Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại;
giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to!
(Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phẩm Thân niệm xứ thứ bảy.
Lại nữa, người tu hành quán sát quả báo nghiệp của các chúng sanh, nếu như vậy, các chúng sanh này phải than khóc, cớ sao lại ca múa, vui cười mà không quán sát sự buông lung? Chúng sanh ở địa ngục chịu khổ, than khóc bi ai, không biết chúng sanh bị lưới ái dục trói buộc, do thân khẩu ý tạo ác nghiệp nên bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, chịu khổ báo lớn, ưu sầu, khóc lóc. Chịu đủ thứ khổ báo rồi, lại như nghiệp đã làm, họ đọa vào địa ngục Hoạt, địa ngục Hắc thằng, địa ngục Chúng Hợp, địa ngục Hô Hoán, địa ngục Đại Hô hoán, địa ngục Tiêu Nhiệt. Chúng sanh do năm dục trói buộc, chìm nổi trong biển lớn sanh tử. Như vậy, người tu hành quán sát nghiệp báo của người rồi, vị ấy biết rõ ngoại thân.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem nước Uất Đơn Việt lại có những núi rừng đáng ưa nào? Dùng văn huệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy nước Uất Đơn Việt có một núi lớn tên Tâm Thuận, ngang dọc một ngàn do-tuần. Ở trong núi này thường có Khẩn-na-la nữ ở trên đỉnh núi ca hát rất hay. Bên bờ sông, vườn rừng, chỗ đất bằng, hang núi có khá nhiều ao hoa. Có những khu vườn rừng như là rừng: Na-lê-chi-la, rừng Bà-na-sa, rừng Khiếp-la, rừng Am-bà, rừng Vô-giá, rừng Kim tỳ la, rừng Ca ti tha, rừng Khổng tước, rừng Câu sí la, rừng Anh vũ, rừng Hà trì, rừng Liên hoa, rừng Ưu-bát-la, rừng Tân đầu ba lợi đa, rừng Cưu la bà ca, rừng Mạng mạng điểu, rừng Đa la.
Như vậy, trong những khu rừng này có tất cả những thứ quý báu, những âm thanh du dương vi diệu. Tất cả mọi người đều vui vẻ lắng nghe nên bị si ái che lấp, làm tăng thêm ngọn lửa tham ái. Nếu có người nghe thì những âm thanh ca hát của Khẩn-na-la nữ càng lúc càng tăng lần. Chú nai đói nào đang ăn cỏ trong miệng, nghe những âm thanh ca hát này thì bất giác cỏ rơi rớt xuống. Chim bay nhảy trên cây cùng nhau vui đùa, mổ ăn những trái cây ngon ngọt, nếu nghe những âm thanh này đều dừng lại. Bầy ong nghe những âm thanh này thì không hút những mùi vị ngọt. Tiên nhơn nào đang bay trong hư không, nghe âm thanh này thì dừng lại, không bay nữa. Như vậy, âm thanh của Khẩn-na-la nữ trong rừng Tâm Thuận rất êm tai và khả ái.
Núi này toàn là Tỳ lưu ly báu, vàng, bạc làm đá, san hô làm cây, chơn châu làm cát, ao Bát ba la có hoa sen bằng pha lê. Núi này có loài ngỗng trắng, màu sắc như vỏ ốc. Lại có những con nai xinh đẹp bằng bảy báu. Trong vườn rừng có Câu Sí La, Khổng tước, Mạng mạng... âm thanh của chúng rất khả ái. Lại có các ao nước, những bầy ong xinh đẹp rực rỡ như vậy. Hết thảy mọi người trong núi Tâm Thuận, hoặc thấy hoặc nghe thì lòng sanh ưa thích, ham muốn. Tất cả nam nữ ở khắp trên núi vui vẻ cười đùa, lòng khoan khoái.
Núi Tâm Thuận lại có việc khả ái thứ hai là: như ánh sáng núi Tu-Di phát ra từ trên, chiếu sáng đến hai trăm do-tuần, còn ánh sáng trên núi Tâm Thuận thì từ trên chiếu suốt đến hai ngọn ngàn do-tuần, ánh sáng trong suốt làm cho ánh sáng của cây vàng, ánh sáng của núi Tỳ-lưu-ly, hết thảy đều thành màu trắng, như ánh sáng sắc vàng trên núi Tu-Di, làm cho cỏ cây gần đó đều thành sắc vàng, như ánh sáng núi Tâm Thuận, làm cho tất cả cầm thú, sông hồ, ao nước, cây hoa đều biến thành màu trắng. Do sức sáng trên núi Tâm Thuận mà giống người bạch nhơn sống trên núi, da cũng màu trắng, có sức mạnh đoan chánh đẹp đẽ, thường vui vẻ, rất thanh tịnh. Dùng hương vi diệu xoa thân, trang sức bằng tràng hoa, ca hát cười đùa, ưa thích âm thanh, không có ganh ghét, không có tâm ngã sở, cũng không có ngã mạn. Tất cả ánh sáng đều biến thành màu trắng, dùng các thứ hương bột xoa thân, nghe những âm thanh ca hát rồi rất vui vẻ, cây Như Ý sanh ra loại rượu thơm ngon, uống vào không bệnh hoạn. Tùy theo ý nghĩ của giống người ở đây mà áo từ nơi cây sanh ra, áo không có sự khác biệt giữa chỉ khâu ngang dọc. Các thứ ăn uống, các vật trang sức, những giống chim muông hót rất hay, làm cho người ngủ mê say. Lại có những giống chim có tiếng hót rất hay, làm cho người tỉnh dậy. Các loại ao hoa sanh ra nhiều giống hoa. Như vậy, giống người Bạch Quang Minh chịu nghiệp quả giống như nghiệp lành bậc thượng, trung, hạ của họ đã tạo mà hưởng sự vui thích.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem tại sao những chúng sanh khi nghiệp lành hết phải chịu sự khổ chết? Tại sao không biết khổ khi chưa sanh? Khi thọ sanh do tinh cha huyết mẹ, ở trong niệu đạo thức sanh thọ thai, gió nghiệp tụ tập, hòa hợp chuyển động bảy ngày thay đổi một lần, gọi là A-phù-đà. Ở trong A-phù-đà do đời trước không sát sanh nên thức tâm không diệt, không thối nát. Như thế, đến bốn mươi chín ngày gọi là Nhục đoàn, trụ trong thai khoảng giữa niệu đạo. Khi người mẹ cử động, hoặc người mẹ ăn uống gì thì bào thai bị đè nén, cực khổ như bồ-đào bị ép. Lại do gió nghiệp thổi động khối thịt, khối thịt tăng trưởng, sanh ra năm khối u, đó là hai chân, hai tay và đầu. Lại do gió nghiệp chuyển động tăng trưởng sanh ra phần mo bao bọc giữa lá nhau như cái ống. Nếu người mẹ ăn thức ăn nóng, thức ăn lạnh, hoặc ngon hay dở thì thức ăn đó theo lỗ ống (mạch gân) đi vào trong rốn để nuôi mạng sống trong thai, làm cho nó không chết. Như vậy, khi trong thai, bào thai chịu các khổ não lớn. Nếu ở trong thai không bị chết, không bị hoại diệt thì bị nước ối làm dơ bẩn. Mười tháng ở trong thai như lao ngục, bị khổ não bức rứt, khắp thân thể giống như bị núi đè. Sau khi được sanh ra khỏi thai, đứa bé tiếp xúc với gió, với mặt trời, khổ sở vô cùng. Khi thả ra trên mặt đất thì tùy ý bò đi, mút ngón tay của mình, trong ngón tay sanh ra sữa để nuôi lớn thân, thêm tuổi thọ, lớn lên thành đứa trẻ, rồi trưởng thành, tráng niên và dần dần suy yếu. già nua.
Khi gió diệt, do nghiệp chúng sanh nên nghiệp tạng xoay chuyển như nghiệp đã tạo lành hoặc ác, các nghiệp thành tựu. Giống như những chúng sanh này hiện thấy nghiệp mà quả báo khổ não nhưng vẫn còn phóng dật. Gốc khổ thọ ở trong sanh tử đó là sanh. Lạnh, nóng, đói, khát, mệt mỏi, bệnh hoạn, ốm đau, yêu thương chia lìa, oán ghét gặp nhau, ở trong sanh tử, sanh là nỗi khổ lớn, phá hoại đời sống, sanh tử xoay vần. Vô thường, khổ, không, sanh diệt vô ngã, tại sao người cõi Uất Đơn Việt lại không hiểu biết Giống như hang núi, vườn rừng, hoa quả, sông suối, ao hồ, hoa sen... tất cả đều chịu sự vô thường phá hoại, trở về với hư không. Như vậy, tất cả chúng sanh đều phải chết, được sanh lên cõi trời. Khi mạng sống trên cõi trời hết thì tùy theo nghiệp, bản thân họ bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
Quán sát nghiêp và quả báo như vậy, người tu hành này thấy sanh tử qua người Bạch Quang Minh và sanh lòng thương xót.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem nước Uất Đơn Việt lại có những núi rừng đáng ưa nào nữa? Dùng văn huệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy nước Uất Đơn Việt có một núi lớn tên Câu Xa Da Xá, ngang rộng một ngàn do-tuần, có ao hoa sen tên là Thanh lương, ngang rộng năm trăm do-tuần. Đầy khắp trong ao là những hoa sen sắc vàng, không có bùn dơ ở trong ao. Phần nhiều có những bầy ong, ngỗng, vịt, uyên ương làm tăng thêm vẻ đẹp ao hoa. Trong ao hoa sen có hoa Câu-xa-da-xá cõi trời, hoa Man đà la, cây cối, hoa quả, sông suối, hang núi, vườn rừng, ao hồ mát mẻ như trước đã kể ra. Ngay giữa núi năm trăm do-tuần có tám vạn bốn ngàn cung điện kỳ lạ và khả ái, hoặc có cung điện bằng vàng ròng thì lan can bằng bạch ngân, hoặc cung điện bằng bạch ngân thì lan can bằng vàng ròng, cung điện bằng pha lê thì lan can bằng Tỳ lưu ly báu, cung điện bằng Tỳ lưu ly thì lan can bằng pha lê, cung điện là thanh bảo ngọc thì lan can bằng xa cừ, cung điện bằng xa cừ báu thì lan can bằng thanh nhân đà báu... Như vậy, xen lẫn giữa những lan can báu là những lưới linh báu đầy khắp. Những âm thanh ca múa cười đùa, kỹ nhạc vui rộn, lòng người hoan hỷ, bồ đào bò lan khắp nơi, giống như đô thành Thiện Kiến trên cõi trời, giảng đường Thiện Kiến cõi trời. Núi lớn trang nghiêm Câu Xa Da Xá cũng lại như vậy. Núi này cũng có tám vạn bốn ngàn cung điện, vườn rừng, sông hồ, cây rừng, hoa quả... hết thảy đều có đầy đủ. Người sống trong núi Câu Xa tên là Tạp Sắc, tâm thường hoan hỷ, ca múa cười đùa, ăn uống vui vẻ.
Lại nữa, người tu hành quán sát nghiệp và quả báo, chúng sanh vì sao không thấy nỗi khổ ái ân phải xa lìa? Tất cả chúng sanh ân ái chia lìa, đi đến nơi khác, không biết hết thảy đều phải chết và hoại diệt, tùy theo nghiệp đã tạo mà nhận chịu quả báo. Nếu có nghiệp lành thì được sanh lên cõi trời, cõi người. Còn nếu là nghiệp ác thì đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Giống người Tạp Sắc này lòng thường buông lung, không biết nhàm chán, đắm trước sắc, thanh, hương, vị, xúc, lạc, bị chúng trói buộc chìm nổi trong sông ái, thiêu đốt trong lửa dục, nhưng vẫn không hiểu biết lý vô thường, chết đi và hoại diệt rơi vào nơi tăm tối vô cùng. Không thấy được nỗi khổ của sự già nua, phá hoại tuổi thiếu niên cường tráng, không thấy lửa chết sắp thiêu đốt người, có khả năng làm cho vĩnh viễn xa lìa tất cả người thân. Chết giống như ngọn lửa lớn thiêu đốt cây mạng người, đốt cháy rừng chúng sanh.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem người Uất Đơn Việt do nghiệp gì được sanh trong mười núi? Mười núi đó là:
Một: núi Tăng Ca Xa
Hai: núi Bình Đẳng Phong
Ba: núi Vật Lực Già
Bốn: núi bạch Vân Trì
Năm: núi Cau Tụ
Sáu: núi Man Trang Nghiêm
Bảy: núi Nhân Đà La Lạc
Tám: núi Hoan Hỷ Trì
Chín: núi Tâm Thuận
Mười: núi Câu Xa Da Xá.
Dùng văn huệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy những chúng sanh này do nghiệp lành đời trước: không giết, không trộm cắp, không tà hạnh, không uống rượu, làm mười việc lành nên sanh trong mười núi này.
Lại nữa, người tu hành quán sát nghiệp, quả báo xem do nghiệp gì mà những chúng sanh kia sắc lực, hình tướng hơn hẳn những chúng sanh khác? Dùng văn huệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy những chúng sanh ấy có chánh kiến, thực hành bố thí, tâm không xiễm nịnh, không não hại chúng sanh, lòng ngay thẳng, hay thương xót, thực hành theo chánh pháp, thân gần với chánh pháp. Do nhơn duyên này nên khi chết, những chúng sanh ấy được sanh vào đường lành, sanh cõi trời Tứ thiên vương, trời Tam Thập Tam. Ở đó, khi qua đời được sanh nơi mười núi này. Khi chết ở nơi này được sanh qua nơi khác.
Lại nữa, người tu hành quán sát nghiệp, quả báo xem do nghiệp duyên gì mà những chúng sanh này nhận quả báo thù thắng? Dùng văn huệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy những chúng sanh này do đời trước bố thí sự không sợ cho những người sợ hãi, thấy người gần chết đem ra cửa quan trói lại, sắp đem đến pháp trường, đánh trống báo tin dữ, sai đao phủ giết người ấy, thì những chúng sanh này chuộc lại cho họ được sống. Do nhân duyên này nên khi chết được sanh đường lành, hoặc sanh lên cõi trời Tứ thiên vương hoặc sanh lên cõi trời Tam Thập Tam, hoặc sanh lên cõi trời Dạ Ma.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem những chúng sanh này do nhân duyên gì mà được sanh lên cõi trời thù thắng hơn hẳn những cõi trời khác, có sắc diện, tướng mạo khả ái, được chúng sanh cúng dường? Dùng văn huệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy những chúng sanh này ở đời trước thích nghe chánh pháp của đức Phật, thánh pháp Tỳ ni, đọc tụng Phật pháp, cho đến một bài kệ, đọc tụng suy nghĩ. Do nhân duyên nghe một câu chánh pháp nên được làm Chuyển luân vương, chúa bốn thiên hạ. Khi chết ở nơi đây thì được sanh lên trời. Trở lại cõi trời Lục dục một lần, hai lần, cho đến bảy lần. Cõi trời Tứ thiên vương, trời Tam Thập Tam, trời Dạ Ma, trời Đâu Suất Đà, trời Hóa Lạc, trời Tha Hóa Tự Tại, khi mạng chung ở cõi trời này thì đến sanh ở cõi trời khác. Do tâm lành nên được vui hưởng thọ sắc, thanh, hương, vị, xúc, lại được sanh lên cõi trời. Khi chết ở cõi trời nhưng do đời trước nghe chánh pháp nên đời sau đắc được Sơ thiền, sanh lên cõi trời Phạm Thiên hoặc cõi trời Phạm Chúng, hoặc trời Đại Phạm. Lại do năng lực của nhân duyên chủng tử nghe chánh pháp nên đời sau đắc Đệ Nhị thiền. Nếu lúc này chết thì được sanh lên cõi trời Thiếu Quang, trời Vô Lượng Quang, trời Quan Âm. Lại do sức nhân duyên chủng tử nghe pháp nên đời sau đắc Đệ Tam thiền, sanh lên cõi trời Biến Tịnh, trời Phước Đức Sanh. Lại do nhân duyên nghe chánh pháp, tu hành, hỏi nghĩa lý suy nghĩ nên đời vị lai đắc được Tứ thiền, dùng lửa lìa đắm trước thiêu đốt cây phiền não, sanh lên cõi trời Vô Lượng thiên, trời Biến Thiện, trời Quảng Quả. Lại do nhân duyên nghe chánh pháp, chủng tử tu hành, đọc tụng, hỏi nghĩa lý, tư duy, làm cho những người tà kiến trụ trong chánh kiến, độ tất cả hữu tình qua khỏi hiểm nạn, đắc đạo Duyên giác. Người nào phát nguyện Vô thượng Bồ đề thì thành Vô thượng Chánh giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật Thế tôn.
Giải thích: Do sức nhân duyên nghe chánh pháp: nghe chánh pháp là nghe bố thí, trì giới lấy làm căn bản.
Vì sao? - Nghe pháp ở đây nghĩa là: người tại gia hay xuất gia nào nghe quả báo bố thí, đã hiểu rõ rồi và thực hành bố thí, biết quả báo bố thí. Nghe quả báo trì giới và giữ gìn cấm giới. Nghe quả báo trí huệ, tu tập trí huệ. Nghe rồi liền được sanh lên trời, quyết chắc được giải thoát. Nghe pháp là chủng tử để sanh Thiên, đạt đến Niết-bàn. Với hết thảy sự bố thí hoặc bố thí của cải sanh sống, hoặc bố thí vô úy, hoặc bố thí trì giới. Nghe bố thí chánh pháp là bố thí đệ nhất. Nghe chánh pháp trì giới là đệ nhất. Nếu nghe chánh pháp rồi thuyết cho người khác, làm cho họ bỏ điều ác, làm cho pháp tăng trưởng là người cha chánh pháp.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân, qua khỏi Uất Đơn Việt lại có những người nào ở? Dùng văn huệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy phía Bắc nước Uất Đơn Việt có nước ngang rộng hai ngàn do-tuần.
Nước thứ nhất tên Ca Xa Tỳ Lê, ngang rộng ba trăm do-tuần. Nước này có sông tên Ca Xa Tỳ Lê, người ở nơi này cũng tên Ca Xa Tỳ Lê. Ao hoa sen, hoa quả, vường rừng, cành cây che lẫn nhau, như trước đã nói.
Qua khỏi nước này rồi có sông tên A-Di-Đa. Biên giới nước này ngang rộng bảy trăm do-tuần, vườn rừng, ao hoa thảy đều đầy đủ, cũng như trước đã nói. Bên bờ sông A-Di-Đa có năm nước nữa:
1- Nước Thiên Quan Trì
2- Nước BA La Xa Trì
3- Nước Man Y
4- Nước Khổng tước âm
5- Nước Sơn Kiến Trụ.
Nước Thiên Quang Trì ngang rộng một trăm năm mươi do-tuần. Nước Ba La Xa Trì ngang rộng một trăm năm mươi do-tuần. Nước Man Y rộng hai trăm do-tuần. Nước Khổng tước âm rộng một trăm do-tuần. Nước Sơn Kiến Trụ ngang rộng một trăm do-tuần.
Lại có mười nước, mỗi mỗi nước đều rộng một trăm do-tuần. Mười nước đó là:
1- Nước Câu Đăng Già
2- Nước Trì Hương
3- Nước Hắc Phục
4- Nước Chuyển Mục
5- Nước Sơn Hiểm Ngạn
6- Nước Thuận Hành
7- Nước Tứ Phương
8- Nước Viên
9- Nước Phát Phú
10- Nước Tây Già Đa.
Lại xem xét nước này thấy sông ao, vườn rừng, hoa quả đầy đủ, cũng như trước đã nói, khiến mặt người ở bốn phương đảo này cũng như vậy. Khuôn mặt người Diêm Phù Đề giống như hình dáng của đảo đảo lớn, trên rộng dưới hẹp. Người cõi Uất Đơn Việt khuôn mặt cũng giống như đảo lớn. Xem xét cõi Uất Đơn Việt tất cả đảo, đảo nhỏ, hang núi, vườn rừng, hoa quả, sông hồ, cầm thú đều đầy đủ. Xem xét như thế rồi, vị ấy biết rõ ngoại thân.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân: qua nước Uất Đơn Việt, Cù Đà Ni, giữa hai nước này lại có những núi rừng, biển và bãi nhỏ. Dùng văn huệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy: giữa hai cõi Uất Đơn Việt và Cù Đà Ni có một biển lớn tên là Phổ Nhãn, rộng một vạn do-tuần, có một vùng nước xoáy rộng một do-tuần, do sức mạnh của rồng tạo thành.
Qua khỏi biển lớn có một núi lớn tên Du Hý Man, ngang dọc mười ngàn do-tuần, do hơi rồng thiêu đốt nên núi có màu như mực đen.
Qua khỏi núi này rồi, có một biển lớn tên Cụ Tư Duy, ngang dọc một ngàn do-tuần, có khá nhiều cá lớn như là cá Đề-di, cá Đề-di-nghê-la, cá Quân-tỳ-la, cá Na-ca-la. Các loài cá như vậy đều đầy khắp trong biển, biển này rất sâu, người trông thấy sợ hãi. Trong biển này có rồng Lạc-trụ, xa lìa sân nhuế.
Qua khỏi biển lớn này có một biển lớn nữa tên là Thủy Vân, ngang rộng mười ngàn do-tuần. Ở trong biển này sóng lớn nổi lên hoặc mười do-tuần, hai mươi do-tuần, ba mươi do-tuần.
Qua biển này rồi có một đảo lớn tên Chơn Châu Hợp, có khá nhiều chơn châu. Nếu cá hoặc rồng bị chết trong nước sẽ bị nổi, đẩy lên khỏi đảo. Đảo này ngang dọc một ngàn do-tuần.
Qua khỏi đảo này rồi có một núi lớn tên Bảo Sơn, ngang rộng bằng phẳng năm ngàn do-tuần. Đỉnh núi có Thất bảo, Tỳ lưu ly.v.v... giống như đỉnh núi Tu Di Sơn Vương thứ hai.
Qua khỏi núi này rồi có rừng Chân Thúc Ca, rộng hai ngàn do-tuần. Các loại vườn rừng, hoa quả đầy đủ.
Qua khỏi rừng này rồi có một núi lớn rộng năm ngàn do-tuần, có ao hoa sen vàng. Ngỗng, chim trời trên các đỉnh núi luôn hót vang.
Qua khỏi núi này có một biển lớn rộng mười ngàn do-tuần, nước sắc vàng đầy khắp, trong biển phát ra ánh sáng sắc vàng. Biển này có núi vàng tên Kim Thủy, cao năm trăm do-tuần.
Qua khỏi núi này rồi có Cù Đà Ni rộng chín mươi do-tuần, có mười ức tụ lạc, một vạn hai ngàn thành. Thành lớn thứ nhất có đến năm trăm tụ lạc. Như cõi Diêm Phù Đề có hơn ba trăm thành lớn khác, đó là thành Ba-trất-lê-phất-đa. Như vậy, Cù Đà Ni có năm trăm thành lớn như Đại Vân Tụ.v.v... Thành Đại Vân Tụ rộng mười hai do-tuần, ngã tư đường, nhà cửa, lầu gác đầy khắp trong thành. Thành lớn đệ nhất ở trong nước này tên là Bách Môn, thành tiếp theo là Lan Thuần, Nê Mục La, Quang Minh, Sơn Cốc....Có các thành lớn đệ nhất như vậy thâu nhiếp ở giữa thành trung tâm.
Lại có những nước lớn tên là Già Đa Chi, Tăng Sai Na Đa, Ma No, Ngân, Phiên. Những nước lớn đệ nhất này thí như các nước lớn đệ nhất trong cõi Diêm Phù Đề, như là nước Ca Thi, Kiều Tát La, Ma Già Đà, Cù Đà Ni... Nước đệ nhất cũng lại như vậy.
Kế tiếp, có các nước trung tâm như là: Ni Khí La, Đơn Trì, Già Đô La, Câu Lan Trà, Tỳ Đa Sa, Quật Hành. Biên giới Cù Đà Ni có những nước lớn đệ nhất như vậy. Có hai mươi lăm tóm thâu tất cả các nước, giống như mười tám nước lớn ở Diêm Phù Đề. Cù Đà Ni có năm con sông lớn:
1- Sông Quảng
2- Sông Quân-chu-sư-ba-đế
3- Sông Nguyệt Lực
4- Sông Lạc Thủy
5- Sông Tăng Chi Na.
Giống như bốn sông lớn cõi Diêm Phù Đề là: sông Hằng Già, sông Tân Đầu, sông Bà Xoa, sông Tư Đà.
Nước Cù Đà Ni có năm núi lớn, đó là:
1- Núi Long Phi
2- Núi Tam Phong
3- Núi Chu Môn
4- Núi Bách Tiết
5- Núi Kiên.
Giống như bốn núi lớn ơ cõi Diêm Phù Đề là:
1- Núi Tuyết
2- Núi Dân Đà
3- Núi Ma La Đa
4- Núi Kê La Sa.
Nước Cù Đà Ni có ba cái ao lớn là:
1- Ao Thâm Ngạn
2- Ao Vô Gián
3- Ao Phóng Quang
Giống như những ao A Na Bà Đạt Đa và ao Chiêm Bà ở cõi Diêm Phù Đề.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem nước Cù ĐàNi thọ dụng những gì ? Dùng văn huệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy Cù Đà Ni có rất nhiều trâu nghé. Tất cả con gái đều có ba vú. Như con gái cõi Diêm Phù Đề mười tháng mới sanh, người Cù Đà Ni cũng lại như vậy. Như con gái cõi Diêm Phù Đề hai vú đều chảy sữa, con gái Cù ĐàNi ba vú đều chảy sữa cũng lại như vậy. Như Diêm Phù Đề vườn rừng đầy đủ, hoa quả, sông hồ hết thảy đều đầy đủ, trái cây có nửa mùi vị, hoa có nửa mùi thơm và sông chỉ có nửa vị mặn.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem chúng sanh do nghiệp gì sanh ra ở nước Cù Đà Ni? Tạo nghiệp bậc hạ, bậc trung sanh ra ở nước Cù Đà Ni? Dùng văn huệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy những nơi sanh ra khác ít giữ giới, ít bố thí, ít nghiệp lành, ít thực hành theo chánh pháp. Vì sao ít giữ giới? - Vì ở đời trước do nghèo khổ nên nhận giữ giới thuê, hoặc do sợ hình phạt, chẳng phải vì tâm thanh tịnh đảnh lễ Phật, Pháp, Tăng, quốc vương gần gũi, được của cải bố thí do gần đức vua, không đọc tụng kinh, bố thí nơi chẳng phải phước điền. Người tham lam tà kiến cho là phước điền, xem mười điều thiện là dơ bẩn, làm những việc bất thiện, chết ở cõi Diêm Phù Đề, sanh ra ở Cù Đà Ni.
Như vậy, không biết đâu là điều lành, đâu là điều ác. Ăn chỉ biết nửa mùi vị, thiếu trí tuệ, tham đắm phụ nữ... tất cả đều do nghiệp nhân duyên đời trước sanh. Tất cả chúng sanh đều do nghiệp bao trùm, do nghiệp nên hành động tạo nghiệp và bị lưu chuyển. Như những nghiệp lành, nghiệp ác đã tạo mà chúng sanh phải chịu quả báo như vậy. Nếu tạo nghiệp lành thì được sanh lên cõi trời, nếu tạo nghiệp ác thì đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Do nghiệp mà chịu quả báo tương tợ. Như gieo trồng hạt giống, nếu trồng lúa thì được lúa, trồng nếp thì được nếp, trồng cỏ sanh ra cây cỏ. Nếu như đem hạt gióng trồng nơi đất xấu thì kết quả thu hoạch giảm sút, nếu đem hạt giống trồng trên đất tốt thì thâu nhiều hạt quả chắc. Như trồng lúa đỏ thì không sanh ra những thực vật khác. Trồng đậu thì được đậu, trồng mía thì được mía, dùng ruộng tốt thì được quả cũng nhiều. Như ba loại ruộng:
1- Phước điền thí
2- Phước điền khổ thí
3- Khổ thí.
Phước điền thí được gọi là bậc thượng.
Phước điền khổ thí được gọi là bậc trung.
Khổ thí được gọi là bậc hạ.
Ngoại trừ công đức tư duy, cũng như ba loại ruộng sau:
Một là: ruộng nhiều đá, cũng nhiều màng nước, là ruộng bậc trung.
Hai là: ruộng nước đầy đủ không có cỏ dơ, lại không có lớp màng nước (phèn), cũng không có trộm cắp (sâu bọ...), gọi là ruộng bậc thượng.
Ba là: ruộng có nhiều màng nước, cỏ xấu, nước ruộng không điều hòa, lại có nhiều trộm. Đây là ruộng bậc hạ.
Nếu nông phu siêng năng thêm công sức thì được hạt chắc.
Nội pháp, ngoại pháp là do nghiệp bao phủ, tùy theo nghiệp lưu chuyển, nghiệp biến đổi không dừng do mỗi thế lực, mỗi nhân duyên, mỗi thọ sanh. Người nước Cù Đà Ni không tu tịnh nghiệp nên sanh ra ở nơi đất này, chết rồi do nghiệp của mình phải bị lưu chuyển sanh tử. Như vậy, người tu hành quán sát ngoại pháp nghiệp rồi, biết ngoại thân rõ ràng.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem qua khỏi nước Cù Đà Ni lại có những núi, sông, biển và bãi nhỏ nào? Dùng văn huệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy giữa hai châu của nước Cù Đà Ni và nước Phất Bà Đề có một biển lớn tên Thanh Tịnh Thủy, ngang rộng một vạn hai ngàn do-tuần, nước trong sạch tràn ngập, có khá nhiều sò, cá Đề Di, cá Đề nghê la, cá Na ca, cá Mà già la, cá Quân tỳ la, cá Thất thâu ma la, cá cũng màu xanh.
Qua khỏi biển này rồi có núi San Hô ngang dọc năm ngàn do-tuần, có những chúng sanh hung dữ ở trong núi này.
Qua khỏi núi này rồi có biển nước nóng, có khá nhiều rắn độc, hơi của rắn độc làm cho nước biển nóng lên. Do có rắn độc nên không có một chúng sanh nào ở đây. Vì hơi nóng của chất độc nên tất cả chúng sanh đều chết.
Qua khỏi biển này rồi, có một biển lớn tên Xích Hải, ngang rộng một vạn năm ngàn do-tuần. Rồng và A tu la sống dưới biển này. Vì sự ăn uống nên sân giận, ghét ganh nhau, thường đánh nhau. Có rồng tên Ma Đa Lê Na, A-tu-la tên Tăng Già Đa.
Vượt khỏi biển này rồi, có một đảo lớn tên La-sát nữ quốc, ngang rộng hai ngàn do-tuần. Đảo này có La-sát nữ tóc dài, ăn nuốt hương hoa và thịt đốt trong lửa, trong một niệm có thể đi hai ngàn do-tuần, thường hại người khác. Trên đảo La-sát này, hài cốt, máu thịt rơi vãi hôi thối đầy khắp nơi.
Qua khỏi đảo này có một đảo lớn nữa tên Tỳ Xá Già Quỷ Nữ Quốc, ngang rộng năm ngàn do-tuần. Quỷ Tỳ Xá Giá phủ tóc ở trên châu này.
Qua khỏi đảo này rồi có một núi lớn tên Nhiêu Sơn, ngang rộng năm trăm ngàn do-tuần, có khá nhiều cây rừng như là: cây Na-lê-chi-la, cây Ba na bà, cây Vô giá quả, cây Đa la, cây Đa ma la, cây Tỳ da la, cây Câu la ca, cây Đà bà, cây Khư đề la, cây Đề la ca, cây A thù na, cây Ca đàm bà, cây Nê trà la bà, cây Khư thù la, cây Am bà la, cây Tỳ mạt bát đà. cây Bà đa lợi, cây Bà trất, cây Chân thúc ca, cây rồng, cây Vô ưu, cây Kỳ lân đà, cây Chi đa ca, cây Ca ni ca la, cây A đề mục đa ca, cây Na phù ma lợi ca, cây Ba trất ca, cây Ba tiết la, cây Ca tỳ thama, cây Chiêm ba ca, cây Ca la tỳ lược ca, cây Thanh vô ưu, cây Cưu la bà ca, cây Quân đà, cây Bà đà la, cây Cưu tất xà... Có khá nhiều giống cây trái như vậy. Nơi nào cũng có suối chảy. Vua Càn Thát Bà dạo chơi trong rừng này.
Qua khỏi núi này rồi, có một biển lớn rộng năm trăm do-tuần tên Nhũ Thủy, màu sắc mùi vị của nước trong biển giống như sữa không khác, có cá lớn dài năm do-tuần, sống ở trong biển.
Qua khỏi biển này rồi, có một núi cát rộng một ngàn do-tuần, không có cây cối và các dược thảo.
Vượt qua núi này rồi lại có một biển lớn tên Long Mãn, rộng sáu ngàn do-tuần. Biển có các loài rồng tên Chiên Già La sống trong biển này, giao chiến với nhau, thích làm mưa to.
Qua khỏi biển này rồi, có một biển lớn khác tên Tô Vô Đà La, ngang rộng hai ngàn do-tuần, mặt nước không động, trong suốt tĩnh lặng, có nhiều cá Quân tỳ la, cá Na la ca, cá Thất thâu ma la, và các loài sò sống dưới biển.
Lại nữa, người tu hành biết được nghiệp, quả báo. Dùng văn huệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy tất cả mọi nơi: núi, sông, biển, bãi nhỏ, rừng núi như đã nói, không có một nơi nào không sanh không chết, không phát sanh không hoại diệt, tất cả ân ái đều phải chia ly, không có một nơi nào chẳng phải nghiệp nên biến đổi không ngừng. Không có một nơi nào chẳng phải nghiệp quản thúc, không có một nơi nào chẳng phải nghiệp lưu chuyển, nhận chịu nghiệp quả của mình, hoặc sống, hoặc chết. Không có núi, sông, biển, bãi nhỏ nào chẳng phải chỗ sanh tử. Núi, sông, biển, bãi nhỏ không thể kể hết, chẳng phải nơi ta sanh ra, trong trăm ngàn ngàn ức ức, ức trăm ngàn sanh tử đều là yêu thương phải xa lìa, oán ghét phải gặp gỡ; nơi trăm ngàn ngàn ức ức trăm ngàn sự sanh tử đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, không có bắt đầu không có kết thúc., bị lưới tham lam, sân giận, ngu si trói buộc lưu chuyển luân hồi, cho nên cần phải chán ghét, xa lìa sanh tử, chớ có tham lam đắm trước. Sự sanh tử này rất là khổ não, bền chắc, lâu dài, đau đớn khổ sở, khó chịu đựng nổi. Sự già chết, sầu bi, khổ não, buồn rầu độc hại, tất cả có sanh chắc chắn phải chết, bị phá hoại. Ở trong sanh tử không có một chút sự thường hằng nào cả. Thí như khi mặt trời mọc lên thì không còn một chút tối tăm. Quán sát trong sanh tử cũng lại như vậy. Như vậy, người tu hành quán sát ngoại thân và biết ngoại thân rõ ràng.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân, qua biển Bình Đẳng lại có những núi, sông, biển và bãi nhỏ nào? Dùng văn huệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy nước Phất Bà Đề ngang rộng tám ngàn do-tuần, có khá nhiều đảo nhỏ vây quanh, tụ lạc, thành ấp, sông ao, cây cối, đảo lớn nhỏ, hang núi, cây cỏ, hoa quả, cầm thú... hết thảy đều đầy đủ.Có sáu núi lớn:
1- Núi Đại Ba Xa
2- Núi Tân Man
3- Núi Khổng Tước Tập
4- Núi Thú Cốc
5- Núi Hải Cao
6- Núi Chơn Châu Man.
Khắp nước Phất Bà Đề như bốn núi lớn ở cõi Diêm Phù Đề đã nói ở trước.
Núi Đại Bà Xa ngang rộng ba ngàn do-tuần. Ở trong núi này có ba khu rừng lớn, mỗi mỗi khu rừng đều rộng một ngàn do-tuần:
1- Rừng Tu Di
2- Rừng Lưu Thủy
3- Rừng Dục Man.
Cây cối đầy đủ, như là: cây Ha lê cần, cây Bình diện, cây Cốc Sanh, cây Chi đẳng, cây Ngạn sanh, cây Thạch sanh... như cây cối đã kể ở cõi Diêm Phù Đề. Người sống trong núi này là giống người Đại Man. Trong núi có sông Bà lô hà, sông Lưu sa, sông Hiệp lưu, sông Tốc Lưu, sông Long thủy, sông Quang lâm, sông Chinh ca.
Ngọn núi lớn thứ hai tên là Lâm Man, ngang rộng một ngàn do-tuần. Núi này có rừng Cưu Trất, rừng Hành, rừng Thiên Mộc Hành, rừng Yên, rừng Cửu Thùy. Trong núi có sông Đa La Phú, sông Giác Vi, sông Ái Thủy, sông Nhiếp niệm, sông Yên Tiếu. Người ở trong núi Lâm Man gọi là Câu Tri La.
Lại nữa, người tu hành quán sát ngọn núi thứ ba tên Không Tước Tụ, ngang rộng một ngàn do-tuần. Núi này có bốn rừng lớn:
1- Rừng Vân
2- Rừng Bách Trì
3- Rừng Cao Hống
4- RừngChơn Châu Luân.
Lại có sông lớn như là sông Nê Quân Luân Đà, sông Đại Hỷ, sông Ái Lam, sông Tiên lưu, sông Kết. Ở trong núi Khổng Tước Tụ có người tên Thanh Hầu.
Lại nữa, người tu hành quán sát nước Phất Bà Đề có ngọn núi thứ tư tên Thú Dục, núi này có rừng tên Xa Tri La, rừng Khả ái, rừng Di Già, hoa quả đầy đủ, cũng như trước đã nói. Trong rừng có sông tên Niết Nậu Ca, sông Phổ Tiếu, sông Ca La La. Trong núi có giống muông tên Điều phục, Phổ ảnh, Mao thú, Kiến đồ, Vi mã, Vô đạo, Tiên thú, Đa la đầu noa, Hảo nhĩ tượng đầu, Đệ nhất nhi, Ái ảnh, Thố mao, Đà thân, Hắc vĩ, Bạch đầu, Đoan chánh, Xà thiệt, Cẩu nha, Già bà da, Kiềm Bà, Hùng tĩnh tĩnh. Các loài thú như vậy ở cõi Diêm Phù Đề, hoặc có hoặc không.
Trong núi Thú Dục, vườn rừng, sông hồ, hoa quả, cây cối, hết thảy đều đầy đủ, cũng như trước đã nói. Tất cả ao hoa cũng như cõi Diêm Phù Đề. Người sống trong núi Thú Dục này tên là Tốc Lực.
Lại nữa, người tu hành quán sát nước Phất Bà Đề thấy có ngọn núi thứ năm tên là Hải Cao, rộng một ngàn do-tuần, vườn rừng, hồ nước, hoa quả đều đầy đủ, cũng như trước đã nói. Núi này có rừng tên Tam Đích, rừngYết Hầu Bế, rừng Sơn. Trong rừng có sông Tam giác, sông Cao Hoán, sông Thạch Thanh. Người sống trong núi Hải Cao tên Già Chu La. Quán sát núi Hải Cao rồi, vị ấy biết rõ ngoại thân.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem cõi Phất Bà Đềcó những núi nào? Dùng văn huệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy ngọn núi thứ sáu tên Chơn Châu Man, ngang rộng một ngàn do-tuần, vườn rừng, sông hồ biến khắp đầy đủ. Các loại hoa quả, cầm thú cũng đầy đủ như trước đã nói. Núi Chơn Châu Man phát sinh một con sông lớn tên Bất Kiến Ngạn, rộng một do-tuần. Người sống trên núi Chơn Châu Man tên là Phổ Nhãn.
Như vậy, nước Phất Bà Đề có sáu ngọn núi bao quanh. Nước Phất Bà Đề có ba thành lớn:
1- Thành Thiện Môn
2- Thành Sơn Lạc
3- Thành Phổ Du Hý.
Mỗi thành lớn rộng ba do-tuần. Có ba thành bậc trung và bậc hạ. Có một thành bậc trung tên Câu Trất Hàm. Tiếp theo có thành Đại Ba Xá, thành Phổ Hống. Trong các thành bậc trung, thành lớn nhất các thành trong thiên hạ là thành Nhất Thiết Phụ. Kế tiếp có thành Đại Âm, thành Khoáng Dã Khổng Huyệt. Trong các thành nhỏ có thành to lớn đệ nhất.
Lại có ba ức năm mươi vạn ba ngàn năm trăm năm mươi sáu tụ lạc. Tụ lạc đứng đầu là Ca Thi Ma La, tiếp theo là các tụ lạc Thủy Mạt, Cân Thon Thọ Đề Thôn, Nhất Thiết Nhơn Diệp, Tỳ Đầu La, Ba Ca Thôn, Tỳ Trất, Ma Ma, Na Đề, Già Trất Úng, Đồ Kha, Lâm, Xích Toàn, A xoa, Phong Xuy, Man Thôn, Đảnh Thọ, Hắc Phan... có các tụ lạc đệ nhất như vậy.
Những người sống ở đây gương mặt tròn đầy, giống như hình dáng vùng đất đó. Người cõi Diêm Phù Đề tóc tai đẹp đẽ. Người nước Uất Đơn Việt mắt đẹp mơ mộng. Người Cù Đà Ni trán cao, bụng thon đẹp đẽ. Người Phất Bà Đề đùi vế, vai đẹp. Người trong bốn thiên hạ thân hình xinh đẹp như vậy.
Lại nữa, người tu hành quán sát nghiệp, quả báo xem chúng sanh do nghiệp gì sanh ra ở cõi Phất Bà Đề có nghiệp bậc thượng, bậc trung, bậc hạ? Dùng văn huệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy đời trước những chúng sanh này không biết về nghiệp quả báo. Do không biết nên bố thí nơi chẳng phải phước điền, hoặc rất khó xin họ, cần xin rất khó khăn họ mới cho, cũng như trước đã nói. Do nghiệp này nên gọi là Hạ phẩm sanh.
Chúng sanh nào giữ gìn trung phẩm giới hoặc thân gần quốc vương, không giết hại chúng sanh nhưng tâm chẳng thanh tịnh. Do nhân duyên này, khi chết được sanh lên trời. Khi chết ở cõi trời lại sanh đến cõi Phất Bà Đề, gọi là trung nghiệp sanh. Bậc thượng nhơn thượng nghiệp được nghe chánh pháp, giữ gìn, đọc tụng, thuyết lại cho người khác, làm họ phát sanh tùy hỷ, như lời nói tu hành, họ biết được không có một pháp nào có thể vượt qua cánh đồng, con đường sanh tử nguy hiểm. Nghe chánh pháp, họ thọ trì, đọc tụng, thuyết giảng cho người khác. Sự thù thắng trong các sự bố thí là pháp thí. Trì giới đệ nhất nghĩa là nghe chánh pháp, nghe chánh pháp bằng trí là thù thắng đệ nhất. Chánh pháp nghĩa là giống như trước đã nói.
Quán sát nghiệp và quả báo của người nước Phất Bà Đề rồi, vị ấy biết rõ ngoại thân.
Lại nữa, người tu hành quán sát trong nước Phất Ba Đề xem lại có những núi, sông, biển và bãi nhỏ nào? Dùng văn huệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy : qua khỏi nước Phất Bà Đề khoảng tám ngàn do-tuần có một núi lớn tên Từ Thạch, ngang rộng ba ngàn do-tuần, mỗi phía rộng một vạn do-tuần, có chút sắt nhỏ nào thảy đều bị hút nhanh vào núi này.
Qua khỏi núi này rồi, có một biển lớn rộng bảy ngàn do-tuần, tên Ba Hành, năm ngọn núi bao quanh giống như cái vòng ngọc, năm núi đó là:
1- Núi Châm Khẩu
2- Núi Đại Tạng
3- Núi Đa Tra Ca
4- Núi Xà Đa
5- Núi Hoan Hỷ.
Qua khỏi núi này rồi, có một đảo lớn tên là Đà Tra Ca Mạn Trà, rộng ba ngàn do-tuần, có khá nhiều Dạ xoa, Khẩn na la ở trên đảo này. Sông, ao, hoa quả, cây rừng đầy đủ, rất là vui thích. Trong cõi Diêm Phù Đề, Phất Bà Đề có những loài thú nào thì châu này cũng có đầy đủ.
Qua khỏi đảo này rồi, có một biển lớn tên Đa Tinh Tú. Trong biển có núi tên Ưu Đà Diên, núi này có mười ba ngọn núi vây quanh và cách núi Tu Di không xa. Người ngoại đạo cho rằng: “Cùng với nghiệp thiện và bất thiện của người cõi Diêm Phù Đề làm tăng thượng duyên. gió thiện hay bất thiện thổi vào núi Ưu Đà Diên làm xuất hiện những tinh tú”.
Các Luận sư ngoại đạo Bà la môn bỏ qua lý nghiệp báo, không biết chơn đế, đứng trước vua loài người nói rằng: “Tinh tú, mặt trời, mặt trăng, các vì sao tạo ra chúng sanh chớ chẳng phải do nghiệp quả báo”.
Những Luận sư ngoại đạo Bà la môn này do tà kiến sai lầm nói rằng: “Chúng sanh do tinh tú và mặt trời, mặt trăng tạo ra, chẳng phải do nghiệp quả báo”. Nếu do các tinh tú tạo ra, chẳng phải do nghiệp báo thì mặt trời, mặt trăng là hơn hết. Thời tiết tốt xất, thay đổi tất cả thời tiềt đều có hoa quả. Mặt trời, mặt trăng nếu hơn hết thì vì sao mặt trời, mặt trăng lại bị các tinh tú khác như Nhật sa bà nô nguyệt, sao La-hầu che khuất? Tất cả ngôi sao bị thất diệu che khuất là do nghiệp thiện hay ác?. Tinh tú cũng có nghiệp thiện và ác. Thế nên nghiệp lành hay dữ là do hành động của chúng sanh, chẳng phải do các tinh tú tạo ra.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận ngoại thân quán sát những tinh tú thấy được nghiệp và quả báo chẳng phải do tinh tú tạo ra. Quán sát biển tinh tú, quán sát núi Tu-Di, núi Ưu Đà Diên rồi, vị ấy biết ngoại thân rõ ràng.
Lại nữa, người tu hành quán sát biển Đa Tinh Tú ngang dọc bảy ngàn do-tuần. Qua khỏi biển này rồi có các vị thần tiên ở trên đảo, núi sông, cây rừng, hoa quả đầy đủ, giống như cõi Diêm Phù Đề. Đảo ngang dọc ba ngàn do-tuần, là nơi cư trú của tiên nhơn và Dạ-xoa. Tất cả cây Như Ý và hoa quả đều đầy đủ.
Qua khỏi đảo này có núi lớn vây quanh và có biển rộng ba ngàn do-tuần ở giữa hai cõi Diêm Phù Đề và Phất Bà Đề. Như vậy biển lớn tên Lãnh Noãn Thủy, ngang dọc ba ngàn do-tuần và có nhiều ốc, sò, cá Đề-di, cá Đề-di-nghê, cá Na-ca-la, cá Na-già-la, cá Thất-thâu-ma-la và các loài thuộc họ tộc rùa, ba ba sống trong biển.
Qua khỏi biển và núi này rồi, có một biển lớn tên Xích Hải, cách cõi Diêm Phù Đề không xa, ngang dọc năm ngàn do-tuần. Trong biển Xích Hải tràn đầy nước màu đỏ, có nhiều cá lớn màu đỏ ăn nuốt lẫn nhau, máu chúng đổ ra làm nước biển trở thành màu đỏ. Vì thế nên gọi là Biển đỏ.
Vượt khỏi biển này rồi có một biển lớn tên Thanh Thủy, ngang dọc bảy ngàn do-tuần, núi sông đầy đủ và có nhiều cá lớn, biển này rất sâu.
Qua khỏi biển này rồi, lại có một biển lớn nữa tên Bảo Chư, ngang dọc ba ngàn do-tuần, tất cả những thứ báu đều tụ tập nơi đây, như: cát vàng, xa cừ, chơn châu, san hô, tô ma la bảo... mọi thứ đều đầy đủ. Biển này lại có trái Ma-thâu độc hại, não loạn tâm, mọc trên cây này. Người nào ăn trái cây này thì chết ngất bảy ngày, giống như người chết. Con chim nào ăn trúng trái cây này thì chết liền.
Qua khỏi biển Bảo Chư rồi, có một biển lớn tên Diêm, ngang dọc bảy ngàn do-tuần, có nhiều sò, ốc, trai, hến, cá Đề-di, cá Đề-di-nghê, cá Quân-tỳ-la, cá Na-ca-la đầy khắp trong biển. Lại có các loài rồng, Dạ xoa, La sát, quỷ Tỳ-xá-giá đầy đủ trong nước, dưới nước có vô số núi.
Châu Diêm Phù Đề này có năm trăm đảo nhỏ bao quanh. Lược nói những đảo lớn là đảo Kim Địa, đảo Bảo Thạch, đảo Tràng Man, đảo Ca Na, đảo Loa Bối, đảo Chơn Châu, đảo Vi, đảo Quang Minh, đảo Ế-sa-ba-đà-ca,đảo Khang Bạch, đảo Phổ Hiền, đảo Tâm Tự Tại, đảo Hắc Song, đảo Hương Man, đảo Tam Giác, đảo Tu-Ma-Noa, đảo Xa Ma Tư Đô, đảo A Lam Ca, đảo Lăng Già. Có mười hai núi là nơi ở của La-sát. Lại có đảo Di Lưu Tỳ La Ca, đảo Sơn Trụ, đảo Xích Bối, đảo Xích Chơn Châu, đảo Tuyết Toàn, đảo Sa Trần Nhiễu, đảo Vô Đạo, đảo Ngũ Đồng, đảo Phú, đảo Xa Kiết Đế Lực, đảo Nữ Quốc, đảo Nhiên Thọ, đảo Ế-Sa-Ba-Đà, đảo Trượng Phu. Cõi Diêm Phù Đề có những đảo nhỏ tối thắng như vậy. Cõi Diêm Phù Đề ngang dọc bảy ngàn do-tuần, biến khắp, khả ái như trước đã nói.
Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem những nơi nào có mặt trời, mặt trăng chiếu đến? Dùng văn huệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy mặt trăng, mặt trời chiếu sáng núi Tu Di, bốn mặt bốn châu thiên hạ và chiếu đến cả biển lớn, chiếu khắp tám mươi bốn ngàn do-tuần của núi Tu Di. Ánh sáng chiếu đến một bên núi thì chỉ sáng một nửa sườn núi đó.
Núi Chiết Ca Bà La có kim cang vây quanh ba mươi sáu ức do-tuần, lửa Nan-nhẫn-nghiệp thiêu đốt núi kim cang Chiết Ca Bà La làm nước biển Nhũ Hải gần núi thì thành váng sữa, nước xung quanh núi thành sanh tô, xa hơn thì thành thục tô, xa hơn nữa thì bị lửa địa ngục thiêu đốt, nước vơi dần, thế nên không đầy khắp cõi Diêm Phù Đề. v.v...
Người tu hành quán sát cõi Dục giới, thấy được một cách rõ ràng nên nhàm chán, xa lìa ý tham dục. Vị ấy không thấy một nơi nào thường còn, không bị phá hoại, không bị biến đổi. Tất cả mọi nơi sanh tử không có đầu mối, đều do nhân duyên quả báo của nó. Chúng sanh vui đùa theo nghiệp báo của mình, không có một nơi nào không sanh không diệt, trăm ngàn lần, trăm ngàn lần xoay vần vô số vô biên sanh tử, không có gián đoạn.
Quán sát nội thân và ngoại thân rồi, vị ấy nhàm chán xa lìa dục ái, không còn ưa thích sắc, thanh, hương, vị, xúc.
Như vậy, vua chúa, Bà la môn, trưởng giả, thôn xóm, Tỳ kheo tu hành, tu phép quán “Thân niệm xứ” , không còn trụ cảnh ma, nghe giảng về phép quán thân niệm xứ rồi, phá trừ được ngũ kiến, trong pháp Vô thượng được phát sanh pháp nhãn. Nói pháp Thân niệm xứ là pháp vô thượng rồi, hoặc ở nơi hẽm núi, hốc núi, hoặc nơi nghĩa địa hay vùng đất trống, hoặc ở bên đống rơm tu học thiền định, không được buông lung, đừng chờ khi chết mới hối hận. Đây là lời dạy của ta.
Khi ấy, nghe lời Thế tôn rồi, các Tỳ kheo đều hoan hỷ, tin tưởng, vui vẻ làm theo.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.142.53.151 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.