QUYỂN 12 - (22 nước)● Nước Tào-củ-trá ● Nước Phất-lật-thị-tát-thảng-na ● Nước An-đát-la-phược ● Nước Khoát-tất-đa ● Nước Hoạt ● Nước Măng-kiện ● Nước A-lợi-ni ● Nước Hạt-la-hồ ● Nước Ngật-lật-sắt-ma ● Nước Bát-lợi-át ● Nước Hứ-ma-đát-la ● Nước Bát-đạc-sang-na ● Nước Dâm-bạc-kiện ● Nước Khuất-lang-noa ● Nước Đạt-ma-tất-thiết-đế ● Nước Thi-khí-ni ● Nước Thương-di ● Nước Khiết-bàn-đà ● Nước Ô-sái ● Nước Khư-sa ● Nước Chước-cú-ca ● Nước Cù-tát-đán-na
1. Nước Tào-củ-trá Nước Tào-củ-trá chu vi khoảng 2.300 km. Kinh thành là Hạc-tất-na, chu vi khoảng 10 km, hoặc có khi dùng thành Hạc-tát-la, chu vi cũng khoảng 10 km, cả hai thành đều rất kiên cố hiểm trở. Trong nước nhiều sông núi, ruộng gò mênh mông, lúa thóc gieo trồng theo thời vụ, lúa mạch nhiều và tốt, cây cỏ xanh tốt sum suê. Nơi đây thích hợp trồng uất kim hương, cũng trồng được hưng cù, là loại cây được trồng nhiều ở vùng La-ma, lưu vực sông Ấn-độ.
Trong thành Hạc-tát-la có một suối nước tuôn ra rồi phân nhánh chảy đi, người dân dùng để tưới ruộng. Khí hậu nơi đây rét lạnh, nhiều sương tuyết, tánh người nông nổi hấp tấp, nhiều sự gian xảo dối trá, ưa thích học nghề nghiệp, có nhiều tài nghề. Học tập nhanh nhạy nhưng không sáng tạo, mỗi ngày có thể tụng đọc mấy chục ngàn chữ. Về văn tự, ngôn ngữ đều khác hẳn với các nước khác, thường nói những lời hoa mỹ sáo rỗng, ít khi đúng thật.
[Về tín ngưỡng, người dân] tuy thờ phụng hàng trăm vị thần nhưng rất tôn sùng Tam bảo. Có đến mấy trăm ngôi chùa với hơn 10.000 tăng sĩ, tất cả đều tu tập theo giáo pháp Đại thừa.
Đức vua hiện nay thuần tín, thông minh hiếu học, kế thừa truyền thống nhiều đời tiên vương nên hết sức nỗ lực vun trồng cội phúc.
Có hơn mười mấy ngọn tháp do vua Vô Ưu xây dựng. Đền thờ Phạm thiên có đến mấy chục nơi, các phái ngoại đạo chung sống hỗn tạp. Ngoại đạo đông nên đồ chúng phát triển rất mạnh, đều thờ phụng thiên thần Sồ-na.
Thuở xưa, thiên thần Sồ-na từ núi A-lộ-nhu ở nước Ca-tất-thí dời về núi Sồ-na-hứ-la ở biên giới phía nam nước này, mặc ý ban phúc giáng họa, làm điều bạo ác. Những ai tin tưởng thờ phụng thì cầu điều gì cũng được toại nguyện, những người xem thường, khinh miệt thì phải chuốc lấy tai ương. Cho nên xa gần đều phải kính ngưỡng, trên dưới đều sợ sệt. Những nước gần đó, từ vua quan cho đến dân thường, mỗi năm vào ngày lành tháng tốt, không hẹn mà đều cùng đến gặp nhau tại nơi này, hoặc mang theo vàng bạc, châu báu, hoặc trâu, bò, dê, ngựa, gia súc... tranh nhau dâng cúng [thần Sồ-na] để bày tỏ lòng thành. Cho nên [nơi đây] vàng bạc, trân bảo trải đầy mặt đất, dê, ngựa, gia súc chen chúc đầy hang, nhưng không ai dám tham lấy, chỉ một lòng mang đến để dâng cúng mà thôi.
Những người thờ phụng ngoại đạo, gắng sức chịu khổ hạnh, được thiên thần truyền cho chú thuật, luyện tập làm theo có nhiều phần công hiệu, mang ra chữa trị bệnh tật rất nhiều người được khỏi.
Từ nơi đây đi về hướng bắc khoảng 163 km thì đến nước Phất-lật-thị-tát-thảng-na.
2. Nước Phất-lật-thị-tát-thảng-na Nước Phất-lật-thị-tát-thảng-na, chiều dài đông tây khoảng 652 km, chiều nam bắc khoảng 325 km. Kinh thành Hộ-bật-na chu vi khoảng 6.5 km. Nơi đây đất đai, sản vật, phong tục đều giống như nước Tào-củ-trá nhưng ngôn ngữ có khác biệt. Khí hậu rét lạnh, tính người hung bạo cứng cỏi. Đức vua là người Đột-quyết, thâm tín Tam bảo, xem trọng việc học tập, noi theo đạo đức.
Từ nước này đi về hướng đông bắc, vượt núi băng sông, đi qua mấy chục nơi là các thành thị ven biên của nước Ca-tất-thí và nhiều thôn ấp nhỏ, cuối cùng đến được ngọn núi lớn Bà-la-tê-na thuộc dãy Đại Tuyết sơn. Đỉnh núi rất cao, sườn núi dốc đứng nguy hiểm, đường đi nhỏ hẹp quanh co khúc khuỷu, vách núi khe sâu nối nhau liên tục, khi lên cao, khi xuống thấp. Dù đang giữa mùa hè nhưng băng tuyết phủ ngập đường, phải phá băng mở đường đi qua. Đi cả ba ngày mới lên tới đỉnh núi. Gió rét kinh người, tuyết phủ đầy khe, người đi qua phải liên tục cất bước không thể dừng lâu. Ngay cả loài chim ưng cũng không thể bay qua vách núi quá cao, phải hạ xuống mặt đất để đi qua đỉnh núi rồi mới cất cánh bay tiếp. [Từ trên đỉnh núi,] nhìn xuống các ngọn núi khác thấy giống như những gò đất nhỏ. Trong châu Thiệm-bộ, đây là đỉnh núi cao vượt hơn hết. Trên đỉnh núi không có cây, chỉ có rất nhiều ngọn đá mọc thành từng cụm, chen chúc nhau nhìn giống như rừng. Lại đi thêm ba ngày nữa mới xuống khỏi núi, đến nước An-đát-la-phược.
3. Nước An-đát-la-phược Nước An-đát-la-phược, thuộc lãnh thổ Đổ-hóa-la trước đây, chu vi khoảng 980 km. Chu vi kinh thành khoảng 4.6-4.9 km. Nước không có vua, chịu phụ thuộc nước Đột-quyết. Núi đồi liên tục nối nhau, ruộng đồng rất hẹp. Khí hậu rét lạnh, gió tuyết buốt da. Các giống lúa sinh trưởng tốt, thích hợp trồng cây ăn trái. Tính người hung bạo, phong tục hỗn loạn, không có kỷ cương, không biết chuyện tội phước. Người dân không xem trọng việc học tập, chỉ thờ phụng thần linh, ít người tin tưởng Phật pháp. Có ba ngôi chùa với mấy mươi vị tăng sĩ, tất cả đều tu học theo giáo pháp Đại chúng bộ [thuộc Đại thừa]. Có một ngọn tháp do vua Vô Ưu xây dựng.
Từ nơi đây về hướng tây bắc, vượt núi qua khe, qua một số thành thị nhỏ, đi khoảng 130 km thì đến nước Khoát-tất-đa.
4. Nước Khoát-tất-đa Nước Khoát-tất-đa, thuộc lãnh thổ Đổ-hóa-la trước đây, chu vi gần 325 km. Chu vi kinh thành khoảng 3.2 km. Nước không có vua, chịu phụ thuộc nước Đột-quyết. Nhiều núi non nên đất đồng bằng hẹp, nhiều gió rét lạnh. Lúa má tốt tươi, cây trái sum suê. Người dân tính tình hung bạo, phong tục hỗn loạn, không có phép tắc quy định. Có ba ngôi chùa, rất ít tăng sĩ.
Từ nơi đây về hướng tây bắc, vượt núi qua khe, qua nhiều thành thị, thôn ấp, đi khoảng 98 km thì đến nước Hoạt.
5. Nước Hoạt Nước Hoạt, thuộc lãnh thổ Đổ-hóa-la trước đây, có chu vi khoảng 652 km. Chu vi kinh thành khoảng 3.2 km. Nước không tự lập vua riêng mà chịu sự phụ thuộc nước Đột-quyết. Đất đai bằng phẳng, lúa thóc gieo trồng theo thời vụ. Cây cỏ xanh tốt sum suê, có nhiều và đủ loại cây ăn trái. Khí hậu ôn hòa dễ chịu, phong tục thuần hậu chân chất, tính người nóng nảy hấp tấp. Y phục may bằng loại vải dạ thô dày. Người dân đa phần có tín tâm với Tam bảo, ít thờ phụng thần linh.
Có hơn 10 ngôi chùa, tăng sĩ khoảng mấy trăm người, tu tập theo cả Đại thừa lẫn Tiểu thừa. Đức vua [của] người Đột-quyết, nắm quyền cai quản các nước nhỏ từ cửa Thiết Môn về phía nam, thường di chuyển nhiều nơi, không lưu trú thường xuyên ở đâu cả.
Từ nơi đây đi về hướng đông là vào phạm vi rặng núi Thông Lĩnh. Rặng Thông Lĩnh nằm giữa châu Thiệm-bộ, phía nam tiếp giáp với Đại Tuyết sơn, phía bắc chạy dài đến vùng Nhiệt hải (tức hồ Thanh Trì), Thiên Tuyền, phía tây giáp nước Hoạt, phía đông giáp nước Ô-sái (Wusha). Hai chiều đông tây và nam bắc đều trải dài đến mấy ngàn dặm, có đến mấy trăm ngọn núi, khe sâu đỉnh cao, cực kỳ hiểm trở, băng tuyết tích tụ quanh năm, gió rét kinh người. Vùng này sản xuất rất nhiều hành nên gọi là Thông Lĩnh, hoặc cũng có người nói vì núi non xanh thẳm một màu nên gọi tên như vậy.
Từ nơi đây đi về hướng đông khoảng 32 km thì đến nước Măng-kiện.
6. Nước Măng-kiện Nước Măng-kiện thuộc lãnh thổ Đổ-hóa-la trước đây, chu vi khoảng 130 km. Chu vi kinh thành khoảng 4.7-5 km. Đất đai, sản vật, phong tục về đại thể giống như nước Hoạt. Nước không có vua, chịu phụ thuộc nước Đột-quyết.
Phía bắc giáp với nước A-lợi-ni.
7. Nước A-lợi-ni Nước A-lợi-ni cũng thuộc lãnh thổ Đổ-hóa-la trước đây, nằm cả hai bên bờ sông Phược-sô, chu vi khoảng 98 km. Chu vi kinh thành khoảng 4.6-4.9 km. Đất đai, sản vật, phong tục về đại thể cũng giống như nước Hoạt.
Phía đông giáp với nước Hạt-la-hồ.
8. Nước Hạt-la-hồ Nước Hạt-la-hồ thuộc lãnh thổ Đổ-hóa-la trước đây, phía bắc giáp sông Phược-sô, chu vi khoảng 65 km. Chu vi kinh thành khoảng 4.6-4.9 km. Đất đai, sản vật, phong tục về đại thể cũng giống như nước Hoạt.
Từ nước Măng-kiện đi về hướng đông, vượt đỉnh núi cao, qua khe núi sâu, lại đi qua một số thành thị ở đồng bằng, khoảng 98 km thì đến nước Ngật-lật-sắt-ma.
9. Nước Ngật-lật-sắt-ma Nước Ngật-lật-sắt-ma thuộc lãnh thổ Đổ-hóa-la trước đây, chiều đông tây khoảng 325 km, chiều nam bắc khoảng 98 km. Chu vi kinh thành khoảng 4.7-5 km. Đất đai, sản vật, phong tục về đại thể đều giống như nước Măng-kiện, chỉ khác biệt là tính người hung ác và ngu xuẩn.
Đi về hướng bắc là nước Bát-lợi-át.
10. Nước Bát-lợi-átNước Bát-lợi-át thuộc lãnh thổ Đổ-hóa-la trước đây, chiều đông tây khoảng 32 km, chiều nam bắc khoảng 98 km. Chu vi kinh thành khoảng 6.5 km. Đất đai, sản vật, phong tục về đại thể giống như nước Ngật-lật-sắt-ma.
Từ nước Ngật-lật-sắt-ma đi về hướng đông, vượt núi cao, qua đồng bằng, khoảng 98 km thì đến nước Hứ-ma-đát-la.
11. Nước Hứ-ma-đát-la Nước Hứ-ma-đát-la thuộc lãnh thổ Đổ-hóa-la trước đây, chu vi khoảng 980 km, núi non, đồng bằng quanh co uốn khúc, đất đai màu mỡ, thích hợp trồng lúa, có nhiều lúa mạch, trăm loài hoa cỏ đều tươi tốt sum suê, trồng nhiều và đủ loại cây ăn trái. Khí hậu rét lạnh, tính người hung bạo nóng nảy, không phân biệt được tội phước. Hình thể thô xấu, cử chỉ hành vi cho đến cách trang phục bằng vải dạ, da thú hoặc vải bông, đều rất giống với người Đột-quyết.
Phụ nữ đã có chồng thì đội trên đầu một loại mũ có sừng gỗ cao khoảng 1 mét, phía trước sừng có hai nhánh nhỏ, tượng trưng cho cha và mẹ chồng. Nhánh trên là cha chồng, nhánh dưới là mẹ chồng, khi một trong hai người mất đi thì tùy theo đó mà cắt bớt một trong hai nhánh. Nếu cha mẹ chồng đều mất cả thì không đội loại mũ có sừng này nữa.
Nước này trước đây là một cường quốc, đức vua thuộc dòng họ Thích, thuở ấy khiến cho đa số những nước nằm về phía tây rặng Thông Lĩnh đều phải thần phục. Vì biên giới giáp với nước Đột-quyết nên dần dần chịu ảnh hưởng thói tục của họ, cũng xâm lăng, chiếm cứ lãnh thổ [nơi khác]. Do vậy mà người dân nước này đi các xứ khác, [chiếm cứ] đến mấy chục tòa thành kiên cố, mỗi nơi đều lập người đứng đầu riêng. Họ sống đời du mục trong các lều tròn lớn, thường xuyên di chuyển đó đây, về phía tây [có khi đi] giáp đến nước Ngật-lật-sắt-ma.
[Từ đây] đi về hướng đông khoảng 65 km thì đến nước Bát-đạc-sang-na.
12. Nước Bát-đạc-sang-na Nước Bát-đạc-sang-na thuộc lãnh thổ Đổ-hóa-la trước đây, có chu vi khoảng 652 km. Kinh thành nằm ven sườn núi, chu vi khoảng 1.5-2 km. Núi non, đồng bằng quanh co uốn khúc, đâu đâu cũng thấy cát đá. Đất đai thích hợp trồng các loại đậu, lúa mạch, trồng nhiều nho và các loại cây ăn trái như hồ đào, lê, nại... Khí hậu rét lạnh, tính người cứng rắn mạnh mẽ, tập tục không có lễ nghi quy tắc, không học các tài nghề. Con người hình dung tướng mạo xấu xí, đa phần mặc y phục bằng vải dạ thô. Trong nước có khoảng ba, bốn ngôi chùa, rất ít tu sĩ. Đức vua tánh tình thuần phác chân chất, tin sâu Tam bảo.
Từ đây về hướng đông nam, đi trong khe núi, khoảng 65 km thì đến nước Dâm-bạc-kiện.
13. Nước Dâm-bạc-kiện Nước Dâm-bạc-kiện, thuộc lãnh thổ Đổ-hóa-la trước đây, chu vi khoảng 325 km. Chu vi kinh thành khoảng 3.2 km. Núi non trải khắp, ruộng đồng chật hẹp. Đất đai, sản vật, khí hậu, tính người... đều giống như nước Bát-đạc-sang-na, chỉ riêng ngôn ngữ có đôi chút khác biệt. Đức vua tánh tình hà khắc hung bạo, không biết phân biệt thiện ác.
Từ nơi đây đi về hướng đông nam, vượt núi qua khe, đường đi qua mỏm núi đầy nguy hiểm, khoảng 98 km thì đến nước Khuất-lang-noa.
14. Nước Khuất-lang-noa Nước Khuất-lang-noa thuộc lãnh thổ Đổ-hóa-la trước đây, có chu vi khoảng 652 km. Núi sông, đất đai, sản vật, khí hậu đều giống như nước Dâm-bạc-kiện. Tập tục không có phép tắc quy phạm, tánh người thô bỉ hung bạo, phần lớn không làm việc phước thiện, ít người tin tưởng Phật pháp, dung mạo xấu xí, đa số dùng y phục bằng vải dạ thô. Có một vách núi chứa đá thủy tinh, người dân chẻ và mài các tảng đá để lấy.
Chùa viện đã rất ít, tăng sĩ càng hiếm hoi. Đức vua tính tình thuần hậu chân chất, kính trọng tôn sùng Tam bảo.
Từ nơi đây đi về hướng đông bắc, vượt núi qua khe, đường đi gian nan nguy hiểm, hơn 163 km thì đến nước Đạt-ma-tất-thiết-đế, cũng gọi là nước Trấn Khản hoặc nước Hộ Mật.
15. Nước Đạt-ma-tất-thiết-đế Nước Đạt-ma-tất-thiết-đế nằm lọt giữa hai dãy núi, thuộc lãnh thổ Đổ-hóa-la trước đây. Chiều dài đông tây khoảng 490-520 km, chiều rộng nam bắc chỉ khoảng 1-1.5 km, nơi hẹp nhất chưa đến 600 mét. Biên giới giáp sông Phược-sô, địa hình quanh co khúc khuỷu, thế đất cao thấp gập ghềnh, đâu đâu cũng thấy nhiều cát đá, gió rét kinh người. Chỉ trồng được các loại lúa mạch, đậu và một ít cây rừng, những cây ăn trái tạp nhạp. Nơi đây nuôi và bán ra nhiều ngựa hay, tuy vóc dáng nhỏ nhưng có sức chịu đựng đường dài. Phong tục không có lễ nghĩa, tính người hung ác tàn bạo, hình dung tướng mạo xấu xí, dùng y phục may bằng vải dạ thô, tròng mắt phần nhiều màu xanh lục, khác hẳn với các nước khác. Có hơn 10 ngôi chùa, rất ít tăng sĩ.
Kinh thành là Hôn-đà-đa. Trong thành có một ngôi chùa do vị vua trước đây của nước này xây dựng, đục đá khoét vách núi để tạo thành phòng ốc điện đường. Nước này thuở trước chưa biết đến Phật pháp, chỉ thờ phụng các tà thần. Cách đây mấy trăm năm mới bắt đầu được giáo hóa biết đến Chánh pháp.
Thuở ấy, đức vua có đứa con cưng bị bệnh, thuốc men chữa trị đều không hiệu quả, bệnh ngày một nặng thêm chứ không thuyên giảm. Đức vua đích thân đến đền thờ Phạm thiên, lễ bái thỉnh cầu cứu mạng. Lúc bấy giờ, ông từ giữ đền thay lời thần linh phán rằng: “Bệnh này sẽ thuyên giảm bình phục, không có gì phải lo.”
Vua nghe như vậy mừng vui, cho xa giá quay về, dọc đường gặp một vị sa-môn, hình dung cử chỉ đáng mến mộ nhưng y phục khác lạ, đức vua thấy lạ liền dừng lại hỏi xem vị ấy từ đâu đến. Vị sa-môn ấy đã chứng thánh quả, nhưng vì muốn hoằng truyền Phật pháp nên thị hiện hình dáng dung nghi như vậy. Liền đáp lời vua rằng: “Tôi là đệ tử đức Như Lai, gọi là tỳ-kheo.”
Đức vua trong lòng còn lo lắng, liền hỏi: “Trẫm có đứa con bị bệnh, chưa biết sống chết thế nào?”
Vị sa-môn nói: “Ví như tiên vương của bệ hạ sống lại còn có thể được, nhưng cứu được đứa con này là chuyện không thể.”
Vua nói: “Thiên thần vừa nói là không chết, giờ sa-môn này lại bảo chắc chắn phải chết. Người này chỉ dối trá lừa gạt người đời thôi, làm sao có thể tin được.”
Nhưng khi vua về đến cung thì đứa con đã chết. Vua tạm giữ kín chưa phát tang, lại đến hỏi thần một lần nữa, ông từ giữ đền vẫn nói: “Không chết, bệnh ấy sẽ khỏi.”
Vua nổi giận, ra lệnh bắt trói lại rồi kể tội rằng: “Lũ các người tụ tập nơi đây để nuôi lớn việc ác, dối trá làm chuyện ra uy ban phúc. Con ta đã chết rồi mà vẫn nói là sẽ khỏi bệnh. Ăn nói xằng bậy như vậy thì ai là người có thể nhẫn chịu được? Lập tức mang ra giết tên giữ đền này và phá nát hết đền miếu đi.”
Liền đó, kẻ giữ đền bị giết, tượng thần bị tháo gỡ ném xuống sông Phược-sô. Vua quay xa giá về cung, giữa đường lại gặp vị sa-môn liền hoan hỷ cung kính, cúi đầu tạ lỗi và nói rằng: “Lúc trước trẫm không biết đến chánh đạo sáng suốt nên tin theo một lũ tà đạo. Si mê lầm lỗi đã lâu, hôm nay nguyện xin chấm dứt, ngưỡng mong ngài rủ lòng thương xót, hạ cố đến vương cung.”
Vị sa-môn nhận lời thỉnh cầu, đến vương cung. Sau khi xong tang lễ đứa con, nhà vua thưa với vị sa-môn: “Đời người hợp tan, tan hợp; sinh tử lưu chuyển không cùng. Khi con trẫm có bệnh, đến hỏi việc sống chết, tà thần nói bậy rằng thế nào cũng khỏi. Nhưng lời dạy của ngài [rằng không cứu được] quả thật không sai. Xét theo đó thì biết ngài là người có chánh pháp, có thể kính vâng làm theo. Mong ngài rủ lòng thương xót, dẫn dắt những kẻ mê lầm.”
Vua liền cung thỉnh sa-môn hướng dẫn quy cách, phép tắc, rồi y theo đó xây dựng chùa. Từ đó về sau Phật giáo mới phát triển nơi đây. Cho nên trong chùa có một tinh xá, chính là vì [để ghi nhớ công lao] vị A-la-hán này mà xây dựng.
Trong chùa có tinh xá lớn, bên trong có một tượng Phật bằng đá, phía trên tượng có lọng che tròn bằng đồng vàng, trang sức bằng nhiều loại trân bảo quý giá. Khi có người nhiễu Phật trọn vòng, lọng che cũng xoay theo, người đứng lại thì lọng dừng quay, sự linh ứng không thể đo lường được.
Theo những bậc kỳ lão ở đây, có người nói là do nguyện lực của bậc thánh nhân hộ trì, lại có người cho là do có bố trí máy móc cơ quan bí mật. Quan sát khắp trên mái dưới hiên, tường đá chung quanh kiên cố cao tột [không thể giấu được cơ quan máy móc gì]. Khảo sát hết các ý kiến, vẫn không thể biết được sự thật là thế nào.
Đi về hướng bắc, vượt qua ngọn núi lớn của nước này là đến nước Thi-khí-ni.
16. Nước Thi-khí-ni Nước Thi-khí-ni chu vi khoảng 652 km. Chu vi kinh thành khoảng 1.5-2 km. Núi cao, đồng bằng tiếp nối nhau, cát đá khắp nơi. Có nhiều lúa mạch, ít lúa mùa, cây cối thưa thớt, hoa quả rất ít. Khí hậu rét lạnh, phong tục hung bạo mạnh mẽ, tàn nhẫn đến mức có thể giết người, chuyên làm những chuyện trộm cướp, không biết lễ nghĩa, chẳng phân thiện ác, si mê không biết đến chuyện họa phúc ngày sau, chỉ sợ những tai ương trong hiện tại. Người dân hình dung tướng mạo xấu xí, thường dùng da thú hoặc vải thô may y phục. Chữ viết giống như vùng Đổ-hóa-la nhưng ngôn ngữ có khác biệt.
Vượt qua ngọn núi lớn nằm ở phía nam nước Đạt-ma-tất-thiết-đế thì đến nước Thương-di.
17. Nước Thương-di Nước Thương-di chu vi khoảng hơn 810 km. Núi non, thung lũng liên tục nối nhau, đất đai gập ghềnh không bằng phẳng. Nơi đây trồng đủ các giống lúa, đậu. Lúa mạch trồng khắp nơi và rất tốt. Trong nước sản xuất được chất khoáng thư hoàng. Người ta đục ven núi lấy đá, rồi chẻ đá ra để lấy thư hoàng. Nơi đây có thần núi rất hung bạo xấu ác, thường gây tai họa. Nếu cúng tế trước rồi mới vào núi thì được bình an, nếu không thì sẽ có gió bão nổi lên, cát bay đá chạy.
Khí hậu rét lạnh, phong tục hấp tấp nhưng tánh người thuần hậu chân chất, tập tục không có lễ nghi, mưu trí hẹp hòi, kỹ năng cạn cợt. Chữ viết giống như vùng Đổ-hóa-la, ngôn ngữ có khác biệt. Đa phần dùng y phục bằng vải dạ thô.
Đức vua thuộc dòng họ Thích, tôn sùng kính trọng Phật pháp nên người trong nước được giáo hóa theo, ai ai cũng có lòng tin thuần thành. Có hai ngôi chùa, rất ít tăng sĩ.
Từ biên giới phía đông bắc của nước này, vượt núi qua khe, trải qua nhiều nguy hiểm, đi khoảng 230 km thì đến vùng cao nguyên Ba-mê-la, chiều đông tây dài khoảng 325 km, chiều nam bắc rộng khoảng 32 km, nơi hẹp nhất không quá 3.2 km. Vùng này nằm giữa hai dãy núi tuyết nên có gió rét kinh người, mùa xuân, mùa hạ vẫn có tuyết rơi, ngày đêm đều có gió lốc thổi không ngừng. Đất đai nhiễm mặn, nhiều sỏi đá, không gieo trồng được, cây cỏ thưa thớt, cho nên bỏ hoang không có người ở.
Trong vùng Ba-mê-la có một hồ rồng lớn, chiều đông tây khoảng 98 km, chiều nam bắc khoảng 16 km. Vì nằm trong phạm vi rặng Thông Lĩnh nên vùng đất này là cao nhất trong châu Thiệm-bộ. Nước hồ lắng trong như gương, không thể biết được độ sâu, màu nước xanh đen, vị rất ngon ngọt. Dưới đáy sâu của hồ có đủ các loài như thuồng luồng, ly, cá, rồng, giải, cá sấu, rùa, ba ba... Trên mặt nước thì có các giống chim như uyên ương, hồng nhạn, ngỗng trời, cắt, dã nhạn... Những trứng chim rất lớn vung vãi khắp nơi, hoặc trong cỏ rậm, hoặc trên bãi cát.
Phía tây của hồ chảy ra một dòng nước lớn, theo hướng tây chảy đến miền đông nước Đạt-ma-tất-thiết-đế rồi nhập vào sông Phược-sô, tiếp tục chảy về hướng tây, cho nên từ đây về bên phải tất cả các nguồn nước đều chảy về hướng tây.
Phía đông của hồ lại có một dòng nước lớn chảy ra, theo hướng đông bắc chảy xuống đến giáp miền tây nước Khư-sa rồi nhập vào sông Tỉ-đa, tiếp tục chảy về hướng đông, cho nên từ đây về bên trái tất cả các nguồn nước đều chảy về hướng đông.
Từ phía nam cao nguyên Ba-mê-la, vượt qua núi là nước Bát-lộ-la, có nhiều vàng, bạc. Vàng ở đây có màu ửng đỏ như lửa.
Từ giữa cao nguyên này đi về hướng đông nam, vượt núi cao hiểm trở, đường không thấy người đi, chỉ toàn băng tuyết, khoảng 163 km thì đến nước Khiết-bàn-đà.
18. Nước Khiết-bàn-đà Nước Khiết-bàn-đà chu vi khoảng 652 km. Kinh thành xây dựng trên núi đá lớn, dựa lưng vào sông Tỉ-đa, chu vi khoảng 6.5 km. Núi non tiếp nối chập chùng, đất đồng bằng rất hẹp. Các giống lúa rất ít, các loại đậu và lúa mạch được trồng nhiều và tốt. Cây rừng thưa thớt, hoa quả rất ít. Ruộng đất nhiều gò đống, thành thị thôn ấp rộng thoáng. Tập tục không có lễ nghĩa, người dân ít học các tài nghề. Tính khí đã mạnh bạo lại thêm sức vóc mạnh mẽ. Hình dung tướng mạo xấu xí, y phục thường dùng vải dạ thô. Chữ viết, ngôn ngữ đều giống như nước Khư-sa.
Người dân thuần thành tin tưởng, kính trọng tôn sùng Phật pháp. Có mười mấy ngôi chùa, tăng sĩ hơn 500 vị, tu tập theo giáo lý của phái Thuyết nhất thiết hữu thuộc Tiểu thừa. Đức vua hiện nay tính tình thuần hậu chất phác, kính trọng Tam bảo, hình dung cử chỉ từ tốn thanh nhã, có ý chí cao, ưa thích học tập.
Nước này được thành lập đến nay đã rất lâu năm. Vương tộc tự cho mình là dòng dõi Chí-na-đề-bà-cù-đát-la. Thuở ban sơ nước này chỉ là một vùng hoang vu trong rặng Thông Lĩnh. Khi ấy, vua nước Ba-lạt-tư [sai sứ] sang cầu hôn với nhà Hán, rước dâu về đến nơi đây gặp lúc giặc loạn nổi lên, đường đi từ đông sang tây bị ngăn trở, liền để cô dâu ở lại trên đỉnh núi này. Núi cao vách đứng cực kỳ nguy hiểm, phải dùng thang để lên xuống, quân lính được bố trí canh phòng chung quanh suốt ngày đêm.
Trải qua ba tháng như thế thì giặc yên, chuẩn bị tiếp tục rước dâu về thì cô dâu đã có thai. Sứ thần bàng hoàng kinh sợ, nói với thuộc hạ: “Vua sai ta đón vương phi về, gặp phải giặc loạn phải dừng nơi hoang vắng này, sớm tối thấp thỏm không thể biết chuyện ngày mai. May nhờ đức lớn của vua nên giặc loạn đã yên, chuẩn bị về nước thì vương phi lại có thai. Việc này khiến ta lo lắng, thật không biết làm sao tránh được tội chết. Nay phải tìm cho ra thủ phạm [đã làm vương phi có thai] để sau này trị tội.”
Nói rồi liền tra hỏi khắp trong thuộc hạ, nhưng chẳng tìm được manh mối gì. Khi ấy, một người nữ tỳ hầu cận vương phi nói với sứ thần: “Xin đừng tìm kiếm buộc tội lẫn nhau, việc này là do thần linh gây ra. Mỗi ngày [tôi đều thấy] vào lúc giữa trưa có một người đàn ông từ trong mặt trời cưỡi ngựa bay ra đến đây gặp [vương phi].”
Sứ thần nói: “Nếu đúng là như vậy, chúng ta cũng làm sao khỏi tội? Bây giờ về nước ắt phải chịu tội chết, còn nếu ở lại đây vua sẽ cho quân đến bắt. Tới lui đều không được, biết làm sao đây?”
Mọi người đều nói: “Việc này không phải chuyện nhỏ, có ai lại chấp nhận tự đi vào chỗ chết? Nay chúng ta nên ở lại nơi đây, tránh tội được ngày nào hay ngày đó vậy.”
Liền cùng nhau xây dựng một cung điện trên đỉnh núi đá, chu vi hơn 500 mét, xây thành vây quanh rồi tôn vương phi làm chủ, xếp đặt các chức quan, định ra quy chế, pháp luật. Đến kỳ sinh nở, vương phi sinh ra một đứa con trai dung mạo tuấn tú xinh đẹp. Vương phi cầm quyền nhiếp chánh, người con [lên ngôi] xưng vương hiệu. [Đức vua] có khả năng đi trên không trung, cưỡi mây đạp gió, uy đức lan xa, sự giáo hóa phủ khắp xa gần, các nước chung quanh đều đến thần phục.
Đến khi đức vua mạng chung, thi hài được an táng trong một hang đá trên ngọn núi lớn, cách thành này khoảng 32 km về hướng đông nam. Thi hài ấy đã khô lại nhưng đến nay vẫn không hư hoại, nhìn giống như một người gầy ốm, dáng vẻ tự nhiên như đang nằm ngủ. Thỉnh thoảng lại thay y phục, thường dâng cúng hương hoa. Con cháu nối truyền không dứt, đến tận ngày nay. Vì tổ tiên có mẹ là người Hán, cha là thần mặt trời (Nhật Thiên), nên tự xưng là dòng dõi Hán Nhật Thiên. Do vậy, người trong vương tộc có hình dáng giống người Trung Hoa, đầu đội mũ vuông, nhưng lại mặc y phục người Hồ. Con cháu về sau ngày càng suy yếu, bị các nước mạnh chèn ép.
Về sau, khi vua Vô Ưu thống trị khắp nơi, có cho xây dựng trong cung vua [của nước này] một ngọn tháp. Đức vua ấy sau đó dời về nơi cung ở góc phía bắc kinh thành, nơi cung điện cũ lại vì Tôn giả Luận sư Đồng Thụ mà xây dựng lại thành một ngôi chùa, lầu gác cao rộng, tượng Phật uy nghiêm.
Tôn giả [Đồng Thụ] là người nước Đát-xoa-thỉ-la, từ nhỏ đã thông minh sáng suốt, sớm lìa bỏ thế tục, chuyên tâm vào kinh điển, để hết tinh thần vào việc tìm hiểu nghĩa lý sâu xa huyền diệu. Mỗi ngày tôn giả tụng đọc ba mươi hai ngàn chữ, cũng viết xuống ba mươi hai ngàn chữ. Cho nên đương thời nổi tiếng là bậc học cao hiểu rộng, vượt trội hơn tất cả học giả, xác lập chánh pháp, phá trừ tà kiến, luận giải cao siêu, nghĩa lý thấu triệt, không một vấn đề khó khăn nào đặt ra mà không đáp lại được. Trong khắp năm vùng Ấn Độ, ai ai cũng kính nể tôn trọng. Ngài viết ra đến mấy mươi bộ luận, tất cả đều được lưu hành rộng khắp, mọi người đều học tập theo đó, trở thành bậc thầy khai sáng Kinh lượng bộ. Vào thời ấy, phương đông có ngài Mã Minh, phương nam có ngài Đề-bà, phương tây có ngài Long Mãnh và phương bắc có ngài Đồng Thụ, được xem là bốn mặt trời soi sáng thế gian. Cho nên vua nước Khiết-bàn-đà này ngưỡng vọng đức độ của tôn giả, liền mang quân chinh phạt nước Đát-xoa-thỉ-la, dùng sức mạnh để đưa tôn giả về đây, rồi xây dựng ngôi chùa này để theo đúng nghi thức cúng dường chiêm ngưỡng.
Từ kinh thành đi về hướng đông nam khoảng 98 km gặp một vách đá lớn, trong có hai hang đá, mỗi hang đều có một vị A-la-hán nhập định Diệt tận. Các ngài ngồi dáng vẻ tự nhiên vững chãi, không dễ lay chuyển, nhìn giống như một người gầy ốm, da xương vẫn còn nguyên không hư mục, đã trải qua hơn bảy trăm năm. Râu tóc tai vẫn thường mọc dài ra nên mỗi năm chư tăng đều cử người đến cạo tóc và thay y phục.
Từ phía đông bắc của vách đá lớn, trèo lên núi cao nguy hiểm, tiếp tục đi khoảng 65 km thì đến khu bôn-nhương-xá-la. Khu này nằm về sườn phía đông của rặng Thông Lĩnh, ở giữa bốn ngọn núi, diện tích ước chừng gần 670 hec-ta, ngay chính giữa đất thấp trũng xuống. Nơi đây mùa đông hay mùa hạ cũng đều đọng tuyết, gió rét thổi mạnh. Ruộng gò đều nhiễm mặn, lúa không mọc nổi. Không có cây rừng, trên mặt đất chỉ có loài cỏ vụn. Mặc dù thời tiết đang mùa nóng nực nhưng nơi đây vẫn đầy gió tuyết. Người đi đường chưa vào hẳn vùng này đã thấy mây đen sương khói mù mịt. Những thương nhân qua lại hết sức khổ sở vì sự gian nan nguy hiểm như vậy.
Nghe những người già kể lại rằng: “Thuở xưa có một khách buôn, dẫn đoàn cùng đi hơn 10.000 người, lạc đà đến mấy ngàn con, chở hàng hóa đi buôn bán kiếm lời. Gặp phải bão tuyết, người và vật đều mất mạng. Lúc ấy, tại nước Khiết-bàn-đà có một vị Đại A-la-hán từ xa nhìn thấy, thương xót người gặp phải hiểm nguy khổ ách, muốn vận thần thông để cứu giúp. Khi vừa đến nơi thì thương nhân đã chết. Ngài liền thu thập hết trân bảo cùng những hàng hóa của người thương nhân đó, dựng lên một căn nhà để cất giữ tất cả, sau đó mua đất của nước bên cạnh, [dựng phúc xá] làm nơi nuôi duỡng những gia đình ở biên giới và chẩn cấp cho khách bộ hành qua lại. Cho nên ngày nay những thương nhân và người đi đường qua lại nơi đây đều được chu cấp.
Từ nơi đây về hướng đông là đi xuống sườn phía đông của rặng Thông Lĩnh, lại lên một đỉnh núi cao, vượt khe sâu, đường trong khe núi hiểm trở, gió tuyết không ngừng. Đi hơn 260 km thì ra khỏi rặng Thông Lĩnh, đến nước Ô-sái.
19. Nước Ô-sái Nước Ô-sái chu vi khoảng 325 km. Chu vi kinh thành khoảng 3.2 km, phía nam giáp sông Tỉ-đa. Đất đai màu mỡ, lúa má tốt tươi, cây rừng sầm uất, hoa trái nhiều và đủ loại. Nơi đây sản xuất nhiều loại ngọc quý, như ngọc trắng, ngọc đen, ngọc xanh... Khí hậu ôn hòa, mưa gió thuận thời, tập tục ít có lễ nghĩa, tính người cứng rắn hung bạo, nhiều dối trá lừa lọc, ít biết đến liêm sỉ. Văn tự, ngôn ngữ có phần giống với nước Khư-sa. Người ở đây hình dung tướng mạo xấu xí, y phục thường dùng vải dạ thô. Biết tôn sùng tin tưởng, cung kính thực hành Phật pháp. Có hơn 10 ngôi chùa, tăng sĩ gần được 1.000 vị, tu tập theo giáo pháp phái Thuyết nhất thiết hữu, thuộc Tiểu thừa. Từ mấy trăm năm nay, dòng vua nước này không có người truyền nối nên trong nước không có vua, chịu phụ thuộc nước Khiết-bàn-đà.
Về phía tây kinh thành, cách xa khoảng 65 km có một ngọn núi lớn, cao ngất hiểm trở, chạm tay vào đá liền có khí bốc lên như mây, chung quanh vách núi bờ vực chênh vênh tưởng chừng như sắp sụp đổ. Trên đỉnh núi có một ngọn tháp, hình thể, kiến trúc đặc biệt khác lạ.
Người dân ở đây kể rằng, cách đây mấy trăm năm có một vách núi sụp đổ xuống, lộ ra bên trong có một vị tỳ-kheo đang nhắm mắt ngồi thiền, thân hình cực kỳ to lớn nhưng hình dung khô kiệt, râu tóc mọc dài rủ xuống phủ vai che mặt. Có người thợ săn nhìn thấy liền tâu lên đức vua. Vua đích thân đến xem và kính lễ, rất nhiều quan chức, dân thường đều không mời mà đến, thắp hương rải hoa tranh nhau cúng dường. Đức vua hỏi: “Vị này là ai mà to lớn thế này?”
Có một vị tỳ-kheo bảo vua: “Vị này râu tóc tai rủ dài, thân đắp áo cà-sa, như vậy hẳn là một vị A-la-hán đang nhập Diệt tâm định. Người nhập Diệt tâm định thường xác định trước thời gian nhập định, hoặc có người nói khi nghe tiếng chuông, hoặc khi ánh nắng chiếu vào, nói chung là có những yếu tố tác động từ bên ngoài như vậy thì liền xuất định. Nếu không có những tác động ấy thì tiếp tục an nhiên bất động, nhờ có định lực giữ gìn nên thân thể không bị hư hoại. Nhưng thân xác thịt sống nhờ ăn uống nên khi xuất định sẽ bị hủy hoại, phải dùng váng sữa loãng thoa lên thân thể cho tươi nhuận lại, rồi sau đó hãy đánh chuông để ngài xuất định.”
Đức vua nói: “Hãy làm như vậy.” Sau đó liền cho đánh chuông lên. Âm thanh vừa chấn động, vị A-la-hán liền mở mắt ra nhìn, sau một hồi lâu mới cất tiếng hỏi: “Các người là ai mà thân hình nhỏ bé thế? Tại sao cũng [có người] mặc áo cà-sa?”
Vị tỳ-kheo lên tiếng đáp: “Tôi là tỳ-kheo.”
Vị A-la-hán hỏi: “Vậy thầy có biết thầy tôi là đức Như Lai Ca-diếp đang ở đâu không?”
Vị tỳ-kheo đáp: “Ngài nhập Đại Niết-bàn đã lâu lắm rồi.”
A-la-hán nghe vậy nhắm mắt lại, vẻ buồn bã như có điều tư lự, lát sau lại hỏi: “Vậy đức Như Lai Thích-ca đã ra đời chưa?”
Vị tỳ-kheo nói: “Ngài đã ra đời dẫn dắt chúng sinh, giờ cũng đã nhập diệt rồi.”
A-la-hán nghe xong cúi đầu xuống, hồi lâu mới ngẩng dậy rồi bay lên không trung, hiện các phép thần thông biến hóa, hóa lửa tự thiêu thân, di hài rơi xuống đất. Đức vua thu nhặt hài cốt ngài, xây ngọn tháp [trên núi này] để phụng thờ.
Từ nơi đây đi về hướng bắc, vượt núi, băng qua sa mạc, đồng hoang, khoảng 163 km thì đến nước Khư-sa.
20. Nước Khư-sa Nước Khư-sa chu vi khoảng 1.630 km, nhiều vùng sa mạc, đất trồng trọt rất ít. Lúa má tốt tươi, cây trái sum suê tươi tốt. Nơi đây sản xuất vải dạ bằng lông thú nhuyễn, dệt thủ công các loại thảm và vải bông mịn. Khí hậu ôn hòa dễ chịu, mưa hòa gió thuận. Tính người hung dữ mạnh bạo, tập tục quỷ quyệt dối trá, xem nhẹ lễ nghĩa, học tập các tài nghề cũng chỉ cạn cợt. Vùng này có tục lệ khi sinh con thì dùng miếng ván phẳng ép vào đầu. Người dân dung mạo thô xấu, có tục xăm mình, tròng mắt màu xanh lục. Chữ viết thì dùng của Ấn Độ, tuy có sửa đổi sai lệch nhưng vẫn giữ được đại thể. Giọng nói, ngữ điệu đều khác với các nước.
Người dân thuần thành tin theo Phật pháp, siêng làm việc phúc thiện. Có đến mấy trăm ngôi chùa, tăng sĩ hơn 10.000 vị, tu tập theo giáo pháp phái Thuyết nhất thiết hữu, thuộc Tiểu thừa, không nghiên cứu sâu nghĩa lý, chỉ thường tụng đọc kinh văn, cho nên có rất nhiều người tụng đọc thông suốt được cả Tam tạng kinh điển cũng như luận Tỳ-bà-sa.
Từ nơi đây đi về hướng đông nam khoảng 163 km, qua sông Tỉ-đa rồi vượt tiếp một ngọn núi cát lớn thì đến nước Chước-cú-ca.
21. Nước Chước-cú-ca Nước Chước-cú-ca chu vi khoảng 325 km. Chu vi kinh thành khoảng 3.2 km, thành bao quanh cao rộng, kiên cố hiểm trở. Trong thành nhà cửa đông đúc. Núi đồi tiếp nối, sỏi đá khắp nơi. Có hai con sông chạy dọc theo biên giới, có thể tận dụng cho việc trồng trọt. Các loại cây ăn trái như nho, lê, nại... rất nhiều. Thời tiết lạnh, nhiều gió. Người dân tính tình nóng nảy hung bạo. Tập tục toàn là dối trá, những chuyện trộm cướp diễn ra công khai. Chữ viết giống với nước Cù-tát-đán-na, ngôn ngữ có khác biệt. Lễ nghĩa bị xem nhẹ, việc học các tài nghề thì cạn cợt qua loa. [Cũng có người] tin sâu Tam bảo, ưa thích làm việc phước thiện. Có mấy chục ngôi chùa, đa phần đã hư hoại đổ nát. Tăng sĩ hơn 100 vị, tu học theo giáo pháp Đại thừa.
Miền nam nước này có một cụm núi lớn, vươn cao chót vót, có nhiều đỉnh núi nhọn vút trùng điệp. Cây cỏ sống trong băng giá rét lạnh, mùa xuân hay mùa thu cũng không thay đổi màu sắc. Khe sâu nước xiết, chảy tràn bốn hướng. Trên sườn núi có rất nhiều động đá, nằm la liệt như bàn cờ. Những vị chứng thánh quả ở Ấn Độ thường vận thần thông vượt đường xa đến cư trú nơi đây. Các vị A-la-hán đã tịch diệt cũng rất nhiều nên nơi đây có nhiều ngọn tháp. Hiện nay vẫn còn ba vị A-la-hán đang nhập Diệt tâm định trong các hang đá, thân hình như người gầy ốm, râu tóc vẫn thường mọc dài ra, cho nên các vị sa-môn thỉnh thoảng lại đến cạo tóc cho các vị.
Trong nước này có rất nhiều bộ kinh điển Đại thừa, so trong tất cả những nơi Phật pháp đã truyền đến thì không đâu nhiều bằng. Nếu tính những bộ kinh lớn có từ 100.000 bài tụng [trở lên] thì có đến mười mấy bộ. Những kinh ngắn hơn thì rất nhiều, được lưu hành rộng rãi khắp nơi.
Từ nơi đây về hướng đông, vượt núi qua khe, đi hơn 260 km thì đến nước Cù-tát-đán-na.
22. Nước Cù-tát-đán-na Nước Cù-tát-đán-na chu vi khoảng 1.300 km, sa mạc chiếm hơn phân nửa, đất đai trồng trọt rất hẹp, thích hợp các giống lúa, có nhiều giống cây ăn trái, sản xuất thảm dệt bằng lông thú, vải dạ nhuyễn, các loại ngọc trắng, ngọc đen. Khí hậu ôn hòa dễ chịu, nhiều gió cát. Tập tục ở đây biết trọng lễ nghĩa, người dân tánh tình nhu hòa, khiêm cung, ham học điển tịch và học các tài nghề. Dân chúng giàu có, sống an vui, nghề nghiệp ổn định. Quốc gia xem trọng âm nhạc, người dân ưa thích múa hát. Ít người dùng các loại vải dạ, vải thô dệt bằng lông thú, đa số đều dùng các loại tơ lụa hoặc vải dệt từ bông vải. Hình dung cử chỉ đều có lễ nghi, phong tục có kỷ cương nề nếp. Về văn tự, quy tắc ngữ pháp đều noi theo Ấn Độ, chỉ sửa đổi đôi chút về biến thể, cách thế, còn về đại thể vẫn giữ theo. Ngôn ngữ khác với các nước khác.
Người dân tôn sùng kính trọng Phật pháp. Có hơn 100 ngôi chùa, tăng sĩ hơn 5.000 vị, đa số đều tu tập theo giáo pháp Đại thừa. Đức vua hết sức kiêu hùng dũng mãnh, tôn kính Phật pháp, tự xưng mình là dòng dõi của Tỳ-sa-môn Thiên.
Thuở xưa, nơi đây là một vùng hoang vắng không người ở, Tỳ-sa-môn Thiên cư ngụ tại đây. Khi thái Tử con vua Vô Ưu bị [kế mẫu mưu hại] móc mắt ở nước Đát-xoa-thỉ-la, vua Vô Ưu [biết chuyện] nổi giận trừng phạt các quan phụ tá cho thái tử, lại đày các gia tộc thế lực có liên quan [ở nước ấy] phải đến cư ngụ ở phía bắc Tuyết Sơn, trong vùng khe núi hoang vu. Những người bị đày ấy di chuyển dần đến vùng đất phía tây nơi này, rồi suy cử người cầm đầu lên làm vua.
Cũng vào thời đó, có một hoàng tử ở Đông độ phạm tội bị đày ra, sống ở vùng đất phía đông nơi này, do thuộc hạ xúi giục nên cũng xưng làm vua.
Thời gian trôi qua rất lâu nhưng hai phía [đông tây] không hề biết đến nhau. Sau đó nhân lúc đi săn bắn, đôi bên gặp nhau giữa chốn rừng hoang, liền gạn hỏi về nguồn gốc tổ tiên của nhau, bên nào cũng muốn nhận mình là lớn hơn. Lời qua tiếng lại, đôi bên đều nổi giận, sắp sửa dàn quân đánh nhau.
Lúc ấy có người can ngăn rằng: “Sao phải vội đánh nhau lúc này? Trong lúc đi săn mà đánh nhau thì không thể phát huy hết được sức mạnh của đôi bên. Chi bằng nên quay về chuẩn bị quân binh, hẹn ngày cùng nhau giao chiến.”
Đôi bên liền cùng nhau quay về, chuẩn bị binh khí, ngựa chiến, đôn đốc binh sĩ. Ngày giao binh liền cùng nhau kéo cờ đánh trống kéo đến. Sáng hôm sau cùng nhau giao chiến, vua phía tây yếu thế, cuối cùng thua trận bỏ chạy, bị quân phía đông đuổi theo bắt được chém đầu. Vua phía đông thừa thắng, phủ dụ dân phía tây [rồi sáp nhập hai nước], dời đô đến khoảng đất ở giữa, chuẩn bị xây dựng thành quách. Nhưng đức vua e rằng nếu không đúng phương thức, quy cách sẽ không thành tựu, nên liền cho bố cáo khắp xa gần để tìm người hiểu biết về địa lý.
Bấy giờ có một ngoại đạo phái Đồ hôi, mang một bình lớn đựng đầy nước tự tìm đến nói: “Tôi biết về địa lý.” Nói rồi vừa rưới nước vừa đi theo một đường cong, trở về đến chỗ ban đầu lại đi thêm vòng nữa rồi vụt đi nhanh hơn, hốt nhiên biến mất. Mọi người liền y theo dấu nước rưới xuống đất mà xây nền móng, dựng lên thành trì, làm kinh đô của đất nước. Kinh thành của đức vua hiện tại chính là thành này.
Thành không cao rộng lắm nhưng rất khó công phá. Từ xưa đến nay chưa bao giờ địch quân công phá được thành. Đức vua thuở ấy sau khi dời đô, xây thành lập ấp, dựng nước yên dân, mọi việc đều đã thành tựu thì tuổi đã cao nhưng vẫn chưa có con, trong lòng lo sợ không người nối dõi, liền đến chỗ đền thờ Tỳ-sa-môn Thiên để cầu đảo, mong được có con. Khi ấy, nơi vầng trán của tượng thần bỗng tách ra, xuất hiện một đứa trẻ sơ sinh, vua liền bế đứa trẻ quay về, người trong nước đều hân hoan chúc mừng.
Đứa bé không chịu uống sữa, vua sợ rằng không sống được, liền đến đền thần, một lần nữa thỉnh cầu sự nuôi duỡng. Liền đó, nơi chỗ đất phía trước đền thờ bỗng phun lên chất nước giống như sữa. Đứa bé uống được sữa ấy, dần dần lớn lên cho đến trưởng thành, trí tuệ và sức mạnh từ trước đến nay chưa ai sánh bằng. [Khi nối ngôi vua,] uy đức giáo hóa đến tận miền xa, liền xây lớn đền thờ [Tỳ-sa-môn Thiên], nhận đó là tổ tiên của mình. Từ đó về sau đời đời truyền nối, các vua đều không để mất sự thờ kính thừa tự. Cho nên đền thần hiện nay rất nhiều trân bảo quý giá, vì các đời vua tiếp nối nhau chưa từng bỏ dứt việc cúng tế.
Nhân vì [đức vua thuở xưa] được nuôi dưỡng nhờ dòng sữa sinh ra từ đất, nên lấy tên nước là Địa Nhũ (sữa đất).
Từ kinh thành đi về hướng nam khoảng 3.2 km có một ngôi chùa lớn, do một vị vua đời trước của nước này xây dựng cho vị A-la-hán Tỳ-lô-chiết-na.
Thuở xưa, Phật pháp chưa truyền đến nước này, có vị A-la-hán từ nước Ca-thấp-di-la đến khu rừng này ngồi yên thiền định. Có người nhìn thấy y phục lạ lùng liền đem sự việc tâu lên đức vua. Vua đích thân đến xem hình dung cử chỉ, rồi hỏi: “Ông là ai mà một mình ở trong rừng vắng?”
Vị A-la-hán đáp: “Tôi là đệ tử của Như Lai, ở nơi im vắng để tu tập thiền định. Đại vương nên trồng cội phúc bằng cách rộng truyền Phật giáo, xây dựng chùa, cung thỉnh chư tăng.”
Vua hỏi: “Như Lai có đức độ gì, có thần lực gì mà ông phải sống lang thang không nhà, chuyên cần khó nhọc làm theo lời dạy của ngài?”
Vị A-la-hán đáp: “Đức Như Lai thương xót muôn loài, dạy dỗ dẫn dắt chúng sinh trong ba cõi, lúc ẩn lúc hiện, thị hiện đản sinh hoặc nhập diệt. Học theo giáo pháp của ngài thì thoát ly sanh tử. Si mê không biết đến giáo pháp của ngài thì bị trói buộc mãi trong lưới ái dục.”
Vua nói: “Nếu quả đúng như lời ngài nói thì thật là cao siêu vượt quá sự luận bàn. Đã là bậc đại thánh như vậy, nếu có thể vì ta mà hiện hình để ta được chiêm ngưỡng, ta sẽ vì ngài xây dựng chùa, hết lòng tin tưởng nương theo, rộng truyền giáo pháp.”
Vị A-la-hán nói: “Đại vương cứ xây chùa hoàn tất, sẽ có sự cảm ứng.”
Đức vua chưa tin hẳn nhưng cũng cho tiến hành việc xây chùa. Khi hoàn tất rồi liền mời thỉnh khắp xa gần, tổ chức pháp hội để khánh thành. Mọi việc chuẩn bị xong nhưng còn thiếu chuông lớn để đánh lên triệu tập. Khi ấy, vua hỏi vị A-la-hán rằng: “Chùa đã xây xong, giờ Phật ở đâu?”
Vị A-la-hán đáp: “Đại vương nên chí thành cầu thỉnh, sự linh hiển chứng giám của bậc đại thánh không ở đâu xa.”
Đức vua liền chí thành lễ thỉnh, bỗng nhiên thấy giữa không trung có tượng Phật hiện ra, từ từ hạ xuống, trao cho nhà vua một cái chuông lớn. Đức vua nhân [sự linh hiển] ấy mà hết lòng thành tín, từ đó nỗ lực rộng truyền Phật giáo.
Từ kinh thành đi về hướng tây nam khoảng 6.5 km có núi Cù-thất-lăng-già. Đỉnh núi vươn lên hai ngọn, bốn bên vách núi cao ngất hiểm trở. Lưng chừng vách núi có xây dựng một ngôi chùa, tượng Phật trong chùa thỉnh thoảng chiếu hào quang rực sáng. Ngày xưa đức Như Lai từng đến thuyết giảng giáo pháp tinh yếu cho hàng trời người và có lời huyền ký rằng nơi đây sẽ có một quốc gia được thành lập, [người dân] kính trọng tôn sùng giáo pháp Như Lai, tu tập noi theo Đại thừa.
Trên sườn núi Ngưu Giác có một động đá lớn, trong đó có một vị A-la-hán đang nhập Diệt tâm định để chờ đức Phật Từ Thị, trải qua hàng mấy trăm năm, người đến cúng dường không lúc nào ngớt. Gần đây, sườn núi có đá lở lấp kín cửa động. Đức vua mang quân thu dọn đất đá [để mở cửa động], liền có một bầy ong đen bay đến đuổi chích mọi người, [đành phải rút lui], cho nên đến ngày nay cửa động vẫn còn lấp kín.
Từ kinh thành đi về hướng tây nam khoảng 3.2 km có chùa Địa-ca-bà-phược-na, bên trong có tượng Phật đứng bằng nhựa cây sơn, vốn từ nước Khuất-chi [tự nhiên] di chuyển đến đây.
Thuở xưa, nước này có một vị quan bị khiển trách, phải sang ở tạm bên nước Khuất-chi, thường lễ bái tượng Phật này. Về sau vị ấy được trở về nước, [thường nhớ nghĩ đến tượng Phật nên] hết lòng cung kính lễ bái từ xa. Khoảng sau lúc nửa đêm, tượng này tự hiện đến nhà ông. Ông liền sửa sang xây dựng lại căn nhà mình thành ngôi chùa này.
Từ kinh thành đi về hướng tây khoảng 98 km thì đến thành Bột-già-di. Trong thành có một tượng Phật ngồi cao khoảng 2.5 mét, đầy đủ tướng hảo trang nghiêm, uy nghiêm tịch tịnh. Trên đầu đội mũ báu, thỉnh thoảng có hào quang tỏa chiếu.
Người dân ở đây kể rằng, tượng này vốn ở nước Ca-thấp-di-la được thỉnh về đây. Thuở xưa, vị A-la-hán [ở nước Ca-thấp-di-la] có một đệ tử sa-di, lúc sắp lâm chung muốn ăn một loại bánh bột gạo. Vị A-la-hán dùng thiên nhãn nhìn thấy ở nước Cù-tát-đán-na có món bánh ấy, liền vận thần thông đến để xin về. Sa-di ăn bánh xong liền phát nguyện sinh về nước Cù-tát-đán-na. Quả nhiên toại nguyện, được sinh làm vương tử nước này. Đến khi nối ngôi vua, uy thế chấn nhiếp xa gần, mang quân vượt Tuyết sơn chinh phạt nước Ca-thấp-di-la. Vua nước Ca-thấp-di-la chỉnh trang binh mã, định kéo ra biên thùy ngăn giặc. Lúc ấy, vị A-la-hán nói rằng: “Không cần đánh nhau, tôi có thể đẩy lui quân địch.”
A-la-hán liền đến trước vua Cù-tát-đán-na thuyết pháp. Lúc đầu vua chưa tin, vẫn muốn động binh, Vị A-la-hán liền lấy tấm y của sa-di ngày trước đưa cho vua xem. Vua nhìn thấy tấm y tự nhiên được trí Túc mệnh, [nhớ lại đời trước,] liền tạ lỗi với vua Ca-thấp-di-la, hai bên kết tình giao hảo rồi rút quân về, đồng thời cũng rước tượng Phật mà sa-di ngày trước thường cúng dường về theo trong đoàn quân để mỗi ngày lễ bái. Tượng về đến chỗ này thì không thể di chuyển đi tiếp được nữa. [Vua liền cho] xây dựng chùa tại đây, thỉnh chư tăng đến, lại cởi mũ báu của mình ra cúng dường đặt trên đầu tượng Phật. Mũ báu ngày nay còn nhìn thấy đó chính là mũ báu của đức vua thuở ấy cúng dường.
Từ kinh thành đi về hướng tây khoảng 48-51 km, giữa sa mạc lớn, trên đường đi có nhiều gò đất, đều là những gò đất của chuột.
Người dân nơi đây kể rằng, trong sa-mạc này, có con chuột to như con nhím, lông màu vàng, màu bạc khác biệt, là thủ lĩnh của loài chuột, mỗi khi ra khỏi hang đều có cả bầy chuột theo hầu.
Thuở ấy, quân Hung Nô kéo sang đến mấy chục vạn, cướp bóc biên thùy, kéo vào đến gần đây, đóng quân ngay bên cạnh các gò đất của chuột. Vua Cù-tát-đán-na tập trung được mấy vạn binh, sợ không đủ sức chống lại quân địch. Đức vua từ lâu đã biết trong sa mạc có con chuột kỳ dị kia, nhưng chưa bao giờ nghĩ đó là thần vật. Nay giặc đã đến, không có nơi nào cầu cứu, từ vua đến quan quân đều kinh sợ, không biết tính kế gì, đành cầu may thiết lễ cúng tế, cầu xin chuột thần nếu có linh thiêng xin giúp sức dẹp giặc.
Đêm đó vua Cù-tát-đán-na nằm mộng thấy con chuột lớn nói rằng: “Chúng tôi xin được giúp sức, đại vương nên sớm chuẩn bị quân mã, ngày mai cùng nhau chiến đấu, nhất định sẽ thắng.”
Vua Cù-tát-đán-na biết có thần linh trợ giúp liền lập tức chỉnh trang quân mã, ban lệnh cho tướng sĩ, trời chưa sáng đã xuất quân, gấp rút tiến đánh. Quân Hung Nô nghe tin thảy đều lo sợ, chuẩn bị mặc giáp lên ngựa, ngờ đâu tất cả yên ngựa, quần áo binh sĩ cho đến dây cung, dây buộc giáp và tất cả các thứ dây đai, dây buộc đều đã bị chuột cắn đứt nát. Ngay khi ấy, quân của vua Cù-tát-đán-na đã áp sát tới, quân Hung Nô đành thúc thủ, lớp bị trói, lớp bị chém, nhân đó giết được tướng giặc, phá tan quân giặc, đều là nhờ có thần linh giúp đỡ.
Vua Cù-tát-đán-na cảm ơn sâu dày của chuột thần nên dựng đền thờ, thiết lễ cúng tế. [Từ đó về sau] đời đời tiếp nối đều tôn kính, đặc biệt quý trọng khác thường. Cho nên trên từ quân vương, dưới đến dân thường đều thường cúng tế, mong được phúc thần giúp đỡ. Khi đi đến hang chuột ở đây, mọi người thường xuống xe đi bộ, lễ bái cung kính hoặc cúng tế cầu phúc, dùng các món như y phục, cung tên, hương hoa, thực phẩm v.v... Những ai có lòng chí thành đều được nhiều điều phúc lợi. Nếu không cúng tế ắt thường gặp tai biến.
Phía tây kinh thành, cách chừng 1.5-2 km, có chùa Sa-ma-nhược. Trong khuôn viên chùa có một ngọn tháp cao hơn 33 mét, có rất nhiều điềm lành linh ứng, thỉnh thoảng lại có hào quang chiếu sáng.
Thuở xưa có một vị A-la-hán từ phương xa đến, dừng ở trong khu rừng này, dùng sức thần thông phóng đại hào quang. Đêm ấy đức vua ở trên lầu cao trong cung điện nhìn từ xa thấy ánh sáng chói lọi nơi khu rừng, liền dò hỏi nhiều người. Mọi người đều nói: “Có một vị sa-môn từ xa đến, ngồi yên trong rừng sâu mà hiện thần thông.”
Vua bèn xa giá đích thân đến quan sát, thấy phong cách bậc hiền nhân sáng suốt thì hết sức cung kính, khâm phục vô cùng, liền xin thỉnh ngài về cung. Vị sa-môn nói: “Mỗi sự vật đều có chỗ thích hợp riêng, mỗi con người đều có chí hướng khác. Tôi chỉ quen với chốn rừng sâu hoang dã, lầu đài cao rộng không phải nơi tôi muốn đến.”
Vua nghe như vậy càng thêm kính ngưỡng, hết sức tôn trọng, liền cho xây dựng một ngôi chùa, dựng một ngọn tháp rồi cung thỉnh, vị sa-môn liền nhận lời đến ở. Không bao lâu, đức vua nhờ sự cảm ứng mà tự nhiên có được mấy trăm hạt xá-lợi. Vua rất hoan hỷ mừng vui nhưng rồi tự nghĩ: “Xá-lợi cảm ứng mà đến, nhưng sao muộn thế này? Giá như đến sớm, ta có thể đặt bên dưới bảo tháp, chẳng phải đã thành một thắng tích kỳ diệu lắm sao?”
Vua liền đến chùa đem suy nghĩ ấy thưa với vị sa-môn. Ngài liền nói: “Đại vương đừng lo lắng, bây giờ đặt vào vẫn được. Đại vương nên dùng vàng, bạc, đồng, thiết và đá lớn làm thành các hộp chứa, rồi đặt hết xá-lợi vào trong đó.”
Vua lập tức cho thợ làm ngay, không bao lâu đã hoàn tất, liền đưa tất cả đến chùa. Lúc ấy, người trong cung vua cùng quan, quân, dân thường đi theo đưa rước xá-lợi có đến hàng vạn người. Vị sa-môn A-la-hán dùng tay phải nâng ngọn tháp lên, đặt vào giữa lòng bàn tay [trái] rồi nói với nhà vua: “Bây giờ có thể đưa xá-lợi vào bên dưới tháp.”
Khi ấy công nhân liền đào đất, đặt các hộp đựng xá-lợi vào dưới nền tháp. Sau khi hoàn tất, [vị A-la-hán mới] đặt tháp trở xuống, nguyên vẹn như cũ không hề nghiêng lệch. Tất cả những người chứng kiến đều ngợi khen là việc chưa từng có, lòng tin đối với Phật pháp càng thêm sâu vững, sự kính trọng Tam bảo càng thêm kiên định.
Khi ấy, đức vua nói với mọi người rằng: “Trẫm thường nghe rằng năng lực của Phật khó nghĩ bàn, sức thần thông khó biết hết, hoặc có thể phân thân thành trăm ngàn muôn ức, hoặc ứng hiện trong hai cõi trời người, có thể nâng cả thế giới trong lòng bàn tay mà chúng sinh trong đó không hề hay biết, giảng giải Chánh pháp bằng âm thanh thông thường mà hết thảy chúng sinh tùy loại khác nhau đều có thể nhận hiểu, giác ngộ. Suy theo đó thì thần lực của Phật không ai bằng, trí tuệ của ngài không thể diễn đạt bằng ngôn từ. Nay hình tích thiêng liêng đã ẩn khuất nhưng lời dạy của ngài vẫn còn truyền lại. [Chúng ta nay được] thấm nhuần giáo pháp, nếm vị đạo mầu, càng ngưỡng mộ sự giáo hóa của ngài. Nay có được sự hiển linh này đều là nhờ phúc đức sâu dày. Hỡi bá quan văn võ và thần dân trăm họ, hãy cùng nhau gắng sức tu tập. Phải hết lòng tôn sùng cung kính, Phật pháp thâm sâu mầu nhiệm, nay chúng ta đều đã được thấy rõ.”
Phía đông nam kinh thành, cách khoảng 1.5-2 km có chùa Ma-xạ, do một vị vương phi trước đây của nước này xây dựng.
Thuở xưa, nước này chưa biết trồng dâu nuôi tằm, nghe nói ở Đông quốc biết nghề ấy, liền sai sứ sang xin học. Vua Đông quốc giữ bí mật không cho biết, còn ra lệnh canh phòng nghiêm ngặt không để cho giống cây dâu và con tằm lọt ra khỏi nước. Vua Cù-tát-đán-na [đành tính kế] hạ mình cầu hôn với vua Đông quốc. Vua nước ấy đang có ý muốn mở rộng uy thế đến các nước xa nên chấp nhận [gả con gái]. Vua Cù-tát-đán-na lúc sai sứ đi đón dâu liền dặn dò rằng: “Nhà ngươi phải nói với vương nữ rằng, nước ta không có cây dâu và con tằm, xin tìm cách mang theo để sau này có thể may y phục cho cô ấy.”
Vương nữ nghe lời, liền bí mật tìm các giống ấy rồi giấu vào chỗ trống bên trong mũ đội trên đầu. Khi đến biên giới, mọi người đều bị lục soát, nhưng mũ trên đầu vương nữ thì không ai dám động đến. Sau khi vào nước Cù-tát-đán-na rồi, đến chỗ đất bây giờ là chùa Ma-xạ, sắp xếp lễ nghi chuẩn bị rước vương nữ vào cung, liền để các giống dâu và tằm ở lại nơi đó. Vào ngày đầu xuân mới bắt đầu trồng dâu xuống. Tháng ba thì hái lá dâu nuôi tằm. Ban đầu còn phải dùng thêm các loại lá tạp để cho tằm ăn, dần dần cây dâu đủ lớn để nuôi tằm. Vương phi cho khắc quy chế lên bia đá, cấm không được giết hại tằm, phải đợi khi bướm nở ra đã bay đi hết mới được dùng kén ấy để lấy tơ. Nếu ai vi phạm quy chế này sẽ không được thần linh giúp đỡ. Sau đó lại nhân lứa tằm đầu tiên mà xây dựng ngôi chùa [Ma-xạ] này. Nơi đây hiện có một số gốc dâu đã khô, nghe nói chính là những cây giống ban đầu. Cho nên ở nước này không ai giết hại tằm. Nếu có ai lén lút giết hại thì năm sau nhất định không nuôi được tằm.
Từ kinh thành đi về hướng đông nam khoảng 32 km có một sông lớn, chảy về hướng tây bắc, người dân dùng nước sông này để tưới ruộng.
Có một thời, nước sông tự nhiên ngừng chảy. Nhà vua hết sức kinh sợ, liền xa giá tìm đến thưa hỏi một vị A-la-hán: “Nước sông lớn này là nguồn để dân sử dụng, nay bỗng dưng không chảy nữa, chẳng biết do lỗi nơi đâu? Phải chăng do việc cai trị của trẫm không được công bằng? Hay do đức độ của trẫm không đủ phủ khắp? Nếu không phải vậy, sao có thể bị khiển trách nặng nề thế này?”
Vị A-la-hán nói: “Đại vương trị nước chân chánh hòa hợp, không có lỗi gì. Nước sông không chảy là do rồng gây ra, nên cầu khấn với rồng thì nước sông có thể chảy lại như trước.”
Đức vua liền quay về, thiết lễ cúng tế rồng ở sông, bỗng nhiên thấy có một người con gái đạp sóng trên sông đi đến nói rằng: “Chồng tôi chết sớm, lệnh vua không có người nghe theo, do vậy nên nước sông không chảy nữa, khiến người nông dân bất lợi. Nếu đại vương tìm một người trong nước cho làm chồng tôi thì nước sông sẽ chảy lại như xưa.”
Vua nói: “Ta đồng ý như vậy, tùy ngươi lựa chọn.”
Cuối cùng rồng chọn lấy vị đại thần của vua. Vua về cung nhóm họp quần thần thảo luận rằng: “Đại thần là trụ cột chống giữ đất nước, nông nghiệp là lương thực, sinh mạng của người dân. Đất nước mất đi trụ cột ắt phải nguy khốn, người dân mất đi lương thực ắt sẽ chết đói. Giữa sự an nguy của đất nước và sống chết của người dân, chúng ta nên chọn bên nào?”
Vị đại thần liền bước ra, quỳ xuống tâu rằng: “Hạ thần lâu nay tài đức kém cỏi, lạm nhận trách nhiệm nặng nề, thường nghĩ việc báo ơn đất nước nhưng chưa có cơ hội. Nay theo sự chọn lựa của rồng, đâu dám so với trách nhiệm nặng nề [phục vụ đất nước]. Nhưng việc có lợi cho muôn dân thì tiếc chi một thân này? Hạ thần chỉ là người giúp nước, còn dân mới là gốc của nước, xin đại vương đừng suy nghĩ nữa. Chỉ xin đại vương vì hạ thần mà làm việc cầu phúc, cho xây dựng một ngôi chùa.”
Vua chấp nhận lời thỉnh cầu, không bao lâu thì hoàn tất. Đại thần lại xin được sớm vào Long cung. Liền đó, quan dân trong cả nước cùng nhau trỗi âm nhạc, bày tiệc ăn uống đưa tiễn. Vị đại thần mặc y phục trắng, cưỡi ngựa trắng, từ biệt đức vua, từ biệt dân trong nước, rồi giục ngựa xuống sông, đi trên mặt nước mà không thấy chìm, đến khoảng giữa dòng thì vung roi rẽ nước, nước rẽ sang hai bên, từ đó mất dấu. Không bao lâu liền thấy con ngựa trắng nổi lên, trên lưng chở một cái trống lớn bằng gỗ chiên-đàn cùng một phong thư. Trong thư đại ý viết rằng: “Đại vương thật chu đáo, không thay đổi người được tuyển chọn. Xin nguyện [đại vương] được nhiều phúc lớn, lợi ích đất nước, thêm nhiều bề tôi. Hãy đem cái trống lớn này treo ở phía đông nam thành, nếu có quân giặc đến, trống sẽ tự kêu lên [trước để cảnh báo].”
Sau đó nước sông lại chảy, cho đến nay dân vẫn còn được hưởng lợi ích sử dụng. Năm tháng trôi qua, trống của rồng đã mất từ lâu, nhưng nơi treo cái trống ngày xưa, hiện giờ vẫn có treo một cái trống. Ngôi chùa nằm cạnh bờ hồ giờ đây hoang vắng đổ nát, không có tăng chúng.
Từ kinh thành đi về hướng đông khoảng 98 km, trong đầm hoang rất lớn có một vùng đất rộng mấy chục khoảnh, hoàn toàn không có cây cỏ, đất có màu đen hơi pha đỏ.
Các bậc kỳ lão kể rằng, đây là nơi ngày trước quân lính đánh nhau bị thua. Thuở xưa, quân đội Đông quốc hàng trăm vạn đánh sang phía tây. Lúc ấy, vua Cù-tát-đán-na cũng chỉnh trang binh mã mấy mươi vạn, kéo sang hướng đông để chống lại quân địch mạnh. Khi đến chỗ đất này thì quân hai bên gặp nhau, cùng giao chiến. Quân Cù-tát-đán-na thua trận, quân Đông quốc thừa thắng giết vua, chém tướng, tàn sát quân sĩ không còn một ai, máu loang nhuộm đỏ cả vùng đất này, dấu tích đến nay còn thấy.
Từ nơi đây đi về hướng đông khoảng 10 km đến thành Bễ-ma. Nơi đây có một tượng Phật đứng, khắc bằng gỗ chiên đàn, cao gần 7 mét, rất nhiều điều linh ứng, thỉnh thoảng lại tỏa chiếu hào quang. Những người có bệnh, tùy theo chỗ bị đau mà dùng lá vàng mỏng thiếp lên tượng [ở chỗ tương ứng] liền được khỏi bệnh. Những ai phát tâm khiêm cung thỉnh cầu, đa phần đều được toại nguyện.
Người dân ở đây kể rằng, tượng này do vua Ổ-đà-diễn-na của nước Kiêu-thưởng-di làm ra từ thời đức Phật còn tại thế. Sau khi Phật nhập diệt, tượng tự bay qua không trung đến phía bắc nước này, trong thành Hạt-lao-lạc-ca. Vào lúc tượng vừa đến thì dân trong thành đang sống yên vui giàu có, nhưng họ bám chấp sâu vào tà kiến nên không biết tôn kính tượng này. Tuy nhiên, họ vẫn kể cho nhau nghe việc tượng này tự bay đến, nên xem như một vị thần nhưng không quý trọng. Về sau, có một vị A-la-hán đến lễ bái tượng này. Người dân trong nước thấy y phục lạ lùng liền vội vã báo lên đức vua. Vua hạ lệnh lấy đất cát phủ lấp lên con người kỳ dị này.
Bấy giờ, vị A-la-hán bị chôn thân trong đất cát, miệng không có gì ăn. Lúc ấy có một người từ trước vẫn thường lễ bái tượng này, nhìn thấy vị A-la-hán không được ăn uống như vậy thì không chịu được, liền lén mang thức ăn đến cho ngài. Khi vị A-la-hán sắp rời đi liền nói với người này: “Bảy ngày nữa sẽ có một cơn mưa toàn đất cát, chôn lấp cả thành này không ai sống sót. Ông nên biết điều đó để sớm tính kế thoát ra. Tai họa này là do [người trong thành] đã dùng đất cát chôn phủ thân ta.” Ngài nói xong thì rời đi, hốt nhiên không còn nhìn thấy nữa.
Người kia vào thành vội báo với những người thân của mình, nhưng ai nghe cũng đều cười nhạo không tin. Đến ngày thứ hai bỗng có gió lớn nổi lên, thổi bay hết những thứ dơ nhớp trên mặt đất, rồi từ trên trời mưa xuống đủ các loại trân bảo quý giá, tràn ngập khắp đường phố. Mọi người đều mắng nhiếc quở trách người đưa tin [xấu kia], nhưng người ấy trong lòng biết chắc sự việc sẽ đến [như lời vị A-la-hán], nên âm thầm chuẩn bị đào một đường hầm thông ra bên ngoài thành. Đến sau lúc nửa đêm của ngày thứ bảy, trời mưa xuống toàn đất cát, lấp kín cả thành. Người kia theo đường hầm mà ra khỏi thành, rồi đi về hướng đông đến nước này, dừng lại ở thành Bễ-ma. Khi người ấy vừa đến thì tượng Phật này cũng tự hiện đến, liền thiết lễ cúng dường ngay tại đó, không dám dời tượng đi nơi khác.
Trong các ghi chép xưa kia nói rằng: “Khi giáo pháp của đức Thích-ca dứt mất, tượng này sẽ vào Long cung.”
Chỗ thành Hạt-lao-lạc-ca khi xưa, ngày nay là một gò đất lớn. Vua các nước cũng như những nhà có thế lực từ phương xa đến, nhiều người muốn khai quật để lấy trân bảo, nhưng mỗi khi vừa đến gần thì gió bão nổi lên, mây đen bốn phía, không còn nhìn thấy được đường đi.
Từ thành Bễ-ma đi về hướng đông vào sa mạc, khoảng 65 km thì đến thành Ni-nhưỡng, chu vi khoảng 1-1.5 km, nằm giữa một cái đầm lớn, bùn đất trong đầm nóng ẩm, khó có thể lội qua. Vùng này lau sậy hoang vu rậm rạp, không có lối đi, chỉ duy nhất một con đường vào thành là có thể tạm đi qua được, cho nên những người qua lại trong vùng đều phải đi qua thành này. Vì thế, nước Cù-tất-đán-na dùng thành này làm cửa ngõ biên phòng phía đông.
Từ đây đi về hướng đông là vào một vùng cát di động rất lớn. Cát ở đây chảy tràn như nước, tụ lại rồi tản ra tùy theo luồng gió, người đi qua rồi không còn dấu chân nên rất nhiều người lạc đường. Bốn phía mênh mông không thấy được bờ mé, nên người đi qua lại thường xếp hài cốt [những người đã chết trước đây] lại thành đống để ghi dấu [nơi mình vừa đi qua. Vùng này thiếu nước, hiếm cỏ, nhiều cơn gió nóng. Loại gió này nổi lên thì người và vật đều bị hôn mê, nhân đó thành bịnh [mê sảng], thỉnh thoảng nghe như có tiếng ca hát, hoặc nghe tiếng kêu khóc. Khi nghe như vậy rồi thì tinh thần hoảng hốt, mất cả phương hướng, do vậy mà rất nhiều người mất mạng. Chuyện này đều là do những loài quỷ mị gây ra.
Đi như vậy khoảng 130 km thì đến lãnh thổ cũ của Đổ-hóa-la. Vùng này bỏ hoang từ lâu, các thành đều hoang vu.
Từ đây đi về hướng đông khoảng 195 km thì đến nước cổ Chiết-ma-đà-na, tức là vùng Niết-mạt. Thành quách vẫn còn đó nhưng tuyệt nhiên không có bóng người.
Từ nơi đây tiếp tục đi về hướng đông bắc, khoảng 325 km thì đến nước Nạp-phược-ba, tức là đất cũ của người Lâu-lan.
***
LỜI KẾTPháp sư Huyền Trang[Sách này trình bày về các nước vùng Tây Vực,] nêu hình thể núi sông, khảo sát ghi chép ranh giới đất đai từng vùng, mô tả tánh khí cương nhu [của người dân] mỗi nước, cũng ghi nhận liên quan đến phong tục, khí hậu. Do sự việc biến động không ngừng nên những chi tiết lấy bỏ [khi biên soạn] không giống nhau. Hơn nữa, những việc [nêu ra] đều khó lòng khảo nghiệm đến cùng, nhưng cũng không thể tùy tiện theo chủ quan mà nói. [Huyền Trang] chỉ y cứ những nơi mình đi đến mà ghi chép đại lược, nêu ra những điều mắt thấy tai nghe, tường thuật về thực trạng hoằng hóa Phật pháp ở từng nơi.
Từ nơi đây cho đến chốn xa xôi mặt trời lặn xuống ở phương tây, [nơi nơi] đều thấm nhuần ân huệ [của Đại Đường], những vùng xa xôi được giáo hóa đến, cùng kính ngưỡng đức độ [hoàng đế], người trong thiên hạ cùng nhau hòa hợp, thống nhất chung một mái nhà. Nếu không phải là như vậy thì làm sao [Huyền Trang này] một thân đơn lẻ có thể làm sứ thần hoàn tất cuộc hành trình xa xôi muôn dặm?
***
***
Ngài Huyền Trang rời Trường An vào tháng 8 niên hiệu Trinh Quán năm thứ ba (629), về đến Trường An vào tháng Giêng, niên hiệu [Trinh Quán] năm thứ 19 (645), mang về Trung Hoa một số xá-lợi Phật, nhiều tượng Phật và kinh, luật, luận, cụ thể như sau: ● 150 hạt xá-lợi nhục thân Như Lai.
● Một tượng Phật bằng vàng, tính cả hào quang và tòa sen cao 54 cm.
● Một tượng Phật bằng vàng, tính cả hào quang và tòa sen cao 110 cm, mô phỏng tượng Phật trong hang rồng ở núi Tiền Chánh Giác nước Ma-yết-đà.
● Một tượng Phật bằng gỗ đàn hương, tính cả hào quang và tòa sen cao 50 cm, mô phỏng tượng Phật chuyển Pháp luân lần đầu tiên ở vườn Lộc Dã, nước Bà-la-ni-tư.
● Một tượng Phật bằng gỗ đàn hương, tính cả hào quang và tòa sen cao 97 cm, mô phỏng tượng do vua Xuất Ái nước Kiêu-thưởng-di vì nhớ nghĩ đức Như Lai mà tạo ra hình tượng như thật.
● Một tượng Phật bằng bạc, tính cả hào quang và tòa sen cao 134 cm, mô phỏng tượng đức Như Lai khi từ Thiên cung trở về đi trên thang báu ở nước Kiếp-tỷ-tha.
● Một tượng Phật bằng vàng, tính cả hào quang và tòa sen cao 117 cm, mô phỏng tượng đức Như Lai đang thuyết các kinh như Pháp Hoa... trên đỉnh Linh Thứu nước Ma-yết-đà.
● Một tượng Phật bằng gỗ đàn hương, tính cả hào quang và tòa sen cao 44 cm, mô phỏng ảnh tượng Phật lưu lại ở nước Na-yết-la-hạt sau khi hàng phục rồng dữ.
● Một tượng Phật mô phỏng tượng đức Như Lai khi đi hành hóa trong thành Phệ-xá-ly.
♦ 224 bộ kinh Đại thừa
♦ 192 bộ luận Đại thừa
♦ 14 bộ kinh, luật, luận của Thượng tọa bộ
♦ 15 bộ kinh, luật, luận của Đại chúng bộ
♦ 15 bộ kinh, luật, luận của Tam-di-để bộ
♦ 22 bộ kinh, luật, luận của Di-sa-tắc bộ
♦ 17 bộ kinh, luật, luận của Ca-diệp-tý-da bộ
♦ 42 bộ kinh, luật, luận của Pháp Mật bộ
♦ 67 bộ kinh, luật, luận của Thuyết nhất thiết hữu bộ
♦ 36 bộ Nhân luận
♦ 13 bộ Thanh luận
Tất cả [Kinh điển] đựng trong 520 hộp, tổng cộng là 657 bộ [kinh, luật, luận]. Tổng thời gian đi về là 15 năm, 5 tháng.***
Hình minh họa: Đồ họa thể hiện hành trình qua 22 nước trong Quyển 12 - Tây Vực Ký
Hình minh họa: Đồ họa thể hiện hành trình qua tất cả các nước trong Tây Vực Ký
Hình minh họa: Đồ họa thể hiện tổng quan hành trình của ngài Huyền Trang