Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
"Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi."
Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn,
ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần,
ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
PHẨM THỨ BẢY : LIÊN HOA DỤ TÁN (Kamalàkara)
Lúc bấy giờ, đức Phật bảo thần cây Bồ Đề rằng :
- Này thiện nữ thiên ! Ngươi nay nên biết, ông Diệu Tràng ngủ đêm mơ thấy Trống Vàng vi diệu phát ra âm thanh lớn khen công đức của Phật cùng pháp sám hối. Do nhân duyên này ta vì ngươi.v.v.. nói rộng việc ấy. Các ngươi cần phải nghe kỹ càng, và khéo suy nghĩ điều đó. Thuở quá khứ, có vị vua tên là Kim Long Chủ thường dùng Liên Hoa dụ tán để khen ngợi chư Phật ba đời trong mười phương.
Đức Phật liền vì đại chúng nói lời khen ấy rằng : Quá khứ, vị lai, hiện tại Phật
An trụ trong thế giới mười phương
Con nay chí thành cúi đầu lễ
Các Tối Thắng, khen ngợi hết lòng
Đấng Mâu Ni thanh tịnh vô thượng
Thân quang soi sáng như vàng ròng
Trong tất cả, thanh (tiếng) là tối thượng
Như tiếng sấm động Đại Phạm vang
Tóc bóng đẹp như ong đen chúa
Uyển chuyển xoăn đều màu biếc xanh
Răng trắng kín đều như kha tuyết (trắng như ngọc kha)
Bằng thẳng hiển hiện có quang minh.
Mắt tịnh không bẩn trang nghiêm diệu
Giống như cánh rộng hoa sen xanh.
Tướng lưỡi rộng dài rất nhu nhuyến
Ví như trong nước hiện sen hồng.
Mi gian thường có Bạch hào tướng
Màu pha lê uyển chuyển hữu toàn (xoắn về bên phải)
Làn mi dài nhỏ như sơ nguyệt (trăng non)
Màu ấy rực rỡ sánh chúa ong.
Như đỉnh vàng mũi cao dài thẳng
Không khuyết, tướng nhuần tịnh diệu quang
Tất cả thế gian, hương thù diệu
Ở đâu, khi nghe đều biết liền.
Thế Tôn tối thắng thân kim sắc
Chẳng khác, tướng mỗi một sợi lông
Xoăn về phải mềm mại xanh biếc
Khó ví dụ, ánh vi diệu quang.
Khắp cả thân có ánh sáng diệu
Soi khắp tất cả cõi mười phương
Hay diệt khổ chúng sinh ba hữu
Khiến cho họ đều được lạc an.
Trong địa ngục, bàng sinh, ngã quỉ
Đường A tô la, thiên và nhân
Khiến cho khổ của họ trừ diệt
Luôn thọ vui yên ổn tự nhiên
Thân sắc quang minh thường chiếu khắp
Không gì sánh như nước vàng ròng.
Diện mạo tròn sáng như mãn nguyệt
Môi đẹp như quả Tần bà hồng.
Bước đi uy nghi loài sư tử
Thân quang rực sáng sơ nguyệt đồng
Cánh tay nhỏ dài đứng quá gối
Giống như cành cây Ta la buông (xuống).
Vừng sáng một tầm vô biên chiếu
Như trăm ngàn mặt trời sáng choang
Có thể đến khắp các cõi Phật
Giác quần mê tại chỗ tùy duyên.
Lưới ánh sáng tịnh không gì sánh
Sáng soi đầy khắp cõi trăm ngàn
Chiếu khắp mười phương không chướng ngại
Tất cả tối tăm đều diệt tan.
Ánh từ Thiện Thệ hay cho lạc (vui)
Màu diệu rọi lại suốt núi vàng
Sáng soi đến hết trăm ngàn cõi
Chúng sinh gặp đều xuất ly liền.
Thân Phật thành tựu vô lượng phước
Tất cả công đức trang nghiêm chung
Độc Tôn xưng, vượt qua ba cõi
Thù thắng không cùng đẳng thế gian.
Tất cả Phật có đời quá khứ
Số vi trần đại địa tương đồng
Phật mười phương vị lai, hiện tại
Cũng nhiều như đại địa vi trần.
Con dùng chí thành thân, ngữ, ý
Cúi đầu Tam Thế Phật về nương (quy y)
Khen ngợi biển vô biên công đức
Đủ thứ hương hoa đều cúng dường.
Giả thử miệng con có ngàn lưỡi
Khen Như Lai trải kiếp không lường
Chẳng nghĩ bàn Thế Tôn công đức
Tối thắng thậm thâm khó nói lên.
Giả sử lưỡi con trăm ngàn cái
Khen một công đức một Thế Tôn
Ở trong phần nhỏ còn khó biết
Huống là đức chư Phật vô biên
Giả sử đất đai, các trời đến
Trời Hữu Đỉnh là nước mênh mông
Dùng sợi lông đếm giọt biết số
Một công đức Phật rất khó lường.
Con dùng chí thành thân, ngữ, ý
Lễ khen chư Phật đức vô biên
Sở hữu quả thắng phước khó nghĩ
Hồi thí chúng sinh Phật chóng thành.
Khen ngợi Như Lai rồi, vua đó
Thâm tâm phát hoằng nguyện bội phần.
Nguyện con sẽ ở vị lai thế
Sinh tại vô số kiếp không lường
Trong mơ thường thấy trống vàng lớn
Được nghe pháp sám hối tuyên dương.
Ví hoa sen khen công đức Phật
Nguyện thành chính giác, chứng vô sanh
Khi chư Phật ra đời nhất hiện
Ở trăm ngàn kiếp khó tao phùng.
Đêm mơ thường nghe tiếng trống diệu
Ngày thì tùy ứng sám hối luôn
Con sẽ viên mãn tu lục độ
Vớt người khỏi biển khổ mênh mông.
Nhiên hậu được thành Vô Thượng giác
Cõi Phật thanh tịnh chẳng nghĩ bàn
Phụng Như Lai dùng trống vàng diệu
Cùng khen công đức thật Thế Tôn.
Nhân ấy sẽ thấy Thích Ca Phật
Ký con sẽ nối Nhân Trung Tôn.
Kim Long, Kim Quang hai con đó
Quá khứ từng là tri thức lành
Đời đời nguyện sinh nhà con mãi
Bồ Đề Vô Thượng thọ ký chung.
Nếu có chúng sinh không cứu hộ
Mãi mãi chịu mọi khổ xoay vần
Con nguyện đời sau làm chỗ dựa
Khiến cho họ thường được lạc an.
Mọi khổ ba hữu nguyện trừ diệt
Đều được chỗ an lạc tùy lòng
Ở đời sau tu Bồ Đề đạo
Đều như quá khứ, thành Thế Tôn.
Nguyện phước sám hối Kim Quang ấy
Cạn mãi biển khổ, tội tiêu tan
Nghiệp chướng phiền não đều mất hết
Khiến con mau được quả sạch trong (thanh tịnh).
Biển cả phước trí không bờ bến
Sâu không đáy lìa bẩn sạch trong
Nguyện con được biển công đức ấy
Đại Bồ Đề Vô Thượng mau thành.
Do lực Kim Quang sám hối ấy
Sẽ được phước đức tịnh quang minh
Đã được diệu quang minh thanh tịnh
Soi tất cả thường bằng trí quang.
Nguyện thân quang con bằng chư Phật
Phước đức trí tuệ như Thế Tôn
Độc tôn xưng tất cả thế giới
Uy lực tự tại không ai bằng.
Biển khổ hữu lậu nguyện siêu việt !
Biển vui vô vi nguyện dạo thường !
Nguyện thường đầy biển phước hiện tại !
Biển trí đương lai nguyện mãn viên !
Nguyện đất nước con vượt ba cõi
Lượng công đức thù thắng vô biên
Những người hữu duyên đồng sinh đến
Đều được mau thành trí sạch trong (thanh tịnh) !
Diệu Tràng, ông phải biết
Kim Long Chủ quốc vương
Từng phát nguyện như vậy
Người đó là thân ông !
Hai người con lúc trước
Kim Long và Kim Quang
Tức Ngân Tướng, Ngân Quang.
Nhận lời ký ta đó !
Đại chúng nghe nói xong
Tâm Bồ Đề đều phát
Nguyện hiện tại, vị lai
Thường y sám hối này ! PHẨM THỨ TÁM: KIM THẮNG ĐÀ LA NI
(Hirauyavatidhàrani)
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn ở giữa chúng, bảo Đại Bồ tát Thiện Trụ rằng :
- Này thiện nam tử ! Có Đà la ni tên là Kim Thắng. Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân muốn cầu thân cận tiếp kiến các đức Phật quá khứ, vị lai, hiện tại để cung kính cúng dường thì cần phải thọ trì Đà la ni này. Vì sao vậy ? Vì Đà la ni này mới chính là mẹ của chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai. Vậy nên ông phải biết người trì Đà la ni này thì đầy đủ phước đức lớn rồi, đã ở chỗ vô lượng Phật đời quá khứ gieo trồng các thiện căn nên nay được thọ trì, đối với giới thanh tịnh, chẳng hủy, chẳng khuyết, không có chướng ngại, quyết định có thể vào pháp môn thậm thâm.
Đức Thế Tôn liền vì người trì chú nói phép trì chú : Trước hết là xưng danh hiệu chư Phật và Bồ tát với lòng chí thành lễ kính, nhiên hậu mới tụng chú. Như là :
Nam mô Thập Phương Nhất Thiết Chư Phật ! Nam mô chư Đại Bồ tát Mahatát ! Nam mô Thanh Văn Duyên Giác Nhất Thiết Thánh Hiền !
Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật. Nam mô Đông Phương Bất Động Phật. Nam mô Nam Phương Bảo Tràng Phật. Nam mô Tây Phương A Di Đà Phật. Nam mô Bắc Phương Thiên Bổ Âm Vương Phật. Nam mô Thượng Phương Quảng Chúng Đức Phật. Nam mô Hạ Phương Minh Đức Phật. Nam mô Bảo Tạng Phật. Nam mô Phổ Quang Phật. Nam mô Phổ Minh Phật. Nam mô Hương Tích Phật. Nam mô Liên Hoa Thắng Phật. Nam mô Bình Đẳng Kiến Phật. Nam mô Bảo Kế Phật. Nam mô Bảo Thượng Phật. Nam mô Bảo Quang Phật. Nam mô Vô Cấu Quang Minh Phật. Nam mô Biện Tài Trang Nghiêm Tư Duy Phật. Nam mô Tịnh Nguyệt Quang Xưng Tướng Vương Phật. Nam mô Hoa Nghiêm Quang Phật. Nam mô Quang Minh Vương Phật. Nam mô Thiện Quang Vô Cấu Xưng Vương Phật. Nam mô Quan Sát Vô Úy Tự Tại Vương Phật. Nam mô Vô Úy Danh Xưng Phật. Nam mô Tối Thắng Vương Phật. Nam mô Quán Tự Tại Bồ tát Mahatát. Nam mô Địa Tạng Bồ tát Mahatát. Nam mô Hư Không Tạng Bồ tát Mahatát. Nam mô Diệu Cát Tường Bồ tát Mahatát. Nam mô Kim Cương Thủ Bồ tát Mahatát. Nam mô Phổ Hiền Bồ tát Mahatát. Nam mô Vô Tận Ý Bồ tát Mahatát. Nam mô Đại Thế Chí Bồ tát Mahatát. Nam mô Từ Thị Bồ tát Mahatát. Nam mô Thiện Tuệ Bồ tát Mahatát.
Rồi đức Phật nói Đà la ni rằng :
Nam mô hát lại đát na đát lại dạ dã - Đát điệt tha - Quân đệ - Quân đệ - Củ chiết lệ - Củ chiết lệ - Nhất trất lí - Mật trất lí - Tá ha (Namô ratna - trayàya tadyathà kunte kunte ku‘sale ku‘sale ku‘sale icchili mitili svàhà).
Đức Phật bảo Bồ tát Thiện Trụ rằng :
- Đà la ni này chính là mẹ của Tam Thế Phật. Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân trì chú này thì có thể sinh ra vô lượng vô biên công đức tụ, tức là cúng dường cung kính tôn trọng tán thán vô số chư Phật. Những đức Phật như vậy đều cùng với người này trao lời ký Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nếu có người có thể trì chú này thì theo sở dục của người ấy về y thực, tài bảo, đa văn, thông minh, trí tuệ, không bệnh, sống lâu được phước rất nhiều, theo điều cầu nguyện không gì chẳng toại ý. Này Thiện Trụ ! Người trì chú này thì cho đến chưa chứng Bồ Đề Vô Thượng vẫn thường cùng ở chung với Bồ tát Kim Thành Sơn, Bồ tát Từ Thị, Bồ tát Đại Hải, Bồ tát Quán Tự Tại, Bồ tát Diệu Cát Tường, Bồ tát Đại Băng Dà La.v.v... và được sự nhiếp hộ của các vị Bồ tát. Này Thiện Trụ ! Ông phải biết, khi trì chú này thì làm phép như vầy : Trước nên tụng trì mãn một vạn lẻ tám biến (lần) để làm phương tiện trước. Tiếp đến, ở trong phòng tối, trang nghiêm đạo tràng, ngày mùng một hắc nguyệt (tối trăng - đầu tháng) tắm gội thanh tịnh mặc áo tinh khiết, đốt hương tán hoa cúng dường đủ thứ cùng những đồ ăn thức uống. Rồi vào trong đạo tràng, trước phải làm lễ, xưng danh hiệu chư Phật Bồ tát như đã nói ở trước. Rồi chí tâm ân cần cẩn trọng hối tội trước đã làm, quì gối phải xuống đất mà tụng chú như trước mãn một ngàn lẻ tám biến, rồi ngồi thẳng suy nghĩ, nhớ đến sở nguyện của mình. Khi mặt trời chưa mọc, ở trong đạo tràng, ăn bữa hắc thực (?) và ngày chỉ ăn một lần, đến mười lăm ngày mới ra khỏi đạo tràng. Sự hành trì đó có thể khiến cho người này phước đức uy lực chẳng thể nghĩ bàn, tùy theo sự nguyện cầu không gì chẳng viên mãn. Nếu nguyện cầu chẳng toại ý thì vào đạo tràng một lần nữa, đã xứng tâm rồi thường trì không quên. PHẨM THỨ CHÍN : TRÙNG HIỂN KHÔNG TÍNH
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn nói chú này rồi, vì muốn lợi ích cho Bồ tát Mahatát, người, trời đại chúng, khiến cho được ngộ giải Đệ nhất nghĩa chân thật thậm thâm nên một lần nữa làm sáng tỏ tính không mà nói bài tụng rằng :
Ta đã ở Kinh thậm thâm khác
Nói pháp vi diệu chân không
Nay ở trong Kinh vua này lại
Lược nói Không pháp chẳng nghĩ bàn.
Với các pháp thậm thâm rộng lớn
Hữu tình không trí chẳng giải thông
Nên ta ở đó phô diễn lại
Khiến cho khai ngộ được pháp không.
Lòng Đại bi xót thương sinh chúng
Dùng thiện phương tiện, thắng nhân duyên
Ta hôm nay ở trong đại chúng
Diễn nói khiến họ sáng nghĩa không.
Phải biết thân này như không tụ
Sáu giặc chẳng biết nhau nương dừng
Nương theo căn giặc sáu trần khác biệt
Đều chẳng biết nhau cũng như trên
Nhãn căn thường quan sát sắc xứ
Nghe tiếng chẳng đoạn là Nhĩ căn
Tỵ căn hằng ngữi đến hương cảnh
Thiệc căn trẩn nếm đến vị ngon
Thân căn hưởng thụ chạm êm ái
Ý căn rõ pháp chẳng biết nhàm.
Sáu căn này tùy theo việc khởi
Đều ở cảnh mình phân biệt sanh
Thức như huyễn hóa chẳng phải thật
Vọng tham cầu chỗ căn nương dừng
Như người bôn tẩu trong không tụ
Cũng như vậy sáu thức nương căn.
Tâm chạy khắp cầu theo chỗ chuyển
Rõ các việc, duyên cảnhnhờ căn
Thường ái sắc, thanh, hương, vị, xúc
Với pháp nghĩ mãi không tạm dừng.
Với sáu căn tùy duyên đi khắp
Không ngại như chim bay trong không
Mượn các căn này làm chỗ dựa (nương)
Mới phân biệt ngoại cảnh rõ ràng.
Thân này không biết không tác giả
Mượn duyên thành, thể chẳng chắc bền
Phân biệt sinh ra từ hư vọng
Như máy móc do nghiệp chuyển vần.
Thân thành do đất, nước, lửa, gió
Chuốc quả khác tùy theo nhân duyên
Trái hại nhau đồng tại một chỗ
Như bốn rắn độc ở một hòm.
Tính rắn bốn đại này đều khác
Tuy ở một chỗ có thăng, trầm
Khắp châu thân hoặc lên hoặc xuống
Chúng về với diệt pháp rốt cùng.
Ở trong bốn thứ rắn độc ấy
Hắn rắn đất, nước tính nặng chìm
Tính nhẹ cất lên rắn gió lửa
Do chúng trái ngược, mọi bệnh sinh...
Tâm thức y chỉ vào thân ấy
Tạo tác đủ thứ nghiệp ác, lành
Sinh cõi người, trời, ba đường ác
Tùy theo nghiệp lực thọ thân hình.
Gặp các bệnh sau khi thân chết
Đại tiểu tiện lợi chảy tràn lan
Thối rữa giòi bọ chẳng thể thích
Như cây mục, bỏ tại tử lâm.
Các ông phải quán pháp như vậy
Thì sao chấp có ngã, chúng sinh...
Tất cả các pháp vô thường hết
Từ vô minh duyên lực khởi lên.
Các thứ đại đó đều hư vọng
Vốn chẳng thật có, thể vô sinh
Nên nói tính Đại đều trống rỗng
Biết đây phù hư chẳng phải chân (thật có).
Tự tính vô minh vốn không có
Hòa hợp có nhờ lực mọi duyên
Ở tất cả thời mất chánh tuệ
Nên ta nói đó là vô minh.
Hành, thức vì duyên có danh sắc
Lục xứ (nhập) và Xúc, Thọ tùy sinh
Ái, Thủ, Hữu duyên sinh Lão, Tử
Ưu bi khổ não theo đuổi luôn.
Mọi khổ, ác nghiệp thường trói ép
Sinh tử luân hồi không lúc dừng.
Bản lai phi hữu, không là thể
Do chẳng như lý, phân biệt sinh.
Ta đoạn tất cả các phiền não
Thường dùng chánh trí hành hiện tiền
Rõ nhà năm uẩn đều trống rỗng
Cầu chứng Bồ Đề chỗ thật chân.
Ta mở cửa đại thành Cam Lộ
Cam lồ vi diệu hiện bày lên
Đã được vị cam lồ chân thật
Thường dùng cam lồ thí quần sinh.
Ta đánh trống Đại pháp tối thắng
Ta thổi loa Đại pháp tột cùng
Ta thắp Đại minh đăng tối thắng
Mưa pháp lớn tối thắng ta tuông.
Hàng phục phiền não, các oán kết
Kiến lập Vô Thượng Đại Pháp tràng
Cứu quần mê trong biển sinh tử
Ba đường ác ta sẽ bế quan.
Lửa rực phiền não thiêu sinh chúng
Không có cứu hộ, không nương dừng (y chỉ)
Cam lồ mát mẻ sung túc họ
Nhiệt não thân tâm đều trừ tan.
Do đó, ta ở vô lượng kiếp
Cung kính cúng dường các Thế Tôn
Kiên trì giới, Bồ Đề hướng đến
Cầu chứng chỗ an lạc, pháp thân.
Cho người tay, chân và tai, mắt
Vợ con, tôi tớ... lòng không tiếc.
Đồ trang nghiêm, của quí, bảy báu...
Tùy người xin đều cung cấp liền.
Nhẫn nhục... các độ đều tu hết
Thập địa viên mãn, Chánh Giác thành
Nên ta được xưng Nhất Thiết Trí
Mà chúng sinh không kẻ đo lường !
Giả sử ba ngàn đại thiên giới
Hết đất cõi này vật lớn lên
Các cây cối, rừng rậm sở hữu
Lúa, mè, tre, sậy và nhánh cành...
Những vật này... đều chặt lấy hết
Đều làm nát vụn thành vi trần
Tùy chỗ tích tập lường khó biết
Cho đến tràn đầy cõi hư không.
Tất cả mười phương những đất nước
Đất đai sở hữu cõi ba ngàn
Đều làm nát vụn biến thành bụi
Lượng bụi này chẳng thể tính lường.
Giả sử trí của tất cả sinh chúng
Đem cho một người làm trí riêng
Lượng người trí như vậy vô số
Có thể biết số vi trần trên.
Một niệm trí Thế Tôn Tịch Mặc
Những người trí đó chung đo lường
Dù trải trong đa câu chỉ kiếp
Chẳng thể tính toán biết thiểu phần.
Các đại chúng nghe đức Phật nói tính Không thậm thâm này thì có vô lượng chúng sinh đều có thể liễu đạt thể tính của bốn Đại, năm Uẩn đều Không; sáu căn, sáu cảnh vọng sinh trói buộc. Họ nguyện từ bỏ luân hồi, chánh tu xuất ly (ra khỏi), thâm tâm vui mừng, theo đúng lời dạy phụng trì.
PHẨM THỨ MƯỜI : Y KHÔNG MÃN NGUYỆN
Bấy giờ thiên nữ Như Ý Bảo Quang Diệu, ở trong đại chúng, nghe nói thâm pháp, hớn hở vui mừng, đứng dậy, trật áo vai phải, quì gối phải xuống đất, chắp tay cung kính mà bạch đức Phật rằng :
- Thưa đức Thế Tôn ! Nguyện xin ngài vì con nói về pháp tu hành lý thậm thâm !
Rồi thiên nữ nói lời tụng rằng :
Con hỏi Lưỡng Túc Tôn
Tối thắng soi thế giới
Pháp Bồ tát chánh hành
Nguyện xin ngài thương hứa !
Phật nói : “Thiện nữ thiên !
Nếu có điều nghi hoặc
Tùy ý ngươi hỏi han
Ta sẽ phân biệt nói !”
Khi đó, thiên nữ thỉnh Thế Tôn rằng :
Làm sao các Bồ tát
Chánh hạnh Bồ Đề làm
Lìa sinh tử Niết Bàn
Lợi ích mình, người khác ?
Đức Phật dạy rằng :
- Này thiện nữ thiên ! Y vào pháp giới hành pháp Bồ Đề, tu bình đẳng hạnh ! Làm sao y vào pháp giới mà hành pháp Bồ Đề ? Tu bình đẳng hạnh ? Nghĩa là với năm uẩn có thể hiện pháp giới. Pháp giới tức là năm uẩn. Năm uẩn chẳng thể nói, chẳng phải năm uẩn cũng chẳng thể nói. Vì sao vậy ? Vì nếu pháp giới là năm uẩn thì tức là đoạn kiến, còn nếu lìa khỏi năm uẩn thì tức là thường kiến. Lìa khỏi hai tướng, chẳng chấp trước nhị biên, chẳng thể thấy, qua khỏi sở kiến không danh, không tướng thì đó gọi là nói đến pháp giới. Này thiện nữ thiên ! Làm sao năm uẩn có thể hiện pháp giới ? Như vậy năm uẩn chẳng từ nhân duyên sinh. Vì sao vậy ? Vì nếu từ nhân duyên sinh thì vì đã sinh nên sinh, vì chưa sinh nên sinh. Nếu đã sinh nên sinh thì cần gì nhân duyên ? Còn nếu chưa sinh mà sinh thì chẳng thể được sinh. Vì sao vậy ? Vì chưa sinh các pháp tức là chẳng phải có, không danh, không tướng, chẳng bì kịp, chẳng thí dụ, chẳng tính lường, chẳng phải là sự sinh ra của nhân duyên ! Này thiện nữ thiên ! Ví như tiếng trống là nương vào gỗ, nương vào da và dùi, tay.v.v... nên được phát ra tiếng. Như vậy tiếng trống quá khứ cũng không, vị lai cũng không, hiện tại cũng không. Vì sao vậy ? Vì âm thanh của trống này chẳng từ gỗ sinh ra, chẳng từ da và dùi, tay sinh ra, chẳng ở ba đời sinh ra thì tức là chẳng sinh. Nếu chẳng thể sinh thì chẳng thể diệt. Nếu chẳng thể diệt thì không có chỗ để từ đó đến. Nếu không chỗ từ đó đến thì cũng không chỗ để đi. Nếu không chỗ để đi thì chẳng phải Thường, chẳng phải Đoạn. Nếu chẳng phải thường, chẳng phải đoạn thì chẳng một, chẳng khác. Vì sao vậy ? Vì đây nếu là một thì chẳng khác pháp giới. Nếu như vậy thì người phàm phu nên thấy Chân đế, được đến Niết Bàn Vô Thượng an lạc. Đã chẳng như vậy thì nên chẳng một ! Nếu nói khác thì tất cả hành tướng chư Phật, Bồ tát tức là chấp trước, chưa được giải thoát sự trói buộc của phiền não tức là chẳng chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vì sao vậy ? Vì tất cả thánh nhân đối với hành, chẳng phải hành, đồng một tính chân thật, vậy nên chẳng khác ! Ngươi nên biết, năm uẩn chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng từ nhân duyên sinh, chẳng phải không từ nhân duyên sinh, chính là sự nhận biết của Thánh, chẳng phải cảnh giới nào khác, cũng chẳng phải sự có thể bì kịp của lời nói, không danh, không tướng, không nhân, không duyên, cũng không thí dụ, thỉ chung tịch tịnh, bản lai tự không. Vậy nên năm uẩn có thể hiện pháp giới ! Này thiện nữ thiên ! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân muốn cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác khác chân, khác tục khó có thể nghĩ lường thì đối với cảnh Phàm, Thánh, thể chẳng phải một, khác, chẳng bỏ đi tục, chẳng lìa khỏi chân, y vào pháp giới làm hạnh Bồ Đề.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn nói lời này xong thì thiện nữ thiên hớn hở vui mừng liền đứng dậy, trật áo vai phải, quì gối phải xuống đất, chắp tay cung kính, nhất tâm đảnh lễ mà bạch đức Phật rằng :
- Thưa đức Thế Tôn ! Lời nói về Chánh hạnh Bồ Đề như trên con nay sẽ học !
Lúc đó, vua trời Đại Phạm, chúa thế giới Tác Ha (Ta Bà), ở trong đại chúng, hỏi thiên nữ Như Ý Bảo Quang Diệu rằng :
- Hạnh Bồ Đề này khó có thể tu hành, nàng nay làm gì với hạnh Bồ Đề mà được tự tại ?
Bấy giờ, thiện nữ thiên đáp Phạm Vương rằng :
- Thưa Đại Phạm Vương ! Như lời đức Phật nói thật là thậm thâm, tất cả dị sinh, chẳng lý giải nghĩa ấy thì cảnh giới Thánh vi diệu này khó biết. Nếu khiến tôi hôm nay nương vào pháp này được an lạc là lời nói chân thật thì tôi nguyện khiến cho tất cả vô lượng vô số vô biên chúng sinh của cõi ngũ trược ác thế đều được thân Kim sắc với ba mươi hai tướng, chẳng phải nam, chẳng phải nữ, ngồi trên hoa sen báu, thọ vô lượng niềm vui, mưa xuống hoa trời đẹp, âm nhạc chư thiên chẳng tấu mà tự nhiên kêu lên, tất cả đồ cúng dường đều đầy đủ !
Thiện nữ thiên nói lời đó xong thì tất cả chúng sinh sở hữu của cõi ngũ trược ác thế đều màu vàng, đủ tướng của bậc đại nhân, chẳng phải nam, chẳng phải nữ, ngồi trên hoa sen báu, thọ vô lượng niềm vui giống như cung trời Tha Hóa Tự Tại, không có các đường ác, cây báu hàng lối la liệt, hoa sen thất bảo đầy khắp thế giới, lại mưa xuống hoa trời thất bảo thượng diệu, tấu lên kỹ nhạc nhà trời. Thiện nữ thiên Như ý Bảo Quang Diệu liền chuyển thân nữ làm thân Phạm Thiên. Vua trời Đại Phạm hỏi Bồ tát Như Ý Bảo Quang Diệu rằng :
- Thưa ngài ! Ngài làm hạnh Bồ Đề như thế nào ?
Đáp rằng :
- Thưa Phạm Vương ! Nếu trăng trong nước làm hạnh Bồ Đề thì tôi cũng làm hạnh Bồ Đề ! Nếu trong mơ làm hạnh Bồ Đề thì tôi cũng làm hạnh Bồ Đề ! Nếu loáng nắng làm hạnh Bồ Đề thì tôi cũng làm hạnh Bồ Đề ! Nếu tiếng vang của hang làm hạnh Bồ Đề thì tôi cũng làm hạnh Bồ Đề !
Vua Đại Phạm nghe lời nói này rồi, bạch với Bồ tát rằng :
- Ngài y vào nghĩa nào mà nói lời nói này ?
Đáp rằng :
- Thưa Phạm Vương ! Không có một pháp nào là thật tướng cả, chỉ do nhân duyên mà được thành !
Phạm Vương nói rằng :
- Nếu như vậy thì những người phàm phu đều nên được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác !
Đáp rằng:
- Ngài do cái ý gì mà nói lời đó ? Người ngu si khác người trí tuệ khác, Bồ Đề khác, chẳng phải Bồ Đề khác, giải thoát khác, chẳng phải giải thoát khác ? Thưa Phạm Vương ! Như vậy các pháp bình đẳng không khác. Đối với pháp giới này, Chân Như chẳng một, chẳng khác, không có trung gian mà có thể chấp trước, không tăng, không giảm. Thưa Phạm Vương ! Ví như nhà huyễn thuật và các đệ tử huyễn khéo giải các huyễn thuật, ở ngã tư đường lớn, nhặt lấy những đất, cát, cỏ, cây, cành lá.v.v... gom lại tại một chỗ, rồi làm các thuật huyễn hóa khiến cho người nhìn thấy những voi, những ngựa, những xe cộ, binh chúng.v.v... nào là đống thất bảo, đủ thứ kho lẫm... Nếu có chúng sinh ngu si vô trí, chẳng thể suy nghĩ, chẳng biết gốc huyễn hóa mà hoặc thấy, hoặc nghe thì tác khởi suy nghĩ này : “Những voi, ngựa.v.v... mà ta đã thấy đây là thật có, còn cái khác đều hư vọng”. Rồi về sau lại chẳng thẩm sát tư duy. Người có trí thì chẳng như vậy, rõ được gốc huyễn hóa nên hoặc thấy, hoặc nghe thì tác khởi ý niệm như vầy : “Những voi, ngựa.v.v... như ta đã thấy chẳng phải là chân thật, chỉ có việc huyễn hóa mê hoặc con mắt của người mà vọng cho là voi, ngựa.v.v... và các kho tàng, có danh không thật. Như điều ta thấy nghe chẳng chấp là thật”. Về sau suy nghĩ biết sự hư vọng ấy. Vậy nên kẻ trí biết rõ tất cả pháp đều không thật thể, chỉ theo thế tục như thấy như nghe tuyên bày việc ấy, suy nghĩ nghĩa lý chắc chắn thì chẳng như vậy, lại do giả định mà nói để hiển bày nghĩa thật.
Thưa Phạm Vương ! Do ngu si của dị sinh, chưa được mắt của bậc Thánh tuệ xuất thế, chưa biết tất cả các pháp chân như chẳng thể nói. Những kẻ phàm phu đó hoặc thấy hoặc nghe hành pháp chẳng phải hành pháp, rồi như vậy mà tư duy liền sinh ra chấp trước, cho đó là thật. Đối với đệ nhất nghĩa, họ chẳng thể rõ biết các pháp Chân như là chẳng thể nói. Những bậc thánh nhân hoặc thấy hoặc nghe hành pháp, chẳng phải hành pháp, rồi tùy theo sức của mình có thể chẳng sinh ra chấp trước, lấy làm thật có, rõ biết tất cả pháp hạnh không thật, chẳng phải pháp hạnh không thật, chỉ vọng tưởng nghĩ suy ra tướng hành, tướng chẳng phải hành, chỉ có danh tự, không có thật thể. Những thánh nhân này theo lời nói của thế tục là muốn khiến cho người khác biết nghĩa chân thật. Như vậy, thưa Phạm Vương ! Những Thánh nhân này dùng Thánh trí thấy rõ pháp Chân như chẳng thể nói, hành pháp chẳng phải hành pháp cũng lại như vậy, vì khiến cho người khác chứng biết nên nói đủ thứ danh tự, lời nói của thế tục.
Vua trời Đại Phạm hỏi Bồ tát Như Ý Bảo Quang Diệu rằng :
- Có bao nhiêu chúng sinh có thể hiểu biết chánh pháp thậm thâm như vậy ?
Đáp rằng :
- Thưa Phạm Vương ! Có tâm, tâm số pháp của mọi huyễn nhân có thể hiểu được chánh pháp thậm thâm như vậy !
Phạm Vương nói rằng :
- Thể của người huyễn hóa này là chẳng phải có thì tâm số này từ đâu mà sinh ra ?
Đáp rằng :
- Nếu biết pháp giới chẳng có chẳng không thì như vậy chúng sinh có thể hiểu được thâm nghĩa.
Bấy giờ, Phạm Vương bạch đức Phật rằng :
- Thưa đức Thế Tôn ! Như vậy, Bồ tát Như Ý Bảo Quang Diệu chẳng thể nghĩ bàn, thông đạt ý nghĩa thậm thâm như vậy !
Đức Phật dạy rằng :
- Đúng vậy ! Đúng vậy ! Này Phạm Vương ! Đúng như lời ông nói ! Bồ tát Như Ý Bảo Quang Diệu này đã dạy các ông phát tâm tu học Vô Sanh Pháp Nhẫn.
Lúc đó, vua trời Đại Phạm cùng các Phạm chúng đứng dậy, trật áo vai phải, chắp tay cung kính đảnh lễ dưới chân Bồ tát Như Ý Bảo Quang Diệu, nói lên như vầy :
- Hy hữu ! Hy hữu ! Chúng tôi hôm nay may mắn gặp được Đại Sĩ, được nghe chánh pháp !
Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Phạm Vương rằng :
- Như Ý Bảo Quang Diệu này, vào đời vị lai, sẽ được làm Phật hiệu là Bảo Diệm Cát Tường Tạng Như Lai Ứng Chánh Biến Tri Minh Hành Viên Mãn Thiện Thệ Thế Gian Giải Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu Thiên Nhân Sư Phật Thế Tôn.
Khi đức Phật nói phẩm này thì có ba ngàn ức Bồ tát đối với Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác được Bất Thoái Chuyển, tám ngàn ức thiên tử, vô lượng vô số quốc vương, thần dân xa lìa trần cấu được pháp nhãn tịnh.
Bấy giờ, trong hội có năm mươi ức Bí sô làm hạnh Bồ tát muốn thoái tâm Bồ Đề, khi nghe Bồ tát Như Ý Bảo Quang Diệu nói pháp này thì đều được kiên cố chẳng thể nghĩ bàn, thỏa mãn đầy đủ nguyện trên, trở lại phát khởi tâm Bồ Đề, đều tự cởi áo cúng dường Bồ tát, một là nữa phát tâm Vô Thượng Thắng Tấn. Họ đều tác khởi nguyện như vầy : “Nguyện khiến cho chúng con công đức thiện căn đều chẳng thoái chuyển và đem hồi hướng về Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác!” Đức Phật bảo Phạm Vương rằng :
-Này Phạm Vương ! Những Bí sô đó y vào công đức này, đúng như lời nói tu hành, qua chín mươi đại kiếp, sẽ được giải thoát giác ngộ, lìa khỏi sinh tử.
Bấy giờ, đức Thế Tôn liền vì họ mà thọ ký rằng :
- Này các ông Bí sô ! Qua ba mươi atăngkỳ kiếp, các ông sẽ được làm Phật, ở kiếp tên là Nan Thắng Quang Vương, nước tên là Vô Cấu Quang. Các ông đồng thời đều được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đều đồng danh hiệu là Nguyện Trang Nghiêm Gián Sức Vương với mười hiệu đầy đủ !
Này Phạm Vương ! - Đức Phật nói tiếp - Kinh điển vi diệu Kim Quang Minh này, nếu chính được nghe và thọ trì thì có uy lực lớn. Giả sử có người ở trăm ngàn đại kiếp tu hành sáu Ba la mật mà không có phương tiện. Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân ghi chép Kinh Kim Quang Minh như vậy, rồi hàng nửa tháng, nửa tháng chuyên tâm đọc tụng thì công đức này so với công đức trước, trăm phần chẳng bằng một... cho đến tính toán thí dụ cũng chẳng thể bì kịp. Này Phạm vương! Vậy nên ta nay lệnh cho ông tu học, nhớ nghĩ, thọ trì, vì người khác giải nói rộng rãi. Vì sao vậy ? Vì vào thuở xa xưa, khi ta hành đạo Bồ tát, giống như dũng sĩ xông vào trận chiến, chẳng tiếc thân mạng mà lưu thông vua Kinh vi diệu như vậy, thọ trì, đọc tụng, vì người khác giải nói.
Này Phạm Vương ! Ví như vua Chuyển Luân Thánh, nếu nhà vua tại thế thì thất bảo chẳng diệt, nếu vua mạng chung thì thất bảo sở hữu tự nhiên diệt hết. Này Phạm Vương ! Vua Kinh vi diệu Kim Quang Minh này, nếu hiện ở đời thì pháp bảo Vô thượng đều chẳng diệt, còn nếu không Kinh này thì pháp bảo tùy theo chỗ ẩn mất. Vậy nên cần phải đối với Kinh Vương này chuyên tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, vì người khác giải nói, khuyên cho họ ghi chép, hành Tinh Tấn Ba la mật chẳng tiếc thân mạng, chẳng sợ mệt nhọc... được thắng công đức. Những đệ tử của ta cần phải tinh cần tu học như vậy !
Lúc bấy giờ, vua trời Đại Phạm cùng vô lượng Phạm chúng, Đế Thích, Tứ Thiên Vương và những dược xoa đều đứng dậy, trật áo vai phải, gối phải quì xuống đất, chắp tay cung kính mà bạch đức Phật rằng :
- Thưa đức Thế Tôn ! Chúng con nguyện thủ hộ, lưu thông Kinh điển vi diệu Kim Quang Minh này ! Và đối với thầy nói pháp, nếu có các hoạn nạn con sẽ trừ diệt, khiến cho đủ mọi điều lành, sắc lực dồi dào, biện tài vô ngại, thân ý thư thái, thính giả trong pháp hội đều thụ hưởng an lạc. Đất nước sở tại, nếu có đói kém, oán tặc, phi nhân làm não hại thì chúng con, thiên chúng, đều vì chỗ ấy mà ủng hộ, khiến cho nhân dân nơi ấy yên ổn, giàu thịnh sung sướng, không những điều oan uổng ngang ngược... tất cả đều do sức của thiên chúng chúng con. Nếu có người cúng dường Kinh điển này thì chúng con cũng sẽ cúng dường cung kính họ như Phật chẳng khác.
Lúc bấy giờ, đức Phật bảo vua trời Đại Phạm và các Phạm chúng, cho đến Tứ thiên vương, những dược xoa... rằng :
- Hay thay ! Hay thay ! Các ông được nghe diệu pháp thậm thâm, lại có thể đối với Kinh Vương vi diệu này phát tâm ủng hộ và thọ trì thì sẽ thu hoạch được phước thù thắng vô biên, mau chóng thành Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề !
Phạm Vương.v.v... nghe đức Phật nói rồi, hoan hỉ đỉnh thọ.
PHẨM THỨ MƯỜI MỘT : TỨ THIÊN VƯƠNG QUAN SÁT NHÂN THIÊN
(Catur-Mahàràjà)
Lúc bấy giờ, vua trời Đa Văn, vua trời Trì Quốc, vua trời Tăng Trưởng, vua trời Quảng Mục đều đứng dậy, trật áo vai phải, quì gối phải xuống đất, chắp tay hướng về đức Phật, lễ dưới chân đức Phật rồi bạch rằng :
- Thưa đức Thế Tôn ! Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này được tất cả chư Phật thường niệm quan sát, được sự cung kính của tất cả Bồ tát, được tất cả trời, rồng luôn cúng dường và chư thiên thường sinh hoan hỷ, tất cả hộ thế xưng dương tán thán, Thanh Văn, Độc Giác đều chung thọ trì, đều có thể soi sáng cung điện của chư thiên, có thể ban cho tất cả chúng sinh sự an vui thù thắng, chấm dứt địa ngục, ngã quỉ, bàng sinh, các đường khổ não, tất cả sự bố úy đều có thể diệt hết, oán địch sở hữu liền thoái tan, thời ác đói kém có thể khiến cho được mùa thịnh vượng, tật dịch bệnh khổ đều khiến cho trừ khỏi, tất cả tai biến trăm ngàn ngàn khổ não đều tiêu diệt hết.
Thưa đức Thế Tôn ! Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này có thể làm yên ổn lợi lạc như vậy ! Ích lợi nhiều cho chúng con ! Nguyện xin đức Thế Tôn, ở trong đại chúng, rộng vì chúng con mà tuyên nói ! Bốn vua chúng con cùng các quyến thuộc nghe pháp vị cam lộ Vô thượng này, khí lực thật dồi dào, tăng thêm uy quang, tinh tấn, dũng mãnh, thần thông hơn bội phần.
Thưa đức Thế Tôn ! Bốn vua chúng con tu hành chánh pháp, thường nói chánh pháp, đem chánh pháp giáo hóa thế gian. Chúng con khiến cho những trời, rồng, dược xoa, Kiền thát bà, A tô la, Yết lộ trà, Câu bàn trà, Khẩn na la, Mạc hô la dà và các vua người (nhân vương) thường dùng chánh pháp mà giáo hóa ở đời, ngăn bỏ các ác, sở hữu quỉ thần hút tinh khí người, người không từ bi đều khiến cho đi xa.
Thưa đức Thế Tôn ! Bốn vua chúng con cùng hai mươi tám bộ dược xoa đại tướng cùng với vô lượng trăm ngàn dược xoa dùng tịnh thiên nhãn hơn mắt người đời, quan sát ủng hộ châu Thiệm Bộ này.
Thưa đức Thế Tôn! ! Do nhân duyên này, các vua chúng con được gọi là người Hộ Thế. Lại nữa, ở trong châu này, nếu có quốc vương bị oán tặc khác thường đến xâm lấn quấy nhiễu và nhiều dịch bịnh, đói kém lưu hành, vô lượng trăm ngàn sự tai ách.
Thưa đức Thế Tôn ! Bốn vua chúng con đối với kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này cung kính cúng dường. Nếu có pháp sư Bí sô thọ trì đọc tụng thì bốn vua chúng con chung đến giác ngộ, khuyến thỉnh người ấy. Pháp sư đó nhờ sức thần thông giác ngộ của con nên đến địa giới nước đó mà rộng tuyên dương lưu bố Kinh điển vi diệu Kim Quang Minh này. Do uy lực của Kinh nên khiến cho vô lượng trăm ngàn sự việc suy não, tai ách đều tiêu trừ hết.
Thưa đức Thế Tôn ! Nếu những nhân vương mà ở bên trong nước ấy, có pháp sư bí sô trì Kinh này đi đến nước đó thì phải biết là Kinh này cũng đến nước ấy.
Thưa đức Thế Tôn ! Quốc vương nước đó nên đến chỗ vị pháp sư nghe lời giải nói của vị ấy. Nghe rồi hoan hỷ, vị quốc vương đó, đối với pháp sư cung kính cúng dường, thâm tâm ủng hộ khiến cho pháp sư không ưu não mà diễn nói Kinh này, ích lợi cho tất cả.
Thưa đức Thế Tôn ! Vì Kinh này nên bốn vua chúng con đều chung một lòng ủng hộ vị nhân vương đó và nhân dân trong nước, khiến cho họ lìa khỏi tai hoạn, thường được yên ổn.
Thưa đức Thế Tôn ! Nếu có Bí sô, Bí sô ni, Ổ ba tác ca, Ổ ba tư ca trì Kinh này mà vị nhân vương kia tùy theo sự cần dùng của họ, cung cấp cúng dường khiến cho họ không thiếu thốn thì bốn vua chúng con khiến cho quốc chủ và cả quốc dân đều yên ổn, xa lìa tai hoạn. Thưa đức Thế Tôn ! Nếu có người thọ trì đọc tụng Kinh điển này mà vị nhân vương đối với người này cúng dường cung kính, tôn trọng tán thán thì chúng con sẽ khiến cho vị vua đó, ở trong các vị vua, được cung kính tôn trọng là tối đệ nhất, được sự khen ngợi chung của các quốc vương khác.
Đại chúng nghe xong, hoan hỷ thọ trì.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.217.89.130 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.