Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi.
Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn,
ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần,
ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Hỏi rằng: Nước An Lạc, ở trong ba cõi, là do cõi nào nhiếp?
Đáp rằng: Như Thích Luận nói: “Như Tịnh Độ ấy chẳng phải do ba cõi nhiếp”. Do cớ gì? Vì không có dục, nên chẳng phải do dục nhiếp. Vì sống trên đất, nên chẳng phải cõi Sắc nhiếp. Vì có hình sắc, nên chẳng phải cõi Vô Sắc nhiếp. Phật A Di Đà khi hành căn bổn đạo Bồ Tát, làm Tỳ Kheo tên gọi Pháp Tạng, theo nơi Phật Thế Tự Tại Vương thưa hỏi về hạnh thuộc Tịnh Độ của chư Phật, nào người trời thiện ác ra sao, nào cõi nước tịnh thô thế nào, trọn đều hiện ra cho thấy. Lúc ấy Bồ Tát Pháp Tạng ở ngay trước Phật, phát thệ rộng nguyện lớn, giữ lấy các cõi Phật. Rồi trong vô lượng A-tăng-kỳ kiếp, như lời phát nguyện, hành các Ba La Mật, đến mức vạn thiện viên mãn, thành đạo vô thượng. Như thế cõi An Lạc này là do nghiệp riêng của Pháp Tạng Bồ Tát mà có được, nên chẳng phải ba cõi vậy.
Hỏi rằng: Nước An Lạc có mấy loại trang nghiêm mà gọi là Tịnh Độ?
Đáp rằng: Nếu y theo kinh, căn cứ theo nghĩa của Kinh thì bốn mươi tám nguyện của Bồ Tát Pháp Tạng chính là sự thể này. Xem bài tán thì đủ rõ, không cần phải nói lại nữa. Nếu y theo luận Vô Lượng Thọ, thì do hai loại thanh tịnh, nhiếp hai mươi chín loại trang nghiêm được thành tựu. Hai loại thanh tịnh này là: một, thanh tịnh thuộc khí thế gian, hai là thanh tịnh thuộc chúng sinh thế gian.
Thanh tịnh thuộc khí thế gian có mười bảy loại trang nghiêm được thành tựu:
- Một là tướng của cõi nước kia hơn hẳn đường ba cõi.
- Hai là nước này rộng lớn, lượng như hư không không có giới hạn.
- Ba là do từ chính đạo đại từ bi và thiện căn xuất thế của Bồ Tát mà khởi lên.
- Bốn là trang nghiêm bằng quang minh thanh tịnh, và viên mãn.
- Năm là sẵn đủ tính chất trân bảo hạng nhất, có đủ bảo vật kỳ diệu.
- Sáu là quang minh trong sạch thường chiếu thế gian.
- Bảy là bảo vật ở nước kia mềm mại, người chạm vào thích thú.
- Tám là ngàn vạn hoa báu trang nghiêm ao hồ; điện báu, lầu gác báu, đủ loại cây báu, với quang minh đủ màu, hiện ảnh thế giới; vô lượng võng báu che hư không; chuông treo bốn mặt thường ngân âm pháp.
- Chín là ở trong hư không tự nhiên thường mưa xuống hoa trời, áo trời, hương trời huân ướp khắp mà trang nghiêm.
- Mười là quang minh của trí huệ Phật chiếu trừ si ám.
- Mười một là phạm thanh khai ngộ nghe xa khắp mười phương.
- Mười hai là thiện lực của Phật A Di Đà, pháp vương vô thượng, trụ trì.
- Mười ba là do từ tịnh hoa của Như Lai mà hóa sinh.
- Mười bốn là yêu thích vị Phật pháp, thiền tam-muội là món ăn.
- Mười lăm là vĩnh viễn lìa các khổ thuộc thân, tâm, thọ lạc không gián đoạn.
- Mười sáu là cho đến danh từ hai thừa, người nữ và căn khuyết, cũng không hề nghe đến.
- Mười bảy là chúng sinh có các thích muốn nào, đều tùy tâm như ý, không thứ nào không đủ.
Mười bảy loại như thế vậy, đó gọi là thanh tịnh thuộc khí thế gian.
Thanh tịnh thuộc chúng sinh thế gian có mười hai loại trang nghiêm được thành tựu:
- Một là đài hoa bằng vô lượng trân bảo vương lớn và vi diệu dùng làm Phật tòa.
- Hai là vô lượng tướng tốt, vô lượng quang minh trang nghiêm thân Phật.
- Ba là Phật với biện tài vô lượng tương ưng với cơ mà nói pháp, đầy đủ rõ ràng, khiến người thích nghe, mà người nghe ắt tỏ ngộ, lời lẽ không nói xuông.
- Bốn là trí huệ chân như của Phật ví như hư không, chiếu rõ tổng tướng và biệt tướng của các pháp, tâm không phân biệt.
- Năm là do chúng người, trời bất động mà trang nghiêm rộng lớn, ví như núi Tu Di hiển chiếu giữa bốn biển lớn, tướng pháp vương gồm đủ.
- Sáu là thành tựu quả vô thượng, bằng còn không ai bằng được, huống gì là hơn.
- Bảy là bậc thầy điều ngự của người trời trượng phu, đại chúng cung kính vây quanh như chúa sư tử với sư tử vây quanh.
- Tám là các công đức do bốn nguyện lực của Phật trang nghiêm và trụ trì, ai gặp sẽ không luống qua, mà khiến được mau đầy đủ tất cả biển công đức. Bồ Tát chưa chứng tịnh tâm rốt cuộc được chứng pháp thân bình đẳng, cùng với Bồ Tát tịnh tâm, và Bồ Tát địa tiền, rốt cuộc cùng được tịch diệt bình đẳng.
- Chín là các chúng Bồ Tát của nước An Lạc, thân không động đậy mà đến khắp mười phương, ứng hóa đủ loại, tu hành như thật, thường làm Phật sự.
- Mười là thân ứng hóa như thế của Bồ Tát trong tất cả mọi thời không trước không sau, mỗi tâm mỗi niệm phóng quang minh lớn, trọn đến khắp được thế giới mười phương, giáo hóa chúng sinh bằng đủ loại phương tiện, do tu hành mà thành tựu, diệt trừ khổ não cho tất cả chúng sinh.
- Mười một là các Bồ Tát này nơi tất cả các thế giới chiếu không sót một đại hội nào của chư Phật, cúng dường, cung kính, tán thán vô lượng rộng lớn không sót một công đức nào của chư Phật Như Lai.
- Mười hai là các Bồ Tát này ở nơi các chỗ không có Tam Bảo trong tất cả các thế giới ở mười phương sẽ trụ trì và trang nghiêm bằng biển lớn công đức Phật Pháp Tăng bảo, hiện bày khắp chỗ khiến thấu hiểu, để tu hành như thật. Những thứ ấy gồm tám loại công đức trang nghiêm thuộc Pháp Vương được thành tựu, và như thế là bốn loại công đức trang nghiêm thuộc Bồ Tát được thành tựu. Đó gọi là thanh tịnh thuộc chúng sinh thế gian. Cõi nước An Lạc đủ hai mươi chín loại công đức trang nghiêm như thế được thành tựu, nên gọi là Tịnh Độ.
Hỏi rằng: Sinh về cõi An Lạc thông thường có bao nhiêm phẩm hạng, có bao nhiêu nhân duyên?
Đáp rằng: Trong kinh Vô Lượng Thọ duy có ba hạng thượng, trung, hạ. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, mỗi một phẩm lại phân làm thượng, trung, hạ. Ba lần ba là chín, hợp làm chín phẩm. Nay y theo kinh Vô Lượng Thọ làm phụ trợ để làm bài văn tán. Cứ dựa theo ba phẩm kinh này đưa ra mà luận, thì những người sinh thuộc hạng thượng có năm nhân duyên:
- Một là bỏ nhà lìa dục để làm sa môn.
- Hai là phát tâm Bồ Đề vô thượng.
- Ba là một mực chuyên niệm Phật Vô Lượng Tho
- Bốn là tu các công đức.
- Năm là nguyện sinh nước An Lạc.
Đủ các nhân duyên này, vào lúc lâm chung, Vô Lượng Thọ Phật cùng với đại chúng hiện ra trước người ấy, người ấy tức thì sẽ theo Phật mà vãng sinh vào An Lạc, ngay trong hoa bảy báu, tự nhiên mà hóa sinh, trụ không thối chuyển, trí huệ dũng mãnh, thần thông tự tại.
Người sinh thuộc hạng trung có bảy nhân duyên:
- Một là phát tâm Bồ Đề vô thượng.
- Hai là một mực chuyên niệm Phật Vô Lượng Thọ.
- Ba là có tu thiện ít nhiều phụng trì trai giới.
- Bốn là dựng lập tháp tượng Phật.
- Năm là nuôi sa-môn cơm ăn.
- Sáu là treo tranh, thắp đèn, rải hoa, đốt hương để cúng dường.
- Bảy là hồi hướng nguyện sinh về An Lạc.
Người này vào lúc lâm chung, mộng thấy Phật Vô Lượng Thọ, cũng được vãng sinh. Trí huệ công đức đứng sau hạng trung.
Lại có một loại vãng sinh về An Lạc mà không thuộc vào ba hạng. Đó là tâm nghi hoặc mà tu các công đức, cũng nguyện sinh An Lạc. Không hiểu rõ về Phật trí là trí không thể suy lường, trí không thể sánh bằng, trí Đại thừa, trí không gì bằng, không gì sánh, tối thượng thắng hết. Đối với các trí ấy nghi hoặc không tin, song vẫn còn tin tội phúc và tu tập gốc thiện. Người này khi sinh An Lạc, sẽ sinh vào cung điện bảy báu của nước An Lạc, hoặc rộng lớn trăm do tuần, hoặc năm trăm do tuần. Mỗi vị ở trong ấy hưởng thọ các khoái lạc như trời Đao Lợi. Và cũng đều tự nhiên trong khoảng năm trăm năm luôn không thấy Phật, không nghe kinh pháp, không thấy thánh chúng Bồ Tát Thanh Văn. Cõi nước An Lạc gọi đó là biên địa, cũng nói là thai sinh. Biên địa là vì nói họ trong năm trăm năm không thấy hay nghe đến Tam bảo, nghĩa này cũng đồng với nạn biên địa, hoặc cũng là do ở tại biên giới tối cùng của cõi nước An Lạc. Thai sinh là ví như người do thai sinh, lúc mới sơ sinh chưa thành nên pháp cách con người. Biên địa là nói cho nạn của người ấy, thai sinh là nói cho sự tối ám của người ấy. Hai tên này đều là mượn cái này so sánh với cái kia vậy, chứ không phải là biên địa thuộc tám nạn, cũng không phải là thai sinh thuộc bào thai. Do đâu mà biết? Bởi cõi nước An Lạc duy chỉ hóa sinh mà thôi, nên biết không phải thật là thai sinh. Bởi năm trăm năm sau còn được nghe thấy Tam Bảo, nên biết không phải là biên địa thuộc tám nạn vậy.
Hỏi rằng: Người thai sinh kia ở cung điện bảy báu có hưởng thụ khoái lạc không? Lại nhớ tưởng được những gì?
Đáp rằng: Kinh ví dụ rằng: Ví như con của vua Chuyển Luân đắc tội với vua, cho vào trong hậu cung, dùng khóa vàng gài lại. Tất cả mọi thứ cung cấp không thiếu thứ gì, cũng y như vua. Vương tử lúc ấy tuy có đủ loại đồ dùng tuyệt hảo để tự vui thú, song tâm không thọ lạc mà chỉ tưởng nghĩ tìm các phương tiện mong sao được ra khỏi. Người thai sinh kia cũng y như vậy. Tuy ở nơi cung điện bảy báu có sắc, hương, vị, xúc tốt đẹp, song không lấy đấy làm lạc, mà chỉ không thấy Tam Bảo, không được cúng dường tu các gốc thiện, lấy đó làm khổ. Rõ được do tội của mình, hết lòng tự hối trách, cầu lìa chốn kia, liền được như ý, lại đồng với ba hạng sinh kia. Song phải cuối năm trăm năm kia mới biết hối tội vậy.
Hỏi rằng: Do tâm nghi hoặc vãng sinh An Lạc thì gọi là thai sinh. Tại sao lại khởi nghi?
Đáp rằng: Trong kinh chỉ nói nghi hoặc không tin, chứ không đưa ra tại sao lại có ý nghi. Xét theo chỗ hiểu rõ năm câu, thời dám lấy nghĩa đối trị để mà nói. Không rõ trí Phật (Phật trí) nghĩa là không thể tin hiểu trí biết tất cả chủng loại của Phật. Do không biết nên khởi nghi. Một câu này trình bày tóm mọi điều nghi. Bốn câu sau mỗi câu đối trị các điều nghi. Nghi có bốn ý:
- Một là nghi rằng chỉ niệm tưởng Phật A Di Đà chưa chắc được vãng sinh An Lạc. Tại sao nghi như vậy? Kinh có nói: Nghiệp đạo như bàn cân, cái nặng kéo trước. Tại sao mà một đời hoặc trăm năm, hoặc mười năm, hoặc một tháng, không ác nào không làm, mà chỉ do mười niệm tương tục là được vãng sinh, nhập ngay vào chính định tụ, rốt cuộc không thối chuyển, vĩnh viễn cách xa các khổ của ba nẻo được? Nếu quả thật như thế, thì cái nghĩa cân nặng kéo trước còn gì đáng tin nữa? Lại bao kiếp đến nay đều tạo các pháp hữu lậu thuộc hành, hệ thuộc vào ba cõi, mà chỉ cứ dùng một thời gian niệm Phật A Di Đà là ra khỏi ba cõi được? Ý nghĩa nghiệp trói buộc tại sao phải cần nữa. Do đối trị ý nghi này nên mới nói trí không thể suy lường (bất tư nghị trí). Trí không thể suy lường nghĩa là trí lực của Phật có thể lấy ít làm nhiều, lấy nhiều làm ít, lấy gần làm xa, lấy xa làm gần, lấy nhẹ làm nặng, lấy nặng làm nhẹ, lấy dài làm ngắn, lấy ngắn làm dài. Do như thế Phật trí vô lượng vô biên không thể suy lường. Ví như trăm người phu trong trăm năm chất củi chứa cao đến ngàn nhận, đốm lửa bằng hạt đậu đốt trong nửa ngày là tận. Không lẽ có thể nói được rằng củi chứa trong trăm năm đốt nửa ngày không tận sao? Lại như người đi bộ quá giang thuyền người khác, nhân thế lực của gió buồm, một ngày đi đến ngàn dặm, không lẽ có thể nói được rằng người đi bộ kia tại sao một ngày mà đi đến ngàn dặm chăng? Lại như người hạ tiện bần cùng được một vật quý đem cống hiến chủ. Chủ cũng mừng được vật quý, thêm phần trọng thưởng. Kẻ bần cùng kia chỉ cần chốc lát phú quý tràn đầy. Không lẽ lại nói được rằng do có thể mấy chục năm mà người ta chịu đủ mọi siêng khổ, và người nào người nấy còn chưa thành đạt vinh quy rồi có thể nói kẻ bần cùng kia mà mau lẹ trở thành phú quý, không thể có chuyện như thế được? Lại như kẻ yếu tự leo lên lưng lừa còn chưa nổi, nhưng đi theo vua Chuyển Luân liền cưỡi hư không mà bay bổng tự nhiên, lại có thể do kẻ yếu leo lừa không nổi rồi cho rằng chắc chắn kẻ ấy không thể cưỡi hư không mà bay hay sao? Lại như dây tơ mười ngàn người cũng không làm gì nổi, đứa bé con vung kiếm nháy mắt thành hai phần. Không lẽ có thể nói được là sức một đứa bé không thể cắt đứt dây tơ hay sao? Lại như chim Trậm nhào vào nước, cá sò đều vì vậy mà chết, sừng tê giác chạm vào bùn lầy, các loài bị chết kia đều sống dậy. Không lẽ có thể nói được là tính mệnh đã đoạn không thể sống lại hay sao? Lại như Hoàng Hộc gọi “Tử An”, Tử An sống lại. Không lẽ có thể nói được là dưới mộ ngàn năm chắc chắn không thể sống lại được sao?
Tất cả vạn pháp đều có tự lực, tha lực, tự nhiếp, tha nhiếp, ngàn mở vạn đóng vô lượng vô biên. Làm sao lại đem cái thức có ngại ra mà nghi pháp vô ngại kia được sao? Lại trong năm cái không thể suy lường, Phật pháp là không thể suy lường hơn hết, mà xem cái ác trăm năm làm trọng, nghi mười niệm niệm Phật cho là nhẹ, không thể được vãng sinh An Lạc nhập tụ chính định, điều nghi này quả thật không đúng.
Hai là nghi trí Phật so với người không phải là thâm tuyệt. Tại sao nghi như vậy? Thường thì tất cả danh tự do đối đãi với nhau mà sinh. Giác trí do không giác mà sinh, như thế mê hướng do nhớ hướng mà sinh. Nếu cứ mê là tuyệt hẳn không mê, thì mê rốt cuộc phải là không tỏ. Mê nếu có thể tỏ, ắt là người mê tỏ, và cũng có thể nói ngược lại là người tỏ mê. Mê và tỏ, tỏ và mê như bàn tay ngửa úp vậy. Thế mới có thể nói sáng trí tối trí khác nhau, và cũng vì thế nên siêu nhiên thế nào được đây? Do khởi lên nghi này, nên đối với trí huệ Phật sinh nghi không tin. Đối trị nỗi nghi này nên nói trí không thể sánh bằng (bất khả xứng trí). Trí không thể sánh bằng là nói trí Phật tuyệt hết mọi so sánh giảng nói, chẳng phải do hình tướng mà đối đãi được. Do đâu mà nói vậy? Nếu pháp là có, ắt phải có cái trí biết có. Pháp nếu là không có, cũng phải có cái trí biết không có. Nay các pháp lìa khỏi có và không có. Cho nên Phật thầm khế các pháp, ắt trí của Ngài dứt hết đối đãi với nhau. Ông đưa tỏ mê ra ví dụ, vẫn là thêm một lẽ mê nữa mà thôi, chứ không thành được lẽ mê tỏ. Cũng như trong mộng giúp người khác giải mộng, tuy nói là giải mộng mà chẳng phải là không có mộng. Lấy cái biết để cho đó là Phật thì không thể nói là biết Phật được. Lấy cái không biết để cho đó là Phật cũng không phải là biết Phật. Lấy cái không phải biết cũng không phải là không biết cũng không phải là không biết để cho đó là Phật, cũng không phải là biết Phật. Lấy cái không phải là không biết cũng không phải là không phải không biết để cho đó là Phật, cũng không phải là biết Phật. Trí Phật lìa bốn câu này, nếu muốn duyên vào trí Phật thời tâm hành lại diệt, nếu muốn loại bỏ trí Phật thời ngôn ngữ lại đoạn. Do ý nghĩa ấy, Thích Luận nói rằng: “Nếu người nào thấy là có Bát Nhã, như thế cũng là bị ràng buộc, nếu không thấy Bát Nhã, như thế cũng là bị ràng buộc. Nếu người nào thấy Bát Nhã, như thế ắt là giải thoát, nếu không thấy Bát Nhã, như thế cũng là giải thoát”. Điều này trong kệ có nói: Không lìa bốn cú ấy là ràng buộc, lìa bốn câu ấy là giải thoát. Ông nghi trí Phật so với trí con người không phải là thâm tuyệt, điều nghi ấy không đúng.
Ba là nghi Phật thật sự không thể độ hết tất cả chúng sinh. Tại sao nghi như vậy? Trong đời quá khứ đã có vô lượng A-tăng-kỳ hằng sa chư Phật, hiện tại trong các thế giới ở khắp mười phương cũng có vô lượng vô biên A-tăng-kỳ hằng sa chư Phật. Nếu giả sử Phật thật sự có thể độ hết tất cả chúng sinh, ắt phải không còn có ba cõi từ lâu rồi. Vị Phật thứ hai ắt không phải vì chúng sinh mà phát tâm Bồ Đề, trọn tu Tịnh Độ nhiếp thọ chúng sinh. Song thật có các Phật thứ hai nhiếp thọ chúng sinh, cho đến thật có vô lượng chư Phật trong ba đời mười phương nhiếp thọ chúng sinh. Cho nên đủ biết Phật thật sự không thể độ hết tất cả chúng sinh. Do khởi lên nghi ấy, nên đối với Phật A Di Đà có tư tưởng cho là Phật có lượng. Vì đối trị nỗi nghi này nên nói trí Đại Thừa rộng lớn (Đại Thừa quảng trí). Trí Đại Thừa rộng lớn là nói Phật không pháp nào không biết, không phiền não nào không đoạn, không thiện nào không có đủ, không chúng sinh nào không độ. Lý do có ba đời mười phương các vị Phật là do có năm nghĩa:
- Một là nếu quả là không có Phật thứ hai, cho đến không có A-tăng-kỳ hằng sa chư Phật, thì Phật mới thật là không thể độ hết tất cả chúng sinh. Do Phật thật sự có thể độ hết tất cả chúng sinh nên ắt là có mười phương vô lượng chư Phật. Vô lượng chư Phật chính là các chúng sinh do Phật trước độ.
- Hai là nếu một Phật mà độ tận tất cả chúng sinh thì cũng không cần sau còn có Phật nữa. Tại sao vậy? Do không còn có ý nghĩa giác ngộ cho kẻ khác thì y vào nghĩa nào nữa để nói có ba đời chư Phật vậy? Do y vào nghĩa giác ngộ người khác nên nói Phật này Phật khác đều độ hết tất cả chúng sinh.
- Ba là Phật sau mà có thể độ được chúng sinh thì vẫn còn là cái sức có thể của Phật trước. Tại sao vậy? Vì do Phật trước mới có Phật sau. Ví như áo giáp của đế vương được truyền cho vua sau khoác, tức chính là do sức có thể của vua trước.
- Bốn là lực của Phật tuy có thể độ tất cả chúng sinh, song cần phải có nhân duyên. Nếu chúng sinh với Phật trước không có nhân duyên thì lại phải cần tới Phật sau. Như thế các chúng sinh không có duyên thì thẳng qua trăm ngàn vạn Phật mà cũng không nghe không thấy, không phải do lực Phật yếu kém vậy. Ví như nhật nguyệt xoay quanh bốn thiên hạ phá các tối ám, song người mù lại không thấy, không phải mặt trời không sáng vậy. Sấm nổ rung tai mà kẻ điếc không nghe, không phải là âm thanh không dữ dội vậy. Giác ngộ các lý nhân duyên, thì được gọi là Phật, nếu do tình thức cưỡng ép vi phạm lý nhân duyên thì không phải là chính giác vậy. Cho nên chúng sinh vô lượng, thì Phật cũng vô lượng. Đã nói đến Phật thì đừng có hỏi có duyên hay không có duyên tại sao không độ hết tất cả chúng sinh. Hỏi thế là lời nói phi lý vậy.
- Năm là chúng sinh nếu độ tận, thế gian sẽ đọa vào bên có (hữu biên).
Do ý nghĩa ấy ắt có vô lượng Phật độ tất cả chúng sinh.
Hỏi rằng: Nếu chúng sinh không thể độ tận thì thế gian phải là đọa vào không có (vô biên). Do bên không có (vô biên) ắt Phật thực sự không thể độ hết chúng sinh.
Đáp rằng: Thế gian chẳng phải bên có (hữu biên), chẳng phải bên không có (vô biên), và cũng tuyệt hẳn bốn câu. Phật làm cho chúng sinh lìa bốn câu này, thì gọi là độ. Thật ra không phải độ cũng không phải không độ, không phải tận cũng không phải không tận. Ví như mộng vượt qua biển lớn, gặp các nạn sóng gió, người nằm mộng kia sợ hãi, kêu ra thành tiếng, người bên ngoài gọi dậy thời bình thản hết lo sợ, song đó chỉ là vượt qua mộng chứ không phải vượt qua sông biển.
Hỏi rằng: Dù nói độ hay không độ đều đọa vào biên kiến. Cớ sao chỉ nói độ tất cả chúng sinh là trí Đại thừa rộng lớn mà không nói là không độ chúng sinh là trí Đại thừa rộng lớn?
Đáp rằng: Chúng sinh không ai không chán khổ cầu sướng, sợ trói buộc cầu thoát, nên nghe có độ sẽ quy hướng về đó. Nếu nghe không độ thì vì không biết cớ gì không độ, sẽ cho là Phật không phải đại từ bi, ắt không chịu quy hướng về Phật. Do không quy hướng nên thiếp mãi trong mộng dài, không cách gì ngưng dứt. Vì những người ấy nên hay nói độ chứ không nói không độ. Lại nữa Chư Pháp Vô Hành Kinh cũng nói: “Phật không đắc Phật đạo, cũng không độ chúng sinh”. Phàm phu khăng khăng phân biệt nào là Phật, nào là độ chúng sinh. Nói độ chúng sinh là đối trị tất đàn, nói không độ chúng sinh là đệ nhất nghĩa tất đàn. Hai cách nói đều có lý lẽ riêng, không mâu thuẫn với nhau.
Hỏi rằng: Như mộng dứt được, đó không phải là độ sao? Nếu giấc mộng của tất cả chúng sinh đều dứt, thế gian không lẽ không tận sao?
Đáp rằng: Nói mộng là thế gian, nếu mộng dứt ắt không có người mộng. Nếu không có người mộng thì cũng không nói có người được độ nữa. Như thế thời biết thế gian tức là xuất thế gian. Tuy độ vô lượng chúng sinh mà sẽ không đọa vào điên đảo.
Bốn là nghi Phật không có trí biết tất cả chủng loại (nhất thiết chủng trí). Tại sao nghi như vậy? Vì nếu có thể biết khắp các pháp, thì các pháp lại đọa vào bên có (hữu biên). Vì nếu không thể biết được khắp, ắt không phải là trí biết tất cả chủng loại. Do đối trị nghi này nên nói trí không gì bằng không gì sánh là tối thượng trên hết (vô đẳng vô luân tối thượng thắng trí). Trí không gì bằng không gì sánh tối thượng trên hết là trí phàm phu hư vọng, so với trí Phật như thật. Hư và thật khác rất sâu xa, về lý không bằng nhau được nên nói không gì bằng. Thanh Văn, Bích Chi Phật muốn có cái biết này phải nhập định mới biết, ra khỏi định là vẫn không biết. Lại biết của Thanh Văn Bích Chi cũng có hạn. Phật đắc tam muội như thật, thường ở nơi định thâm sâu, song lại chiếu biết khắp các pháp là hai và không có hai. Pháp thâm sâu không gì sánh tầy, nên nói không gì sánh. Bồ Tát từ địa thứ tám trở lên tuy đắc báo sinh tam muội dụng công không cần phải ra vào, song tập khí tích tập nhỏ nhiệm nên tam muội không cực sáng sạch. Đem so sánh với trí Phật vẫn còn là có cái trên nữa. Trí Phật đoạn gồm đủ như pháp mà chiếu. Do pháp vô lượng, chiếu cũng vô lượng. Ví như hộp lớn thì nắp đậy cũng lớn. Nên nói là tối thượng. Ba câu này cũng có thể tuần tự theo nhau mà thành. Do vì trí Phật không gì bằng, cho nên không gì sánh. Do không gì sánh nên tối thượng thắng hết. Cũng có thể tối thượng thắng hết nên không gì bằng. Do không gì bằng nên không gì sánh. Chỉ cần nói không gì bằng (vô đẳng) là đủ rồi, cần gì phải đến hai câu dưới nữa? Như trí của Tu Đà Hoàn không bằng được với trí của A La Hán, các kiểu nói như thế. Địa ban đầu đến địa thứ mười cũng như vậy, trí tuy không bằng, song không phải là không sánh được. Tại sao như vậy? Do không phải là tối thượng. Ông biết đem bên có, bên không có ra vặn hỏi, mà còn nghi Phật là không phải bậc biết tất cả (nhất thiết trí), sự thể (nghi ngờ) này không đúng vậy.
Hỏi rằng: Trong hạng hạ sinh, nói là mười niệm tương tục là được vãng sinh. Thế nào gọi là mười niệm tương tục?
Đáp rằng: Ví như có người, trong đồng trống quay về gặp giặc cướp, tuốt đao hung hăng, xông lại muốn giết. Người này ra sức chạy, thấy có con sông phải qua. Nếu qua được con sông thì đầu cổ mới toàn. Lúc ấy chỉ tưởng phương tiện qua sông “ta đến bờ sông để áo mà qua hay cởi áo mà qua? Nếu để nguyên áo sợ không qua được, nếu cởi áo ra sợ không kịp giờ”. Chỉ có niệm ấy không duyên gì hết. Một niệm sao để sang sông, chính là một niệm ở đây vậy. Cứ như thế tâm không tạp, thì gọi là mười niệm tương tục. Hành giả cũng vậy, niệm Phật A Di Đà như người kia niệm qua sông, trải qua mười niệm, hoặc niệm danh tự của Phật, hoặc niệm tướng tốt của Phật, hoặc niệm trí tuệ của Phật, hoặc niệm bổn nguyện của Phật, không có tâm khác xen vào, tâm tâm tiếp nối cho đến mười niệm, gọi là mười niệm tương tục. Thoạt nói mười niệm tượng tục tựa như không có gì khó. Song phàm phu tâm như ngựa đồng (dã mã), thức quá khỉ vượn, đuổi bắt sáu trần, không tạm ngừng nghỉ. Cần phải dốc tín tâm tự cố khắc niệm, sẽ tích tập thành tính, nhờ thế thiện căn kiên cố vậy. Như Phật bảo vua Tần Bà Sa La, con người tích chứa thiện hạnh, đến chết không có niệm ác, như cây ngả về hướng Tây, ắt đổ tùy khúc. Nếu lại gặp gió đao mà đến thời trăm khổ đổ về thân. Nếu nghiệp tập trước không có đó thì nói gì đến nhớ niệm. Lại cần phải năm ba vị đồng chí hướng cùng tóm kết cái ngôn yếu của đạo. Ngay lúc bạn lâm chung, thay phiên giảng rõ cho, rồi vì người sắp chết đó mà xưng danh hiệu Phật A Di Đà, nguyện sinh An Lạc, tiếng tiếng tiếp nối, làm thành mười niệm vậy. Ví như ấn các ấn bằng sáp vào bùn, ấn hư mà văn thành. Khi mạng người này mất chính là lúc sinh về An Lạc, một phen vào chính định thì còn âu lo gì nữa vậy. Lược Luận An Lạc Tịnh Độ Nghĩa hết
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.227.105.164 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.