Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay.
Kinh Bốn mươi hai chương
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
(Chú thích của Thích Tuệ Sỹ)
[0850c19] Phật dạy năm uẩn là sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn.
Sắc uẩn là gì ? Đó là bốn đại chủng và những gì được tạo nên từ bốn đại chủng.
Bốn đại chủng là gì ? Là địa giới, thuỷ giới, hoả giới và phong giới.
Địa giới là những vật chất có tính cứng. Thuỷ giới là những vật chất có tính ẩm ướt. Hoả giới là những vật chất có tính ấm áp. Phong giới là những vật chất có tính chuyển động nhẹ nhàng.
Chữ ‘giới’[1] có nghĩa là khả năng giữ được, duy trì được tính chất của nó khi nó tạo ra những vật chất khác[2].
[0850c24] Tứ đại sở tạo sắc là gì ? Đó là nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn, sắc, thanh, hương, vị, một phần của xúc và vô biểu sắc.
Chữ ‘tạo’ có nghĩa là nhân hình thành[3].
Chữ ‘căn’ có nghĩa là tính chất ưu việt, tối thắng và tự tại, là chủ và có khả năng làm cho tăng thượng (phát triển). Vì sao nói căn là chủ ? Và làm chủ cho cái gì ? Nghĩa là, nhãn căn làm chủ nhãn thức, vì từ đó mà nhãn thức hình thành. Tương tự như vậy cho đến thân căn làm chủ thân thức, vì từ đó mà thân thức hình thành[4].
[0851a01] Nhãn căn là gì ? Là phần vật chất tinh tế (tịnh sắc)[5] cấu tạo nên con mắt, có khả năng phản ánh được hình ảnh (cảnh). Trong nhãn căn có một thành phần vật chất tinh tế mà ta gọi là tịnh sắc (đó chính là thần kinh hệ thị giác - nd), nó giống như tinh chất của đề hồ, và nhờ có tính chất này mà nhãn thức được hình thành. Nếu không có thành phần tinh tế ấy thì nhãn thức không thể phát sinh.
[0851a04] Nhĩ căn là gì ? Là phần vật chất tinh tế cấu tạo nên lỗ tai, có khả năng phản ánh được âm thanh, tức lấy âm thanh làm cảnh. Trong nhĩ căn có một phần vật chất tinh tế mà nhờ có tính chất này nhĩ thức mới được hình thành. Nếu không có thành phần tinh tế ấy thì nhĩ thức không thể phát sinh.
[0851a06] Tỷ căn là gì ? Là phần vật chất tinh tế hay vi tế cấu tạo nên lỗ mũi, có khả năng phản ánh được mùi hương, tức lấy mùi hương làm cảnh. Trong tỷ căn có một phần vật chất tinh tế mà nhờ có tính chất này tỷ thức mới được hình thành. Nếu không có thành phần tinh tế ấy thì tỷ thức không thể phát sinh.
[0851a08] Thiệt căn là gì ? Là phần vật chất tinh tế cấu tạo nên cái lưỡi có khả năng phản ánh được mùi vị, tức lấy mùi vị làm cảnh. Ở trên cái lưỡi, thành phần vật chất tinh tế bao trùm cả cái lưỡi. Nhưng cũng có thuyết nói, trên cái lưỡi, phần vật chất này rất nhỏ, chỉ nhỏ bằng đầu sợi lông, không phải bao trùm cả cái lưỡi, và nhờ vào phần vật chất tinh tế này mà thiệt căn được hình thành, nếu không có phần vật chất tinh tế này thì thiệt căn không thể phát sinh.
[0851a11] Thân căn là gì ? Là phần vật chất tinh tế có khả năng phản ánh được đối tượng khi xúc chạm. Nằm tiềm ẩn trong khắp thân thể là phần vật chất tinh tế này (tức là thần kinh hệ xúc giác – nd), và nhờ phần vật chất tinh tế này mà thân thức được hình thành, nếu không có tính chất này thì thân thức không thể phát sinh.
[0851a13] Sắc là gì ? Là đối tượng của con mắt, gồm hiển sắc, hình sắc và biểu sắc[6]... Hiển sắc có bốn loại là xanh, vàng, đỏ, trắng. Hình sắc thì có dài, ngắn, vuông, tròn…
[0851a15] Thanh là gì ? Là tiếng, đối tượng của tai, gồm âm thanh xuất phát từ các loài hữu tình (chấp thọ đại chủng nhân thanh), âm thanh xuất phát từ các vật vô tình (phi chấp thọ đại chủng nhân thanh) và âm thanh xuất phát từ sự kết hợp giữa hữu tình và vô tình (câu đại chủng nhân thanh).
[0851a17] Tâm là chủ thể của sự chấp thọ[7], các loại âm thanh là đối tượng của sự chấp thọ.
Âm thanh xuất phát từ các loài hữu tình là âm thanh phát ra từ đại chủng có sự chấp thọ, như tiếng vỗ tay, tiếng nói…
Âm thanh xuất phát từ các vật vô tình là âm thanh phát ra từ đại chủng không có sự chấp thọ, như tiếng gió thổi lao xao trong rừng, tiếng nước chảy…
Âm thanh xuất phát từ sự kết hợp giữa hữu tình và vô tình, tức giữa đại chủng có chấp thọ và đại chủng không có sự chấp thọ, như tiếng trống, tiếng đàn…
[0851a21] Hương là gì ? Là đối tượng của mũi, gồm cả hương thơm, hương thúi, hương không thơm không thúi.
Hương thơm là những mùi hương khi mũi ngửi thấy thì làm tăng trưởng các uẩn, có ích cho thân tâm.
Hương thúi là những mùi hương mà khi mũi ngửi thấy thì không làm tăng trưởng các uẩn, tổn hại thân tâm.
Hương không thơm không thúi, gọi là đẳng hương, là những mùi hương mà khi mũi ngửi thấy thì không có ích gì cho thân tâm nhưng cũng không làm cho thân tâm tổn hại.
[0851a25] Vị là gì? Là đối tượng của lưỡi, gồm các vị ngọt, chua, mặn, cay, đắng, nhạt…
[0851a26] Một phần của xúc là gì ? Là đối tượng của thân, gồm những cảnh có tính trơn láng, thô sáp, nặng, nhẹ, lạnh, đói, khát… trừ bốn đại chủng (đất, nước, gió, lửa).
[0851a28] Trơn láng là những vật nhỏ bé, mịn màng, mềm mại. Thô sáp là những vật thô cứng. Nặng là có thể cân được. Nhẹ là có thể lật lại được. Lạnh là muốn được ấm áp. Do tiếp xúc mà cảm nhận được cái lạnh. Đó là hậu quả được gọi tên theo nguyên nhân. Như nói :
«Phước lạc thay là sự xuất hiện của Chư Phật.
«Phước lạc thay là sự diễn thuyết của Chánh pháp.
«Phước lạc thay là sự hòa hiệp của Tăng-già.
«Phước lạc thay là sự cần tu của đại chúng.»
Tinh tấn thì mệt nhọc, cực khổ nhưng vẫn là cái nhân của hạnh phúc, cho nên mới nói là vui thay! Đây cũng như vậy. Muốn ăn là đói. Muốn uống là khát. Giải thích cũng giống như trên.
Trên đây đã nói 7 loại xúc được tạo ra từ bốn đại chủng, cộng với bốn đại chủng nữa thì xúc có tất cả 11 tự thể.
[0851b05] Vô biểu sắc là gì[8] ? Là những sắc thuộc hữu biểu nghiệp và những loại sắc xuất hiện trong thiền định không thể nhìn thấy và cũng không gây chướng ngại.
Hữu biểu nghiệp là biểu hiện của thân và ngữ (lời nói), nó gồm cả ba tính chất thiện, bất thiện và vô ký. Chỗ phát sinh của sắc này là từ nơi sắc của thiện, bất thiện kia biểu hiện (tức là từ động lực của nghiệp thiện hay bất thiện tiềm tàng trong thân). Vì sắc này không hiển thị, không nhìn thấy nên gọi là vô biểu.
Sắc xuất hiện trong thiền định là gì ? Là sắc hiện khởi trong bốn Tứ tĩnh lự.
Vô biểu sắc này cũng là sắc được tác thành mà ta thường gọi thiện luật nghi, bất thiện luật nghi… cũng gọi là nghiệp, cũng gọi là chủng tử.
Các sắc, như vậy, lược nói thì có ba loại. Một là sắc nhìn thấy được và có tính gây trở ngại. Hai là sắc không nhìn thấy nhưng có tính gây trở ngại. Ba là sắc không nhìn thấy mà cũng không có tính gây trở ngại. Trong đó, loại sắc nhìn thấy được và có tính gây trở ngại gọi là Hiển sắc ; loại sắc không nhìn thấy nhưng có tính gây trở ngại đó chính là căn của con mắt (tịnh sắc căn)…, và loại sắc không nhìn thấy cũng không có tính gây trở ngại gọi là Vô biểu sắc.
[0851b15] Thọ uẩn là gì? Thọ là sự cảm nhận của thức. Thọ có ba loại : lạc thọ, khổ thọ, và thọ không lạc không khổ.
Lạc thọ là cái cảm giác mà khi nó mất đi thì mình muốn tìm lại.
Khổ thọ là cái cảm giác khi có thì mình muốn bỏ đi.
Không khổ không lạc là cái cảm giác nằm ngoài hai loại cảm giác trên, tức không có ước muốn tìm lại cũng không có ước muốn xua đuổi đi.
[0851b20] Tưởng uẩn là gì? Là tác dụng tâm lý nắm bắt thật nhiều các tướng trạng cảnh giới, nó làm tăng thêm sức mạnh nắm bắt.
[0851b22] Hành uẩn là gì? Trừ thọ uẩn, tưởng uẩn ra, những tâm pháp và tâm bất tương ưng hành còn lại là hành uẩn.
Tâm pháp là những tâm lý (tức những tâm hành hay tâm sở) cùng tương ưng với tâm, chúng gồm có :
1. Năm tâm sở biến biến hành : xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư. Năm loại tâm lý này có mặt khắp trong tất cả mọi trường hợp tâm thiện, bất thiện và vô ký, nên gọi là biến hành.
2. Năm tâm sở biệt cảnh : dục, thắng giải, niệm, định, tuệ. Năm loại tâm lý này chỉ xuất hiện trong những trường hợp và cảnh vực sai biệt, duyên vào từng đối tượng cụ thể mà sinh khởi ; chúng thay đổi hoặc quyết định xuất hiện trong từng trường hợp nhưng chúng không tách rời nhau, nhất định hỗ trợ nhau, khi một cái khởi thì tất có bốn cái kia.
3. Mười một tâm sở thiện : tín, tàm, quý, vô tham, vô sân, vô si, tinh tấn, khinh an, bất phóng dật, xả, bất hại.
4. Sáu tâm sở phiền não căn bản: tham, sân, mạn, vô minh, tà kiến, nghi ; còn lại là các tuỳ phiền não : vô tàm, vô quý, hôn trầm, trạo cử, bất tín, giải đãi, phóng dật, thất niệm, tán loạn, bất chính tri.
5. Bốn pháp bất định : ác tác, thuỵ miên, tầm, tứ. Bốn pháp bất định này không chỉ là những tuỳ phiền não mà chúng còn có mặt trong tâm sở thiện và vô ký nữa, nên gọi là bất định, vì nó không nhất định là thiện hay nhiễm.
Các thứ xúc… thể tính và nghiệp chủng của nó nay sẽ giải thích dưới đây.
[0851c08] Xúc là gì[9] ? Là sự hòa hợp của ba thành phần (căn – cảnh – thức); tự tính của nó là phân biệt.
[0851c09] Sự hòa hợp của ba thành phần là con mắt, sắc và thức, những căn khác như tai, mũi… cũng như vậy ; đây là sự hòa hợp giữa tâm và tâm pháp (tâm sở) mà sinh ra nên gọi là xúc. Chức năng (nghiệp dụng) của xúc là làm duyên cho thọ phát sinh (làm sở y cho thọ).
[0851c11] Tác ý là gì[10] ? Là lay động tâm khiến cho tâm phát sinh nhận biết, kích động vào tâm khiến cho tâm và tâm pháp (tâm sở) hiện khởi. Chức năng của nó là làm cho tâm ghi nhớ ý nghĩa và giữ gìn các điều kiện cần bám víu.
[0851c13] Tư là gì [11]? Tự tính của nó là khiến tâm tạo tác, phát động ý nghiệp, thôi thúc tâm tạo tác những việc công đức (thiện), lỗi lầm (bất thiện) hoặc vô ký…
[0851c15] Tự tính này, nếu có, thì đó là tác dụng phan duyên của thức ngay nơi hiện tại, mà chức năng của nó là sử dịch tâm nơi các phẩm chất thiện, bất thiện, vô ký, giống như chỗ nào có từ thạch (nam châm) thì các loại sắt bị hút về nó.
[0851c17] Dục là gì? Đặc tính của nó là hy vọng ở nơi đối tượng đáng yêu thích. Đối tượng đáng được yêu thích là những gì muốn thấy, muốn nghe… thì hy vọng, mong cầu. Nghiệp dụng của nó là sở y cho tinh thần.
[0851c20] Thắng giải là gì ? Đặc tính của nó là ghi dấu ấn trên đối tượng đã được xác, nhận thức đúng như bản chất của nó. Đối tượng đã được xác định ở đây là năm uẩn v.v… Như Tôn giả Thế Thân đã nói : sắc như chùm bọt nổi, thọ như bong bóng nước, tưởng như quáng nắng, hành như cây chuối, thức như ảo cảnh. Cảnh như vậy là đã được xác định. Hoặc nói, các pháp trụ trong tự tướng của nó, nghĩa là căn cứ vào bản chất của các pháp mà xác định như vậy. Nói ‘xác định’ tức là duy trì dấu ấn trên sự thể đã được xác định. Nghiệp dụng của nó là không bị dẫn chuyển, vì nó có tăng thắng, không thể bị dịch chuyển bởi các khác.
[0851c26] Niệm là gì ? Tự tính của nó là nhớ rõ không quên mất của tâm đối với việc đã từng quen thuộc. Việc đã từng quen thuộc nghĩa là những việc đã từng được huân tập (đã từng trải quả trước kia). Nghiệp dụng của nó là làm sở y sự không tán loạn (định).
[0851c28] Tam-ma-địa là gì ? Tự tính của nó là khiến cho tâm chuyên chú trên một đối tượng được quan sát. Đối tượng được quán sát là năm uẩn v.v… và các pháp vô thường, khổ, không, vô ngã… Tâm nhất cảnh có nghĩa là tâm chuyên chú vào một đối tượng. Nghiệp dụng của nó là làm sở y cho trí, vì khi tâm có định thì có sự hiểu biết đúng như thật.
[0852a03] Tuệ là gì ? Tự tính của nó là tuyển chọn hay thẩm tra (trạch pháp) đối với đối tượng kia. Nó chỉ ra đối tượng đó là đúng như lý, hoặc không đúng như lý, hoặc không nằm trong cả hai trường hợp trên.
[0852a05] ‘Đối với đối tượng kia’ tức là những sự thể đã được quan sát. ‘Trạch pháp’ có nghĩa là do tuệ giản trạch, thẩm tra tự tướng, cộng tướng của các pháp mà đạt đến quyết định. ‘Chỉ ra đối tượng đó đúng như lý’ tức là đệ tử của Phật (đúng với Phật pháp), ‘không đúng như lý’ tức là ngoại đạo, ‘không nằm trong cả hai trường hợp trên’ tức là những chúng sinh còn lại.
Nghiệp dụng của tâm sở huệ là đoạn trừ nghi. Năng lực của tuệ là giản trạch, thẩm tra, ở trong các pháp mà đạt đến quyết định.
[0852a10] Tín là gì ? Tự tính của nó là tâm tịnh ; đối với vấn đề nghiệp, quả, chân lý, cao quý… nó tin sâu xa, chân chính và tùy thuận.
[0852a12] Nghiệp là phước, phi phước và bất động nghiệp[12]. Quả là quả tu-đà-hoàn, tư-đà-hàm, a-na-hàm, a-la-hán. Chân lý là tứ diệu đế khổ, tập, diệt đạo. Cao quý là tam bảo Phật, Pháp, Tăng. Đối với vấn đề nghiệp, quả… như vậy nó tin một cách sâu sắc, chân chính và phù hợp, cũng gọi là thanh tịnh. Nghiệp dụng của nó là chỗ nương tựa cho hy vọng và ước muốn.
[0852a17] Tàm là gì ? Tự tính của nó là do tôn trọng bản thân hay tôn trọng pháp mà có sự hỗ thẹn về những tội lỗi của mình làm.
Tội lỗi là những lỗi lầm, bị người trí chê trách. Hỗ thẹn là không làm những điều tội lỗi nữa.
Nghiệp dụng của tàm là đình chỉ và ngăn chặn hành vi xấu ác.
[0852a20] Quý là gì ? Tự tính của nó là do coi trọng sự chê trách của người khác mà xấu hỗ với điều tội lỗi của mình làm.
Coi trọng sự chê trách của người khác tức là lo sợ sự bắt lỗi, trách phạt và dị nghị… của thế gian đối với những lỗi lầm mình làm, tức là xấu hỗ khi bị người đời chỉ trích.
Nghiệp dụng của nó cũng giống như tâm sở tàm.
[0852a23] Vô tham là gì ? Tự tính của nó là không dính mắc và đối trị tham, khiến chán sợ vô cùng. Nghĩa là, tâm sở tham là sự dính mắc và đắm đuối trong các hữu và các tư cụ của hữu[13], đối trị nó là vô tham. Điều này có nghĩa, vô tham là sự dứt bỏ và không dính mắc vào trong hữu và các tư cụ của hữu.
Chán sợ vô cùng là bởi vì biết tham tạo những lỗi lầm khiến trôi lăn trong sinh tử.
Nghiệp dụng của vô tham là cung cấp sở y mà trên đó ác hành không thể diễn tiến.
[0852a28] Vô sân là gì ? Tự tính của nó là lòng từ bi, đối trị sân. Nghĩa là, đối với chúng sinh nó không tổn hại. Nghiệp dụng của nó giống như vô tham đã nói.
[0852b01] Vô si là gì ? Tự tính của nó là đối trị ngu si, chân chính tu hành đúng như thật.
‘Như thật’ là nói lược, nói đủ là nỗ lực tu hành đúng theo các pháp tứ thánh đế, mười hai duyên khởi, tức là chính tri. Nghiệp dụng của nó cũng giống như vô tham.
[0852b04] Tinh tấn là gì ? Tự tính của nó là đối trị biếng nhác, dũng mãnh tích cực trong sự tu tập các phẩm thiện. Nghĩa là, nó có những đặc tính : khoác khôi giáp, gia hành, không khiếp nhược, không thối chuyển, không tự mãn. Nghiệp dụng của nó là hoàn thiện viên mãn các pháp thiện.
[0852b07] Khinh an là gì ? Đó là tính mềm dẻo, thân tâm thư thới, đối trị sự thô kệch, nặng nề. Nghĩa là, nó loại trừ mười nghiệp bất thiện. Nghiệp dụng của nó là loại trừ tất cả những gì gây chướng ngại. Và nhờ năng lực này, nó loại trừ mọi chướng ngại, chuyển đổi được những gì thô kệch, nặng nề.
[0852b10] Không phóng dật là gì ? Là sự tu tập các thiện pháp do y chỉ trên vô tham cho đến tinh tấn, nhằm loại trừ các pháp bất thiện và đối trị phóng dật. Vì rằng, tham, sân, si cùng với sự biếng nhác được gọi là phóng dật. Đối trị phóng dật là bất phóng dật. Tức là, bất phóng dật chính là sự tu tập các thiện pháp nhằm đối trị các bất thiện pháp bằng cách y chỉ vào bốn pháp vô tham, vô sân, vô si và tinh tấn. Nghiệp dụng của nó là sở y cho sự tu tập chân chính giữa thế gian và xuất thế gian.
[0852b15] Xả là gì ? Đó là tính bình đẳng của tâm, tính chính trực của tâm, tính an trụ không dụng công của tâm ; tính này đạt được do y chỉ vô tham, vô sân, cho đến tinh tấn. Tức là, do y chỉ nơi bốn pháp vô tham, vô sân, vô si và tinh tấn mà đạt được viễn ly tất cả các pháp ô nhiễm và an trụ trong pháp thanh tịnh. Trước hết, đạt được tâm bình đẳng là khi xa lìa được các lỗi lầm hôn trầm, trạo cử ; kế đến, đạt được tâm chính trực là khi nhậm vận không khích lệ ; và sau cùng là đạt được tâm an trụ không dụng công là khi xa lìa hết mọi nhiễm ô.
Nghiệp dụng của xả cũng giống như không phóng dật, đã nói trên.
[0852b22] Bất hại là gì ? Tự tính của nó là lòng từ bi, đối trị tâm hại. Nghĩa là, do lòng từ bi nên không gây tổn hại cho các loài hữu tình. Nghiệp dụng của nó là không tổn não chúng sinh và là một phần của vô sân.
[0852b24] Tham là gì ? Đó là sự đắm nhiễm, luyến ái và dính mắc nơi năm thủ uẩn. Nghĩa là nó trói buộc chúng sinh luân hồi trong ba cõi. Nghiệp dụng của nó là phát sinh khổ, do sức mạnh của ái mà năm thủ uẩn sinh khởi.
[0852b27] Sân là gì ? Đó là sự tàn hại đối với chúng sinh. Nghiệp dụng của nó là sở y cho ác hạnh, do tâm ở trong trạng thái thù hận, bức xúc, không an ổn[14]. Không an ổn là bởi ôm lòng tàn hại người khác, tự trói mình trong đau khổ.
[0852b29] Mạn là gì ? Mạn có bảy thứ, đó là mạn, quá mạn, quá quá mạn, ngã mạn, tăng thượng mạn, ti mạn, tà mạn.
Mạn là gì ? Đó là tính bốc cao của tâm, như đối với người yếu kém thì nghĩ mình hơn, hoặc đối với người bằng mình thì nghĩ mình bằng họ.
Quá mạn là gì ? Đó là tính tự thị, bốc cao của tâm khi thấy người bằng mình thì nghĩ mình hơn họ, hoặc đối với người hơn mình thì nghĩ mình bằng họ.
Quá quá mạn là gì ? Đó là tính bốc cao của tâm khi đối với người hơn hẳn mình mà nghĩ mình vẫn hơn họ.
Ngã mạn là gì ? Đó là tính bốc cao của tâm, đối với năm thủ uẩn nó luôn nghĩ rằng đó là ta hoặc của ta.
Tăng thượng mạn là gì ? Đó là tính bốc cao của tâm, khi chưa chứng đắc pháp tăng thượng thù thắng mà cho rằng mình đã chứng đắc. Chứng đắc pháp tăng thượng thù thắng có nghĩa là chứng quả thánh và các tam-ma-địa (định), tam-ma-bát-để v.v… Đối với những pháp như vậy mình chưa được chứng mà đã tự thị kêu ngạo.
Ti mạn là gì ? Là tính hèn yếu của tâm, đối với những gì quá lớn lao vĩ đại thì tự cho mình thấp kém hạ liệt, không với tới được.
Tà mạn là gì ? Đó là tính bốc cao của tâm, thật sự chẳng có đức độ gì mà nghĩ mình có đức độ.
Nghiệp dụng của mạn là sở y cho sự không kính trọng phát sinh. Đối với những bậc đáng tôn trọng và những bậc có đức mình phát khởi tâm kêu ngạo, cống cao, không sinh lòng tôn kính.
[0852c15] Vô minh là gì ? Tự tính của nó là vô trí đối với nghiệp, quả, tứ đế, tam bảo. Có hai loại vô minh. Một là câu sinh vô minh, hai là phân biệt vô minh[15]. Trong dục giới, tham, sân và vô minh gọi là ba bất thiện căn (ba gốc rễ bất thiện), tức là tham bất thiện căn, sân bất thiện căn, si bất thiện căn. Ba bất thiện căn này có cái câu sinh, có cái không câu sinh, có cái do phân biệt mà hình thành. Câu sinh là như cầm thú v.v… sinh ra đã ngu muội rồi. Không câu sinh là thứ ngu si do tham, tương ưng với tham. Phân biệt là những nhận thức sai lầm, tương ưng với hư vọng.
Nghiệp dụng của vô minh là làm sở y cho nghi và các phiền não.
[0852c22] Kiến là gì ? Có năm loại kiến, đó là tát-ca-da kiến, biên chấp kiến, tà kiến, kiến thủ, giới thủ.
Tát-ca-da kiến[16] là gì ? Đặc tính của nó là chấp ngã và ngã sở nơi năm thủ uẩn, làm cho trí tuệ bị nhiễm ô.
Tát (Phạn : sat) nghĩa là giả dối, hư ngụy, hư nát ; ca-da (Phạn : kāya) nghĩa là tích tụ, hòa hợp. Tức là, trong cái thân năm uẩn tích tụ, giả hợp mà thành này người ta khởi lên một nhận thức cho nó là thường hằng, có một cái ngã khác với uẩn và có ngã sở… Tại sao lại nói như vậy ? Bởi vì, sat là phá cái tưởng chấp thường, kāya là phá cái tưởng chấp có một cái ngã. Vạn pháp đều do nhân duyên tích tụ nên chúng vô thường, trong đó tuyệt đối không có ngã và ngã sở.
Trí tuệ bị nhiễm ô bởi vì nhận thức này đi cùng với phiền não.
Tác dụng của kiến này là làm sở y cho tất cả mọi xu hướng kiến[17].
[0853a01] Biên chấp kiến là gì[18] ? Là tuỳ thuộc vào tát-ca-da kiến mà phát sinh sự chấp thủ, hoặc chấp thường, hoặc chấp đoạn. Tự tính của nó là làm nhiễm ô tuệ.
Chấp thường là chấp rằng có một cái ngã tự tại, phổ biến cùng khắp và thường hằng.
Chấp đoạn là chấp rằng có một cái ngã là tác giả của mọi hành vi, ví dụ như người đàn ông có cái ngã của người đàn ông…, nhưng cái ngã này chết là hết, không còn tái sinh trở lại, giống như cái bình đất, bể rồi là hết dùng.
Nghiệp dụng của biên chấp kiến là chướng ngại trung đạo và xuất ly.
[0853a06] Tà kiến là gì ? Đó là các quan điểm bài bác nhân quả, hoặc bài bác tác dụng, hoặc phá hoại các việc lành. Tự tính của nó là làm nhiễm ô tuệ.
Bài bác nhân là sao ? Tự tính của nhân là nghiệp và phiền não, tổng cộng có năm thứ : phiền não có ba thứ là vô minh, ái và thủ ; nghiệp có hai thứ là hành và hữu. Hữu tức là những nghiệp chủng tử (hạt giống của nghiệp) nằm trong thức a-lại-da, còn gọi là nghiệp. Như trong kinh Đức Thế Tôn dạy : ‘Này A-nan ! Nếu nghiệp có khả năng đưa tới quả báo ở vị lai, thì nó cũng được gọi là hữu’. Bài bác hết tất cả những điều này thì gọi là bài bác nhân.
Bài bác quả là sao ? Quả có bay thứ, đó là thức, danh sắc, sáu xứ, xúc, thọ, sinh, và già chết. Bác bỏ hết những thứ này thì gọi là bài bác quả.
Hoặc cho rằng không có việc thiện, việc ác gọi là bài bác nhân ; cho rằng không có quả báo của việc thiện, việc ác gọi là bài bác quả. Hoặc cho rằng không có đời này, đời sau, không có cha, không có mẹ, không có chúng sinh hoá sinh… sự bài bác này gọi là bài bác tác dụng. Nghĩa là, tác dụng từ đời này sang đời khác, tác dụng duy trì chủng tử, tác dụng kết sinh tương tục…
Cho rằng ở đời không có a-la-hán là phá hoại việc thiện.
Nghiệp dụng của tà kiến là đoạn mất thiện căn, làm sở y cho bất thiện căn thêm kiên cố, khiến cho thiện căn không phát triển, bất thiện căn càng thêm phát triển.
[0853a19] Kiến thủ là gì[19]? Là cho rằng ba kiến, uẩn sở y, là tối thắng, tối thượng, tối cực. Tự tính của nó làm nhiễm ô tuệ. Ba kiến là tát-ca-da, biên chấp và tà kiến. Uẩn sở y là, uẩn là chỗ sở y của tất cả các kiến kia.
Nghiệp dụng của kiến thủ giống như tà kiến.
[0853a23] Giới cấm thủ là gì[20] ? Đó là, đối với những giới điều, cấm nguyện và uẩn sở y, tuỳ theo kiến chấp nào đó mà cho rằng đây là thanh tịnh, đây là giải thoát, đây là xuất ly. Tự tính của nó là làm tuệ bị nhiễm ô.
Giới điều ở đây là lấy ác kiến làm đầu. Cấm nguyện tức là giữ những nguyên tắc khổ hạnh giống như trâu, như chó (ngưu giới, cẩu giới) và tự cạo tóc, chấp giữ ba phần định tuệ của phái Số luận… Những giới điều và cấm nguyện này chẳng phải là cái nhân giải thoát, vậy mà cho rằng đó là đại tự tại, hoặc cho rằng đó là thế chủ và (nếu tu tập theo thì) có thể đi vào nước, vào lửa… Thực ra, những việc làm như vậy chẳng phải là cái nhân để sinh lên cõi trời, nhưng bọn họ lại cho đó là nhân.
Uẩn sở y tức là, uẩn là sở y của những giới điều và cấm nguyện.
Thanh tịnh là, cho rằng việc thực hành phương tiện này không gián đoạn sẽ đưa tới thanh tịnh.
Giải thoát là, cho rằng việc tu hành này là giải thoát, xuất ly phiền não, xuất ly sinh tử.
Nghiệp dụng của giới cấm thủ là làm sở y cho sự cần khổ vô ích. Cần khổ vô ích là bởi vì nó không có khả năng đạt được sự thoát khổ.
[0853b05] Nghi là gì ? Tự tính của nó là sự do dự, không quyết đoán có hay không đối với thánh đế, tam bảo... Tác dụng của nó là làm sở y cho thiện pháp không phát sinh. Trong các phiền não, ba phiền não kiến sau cùng và nghi là phân biệt khởi, còn lại câu sinh và phân biệt khởi.
[0853b08] Phẫn là gì ? Đó là sự bực tức, uất ức trong lòng khi đối diện với cảnh hiện tiền không mang lại lợi ích. Nghiệp dụng của nó là làm sở y cho sự sử dụng dao gậy và tạo điều bạo ác.
[0853b10] Hận là gì ? Tính chất của nó là sự thắt kết oán thù không bỏ do phẫn đi trước. Nghiệp dụng của nó là làm sở y cho bất nhẫn.
[0853b12] Phú là gì ? Đó là sự che dấu tội lỗi. Vì tự tính của nó là sự che dấu tội lỗi nên khi người khác chân chính chỉ dạy cho sám hối thì không thể phát lộ. Phú là một phần của si. Nghiệp dụng của nó là làm sở y cho sự hối hận và không an ổn.
[0853b15] Não là gì ? Đó là tính xúc phạm, phát sinh la lối bạo trợn, nói lời thô lỗ, hung ác mà đi trước là phẫn và hận, khởi tâm tổn hại (người khác). Nói lời thô lỗ, hung ác là lời nói dữ dằn, hung hiểm nhằm châm chích, hại người, làm cho người ta buồn rầu, khổ não. Nghiệp dụng của não là làm sở y cho sự không an ổn, đồng thời làm phát sinh cái nghiệp phi phước. Tâm khởi ác gọi là nghiệp.
[0853b19] Tật là gì ? Đó là cái tâm ganh tị đối với sự tốt đẹp của người khác. Vì danh và lợi (của mình) mà đối với sự tốt đẹp của người khác thì mình không chịu nỗi, sinh tâm đố kị, không vui. Nghiệp dụng của nó là làm sở y cho tự chuốc lấy bực dọc, buồn rầu, đau khổ.
[0853b22] Xan là gì ? Là cái tính keo kiệt bủn xỉn, trái lại với cái tính rộng rãi, bố thí. Đối với tài sản… sinh tâm tham lam, keo kiệt, mến tiếc nên không thể huệ thí, như vậy là xan. Tâm đam mê, dính mắc vào tất cả các thứ tài vật lợi dưỡng. Nó là một phần của tham. Tác dụng của nó là làm sở y cho cái tâm không biết đủ. Không biết đủ là do xan lận, tài vật dù không dùng tới cũng tích chứa, cất giữ.
[0853b26] Cuống là gì[21] ? Là cái tính giả dối, nguỵ trá, giả trang đạo đức trước mặt người khác. Là một phần của tham. Nghiệp dụng của nó là làm sở y cho tà mạng.
[0853b28] Siểm là gì[22] ? Đó là cái tính cong vạy, dùng phương tiện dối gạt người, bày ra dáng vẻ nhằm che đậy tội ác của mình. Tức là, vì danh và lợi mà nghĩ cách chiếm hữu. Là một phần của tham và si. Nghiệp dụng của nó là chướng ngại lời giáo hối chân chính. Do siểm khúc, khi có tội, không tự mình thật lòng phát lộ quay đầu sám hối, ngược lại còn không chấp nhận giáo thọ.
[0853c02] Kiêu là gì[23] ? Đó là tính cuồng ngạo, hết sức đam mê, đắm trước đối với thịnh sự của mình, đến nỗi mất hết các thiện căn. Thịnh sự là sự thành công đối với các pháp hữu lậu. Say mê kiêu ngạo là sự đắm nhiễm, yêu thích, kiêu căng tự phụ. Kiêu là một phần của tham.
[0853c06] Hại là gì[24] ? Đó là sự tổn não đối với chúng sinh. Là một phần của sân. Tổn não tức là dùng dao, gậy… đánh đập, giết hại… Nghiệp dụng của nó là gây bức não.
[0853c08] Vô tàm là gì ? Đó là làm việc tội lỗi mà không tự biết hỗ thẹn. Nghiệp dụng của nó là phù trợ cho tất cả phiền não và tuỳ phiền não.
[0853c10] Vô quý là gì ? Đó là làm việc tội lỗi mà không thấy xấu hỗ với người khác. Nghiệp dụng của nó cũng giống như vô tàm.
[0853c12] Hôn trầm là gì[25] ? Đó là tính mông muội, tâm không điều hòa và không kham nhiệm. Là một phần của si. Nghiệp dụng của nó là làm sở y cho tất cả phiền não và tùy phiền não.
[0853c15] Trạo cử là gì ? Đó là sự không tịch tĩnh của tâm do nhớ nghĩ những lạc thú đã từng chứng kiến… Tức là, khi nhớ lại những lạc thú đã từng trải qua trước kia thì sinh tâm vui thích, rung động, cười đùa… làm cho tâm không được an tĩnh. Nó là một phần của tham. Nghiệp dụng của nó là làm chướng ngại thiền định.
[0853c18] Bất tín là gì ? Là ngược lại với tín. Đối với nghiệp, quả… không thật sự tín thuận, tâm không thanh tịnh. Nghiệp dụng của nó là làm sở y cho sự biếng nhác.
[0853c20] Giải đãi là gì ? Là ngược lại với tinh tiến. Đối với các thiện phẩm tâm không mạnh mẽ siêng năng tu hành. Nghiệp dụng của nó là chướng ngại sự tinh tiến tu tập các việc lành.
[0853c22] Phóng dật là gì ? Tự tính của nó là y vào tham, sân, si, giải đãi, đối với các phiền não tâm không phòng hộ, đối với các thiện phẩm không siêng năn tu tập. Nghiệp dụng của nó là làm sở y cho sự tăng trưởng bất thiện, thiện pháp bị thối thất.
[0853c25] Thất niệm là gì ? Đó là tính ghi nhớ những điều nhiễm ô mà đối với các thiện pháp thì không có khả năng ghi nhớ rõ ràng. Ghi nhớ những điều nhiễm ô có nghĩa là nó đi chung với phiền não. Đối với các thiện pháp không ghi nhớ rõ ràng có nghĩa là đối với lời dạy chân chính của giáo thọ không thể ghi nhớ nghĩa lý để hành trì. Nghiệp dụng của nó là làm sở y cho sự tán loạn.
[0853c28] Tán loạn là gì ? Đó là thành phần của tham, sân, si, khiến cho tâm và tâm pháp lưu tán khắp nơi. Nghiệp dụng của nó là gây chướng ngại ly dục.
[0854a01] Bất chính tri là gì ? Thể tính của nó là tuệ tương ưng với phiền não, nên phát khởi những hành vi bởi thân, khẩu, ý không chân chính. Nghiệp dụng của nó là làm sở y cho sự vi phạm giới luật. Đối với các việc tới lui v.v… do không được quán sát một cách đúng đắn, mà cũng không có khả năng biết rõ điều gì nên làm hay không nên làm, vì vậy dẫn đến vi phạm luật nghi.
[0854a05] Ác tác là gì[26] ? Tính chất của nó là sự truy hối của tâm. Điều ác đã làm là đáng ghét, gọi là ố tác. Điều ác đã làm này, tự thể của tâm vốn không muốn, nên truy hối. Tức là, do đã làm những điều ác trước đây, sau khởi tâm truy hối, gọi là ác tác. Tên gọi này là sự giả định theo nhân y cứ trên quả. Như nói, đây là sáu xúc xứ, nên biết, là nghiệp đời trước. Việc đã làm có hai trường hợp, thiện và bất thiện. Trong mỗi trường hợp lại có hai khả năng xảy ra. Ví dụ, trong trường hợp thiện, trước đó mình không chịu làm, sau khởi tâm truy hối, đây là cái nhân thiện nên sự truy hối cũng là thiện ; nhưng cũng trong hợp thiện đó, trước mình đã trót làm điều ác, sau khởi tâm truy hối, thì đây là nhân bất thiện nhưng sự truy hối lại là thiện. Trong trường hợp bất thiện, trước không làm điều ác, sau khởi tâm truy hối, đây là nhân bất thiện nên sự truy hối cũng bất thiện ; trong trường hợp bất thiện mà mình làm điều thiện, sau khởi tâm truy hối, đây là nhân thiện mà sự truy hối bất thiện.
[0854a14] Thụy miên là gì[27] ? Đó là sự rũ rượi khiến hoạt động không được tự tại. Không tự tại tức là khiến cho thân và tâm hoạt động không tự tại. Là thành phần của si. Vì tự tính của nó không tự tại cho nên khiến tâm và tâm pháp cực kỳ muội lược. Nó thông cả ba tính, thiện, bất thiện và vô ký. Nghiệp dụng của nó là làm sở y cho lỗi lầm[28].
[0854a18] Tầm là gì ? Là sự tầm cầu bằng ý ngôn, là cá biệt của tư và tuệ, khiến tâm phân biệt phần thô tướng. Ý ngôn là ngôn ngữ đàm thoại của ý thức (tức là sự thuyết minh ý nghĩa bởi ý). Nó hoặc nương vào tư, hoặc nương vào tuệ tâm sở mà phát khởi. Phân biệt thô tướng là như tìm cầu cái tướng thô của cái bình, chiếc áo, cổ xe… Nghiệp dụng của nó là làm sở y cho xúc lạc, xúc khổ…
[0854a22] Tứ là gì ? Tự thể của nó cũng là thẩm sát bằng ý ngôn và cũng là cá biệt của tư và huệ tâm sở, khiến cho tâm phân biệt phần tướng vi tế. Phần tướng vi tế có nghĩa là, như đối với cái bình, chiếc áo… nó phân biệt những tướng vi tế nào tạo thành và không tạo thành…
[0854a25] Hành không tương ưng với tâm là gì[29] ? Là những hành giả lập dựa trên phân vị của sắc, tâm… Nó và sắc, tâm không thể thí thiết và không thể xác định là dị tính hay không dị tính. Nó bao gồm những gì ? Đó là đắc, vô tưởng định, diệt tận định, vô tưởng thiên, mạng căn, chúng đồng phần, sinh, lão, trụ, vô thường, danh thân, cú thân, văn thân, dị sinh tính.
[0854a29] Thế nào là đắc[30] ? Là sự thu hoạch và thành tựu. Có ba loại : chủng tử hành tựu, tự tại thành tựu, hiện hành thành tựu. Tùy theo đó mà ứng dụng.
[0854b02] Vô tưởng định là gì[31] ? Đó là trạng thái thiền định đã thoát ly ô nhiễm đối với thiền thứ ba, nhưng chưa thoát ly ô nhiễm đối với tầng thiền trên, nó tác ý với sự dẫn đầu bởi sự thoát ly tưởng, khiến cho các tâm và tâm pháp vốn không thường xuyên hiện hành bị diệt.
[0854b04] Diệt tận định là gì[32] ? Là trạng thái thiền định đã đoạn trừ nhiễm ô đối với vô sở hữu xứ, từ hữu đỉnh lại tiếp tục tinh tấn vượt lên nữa, do tác ý đình chỉ tưởng dẫn đầu, diệt các tâm và tâm pháp không thường hiện hành và một phần thường trực. Không thường hiện hành là chỉ cho sáu chuyển thức. Thường hiện hành là chỉ cho a-lại-da thức và ý nhiễm ô (mạt-na thức). Trong đó, dập tắt hoàn toàn sáu chuyển thức và ý nhiễm ô gọi là diệt tận định.
[0854b09] Vô tưởng thiên là gì[33] ? Là kết quả đạt được của công phu tu tập định vô tưởng, sinh vào trời vô tưởng thiên, do diệt trừ các tâm và tâm pháp không thường xuyên hiện hành.
[0854b11] Mạng căn là gì[34] ? Là nghiệp đời trước dẫn dắt an trụ ở nơi Chúng đồng phần, khoảng thời gian nó an trụ đó gọi là Mạng căn.
[0854b13] Chúng đồng phần là gì[35] ? Là tính chất tương tợ của các quần sinh.
[0854b14] Sinh là gì[36] ? Trong Chúng đồng phần, các hành trước vốn không nay hiện hữu, trạng thái hiện hữu đó được nói là sinh.
[0854b16] Già là gì ? Là các hành kia tương tục biến hoại.
[0854b17] Trụ là gì[37] ? Là các hành kia liên tục chuyển dịch.
[0854b18] Vô thường là gì ? Là các hành kia liên tục diệt mất.
[0854b19] Danh thân là gì[38] ? Là biểu đạt tự thể các pháp, như nói mắt,…
[0854b21] Cú thân là gì[39] ? Là biểu đạt sự sai biệt về các pháp, như nói ‘các hành là vô thường’…
[0854b23] Văn thân là gì[40] ? Văn là văn tự chữ nghĩa, nó giúp hai bộ phận trước kia biểu đạt rõ ràng, cũng gọi là hiển, tức là làm sở y cho danh thân và cú thân biểu đạt ý nghĩa rõ ràng ; cũng gọi là chữ, nghĩa là không lưu chuyển khác đi. Hai bộ phận trước kia là danh thân biểu đạt tự tính và cú thân biểu đạt sai biệt. Hiển có nghĩa là biểu hiện rõ ràng.[41]
[0854b27] Dị sinh tính là gì[42] ? Là chưa chứng đắc các phẩm chất của thánh.
[0854b28] Thức uẩn là gì ? Tự tính của nó là phân biệt cảnh sở duyên ; cũng gọi là tâm, vì nó có khả năng tích tập, thu góp ; cũng gọi là ý, vì nó bao hàm trong ý. Trong các loại tâm, tâm tối thắng nhất là a-lại-da thức, vì nó có khả năng thu góp, tích tập mọi chủng tử của các pháp hữu vi. Hơn nữa, hành tướng của thức a-lại-da rất khó nhận biết, vì trước sau một loại liên tục chuyển dịch. Lại nữa, do thức a-lại-da này mà các chuyển thức liễu biệt cảnh tiếp tục sinh khởi (sau khi hành giả ra khỏi) diệt tận định, vô tưởng định, vô tưởng thiên, vì các thức này sinh khởi trở lại nhờ vào những sở duyên duyên khác nhau, cho dù đã trả qua nhiều lần gián đoạn mà vẫn tiếp tục sinh khởi trở lại. Lại nữa, cũng chính thức a-lại-da khiến cho chúng sinh luân hồi sinh tử, liên tục tiếp nối chìm nổi. Thức a-lại-da có khả năng thu góp và cất giữa tất cả mọi chủng tử, thu góp và cất giữ tướng ngã mạn, và chọn thân làm cảnh sở duyên, nên lúc này nó có tên là a-đà-na thức, vì nó chấp trì thân.
Ý tối thắng nhất là mạt-na thức, nó chọn tạng thức làm cảnh sở duyên, và thường tương ưng với ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái, trước sau một loại tương tục tùy chuyển, trừ bậc a-la-hán, thánh đạo xuất thế và diệt tận định.
Như vậy, sáu chuyển thức (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) cùng với ý ô nhiễm (mạt-na) và a-lại-da thức, tất cả gồm tám thức, gọi tên là thức uẩn.
[0854c12] Hỏi : Uẩn có nghĩa là gì ?
Đáp : Uẩn nghĩa là tích tập. Nghĩa là, nói chung những phẩm loại, thú hướng, xứ sở sai biệt như sắc… tồn tại tương tục trong thế gian, gọi là uẩn. Ví dụ, Thế Tôn nói : ‘Này các Tỳ-kheo, những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc thô, hoặc tế, hoặc thắng, hoặc liệt, hoặc gần, hoặc xa… tất cả những thứ như vậy đều được thu nhiếp thành một uẩn, gọi là sắc uẩn’.
[0854c17] Mười hai xứ là nhãn xứ, sắc xứ, nhĩ xứ, thanh xứ, tị xứ, hương xứ, thiệt xứ, vị xứ, thân xứ, xúc xứ, ý xứ, pháp xứ.
Nhãn v.v… gồm năm xứ và sắc, thanh, hương, vị, xúc như đã giải thích trước kia.
Xúc xứ là các đại chủng và một phần của xúc. Ý xứ tức là thức uẩn. Pháp xứ tức là thọ, tưởng, hành uẩn và vô biểu sắc, cùng với các pháp vô vi.
[0854c22] Vô vi là gì ? Là hư không vô vi, phi trạch diệt vô vi, trạch diệt vô vi và chân như.
Hư không là khả năng dung chứa và tiếp nhận các sắc[43]. Phi trạch diệt là diệt không do thoát ly hệ phược[44].
[0854c25] Không do thoát ly hệ phược (phi ly hệ) là thế nào ? Là không do đối trị phiền não mà các uẩn rốt cuộc không sinh.
[0854c26] Trạch diệt là gì[45] ? Là diệt do thoát ly hệ phược.
[0854c27] Thoát ly hệ phược là thế nào ? Là đối trị phiền não rồi thì các uẩn hoàn toàn không sinh nữa.
[0854c28] Chân như là gì ? Là pháp tính của các pháp. Pháp tính ấy là vô ngã tính.
[0854c29] Hỏi : Xứ có nghĩa là gì ?
Đáp : Xứ có nghĩa là môi trường sinh trưởng của các thức.
[0855a01] Lại nữa, có mười tám giới, đó là nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới, nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới, tỷ giới, hương giới, tỷ thức giới, thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới, thân giới, xúc giới, thân thức giới, ý giới, pháp giới, ý thức giới.
Sáu căn giới nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý và sáu cảnh giới sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp đã trình bày rồi. Nay trình bày sáu thức giới.
Sáu thức giới, tự tính của nó là phân biệt rõ ràng từng thứ dựa trên sáu căn nhãn, nhĩ… duyên với sáu cảnh sắc, thanh…
Ý giới chính là tất cả thức vừa diệt, không gián cách, tức là vì muốn làm sáng tỏ nơi y chỉ của thức thứ sáu và rộng hơn nữa là để kiến lập 18 giới, nên Ý giới được nói đến.
Như vậy, sắc uẩn gồm có mười xứ, mười giới và một phần của pháp xứ, pháp giới. Thức uẩn gồm ý xứ và bảy tâm giới. Ngoài ra, ba uẩn còn lại và một phần sắc uẩn cùng các pháp vô vi chính là pháp xứ, pháp giới.
[0855a10] Hỏi : Giới có nghĩa là gì ?
Đáp : Giới bao hàm các ý nghĩa nhậm trì, vô tác dụng tính, tự tướng.
Hỏi : Vì ý nghĩa gì mà nói uẩn, xứ, giới ?
Đáp : Vì để đối trị ba thứ chấp ngã, đó là, để đối trị chấp ngã đồng nhất tính, chấp ngã là thọ, chấp ngã là tác giả (chủ tể).
[0855a14] Vấn đề còn lại là, trong mười giới có bao nhiêu giới thuộc sắc ? Bao nhiêu giới không phải sắc ? Có mười giới (năm căn, năm cảnh) và một phần pháp giới là tự tính của sắc uẩn. Những giới còn lại đều không phải sắc.
[0855a16] Bao nhiêu giới có thể nhìn thấy (hữu kiến) ? Chỉ có một, đó là sắc giới.
Bao nhiêu giới không thể nhìn thấy (vô kiến) ? Là những giới còn lại.
Bao nhiêu giới có thể gây chướng ngại (hữu đối) ? Là mười sắc giới. Chướng ngại tức là khi nó ở vị trí này nó sẽ chiếm một không gian, gây chướng ngại.
Bao nhiêu giới không gây chướng ngại (vô đối) ? Là những giới còn lại.
[0855a19] Bao nhiêu giới thuộc hữu lậu ? Là mười lăm giới và một phần ít của ba giới sau cùng[46], vì nó là môi trường của phiền não phát sinh và là môi trường của các hiện hành.
Bao nhiêu giới thuộc vô lậu ? Là phần còn lại của ba giới sau cùng, tức ý giới, pháp giới và ý thức giới[47].
Bao nhiêu giới hệ thuộc Dục giới ? Tất cả đều hệ thuộc Dục giới.
Bao nhiêu giới hệ thuộc Sắc giới ? Là mười bốn giới, trừ các giới hương, vị, tỷ thức và thiệt thức[48].
Bao nhiêu giới hệ thuộc Vô sắc giới ? Là ba giới sau cùng, gồm ý giới, pháp giới và ý thức giới.
Bao nhiêu giới không hệ thuộc vào ba cõi ? Là những giới vô lậu.
Bao nhiêu giới thuộc về Uẩn ? Trừ vô vi.
Bao nhiêu giới thuộc về Thủ uẩn ? Tất cả những giới hữu lậu.
Bao nhiêu giới thiện ? Bao nhiêu giới bất thiện ? Bao nhiêu giới vô ký ? Có mười giới thông cả ba tính chất, trong đó bảy tâm giới, sắc, thanh và một phần pháp giới (là thiện khi liên hệ với vô tham, vô sân, vô si ; là bất thiện khi liên hệ với tham, sân, si ; ngoài ra là vô ký). Tám giới còn lại thuộc vô ký (năm căn, hương, vị và xúc).
Bao nhiêu giới thuộc nội tự thân ? Là mười hai giới, trừ sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp giới.
Bao nhiêu giới thuộc ngoại thân ? Là sáu giới còn lại (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp giới).
[0855a28] Bao nhiêu giới có cảnh sở duyên? Bảy tâm giới[49] và một phần pháp giới là có đối tượng. Có đối tượng là những pháp mà tự tính là tâm sở.
Bao nhiêu giới không có cảnh sở duyên ? Còn lại mười giới (không có sắc) và một phần pháp giới (mà không tương ưng tâm), là không có đối tượng.
[0855b01] Bao nhiêu giới có phân biệt ? Là ý thức giới, ý giới và một phần pháp giới.
[0855b02] Bao nhiêu giới có chấp thọ[50] ? Là năm nội giới và một phần ít bốn giới, tức là sắc, hương, vị, xúc.
Bao nhiêu giới không chấp thọ ? Chín giới còn lại và phần ít của bốn giới.
[0855b04] Bao nhiêu giới đồng phần[51] ? Là năm giới có sắc bên trong, vì nó đồng đẳng với cảnh giới của tự thức.
[0855b05] Bao nhiêu giới là bỉ đồng phần[52] ? Là thức kia lúc không thực hiện chức năng của nó, nhưng nó vẫn bình đẳng với tự loại. Chú thích:
[1] Câu-xá: Giới, Phạn dhātu, nghĩa là chủng tộc. Cũng như ở một chỗ trong núi có nhiều họ của sắt, đồng, vàng, bạc các thứ, được gọi là giới; cũng vậy, trong một sở y hay trong chuỗi tương tục có mười tám chủng loại được gọi là mười tám giới. Ở đây, chủng tộc được hiểu là mỏ.
[2] Chẳng hạn, khi địa đại duyên hợp với các yếu tố khác để tạo nên thân thể thì những gì thuộc về địa đại trong thân thể như xương, thịt… đều giữ được tính chất cứng của đất.
[3] Tì-bà-sa 127, tr.663a22: Tạo (upādāya) có nghĩa là gì? ... Tạo có nghĩa là nhân (hetu).
[4] Căn, Phạn indriya, thế lực ưu việt khiến phát triển; phân biệt với căn mà Phạn viết là mūla: rễ cây. Kośa ii: kaḥ punar indriyārthaḥ idi paramiśvarye. tasya indantīti indriyāṇi. ata ādhipatyārtha indriyārthaḥ. Căn là gì? Do động từ căn √id (= ind: đốt cháy) có nghĩa là ưu thế và chủ động. Chúng nó đốt cháy, do đó chúng nó là căn. Căn như vậy có nghĩa là sự chi phối. Hán dịch (Huyền Trang): 最勝自在光顯名根由此總成根增上義. Căn, theo đó, có ba nghĩa: tối thắng, tự tại, tăng thượng.
[5] Tịnh sắc, Phạn rūpaprasāda, tính chất minh tịnh, trong suốt của vật chất.
[6] Biểu sắc : các động tác của chúng sinh hữu tình, như nắm, buông, co, duỗi, đi, đứng, nằm, ngồi… những động tác này có thể biểu hiện được tâm trạng của chúng sinh hữu tình, nên gọi là biểu sắc.
[7] Chấp thọ, Phạn, upādi. Sớ giải của An Huệ :upādānam upādiḥ sa punar ātmādivikalpavāsanā rūpādidharmavikalpavāsanāca, chấp thọ tức thủ (chấp thủ, trong thủ uẩn). Nó là tập khí của phân biệt ngã chấp và tập khí của phânbiệt pháp chấp. upādi được dùng trong từ phức hợp: sa-upādi-śeṣa-nirvāṇa, hữu dư y niết-bàn; Đại tỳ-bà-sa 32 (tr. 167c13): “Thế nào là hữu dư y niết bàn giới? A-la-hán đã đoạn tận các lậu, nhưng thọ mạngvẫn còn, dòng tương tục của sắc do đại chủng tạo vẫn chưa bị cắt đứt, dòng tương tục của tâm y nơi thâncủa năm căn mà chuyển…” Theo giải thích này, upādi được hiểu là căn bản của sự sống, hay sinh y, lànăng lực duy trì dòng tương tục của căn thân không để đứt đoạn. Thuật ký (tr. 315c11): “Chấp, nghĩa lànhiếp trì 攝義持義 (thâu tóm và duy trì). Thọ, nghĩa là lãnh thọ và giác tri 領義覺義. Thâu tóm vào tựthể, duy trì không để huỷ hoại. Cộng đồng an nguy là lãnh thọ, để làm phát sinh cảm giác. Do đó, nói làchấp thọ.” Giải thích này hiểu chấp thọ là upatta, trong từ phức hợp upatta-mahābhūta, (hữu) chấp thọđại chủng, chỉ vật chất hữu cơ, có khả năng phát sinh cảm giác.
[8] Câu-xá luận thích: Vô biểu sắc (avijñaptirūpa) là sắc pháp không biểu thị cho người khác thấy, trái với loại sắc pháp có hiển thị cho người khác thấy. Lúc chúng ta cử động thân thể, nói năng, làm việc thiện hay ác, thì đối với kẻ khác, có sự biểu thị cụ thể khiến cho họ biết đó là thiện hay ác. Sự biểu thị cụ thể ấy được gọi là biểu sắc hay biểu nghiệp. Nhưng sự phát khởi của biểu nghiệp thiện hay ác ấy hoàn toàn nằm trong định luật nhơn quả. Bởi lẽ, thấy rõ nguyên nhân thế nào, tương lai chiêu cảm kết quả sẽ như thế ấy. Do đó có sự kích động phát khởi trong thân của mình. Nguyên nhân phát động không hình tướng, không biểu thị cho người khác thấy, đó được gọi là vô biểu sắc. Thể của nó không phải là tổng hợp của các phân tử cực vi, mà y chỉ vào động tác của thân thể và sự phát động của ngôn ngữ để kích thích phát khởi. Vì tùy theo ngôn ngữ và thân thể, khả năng phát động, là vật chất, nên nó được gọi là sắc.
[9]Xúc là sự phán đoán về biến đổi của căn y trên tổ hợp ba (trikasaṃnipāte indriyavikāraparicchedaḥ); chức năng của nó là sở y của thọ (vedanāsaṃniśrayakarmakaḥ).” Hiển dương Thánh giáo 1 (T31n1602, tr. 481a21): “Xúc, tự thể là phân biệt hoà hiệp của ba sự.” Tạp A-hàm 3 (18a11): “Do bởi duyên là mắt và sắc, thức con mắt phát sinh. Sự hòa hòa hiệp của ba sự làm phát sinh xúc. Do duyên là xúc, thọ phát sinh.” Pali, S. iv. 68: cakkhuñca paṭicca rūpe ca uppajjati cakkhuviññāṇaṃ… imesaṃ tiṇṇaṃ dhammānaṃ saṅgati sannipāto samavāyo, ayaṃ vuccati cakkhusamphasso. Duyên nơi mắt và sắc, thức con mắt phát sinh… Sự hòa hiệp, tập hợp, kết hợp của ba pháp này được gọi là xúc.
[10]Thành duy thức luận : Tác ý, có bản chất là cảnh giác tâm; chức năng là dẫn tâm hướng đến đối tượng. Nghĩa là, nó cảnh giác chủng tử của tâm cần được phát khởi, hướng dẫn nó nhắm đến cảnh; đó gọi là tác ý. Mặc dù nó cũng dẫn khởi tâm sở, nhưng vì tâm là chủ nên chỉ nói đến sự dẫn khởi tâm.
[11]Thành duy thức luận : Tư, tự tính là khiến tâm tạo tác. Chức năng là sử dịch tâm nơi các phẩm chất thiện, v.v… Tức là, nó tiếp nhận các hình thái chính nhân nơi đối tượng rồi thúc đẩy tâm tạo các thứ thiện, bất thiện, v.v…
[12] Bất động nghiệp, nghiệp chiêu cảm dị thục của Sắc và Vô sắc, và dẫn tái sinh trong Sắc và Vô sắc.
[13] Hữu là ba cõi (dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu). Các tư cụ là các phương tiện hỗ trợ cho hữu tồn tại.
[14] Trụ bất an ổn. Phạn asparśavihāra, dịch là phixúc trụ, hiểu là trạng thái bức xúc do tâm thù hận, bức hại.
[15] Câu sinh vô minh: vô minh tự bản chất của chúng sinh, sinh ra đã có rồi.
Phân biệt vô minh : Vô minh do phân biệt suy xét không đúng với chân lý mà thành.
[16] Tát-ca-da kiến, Phạn satkāyadṛṣṭi : hữu thân kiến, chấp ngã và sở sở nơi 5 thủ uẩn. Cho rằng thân 5 uẩn này là ta hay của ta, nhận thức sai lầm này gọi là tát-ca-da kiến.
[17] Theo Tì-bà-sa luận, quyển 8, có tất cả 20 phạm trù sai biệt hình thành từ loại kiến này : y trên năm uẩn; trong mỗi uẩn, một ngã và ba ngã sở, tổng cộng thành 20. Mahāvyutpatti: ta là sắc, như chủ nhân (rūpam ātmā svāmivat); ta có sắc như có anh lạc (rūpavān ātmā alaṃkāravat); sắc là sở hữu của ta như đồng bộc của ta (ātmīyaṃ rūpam bhṛtyavat); ta ở trong sắc ở trong như khí mãnh (rūpe ātmā bhājanavat)…
[18] Biên chấp kiến, Phạn antagrāha-dṛṣṭi : chấp thường hoặc chấp đoạn, bao gồm 47 thứ trong số 62 luận chấp được nói trong kinh Phạm võng (số 21, Trường A-hàm).
[19]Kiến thủ, Phạn dṛṣṭiparamarśa. Tì-bà-sa 58 (tr. 621c05): Chấp một trong 62 kiến, cho là tối thắng, tối diệu, bám chặt lấy đó mà nói rằng “Duy chỉ đây là chân thật, ngoài ra đều là hư dối; do đây mà đạt được thanh tịnh, giải thoát.”
[20]Giới cấm thủ, Phạn śīlavrataparāmarśa. Tì-bà-sa 58 (tr. 621c09): Đó là hoặc giới, hoặc cấm nguyện, những điều được thọ trì tùy thuận theo kiến thủ, là quyến thuộc kiến thủ, tùy pháp của kiến thủ. Ở trong các giới và cấm nguyện đó mà quan niệm sai lầm rằng đây là nhất, là tối thắng, là tối diệu; bám chặt lấy đó mà nói rằng “Duy chỉ đây là chân thật, ngoài ra đều là hư dối.”
[21]Cuống, hay khi cuống: lường gạt. Phạn māyā, huyễn ngụy. Māyā paravañcanā yābhūtārthasaṃdarśanatā., huyễn ngụy (cuống), đó là sự lượng gạt người khác, hiện tướng không chân thật.
[22]Siểm, hay siểm khúc, giả dối quanh co. Phạn śāṭhya. Đó là sự ngụy trá với mục đích thu hoạch lợi lộc, danh dự mà giả trang đạo đức. Nghiệp dụng của nó là chướng ngại sự không khi cuống, tà mạng. Kẻ giả trang đạo đức thường nghĩ mưu chước trong lòng, đa phần hiện tướng không thật với mục đích tà mạng.
[23]Kiêu, Phạn mada. Svasaṃpattau raktasyoddharṣaś cetasaḥ aryādānaṃ/ Đam mê khoái chí về sự thành công của mình tâm sinh cuồng ngạo.
[24]Hại, Phạn vihiṃsā. Vihiṃsā sattvaviheṭhanā/ vividhair vadhabandhanatāḍanatarjanādibhiḥ sattvānāṃ hiṃsā vihiṃsā/ Hại, đó là sự gây tổn thương cho các chúng sinh. Sự gây hại bằng nhiều cách như giết, trói, đánh đập, dọa nạt v.v…
[25]Hôn trầm, Phạn styāna. Styānaṃ citaasyākarmaṇyatā staimytaṃ/ Hôn trầm, đó là tính chất không hoạt động, không mềm dịu dễ dụng của tâm.
[26]Kaukrtya cetaso vipratisāraḥ : Ố tác, là sự truy hối của tâm. Hán dịch phân biệt hai từ hối 悔và ố tác 惡作. Theo gốc Phạn kaukṛtya, chính xác là ố tác 惡作(cũng đọc là ác tác), là tên gọi của tâm sở này. Theo định nghĩa, Câu-xá 4 (tr. 20b7): “Ố tác (hay ác tác) là gì? Thể của điều được làm khả ố gọi là ố tác (Phạn kukṛtabhāvaḥ kaukṛtyam: thể ngữ của kukṛta là kaukṛtyam). Tức đối tượng của nó là điều đã làm khả ố. Tính chất của nó là sự truy hối của tâm (cetaso vipratisāraḥ) duyên vào việc làm khả ố”. Kutsitaṃ kṛtam iti ukṛtaṃ tadbhavaḥ kaukṛtya/ Ngữ nguyên của nó là phân từ thụ động kṛta: điều đã được làm. Điều đã được làm ấy khả ố, đáng khinh ghét, gọi là kukṛtya: việc làm khả ố. Thể của của nó, tức thể ngữ hay danh từ trừu tượng của nó là kaukṛtya. Hối tức truy hối, Phạn của nó là vipratisāra được thấy trong Câu-xá và trong sớ giải của Sthiramati. Hán 惡作cũng đọc là ác tác, được hiểu là “việc ác được làm” và như vậy truy hối về việc ác đã làm thì đó là bản chất thiện. Khó khăn ở đây là làm sao nói nó thông cả ba tính? Nhưng trong từ Phạn, tiền tố kunguyên là cảm thán từ nghi vấn, nhiều khi hàm ý bất mãn: “cái quái gì đây?” Cho nên, phân từ kukṛta, và thể ngữ của nó kaukṛtya chỉ điều đã làm nhưng không được ưa. Việc đã làm có thể thiện, có thể ác. Đã làm thiện mà sau đó lại không ưa nó, tâm sở ấy là bất thiện. Làm việc xấu sau đó không ưa nó: tâm sở thiện. Như thế nó bao gồm cả ba tính thì không có gì khó hiểu như các nhà chú giải của Thành Duy thức nêu. Có lẽ chính Huyền Trang đã thay từ kaukṛtya: ố tác bang vipratisāra: hối, để tránh sự nhầm lẫn cho người hiểu theo chữ Hán nghĩa đen.
[27]Middham asvatantraviṛtticettaso’bhisaṃkṣepaḥ/ Thụy miên, đó là sự co rút hay rút gọn (trì độn, muội lược) của tâm khiến hoạt động không tự chủ.
[28] Thế Thân : Nghiệp dụng của nó là chướng ngại quán.
[29]Câu-xá 4 (tr.22a04): Thế nào là các hành không tương ưng tâm ? Đắc (prāpti), phi đắc (aprapti), đồng phần (sabhāga), v.v., các pháp này không tương ưng với tâm; chúng cũng không phải là sắc; được kể trong hành uẩn, vì vậy nói là tâm bất tương ưng hành (cittaviprayukta-saṃsakārāḥ).
[30] Đắc, Phạn prāpti. Câu-xá 4, tụng iv 37a: đắc, là sự thu hoạch và thành tựu 得謂獲成就. Sự thu hoạch (lābha, pratilambha) cái chưa có được, và có những cái đã mất, được gọi là đắc. Sự thủ đắc mà chưa mất, được gọi là thành tựu (samanvaya, samanvāgama).
[31] Luận thành duy thức : Vô tưởng định, ở đây có dị sinh đã trấn phục tham trong Biến tịnh, nhưng chưa trấn phục các ô nhiễm trên nữa, do tác ý dẫn đầu bởi tưởng xuất ly, khiến cho các tâm và tâm sở vốn không thường xuyên hiện hành bị diệt; sự diệt của tưởng dẫn đầu nên lập danh là vô tưởng; vì nó khiến cho thân an hòa, nên gọi nó là định.
[32] Luận thành duy thức : Diệt tận định, là loại định của hàng thánh giả, hữu học hay vô học, đã trấn phục hoặc xả ly tham thuộc vô sở hữu, tham cõi trên bất định, do bởi tác ý đình chỉ tưởng dẫn đầu, dập tắt tâm tâm sở không thường trực hiện hành và thường trực hiện hành nhiễm ô; đó gọi là diệt. Nó khiến cho thân an hòa nên cũng gọi là định. Do riêng nhàm chán thọ và tưởng nên nó cùng được nói là loại định diệt tận hai thứ đó.
[33] Luận thành duy thức : Vô tưởng thiên: tu định vô tưởng, nhàm chán tưởng thô; do ảnh hưởng này, sinh vào trời ấy, trấn áp các tâm và tâm sở không thường xuyên hiện hành, trong đó, tưởng dẫn đầu trong những thứ bị diệt, do đó gọi là vô tưởng thiên. Do đó, sáu chuyển thức đều bị cắt nơi đây.
[34]Kośa, K.ii.45a-b: āyur jivītam ādhāra uṣmavijñānyor hi yaḥ, tuổi thọ chính là sinh mạng (sự sống), nó duy trì hơi ấm và thức. Thuận chánh lý 13 (tr. 404b15): Nghiệp duy trì thọ. Thọ duy trì hơi ấm và thức.
[35]Chúng đồng phần (nikāya-sabhāga) hay Đồng phần (sabhāga). Phẩm loại 1 (T26n1542_p0694a23): “Chúng đồng phần là gì? Là tính đồng loại sabhāgatā) của các hữu tình.” Tì-bà-sa 27 (T27n1545_p0138a09), Câu-xá 5 (tr. 24a09): “Có một thực thể được gọi là đồng phần, mà nhờ đó mà có sự tương tợ giữa các hữu tình (Bhāṣya: sabhāgatā nāma dravyam, sattvānāṃ sādṛśyam).
[36]Câu-xá 5 (tr. 27c29): “Trong từng sát-na từng sát-na, cái trước kia không hiện hữu (bản vô) nay hiện hữu, gọi là sinh". Bhāṣya: jātir apūrvo bhāvaḥ sthitiḥ prabandho, sinh, là trước kia không mà nay hiện hữu.
[37]Phát trí: “Thế nào là trụ? Hết thảy các hành đã sinh mà chưa diệt”. Bhāṣya: trụ, là chuỗi tiếp nối của nó.
[38]Danh, Phạn nāma, tên gọi bản thân một sự vật. Bhāṣya: tatra saṃjñākaraṇaṃ nāma, danh là sự tác tưởng, tức gây ấn tượng về một sự vật. Thuận chánh lý 14 (tr. 413a02): “Tổng thuyết của tưởng gọi là danh thân (saṃjñāmuktayo nāmakāyāḥ)... Tổng thuyết, nghĩa là hiệp tập (samavāya).”
[39]Câu-xá Quang ký 5 : Tiếng Phạn bạt-đà (pada), dịch là tích (dấu chân)... Phạn bạc-ca (vākya), dịch là chương... Sai biệt, nghĩa là mỗi sự vật có phẩm tính và hoạt dụng riêng. Như nói, “Các hành là vô thường”…
[40]Câu-xá Quang ký 5, tiếng Phạn tiện-thiện-na (vyañjana) dịch là chương hiển (rõ bày).. Phạn ác-xoa-la (akṣara), dịch là tự, nghĩa là không lưu chuyển.
[41]Kośa k.ii. 47a-b, nāmakāyādayaḥ saṃjñāvākyākṣarasamuktayaḥ, danh thân, cú thân và văn thân là tổng thuyết (hợp thể) của ý tưởng, chương cú và âm tiết. Trong đó, nāmakāya chỉ các danh từ như rūpa (sắc), śabda (thanh), v.v…; padakāya, chỉ thành cú hay mệnh đề như anityā bata samskārāḥ, “ôi, các hành là vô thường.” vyañjana, văn = akṣara, âm tiết như nguyên âm: a ā i ī; phụ âm: k, c, ṭ, t, p.
[42]Câu-xá 4, 23b18: Thế nào là dị sinh tính (pṛthagjanatva)? Chưa thủ đắc các phẩm chất của Thánh (āryadharmānām alābhaḥ), hay nói cách khác: chưa đạt đến Thánh đạo (mārgasyāprāpttir iṣyate pṛthagjanatvam). Du-già 56, tr. 607c8: Y trên phần vị chưa sinh khởi tất cả Thánh pháp xuất thế gian mà thiết lập dị sinh tính. Dị sinh tính là hàng phàm phu.
[43]Câu-xá 1 (tr. ): "Tự thể không chướng ngại, là hư không (vô vi); trong đó, là trường vận động của sắc (Bhāṣya: anāvaraṇasvabhāvam kāśam, yatra rūpasya gatiḥ).
[44]Phi trạch diệt (apratisaṃkhyānirodha), Du-già 53 tr. 593a19: khi điều kiện cho các pháp sinh khởi đủ, mà những pháp đã xuất hiện thì pháp khác không xuất hiện được, ở trong trạng thái tịch diệt, tịch tĩnh, đó gọi là phi trạch diệt. Tham chiếu Câu-xá, k. i. 3: 畢竟礙當生別得非擇滅các pháp do khuyết duyên mà tương lai vĩnh viễn không xuất hiện được gọi phi trạch diệt – diệt không do tư trạch. Kośa. i. 3: utpādātyantavighno’nyo nirodho’praisíaṃkhyayā. Tạp tập 2, tr. 702c3: phi trạch diệt, diệt không do thoát ly hệ phược, vì tùy miên vĩnh viễn bị hại không do bởi nó.
[45] Câu-xá i. 3: trạch diệt là sự thoát ly hệ phược (Kośa. i. 3: pratisaṃkhyānirodho yo visaṃyogaḥ).
[46] Ba giới sau cùng là ý giới, pháp giới và ý thức giới, ba giới này thuộc hữu lậu và vô lậu.
[47] Ba giới này là vô lậu khi được liệt vào đạo đế hay vô vi.
[48] Trong Sắc giói không có hương và vị. Vì hai giới này thuộc loại đoàn thực, và vì thác sinh lên đây chỉ những ai ly dục đối với loại thực phẩm này. Do vậy, thức của mũi và thức của lưỡi cũng không có; vì đối tượng của chúng không tồn tại.
[49] Các thức giới của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và ý giới; bảy tâm giới có đối tượng vì chúng nắm bắt cảnh vực (viṣaya).
[50] Chấp thọ (upātta) nghĩa là gì? Những thứ được tâm và tâm sở nắm giữ làm điểm sở y, vì hữu ích hay tổn hại chúng đều phụ thuộc lẫn nhau. Tức là điều mà thế gian gọi là «có cảm giác
[51] Đồng phần có nghĩa là gì? Phần, là sự giao thiệp hỗ tương của căn, cảnh, thức. Hay phần là sự tương giao tác dụng. Có chung phần ấy nên được gọi là đồng phần. Hoặc do bởi tác dụng cộng đồng của xúc.
[52] Những gì không phải là đồng phần, nhưng là đồng loại với đồng phần, nên nói là bỉ đồng phần.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.56.150 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.