháp môn khác, tu tập khó khăn, thành thử chọn pháp môn giản dị này dạy cho họ tu tập. (4) Diệt tội: Pháp môn niệm Phật, công ít dễ tu, một niệm chí thành, có thể diệt trừ tám mươi ức kiếp sanh tử tội nặng, vĩnh viễn xả ly ba đường ác của cõi Ta Bà. (5) Nhân duyên: Đức Phật A Di Đà từ vô lượng kiếp đến nay đã gieo duyên thâm thiết với chúng sanh, những ai đã từng cúng dường, thấy nghe, tùy hỷ, hoặc cùng ngài tu tập, nếu như nhất tâm xưng niệm danh hiệu ngài, ắt ngài sẽ nghe thấy mà đến cứu độ ra khỏi cảnh trầm luân sanh tử. (6) Nghinh tiếp: Do công đức niệm Phật, tội cấu được trừ diệt, Phật A Di Đà và chư thánh chúng tự thân đến tiếp dẫn, nếu tu các pháp môn khác thì không được như vậy, cho nên hành giả cần phải niệm Phật. (7) Vãng sanh: Như bổn nguyện của Phật A Di Đà nói: “Niệm danh hiệu A Di Đà nhẫn đến mười niệm, nếu không vãng sanh, thệ không thành Chánh Giác.” Do bảy lý do thù thắng này, cho nên khuyên tất cả chúng sanh lúc lâm chung nên niệm Phật.
8. Vô thượng công đức.
Hỏi: Niệm danh hiệu Phật A Di Đà một câu, mười câu đều được vãng sanh, đây là chỉ nương vào niệm Phật mà vãng sanh, hay còn nương vào pháp môn khác mà được vãng sanh. Tôi chưa hiểu về pháp niệm này. Tuy kinh nói một niệm mười niệm đều đầy đủ công đức vô thượng, nhưng một niệm A Di Đà làm sao liền có thể trở thành công đức vô thượng? (111)
Đáp: Công đức đâu cần phải tu tập lâu dài hoặc tu tập thật nhiều mới trở thành vô lượng. Có trường hợp tu tập thật lâu, thật nhiều, nhưng vẫn được rất ít phước đức, có trường hợp tu tập ngắn ngủi, ít ỏi, nhưng lại được nhiều phước đức. Nghĩa này là thế nào? Như Kinh Kim Cang Bát Nhã nói: “Nếu có người, trong mỗi ngày, sáng, trưa, tối, đều đem số thân mạng như hằng hà sa bố thí, như vậy trải qua vô lượng trăm ngàn vạn ức kiếp đem thân bố thí. Lại có người nghe được kinh này, khởi lòng tin tưởng tùy thuận, phước đức của người nghe kinh nhiều hơn người bố thí thân mạng.” “Vô lượng trăm ngàn vạn ức kiếp” là tu tập thời gian lâu dài, “xả bỏ số thân mạng như hằng hà sa” là tu tập rất nhiều, và mỗi khi “xả bỏ thân mạng” là chịu khổ rất nhiều. Tuy có ba sự nhiều như vậy, nhưng tích tập phước đức lại không nhiều. “Lại có một người”, đây là số thân ít. “Nghe kinh điển này”, đây là thời gian ngắn. “Tin tưởng tùy thuận”, đây là công hạnh ít. Nhưng lại được công đức nhiều hơn người cúng dường thân mạng. Điều này là do Đức Phật nói ra, không phải tâm phàm phu có thể đo lường, lẽ nào không tin? Hiện nay, một niệm Niệm Phật đầy đủ vô thượng công đức, điều này cũng chính do Đại Sư (Phật) tự nói ra, tại sao lại hoài nghi? Lại nữa, một niệm Niệm Phật vượt quá trăm ngàn vạn ức kiếp tu tập (các pháp môn khác) do đó công đức rất nhiều. Như Kinh Pháp Hoa nói: “Nếu có người thọ trì danh hiệu của sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ tát, lại trọn đời cúng dường thức ăn, quần áo, tọa cụ, thuốc men, v.v..., theo ý ông thế nào, người thiện nam thiện nữ đó có nhiều công đức không? Bồ tát Vô Tận Ý nói: ‘Bạch đức Thế Tôn, rất nhiều.’ Phật nói: ‘Lại nếu có người thọ trì danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm, nhẫn đến một lần lễ bái cúng dường, phước của hai người đó bằng nhau không khác.’” Một người thọ trì danh hiệu của sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ tát, lại cúng dường thức ăn, quần áo, tọa cụ, thuốc men, v.v…, tính theo thời gian đã trải qua trăm ngàn vạn ức kiếp, còn một người chỉ tạm thời xưng niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm, lại chỉ cúng dường một lần, vậy mà công đức lâu dài của người trước cũng chỉ bằng công đức trong khoảng thời gian ngắn của người thứ hai. Kinh Thập Luân nói: “Nếu có người trong trăm đại kiếp chí tâm niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm, v.v..., không bằng trong khoảng bữa ăn niệm danh hiệu Bồ tát Địa Tạng.” Nếu trong trăm đại kiếp niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm, so sánh với phần trên, tức là công đức này vượt hơn niệm danh hiệu và cúng dường trăm ngàn vạn ức bất khả thuyết hằng hà sa Bồ tát khác. Công đức nhiều kiếp niệm danh hiệu Bồ tát Địa Tạng, không bằng chí tâm niệm một danh hiệu Đức Phật A Di Đà công đức vô lượng vô biên. Như vậy, đem Phật A Di Đà so với Bồ tát Địa Tạng, đem Bồ tát Địa Tạng so với Bồ tát Quán Thế Âm, đem Bồ tát Quán Thế Âm so với sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ tát khác, tức có thể biết rằng công đức niệm một danh hiệu Phật A Di Đà vượt quá niệm danh hiệu và cúng dường vô lượng a tăng kỳ hằng hà sa các Bồ tát khác. Công đức của một niệm Niệm Phật vượt quá công đức của Bồ tát tu đạo trải qua một a tăng kỳ kiếp, hai a tăng kỳ kiếp. Làm sao lại có thể cho rằng công đức niệm Phật ít? Hành giả nên dùng sự so sánh vừa nêu trên để biết công đức niệm Phật là vô lượng vô biên.
9. Một niệm được sanh.
Hỏi: Sự so sánh vừa nêu trên hiển rõ công đức vô lượng, thật đáng ngưỡng mộ niệm Phật ắt được vãng sanh, nhưng Kinh Pháp Hoa lại nói: “Nếu dùng tâm tán loạn, đi vào trong tháp miếu, niệm câu Nam Mô Phật, đều đã thành Phật đạo.” Nếu một câu niệm Phật liền được vãng sanh Tây Phương, và cũng một câu niệm Phật được thành Phật đạo, đã thành Phật đạo thì mười phương giới không còn phàm phu, bởi vì tất cả chúng sanh có thể niệm Phật đều đã thành Phật. Nếu xưng một danh hiệu Phật chưa thể thành Phật, mà chỉ là nhân duyên xa để thành Phật, hành giả cần phải trải qua ba a tăng kỳ kiếp, dần dần tích tụ công đức, đầy đủ tâm đại bi, tròn đầy tất cả công hạnh mới được thành Phật, thì mười niệm lúc lâm chung làm sao có thể bảo đảm vãng sanh, ắt cũng phải dần dần tu tập, đầy đủ các Ba la mật, mới có thể được vãng sanh Tịnh độ. (112)
Đáp: Ở đây không thể so sánh được. Phật quả không có chín phẩm sai biệt, mà cần phải vạn đức tròn đầy, trải qua thời gian lâu dài, nhiều đời nhiều kiếp mới có thể thành tựu quả vị Chánh Giác. Kinh Pháp Hoa vì muốn giáo hóa hàng Thanh văn nên mới nêu lên những lời dạy như vậy, tức là chỉ cần có thể phát tâm Vô thượng Bồ đề, nhẫn đến dùng tâm tán loạn niệm Phật, tất cả đều là hạt giống cho sự thành Phật. Sau đó nếu có thể rộng tu sáu Ba la mật, thì mới có thể thành bậc Đẳng Chánh Giác. Hàng Thanh văn dù có tu nhiều, cũng không thể chứng đắc Vô thượng Bồ đề, vì hạnh Thanh văn không phải là nhân cho sự thành tựu quả Phật. Kinh Pháp Hoa vì muốn đưa hai thừa Thanh văn, Duyên Giác về Nhất thừa, cho nên mới dạy như vậy, không thể so sánh với Kinh Quán Vô Lượng Thọ bàn về sự vãng sanh. Hành giả niệm một danh hiệu, hoặc mười danh hiệu Phật A Di Đà, tuy được vãng sanh Tịnh độ, nhưng vẫn là chúng sanh phàm phu. Vãng sanh chín phẩm khác nhau là do công hạnh tu tập khác nhau, những vẫn thuộc vào giai vị phàm phu. Như vậy, đâu có ngại gì một niệm liền được vãng sanh Tịnh độ. Nếu không có chín phẩm khác nhau, tu nhân chỉ cần một loại, tức là cần phải tu tập đầy đủ vạn hạnh, mới có thể thành Phật, cho nên hai kinh không thể so sánh với nhau được. Chú thích:
[1] Xem Kinh Quán Thế Âm Thọ Ký.
[2] Tam giải thoát: không, vô tướng, vô nguyện.
[3] Trước tướng: chấp vào hình tướng bề ngoài.
[4] Ức: theo cách đến của người Hoa, có hai loại: một trăm ngàn, hoặc một trăm triệu. Ở đây dùng cách đếm thứ hai.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.133.153.15 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.