Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Long Thư Tăng Quảng Tịnh Độ Văn [龍舒增廣淨土文] »» Bản Việt dịch quyển số 3 »»

Long Thư Tăng Quảng Tịnh Độ Văn [龍舒增廣淨土文] »» Bản Việt dịch quyển số 3

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Long Thư Tăng Quảng Tịnh Độ Văn

Kinh này có 12 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 |
Việt dịch: Thích Hành Trụ

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Ông Vương Nhựt Hưu dẫn lời ngài Mạnh Tử nói Người ai ai cũng có thể làm hạnh lành như vua Thuấn vua Nghiêu. Ông Tuân Tử nói Người đi ngoài đường cũng kêu là vua Võ được.
Ông Thường Bất Khinh Bồ Tát nói Ta đối với tất cả người, không dám khinh tất cả người, vì tất cả người; nếu tu cũng có thể thành Phật. Thế là người người đều khá làm Thánh Hiền, ai ai cũng có thể làm Phật, thời đủ biết cái pháp môn niệm Phật cầu sinh về Tịnh độ, quyết không có một người nào mà không tu được vậy. Cho nên hôm nay tôi (Vương Nhựt Hưu) soạn quyển này là quyển Phổ Khuyến Tu Trì (khắp khuyên ai nấy gắng tu gắng làm).
PHỔ KHUYẾN TU TRÌ
THỨ NHẤT

Kẻ hoặc hỏi đức Khổng Phu Tử rằng Có người sang đổi nhà quên cả vợ chăng ? Đức Khổng Tử đáp Cũng có lắm người vậy, vua Kiệt vua Trụ thời quên cả thân mình. Nếu dùng đạo nhãn xem, thì người đời bây giờ phần nhiều quên cả đời mình nữa. Vì sao ? Từ sớm mai thức dậy, mở mắt khỏi chỗ nằm. Đến tối tới chỗ nằm nhắm con mắt lại, không đâu là không để tâm lo lắng việc trần lao. Chưa từng tạm xét lấy thân mình, ấy là quên cả thân mình đó vậy.
Vả chăng, thân người, lấy việc trước mắt mà nói Chi lớn hơn việc đói khát, ắt phải sắm những món uống ăn. Lấy việc quanh năm mà nói Chi lớn hơn sự lạnh, nóng, ắt phải sắm những áo “Cừu” áo “Yết”. Lấy việc trọn đời mà nói Chi lớn hơn đường sinh tử, không lo sắm những món tư lương để đi về cõi Tịnh độ, là sao ư ?
Vả như người có món vàng trăm cân, rủi có đại nạn không thể mang theo ắt phải bỏ vàng mà đi không. Nếu ham tiếc ôm vàng theo thì ắt phải chết. Đời gọi là người ngu si (đại ngu). Thân này rất trọng hơn món vàng trăm cân vậy.
Song ngày bình nhật thời bo bo cầu danh đua lợi, tuy vật nhỏ cỡ trăm đồng tiền, cũng không chịu nới bỏ, mà mình chẳng quý trọng thân mình là sao ư ?
Hoặc người mắng mình là trộm cắp, hoặc nhiếc mình là cầm súc, thời mình uất ức tức giận, có người đến trọn đời oán trách mà không thể nguôi hết, có người đập đánh đến nỗi thành ra kiện cáo. Song cái tên trộm cắp hay cầm súc của người nói, cũng không hại gì đến thân ta, mà ta ghét giận như thế, ấy là luống tiếc cái danh giả nơi mình, mà không biết những cái chân thật của mình, là sao ư ?
Vả chăng cái chân thật của mình là chi ? Gượng kêu là cái chết, mà thật chưa từng chết được vậy. Người vẫn thấy kẻ bỏ cái thân giả này mà đi, chính gọi đó là chết. Mà không biết bỏ cái thân này rồi, thời đi đầu thai làm cái thân khác vậy. Song chỗ đi đó ta đâu không dự bị tư lương trước ư ?
Cho nên cái thuyết Tây phương Tịnh độ thiệt chẳng nên bỏ vậy.
PHỔ KHUYẾN TU TRÌ
THỨ HAI

Khi người sinh, cha, mẹ, vợ, con, nhà cửa, ruộng vườn, trâu, bò, xe, ngựa, cho đến ghế đẳng, bát, bồn, y phục, dây lưng, hết thảy đồ đạc không luận vật lớn hay vật nhỏ. Hoặc Tổ phụ để lại cho mình, hoặc tự mình làm ra mới có, hoặc con cháu, hoặc người khác vì mình tom góp, mỗi món đâu không phải là vật của mình. Vả như những giấy dán cửa sổ, tuy là vật rất mọn, nhưng mà bị người khác chọc lủng đi, ta còn có tâm giận, một cây kim tuy nhỏ, bị người khác lấy đi, ta còn có tâm tiếc. Kho lẫm đã đầy, lòng tham chưa đủ. Vàng bạc đã nhiều sắm mãi không thôi. Mở mắt dở chân, đâu không ái trước. Một đêm ngủ ngoài đã lo ở nhà, một đứa đầy tớ chưa về, đã lo nó đi mất. Trăm việc tính toan, chẳng có một việc nào mà chẳng để vào lòng toan tính.
Song một mai đại hạn tới rồi, thảy đều bỏ ráo, dù thân ta đây cũng là vật bỏ, huống chi những vật ở ngoài thân ư ? Chạnh lòng ngẫm nghĩ, khác nào một giấc mộng trường (dài).
Cho nên ông Trang Tử nói Vả có bậc Đại giác, vậy sau mới biết thân này, là trường đại mộng.
Người xưa nói câu “Nhất nhật vô thường đáo, phương tri mộng lý nhân, vạn ban tương bất khứ, duy hữu nghiệp tùy thân”, nghĩa là Một mai vô thường đến, mới biết người ở trong mộng, lúc chết muôn vật đem theo chẳng đặng, duy có nghiệp đeo đuổi theo mình. Rất đúng thay lời ấy vậy.
Hôm nay tôi (Vương Nhựt Hưu) cũng thể theo hai câu sau của bài trên, thêm vào hai câu thành một bài kệ như dưới đây Vạn ban tương bất khứ, duy hữu nghiệp tùy thân, đản niệm A Di Đà, định sinh An lạc quốc”, nghĩa là Muôn việc đem theo chẳng đặng, chỉ có nghiệp theo mình, nếu niệm A Di Đà quyết sinh nước an dưỡng.
Song nghiệp, có hai nghiệp một là nghiệp lành, hai là nghiệp dữ. Luận như hai món nghiệp này, đều đem theo đặng. Đâu chẳng nên để tâm niệm Phật, cầu sinh Tịnh độ làm nghiệp ư ?
Có ông Minh Liễu Trưởng lão vì cả trong chúng, chỉ thân này mà nói rằng Thân này là vật chết, ở trong cái thân chết này nó có cái không chết, cái không chết đó gọi là Thức Tâm, tâm này sống mãi mãi tới vô lượng kiếp. Vậy chớ lầm, nhè trên vật chết làm kế sống. Phải chính trên vật sống, tìm cầu vật sống mới được.
Tôi (Vương Nhựt Hưu) rất phục lời nói ông Trưởng lão này, cho nên tôi thường nói với người rằng Phàm tham các món vật ở ngoài, dùng phụng dưỡng nơi thân, dầu là ngay trên vật chết, mà lầm làm kế sống vậy. Người đời tuy chưa khỏi thế, nhưng phải ở trong việc làm ăn nuôi sống. Thừa trong lúc rảnh, cũng phải quày tâm suy xét, để tâm với pháp môn Tịnh độ này, là trên vật sống làm kế sống vậy. Vả như bo bo lo sống, tuy có giàu như ông Thạch Sùng, sang đến bậc nhất phẩm, rốt cuộc cũng có ngày số tận, đâu bằng niệm Phật cầu sinh về Tịnh độ, hưởng sự khoái lạc vô cùng tận vậy ư ?
PHỔ KHUYẾN TU TRÌ
THỨ BA

Người vốn chưa từng chết, mà cái tên chết nó đã có sẵn trên thân này rồi. Vì sao ? Bởi thần thức nó đi đầu thai mà gá nơi cõi thân tứ đại, thân này do có thần thức mà được lớn được mạnh, nên gọi đó là sinh. Lúc thần thức lìa thân tứ đại, thời thân này do đây là hư hoại nên gọi đó là chết (tử).
Thần thức là gì ? Dụ như thân ta đây.
Thân tứ đại là gì ? Dụ như nhà ta ở vậy.
Ta có đi có đến nên nhà ta có thành có hoại.
Thế thì lúc sống đây, không phải là sống thiệt do thần thức đến, mà thân này hình như có sống vậy thôi. Lúc chết, cũng chẳng phải là chết hẳn, chỉ vì thần thức đi mà thân này phải tan ra vậy thôi. Song người sinh ở đời, ít ai được nhận thức cứ chấp cái thân tứ đại này thôi. Bởi chấp tứ đại này cho là thiệt có, là trường tồn, nên hy vọng việc sống, mà toan ghét sự chết, mê lầm đến thế, khá chẳng thương ư ?
Thần thức khi đi, từ đâu mà đi ?
Đáp rằng Tùy nghiệp duyên mà đi.
Hỏi Nghiệp duyên là gì ?
Do chỗ người tạo tác nghiệp lành hay dữ chi đó, thần thức đi theo duyên nghiệp, mà đầu thai chịu quả báo ấy, như người tạo nghiệp nhân gian (thọ tam quy, ngũ giới). Thần thức cũng tùy đó, mà đầu thai sinh trong loài người. Còn tạo nghiệp cõi thiên thượng (tu thập thiện) thời thần thức cũng tùy nơi đó, mà đầu thai sinh lên cõi trời.
Còn tạo nghiệp về cõi A tu la (cũng tu Thập thiện nhưng mà sân hận nhiều) thần thức cũng tùy nơi đó mà đầu thai sinh lại cõi A tu la. Còn tạo nghiệp trong ba đường ác (Tham, sân, si nhiều) thời thần thức cũng tùy nơi đó, mà đầu thai sinh vào trong ba đường ác (Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh). Thế là thần thức, tùy theo nghiệp duyên tạo tác mà luân hồi, mãi trong sáu thú, không hẹn thời kỳ nào ra khỏi vậy.
Song mà thần thức này, từ vô thỉ, nhẫn đến ngày nay, đầu thai đổi xác, chẳng đặng ở lâu một chỗ là vì lẽ gì ? Bởi do nghiệp ta gây tạo chẳng lâu, cho nên thần thức ở trong các thân này một thời kỳ ngắn ngủi rồi tùy nghiệp đi qua xác khác, giữ gìn thân khác đến khi nghiệp hết thần thức đi ra, thời thân hình phải hoại, hình hoại thời thần thức không chỗ nương tựa, vì không chỗ nương tựa nên tùy theo cái nghiệp trong đời này đã tạo, thần thức tùy nghiệp ấy mà đi đầu thai chịu xác khác (thân đời sau) vậy. Ví như người cấu tạo nhà cửa, rồi ở trong nhà cửa, người sắm đồ ẩm thực ắt hưởng sự ẩm thực, cho nên hễ tạo những nghiệp như thế nào thời ắt phải chịu quả báo cũng phải như thế ấy cả. Là lý tự nhiên vậy.
Thế thời đời này ta tạo những nghiệp gì đây há chẳng cẩn thận cho lắm ư ?
Như những người muốn chóng khỏi luân hồi, hằng lìa khổ não, không chi bằng để tâm nơi pháp môn niệm Phật cầu sinh về Tây phương Tịnh độ là cần hơn. Cho nên tôi (Vương Nhựt Hưu) xin các nhân giả chớ khá dần dà mà chẳng tu cho sớm vậy.
PHỔ KHUYẾN TU TRÌ
THỨ TƯ

Người sống trong bầu thế giới này, khác nào một cục bọt nổi trên mặt nước, có đó rồi không đó sinh diệt vô thường. Hoặc có người sống một tuổi hoặc có người sống hai tuổi, hoặc có người sống một mươi, hai mươi tuổi. May phước được bốn năm mươi, cũng đã khá, dù cho bảy mươi (gọi là thất thập cổ lai hy) cũng rất ít có.
Người đời chỉ thấy những người chưa già trước con mắt, chớ không biết xét những kẻ chưa già mà đã chết mất kia cũng lắm vậy. Huống chi trong thế gian này, không có cái gì mà không phải khổ, ngặt vì không để tâm suy xét cho nên không rõ biết vậy thôi, coi như trong lúc ta không vừa lòng, vẫn đã khổ rồi. Bằng gặp những việc vừa lòng, cũng không bao lâu, cha, mẹ, vợ, con, suôi gia, quyến thuộc hoặc tật bệnh chết mất, hoặc bị sát phạt, ly tán, hoặc mình tới hạn số một cách tình cờ (bất ngờ).
Xét lại đời sống, cả đời đâu đặng toàn thiện không chút tội ác ?
Vậy lấy việc trước con mắt dễ thấy mà nói Như tâm ta khởi một niệm bất chánh, nói một lời bất chánh, ngó cái vật bất chánh, nghe một tiếng bất chánh, làm một việc bất chánh, đâu không tội lỗi. Huống chi những vật ăn dùng, là thịt của chúng sinh, áo ta mặc sát hại tằm tơ mà có.
Hơn thế nữa, tội lỗi chẳng những ăn thịt, mặc tơ tằm chẳng tưởng thì thôi, tưởng ra thật khá ghê rợn vậy.
Từ nhỏ đến già, từ sinh đến chết, một đời chất chứa đã nhiều, buộc ràng nhiều lớp, không do đâu giải thoát. Sau khi nhằm mắt, chẳng khỏi theo nghiệp duyên mà đi, mờ mờ, mịt mịt biết ở chỗ nào ? Hoặc sa trong địa ngục, chịu các cực hình, hoặc sinh trong loài ngạ quỷ, lửa đói đốt thân, hoặc vào Tu la sân hận đầy bụng, dù có chút nghiệp lành, đặng sinh lên cõi trời hay trong cảnh người, hưởng hết phước báo rồi, cũng không khỏi luân hồi trở lại như cũ, trồi lặn chìm nổi, không thể biện ra vậy.
Duy có pháp môn niệm Phật cầu sinh về Tây phương Tịnh độ, là một con đường thẳng tắt mau ra khỏi luân hồi mà thôi.
Huống chi thân này khó đặng, vậy đương lúc chưa già không bệnh phải lo cho xong cái đại sự (sinh tử) này, phải thường nghĩ như vầy Ta từ vô lượng kiếp lại đây, đã từng trải trong vòng luân hồi lục đạo, mà chưa lúc nào biết được pháp môn này, cho nên không ra khỏi cảnh luân hồi lục đạo.
Ngày nay ta đã biết, đâu khá không tức thời làm đi, những người tuổi cao, vẫn nên cố gắng, còn người trẻ tuổi cũng chớ dần dà.
Khi mạng chung, đặng sinh về thế giới Cực Lạc rồi ngó lại thấy những người chết, vào âm phủ, ra mắt vua Diêm La chịu những việc cực hình ghê tởm. Cách nhau như trời với vực không thế đồng ngày mà nói vậy.
PHỔ KHUYẾN TU TRÌ
THỨ NĂM

Vậy như người vào trong một cái thành lớn, tất nhiên phải tìm chỗ ở yên, rồi mới trở ra làm việc, lúc chiều tối có chỗ về nghỉ ngơi.
Trước hết tìm chỗ ở yên là nghĩa tu pháp môn niệm Phật vậy. Đến khi chiều tối, là nghĩa cơn đại hạn (chết) nó tới rồi vậy. Có chỗ nghỉ ngơi, là nghĩa sinh trong hoa sen, khỏi sa vào ác thú vậy.
Lại như ta đi đường xa, trước phải sắm đồ che mưa, rủi gặp lúc trời mưa thời khỏi sự lo ướt át lang thang.
Trước sắm đồ che mưa là gì ? Là người tu Tịnh độ vậy. Rủi trời mưa là gì ? Là đại mạng sắp hết vậy.
Khỏi lo sự ướt át lang thang là gì ? Nghĩa là chẳng đến nỗi mà bị trầm luân trong ác thú chịu các sự khổ éo le vậy.
Vả chăng trước tìm chỗ ở yên, cũng không hại gì việc ra làm. Sắm đồ che mưa trước, cũng không ngại gì đi con đường xa. Người tu Tịnh độ cũng không ngại gì tất cả việc đời. Cớ sao người đời chẳng tu niệm ư ?
Chính tôi (Vương Nhựt Hưu) được biết có một người, ngày bình sinh phần nhiều tạo tội sát ngư; khi tuổi già mang bệnh, dường như chứng trúng phong. Tôi thương người kia gây tội ác mang bệnh khổ, bèn đến thăm. Tôi khuyên niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà Anh ta cằn nhằn chẳng chịu niệm, chỉ ngó tôi rồi nói chuyện phi pháp (bậy bạ).
Thế đâu chẳng phải là bị nghiệp ác nó chướng ngại (ngăn trở) ốm đau mê sảng ư ? Vậy mình chẳng hay hồi tâm niệm thiện (nghĩ nhớ việc lành), sau khi nhắm mắt đi rồi, sẽ lấy chi nương cậy ?
Cho nên người tu pháp môn niệm Phật đây, phải chóng hồi đầu cho sớm vậy.
Ở trong thế gian, ban ngày thì ắt phải có ban đêm, lạnh thì có nóng. Mỗi người ai cũng biết thì đấy không có dấu diếm đi đâu. Như nói Sống thì ắt phải có chết, mỗi người đều sợ mà tránh né, đến nỗi không dám nói ra, đứa trẻ hở miệng buông lời (tôi chết), thì cha mẹ la rầy, dừng nói tầm xàm, sao mà tệ thế ?
Ôi! Đâu có biết chỗ nói chết đấy, vốn chưa từng chết. Nhưng chỉ theo nghiệp duyên hết, là thần thức lìa khỏi xác thịt mà đi thế thôi.
Cho nên chúng ta cần tu Tịnh độ cầu sinh trong hoa sen để thọ cái thân như Phật, sống lâu vô cùng, và được thoát khỏi tất cả sự ưu bi, khổ não ở trong vòng sinh tử vậy!
PHỔ KHUYẾN TU TRÌ
THỨ SÁU

Người sinh về phẩm hạ, chính khi lâm chung tướng địa ngục hiện trước mắt, người đó chí tâm niệm mười câu Nam mô A Di Đà Phật, thời biến hình tướng địa ngục trở thành hoa sen, người đó cũng được sinh về Tịnh độ. Đây là do lòng từ bi của Đức Phật, chí thâm oai đức rất lớn, cho nên mới có tài năng như vậy.
Bài này nói mười câu niệm Phật chính lúc sinh tiền (khi còn sống), tự mình niệm mười câu Nam mô A Di Đà Phật. Chớ không phải lúc hậu thân (chết rồi), thỉnh người khác niệm thế vậy.
Sinh tiền mình niệm, khi lâm chung có Phật cùng Bồ Tát thân hành đến tiếp rước, cho nên quyết chắc sinh về Tịnh độ. Còn thân hậu thỉnh người khác niệm, thì tôi (Vương Nhựt Hưu) chưa biết được!
Kinh Nhân Quả nói Thân hậu, thỉnh người khác niệm, làm phước độ vong, thì trong bảy phần công đức, vong chỉ được một phần; còn sinh tiền (lúc chưa chết), mình tự niệm, thời trăm ngàn phần mình hưởng trọn trăm ngàn phần.
Người đời tội gì mà không chính lúc sinh tiền, mỗi ngày niệm mười câu hiệu Phật, hà tất đợi khi chết, mới rước thầy niệm Phật thế cho ư ?
Lại nữa! Sắt đá tuy nặng, nhưng nhờ sức ghe tàu chở qua sông to cũng đặng. Còn một cây kim tuy nhỏ, nếu không nhờ tàu, bè, dù sông nhỏ cũng không thể qua. Nghĩa là nói người tuy có tội nặng, nhưng nhờ sức chư Phật hộ trì, đặng về Tịnh độ. Còn người tội ác tuy ít (nhẹ), nếu không nhờ chư Phật hộ trì, thì Tịnh độ khó sinh.
Lại nữa! Như người cả một đời làm ác một bữa thôi làm, cũng trở thành người thiện, người hồi tâm hướng thiện niệm Phật, nhờ Phật hộ trì, tội ác được tiêu, cũng lại như vậy.
Lại nữa! Như con kiến, con rận muôn đời muôn kiếp có lúc nào đi tới được ngàn dặm. Song nếu nó đeo trong thân áo người, dù ngàn dặm cũng có thể tới. Nhờ sức hộ trì chư Phật được sinh về Tịnh độ, cũng in như vậy. - Xin chớ nghi!
Người có tội ác, hồi tâm niệm Phật mà không muốn vãng sinh một mình mình, tâm chỉ muốn thấy Phật, đắc đạo rồi, trở lại độ tất cả, những kẻ oán người thân, cũng đều đặng vãng sinh, thời không có một người nào mà chẳng đặng sinh về vậy.
Kẻ hoặc (có người nghi) hỏi Người thuở bình sinh làm ác, sát hại chúng sinh, ngược đãi dân lành, khi chết niệm Phật, cũng được vãng sinh, thì như những chúng sinh bị sát, bị khổ kia, nó sẽ ôm lòng uất hận (ức) biết bao giờ nguôi phai thì sao ?
Đáp rằng Miễn ta sinh về Tịnh độ, sau khi đắc đạo rồi trở lại độ tất cả, kẻ oán, người thân, cũng đồng về nước an dưỡng.
Đâu không hơn những kẻ gây thù kết hận, oan oan tương báo, rốt cuộc mình và người cả hai đều lặn hụp trong khổ luân hồi, không biết đến kiếp nào hẹn ra ư ?
PHỔ KHUYẾN TU TRÌ
THỨ BẢY

Tôi (Vương Nhựt Hưu) lập cái thuyết Tịnh độ muốn khuyên tất cả, kẻ thấy người nghe, phát tâm quảng đại (rộng lớn) lấy tâm Phật làm tâm mình, khiến cho mọi người đều biết đó, đồng sinh về Tịnh độ. Phải đem tâm tưởng rằng Pháp môn này, nếu người biết đó, cũng như mình biết đó, đâu không khoái (mừng) ư ? Bằng người không biết, cũng như mình không biết, há chẳng buồn ư ?
Chẳng phải để tu riêng một mình mình. Nếu tu riêng một mình mình, thời là chúng Thanh Văn, Phật gọi là bậc Tiểu thừa.
Tiểu là nhỏ. Thừa là cỗ xe, hay thừa là chở. Nghĩa là Người tu Tiểu thừa, dụ như cỗ xe rất nhỏ, chỉ chở được một mình mình mà thôi. Phật nói người này, là người đoạn hột giống của Phật. Vì tu theo lối ích kỷ vậy (lợi cho mình).
Còn người phát tâm rộng lớn khuyên tất cả mọi người đồng tu, thời gọi là Đại thừa Bồ Tát. Ví như cỗ xe rất lớn, chở luôn cả mình và người đồng đi đến chỗ cứu cánh, quả vị các Đức Phật.
Cho nên phước báu của người này, cũng đặng to tát đến vô lượng vô biên. Mười phương hằng hà sa số các Đức Phật, Đức Phật nào cũng đều khen ngợi công đức Phật A Di Đà, là bất khả tư nghì. Nghĩa là Không thể lấy tâm suy nghĩ, không thể dùng lời nói mà luận bàn được vậy.
Công đức to lớn như thế, không thể mô tả cho cùng tận. Cho nên chỉ mượn hai chữ mà tung hô rằng “Tột bậc”. Song công đức to lớn tột bậc như thế, thì ra làm việc chi mà lại không đặng ?
Cho nên khuyên đặng một người tu pháp môn Tịnh độ, nhờ duyên lành này, tiêu mòn tội ác cũng đặng vậy, chẳng những tiêu tội ác, mà lại tăng cao phước và thọ nữa.
Chẳng những tăng cao phước thọ, mà cũng có thể thành tựu công đức vãng sinh về cõi Tịnh độ. Chẳng những được vãng sinh về cõi Tịnh độ, mà cầu cho vong giả vãng sinh về cõi Tịnh độ nữa cũng được vậy.
Song cần phải chí thành chú nguyện mới đặng công đức, và đặng vãng sinh về cõi Tịnh độ. Xem như trong truyện ông Phòng Chữ thời biết vậy (ông Phòng Chữ là tội nặng niệm Phật cũng được vãng sinh lên quả vị bất thối).
Huống chi khuyên đặng một người, nhẫn đến năm người, mười người ư! Ta khuyên người, rồi bảo người lần lựa khuyên rộng ra nữa. Đời đời bất tuyệt như thế thì cái thuyết Tây phương, rải rác khắp cùng trong thiên hạ, tất cả chúng sinh trong bể khổ cũng đều đặng sinh về Tịnh độ hết vậy.
Khuyên người làm đạo lành, gọi là Pháp thí. Mà pháp môn Tịnh độ này là một môn Pháp thí đứng đầu trong các Pháp thí. Và muốn ra khỏi luân hồi không chi bằng môn Pháp thí này vậy.
Cho nên phước báu của sự thí pháp chẳng khá nói cho cùng tột vậy.
Ngài Đại Từ Bồ Tát làm bài kệ khuyên người tu Tịnh độ như vầy
Năng khuyến nhị nhân tu,
Tỷ tự tỷ tinh tấn,
Khuyến chí thập dư nhân
Phước đức kỷ vô lượng.
Nghĩa là
Khuyên đặng hai người tu,
Sánh bằng mình tinh tấn.
Khuyên đặng hơn mươi người,
Phước đức mình vô lượng.
Và câu
Như khuyến bá dư thiên,
Danh vi chân Bồ tát.
Hựu năng quá thử số,
Tức thị A Di Đà.
Nghĩa là
Bằng khuyên trăm nghìn người,
Gọi ông chân Bồ Tát.
Lại khuyên hơn số ấy,
Tức Phật A Di Đà.
Xem đây thời biết, cái thuyết Tây phương Tịnh độ há không dùng tâm rộng lớn. Khuyến hóa mọi người, đồng biết pháp môn này để chứa nhóm vô lượng phước báu hay sao ?
PHỔ KHUYẾN TU TRÌ
THỨ TÁM

Vả như thấy người đói, ta cho họ một bữa ăn. Người lạnh khổ ta giúp một cái áo, đã là ơn lớn rồi.
Huống chi chúng sinh trầm luân trong lục đạo không có thời kỳ nào ra khỏi. Ta chỉ dạy pháp môn niệm Phật, khiến mau ra khỏi luân hồi, hưởng sự khoái lạc dài lâu vô cũng vô tận, ơn ấy đâu kể xiết ư ?
Kinh Kim Cang nói Nếu người dùng hằng hà sa đẳng thân mà bố thí. Như thế vô lượng trăm nghìn muôn ức kiếp phước đức lớn biết bao. Thế mà không bằng có một người nghe hiểu kinh điển này, tín tâm chẳng trái, thời phước đức lại nhiều hơn.
Vì sao ? Bởi đem thân bố thí, bất quá là hưởng phước báu cõi thế gian này, có khi phải hết.
Còn kẻ nghe hiểu kinh điển này, thời lần hồi tỏ ngộ chân tánh đặng phước không cùng không tột. Cho nên hơn là vậy.
Do đây tôi (Vương Nhựt Hưu) xét nghiệm, người tin Kinh Kim Cang còn được phước báu như thế. Bằng khuyên người tu Tịnh độ phước báu cũng như trên không kém thiếu vậy.
Vì sao ? Bởi tu pháp môn Tịnh độ, không còn luân hồi và đặng bậc Bất thối chuyển, thẳng đến thành Phật, quả vị cứu cánh viên mãn.
Huống chi người sinh về cõi kia rồi, dù chưa chứng quả Phật liền. Nhưng cũng chính là giai cấp đi lần lên quả Phật. Cho nên khuyên một người tu Tịnh độ, là thành tựu một chúng sinh thành Phật vậy.
Phàm những người thành Phật, tất nhiên phải độ vô lượng chúng sinh, mà những chúng sinh đắc độ kia, đều do ta làm đầu, thì lẽ cố nhiên phước báu ấy phải nhiều hơn những người đem hằng hà sa đẳng thân bố thí tới vô lượng trăm nghìn muôn ức kiếp chớ sao.
PHỔ KHUYẾN TU TRÌ
THỨ CHÍN

Phàm ta thọ ơn sư, hữu giáo huấn, ơn cha mẹ dắt dìu, ơn bè bạn lễ đưa, thảy đều khuyên bảo tu Tịnh độ, để đáp đền lại, nhẫn đến mang ơn tất cả người, hoặc có cái ơn cho ta uống một bát nước trà, hoặc giúp một lời nói, cùng tôi tớ có công lao hầu hạ.
Phàm chỗ ta thọ dụng, tất cả ân lực của người. Ta đều đem pháp môn này khuyên bảo, khiến cho họ thoát ly bể khổ, chẳng những người có ân với ta, mà là tất cả người ta biết, cùng không biết, quen cùng không quen, đều toan dạy một cách này mong cũng nhau sinh về Tịnh độ.
Chẳng những như đây. Xem như hồi thời kỳ Đức Phật Thích Ca còn tại thế, có một nước nhỏ khó giáo hóa. Phật nói Dân chúng ở quốc độ này, có nhân duyên với ông Mục Kiền Liên. Liền sai ông Mục Kiền Liên đến giáo hóa, thì người trong nước ấy, đều rắc rắc phục tùng theo lời nói của ông Mục Kiền Liên.
Cô người hỏi Phật rằng Những người trong quốc độ ấy, với ông Mục Kiền Liên có nhân duyên như thế nào ? Phật dạy Hồi đời trước ông Mục Kiền Liên làm ông tiều đốn củi làm kinh động một bầy ong trong núi. Ông Mục Kiên Liên phát lời thệ rằng Sau khi ta đắc đạo, nguyện độ hết bầy ong này. Nay dân chúng trong thành đây, chính là bầy ong hồi đó vậy. Vì ông Mục Kiền Liên phát lời nguyện đó, cho nên nay có nhân duyên này.
Do đây mà xem đó, chẳng những ta đối với tất cả người khuyên tu Tịnh độ, mà là với tất cả cầm thú bay chạy, cho đến loài mối, kiến, muỗi, mòng, phàm có hình tướng mà có thể thấy được đó, ta đều niệm Nam mô A Di Đà Phật vài tiếng phát lời thiện thệ rằng Các ngươi chúng sinh, đều sinh về thế giới Cực Lạc, sau khi ta đắc đạo, độ hết các ngươi.
Chẳng phải đối với loài có hình tướng ta thấy được mà loại hình tướng không thấy được ta cũng phải như thế cả.
Như vậy, thì thiện niệm ta được thuần thục. Đối với tất cả chúng sinh đều có nhân duyên. Ta sinh lên bậc thượng phẩm, sinh lên bậc thượng phẩm rồi, trở lại trong cõi này, hóa độ mọi người. Bấy giờ không có một ai mà không ưa thích và phục tùng lời nói của ta vậy.
Cho nên có câu Nói một lời người nghe một vạn là thế.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
HẾT QUYỂN BA

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 12 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.188.195.90 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập