Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phẩm Thân niệm xứ thứ tư.
Lại nữa, người tu hành quán nội thân trên thân xem có những gió gì ở trong thân, điều hòa hay không điều hòa, hoạt động như thế nào? Dùng văn huệ hay thiên nhãn quán sát, vị ấy thấy có một loại gió tên “phá hoại mùi vị” ở trong thân. Gió này nếu không điều hòa gây những bệnh gì? Dùng văn huệ hay thiên nhãn quán sát, vị ấy thấy gió “phá hoại mùi vị” khi không điều hòa làm cho loài trùng ưa thích vị ngọt trong lưỡi của người hoạt động. Vì loài trùng này hoạt động, làm cho con người không thể ăn tất cả những món ăn ngon được ưa thích. Do không ăn nên thân thể họ yếu gầy, không thể đọc tụng, tu học, thiền định và tu các pháp lành. Thân không điều hòa, tâm không ưa nghe chánh pháp. Danh sắc làm duyên cho nhau mà tồn tại, giống như bó trúc dựa vào nhau mà đứng vững. Đó gọi là sức nương dựa vào nhau. Như vậy, danh sắc đều nương vào nhau, sự vận hành của các uẩn nhờ thức ăn mà tồn tại, như nước trộn với bột khô được gọi là hồ. Mỗi thứ đều tạo sức lực, nhờ đó danh sắc tồn tại. Nếu gió “phá hoại mùi vị” điều hòa thì không có các bệnh vừa kể trên. Quán sát gió “phá hoại mùi vị” rồi, người tu hành biết thân một cách rõ ràng.
Lại nữa, người tu hành quán nội thân trên thân xem có những gió gì ở trong thân? Chúng điều hòa hay không điều hòa? Hoạt động như thế nào? Dùng văn huệ hay thiên nhãn quán sát, vị ấy thấy có một loại gió tên là “gây bệnh phổi” ở trong thân. Gió này không điều hòa sẽ gây bệnh gì? Dùng văn huệ hay thiên nhãn quán sát, vị ấy biết được gió này lúc không điều hòa thì khi ăn khó tiêu hóa, ban đêm thì bị đau nhức, làm cho thức ăn theo hơi thở cho đến lúc thức ăn tiêu hóa. Cứ như vậy làm cho toàn thân đều mất sức, mạch máu như lưới đan chéo nhau. Nếu gió này điều hòa thì không có các bệnh đã nói trên. Người tu hành quán sát gió “gây bệnh phổi” rồi, biết thân rõ ràng.
Lại nữa, người tu hành quán nội thân trên thân xem có những gió gì ở trong thân? Chúng điều hòa hay không điều hòa? Hoạt động như thế nào? Dùng văn huệ hay thiên nhãn quán sát, vị ấy thấy có một loại gió tên là “gió tạo mùi đi ở trên”. Gió này nếu không điều hòa gây những bệnh gì?Dùng văn huệ hay thiên nhãn quán sát, vị ấy thấy “gió tạo mùi đi ở trên” làm cho thân, mũi và miệng có mùi hôi thối. Gió này hay làm cho hơi hôi thối thoát ra ngoài lỗ chân lông, từ Thục tạng xông đến Sanh tạng và làm cho toàn thân cứng đờ, rất khó chịu, ăn vào không thể tiêu hóa được, không thể ngồi thiền. Từ ban ngày mãi đến ban đêm đều không thể tu tập pháp lành. Nếu “gió tạo mùi đi ở trên” điều hòa dễ chịu thì không có các bệnh vừa kể trên. Người tu hành quán sát “gió tạo mùi đi ở trên” rồi, biết thân rõ ràng.
Lại nữa, người tu hành quán nội thân trên thân xem có những gió gì ở trong thân? Chúng điều hòa hay không điều hòa? Hoạt động như thế nào? Dùng văn huệ hay thiên nhãn quán sát, vị ấy thấy có một loại gió tên là “nơi đại tiện”. Gió này nếu không điều hòa thì gây những bệnh gì? Dùng văn huệ hay thiên nhãn quán sát, vị ấy thấy được gió “nơi đại tiện” nếu không điều hòa thì ba phần thịt nổi lên mụt nước, tạo thành bệnh trĩ, máu ở bên dưới giống như màu nước đậu đỏ, thân thể nóng sốt mê man, ưa thích ngủ nghỉ, gân và mạch máu co lại, ăn không tiêu, lưỡi không nếm biết mùi vị. Nếu gió này điều hòa thì không có những bệnh này. Quán sát gió đại tiện xứ rồi, vị ấy biết thân rõ ràng.
Lại nữa, người tu hành quán nội thân trên thân xem có những gió gì ở trong thân? Chúng điều hòa hay không điều hòa? Hoạt động như thế nào? Dùng văn huệ hay thiên nhãn quán sát, vị ấy thấy có một loại gió tên là “làm quên lãng” ở trong thân. Gió này điều hòa thì gây những bệnh gì? Còn nếu không điều hòa thì sao? Dùng văn huệ hay thiên nhãn quán sát, vị ấy thấy gió “làm quên lãng” nếu không điều hòa thì làm cho ý nghĩ quên sót, phần nhiều quên lãng việc tu tập tụng kinh, không ghi nhớ được bốn phương, những cái thấy đều sai lầm, không nhớ được những việc đã qua, ăn vào cảm thấy đói liền nhưng không thể ăn nữa. Lông trên thân thô nhám, móng tay móng chân cũng vậy. Thân thể không chịu được sự nóng lạnh, quên dần mọi việc. Nếu gió này điều hòa thì không có các bệnh như trên. Quán sát gió “làm quên lãng” rồi, vị ấy biết thân rõ ràng.
Lại nữa, người tu hành quán nội thân trên thân xem có những gió gì ở trong thân? Chúng điều hòa hay không điều hòa? Hoạt động như thế nào? Dùng văn huệ hay thiên nhãn quán sát, vị ấy thấy ở trong thân có một loại gió gọi là “làm phát sanh sức lực”. Nếu gió này không điều hòa thì gây những bệnh gì? Dùng văn huệ hay thiên nhãn quán sát, vị ấy thấy gió “phát sanh sức lực” nếu không điều hòa thì dẫu có ăn nhiều thức ăn bổ dưỡng nhưng thân thể vẫn thường không có sức khỏe, như chất độc phá hoại thân thể, và gió này không điều hòa nên có những bệnh trên. Nếu gió này điều hòa thì không gây bệnh. Quán sát “gió phát sanh sức lực” rồi, vị ấy biết thân rõ ràng.
Lại nữa, người tu hành quán nội thân trên thân xem có những gió gì ở trong thân? Chúng điều hòa hay không điều hòa? Hoạt động như thế nào? Dùng văn huệ hay thiên nhãn quán sát, vị ấy thấy có một loại gió tên là “sanh sức lực cho thân tâm” ở trong thân. Gió này nếu không điều hòa thì gây những bệnh gì? Dùng văn huệ hay thiên nhãn quán sát, vị ấy thấy “gió làm phát sanh sức lực cho thân tâm”, nếu điều hòa thì so với lúc trong thai, thân tâm dần dần mạnh thêm và làm cho tâm bạo dạn, biết được việc nên làm và không nên làm. Những việc làm cũ đều có thể nhớ biết, tới lui đến dừng đều mạnh dạn không sợ hãi. Chịu được các sự khổ nhọc khi đói khát và những lúc nóng lạnh. Thân thể sung mãn, tóc bạc đúng lúc. Nếu gió này không điều hòa thì sẽ mất đi những điều trên. Quán sát “gió làm phát sanh sức lực cho thân tâm” rồi, vị ấy biết thân rõ ràng.
Lại nữa, người tu hành quán nội thân trên thân xem có những gió gì ở trong thân? Chúng điều hòa hay không điều hòa? Hoạt động ra sao? Dùng văn huệ hay thiên nhãn quán sát, vị ấy thấy có một loại gió tên là “ngăn cản lời nói ở yết hầu” ở trong thân. Gió này nếu không điều hòa thì gây những bệnh gì? Dùng văn huệ hay thiên nhãn quán sát, vị ấy thấy “gió làm ngăn cản lời nói ở yết hầu” nếu không điều hòa thì làm cho thân bệnh hoạn. Ngoài ra lúc không điều hòa, gió này còn làm cho người bị câm, hoặc làm cho tai điếc, hoặc làm tay chân co quắp, hoặc làm cho lưng còng, hai mắt mù đui. Vì gió này không điều hòa nên gây ra những bệnh trên. Quán sát “gió làm ngăn cản lời nói ở yết hầu” rồi, vị ấy biết thân rõ ràng.
Lại nữa, người tu hành quán nội thân trên thân xem có những gió gì ở trong thân? Chúng điều hòa hay không điều hòa? Hoạt động như thế nào? Dùng văn huệ hay thiên nhãn quán sát, vị ấy thấy có một loại gió tên là “ngủ nghỉ”. Nếu gió này không điều hòa thì gây ra những bệnh gì? Dùng văn huệ hay thiên nhãn quán sát, vị ấy thấy gió “ngủ nghỉ” nếu không điều hòa thì thấy sai lầm não loạn mạch máu, làm cho chúng chuyển động thay đổi, tất cả gân cốt đều đau nhức. Quán sát “gió ngủ nghỉ” rồi, vị ấy biết thân rõ ràng.
Lại nữa, người tu hành quán nội thân trên thân xem có những gió gì ở trong thân? Chúng điều hòa hay không điều hòa? Hoạt động như thế nào? Dùng văn huệ hay thiên nhãn quán sát, vị ấy thấy có một loại gió tên là “giữ gìn mạng sống” ở trong thân. Gió này hoặc điều hòa hoặc không điều hòa gây những bệnh gì? Dùng văn huệ hay thiên nhãn quán sát, vị ấy thấy gió “giữ gìn mạng sống” nếu không điều hòa thì làm cho người bị mất mạng, bỏ hết hiểu biết. Gió này là thân mạng thứ hai của tất cả chúng sanh hay giữ gìn ở trong thân, nương vào thức tâm. Do không điều hòa nên gió này làm mất mạng người. Gió này nương dựa, giữ gìn tất cả mạng căn của chúng sanh. Nếu gió này điều hòa thì không bị mất mạng. Quán sát “gió giữ gìn thân mạng” rồi, vị ấy biết thân rõ ràng.
Lại nữa, người tu hành quán nội thân trên thân xem có những gió gì ở trong thân? Chúng điều hòa hay không điều hòa? Hoạt động như thế nào? Dùng văn huệ hay thiên nhãn quán sát, vị ấy thấy ở trong thân có một loại gió tên là “phá hoại toàn thân”. Gió này nếu không điều hòa thì gây những bệnh gì? Dùng văn huệ hay thiên nhãn quán sát, vị ấy thấy gió “phá hoại toàn thân” ban đầu vào trong thai, do sức của gió này làm cho thân thể hư hoại, tổn thương, thân co quắp, lưng gù, ngực lồi, xương chân cong quẹo. Nếu gió này điều hòa thì không có các bệnh này. Quán sát “gió phá hoại thân” rồi, vị ấy biết thân rõ ràng.
Lại nữa, người tu hành quán nội thân trên thân xem có những gió gì ở trong thân? Chúng điều hòa hay không điều hòa? Hoạt động như thế nào? Dùng văn huệ hay thiên nhãn quán sát, vị ấy thấy ở trong thân có một loại gió tên là “giữ gìn da”. Gió này gây những bệnh gì? Dùng văn huệ hay thiên nhãn quán sát, vị ấy thấy “gió giữ gìn da” nếu tiếp xúc với gió bên ngoài hoặc lạnh hoặc nóng, hoặc thơm hoặc hôi, hoặc dưới hoặc trên, hoặc sức gió mạnh, hoặc sức gió yếu thì tùy theo lúc tiếp xúc, gió này đều hay biết. Quán sát “gió giữ gìn da” rồi, vị ấy biết thân rõ ràng.
Lại nữa, người tu hành quán nội thân trên thân xem có những gió gì ở trong thân? Dùng văn huệ hay thiên nhãn quán sát, vị ấy xa lìa cấu nhiễm, duyên với thanh tịnh, xa lìa nghi ngờ, vượt qua nghi ngờ, vượt qua cánh đồng mênh mông, như thật không còn nghi ngờ, biết chắc ở trong thân này không còn có một loại gió nào khác. Gió này tụ tập, hòa hợp như gió này chuyển động duyên với căn giới, cùng nghiệp phiền não hòa hợp mà tồn tại, được giữ gìn ở trong thân, hoặc là bị trở ngại. Người tu hành ấy xem khắp các loại gió ở trong toàn thân, biết một cách đầy đủ rồi, chán ghét xa lìa tâm tham muốn, ái dục không thể phá hoại được, không rơi vào cảnh ma, tiến gần đến Niết-bàn, đem mặt trời trí huệ phá tan đêm tối tham - sân - si lưu chuyển từ vô thỉ, xa lìa cánh đồng nghi ngờ, không đắm nhiễm sắc, thanh, hương, vị, xúc và ở trong cảnh giới như thật thấy rõ: Tất cả ba cõi thảy đều vô thường, khổ, không, vô ngã; như thật thấy vua chúa, Bà la môn, trưởng giả, Tỳ kheo tu hành nơi thôn xóm, như thật biết những vị này ưa tu pháp niệm thân, biết được pháp sanh diệt, không nhớ nghĩ các pháp quán khác. Quán sát toàn thân rồi, vị ấy biết được tất cả sự trói buộc và đi đến sự giải thoát.
Lại nữa, người tu hành lại dùng các pháp khác quán sát thân này, biết được thân này sẽ bị hoại diệt tan biến. Vì sao thân này sẽ tan hoại? Khi qua đời, vì sao trùng gió có thể phá hoại thân này? Vì sao não loạn? Đối với tất cả cảnh giới bao giờ qua đời? Vì sao có gió thổi ở trên, ở dưới, gió thổi thuận, thổi nghịch?
Như vậy, Tỳ kheo quán sát nội thân trên thân. Dùng văn huệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy: khi người sắp qua đời, tất cả các loài trùng bị não loạn trước, trùng đã chết rồi người mới chết. Tất cả các pháp hữu vi nhất định sẽ tan hoại. Như vậy, lúc chết chắc chắn phải có sự đáng sợ khó tránh này.
Như vậy, Tỳ kheo quán sát ở trong đầu có mười loại trùng bị gió diệt:
Một, gọi là trùng ở trong đảnh đầu, bị gió có móng vuốt giết hại.
Hai, gọi là trùng ở trong não, bị gió có chân ở hai bên làm hại.
Ba, gọi là trùng xương đầu lâu, bị gió bất giác giết hại.
Bốn, gọi là trùng ăn tóc, bị gió phá xương giết hại.
Năm, là trùng đi trong lỗ tai, bị loại gió đi trên đất giết hại.
Sáu, là loại trùng làm chảy nước mắt nước mũi, bị gió đi theo gót chân làm hại.
Bảy, là trùng đi trong mỡ, bị gió trong cẳng chân giết hại.
Tám, là trùng làm nhức răng.
Chín, là trùng ăn nước miếng, bị gió phá gân tay chân giết hại.
Mười, là trùng ăn chân răng, bị gió phá xương cốt giết hại.
Lại có mười loại trùng đi trong yết hầu bên dưới vào trong lồng ngực, bị gió giết hại. Mười loại trùng đó là:
Một, gọi là trùng ăn nước miếng, bị gió phá sức giết hại.
Hai, gọi là trùng gây ngủ nghỉ.
Ba, gọi là trùng gây nôn mửa.
Bốn, gọi là trùng vận hành mười loại mùi vị trong mạch máu, bị gió chuyển động giết hại.
Năm, gọi là trùng say mê vị ngọt, bị gió hại gân giết hại.
Sáu, gọi là trùng ưa sáu thứ mùi vị, bị gió phá lông móng tay, móng chân và phẩn giết hại.
Bảy, gọi là trùng tạo khí, bị gió theo đường chính giết hại.
Tám, gọi là trùng ghét mùi vị, bị gió phá hoại giết hại.
Chín, gọi là trùng ưa nghủ nghỉ, bị gió trong bào thai giết hại.
Lại có mười loại trùng ở trong máu, bị gió giết hại:
Một: trùng ăn lông, bị gió làm khô phẩn giết hại.
Hai: Trùng đi trong lỗ, bị gió hai bên giết hại.
Ba: Trùng quét đất, bị gió trong sáu lỗ giết hại.
Bốn: Trùng đỏ bị gió cắt thân thể giết hại.
Năm: Trùng giun mẹ bị gió cắt toàn thân giết hại.
Sáu: Trùng lông đèn bị gió cắt toàn thân giết hại.
Bảy: Trùng ăn tóc.
Tám: Trùng ăn máu, bị gió phá sức khỏe giết hại.
Chín: Trùng gây tê liệt, bị gió làm toàn thân chuyển động giết hại.
Mười: Trùng tạc, bị gió nóng giết hại.
Trùng này sanh ra ở trong máu, thân hình ngắn, tròn trùng trục, không có chân, nhỏ bé, không có mắt, hay làm thân thể ngứa ngáy, nhúc nhích cả ngày không yên. Trùng này tạo vị mặn. Khi con người chết thì các loại trùng này đã bị gió giết chết rồi. Máu bị khô thì con người sẽ chết. Thế nên người đời nói: “Người chết không có máu”.Máu sắp khô thì khổ não vô cùng. Con người khi sắp chết thì trong lòng rất sợ hãi, chịu khổ vô cùng, lo sợ phải bỏ thân này sanh đến một nơi khác, xa lìa bà con thân thuộc, bạn bè tri thức, anh em, vợ con và của cải. Chỉ vì vô trí, si mê, tham ái, bị các kiết sử ái dục trói buộc, không có ai cứu giúp, chẳng có một người bạn hiểu đạo, chỉ một mình chịu khổ. Khắp thân thể mạch máu khô kiệt, thân và tâm chịu khổ hoạn vô cùng.
Lại nữa, người tu hành quán thân trên thân xem có những loại trùng nào bị giết hại và chịu những khổ não gì? Dùng văn huệ hay thiên nhãn quán sát, vị ấy thấy có mười loại trùng sống ở trong thịt là:
1/ Trùng sanh bệnh nhọt, bị gió vận hành giết hại.
2/ Trùng châm chích, bị gió trên dưới giết hại.
3/ Trùng chặn các đường gân, bị gió mạng sống giết hại. Vì sao gọi là gió mạng sống? - Vì nếu gió này ra khỏi thân thì người chết liền, cho nên gọi gió này là gió mạng sống.
4/ Trùng làm các mạch máu hoạt động, bị gió khai thông giết hại.
5/ Trùng ăn da, bị gió làm loạn tâm giết hại.
6/ Trùng làm mỡ hoạt động, bị gió não loạn giết hại.
7/ Trùng cùng tập hợp, bị gió nháy mắt giết hại.
8/ Trùng tạo mùi hôi. Khi có người sắp chết, loại trùng này bị năm loại gió ngăn chặn giết hại.
Lại nữa, người tu hành quán thân trên nội thân xem tại sao khi chết thì mồ hôi trắng xuất ra? Như vậy, các loại trùng vận hành trong năm ấm vì sao bị gió hại? Người tu hành quán xét mười loại trùng vận hành trong năm ấm. Mười loại trùng đó là:
1- Trùng gây bệnh tê liệt, bị gió phá hoại thai tạng giết hại. Hoặc người nam, hoặc người nữ khi sắp chết thì gió này cắt đứt mạch máu.
2- Trùng làm dáng mạo gầy ốm, bị gió chuyển thai tạng giết hại, hoặc con trai, hoặc con gái làm cho mất đi khí lực, hoặc trong miệng tiết ra một chất sắc vàng giống như màu hoàng kim.
3- Trùng miêu hoa, bị gió tới lui qua lại giết hại.
4- Trùng đại xiểm.
5- Trùng đi trong lỗ hang.
6- Trùng đen.
7- Trùng ăn nhiều.
8- Trùng tạo ra nóng sốt, bị gió làm hư mắt, tai, mũi, lưỡi và thân giết hại. Theo thứ lớp như vậy.
9- Trùng rất nóng, bị gió đao giết hại.
10- Trùng ăn mùi vị, bị gió châm chích giết hại.
11- Trùng lửa, bị gió sắc vàng xấu giết hại.
12- Trùng lửa lớn bị gió phá ruột giết hại.
Lại nữa, người tu hành quán thân trên thân thấy trùng xương cốt khi chết bị gió gì giết hại. Dùng văn huệ hay thiên nhãn thấy phần xương bên trong của toàn thân có mười loại trùng. Mười loại trùng đó là:
1/ Trùng liếm xương, bị gió hoàng quá giết hại.
2/ Trùng ăn mòn xương, bị gió lạnh giết hại.
3/ Trùng cắt đứt gân, bị gió làm tổn thương tủy giết hại.
4/ Trùng miệng đỏ có mùi hôi, bị gió làm hại da giếthại.
5/ Trùng làm rã xương, bị gió làm hại máu giết hại.
6/ Trùng miệng đỏ, bị gió làm hại thịt giết hại.
7/ Trùng ăn da, bị gió làm hại xương giết hại.
8/ Trùng tạo gió đao, bị gió hại tinh giết hại.
9/ Trùng miệng đao, bị gió làm da nhăn giết hại.
Lại nữa, người tu hành quán thân trên thân, xem trùng ở trong phẩn khi chết bị những loại gió gì giết hại. Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy có mười loại trùng, đó là:
1- Trùng sinh sản, bị gió phát sanh sức lực giết hại.
2- Trùng chích vào miệng, bị gió làm hại mồ hôi giết hại.
3- Trùng gân trắng bị gió chà xát giết hại.
4- Trùng không chân bị gió làm hại mồ hôi giết hại.
5- Trùng không chân bị gió ăn cùng nhau giết hại.
6- Trùng làm tan phẩn bị gió làm hư răng giết hại.
7- Trùng tam tiêu, bị gió cổ họng và mạch máu giết hại.
8- Trùng làm ăn không tiêu bị gió đi ở trên giết hại.
9- Trùng vàng bị gió hai bên giết hại.
10- Trùng tiêu hóa thức ăn khó tiêu, bị gió giúp đỡ gân giết hại.
Gió và trùng này làm cho phẩn khô, não loạn các giới chuyển động lẫn nhau, xung đột chống phá lẫn nhau. Gió đều đi ở trên, não loạn thân giới rồi phá hoại cắt đứt luồng hơi, rối loạn thân thể, làm thân thể khô gầy. Sức gió mạnh mẽ sẽ giết chết thân. Khi người chết chịu khổ não vô cùng, không thể lấy một việc gì làm thí dụ được.
Tất cả người đời đều phải bị chết, nhất định không có nghi ngờ.
Lại nữa, người tu hành quán nội thân trên thân, xem trùng ở trong tủy, khi sắp chết bị gió nào giết hại? Dùng văn huệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy trong tủy có mười loại trùng. Mười loại trùng đó là:
1/ Trùng lông bị gió hại tủy giết hại.
2/ Trùng miệng đen bị gió tợ như gió nhỏ giết hại.
3/ Trùng không có sức bị gió làm ngủ không yên giấc giết hại.
4/ Trùng đau đớn khổ não bị gió không nhẫn nhịn giết hại.
5/ Trùng làm tâm phiền muộn bị gió danh tự giết hại.
6/ Trùng màu lửa, bị gió trói chặt giết hại.
7/ Trùng trơn láng bị gió phổi giết hại.
8/ Trùng dòng dưới bị gió đi ở trên có mùi hôi giết hại.
9/ Trùng phát khởi thân căn bị gió đi ở nơi dơ bẩn giết hại.
10/ Trùng nhớ nghĩ vui vẻ bị gió quên mất chánh niệm giết hại.
Lại nữa, người tu hành quán nội thân trên thân đã thấy được vô thường, biết tịnh vô ngã rồi, thấy một con trùng bị gió hại phổi giết hại. Như vậy, những con trùng khác khi sắp chết cũng bị gió giết hại.
Như vậy, Tỳ kheo quán thân trên thân, dùng Vô lậu minh đoạn trừ được sự tối tăm mê mờ lưu chuyển từ vô thỉ, cuối cùng thường tịch diệt. Do nghiệp tương tợ ở thế gian mà đắc được pháp này. Cũng nhờ vị ấy tri tập bảy pháp chánh niệm từ lâu nên hiện tiền thấy được như vậy. Bảy pháp chánh niệm đó là:
1/ Niệm Phật
2/ Niệm pháp
3/ Niệm Tăng
4/ Niệm giới
5/ Niệm thiên
6/ Niệm chết
7/ Niệm vô thường.
Lại nữa, người tu hành quán thân trên nội thân xem chết có bao nhiêu loại làm phá hoại tất cả nghiệp? Dùng văn huệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy bốn cách chết, đó là do:
1/ Địa đại không điều hòa
2/ Thủy đại không điều hòa
3/ Hỏa đại không điều hòa
4/ Phong đại không điều hòa.
Vì sao địa đại không điều hòa làm mất mạng sống?
- Khi địa đại không điều hòa thì hơi gió trong thân làm cho địa đại cứng lại, toàn thân bế tắc, phá hoại và gây khổ não lẫn nhau. Thí như giữa hai ngọn núi rắn chắc như kim cương, đặt một miếng bơ, có một luồng gió lốc thổi vào hai ngọn núi này làm chúng va chạm lẫn nhau, ép miếng bơ lại. Địa đại và phong đại giống như hai ngọn núi kia, tất cả thân mạng, da thịt, xương máu, mỡ tủy và tinh khí chứa đầy trong thân hình nhỏ bé này, giống như miếng bơ bị địa đại và phong đại đè ép phá hại, làm thân giới khổ não vô cùng, không thể niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Thân hiện ấm sắp chấm dứt thì thân trung ấm trói buộc nối theo nhau liên tục không dừng. Tất cả những kẻ phàm phu ngu si do tâm làm nhân duyên nên sanh tử liên tục, như dấu ấn của con dấu, chết cũng như vậy. Thân đời này sắp hết nhưng do tâm tương tục nên sự sống cũng tiếp nối, do sức của tâm như khỉ vượn nên chịu sự sanh tử liên tục.
Lại nữa, người tu hành quán nội thân trên thân xem khi chết tại sao thủy đại không điều hòa, làm cho ta và tất cả phàm phu ngu si mất thân mạng? - Dùng văn huệ hay thiên nhãn quán sát, vị ấy thấy thủy đại không điều hòa, làm cử động thân thể, gân mạch, da thịt, xương cốt, máu, mỡ, tủy và tinh khí. Ta và chúng sanh khi sắp chết thì tất cả đều bị thối nát, máu mủ chảy ra, gây khổ não lẫn nhau, tất cả đều chuyển động như hai ngọn núi đè ép nhau như đã nói ở trước. Đem miếng bơ đặt trong lòng biển lớn, miếng bơ bị gió lốc thổi, sóng lớn sóng nhỏ dồn dập liên tục, miếng bơ không thể nào dừng lại được, không có sự bền chặt. Như vậy, thủy đại phá hoại thân thể cũng như thế, làm cho ta không thể niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, còn các tâm niệm khác nối tiếp không dứt. Tất cả những kẻ phàm phu ngu si nhờ vào tâm tương tục mà thọ thân, như dấu ấn của con dấu. Khi qua đời, thân đời này đã hết thì do sự sanh tương tục cũng lại như vậy, do sức của tâm như khỉ vượn nên chịu sự sanh tử đi vào dòng luân hồi.
Lại nữa, người tu hành quán nội thân trên thân xem tại sao hỏa đại không điều hòa làm chấm dứt mạng sống?
- Dùng văn huệ hay thiên nhãn quán sát, vị ấy thấy khi chết hỏa đại không điều hòa nên tất cả mạch máu trong thân, tất cả gân, tất cả những thành phần giúp đỡ gân, da, thịt, xương, máu, mỡ, tủy và tinh khí, hết thảy đều bị đốt nấu. Ngọn lửa bốc cao như đốt than Khư Đà La. Lửa tụ lại như núi, ném váng sữa vào đó, đốt lên thì lửa sẽ bốc cao. Như vậy, thân thể cũng giống như miếng bơ ném vào lửa, chịu cái chết khổ sở cũng lại như vậy, không thể niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Thân đời này sắp hết nhưng tâm niệm vẫn tiếp nối. Tất cả những kẻ phàm phu ngu si do vì tâm duyên với nhớ nghĩ, giống như thọ sanh, như dấu ấn của con dấu. Khi chết, thân đời này đã hết nhưng tâm vẫn thọ sanh cũng lại như vậy. Do sức nhân duyên của tâm như khỉ vượn mà chịu sự sanh tử liên tục.
Lại nữa, người tu hành quán nội thân trên thân xem tại sao khi chết phong đại không điều hòa, đoạn dứt mạng người?
- Dùng văn huệ hay thiên nhãn quán sát, vị ấy thấy khi sắp chết phong đại không điều hòa, toàn thân tất cả gân mạch, tất cả thân giới như là da, thịt, xương, máu, mỡ, tủy và tinh khí thảy đều tan hoại, khô khan, không có trơn láng, phá hoại lẫn nhau, từ thân đến đầu phân chia tan rã như đất cát. Thí như miếng bơ bị gió lốc thổi tan hoại, mất đi chất béo, bị phân tán như cát ở trong hư không. Khi người chết, phong đại không điều hòa, bị sự khổ đau của cái chết bức bách cũng lại như vậy, không thể nào nhớ nghĩ Phật, Pháp và Tăng. Tất cả phàm phu đều duyên vào tâm tương tục mà sanh, như dấu ấn của con dấu. Khi mạng chung, tâm phát snah cũng lại như vậy. Do sức nhân duyên của tâm như khỉ vượn mà thọ thân sanh lão bệnh tử.
Đó gọi là tứ đại không điều hòa nên có bốn cách chết. Hành giả thấy vậy rồi, liền quán sát vô thường, khổ, không và vô ngã. Thấy như vậy rồi, vị ấy tránh xa cảnh ma, tiến gần đường Niết-bàn, không còn vui thích đắm nhiễm vào ái dục, sắc, thanh, hương, vị và xúc. Không phát khởi tâm ái dục, xa lìa trần cấu, xa lìa cánh đồng si mê, không đắm vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, không phát khởi lòng kiêu mạn, ỷ vào sắc đẹp, không ỷ tuổi trẻ, không ỷ vào mạng sống, không ưa nói nhiều, không ngao du rong chơi trong làng xóm, không ưa thích gì cả, thường nghĩ đến cái chết đáng sợ. Đối với tội lỗi nhỏ nhặt, phát sanh sợ hãi, e dè.
Biết rõ về thân rồi, vị ấy biết được pháp sanh diệt, lòng chán ghét, xa lìa tất cả dục nhiễm, thích tu hành chánh pháp, không biếng nhác. Như vậy, vua chúa, trưởng giả, Bà la môn, Tỳ kheo tu hành ở thôn xóm, quán sát về sự tu hành.
Lại nữa, người tu hành quán thân trên thân. Thế nào là tu hành quán nội thân và ngoại thân? - Nghĩa là quán pháp bên ngoài rồi quán sát nội thân trên thân, tức là quán sát chủng tử như mầm hạt giống, từ mầm phát sanh thân cây, từ thân cây sanh ra lá, từ lá sanh ra hoa, từ hoa sanh quả. Đây là phép quán bên ngoài.
Lại nữa, người tu hành quán nội thân, chủng tử của thức đã có, cộng với nghiệp phiền não, nhập vào vật chất bất tịnh, gọi là An-phù-đà. Từ An-phù-đà gọi là Ca-la-la. Từ Ca-la-la gọi là Già-na. Khi từ Già-na gọi là khối thịt. Từ khối thịt sanh ra năm chi phần trong thai. Năm chi phần trong thai là hai chân, hai tay và đầu. Từ năm chi phần trong thai sanh ra năm căn. Như vậy, theo tuần tự phát triển cho đến khi già chết.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán sát ngoại thân xem tại sao cỏ cây lúc trước thì thấy màu xanh lục, về sau biến thành màu vàng, cuối cùng bị rơi rụng? Thân thể cũng vậy, đầu tiên trông thấy như trẻ con, tiếp đến là trung niên, dần dần già yếu rồi đi đến chỗ chết.
Lại nữa, ngưởi tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem các chủng tử bên ngoài phát sanh như thế nào? - Từ mặt đất sanh ra các loại cỏ thuốc, rồi tạo thành rừng và dần dần được xum xuê. Dùng văn huệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy các pháp này đều do nhân duyên, do sức phát sanh, hoặc là ở bên ngoài, hoặc là ở bên trong tất cả những pháp hữu vi, ngoại trừ ba pháp: số duyên vô vi, phi số duyên vô vi và hư không vô vi.
Thế nào là các pháp đều do sức lực chuyển động? - Nghĩa là do vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử, ưu bi khổ não. Như vậy, là tập hợp tất cả một khối khổ lớn. Nếu vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thù lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão tử, ưu bi khổ não tập hợp một khối khổ lớn diệt. Như vậy, chỉ có diệt trừ tập hợp một khối khổ lớn.
Như vậy, các pháp hoặc bên ngoài, hoặc bên trong làm duyên lẫn nhau mà được sanh trưởng. Như vậy, người tu hành quán nội thân trên thân, ba loại cảnh giới của ngoại thân, tùy thuận quán sát. Quán sát bên trong cũng như bên ngoài, bên ngoài cũng như bên trong, quán sát một cách rõ ràng. Như vậy, người tu hành quán sát các pháp bên ngoài và các pháp bên trong.
Trước tiên quán sát cõi Diêm Phù Đề và làm cho chánh pháp tăng trưởng, tu phép quán các pháp bên trong. Phân biệt quán sát chung cả trời người, chỉ quán sát chứ không có giác. Các nguyên nhân bên trong nhờ bên ngoài là tất cả bốn đại. Các nguyên ngân bên ngoài nhờ bên trong là tâm và tâm sở. Có sự tăng trưởng nhờ các pháp bên ngoài và các pháp bên trong. Nếu có pháp bên trong nào thì hiểu rõ pháp đó. Nếu pháp bên trong tăng trưởng thì xem các pháp bên ngoài sẽ biết rõ.
Tại sao các pháp bên trong nhờ các pháp bên ngoài được tăng trưởng? Các pháp bên ngoài là: giường, nệm, ngọa cụ, thuốc men... những vật cần dùng thảy đều đầy đủ. Tỳ kheo hay làm tăng trưởng các pháp lành. Nếu không có ngọa cụ, thuốc men dùng khi bệnh đau thì không thể làm tăng trưởng các pháp lành, không có tâm mong cầu. Như vậy, các pháp bên trong và bên ngoài cùng làm nhân cho nhau mà được tăng trưởng, chẳng phải có tác giả, không phải thường còn, không phải đều do nguyên nhân mà phát sanh.
Lại nữa, người tu hành quán sát ngoại thân xem tại sao tất cả chúng sanh trong ba cõi nhờ các pháp bên ngoài mà được tăng trưởng? Có một pháp tăng trưởng, đó là tất cả pháp hữu vi thâu nhiếp chúng sanh.
Có bốn cách ăn:
- Một là đoàn thực.
- Hai là tư thực.
- Ba là xúc thực.
- Bốn là ái thức thực, là thức ăn cõi dục.
Chủng tử của tứ đại là nhờ vào thức ăn bên ngoài mà được tăng trưởng Bên trong đặt niềm vui thiền định. Đây là sự quán sát ban đầu. Các pháp bên ngoài làm tăng trưởng các pháp bên trong. Tại sao các pháp bên ngoài làm tăng trưởng các pháp bên trong? - Dùng văn huệ hay thiên nhãn, vị ấy quán sát ở thời kỳ kiếp sơ, những thức ăn của chúng sanh do nhân gì, duyên gì mà tám phần được đầy đủ. Tám phần đó là: thích vị ngon, sắc đẹp, tiếng hay, thích âm thanh, ca nhạc, sự êm dịu, thích sự cường tráng và sắc diện bên ngoài. Các pháp bên ngoài là: giường, nệm, ngọa cụ, thuốc thang hay làm tăng trưởng thân thể, thích tu pháp lành. Như vậy, người tu hành tùy thuận quán sát ngoại thân. Nếu muỗi mòng, ruồi nhặng, kiến... không làm cho thân thể khổ não thì các pháp bên trong sẽ tăng trưởng. Nếu thân thể không bị gió mưa, thời tiết nóng lạnh làm trở ngại thì đạt được các pháp bên trong. Nếu nghe tiếng không đáng ưa, tiếng mắng chửi đáng ghét thì cũng không có gì trở ngại, gọi là làm tăng trưởng các pháp bên trong. Khi ngửi những mùi không ưa thích và không bị trở ngại thì gọi là tăng trưởng các pháp bên trong. Nếu ngửi các hương đáng ưa không có ngăn ngại thì gọi là làm lợi ích cho các pháp bên trong. Năm căn đều biết rõ hết nhân bên trong do bên ngoài đưa vào, có năm thứ từ bên ngoài vào. Như vậy gọi là quán sát bên ngoài thân. Các vị hiền thánh đệ tử biết thân một cách rõ ràng.
Lại nữa, người tu hành quán sát ngoại thân xem tại sao sáu thức chấp thủ nơi pháp? Dùng văn huệ hay thiên nhãn quán sát, vị ấy thấy các pháp bên ngoài không có chướng ngại, vị ấy hay rõ biết các pháp sáu thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức là nội pháp. Vị ấy biết rõ các pháp bên ngoài, biết rõ các pháp bên trong. Các pháp bên trong và các pháp bên ngoài làm duyên lẫn nhau. Thí như chim bay trên hư không, chim bay đến đâu thì bóng nó theo thân đến đó. Các nhập bên trong và bên ngoài cũng như vậy. Nếu toàn thân các pháp bên trong tăng trưởng thì tâm cũng tăng trưởng. Tâm là nhân duyên của tất cả pháp, tất cả đều làm nhân cho nhau mà có các pháp. Như vậy, người tu hành không thấy một pháp nào là pháp thường còn, cố định không thay đổi và không hư hoại.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem tuổi thọ của người ở cõi Diêm Phù Đề tại sao bị tổn giảm, hay tại sao được tăng trưởng? Dùng văn huệ hay thiên nhãn quán sát, vị ấy thấy ở kiếp sơ, chư thiên Quan Âm bay xuống cõi Diêm Phù Đề ăn mặt đất, nùi vị của mặt đất như mùi vị của món ăn Tu-đà ở cõi trời Tam Thập Tam. Bởi vì người ở kiếp sơ có lòng tốt nên mặt đất có màu sắc đẹp, hương thơm, mềm xốp, không có dơ bẩn. Những người ăn đất này vào thì sống thọ đến tám mươi bốn ngàn tuổi (84.000), chỉ có ba bệnh là: đói, khát và mong cầu. Đến giai đoạn thứ hai, con người do vì lòng bất thiện, lấy mặt đất chiếm hữu mặt đất, làm cho nó dơ bẩn không sạch sẽ.
Chú thích: Gọi là bệnh đói, bệnh khát cho đến bệnh mong cầu, nghĩa là khi sắp chết do bị bệnh nóng sốt mà chết. Như vậy xem xét người ở cõi Diêm Phù Đề, người tu hành biết con người nhờ thức ăn bên ngoài mà có tuổi thọ, không bệnh và không khổ não.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem tại sao người ở cõi Diêm Phù Đề ở giai đoạn thứ ba nhờ thức ăn mà được thân mạng? Dùng văn huệ hay thiên nhãn quán sát, vị ấy thấy vào giai đoạn thứ ba mặt đất không còn vì lỗi của ăn. Gió, thời tiết lạnh nóng.v.v... không điều hòa, vô số bệnh phát sanh, tất cả pháp hữu vi tụ họp là do yếu tố thức ăn bên ngoài. các nhập bên trong tăng trưởng là do nhân duyên bên trong và các pháp bên ngoài tăng trưởng. Vị ấy quán sát thấy các pháp bên ngoài thân nhờ vào các pháp bên trong, các pháp bên trong duyên với các pháp bên ngoài.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân, xem ở thời kỳ đấu tranh thứ tư, người cõi Diêm Phù Đề ăn những thức ăn gì? Dùng văn huệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy ở giai đoạn đấu tranh, người ở cõi Diêm Phù Đề ăn cỏ dữu hoặc ăn đậu thước, hoặc ăn cá thịt, hoặc ăn rễ trà, tất cả những mùi vị ngon thảy đều mất hết nên có nhiều bệnh khổ, chưa đến tuổi đã bị già. Vào thời kỳ chiến đấu, con người không có khí lực.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem thời kỳ kiếp sơ, tuổi thọ của người cõi Diêm Phù Đề dài hay ngắn thế nào? Dùng văn huệ hay thiên nhãn quán sát, vị ấy thấy ở thời kỳ kiếp sơ, người cõi Diêm Phù Đề có tuổi thọ đến tám ngàn bốn trăm (8.400), thân cao năm trăm cung (2.500 thước). Thân người đời nay cao một cung.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán sát ngoại thân, xem người cõi Diêm Phù Đề vào giai đoạn thứ hai, tuổi thọ và chiều cao thế nào? Vào thời kỳ thứ hai, người sống đến bốn vạn tuổi, cao hai trăm cung (10.000 thước).
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân, xem người ở cõi Diêm Phù Đề vào thời kỳ kiếp thứ ba, tuổi thọ và chiều cao bao nhiêu? Dùng văn huệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy người ở cõi Diêm Phù Đề vào thời kỳ kiếp thứ ba sống đến một vạn tuổi, cao một trăm cung.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem tuổi thọ và chiều cao của người cõi Diêm Phù Đề. Dùng văn huệ hay thiên nhãn quán sát, vị ấy thấy người cõi Diêm Phù Đề thời chiến đấu sống được một trăm tuổi, thân cao một cung.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem giai đoạn kiếp mạt, lúc không còn mười điều lành, tất cả nhân dân chỉ lo cho riêng mình, thời kỳ không có phước đức, tuổi thọ như thế nào? Bao nhiêu? Dùng văn huệ hay thiên nhãn quán sát, vị ấy thấy đời ác không có pháp lành, tất cả những vị ngon đều mất hết. Những mùi ngon đó là: diêm tô, an thạch lưu, mật ong, đường phèn, mía ngọt, thức ăn và lúa dé sáu mươi ngày. Những vị ngon tuyệt trong thế gian thảy đều mất hết, những vị đó là: lúa đỏ, lúa điểu tương lai, lúa phi trùng, lúa ca-tra-ba, lúa xích mang hoàng mễ, lúa dịch lạc, lúa ban, lúa bạch chơn châu, lúa tốc, lúa thiết mang, lúa thùy tuệ, lúa xích sắc, lúa chu-tra-ca, lúa thọ, lúa thủy lục, lúa lục địa, lúa chánh ý, lúa hải sanh, lúa song tuệ, lúa thơm đẳng tiếu, lúa tiêu nhiệt, lúa anh vũ bất thực, lúa nhật kiên, lúa mạng, lúa nhất thiết xứ sanh, lúa sư tử, lúa vô cấu, lúa đại kinh, lúa nhất thế sanh, lúa đại lực, lúa sanh hương, lúa dé cát xà, lúa kế tân, lúa sơn trung, lúa cận tuyết sơn xanh, lúa ly phược, lúa ca-lăng, lúa đại ca lăng già, lúa như tuyết, lúa đại bối, lúa thiện đức, lúa lưu, lúa bất học, lúa bất khúc tân đà, lúa viễn hắc, lúa ba tư chủ, lúa đa đắc, lúa ương già lê, lúa hương, lúa trường, lúa tạp, lúa phi nhơn, lúa huệ, lúa nhật chủng, lúa ma già đà, lúa thủy mạt, lúa thời sanh, lúa vô khang, lúa đệ nhất, lúa noãn, lúa hán, lúa sắc vàng, lúa bà tát la, lúa phược tưóng, lúa thiệt ái, lúa chỉ, lúa kiên, lúa tu-đà, lúa mạch sắc, lúa thiểu, lúa lục chủng tạng, lúa vô bì, lúa điềm, lúa sắc đen, lúa sắc xanh.
Như vậy, trong các loại lúa, có hai loại giống: một là giống tự phát sanh, hai là giống gieo trồng... tất cả hương hoa khác. Vào đời ác, tất cả những giống này đều bị diệt mất. Do tất cả bị diệt cho nên da thịt, gân cốt của người ở cõi Diêm Phù Đề thảy đều giảm bớt. Xương toàn thân còi cọc, ngắn nhỏ, ăn những vị nhạt. Tất cả trong ngoài làm duyên lẫn nhau, thảy đều giảm sút.
Người tu hành quán sát bên ngoài như vậy, biết tất cả đều vô thường, không vui, không thanh tịnh, không có ngã, cũng không có tác giả, do nguyên nhân phát sanh, chẳng phải nhân khác sanh ra, chẳng phải một yếu tố tạo ra, chẳng phải do hai yếu tố, ba yếu tố, bốn yếu tố, năm yếu tố, sáu yếu tố tạo ra, là những việc do tà kiến ngoại đạo tạo ra. Như vậy, vị ấy quán sát cảnh giới bên ngoài, tùy thuận quán thân.
Như vậy, người tu hành quán sát thời kỳ đầu và thời kỳ sau như trên đã nói rõ.
Như thật tùy thuận quán ngoại thân rồi, tiếp theo, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem bốn châu thiên hạ, núi, sông, thành, ấp, đất nước và thân con cá dưới biển với thân cả do-tuần, xem núi Tu-Di sơn. Bốn mặt của đại châu là: cõi Diêm Phù Đề, cõi Uất Đơn Việt, cõi Phất Bà Đề và cõi Cù Da Ni. Có tám địa ngục lớn, ngạ quỷ, súc sanh và chư thiên cõi trời Lục dục. Như vậy, vị ấy đã tùy thuận quán ngoại thân.
Lại nữa, người tu hành trước tiên quán sát cõi Diêm Phù Đề, biển lớn, núi sông và đất nước ở phương Đông. Dùng văn huệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy có núi lớn tên Vô Giảm. Núi này cao mười do-tuần, ngang dọc ba mươi do-tuần. Trong núi này có sông Hằng Già, có nước Ca-Thi. Lại có hai con sông khác: một là sông An Thâu Ma, hai là sông Tỳ Đề Hê.
Nước Kiều-Tát-La có sáu vùng đất là:
1- Thành Tha Ương Già
2- Thành Tỳ Đề Hê, rộng một trăm do-tuần.
3- Thành An Thâu, rộng ba trăm do-tuần.
4- Thành Ca Thi, có một vạn bốn ngàn thôn xóm, thành rộng hai do-tuần.
5- Thành Kim Bồ La, có nhân dân đông nhiều, rừng cây đầy đủ như cây Na Lê Chi, cây Đa La, làm cho thành này thêm đẹp là cây Khư Thù La, cây Ba Na Bà, có rất nhiều trái.
Người tu hành này lại quán sát người khác như: người cầm y, người Xa-bà-la xỏ môi, dùng ngọc châu để trang sức, người mặt lạc đà.v.v... Nước của họ dài rộng một trăm ba mươi do tuần. Quán sát vùng đất đó rồi, vị ấy tùy thuận quán ngoại thân, quán sát núi sông, làng xóm cõi Diêm Phù Đề. Dùng văn huệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy sông Lô Hê bắt nguồn từ dãy núi Khi La rộng ba do-tuần, dài một trăm do-tuần rồi đổ vào biển Đông. Phần nhiều nhân dân thành ấp rất tráng lệ.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem trong cõi Diêm Phù Đề có những sông núi nào? Dùng văn huệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy có núi lớn tên gọi Di Chước Ca cao một do-tuần. Lại có một ngọn núi tên Cao Sơn cao năm do-tuần, ngang dọc một trăm do-tuần, trên núi có ao, ao này có sức chứa lớn rộng nửa do-tuần, chảy thành sông dài hai trăm do tuần, đổ vào biển lớn.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem trong cõi Diêm Phù Đề có những dòng sông nào khác không? Dùng văn huệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy trong cõi Diêm Phù Đề có một dòng sông lớn tên Ca Tỳ Lê Đa, có những hoa lớn làm tăng vẻ đẹp cho dòng sông này như: hoa Ca-đa-chi, hoa Bàn-giá, hoa A-thù-na, hoa Ca-đà-ma, hoa Nam-ma-lê-ca, hoa A-đề-mục-đa-ca. Lại có dòng sông thứ hai là sông Cù-Ma-Đế, vì có rất nhiều bò nên gọi là sông Ngưu Hà. Như vậy, hai con sông này rộng nửa do-tuần, dài ba trăm do-tuần chảy vào biển lớn.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem trong cõi Diêm Phù Đề lại có những ngọn núi và dòng sông nào nữa? Dùng văn huệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy cõi Diêm Phù Đề lại có ngọn núi tên gọi Sanh Niệm, núi này có dòng sông gọi là Tu La Ta Đế, bên bờ sông có thành Câu Thi Na. Sông này không chảy xiết mà chảy lai láng qua ngọn núi chu vi ba mươi do-tuần, trong núi này có giống người Chi La Đà, người vùng biên địa xấu ác, không từ bi. Núi này lại có giống người cầm áo, có khả năng đi trong nước, lội qua biển lớn, núi sông nhiều cá. Do thói quen xa xưa, giống người này chỉ ăn máu thịt để sống.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân qua cõi Diêm Phù Đề lại có những núi, biển và đảo nhỏ nào? Dùng văn huệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy có núi báu ở bên bờ biển cao một ngàn do-tuần, nơi các thứ báu được tạo thành. Các thứ báu như là: thanh bảo, đại thanh bảo vương, kim cang, xa cừ, xích liên hoa bảo, dùng để làm trang sức. Ngày xưa có các nhà đi buôn, đi qua biển lớn bị sức gió mạnh làm trôi dạt đến núi báu. Nước trong biển lớn rộng một vạn do-tuần, trong biển có nhiều loại cá như: cá Đề-di, cá Đê-di-nghê-la, cá Thất-thâu-ma-la, cá Tróc-ảnh. Các người buôn không cho đó là tai nạn mà coi như đã vượt qua biển lớn, đến bãi vàng bên sườn dốc núi, đất bằng vàng ròng, có các loài La-sát.v.v... ở trong đảo nhỏ này, hình thù chúng rất đáng sợ, chúng rất mạnh bạo. Qua khỏi đảo nhỏ này rồi lại có một biển khác rộng hai ngàn do-tuần. Vượt biển này lại có một hòn núi gọi là núi Nhị nhất, núi này có ba ngọn núi cao bảy do-tuần, ngang dọc ba do-tuần, có bảy thứ báu trang nghiêm núi này như là: thanh bảo, kim cang, thanh tỳ, lưu ly, xa cừ, xích liên hoa bảo...
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân qua ngọn núi này rồi, vị ấy lại xem có những ngọn núi, biển và đảo nhỏ nào khác không? Dùng văn huệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy có biển lớn gọi là biển nước đen, rộng một vạn do-tuần, có các loài A-tu-la vui chơi trong biển này. Loài rồng và Long nữ cũng vui đùa trong biển ấy. Biển nước đen này rất đáng sợ. Trong biển có quỷ La-sát Tróc Ảnh quản lý, loài A-tu-la làm cho chúng suy yếu, lặn xuống dưới nước. Ở biển nước đen này không có núi dưới nước. Nước như mây đen, có rất nhiều rồng sống ở trong nước.
Người tu hành này đã như thật quán sát bên ngoài rồi, lại quán sát xem biển nước đen còn có những núi và biển nào nữa? Dùng văn huệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy có biển lớn gọi là Xích Bảo Thủy, chảy khắp trong núi. Bờ biển có cây gọi là cây Diêm Phù. Trong tất cả các loại cây, cây này cao hơn hết, cây cao khoảng chín mươi do-tuần, có loài chim chúa Ca Lâu La, mỏ bằng kim cang sống ở trên cây này. Có cây Khứ Phù Đề cao một trăm do-tuần. Lại có biển nước xanh, ở trong biển này có quỷ La-sát tên Mạn-Đầu-Hoa, thân cao mười dặm. Trong biển lại có núi, các quỷ La-sát sống trên núi này.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.135.214.175 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.