Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn,
ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần,
ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận.
Kinh Pháp cú
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó.
Kinh Pháp cú
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
CHƯƠNG 9 – PHÁP KHÍ
Đời thượng cổ có cảm hóa mà không có giáo huấn. Nhưng vì cảm hóa không đủ nên phải tạo ra lễ nhạc. Ca bằng kích nhưỡng không bằng tấu khúc cửu thành; dùng chén oa tôn không bằng sử dụng ngũ tề. Văn hoa phát sinh từ thực chất, nên cái quý giá là bản chất vậy. Bậc thánh nhân của ta người Thiên Trúc, ban đầu dạy dỗ giáo hóa chúng sinh cho rằng mọi người đều có diệu giác, không ai phàm, ai thánh; muôn vật đều thuần chân, há có cái gì dơ, cái gì sạch. Không cần nhờ đến sự tu chứng, chẳng liên quan gì đến việc dụng công. Nhưng mà những kẻ mê muội, lù mù ngớ ngẩn như mù lòa, điếc lác. Bởi thế, đức Thế Tôn tùy theo căn cơ mà thiết lập giáo pháp, đánh kiền chùy, họp tăng chúng, tuyên thuyết ba tạng Thánh giáo, tu tập theo pháp môn thiền định. Trải qua 49 năm thì hoá nghi xong. Thế rồi, các bậc cổ đức dùng các thứ như ngói, gỗ, đồng, sắt có thể phát ra âm thanh chế tạo thành chuông, khánh, nạo bạt, cái dùi (chùy), bản, loa, bối mà tiếng Phạn gọi là Kiền chùy để sử dụng. Và thiền lâm từ xưa đến nay mô phỏng theo đó mà chế tạo ra các pháp khí dùng để đánh thức những kẻ hôn trầm, lười biếng, khiến họ nghiêm túc tuân theo quy củ mà giải trừ sự trì trệ trở thành người lanh lợi sáng suốt. Nếu bàn về đại định thì thường vắng lặng có công dụng lớn lao: nghe mà chẳng phải nghe, biết mà cũng như không biết; nhờ có khua động kích thích mà ngọn gió mầu nhiệm thổi tung; không suy nghĩ, không hành động mà hóa nhựt trường cửu; thênh thang thay cảnh giới nhân ái trường thọ; ung dung thay xứ sở an ổn thái bình!
CÁC LOẠI CHUÔNG – ĐẠI HỒNG CHUNG
Hiệu lệnh của Tùng lâm nhờ vào các loại chuông này. Đánh vào buổi sáng là để phá tan đêm dài, đánh thức sự ngủ nghỉ, còn đánh vào buổi chiều là để thức tỉnh hôn mê, giải tỏa u ám. Kéo chày dộng chuông phải chậm rãi khiến cho tiếng vang được kéo dài. Thông thường mỗi lần đánh là ba hồi, mỗi hồi ba mươi sáu tiếng, tổng cộng là 108 tiếng. Khi khởi đầu và lúc kết thúc phải nhịp ba tiếng, hơi nhanh một chút, và người đánh chuông tưởng niệm bài kệ:
“Nguyện tiếng chuông này siêu pháp giới,
Thiết vi tăm tối thảy đều nghe.
Sức nghe thanh tịnh chứng viên thông,
Hết thảy chúng sinh thành Chánh giác”.
Đồng thời niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, vừa đánh, vừa niệm lợi ích rất lớn.
Nếu gặp ngày Thánh tiết, tụng Kinh, ra vào chánh điện, nhằm dịp tụng niệm các ngày mồng tám, mười tám, hăm tám, các ngày lễ Phật đản sinh, thành đạo, Niết-bàn, hay lúc thiết lập pháp hội Lăng nghiêm, lúc cơm cháo quá đường, nhập định đều đánh 108 tiếng. Còn khi đánh để đưa đón các quan viên, Trụ trì, tôn túc thì không hạn chế 108 tiếng mà có thể tùy nghi nhiều hay ít. Việc này do Khố ty chủ trì.
CHUÔNG TREO Ở TĂNG ĐƯỜNG
Chuông này dùng để đánh khi tập họp Tăng chúng. Mỗi khi Trụ trì đến thăm đại chúng hay vào tăng đường thì đánh bảy tiếng. Còn khi kết thúc các bữa cơm cháo Tăng chúng rời khổi trai đường, lúc phóng tham, các ngày mồng một, ngày rằm, lúc tuần đường, uống trà, rời khổi thiền sàng thì đánh ba tiếng (nhưng nếu Trụ trì không đến tham dự hay vắng mặt thì không đánh). Khi Tăng chúng niệm tụng tại Tăng đường thì mỗi tiếng niệm Phật đánh nhẹ một tiếng và cuối cùng đánh “double” (xấp đôi) một tiếng. Việc này do Đường ty chủ trì.
CHUÔNG ĐỂ Ở CHÁNH ĐIỆN
Vào các buổi sáng và tối, khi Trụ trì vào thắp hương, đánh bảy tiếng chuông này. Thông thường khi tập hộp tăng chúng lên chánh điện thì đánh chuông này nối tiếp với chuông ở tăng đường, và do Duy-na điều khiển.
Truyện Cảm thông kể rằng: “Đức Phật Câu-lưu-tôn khi ở viện Càn Trúc Tu-đa-la có chế tạo một cái chuông bằng đá xanh. Vào lúc mặt trời xuất hiện có các vị Hóa Phật cùng xuất hiện một lần với mặt trời, đã bí mật tuyên thuyết hiển giáo, và được xếp thành mười hai thể loại Kinh điển. Những người được nghe giáo pháp này chứng đắc Thánh quả không thể kể xiết”.
Kinh Tăng nhất A-hàm cũng nói: “Khi đánh chuông, tất cả mọi nỗi khổ trong đường ác đều được ngừng lại”.
Còn sách Kim lăng chí viết: “Thuở ấy, có một người dân bị chết đột ngột, xuống cõi âm ty, thấy một người bị gông cùm bằng năm thanh gỗ nói với ông: ‘Ta là tiên chúa của Nam Đường, vì ta giết nhầm quân Tống Tề và quân đầu hàng của một châu mà đến nỗi này. Mỗi lần được nghe tiếng chuông thì sự đau khổ của ta tạm thời chấm dứt. Nhờ ngươi khi trở về dương thế nói với tự quân (vua kế ngôi) đúc đại Hồng chung mà đánh để giúp ta bớt khổ’. Tên dân ấy khi được sống lại, trở về dương thế, thuật lại đầy đủ với Hậu chúa. Nhân đó, Hậu chúa cho đúc đại Hồng chung treo tại chùa Thanh Lương, trên chuông khắc hàng chữ “Kính dâng liệt tổ khảo cao hoàng đế thoát cảnh u đồ, lìa nơi ách nạn”.
BẢN
Bản lớn dùng để đánh vào hai bữa cơm và cháo. Sau khi đánh ba tiếng mõ thì tiếp đánh ba hồi bản dài, gọi là trường bản. Lúc tụng kinh Lăng nghiêm hay cảnh giác về việc củi lửa thì đánh ba tiếng, còn khi báo canh thì tùy theo canh giờ tuần tự mà đánh. Tại phòng phương trượng, Khố ty, liêu Thủ tọa và các liêu của đại chúng đều có loại bản nhỏ. Bản này, khi khai tĩnh (đánh thức chúng) thì đánh một hồi dài, khi thông báo cho đại chúng thì đánh ba tiếng. Các liêu của tăng chúng đều có hai loại bản, bản để trong liêu và bản đặt ngoài liêu. Bản đặt ngoài liêu, hằng ngày khi đại chúng vấn an nhau, đánh ba tiếng; khi đại chúng vào Thiền đường, ngồi thiền, tham vấn đều tuần tự đánh ba tiếng; còn lúc đãi trà nước thì đánh một hồi dài. Bản để trong liêu dùng khi quải đáp, lúc đại chúng trở về liêu phòng, đánh ba tiếng; lúc đem ly tách ra để uống trà nước đánh hai tiếng; lúc thu dọn ly tách đánh một tiếng; lúc kết thúc tiệc trà nước đánh ba tiếng; còn khi đãi nước đơn sơ thì đánh một hồi dài.
MÕ
Loại mõ này dùng vào các dịp: hai bữa cơm cháo, đánh hai hồi dài; đợi khi tập họp tăng chúng để lao động tập thể, đánh một hồi dài; khi triệu tập các hành giả (người làm các tạp sự), đánh hai hồi.
Có truyền thuyết cho rằng loài cá đêm ngày thường tỉnh thức, cho nên khắc hình cá vào cây chày gỗ để đánh thì sẽ cảnh tỉnh được sự hôn trầm và lười biếng.
KIỀN CHUỲ
Loại Kiền chùy này được sử dụng vào các dịp: Hai thời cơm cháo; lúc mở nắp bát tại tăng đường; lúc dọn thức ăn, mời ăn, niệm Phật, lúc bạch chúng bố thí phẩm vật, đều do Duy-na đánh; còn khi rời khổi trai đường thì do Thị giả đánh. Và khi Tri sự nghỉ việc hay nhậm chức cũng sử dụng Kiền chùy này. Hoặc lúc Trụ trì nhậm chức, lên tòa thuyết pháp, thì các vị Thượng thủ của các chùa bạn đánh, và được gọi là bạch chùy.
Một hôm, đức Thế Tôn lên pháp tòa, đại chúng vân tập đâu đó ổn định, Bồ-tát Văn Thù bạch chùy rằng: “Hãy quán chiếu cẩn thận pháp yếu của đấng Pháp vương. Pháp yếu của đấng Pháp vương là như vậy (chân thật)”. Thế rồi, đức Thế Tôn liền bước xuống pháp tòa.
KHÁNH
Khánh lớn do Trực điện đánh khi Trụ trì, Tri sự thắp hương vào hai buổi sớm, tối tại chánh điện, còn khi làm lễ xướng y thì do Duy-na đánh. Lúc hành giả cạo tóc xuất gia thì vị xà-lê đọc bằng tiếng Phạn đánh. Còn chiếc khánh nhỏ thì Đường ty hành giả thường đem theo bên mình, hễ khi nào gặp tăng chúng tụng kinh thì đánh lên, vì đây là công cụ dùng làm hiệu lệnh cho việc khởi đầu và kết thúc các buổi lễ.
CHẬP CHÕA
Khi Duy-na vái chào mời Trụ trì, Lưỡng tự rời vị trí đến thắp hương trước điện Phật, hoặc khi chuyển pháp luân, chúc tán tại tạng điện đều sử dụng đến chập chõa và do hành giả đảm trách. Khi tiếp dẫn vong linh, khi cạo tóc cho hành giả xuất gia, lúc tăng chúng hành đạo, đón tiếp Trụ trì mới đến nhậm chức tại Thiền viện đều đánh chập chõa.
CÁC LOẠI TRỐNG
Trống dùng khi tiến hành các phật sự.
Khi Trụ trì lên toà thuyết pháp, lúc tiểu tham, phổ thuyết, nhập thất đều đánh trống này. Cách đánh trống: lúc thượng đường đánh ba hồi, trước hết nhịp nhẹ nhẹ vào thành trống ba cái, rồi mới từ từ đánh mạnh tay khiến cho tiết tấu nhanh chậm thích hộp, sự trầm bỗng tương ưng, âm thanh điều hòa, tiếp nối liên tục, vang vang rền rền, giống như tiếng sấm động mùa xuân. Hồi thứ nhất, tiếng trống chậm rãi kéo dài, nghỉ một lát rồi đánh hồi thứ hai, tiếng trống liên tục, hơi nhanh và không cho gián đoạn, kế đến đánh hồi thứ ba, âm thanh cuộn vào nhau; thế rồi, chờ cho Trụ trì lên pháp tòa ổn định mới kết thúc bằng cách chập hai dùi lại đánh ba tiếng cuối cùng. Còn như lúc tiểu tham thì đánh một hồi, lúc phổ thuyết thì đánh năm tiếng, khi nhập thất thì đánh ba tiếng, và đều đánh một cách chậm rãi.
Trống đánh khi uống trà
Trống này do thị giả đánh, và đánh một hồi dài.
Trống đánh lúc thọ trai
Trống này đánh ba hồi khi đến trai đường, vào dịp lễ đầu tháng, và đánh hơi nhanh một chút.
Trống đánh lúc tập hộp đại chúng lao động
Đánh một hồi dài.
Trống đánh vào các canh giờ
Các tự viện thường vào buổi sáng sớm và buổi tối đánh ba hồi trống này một cách khoan thai. Ngoài ra, tùy nghi có thể đánh vào các canh giờ, và do Đô tự đảm trách.
Trống đánh báo hiệu giờ đi tắm
Trống này được đánh bốn hồi báo hiệu giờ đi tắm của chúng tăng (xem đầy đủ chương Tri dục) và do vị Tri dục đánh.
Các loại pháp khí kể trên phải sử dụng đúng quy định, thông thường không được dùng sai cách thức. Khi vị tân Trụ trì đến nhậm chức tại tự viện thì các pháp khí đều đồng loạt đánh lên.
Kinh Kim quang minh nói: “Bồ-tát Tín Tướng đêm nằm mộng thấy chiếc trống bằng vàng có hình dáng to lớn đẹp đẽ, ánh sáng tỏa chiếu giống như ánh sáng mặt trời. Trong ánh sáng ấy, Bồ-tát thấy mười phương chư Phật đang ngồi trên các tòa lưu ly trong rừng cây báu thuyết pháp cho hàng trăm nghìn quyến thuộc đang ngồi xung quanh. Có một người giống như Bà-la-môn cầm chiếc dùi đánh trống, khiến trống phát ra tiếng kêu vang rền, tiếng ấy tuyên thuyết một bài kệ sám hối. Sau khi tỉnh mộng, Bồ-tát Tín Tướng đi đến chỗ đức Phật, thuật lại cho đức Như Lai những gì mình đã nghe, thấy trong giấc mộng như chiếc trống bằng vàng và bài kệ sám hối”.
Kinh Lăng nghiêm cũng kể rằng: “Phật bảo tôn giả A- nan: Như ông đã nghe trong vườn Kỳ-đà này khi cơm đã dọn xong, trống được đánh lên, tăng chúng vân tập, tiếp theo là chuông đánh, khiến tiếng chuông trống trước sau liên tục . Ông nghĩ thế nào? Đó là âm thanh nhập vào hai tai, hay hai tai tiếp thu âm thanh?”
Chương Pháp khí hết.
PHỤ LỤC
Phần phụ lục sách Sắc tu Bách Trượng thanh qui có 7 bài minh tựa như sau:
1. Bài minh khắc trên tháp cố Thiền sư Hoài Hải, núi Bách Trượng, Hồng Châu, đời Đường (Trần Hủ soạn)
2. Bài ký gác thiên hạ sư biểu, chùa Đại Trí Thọ Thánh, núi Bách Trượng
3. Bài nguyên tựa sách Bách Trượng thanh qui (Dương Ức soạn)
4. Bài tựa Thanh qui đời Sùng Ninh
5. Bài tựa Thanh qui đời Hàm Thu?n;
6. Bài tựa Thanh qui đời Chí Đại;
7. Bài tựa của Sắc tu Bách Trượng thanh qui
Vì thấy nội dung có phần giống nhau, nên chúng tôi chỉ dịch bốn bài tiêu biểu, đó là các bài 1, 2, 3 và 7.
BÀI MINH KHẮC TRÊN THÁP CỐ THIỀN SƯ HOÀI HẢI, NÚI BÁCH TRƯỢNG, HỒNG CHÂU, ĐỜI ĐƯỜNG
TƯỚNG SĨ LANG THỦ ĐIỆN TRUNG THỊ NGỰ SỮ TRẦN HỦ SOẠN
THỦ TÍN CHÂU TY HỘ THAM QUÂN VIÊN NGOẠI TRÍ ĐỒNG CHÁNH VIÊN VŨ DỰC HOÀNG VIẾT CHỮ
Tinh đẩu vần xoay, núi non hiểm trở như ngọn Linh Thứu. Bậc Thượng thủ trong hàng sa-môn là Thiền sư Hoài Hải, lập am thất nơi đây, xây bảo tháp nơi đây và trao truyền đại pháp cũng tại đây. Các đệ tử của tông môn e bảo tháp bị di dịch, thời gian lâu không được ghi chép nên nhờ nhà Nho soạn bài minh để nêu rõ sự tích. Giáo pháp của phương Tây (Ấn Độ) truyền sang Trung Quốc, thì Lục độ của Phật giáo được xem như Ngũ thường của Trung Hoa ta, cải ác theo thiện, khác đường mà cùng về một nẻo. Chỉ duy nhất Thiền tông là độ khổi sinh tử, và chỉ có bậc đại trí tuệ mới đạt được. Từ Kê Túc (chỉ Tổ Ca-diếp) cho đến Tào Khê (tổ Huệ Năng) thì sự truyền thừa đều được ghi chép tường tận.Tào Khê truyền cho Hòa thượng Hoài Nhượng ở Quan Âm đài Hành Nhạc. Hoài Nhượng truyền cho Hòa thượng Đạo Nhất ở Giang Tây. Đạo Nhất sau khi viên tịch được ban thụy hiệu là Thiền sư Đại Tịch. Đại Tịch truyền cho Đại sư (Hoài Hải). Thế rồi thầy trò trao truyền cho nhau trải qua chín đời tại cõi Đông độ (Trung Hoa). Đại sư họ Vương, người huyện Trường Lạc, Phúc Châu, Thái Nguyên. Vào khoảng năm Vĩnh Gia bị giặc giã loạn lạc, viễn tổ của Sư di cư sang đất Mân Ngung. Vì nhân duyên lớn lao, Đại sư sinh ra đời vào thời kỳ cuối của tượng pháp. Khi Sư vào bào thai thì mùi hôi tanh tan biến; lúc sắp chào đời thì sự thần dị hiển hiện; tuổi còn ấu thơ mà điều linh Thánh đã bộc lộ. Nếu chẳng do vun bồi cội gốc phước đức từ đời trước thì làm sao có được những điềm hiệu linh ứng như vậy. Sư xuống tóc xuất gia với Hòa thượng Tuệ Chiếu ở Tây Sơn, thọ giới cụ túc với Luật sư Pháp Triêu ở Hành Sơn.(Nghĩ đến đạo nghiệp tương lai) Sư than rằng: “Muốn rửa sạch nguồn mê vọng phải bơi qua biển pháp; quyết định ngày chứng ngộ cần nương nhờ những lời chỉ dạy. Thế rồi, Sư đi đến Lô Giang, đóng cửa đọc Đại tạng Kinh suốt mấy năm không ra khổi phòng. Sư thờ thiền sư Đại Tịch (Đạo Nhất) làm thầy, đạt được tâm ấn rốt ráo, khiến lời nói giản dị mà nghĩa lý sâu xa, diện mạo hòa nhã mà thần thái sáng suốt, hễ ai thấy Sư đều đem lòng cung kính. Sư thường cư xử khiêm tốn, khéo léo khước từ danh tiếng. Vì thế mà văn bia của Tiên sư giấu bớt lời ca tụng. Sư lao động giống như đại chúng, cho nên môn nhân ai nấy dốc sức làm việc hết lòng. Kẻ oán người thân đều quên, nên không để ý đến chuyện cũ. Kẻ hiền người ngu đều đối xử như nhau, nên tiếp độ được nhiều người đến tham học. Sư thường dạy rằng ba thân không đình trụ, vạn hạnh đều trống không; tà chánh đều vứt bỏ, nguồn dòng thảy cạn khô. Dùng giáo chỉ này làm khuôn thước cho người. Những điều Phật dạy xưa kia chính là pháp môn đốn ngộ hiện nay. Đồ chúng của Thiền sư Đại Tịch phần nhiều là các bậc long tượng. Có người đạt đến danh vọng vạn thừa, ra vào cung cấm; có kẻ giáo hóa một phương, làm cho quốc gia ổn định. Chỉ có Đại sư là ưa thích cuộc sống ẩn dật, ở chốn mây ngàn, ẩn danh mà đức độ được mọi người xưng tụng, sống một mình mà đồ chúng càng thêm hưng thịnh. Nếu có người đi khắp nơi tham cứu các trường giảng, gõ cửa các Thiền sư, mà sự chấp trước chưa tiêu, việc có-không còn vướng mắc, thì các bệnh ấy cũng được phong tỏa. Hoặc có kẻ đi xa nghìn dặm để tìm một lời quyết định, khi lưới nghi trương ra liền bị nhát dao trí tuệ chặt đứt vĩnh viễn. Vì vậy mà các nơi như Tề Lỗ Yên Đại Kinh Ngô Mân Thục nghe thanh danh và ảnh hưởng của Sư đều bôn ba tìm đến. Và khi được Sư tiếp độ thì họ chẳng khác gì kẻ đang đói khát mà được an ổn lập tức. Qủa thật có một bậc huyền giải siêu việt vào thời đại ấy. Lúc đầu, Sư ở bên tháp của Đại Tịch tại Thạch Môn, sau đó trùng tuyên giáo pháp làm rạng rỡ cho thầy. Về sau, tăng chúng quy tụ đông đúc, Sư nghĩ đến đạo nghiệp lâu dài, muốn kiến tạo một ngôi tùng lâm tại núi Bách Trượng, nhưng nơi đây bốn bề vắng bật bóng người; nếu muốn xây dựng tự viện thì phải đợi đàn na phát tâm; và thời cơ lại đến, bấy giờ có Ưu- bà-tắc Cam Trinh đang du ngoạn, phát tâm đem đồi đất của nhà mình cúng dường cho Sư, mong được Sư thân cận dắt dẫn. Thế rồi, am thất được xây dựng san sát, các thức ẩm thực được Thí chủ mang đến cúng dường, đồ chúng còn đông đúc hơn cả Thạch Môn. Vì thấy nơi này địa linh, cảnh trí cách xa phồn hoa, nên ý muốn gửi nắm xương tàn nơi đây. Vào ngày mười bảy tháng giêng, năm Nguyên Hòa thứ chín, Sư an tọa trên giường Thiền viên tịch, hưởng thọ 66 tuổi, và 47 tăng lạp. Đến ngày 22 tháng Tư cùng năm, đồ chúng rước nhục thân của Sư lên an trí trên ngọn Tây phong. Đó là theo di chúc của Sư phải an táng như một Bà-la-môn tịnh hạnh mà luận Tỳ-bà-sa đã mô tả. Sau khi nhục thân Sư đã nhập tháp, người ta thấy bạch quang xông lên từ tịnh thất của Sư, và tiếng tích trượng khua vang trên không, nước khe đang mùa xuân mà khô cạn, còn gỗ thông thì cháy sáng suốt đêm, diệu đức âm thầm cảm ứng không nơi nào là chẳng có. Môn nhân Pháp Chánh cùng các huynh đệ thường phụng thờ Sư rất là chu đáo, và tuần tự nhau phát triển tông môn không dám quên lời di chúc, trải qua năm tháng tiếp tục lưu truyền không dứt. Môn nhân Đàm Tự nhớ mãi ơn thầy, ra sức dựng xây điện đường bảo tháp, lấp thêm đất chất thêm đá hết lòng dốc sức không kể ốm đau. Môn nhân Thần Hạnh, Phạm Vân kết tập những lời Sư dạy biên sọan thành ngữ lục. Ngày nay, các học giả không bị vấp váp khi hành xử là nhờ tuân thủ những phép tắc của Sư. Xưa kia Luật sư Linh Ái người đất Mân Việt vốn là bậc lãnh tụ tôn giáo một miền, các học giả tam giáo đều quy ngưỡng thường đem câu hỏi “Phật tính có hay không” đến chất vấn Sư, Đại sư đã viết thư phúc đáp giải thích rõ ràng mà ngày nay còn lưu truyền trong ngữ lục cho kẻ hậu học. Trần Hủ tôi khi nhậm chức tại phủ Giang Tây hân hạnh được thưởng thức pháp vị của Sư nên không dám phụ lòng ủy thác của mọi người. xin soạn mấy lời văn như đây:
Bài I: Thế Tôn lập giáo,
Có quyền và thật.
Nếu chưa đốn ngộ,
Thì còn sai trật.
Tổ sư xót thương,
Mới truyền bí mật.
Như đêm u ám,
Bỗng hiện vừng Nhật.
Bài II: Đây là Đại sĩ,
Hoằng truyền chánh tông.
Tuy tu diệu hạnh,
Chẳng chấp chân không.
Không nhờ phương tiện,
Mài giữa hoài công.
Điềm nhiên về gốc,
Vạn cảnh dung thông.
Bài III: Hàng trăm ngàn người,
Đều trừ bệnh nhiệt.
Họ đều có đắc,
Ta chẳng tuyên thuyết.
Tâm vốn không sinh,
Hình cũng thị diệt
Tro tàn cõi này,
Phương kia nguyệt hiện.
Bài IV: Pháp truyền người thế,
Tháp ẩn núi non
Tùng bách âm u,
Chùa Tháp vẫn còn
Đồ chúng đông đúc,
Rạng rỡ tông môn.
Chỉ người giác ngộ,
Đích thực báo ân.
Ngày mồng ba tháng 10 năm Nguyên Hoà thứ 13 - lập bia này.
Bên cạnh bi văn, đại chúng cùng ghi lại năm sự việc đến nay vẫn còn, có thể làm khuôn mẫu để răn bảo người sau. Nguyên sau khi trà tỳ Đại sư, chưa mời viện chủ mới, Tăng chúng họp bàn bạc việc cách tân sơn môn, cuối cùng nhất trí đúc kết thành năm điều như sau:
1. Phải mời một vị Đại tăng quản lý tháp viện và sai một Sa-di lo quét dọn.
2. Trong khuôn viên Chùa Tháp không cho xây dựng Ni tự và Tháp mộ của Ni chúng, cũng không cho người thế tục cất nhà cư trú.
3. Các kẻ đồng chơn xuất gia và người y chỉ, phải nương tựa một vị Viện chủ duy nhất. Tăng chúng không được xây dựng am thất riêng tư.
4. Không được khai khẩn vườn tược ruộng đất làm của tư hữu.
5. Đồ chúng ở núi này không được cất chứa tiền bạc, thóc lúa riêng tư trong chùa cũng như cất ở chỗ khác.
Muốn cho dòng nước trong trẻo thì phải làm cho đầu nguồn thanh khiết, để người đời sau tiếp tục kế thừa, vĩnh viễn tuân hành và một dạ tôn sùng.
Ngày lập văn bia, tất cả đại chúng đồng ký tên.
BÀI KÝ GÁC THIÊN HẠ SƯ BIỂU, CHÙA THIỀN ĐẠI TRÍ THỌ THÁNH, NÚI BÁCH TRƯỢNG
Thế hệ thứ tám của đại sư Bồ-đề-đạt-ma có vị đại Tỳ kheo ở núi Bách Trượng, người đời gọi là Thiền sư Bách Trượng.
Thiên tử truyền lệnh rằng nhân vì Thiền sư trước đây đã được ban Thụy hiệu là Đại Trí Giác Chiếu, nay ban thêm hiệu Hoằng Tông Diệu Hạnh, còn tên chùa là Thọ Thánh thì biển ngạch đã có từ trước. Núi này cách quận trị 300 dặm, khi chưa xây chùa thì suối khe hiểm trở, đỉnh núi chót vót, lối đi của tiền phu tắt nghẽn. Bấy giờ có Tư Mã đầu đà là người giỏi thuật phong thủy về địa hình cung thất, thấy thế núi cao vút với những ngọn đồi lồi lõm đầu đuôi tiếp ứng nhau, biết đó là nơi địa linh, nên để lại lời huyền ký rằng: “Đây là chỗ đấng Pháp vương cư trú, làm bậc thầy tiêu biểu trong thiên hạ”.
Về sau, Thiền sư Hoài Hải đến trác tích nơi đó quả phù hộp với lời dự đoán trước kia. Thiền sư Đông Dương Đức Huy là cháu đời thứ 18 của Hoài Hải, kế thừa sự nghiệp Thầy tổ, ở núi này, không những xây cất pháp đường mới, mà còn kiến tạo thêm lầu cao để tôn trí di tượng của Tổ sư. Và tấm hoành treo trên nhà đề là: “Gác của bậc Thầy tiêu biểu trong thiên hạ (thiên hạ sư biểu chi các)”. Trong đây có ghi lại: Lúc Văn Tông hoàng đế mới lên ngôi, âm thầm xây chùa tại Kim Lăng đặt tên là Long Tường Tập Khánh, truyền lệnh cho vị khai sơn chùa là Đại Hân quản lý đồ chúng, và dùng Thanh quy do Tổ sư chế định làm quy củ cho những oai nghi hành xử hằng ngày của tăng chúng. Nhưng vì bộ Thanh quy này ra đời đã lâu (hiện tại không còn), người đời sau chỉ ức đoán rồi tự ý thêm bớt, khiến cho đôi chỗ mâu thuẫn không được chiết trung thỏa đáng. Đức Huy và Đại Hân cùng học một thầy và cùng nắm cương lĩnh của tổ đình e rằng những kẻ mới đến đem truyền những điều nghi hoặc mà không biết thế nào là thích hộp khiến cho mâu thuẫn với sự nghe thấy của các sơn môn, nên quyết tâm lặn lội đến Kinh sư để tìm người hiệu chính những sai lầm. Lúc ấy quan Ngự sử đại phu Tát Địch đang làm chấp pháp trung đài, Huy bèn nhờ ông tâu lên vua, và được vua mời vào yết kiến. Vua bèn truyền lệnh cho Huy soạn những gì đã được nghe trước đây, rồi trao cho Đại Hân, khiến Đại Hân chọn lựa những điều Tổ sư để lại, hiệu khảo ổn định, soạn thành Thanh quy dùng làm phép tắc cho Tùng lâm. Vua còn phong tặng sư hiệu Như Tích thiền sư, hết lời khen ngợi và khích lệ rất vẽ vang.
Đức Huy phụng sắc lệnh được đóng ấn của vua, trở về lại chùa, thì căn gác đã xây cất hoàn thành nhưng chưa kịp ghi chép sự tích. Ông bèn đi đến Hoàng Tấn, thỉnh cầu Tấn soạn bài tựa: “Xin Ngài vui lòng viết giúp bài tựa ghi lại nguyên nhân kiến tạo căn gác này đặng tôi đem về khắc làm bài ký”.
Tấn trộm nghĩ: Thánh hiền đời xưa tùy thời hành xử, vừa nắm vừa buông, vận dụng uyển chuyển, tuần hoàn không cùng, nhờ vậy mà mọi việc đều chuyển biến thông suốt. Đức Phật thiết lập giáo pháp, trước hết chế ra giới luật. Nghĩa lý của các bộ phái, Đại Tiểu thừa đều trình bày đầy đủ; các việc khai già (cho phép hay cấm chỉ) cũng chỉ nhằm một mục đích. Nhưng hễ càng cách xa Thánh nhân (đức Phật) thì càng giới hạn vào những chuyên môn, tên gọi đặt ra càng nhiều thì đạo lý ngày càng ẩn khuất. Vì thế, Tổ Đạt-ma không dùng đến phương tiện mà chỉ thẳng nguồn tâm; tướng trạng của giới luật rất uyển chuyển, không có gì chướng ngại; nhưng càng gần thế tục, ngọn ngành, cái hoang đường chiếm ưu thế thì điều chân chính bị chia lìa, chạy theo cái phù phiếm bên ngoài thì tạo thành tư tưởng tà mạn. Vì thế, Tổ Bách Trượng hoằng dương quỹ phạm, dựa vào giới luật mà hành động, điều hộp hộ trì, vin vào sự tướng mà là vận dụng lý tính. Bởi vì, đạo lý của Phật nhờ Tổ Đạt-ma mà sáng tỏ; sự tướng của Phật do Bách Trượng mà hoàn bị. Cái diệu dụng của sự biến hóa thông suốt là do con người mà ra. Về sau, sự truyền thừa của Tổ Đạt-ma được chia thành năm phái, mà phát xuất từ Tổ Bách Trượng thì có hai phái. Các Thiền sư khác tuy mỗi nhà đều thiết lập ra yếu chỉ này, tông phái nọ, nhưng để quản lý đồ chúng ổn định thì chưa thấy ai không theo phép tắc của Bách Trượng. Thế thì gọi Sư (Bách Trượng) là “Thiên hạ sư biểu” quả thật xứng đáng, chẳng ngoa chút nào. Tại cõi Trung độ (Trung Quốc) này vua tôi đều tôn kính sùng mộ Phật pháp làm cho Phật giáo tỏa sáng không lúc nào bằng lúc này. Huy gặp thời có Thánh chúa, nương nhờ sự hộ pháp của hoàng đế mà xiển dương những lời giáo huấn của tiền bối, thiệu long tông phong, khiến cho sơn môn cùng với quốc gia bền vững lâu dài, mãi mãi trường tồn; không những ngày nay Thiên hạ tôn xưng là Sư biểu mà cùng tận đời vị lai ai nấy cũng đều phải nương tựa. Tấn tôi kính cẩn ghi lại vài điều trên đây, còn việc siêng năng theo thời khóa kinh kệ và xây dựng cơ ngơi tráng lệ thì khổi cần bàn đến. Căn gác là một ngôi nhà chia làm năm gian, cao 120 thước, cứ một lần tu bổ thì tăng thêm một phần ba chiều cao, và ba lần tu bổ thì hoàn chỉnh rộng rãi như hiện nay. Việc xây dựng cho đến tháng sáu mùa hạ năm đầu niên hiệu Chí Thuận (1330) thì ổn định, nhưng đến tháng mười mùa đông thì công việc mới hoàn tất. Đức Huy yết kiến Thánh Thượng tháng năm mùa hạ, năm thứ ba niên hiệu Nguyên Thống, và vua xuống chiếu cho Sư vào tháng hai mùa xuân năm sau đến trụ núi này. Như vậy, Đức Huy chính thức trác tích tại núi này là năm Chí Nguyên nguyên niên (1335).
Thừa Trực lang quốc tử bác sĩ Hoàng Tấn soạn lời ký.
Hàn lâm thị chế phụng nghị đai phu kiêm quốc sử viện biên tu quan Yết Hề Tư viết chữ thường.
Hàn lâm thị giảng học sĩ thông phụng đại phu tri chế cáo đồng tu quốc sử tri kinh diên sự Trương Khởi Nham viết chữ triện.
Tiền Vinh Lộc đại phu ngự sử trung thừa Triệu Thế An, Quang Lộc đại phu Giang Nam chư đạo hành ngự sử đại phu Dịch Thích Đổng A cùng dựng bia đá.
BÀI NGUYÊN TỰ SÁCH BÁCH TRƯỢNG THANH QUI (Do Quan Hàn Lâm Học Sĩ Khai Quốc Hầu Dương Ưc Soạn Thuật)
Thiền sư Bách Trượng Đại Trí cho rằng Thiền tông bắt đầu từ (ngài Bồ-đề-đạt-ma) ở núi Thiếu Thất cho đến (lục tổ Huệ Năng) tại Tào Khê đổ lại, phần nhiều ở đậu chùa luật. Tuy liệt biệt viện, nhưng về thuyết pháp trụ trì thì chưa hộp qui độ, cho nên thường để ý nơi lòng, bèn nói rằng: “Đạo của Phật và Tổ là muốn ban bố rộng rãi, giáo hóa từ gốc, mong đến ngày sau không mờ diệt vậy. Há nên cùng với các bộ A-cấp-ma Giáo mà tùy hành ru? Có kẻ nói luận Du-già và kinh Anh Lạc là giới luật Đại thừa, vậy sao lại không nương theo chứ!”. Sư nói: “Tông môn của ta không thuộc Đại – Tiểu thừa, mà cũng không khác Đại – Tiểu thừa, vậy nên co dãn chiết trung, thiết lập nơi chế phạm, nhằm thích nghi mà thôi”. Do đó mà sáng ý lập riêng Thiền tự. Phàm người gồm đủ mắt đạo, có đủ đạo đức đáng tôn vọng thì gọi là Trưởng lão, giống như bên Tây Vức ai đạo cao, tuổi lạp lớn thì gọi là A-xà-lê vậy. Tức phàm làm hóa chủ thì ở nơi chỗ phương trượng giống như thất của Tịnh Danh (Duy- ma-cật), chứ không phải nơi thất chỉ là buồng ngủ riêng. Không lập các Phật điện chỉ xây pháp đường, biểu thị nơi Phật và Tổ đích thân trao dặn, người đời nay phải tôn trọng. Còn chỗ tụ tập của số đông người học, không kể là nhiều ít, cao thấp, đều vào trọn tăng đường, y theo thứ tự tuổi lạp hạ an cư mà an bài, thiết lập giường dài liền nhau, làm giá treo để móc đạo cụ. Nằm thì gối nghiêng đầu mép giường, theo thế cát tường nghiêng sườn bên phải mà ngủ, coi như tọa thiền quá lâu, tạm nghỉ ngơi phần nào mà thôi. Còn về đầy đủ 4 oai nghi, trừ khi vào thất thưa hỏi thầy, còn thì để mặc cho người học cần mẫn hay trễ nhác, hoặc phải hoặc trái, không câu nệ nơi thường chuẩn. Còn đại chúng cả viện sáng thăm hỏi, chiều tụ tập, vị Trưởng lão vào pháp đường lên trên tòa cao mà ngồi. Chủ sự và đồ chúng, đứng thành hàng như nhạn bay lắng nghe. Chủ – khách vấn đáp mà kích dương tông yếu, biểu thị nương theo pháp mà trụ vậy. Cháo cơm tùy nghi, hai thời đều cùng khắp, nhằm tiết kiệm biểu thị pháp thực song vận vậy. Thi hành phép phổ thỉnh (tức lao động tập thể) trên dưới đều phải gắng sức ngang nhau. Đặt 10 nhiệm vụ phòng liêu, mỗi thứ đều dùng một người thủ lĩnh trông coi nhiều người làm việc, khiến mỗi người đều điều khiển, trông coi thuộc hạ của mình. Hoặc có kẻ giả hiệu trộm hình lộn sòng vào thanh chúng, gây chuyện rùm beng lộn xộn thì duy-na kiểm soát biết được, tước bỏ vị trí dùng cơm, gạch tên khổi danh sách chư tăng đuổi ra khổi viện nhằm tôn quí việc tu tập an ổn thanh tịnh của đại chúng. Hoặc có kẻ phạm lỗi thì tập hộp chúng lại, công cộng bình nghị khiển trách, tức dùng hèo mà đánh, hoặc trục xuất buộc phải theo cửa hông mà ra khổi viện, biểu thị sỉ nhục. Xét kỹ điều chế này có b?n cái lợi ích:
1. Không làm ô uế chúng trong sạch, nảy sanh chuyện cung kính, tin tưởng.
2. Không hủy hoại tăng hình, tuân theo Phật chế định.
3. Không phiền quan lại công môn, tránh chuyện ki?n tụng.
4. Không tiết lộ ra ngoài, bảo hộ kỷ cương của Tông phái.
Đại chúng cùng ở chung, Thánh hay phàm ai mà phân biệt được. Vả lại, thời đức Như Lai ứng thế còn có nhóm 6 tỷ-kheo xấu ác, huống hồ nay là thời tượng pháp mạt thế, há có thể hoàn toàn không có những kẻ xấu được sao? Tuy nhiên nếu mỗi lần thấy một ông tăng có chút lỗi là lôi cả luật lệ sấm sét chê mắng thậm tệ mà không biết đó là khinh chúng, hoại pháp, tổn hại lớn lắm đấy!
Nay đây chốn Thiền môn mà muốn phần nào không có chuyện phương hại, thì nên nương theo qui thức của Bách Trượng tùng lâm mà lượng sự, xử phân. Đành rằng lập pháp phòng gian là không dành cho bậc thiện sĩ, tuy nhiên nên hữu cách vô phạm, mà không nên hữu phạm vô giáo. Ích lợi hộ pháp của Thiền sư Đại Trí thật lớn lao thay! Độc hành của Thiền môn bắt đầu từ ông lão đó vậy. Nét đại yếu của Thanh Qui trải soi khắp kẻ hậu học, khiến không quên gốc vậy. Các phép tắc đường lối, sách này đều tập hộp rành rõ đầy đủ cả.
Dương Ức tôi lạm được đọc chỉ ý sâu xa, san định Truyền đăng. Sách thành định dâng lên Thánh thượng, nhân đó viết lời tự dẫn. Ngày lành tháng tốt năm Giáp thìn, niên hiệu Cảnh Đức cải nguyên.
BÀI TỰA SẮC TU BÁCH TRƯỢNG THANH QUY
Vào khoảng năm Thiên Lịch Chí Thuận (1328-1332) Hoàng đế Văn Tông kiến tạo ngôi chùa Đại Long Tường Tập Khánh tại Kim Lăng. Đến khi chùa hoàn thành, tăng chúng mười phương đến cư trú, thì được thánh chỉ truyền lệnh thực hành thanh quy của Bách Trượng. Tháng bảy mùa thu, năm Ất Hợi, niên hiệu Nguyên Thống năm thứ ba, đức Kim Thượng hoàng đế vâng theo mệnh lệnh của triều trước, dạy rằng: “Những năm gần đây, Thanh quy của tùng lâm thỉnh thoảng bị thêm bớt không còn thống nhất. Do vậy, trẫm truyền lệnh cho Trụ trì chùa Thiền Đại Trí Thọ Thánh núi Bách Trượng là Đức Huy sưu tập các bộ sách ấy, đồng thời truyền lệnh cho Trụ trì chùa Đại Long Tường Tập Khánh là Đại Hân tuyển chọn các Sa-môn có học thức cùng nhau hiệu chính để bộ Thanh quy được thống nhất, ngõ hầu dùng làm phép tắc hằng ngày tại chốn tùng lâm”.
Đức Huy và các người khác kính cẩn phụng mệnh thực hiện Thánh chỉ. Khi sách sắp hoàn thành, Sư bèn đến nhờ Huyền tôi viết lời tựa. Huyền tôi từng nghe các bậc tôn sư dạy rằng: “Trong khoảng trời đất này không có một việc gì là không dùng đến lễ nhạc. Sự ăn ở được yên ổn, có trật tự là nhờ có lễ. Mọi sinh hoạt hằng ngày diễn ra vui vẻ là nhờ có nhạc.” Một ngày nọ, tiên sinh Trình Minh Đạo ghé qua chùa Định Lâm, ngẫu nhiên trông thấy nghi thức của bữa thọ trai, cảm động tán thán: “Lễ nhạc của ba thời đại (Hạ, Thương, Chu) đều có tại đây vậy. Há chẳng phải do năng lực kỷ cương của Thanh quy mà được như thế ư? Chính nhờ tuân hành thuần thục Thanh quy mới được như thế! Do tuân thủ những phép tắc nhất định mà tự nhiên đạt được sự diệu dụng. Khi thực hành những quy cũ này, kẻ không biết thì cho đó là chướng ngại sự lý, còn người thông hiểu thì bảo rằng tất cả pháp môn an lạc đều hội tụ nơi đây.” Nhưng để cho cuốn sách rối rắm này trở nên mạch lạc thì cần có bài tựa để điều hòa các ý nghĩa, nhờ vậy sẽ có giá trị tốt đẹp lâu dài. Thế nên, công lao của sự hiệu chính sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho bộ sách này. Và ân huệ mà hai triều đại (Tống, Nguyên) đã ban cho người học là vô cùng lớn lao vậy. Bộ Thanh quy này đã được ban hành từ đời Tống, và quan Hàn lâm học sĩ Dương Ức đã viết tựa trình bày đầu đuôi điều mục đầy đủ rõ ràng, ở đây không cần phải lập lại nữa.
Thượng tuần tháng ba mùa xuân năm Bính Tý, niên hiệu Chí Nguyên năm thứ hai (1336), Hàn lâm trực học sĩ Trung đại phu tri chế cáo đồng tu quốc sử quốc tử tế tửu Lô Lăng Âu Dương Huyền viết tựa. Sắc tu Bách Trượng thanh quy quyển 8 hết TỪ NGỮ CHÚ THÍCH
SÁCH SẮC TU BÁCH TRƯỢNG THANH QUY
A
A-di-đà (阿 彌 陀): Danh từ dịch âm từ chữ amita, dạng viết tắt của hai chữ Phạn (sanskrit) là Amitābha và Amitāyus. Amitābha nghĩa là Vô Lượng Quang, ánh sáng
vô lượng, Amitāyus là Vô Lượng Thọ, là thọ mệnh vô lượng; Tên của một vị Phật quan trọng, được tôn thờ nhiều nhất trong Ðại thừa (s: mahāyāna). A-di-đà là giáo chủ của cõi Cực lạc (s: su- khāvatī) ở phương Tây. Phật A-di-đà được tôn thờ trong Tịnh độ tông tại Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Tây Tạng, tượng trưng cho Từ bi và Trí huệ.
A-la-hán ((阿羅漢; S: Arhat, P: Arahant): Là một trong 4 quả của Thanh văn, là một trong 10 hiệu của Phật Như Lai. Lại cũng gọi là a-lô-hán, a-la-ha, a-lợi-kha, gọi tắt là La-hán, dịch theo ý là Ứng, Ứng Cúng, Ứng Chân, Sát Tặc, Bất Sanh, Vô Sanh, Vô Học, Chân Nhân, chỉ đoạn dứt trọn kiến của tam giới hoặc của tư (?), chứng được tận trí, là vị Thánh có thể nhận sự cúng dường của thế gian. Thực ra, La-hán là quả vị cao nhất cho cả Đại và Tiểu thừa nhưng thường bị ngộ nhận cho là quả vị tối cao của Tiểu thừa.
A-na-luật ((阿那律: S: Aniruddha, P: Anuruddha): Lại cũng gọi là A-ni-lô-đà, A-na-luật, dịch theo ý là Vô Diệt, Như Ý, Vô Chướng, Vô Tham, Tùy Thuận Nghĩa Nhân, Bất Tranh Hữu Vô, là một trong 10 đại đệ tử của Phật, là tùng đệ của Phật Đà trong dòng họ Thích tại thành Ca-tỳ-la-vệ ở Trung Ấn thời cổ đại.
A-xà-thế vương (阿闍世王): A-xà-thế (S: Ajatasatru, P: Ajatasattu), là con vua nước Ma-yết-đà Tần-bà-sa-la, dịch theo ý là Vị Sanh Oán Vương, Pháp Minh Vương. Mẹ vua tên Vi-đề-hy cho nên cũng còn gọi là A-xà-thế Vi-đề-hy tử. Vua này tự thí cha lên làm vua và chinh phạt các nơi tạo cơ sở thống nhất Ấn Độ.
Ác nghiệp (惡業) (S. 326): Phật giáo cho rằng những hành vi của thân, khẩu, ý là “Nghiệp”. Do năng lực thiện ác của nghiệp nên đưa đến báo ứng tương xứng. Ác nghiệp là những hành động sai lầm dẫn đến quả báo xấu.
Ác tập (惡習): Thói hư tật xấu huân tập lâu ngày.
Ái võng (愛網): Lưới tình, ví dụ tình ái như mắc lưới quấn cột người không ra khổi được.
An cốt (安骨) (S.174): Sau khi hỏa táng, nhặt các tro, xương rồi tôn trí vào tháp, lễ này được gọi là “lễ An cốt”, còn gọi là “An vị”.
An cư (安居S. ṣika, varṣa. P. vassa). Dịch ý là thời kì mưa. Còn gọi là hạ an cư, vũ an cư, tọa hạ, hạ tọa, kết hạ, tọa lạp, nhất hạ, cửu tuần cấm túc, kết chế an cư, kết chế. Thời kì mưa ở Ấn Độ kéo dài suốt ba tháng mùa hạ. trong ba tháng này, người xuất gia không được đi ra ngoài mà phải tập trung ở yên một chỗ, dốc sức tu hành gọi là an cư. Trong thời kì mưa nhiều, đi ra ngoài, sợ dẫm đạp lên các loại côn trùng và mầm non các loại cây cỏ trên mặt đất, khiến người đời chê cười, vì thế phải ở yên một chỗ để tu hành, không đi ra ngoài. Tứ phần luật san bổ tùy cơ yết ma sớ quyển 4 giải thích nghĩa chữ an cư như sau: thu nhiếp thân tâm yên tĩnh là an, ở tại một chổ là cư.
An lạc ((安樂) (S. 366): Thân thể khỏe mạnh, tâm trạng vui vẻ.
An thiền (安禪) (S. 367): Trạng thái tinh thần ngồi thiền không suy nghĩ, không tri giác.
Anh Lạc kinh (瓔珞經): Là bộ kinh thuyết minh tác pháp thọ giới rất được Pháp tướng tông và Thiên Thai tông tôn vọng.
Ấp hương (揖香): Cung kính chắp tay xá chào mời cắm hương.
Ấp trà (揖茶): Xá chào mời uống trà.
B
Ba cõi: Tức Ba thế giới của vòng sinh tử, là nơi mà loài Hữu tình tái sinh trong Lục đạo (skt: gati), có thể hiểu là Vũ trụ quan của đạo Phật. Ba thế giới bao gồm: 1. Dục giới (欲 界; skt, p: kāmaloka, kāmadhātu), có Ái dục về giới tính và những ái dục khác. 2. Sắc giới (色 界; skt: rūpaloka, rūpadhātu): các vị ở đây thuộc nam tính nhưng đã chấm dứt mọi dục tính, ăn uống, nhưng còn có khoái lạc. Ðây là thế giới của các thiên nhân trong cõi Thiền (skt: dhyāna). Hành giả tu tập thiền định có thể tái sinh trong cõi sắc. 3. Vô sắc giới (無 色 界; arūpaloka, arūpadhātu): thế giới này được tạo dựng thuần túy bằng tâm thức và gồm Bốn xứ (arūpasamādhi). Hành giả tu học Tứ thiền bát định có thể tái sinh vào bốn xứ này.
Ba-la-đề-đề-xá-ni ((波羅提提舍尼: S: patidesaniya): Là một trong cụ túc giới mà tỉ-kheo hay tỉ-kheo-ni thọ trì, gọi tắt là Đề-xá-ni, dịch theo ý là Đối Tha Thuyết, Hối
Quá Pháp v.v… Khi phạm giới này thì phải hướng về tỉ-kheo thanh tịnh mà nói cho họ biết để sám hối.
Ba-la-đề-mộc-xoa ((波羅提木叉; S: Pratimoksa, Pratimoksa, P: Pratimokkha, Pratimokkha): Chỉ phòng ngừa lỗi lầm của thân, miệng và 7 chi của 7 chúng, là giới luật phải thọ trì để xa lìa mọi phiền não hoặc nghiệp mà được giải thoát. Lại còn gọi là Bát-la-đề-mộc-xoa, dịch theo ý là Tùy Thuận Giải Thoát, Xứ Xứ Giải Thoát, Biệt Biệt Giải Thoát, Biệt Giải Thoát, Tối Thắng, Vô đẳng Học. Giới này để phòng hộ các căn, tăng trưởng thiện pháp, là phần nhập môn trong các thiện pháp, cho nên mới gọi là Ba-la-đề-mộc-xoa.
Ba-la-nại (波羅奈; skt: vārāṇasī): Một quốc gia thời cổ đại Ấn Độ, nằm phía Tây nước Ma-kiệt-đà và phía Bắc xứ Kośola. Thủ đô còn được gọi là vārāṇasī, ngày nay là Ba-la-nại. Là nơi đức Phật Thích ca mâu-ni truyền dạy pháp giác ngộ cho năm vị đệ tử đầu tiên.
Ba Lăng tam chuyển ngữ (巴陵三轉語): Đây là công án Thiền tông, lại còn gọi là Ba Lăng tam cú, chỉ cho 3 câu nói mà Thiền sư Ba Lăng Hạo Giám dùng để kích thích kẻ hậu học giúp cho họ chuyển mê khai ngộ tứ là “chén bạc đựng đầy tuyết” “san hô cành cành chống trăng” “gà lạnh leo lên cây, vịt lạnh lội xuống nước” Vân Môn Văn Yển nghe được câu này rất lấy làm thích thú.
Ba-li (波离 S, P. Upāli). Gọi tắt của Ưu-ba-li, Ô-ba-lợi. Hán dịch: Cận chấp, Cận thủ. Một trong 10 vị đại đệ tử của đức Phật, người nước Ca-tì-la-vệ thuộc Ấn Độ, xuất thân từ giai Thủ-đà-la, làm thợ hớt tóc trong cung đình. Ưu-ba-li chuyên về giới luật, tu trì nghiêm cẩn, được khen là “Trì luật đệ nhất”; trong lần kết tập đầu tiên, sư đã tụng lại Luật bộ.
Bà-la-môn (婆 羅 門; S, P: brāhmaṇa): Danh từ chỉ một giai cấp, một hạng người tại Ấn Ðộ. Thuộc về giai cấp Bà-la-môn là các tu sĩ, triết gia, học giả và các vị lĩnh đạo tôn giáo. Dân chúng Ấn Ðộ rất tôn trọng cấp người này. Trong thời đức Phật hoằng hóa, cấp này là cấp thứ hai của bốn cấp (sau thời đức Phật đến bây giờ là cấp cao nhất) trong hệ thống xã hội và vì vậy, họ rất kiêu mạn. Nhiều Bà-la-môn cho rằng, chỉ họ mới mang dòng máu “trắng” là dòng máu trong sạch và tất cả các hạng người còn lại chỉ sống để phụng thờ họ. Trong những bài kinh thuộc văn hệ Pā-li (Bộ kinh), Phật không hề chống đối giai cấp Bà-la-môn nhưng lại bảo rằng, không phải sinh ra
trong một gia đình, dòng dõi Bà-la-môn, là tự nhiên trở thành một Bà-la-môn. Người ta “trở thành” một Bà-la-môn với những hành động, những ý nghĩ cao thượng và đó chính là những tiêu chuẩn đích thật. Bất cứ người nào cũng có thể được gọi là Bà- la-môn nếu họ đạt những tư cách nói trên. Ðây là một chiến thuật tuyệt vời của đức Phật khi Ngài chuyển ý nghĩa “giai cấp Bà-la-môn” thành một danh từ đạo đức Bà-la-môn, tức là một người có đầy đủ đức hạnh, vượt mọi giai cấp xã hội thời đó (Tập bộ kinh).
Bách thị ((百氏):Trăm nhà, nghĩa tương đương như bách gia, chư tử, tức là toàn bộ mọi hệ thống tư tưởng triết lý chính trị, học thuyết của tất cả các triết gia có dòng tư duy khác nhau trong toàn cõi Trung Quốc.
Bách Trượng (百丈) gọi đủ Bách Trượng Hoài Hải (百丈 懷海) (720-841) Vị tăng đời Đường. Người huyện Trường Lạc, Phúc Châu, họ Vương (có thuyết cho rằng họ Hoàng). Từ nhỏ đã thích đến thăm các tự viện, năm hai mươi tuổi theo ngài Tuệ Chiếu ở Tây Sơn xuất gia, sau theo luật sư Pháp Triêu ở Nam Nhạc thụ giới cụ túc, không lâu, đến Lư Giang (ở Tứ Xuyên) đọc Đại tạng. Gặp được ngài Mã Tổ-Đạo Nhất hoằng pháp tại Nam Khang, đem tâm hướng theo và được Đạo Nhất ấn khả. Vì cùng với các sư Trí Tạng ở Tây Đường, Phổ Nguyện ở Nam Tuyền đều được trao truyền phép thiền, nên thời bấy giờ gọi là Tam đại sĩ. Sau ra làm chủ tại Tân Ngô (huyện Phụng Tân tỉnh Giang Tây), núi Bách Trượng, tự lập ra thiền viện, chế định thanh qui, suất chúng tu trì, thực hành sinh họat nông thiền (làm ruộng). Sư từng nói (Đại 48, 1119 trung); “Một ngày không làm, một ngày không ăn”. Năm Nguyên Hòa thứ 9, viên tịch, thế thọ chín mươi lăm tuổi. Nhà vua ban thụy “Đại Trí thiền sư”, tháp hiệu “Đại bảo thắng luân”. Môn hạ có Hi Vận ở Hoàng Bá, Linh Hựu ở Qui Sơn đứng đầu. Về sau các vua đời Tống, Nguyên lại ban thụy hiệu “Giác Chiếu thiền sư”, “Hoằng tông Diệu Hạnh thiền sư”.
Bạch chùy (白椎): Là một nghi thức trong lễ khai đường. Lúc khai đường, một vị tôn túc am tường lễ nghi đánh chùy gỗ một tiếng để báo hiệu dừng mọi tiếng huyên náo an bày trật tự rồi cất tiếng thỉnh mời trụ trì thuyết pháp gọi là bạch chùy. Sau khi trụ trì kết thúc buổi thuyết pháp, lại đánh một tiếng chùy gỗ nữa để báo hiệu thuyết pháp thành công hoàn mãn gọi là kết chùy. Người giữ nhiệm vụ bạch chùy và kết trùy cũng gọi là bạch chùy.
Bái nhạc (唄樂) (S. 187): Ban nhạc diễn xướng những lời bằng tiếng Phạn trong nghi lễ.
Bàn phục (柈袱): Cũng viết là (盤袱), tức cái khăn vải đậy lên cái mâm đựng thiếp sớ.
Bản trướng (板帳) (S.171): còn viết là (板賬), khi vị trụ trì bị bệnh nặng, Giám viện chuẩn bị nhóm họp các vị có chức vụ như: Tri sự, Đầu thủ để đưa người bệnh đến ở Đông đường và đem những tài vật tùy thân của người bệnh ghi chép lại thành bản liệt kê gọi là Bản trướng.
Bán trai (半齋): Tức là bữa ăn điểm tâm nhẹ giữa bữa cháo sáng và bữa trai trưa.
Bàng bái (霶霈): Mưa rào tuôn rơi ào ào, tức là mưa to trút xối xả.
Báo địa (報地) (S.165): tứ là báo độ, là một cõi Tịnh độ được trang nghiêm bằng muôn vàn công đức.
Báo tạ(報?謝): báo ơn, tạ đức. Ở ngữ cảnh trong bài có nghĩ là đáp tạ ơn mọi người đưa trụ trì nhập viện.
Báo thân (報身) (S. 253): Một trong ba thân Phật, tức sắc thân của Phật, trải qua sự tu tập mà được thân Phật ngộ đạo triệt để.
Bát bộ (八部): gọi đủ là thiên long bát bộ, hay bát bộ chúng gồm Thiên (deva), Long (nàga), Dạ-xoa (yaksa), A-tu-la (asura), Ca-lâu-la (garuda), Càn-thát-bà (gandharva), Khẩn- na-la (kimnara), Ma-hầu-la-già (mahoraga). Đây là các thần có sức mạnh lớn để bảo hộ Phật pháp. Tromg bát bộ thì lấy thiên và long là chủ yếu, cho nên gọi là Thiên Long bát bộ.
Bát cụ (鉢具) (S. 342): dụng cụ đựng thức ăn của chúng tăng.
Bát cực (八極): chỉ nơi xa xôi cùng cực ở 8 hướng, “Minh đế ký” sách Hậu Hán thư viết: “Khôi hoàng đại đạo, bị chi bát cực”, Hoài Nam Tử chú: “Ngoài 9 châu có bát dần, ngoài bát dần có bát hoang, ngoài bát hoằng có bát cực”.
Bát hoang (八荒): nghĩa như bát cực (xin xem chú thích chữ “bát cực”). “Thuyết uyển biện vật” chép: “Trong khoảng bát hoang (tám cõi xa xôi cùng cực có 4 biển, trong 4 biển có 9 châu. Thiên tử ở tại trung châu mà chế ngự 8 phương vậy”.
Bát nạn (八難) (S. 315): Phật giáo cho rằng có tám trở ngại khiến cho chúng sanh không gặp Phật và nghe pháp: 1. Địa ngục; 2. Ngạ quỷ; 3. Súc sanh; 4. Sanh nơi Bắc-cu-lô-châu; 5. Sanh lên cõi trời trường thọ; 6. Đui, điếc, câm, ngọng; 7. Trí thông minh của thế gian; 8. Sinh ra trước hoặc sau Phật. Nghĩa là sanh vào khoảng thời gian không có Phật pháp giữa hai thời kỳ này.
Bát-nhã-ba-la-mật-đa (船苦波羅密多): cũng gọi là Bát-nhã- ba-la-mật, dịch theo ý là trí huệ đáo bỉ ngạn (đến bờ bên kia), trí độ, minh độ, phổ trí độ vô cực, hoặc huệ ba la mật đa, là một trong sáu ba la mật, hoặc một trong mười Ba la mật, tức trọn chiếu trí huệ thực tướng mà đến tận cùng bờ mé của trí huệ, độ sanh tử bờ bên này đến Niết-bàn bờ bên kia.
Bát-nhã-đa-la tôn giả ((般若多羅尊者: S: Prajnatara), là Tổ thứ 27 trong số 28 Tổ Tây Thiên do Thiền tông lập ra, cũng còn gọi là Anh Lạc Đồng Tử, là người Đông Thiên Trúc, thuộc chủng tộc Bà-la-môn, sớm mồ côi cha mẹ, thường đi lang thang trong làng xóm, hành tung giống như Bồ-tát Thường Bất Khinh. Năm 20 tuổi gặp Tổ thứ 26 là Bất Như Mật Đa thọ phó chúc trở thành Tổ thứ 27 Thiền tông Tây Thiên, phó chúc cho Bồ-đề Đạt-ma thành Tổ thứ 28.
Bát-nhã kinh ((般若經: S: Prajđa), lại gọi là Ba-nhã, Ba-la- nhã, dịch theo ý là huệ, trí huệ, minh, hiệt huệ, tức do tu tập Bát chánh đạo và Ba La Mật mà hiển hiện trí huệ chân thực, thấy rõ mọi sự vật và đạo lý. Bát Nhã kinh gọi đủ là Ma-ha Bát-nhã-ba-la-mật-đa Tâm kinh, (S: Prajnàpàramita-hrdaya- sùtra), chủ yếu tuyên thuyết lý chư pháp giai không qua các pháp ngũ uẩn, thập nhị nhân duyên, tứ đế, sắc tức thị không, không tức thị sắc.
Bát-nhã trí ((般若智 (S. 331): Bát-nhã là dịch âm của tiếng Phạn là Prajnà, một trong sáu độ mà Phật giáo cho là có thể đạt đến bờ kia; dịch ý là trí tuệ, nghĩa là sự nhận thức đặc thù theo Phật giáo. Còn gọi là trí tuệ siêu việt đạt đến bờ bên kia, niết-bàn.
Bát niết-bàn (般涅槃): cũng gọi là Bát nê-hoàn, (S: Parinirvana) chỉ trạng thái tắt ngúm hay thổi cho tắt. Sau khi phiền não thiêu đốt đã tắt, đến được cảnh giới giác
ngộ, trí tuệ hoàn thành, cho nên Phật giáo lấy cảnh giới này làm mục đích sau cùng. Niết-bàn tịch tịnh là một trong 3 pháp ấn, vì thế Phật nhập diệt gọi là Bát Niết-bàn.
Bát phước điền ((八福田) (S. 266): có nhiều thuyết không đồng, một thuyết cho rằng, cúng dường đối với tám người sau: 1. Phật, 2. Thánh nhân, 3. Hòa thượng (người trao giới pháp cho mình), 4. Xà-lê, 5. Tăng, 6. Cha, 7. Mẹ, 8. Người bệnh, thì được phước vô lượng cho nên gọi là tám phước điền. Một thuyết khác cho rằng làm tám việc thiện như: làm giếng dọc đường, sửa cầu, sửa sang đường sá, hiếu thuận cha mẹ, cúng dường sa-môn, cung cấp cho người bệnh, cứu kẻ hoạn nạn, lập đàn chẩn tế, đây chính là tám phước điền.
Bát vị (鉢位) (S. 130): vị trí ngồi dùng cơm của chư tăng tại Tăng đường trong thiền lâm.
Bạt Già Tiên (跋伽仙): Còn gọi là Bạt Già Bà Tiên, Bạt Già Xà, (S: Bhagava, P: Bhaggava), dịch theo ý là Ngõa sư, cũng còn gọi là Vô Bất Đạt, là tên tiên nhân tu hành khổ hạnh trong rừng. Khi Thế Tôn đang đêm trèo thành trốn đi đã đến nơi này hỏi đạo vị tiên này, nhưng tiếc là hiện không rõ học thuyết của ngài ra sao.
Bất đoạn luân (不斷輪): Chỉ tăng chúng đọc tụng kinh liên tục không gián đoạn phút giây nào trong các lễ cầu tạnh, cầu mưa ở tự viện. Hình thức là hoặc người này đọc tiếp theo người kia, hoặc giả nhóm này đọc tiếp theo nhóm kia, tuần tự tụng niệm câu chú suốt ngày nối tiếp nhau không gián đoạn.
Bất thẩm (不審) (S. 66): Tăng chúng gặp mặt chào hỏi nhau, nếu là người dưới hỏi người trên, nên nói: “Xin hỏi, Ngài có được ít bệnh ít não, đi đứng nhẹ nhàng tiện lợi chăng?”. Nếu là người trên quan tâm đến người dưới, nên nói: “Có được mạnh khỏe an lành; khất thực dễ dàng không? Chỗ đến không có những người ác; xuống nước, lên bờ không đạp phải côn trùng chứ?”. Người đời sau gọi tắt cách chào hỏi này là “Bất thẩm”.
Bí chương (祕章): tức là bí mật chú, đó là gọi chung chân ngôn Đà-ra-ni. Đà-ra-ni là chú văn bí mật trong các kinh, chỉ phiên âm mà không dịch nghĩa.
Bỉ ngạn (彼岸) (S. 183): dịch từ tiếng Phạn là Pāra, nhà Phật xem cảnh giới sanh tử là bờ bên này, xem việc thấu triệt nguồn gốc của sự sanh tử, tiến lên các cõi Phật là bờ bên kia.
Biện hương ((瓣香): lòng thành kính, ngưỡng mộ, tôn trọng rất mực.
Biện sự (辦事) từ gọi chung các chức sự trong thiền viện như: người trông coi các phòng tăng, người trông coi nhà dưỡng bệnh, tiếp khách, làm vườn, bửa củi, gánh nước, bếp núc, gặt hái v.v… đều gọi là biện sự.
Biểu (俵) (S. 84): tức Biểu tán, nghĩa là đem phẩm vật mà mỗi người được nhận chia cho họ.
Bình (瓶): trong ngữ cảnh này là cái bình loại to đựng trà để rót cho số đông tăng chúng uống.
Bỉnh cự (秉巨): Là một nghi thức cử hành trước khi di thể được hỏa thiêu. Vài người cần cây đuốc gỗ sơn màu đỏ như hình cây đuốc đang cháy, ra bộ dạng như đang châm đuốc đốt di thể, đồng thời thuyết giảng Thiền lý gọi là Phật sự bỉnh cự.
Bỉnh phất ((秉拂) (S. 30): Phất chỉ dụng cụ để lau bụi, tức cây xơ quất. Thiền sư khi thuyết pháp, tay thường cầm “Phất trần”. Các vị Đầu thủ trong Thiền lâm như Thủ tọa, Đông Tạng Chủ, Thư ký v.v… có đủ tư cách thay thế Trụ trì cầm phất trần lên pháp tòa khai thị cho đại chúng, nên gọi những vị tăng chấp sự này là “Bỉnh phất”.
Bồ-đề (菩提) S, P. bodhi. Dịch ý là giác, trí, tri, đạo. Nói theo nghĩa rộng bồ đề là trí tuệ đoạn tuyệt phiền não thế gian mà thành tựu Niết-bàn.
Bồ-đề thọ (菩提樹: S: bodhi-druma, bodhi-taru, bodhi-vrksa, hoặc viết gọn là bodhi, P: bodhi-rukkha), lại còn gọi là giác thọ, đạo thọ, đạo trường thọ, tư duy thọ, Phật thọ, là cây ở phía Nam thành Ca-da nước Ma-kiệt-đà mà đức Phật đã ngồi dưới gốc cây đó thành chánh giác. Cây này nguyên có tên gọi là bát-đa (S: asvattha), bối đa, a thuyết tha, a bái đa, dịch theo ý là cát tường, nguyên cát, tên khoa học là Fecusreligiosa, trái của nó gọi là tất-bát-la (S: pippala).
Bồ-tát giới (菩薩戒) (S. 342): giới luật của Bồ-tát Tăng đại thừa, theo Kinh phạm võng, nội dung gồm 10 giới trọng và 48 giới khinh là chỗ y cứ giới Bồ-tát.
Bổ xứ Trụ trì (補處住持) (S. 214): do vị trụ trì trước viên tịch nên suy cử vị trụ trì mới thay vào đó. Bộ sứ giả (部使者) (S.139): đời nhà Nguyên, Tuyên chánh viện hoặc Hành tuyên chánh viện giữ việc quản lý Phật giáo toàn quốc. Riêng Lễ Bộ thuộc Thượng Thư Tỉnh cũng là bộ phận phụ trách công việc của Tăng già, bộ sứ giả chỉ sứ giả do Lễ bộ sai khiến mà phái đi, chỉ sứ giả do Tuyên chánh viện hay Hành tuyên chánh viện phái đến.
Bồi thiếp (陪貼) (S.171): ngoài cơm rau, còn phụ giúp thêm những vật dụng cho Tăng già.
Bổn hoài (本懷): còn gọi là tố chí, tố hoài, tức là điều lo lắng tưởng nghĩ căn bản trong lòng mình. Như Phật và chư Bồ-tát từ xa xưa đến giờ, tâm niệm căn bản mà các ngài hằng ôm ấp là cứu độ chúng sanh ra khổi bể khổ. Pháp Hoa huyền nghĩa quyển 1 viết: “Nhưng lập danh hiệu đốn đại mà không lập nhất thừa độc diệu thì đó không phải là bổn hoài của Thế Tôn”.
Bổn tích (本迹): tức là bổn tích nhị môn, cũng còn gọi là “bổn địa thùy tích”, do ngài Trí Giả tông Thiên Thai lập ra. Bổn chỉ cho bổn địa đã thành từ lâu, còn tích là chỉ cho thùy tích mới thành, tức là chỉ thực thể và ảnh hiện. Bổn môn là nơi Như Lai thực ra đã thành đạo từ lâu lắm rồi, hiển thị bổn địa của Phật-đà. Tích môn là chỉ cho Phật-đà mới thị hiện gần đây, đây là sự phân chia 2 phần, mỗi phần 14 phẩm ở trong kinh Pháp hoa.
Bửu điện (宝殿): còn gọi là Đại Hùng bửu điện, Đại điện, Đại Phật điện, Phật điện, tức là chánh điện chùa Thiền lâm.
C
Ca-sa (袈裟: S: Kasaya, P: Kasaya) dịch theo ý là bạc màu (hoại sắc), nhiễm sắc v.v…, chỉ pháp y quấn quanh mình tăng sĩ.
Ca-tì-la-vệ 迦毗羅衛 (skt: kapilavastu; P: kapilavatthu) Thành phố sinh trưởng của đức Phật lịch sử, Tất-đạt-đa Cồ-đàm (skt: siddhārtha gautama), dưới chân Hi-mã-
lạp sơn, ngày nay thuộc nước Nepal. Ca-tì-la-vệ ngày xưa là thủ đô của dòng họ Thích-ca (skt: śākya). Ðức Phật được sinh ra tại Lam-tì-ni (skt: lumbinī) gần đó và sống thời niên thiếu tại Ca-tì-la-vệ.
Canh tường chi tư (羹牆之思): canh là canh chan cơm, còn tường là tường vách. Truyện Lý Cố trong Hậu Hán thư chép: “Xưa khi vua Nghiêu băng hà, vua Thuấn quá ngưỡng mộ vua Nghiêu, trong 3 năm ngồi thì thấy hình ảnh vua Nghiêu nơi vách tường, ăn cơm thì thấy hình ảnh vua Nghiêu trong tô canh”. Vậy canh tường chi tư là lòng ngưỡng mộ tha thiết.
Cảnh mạng hảo nhật ((景命好日): ngày tốt cảnh mạng, cảnh mạng là ngày Hoàng đế tức vị. Cảnh mạng có nghĩa là mạng lệnh lớn lao, ý nói Hoàng đế vâng theo mạng lệnh lớn lao của trời. Từ đời Nguyên về sau, chốn Thiền lâm gặp ngày rằm mỗi tháng đều phải cử hành nghi thức chúc tán tụng kinh.
Cảnh vĩ (景緯): nghĩa tương đương như cảnh tượng lớn lao.
Cao hoang (高肓): cao là chỗ dưới trái tim, hoang cũng thế. Cao hoang là chỗ ách yếu của cơ thể con người, như nói bệnh nhập cao hoang tức là bệnh nặng sắp chết.
Cáo hương (告香): là nghi thức kẻ tham học thắp hương để thỉnh cầu sư gia phổ thuyết hay khai thị Thiền lý. Trong thời gian cáo hương thì mọi chức sự trong chùa cũng như các hành giả mới đến đều đứng theo vị trí ghi trong bảng đồ gọi là cáo hương đồ.
Cáp giá (給假): cho nghỉ phép.
Cần sách (勤策) (S. 327): vị sa-di đã thọ mười giới, vì muốn lập chí trở thành một vị tăng chính thức, tự mình nỗ lực khích lệ bản thân nên gọi là Cần sách.
Cần cựu (勤舊) (S. 41): chỉ cho những vị Tăng có chức trách cũ như Tri sự, Thị giả v.v… đã thối chức trong Tùng lâm. Vì đã từng làm việc hết mình với chúng nên gọi là Cần, hiện đã thối chức nên gọi là Cựu.
Câu-hi-la-trì (拘絺羅池) là một địa danh.
Câu-lưu-tôn Phật (拘留孫佛 S. Krakucchandha-buddha, P. Kakusandha-buddha): Là đức Phật thứ tư trong bảy đức Phật ở quá khứ, vị Phật thứ nhất trong một nghìn đức Phật ở kiếp hiện tại. Còn gọi Ca-la-cư-tôn-đà Phật, Yết-lạc-ca-tôn-đà Phật, Ca-la- ca-tôn-đà Phật, Câu-lâu-tần Phật, Ca-cưu-lưu Phật, Cưu-lưu-tần Phật. Dịch ý là lãnh giữ, diệt lụy, đã dứt những điều phải dứt, thành tựu mỹ mãn. Về di tích của đức Phật này, cứ theo Cao tăng pháp hiển truyện chép thì Ấp na tỳ già cách thành Xá vệ về mạn đông nam mười hai do diên, là nơi sinh của Phật Câu-lưu- tôn, tôn, là nơi cha con gặp nhau đều cũng có dựng tháp Phật. Lại cứ theo Đại đường Tây Vực ký, quyển 6, mục kiếp-tỷ-la-phạt-tốt- đỗ quốc chép thì vua Vô-ưu (vua A-dục) có dựng cột đá trước tốt đỗ ba (tháp) Xá-lỵ của đức Phật Ca-la-ca-tôn-đà.
Câu Thi (拘尸) (S. 187): gọi tắt của từ Câu-thi-na-yết-la, là tên thành, nơi đức Phật Thích-ca Mâu-ni nhập Niết-bàn.
Chánh giác (正覺): Skt là Samyak-sambodhi, Pàli là Sammà sambodhi, ý chỉ giác ngộ chân chánh. Cũng còn gọi là chánh giải, đẳng giác, đẳng chánh giác, chánh đẳng chánh giác, chánh đẳng giác, chánh tận giác, là tiếng gọi tắt của vô thượng đẳng chánh giác tam miệu tam bồ đề.
Chánh nghiệp (正業) (S. 331): nghiệp trong sạch, thoát khổi các tà vọng. Tịnh độ tông lấy việc niệm Phật làm Chánh nghiệp.
Chánh niệm (正念) (S. 366): vứt bỏ vọng tưởng, chỉ tư duy và thể hội tính chất chân thực của Phật pháp, gọi là Chánh niệm.
Châm cơ (砧基): chỉ cho châm cơ bạ, tức là sổ sách ghi chép ruộng vườn, tài sản, thập vật của chùa.
Chân đình (真亭): là cái đình thật nhỏ treo di ảnh cố trụ trì. Hình dáng như một cái đình lớn thu nhỏ lại, có treo tùng bằng lụa mỏng, phía trước biển ngạch viết 2 chữ Chân đình. Trước chân dung đặt một bài vị, có nơi còn viết hẳn một bài tán, trong khi đưa quan tài đi hỏa thiêu thì chân đình được 2 người khiêng đi trước quan tài.
Chân tể (真宰): trời là chủ tể của muôn vật nên gọi là chân tể, nhưng trong ngữ cảnh này thì hình như từ “chân tể” là chỉ cho thần già-lam.
Chân thường (真常): là pháp chân thực thường tại, tức là cảnh giới Niết-bàn.
Chân yết thanh liễu (真歇清了)(1089~1151)Vị tăng thuộc tông Tào động đời Tống. Là pháp tự của thiền sư Tử thuần ở Đơn hà, người huyện An xương (tỉnh Tứ xuyên), họ Ung. Còn gọi là Tịch am. Mười một tuổi theo ngài Thanh Tuấn ở chùa Thánh quả xuất gia, lúc đầu học Pháp hoa. Mười tám tuổi thụ giới Cụ túc, vào chùa Đại từ tại Thành đô học kinh Viên giác, kinh Kim cương. Lần lượt lên núi Nga mi, Ngũ đài lễ bồ-tát Phổ hiền và Văn thù. Đến núi Đơn hà ở Đặng châu (tỉnh Hà nam) tham yết ngài Tử thuần, được tỏ ngộ và nối pháp ngài. Sau sư đến làm thị giả Tổ chiếu ở Trường lư. Năm Tuyên hòa thứ 3 (1121) ngài Tổ chiếu lâm bệnh, thỉnh sư nhận đệ nhất tòa. Năm Tuyên hòa thứ 4, làm chủ Trường lư. Năm Kiếm viêm thứ 2 (1128), lên núi Phổ đà lễ bồ-tát Quan Âm. Năm Kiến viêm thứ 4 vào làm chủ chùa Tuyết phong, mở mang tông phong Tào động. Năm Thiệu hưng 15 (1145) ở chùa Năng nhân hưng thánh thọ thiền, năm 21 ở Viện Sùng tiên hiển hiếu thiền. Tháng 10 năm ấy sư thị tịch, thọ sáu mươi ba tuổi, bốn mươi lăm tuổi hạ. Thụy hiệu là Ngộ không thiền sư. Viết tín tâm minh niêm cổ 1 quyển, Nhất chưởng lục. Học trò biên tập Trường lư Liễu hòa thượng kiếp ngoại lục 1 quyển.
Chấn Đán (震旦): người Ấn Độ thời xưa gọi nước Trung Quốc la¸ Cỵmisthna, được kinh điển Phật giáo dịch là Chấn đán. Sách Phiên dịch danh nghĩa tập chú thích: “phương Đông thuộc về Chấn, tức là nơi mặt trời mọc, cho nên mới gọi là Chấn đán”.
Chấp cục (執局): cơ cấu xử lý do trụ trì trực tiếp lãnh đạo các sự việc trong chùa.
Chí đại quy (至大規) (S. 303): tên của bộ thanh quy do vị trụ trì chùa Đông Lâm Lô sơn là Nhất Hàm soạn lại khoảng năm Chí Đại đời Nguyên (1308-1311CN), gọi đủ là “Thiền lâm bị dụng thanh quy”.
Chí Nguyên nguyên niên (至元元年) (S. 56): Chí Nguyên là niên hiệu của Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt. Năm đầu niên hiệu Chí Nguyên là 1279 CN.
Chích lý hiển tông (隻履顯宗): truyền thuyết được Thiền tông Trung Quốc cho là sơTổ Bồ đề-đạt-ma viên tịch chôn ở núi Hùng Nhĩ nhưng 2 năm sau thì sứ Ngụy là Tống Vân gặp ngài ở Thông Lĩnh (Pamir) vai vác gậy xỏ một chiếc dép đi thủng thẳng về Tây. Sứ về báo lại, vua Ngụy sinh nghi cho quật mồ lên thì thấy trong áo
quan chỉ còn mộ chiếc dép. Do đó về sau Thiền tông lấy từ “chích lý Tây qui” hay “chích lý” để chỉ cho Tông chỉ của Bồ Đề Đạt Ma
Chiêu công (昭公) (S. 372): thiền sư Thiện Chiêu đời Tống. Ngài họ Du, người Thái Nguyên, trụ trì thiền viện Thái Tử, chùa Thái Bình ở Phần Châu (nay là Tây Sơn, Phần Dương), ba mươi năm thuyết pháp không mệt mỏi, Ngài là bậc đạo cao đức trọng. Cả đạo lẫn đời đều cung kính ngưỡng mộ, không dám gọi tên mà gọi là thiền sư Phần Châu. Đời sau tôn xưng ngài là Chiêu Công.
Chiêu đề (招提 S. catur-diśa. P. catu-disa): Dịch âm là Chá đấu đề xá. Còn gọi là Chiên đấu đề xá. Dịch ý là bốn phương, tăng bốn phương, phòng tăng bốn phương. Tức chỉ cho nhà khách mà tăng chúng từ bốn phương (Chiêu đề tăng) đến đều có thể nghỉ lại qua đêm. Vì thế những vật chung của tăng đoàn, hoặc các vật mà đại chúng cùng có thể sử dụng được gọi là chiêu đề tăng vật, hoặc tứ phương tăng vật.
Chiến hãn (戰汗): tức là sợ đến toát mồ hôi, ở ngữ cảnh trong bài thì chỉ là từ khách sáo.
Chiết thủy ((折水): có 2 nghĩa: a- Trong tùng lâm sau khi chư tăng ăn cơm cháo xong thì đem nước rửa bát, muỗng, đũa đổ đi. b- Gọi đủ là “chiết thủy dũng”, là cái thùng đựng nước rửa bát – đũa trong Thiền lâm, lại cũng còn gọi là “khí bát thủy dũng”. Chiết nghĩa là đổ bỏ đi, tức là khi rửa bát thì miệng bát phải trút vào thùng. Theo sách “Nhập chúng tu tri” của Tông Thọ thì không được dùng nước nóng mà rửa bát muỗng. Lại khi rửa bát muỗng không được để nước rẩy ra đất, lại cũng không được để bát chạm vào thành thùng phát ra tiếng động. Trước khi rửa bát, không được giở cái khăn đậy hai đầu gối ra.
Chiếu bài (照牌) (S. 80): tấm bài ghi rõ vị trí chỗ ngồi của chúng tăng, khiến cho người vừa nhìn vào liền hiểu rõ.
Chiếu đường (照堂) (S. 55): phía sau Tăng đường trong Tùng lâm là chỗ Thủ tọa chỉ đạo, hướng dẫn Tăng chúng. Vì ở ngay sau Tăng đường, không được sáng lắm, nên đặc biệt xây dựng tương đối cao, rộng, gọi là Chiếu đường.
Chính tri kiến (正知見): là tri kiến Ba-la-mật, tri kiến của Phật, nghĩa đồng với trí huệ.
Chơn đình真(亭) (S.174): ngôi đình nhỏ để thờ di ảnh của vị tôn túc đã viên tịch trong thiền lâm, được làm bởi 4 cột trụ, 4 mái hiên. Bốn mặt treo 4 tấm rèm mỏng, trước hiên treo một bức hoành phi viết 2 chữ “Chân Đình”, trước di ảnh đặt một bài vị viết những từ ca ngợi, khi đưa di thể đi hỏa táng, bài vị được khiêng đi trước quan tài.
Chơn tể (真宰) (S. 331): trời là chúa tể của vạn vật nên gọi là chơn tể. Trong văn dường như chỉ cho năng lực có thể làm chủ tất cả sự vật trong thế gian, trên thực tế chỉ cho các vị thần trong chùa.
Chơn thường (真常) (S. 191): pháp thường trụ chơn thật, tức là cảnh giới Niết-bàn, cũng chính là chết.
Chu Chiêu Vương (周昭王): con của Kha vương, tên là Hà. Lúc bấy giờ tuần thú phương Nam đến Hán Thủy đi thuyền bị vỡ chết chìm, tại vị 51 năm, thụy là Chiêu. Năm Chu Chiêu Vương thứ 26 là năm 563 trước Tây lịch.
Chu chính Kiến Tý (周正見子)): lịch nhà Chu lấy tháng Tý làm tháng giêng, trong khi lịch nhà Hạ lấy tháng Dần làm tháng giêng, cho nên tháng chạp của lịch nhà Hạ là tháng 2 năm sau của lịch nhà Chu, do đó mới có thuyết nói Phật thành đạo vào tháng 2 là tính theo lịch Kiến Tý nhà Chu, còn tháng 12 là tính theo lịch Kiến Dần nhà Hạ nghĩa là 2 tháng là một.
Chùa Định Lâm (定林寺) ở Chung Sơn, tỉnh Giang Tô. Năm đầu Nguyên Gia đời Lưu Tống (424), Tuệ Lãm sáng lập chùa Định Lâm. Mười năm sau, Đàm-ma-mật-đa vào ở chùa này, vì chùa ở chỗ thấp liền dời đến chỗ cao để xây chùa nên có tên là chùa Thượng Định Lâm, nguyên chùa tên là Hạ Định Lâm. Từ khi xây đến nay, các bậc cao đức học rộng đến ở rất nhiều, tam tạng pháp vào đời Lương dừng lại ở đây…
Chủ giả (主者) : tức là chỉ trụ trì.
Chủ tang (主喪) (S.167): người chủ trì việc tang lễ.
Chủ tang nhân (主喪人): người được mời chủ trì lễ tang của trụ trì qua đời.
Chủ vị (主位): nếu ngôi nhà quay mặt về hướng Nam thì phía đông (tức phía tay trái) là chủ vị, và phía Tây (tức phía tay phải) là tân vị. Vậy, tuỳ theo hướng ngồi mà định vị trí.
Chúc hương (祝香): trong tùng lâm, lúc thượng đường chúc thọ Hoàng đế hay chúc Phật giáng đản, trước khi thuyết pháp thì trụ trì phải đốt hương để biểu thị lòng thành kính cầu chúc. Bài văn đọc lúc chúc hương gọi là chúc hương văn.
Chúc lụy (囑累): chúc tức là phó chúc, phó thác, trao dặn. Lụy tức là gánh vác phiền lao, nghĩa là đem công việc khó nhọc giao phó cho người khác gánh vác. Trong Thiền tông, đem đại pháp của Phật và Tổ truyền trao lại cho đệ tử đời sau, khiến hộ trì gọi là chúc lụy.
Chúc Thánh (祝聖) (S.130): vị tăng ở chùa đốt hương cầu phước cho các hoàng đế của triều đại hiện tại. Việc này rất thịnh hành vào thời nhà Nguyên, vì thiền lâm thời nhà Nguyên cho rằng ân đức của triều đình đối với Phật giáo rất lớn, nên chúng tăng phải hết lòng báo ân.
Chung (鐘): chữ chung trong ngữ cảnh này là chỉ đại hồng chung.
Chủng trí (種智): là tiếng gọi tắt của
“nhất thiết chủng trí” (一設種智), tức là trí huệ của Phật biết tất cả các chủng loại pháp. Theo Trí độ luận thì chỉ có Phật mới có nhất thiết chủng trí, còn Thanh văn và Duyên giác chỉ có tổng nhất thiết trí.
Chuyên sứ (專使): sứ giả chuyên biệt đem di thư hay cà-sa của trụ trì sắp hay vừa qua đời đến thông báo tại các chùa khác.
Chuyển luân vương ((轉輪王; Skt: Cakra-varti-àjan, P: raja- cakkhavattin): còn gọi là Chuyển Luân Thánh vương, Chuyển Luân Thánh đế, Luân vương, Phi Hành Chuyển Luân đế, Phi Hành Hoàng đế, ý chỉ là vua quay tròn luân bảo là một loại chiến xa. Vương nắm giữ 7 báu là luân, tượng, mã, châu nữ, cư sĩ, chủ binh thần, gồm đủ 4 đức (trường thọ, không tật bệnh, dung mạo đẹp đẽ, bửu tàng long phú), thống nhất 4 châu quanh núi Tu-di, lấy chánh pháp ngự thế, đất nước giàu có, nhân dân an lạc.
Chư bộ (諸部): chỉ tất cả học thuyết của các phái trong nội bộ Phật giáo và các loại điển tịch đại biểu cho học thuyết các phái.
Chư sơn (諸山) (S. 25): chỉ các Tự viện, khác bổn tự.
Chứng (證): dùng tâm trí để đạt đến chân lý của Phật giáo.
Công giới (公界): giới hạn công cộng, từ đó dẫn đến nghĩa như chỗ công cộng, chỗ công chúng, chuyển nghĩa rộng hơn chỉ tài sản chung của tập thể.
Công môn (公門): chỉ công đường của quan lại, nơi phân xử việc kiện cáo.
Cộng nghiệp (共業): đó là nghiệp nhân mà chúng sanh cộng thông, có thể chiêu cảm mình và kẻ khác cùng chung thọ dụng núi sông đất đai, mưa nắng v.v… các thứ trên thế giới, đó là nghiệp y báo vậy. Ngược lại, nghiệp nhân mà mỗi cá nhân có thể chiêu cảm cho cá nhân mình thọ dụng, là nghiệp chánh báo ngũ căn thì gọi là bất cộng nghiệp.
Cổ xướng (估唱) (S.159): đem những di vật của vị tăng đã viên tịch ra xử lý giữa chúng tăng, trước hết định giá chúng gọi là Cổ y, rồi nêu giá cả của từng vật để chúng tăng mua gọi là Xướng y, hộp cả hai việc gọi là Cổ xướng.
Cù-dàm (瞿曇; Skt, P: Gautama, Gotama) là một họ trong chủng tộc Sát-đế-lợi, là dòng dõi của tiên nhân Cù-đàm, tức là họ gốc của Thế Tôn, dịch theo ý là đạt thật tốt, bùn đất, ám ngưu, diệt ác. Lại còn riêng gọi là Nhật chủng, Cam Giá chủng (giống dòng mía).
Cung đầu (供頭): tức là hành giả cung đầu có trách nhiệm sớt thêm cơm canh, bưng trà quả phục vụ cho đại chúng trong bữa thọ trai tại chùa Thiền lâm.
Cung đầu hành giả (供頭行者): Còn gọi: Cung quá hành giả. Gọi tắt: Cung đầu, cung tư. Người chuyên coi về việc phân phối cơm canh, trà quả và việc đốt đèn, sắm đặt hương hoa, đánh chuông trong Tăng đường, Phật đường và Từ đường. Từ ngữ Cung quá, chỉ cho chức làm việc ở Quá đường.
Cúng dường (供養): thông thường thí chủ đem tài vật cúng dường bố thí giúp cho tăng chúng an tâm tu học gọi là cúng dường. Trong ngữ cảnh bài này thì từ “cúng
dường” chỉ cho hương hoa, trà quả, cơm cháo, trà thang, tư tài, bày cúng tại miếu từ đường thờ tổ tông thí chủ kiến tạo chùa ở tự viện Thiền tông.
Cử ai (舉哀) : trong buổi tế lễ thầy qua đời có nghi thức người tế sau khi đọc xong tế văn khóc rống lên ba tiếng “Ai! Ai! Ai!” (Đau buồn quá! Đau buồn quá! Đau buồn quá!) gọi là cử ai.
Cử dương (舉揚) (S. 26): Cử có nghĩa là nêu ra, nêu lên; Dương nghĩa là xiển dương, truyền bá giáo nghĩa Phật giáo. Hộp hai chữ Cử và Dương lại chỉ cho việc nêu ra công án, ra sức xiển dương.
Cử thoại (舉話): nêu lên chuyện cũ trong Thiền lâm, thường là công án để mở đầu cho buổi thuyết pháp, còn gọi là cử dương. Cử là đề xuất, đề khởi, còn dương là xiển phát giáo nghĩa Phật giáo. Vậy cử thoại hay cử dương là đề xuất công án vậy.
Cứ tọa (據坐): ngồi vào chỗ mà nghi thức qui định sẵn tùy theo hoàn cảnh lễ tiết.
Cửu hữu (九有) (S. 315): còn gọi là Cửu cư, chỉ ba cõi mà chúng hữu tình thích cư tru, đó là: 1. Người và sáu từng trời trong cõi dục; 2. Cõi trời Sơ thiền; 3. Cõi trời Nhị thiền; 4. Cõi trời Tam thiền; 5. Cõi Vô tưởng thiên trong Tứ thiền; 6. Cõi trời Không xứ; 7. Cõi trời Thức xứ; 8. Cõi trời Vô sở hữu xứ; 9. Cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Cửu thành (九成): Nhạc được chia làm chín thành hay chín chung, mỗi chung là một khúc, tức là gồm chín khúc nhạc hay chín lần trổi nhạc.
D
Dã hống (野汞): trong thuật luyện kim, loại trừ hết các chất dã hống, tức là tạp chất, gọi theo bình dân là cứt vàng để lấy vàng ròng.
Danh đức (名德) (S. 25): vị Tỳ-kheo có danh tiếng lớn, đức hạnh cao.
Danh đức Thủ tọa (名德首座) (S. 284): chức vụ của Tăng trong Thiền lâm, chọn những người có uy tín, đức hạnh trong các Thủ tọa đảm nhận chức vụ này.
Danh thắng (名勝): cùng nghĩa với “danh đức” tức bậc cao tăng danh cao, đức trọng.
Dẫn tòa (引座) (S. 26): trong Thiền lâm gọi việc giới thiệu người khác với thính chúng khi thăng tòa thuyết pháp, hướng dẫn người khác là Dẫn tòa.
Dẫn tòa cử dương (引座舉揚): trụ trì hướng dẫn trụ trì chùa bạn lên pháp tòa giới thiệu với thính chúng để vị này thuyết pháp, xiển dương Phật lý.
Dẫn thỉnh xà-lê ((引請闍黎): Trong lễ thọ giới sa-di ở Thiền lâm, dẫn thỉnh xà-lê phụ trách việc dẫn đạo và giáo thọ các sa-di.
Di giá (椸架): tức là cái giá để treo móc y.
Di giá quải đáp đạo cụ (椸架掛道具): giá bằng cây để chư tăng treo móc đạo cụ.
Di giáo (遺教): chỉ giáo pháp mà Phật và các Tổ lưu lại cho đời sau, hoặc riêng chỉ giáo pháp mà đức Phật lúc sắp bát Niết-bàn thuyết giảng. Kinh Di giáo do ngài Cưu-ma-la-thập đời Hậu Tần dịch, 1 quyển, gọi là “Phật thùy Bát Niết-bàn lược thuyết giáo giới kinh”, “Di kinh”, “Phật lâm Niết-bàn lược giới kinh”, “Lược thuyết giáo giới kinh”, “Phật di giáo kinh”.
Di giáo viễn tôn (遺教遠孫): di giáo là chỉ giáo pháp mà Phật hay Tổ để lại cho đời sau, cũng gọi là di pháp, di giới, di huấn, di cáo, di hóa. Phật giáo là giáo pháp do đức Thích-ca Mâu-ni tuyên thuyết để lại cho đời sau, cho nên Phật giáo cũng còn gọi là di giáo của đức Thích Ca. Vậy di giáo viễn tôn là lời trụ trì khiêm xưng, tự nhận mình là con cháu xa của giáo pháp đức Phật để lại hay của Phật giáo vậy.
Di khám (移龕): sau khi liệm thây vào quan tài 3 ngày, khiêng quan tài dời đến pháp đường. Tại pháp đường tiếp tục tụng kinh thì gọi là Phật sự di khám.
Di mặc (遺墨): tức là những thứ giấy tờ, công văn, thư trác do cố trụ trì để lại.
Di quỹ (遺軌): quỹ là vết bánh xe, vậy di quỹ là dấu vết người xưa để lại.
Dị duyên ((異緣): chỉ cho việc làm không chuyên ý, lòng mãi nghĩ ngợi lan mang chuyện đâu đâu.
Dị nhân ((異人): hàm ý chỉ dị quốc nhân tức người nước lạ. Thời xa xưa ở Trung Quốc do cách trở về địa lý lại khác xa về hình thù (da đen, râu ria xồm xoàm) nên người Ấn Độ bị gọi là dị quốc nhân, về sau chỉ gọi tắt là dị nhân.
,Diêm-phù ((閻浮): gọi đủ là diêm-phù-đề, là ý dịch từ Skt là jambu-dvipa, còn gọi là diêm-phù-lợi, chiêm-bộ-đề v.v…, tức Nam diêm-phù-đề, Nam thiệm bộ châu, là trái đất mà chúng ta đang ở vậy.
Diên thực (涎埴): nghĩa là nhồi nặn. Thiên “Tính ác” trong sách Tuân Tử chép: “Cố đào nhân diên thực nhi vi khí”, có nghĩa là “Cho nên người thợ gốm nhồi nặn đất mà làm thành đồ dùng”.
Diên thọ đường (延壽堂): Ngôi nhà trong Thiền lâm dành cho các vị tăng đau ốm nằm điều trị và tịnh dưỡng. Từ ngữ “Diên thọ đường” hàm ý mong cầu kéo dài tuổi thọ của sắc thân để tiếp nối tuệ mệnh của pháp thân. Cũng gọi Diên thọ viện, Diên thọ liêu, Tương tức liêu, Tỉnh hành đường, Trọng bệnh lư (các), Niết-bàn đường, Vô thường viện (đường). Trong đó, tên gọi “Tỉnh hành đường” lấy ý là luôn luôn tỉnh thức quán xét hành khổ để phát khởi bi trí.
Diệu giác (妙覺): là một trong 52 giai vị tu hành của Bồ-tát Đại thừa, chỉ Phật quả cứu cánh của giác hạnh viên mãn, cho nên cũng là tên gọi riêng của Phật quả, lại cũng còn gọi là diệu giác địa. Đạt tới diệu giác này thì sẽ đoạn tận tất cả mọi phiền não, trí huệ được viên diệu, là lý giác ngộ Niết-bàn.
Du-già luận (瑜伽論): là tiếng gọi tắt của Du Già Sư Địa luận do Bồ-tát Di Lặc nói và được Vô Trước ghi nhớ chép lại, là điển tịch tối trọng yếu của Pháp tướng tong
Du phương ((遊方): chỉ cho tăng nhân vân du bốn phương, còn gọi là hành cước hay vân thủy.
Dục chủ (浴主) Người trông coi nhà tắm. Cũng gọi Tri dục, Dục tư. Chức vụ trông nom nhà tắm trong thiền lâm, một trong sáu vị đứng đầu tây tự trong thiền lâm. Đến giờ tắm, Dục thủ phải treo thẻ khai dục ở trước nhà trai và sắp đặt trong nhà tắm, xem xét củi, lửa, than v.v… Dưới quyền có vị Dục đầu hành giả giúp đỡ.
Dục đầu (浴頭) (S. 236): hành giả lo việc cung cấp nước nóng ở nhà tắm trong thiền lâm.
Dục Phật (浴佛): Nghi thức tắm Phật, cũng còn gọi là Quán Phật, tức để kỷ niệm ngày đản sanh của Phật, nhà chùa cử hành nghi thức pháp hội tụng kinh, trong đó có tắm tượng Phật. Theo truyền thuyết sau khi Phật đản sanh thì trời trút nước thơm xuống tắm rửa cho Ngài, căn cứ vào truyền thuyết này, ngày mùng 8 tháng 4 các chùa cử hành pháp hội tắm Phật, dùng hoa cỏ làm một hoa đình, trong đình này thiết trí tượng Phật đản sanh, dùng nước nấu thơm, nước trà ngon, và nước 5 màu, xối từ đầu xuống chân tượng Phật đản sanh để tắm.
Dục Phật kệ (浴佛偈): Kệ đọc lúc tắm Phật theo kinh Dục Phật công đức chép: “Trong nghi thức tắm Phật, khi xối nước thơm từ đầu tượng Phật xuống đến chân, duy-na tuyên sớ xong, cao giọng đọc kệ tắm Phật, nguyên văn có khác Sắc tu Bách Trượng thanh qui đôi chút.
Dục Thánh (浴聖): là nghi thức chùa Thiền tông tắm rửa cho tượng Thánh tăng.
Dục Vương (育王) (S. 64): gọi tắt tên chùa A-Dục vương, nay tại Ninh Ba, Triết Giang..
Duệ toán thiên thu (睿算千秋): duệ là cực sáng suốt, thánh triết. Vậy 4 chữ trên có ý chúc Hoàng thái tử thông minh, sáng suốt trường thọ ngàn năm.
Duy-ma kinh (維摩經; Skt: Vimalakirti-nirdesa). Duy-ma (Skt: Vimalakirti), dịch theo âm là Tì-ma-la-cật-lợi-đế, Tì- ma-la-cật, Duy-ma-cật, Vô cấu xưng, Tịnh Danh, Diệt Cấu Minh, đệ tử tại gia của đức Phật Đà, là trưởng giả của thành Tỳ-xá-ly ở Trung Ấn. Tuy là tục lữ nhưng ngài rất tinh thông Phật pháp. Kinh Duy-ma gồm 3 quyển – 14 phẩm do Cưu- ma-la-thập đời Diêu Tần dịch, lấy Duy-ma-cật vừa nói trên làm chủ giáo. Duy-ma-cật thường kêu bệnh nhưng nói bệnh của ta là vì “chúng sanh bệnh nên ta bệnh”.
Duy-na (維那): Duy-na là từ đôi gồm cả hai loại tiếng Phạn và Hán nhập lại: Duy tiếng Hán là cương duy, nghĩa là cái giềng lưới, diễn rộng nghĩa ra là thống lý, tức là quản lý tất cả mọi việc. Na là từ gọi tắt của tiếng Phạn Karma-dàna, dịch âm là Yết-ma-đà-na, dịch theo ý là thọ sự (授事), có nghĩa là đem tất cả mọi tạp sự giao
phó cho người thi hành. Duy-na cũng còn gọi là đô duy-na, xưa gọi là duyệt chúng, tự hộ, là chức tăng thống lý mọi tạp sự của tăng chúng trong chùa.
Duy-na tri hội (維那知會): viết tắt của duy-na tri sự hội, nghĩa là duy-na và tri sự hội họp bàn bạc.
Dược Sư hiệu (藥師號): tức 7 tên hiệu của Dược Sư Phật, đó là: 1- Thiện Xưng Danh Cát Tường Vương Như Lai. 2- Bửu Nguyệt Trí Nghiêm Âm Tự Tại Vương Như Lai. 3- Kim Sắc Bửu Quang Diệu Hạnh Thành Tựu Như Lai. 4- Vô Ưu Tối Thắng Cát Tường Như Lai. 5- Pháp Hải Lôi Âm Như Lai. 6- Pháp Hải Huệ Du Hí Thần Thông Như Lai. 7- Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Trong 7 danh hiệu này thì 6 danh hiệu đầu là phân thân của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai.
Dược thạch (藥石) (S. 42): còn gọi là Dược thực, là một ẩn ngữ của Thiền lâm, ngầm chỉ cháo buổi chiều. Theo luật nhà Phật quy định quá ngọ không được ăn, nhưng có một số tăng nhân già yếu lại bị bệnh nên luật thông cảm cho ăn cơm buổi chiều coi như đó là dược thạch (thuốc men) để trị bệnh. Về sau, người không bệnh cũng được ăn thêm buổi chiều và gọi bữa cơm đó là dược thạch.
Dương dương (洋洋): mênh mang như biển cả.
Dương đức (陽德): là dương khí, tức là khí mặt trời. Sách Chu lễ tông quan đại tông bá viết: “Lấy các thực vật do đất sản sanh làm dương đức, dùng hòa lạc mà phòng chừng”. Chữ dương đức trong ngữ cảnh bài Nhật thực này chỉ khí mặt trời.
Dương kỳ Phương Hội (楊岐方會): là Tổ khai sáng phái Dương Kỳ thuộc tông Lâm Tế đời Tống, đệ tử nối pháp của Thiền sư Thạch Sương Sở Viên, trụ ở Thiền viện Phổ Thông núi Dương Kỳ, thị tịch vào năm đầu niên hiệu Hoàng Hựu, thọ 54 tuổi.
Dương Ức (楊億) (S. 62): một học giả nổi tiếng đời Bắc Tống, người Phố Thành, Kiến Châu (nay là huyện Phố Thành, tỉnh Phúc Châu), sinh vào năm 974 CN, mất vào năm 1020 CN. Vào thời Tống Chân Tông, ông đảm nhiệm chức Hàn Lâm Học Sĩ, trước tác “Cổ Thanh Qui tự”.
Đ
Đái hành tăng hành (帶行僧行): là các tăng nhân mà người chủ tang mang theo từ chùa nhà đến chùa có tang để phục thị cho mình.
Đái hành tri sự (帶行知事): là tri sự mà trụ trì mang theo mỗi khi ra khổi chùa đi đến nơi nào.
Đại bi chú (大悲咒; Skt: Mahakarunikacitta dharani), lại cũng gọi là Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm Bồ-tát đại thần chú, Quảng đại viên mãn vô ngại đại bi tâm Đà-ra-ni. Đại bi tâm Đà-ra-ni, tức đại chú biểu thị công đức nội chứng của thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm Bồ-tát. Toàn văn của chú này gồm 84 câu, đọc chú này được sanh vào 15 thiện sanh, không phải chịu 15 ác tử. Hơn nữa, tụng chú này 108 biến thì mọi phiền não tội chướng cho đến tội nặng ngũ nghịch đều tiêu trừ mà thân – khẩu – ý cũng được thanh tịnh.
Đại Châu (大珠): tăng nhân đời Đường tên Huệ Hải, pháp tự của Mã Tổ Đạo Nhất, từng soạn quyển “Đốn ngộ nhập đạo yếu môn luận”. Nhân vì Mã Tổ Đạo Nhất khen Huệ Hải là viên ngọc tròn sáng (Viên Minh) nên đời gọi ngài là Hòa thượng Đại Châu.
Đại chúng (大眾) (S. 24): dịch nghĩa của tiếng Phạn Mahàsamgha. Trong kinh thường chỉ cho tất cả Thánh Hiền, trừ Đức Phật. Trong Thiền lâm thường chỉ cho tất cả Tăng chúng, trừ Trụ trì và Lưỡng tự.
Đại dạ (大夜): đêm cuối cùng quàn quan tài tại chùa để qua sáng hôm sau là đưa đi hỏa táng.
Đại định (大定; P: mahaggata-samadhi): đối với tiểu định của dục giới mà nói thì bổn định thiện căn hữu lậu của sắc giới và vô sắc giới là đại định. Lại chỉ cho một trong tam đức của Phật là đại định, đại trí, đại bi. Tâm Phật trong sáng gọi là đại định.
Đại đức (大德): nguyên là tiếng gọi đức Phật trong các kinh Phật, sau chuyển nghĩa chỉ cho tăng nhân đạo cao đức trọng, còn ở Việt Nam ta thì chuyển nghĩa chỉ cho bậc tu sĩ thấp đứng sau cương vị Thượng tọa.
Đại Hân (大訴) (1284-1344) Vị thiền tăng phái Đại Tuệ thuộc tông Lâm Tế sống vào đời Nguyên. Người Giang châu, họ Trần, tự Tiếu ẩn. Sư xuất gia từ thuở nhỏ ở viện Thủy lục tại quận nhà. Lớn lên, sư thông suốt cả nội và ngoại học. Mới đầu sư tham vấn ngài Nhất sơn liễu vạn ở chùa khai tiên tại Lư sơn, không hộp. Sau đến học ngài Hối cơ nguyên hi ở núi Bách trượng và được nối pháp. Sau đó, sư lại tham yết ngài Trung phong minh bản ở núi Thiên mục. Về sau, sư từng trụ trì các ngôi chùa danh tiếng như: Giang tâm ở Vĩnh gia, Linh ẩn ở Tiền đường v.v…, người đến tham học rất đông, cực thịnh một thời. Vua Văn tông thỉnh sư vào cung hỏi đạo và ban hiệu: Quảng chi toàn ngộ đại thiền sư. Vua Thuận đế đãi ngộ sư rất trọng hậu và xin sư sửa chữa Bách trượng thanh quy. Năm Chí nguyên thứ 2 (1336), sư được ban cho hiệu là: “Thích giáo tông chủ”, trông coi năm chùa. Năm Chí nguyên thứ 4 sư tịch, thọ sáu mươi mốt tuổi. Tác phẩm có: Tứ hoại ngữ lục, Bồ thất tập, đồng thời sửa lại Sắc tu Bách trượng thanh quy 8 quyển.
Đại Huệ Thiền sư (大惠禪師) (S. 63): đáng lẽ là Đại Huệ Thiền Sư (大慧禪師), tên Tông Cảo, tự Đàm Hối, hiệu Diệu Hỷ. Vào thời vua Cao Tông và Hiếu Tông đời Nam Tống, Ngài được sắc phong làm trụ trì chùa Kính Sơn–Hàng Châu, giáo hóa rất nhiều đồ chúng. Sau khi viên tịch Ngài được ban hiệu Phổ Giác, sau đổi lại là Đại Huệ. Trước tác gồm có 30 quyển ngữ lục, được đưa vào Đại Tạng Kinh.
Đại Nguyên quốc tự (大元國字): chỉ chữ quốc gia của nhà Đại Nguyên, tức là chữ Mông Cổ. Tuy nhiên trong thời gian cai trị Trung Quốc, cũng như nhà Đại Thanh, nhà Nguyên chủ yếu cũng chỉ dùng chữ Hán mà thôi.
Đại Phật bửu điện (大佛宝殿): cũng còn gọi là Đại Hùng bửu điện, là điện thờ tượng Phật thật to, tức chánh điện.
Đại Quan nguyên niên (大觀元年): năm đầu niên hiệu của Tống Huy Tông (1107).
Đại triển tam bái (大展三拜): cũng còn gọi là lưỡng triển tam bái, là lễ tiết bái kiến sư phụ hay bậc tôn trưởng trong chùa Thiền lâm. Cách thể hiện cụ thể như sau:- Trước hết trải tọa cụ chuẩn bị lạy. Nếu sư gia ngăn lại miễn lễ thì gấp tọa cụ lại, cúc cung kể lể sự tình: đó là nhất triển.- Lại biểu thị tư thế trải tọa cụ lần thứ 2. Lại bị ngăn lại thì cũng lại biểu thị tư thế gấp tọa cụ lại, kể chuyện nóng lạnh xã giao tâm tình: đó là lưỡng triển.- Sau cùng lấy tay cầm tọa cụ đó gấp lại giập xuống đất 3 cái biểu thị trí ý lạy 3 lạy: đó là hoàn thành 2 lần trải tọa cụ, 3 lần lạy vậy.
Đại xuyên (大川) đàm châu đại xuyên thiền sư 潭州大川禪師
Đàm hoa ((曇花; Skt: va-udumbara, P: udumbara) gọi đủ là Ưu-đàm-bát-la hoa, cũng còn gọi là ưu-đàm-ba hoa, ưu-đàm hoa v.v… ý dịch là không thoại hoa, không khởi hoa. Theo Tuệ Châu âm nghĩa quyển 8 thì đây là hoa thiêng mà trên trời – dưới đất không có, đây là loài hoa sở cảm điềm lành rất linh dị, khi nào có Như Lai hạ sanh thì mới cảm được loài hoa này xuất hiện.
Đàn-na (檀那((S. 56): tức Đàn Việt, còn dịch là Đà Na. Đàn thiên, kích (chiết) tiểu, thán đại, bao viên [彈偏擊( 折) 小歎大褒圓]: gọi tắt là đàn thiên, chiết (kích) tiểu. Đàn hàm ý là đàn xích, bài xích. Thiên có nghĩa là giáo pháp thiên lệch quyền tạm, chứ không phải viên dung cứu cánh. Chiết hàm ý là bẻ gãy, tiểu là chỉ cho Tiểu thừa giáo, hoặc giáo thuyết hay tư tưởng nông cạn hẹp hòi. Thán tức là xưng thán, khen dồi. Đại là chỉ cho Đại thừa giáo, hoặc tư tưởng hay giáo pháp sâu rộng viên dung không thiên lệch. Bao tức là khen lao. Viên là chỉ cho viên giác. Thiên Thai tông đem một đời thuyết pháp của Phật Đà chia ra 5 thời, tám giáo. Năm thời là Hoa Nghiêm thời, Lộc Uyển thời, Phương Đẳng thời, Bát Nhã thời và Pháp Hoa Niết Bàn thời. Thiên Thai tông cho rằng đặc điểm của Phương Đẳng thời là ở “đàn thiên, chiết (kích) tiểu, thán đại, bao viên”, nói chung là bài xích tính cách thiên lệch nông cạn chẳng rốt ráo của tam giáo “Tạng – Thông – Biệt” mà khen dồi diệu nghĩa thâm sâu viên dung của Viên giáo.
Đàn tràng (壇場): có 2 nghĩa: a/ Chỉ cái đàn mà Phật gia lập ra để làm lễ, thuyết giáo pháp. b/ Mạn-đồ-la của Mật giáo, nghĩa như đạo tràng (Skt: mandala). Trong ngữ cảnh bài Kỳ đảo này thì đàn tràng có nghĩa thứ nhất.
Đàn việt (檀越) (S. 28): dịch nghĩa của tiếng Phạn Danapati, còn dịch là Thí chủ, dịch âm Đà-na-bát-để, chỉ cho tín đồ cư sĩ cúng thí tài vật và thức ăn cho tự viện hoặc tăng chúng, nhờ thế mà vượt qua khổ đau.
Đán quá (旦過): là từ gọi tắt của đán quá liêu, tức là liêu xá mà chùa Thiền lâm cung ứng cho tăng du phương chỉ ghé tham quan chùa trong đôi ngày rồi ra đi, chứ không dừng trụ lâu
Đán vọng (旦望) (S. 23): theo Am lịch, ngày đầu tiên của mỗi tháng gọi là Sóc nhật, còn gọi là Đán; ngày 15 gọi là Vọng. Đán vọng tức là ngày mồng 1 và 15 âm lịch, còn gọi là Sóc vọng.
Đao Lợi thiên (忉利天;; Skt: Trayastrimsa, P: Tavatimsa), dịch theo âm là Đa-la-dạ-đăng-lăng-xá, lại cũng gọi là cõi trời 33. Trong vũ trụ quan của Phật giáo thì trời này ở tầng thứ 2 trong 6 tầng của Dục giới, là cõi trời mà Đế Thích cư ngụ, tọa lạc trên đỉnh núi Tu-di.
Đào thải đệ tử (淘汰第子): đào thải nghĩa là đuổi bỏ, gột rửa. Đào thải đệ tử chỉ cho việc dùng tư tưởng Đại thừa để gột rửa các chấp pháp tu Thanh văn Tiểu thừa của đệ tử để tu Đại thừa.
Đảo nhương (禱禳): nghĩa cũng như kỳ đảo, tức là cúng kiếng cầu xin trời Phật gia hộ cho tai qua nạn khổi.
Đạo, lộ (道,路): trong ngữ cảnh ở bài thiên thu tiết này, thì 2 từ đạo và lộ là chỉ 2 đơn vị địa lý hành chính, tùy thời có cương vị và bề thế khác nhau, đại khái theo thứ tự huyện – đạo – lộ. Nhà Đường chia nước làm 10 lộ đạo, bốn phía của một khu vực lớn chia ra Đông – Tây – Nam – Bắc lộ.
Đạo Nhất (道一) (709-788) Thiền tăng nổi tiếng đời Đường, họ Mã, tên Đạo Nhất, hoặc được gọi “Mã Tổ Đạo Nhất”, người huyện Thập Phương, Hán Châu (nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên) Trung Quốc. Sư xuất gia nơi Hoà thượng Đường ở Tứ Châu, thụ giới cụ túc nơi luật sư Viên ở Du Châu. Sư tập thiền ở viện truyền pháp tại Hành sơn, thờ Thiền sư Hoài Nhượng làm thầy, theo hầu suốt 10 năm, được truyền tâm ấn. Sư đến ngọn núi Phật Tích ở Kiến Dương, Lâm Xuyên, núi Cung Công ở Nam Khang để hoằng truyền thiền pháp. Khoảng niên hiệu Đại Lịch (766-779), sư ở chùa Khai Nguyên tại Chung Lăng, học giả bốn phương vân tập, là 1 trong những trung tâm truyền bá thiền pháp lớn nhất trong nước thời ấy. Chủ trương: “Ngoài tâm không có Phật nào khác, ngoài Phật không có tâm nào khác”. Thuỵ hiệu: Đại Tịch Thiền sư.
Đạo tràng ((道場): bao hàm nhiều nghĩa, trong ngữ cảnh bài này là chỉ tên riêng của tổng tự viện.
Đạt-ma (達磨) (S. 17): gọi đủ là Bồ-đề-đạt-ma (skt: Bodhidharma), dịch ý là Đạo pháp. Trong đó Ma (磨) còn dịch là Ma (摩). Vị tăng người Nam Thiên Trúc (nay là miền Nam Ấn Độ) đến Quảng Châu bằng đường biển, vào cuối đời Tống thuộc Nam Triều (có thuyết nói là vào thời Lương Vũ Đế). Sau chuyển đến Bắc Ngụy, vân du các nơi như Lạc Dương, Tung Sơn v.v… và truyền bá thiền học, đề xướng ra phương pháp tu hành lý nhập và hành nhập. Về sau truyền trao y, pháp cho Huệ Khả. Thiền tông đời sau tôn Ngài làm Tổ thứ 28 của Thiền tông Tây Thiên Ấn Độ, đồng thời là sơ Tổ của Thiền tông Đông Độ Trung Hoa. Vua nhà Đường ban cho Ngài thuỵ hiệu là Viên Giác Thiền Sư.
Đặc vị vị (特為位): người ngồi đối diện với vị trụ trì buổi lễ (thường là vị phương trượng) gọi là đặc vị vị.
Đâu Suất thiên ((兜率天): Đâu Suất (Skt: Tusita, P: Tusita), tên Tây Tạng là Dgah-ldan. Cũng còn gọi là Đô Suất thiên, Đô Thuật thiên, Đâu Suất Đà thiên, Đâu Suất Đa thiên v.v… dịch theo ý là Tri Túc thiên, Diệu Túc thiên, Hỉ Túc thiên, Hỉ Lạc thiên, là tầng trời thứ tư của 6 tầng trời trong cõi Dục.
Đầu thủ (頭首)): là chức vụ chủ yếu của Tây tự trong chùa Thiền lâm, mà nhiệm vụ chính là thống lý đại chúng, nói rõ hơn 6 vị lãnh đạo bên Tây tự là thủ tọa, thư ký, tạng chủ, tri khách, dục chủ, khố đầu; gọi chung là lục đầu thủ.
Đế hộp tế ((禘祫祭): tế đế và tế hộp. Tế đế có 3 loại là thời đế – ân đế và đại đế. Thời đế là tế theo 4 mùa trong năm, mùa xuân tế dược, mùa hè tế đế, mùa thu tế thường, mùa đông tế chưng. Tế hộp là hộp chung tiên tổ thân sơ, gần xa mà tế.
Đế sư (帝師): nghĩa đen là thầy Hoàng đế, là tên chức quan thống lãnh tăng ni trong thiên hạ của nhà Nguyên. Năm đầu Nguyên Thế Tổ Chí Nguyên (1254) sắc phong cao tăng Bát Tư-ba của phái Tát-già Phật giáo Tây Tạng (Tạng văn là Sa- skya-pa) làm quốc sư thống lãnh Tổng Chế viện (sau đổi lại là Tuyên Chính viện) sự. Đến năm thứ 7 đời Chí Nguyên [có thuyết nói năm đầu Trung Thống (1260)] thăng hiệu Đế sư thống lãnh 2 quyền to của Tây Tạng là Chính và Giáo. Về sau, hễ nói đến chức Đế sư là thống lãnh Tuyên Chính viện sự, trật ngang nhất phẩm, được ban cho ấn ngọc. Đế sư chứng nhận đăng quang nên mới nói là trên cả vua, đến cuối đời Chí Nguyên mới phế bỏ chức này.
Đế thích (帝釋): gọi đủ là Đế Thích thiên (skt: Sakra Devanam-Indra), dịch theo âm là Thích Già-đề-hoàn Nhân Đà-la, gọi tắt là Thích Đề-hoàn Nhân, Thích Già-đề-bà. Lại cũng gọi là Thiên Đế Thích, Thiên chủ, hoặc Nhân-đà-la, Kiều-thi-già, Dà-bà-dà v.v… nguyên là vị thần của Ấn Độ giáo, về sau gia nhập Phật giáo tu hạnh bố thí phước đức được sanh lên cõi trời Đao-lợi, làm chúa tầng trời 33.
Địch nghiệp ((敵業) (S. 367): Địch có hàm nghĩa chống lại, triệt tiêu. Địch nghiệp giống như nói chống lại hoặc tiêu trừ nghiệp chướng.
Điểm thang (點湯) (S.80): nghi thức dâng nước uống trong Thiền lâm, như nước nấu từ gạo, bảy loại hương v.v...
Điền y (田衣) (S. 336): tên khác của ca-sa, hình dáng y ca-sa được cắt theo chiều ngang, dọc; không thừa không thiếu giống như thửa ruộng nên gọi là Điền y.
Điển tọa (典座) chức vụ của vị tăng phụ trách việc ăn uống của đại chúng trong tùng lâm, là một trong sáu vị tri sự thuộc Đông tự. Chức vụ này tuy lo việc ăn uống lặt vặt, nhưng từ xưa đã rất được coi trọng và thường thỉnh cử vị tăng đức hạnh cao khiết đảm nhiệm. Bởi vì công việc này cũng là một phương pháp tu trì, nếu giao cho một người không có tâm đạo phụ trách thì chỉ luống công vô ích.
Điện hạ (殿下): nghĩa đen là dưới điện. Hoàng thái tử cư trú tại điện các, khi giao tiếp với thái tử thì mọi người gọi ngài là điện hạ, ý khiêm nhường tôn kính là mình chỉ dám nói chuyện với phía dưới điện, chân điện chứ không dám tiếp xúc trực tiếp. Đây cũng là ý tôn xưng ở các từ bệ hạ, các hạ. Điện hạ tiếng Pháp gọi là Son Excellence. Định (定) (S. 365): chỉ thiền định. Thông qua sự tinh cần tu tập khiến cho tâm an trú vào trong một cảnh giới nhất định.
Định huệ kiêm tu (定慧兼修): cũng còn gọi là định huệ đẳng trì, ý nói là phải vận dụng giữa thiền định và trí huệ bằng nhau, song vận tịnh tu chẳng phân biệt nặng nhẹ, trước sau. Bởi vì tự tánh có thể là định, dụng là huệ có quan hệ với nhau. Thể tức là dụng, mà huệ chẳng rời định. Dụng tức là thể, mà định không rời huệ.
Định Lâm tự (定林寺): chùa do Huệ Giác xây vào đầu niên hiệu Nguyên Hỉ đời Lưu Tống Nam triều.Năm Lương Đại Thánh thứ 2 (528), Đạt Ma thị tịch chôn ở núi Hùng Nhĩ và xây tháp ở chùa Định Lâm này.
Định thủy (定水) (S. 367): ví cho tâm định vắng lặng, giống như mặt nước lắng trong không một gợn sóng.
Đoạn Kiều (斷橋) (S. 244): thiền sư Diệu Luân đời Tống, tự Đoạn Kiều, hiệu Tùng Sơn Tử, họ Từ, người Hoàng Nham tỉnh Chiết Giang. Ngài từng trụ trì nhiều ngôi chùa nổi tiếng, viên tịch vào năm thứ hai niên hiệu Cảnh Định (năm 1261 CN).
Đô giám tự (都監寺) (S. 250): cũng gọi là Giám viện, Viện chủ, Chủ thủ là một trong sáu vị tri sự thuộc Đông tự của thiền lâm. Trước khi chưa có Đô tự, vị này quản lí tất cả những việc trong chùa; về sau mới lập thêm chức Đô tự thì vị này phụ tá cho Đô tự.
Đô tự (都寺): gọi đủ là đô giám tự, là một trong sáu vị tri sự của Đông tự chùa Thiền lâm, cương vị trên giám tự, là tổng quản của các giám tự, còn gọi là đô tổng hay đô thủ.
Độ điệp (度牒) (S. 253): tăng tịch tùy thân do quan phủ cấp cho tăng ni hộp pháp.
Đối xúc lễ (對觸礼): hai người đối diện nhau cùng giập tọa cụ xuống nền trí ý lạy chào nhau.
Đông đường (東堂) (S.131): chỗ của các vị đã từng làm trụ trì trước đây, sau khi thoái chức lui về an dưỡng, gọi là Đông đường, cũng gọi là Đông am.
Đông Sơn Diễn Tổ (東山演祖) (S.227): thiền sư Pháp Diễn đời Tống, họ Đặng người Miên Châu (nay thuộc vùng Miên Dương, Tứ Xuyên). Ngài đã hoằng pháp một thời gian dài ở tổ đình thiền tông tại Đông Sơn-Kì Châu, (nay thuộc phía Đông Kì Xuân, Hồ Bắc), nơi đây hưng thịnh một thời, người đời gọi Ngài là Đông Sơn Diễn Tổ hoặc là Ngũ Tổ Thiền Sư.
Đông tự (東序): là ban vị đứng ở mé bên Đông của Phật điện, pháp đường, chỉ tăng chúng thông hiểu thế pháp, tức chỉ tri sự, tri sự vị. Đứng ở bên mé Tây thì gọi là Tây tự, chỉ người giỏi học vấn và đầy đủ đạo đức, tức đầu thủ, đầu thủ vị. Lại cũng đứng bên Đông tự là lục tri sự gồm: đô tự, giám tự, phó tự, duy-na, điển tọa, trực tuế, gọi là Đông tự tri sự.
Đồng hành (童行): thông thường chỉ cho các thiếu nhi chưa hoàn toàn thế phát, đầu còn chừa chỏm tóc trong chùa Thiền lâm (chú điệu). Tuy nhiên từ đồng hành trong ngữ cảnh bài này chỉ cho các hành giả nói chung trong chùa Thiền lâm, không kể là lớn bé.
Đồng văn (同文): nghĩa đen là cùng một thứ văn tự, tức là chỉ toàn thể nhân dân Trung Quốc những người cùng dùng một thứ chữ Hán vậy.
Đới hành Tri sự (帶行知事) (S. 88): tri sự theo trụ trì ra ngoài.
Đơn liêu (單寮) (S. 31): đơn liêu là phòng một người ở trong tăng xá. Các Đầu thủ, Tri sự sau khi thoái chức, những vị danh đức ở Tây đường, cho đến Thủ tọa đương nhiệm đều có thể ở đơn liêu. Cho nên dùng Đơn liêu gọi thay cho các vị Thủ tọa, các vị danh đức và Đầu thủ, Tri sự đã thôi chức ở tại phòng đơn này.
Đơn vị (單位) (S. 349): chỗ ngồi có dán tên của mình trong Thiền đường.
Đức Huy (德煇) vị thiền tăng thuộc tông Lâm tế sống vào đời Nguyên, hiệu là Đông dương. Năm Thiên lịch thứ 2 (1329) đời vua Minh tông, sư trông coi chùa Bách Trượng. Niên hiệu Chí thuận năm đầu (1330) đời vua văn tông, sư làm lại nhà pháp đường. Niên hiệu Chí nguyên năm đầu (1335), sư phụng mệnh vua biên tập lại Bách trượng thanh quy và năm sau cho phổ biến khắp các tùng lâm trong nước, được vua ban hiệu là: “Quảng tuệ thiền sư”. Năm sinh năm mất và quê quán của sư đều không được rõ. Trong mục lục của tăng tập lục truyền đăng lục quyển 4, có nêu tên mười vị nối pháp ngài Hối cơ Nguyên hi thuộc phái ngài đại tuệ Tông cảo đời thứ năm, trong đó có tên thiền sư Đông Dương Đức Huy ở Đông lâm, nhưng chưa chép tiểu sử của sư.
Đương cơ (當機) (S. 47): Phật Tổ khi thuyết pháp luôn liên hệ chặt chẽ đến khí chất, đặc điểm của chúng sanh, hầu đem lại lợi ích cho họ, gọi là “Đương cơ”. Về sau dùng “Đương cơ” chỉ cho việc thuyết pháp trước đại chúng.
Đương đại (當代) (S.100): ý nói người đang nhậm chức.
Đương đại trụ trì (當代住持): tức trụ trì đang còn tại chức là từ phản nghĩa của thoái chức trụ trì.
Đường chủ (堂主) Gọi đủ: Diên thọ đường chủ. Chức vụ trông coi tất cả việc trong Diên thọ đường (phòng chữa và dưỡng bệnh). Điều Diên thọ đường chủ tịnh đầu trong Thiền uyển thanh quy quyển 4 (Vạn tục 111, 449hạ), nói: “Khi tuyển chức vụ Đường chủ, phải thỉnh người có lòng rộng lượng, nhẫn nại, chịu khó, đạo niệm chu toàn, chăm nuôi, an úy bệnh tăng, biết rõ nhân quả”. Ngoài ra, những người trông coi các việc khác cũng gọi là Đường chủ, như: Thủy lục đường chủ, La hán đường chủ. Nhưng danh từ Đường chủ đây chỉ đặc biệt chỉ cho Diên thọ đường chủ là dùng tên chung là tên riêng.
Đường đầu Hòa thượng ((堂頭和尚): Đường đầu là tên gọi khác của phương trượng, cho nên mới dùng từ Đường đầu Hòa thượng để chỉ cho phương trượng tức là trụ trì.
Đường ty (堂司) (S. 24): tên riêng của liêu Duy na trong Thiền lâm. Vì Duy-na quản lý các sự việc trong Tăng đường, nên gọi tên phòng ở của Ngài là Đường ty. Vì lý do đó nên lấy tên Đường ty chỉ cho Duy na. Người giúp việc cho Duy na ở Đường ty gọi là Đường ty hành giả.
Đường ty hành giả ((堂司行者): đường ty là một trong sáu tri sự, cũng còn gọi là duy-na, phụ trách chỉ đạo tăng chúng tại tăng đường. Liêu thất của duy-na gọi là đường ty, vị dịch tăng chưởng quản tạp vụ dưới quyền duy-na, gọi là đường ty hành giả hay đường hành.
E Ế
lý chi thần (瘞履之辰): ngày chôn dép. Tương truyền khi Đạt Ma viên tịch được chôn ở núi Hoàng Nhĩ, nhưng khi Tống Vân đi sứ về tới Thông Lĩnh (Pamir) thì gặp Đạt Ma vai vác gậy xỏ một chiếc dép đi về Tây nên về báo lại với vua. Vua sinh nghi cho khai quật mộ thì thấy trong áo quan chỉ còn lại một chiếc dép. Do đó cụm từ ngày chôn dép chỉ ngày sơ Tổ Bồ-đề-đạt-ma qua đời.
G
Gia pháp (家法): trong ngữ cảnh bài này chỉ môn phong và qui củ do trụ trì thiết lập, hình thành tại một ngôi chùa nào đó.
Già-đà (伽陀: Skt, p: gatha) là một trong 12 thể loại kinh, cũng còn gọi là già-tha, kệ, dịch theo ý là phúng tụng, kệ tụng, cô khởi tụng, bất trùng tụng kệ, là thể văn vần, thi ca của Phật giáo.
Già-lam ((伽藍)) (S. 55): tiếng gọi tắt của Thần Già-lam, vị thần hộ trì Già-lam (tự viện). Kinh Phật nói có 18 loại thần giữ gìn bảo hộ Già-lam. Nhưng từ sau đời Nguyên, Minh các chùa đa số gọi Quan Vũ-vị tướng nhà Hán-là Thần Già-lam.
Giác (覺) (S. 365): có hai nghĩa: giác ngộ và giác sát. Ở đây chỉ giác sát, tức là biết rõ việc xấu.
Giác hoa (覺華): chỉ cho chân giác. Giác tức là trí huệ, trí huệ mở như hoa nở, nên gọi trí huệ là giác hoa.
Giác hoàng (覺皇): vua giác ngộ, tức là chỉ đức Phật. Giác linh (覺灵): tiếng gọi tôn vọng linh hồn người chết, ý nói linh hồn này đã giác ngộ không còn mê muội nữa, về sau chuyển nghĩa chỉ vị Hòa thượng qua đời.
Giác tự, giác tha (覺自覺他): cũng còn nói là tự giác – giác tha, chỉ cho Bồ-tát Đại thừa tu hành tự mình giác ngộ, lại còn giúp cho kẻ khác giác ngộ nữa, nhưng chỉ có Phật mới đạt được cảnh giới tự giác – giác tha – giác hạnh viên mãn.
Giám viện (監院) tức giám tự, viện chủ, chủ thủ, tự chủ. Chức vụ lãnh đạo chúng tăng và giám sát các việc trong chùa. Một trong sáu chức Tri sự của Thiền tông, đứng sau chức Đô tự.
Giang hồ (江湖) (S. 91): có hai cách giải thích: 1. Giang Tây và Hồ Nam là những nơi Thiền tông cực thịnh, do đó chỉ chung cho các đệ tử Thiền tông là giang hồ. 2. Giang Hồ là nơi kẻ sĩ ẩn dật. Ở đây chỉ hạng người thứ hai là những vị cao tăng ở các ngôi chùa lớn thuộc những núi danh tiếng, không màng thế sự, cũng gọi là chúng Giang hồ.
Giang Tây (江西): vùng đất đối xứng với Giang Đông của nước Sở.
Giáng thần (降神): nghĩa như giáng cách, giáng lâm, tức là Thánh thần – Phật xuống trần.
Giảng (講): trong Sắc tu Bách Trượng thanh qui thì chữ giảng này có nghĩa đặc biệt là cử hành, tiến hành, chứ không phải giảng giải kinh điển.
Giáo ngoại biệt truyền (敎外別傳) (230): Thiền tông truyền pháp không dựa vào văn tự trong kinh điển mà chỉ thẳng tâm người để đồ chúng trực tiếp thể hội tâm ấn của Phật Tổ nên gọi là giáo ngoại biệt truyền.
Giới chí (界至) (S. 276): bốn phương biên giới đất đai tức là các hướng Đông Tây Nam Bắc của đám ruộng.
Giới cụ (戒具): cũng còn gọi là giới lạp, chỉ số năm sau khi tăng lữ thọ giới cụ túc, gọi phổ thông là tuổi lạp. Tăng lữ lấy tuổi lạp mà phân định lớn nhỏ, chứ không theo tuổi đời.
Giới lạp (戒臘): Cũng gọi là Pháp lạp, hạ lạp, toạ lạp. Pháp tuế, gọi tắt là Lạp. Lạp nguyên chỉ cho lễ cúng cuối năm. Trong Phật giáo hạ lạp dùng để tính số năm của chư Tăng sau khi thọ giới cụ túc. Vì ngày 15 tháng 7 mỗi năm là ngày kết thúc an cư kiết hạ được xem là ngày kết thúc của giới lạp. Sau ngày 16 là thêm một tuổi mới.
Giới sư ((戒師): cũng còn gọi là giới Hòa thượng, là người tinh thông giới luật, được thỉnh mời chủ trì lễ thọ giới của sa- di, truyền trao giới luật cho sa-di.
H
Hạ (夏) (S. 40): gọi tắt của Hạ an cư, còn gọi là An cư, Vũ an cư. Ở Ấn Độ thời xưa, Phật giáo quy định vào 3 tháng mùa mưa (khoảng tháng 5 đến tháng 8) Tăng Ni không được ra ngoài. Vì ra ngoài sẽ dễ làm thương tổn đến cây cỏ, côn trùng nhỏ nhít, nên phải ở trong chùa thọ nhận của cúng dường và chuyên tâm tọa thiền, tu học. Phật giáo Trung Quốc kế thừa truyền thống này, quy định thời gian an cư vào ngày 16 tháng 4 đến ngày 15 tháng 7 âm lịch. Hạ an cư gọi tắt là Hạ tọa, Tọa hạ.
Hạ bát (下鉢) (S. 88): đến giờ dùng cơm tập thể của chư Tăng trong Thiền lâm thì đánh Vân bản trước nhà bếp, hoặc nghe tiếng hành giả hô to, chúng tăng nhất loạt hạ túi bát đang treo phía trên đơn xuống.
Hạ đường (下堂): sau khi dùng cơm hay cháo xong, tăng chúng rời khổi tăng đường thì gọi là hạ đường, còn ngược lại là thượng đường.
Hạ đường chung (下堂鐘): sau khi chư tăng dùng cơm cháo xong thì dộng 3 tiếng chuông để họ rời khổi tăng đường.
Hạ gian (下間)) (S. 42): theo quy định của Thiền lâm khi vào thiền đường, phía bên trái của mình gọi là Hạ gian. Vị trí phương vị ngược lại gọi là Thượng gian.
Hạ ngữ (下語) (S. 41): lời vị thầy dùng để giáo huấn học trò. Lời phát biểu hoặc trình bày kiến giải của mình sau công án hoặc kệ tụng, cũng gọi là Hạ ngữ.
Hàm Thuần Qui (咸淳規) (S. 295) : tỳ-kheo Duy Miễn ở Hậu Hồ soạn lại Thanh qui thiền lâm vào khoảng năm Hàm Thuần (1265-1274 CN) đời Nam Tống.
Hành đường (行堂): chỉ nơi cư trú của hành giả, cũng còn gọi là hành giả đường, hành giả liêu, hành giả phòng, tuyển tăng đường, ý cho rằng từ nơi này hành giả được tuyển chọn thế độ làm tăng.
Hành giả (行者) (S. 24): chỉ cho người làm công quả trong Tự viện Phật giáo mà chưa xuống tóc xuất gia. Cũng chỉ tăng du phương mới đến chùa được ghi tên cho ở lại lâu dài.
Hành ích (行益) (S. 233): dọn cơm và thêm thức ăn, tức là dọn và thêm thức ăn tại mỗi chỗ cho đại chúng thọ trai.
Hành phổ thỉnh ((行普請): tăng chúng cả chùa lao động tập thể, sau chuyển nghĩa chỉ tập họp tăng chúng, nhưng nghĩa này không được dùng phổ biến.
Hành thị giả (行侍者): có lẽ chỉ cho thị giả tùng hành, tức là đi theo phục vụ tôn túc.
Hành thực (行食) (S. 88): Hành là phân phát, thực là thức ăn. Hành giả đem từng phần thức ăn phân phát cho Tăng chúng gọi là Hành thực.
Hành Tuyên Chánh Viện (行宣政院) (S. 295): cơ quan quản lí Phật giáo trong cả nước và điều hành quân sự ở khu vực dân tộc Tạng vào đời Nguyên gọi là Tuyên chánh viện. Còn cơ quan trực thuộc Hành tuyên chánh viện đặt tại các tỉnh.
Hào mang (豪芒): cũng viết là (毫), đồng nghĩa với hào mạt (毫末)), chỉ cho cái gì thật nhỏ nhoi. Truyện Quách Ngọc trong sách Hậu Hán thư chép: “Châm thạch chi gian, hào mang tức quai”. Hào mang thường được hiểu là mảy lông.
Hát thực hành giả (喝食行者) (S. 66): gọi tắt là Hát thực. Đến giờ đại chúng dùng cháo, thọ trai, các đồng hành theo thứ tự báo tên người dự bữa trai phạn đứng đợi bên phía nam Trai đường.
Hắc phạn (黑飯) [1155a02]: Còn gọi là ô phạn, đồng phạn, nghĩa là cơm đen. Cơm được nấu bằng lá cây nam thiên chúc nên có màu đen. Cây này là chú của loài thảo mộc, ăn vào làm cho thần khí sảng khoái, tuổi thọ tăng thêm. Loại cơm này được nấu cúng trong dịp lễ tắm Phật ngày Phật đản.
Hằng hà (恒河 : Skt: Ganga) lại còn gọi là Hằng-ca-hà, Hằng-già-hà v.v…, hàm ý là “do Thiên đường mà lại”, là một trong 3 con sông lớn của Ấn Độ, phát nguồn từ Tây Tạng.
Hậu bản ((後板): trong tăng đường, hai bên hông khám thờ tượng Thánh tăng đều có mở 2 hàng xuất nhập bản. Nhân khi vào tăng đường thì phần bên trái thân mình vào sau, cho nên bản bên mé trái gọi là hậu bản mà cũng là từ dùng để ám chỉ hậu đường.
Hậu đường (後堂) (S. 47): tiếng gọi tắt của Hậu đường Thủ tọa. Thiền lâm phân Tăng đường ra làm Tiền đường và Hậu đường. Người được phân công trông coi hậu đường gọi là Hậu đường Thủ tọa.
Hoa nghiêm kinh (華嚴經): gọi đủ là Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh, (Skt: Buddha-vatamsaka- mahavaipulya-sutra), cũng còn gọi là Tạp hoa kinh, là một trong các yếu điển của Phật giáo Đại thừa, nêu lên ý chỉ pháp giới duyên khởi, sự sự vô ngại.
Hòa hội (和會) (S. 40): có nghĩa là trao đổi điều hòa, cân nhắc điều nào nên áp dụng, điều nào không nên áp dụng.
Hòa hộp (和合) (S. 314): ba vị tăng trở lên cùng sống chung, cùng giữ giới và tu tập nên gọi là Hòa hộp.
Hòa hộp hải (和合海) (S. 332): tăng chúng hòa hộp làm một, giống như nước biển chỉ một vị mặn, mà tăng chúng thì nhiều giống như biển lớn sâu rộng nên gọi là Hòa hộp hải.
Hòa nam (和南): là dịch âm tiếng Phạn Vandana, lại cũng còn được dịch là Bà nam, Bạn đàm, Bàn đàm, dịch theo ý là cúi đầu, kính lễ, biểu thị bằng cách chắp 2 bàn tay để tỏ vẻ trí kính khi gặp nhau.
Hòa thượng (和 尚 ; skt: upādhyāya; P: upajjhāya) dịch âm Hán Việt là Ưu-ba-đà-la; Là bậc tôn sư thân cận dìu dắt các Sa- di hoặc Tỷ-kheo, vì vậy cũng được gọi là Thân giáo sư hoặc Lực sinh. Trong thời gian đầu của Phật giáo tại Ấn Ðộ, người ta phân biệt hai vị thầy của một người mới nhập Tăng-già, đó là Hòa thượng và A-xà-lê (hoặc Giáo thụ; skt: ācārya; p: ā- cāriya). Hòa thượng là người dạy các đệ tử biết trì Giới, thực hành nghi lễ, và vị Giáo thụ là người giảng Pháp, ý nghĩa của kinh sách.
Hóa duyên (化緣) (S. 190): chỉ cho nhân duyên giáo hóa khi ở thế gian, tức là sinh mạng.
Hóa nghi (化儀): chỉ phương pháp, hình thức mà Phật Đà hóa đạo chúng sanh, nội dung kinh điển hóa đạo chúng sanh gọi là hóa pháp. Hóa nghi như chất thuốc, hóa pháp như vị thuốc. Cả hai phải bổ sung cho nhau thì mới hiệu nghiệm trong việc trị bệnh.
Hóa thành, bảo sở (化城宝所): đây là chữ trong kinh Pháp Hoa. Hóa thành Skt là rddhi-nagara, chỉ cho cái thành do biến hóa mà ra, dụ cho Niết-bàn của Nhị thừa. Còn bảo sở là từ phản nghĩa của hóa thành, ý chỉ cơ sở trân bảo, dụ cho Niết- bàn rốt ráo, là an trụ nơi chứng ngộ chân chánh.
Hỏa bản (火板) (S. 88): cái bản treo phía trên bếp lò ở Khố ty. Khi cơm chín thời Phạn đầu đánh lên 3 tiếng, Hỏa đầu liền tắt lửa, cho nên gọi là Hỏa bản.
Hỏa khách (火客) (S. 185): cũng gọi là Hỏa bạn, Hỏa điền, là người lo việc đốt lửa trong Thiền lâm.
Hoài Nhượng (懷讓) (677-744) Thiền tăng đời Đường, họ Đỗ, người xứ An Khang, Kim Châu (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây) Trung Quốc; nối pháp Lục Tổ Huệ Năng, là học trò giỏi của Ngài. Sư trụ chùa Bát Nhã ở Hành Sơn, hoằng dương học thuyết của Huệ Năng, dùng cách giáo hoá cao vút, khó khăn, mở ra 1 phái Nam Nhạc nên người đời gọi Sư là “Nam Nhạc Hoài Nhượng”. Thuỵ hiệu “Đại Huệ Thiền sư”. Tác phẩm: Nam Nhạc Đại Huệ Thiền sư ngữ lục.
Hoàng Bá (黃檗) (S. 222): tức thiền sư Hi Vận ở núi Hoàng Bá đời Đường. Thiền sư là người xứ Mân (nay là Phúc Kiến), thuở nhỏ ở quê nhà, núi Hoàng Bá (nay thuộc huyện Phước Thanh), đã đắc pháp với thiền sư Bách Trượng Hoài Hải.
Hoàng đạo (黄道): chí Thiên văn trong Hán thư viết: “Mặt trời có trung đạo. Trung đạo ấy là hoàng đạo, cũng gọi là quang đạo”. Từ khoa học ngày nay gọi là ecliptic tức là quỹ đạo trái đất quay quanh mặt trời 365 ¼ ngày. Theo các nhà chiêm tinh xưa thì ngày hoàng đạo là ngày cực tốt, còn gọi là “hoàng đạo lương thần”. Theo Thần xu kinh thì “Thanh long, minh đường, kim quỹ, thiên đức, ngọc đường, tư mệnh” là hoàng đạo lục thần.
Hoàng Long Nam Công (黃龍南公) (S. 227): thiền sư Tuệ Nam đời Tống, họ Chương, người Tín Châu, (nay là Thượng Nhiêu tỉnh Giang Tây). Vì Ngài đã trụ trì tại viện Sùng Ân núi Hoàng Long một thời gian dài nên người đời gọi Ngài là Hoàng Long Nam Công.
Hoàng thái tử thiên thu lệnh tiết ((皇太子千秋令節): là lễ chúc mừng sinh nhật Hoàng thái tử, cầu cho thái tử sống thọ ngàn năm. Hoàng thiên chi hạ, nhất nhân chi thượng …
Đại Nguyên Đế sư (皇天之下一人之上 … 大元帝師): Hoàng thiên chỉ trời, còn nhất nhân chỉ Hoàng đế. Do đời Nguyên, đế sư là thầy của vua nên mới nói là trên hết thảy người, số một trong nước và chỉ dưới thượng đế. Đây là tôn hiệu của Quốc sư Bạt Hiệp Tư Bát.
Hoằng phạm ((弘範) (S. 62): làm chuẩn mực cho thế gian.
Hoaèng Trí (宏智) (S. 250): thiền tăng đời Nam Tống, họ Lí, hiệu Chánh Giác, người Thấp Châu (nay là huyện Thấp, tỉnh Sơn Tây). Ngài trụ trì chùa Thiên Đồng ở Minh Châu, có thêm hiệu là HoằngTrí.
Hồ Nam Vân Cái sơn (湖南雲蓋山): tọa lạc tại huyện Thiện Hóa Trường Sa Hồ Nam, tức phía Nam Động Đình Hồ. Tổ của phái Dương Kỳ là Thiền sư Phương Hội từng trụ ở núi Vân Cái này.
Hồ quỵ (胡跪) (S. 314): tư thế quỳ lạy của vị tăng nhân Tây Vực (Hồ) ngày xưa, gối phải chạm đất, gối trái co thẳng lên mà quỳ. Lúc mệt mỏi hai chân có thể đổi tư thế cho nhau nên gọi là Hồ quỵ.
Hỗ dụng (互用) (S. 84): tức tội hỗ dụng, tội dùng lẫn lộn vật của Tam Bảo. Luật Phật quy định rất nghiêm khắc đối với việc sử dụng tài vật của chùa, ví dụ như tài vật được chỉ định vào việc cúng dường tượng Phật, lại đổi cúng dường cho Tăng chúng hoặc dùng vào việc chế tạo pháp khí; tài vật được chỉ định tạo tượng Phật Thích-ca, lại chuyển dùng tạo tượng Phật A-di-đà v.v…, trái với luật, bị xem là phạm tội Hỗ dụng.
Hồi hướng (回向) (S. 91): đem công đức tu hành của mình hồi hướng cho mục tiêu mà mình nhắm tới. Như mong muốn đem công đức tu hành của mình ban cho người khác, tức là hồi hướng cho chúng sanh; mong muốn đem công đức tu hành của mình làm cho mình và người đều thành Phật quả, gọi là Hồi hướng Phật đạo.
Hồng tao (紅糟): Ngày xưa khi Phật thành đạo đã được cô gái chăn bò dâng sữa bò cho Ngài. Ngày nay chế tạo món “hồng tao” là mô phỏng theo món sữa bò ngày xưa. Hồng tao còn gọi là “Ôn Tao”. Đạo Trung nói: “Trái cây trộn với ngũ cốc nấu thành cháo; màu trắng của gạo bị biến đổi ( thành màu hồng) nên họi là “hồng”, nhiều loại hòa lẫn vào nhau nên gọi là “tao”.
Hùng Nhĩ sơn (熊耳山): núi tai gấu, tọa lạc tại Hà Nam. Do núi có 2 ngọn nhô lên song song như 2 tai gấu nên có tên như thế, là nơi an táng sơ Tổ Bồ-đề-đạt-ma.
Húy nhật (諱日): ngày vía, ngày giỗ kỵ người đã mất.
Hư kháng ((虛亢 ): kháng là kiêu ngạo, hư kháng là kiêu ngạo xằng bậy, làm phách rỗng tuếch.
Hương chí (香至): tên một nước ở Nam Thiên Trúc mà vua là phụ vương của Tổ Bồ-đề đạt-ma.
Hương đình (香亭): Là một cái đình nhỏ để đặt lư hương lớn. Đình nhỏ hình thể là một cái đình thật thu nhỏ, nhưng trên biểu ngạch đề 2 chữ hương đình. Trong đám tang các bậc tôn túc, thì hương đình luôn được sắp xếp trước chân đình, tức là đình nhỏ đựng chân dung người chết.
Hương nhân (鄉人) (S. 92): chỉ cho người đồng quê với trụ trì.
Hương Lâm (香林) (S. 240): ngài Trừng Viễn, vị thiền tăng đời Tống, họ Thượng Quan, người Miên Trúc (nay là Miên Trúc, Tứ Xuyên), là đệ tử của Vân Môn Văn Yển. Cuối đời, Ngài ở viện Hương Lâm, núi Thanh Thành thuộc Thành Đô, do đây nên lấy tên viện làm hiệu.
Hữu cách vô phạm (有格無犯): có khuôn phép chế tài để khổi vi phạm giới luật.
Hữu hiếp cát tường (右脇吉祥): còn gọi là hữu hiếp ngọa, hữu hiếp sư tử ngọa, sư tử ngọa, tức nằm nghiêng, mép bên phải sườn nép xuống giường, hai chân xếp tréo nhau, lấy cánh tay phải làm gối, tay trái duỗi thẳng, là phép qui của tỉ- kheo, cấm nằm nghiêng bên trái, nằm ngửa, nằm sấp.
Hữu tình (有情) (S. 331): chỉ cho tất cả các vật có mạng sống tức là chúng sanh.
K
Kết chúng duyên (結衆緣) (S. 244): Phật giáo có nhiều nhân duyên, từ nhiều phương diện, dùng nhiều phương thức khác nhau để kết rộng duyên lành với đại chúng, nhờ đó mà nắm lấy cơ duyên để một ngày kia đạt được kết quả.
Kết tòa (結座) (S. 30): thiền sư thượng đường thuyết pháp, đoạn cuối dùng một điển cố Phật giáo hoặc một bài kệ để kết thúc, gọi là kết toà. Khả lậu tử
(可漏子 (S. 81): gọi tắt là Khả lậu, nghĩa là gói kín phòng sơ hở. Khả lậu chỉ cho vỏ trứng, mượn việc viết thư bỏ vào trong ống, như ấu trùng giam mình trong vỏ, rất là bình an, kiên cố. Bách Trượng thanh qui từ trong các dạng thức, sáng chế ra một thể thức Khả lậu tử, người đời sau đem dùng vào văn tế, văn sớ, nói chung đây là cái bì thư ngày nay.
Khách dầu (客頭)) (S. 41): người giúp việc cho tri khách.
Khách đầu hành giả (客頭行者): là kẻ phụ trách tạp dịch trong chùa Thiền tông chưa thế phát làm tăng, thuộc quyền điều động sai khiến của liêu tri khách.
Khách ti (客司) (S. 233): nơi tiếp khách trong tùng lâm, cũng gọi là Tri khách liêu.
Khách vị (客位): là phòng tạm nghỉ ngơi của tân khách vừa mới đến chùa.
Khai dường (開堂) (S. 42): nghi thức cử hành lễ thăng tòa thuyết pháp lần đầu của vị trưởng lão tông môn mới nhận chức Trụ trì. Khai Phước Ninh
Hòa thượng (開福寧和尚) (S.168): thiền sư Đạo Ninh ở chùa Khai Phước, họ Uông, người Hấp khê (nay thuộc huyện Hấp, tỉnh An Huy). Giữa niên hiệu Đại Quán đời Tống (1107-1110 CN) ngài trụ trì chùa Khai Phước ở Đàm Châu, thị tịch năm thứ 3 niên hiệu Chánh Hòa, tức năm 1113 CN, thọ 61 tuổi.
Khai thất (開室): là ngày trụ trì mở cửa thất phương trượng để học đồ vào tham vấn đạo pháp.
Khai thị (開示): khai thị hàm ý là khai mở, tức là phá trừ vô minh của chúng sanh, khai Như Lai tạng, thấy lý thực tướng. Thị hàm ý là hiển thị, tức là chỉ cho thấy một khi chướng ngại mê hoặc đã phá trừ thì tri kiến hiển lộ, vạn đức trong pháp giới hiển thị phân minh. Hiểu một cách giản dị thì khai thị là chỉ dạy giáo pháp chân chánh.
Khải tán (啟散): đồng nghĩa với Khải kiến. Nghĩa là bắt đầu công việc.
Khám (龕): thông thường có nghĩa là cái khám thờ, nhưng trong ngữ cảnh bài này là chỉ quan tài liệm thây trụ trì.
Kháng dương (亢陽): nắng hạn gay gắt, nóng bức quá độ thì gọi là kháng dương.
Khánh điếu (慶吊) (S. 256): chúc mừng và thăm viếng tang lễ.
Khánh hạnh (慶幸) vì có việc đáng vui cho nên vui mừng, việc may mắn đáng vui.
Khánh Hỷ (慶喜)) (S. 240): tên dịch khác của A-nan, một trong mười đại đệ tử của Phật Thích-ca.
Khánh khái ((謦欬): khánh là tiếng ho nhẹ, còn khái là tiếng ho mạnh, nói chung có nghĩa là lời lẽ – nói cười.
Khắc niệm (剋念): khắc có nghĩa là tất (必) và kỳ (期). Do nhân tất đắc quả cho nên gọi là khắc. Khắc niệm có nghĩa là sản sinh nhất định quả báo.
Khiển hoàng (遣蝗)): hoàng là tiếng gọi tắt của phi hoàng, tên một giống côn trùng có cánh cứng, nói chung là bù cào – châu chấu, tên khoa học là Pachytylus cinerascens, thân dài cỡ 5cm, màu xám tro pha nâu hay xanh lá cây, có cánh và chân sau dài mạnh, mỗi năm đẻ một lần trên mặt đất cứng. Phi hoàng sanh sôi rất nhiều, di chuyển thành bầy bay mịt trời, đáp xuống đâu là nơi đó thảo mộc hoa màu chỉ còn trơ cọng, gây hại cho mùa màng rất lớn. Khiển hoàng là xua đuổi bồ cào châu chấu.
Khố đầu (庫頭) Cũng gọi Phó tự, Quỹ đầu, Tài bạch. Chức vụ trông coi việc chi thu trong Thiền lâm, là một trong sáu vị Tri sự ở Đông tự. Chức này tuy thấp nhưng nhiệm vụ lại rất quan trọng, vì phụ trách việc chi xuất hàng ngày như lúa gạo, tiền bạc v.v…
Khố đường (庫堂): cũng gọi là khố ty, là nơi quản lý xuất nhập tiền bạc lúa thóc trong chùa, cũng gọi là khố chủ, cũng gọi chung 3 chức đô tự, giám tự và phó tự. Ngoài ra cũng có trường hộp gọi riêng đô tự là khố ty.
Khố ty (庫司) (S. 31): nơi làm việc của Đô tự trong Thiền lâm. Đô tự còn gọi là Khố đầu, nên gọi nơi làm việc của ngài là Khố Ty.
Khổ không ((苦空): chỉ 2 phần đầu của 4 hành tướng khổ đế của quả báo hữu lậu (khổ – không – vô thường – vô ngã). Quả báo hữu lậu có đủ tính tam khổ, bát khổ, cho nên gọi là khổ. Nam nữ khác tính đều do nhân duyên mà sanh diệt, nhưng không có thực tướng cố định bất biến nên gọi là không.
Khổ luân (苦輪) (S. 315): còn gọi là Khổ luân hải, chỉ cho quả khổ sanh tử luân chuyển không ngừng.
Khởi khám (起龕) (S.174): khi đưa quan tài ra đến đầu cổng chùa gọi là Khởi khám, rồi đốt hương, tụng kinh trước quan tài gọi là làm lễ Khởi khám.
Khuê Phong Tu Chứng Nghi (圭峰修證儀) (S. 366): thiền sư Tông Mật là ngũ tổ của tông Hoa Nghiêm ở Khuê Phong núi Chung Nam – Trường An, nên gọi là thiền sư Khuê Phong. Những trước tác của Ngài bàn về nghi thức tu hành chứng ngộ Phật pháp gọi là “Khuê Phong tu chứng nghi”.
Kì-hoàn tinh xá (祇桓精舍) Tức tinh xá kì hoàn, ở vườn ông Cấp Cô Độc, rừng cây của thái tử Kì-đà.
Kích nhưỡng (擊壤): lấy gỗ đẽo thành hai mảnh giống như đôi guốc, đặt một mảnh dưới đất, đứng cách xa chừng 3,40 bước, tay cầm miếng kia ném trúng miếng nọ, gọi là kích nhưỡng.
Kiền trúc (乾竺) tức là Thiên Trúc, nay là Ấn Độ
Kiến chức duy-na ((見職維那): là duy-na đang được cử phụ trách trực tiếp một chức vụ gì đó ngoài chức duy-na. Trong ngữ cảnh này là duy-na giữ chức trị tang.
Kiến nguyên (建元): khi Hoàng đế vừa lên ngôi chưa chọn niên hiệu thì gọi là Kiến nguyên hay Kỷ nguyên. Thường ngay trong năm đó chọn niên hiệu gọi là nguyên niên. Cũng có trường hộp vì thủ hiếu mà lấy năm sau làm nguyên niên như trường hộp vua Tự Đức triều Nguyễn. Đây không gọi là Chí Nguyên nguyên niên, mà gọi là Kiến nguyên, có ý muốn nói vừa lên ngôi là Thế Tổ đã phong cho Bạt Hiệp Tư Bát làm Quốc sư ngay.
Kiều-trần-như (橋陳如; Skt: Kaundinya, P: Kondanna), là một trong 5 tỉ-kheo được Phật độ trong lần thuyết pháp đầu tiên tại Lộc Uyển, tức là vị đệ tử đầu tiên của Phật Đà. Lại cũng còn gọi là A Nhã Kiều Trần Như, A Nhã Câu Lân, Kiều Trần Na, A Nhã Kiều Lân, Cư Lân, dịch theo ý là Sơ Tri, dĩ Tri, Liễu Giáo, Liễu Bổn Tế, Tri Bổn Tế.
Kim cương vô lượng thọ Phật (金剛無量壽佛): tức Phật A Di Đà, bởi A Di Đà (Skt: Amitayus), dịch ý là Vô Lượng Thọ, (Skt: Amitàbha), ý dịch là Vô Lượng Quang. Kim Cương là khoáng chất cứng chắc lâu bền nhất cho nên dùng câu Kim cương vô lượng thọ Phật để chúc thọ Hoàng đế, ý nói cầu mong tuổi thọ Hoàng đế bền chắc muôn năm.
Kim Lăng (金陵): tên đất xưa, là kinh đô của nhà Lương, nay là vùng đất chợ Nam Kinh và huyện Giang Ninh.
Kim quang minh kinh (金光明經) (4 quyển) Bắc Lương, Đàm Vô Sấm dịch, Q. 16, Tr. 335, Sh. 663. 金光明經 (四卷) (北涼 曇 無讖譯)
Kim thượng Hoàng đế (今上皇帝): gọi tắt là đức Kim thượng, là từ dùng để chỉ vị Hoàng đế đang tại vị.
Kinh đơn (經單): bảng mục lục ghi chép các loại kinh điển phải đọc trong lễ
Thánh tiết. Kinh tạng (經藏) (S. 230): chỉ chung cho kinh điển, lại chỉ cho kho chứa kinh điển (bao gồm ba tạng kinh, luật, luận) còn gọi là Kinh đường, Tạng điện và Luân tạng.
Kính Sơn (徑山) (S.146): một ngọn núi nổi tiếng trong Phật giáo, nằm ở phía Tây Bắc huyện Dư Hàng, tỉnh Chiết Giang, trong bản văn này chỉ cho chùa Kính Sơn được xây dựng trên núi Kính Sơn. Vào đời nhà Tống phong thái thiền ở chùa này rất hưng thịnh.
Kỳ cựu (耆舊): kỳ là bậc niên kỷ cao, cựu là xưa cũ. Vậy kỳ cựu là chỉ cho bậc niên lạp cao, tư cách lão đại.
Kỳ đảo (祈禱)): có nghĩa là cầu xin Phật và Bồ-tát ám trợ được tai qua nạn khổi, thêm phước; cũng còn gọi là Kỳ nguyện, Kỳ niệm, Kỳ thỉnh, tâm nguyện. Thực ra, quan điểm của Phật giáo là không thực hành pháp cầu xin, nhưng thực hiện thệ nguyện bổn nguyện và công đức xây tháp, tụng kinh, hồi hướng đều có liên quan để cầu lấy Phật lực gia hộ cho nên mới có thuyết công đức và trừ tai ương.
Kỳ hóa (奇化): nguyên nói đủ là “kỳ hóa khả cư”, tức là món vật mà kẻ đầu cơ tích trữ, thấy hiện bán giá rẻ thì mua dựa lên để sau này gặp lúc giá tăng gấp bội thì mới bán ra, thu rất nhiều lợi.
Kỳ-xà-quật sơn (耆闍崛山: (Skt: Grdhrakuta, P: Gijjha-Kuta) dịch theo ý là Linh Thứu sơn, Thứu đầu, Linh sơn, tọa lạc tại mé đông của thành Vương Xá, thủ đô của nước Ma-kiệt-đà, là nơi Phật-đà thuyết pháp trứ danh. Về tên gọi có thuyết nói do đỉnh núi có hình chim thứu, có thuyết nói do trên núi có nhiều chim thứu.
L
Lạc Dương (洛陽): nhân là lạc thủy chi dương nên có tên như thế. Đây là vùng đất quan trọng mà trải qua các đời Chu – Hán – Tào Ngụy – Tấn – Nguyên Ngụy (Bắc Ngụy) – Tùy – Đường – Lương – Hậu Đường – Tống đều đóng đô ở đó và các binh gia thì luôn tranh giành. Ở ngữ cảnh trong bài này là kinh đô của nhà Bắc Ngụy (Nguyên Ngụy).
Lão lang (老郎): Người có sức mạnh hơn mọi người, được những người khác tôn xưng như bậc đàn anh (đại ca).
Lăng nghiêm chú (楞嚴咒): cũng còn gọi là Phật Đảnh chú, là thần chú mà kinh Lăng Nghiêm nêu ra gồm 427 câu, trong đó 8 câu chót gọi là tâm cú, còn gọi là Đại Phật Đảnh Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm thần chú.
Lăng nghiêm đầu (楞嚴頭): Vị cử xướng tụng chú Lăng nghiêm
Lăng nghiêm kinh (楞嚴經) (S. 366): tên của một bộ kinh Phật, gọi đủ “Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ-tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm kinh”, “Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm kinh”, “Trung Ấn Độ Na Lan Đà Đại Đạo Tràng kinh” v.v…, gồm 10 quyển, ngài Bát Thích Mật Đế dịch vào đời Đường. Bản kinh này xiển dương chân lý “căn trần đồng nguyên, trói mở không hai”, đồng thời giải thích pháp Tam-ma-đề (thiền định) và thứ bậc của Bồ-tát. Kinh Lăng Nghiêm là kinh điển cốt lõi thiền pháp, khai thị phương pháp tu thiền, nhĩ căn viên thông, ngũ ấm ma cảnh.
Lăng-già kinh (楞伽經: Skt: Lankavatara-sutra) gọi đủ là Lăng già a bạt đa la bảo kinh, do Cầu-na-bạt-đà-la đời Lưu Tống dịch (443). Lăng-già là tên núi, A-bạt-đa-la có nghĩa là vào, tức ý muốn nói đây là bộ kinh mà Phật-đà vào núi Lăng Già thuyết giảng. Kinh này tuyên thuyết thế giới vạn hữu đều do tâm tạo ra mà thôi. Đối tượng tác dụng mà chúng ta nhận thức là tại nội tâm, chứ không phải ngoại giới.
Lâm viên (林園) núi rừng ruộng vườn, cũng chỉ vườn trồng hoa.
Lân bích chi quang (鄰壁之光): Khuông Hành đời Hán thích đọc sách, nhưng nhà nghèo ban đêm không có tiền mua dầu đốt đèn nên lén đục vách nhờ ánh đèn nhà kế bên hất qua mà đọc sách. Trong ngữ cảnh, tác giả mượn điển cố này để nói mình luôn nhờ cậy chùa bạn giúp đỡ. Lân phong (鄰峰): ngọn núi lân cận, tức là chỉ cho các chùa bạn quanh vùng, vì khi xưa chùa thường xây trên núi.
Lập tăng (立僧) (S. 253): tiếng gọi tắt của “Lập tăng thủ tọa”. Trách nhiệm của Lập tăng thủ tọa là thuyết pháp cho chúng tăng nắm vững Phật pháp, nhưng người được tuyển không nhất định là Thủ tọa, Đầu thủ hay các bậc danh đức; mà chọn một vị tăng có tư cách đĩnh đạt, học thức rộng ở Tây đường đảm nhận trọng trách này.
Lệnh thần (令辰): nghĩa là ngày tốt.
Liêu chủ (寮主) (S. 58): chỉ cho người đảm trách công việc tại liêu, còn gọi là Trực liêu, là một trong những chức trách của Thị giả hỗ trợ Liêu nguyên, giữ gìn y vật trong liêu cho chúng Tăng. Bình thường do tăng chúng trong liêu thay phiên nhau đảm trách. chúng Tăng. Bình thường do tăng chúng trong liêu thay phiên nhau đảm trách.
Liêu nguyên (寮元) Cũng gọi Tọa nguyên, Tòa nguyên, Liêu thủ tòa, Đệ nhất tòa. Chức vụ trông coi công việc các liêu trong Thiền lâm, một trong sáu vị đầu thủ. Chức vụ này có trách nhiệm trông coi về kinh sách, phẩm vật, trà nước, củi than, quét tước, dọn dẹp và xin cấp nhu yếu phẩm cho các liêu. Dưới chức này, còn có Liêu trưởng, Liêu phó, Phó liêu, Vọng liêu…giúp việc cho Liêu nguyên. Vì am hiểu các việc trong chùa, cho nên Liêu nguyên quán xuyến mọi công việc như: Xem xét chúng tăng trong liêu xem kinh, đọc kinh, răn nhắc việc trái phạm luật lệ, dàn xếp việc tranh cãi nội bộ, hướng dẫn quy củ cho người mới đến chùa, tóm lại phải xử lý tất cả các việc.
Liêu trưởng (寮長) (S. 262): người trợ lý của Liêu nguyên, người đời sau gọi là Tịch đầu. Liêu nguyên còn gọi là Tọa nguyên, Liêu thủ tọa, có trách nhiệm trông coi những công việc của liêu chúng, thông thường do người ở lâu trong chùa am hiểu tất cả quy định, phép tắc đảm nhiệm.
Linh Ẩn tự (靈隱寺) (S.152): ngôi chùa nổi tiếng của Phật giáo, nằm ở chân núi Linh Ẩn, Hàng Châu, Chiết Giang, còn gọi là chùa Vân Lâm. Bắt đầu xây dựng vào đầu niên hiệu Hàm Hòa, triều đại Đông Tấn (năm 326 CN) qua các thời đại đã nhiều lần trung tu. Vào thời Ngô Việt (một nước đời Chu ở miền đông tỉnh Chiết Giang- TQ) thời Ngũ Đại thiền phong chùa này đạt đến cực thịnh, là ngôi chùa lớn nhất miền Đông Nam của Trung Quốc thời bấy giờ.
Linh Thọ (靈樹) (S. 223): thiền sư Như Mẫn ở thiền viện Linh Thọ tại Thiều Châu đời Đường, người xứ Mân, được chúa Nam Hán họ Lưu ngưỡng mộ và ban hiệu là Đại Sư Tri Thánh.
Linh Thứu sơn (靈鷲山) S. Gṛdhrakūṭa, P. Gijjha-kūṭa): Hán âm Kỳ-xà-quật, gọi tắt là Linh sơn, Thứu Phong, Linh Nhạc. Núi ở phía đông bắc thành Vương xá, nước Ma-yết-đà, trung Ấn Độ. Vì hình dáng núi này giống như đầu con chim Thứu (kên kên) và trong núi cũng có nhiều chim Thứu nên đặt tên là Linh thứu. đức Như lai từng tuyên thuyết các kinh đại thừa như kinh Pháp hoa… ở đây, cho nên núi này đã trở thành thánh địa của Phật giáo.
Long đức uyên tiềm (龍德淵潜): con rồng đầy đức độ còn đang ẩn núp chờ cơ hội bay lên mây, tức là chỉ Hoàng tử lúc còn chưa được phong làm Đông cung Hoàng tử để chờ ngày lên ngôi.
Long tượng (龍象) (S.140): (skt: Naga), dịch nghĩa là Long, cũng dịch là Tượng, gọi chung là Long tượng, chỉ cho vị La-hán tu hành dõng mãnh, oai lực rất lớn, nghĩa rộng là cách xưng hô tôn kính đối với vị tăng có đức hạnh và sức ảnh hướng lớn.
Lô bị (爐鞴) (S. 284): lò rèn và túi da dùng để quạt gió trên bếp lò.
Lô đầu (爐頭): Chức vụ trông coi việc sưởi ấm trong nhà tăng của thiền lâm. Nhiệm vụ của Lô đầu là trước giờ phóng tham phải chuẩn bị các lò sưởi để chúng tăng sưởi
ấm sau khi phóng tham, tùy lúc thêm bớt củi lửa. Lộ địa (路地):là ở ngoài khoảng đất trống.
Lộc Uyển (鹿苑): gọi đủ là Lộc-dã uyển (Skt: Mrgadva), la¸ nơi mà Thế Tôn thuyết pháp đầu tiên sau khi thành đạo, tức nay la¸ Sa-nhĩ-na-tư (skt: Srnth), tưc do từ Srangantha, ha¸m nghĩa chỉ con nai, cũng còn được dịch là Lộc Dã viên, Lộc Dã, Lộc Uyển, Tiên Uyển, Tiên Nhân viên.
Lôi lệ kê tiếu (雷例譏誚): mắng chửi thậm tệ giống như sấm sét.
Luân tạng (輪藏): đem cái giá để kinh điển tại lầu kinh đặt bánh xe để di chuyển dời chỗ cho dễ dàng. Về sau chuyển nghĩa chỉ chung cho kinh tạng.
Luật tự (律寺): là chùa chuyên y theo giới luật, trì luật nghiêm cẩn. Chùa chiền Phật giáo tại Trung Quốc sau đời Tống mới chia ra Luật tự, Giáo tự và Thiền tự.
Lục đạo (六道): là sáu nẻo địa ngục đạo (narakagati), ngạ quỷ đạo (preta-narakagati), súc sanh đạo (tiryagyonigati), tu- la đạo (asuragati), nhân gian đạo (manussa-gati), thiên đạo (devagati) mà chúng sanh theo nghiệp của mình phải sanh tử luân hồi mãi trong các cảnh giới đó.
Lục độ (六度): là 6 Ba-la-mật bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ. Kinh Thiện Giới nói: “Hành bố thí có thể cảm giàu sang."
Lục hòa kính (六 和 敬 ; Skt: śaḍsāramyadharma) Sáu điều hòa đồng, kính ái mà những người tu học Phật pháp nên thực hiện để đạt Giác ngộ. Lục hòa kính bao gồm: 1. Thân nghiệp đồng (身 業 同): cùng một thân nghiệp hòa kính như lễ bái, làm việc thiện...; 2. Khẩu nghiệp đồng (口 業 同): cùng nói những lời hay...; 3. Ý nghiệp đồng (意 業 同): cùng chung ý chí; 4. Ðồng thí (同 施): cùng chia xẻ vật chất với nhau; 5. Ðồng giới (同 戒): cùng chuyên giữ giới luật; 6. Ðồng kiến (同 見): cùng chung kiến giải.
Lục lệ (六沴): sáu khí không hòa hiệp gọi là lục lệ. “Ngũ hành chí” sách Hán thư viết: “Các khí thương tổn nhau gọi là lệ”. Theo tin tưởng hồi xưa, hễ khi nào có lục lệ thì nhật thực tương tác. Truyện Khổng Quang sách Hán thư chép: “Lục lệ tương tác, điềm ứng rất nặng”.
Lục phủ ((六府) : các nơi chứa hóa tài là kim loại, cây cối, nước, lửa, đất và lúa thóc gọi là lục phủ. Thiên “Đại vũ mô” trong Kinh thư viết : “Đế nói : ‘… đất bằng do trời hình thành, lục phủ, tam sự đều đầy đủ cả’”.
Lục quần chi đảng (六羣之黨): chỉ 6 tỉ-kheo xấu ác chỉ kết đảng, lập bè, cũng còn gọi là lục chúng bí-sô, lục quần. Thời Phật còn tại thế, có 6 tỉ-kheo, không giữ luật nghi, làm nhiều việc gian ác.
Lục thú (六趣) (S. 195): Phật giáo cho rằng những hành vi thiện ác ở đời trước của chúng sanh mà bị luân hồi trong năm đường là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, nhơn, thiên, gọi là “Ngũ thú”. Có Kinh thêm một loại nữa là A-tu-la, tức là “bất đoan chánh”, “phi thiên”, hộp chung lại là “Lục thú”.
Lục trai nhật (六齋日): sáu ngày trì trai, cũng còn gọi là Lục trai, chỉ cho 6 ngày trì giới thanh tịnh trong tháng, đó là các ngày sáng trăng mùng 8, 14, rằm; các ngày tối trăng 23, 29, và 30. Tăng chúng vào 6 ngày này trong tháng phải tập trung lại một chỗ bố-tát thuyết giới. Còn người tại gia nam – nữ vào 6 ngày này thì trì một ngày – một đêm bát quan trai giới.
Lương liêm (凉簾): Tấm rèm dùng để che cho mát.
Lương Phổ Thông (梁普通): niên hiệu của Lương Võ Đế thời Nam Bắc triều (520). Vậy Lương Phổ Thông bát niên là (527).
Lưỡng triển tam lễ (兩展三禮) (S. 71): lễ nghi bái kiến sư phụ hoặc các bậc Tôn trưởng trong Thiền lâm. Cách hành pháp cụ thể như sau: Tư thế đầu tiên là trải tọa cụ ra và quỳ lễ trên đó. Nếu sư phụ ngăn lại thì ở trong tư thế gấp đôi tọa cụ, cúi mình thưa lên sự việc. Đây là lần triển thứ nhất. Sau đó có sự biểu hiện trải tọa cụ ra một lần nữa cũng bị ngăn và lại trong tư thế xếp tọa cụ, bày tỏ tâm tình. Đây là lần triển thứ hai. Sau cùng, tay cầm tọa cụ dập xuống đất 3 lần. Thế là đã hoàn thành nghi lễ nhị triển tam bái.
Lưỡng tự (兩序) (S. 19): sau khi Hoài Hải cải cách quy chế Thiền tông, Lưỡng tự đã trở thành tên gọi chung cho những vị tăng có chức trách trong thiền tự, còn gọi là “Lưỡng ban”, ý này lấy theo cách thức hai ban Văn, Võ của các quan chức trong triều đình. Dưới trụ trì thiết lập hai ban Đông tự và Tây tự. Tây tự quản lý sự vụ tôn
giáo, tuyển ra những vị song toàn về giới đức và học vấn đảm trách, gọi là Đầu thủ, bao gồm sáu chức vụ: Thủ tọa, Thư ký, Tri tạng, Tri khách, Tri dục, Tri điện. Đông tự trông coi những công việc trong sinh hoạt hằng ngày, tuyển chọn những vị tinh thông việc đời đảm trách, gọi là Tri sự, bao gồm sáu chức: Đô tự, Giám tự, Phó tự, Duy na, Điển tọa, Trực tuế.
M
Ma chướng (魔障skt: Mara), dịch âm Ma-la, nghĩa là ác ma, chỉ cho những chướng ngại do ác ma gây ra.
Ma-da phu nhân (摩耶夫人): Ma-da (Skt, P : Mahamaya), cũng còn gọi là ma-ha ma-da, dịch theo âm là Đại ảo hóa, Đại thuật, Diệu, là mẹ đẻ của Thế Tôn, là hoàng phi của chủ thành Ca-tỳ- la-vệ Tịnh Phạn vương. Theo tập tục thời đó, bà phải về nhà mẹ chờ sanh nở, nửa đường dừng nghỉ mệt tại vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbini) thành Thiên Tý của cha mà sanh ra Thế Tôn. Bảy ngày sau thì bà mất, được sanh về cõi trời Đao Lợi.
Ma đầu (磨頭): Cũng gọi Ma chủ. Chức vụ trông nom nhà giã gạo trong Thiền lâm.
Ma-ha-ba-xà-ba-đề (摩訶波闍波提: Skt: Mahaprajapati, P: Mahapajapati), gọi gọn là Ba-xà-ba-đề, dịch theo ý là Đại Ái Đạo, Đại Thắng linh chúa, Đại Thế chúa v.v… lại cũng gọi là phu nhân Ba-đề, là em của phu nhân Ma-da, con gái của vua Thiên Giác ở thành Thiên Tý cổ Ấn Độ, là dì của Thế Tôn đã thay chị nuôi dưỡng Thế Tôn khi chị bà là mẹ của Thế Tôn qua đời sau khi sanh đức Phật được 7 ngày.
Ma-ha bát-nhã Ba-la-mật (摩訶般若波羅蜜) (S. 332): dịch âm của tiếng Phạn Mahaprajđaparamita, dịch ý là “trí tuệ lớn đến bờ kia”, là một trong sáu độ.
Ma-ha-tát (摩訶薩) (S. 332): gọi tắt của Ma-ha-tát-đỏa. Ma- ha dịch ý là lớn, Tát-đỏa dịch là tâm hoặc là chúng sanh, hộp hai từ lại là tâm lớn hay chúng sanh lớn, gọi chung là Bồ-tát.
Ma-ha-tăng-kỳ (摩訶僧祇): tức là Ma-ha-tăng-kỳ luật (Skt: mahasan ghavinya), dịch theo ý là đại chúng luật, là Luật tạng do bộ phái Phật giáo đại chúng bộ sở
truyền, nội dung phân ra tỉ-kheo giới pháp (35 quyển đầu) và tỉ-kheo-ni giới pháp (5 quyển sau).
Ma-kiệt-đà (摩竭陀 ; Skt, P: magadha) Vương quốc ở Bắc Ấn Ðộ trong thời Phật Thích-ca tại thế. Các kinh đô lần lượt là Vương xá (skt: rājagṛha) và Hoa Thị thành (skt: pāṭaliputra). Vua nước Ma-kiệt-đà là Tần-bà-sa-la (skt, p: bimbisāra) và con trai là A-xà-thế (skt: ajātaśatru), sau đó đến A-dục vương (skt: aśoka). Ma-kiệt-đà được xem là nơi phát sinh Phật giáo, sau hội nghị Kết tập lần thứ 3, giáo pháp đã từ đây truyền qua các vùng khác của Ấn Ðộ. Dưới thời A-dục vương, Ma-kiệt-đà có diện tích lớn nhất.
Ma-kiệt-đề quốc A-lan-nhã ((摩竭提國阿蘭若): Skt: aranya, P: aranna). Cũng còn gọi là A-luyện-nhã, A-luyện-nhứ, A- lan-na, A-lan-noa, thường gọi tắt là Lan-nhã, dịch theo ý là sơn lâm hoang dã, chỉ chỗ tịch tịnh thích hộp cho người xuất gia tu hành, sau chuyển rộng nghĩa chỉ chung cho ngôi chùa.
Ma sự (魔事) (S. 367): sự việc do ác ma gây ra.
Mã Thắng (馬勝 S. Aśvajit, P. Assaji) cũng gọi là Mã sư, A- thuyết-thị. Đệ tử của đức Phật, là một trong năm vị tỉ-kheo được Phật hóa độ đầu tiên ở vườn Lộc dã. Ngài có thân tướng uy nghi đoan chính, ai cũng thích nhìn.
Mã Tổ ((馬祖): gọi đủ là Mã Tổ Đạo Nhất (709 – 788) là tăng nhân đời Đường, pháp tự của Nam Nhạc Hoài Nhượng, pháp tịch thật long thạnh, chủ trương “Bình thường tâm thị đạo”, “Tức tâm thị Phật”, có 39 đại đệ tử trong đó nổi danh nhất là Bách Trượng Hoài Hải, Nam Tuyền Phổ Nguyện, Đại Châu Huệ Hải, Đại Mai Pháp Thường.
Mạn pháp (慢法) (S. 84): kiêu mạn vô lễ, không tôn trọng Phật pháp.
Mật Am (密菴)): tức là Thiền sư Hàm Kiệt đời Tống, họ Đặng, hiệu Mật Am, người Phước Châu. Miễn đinh do (免丁由): Tăng nhân được miễn việc lao động như thường dân phải nạp tiền cho quan chức. Quan thu tiền xong, cấp giấy chứng nhận (biên lai) để làm bằng chứng, gọi là miễn đinh do.
Minh bản tam hạ ((鳴板三下): đánh bản 3 tiếng. Bản (板) cũng viết là (版) hay (鈑). Bản được treo ở một chỗ nhất định trong tự viện để đánh lên báo thời khắc, hoặc được đánh lên làm hiệu trong các buổi pháp hội. Bản thường làm bằng cây, trên mặt có viết các bài kệ như “sanh tử sự đại” chẳng hạn, gồm mấy câu chủ yếu “cẩn bạch đại chúng, sanh tử sự đại, vô thường tấn tốc, thận vật phóng dật”. Cũng có một số thật ít làm bằng đồng, lại theo hình trạng của bản mà có vân bản và ngư bản. Trong Thiền lâm thì có đại bản và tiểu bản, riêng từ “trường bản” không phải là tên một loại bản, mà là chỉ cách đánh bản hồi dài. Bản treo tại khố ty có phần to hơn bản ở các đường và các liêu nên gọi là đại bản, còn bản treo ngoài liêu xá thì gọi là ngoại bản. Tùy theo được treo ở đâu mà ta có phương trượng bản, liêu bản, thủ tọa bản, chiếu đường bản, v.v…
Minh cổ nhất thông (鳴皷一通): đánh một hồi trống. Còn minh cổ nhất hạ là đánh một tiếng trống.
Minh quyền (冥權) (S.165): phương tiện quyền xảo của chư Phật, Bồ-tát nhằm tế độ cho những người trong cõi U minh. Mông đường (蒙堂) (S. 31): thiền lâm gọi nơi tịnh dưỡng của các vị đã thoái chức thuộc Lưỡng tự là Mông đường. Nhân đây cũng gọi những vị tăng chấp sự đã thoái chức là Mông đường.
Mục Châu (睦州) (S. 222): tức thiền sư Đạo Minh đời Đường. Ngài họ Trần, sau khi xuất gia, đã đắc đạo với thiền sư Hoàng Bá Hi Vận. Nhân vì Ngài là người Mục Châu (nay là vùng đất của ba huyện Đồng Lư, Kiến Đức và Thuần An thuộc Tỉnh Chiết Giang), lại có thời gian dài hoằng pháp ở Mục Châu cho nên người đời gọi Ngài là Mục Châu.
Mục tử (目子) (S. 25): sắp xếp, trình bày những đề mục có liên quan thành bảng danh sách hoặc đề cương.
Mục vương (穆王): tức Chu Mục Vương, là con của Chu Chiêu Vương tên là Mãn. Sau khi lên ngôi, đi xe 8 ngựa mạnh chinh Tây, vui mà quên quay về, chư hầu phần đông triều phục nước Từ. Vương lo sợ dong ruổi quay về ra lệnh cho Sở diệt Từ.. Sau chinh phục Khuyển Nhung quay về, từ đó không chinh phạt nữa. Tại vị 55 năm.
Muội nhân quả (昧因果): mờ nhân quả, tức là chối bỏ nhân quả, không sợ luật nhân quả.
N
Nam đường (南唐): Một trong 10 nước thời ngũ đại. Thế tổ nam đường là lý Thăng (từ Từ Tri Cáo). Quốc hiệu là Tề, sau đổi lại là Đường. Sử gọi là nam Đường. Truyền được 3 đời, gồm 3 vị vua, được 39 năm, từ năm 973 đến năm 975.
Nam Thiệm Bộ châu (南贍部洲): là một trong bốn đại bộ châu mà kinh điển Phật giáo nêu ra, cũng gọi là Nam-diêm- phù-đề. Thiệm Bộ là tên một loài cây quí chỉ có ở châu này nên mới gọi là Thiệm Bộ châu.
Nam Thiên Trúc (南天竺): Thiên Trúc là tiếng gọi nước Ấn Độ xưa kia, lại cũng còn gọi là Thiên Đốc, Thiên Độc, Thân Độc. Mục Tây Vực truyện sách Hậu Hán thư viết : “Nước Thiên Trúc còn gọi là Thân Độc ở phía Đông Nam nước Nguyệt Chi ngàn dặm, tục cho Thiên Trúc chính là nước Nguyệt Chi”. Vậy Nam Thiên Trúc là Nam Ấn Độ.
Nam Tuyền (南泉): tức Thiền sư trứ danh Nam Tuyền Phổ Nguyện, một trong 39 đại đệ tử của Mã Tổ Đạo Nhất.
Nan đề (難提): là từ gọi khác của tiếng Phạn tháp bà (stupa), dịch theo ý là phương phần (mồ vuông), có hàm nghĩa là diệt ác.
Nê-hoàn (泥洹) (S. 321): cách dịch khác của Niết-bàn.
Nghĩa học (義學): tức là môn học chấp vào danh tướng, lý luận, huấn nghĩa. Lại cũng gọi là giải học, là cái học của Câu Xá và Duy thức, phân chiết danh mục cùng số lượng pháp tướng, qui định tường tận giai vị nhân quả tu hành và giải thích văn tự chương cú, là cái học bị Thiền tông đả phá.
Nghiêu (kiêu) ly (澆漓): bọn bạc bẽo quên ơn Phật.
Ngoại đạo (外道) (S. 320): người không được sự giáo hóa của đạo Phật, thực hành theo tà pháp; cụ thể thì có nhiều loại khác nhau.
Ngoại hộ (外護) (S.108): người ủng hộ vật chất cho tự viện, cho chúng tăng trong chùa có thể yên tâm tu tập, bất luận là tăng hay tục đều gọi là ngoại hộ của chùa.
Ngũ kỷ (五紀): mỗi kỷ là 12 năm, vậy ngũ kỷ là 60 năm, tức là một giáp.
Ngũ quả (五果) (S. 326): Phật giáo phân tích mối quan hệ nhân quả, thường cho rằng do nhiều loại nhân khác nhau sẽ tạo thành 5 loại quả khác nhau.
Ngũ sắc (五色): năm màu chánh là đỏ, vàng, trắng, xanh, đen. Thực tế thiên nhiên có tới 7 màu là tím, chàm, xanh lá cây, xanh dương, vàng, cam, đỏ. Thường ngũ sắc tượng trưng cho điềm lành hoặc cao quí hiển linh như hào quang ngũ sắc của Phật, mây ngũ sắc của tiên cỡi, chim quí lông ngũ sắc.
Ngu sơn (五山) (S. 354): thiền lâm thời Nam Tống phỏng theo năm ngọn núi nổi tiếng ở Ấn Độ mà đặt tên năm ngọn núi nổi tiếng trong thiền lâm của Phật giáo Trung Quốc: 1. Chùa Hưng Thánh Vạn Thọ ở Kính Sơn tỉnh Hàng Châu. 2. Mậu Phong Quảng Lợi ở núi A Dục Vương, Ninh Ba. 3. Chùa Thiên Đồng Cảnh Đức ở núi Thái Bạch, Ninh Ba. 4. Chùa Cảnh Đức Linh Ẩn ở Bắc Sơn tỉnh Hàng Châu. 5. Chùa Tịnh Từ Báo Ân Quang Hiếu ở Nam Sơn tỉnh Hàng Châu. Năm ngọn núi này đều thuộc tông Lâm Tế.
Ngũ tề (五齊): Phương pháp chế rượu chia làm năm mức độ trung bình giữa trong và đục. Mỗi lần tế lễ, châm chước mức rượu trong đục hòa lẫn mà dâng cúng cho thích hộp.
Ngũ tham (五參): 5 ngày tham v?n gồm 3 ngày tham kiến trụ trì là mùng 10 – 20 và 25, cộng với 2 ngày thượng đường của trụ trì là mùng 1 và rằm.
Ngũ tham thượng đường (五參上堂)) (S. 25): thiền lâm, trong mỗi tháng vào 5 ngày: 10, 20, 25 ngày Đán và Vọng, tất cả chúng đều phải tham kiến Trụ trì để nghe thuyết pháp khai thị, vừa đúng năm ngày tham vấn một lần cho nên gọi là Ngũ tham. Mỗi khi gặp thượng đường vào ngày Ngũ tham gọi là Ngũ tham thượng đường.
Ngũ thiên thất tụ (五篇七聚) (S. 62): cách gọi khái quát luật nhà Phật được sắp xếp theo từng phẩm loại. Các giới cụ túc của tăng ni sau khi được phân làm 8 nhóm, 7 nhóm, lại được phân làm Ngũ thiên: Ba-la-di, Tăng-tàn, Ba-dật-đề, Đề-xá- ni, Đột-kiết-la; Ngũ thiên và các giới điều ngoài Ngũ thiên lại được tóm lược thành 7 loại, gọi là Thất tụ: Ba-la-di, Tăng- tàn, Thâu-lan-giá, Đọa, Đề-xá-ni, Ác tác, Ác thuyết.
Ngũ thông (五通) (S. 314): tức là nam thần thông: 1. Thiên nhãn thông: có thể thấy tất cả s? v?t; 2. Thiên nhĩ thông: có thể nghe tất cả âm thanh; 3. Tha tâm thông: có thể biết hết tất cả những suy nghĩ trong tâm của mọi người; 4. Túc mạng thông: biết được các việc trong quá khứ của mình; 5. Như ý thông: còn gọi là thần cảnh thông nghĩa là tự do tự tại, đi qua vách đá cũng không trở ngại.
Ngũ trược chúng sanh (五濁衆生): ngũ trượ c (Skt: panca kasayah), cũng còn gọi là ngũ chỉ, là 5 thứ cặn đục khởi lên trong giảm kiếp, đó là kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mạng trược mà chúng sanh phải nhận chịu.
Ngụy Hiếu Minh Đế Thái Hòa thập niên (魏孝明帝太和十年): Thái Hòa là niên hiệu của vua Ngụy Hiếu Văn Đế triều Bắc Ngụy, còn gọi là Hậu Ngụy hay Nguyên Ngụy, còn niên hiệu của vị vua kế tiếp Văn Đế là Ngụy Hiếu Minh Đế là Chính Quang.
Nguyên Hòa (元和)): là niên hiệu của Đường Hiếu Tông (806), Đường Nguyên Hòa cửu niên là năm (814).
Nguyên Thống tam niên (統三年): Nguyên Thống là niên hiệu của Nguyên Thuận Đế. Thực ra niên hiệu Nguyên Thống chỉ có 2 năm (1333-1334). Ở đây nói Nguyên Thống tam niên (năm thứ 3) có lẽ nhằm.
Nguyện lực (願力): chỉ cho lực dụng của bổn nguyện, cũng còn gọi là bổn nguyện lực, đại nguyện nghiệp lực, túc nguyện lực, nơi Tịnh độ tông thường chỉ nguyện lực của Phật A-di-đà.
Nguyệt Am Quả công (月菴果公) (S.168): thiền sư Thiện Quả Nguyệt Am, họ Dư, người Tín Châu (nay thuộc huyện Thượng Nhiêu tỉnh Giang Tây) ngài tham gia vào pháp hội của hòa thượng Phước Ninh và đắc pháp, khoảng niên hiệu Tuyên Hòa được vua Tống phong thưởng, đổi hiệu là Đạo Ngô, ngài dạy chúng nghiêm minh, sống đơn giản được mọi người kính mến, nổi tiếng khắp các nơi, khoảng niên hiệu Thiệu Hưng, ngài vào tỉnh Phúc Kiến, núi Hoàng Bá ở đó 10 năm. Sau Ngài trở về Đại Quy (tỉnh Hồ Nam). Ngài thị tịch vào năm 22 niên hiệu Thiệu Hưng (1152 CN) thọ 74 tuổi.
Nguyệt đán (月旦): là ngày mùng một âm lịch mỗi tháng.
Nguyệt vọng (月望): là ngày rằm âm lịch mỗi tháng.
Nhai phường hóa chủ (街坊化主) Chức vụ trong thiền lâm có trách nhiệm đi vào làng xóm, phố phường khuyến hóa tín đồ cúng dường tài vật cho Tam bảo.
Nhãn đồng ((眼同): là tục ngữ đời Nguyên, chỉ việc gì mà nhiều người cùng thấy để chứng minh.
Nhạn lập (雁立): đứng sắp thành một hàng dài như hình bầy nhạn bay thành hàng trên trời.
Nhân duyên (因緣): trong ngữ cảnh là chỉ cho tên gọi khác của công án Thiền tông, chứ không phải là nhân và duyên của Skt: hetu – pratyaya. Nhân lực (人力): là những người công dịch phục vụ lao động trong chùa Thiền tông.
Nhân sự (人事): có 2 nghĩa: a- Chỉ cho quà cáp đem tặng khi tới thăm nhau. b- Chỉ cho tự pháp hay pháp quyến đến thăm trụ trì. Trong ngữ cảnh của bài này thì nhân sự chỉ cho quà cáp.
Nhân thiên nhãn mục (人天眼目): nhân thiên chỉ cho các vị thần ở cõi trời – người, tức là hết thảy mọi người. Nhân thiên nhãn mục dụ cho ai cũng nhìn mình như tiêu chuẩn mẫu mực đầy tôn kính vậy.
Nhân Vương Ma-ha-bát-nhã Ba-la-mật kinh (仁王摩訶船苦波羅密經): cũng còn gọi là Nhân Vương Hộ Quốc Bát- nhã-ba-la-mật kinh, Nhân Vương kinh, nói về việc Phật Đà vì đại quốc vương thuyết thị giữ gìn Phật quả, hạnh thập địa, và nhân duyên thủ hộ quốc thổ. Giống như nói thọ trì kinh này thì tiêu trừ tai nạn mà được phước, cùng với kinh Pháp Hoa, kinh Kim Quang Minh được coi là 3 bộ kinh hộ quốc.
Nhập Bát Niết-bàn (入般湼槃): cũng còn gọi là nhập diệt, tức là qua đời.
Nhập khám (入龕) (S.174): thường gọi là nhập quan, đem người chết tắm rửa đặt vào quan tài, sau đó làm lễ Nhập khám.
Nhập thất (入室) (S. 42): trong Thiền môn, người đệ tử đã tham vấn nhiều lần vào thất Thầy để tham học và hỏi đạo, gọi là nhập thất. Điều này còn chỉ cho việc người đệ tử được Thầy đích thân truyền trao yếu chỉ sâu xa.
Nhập thất thỉnh ích (入室請益): đệ tử vào thất trụ trì thưa hỏi đạo pháp.
Nhập viện (入院): tân thọ mạng trụ trì lần đầu tiên vào tự viện mà mình nhận lệnh tựu chức làm trụ trì.
Nhất dương sinh (一阳生): Tức tiết Đông chí, khoảng tháng 11 Âm lịch.
Nhất ma, nhất mễ (一麻一米): thuở ban đầu lúc Thế Tôn mới xuất gia cầu đạo, lấy khổ hạnh tự tu, mỗi ngày chỉ ăn một hạt mè và một hạt gạo. Đại trí độ luận quyển 34 chép: “Thích-ca Văn Phật tại rừng cây ở Au-lâu-tần-loa, mỗi ngày chỉ ăn một hạt mè và một hạt gạo. Các ngoại đạo nói: ‘Tiên sĩ của chúng tôi tuy cũng tu khổ hạnh, nhưng cũng không thể cần khổ như vậy trong 6 năm dài’”.
Nhất nguyệt nhật trục nhật (一月日逐日): tất cả các ngày liên tiếp trong tháng.
Nhất như (一如) (S. 365): điều mà Phật giáo gọi là chân lý, chân như hay nhất như là không hai không khác, không phân không biệt.
Nhất Sơn (一山) Hiệu của thiền tăng Liễu Vạn đời Nguyên.
Nhất trung (一中): gồm 4 nghĩa: a. Một trai đường, một chổ ngồi. Đây là dụng ngữ của Thiền tong trong lúc châm trà. Tức là đi rót trà cho tất cả mọi người; b. Chỗ ngồi ở chính giữa, vì tòa chính đặt ngay ở chính giữa nên gọi là nhất trung. Chỉ cho chỗ ngồi của vị vhur tọa; nếu mời người khác ngồi là biểu thị lòng tôn kính vị đó; c. Giữa ngày ăn một bữa vào giờ ngọ; d. Nhất trung đạo ( dụng nghĩa của thiên thai): một trung thì tất cả đều trung, không có Không, Giả nào mà chẳng trung, vì tất cả đều trung quán vậy. Nhật dụng (日用): qui tắc hành sự hằng ngày, nguyên lý của sự việc.
Nhật hạ (日下): nghĩa đen là mặt trời rơi rụng, mà mặt trời rơi rụng cũng tức là Lạc dương. Phần đông người ta cho rằng đây là lời nói mí mửng (sấm ngữ) của Tổ Bát-nhã-đa-la để chỉ cho kinh đô Lạc Dương (洛陽).
Nhật thực (日蝕): thực (蝕) là bị ăn, tức là mặt trời bị mặt trăng ăn, bị mặt trăng cạp theo tín ngưỡng ngày xưa. Đây là hiện tượng thiên văn tự nhiên khi trái đất – mặt trăng – mặt trời ở vị trí thẳng hàng thì mặt trăng che mất mặt trời, nhưng thời xưa tin đây là điềm gở báo trước nhiều tai ương sẽ xảy ra nên phải cầu cúng. Nhị bất
định (二不定): bất định (Skt: aniyata), còn gọi là bất định pháp, nhị bất định (dvà-aniyata) là một bộ phận của tỉ- kheo thọ trì trong cụ túc giới, có nghĩa là vi phạm giới nào còn chưa xác định được, gồm bình xứ bất định giới và lộ xứ bất định giới. Nhị thập tam (二十三): là ngày 23 âm lịch mỗi tháng, là một trong 3 ngày tốt mùng 3, 13 và 23. Nhị thời (二時) (S.165): chỉ cho hai khoảng thời gian sáng và tối. Nhiễm (染) (S. 320): nhơ nhớp, ô uế, không trong sạch, là chỉ vọng niệm chấp trước và sự vật bị chấp trước.
Ni-liên hà (尼蓮河): cũng còn gọi là Ni-liên-thiền hà (Skt: Nairanjana, P: Neranjara) dịch theo ý là Bất lạc trước hà, là chi lưu của con sông Hằng. Theo kinh Quá khứ hiện tại nhân quả thì sau khi xuất gia, Thế Tôn tu khổ hạnh bên bờ sông Ni-liên trong 6 năm. Sau đó, Ngài từ bỏ phép tu khổ hạnh, xuống tắm ở dòng sông này, và nhận bát cháo nhừ pha với sữa của cô gái chăn bò cúng dường mà uống. Tiện đây cũng xin đính chính là có nhiều dịch giả sơ ý đọc lầm chữ mi (糜 là cháo nhừ thành chữ mi (麋)) là con nai, từ đó lầm cháo nấu nhừ pha với sữa thành sữa nai của cô gái chăn nai cúng dường, mà thật ra theo kinh nêu trên thì đây là cô gái chăn bò!
Ni-tát-kỳ (尼薩耆): gọi đủ là ni-tát-kỳ-ba-dật-đề, ni-tát-kỳ có nghĩa là xá đọa, ý nói là xả bỏ tài vật, sám hối tội đọa.
Niêm hoa (拈華): gọi đủ là niêm hoa vi tiếu, chỉ Phật Đà giơ cành hoa sen lên thị chúng, Tôn giả Ca-diếp nhân đó liễu ngộ nên nhếch mặt mỉm cười, chỉ cho Thiền pháp chánh truyền.
Niêm hương (拈香): dâng, đốt hương. Tiện đây chúng tôi xin trình bày đại khái những gì liên quan đến hương (tức là nhang). Đốt nhang tức là thiêu hương, còn gọi là phần hương, niêm hương, niệm hương, cáo hương, tháp hương, chú hương. Tuy nhiên từ niêm hương là được dùng phổ thông nhất trong các trường hộp như tại ngày khai đường, tại ngày cầu chúc Thánh thọ Hoàng đế, trong các pháp hội v.v… Ngoài ra, tự tăng trụ chức phải đốt hương đến trước thầy mình báo cáo đã thành tự pháp thì gọi là tín hương. Thầy đốt hương đáp lễ lại trò đã dâng hương cho mình thì gọi là hoàn hương hay đáp hương. Mình thay người khác đốt hương kính lễ ai đó thì gọi là đại hương. Lúc thọ trai đối với đại chúng ban hương, hoặc lúc tuần đường đốt hương trước các tôn túc thì gọi là hành hương (hành có nghĩa là ban tặng). Tham bái tự viện đốt hương thì gọi là tấn hương.Hộp đựng hương gọi là hương cử, hương tưởng,
hương hiệp, hương hạp. Lư để đốt hương gọi là hương lô, huân lô, hỏa lô. Lư hương có 2 tay nắm gọi là bính hương lô, thủ lô. Hoặc lấy hương để tỉ dụ công đức của Phật như giới hương, định hương, huệ hương, giải thoát hương, giải thoát tri kiến hương.
Niệm (念) (S. 365): chỉ cho sự nhớ nghĩ.
Niên lạp (年臘) (S. 81): Niên là tuổi tác, Lạp là giới lạp. Niên Lạp tức là tuổi tác và giới lạp.
Niên triêu (年朝): Tức ngày đầu năm.
Niết-bàn đài (湼槃臺): đài làm bằng củi đặt quan tài người chết lên đó để hỏa thiêu.
Niết-bàn môn (涅槃門) (S. 331): cửa bước vào cảnh giới Niết-bàn. Kinh Phật gọi cảnh giới Niết-bàn là nơi cư trú của thánh nhân.
Noãn liêm (暖簾): Dung bông hay vải phủ trên mặt tấm rèm để đề phòng gió tạt, gọi là noãn liêm.
O
Oa tôn (漥樽): Một loại chén dùng để uống nước hay uống rượu.
P
Phạm đàn (梵檀; Skt, P: brahma-damda), dịch theo ý là mặc tẫn, phạm pháp, phạm thiên pháp trị, phạm thượng, là một pháp trị đối với tỉ-kheo hay tỉ-kheo-ni vi phạm giới luật, tức là không cho các tăng ni khác chuyện vãn với người có tội, là một trong 9 pháp trị tội, là một trong 6 pháp tẫn dành cho người có tội nhẹ, đúng lý ra phải viết là (梵壇), tức là mặc tẫn, ý chỉ phạm tội nhẹ, chỉ bị cấm không cho mọi người nói chuyện với mình.
Phạm Thiên (梵天; Skt: Brahma), dịch theo âm là Bà-la-hạ- ma, dịch theo ý là thanh tịnh, Nan Dục, nguyên là đại thần do Bà-la-môn giáo và Ấn Độ giáo sáng tạo ra, về sau thần thoại Phật giáo cũng thái dụng. Tuy nhiên, thường thường từ Phạm vương là chỉ cho Đại Phạm Thiên vương, tên là Thi Khí hoặc Thế chúa, nguyên có 5 đầu và 4 tay.
Phạm trọng (犯重) (S. 63): phạm vào trọng tội của giới luật. Giới Tiểu thừa có 4 loại trọng tội, giới Đại thừa có 10 loại trọng tội.
Phan mộ (攀慕): phan nghĩa đen là thấp bé vin vói lên cao, mộ là ngưỡng mộ. Đây là lời khiêm xưng, ý nói mình thân phận thấp hèn không đáng ngưỡng mộ Phật mà cố lạm ngưỡng mộ vậy.
Pháp âm (法音): lời Phật thuyết pháp vi diệu gọi là pháp âm.
Pháp điệt (法姪): tức là cháu trong đạo pháp. Đây là Phật giáo thái dụng chế độ tông pháp của thế tục, gọi anh em cùng học một thầy là pháp huynh pháp đệ, đệ tử của các sư huynh đệ là pháp diệt.
Pháp đường (法堂): là điện đường diễn bố đại pháp của tùng lâm, tọa lạc ở phía sau Đại hùng Bửu điện và trước thất phương trượng, tương đương như giảng đường, ngầm biểu thị Tông chỉ giáo ngoại biệt truyền của Thiền tông.
Pháp giáo (法教) (S. 330): sự dạy dỗ theo giáo pháp.
Pháp giới (法界; Skt: dharma-dhatu, P: là dhamma-dhatu), dịch theo âm là Đạt-ma-đà-đô, chỉ cho tất cả mọi sự vật sở hữu là đối tượng của ý thức sở duyên, diễn rộng nghĩa ra là chỉ cho tất cả các pháp hữu vi lẫn vô vi, tức mọi pháp (être).
Pháp hoa kinh (法華經) (S. 367): gọi đủ là Diệu Pháp Liên Hoa kinh, tư tưởng chủ yếu nói rõ Tam thừa chỉ là phương tiện, Nhất thừa mới là chân thật, cuối cùng trở về Tịnh độ, tuyên dương tinh thần nhập thế độ đời, là một trong những kinh điển căn bản của tông Thiên Thai. Phẩm Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa chủ yếu tuyên dương Phổ môn thị hiện của Bồ-tát Quán Thế Âm, là tín ngưỡng đặc thù tôn sùng Bồ-tát Quán Âm.
Pháp ngữ (法語): tức là tuyên thuyết chánh pháp. Ban đầu chỉ cho giáo pháp của Thế Tôn, sau Thiền tông dùng để chỉ cơ ngữ do các Tổ sư khai thị trong các buổi lễ, chủ yếu là lễ thượng đường, khai đường.
Pháp quyến (法眷) (S. 80): những người cùng tu học trong thiền lâm được xem là quyến thuộc trong Phật pháp nên gọi là Pháp quyến.
Pháp tòa (法座): chỉ cái tòa mà Phật ngồi trên đó thuyết pháp, lại cái tòa cao mà các Thiền sư lúc thuyết pháp ngồi cũng gọi là pháp tòa, hoặc gọi là tòa Tu-di, sau chuyển rộng ý đồng nghĩa với pháp diên, pháp tịch.
Pháp tràng (法幢) (S. 284): diệu pháp cao siêu giống như lá cờ bay phấp phới trên cao, cho nên gọi là Pháp tràng.
Pháp Vân (法雲) (S. 365): vị thiền tăng cuối đời nhà Kim, người Lâm Hải – Chiết Giang, họ Lưu, ban đầu sư xuất gia ở Hồng Động – Sơn Tây, cầu học với ngài Quảng Hóa, tham học thiền pháp ở Thiều Sơn. Về sau sư trụ trì Sùng Thắng Quan Âm viện ở Nam Dương, và xây chùa Báo Ân ở Linh Sơn.
Pháp vị (法味) (S. 366): do hiểu rõ tận tường giáo pháp vi diệu của Phật mà tâm được an lạc, hương vị loại diệu pháp này gọi là Pháp vị. Pháp vương (法王): vua pháp, nguyên dùng để tôn xưng Thế Tôn là vua của pháp, nhưng do đời Nguyên, Đế sư thống lãnh Phật giáo cả nước, nên từ này cũng được dùng để chỉ Đế sư.
Pháp y (法衣) (S. 71): y phục của người xuất gia có một thể thức nhất định, phải may đúng theo thể thức ấy, nên gọi là Pháp y, hoặc gọi là ca-sa. Nhưng trong Thiền lâm đặc biệt gọi y Kim lan, một tín vật truyền pháp tiêu biểu, là pháp y, chỉ khi thuyết pháp mới được đắp y này.
Pháp yếu (法要): là yếu điểm, mấu chốt của pháp nghĩa được trụ trì tuyên thuyết.
Phân thủ vị (分手位): người ngồi bên phải hoặc bên trái mình gọi là phân thủ vị. Có chổ nói: phân thủ không nhất định, có trường hộp phân thủ đối với trụ trì; có trường hộp phân thủ đối với hậu đường.
Phân tòa (分座): trong Thiền lâm, thủ tọa thay trụ trì chùa chia sẻ bớt công việc thuyết pháp gọi là phân tòa.
Phần Dương Thiện Chiêu (汾陽善昭): tăng nhân tông Lâm Tế đời Tống (947 – 1024). Tuổi trẻ thông tuệ, 14 tuổi thọ giới cụ túc, du phương tham phỏng 71 vị thạc đức, đệ tử nối pháp của Thiền sư Thủ Sơn Tỉnh Niệm, thị tịch năm Thiên Hoàng thứ 2 đời Tống Nhân Tông, thọ 78 tuổi, thụy hiệu là Vô Đức Thiền Sư.
Phật đản nhật (佛誕日: là ngày đản sanh của đức Thích Ca Mâu Ni, tức là rằm tháng 4 âm lịch.
Phật kí (佛記) (S. 336): sự huyền kí của Phật, tức là lời dự đoán của đức Phật.
Phật Nhãn Viễn Công (佛眼遠公): là thiền sư Thạch Viễn danh tiếng đời Tống,là môn đồ của Ngũ Tổ Pháp Diễn, tịch thọ sắc thụy là Phật Nhãn Thiền sư.
Phật nhật tăng huy (佛日增輝)): Phật nhật (skt: buddha- sunya). Do duệ trí, đức hạnh, từ bi của đức Phật có thể phá tan mê vọng của chúng sanh, như mặt trời phá tan bóng tối ban đêm, cho nên mới ví Phật Đà như mặt trời. Phật nhật tăng huy là lời cầu mong mặt trời Phật ngày càng huy hoàng.
Phất tử (拂子) (S. 284): dụng cụ quét côn trùng, tức cây xơ quất, thông thường lấy các vật chỉ khâu, lông dê, làm thành, để dùng khi thuyết pháp.
Phật tử trụ (佛子住): có lẽ là
Phật tử vị (佛子位) thì đúng hơn, là một phong hiệu cho tăng nhân của triều đình nhà Nguyên. Phi đoạn, phi thường (非斷非常): phi đoạn chỉ cho thời gian liên tục, phi thường chỉ cho thời gian không liên tục. Vậy phi đoạn – phi thường tức là chỉ cho trạng thái siêu thoát.
Phi đơn (飛單) (S. 256): hóa đơn thu chi mỗi ngày trong thiền lâm, do vị phó tự kí nhận, vì điều mục được ghi trong một ngày không nhiều, nên có thể tùy thời trình lên Phương trượng, mọi việc diễn ra nhanh chóng nên gọi là “Phi đơn”, còn gọi là Nhật đơn.
Phiên trấn (藩鎮): Phiên nguyên có nghĩa là bờ rào ngăn che, bảo vệ. Vua phong cho các bầy tôi thân cận, các hoàng thân quốc thích ra trấn ở các nơi để làm phên che chở cho triều đình, gọi là phiên trấn.
Phó bát vị (副缽位): phó bát là 16 người ngồi đầu bản, phó nghĩa là người thứ 2.
Phó liêu (副寮) (S. 262): người trợ lý của Liêu chủ, hộp sức cùng Liêu chủ kiểm tra việc quét dọn và bảo quản các vật dụng trong liêu.
Phong hỏa tương bức (風火相逼): gió lửa bức ngặt nhau, ý nói tứ đại xung đột nhau đưa đến rã rời rồi là qua đời.
Phóng tham (放參) (S. 56): thuật ngữ Thiền lâm. Trụ trì có công việc hoặc sắp đến giờ cầu nguyện nên bỏ giờ tọa thiền buổi chiều, gọi là Phóng tham.
Phóng tham chung (放參鐘): là tiếng chuông gióng lên để báo tin hủy bỏ buổi vãn tham do trụ trì có sự duyên gì đó vướng kẹt không thể thực hiện vãn tham được.
Phổ thỉnh (普請) (S. 257): tập hộp chúng tăng cùng lao động gọi là “phổ thỉnh”. Quy chế này do hòa thượng Bách Trượng Hoài Hải đặt ra. Sau này còn gọi việc tập hộp chúng tăng là Phổ thỉnh.
Phổ thuyết (普說) (S. 41): việc thuyết pháp trong Thiền tông, nghi thức tương đối đơn giản không cần mang khay thỉnh, không cần đắp pháp y.
Phổ vấn tấn (普問訊): tức là phổ đồng vấn tấn, nghĩa là cùng với đại chúng đồng thời vấn tấn qua lại.
Phu tọa (趺坐): cũng gọi là già phu tọa, chỉ cho nhà sư ngồi bắt chéo 2 bàn chân lên trên đùi, chủ yếu là lúc tham Thiền nhập định hay ngồi chủ lễ trên pháp tòa, gọi đủ là
kiết già phu tọa (結跏趺坐), Skt là nyasidat-paryankam àbhujya, là một trong các pháp ngồi của nhà sư Phật giáo, cũng viết là ((結加夫 坐 結跗), (跏趺正坐), (跏坐), (結坐,). Trong các pháp ngồi thì “kiết già phu tọa” là an ổn nhất mà lại không bị mệt mỏi. Trước khi tham bái để tỏ lòng kính trọng, các đệ tử hay hành giả thường thỉnh mời trụ trì phu tọa.
Phù ti (罘罳) (S. 41): vừa chỉ cho cây đứng chắn gió ngoài cửa, vừa chỉ chắn song cửa sổ có từng ô để ánh sáng xuyên vào.
Phụ nghi (賻儀) (S. 180): những lễ vật mà mọi người đem đến phúng điếu.
Phước Châu Trường Lạc (福州長樂)): Trường Lạc là tên quận xưa do nhà Đường thiết lập. Vương Mân đời Ngũ Đại thăng lên làm vương phủ, Tống gọi là quận Trường Lạc Phước Châu, tức nay là huyện Lâm Sâm tỉnh Phước Kiến.
Phương Đẳng hội thượng (方等會上): Phương Đẳng (skt: Vaipulya, P: Vedella), dịch theo âm là Tì-Phật-Lược, Tì-phú- la, dịch theo ý là Phương Quảng, Quảng Phá, Quảng Đại, Quảng Bác, Quảng Giải, Quảng Vô Tỉ. Lại còn gọi là Đại Phương Quảng, Đại Phương Đẳng, là một trong 9 bộ kinh của Nam tông, là một trong 12 bộ kinh của Bắc tông, là kinh điển Đại thừa, thuyết giảng rộng rãi nghĩa lý vô cùng sâu rộng.Phương Đẳng hội thượng chỉ cho pháp hội mà nơi đó Phật thuyết kinh Phương Đẳng, kế thuyết kinh Duy-ma, kinh Lăng già, kinh Lăng nghiêm, kinh Bát-nhã, kinh Kim Quang Minh.
Phương tiện (方便) (S. 367): thuật ngữ của Phật giáo, chỉ cho tài trí linh hoạt, xảo diệu.
Phương trượng (方丈) (S. 25): chỗ ở của Trụ trì trong chùa Thiền. Trong kinh Phật nói phòng ngủ của Bồ-tát Duy Ma Cật chỉ vuông vức một trượng (1,8 mét), nhưng lượng dung chứa thì vô hạn. Thiền sư Hoài Hải khi chế định Thanh Quy đã dựa theo thuyết này mà gọi phòng ở của Trụ trì là “Phương trượng”, còn gọi là “Trượng thất”, “Hàm trượng”, “Chánh đường”, “Đường đầu” v.v… Về sau chuyển nghĩa “Phương trượng” được dùng chỉ cho vị Trụ trì.
Phương trượng chấp cục (方丈執局): có lẽ chỉ cho người xử lý công việc trong chùa do phương trượng trực tiếp điều hành.
Phương trượng hành giả (方丈行者): là hành giả phụ trách tạp dịch tại thất phương trượng, chịu sự sai khiến của thị giả.
Phương trượng khách đầu (方丈客頭): tức khách đầu hành giả của thất phương trượng. Khách đầu hành giả gọi tắt là khách hành, trong chùa Thiền lâm lệ thuộc phần quản lý của tri khách, được sai phái tiếp khách.
Q
Quá đường (過堂) (S. 224): đại chúng đi đến Tăng đường ăn cơm gọi là Quá đường.
Quải bát (掛鉢) (S. 299): ở đây chỉ cho việc khi ăn xong mang bát treo lên móc.
Quải đáp (掛搭): có 2 nghĩa: a- Chỗ treo y bát của các tăng nhân. b- Tăng du phương đến chùa người được ghi tên vào danh sách cho ở lại chùa.
Quải phúng kinh bài (掛諷經牌): treo tấm bảng, tấm bài hiệu trong đó viết thông báo tụng kinh.
Quan chiêm (觀瞻)): nghĩa ban đầu là chỉ những gì đập vào mắt khiến mình nhìn thấy. Sau diễn rộng nghĩa ra chỉ cái gì gây chú ý cho mọi người, sau chuyển rộng nghĩa nữa là muốn chỉ phong cách khiến cho người ta có cái nhìn kính trọng mình.
Quan khách (官客): không có nghĩa đơn thuần như ngày nay là các vị khách khứa được mời dự một buổi lễ, mà là quan viên và khách mời thông thường.
Quan tự (官寺): là tự viện do triều đình cất lên, chu cấp kinh tế lương bổng, tài vật và cử người đến quản lý. Ngũ sơn, thập sát, các chùa danh tiếng xây dựng hồi đời Tống ở Trung Quốc thuộc quan tự. Đời nào cũng vậy, chùa nhà nước thì luôn vắng bóng kẻ hành hương. Thơ của Bạch Cư Dị: Quan tự hành hương thiểu. Tăng phòng ký túc đa.
Quan viên (官員): tức là chỉ quan chức của triều đình, trong chương này chủ yếu là quan huyện, quan phủ địa phương.
Quán đảnh (灌頂) (S. 321): dùng nước để rưới đỉnh đầu, vốn là nghi thức đăng quang của vua Ấn độ thời xưa. Phật giáo Mật tông theo cách thức này, khi vị tăng tiếp nối địa vị A-xà- lê thì phải lập đàn cử hành nghi thức quán đảnh. Về sau thiền môn cũng phỏng theo nghi thức này khi sa-di thọ giới.
Quán Thế Âm (觀 世 音; S: avalokiteśvara) cũng gọi là Quán Tự Tại, Quan Âm; Một trong những vị Bồ-tát (s: bodhisattva) quan trọng nhất trong Ðại thừa (s: mahāyāna). Có nhiều luận giải khác nhau về nguyên nghĩa tên Ngài. Có người hiểu "īśvara" là một "người nam" quán chiếu thế giới, có người hiểu "svara" là "Âm", tức là vị Bồ-tát lắng nghe mọi tiếng thế gian. Nhìn chung, Quán Thế Âm là thể hiện lòng Bi (s, p: karuṇā), một trong hai dạng của Phật tính. Vì vậy, có khi người ta đặt tên cho Ngài là bậc Ðại Bi (s: mahākaruṇika). Dạng kia của Phật tính là Trí huệ (Bát-
nhã; s: prajñā), là đặc tính được Bồ Tát Văn-thù (s: mañjuśrī) thể hiện. Quán Thế Âm là vị Bồ Tát thể hiện nguyện lực của Phật A-di-đà (s: amitābha) và được xem như quyến thuộc của Ngài (Tịnh độ tông). Với lòng từ bi vô lượng, Quán Thế Âm thể hiện sức mạnh huyền diệu cứu giúp mọi chúng sinh quán tưởng đến Ngài lúc gặp hiểm nguy. Trong nhân gian, Ngài là vị bảo hộ tránh khổi tai họa và hay được phụ nữ không con cầu tự. Trong các loại tranh tượng về Ngài, người ta thấy có 33 dạng, khác nhau về số đầu, tay và các đặc tính. Thông thường ta thấy tượng Ngài có ngàn tay ngàn mắt, có khi 11 đầu. Trên đầu có khi có tượng của A-di-đà, xem như đặc điểm chính. Trên tay có khi thấy Ngài cầm hoa sen hồng, vì vậy Ngài cũng có tên là Liên Hoa Thủ (người cầm hoa sen; s: padmapāṇi) hay nhành dương liễu và một bình nước Cam-lộ (s: amṛta). Số tay của Ngài biểu hiện khả năng cứu độ chúng sinh trong mọi tình huống.
Quang bạn (光伴): được người cao quí hay các bậc tôn túc bầu bạn là quang vinh, cho nên được các bậc trên trước ăn uống cùng với mình thì gọi là quang bạn.
Quang bạn hương (光伴香): đốt hương cảm tạ các khách mời (quang bạn nhân).
Quang bạn vị (光伴位): người ngồi bên tay phải của trụ trì tức là người phân thủ vị của trụ trì (cũng là quang bạn vị).
Quảng Châu (廣州): thời Tần Hán là quận Nam Hải, nay là tên phủ thuộc tỉnh Quảng Đông.
Quảng Hàn cung điện (廣寒宮殿): cung điện Quảng Hàn, cung điện lạnh. Theo sách Thiên Bảo di sự, Đường Minh Hoàng du lịch lên cung trăng thấy tấm bảng hiệu đề Quảng Hàn Thanh Hư chi phủ, nhân đó nhân gian mới gọi mặt trăng là cung điện Quảng Hàn, ý nói trên mặt trăng lạnh lắm. Quần mê (群迷): chỉ cho chúng sanh chưa giác ngộ, còn đang mê hoặc trong biển trầm luân.
Qui Tông (歸宗): tức Trí Thường, pháp tự của Mã Tổ Đạo Nhất. Qui thằng (規繩): nghĩa giống như qui tắc, qui định vậy.
Quy chân (歸眞) (S. 166): trở về thể vắng lặng, cũng là cách nói văn hoá của nhà Phật đối với cái chết.
Quy chân tịch (歸真寂)): là từ mà nhà Phật uyển chuyển dùng để chỉ tăng lữ qua đời.
Quỵ lô (lư) (跪爐): tức là quỳ trước lư hương mà niêm hương. Thông thường nghi thức này được cử hành tại các buổi lễ như chúc thọ Hoàng đế, giỗ kỵ quốc gia, lễ Phật đản, hay giỗ kỵ các Tổ sư. Nghi thức cử hành như sau :Lưỡng tự phân thành 2 ban đứng đối diện nhau, trụ trì quỳ trước lư hương. Sau đó tri khách quỳ dâng lư hương cầm tay, thị giả quỳ dâng hộp hương. Sau khi duy-na bạch Phật tuyên sớ xong, tri khách lại quỳ tiếp nhận lư hương cầm tay, chừng đó trụ trì mới thu tọa cụ. Nghi thức này rất thịnh hành trong tùng lâm Hoa – Việt.
Quyến ngôn (眷言): là cố quyển tịnh ngôn. Kinh thi Nãi quyến Tây cố. Chú Ấy là cố quyến tịnh ngôn vậy, ý nói chiếu cố rất tha thiết.
Quyết nghi (決疑)): trừ bỏ, dẹp tan điều nghi ngờ để đạt đến trạng huống chính xác.
S
Sa giới (沙界) (S. 332): thế giới nhiều như cát sông Hằng, dụ cho sự rộng lớn của thế giới.
Sam tiên (攙先): sam là chen lấn, sam tiên là chen lấn giành lên trước mà không tuân theo thứ tự trước sau.
Sám tạ (懺謝): cũng còn gọi là sám hối, tức sám hối tội lỗi để cầu xin tạ tội. Sám là gọi tắt từ sám ma, là quên lãng, tức là cầu xin người khác quên lãng tội lỗi của mình. Hối có nghĩa là hối lỗi, tức truy hối điều lầm lẫn tội lỗi trước đó. Sau khi chấm dứt lễ cầu đảo phải sám hối là ý cho rằng khi mình làm lễ cầu xin (cầu đảo) tức là do có tội lỗi bị quở phạt, vậy nay phải sám hối cầu xin tha lỗi.
Sanh tử (生死: Skt: samsara, jatimarana), cũng còn gọi là luân hồi, nghĩa là y theo nghiệp nhân mà chìm nổi trong lục đạo là trời – người – A-tu-la – ngạ quỷ – súc sanh, sanh tử nối tiếp, chẳng bao giờ cùng tận, là cảnh giới đối lập lại với Niết-bàn.
Sanh tử sự đại (生死事大): ý nói vấn đề sanh tử là sự việc hết sức trọng đại không thể coi thường được, tức là khuyên chúng sanh cần phải mau tu hành giải thoát.
Sai đơn (差單): bảng ghi danh sách chư tăng được luân phiên cử lên trực trên chánh điện trong tháng cử hành chúc thiên thọ Thánh Hoàng.
Sát-đế-lợi (剎帝利: skt: Ksatriya), dịch ý là địa chủ, Vương chủng, gọi tắt là Sát-lợi, là dòng họ thuộc giai cấp thứ 2 trong 4 dòng họ giai cấp chánh ở Ấn Độ, địa vị chỉ đứng sau giai cấp Bà-la-môn, là giai cấp của Vương tộc, quí tộc, sĩ tộc, thường nắm giữ các cương vị quân sự và chính trị. Thế Tôn xuất thân từ giai cấp này.
Sắc (勅): vì Phật là pháp vương tức cũng là một vị vua nên lệnh lạc của Phật ban ra gọi là sắc, tuân theo lệnh của Phật gọi là tuân chỉ (遵旨).
Sấn (䞋) (S. 80): gọi tắt thuật ngữ Đạt sấn, Đàn sấn v.v… chỉ cho vật bố thí, bao hàm hai hình thức: tài vật thí chủ dâng cúng cho chư Tăng (tài thí) và chư Tăng thuyết pháp cho thí chủ (pháp thí).
Si Tuyệt Xung Công (癡絕沖公): một thiền sư nổi tiếng vào thời Nam Tống, Ngài họ Tuần pháp danh Đạo Xung, biệt hiệu là Si Tuyệt. Ngài đã từng trụ trì nhiều ngôi chùa nổi tiếng và tinh thông thư pháp. Sư viên tịch vào năm thứ 3 niên hiệu Bảo Khánh đời Tống Lý Tông ( 1227 CN).
Song tự danh (雙字名): là ghi đủ tên cả giới và tuổi lạp, đối lại là đơn tự danh chỉ ghi tên giới thôi. Tên giới tức giới danh, là tên do sư phụ mà mình quy y đặt cho lúc mình thọ tam quy giới, còn gọi phổ thông là pháp danh.
Sơ bát (初八): là ngày mùng 8 âm lịch mỗi tháng, là một trong ba ngày tốt mùng 8, 18 và 28.
Sơn môn (山門) (S. 80): cổng ngoài của Tự viện, còn được chỉ cho toàn thể Tự viện.
Suất chúng tài (率衆財): gặp các ngày giỗ kỵ, đường ty quyên tiền của đại chúng để sắm sanh hương, hoa, trà, quả. Còn gọi là suất tiền. Suất hóa (率化): kính phục tuân theo sự giáo hóa của đức Phật.
Sư biểu (師表): vị thầy gương mẫu, Thiền sư đạo cao đức trọng làm gương tốt cho mọi người noi theo. Riêng đức Khổng Phu Tử được gọi là vạn thế sư biểu tức là ông thầy gương mẫu muôn đời.
T
Tác đầu lão lang (作頭老郎): người coi các công việc làm bằng tay chân của bộc dịch trong chùa Thiền lâm. Tác phạm
Xà-lê (作梵闍黎) (S. 314): Xà-lê là vị thầy mô phạm dạy dỗ, uốn nắn những hành vi của đệ tử. Tác phạm Xà-lê là v? thầy dùng tiếng Phạn niệm tụng, lễ bái khi sa-di thọ giới ở trong thiền lâm.
Tái hiện đàm hoa (再現曇花) (S. 183): người đời cho rằng ba ngàn năm hoa đàm mới nở một lần, còn trong truyền thuyết nói rằng khi đức Phật ra đời hoa này mới nở. Ở đây dùng hoa Đàm để chỉ cho vị trụ trì đã viên tịch, cầu nguyện vị đó đời sau chuyển sanh làm bậc cao tăng đại đức.
Tam ác đạo (三惡道) (S. 331): ba đường mà chúng sanh tạo nghiệp ác thường lui tới: địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh; còn gọi là Tam ác thú.
Tam bảo (三寶) (S. 326): Phật giáo gọi Phật, Pháp và Tăng là Tam bảo. Phật tức là Phật Thích-ca Mâu-ni, còn chỉ chung cho tất cả chư Phật; Pháp là giáo pháp do Phật dạy; Tăng là Tăng chúng kế thừa và truyền bá giáo pháp của Phật.
Tam bát nhật (三八日): chỉ 3 ngày mùng 8, 18 và 28 âm lịch mỗi tháng, là các ngày Thiền tăng phải tụng niệm trên điện. Thời xưa lấy các ngày 3 (mùng 3, 13, 23) cộng với ba ngày 8 làm 6 ngày tụng niệm trên điện. Các ngày 3 tụng niệm cầu cho quốc gia trường tồn, Phật pháp long thịnh, thí chủ an khang. Còn các ngày 8 tụng niệm cầu cho hoàn thành một đời tu niệm của mình.
Tam đồ (三塗): Chỉ cho Ba đường đó là Hoả đồ (đường lửa), Đao đồ (đường dao), và Huyết đồ (đường máu), đồng nghĩa với Tam ác đạo là 1. Ðịa ngục (地 獄; skt: naraka); 2. Súc sinh (畜 生; skt: tiryañc); 3. Ngạ quỉ (餓 鬼; skt: preta) là những nơi do các nghiệp ác của thân khẩu ý dẫn đến.
Tam giới lưu chuyển (三界流轉) (S. 367): luân hồi chịu khổ trong tam giới: dục giới, sắc giới và vô sắc giới.
Tam hạ (三下): ba tiếng, như minh bản tam hạ, là đánh 3 tiếng bản, còn tam thông là 3 hồi, như minh cổ tam thông là gióng 3 hồi trống.
Tam hiền (三賢) (S. 326): theo đại thừa Phật giáo, Tam hiền là 3 cấp bậc từ Thập tâm trụ, Thập hạnh và Thập hồi hướng, những vị Bồ-tát ở trong 3 giai đoạn này được gọi là hiền giả, vì những vị đó chưa diệt sạch hết mê hoặc, chưa bước vào địa vị thánh giả nên gọi là “Hiền”.
Tam học (三學; Skt: tisrah siksah, P: tisso sikkha) chỉ cho 3 môn học giới – định – huệ của Phật giáo, cũng còn gọi là tam thắng học, gọi đủ là giới – định – huệ tam học. a- Tăng thượng giới học: môn học phòng chỉ ác nghiệp thân – khẩu – ý. b- Tăng thượng định học: môn học giúp trừ vọng niệm hầu thấy tánh thành Phật. c- Tăng thượng huệ học: môn học giúp hiển phát bổn tướng, đoạn trừ phiền não, thấy thực tướng chư Phật.
Tam hữu (三有): hữu (Skt: bhava). Tam hữu có nhiều loại nghĩa: a- Dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu; nghĩa đồng với từ Tam giới. b- Sanh hữu, bổn hữu, tử hữu, là một đời của chúng sanh hữu tình. c- Thiện thành hữu, tính đẳng hữu, biến dị hữu, là số luận do ngoại đạo lập ra.
Tam môn (三門) (S. 97): cũng gọi là “Sơn môn”. Chỉ cho cổng ngoài của Tự viện. Chính giữa dựng một cửa lớn, phối hộp hai cửa nhỏ hai bên. Có chỗ chỉ xây một cửa giữa và dựng thêm hai cây trụ hai bên. Hình thức Tam môn này tượng trưng cho ba cửa giải thoát: Không, Vô tướng, Vô tác trong giáo nghĩa của nhà Phật.
Tam muội (三昧) (S. 191): dịch âm từ tiếng Phạn Samadhi, dịch ý là Định, tức là nhiếp tâm trong Thiền định để đạt đến sự hòa hộp trong các hành. Tam quy (三歸) (S. 326): còn gọi là “Tam quy y”, tức là quy y Tam bảo Phật, Pháp và Tăng.
Tam sự (三事) : tam sự có rất nhiều nghĩa, trong ngữ cảnh ở bài “Kỳ tuyết” này chỉ “chính đức, lợi dụng và hậu sinh” là đức và tài mà bậc trị dân phải có. Thiên “Đại vũ mô” trong Kinh thư viết: “Đế nói: ‘… đất bằng do trời hình thành; lục phủ, tam sự đều đầy đủ”. Một nghĩa gần với nghĩa trên là : sự thiên, sự địa và trị nhân dân.
Tam thế (三世) (S. 92): còn gọi là Tam tế, tức quá khứ, hiện tại, vị lai. Còn chỉ chung cho mọi thời gian.
Tam thiên thế giới (三千世界): lấy núi Tu-di làm trung tâm, chu vi 4 đại châu và 9 núi 8 biển làm một tiểu thế giới. Một ngàn tiểu thế giới tập hộp lại thành một tiểu thiên thế giới, một ngàn tiểu thiên thế giới thành một trung thiên thế giới, một ngàn trung thiên thế giới thành một đại thiên thế giới. Đại thiên thế giới này nhân do tiểu – trung – đại ba loại thiên thế giới hộp thành nên gọi là tam thiên đại thiên thế giới hay tam thiên thế giới.
Tam thời (三時) (S.165): chỉ cho ba khoảng thời gian sáng sớm, giữa trưa và chiều tối.
Tam y (三衣) (S. 342): chỉ cho ba loại y chính thức của chúng tăng: y năm điều (An-đà-hội), y bảy điều (Uất-đa-la-tăng), y chín điều (Tăng-già-lê), khi may thường dùng một số điều tướng sắp xếp theo chiều dọc để may thành giống như hình chữ điền.
Tạm đáo (暫到): các tăng du phương mới đến một chùa nào đó tạm cư ngụ chưa được ghi tên cho lưu ngụ.
Tán kỵ (散忌): nghĩa như tán cúng (散供), nghĩa là lúc giỗ phóng tán các thứ tiền vật như tán hoa, tán tiền v.v…
Tạng chủ (藏主): là tiếng gọi khác của tri tạng, tức tăng quản lý kho kinh.
Tạng kinh (藏經): tức là chỉ Đại tạng kinh, còn gọi là Nhất thiết kinh, Nhất đại (代) tạng kinh, Đại tạng, Tam tạng Thánh giáo, bao hàm tam tạng Thánh điển, cũng chỉ kinh, luật, luận là tổng hộp trung tâm kinh điển Phật giáo.
Tạng điện (藏殿): chỉ lâu điện cất chứa kinh tạng (tức kinh đường) và chỗ xem kinh. Kinh tạng cũng chỉ nơi cử hành nghi thức chúc diên thiên thọ Thánh hoàng hay cung phụng tượng Phật, hoặc tụng kinh theo yêu cầu của thí chủ. Khán kinh đường là nơi tăng chúng xem đọc tạng kinh. Đến đời Nam Tống thì công năng của kinh tạng chuyển sang Phật điện, còn công năng của khán kinh đường chuyển sang các liêu, cho nên tạng điện không còn lý do để tồn tại.
Tạng ty (藏司): chỉ liêu xá nơi tạng chủ trú ngụ và làm việc.
Tánh hỏa (性火) (S. 191): chỉ cho hiện tượng vật chất phổ biến thể hiện trên tất cả các sự vật, đối lập với tánh hỏa là “Sự hỏa”, tức là bốn hiện tượng vật chất cụ thể như đất, nước, lửa, gió.
Tăng đường (僧堂): là điện đường nơi các tăng chúng hằng ngày tu Thiền khởi ngọa ăn uống, cũng còn gọi là vân đường, tọa đường, tuyển Phật đường, Thánh tăng đường, khô mộc đường. Tăng đường là một trong bảy đường già lam của Thiền tông. Phàm người đã được ghi tên ở lại chùa Thiền tông, tất phải y theo giới lạp mà an bài vị thứ để khi tọa Thiền, khởi ngọa, ăn uống đều diễn ra ở tăng đường này. Tăng đường là điện đường quan trọng nhất trong các đường của chùa Thiền tông.
Tâm châu (心珠) (S. 367): tâm tính thanh tịnh, ví như hạt minh châu.
Tẩm đường (寢堂): tẩm thất của trụ trì, là nơi trụ trì tiếp đãi khách khứa, tăng chúng, liên quan đến việc công. Vì cách bố trí có ba kiểu: a- Bố trí bên ngoài thất phương trượng. b- Thất phương trượng chia làm 2 phòng lớn – nhỏ, tẩm đường bố trí tại phòng lớn. c- Tại một gian của thất phương trượng (không nên lầm lẫn là buồng ngủ của trụ trì).
Tẩm phân (祲氛): các thứ khí độc hại, bất thường, hay gây ra dịch bệnh cho súc vật hoặc hoa màu.
Tân mệnh (新命): tức tân mệnh trụ trì, là trụ trì vừa mới nhận mệnh lệnh làm trụ trì mà chưa đáo tân nhiệm làm việc.
Tân quải đáp (新掛搭): chỉ cho tăng nhân mới đến chùa khác và vừa được cho ghi tên ký ngụ lâu dài.
Tẩn (擯) (S. 62): còn gọi là Tẩn trị, là một trong bảy loại hình trị phạt Tỳ kheo gồm có 3 mức độ: 1. Tẩn xuất: áp dụng cho Tỳ kheo phạm lỗi ở mức độ nhẹ, bị đuổi ra khổi chùa, đợi sám hối rồi mới cho phép trở lại. 2. Mặc tẩn: tất cả Tăng chúng không ai được nói chuyện với người phạm lỗi. 3. Diệt tẩn: áp dụng cho người phạm tội nặng không thể sám hối, bị xóa bỏ tên họ, đuổi ra khổi chùa, vĩnh viễn không được phép trở về. Tẩn trong đoạn văn này thuộc về Tẩn xuất.
Tẫn xuất (擯出): lỗi nhẹ, tạm đuổi ra khổi chùa chỉ cho trở lại sinh hoạt trong tăng chúng khi đã sám hối.
Tập hóa quyền (戢化權): đây là lời nói khiêm chỉ việc trụ trì qua đời. Hóa quyền là quyền tạm giáo hóa đệ tử, tức là chỉ cho sinh hoạt bình sanh của trụ trì. Tập là gãy gập, đứt hết. Vậy tập hóa quyền là gãy đứt công việc giáo hóa tạm thời cho đồ chúng, tức là trụ trì qua đời.
Tây đường (西堂): là cao tăng đã từng làm trụ trì ở một chùa khác, nay đã thoái vị khách cư tại bổn tự, cũng còn gọi là Tây am, còn vị trụ trì tiền nhiệm tại bổn tự (tức nay đã thoái nhiệm) thì gọi đối lại là Đông tự, Đông am. Do phương Đông là phương chủ, phương Tây là phương khách, cho nên thỉnh trụ trì miễn nhiệm ở chùa khác về bổn tự thì bố trí ở Tây tự, và đối đãi như khách cho nên mới gọi là Tây đường.
Tây phương Thánh nhân (西方聖人): Chỉ đức Phật ở Ấn Độ, tức đức Thích-ca Mâu-ni Phật, chứ không phải đức Phật A Di Đà ở cõi nước Tây Thiên Cực Lạc.
Tây Vực (西域): thông thường chỉ vùng đất phía Tây của Trung Quốc, nhưng trong lịch sử, Tây Vực không gồm một phạm vi nhất định nào, và cải biến tùy theo từng thời kỳ, còn trong lịch sử Phật giáo thì chỉ có các nước từ Ấn Độ qua Trung Quốc mà theo đó Phật giáo Tây Thiên đã du nhập vào Trung Quốc, cụ thể chỉ nước Đại Hạ và A Phú Hãn.
Tế Bắc (濟北): là từ Thiền lâm dùng để chỉ đại Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền, bởi Nghĩa Huyền vào năm thứ 8 niên hiệu Đại Trung từng trụ tại viện Lâm Tế ở Trấn Châu Hà Bắc, cho nên mới có tên gọi như thế.
Tha duyên (他緣): thuật ngữ Phật giáo, nghĩa là có việc khác.
Thác đề (拓提): gọi đủ là thác đấu đề đồ, có nghĩa là tăng phường tức chỗ chư tăng ở, về sau trở thành tên gọi khác của tự viện.
Thạch Song (石窻) (??) (S. 250): Thiền tăng đời Nam Tống, họ Lâm, hiệu Pháp Cung, người Phụng Hóa, Minh Châu (nay là Ninh Ba tỉnh Chiết Giang), là môn đồ của thiền sư Hoằng Trí Thiên Đồng.
Thạch Sương (石霜) (S.233): ngài Khánh Chư cuối đời Đường, họ Trần, người Lô Lăng. (nay là Kiết An, Giang Tây). Ngài đã hoằng pháp một thời gian dài ở núi Thạch Sương, Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, nên lấy tên núi Ngài đã ở làm hiệu.
Thạch Sương Sở Viên (石霜楚圓): tăng nhân thời Tống thuộc tông Lâm Tế đời thứ 6 (986 – 1029), họ Lý, tên Sở Viên, tự Từ Minh, đệ tử nối pháp của Thiền sư Phần Dương Thiện Chiêu, thị tịch năm Bảo Nguyên thứ 2 đời Tống Nhân Tông, thọ 54 tuổi. Sau này phái của ngài Thạch Sương Sở Viên chia ra 2 nhánh là Dương Kỳ và Hoàng Long.
Thái (thải) phiền (采蘩): tên thiên Thiệu Nam của Kinh thi. Phu nhân các chư hầu Nam quốc đều trọn thành kính tế tự.
Phiền (蘩) là tên của một loài rau cỏ lá nhọn sắc. Từ “thái (thải) phiền” về sau diễn rộng nghĩa chỉ lời nói khiêm cung khi cúng tế (cũng có người cho chữ phiền (蘩) có nghĩa là con tằm).
Thái Định gian (泰定間) (S. 295): khoảng niên hiệu Thái Định đời vua Thái Định Tông nhà Nguyên trị vì, tức năm 1324-1327 CN.
Tham (參): thuật ngữ Thiền tông do kẻ dưới nói với người trên hàm ý: “Bọn mỗ ở đây sẵn sàng chờ lệnh?”, giống như trong quân đội Pháp khi cấp dưới trình diện cấp trên chào “cốp” thì nói to: “À votre service !”, có nghĩa là: “Sẵn sàng thừa lệnh ngài !”.
Tham đầu (參頭) (40S): một chức vụ của tăng chúng trong Thiền lâm, do một vị tăng thành thục về nghi lễ đảm trách hướng dẫn quy cách lễ nhạc cho người bốn phương đến học, đồng thời hướng dẫn người dự học tham gia các nghi thức cáo hương thông dụng, gọi là Tham đầu. Người trợ lý cho Tham đầu gọi là Phó tham. Người chờ để bổ sung vào vị trí này gọi là Vọng tham, cũng chỉ người lanh lợi được các hành giả chờ ghi tên ở lại bầu ra để quan hệ với chức sự trong chùa.
Tham đầu hành giả (參頭行者): là hành giả chịu sự sai khiển của tham đầu.
Tham hậu (參後) (S. 360): sau giờ vãn tham hoặc phóng tham.
Tham thỉnh (參請): người học đạo cầu Thiền sư khai thị.
Tham ỷ (參椅)) (S. 354): ghế dựa để thiền sư ngồi khi có người cầu học đến tham vấn. Chân của loại ghế này thường làm bằng gỗ chéo nhau có thể xếp gấp lại.
Thán đầu (炭頭): Tên chức vụ coi về than củi vào mùa lạnh trong thiền viện.
Thanh Lương tự (清涼寺) Chùa trên núi Trạm Lô huyện Tùng Khê tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc; được xây dựng vào niên hiệu Thần Long thứ 3 (707) đời Đường, để kỉ niệm Âu Trị Tử, gọi là “Thượng Từ”. Niên hiệu Nguyên Phù thứ 2 (1099) đời Tống chùa được mở rộng thêm, gọi là Trạm Lô Thiền Am. Từ đó về sau trải qua nhiều đời đều có sửa sang. Niên hiệu Tuyên Thống thứ 2 (1910) đời Thanh, chùa được xây dựng đại quy mô, đến năm 1930 thì công trình hoàn tất, đổi tên là “Thanh Lương Tự”. Điện trước thờ Phật Di-lặc, điện giữa thờ thiền sư Tịnh Không, sau lưng thiền sư có thờ Bồ Tát Vi Đà. Chùa nằm trên núi Thanh Lương, thành phố Nam Kinh tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, được xây dựng bởi ngài Từ Ôn, đời Ngũ Đại, đầu tiên gọi là Hưng Giáo Tự. Đầu niên hiệu Thăng Nguyên (937-942) triều Nam Đường chùa được đổi tên là “Thạch Thành Thanh Lương Đại Đạo Tràng”, còn gọi “Thanh Lương Báo Ân Thiền Viện”, gọi riêng là “Quảng Huệ Tự”. Ban đầu do ngài Hưu Phục (Ngộ Không) ở, về sau Nam Đường Chủ mời ngài Văn Ích, tổ tông Pháp Nhãn ở chùa này truyền pháp, nên người đời gọi ngài là Thanh Lương Văn Ích. Sau đó các Thiền sư Thái Khâm, Văn Thuý cũng trụ chùa này. Niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc thứ 5 (980) đời Tống, đem Thanh Lương Quảng Huệ Tự ở núi Mạc Phủ dời về chùa này. Niên hiệu Thuần Hựu thứ 12 (1252), dựng đình Thuý Vi trên núi. Đầu đời Minh, Vua xuống chiếu đổi Thanh Lương Quảng Huệ Tự thành Thanh Lương Tự. Về sau chùa bị thiêu huỷ bởi nạn binh lửa, chỉ còn 1 giếng nước được đào từ niên hiệu Bảo Đại thứ 3 (945) triều Nam Đường. Tương truyền chư tăng trong chùa thường uống nước giếng này, dù tuổi già nhưng đầu không bạc nên gọi là “Hoàn dương tỉnh”. Cuối đời Thanh, chùa được xây cất lại cùng dạng kiến trúc nhưng thu nhỏ hơn. Trong thời gian kháng chiến chùa bị huỷ hoại, rừng cây chung quanh chùa bị đốn sạch. Sau khi dựng nước, chùa Thanh Lương từng được sửa sang, núi Thanh Lương sau nhiều năm cấm khai thác gỗ, trồng lại rừng đến nay cây cối xanh tươi rợp mát.
Thanh sắc (聲色): thanh là tiếng nói, còn sắc là hình tướng, chỉ cho trạng thái hữu hình – hữu vi trong thế giới.
Thanh Văn giới (聲聞戒) (S. 342): chỉ cho giới luật của hàng Tiểu thừa, Thanh văn là người xuất gia hành trì theo lời dạy của đức Phật và lấy sự giải thoát tự thân làm mục đích.
Thánh đế đệ nhất nghĩa (聖帝第一義): đế là lý chân thực bất hư, Thánh đế là một cảnh giới tịch tịnh mà các bậc Thánh đều biết, hệ thuộc đại nghĩa căn bản của Phật pháp, cho nên còn gọi là Thánh đế đệ nhất nghĩa, chân đế, là nghĩa thâm sâu của cảnh giới xuất ly pháp thế gian.
Thánh Tăng (聖僧) (S. 55): tượng được đặt ở chính giữa Tăng đường trong Thiền lâm gọi là Thánh Tăng, nhưng tượng này là vị nào thì không nhất định. Các chùa theo Đại thừa thường đặt tượng Văn Thù; Các chùa theo Tiểu thừa thường đặt tượng Kiều-trần-như hoặc Tân-đầu-lô; Cũng có thể đặt tượng đại Ca-diếp hoặc Tu-bồ-đề dùng chung cho cả Đại thừa và Tiểu thừa.
Thánh tiết (聖節): lễ chúc mừng thiên thọ cho đương kim Hoàng đế.
Thảo đơn (草單): là bản thông báo sơ sài chưa hoàn bị còn được sửa chữa.
Thảo hạ (草賀): thảo là sơ sài, thảo hạ là chúc mừng sơ sài qua loa. Thảo phạn (草飯) (S. 284): bữa cơm đơn sơ đạm bạc.
Tháp đơn (插單) (S. 224): lúc mới vào thiền lâm, đem đơn của mình đặt chung với đơn của chúng tăng gọi là Tháp đơn. Đây chỉ cho vị Thủ tọa ở hậu đường đem đơn từ hậu đường ra đặt ở Tiền đường.
Thần châu (神州): Lô Diễn đời Chiến Quốc gọi Trung Quốc là Xích Huyện Thần Châu, người đời sau nhân đó gọi Trung Quốc là Thần Châu. Thập địa (十 地 ; skt: daśabhūmi) Mười quả vị tu chứng của các vị Bồ tát. Có nhiều hệ thống khác nhau nhưng theo Bồ Tát địa (菩 薩 地 skt: bodhisattva-bhūmi) và Thập địa kinh (十 地 經 skt: daśabhūmika-sūtra) thì Thập địa gồm: 1.Hoan hỉ địa (歡 喜 地; skt: pramuditā-bhūmi): Ðắc quả này Bồ tát rất hoan hỉ trên đường Giác ngộ (bodhi). Bồ tát đã phát Bồ-đề tâm và thệ nguyện cứu độ tất cả các chúng sinh thoát khổi Luân hồi (saṃsā- ra), không còn nghĩ tới mình, Bố thí (dāna) không cầu phúc và chứng được tính Vô ngã (anātman) của tất cả các Pháp (dhar- ma). 2. Li cấu địa (離 垢 地;
vimalā-bhūmi): Bồ Tát giữ Giới (śīla) và thực hiện thiền định (dhyāna, samādhi). 3. Phát quang địa (發 光 地; prabhākārī-bhūmi): Bồ-tát chứng được qui luật Vô thường (anitya), tu trì tâm Nhẫn nhục (kṣānti) khi gặp chướng ngại trong việc cứu độ tất cả chúng sinh. Ðể đạt đến cấp này, Bồ Tát phải diệt trừ Ba độc là tham, sân, si, thực hiện được bốn cấp định an chỉ (dhyāna) của Bốn xứ và chứng đạt năm thành phần trong Lục thông (abhijñā). 4. Diệm huệ địa (燄 慧 地 ; skt: arciṣmatī-bhūmi): Bồ-tát đốt hết tất cả những quan niệm sai lầm, tu tập trí huệ, Bát-nhã (prajñā) và 37 Bồ-đề phần (bo- dhipākṣika-dharma). 5. Cực nan thắng địa (極 難 勝 地; skt: Sudurjayā-bhūmi): Bồ Tát nhập định, đạt trí huệ, nhờ đó liễu ngộ Tứ diệu đế và Chân như, tiêu diệt nghi ngờ và biết phân biệt. Bồ tát tiếp tục hành trì 37 giác chi. 6. Hiện tiền địa (現 前 地; skt: Abhimukhī-bhūmi): Bồ tát liễu ngộ mọi pháp là vô ngã, ngộ lí Mười hai nhân duyên và chuyển hóa trí phân biệt thành trí bát-nhã, nhận thức tính Không. Trong xứ này, Bồ tát đã đạt đến trí huệ Bồ-đề (bodhi) và có thể nhập Niết-bàn thường trụ (pratiṣṭhita-nirvāṇa). Vì lòng từ bi đối với chúng sinh, Bồ tát lưu lại trong thế gian, nhưng không bị sinh tử ràng buộc, đó là Niết- bàn vô trụ (apratiṣṭhita-nirvāṇa). 7. Viễn hành địa (遠 行 地; bt-nh, nh?n th?c tính Khơng. Trong x? ny, B? tt d d?t d?n trí hu? B?-d? (bodhi) v có th? nh?p Ni?t-bn thu?ng tr? (prati??hita-nirva?a). Vì lòng từ bi đối với chúng sinh, Bồ tát lưu lại trong thế gian, nhưng không bị sinh tử ràng buộc, đó là Niết- bàn vô trụ (apratiṣṭhita-nirvāṇa). 7. Viễn hành địa (遠 行 地; dūraṅgamā-bhūmi): đạt tới cảnh giới này, Bồ tát đầy đủ khả năng, có mọi phương tiện (upāya) để giáo hóa chúng sinh. Ðây là giai đoạn mà Bồ tát tùy ý xuất hiện trong một dạng bất kì.8. Bất động địa (不 動 地; acalā-bhūmi): trong giai đoạn này, không còn bất kì cảnh ngộ gì làm Bồ tát dao động. Bồ tát đã biết lúc nào mình đạt Phật quả.9. Thiện huệ địa (善 慧 地; sādhumatī-bhūmi): Trí huệ Bồ tát viên mãn, đạt Mười lực (daśa- bala), Lục thông (ṣaḍabhijñā), Bốn tự tín, Tám giải thoát. Biết rõ cơ sở mọi giáo pháp và giảng dạy giáo pháp.10. Pháp vân địa (法 雲 地; dharmameghābhūmi): Bồ tát đạt Nhất thiết trí (sarva- jñatā), đại hạnh. Pháp thân của Bồ tát đã đạt tới mức viên mãn. Ngài ngự trên tòa sen với vô số Bồ tát chung quanh trong cung trời Ðâu-suất. Phật quả của Ngài đã được chư Phật ấn chứng. Những Bồ tát đạt cấp này là Di-lặc (maitreya), Quán Thế Âm (avalokiteśvara) và Văn-thù (mañjuśrī).
Thập nhị nhân duyên ((十二因緣: Skt: dvadasanigapatitya- samuttada), ý chỉ 12 loại nhân duyên sanh khởi, cũng còn gọi là nhị lục chi duyên, thập nhị chi duyên khởi,
thập nhị nhân duyên khởi, thập nhị duyên sanh, thập nhị duyên môn, thập nhị nhân sanh, tức 12 điều kiện cấu thành hữu tình sinh tồn, đó là vô minh, hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử.
Thập phương tự viện (十方寺院) (S. 96): còn gọi là Thập phương sát, chỉ cho vị Trụ trì sau khi thối vị, không nhất thiết phải do đệ tử của mình kế vị, mà có thể chọn một người có đức hạnh ở các chùa khác kế thừa làm Trụ trì Tự viện.
Thất bảo sàng (七宝床): giường quí giá có nạm 7 thứ báu vật trên thế gian là vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não (hoặc cũng có cách tính khác).
Thất diệt tránh (七滅諍: Skt: adhikarana-samatha), là pháp ngưng dứt tăng – ni tranh luận vô bổ, là một bộ phận trong cụ túc giới mà tăng – ni thọ trì, nhân vì có 7 loại nên mới gọi là thất diệt tránh.
Thất Phật (七佛): đó là 7 vị Phật trong quá khứ theo giáo thuyết của bộ phái Phật giáo. Đó là các vị Phật : Phật Tỳ-bà- thi, Phật Thi-khí, Phật Tỳ-xá-phù, Phật Câu-lưu-tôn, Phật Câu-na-hàm-mâu-ni, Phật Ca-diếp, Phật Thích-ca Mâu-ni.
Thế duyên (世緣): nhân duyên của mỗi chúng sanh tại thế gian, tức là sanh mạng của mỗi người.
Thế lễ (世禮): Nghi lễ của thế gian, tức của người thế tục.
Thế Tôn (世尊): là một trong 10 tôn hiệu của Như Lai, hàm ý là được người cả thế gian tôn trọng, hoặc là chỉ cho người được tôn trọng nhất trong thế giới. Từ “Thế Tôn” ở tiếng Skt được biểu thị rất nhiều cách như loka-nàtha (thế chúa), loka- jyestha (thế trung tối tôn giả), loka-vid (thế gian giải), lokàdhipati (thế chi thắng giả), nàyaka (đại sư), sugata (thiện thệ), mahà-rsi (đại tiên), mahà-vira (đại hùng giả), anuttara (vô thượng sĩ), dharma-ràja (pháp vương).
Thế, xuất thế gian (世,出世間): tức chỉ tại thế gian và ra khổi thế gian. Thế gian Skt là loka, hàm nghĩa hủy hoại; hay laukika, hàm nghĩa thế tục, phàm tục, lược dịch là thế, chỉ cho tất cả mọi hiện tượng hữu lậu, hữu vi và tam giới phiền não trói buộc. Xuất thế gian Skt là lokottana, gọi tắt là xuất thế, Pàli là lokuttana, hàm nghĩa siêu xuất thế gian, tức là pháp vô lậu giải thoát, xuất ly khổi hữu lậu trói buộc. Nếu đối
chiếu thế gian với nghĩa thế tục thì xuất thế gian là Phật pháp. Còn đối chiếu thế với nghĩa hữu lậu phiền não thì xuất thế gian là giải thoát.
Thế, xuất thế pháp (世,出世法) (S. 218): thế pháp và xuất thế pháp, chỉ nhân tình thế sự và thanh quy, điều lệ của nhà Phật.
Thi-la (尸羅): Skt: sila, bao hàm các nghĩ hành vi, tập quán, tính cách, đạo đức kiền thành, kính cẩn.
Thị chân thị giả (侍真侍者) (S.171): Chân tức là tấm cha dung của người đã mất, Thị chân thị giả tức Thị giả trông co di ảnh của vị trụ trì đã mất gọi tắt là Thị chân. Sau khi m táng xong thì đưa di ảnh của vị trụ trì đó vào bảo tháp, thôn thường người trông coi bảo tháp đảm nhiệm công việc này.
Thị giả (侍者 S, P. Ante-vāsin) Chỉ cho vị tăng theo hầu bên cạnh sư phụ hoặc bậc trưởng lão. Trong tùng lâm, chức vụ thị giả thông thường do vị sa di lợi căn hoặc vị tỳ-kheo mà tuổi hạ còn thấp đảm nhận, quan hệ giữa vị này và trưởng lão (hoặc Sư phụ hoặc Trụ trì) rất gần gũi, ngoài việc xử lý các việc lặt vặt, vị thị giả chẳng những sớm hôm nghe theo lời chỉ dạy, mà còn học tập, quán xét về đạo đức của các ngài, cho nên được bậc trưởng lão xem trọng và thường được coi là người kế thừa y bát hoặc pháp tịch. Lại tùy theo chức vụ khác nhau, thị giả được chia làm nhiều loại. Theo Thiền uyển thanh quy, thị giả được chia làm hai loại là Nội thị và Ngoại thị. Còn theo Sắc tu Bách Trượng thanh quy thì thị giả được chia làm năm loại: Thiêu hương thị giả: Người ở bên cạnh vị Trụ trì để đốt hương, ghi chép các pháp ngữ khi vị Trụ trì thượng đường, tiểu tham, phổ thuyết, khai thất, niệm tụng, phóng tham. Thư trạng thị giả: Người thay thế Trụ trì phụ trách việc thư tín qua lại và tất cả văn kiện trong Sơn môn; Thỉnh khách thị giả (cũng gọi là Thị khách): Người phụ trách việc tiếp đãi tân khách, nhưng chỉ tiếp những khách có mối quan hệ với Trụ trì, còn khách về các việc khác thì do vị Tri khách tiếp đãi; Thang dược thị giả (cũng gọi Thị dược): Trông coi việc thuốc thang cho vị Trụ trì; Y bát thị giả (cũng gọi Thị y): Phụ trách việc y bát và các đồ dùng của vị Trụ trì.
Thị tật (示疾): tăng lữ, nhất là các trụ trì bệnh nặng sắp qua đời, được nói tránh đi là biểu hiện có chút bệnh.
Thị tịch (示寂): thuật ngữ Phật giáo chỉ các tăng lữ qua đời.
Thị triện (視篆) (S.130): xem dấu ấn của chùa, vì con dấu này được khắc bằng thể văn chữ triện. Cho nên gọi là Thị triện.
Thị ty (侍司): phòng làm việc của thị giả trong chùa Thiền lâm.
Thiên bức luân tướng (千輻輪相: có tướng tốt ngàn dấu tròn như bánh xe dưới lòng bàn chân, là một trong 32 tướng tốt của đức Phật, cho nên cũng còn gọi là túc hạ luân tướng, túc hạ thiên bức luân tướng, thường hiện thiên bức luân tướng, song túc hạ hiện thiên thiên bức luân võng cốc chúng tướng.
Thiên hóa (遷化) (S.159): tên gọi khác của sự chết, Phật giáo cho rằng tăng lữ thị tịch chỉ là sự di chuyển từ nơi này đến nơi khác để hóa độ chúng sanh.
Thiên long (天龍) (S. 331): chư thiên và rồng thần. Thiên là chỉ cho Phạm thiên, Đế thích v.v…
Thiên ma (天魔) (S. 320): chỉ cho ma vương khi đức Phật còn tại thế tên là Ba tuần; dịch ý là “Chướng” vì nó có thể làm chướng ngại sự tu hành.
Thiên Thai chỉ quán (天台止觀) (S. 366): chỉ cho Ma-ha Chỉ Quán, kinh điển căn bản của tông Thiên Thai, do sơ tổ của tông Thiên Thai là Trí Khải trước tác, chủ yếu nói về phương pháp và hiệu quả của pháp môn tu tập viên đốn chỉ quán.
Thiên trọng (偏重): thiên lệch 2 bên, tức là có cái nhìn về Thiền lý chệch choạc không chính xác.
Thiên Trúc (天竺): là tên gọi xưa của nước Ấn Độ, lại cũng còn gọi là Thiên Bằng, Thiên Đốc, Thiên Độc, Thân Độc, tục cho đấy là nước Nguyệt Chi, là quê hương của đức Phật. Thiên Trúc chia ra Đông Tây Nam Bắc và Trung Thiên Trúc.
Thiền duyệt (禪悅) Niềm vui trong thiền định. Người vào thiền định, tâm được tự tại an vui. Phẩm Tịnh hạnh trong kinh Hoa nghiêm (Đại 9, 432 trung) nói: “Nếu khi thụ trai, nên nguyện cho chúng sanh thiền duyệt là thức ăn, tràn đầy pháp hỉ”.
Thiền Nguyệt (禪月) (S. 233): thiền sư cuối đời Đường, tên Quán Hưu, tự Đức Ẩn, họ Khương người Kim Hoa, có tài làm thơ, giỏi thư pháp. Cuối đời đến đất Thục, được chúa đất Thục họ Vương dùng lễ tiếp đãi, ban hiệu là Thiền Nguyệt Đại Sư.
Thiền tịch (禪寂): trong lúc tọa thiền trừ bỏ mọi tạp niệm, tư lự Phật nghĩa, cảnh giới tịch tịnh này gọi là thiền tịch.
Thiện Chiêu 善 昭 (947-1024) Thiền tăng đời Tống, họ Du, người Thái Nguyên (Sơn Tây) Trung Quốc. Thuở nhỏ sư thông minh trí huệ hơn người. Lúc 14 tuổi cha mẹ lần lượt qua đời, sư bèn cắt tóc thụ giới cụ túc. Du phương khắp nơi, từng tham phỏng 71 vị tôn túc thạc đức. Sư đến Thủ Sơn, Nhữ Châu (Lâm Nhĩ, Hà Nam) tham kiến Thiền sư Tĩnh Niệm được đại ngộ, nối pháp làm truyền nhân tông Lâm Tế. Đến khi Tĩnh Niệm tịch, sư mới đáp ứng lời thỉnh của đạo tục Tây Hà, trụ trì Thái Tử Thiền Tự, Thái Bình Tự ở Phần Châu (Phần Dương, Sơn Tây) diễn nói tông yếu đem cơ dụng ba câu, bốn câu, ba quyết, 18 xướng v.v... tiếp dẫn kẻ học đạo, danh tiếng một thời. Ba mươi năm thuyết pháp mỏi mệt, phong cách cao nhã, giới hạnh tinh nghiêm. Mọi người cung kính ngưỡng mộ không dám kêu tên mà chỉ gọi sư là “Thiền sư Phần Châu”. Thụy là “Vô Đức Thiền sư”. Tác phẩm: Phần Dương Vô Đức Thiền sư ngữ lục.
Thiện nam tử (善男子) (S. 320): trong Phật giáo, người nam tại gia hoặc xuất gia có lòng tin Phật được gọi là Thiện nam tử, người nữ có lòng tin Phật thì gọi là Thiện nữ nhân.
Thiện nguyệt (善月): tháng giêng, tháng 5 và tháng 9 là 3 tháng trường trai trong năm. Vào những tháng này cấm chỉ mọi chuyện giết mổ nấu nướng muông thú, phải trường trai trọn tháng, làm việc thiện cho nên mới gọi là thiện nguyệt, tức là tháng tốt lành.
Thiếp sấn (貼嚫): đối với tăng nhân có nhiều cống hiến đặc biệt thì ngoài phần tài vật được bố thí chung như mọi người, còn được phương trượng bố thí thêm gọi là thiếp sấn.
Thiết đặc vi vị (設特為位): đặc vi có nghĩa là đặc biệt thết đãi vì ai đó. Trong Thiền lâm, thuật ngữ này chỉ cho những ai được đặc biệt quản đãi. Thiết đặc vi là thiết trí tòa vị tức là chỗ ngồi riêng cho người được quản đãi, trong ngữ cảnh bài này thì thiết đặc vi vị là thiết trí chỗ ngồi cho chuyên sứ là người được chùa quản đãi. Ngược lại với đặc vi vị là quang bạn vị, tức là chỗ ngồi của những người tới quang lâm bầu bạn cuộc lễ.
Thiết vi (鐵圍S. Cakravāḍa-parvata, P. Cakkavāḷa-pabbata) Cũng gọi thiết luân vi sơn, luân vi sơn, kim cương sơn, kim cương vi sơn. Thế giới quan Phật giáo lấy núi tu di làm trung tâm, chung quanh có tám núi và tám biển bao bọc, dãy núi bao bọc ngoài cùng được cấu tạo bằng sắt, cho nên gọi là Thiết vi sơn, tức dãy núi phía ngoài Hàm hải bao bọc núi tu di và bốn châu.
Thiêu hương thị giả (燒香侍者): là một trong năm loại thị giả ở Thiền viện, cũng còn gọi là thị hương (侍香). Người giữ chức vụ này trong các pháp hội phụ trách ôm hộp hương (香 盒 cũng viết là香合) sẵn sàng đốt dâng trụ trì hay các bậc tôn túc hành lễ niêm hương, cũng phụ trách luôn việc ghi chép các buổi thượng đường, tiểu tham, phổ thuyết, niêm tụng, tiết lạp của trụ trì. Riêng từ thiêu hương (燒香) ý chỉ đốt hương trước tượng Phật, Bồ-tát hay các Tổ sư, cũng còn gọi là niêm hương, nẫm (niệp) hương, phần hương, chú hương. Thiêu hương để nghinh thỉnh Phật, Tổ, chư Tổ sư trong các cuộc lễ.
Thiếu Thất gia phong (少室家風): gia phong là chỉ cho nếp sinh hoạt riêng biệt của mỗi gia tộc, trong Thiền lâm là chỉ cho giáo pháp độc đặc của mỗi tông phái. Thiếu Thất là tên ngọn núi mà sơ Tổ Bồ-đề-đạt-ma đã ngồi 9 năm lặng yên nhìn vách, về sau trở thành nơi phát tích của Thiền tông Trung Hoa do sơ Tổ Đạt-ma trao truyền. Vậy Thiếu Thất gia phong là chỉ cho Thiền pháp độc đặc của Bồ-đề-đạt-ma.
Thọ ký (授記; Skt: vyakarana, P: veyakarana), dịch theo âm là Tì-da-khư-lợi-na, Hòa-la-na v.v… lại cũng gọi là thọ (授) quyết, thọ (受) quyết, thọ ((受) ký, ký biệt, ký thuyết, ký, là một trong 12 bộ kinh, một trong 9 bộ kinh (Nam tông), hàm ý phân biệt, phân chiết, phát triển, vốn ban đầu chỉ phân chiết giáo thuyết, hoặc dùng phương thức hỏi đáp mà giải thuyết giáo pháp, sau chuyển nghĩa chỉ sở chứng của đệ tử hay chỉ nơi sanh về sau khi chết. Về sau nữa, lại chuyển nghĩa xa hơn là chỉ cho việc chứng quả đời sau hay lời tiên đoán danh hiệu thành Phật.
Thoái tòa (退座) (S.106): sau khi kết thúc các nghi thức như pháp hội, lễ bái từ nơi ấy trở về liêu xá gọi là Thoái tòa.
Thoái viện (退院): từ chức trụ trì, thường rời khổi tự viện.
Thoát Hoan thừa tướng (脫歡丞相) (S. 295): Thoát Hoan làm Tả thừa tướng kiêm nhiệm Hành tuyên chánh viện vào năm Thái Định đời Nguyên. Ông họ Oát Thích Nạp Nhi, mất vào đầu niên hiệu Trí Hòa (năm 1328). Đời Trần, Thoát Hoan từng sang đánh Việt Nam và thua to.
Thổ địa đường (土地堂): theo tập quán tín ngưỡng của Việt Nam, Thổ địa là một vị thần mà địa vị rất khiêm nhường, trong nhà thì khám thờ tọa lạc tại xó nền, ngoài đồng hoang dã thì ở dưới gốc cây. Tuy nhiên ở Trung Quốc thì thần Thổ địa có địa vị không thua gì Thành hoàng ở nước ta, trong chùa thì bàn thờ bố trí tại phía Đông chánh điện, ngang hàng với Hộ pháp, Già lam.
Thù du trà (茱萸茶): trà thù du. Cây thù du có 2 loại: một loại dùng làm thuốc; một loại dùng làm thức ăn.
Thuần-đà (純陀: Skt, P: Cunda). Lại cũng còn gọi là Chuẩn Đà, Thuần (淳) Đà, Chu-na, là người thợ rèn ở thành Da-bà thời Phật còn tại thế, là người cúng dường Phật sau cùng trước khi Phật thị diệt, đó là nấm mèo cây chiên đàn. Kinh Trường A-hàm cũng theo thuyết cúng dường nấm mèo, nhưng kinh Niết Bàn thì cho Thuần-đà cúng cơm và thức ăn ngon. Tuy nhiên các học giả phương Tây thời cận đại nghiên cứu kinh đại Bát-niết Bàn chữ Pàli thì cho là Thuần-đà cúng dường thịt heo (thời Phật tại thế không có chủ trương chay – mặn, mà ai cho gì thì ăn nấy).
Thủ khánh (手磬): còn gọi là dẫn (引) khánh, là pháp khí dùng đồng chế ra, hình dạng như cái chuông nhỏ, trên đầu có núm, tác dụng là đánh lên để dẫn khởi tăng chúng chú ý trong các pháp sự, cũng dùng để đánh lên lúc tăng nhân lâm chung để dẫn khởi giác linh họ tăng thêm chánh niệm.
Thủ lô (手爐): lư hương nhỏ có 2 nắm tay để cầm cho chắc khi xê dịch gọi là bính (tay cầm) hương lô hay thủ lô.
Thủ tọa (首座)) (S. 24): dựa theo nghĩa “nắm lấy giềng mối, đứng đầu trong tăng chúng” mà gọi tên. Có ba loại tình huống sau: 1. Tăng Quan do triều đình sắc phong, như: Tam giáo Thủ Tọa, giảng kinh, giảng luận Thủ tọa” v.v… 2. Một trong ba cương vị ở Tự viện, còn gọi là “Thượng tọa”. 3. Một trong sáu vị Đầu thủ thuộc Tây tự ở Thiền lâm. Chức vụ này được trình bày rõ trong đoạn văn sau ở “chương Lưỡng tự”.
Thuỳ thủ vị (垂手位): những người đối diện nhau trước mặt người trụ trì gọi là thuỳ thủ vị.
Thủy đầu (水頭) Cũng gọi Thủy khán. Chức vụ phụ trách gánh nước, đun nước cho đại chúng tắm gội trong tùng lâm.
Thư ký (書記): là tăng nhân giỏi chữ, trông coi việc viết lách, nhất là viết sớ và ghi chép các sự việc quan trọng trong chùa, là một trong lục đầu thủ của Tây tự.
Thư trạng thị giả (書狀侍者): thị giả chuyên viết thư trạng, thiếp trạng thỉnh mời trong các cuộc lễ.
Thường trụ (常住) (S. 63): lấy theo nghĩa pháp không sanh diệt đổi dời. Gọi tài sản, vật dụng của Tự viện và chư Tăng là vật thường trụ, gọi tắt là thường trụ. Có 4 loại vật thường trụ: 1. Những tài sản quan trọng như bất động sản và những thành quả do sức lao động của người giúp việc và súc vật làm ra, gọi là của thường trụ thường trụ. 2. Những thức ăn thông dụng cúng cho chư Tăng mỗi ngày, Tăng chúng các phương đều có thể chia phần, gọi là của thập phương thường trụ. 3. Những tài vật riêng của Tăng Ni, gọi là của hiện tiền hiện tiền. 4. Những tài vật của vị Tăng viên tịch để lại, có thể chia cho Tăng chúng ở các nơi, gọi là của thập phương hiện tiền. Đoạn văn này là chỉ hai loại đầu.
Thượng gian (上間): tức gian bên phải, bên mé Tây của tăng đường.
Thượng hương (上香): thắp hương vào lư hương trước tượng Phật, phép thượng hương có 2 cách là tuyến hương và đàn hương.
Thượng đường (上堂): nghi thức của Phật giáo gồm có hai: 1. Lên pháp đường diễn giảng kinh pháp. Nghi này lại phân làm các nghi nhỏ: Đán vọng thượng đường, Ngũ tham thượng đường, Cửu tham thượng đường, Tạ bỉnh phất thượng đường, Tạ đô tự thượng đường, Xuất đội thượng đường, Xuất sấn thượng đường v.v… 2. Vào trai đường dùng cơm cháo. Ở đây chỉ cho một trong những sự việc đã nêu ra ở trên.
Thượng thủ tri sự (上首知事): thượng thủ, skt là pramukha, Pali là pamukha, là người có cương vị cao nhất trong đại chúng ở một ngôi chùa, cũng chỉ cho vị thủ tọa.
Thượng thực (上食)): dâng cơm cúng, như dâng trà thang thủy thì gọi là thượng trà thang.
Thượng tọa (上座) (S. 354): bao gồm nhiều nghĩa, ở đây chỉ cho Thủ tọa ở các liêu trong thiền lâm. Còn là cách gọi tôn kính thiền sinh trong thiền lâm.
Tì-lô-giá-na (毘盧遮那 ; skt: vairocana). Tên dịch âm của Ðại Nhật Phật. Nghĩa là mặt trời, tượng trưng cho trí Phật rộng lớn vô biên, là trí tuệ chính giác nhờ công hạnh u tập trải qua vô lượng kiếp mà đạt được.
Tì-ni (毗尼): cũng còn được dịch là Tì-nại-da, tiếng Phạn vinaya là chỉ cho Luật tạng.
Tỉ-kheo (比丘; Skt: bhiksu, P: bhikkhu), lại cũng còn gọi là bí-sô, bị-xu, tỉ-hô, dịch theo ý là khất sĩ, khất sĩ nam, trừ sĩ, huân sĩ, phá phiền não, bố ma v.v…, là một trong ngũ chúng, chỉ người nam xuất gia đắc độ thọ giới cụ túc.
Tịch diệt (寂滅: Skt: vyupasama, P: vupasama), gọi tắt là diệt, tức ý chỉ độ thoát sanh tử mà vào cảnh địa vô vi thanh tịnh. Cảnh địa này lìa xa thế giới mê hoặc, hàm ý chỉ khoái lạc, cho nên mới có câu nói Tịch diệt là vui.
Tiền bản (前板) (S. 224): bên phải Tăng đường của Thiền lâm (tức Tiền đường) treo bảng ra vào, bảng này nhằm thay thế cho Tiền đường.
Tiền đại Trụ trì (前代住持) (S.131): gọi tắt là Tiền đại, là vị trước đây đã từng làm trụ trì một lần.
Tiền đường Thủ tọa (前堂首座) (S. 56): gọi tắt là Tiền đường, là vị Thủ tọa được phân công phụ trách phần trước Tăng đường trong Thiền lâm.
Tiền tư (前資) (S. 97): vị Tăng trong Thiền lâm đã từng ba lần đảm nhiệm các chức vụ Tri sự ở Đông tự, từ Phó tự trở xuống sau khi nghỉ việc gọi là Tiền tư.
Tiễn điểm (煎點): nguyên có nghĩa là nấu trà điểm tâm, sau chuyển nghĩa thành buổi điểm tâm trước buổi đãi trà, chuyển rộng nghĩa nữa là mời dùng cơm, đó là nghĩa ở ngữ cảnh trong bài.
Tiêu tai chú (消災咒): là một trong bốn Đà-ra-ni mà tùng lâm sử dụng, mà cũng là pháp ngưng tai họa của Mật giáo, cũng còn gọi là Tiêu tai cát tường chú, Tiêu tai chân ngôn, Tiêu tai Đà-ra-ni, là thần chú tiêu trừ các loại tai họa, thành tựu mọi việc tốt lành.
Tiểu sư (小師) (S. 92): có hai nghĩa: 1. Vị Tăng đã thọ giới cụ túc chưa đầy 10 năm. 2. Cách xưng hô của đệ tử với sư phụ.
Tiểu tham (小參) (S. 28): trong thiền lâm, khi nghe thuyết pháp vào ngày không định trước gọi là Tiểu tham. Vì thanh quy ấn định ngày thuyết pháp theo định kỳ là “Đại tham” hay còn gọi là Gia giáo, cho nên ngày thuyết pháp không theo định kỳ gọi là tiểu tham.
Tiểu tham đầu (小參頭). Sau Tham đầu có Tiểu tham đầu.
Tinh tấn (精進) (S. 56): còn gọi là Cần, một trạng thái tinh thần tu thiện đoạn ác mạnh mẽ.
Tỉnh Viện Đài Hiến (省院臺憲) (S.140): vị quan đứng đầu của Thượng thư tỉnh và Tuyên chánh viện đời Nguyên.
Tịnh bình ((淨瓶) (S. 321): cũng gọi là Tháo bình, được làm bằng đất nung, thường để đựng nước mang theo bên mình để rửa tay.
Tịnh Danh (淨名): còn gọi là Duy-ma (Skt: vimalakirti), Duy-ma-cật, Tỳ-ma-la-cật, Vô Cấu Xưng, Diệt Cấu Minh, là đệ tử tại gia ưu việt của Phật-đà, Trưởng giả ở thành Tỳ-xá- ly tại Trung Ấn Độ. Tuy là tục lữ, nhưng Tịnh Danh lại rất tinh thông giáo nghĩa Đại thừa, dẫu cho người xuất gia cũng không bì kịp.
Tịnh đầu (淨頭) Cũng gọi Thanh đầu, Trì tịnh. Chức vụ coi về việc quét tước nhà xí trong Thiền lâm. Người làm chức này đều tự phát tâm đảm nhiệm công việc.
Tịnh độ (淨 土 ; skt: buddhakṣetra) nguyên nghĩa Phạn ngữ là Phật độ, cõi Phật, cõi thanh tịnh; Trong Ðại thừa, người ta hiểu mỗi cõi Tịnh độ thuộc về một vị Phật và vì có vô số chư Phật nên có vô số Tịnh độ. Ðược nhắc nhở nhiều nhất là cõi Cực lạc (skt: sukhāvatī) của Phật A-di-đà (skt: amitābha) ở phương Tây. Tịnh độ phía Ðông
là cõi Phật Dược Sư (skt: bhaiṣajyagu- ru-buddha), có khi cõi đó được gọi là Ðiều hỉ quốc (skt: abhi- rati) của Phật Bất Ðộng (skt: akṣobhya). Phía Nam là cõi của Phật Bảo Sinh (skt: ratnasambhava), phía Bắc là cõi của Phật Cổ Âm (skt: dundubhisvara). Ðức Phật tương lai Di-lặc (skt: maitreya), là vị đang giáo hóa ở cõi Ðâu-suất (skt: tuṣita), sẽ tạo một Tịnh độ mới. Tịnh độ được xem là »hóa thân« của thế giới, là cõi xứ của người tu hành muốn được tái sinh. Muốn đạt được cõi này, hành giả không phải chỉ trau dồi thiện Nghiệp mà còn phải nguyện cầu các đức Phật của các cõi đó cứu độ được tái sinh. Trong nhân gian, người ta thường hiểu Tịnh độ là một nơi có vị trí địa lí nhất định, nhưng thật ra Tịnh độ là một dạng của tâm thức giác ngộ, không bị ô nhiễm và các phương hướng Ðông, Tây, Nam, Bắc chỉ có tính chất hình tượng. Tịnh độ không phải là mục đích cuối cùng trên con đường tu tập, chỉ là nơi được xem là cõi cuối cùng mà hành giả phải tái sinh để rồi đạt Niết-bàn (Tịnh độ tông).
Tịnh nhân (淨人): Cũng gọi Đạo nhân, Khổ hạnh, Tự quan, người thanh tịnh. Nghĩa là người chưa cạo tóc xuất gia, chỉ làm các việc trong chùa viện. Từ Tịnh nhân bắt nguồn ở Ấn Độ. Trong Thiền lâm, chức sự phục vụ cơm cháo ở Tăng đường; hoặc vị hành giả trông nom về nhà tắm, cũng gọi là Tịnh nhân.
Tịnh Phạn vương (淨飯王): Tịnh Phạn (Skt: Suddhodana), dịch âm là Thủ đồ đà na. Lại cũng gọi là Bạch Tịnh vương, là chủ thành Ca-câu-la (Skt: Kapilavastu) ở Trung Ấn Độ. Ngài là phụ vương của Thế Tôn. Con trai thứ của vương là Nan-đà và cháu nội là La-hầu-la đều là đại đệ tử của Thế Tôn.
Tịnh pháp giới thân (淨法界身): pháp giới thân thanh tịnh. Pháp giới thân là chỉ cho pháp thân của Phật, pháp giới là cảnh sở hóa, tức là cõi chúng sanh. Thân là chỉ cho thân có thể hóa độ chúng sanh, là thân của chư Phật vậy. Pháp giới thân là thân Phật biến hóa ra làm lợi ích cho cõi chúng sanh. Ở ngữ cảnh trong bài thì tịnh pháp thân là chỉ cho thân của sơ Tổ Bồ-đề Đạt-ma.
Tịnh phát (淨髮Œ) (S. 360): chỉ cho việ cạ tóc củ chúng tăg. Tăg chúng trong thiền lâm mỗi nửa tháng cạo tóc một lần. Việc này đã thành nề nếp.
Tịnh Từ tự (淨慈寺): Chùa ở núi Nam Bình, ngoại ô phía nam huyện Hàng, tỉnh Chiết Giang, do vua nước Ngô việt là Tiền hoằng thúc sáng lập vào niên hiệu Hiển đức năm đầu (954) đời Hậu Chu. Ban đầu chùa có tên Tuệ nhật vĩnh minh, do ngài
Đạo tiềm ở Cù châu được rước đến làm vị tổ khai sáng thứ nhất. Ngài Đạo tiềm định đúc tạo 18 pho tượng La hán, vua chưa được biết việc này nhưng đã mộng thấy 18 người to lớn, nên vua giúp sư hoàn thành chí nguyện tạo tượng và xây La hán đường để thờ. Năm Kiến long thứ 2 (961) đời Bắc Tống, ngià Đạo tiềm thị tịch, vua lễ thỉnh ngài Diên thọ chùa Linh ẩn về trụ trì chùa này. Ngài Diên thọ trụ tại đây 15 năm, độ 1700 đệ tử, truyền giới bồ-tát cho 7 chúng, ngày đêm xưng niệm hồng danh Phật A-di-đà 10 vạn tiếng, đức hóa thấm nhuần khắp trong nước, người đời gọi sư là Vĩnh minh diên thọ. Nhà vua xây điện Hương nghiêm để đền đáp chí nguyện của sư. Đồng thời, sư soạn bộ Tông kính lục gồm 100 quyển, trong khuôn viên chùa xây một tòa nhà gọi là Tông kính đài (cũng gọi là Tông kính đường). Thời vua Tống thái tông, chùa được đổi tên là Thọ Minh thiền viện, sau lại gọi là Tịnh từ tự.
Tỏa khám (鎖龕): trong đám tang trụ trì, sau khi liệm thây vào quan tài quàn ở tẩm đường mà chưa đóng khóa nắp quan tài, chỉ đậy nắp lại thôi thì gọi là cái quan (蓋棺). Khi nào di quan ra pháp đường làm lễ đóng chặt nắp quan tài lại bằng đinh thì gọi là tỏa quan hay tỏa khám.
Tọa cụ (坐具; skt: nisidana, nisadana), là một trong sáu vật của tỉ-kheo luôn mang theo mình, dịch theo âm là ni-sư-đàn, ni-sư-đãn-na, dịch theo ý là tọa ngọa cụ, tọa y, thấn ngọa y, tùy tọa y v.v… gọi tắt là cụ, dùng trải dưới đất hay trải trên giường để ngồi lên. Tọa cụ hình chữ nhật bằng vải.
Tọa đường (坐堂) (S. 24): chỉ tòa ngồi ở Tăng đường.
Tọa tham (坐參) (S. 225): trước khi vãn tham, đại chúng tập hộp ở nơi Tăng đường ngồi lắng tâm để đợi đến buổi vãn tham gọi là Toạ tham.
Toàn thân nhập tháp (全身入塔) (S.174): toàn thể nhục thân được đưa vào trong tháp.
Tổ đường (祖堂) (S. 55): tên căn phòng đặt tượng sơ Tổ Đạt Ma trong chùa Thiền, còn gọi là Tổ Sư đường. Thông thường ở đây là nơi đặt bài vị của các đời tổ sư quá vãng.
Tôn túc (尊宿) (S. 26): tiếng tôn xưng vị tăng lớn tuổi, đức cao trong Phật giáo. Tôn chỉ cho đức cao, Túc chỉ cho tuổi lớn.
Tông nhãn (宗眼): cũng còn gọi là “chánh pháp nhãn”, chỉ quan điểm tư tưởng cơ bản đại biểu cho một tông phái.
Tông phong (宗風): là môn phong tu hành cá biệt của một người hay một môn phái trong Thiền lâm.
Tông truyền trực chỉ (宗傳直指) : đây là Tông chỉ truyền riêng ngoài giáo, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật của Thiền tông Trung Hoa do sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma truyền thụ.
Tống Lý Tông (理宗) (S.152): vị hoàng đế triều đại Nam Tống, họ Triệu tên Quân, trị vì vào các năm 1224 đến 1264 CN.
Tổng trì môn (總持門) (S. 332): nghĩa là pháp môn tổng trì, là giữ điều thiện không cho mất, ngăn điều ác không cho khởi lên. Tổng trì môn tức là pháp môn tổng trì, còn là tên khác của Mật tông.
Tốt-đỗ-ba (窣覩波): là dịch âm của từ Skt stupa, có nghĩa là cái mộ tháp, Pàli là thùpa, cũng còn dịch theo âm là tốt-đỗ- bà, tốt-đô-bà, tẩu-đầu-bà, lược dịch là đâu-bà, Phật-đồ, phù- đồ, Phật-đỗ, dịch theo ý là chỗ cao hiển, công đức tụ, phương phần, viên trũng v.v…
Trà đầu (茶頭): Chức vụ phụ trách việc trà nước trong thiền lâm. Tất cả việc dâng trà cúng Phật, pha trà cho chúng tăng hoặc để mời khách đều do vị trà đầu phụ trách.
Trà thang (茶湯): Nước trà và nước nóng. Trong Thiền tông, khi vị tân Trụ trì làm lễ nhập tự thì thường có nghi thức châm trà thang, trước pha trà, sau châm thang (nước nóng).
Trà-tỳ (茶毘 P. jhāpeti) Cũng gọi: Đồ-tỳ, Xà-tỳ, Xà-ty, Da-duy. Hán dịch: Phần thiêu. Thiêu đốt thi thể để giữ lại di cốt, một trong các cách an táng người chết ở Ấn Độ. Hiện nay cách an táng này cũng rất phổ biến tại các nước có nhiều tín đồ Phật giáo.
Trác ((卓): nghĩa như thỉnh mời.
Trai đường (齋堂): Nhà ăn của các tự viện Thiền tông.
Trai tăng (齋僧)) (S. 84): thiết bày thức ăn chay để cúng dường Tăng chúng. Trai thất (齋七) (S. 201): sau khi người đã chết, cứ 7 ngày cử hành trai hội 1 lần, để siêu độ vong linh, cho đến ngày thứ 7 của thất thứ 7 thì dừng, những trai hội này gọi là Trai thất.
Trang chủ (莊主): Cũng gọi là Đô trang. Chức vụ trong Thiền lâm trông coi các việc về đất đai, ruộng vườn của chùa, như xem xét ranh giới, sửa chữa trang trại, an ủi trang điền (cũng gọi Trang khách, Địa khách); tất cả việc nhò trong trang trại đều phải tùy thời xử lý, còn đối với các việc trọng đại thì phải thưa với vị chủ sự trong chùa để giải quyết.
Trân tu (珍羞): là thức ăn ngon lành, sang quí.
Trân trọng (珍重): thuật ngữ Thiền tông dùng để biểu thị lời tạm biệt, thường là sau khi đại chúng đứng đã lâu nghe pháp bây giờ thì giải tán.
Trần lao (塵勞) (S. 336): tên gọi khác của phiền não, vì các phiền não làm ô nhiễm chân tánh, nhiễu loạn thân tâm nên gọi là Trần lao.
Tri dục (知浴): cũng được gọi là Dục ti, Dục chủ; Là chức vụ trông coi nhà tắm, nồi và than củi để nấu nước tắm. Một trong sáu vị Đầu thủ của Tây tự trong Thiền lâm.
Tri điện (知殿): Cũng được gọi là Điện chủ, Điện ti; Chức vụ trông coi các việc như hương hoa, dầu đèn, báo sái… trên điện Phật.
Tri hội (知會): mọi người cùng nhau họp bàn để phân công giữ chùa khi trụ trì đi vắng.
Tri khách (知客) (S. 71): người phụ trách tiếp đãi khách vãng lai, cũng gọi là Điển khách, Điển tân, là một trong sáu Đầu thủ của Tây tự.
Tri sự (知事): cũng còn gọi là duy-na, duyệt chúng, dinh sự, thọ sự (授), nhiệm sự, tri viện sự, quản lý tạp vụ của chư tăng, trong đó quan trọng nhất là bảo hộ tài vật của chư tăng nên phải lựa người thuận ứng nguyện vọng của chư tăng, nghiêm trì giới luật, tâm công chính mà giao nhiệm vụ.
Trì phạm khai già (持犯開遮): trì tức là giữ gìn giới luật cả ngũ giới lẫn cụ túc giới, phạm tức là vi phạm giới luật. Đây là 2 trạng thái đối lập. Khai là mở thoáng, già là khép chặt khắt khe hay nói cách khác khai là hàm ý cho phép, già là hàm ý cấm chỉ, tức ý nói là trong giới luật khi thì cho phép, lúc thì cấm chỉ. Giới pháp Tiểu thừa rất nghiêm, rất ít khi đồng ý cho phép, còn giới pháp Đại thừa từ bi, lại hoạt dụng nên thường đồng ý cho phép. Gộp chung 2 phong cách khắc khe và phóng khoáng lại gọi là “trì phạm, khai già”.
Trị hóa (治化): tức là trị lý và giáo hóa, cũng gọi là lý hóa. Truyện Lý Tiên sách Ngụy thư chép: “Thái Tổ hỏi Tiên rằng: ‘Trong thiên hạ thì sách nào tốt nhất để làm lợi cho thần trí người dân?’, Tiên đáp: ‘Duy chỉ có Kinh Thư, Tam Hoàng, Ngũ Đế, là điển tịch trị hóa có thể bổ ích cho thần trí của vua chúa’”.
Triển lễ (展礼): trải tọa cụ giập đầu lạy 3 lạy.
Triều âm (潮音): tức là hải triều âm, chỉ tiếng nói cực to, như tiếng sóng biển vỗ, chỉ cho âm thanh ưu mỹ của Phật và Bồ-tát, hoặc chỉ cho việc đại ứng hóa của Phật và Bồ-tát.
Trình tự ((呈似): trình lại y nguyên không thêm bớt, như cử tự (舉似) là thuật kể lại y lời, đúng việc.
Trù ((籌sskt: salaka): một loại công cụ để tính nhân số, thông thường được làm bằng trúc, gỗ, dày mỏng, dài ngắn phải thích hộp. Trong thiền lâm thường dùng vật này để kiểm số người.
Trụ sơn (住山) (S.152): cách gọi đặc biệt của vị trụ trì.
Trụ trì (住持) (S. 18): nguyên nghĩa là ở lâu để hộ trì Phật pháp. Ở Trung Quốc từ thời Nam Bắc Triều trở đi có một số tự viện dùng Trụ trì để gọi tên chức vụ vị Tăng quản lý tự viện. Đến đời Đường Trụ trì đã trở thành chức vụ cao nhất trong chùa, được ứng dụng rộng rãi trong các tự viện địa phương. Vào khoảng giữa đời Đường, Bách Trượng Hoài Hải sửa đổi giáo quy thì “Trụ trì” đã trở thành chức Tăng cao nhất ở tự viện Thiền Tông, lãnh đạo một phương và dần dần đi vào quy củ. Sách này cho rằng trước Bách Trượng chưa có danh xưng trụ trì là không chuẩn xác.
Trục nhất (逐一): nghĩa giống như nhất nhất, trục tiệm, tức là theo tuần tự mà tiến hành.
Trục tùng thiên môn nhi xuất (逐從偏門而出): đuổi buộc phải theo cửa hông mà ra khổi chùa, có ý sỉ nhục.
Trung vi Đông cung (中闈東宮): trong hoàng cung, cung của Đông cung Thái tử ở khoảng cửa giữa phía Đông, cho nên trung vi Đông cung tức là Đông cung Thái tử.
Trùng dương (重佯): tết mồng chín thánh chín Âm lịch.
Trùng giá nguyện luân (重駕願輪): nguyện luân (xe nguyện), nghĩa như nguyện thuyền (thuyền nguyện), là lời thệ nguyện của Phật và Bồ-tát muốn độ trọn chúng sanh qua bờ giải thoát bên kia. Vậy trùng giá nguyện luân là lại cỡi xe nguyện như Phật và Bồ-tát trước kia để độ tận chúng sanh.
Truy điệu ((追悼)): nghĩa tương đương như truy niệm, tức là lễ đoái tưởng đến người đã qua đời mà thương tiếc xót xa. Ngày nay, tang lễ các người danh tiếng đều có làm lễ truy điệu, chủ yếu là nhắc lại công lao và đạo đức của người qua đời mà thương tiếc.
Truy tu (追修) (S. 201): vì người chết mà tu tạo công đức.
Truyền xá (傳舍) (S. 308): nơi dành cho khách vãng lai thời xưa dừng chân nghỉ lại qua đêm.
Trực bệnh (直病): luân phiên quan tâm, chăm sóc người bệnh.
Trực chỉ chi đạo (直指之道): tức là đạo pháp chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật do sơ Tổ Bồ-đề-đạt-ma truyền thụ cho Thiền tông Trung Quốc.
Trực điện (直殿): Người quản lí điện đường trong tự viện. tạng điện 藏殿 chỉ cho ngôi nhà bao gồm kinh tạng (kinh đường) và khán kinh đường. Kinh tạng là nơi cất giữ kinh điển có thờ tượng Phật, do đó cũng là tụng vào dịp lễ chúc thánh hoặc theo thỉnh nguyện của thí chủ. Còn khán kinh đường là nơi đại chúng đến đọc đại tạng kinh. Đến thời Nam Tống thì nghi thức tụng kinh được cử hành trên Phật điện, còn việc đọc tụng kinh tạng thì chúng tăng đưa về các liêu, cho nên tạng điện không còn
lý do tồn tại. Bởi vậy thiền tông Nhật bản vốn truyền thừa tử triều đại Nam Tống, tuy có tên gọi tạng chủ và tạng điện nhưng đã mất đi ý nghĩa nguyên thỉ mà chỉ còn là hữu danh vô thực.
Trực đường (直堂): Chỉ cho chức vụ luân phiên giữ Tăng đường trong các thiền viện, chuyên trông coi chăn mền, y bát của đại chúng.
Trực sảnh (直廳): trong chùa Thiền lâm luôn luôn phân công người trực sảnh đường gọi là trực sảnh.
Trực tuế (直歲): Chỉ cho chức vụ đảm nhiệm công việc trong một năm tại các chùa viện thuộc Thiền tông, là một trong sáu vị Tri sự. Trực tuế vốn là một chức vụ phụ trách việc tiếp khách Tăng, nhưng trong thiền môn thì chức này trông coi tất cả công việc, là một chức vụ quan trọng. Về sau dần dần chỉ cho người trông nom công việc trong một tháng, nửa tháng, hoặc 1 ngày, cho đến thời gian không hạn định.
Trừu bị ((抽被): bị là vật bằng vải trải bên cạnh chỗ ngồi lúc tham thiền. Trừu bị là dỡ bỏ tấm vải trải ngồi thiền ở tăng đường, hàm nghĩa là rời khổi chùa, nghĩa tương đương với từ “trừu thiền”.
Trừu giải (抽解) (S. 360): giữa giờ ngồi thiền, ra khổi Tăng đường nghỉ giải lao, hoặc người mới đến chùa xin ở lại, về liêu nghỉ ngơi trong giây lát đều gọi là Trừu giải.
Trừu hạ bản vị quải đáp (抽下本位掛搭): loại bỏ vị trí quải đáp (cũng có thể hiểu là bôi tên trong danh sách) tức trừ bỏ cương vị tăng chúng trong chùa.
Trường bản (長板): không có nghĩa là tấm bản dài mà là đánh bản một hồi dài.
Trường Khánh nguyên niên (長慶元年): năm đầu niên hiệu của Đường Mục Tông (821).
Trường liên sàng (長連床): loại giường dài liên tiếp nhau để các tăng an nghỉ thể hiện tính cộng đồng sinh hoạt, bình đẳng tiện nghi.
Trưởng lão (長老: Skt: sthavara, P: thera), chỉ bậc tu hành tuổi lạp cao, tuổi đời lớn, trí đức đều ưu việt, còn gọi là thượng tọa, thượng thủ, thủ tọa, kỳ niên, kỳ túc, lão
cựu, lão túc, Trưởng túc, trụ vị. Theo quyển 8 kinh Trường A Hàm thì Trưởng lão có 3 loại: a- Niên kỳ Trưởng lão. b- Pháp Trưởng lão. c- Tác Trưởng lão.
Tu-bạt-đà-la (須跋陀羅: Skt: Subhadra, P: Subhadda), lại còn gọi là Tô-bạt-đà-la, Tu-bạt-đà, Tu-bạt, Tẩu-ba-đầu-lân, dịch theo ý là Thiện Hiền, Hảo Hiền, Thiện Hảo Hiền, là đệ tử sau cùng nhận sự giáo giới của Phật Đà trước khi Ngài nhập diệt mà đắc đạo. Khi đắc đạo, Tu Bạt đã 120 tuổi, người thông minh đa trí nghe Phật thuyết Bát Thánh đạo bèn ngay đêm đó xuất gia thọ giới, tịnh tu Phạm hạnh, đêm xuống không lâu đã thành A- la-hán, rồi ngay trước mặt Phật diệt độ trước.
Tu-bồ-đề (須菩提) (S. 18): (skt: Subhuti), cũng dịch là Tu- phù-đế, Tu-phù-đề, Tô-bộ-để v.v…, dịch ý là Thiện Hiện, Thiện Kiến, Thiện Cát, Không Sanh v.v…, người thành Xá- vệ, nước Câu-tát-la thuộc Ấn Độ cổ, dòng dõi Bà-la-môn. Ngài cũng là một trong mười đệ tử lớn của Đức Thích-ca Mâu-ni, nổi danh nhờ vào pháp biện chứng Chư pháp tánh không nên được xưng là Giải không đệ nhất.
Tu vu (修圩) (S. 276): Vu là chỉ cái đê bao quanh ruộng đất ở vùng trũng. Vùng Giang Hoài dùng đê bao quanh ruộng nên gọi là Vu điền. Tu vu là chỉ cho việc tu bổ bờ ruộng.
Tuần liêu (巡寮) (S. 58): trụ trì đến Tăng đường tuần xét, kiểm điểm xem Tăng chúng có tuân theo thanh quy hay không, cũng để thăm viếng bệnh nhân, đồng thời để cho những vị tăng trẻ trông thấy mà biết oai nghi nhà Phật, gọi là tuần liêu.
Tuần quá (巡過) : tuần tra xem xét coi có gì sơ thất, lầm lẫn (quá thất) không.
Tuần đường (巡堂) Chỉ cho việc các vị Trụ trì, Thủ tọa đi kiểm điểm, xem xét Tăng đường trong thiền lâm. Tuần đường có các loại sau: 1. Tuần đường của trụ trì: tức lúc nhập viện, đán vọng trà, tọa thiền. 2. Tuần đường của đại chúng: tức khi Tam bát niệm tụng. 3. Tuần đường của thủ tọa: tức khi tọa thiền, đại tọa tham, kết chế. 4. Tuần đường của Duy na: tức vào dịp Thánh tiết. 5. Tuần đường của Tham đầu: tức lúc quải đáp. 6. Tuần đường của Đô tự: tức khi Khố ty thang trà. 7. Tuần đường của Tri sự: tức khi kết chế, đán vọng trà. 8. Tuần đường của thỉnh khách thiêu hương: tức Phương trượng trà. 9. Tuần đường của Sa di: tức lúc Tham đường. Trong đó, khi tọa thiền, tuần đường của Trụ trì, Thủ tọa biểu thị ý nghĩa kiểm; khi thánh tiết tuần
đường của duy na biểu thị ý nghĩa báo cáo; khi nhập viện, quải đáp, kết chế, tuần đường biểu thị ý nghĩa lễ mừng; tuần đường lúc thang trà biểu thị ý nghĩa thỉnh tạ.
Túc chúng (肅衆): là hình thức xử phạt tăng chúng vi phạm thanh qui trong chùa Thiền lâm. Các hình thức và nội dung trong bài đã nói rõ, xin bổ sung là khi đuổi kẻ vi phạm thanh qui ra khổi cửa thì trước hết phải sao chép điều luật đuổi ra khổi chùa dán ở cổng, gióng 3 hồi trống lớn, sau đó dùng gậy đánh đuổi ra khổi cổng.
Túc sanh (宿生): nghĩa giống như túc thế, tức là đời trước của mình.
Tuệ Chiếu (慧照) (1289-1373) Thiền tăng đời Nguyên, họ Ma, tự Đại Thiên, hiệu Mộng Thế Tẩu, người xứ Vĩnh Gia (nay là Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang) Trung Quốc; nối pháp Thiền sư Hối Cơ Hi Công. Sư trụ chùa Minh Khánh ở Lạc Thanh (nay thuộc Chiết Giang). Tác phẩm: Huệ Chiếu ngữ lục.
Tung sơn Thiếu Lâm tự ((嵩山少林寺)): Tung sơn, còn gọi là Tung Nhạc, Tung Can sơn, tọa lạc tại huyện Đăng Phong tỉnh Hà Nam, là nơi mà vào năm Thái Hòa thứ 20 (495, có thuyết nói thứ 21 – 496) vua Ngụy Hiếu Văn Đế nhà Bắc Ngụy (Hậu Ngụy, Nguyên Ngụy) đã cất chùa Thiếu Lâm cho tăng nước Thiên Trúc là Thiền sư Phật Đà ở tu. Đây là ngôi chùa mà vào năm 527 Bồ-đề-đạt-ma đã ngồi nhìn vách im lặng trong 9 năm.
Tùng lâm (叢林) (S. 28): Tăng, tục hòa hộp cùng ở một nơi, giống như cây cối mọc nhiều thành rừng, nên gọi là tùng lâm, còn chỉ riêng cho Tự viện Thiền tông. Bởi vì “Thiền” hàm nghĩa là rừng công đức.
Tùng Nguyên (松源) (S. 242): đệ tử của ngài Mật Am Hàm Kiệt, tên Sùng Nhạc, tự Tùng Nguyên, họ Ngô, người Long Tuyền tỉnh Chiết Giang. Trước sau, Ngài đã trụ trì các chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu, Linh Nham ở Tô Châu, giáo hóa làm cho Phật pháp thịnh hành.
Tùy Khai Hoàng tam niên (隨開皇三年): niên hiệu Khai Hoàng năm thứ 3 của Tùy Văn Đế (583). Tùy Văn Đế họ Dương, tên Kiên, tiểu danh là Na La Đình. Dương Kiên giết Trịnh Đế, tự lập mình làm Hoàng đế, sau bị con thứ là Quảng thí sát lên ngôi, tức là Tùy Dạng Đế.
Tuyên sớ thiếp nhân (宣疏怗人): là tăng nhân thông thạo chữ nghĩa có giọng đọc truyền cảm rõ ràng được chọn để đọc sớ văn trong các buổi lễ Phật sự.
Tuyết Đậu (雪竇) (S. 233): thiền sư Trùng Hiển đời Tống, tự Ẩn Chi, ở núi Tuyết Đậu, Minh Châu, (nay thuộc Ninh Ba, Chiết Giang) nên có hiệu là Tuyết Đậu. Sau khi viên tịch, Ngài được vua Tống Nhân Tông sắc ban hiệu Minh Giác Đại Sư.
Tư-mã-đầu-đà (司馬頭陀): Thiền tăng sống vào đời Đường, họ Mã, là con cháu của danh thần Tư Mã Ý, không rõ nối pháp ai và thuộc tông phái nào. Thuở bé, sư xuất gia ở Hành Sơn, rặng Nam Nhạc thuộc Tương Nam. Về sau, sư vào chùa Vĩnh An, núi Hoàng Long, phủ Long Hưng (nay ở phía tây bắc huyện Vĩnh Tu, tỉnh Giang Tây), tu theo hạnh Đầu-đà. Sư giữ chức Điển toạ trông coi nhà bếp, lo việc ăn uống cho đại chúng. Nhân bố thí cơm thừa cho con linh quy, nên được con vật này đền ơn khiến cho đôi mắt của sư rất tinh tường, trên xem xét thiên văn, dưới biết rõ địa lý. Vì giỏi xem địa thế đất đai nên được người thời ấy gọi sư là “Thần Nhãn Đầu-đà Tiên”. Sư xem xét các núi ở Hồng Đô, rồi đến núi Bách Trượng ở Phụng Tân ra mắt Thiền sư Đại Trí Hoài Hải, chỉ bảo cho Điển toạ Linh Hựu đi đến trụ Quy Sơn tại Đàm Châu, Hồ Nam. Theo lời sư thì đó là một vùng đất rất tốt để cất chùa, khiến cho tông phong hưng thạnh. Quả nhiên, sau khi Thiền sư Linh Hựu ở đấy, Ngài cùng với đệ tử là Huệ Tịch khai sáng tông phái Quy Ngưỡng nổi tiếng một thời. Tương truyền sau khi lựa chọn chỗ đất để làm sinh phần cho Thiền sư Hoài Hải, sư thị tịch và được chôn ở núi Bách Trượng. Thiền sư Hoài Hải sai người lập đền thờ và cúng tế cho sư. Tấm bảng treo ngang trên đền thờ sư đề “Thần Nhãn Đầu-đà”. Hai hàng câu đối, mỗi bên đề: “Sinh kí Hoàng Long”, “Tử quy Bách Trượng”. Theo Vân Cư Sơn Chí.
Từ ấm (慈蔭): ấm (?) là bóng rợp che mát của cây to. Từ ấm là bóng che từ bi của đức Phật đối với chúng sanh.
Từ đường (祠堂) (S.141): đền thờ trong chùa thiền, đặc biệt được xây dựng để thờ tổ tiên của những đàn việt có công xây dựng chùa.
Từ hàng (慈航): là thuyền từ do Phật và Bồ-tát dùng để đưa chúng sanh qua biển khổ.
Từ Minh (慈明) (S. 250): tổ Sở Viên đời thứ sáu của Tông Lâm Tế vào đời nhà Tống. Ngài họ Lí, người Toàn Châu, tỉnh Quảng Tây.
Tứ ân (四恩): bốn ơn, có 4 cách tính: a- Ơn mẹ, ơn cha, ơn Như Lai, ơn pháp sư thuyết pháp. b- Ơn cha mẹ, ơn chúng sanh, ơn Quốc vương, ơn Tam bảo. c- Ơn chư sư trưởng, ơn cha mẹ, ơn Quốc vương, ơn thí chủ. d- Ơn thiên hạ, ơn Quốc vương, ơn tôn sư, ơn cha mẹ.
Tứ ba-la-di (四波羅夷) : Skt là Catvarah parajikà dharmah, gọi là tứ di pháp, chỉ cho tỉ-kheo nên tránh xa 4 trọng tội căn bản, đó là đại dâm, đại đạo, đại sát, đại vọng ngữ.
Tứ chúng (四衆: Skt: catasrah-parsadah, P: catasso-parisa), chỉ cho 4 loại đệ tử hình thành nên giáo đoàn Phật giáo. Cũng còn gọi là tứ bối, tứ bộ chúng, tứ bộ đệ tử, gồm tỉ-kheo, tỉ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di; hoặc chỉ riêng 4 loại đệ tử xuất gia là tỉ-kheo, tỉ-kheo-ni, sa-di-, sa-di-ni.
Tứ đại (四大) (S. 366): 1. Chỉ cho đất, nước, lửa, gió. Phật giáo cho rằng 4 nguyên tố cơ bản này đã cấu tạo nên thế giới. 2. Chỉ các yếu tố cấu tạo nên cơ thể của con người như: tóc, lông, móng, răng, da, thịt, xương, nước mắt, nước mũi, máu v.v…
Tứ đại bộ châu (四大部洲): bốn đại bộ châu là Đông Thắng Thần châu, Nam Thiệm Bộ châu, Tây Ngưu Hóa châu, Bắc Câu Lư châu. Bốn châu này ở 4 phía của núi Tu-di.
Tứ đại bộ kinh (四大部經): Thiền lâm lấy 4 bộ kinh Hoa Nghiêm, Bảo Tích, Bát Nhã, Niết Bàn làm Tứ đại bộ kinh. Nếu so sánh với tất cả mọi bộ kinh được gọi là Đại tạng kinh thì 4 bộ đại kinh này gọi là tiểu tạng.
Tứ đế (四諦): đế (Skt: stya, P: Sacca), có nghĩa là thẩm xét chân thực không hư dối, tức chỉ khổ, tập, diệt, đạo, 4 chân lý chính xác không nhầm lẫn. Lại do 4 chân lý này chân thực không hư dối nên cũng gọi là Tứ chân đế, lại cũng do Tứ đế này là tri kiến của bậc Thánh nên cũng còn gọi là Tứ Thánh đế.
Tứ hướng (四向) (S. 326): nhân vị để đạt đến quả vị nào đó được chia làm 4 loại: Dự lưu hướng, Nhất lai hướng, Bất hoàn hướng và A-la-hán hướng, gọi chung là tứ hướng.
Tứ liêu (四寮) (S. 91): ở đây là tên khác của Mông đường. Nhân xưa kia có 4 vị danh Tăng từng ở Mông đường, người đời sau vì ngưỡng mộ các Ngài nên gọi Mông đường là Tứ liêu. Tứ liêu còn dùng để chỉ chung cho Thủ tọa, Duy na, Tri khách, Thị giả. (Xin xem đoạn văn sau “chương Vong Tăng”).
Tứ sanh (四生): chúng sanh có 4 cách ra đời là sanh từ trứng, sanh từ thai, sanh từ ẩm thấp và sanh từ hóa. Bốn từ này khái quát cũng chỉ cho hình thái của tất cả mọi sanh mạng.
Tứ Thánh (四聖): đó là đức Phật A-di-đà, Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Đại Thế Chí, Bồ-tát Đại Hải Chúng.
Tứ tiết báo lễ (四節臘): còn gọi là tứ đại tiết báo lễ, là 4 ngày lễ lớn trong năm báo ơn Phật: kiết hạ, giải hạ, đông chí, nguyên đán.
Tứ tiết lạp (四節臘) (S. 28): bốn ngày lễ lớn của Thiền lâm do ngài Hoài Hải quy định: 1. Kiết hạ: Lấy ngày 16 tháng 4 âm lịch làm ngày mở đầu cho việc an cư.2. Giải hạ: Lấy ngày 15 tháng 7 âm lịch làm ngày kết thúc việc an cư. 3. Đông Chí: (ngày 21 tháng 12 DL). 4. Nguyên đán: Ngày mồng một tết (Nguyên đán).
Tứ trai nhật (四齋日): Thiền lâm lấy 4 ngày trong tháng là mùng 1 (sóc), mùng 8 (thượng huyền), ngày rằm (vọng), ngày 23 (hạ huyền) làm 4 ngày trì trai gọi là tứ trai nhật. Trong ngày này phải tụng kinh, trì giới để bòn phước đức.
Tứ trọng (四重) (S. 321): bốn trọng ân: ân cha mẹ, quốc gia, đàn việt, Tam bảo.
Tự ấn (寺印): tức con dấu của chùa khắc bằng chữ triện do trụ trì nắm giữ, nhưng ngay cả trụ trì cũng không được dùng con dấu cho chuyện riêng tư.
Tự gian liệt (字間列): tức là sắp hàng cách khoảng nhau đều đặn như khoảng cách của các chữ trên trang giấy.
Tự pháp (嗣法) (S. 81): chỉ người đệ tử được Sư phụ truyền trao sứ mạng kế thừa Phật pháp. Từ đời Tùy, Đường trở về sau đồng thời với việc truyền trao Phật pháp, Sư phụ cũng đem tài sản của chùa trao cho người kế thừa trông nom. Vị đệ tử này, gọi tắt là Tự pháp, hoặc gọi là “Pháp tự”.
Tự pháp biệ n sự (嗣法辦事): tự pháp tức là đệ tử truyền thừa của sư phụ. Tự pháp đệ tử đang giữ nhiệm vụ trụ trì tại một chùa khác thì gọi là tự pháp biện sự.
Tự pháp sư (嗣法師) (S. 91): trong Thiền lâm gọi vị Hòa thượng trao truyền pháp thống cho mình là Tự pháp Sư.
Tự tạ (叙謝): nói lời cảm ơn xã giao mọi người trong cuộc lễ.
Tự tánh (自性): Phật giáo cho rằng các pháp đều tự có tánh không dời đổi, không sanh không diệt gọi là tự tánh.
Tự thoại (敘話): là nói lời thăm hỏi hàn huyên có tính cách xã giao.
Tự tứ (自恣) (S. 63): một loại nghi thức sám hối của Phật giáo. Vào ngày kết thúc an cư kiết hạ, tức ngày 16 tháng 7 âm lịch, mỗi vị Tăng đều nhờ tăng chúng nêu ra lỗi lầm của mình để cầu sám hối trước đại chúng. Còn được dịch là “Tùy ý”, nghĩa là những lỗi lầm được nêu lên theo ý kiến của người khác.
Tương kế trụ trì giả (相繼住持者): người kế nhiệm làm trụ trì.
Tướng (相): triều đình phong kiến có 2 chức vụ cao nhất phò giúp cho Hoàng đế đó là tướng văn (相) và tướng võ (將). Tuy nhiên bao giờ người đứng đầu trăm quan cũng là tướng văn, gọi là tể tướng.
Tượng quí (像季): chỉ thời kỳ cuối cùng của thời tượng pháp. Tượng pháp thuộc thời kỳ thứ 2 trong 3 thời kỳ chính, tượng và mạt pháp, trạng huống vân hành giáo pháp cũng tương tự như thời kỳ chánh pháp, cho nên mới gọi là tượng pháp, là thời kỳ hữu giáo, là thời đại thi hành như pháp nhưng không chứng quả. Tượng quí cũng được coi chính là mạt pháp vậy, cho nên bài hậu tự kinh Tây Phương yếu quyết mới viết: “Ai sanh ra và ở vào thời tượng quí thì cách Phật xa lắm !”.
Tỳ lệ (疵癘): cũng viết là (疵厲), chỉ sự tai hại, tai biến trong đời, thường dùng để chỉ súc vật hoặc hoa màu bị dịch bệnh do thời tiết trái nghịch bất thường.
Tỳ-lô-giá-na Phật (毗盧 遮那佛) (S. 56): danh hiệu Đức Phật, dịch âm của Vairocana, còn dịch là Tỳ-lô-xá-na, Tỳ-lô- chiết-na v.v…, thường được giải thích là cách gọi tôn kính Pháp thân (tức chân thân) của đức Như Lai.
Tỳ-sa-môn Thiên vương [毗(毘)沙門天王]: là một trong bốn vị Thiên vương vâng lệnh Đế Thích thiên tuần sát khắp 4 đại châu thiên hạ, xem xét hành vi thiện ác của chúng sanh mà tâu lên Đế Thích, cũng còn gọi là Đa Văn Thiên, là vị thần hộ pháp của Phật giáo. Ở Thai tạng giới mạn-đạt-nã (mạn-đà-la), thần đứng ở ngoài cửa mé trái phía Bắc của Kim Cang bộ viện. Ở Kim Cang giới mạn-đạt-nã, thần đứng ở mé Tây là chúa của các Dạ-xoa. Hình tượng của Thiên vương mặc giáp trụ, tay phải cầm tháp, còn tay trái thì cầm gậy báu. Thác tháp Thiên vương cũng là Tỳ Sa Môn Thiên vương.
U
Uy Âm vương (威音王 S. Bhīṣma-garjitasvara-rāja). Cũng gọi: Tịch thú âm vương Phật. Danh hiệu của đức Phật đầu tiên của kiếp Trang nghiêm trong quá khứ.
Ưu-bát-la hoa ((優鉢羅華): ưu-bát-la (skt: utpala, p: uppala) cũng còn gọi là ô-bát-la hoa, dịch theo ý là hoa sen xanh.
Ưu Điền vương (優填王): Ưu Điền (Skt: Udayana), còn gọi là Ưu-đà-diên Vương, Ổ-đà-diễn-na Vương v.v…, dịch theo ý là Nhật Tử Vương, Xuất Ái Vương, là vua nước Kiều-thưởng-di. Thời Phật còn tại thế, nhân vì vương dốc lòng thành tin Phật pháp nên trở thành đại ngoại hộ của Phật-đà. Ứng khí (應器): là đồ đựng thức ăn chính thức của tăng lữ đó là bình bát kim loại, có nhiều hàm nghĩa ứng pháp, ứng thụ cúng dường, ứng sức ăn của mình mà ăn.
V
Vãng sanh (往生) (S. 194): chỉ cho linh hồn được hóa sanh trong hoa sen ở Tây phương Cực lạc.
Văn-thù Sư-lị (文 殊 師 利; S: mañjuśrī) tên dịch theo âm, thường được gọi tắt là Văn-thù, dịch nghĩa là Diệu Ðức (妙 德), Diệu Cát Tường (妙 吉 祥), cũng có lúc được gọi là Diệu Âm (妙 音; s: mañjughoṣa); Một vị Bồ Tát tượng trưng cho trí huệ, một trong những vị Bồ tát quan trọng của Phật giáo. Lần đầu tiên người ta nhắc đến Văn-thù trong tác phẩm Văn-thù Sư- lị căn bản nghi quĩ (s: ārya-mañjuśrī-mūlakalpa) ở thế kỉ thứ 4. Tranh tượng trình bày Văn-thù với lưỡi kiếm và kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa, được vẽ khoảng ngang đầu. Người ta xem đó là biểu tượng trí huệ phá đêm tối của Vô minh.
Vân đường (雲堂) Cũng gọi Tăng đường chỉ cho nơi tăng chúng nhóm hộp đông như mây nên gọi là Vân đường (nhà mây). Vân đường cũng còn chỉ cho “Vân thủy” nơi nhóm hộp tu hành. Ngoài ra những qui tắc mà hàng ngày chư tăng tu hành trong tăng đường phải tuân thủ goi là: “Vân đường thường qui”.
Vân Hà Phạm (云何梵) (S. 315): còn gọi Vân hà bái là một loại kinh văn tụng bằng tiếng Phạm. Vì trong kinh Niết-bàn quyển 3, câu đầu dùng 2 chữ “vân hà” mà có tên như thế.
Vân Môn (雲門) (S. 222): tức thiền sư Văn Yển, ở núi Vân Môn vào cuối đời Đường, Ngài họ Trương, người Cô Tô, Gia Hưng (nay là phía Nam huyện Gia Hưng tỉnh Chiết Giang), đắc pháp với thiền sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn, về sau sống tại núi Vân Môn thuộc Thiều Châu, (nay là Quảng Đông, Thiều Quan), đã khai sáng tông Vân Môn rất nổi tiếng.
Vấn khởi cư (問起居): tức là thăm hỏi xã giao sức khỏe, sinh hoạt ăn uống ngủ thức trong ngày có tốt không.
Vấn tấn (問訊) (S. 25): lễ nghi của Phật giáo, như chắp tay xá chào, thăm hỏi sức khỏe, gọi là Vấn tấn.
Vi trần sát (微塵剎): là tiếng gọi tắt của vi trần sát độ. Vi trần (Skt, P: anu-raja), gọi tắt là vi hay trần, tức sắc lượng nhỏ nhất mà nhãn căn nhiếp thủ được, chỉ cho sắc pháp nhỏ nhiệm nhất. Sát là tiếng gọi tắt của sát độ, sát nghĩa đen là ruộng đất, đất nước, xứ sở. Sát độ chỉ cho quốc độ, nói chung là chỉ cho đất nước. Sát (Skt: ksetra), dịch theo âm là sai-đa-la. Vậy vi trần sát là quốc độ thật là nhiều như bụi trần nhỏ li ti vậy.
Vị bài (位牌): thường quen gọi là bài vị, cũng còn gọi là thần bài, thần bản, chủ bài, tức là tấm bài làm bằng gỗ hình thức trang trí có hoa văn lộng lẫy, dùng để ghi tên – họ và chức vụ của người chết.
Viên cơ (圓機): cơ duyên tròn đầy.
Viên đầu (園頭) Chức vụ phụ trách trông coi vườn tược, việc trồng trọt rau trái trong Thiền lâm.
Viên Giác kinh (圓覺經) (S. 367): gọi đủ là Đại phương quảng viên giác tu-đa-la liễu nghĩa kinh, 1 quyển, do sa-môn Phật-đà-la, nước Kế Tân dịch vào đời Đường, là một trong những bộ kinh quan trọng của tông Hoa Nghiêm, Thiên Thai, Thiền tông, giảng giải hướng dẫn người tu tập rất thịnh hành vào đời Đường, Tống, Minh trở lại đây.
Viên minh (圓覺經)): chỉ thể tánh trong sáng tròn đầy hoặc cảnh giới trong sáng tròn đầy sau khi ngộ.
Viên Ngộ (圓悟) (S.168): vị thiền sư nổi tiếng ở giữa thời lưỡng Tống, họ Lạc, tự Vô Trước, người Bành Châu (nay là huyện Bành Châu, tỉnh Tứ Xuyên). Được hai vua Tống Huy Tông và Tống Cao Tông kính trọng ban cho hiệu là Viên Ngộ, từng trụ trì nhiều ngôi chùa nổi tiếng. Ngài viên tịch vào năm thứ năm niên hiệu Thiệu Hưng (1135 CN) thọ 73 tuổi, được vua ban thụy hiệu là Chơn Giác thiền sư. Ngài đã trước tác Bích Nham lục gồm 100 quyển.
Viên phu (園夫) (S. 257): người chăm sóc, trông coi vườn rau trong thiền lâm.
Viên Thông (圓通) (S. 365): vị thiền sư thời Cổ đại, hành trạng của Ngài không rõ.
Võng thố (罔措): bất lực chẳng làm gì được trước một vấn đề thì gọi là võng thố, tức là há hốc mồm bó tay chịu trận không biết phải làm sao.
Vọng liêu (望寮): người phòng hờ (réserve) để thay thế ngay cho chức phó liêu.
Vô Chuẩn Hòa thượng (無凖和尙): Thiền tăng danh tiếng đời Tống tên là Sư Phạm, hiệu Vô Chuẩn, thụy hiệu Phật Giám.
Vô minh (無明) (S. 64): là si ám, đối với các sự lý còn mê mờ chưa giác ngộ.
Vô ngã, vô nhân (無我無人): Phật giáo cho rằng tất cả mọi sự vật trên thế giới đều không có tự thể thực tại độc lập, trong đó vô ngã, vô nhân là ý nói con người không có chủ thể tự tại thường hằng.
Vô sanh (無生) (S.165): cùng nghĩa với các từ Niết-bàn, Thật tướng, Pháp tánh… . Nhà Phật cho rằng tất cả các hiện tượng sanh diệt, biến hóa đều do sự phân biệt hư vọng của chúng sanh trong thế gian mà có, bản chất của nó vốn là không sanh, không diệt.
Vô sanh nhẫn (無生忍): là từ nói tắt của vô sanh pháp nhẫn, Skt là anutpattika-dharma-ksànti, nghĩa là quán lý chư pháp vô sanh vô diệt mà nhận rõ, trong tư thế an trụ không động tâm, cũng còn gọi là vô sanh nhẫn pháp, tu tập vô sanh nhẫn, là một trong 3 nhẫn. Vô thường (無常: Skt: Anitya, Anityatà, P: anicca), là từ đối lâp với thường trụ, cho rằng tất cả pháp hữu vi luôn sanh diệt, dời đổi, không thường trụ, đều do nhân duyên sanh, nương theo 4 tướng sanh – trụ – dị – diệt mà sanh diệt trong khoảng sát-na, đó là trước vốn không nay có, nay có sau không nên gọi chung là vô thường. Vô thường kệ (無常偈) (S.159): bài kệ về bốn sự chẳng thường ở trong kinh “Nhân vương”, gồm bốn tiết, mỗi tiết có hai kệ, phân biệt và trình bày rõ về ý nghĩa vô thường, khổ, không, vô ngã. Tinh thần cơ bản là nói rõ đời người vô thường. Vô thường tấn tốc (無常迅速): vô thường tức là hàm ý mọi sự – mọi vật đều không thường hằng mà luôn trải qua thành – trụ – hoại – không, nhân đó vô thường cũng dùng để chỉ cho cái chết. Vậy vô thường tấn tốc ý nói là cái chết của con người đến chóng vánh, cho nên phải lo tu để liễu thoát sanh tử. Vô tri (無知): là kẻ không biết lường trước ảnh hưởng gây ra bởi lời lẽ hành vi của mình mà cứ nhắm mắt làm xằng nói bậy. Vu Lan bồn (盂蘭盆 S. Ullambana) Hán dịch là đảo huyền, cũn gọi vu lan bồn hội, chỉ cho nghi thức cầu siêu độ cho tổ tiên, ôn bà, cha mẹ, thân thuộc nhiều đời, được cử hành vào ngày rằ tháng bảy âm lịch hàng năm căn cứ theo lời Phật dạy trong kin Vu lan bồn tại các khu vực theo Phật giáo thuộc hệ thống Hán. Vũ Đế (武帝): tức là Lương Vũ Đế (464 – 549), người Giang Tô Vũ Tấn, họ Tiêu tên Diễn, tự Thúc Đạt, nguyên là Thứ sử Ung Châu của triều Nam Tề, soán ngôi lập ra nhà Lương, trị nước thật tốt, lại đốc tín Phật giáo, có hiệu là Hoàng đế Bồ- tát, độ tăng, xây chùa, in kinh, công đức rất lớn nhưng không ngộ được Thiền pháp của Đạt Ma.
Sau bị Hầu Cảnh khởi binh bao vây, chết đói tại Đài Thành, thọ 86 tuổi. Vũ phu (碔砆): cũng viết là (珷砆), tức là các loại đá tuy cũng có nét đẹp như ngọc, nhưng không phải là ngọc, luôn bị người mài ngọc loại bỏ. X Xá-lợi-phất (舍利弗;; skt: Sariputra), tên gọi tắt của Xá-lợi- phất-đa-la, xưa dịch là Xa-lợi-phất, Phú-đa-la, Xa-lợi-bổ-đát-la v.v…, dịch ý là Thu Lộ Tử (鶖露子) Thu Lộ Tử (鶖露子). Người Thành Vương Xá, nước Ma-kiệt-đà thuộc Ấn Độ cổ, dòng dõi Bà-la-môn, là một trong mười đệ tử lớn của Đức Thích-ca Mâu-ni; nhờ trì giới, học rộng mà có được trí huệ bén nhạy, khéo giảng Phật pháp nên được xưng là Trí tuệ đệ nhất. Xuẩn động hàm linh (蠢動含靈): xuẩn động là chỉ cho loài sâu bọ ngoe nguậy, hàm linh còn gọi là hàm thức, hàm ý có linh thức, tức là loài hữu tình. Kinh Đại bảo tích chép: “Giả lệnh tam giới chư hàm linh, nhất thất biến Thanh văn thừa”. Nói chung, xuẩn động hàm linh là chỉ chung cho mọi loài hữu tình. Xuất sanh (出生): trong Tăng đường Thiền lâm, trước khi thọ trai, lấy vài hạt “sanh phạn” bố thí cho quỷ thần gọi là xuất sanh. Sanh phạn không có nghĩa là cơm sống, mà là cơm bố thí cho quỷ thần, là từ gọi gọn của chúng sanh thực phạn, có các từ liên quan là xuất sanh đài, gọi gọn là sanh đài, xuất sanh kệ. Nay gọi là xuất thực.
Xuất toàn đơn (出全單): Tăng chúng rời khổi hẳn tăng đường gọi là xuất toàn đơn, còn nếu chỉ đứng lên rời vị trí tiễn đưa Tôn túc mà không ra khổi tăng đường gọi là xuất bán đơn.
Xúc lễ (觸禮)) (S. 42): dùng tọa cụ đặt trên đất để thể hiện nghi thức khấu đầu. Gọi tắt là bái, tức lễ bái, lễ nhanh, chỉ việc xếp đôi tọa cụ giập trên đất hành lễ.
Xương bồ trà (菖蒲茶): Trà xương bồ. Một loại cỏ có mùi tHôm nồng, dung làm thuốc. Theo phong tục, cứ đến ngày mồng năm tháng năm lấy lá xương bồ cắt thành hình kiếm treo trước cữa để trừ tà.
Xướng thực (唱食): trong chùa Thiền lâm trước khi dùng cơm cháo phải tụng kệ chúc nguyện, kệ dùng cơm và kệ dùng cháo đều khác nhau.
Y
Y bát (衣鉢) (S. 63): Vốn chỉ cho Ca-sa và Bát làm bằng thiết, là những vật quan trọng nhất trong những vật dụng cá nhân của chư Tăng. Nghĩa rộng gọi chung cho những tài vật riêng của chư Tăng.
Y bát hành lý (衣鉢行李): nghĩa như y bát, ở đây gọi chung tài vật của trụ trì thiên hóa để lại.
Y bát thị giả (衣鉢侍者): là thị giả thân cận luôn phục thị bên mình trụ trì, chủ yếu là quản lý tiền bạc, vải lụa.
Yêu bạch (腰帛) (S.172): còn viết là Yêu bạch (??), tức là dây khăn tang trắng mang ở thắt lưng.
Yêu bao, đỉnh lạp (腰包頂笠)): tức tăng lữ thời xưa đi đường xa đầu đội nón mê (lạp), còn lưng thì đeo ruột tượng đựng gạo ăn theo đường.
Yêu mô [妖摹(蟆)]: mô là con hà mô [[蝦蟆(摹)], tức là con ễnh ương thuộc loài cóc nhái. Theo truyền thuyết trên mặt trăng có con cóc, tức là con thiềm thừ (蟾蜍), đó là các vệt đen hiện trên mặt trăng. Ở đây, tác giả viết con ễnh ương cũng có nghĩa tương đương như con cóc vậy. Yêu mô tức là con ễnh ương yêu tinh làm lu mờ mặt trăng.
* * *
HẾT
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.39.176 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.