Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Đường Tây Vực Kí [大唐西域記] »» Bản Việt dịch quyển số 7 »»

Đại Đường Tây Vực Kí [大唐西域記] »» Bản Việt dịch quyển số 7

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.56 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.62 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Tây Vực Ký

Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net
để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Kinh này có 12 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 |
Việt dịch: Thích Như Điển và Nguyễn Minh Tiến

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

QUYỂN 7 - (5 nước)

● Nước Bà-la-ni-tư ● Nước Chiến-chủ ● Nước Phệ-xá-ly ● Nước Phất-lật-thị ● Nước Ni-ba-la


1. Nước Bà-la-ni-tư

Nước Bà-la-ni-tư chu vi khoảng 1.300 km. Kinh thành chiều rộng khoảng 1.5-2 km, chiều dài khoảng 5.7-6 km, phía tây giáp với sông Căng-già. Nhà cửa san sát chen nhau như răng lược, dân cư đông đúc phồn thịnh, gia sản cực kỳ giàu có, tích chứa rất nhiều đồ quý hiếm.

Người dân tánh tình ôn hòa, khiêm cung, xem trọng nỗ lực học tập nhưng phần nhiều tin theo ngoại đạo, ít người tôn kính Phật pháp. Khí hậu ôn hòa, đồng lúa tốt tươi, cây trái xanh tốt, cỏ cây phủ xanh khắp chốn.

Trong nước có hơn hơn 30 ngôi chùa, tăng chúng hơn 3.000 vị, đều tu học theo giáo pháp của phái Chính luợng thuộc Tiểu thừa. Có hơn 100 đền thờ Phạm thiên, ngoại đạo hơn 10.000 người, đa phần đều thờ phụng Đại Tự Tại Thiên, hoặc cắt tóc, hoặc bới tóc thành búi, lõa hình không y phục, bôi trét tro than lên người, tinh tấn chuyên cần tu khổ hạnh, [tin rằng làm vậy có thể] cầu thoát sinh tử.

Trong kinh thành có 20 đền thờ Phạm thiên, kiến trúc nhiều tầng mái, dùng đá hoặc gỗ, đều có điêu khắc chạm trổ, có cây cao che bóng mát, suối nước vây quanh. Tượng Tự Tại Thiên đúc bằng hợp kim đồng, cao hơn 30 mét, oai vệ nghiêm trang, uy nghi sống động.

Phía đông bắc kinh thành, trên bờ tây sông Bà-la-ni có một ngọn tháp do vua Vô Ưu xây dựng, cao hơn 33 mét, phía trước có dựng một trụ đá xanh sáng bóng như gương, lấp lánh sinh động, bên trong thường hiện lên hình ảnh đức Như Lai.

Từ bờ sông Bà-la-ni đi về hướng đông bắc hơn 3.2 km thì đến chùa Lộc Dã. Khuôn viên chùa chia ra tám phần, bao quanh bởi cùng một bức tường. Chùa được xây dựng với mái cong nhiều tầng, phòng ốc tráng lệ nghiêm trang. Tăng sĩ có 1.500 vị, đều tu tập theo giáo pháp phái Chính luợng thuộc Tiểu thừa.

Trong khuôn viên tường lớn có một tinh xá cao gần 70 mét, phía trên tạo hình một trái am-một-la thếp vàng. Nền móng và các bậc thềm đều bằng đá, trên xây các bệ thờ bằng gạch nung, bốn phía là những bậc thềm, có đến hàng trăm bậc. Trên mỗi bệ thờ đều có tượng Phật thếp vàng. Ở giữa tinh xá có tượng Phật đúc bằng hợp kim đồng, kích thước như thân Phật thật, thể hiện đức Như Lai trong tư thế chuyển Pháp luân.

Phía tây nam tinh xá có một ngọn tháp đá do vua Vô Ưu xây dựng, nền móng tuy đã nghiêng lún nhưng vẫn còn cao hơn 33 mét. Phía trước có dựng một trụ đá cao khoảng 25 mét, sáng loáng như ngọc, có thể soi bóng phản chiếu bên trong. Người thành tâm cầu nguyện đôi khi nhìn vào có thể thấy các hình tượng thể hiện việc lành dữ tốt xấu [sắp đến]. Đây là nơi đức Như Lai sau khi thành Chánh giác đã Chuyển Pháp luân lần đầu tiên.

Cách đó không xa có một ngọn tháp. [Ngày xưa,] khi nhóm các ông A-nhã Kiều-trần-như thấy Bồ Tát từ bỏ lối tu khổ hạnh liền không đi theo nữa, cùng nhau đến chỗ này tự tu thiền định.

Bên cạnh tháp này có một ngọn tháp nữa, là nơi năm trăm vị Phật Độc giác cùng nhập Niết-bàn. Lại có ba ngọn tháp là nơi di tích của ba vị Phật trong quá khứ đã kinh hành và tọa thiền.

Kế bên ba ngọn tháp này, có một ngọn tháp khác, là nơi Bồ Tát Mai-đát-lệ-da được thọ ký sẽ thành Phật.

Ngày xưa, khi đức Như Lai ở tại thành Vương Xá, trên núi Linh Thứu, có bảo các tỳ-kheo rằng: “Trong đời vị lai, ở châu Thiệm-bộ này, [khi ấy] đất đai bằng phẳng, tuổi thọ trung bình của con người đến 80.000 tuổi, sẽ có người con nhà bà-la-môn họ Từ (Từ thị), thân có màu vàng ròng, tỏa ánh sáng quang minh chiếu sáng, bỏ gia đình đi tu và thành Chánh Giác, vì chúng sanh thuyết pháp trong ba hội. Những người được cứu độ là những chúng sinh đã trồng căn lành phước đức trong giáo pháp để lại của ta. Đối với hết thảy những người hết lòng tin sâu Tam bảo, kẻ tại gia hay người xuất gia, người giữ giới hay kẻ phạm giới, tất cả đều được nhờ ơn hóa độ, chứng quả giải thoát.

Trong ba hội thuyết pháp, sẽ hóa độ những người tu tập trong giáo pháp của ta, rồi sau đó mới hóa độ những bạn lành có duyên với họ.”

Khi ấy, Bồ Tát Từ Thị nghe Phật nói như vậy liền từ chỗ ngồi đứng dậy bạch Phật: “Con nguyện sẽ làm vị Thế Tôn họ Từ kia.”

Đức Như Lai dạy rằng: “Như lời ông nói đó, ông sẽ chứng được quả vị như vậy. Những lời ta vừa nói đó đều là nói về sự giáo hóa của ông.”

Phía tây ngọn tháp nơi đức Từ Thị được thọ ký, có một ngọn tháp nữa, là nơi đức Bồ Tát Thích-ca được thọ ký.

Trong hiền kiếp này, khi tuổi thọ con người là 20.000 tuổi, có đức Phật Ca-diệp-ba ra đời, chuyển bánh xe pháp nhiệm mầu, chỉ bày giáo hóa hết thảy chúng sinh, thọ ký cho Bồ Tát Hộ Minh rằng: “Bồ Tát này trong tương lai khi tuổi thọ con người là 100 tuổi sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni.”

Từ tháp thọ ký của đức Thích-ca, không xa về phía nam là bệ di tích nơi kinh hành của bốn vị Phật quá khứ, dài hơn 80 mét, cao khoảng 2.5 mét, dùng đá xanh xếp thành, bên trên dựng tượng đức Như Lai đi kinh hành, hết sức uy nghiêm đẹp đẽ khác thường, trên đỉnh nhục kế đặc biệt có tóc mọc ra. Nhìn hình tượng thể hiện rõ vẻ linh thiêng huyền diệu.

Bên trong phạm vi bức tường bao quanh có rất nhiều thánh tích, tinh xá và tháp thờ có hơn trăm chỗ, chỉ lược kể sơ sài, rất khó nói hết được.

Ngôi chùa ở về phía tây trong khu vực này có một hồ nước trong, chu vi khoảng 350 mét, là nơi đức Như Lai thường tắm gội. Tiếp theo về phía tây lại có một hồ lớn, chu vi khoảng 300 mét, là nơi đức Như Lai thường rửa bát. Kế đến, về phía bắc cũng có hồ, chu vi khoảng hơn 80 mét, là nơi đức Như Lai thường giặt y. Cả ba hồ nầy đều có rồng cư ngụ, nước hồ đã sâu mà vị lại ngon ngọt, trong trẻo sạch sẽ, mực nước thường không lên xuống. Những ai có tâm kiêu ngạo khinh mạn đến giặt rửa ở những hồ này, đa phần đều bị thủy quái kim-tỳ-la làm hại. Nếu có lòng tin cung kính thì dùng nước ở đây không có gì phải sợ.

Nơi hồ giặt y của Như Lai, trên bờ hồ có một tảng đá vuông rất lớn, vẫn còn dấu tích cà-sa của Như Lai in trên đá rất rõ rệt, sắc sảo như được chạm khắc vào. Những người có lòng tin thường đến đây cúng dường. Khi có ngoại đạo hung ác đạp lên đá này, long vương trong hồ liền nổi mưa to gió lớn.

Cách bờ hồ không xa có một ngọn tháp, là nơi đức Như Lai thuở còn tu hạnh Bồ Tát, sinh làm con tượng vương sáu ngà. Có người thợ săn muốn được ngà voi nên giả vờ mặc áo cà-sa. Tượng vương vì cung kính áo cà-sa nên tự bẻ ngà trao cho thợ săn.

Cách chỗ tượng vương bẻ ngà không xa có một ngọn tháp, là nơi Như Lai khi còn tu hạnh Bồ Tát, vì thương xót đời loạn không lễ nghi nên thị hiện làm thân chim.

[Thuở ấy,] Bồ Tát chim cùng với con khỉ và con voi trắng [khi đang ở dưới cây ni-câu-luật] cùng hỏi nhau rằng: “Ai là người nhìn thấy cây ni-câu-luật này trước?” Mỗi con vật đều kể ra câu chuyện của mình, nhân đó phân biệt ngôi thứ lớn nhỏ. Việc này truyền ra có ảnh hưởng giáo hóa khắp xa gần, khiến con người biết phân biệt người trên kẻ dưới, kẻ đạo người tục thảy đều noi theo.

Cách đó không xa, trong khu rừng lớn có một ngọn tháp, là nơi Như Lai thuở xưa [tu hạnh Bồ Tát] cùng với Đề-đà-đạt-đa đều là nai chúa phân xử [việc của nai].

Thuở ấy trong khu rừng này có hai đàn nai, mỗi đàn đều hơn năm trăm con. Lúc bấy giờ, vua nước này thường đi săn bắn. Bồ Tát nai chúa đến trước vua thưa rằng: “Đại vương đi săn rầm rộ như thế, đốt lửa bắn tên, bao nhiêu đồng loại của tôi trong một sớm đều phải chết, nhưng qua hôm sau thịt sẽ thối rửa, không dùng được cho bữa ăn của đại vương. Nay xin được thay đổi, mỗi ngày chúng tôi sẽ nộp cho đại vương một con. Như vậy đại vương luôn có thịt tươi để dùng, còn loài nai chúng tôi cũng được kéo dài thêm mạng sống.”

Vua cho là ý hay, liền [chấp thuận] rồi quay về [không đi săn nữa]. Từ đó hai đàn nai theo thứ tự tuần tự nộp mạng. Trong đàn nai của Đề-bà có một con đang mang thai, sắp đến phiên nộp mạng, liền thưa với nai chúa rằng: “Thân tôi đành chịu chết, nhưng con tôi chưa đến lượt.”

Nai chúa giận dữ nói: “Ai không quý mạng sống? [Ngươi không chết thì ai chết thay?]”

Nai mẹ than rằng: “Chúa ta không có lòng nhân, nay [con] ta chắc phải chết rồi.” Liền gấp rút báo lên Bồ Tát nai chúa. Bồ Tát nói: “Thảm thương thay cho lòng mẹ, thương con từ lúc chưa thành hình. Nay ta sẽ chết thay cho ngươi.”

Liền đi đến trước cửa cung vua. Những người đi đường đều bảo nhau rằng: “Nai chúa hôm nay vào thành.” Nghe như vậy, từ quan chí dân đều tranh nhau đi xem. Nhà vua nghe được tin ấy, bán tín bán nghi, đến khi người giữ cửa vào báo vua mới tin là thật. Liền hỏi nai chúa: “Ngươi là nai chúa, sao phải đến [nộp mạng] gấp thế?”

Nai chúa đáp rằng: “Có một con nai cái đến phiên nộp mạng, mang thai chưa sinh con ra, lòng thương con không nỡ chết. Tôi cảm động việc ấy nên đến đây chết thay.”

Vua nghe như vậy than rằng: “[Than ôi!] Ta đây chỉ là nai mang thân người, ngươi mới thật là người mang thân nai.”

Liền đó vua tha cho cả bầy nai, không phải nộp mạng nữa, lại dành khu rừng kia làm chỗ cư trú cho đàn nai, mọi người liền gọi là rừng Thí Lộc [bố thí cho nai], cũng từ đó có tên Lộc Dã.

Về hướng tây nam của ngôi chùa [vừa nói trên], cách khoảng chưa đến 1 km, có một ngọn tháp cao hơn 100 mét, nền móng rộng lớn vững chắc vươn cao, trang sức bằng nhiều trân bảo quý giá, phía trên không có các bệ thờ mà kiến trúc hình bình bát úp xuống. Tuy có xây trụ nhô lên nhưng không có luân tướng và chuông lắc [như các tháp khác].

Bên cạnh tháp này có một ngọn tháp nhỏ, là nơi mà năm người trong nhóm ông A-nhã Kiều-trần-như từ bỏ ước định, đứng dậy nghinh tiếp Phật.

Trước đây, khi thái tử Tát-bà-át-lạt-tha-tất-đà vuợt thành ra đi rồi, ẩn mình nơi núi sâu rừng thẳm, quên thân cầu Pháp, vua Tịnh Phạn liền ra lệnh cho ba người trong dòng tộc [Thích-ca] và hai người bên họ ngoại [của thái tử] rằng: “Con ta là Nhất Thiết Nghĩa Thành đã xuất gia tu học, đơn thân vượt núi qua khe, cô độc sống giữa rừng sâu, nay ta lệnh cho các ông đi theo tìm hiểu xem con ta đang ở nơi nào. Về tình thân trong gia tộc thì các ông là chú, bác, cậu... còn về quan hệ bên ngoài thì là đạo quân thần, vua tôi, cho nên hãy tùy theo hoàn cảnh mà quyết định thích hợp [để hỗ trợ thái tử].

Cả năm người vâng lệnh ra đi, tìm theo để giúp đỡ và bảo vệ thái tử, nhân đó họ cũng chuyên cần tu tập mong được thoát ly [sinh tử], nên thường đặt câu hỏi với nhau rằng: “Đối với người tu học thì khổ hạnh sẽ chứng đắc hay vui thú sẽ chứng đắc?”

Có hai người nói: “Vui thú là cách tu đạo.”

Ba người còn lại nói: “Khổ hạnh mới là cách tu đạo.”

Hai người với ba người cùng nhau tranh luận, vẫn còn chưa sáng tỏ. Khi ấy, thái tử suy nghĩ đến cùng chân lý, muốn hàng phục những người ngoại đạo tu khổ hạnh nên ngài tiết chế chỉ ăn một ít mè và gạo vừa đủ sống mà thôi,

Hai người [theo cách tu chấp nhận lạc thú] thấy vậy bảo rằng: “Thái tử làm như vậy không đúng pháp chân thật. Người tu hành phải vui thú mới chứng đạo. Nay thái tử chuyên cần khổ hạnh thì không cùng chí hướng với chúng ta.”

Hai người liền từ bỏ thái tử, rời đi nơi xa để tự mình tư duy về việc chứng quả.

Thái tử qua sáu năm khổ hạnh mà chưa thành đạo Bồ-đề, muốn chứng tỏ [cho mọi người biết] rằng việc tu khổ hạnh là không đúng, nên liền thọ nhận món cháo sữa rồi chứng quả.

Ba người [chủ trương cách tu khổ hạnh] thấy vậy than rằng: “Việc [tu hành] sắp thành tựu mà nay thái tử đã thối chí rồi! Sáu năm khổ hạnh, chỉ một ngày mất hết công phu.”

Họ liền cùng nhau đi tìm hai người trước kia. Khi đã gặp nhau, họ bàn luận với nhau rằng: “Trước đây chúng ta thấy thái tử Nhất Thiết Nghĩa Thành ra khỏi hoàng cung, đến ở nơi hang sâu hoang vắng, vất bỏ y phục quý giá, mặc áo da nai, tinh tấn chuyên cần quyết chí, kiên trì khổ nhọc cầu pháp nhiệm mầu sâu xa, nhất định chứng quả Vô thượng. Nay ông ấy lại nhận bát cháo sữa của cô gái chăn bò, vậy là đường tu đã hỏng, ý chí suy đồi. Chúng ta biết vậy nhưng cũng chẳng thể làm được gì.”

Hai người [theo cách tu hưởng lạc] nói rằng: “Các ông phải đến bây giờ mới biết sao? Người ấy chỉ là kẻ ngông cuồng thôi. Lúc sống trong cung cấm, được an ổn, cung kính tôn trọng thì không thể tĩnh tâm rèn chí, lại lánh thân ra nơi rừng xa núi vắng, bỏ ngôi Chuyển luân vương để sống như một kẻ hạ tiện, còn nghĩ đến ông ta làm gì? Nói đến chỉ thêm buồn lòng mà thôi.”

[Khi ấy,] Bồ Tát xuống tắm dưới sông Ni-liên, [rồi đến] ngồi dưới gốc cây Bồ-đề, thành tựu quả vị Đẳng Chánh Giác, thành bậc thầy hai cõi trời người, ngồi lặng yên trong tịch mặc quán chiếu, xem ai là người thích hợp để hóa độ. [Thoạt tiên, Bồ Tát] nghĩ rằng: “Ông Uất-đầu-lam đã chứng được phép định Phi tưởng, hẳn có khả năng tiếp nhận giáo pháp nhiệm mầu này.”

Chư thiên giữa không trung liền lên tiếng báo rằng: “Ông Uất-đầu-lam qua đời đã bảy ngày rồi.”

Đức Như Lai than rằng: “Làm sao còn gặp lại ông ấy! Biết ai là người sẽ được nghe diệu pháp? Vô thường nhanh đến thế sao!”

Ngài lại quán sát khắp thế giới lần nữa, nghĩ đến ông A-lam-ca-lam đã chứng phép định Vô sở hữu xứ, có thể tiếp nhận được giáo lý. Chư thiên lại báo rằng ông ấy qua đời đã năm ngày rồi.

Như Lai lại than: “Thương thay cho ông, thật là bạc phước.”

Đức Như Lai lại quán sát lần nữa xem ai có thể thọ nhận giáo pháp, [liền thấy] chỉ có năm người đang ở trong rừng Thí Lộc có thể giáo hóa trước nhất.

Bấy giờ, đức Như Lai liền từ gốc Bồ-đề đứng dậy, đi đến vườn Lộc Dã, dáng vẻ uy nghi tịch tĩnh, hào quang rực rỡ, mày dài như ngọc, thân sắc vàng ròng, an nhiên tiến bước đến chỗ năm người kia. Khi năm người này từ xa nhìn thấy đức Như Lai liền bảo nhau rằng: “Người đang đi đến kia là Nhất Thiết Nghĩa Thành. Năm tháng qua nhanh mà quả thánh chưa chứng được, tâm đã thối thất nên muốn tìm lại chúng ta. Chúng ta nên phớt lờ, đừng đứng lên chào hỏi theo lễ.”

Khi Như Lai tiến đến gần thì uy thần của ngài lay động tất cả, năm người này không kiềm chế được, tự nhiên cùng đứng lên lễ bái nghinh tiếp, thăm hỏi đức Như Lai, rồi đứng hầu quanh theo đúng nghi lễ.

Đức Như Lai dần dần dẫn dụ, chỉ bày chân lý nhiệm mầu. Khi qua mùa an cư thì được chứng quả.

Từ rừng Thí Lộc (vườn Nai) đi về hướng đông khoảng chưa đến 1 km thì đến một ngọn tháp, bên cạnh có cái hồ đã khô nước, chu vi khoảng 150 mét, có tên là hồ Cứu Mạng, cũng gọi là hồ Liệt Sĩ.

Xem trong các ghi chép xưa thấy nói rằng: Cách đây mấy trăm năm có một vị ẩn sĩ, đến bên bờ hồ này dựng lều tranh để ẩn cư. Ông học được rất nhiều tài nghệ, nghiên cứu đến cùng cực lẽ thần kỳ, có thể biến ngói sỏi thành trân bảo, biến hình thành người hay thú vật đều được, chỉ là chưa có khả năng cưỡi mây đạp gió, hầu theo xe tiên.

Từ đó ông tìm xem các đồ hình, khảo cứu cổ thư, quyết tìm cho được cách tu tiên. [Cuối cùng, ông tìm được một] phương pháp dạy rằng: “ Phép làm thần tiên cũng chính là thuật trường sinh bất tử. Muốn cầu học được phép này, trước hết phải lập chí kiên định, sau đó đắp đất xây dựng đàn tràng, chu vi khoảng 3.5 mét, lệnh cho một người dũng sĩ đáng tin cậy và dũng cảm, hình dung tướng mạo thật sáng sủa thanh lịch, tay cầm thanh trường đao đứng trụ nơi một góc đàn tràng, chú tâm vào hơi thở, tuyệt đối không được mở miệng nói, từ hoàng hôn cho đến sáng hôm sau. Người cầu thành tiên ngồi ở giữa đàn, tay cầm một thanh trường đao, miệng niệm thần chú, mắt không nhìn, tai không nghe, đến khoảng gần sáng thì thành tiên. Khi ấy thanh đao trong tay biến thành bảo kiếm, tự mình bay đi được trên hư không, cai quản các vị thần tiên, cầm bảo kiếm chỉ huy, muốn gì được nấy, không suy, không già, không bịnh, không chết.”

Vị ẩn sĩ học được phép tu tiên như thế rồi, đi khắp đó đây để tìm kiếm người dũng sĩ [để thực hiện], trải qua suốt một năm vẫn chưa tìm được người nào như ý muốn.

Sau đó, lúc đang ở trong thành ông nhìn thấy một người vừa đi vừa khóc thảm thiết trên đường. Vị ẩn sĩ vừa nhìn thấy hình tướng người kia thì hết sức vui mừng, liền hỏi thăm an ủi: “Có việc gì mà ông bi thương đến thế?”

Người kia đáp: “Tôi vì nghèo khổ phải làm thuê tự kiếm sống. Có ông chủ thấy biết được nên hết sức tin dùng, hứa với tôi khi làm được 5 năm sẽ trả công và trọng thưởng. Vì thế nên tôi chuyên cần nhẫn chịu khổ nhọc, quên đi mọi gian nan cay đắng. Nay kỳ hạn 5 năm gần đủ, tôi chỉ một lần phạm lỗi nhỏ mà đã bị đánh đòn, lại không được trả công gì cả. Vì thế nên lòng tôi buồn đau, nhưng nào có ai hiểu được nỗi khổ này?”

Vị ẩn sĩ liền bảo người ấy cùng đi với mình về am tranh, dùng phép thuật hóa ra đủ các món ăn ngon thịnh soạn, lại bảo người ấy xuống hồ tắm rửa rồi tặng cho quần áo mới. Sau đó, ông đưa cho người ấy 500 đồng tiền vàng, dặn rằng: “Khi nào dùng hết cứ đến đây lấy nữa, đừng xem ta là người ngoài.”

Từ đó về sau ngày càng tăng thêm số tiền giúp đỡ, ngấm ngầm mua lòng để cho người kia phải cảm kích. Người ấy nhiều lần xin được sai bảo để báo đáp ân đức. Vị ẩn sĩ liền nói: “Ta đi tìm người dũng sĩ gan dạ mạnh mẽ, trải qua một năm mới may mắn gặp được ngươi, hình dung tướng mạo ứng hợp với đồ hình [ta nghiên cứu]. Nay chẳng nhờ ngươi chuyện gì khác, chỉ cần một đêm giữ im lặng không nói mà thôi.”

Người dũng sĩ nói: “Ví như ngài bảo chết, tôi cũng không từ chối, huống hồ chỉ là một đêm im lặng không nói.”

Vị ẩn sĩ liền thiết lập đàn tràng, thực hiện phép tu tiên, y theo phương pháp đã học mà làm, chuẩn bị xong thì ngồi chờ cho đến khi mặt trời lặn.

Sau khi mặt trời lặn, cả hai người ai vào việc nấy, vị ẩn sĩ ngồi niệm thần chú, người dũng sĩ cầm đao án ngữ [nơi góc đàn], mãi đến lúc gần sáng thì bỗng nhiên kêu lên một tiếng. Ngay lúc ấy, lập tức trên không trung có lửa bốc cháy rồi hạ dần xuống, khói lửa mù mịt khắp nơi. Vị ẩn sĩ vội vàng dẫn người kia nhảy xuống hồ tránh nạn lửa.

Khi mọi việc đã qua, liền hỏi người ấy: “Ta đã dặn ông im lặng không được nói gì, vì sao có tiếng kêu kinh hãi thế?”

Người dũng sĩ đáp: “Sau khi tôi vâng lời ngài [đứng đó], đến quá nửa đêm thì bỗng thấy mê man, mơ màng như trong mộng, bắt đầu thấy chung quanh thay đổi. Trước tiên tôi nhìn thấy ông chủ trước đây đến an ủi, xin lỗi tôi. Vì cảm tạ ân đức sâu nặng của ngài, tôi nín lặng không đáp lời, ông ta liền nổi giận giết chết tôi. Khi tôi thọ thân trung ấm, nhìn lại xác chết của mình mà than tiếc [chưa báo được ơn ngài], nên nguyện qua đời sau sẽ im lặng không nói, để báo đền ân đức của ngài. Liền đó tôi thấy mình thác sinh về vùng Nam Ấn, trong gia đình của một vị đại bà-la-môn, trải qua các giai đoạn từ lúc thụ thai, sinh ra, gặp nhiều khổ nạn, vẫn luôn nhớ nghĩ đến ân đức của ngài nên thường im lặng không nói. Đến khi tôi lớn lên, học hành, chịu lễ đội mũ, rồi cưới vợ, cho đến khi chịu tang cha mẹ, rồi sinh con, lúc nào tôi cũng nhớ nghĩ công ơn của ngài, nên im lặng không nói, họ hàng thân thích đều cho là chuyện quái dị. Đến khi tôi đã 65 tuổi, vợ tôi nói rằng: “Ông hãy nói đi. Nếu ông không nói, tôi sẽ giết con ông.” Lúc đó tôi suy nghĩ, đã cách qua một đời rồi, tự thấy mình đã già suy, chỉ duy nhất có một đứa con này thôi, liền hét lên bảo vợ dừng lại, không được giết con. Do vậy mà có tiếng kêu đó.”

Vị ẩn sĩ nói: “Đây là lỗi của ta. Ông đã bị ma quấy nhiễu.”

Người dũng sĩ cảm ơn [giúp đỡ], buồn vì sự việc không thành, ôm lòng uất ức mà chết.

[Hồ này cứu hai người] khỏi nạn lửa cháy, nên gọi là hồ Cứu Mạng. Người dũng sĩ vì chịu ơn [không báo đáp được] mà chết nên gọi là hồ Liệt Sĩ.

Phía tây hồ Liệt Sĩ có ngọn tháp ba con thú, là nơi đức Như Lai thuở còn tu hạnh Bồ Tát đã thiêu thân mình.

Vào thời kiếp sơ, trong rừng này có một con cáo, một con thỏ và một con khỉ, tuy khác loài nhưng vui sống hòa hợp. Lúc bấy giờ, Thiên Đế Thích muốn thử lòng người tu hạnh Bồ Tát, xuống trần hoá hiện thành một cụ già, đến nói với ba con thú đó rằng: “Các ngươi có được yên ổn không? Có chuyện gì phải lo lắng kinh sợ không?”

[Ba con thú] đáp rằng: “Chúng tôi cùng lội trong cỏ tốt, chơi đùa trong rừng sâu, tuy khác loài nhưng cùng vui, rất an lạc.”

Cụ già nói: “Ta nghe nói các ngươi sống với nhau có tình thân sâu đậm, nên quên cả [sự mệt nhọc của] tuổi già, từ xa xôi tìm đến đây tìm xem cho biết. Bây giờ ta đói quá, các ngươi có gì cho ta ăn không?”

Ba con thú cùng nói: “Xin ông ở đây đợi một chút, chúng tôi sẽ đích thân đi tìm thức ăn.”

Nói rồi cùng đồng lòng chia nhau đi các hướng để tìm thức ăn. Cáo chạy ra ven bờ nơi bến nước, bắt được một con cá chép. Khỉ vào rừng cây để hái nhiều hoa quả lạ. Sau đó cả hai cùng trở lại dâng cho cụ già. Chỉ có thỏ trở về không có gì, còn nhảy nhót loanh quanh. Cụ già liền nói: “Theo ta thấy thì các ngươi chưa thật hòa hợp. Khỉ và cáo cùng chí hướng, cả hai đều làm được việc. Riêng thỏ về không, chẳng có gì cho ta ăn. Cứ theo như việc này mà xét thì biết [các ngươi chưa thật hòa hợp].”

Thỏ nghe lời chê trách rồi, liền bảo cáo và khỉ: “Xin hai bạn giúp tôi mang đến đây nhiều củi khô, tôi có việc cần dùng.”

Cáo và khỉ vội đi ngay, ôm cỏ kéo củi về chất thành một đống lớn, lửa [vừa nhen đã] bốc lên ngày càng lớn. [Khi ấy,] thỏ nói với cụ già:

- Thưa ông, thân tôi nhỏ bé, thật khó tìm được thức ăn như ông cần, nay xin lấy thân mình làm một bữa ăn cho ông vậy.

Nói xong liền nhảy vào, chết ngay trong ngọn lửa. Lúc bấy giờ, cụ già hiện lại nguyên hình Thiên Đế Thích, gạt tro than thu nhặt hài cốt thỏ, thương tiếc hồi lâu rồi nói với cáo và khỉ: “Ai ngờ sự thể lại ra thế này! Ta thật hết sức cảm động tấm lòng [của thỏ], không thể để cho sự việc này bị quên lãng đi, nên sẽ gửi [thân xác thỏ] lên mặt trăng kia, để truyền lại cho đời sau được biết.”

Do vậy ai ai cũng cho rằng trên mặt trăng có hình bóng thỏ là bắt đầu từ khi ấy. Người đời sau liền xây tháp ở chỗ thỏ thiêu thân.

Từ nơi đây xuôi theo dòng chảy của sông Căng-già về hướng đông, đi hơn 98 km thì đến nước Chiến Chủ, thuộc miền Trung Ấn.

2. Nước Chiến Chủ

Nước Chiến Chủ chu vi khoảng 650 km. Kinh thành giáp với sông Căng-già, chu vi hơn 3.2 km. Dân cư giàu có an vui, xóm làng kề cận sát bên nhau, đất đai màu mỡ, gieo trồng theo thời vụ. Khí hậu ôn hòa dễ chịu, phong tục thuần phác chân chất, tánh người thô bạo cứng cỏi, niềm tin thì chánh tà lẫn lộn.

Trong nước có hơn 10 ngôi chùa, tăng sĩ chưa đến ngàn người, đều tu tập theo giáo pháp Tiểu thừa. Có 20 ngôi đền thờ Phạm thiên, ngoại đạo các phái chung sống hỗn tạp.

Phía tây bắc kinh thành, trong khuôn viên chùa có một ngọn tháp do vua Vô Ưu xây dựng.

Sách Ấn Độ Ký chép rằng: “Trong tháp này có một đấu xá-lợi Phật.” Thuở xưa, đức Như Lai từng ở nơi đây vì đại chúng trời người mà giảng thuyết hiển bày diệu pháp trong thời gian 7 ngày.

Bên cạnh đó có di tích nơi ba vị Phật trong quá khứ ngồi thiền và kinh hành. Gần đó lại có tôn tượng của đức Bồ Tát Từ Thị. Tượng tuy nhỏ nhưng rất uy nghi và có thần sắc, từng có nhiều sự linh ứng, nhiều việc dị thường thỉnh thoảng vẫn xảy ra.

Từ kinh thành đi về hướng đông hơn 65 km thì đến chùa A-tị-đà-yết-lạt-nã, có tường bao quanh không rộng lắm nhưng trên tường điêu khắc hết sức công phu. Mặt hồ soi bóng hoa lá, lầu gác liền mái nhau. Tăng đồ nghiêm túc, oai nghi hòa hợp.

Đọc trong các ghi chép xưa thấy nói rằng: “Thuở xưa, ở phía bắc Tuyết sơn, trong nước Đổ-hóa-la có các vị sa-môn rất hiếu học. Một nhóm các vị này cùng chí hướng, sau những thời lễ bái tụng niệm, lúc nhàn rỗi thường bảo nhau: “Diệu lý thâm sâu huyền diệu, không thể dùng ngôn từ đàm luận mà thấu suốt tận cùng, nhưng thánh tích thì rõ ràng sáng tỏ, có thể đi đến tận nơi thăm viếng được. Chúng ta nên tìm người đồng chí, cùng nhau đi đến tận nơi lễ bái thánh tích.”

Sau đó, một nhóm bạn thân thiết với nhau cùng cất bước lên đường. Khi đến Ấn Độ rồi, liền xin ngụ trong chùa, [nhưng tăng chúng ở đó] khinh chê họ là người ở biên địa xa xôi thấp kém nên không cho ở lại trong chùa. Phần thì bên ngoài gió bụi đường xa, phần thì trong bụng đói khát mệt mỏi, nên người nào cũng lộ vẻ tiều tụy, hình dung khô kiệt.

Lúc bấy giờ, vua nước này ra ngoài thành dạo chơi, thấy các vị khách tăng này thì kinh ngạc hỏi rằng: “Các vị là du tăng khất sĩ ở phương nào? Nguyên nhân gì tìm đến đây? [Ta xem các vị] tai không xỏ lỗ, y phục rách rưới dơ bẩn, [hẳn là người từ xa đến?]

Các vị sa-môn đáp rằng: “Chúng tôi là người nước Đổ-hóa-la, vâng theo di giáo [của đức Thế Tôn], xem nhẹ trần tục theo đường xuất thế, nay cùng nhau đi chiêm lễ thánh tích. Hiềm vì bạc phước nên dân chúng nơi đây đều xô đuổi, còn chư tăng thì không ngó ngàng gì đến khách tăng lỡ bước đường xa. Chúng tôi cũng định quay về nước, nhưng việc chiêm bái thánh tích vẫn chưa hoàn tất. Cho nên dù khổ sở đói khát thế nào, chúng tôi cũng nhất định phải cố gắng hoàn thành tâm nguyện rồi mới quay về.”

Vua nghe xong, trong lòng hết sức cảm động buồn thương, lập tức ra lệnh xây dựng một ngôi chùa ở vùng đất lành này, lại dùng lụa trắng ngự ban chiếu chỉ rằng: “Trẫm nay được làm bậc tôn quý trong nhân gian, đều nhờ vào sự gia hộ thiêng liêng của Tam bảo. Đã là bậc nhân vương, nhận lời di ngôn giao phó của đức Thế Tôn, thì bất cứ ai đắp y hoại sắc [của tăng đoàn] trẫm đều phải cúng dường chu cấp. Nay xây dựng chùa này để làm nơi trú ngụ dành riêng cho các khách tăng đi đường. Từ nay về sau, chư tăng xỏ lỗ tai đều không được ở trong chùa này.” Vì thế mới có tên chùa là Bất Xuyên Nhĩ.

Từ chùa Bất Xuyên Nhĩ đi về hướng đông nam hơn 32 km, quay về hướng nam qua sông Căng-già thì đến làng Ma-ha-sa-la (Mahasala). Dân làng đều là người thuộc giai cấp bà-la-môn, không theo pháp Phật, nhưng khi gặp các vị sa-môn thì trước hết hỏi qua về học thức, nếu là người kiến thức sâu rộng liền hết sức kính lễ.

Phía bắc sông Căng-già có một đền thờ thần Na-la-diên, lầu gác nhiều tầng, trang sức vô cùng rực rỡ, lộng lẫy. Các tượng chư thiên đều dùng đá tạc thành, đường nét cực kỳ khéo léo tinh xảo, sự linh ứng khó có thể nói hết.

Từ đền thờ Na-la-diên đi về phía đông hơn 10 km có một ngọn tháp do vua Vô Ưu xây dựng, đến quá nửa tháp đã lún sâu vùi trong đất. Phía trước có dựng trụ đá cao gần 7 mét, bên trên có tượng sư tử, thân trụ có khắc chữ, ghi lại câu chuyện hàng phục quỷ.

Thuở xưa, nơi đây có những con quỷ khoáng dã, cậy uy lực mạnh mẽ ăn thịt uống máu người, sát hại rất nhiều sinh linh, tác oai tác quái không kiêng sợ gì. Đức Như Lai thương chúng sanh [bị quỷ hại] chết bất cứ lúc nào, nên dùng sức thần thông để giảng dụ hóa độ bọn quỷ, dẫn dắt chúng biết kính lễ quy y và cho thọ giới không giết hại. Những con quỷ vâng lời Phật dạy, cung kính giữ theo trọn vẹn. Nhân đó chúng khiêng đến một tảng đá để thỉnh Phật ngồi lên, xin được nghe Chánh Pháp, ghi nhớ giữ gìn. Từ đó về sau, những kẻ không tin [Phật pháp] tranh nhau muốn dời tảng đá mà quỷ đã mang đến làm tòa ngồi [thỉnh Phật]. Họ dùng sức đến cả ngàn người mà không thể lay chuyển. Chung quanh nơi này có cây rừng bao phủ với hồ nước trong, ai đã đến đây đều sinh tâm kính sợ.

Không xa nơi hàng phục quỷ có mấy ngôi chùa, tuy đã hư hoại nhiều nhưng vẫn còn có tăng chúng. Tất cả đều tu tập theo giáo pháp Đại thừa.

Từ nơi đây đi về hướng đông nam hơn 32 km thì đến một ngọn tháp, nền móng đã nghiêng lún, chỉ còn cao khoảng chục mét.

Thuở xưa, sau khi đức Như Lai diệt độ, vua của tám nước cùng phân chia xá-lợi Phật, vị bà-la-môn giữ việc đong lường xá-lợi đã bôi mật vào bên trong bình trước khi lường xá-lợi phân chia cho các vua. Sau đó ông mang bình về, có được phần xá-lợi dính bên trong bình, liền xây tháp này, đặt luôn cả chiếc bình vào trong [để thờ phụng cúng dường], cho nên tháp này có tên là tháp Xá-lợi Bình. Về sau, vua Vô Ưu cho mở tháp lấy xá-lợi bình rồi xây dựng lại thành một ngọn tháp lớn. Vào những ngày trai vẫn thường có hào quang tỏa chiếu.

Từ nơi đây theo hướng đông bắc, qua sông Căng-già, đi khoảng 45-50 km thì đến nước Phệ-xá-ly, thuộc miền Trung Ấn.

3. Nước Phệ-xá-ly

Nước Phệ-xá-ly chu vi khoảng 1.630 km, đất đai màu mỡ, hoa quả xanh tốt. Các loại quả am-một-la, quả mậu-già ở đây vừa nhiều vừa có giá trị cao. Khí hậu ôn hòa dễ chịu, phong tục thuần phác chân chất. Người dân thích làm việc phước thiện, xem trọng sự học tập, niềm tin thì hỗn tạp cả tà lẫn chánh.

Trong nước có đến mấy trăm ngôi chùa, đa phần đã hư hoại, chỉ còn lại năm ba nơi, tăng sĩ rất ít. Đền thờ Phạm thiên có mấy mươi chỗ, ngoại đạo các phái chung sống hỗn tạp. Tín đồ phái lõa thể tụ tập rất đông.

Thành Phệ-xá-ly đã nghiêng đổ nặng nề. Dấu tích nền móng thành cũ có chu vi khoảng 19-22 km. Cung thành chu vi khoảng 1-1.5 km, dân cư rất ít.

Phía tây bắc cung thành, cách khoảng 1.5-2 km có một ngôi chùa, tăng sĩ rất ít, tu tập theo giáo pháp của phái Chính lượng thuộc Tiểu thừa. Bên cạnh đó có một ngọn tháp, là nơi ngày xưa nhóm [500 chàng trai con nhà trưởng giả] cùng với chàng Bảo Tích đã dâng lọng báu cúng dường đức Phật, được nói đến trong kinh Tỳ-ma-la-cật.

Về phía đông tháp này có một ngọn tháp khác, là nơi ngài Xá-lợi tử và các vị đồng tu chứng quả Vô học.

Từ nơi ngài Xá-lợi tử chứng quả nhìn sang phía đông nam có một ngọn tháp khác do vua Phệ-xá-ly xây dựng.

Sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, tiên vương của nước này cũng được chia phần xá-lợi, nên theo đúng cách thức xây tháp thờ phụng cúng dường. Sách Ấn Độ Ký chép rằng: “Trước đây trong tháp này có một hộc xá-lợi Như Lai, vua Vô Ưu mở tháp ra lấy đi chín đấu [xây tháp thờ nơi khác], chỉ để lại một đấu.” Về sau có vị vua cũng muốn mở tháp ra để lấy xá-lợi, vừa chuẩn bị khởi công thì mặt đất chấn động, nên không dám mở tháp nữa.

Phía tây bắc nơi này lại có một ngọn tháp do vua Vô Ưu xây dựng, bên cạnh có dựng trụ đá cao khoảng 16-20 mét, phía trên có tượng sư tử.

Phía nam trụ đá có một hồ nước, do một bầy khỉ vì Phật mà đào đất thành hồ. Thuở xưa đức Như Lai đã từng lưu lại nơi đây.

Cách hồ này không xa về phía tây lại có một ngọn tháp, là nơi bầy khỉ mang bình bát của Như Lai leo lên cây để lấy mật. Cách hồ về phía nam không xa lại có một ngọn tháp, là nơi bầy khỉ dâng mật cúng dường Phật. Ở góc tây bắc của hồ này vẫn còn thấy tượng những con khỉ.

Từ ngôi chùa nơi đây đi về phía đông bắc khoảng 1 km có một ngọn tháp, là nơi nền nhà cũ của ông Tỳ-ma-la-cật, có rất nhiều điều linh ứng, nhiều điềm linh dị.

Cách chỗ này không xa có một đền thần, nhìn có vẻ như xây bằng gạch nung, nhưng theo tương truyền thì chỗ này xây bằng đá, chính là nơi xưa kia truởng giả Tỳ-ma-la-cật thị hiện có bệnh để [nhân đó] thuyết pháp.

Cách đó không xa có một ngọn tháp, là nền nhà cũ của chàng Bảo Tích con nhà trưởng giả. Lại cách nơi này không xa có một ngọn tháp, là nền nhà cũ của cô Am-một-la. Bà di mẫu của Phật cùng chư vị tỳ-kheo ni đã nhập Niết-bàn tại đây.

Từ ngôi chùa nơi đây đi về phía bắc khoảng 1-1.5 km có một ngọn tháp. Khi đức Như Lai chuẩn bị đi về nước Câu-thi-na để nhập Niết-bàn, đại chúng và cả loài phi nhân cùng đi theo Thế Tôn, đến chỗ này thì dừng nghỉ.

Kế tiếp về phía tây bắc không xa có một ngọn tháp, là nơi đức Phật nhìn về thành Phệ-xá-ly lần cuối cùng.

Cách đó không xa về phía nam có một tinh xá, phía trước có xây dựng một ngọn tháp, là nơi khu vuờn am-một-la mà cô Am-một-la xin cúng dường lên Phật.

Kế bên vuờn am-một-la có một ngọn tháp, là nơi Như Lai tuyên bố việc ngài sẽ nhập Niết-bàn.

Thuở xưa, ở tại nơi này, đức Phật bảo ngài A-nan: “Người nào chứng được tứ thần túc có thể duy trì tuổi thọ đến một kiếp. Bây giờ Như Lai nên thọ bao nhiêu tuổi?”

Đức Phật hỏi đến ba lần nhưng ngài A-nan không đáp lại, vì bị thiên ma mê hoặc. Cho nên Ngài A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào trong rừng trầm ngâm. Lúc bấy giờ ma lại thỉnh Phật rằng: “Như Lai ở đời giáo hóa xong rồi. Số người được tế độ nhiều như bụi trần. Bây giờ đã đến lúc hưởng niềm vui tịch diệt.”

Đức Thế Tôn lấy một chút đất để trong móng tay, hỏi ma rằng: “Đất ở bên ngoài nhiều hơn hay đất trong móng tay ta nhiều hơn?”

Ma đáp rằng: “Đất bên ngoài nhiều hơn.”

Đức Phật bảo: “Số người ta đã hóa độ chỉ như chút đất trong móng tay này, số người chưa được hóa độ thì nhiều như đất khắp mặt đất. Sau ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết-bàn.”

Ma nghe như vậy rất hoan hỷ lui về. Ngài A-nan ở trong rừng bỗng có một giấc mộng kỳ lạ, liền đến bạch Phật: “Con ở trong rừng nằm mộng thấy một cây đại thọ cành lá sum suê, bóng mát che phủ, bỗng nhiên cuồng phong nổi dậy, tan tác gãy nát không còn gì cả. Lẽ nào đây không phải điềm báo Thế Tôn sắp nhập diệt hay sao? Tâm con hoài nghi lo sợ nên đến đây thưa thỉnh.”

Đức Phật bảo A-nan: “Ta đã nói với ông trước rồi, ông vì ma che ám nên lúc đó không thưa thỉnh ta lưu lại cõi đời. Giờ đây ma vương đã đến xin ta sớm nhập Niết-bàn, ta đã báo trước hạn kỳ [sẽ nhập Niết-bàn]. Điềm mộng ấy là như vậy.”

Không xa nơi đức Phật thông báo việc nhập Niết-bàn có một ngọn tháp, là nơi một ngàn người con gặp được cha mẹ.

Thuở xưa có một vị tiên nhân ẩn cư trong động trên núi cao. Vào tháng giữa mùa xuân, ông xuống tắm dưới dòng nước trong, có một con nai cái uống nước cùng dòng, liền thụ thai rồi sinh ra một đứa con gái, hình dung xinh đẹp hơn người, chỉ có hai bàn chân là giống chân nai. Vị tiên thấy vậy mang về nuôi.

Một hôm, vị tiên sai cô gái nai đi xin lửa ở nơi lều tranh của một vị tiên khác. Đến nơi rồi, dưới mỗi bước cô đi bỗng lún xuống thành hình hoa sen. Vị tiên kia thấy vậy lấy làm kỳ quái, liền bảo cô đi nhiễu quanh lều tranh một vòng rồi mới cho lửa. Cô gái nai vâng lời làm theo, khi xin được lửa rồi thì về.

Lúc bấy giờ, vua Phạm-dự (Brahmananda) đi săn, nhìn thấy các dấu chân hoa sen, liền đi theo để tìm xem, gặp được cô gái nai thì vui mừng yêu thích, liền đón cô cùng về cung. Có người thầy xem tướng nhìn thấy liền đoán rằng cô gái này sẽ sinh ra một ngàn người con.

Những người vợ khác của vua nghe như vậy vội cùng nhau lập mưu tính kế. Cô gái nai mang thai đủ ngày tháng rồi thì sinh ra một đóa hoa sen có ngàn cánh hoa, trên mỗi cánh hoa có một đứa bé ngồi. Những người vợ khác của vua liền vu khống cho việc ấy là điềm chẳng lành, mang [đóa hoa sen] ra sông Căng-già thả cho trôi theo sóng nước.

Vua Ô-kỳ-diên (Ujjayana) ở vùng hạ lưu sông Căng-già hôm ấy đang dạo chơi ven sông, nhìn thấy một cái bọc lớn có màu như mây vàng đang theo sóng nước trên sông từ từ trôi xuống. Vua liền sai vớt lấy, mở ra xem thì thấy một ngàn đứa bé, liền mang về nuôi dưỡng cho đến trưởng thành, tất cả đều có sức mạnh vô cùng.

[Vua Ô-kỳ-diên] cậy vào sức mạnh của một ngàn người con này để mở rộng bờ cõi ra cả bốn phương, khí thế quân binh thừa thắng xông tới, sắp sửa tấn công đến [nước của vua Phạm-dự]. Vua Phạm-dự nghe tin lo lắng hoảng sợ, biết rằng binh lực của mình không chống nổi, bối rối không biết tính cách nào.

Lúc bấy giờ, cô gái nai biết đó là những đứa con của mình nên bảo vua Phạm-dự rằng: “Nay quân địch đã tiến vào bờ cõi, [lòng dân thì] trên dưới chia lìa, thiếp tuy ngu dại cũng một lòng trung với nước, có thể đẩy lùi quân địch.”

Vua vẫn chưa tin được nên càng thêm lo lắng. Cô gái nai liền lên lầu cao trên bờ thành, chờ quân địch tới. Khi một ngàn người con dẫn quân binh đến vây kín quanh thành, cô gái nai liền gọi bảo: “Các con đừng làm chuyện đại nghịch. Ta là mẹ của các con, các con đều là con của ta.”

Một ngàn người con đều nói: “Sao bà nói chuyện hoang đường xằng bậy như thế?”

Cô gái nai liền dùng tay ấn vào hai bầu vú, lập tức bắn vọt ra một ngàn tia sữa. Do tánh trời tự nhiên chiêu cảm, ngàn tia sữa mẹ liền bay thẳng vào miệng của một ngàn người con, [khiến họ tin nhận sự thật,] cùng buông vũ khí quay về nguồn cội, giải tán quân binh xin nhận dòng tộc. [Từ đó về sau] hai nước giao hòa, trăm họ thái bình an lạc.

Cách ngọn tháp nơi một ngàn đứa con nhận tổ tông, có một ngọn tháp khác, là nơi ngày xưa đức Như Lai khi đi ngang qua di tích cổ này đã chỉ vào đó bảo đại chúng rằng: “Thuở xưa, đó là nơi ta nhận lại tổ tông, gặp được cha mẹ. Một ngàn người con đó, chính là một ngàn vị Phật trong Hiền kiếp này.”

Từ chỗ đức Phật nhắc chuyện tiền thân, nhìn về phía đông có một khu nền cũ, bên trên có dựng một ngọn tháp, thỉnh thoảng lại có hào quang chiếu sáng, người đến đây cầu thỉnh thường được toại nguyện. Đây chính là nền cũ của khu giảng đường Trùng Các, nơi đức Như Lai đã thuyết các kinh như Phổ môn, Đà-la-ni v.v...

Cách vị trí giảng đường này không xa, có một ngọn tháp, trong có xá-lợi bán thân của ngài A-nan. Không xa nơi đây lại có đến mấy trăm ngọn tháp khác, muốn biết con số chính xác nhưng không thể biết được, chính là nơi nhập diệt của một ngàn vị Phật Độc giác.

Bên trong và bên ngoài bốn phía thành Phệ-xá-ly có rất nhiều thánh tích, khó kể ra hết được. Những di tích nền cũ nằm san sát bên nhau, năm tháng đổi thay, nóng lạnh chuyển dời, rừng rậm thành đồng hoang, hồ nước cũng cạn khô, chỉ còn lại những di tích đã hư nát để dựa vào đó mà suy nghiệm biết được.

Từ thành [Phệ-xá-ly] đi về hướng tây bắc khoảng 16-19 km thì đến một ngọn tháp lớn, là nơi những người họ Lật-xiếp-bà từ biệt đức Như Lai.

Đức Như Lai từ thành Phệ-xá-ly đi sang nước Câu-thi-na. Những người Lật-xiếp-bà nghe rằng Phật sắp nhập diệt liền cùng nhau đau buồn khóc lóc đi theo. Đức Thế Tôn thấy họ buồn đau đến mức không thể dùng lời khuyên bảo, liền dùng thần lực hóa ra một con sông lớn, bờ sông sâu thẳm, nước chảy xiết [không thể vượt qua]. Những người Lật-xiếp-bà đành gào khóc mà dừng lại. Đức Như Lai để lại bình bát cho họ làm vật tưởng nhớ.

Từ thành [Phệ-xá-ly] đi về hướng tây bắc chưa đến 65 km, có một thành cổ hoang phế đã lâu năm, rất ít người cư trú, trong đó có một ngọn tháp. Đây là nơi ngày xưa đức Phật đã vì chư vị Bồ Tát và đại chúng trời kể lại những chuyện tiền thân khi ngài còn tu hạnh Bồ Tát, đã từng sinh ra làm vị Chuyển luân vương cư trú tại thành này, hiệu là Ma-ha-đề-bà, có bảy món báu ứng hiện, cai trị khắp bốn châu thiên hạ. Vua nhìn thấy các tướng suy hoại biến đổi thì hiểu ra được lý vô thường, ôm lòng hướng về đạo Vô thượng, không còn quan tâm đến ngôi vị của mình, bỏ nước xuất gia, mặc y hoại sắc để tu học.

Từ thành [Phệ-xá-ly] đi về hướng đông nam khoảng 4.6-4.9 km thì đến một ngọn tháp lớn, là nơi bảy trăm vị hiền thánh kết tập [kinh điển] lần thứ hai.

Sau khi Phật nhập Niết Bàn 110 năm, trong thành Phệ-xá-ly có các vị tỳ-kheo xa rời pháp Phật, thực hành sai giới luật. Lúc bấy giờ, truởng lão Da-xá-đà (Yasoda) đang ở nước Kiêu-tát-la (Kosala), truởng lão Tam-bồ-già (Sambhoga) ở nước Mạt-thố-la (Mathura), truởng lão Ly-ba-đa (Revata) ở nước Hàn-nhược (Hanruo), truởng lão Sa-la (Sala) ở nước Phệ-xá-ly (Vaisali); truởng lão Phú-xà-tô-di-la (Pujasumira) ở nước Sa-la-lê-phất (Salariputra). Các vị đều là bậc đại A-la-hán tâm được tự tại, nắm vững Tam tạng kinh điển, đã chứng Tam minh, vang danh khắp chốn nên mọi người đều biết, đều là đệ tử của Tôn giả A-nan.

Lúc bấy giờ, ngài Da-xá-đà nhờ người đến nói với các vị hiền thánh khác, xin tập họp ở thành Phệ-xá-ly, vẫn còn thiếu một người nên chưa đủ 700 vị. Khi ấy, ngài Phú-xà-tô-di-la dùng thiên nhãn thấy các bậc đại hiền thánh vân tập bàn pháp sự, liền vận thần túc đi đến Pháp hội.

Khi ấy, ngài Tam-bồ-già ở giữa đại chúng, sửa y trần vai phải và quỳ xuống nêu vấn đề rằng: “Xin đại chúng yên tịnh! Hãy lắng nghe! Hãy suy ngẫm kỹ! Ngày xưa đấng Đại Thánh Pháp Vương quyền biến thị tịch, năm tháng dẫu trôi qua đã lâu nhưng lời dạy của ngài vẫn còn đó. Nay có các tỳ-kheo giải đãi tại thành Phệ-xá-ly sai phạm giới luật, đưa ra mười điều vi phạm lời dạy của đấng Thập lực. Nay các hiền giả [trong hội này] đều thấu biết rõ ràng việc trì giới hay phạm giới, hết thảy đều nhờ sự chỉ bày răn dạy của Đại Đức A-nan, một lòng nhớ nghĩ báo đáp ân Phật, xin hãy tuyên đọc lại ý chỉ của bậc Đại Thánh.”

Lúc ấy, trong đại chúng [nghe qua việc này] ai ai cũng đều bi thương xúc cảm, lập tức triệu tập các vị tỳ-kheo [phạm giới], căn cứ theo tạng Tỳ-nại-da mà quở trách và hạn chế, ngăn cấm, trừ bỏ các điều sai trái, tuyên đọc rõ ràng những lời dạy của Phật.

Từ nơi 700 vị hiền thánh kết tập đi về hướng nam khoảng 27-30 km thì đến chùa Thấp-phệ-đa-bổ-la (Svetapura), kiến trúc nhiều tầng nguy nga tráng lệ, lầu gác cao đẹp, tăng chúng thanh tịnh nghiêm túc, thảy đều tu tập theo giáo pháp Đại thừa. Bên cạnh đó có di tích nơi bốn vị Phật trong quá khứ kinh hành và ngồi thiền.

Bên cạnh chùa có ngọn tháp do vua Vô Ưu xây dựng. Đây là nơi ngày xưa đức Như Lai trên đường đi đến nước Ma-yết-đà ở hướng nam đã dừng nghỉ, ngoái nhìn lại thành Phệ-xá-ly ở hướng bắc.

Từ chùa Thấp-phệ-đa-bổ-la đi về hướng đông nam khoảng gần 11 km thì đến sông Căng-già, hai bên bờ nam, bắc có hai ngọn tháp. Đây là nơi Tôn giả A-nan đã phân thân để [chia xá-lợi] cho cả hai nước.

Ngài A-nan là anh em chú bác với Như Lai, nghe nhiều hiểu thấu, học rộng nhớ lâu. Sau khi Phật nhập diệt, ngài kế tục ngài Đại Ca-diệp giữ gìn Chánh pháp, dẫn dắt người học đạo. Một hôm, ngài đi trong khu rừng của nước Ma-yết-đà, gặp một sa-di đang tụng kinh Phật mà phân đoạn sai lầm, câu chữ lẫn lộn. Ngài A-nan nghe xong sinh lòng thương xót, chậm rãi đi đến tận nơi để chỉ bày. Sa-di ấy bật cười nói rằng: “Sư Ông già rồi, lời nói sai lầm. Thầy của con cao minh, đang tuổi cường thịnh, chính con được học với thầy, không thể sai lầm.”

Ngài A-nan lặng thinh rồi lui về than rằng: “Ta tuy tuổi đã cao nhưng vì chúng sinh nên muốn ở lại đời lâu hơn để giữ gìn Chánh pháp. Nhưng chúng sinh nghiệp nặng khó dùng lời chỉ dạy, dẫu ở lại lâu hơn cũng chẳng ích gì, nên sớm diệt độ thôi.”

Ngài liền rời khỏi nước Ma-yết-đà, đi đến thành Phệ-xá-ly, qua sông Căng-già, thuyền lênh đênh giữa dòng. Khi ấy, vua nước Ma-yết-đà nghe tin ngài A-nan bỏ đi, trong lòng quyến luyến đức độ của ngài hết sức sâu nặng, lập tức chuẩn bị xa giá nghiêm trang, vội vã đuổi theo để thỉnh ngài [ở lại], có đến mấy trăm ngàn quân vừa kéo đến đóng trên bờ sông phía nam.

[Bên kia sông,] vua Phệ-xá-ly vừa nghe tin ngài A-nan đến [nước mình để nhập Niết-bàn] thì trong tâm buồn vui lẫn lộn, lập tức điểm binh, hối hả kéo ra nghinh đón, mấy trăm ngàn quân cùng tập trung đóng trên bờ sông phía bắc.

Hai bên dàn quân đối nhau, cờ hiệu như rừng, che khuất cả mặt trời. Ngài A-nan thấy vậy, sợ hai bên giao đấu sát hại lẫn nhau, liền từ trên thuyền đứng dậy, bay lên hư không, thị hiện thần biến, nhập tịch diệt, hóa lửa thiêu thân rồi tự chia đôi, một phần rơi về bờ nam, một phần rơi về bờ bắc.

Như vậy, hai vua đều được mỗi người một phần xá-lợi, toàn quân đều buồn đau gào khóc, rồi mỗi bên đều lui về nước, xây tháp để thờ phụng cúng dường.

Từ nơi đây đi về hướng đông bắc hơn 163 km thì đến nước Phất-lật-thị, thuộc miền Bắc Ấn. Người miền bắc gọi là nước Tam-đại-thị (三代恃).

4. Nước Phất-lật-thị

Nước Phất-lật-thị chu vi khoảng 1.300 km, chiều đông tây dài, chiều nam bắc hẹp, đất đai màu mỡ, hoa trái tốt tươi, khí hậu hơi lạnh. Người dân tính tình nóng nảy, hấp tấp, đa phần tôn kính ngoại đạo, ít người tin theo Phật pháp. Trong nước có mười mấy ngôi chùa, tăng sĩ chưa đến ngàn người, tu tập theo cả hai phái Đại thừa và Tiểu thừa. Có mấy mươi ngôi đền thờ Phạm thiên, người theo ngoại đạo rất đông. Kinh thành là Chiêm-thú-nã (Chansuna), phần lớn đã bị đổ nát hư hoại, bên trong cung thành xưa hiện còn hơn 3.000 nóc nhà, chỉ giống như thôn ấp làng quê.

Phía đông bắc của con sông lớn có một ngôi chùa, tăng sĩ rất ít, việc tu học thanh tịnh, cao thượng. Từ chùa này đi về hướng tây, dựa vào bến sông có một ngọn tháp cao hơn 10 mét, phía nam là một dòng sông hẹp, nơi đức Đại Bi Thế Tôn hóa độ các ngư dân.

Lúc Phật còn tại thế, có 500 ngư dân kết thành một nhóm cùng nhau đánh bắt các loài tôm cá. Tại sông này, họ bắt được một con cá lớn có 18 đầu, mỗi đầu có hai mắt, liền muốn giết hại. Lúc đó, đức Như Lai đang ở nước Phệ-xá-ly, dùng thiên nhãn thấy được, khởi tâm đại bi muốn nhân cơ hội này để giáo hóa, khai ngộ, liền nói với đại chúng: “Ở nước Phất-lật-thị có con cá lớn, ta muốn hóa độ nó để thức tỉnh những ngư dân kia. Các ông nên biết là đã đến lúc thích hợp.”

Liền đó, đức Phật với đại chúng vây quanh, dùng phép thần túc đi trên hư không mà đến nơi bến sông, ngồi kiết già như thường lệ, rồi bảo các ngư dân: “Các ông đừng giết con cá đó.”

Rồi đức Phật dùng sức thần thông, mở bày phương tiện, oai lực tác động đến con cá lớn, khiến cho cá nhớ biết được đời trước của mình, lại có thể nói được tiếng người, hiểu được tình cảm con người.

Lúc bấy giờ, đức Như Lai tuy đã biết nhưng vẫn hỏi rằng: “Đời trước ngươi đã tạo tội gì mà phải lưu chuyển trong đường ác, thọ thân xấu xí này?”

Con cá thưa rằng: “Trước đây con nhờ phước đức được sinh trong gia tộc giàu có thế lực. Con đây chính là một đại bà-la-môn [ở nước] Kiếp-tỷ-tha ngày trước. Con cậy vào dòng tộc [cao quý] mà hiếp đáp, khinh miệt người khác, cậy mình có kiến thức sâu rộng nên khinh chê kinh điển giáo pháp, khởi tâm khinh mạn hủy báng chư Phật, dùng những lời xấu xa độc ác để nhục mạ chư tăng, phỉ báng các ngài bằng cách so sánh với đủ các loài vật xấu xí như lạc đà, lừa, voi, ngựa... Do tạo nghiệp xấu ác như vậy nên nay phải thọ thân xấu xí thế này, nhưng nhờ còn chút nhân lành đời trước nên sanh gặp thời có Phật ra đời, thấy được sự giáo hóa của Phật, được nghe lời dạy của Phật.”

Nhân đó, cá liền sám hối mọi lỗi lầm, nghiệp ác đã làm đời trước. Đức Như Lai khi ấy tùy căn cơ nhiếp hóa, chỉ bày khai mở theo cách thích hợp, khiến cho con cá nghe xong [tỉnh ngộ] liền qua đời, nhờ phước lực đó sanh lên cõi trời. [Sinh lên cõi trời rồi,] liền tự quán xét xem nhân duyên gì mình được sinh cõi trời. Khi quán xét biết được rồi, nghĩ đến việc báo đáp ân Phật nên cùng với chư thiên đi đến chỗ Phật. Kính lễ Phật xong, đi nhiễu theo hướng về bên tay phải rồi lui về đứng một bên, dùng hương hoa cùng các vật quý cõi trời dâng lên cúng dường.

Đức Thế Tôn chỉ rõ việc ấy cho các ngư dân, rồi vì họ thuyết giảng giáo pháp nhiệm mầu, họ nghe xong liền tỏ ngộ, chân thành lễ sám, phá lưới đốt thuyền [bỏ nghề đánh cá], quay về đường chánh đạo, thọ nhận giáo pháp, xin xuất gia tu học. Sau khi đã mặc y hoại sắc, được nghe lời Phật dạy, hết thảy đều xa lìa trần cấu, cùng chứng quả Thánh.

Từ nơi Phật hóa độ các ngư dân đi về hướng đông bắc hơn 32 km thì đến một thành cổ, phía tây có một ngọn tháp do vua Vô Ưu xây dựng, cao hơn 33 mét. Nơi đây ngày xưa đức Phật từng thuyết pháp trong sáu tháng để hóa độ trời người.

Về phía bắc tháp này, cách chừng 230-250 mét, có một ngọn tháp nhỏ, là nơi ngày xưa đức Như Lai vì các tỳ-kheo mà chế định giới luật. Tiếp đến không xa về phía tây lại có ngọn tháp thờ tóc và móng tay của Như Lai.

Thuở xưa, khi Như Lai đến nơi đây, người dân trong các thôn ấp gần xa rất đông đảo, cùng tranh nhau đến cúng dường, đốt hương, rải hoa, đèn đuốc thắp sáng không lúc nào ngớt.

Từ nơi đây đi về hướng tây bắc khoảng 460-490 km, vượt núi qua khe, đến nước Ni-ba-la, thuộc miền Trung Ấn.

5. Nước Ni-ba-la

Nước Ni-ba-la chu vi khoảng 1.300 km, nằm trong vùng Tuyết sơn. Chu vi kinh thành hơn 6.5 km. Núi đồi, thung lũng nối tiếp kề nhau, đất đai thích hợp với lúa và ngũ cốc, có nhiều hoa quả. Nơi đây sản xuất đồng đỏ, bò yak, chim mạng mạng. Việc mua bán dùng tiền đúc bằng đồng đỏ. Khí hậu rét lạnh, phong tục hiểm ác tà vạy, tánh người cứng rắn, hung bạo, xem thường tín nghĩa, không học tập các tài nghề nhưng có khiếu thủ công khéo léo. Hình dung tướng mạo xấu xí, niềm tin hỗn tạp cả tà lẫn chánh. Chùa chiền với đền thờ Phạm thiên chung vách liền mái, san sát bên nhau. Có hơn 2.000 tăng sĩ, tu tập theo cả Đại thừa lẫn Tiểu thừa. Số lượng người theo ngoại đạo không biết được.

Đức vua thuộc giai cấp sát-đế-lợi, dòng họ Lật-xiếp-bà, có chí học thanh cao, tin tưởng thuần thành đối với Phật pháp. Gần đây, nước này có vị vua hiệu Ương-du-phạt-ma là bậc học rộng thông suốt, tự soạn luận Thanh minh. Vua là người trọng học vấn, cung kính đạo đức, danh vang khắp chốn.

Phía đông nam kinh thành có một hồ nước nhỏ, khi lấy lửa ném xuống thì mặt nước bốc cháy, sau đó ném vật gì xuống cũng đều bị cháy cả.

Từ nơi đây quay trở về nước Phệ-xá-ly, rồi theo hướng nam qua sông Căng-già thì đến nước Ma-yết-đà, thuộc miền Trung Ấn.





Hình minh họa: Đồ họa thể hiện hành trình qua 5 nước trong Quyển 7 - Tây Vực Ký


    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 12 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tư tưởng Tịnh Độ Tông


Đừng đánh mất tình yêu


Cho là nhận


Tôi đọc Đại Tạng Kinh

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.188.43.246 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập