Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Giải Thoát Đạo Luận [解脫道論] »» Bản Việt dịch quyển số 3 »»

Giải Thoát Đạo Luận [解脫道論] »» Bản Việt dịch quyển số 3


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (2) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.3 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.37 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Luận Giải Thoát Đạo

Kinh này có 12 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 |
Việt dịch: Thiện Nhựt

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Phẩm 6: Phân biệt Tánh hạnh
Vào thời đó, vị A-xà-lê (= giáo thọ) mà người đệ tử theo học, sau nhiều ngày quan sát tánh hạnh của người đệ tử, mới định đường lối sẽ chỉ dạy cho y.
Như thế, có tất cả mười bốn loại tánh hạnh: tánh hạnh ham muốn, tánh hạnh giận hờn, tánh hạnh ngu si, tánh hạnh tin tưởng, tánh hạnh ý trí, tánh hạnh hiểu biết, tánh hạnh ham và giận, tánh hạnh ham và ngu, tánh hạnh giận và ngu, tánh hạnh đồng phần (= cả ham giận và ngu), tánh hạnh tin tưởng và ý trí, tánh hạnh tin tưởng và hiểu biết, tánh hạnh ý trí và hiểu biết, tánh hạnh đồng phần (= cả tin, ý và hiểu biết).
Lại nữa, ái kiến (= ý ham thích) làm thay đổi tánh hạnh, điều nầy có thể biết được. Vì ý tưởng tham muốn thúc đẩy cứ bám níu vào sự ưa thích nên bị ràng buộc, khiến cho các loại tánh hạnh đều chẳng khác nhau ở chỗ bám níu đó.
Do ý nghiã của các hành động (nơi tánh hạnh), nên phân biệt được thành ra mười bốn hạng người, tương ứng với các tánh hạnh kể trên: người có tánh hạnh ham muốn, người tánh giận, người tánh ngu, người tánh tin tưởng, người tánh ý trí, người tánh hiểu biết, người tánh ham và giận, người tánh ham và ngu, người tánh giận và ngu, người tánh đồng phần (tánh ham giận ngu), người tánh ý trí và tin tưởng, người tánh tin tưởng và hiểu biết, người tánh ý trí và hiểu biết, người tánh đồng phần (tánh ý tin biết).
Sự ham muốn, cùng sự ham muốn của sự ham muốn, khiến cho tánh hạnh ham muốn đòi hỏi được vui thêm lên. Như thế, nơi người có tánh hay ham muốn, các hành động ham muốn càng làm tăng sự ham muốn thêm lên, đó là tánh hạnh ham muốn vậy. Tất cả các tánh hạnh khác cũng nên phân biệt theo như đường lối nầy.
Vào thời đó, mười bốn hạng người có tánh hạnh khác nhau đó, có thể tóm lược lại thành bảy hạng người. Như thế, người tánh ham muốn và người có tánh tin tưởng thành một hạng. Người tánh giận cùng người tánh ý trí thành một hạng. Người tánh ngu và người tánh hiểu biết thành một hạng. Người tánh ham muốn và hay giận cùng người có tin tưởng và ý trí thành một hạng. Người tánh ngu và hay ham muốn cùng với người tin tưởng và hiểu biết chung nhau thành một hạng. Người tánh ngu và hay giận cùng với người tánh ý trí và hiểu biết hợp thành một hạng. Còn hai hạng có tánh đồng phần cũng xếp chung nhau thành một hạng.
Hỏi: Tại sao người tánh ham muốn cùng người tánh tin tưởng lại thành một hạng?
Đáp: Người có tánh ham muốn nếu ham thích điều thiện lành thì lòng tin tưởng được tăng trưởng, vì lòng ham muốn vốn gần gũi với đức tánh ấy.
Lại nữa, do ba hành động mà tánh ham muốn cùng lòng tin tưởng giống nhau, cấu thành một tướng; ba hành động đó có ý nghiã là (1) niệm (= nghĩ nhớ đến), (2) tầm cầu công đức và (3) chẳng xả bỏ. Do đó, người hay ham muốn thì thường niệm về ham muốn; người tin tưởng thường niệm về điều lành; người ham muốn tầm cầu công đức của sự ham muốn; người tin tưởng tầm cầu công đức của việc lành; người hay ham muốn chẳng xả bỏ các điều có tướng chẳng khả ái, còn người tin tưởng thỉ chẳng xả bỏ các điều có tướng khả ái. Bởi thế cho nên, tánh hay ham muốn cùng tánh hay tin tưởng hợp thành một tướng vậy.
Hỏi: Tại sao tánh hay giận và tánh có ý trí lại cùng một loại?
Đáp: Người tánh hay giận, nếu siêng làm điều thiện, thì trí càng tăng trưởng, vì tánh hay giận vốn gần với công đức ấy.
Lại nữa, do ba hành động mà tánh hay giận và tánh có ý trí giống nhau cấu thành một tướng; ba hành động đó có ý nghiã là: (1) chẳng thường nhớ nghĩ đến (= chẳng niệm), (2) tầm cầu chỗ lỗi lầm, (3) lià bỏ. Do đó, người tánh hay giận thường chẳng niệm các đìều tốt, còn người tánh ý trí thường chẳng niệm các điều xấu. Người hay giận thường vạch tìm các chỗ đáng giận, còn người trí thì vạch tìm chỗ sơ sót các điều chẳng lành. Người hay giận thường xả bỏ về người, còn người trí thì thường xả bỏ về hành động. Bởi thế cho nên, người tánh hay giận và người tánh có ý trí giống nhau hợp thành một tướng.
Hỏi: Tại sao người tánh ngu với người tánh hiểu biết lại thành một hạng?
Đáp: Người tánh ngu nếu siêng làm việc thiện thì sự hiểu biết được tăng trưởng, vì sự ngu si vốn gần gũi với đức tánh nầy, do nhờ khởi động niềm tin và trí tuệ, mà lìa được chỗ ngu si.
Lại nữa, do hai hành động mà sự ngu si với sự hiểu biết trở thành một tướng; đó là (1) chẳng ổn cố, (2) động. Sự ngu si thì chẳng yên ổn, nên chẳng ổn cố. Sự hiểu biết cũng chẳng an ổn vì nhớ nghĩ đến nhiều loại tư tưởng khác nhau. Sự ngu si chẳng có nơi qui hướng nên trở thành động; còn sự hiểu biết trở nên khinh an, cũng thành động. Bởi thế cho nên, cả hai sự ngu si và sự hiểu biết trở thành một tướng.
Do phương tiện phân biệt các tánh hạnh vừa xét qua, các tánh hạnh còn lại có thể sắp xếp lại thành bảy loại, và do đó có bảy hạng người kể trên.
Thế nào là tu hành mau?
Thế nào là tu hành chậm?
Người tánh ham muốn thì tu hành mau, dễ giáo hoá nhờ sẵn có tín lực mạnh, bởi vì nơi người ấy, sự ngu si và sự hiểu biết đều có khắp cả.
Người tánh hay giận thì tu hành mau, dễ giáo hoá nhờ sẵn có ý lực mạnh, bởi vì nơi người ấy, sự ngu si và sự hiểu biết đều có khắp cả.
Người tánh ngu tu hành chậm, khó mà giáo hoá, bị sẵn có sức hiểu biết sẵn còn ngu si, bởi vì nơi ngưòi ấy, sự tin tưởng và ý trí đều có khắp cả.
Người tánh ham muốn và hay giận thì tu hành mau, dễ giáo hoá nhờ sẵn có sức mạnh của ý trí và sự tin tưởng, bởi vì nơi người ấy, sự hiểu biết cùng sự ngu si đều có khắp cả.
Người tánh ham muốn và ngu si thì tu hành chậm, khó giáo hoá vì chẳng tin tưởng, và sức hiểu biết còn ngu si.
Người tánh hay giận và ngu si thì tu hành chậm, khó giáo hoá vì thiếu ý trí, và sức hiểu biết còn ngu si.
Người tánh đồng phần (tánh ham giận ngu bằng nhau) thì tu hành chậm, khó giáo hoá, vì ý trí chẳng an trú, lại sẵn có sức hiểu biết còn ngu si.
Vào thời đó, bảy hạng người kể trên do các phiền não căn bản mà thành ra ba hạng người: người tánh hay ham muốn, người tánh hay giận hờn, người tánh hay ngu si.
Hỏi: Do nhân duyên nào có ba hạng tánh người như trên đây? Làm sao để biết được người tánh hay ham muốn, người tánh hay giận hờn, người tánh hay ngu si? Làm cách nào để phân biệt được họ xuyên qua cách họ mặc áo, đi khất thực, nằm ngồi và oai nghi trong các hành động?
Đáp: Làm nhân duyên cho các tánh hạnh: (1) do nhân duyên của các hành động trong quá khứ; (2) do giới (nguyên tố, tứ đại); (3) do các lỗi lầm.
Hỏi: Thế nào là do nhân duyên của các hành động trong quá khứ?
Đáp: Thuở xa xưa, do những phương tiện dễ mến, tạo nên được nhiều thiện nghiệp, thành người tánh hay ham muốn, rồi sau từ trên cõi thiên đường sanh xuống cõi nầy.
Chém giết nhiều, còng trói, dùng lắm khí giới, tạo nên oán nghiệp, thành người tánh hay giận hờn phải sa vào điạ ngục, hoặc sanh thành rồng, rồi sau từ chốn ấy tái sanh vào cõi nầy.
Xưa uống rượu nhiều, gây sư ly gián, thành người tánh hay ngu si, rồi sau từ cõi súc sanh tái sanh vào cõi nầy.
Như thế, các hành động trong thời quá khứ tạo nên nhân duyên cho tánh hạnh ngày nay.
Hỏi: Thế nào là giới (tứ đại) làm nhân duyên?
Đáp: Bởi vì ở gần với hai giới nầy nhiều nhứt nên thành người tánh ngu si; đó là điạ giới và thủy giới (đất và nước). Còn ở gần hai giới: hoả giới (lửa) và phong giới (gió) nhiều nhứt, thì thành người tánh giận hờn. Nếu gần nhiều với bốn giới đồng đều nhau thì thành người tánh hay ham muốn.
Như thế, giới làm nhân duyên cho các tánh hạnh.
Hỏi: Thế nào là các lỗi lầm làm nhân duyên?
Đáp: Quá nhiều đàm dãi thành người tánh hay ham muốn. Quá nhiều soi xét thành người tánh hay giận hờn. Quá nhiều gió thành người tánh ngu si.
Lại có thuyết cho rằng, quá nhiều đàm dãi thành người tánh hay ngu si; quá nhiều gió thành người tánh hay ham muốn.
Như thế, các lỗi lầm làm nhân duyên.
Hỏi: Làm sao để có thể biết được tánh hạnh của người nào hay ham muốn, người nào hay giận hờn, người nào hay ngu si?
Đáp: Do bảy hành động mà có thể biết được. Đó là: (1) do sự vật, (2) do phiền não, (3) do cách đi, (4) do cách nhận giữ, (5) do cách ăn, (6) do làm công việc, (7) do cách nằm.
Hỏi: Thế nào là do sự vật mà biết được tánh hạnh?
Đáp: Người tánh hay ham muốn nhìn đến một sự vật như thể là chưa hề thấy vật đó lần nào; khi nhìn, anh thường quán sát thiếu chân thực, chẳng lưu tâm đến các ưu điểm nhỏ, thành ra ngã theo sự ham muốn; quan sát xong, anh chẳng kềm giữ lại hành động để có thể thoát được ham muốn. Đối vớí các sự vật khác, cũng lại hành động như thế, khiến ta có thể nhận biết ra được người nào tánh hay ham muốn.
Người tánh hay giận nhìn đến sự vật như thế nầy: anh chẳng thể nhìn lâu, như thể là đang mỏi mệt; cố chấp vào các lỗi lầm nên thường hay hủy báng kẻ khác; ngay nơi có nhiều công đức anh cũng khó nhìn thấy ra,vì cứ ghìm lấy các chỗ lỗi lầm. Đối với các sự vật khác, cũng lại hành động như thế, do đấy ta có thể phân biệt biết được người tánh hạnh hay giận.
Người tánh ngu si nhìn đến sự vật như thế nầy: nơi có công đức hay nơi có lỗi lầm, anh thường tin theo kẻ khác, nghe kẻ khác chê, chê theo; nghe kẻ khác khen, khen theo; chẳng tự mình biết lấy. Các việc khác, lại cũng hành động như thế; do đó có thể nhận biết người nào tánh hạnh ngu si.
Như thế, do sự vật mà biết được tánh hạnh.
Hỏi: Thế nào là do phiền não mà biết được tánh hạnh?
Đáp: Người tánh ham muốn thường hành động theo năm món phiền não: ganh ghét, keo kiệt, huyễn hoặc, nịnh nọt, tham muốn. Đó là năm.
Người tánh giận hờn thường hành động theo năm món phiền não: giận, hờn, che đậy, buồn phiền, oán ghét. Đó là năm
Người tánh ngu si thường hành động theo năm món phiền não: lười biếng, buông lung, nghi ngờ, hối hận, ngu si. Đó là năm.
Như thế, do các phiền não, có thể biết được tánh hạnh.
Hỏi: Thế nào là do cách đi mà biết được tánh hạnh?
Đáp: Cách đi thường của người tánh ham muốn như sau: bước đi nhanh, giở chơn lên, hạ chơn xuống, bước đều bước, dáng đi dễ mến. Như thế, theo cách đi mà biết được tánh người ham muốn.
Cách đi thường của người hay giận hờn như vầy: gấp giở chơn lên, gấp hạ chơn xuống, nửa chừng hai chơn đụng nhau như cào đất. Như thế, theo cách đi mà biết được người tánh hay giận hờn.
Cách đi của người tánh ngu si như vầy: kéo lê sát đất giở chơn lên, hạ chơn xuống cũng kéo lê sát đất, hai chơn đụng vào nhau. Như thế, theo cách đi mà biết được người tánh ngu si.
Như thế, do cách đi mà phân biệt được tánh hạnh.
Hỏi: Thế nào là do cách mặc áo biết được tánh hạnh?
Đáp: Người tánh ham muốn khi cầm áo chẳng nhìn nhiều, mặc áo vào chẳng quá thấp, ngay thẳng tròn trịa, trông đẹp và khả ái.
Người tánh hay giận mặc áo quá gấp gáp, cao quá, chẳng tròn thẳng, trông chẳng đẹp và khó coi.
Người tánh hạnh ngu si mặc áo quá chậm chạp, chẳng tròn thẳng, trông chẳng đẹp chút nào và rất khó coi.
Như thế, theo cách mặc áo, có thể biết được tánh hạnh.
Hỏi: Thế nào là do cách ăn biết được tánh hạnh?
Đáp: Người tánh ham muốn thích món béo, ngọt; người tánh giận hờn thích mời mọc; người tánh hay ngu si có sở thích chẳng nhứt định.
Lại nữa, người tánh ham muốn, đến giờ ăn, tự lượng sức mình lấy vừa đủ thức ăn, ăn từng miếng nhỏ tròn, chẳng ăn mau, biết được hương vị thức ăn, nếu gặp món chẳng ngon, cũng vẫn thưởng thức.
Người tánh hay giận khi ăn lấy nhiều thức ăn, nhai đầy miệng, nếu gặp món chẳng ngon, thường khởi phiền giận.
Người tánh hay ngu si khi ăn lấy ít thức ăn, miếng ăn chẳng tròn khi nuốt, vật thực dính miệng, nửa vào họng, nửa rơi xuống mâm;loạn tâm chẳng giữ chánh niệm trong khi dùng bữa.
Như thế, do cách ăn mà biết được tánh hạnh.
Hỏi: Thế nào do làm việc mà biết được tánh hạnh?
Đáp: Người tánh hạnh ham muốn khi quét sân đứng thẳng người, cầm chổi quét chẳng quá nhanh, chẳng bốc bụi đất cát, mà quét được sạch sẽ.
Người tánh hay giận khi quét sân, cầm chổi quét nhanh hai bên, bốc bụi đất cát, gây tiếng động, tuy sạch sẽ nhưng chẳng được đồng đều.
Người tánh hạnh ngu si khi quét sân, cầm chổi quét chậm chạp, tuy quét hết cả nhưng có chỗ chưa sạch, chẳng được đồng đều.
Còn những công việc như giặt gyạ, nhuộm quần áo, vá may, người tánh ham muốn thì làm một cách đồng đều, chẳng để tâm đi buông lung. Người tánh hạnh hay giận làm những việc ấy chẳng đồng đều, nhưng chẳng để tâm đi lang bang. Người tánh ngu si tâm hay loạn động, thưòng làm việc chẳng thành.
Như thế, do công việc làm mà biết được tánh hạnh.
Hỏi: Thế nào là do nằm ngồi mà biết được tánh hạnh?
Đáp: Người tánh ham muốn khi ngủ, dọn giường chẳng hối hả, sắp xếp ngay thẳng, đều đặn, thân nằm yên hai tay co vào trong; nửa đêm có ai gọi, thì thức ngay và đáp ngập ngừng.
Người tánh hay giận thường ngủ gấp, gặp được chỗ nào thì nằm yên thân ngay nơi ấy, khi ngủ thì châu mày; nửa đêm có ai gọi, liền tỉnh giấc và giận đáp.
Người tánh hạnh ngu si giường chiếu chẳng ngay thẳng, chỉ đắp mình còn tay chơn thò ra ngoài; nửa đêm nếu có ai gọi thì ư ư một lúc lâu, mới đáp.
Như thế, do sự nằm ngủ mà biết được tánh hạnh.
Hỏi: Nên theo pháp nào để hành động khi mặc áo, khất thực và ngụ nơi trú xứ?
Đáp: Người tánh hạnh ham muốn nên mặc áo thô, chẳng có màu sắc sáng chói. Người tánh hay giận nên mặc áo cẩn thận, sạch sẽ, có màu sắc sáng. Người tánh hạnh ngu si tuỳ được cho áo nào thì nên mặc áo ấy.
Người tánh hạnh ham muốn nên dùng món ăn thô, đừng chọn các món mỹ vị, và nên khất thực ít.Người tánh hạnh giận hờn có thể chọn món ăn ngon, hương vị tốt, nhiều ít tùy theo chỗ khất thực được. Người tánh hạnh ngu si thì dùng các món khất thực được, nên có sự tiết độ.
Người tánh hạnh ham muốn nên nằm ngồi dưới bóng cây, bên bờ nước, trong vườn nhỏ tại thôn xóm xa vắng, nơi am thờ còn chưa hoàn tất, chỗ chẳng có giừờng ngủ. Người tánh hạnh giận hờn nên nằm ngồi dưới bóng cây, bên bờ nước, chỗ đất bằng phẳng, nơi am đã hoàn thành, có đủ giường nằm ngủ. Người tánh hạnh si mê cần nương nơi an trú của vị thầy mình.
Người tánh hạnh ham muốn nên ở nơi trú xứ có cơm nước thô sơ; khi vào thôn xóm thì đi hướng mặt trời, theo vào ngỏ nhà nghèo xấu. Người tánh hay giận nên ở nơi có đầy đủ cơm nước, khi vào làng, chẳng hướng phiá mặt trời, lựa xóm có nhiều kẻ kính tín. Ngưới tánh hạnh ngu si thì tùy nơi gặp được.
Về uy nghi, người tánh hay ham muốn nên chú trọng thêm trong cách đi đứng. Người tánh hạnh giận hờn nên sửa lại uy nghi trong lối ngồi, nằm. Người tánh hay ngu si nên sửa lại uy nghi trong khi đi.
Linh tinh:
Nhờ nơi cảnh giới khả ái, người tánh hạnh ham muốn được tăng lòng tin tưởng. Người tánh giận hờn tăng lòng tin tưởng nhờ biết sống trong cảnh giới chẳng khả ái. Người tánh ngu si nhờ ít quán tưởng về nhân duyên để tăng lòng tin tưởng.
Người ham muốn như là kẻ nô lệ; người giận hờn như là kẻ học trò; người ngu si như là chất độc.
Người tham ít bị lỗi lầm nhưng chẳng chịu đoạn trừ cấu nhiễm (cấu = bụi bặm; nhiễm = dính dơ; ở đây chỉ các phiền não). Người tánh giận hờn tuy lỗi lầm nhiều nhưng biết trừ cấu nhiễm. Người tánh si mê đã nhiều lỗi lầm lại chẳng biết đoạn trừ các cấu nhiễm.
Người tánh ham muốn ưa thích sắc dục. Người hay giận ưa thích tranh cãi. Người tánh ngu ưa thích sự lười nhác.
Phẩm 7: Phân biệt Hành xứ
(Các Đề mục quán tưởng)
Vào thời đó, vị thầy mà người đệ tử nương theo học, sau khi quán sát tánh hạnh của người học trò, mới đem ba mươi tám đề mục quán tưởng (= các hành xứ) ra truyền dạy, khiến cho việc tu hành được tương ứng với tánh hạnh.
Hỏi: Ba mươi tám hành xứ (đề mục quán tưởng) la những gi?
Đáp: Đó là mười nhứt thiết nhập: (= Biến xứ, Kasina) về đất, về nước, về lửa, về gió, về xanh, về vàng, về đỏ, về trắng, về Không-xứ, về thức xứ. Cộng với mười tưởng bất tịnh: tưởng sình chướng, tưởng tái xanh, tưởng rỉ mủ, tưởng rã rời, tưởng bị gặm nhấm, tưởng thân thịt rã nát, tưởng đâm chém nát, tưởng dính máu huyết, tưởng trùng hôi, tưởng xương. Lại cộng thêm mười niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm Thiên, niệm về sự chết, niệm thân, niệm hơi thở, niệm an tịch. Lại cộng thêm bốn tâm vô lượng: từ, bi, hỉ, xả. Và thêm bốn quán tưởng: về tứ đại (= đất, nước, gió, lửa), về thức ăn bất tịnh, về vô sở hữu xứ, về phi phi tưởng xứ. Đấy là ba mươi tám hành xứ (làm đề mục quán tưởng).
Có chín cách để thấy rõ hiệu lực tối thắng của 38 hành xứ kể trên: (1) thiền, (2) vượt thẳng, (3) tăng lên, (4) nhân duyên, (5) sự tướng, (6) thù thắng, (7) cảnh giới, (8) nắm giữ, (9) tánh hạnh người; nhờ đó, biết được công đức thù thắng của đề mục.
Hỏi: Thế nào là do Thiền?
Đáp: Có mười đề mục đưa đến sự thành tựu được thiền ngoại hành; mười đề mục khiến thành tựu được sơ thiền; một đề mục thành được tam thiền; một đề mục thành được tứ thiền; chín đề mục thành tựu được tứ thiền, ngũ thiền; bốn đề mục thành tựu được vô sắc tứ thiền.
Hỏi: Thế nào là mười đề mục thành tựu được thiền ngoại hành?
Đáp: Trừ niệm hơi thở và niệm thân ra, tám đề mục còn lại trong mười niệm, và phép quán tưởng tứ đại, tưởng thực phẩm bất tịnh, cộng lại là mười món đưa đến thiền ngoại hành.
Hỏi: Thế nào là mười một đề mục thành tựu sơ thiền?
Đáp: Mười pháp quán tưởng bất tịnh và niệm về thân đưa đến sự thành tựu sơ thiền.
Hỏi: Thế nào là ba đề mục thành tựu được tam thiền?
Đáp: Đó là quán ba tâm vô lượng: từ, bi, hỉ.
Hỏi: Thế nào là một đề mục thành tựu được tứ thiền?
Đáp: Đó là quán tâm vô lượng: xả.
Hỏi: Thế nào là chín đề mục thành tựu được tứ thiền, ngũ thiền?
Đáp: Trừ nhứt thiết nhập về không và về thức ra, tám nhứt thiết nhập (= biến xứ) còn lại cùng niệm hơi thở, đồng đưa đến sự thành tựu tứ thiền, ngũ thiền.
Hỏi: Thế nào là bốn đề mục thành được bốn cõi vô sắc?
Đáp: Các nhứt thiết nhập (= Kasinas) về Không-xứ, thức xứ, về vô sở hữu xứ, về phi phi tưởng xứ thành tựu cõi vô sắc.
Như thế, do thiền mà có thể biết được thắng điểm của các hành xứ (= đề mục quán tưởng).
Hỏi: Thế nào là do vượt lên thẳng?
Đáp: Bước vào hành xứ (tức thực tập các đề mục) thành tựu được sự vượt lên thẳng khỏi cõi sắc. Trừ nhứt thiết nhập về vô sắc, tám nhứt thiết nhập còn lại và ba mươi hành xứ còn lại chẳng vượt lên thẳng khỏi cõi sắc. Lại nữa, có ba đề mục vượt thẳng lên khỏi sự việc: ba nhứt thiết nhập về vô sắc, và về vô sở hữu xứ; ba mươi lăm đề mục còn lại thì chẳng thành tựu được sự vượt lên khỏi sự việc. Lại nữa, có một đề mục vượt lên khỏi thọ và tưởng, đó là phi phi tưởng xứ; ba mươi bảy đề mục còn lại thì chẳng vượt lên khỏi được thọ và tưởng.
Như thế, do vượt thẳng lên mà có thể biết được các công đức thù thắng của các hành xứ (= đề mục quán tưởng).
Hỏi: Thế nào do sự tăng trưởng?
Đáp: Mười bốn hành xứ (= đề mục quán tưởng) có thể khiến cho có sự tăng trưởng: đó là mười nhứt thiết nhập (tức là mười biến xứ, hay là mười kasinas), và bốn tâm vô lượng; hai mươi bốn hành xứ còn lại chẳng có khả năng làm tăng trưởng.
Như thế, do sự tăng trưởng mà biết được sự thù thắng của các hành xứ.
Hỏi: Thế nào là do nhân duyên?
Đáp: Chín hành xứ làm nhân duyên đưa đến sự chứng đắc thần thông: đó là, ngoại trừ nhứt thiết nhập về vô sắc ra, tám nhứt thiết nhập còn lại với nhứt thiết nhập về Hư-không. Ba mươi bảy hành xứ còn lại chẳng làm nhân duyên cho sự chứng đắc thần thông, nhưng các hành xứ nầy làm nhân duyên đưa tới Tỳ-bà-xá-na (= Huệ kiến), ngoại trừ phi phi tưởng xứ vì hành xứ nầy chẳng làm nhân duyên đưa tới Huệ kiến.
Như thế, do nhơn duyên mà biết được các thắng điểm của các hành xứ, tức là của các đề mục quán tưởng.
Hỏi: Thế nào là do sự tướng (làm đối tượng)?
Đáp: Hai mươi mốt hành xứ lấy sự phân biệt sự tướng làm đối tượng, mười hai hành xứ lấy bản thể thực sự làm đối tượng, năm hành xứ lấy sự chẳng phân biệt sự tướng với bản thể thực sự mà làm đối tượng.
Hỏi: Thế nào là hai mươi mốt hành xứ lấy sự phân biệt sự tướng làm đối tượng?
Đáp: Ngoại trừ nhứt thiết nhập về thức ra, chín nhứt thiết nhập còn lại, với mười tưởng bất tịnh, với niệm hơi thở và niệm thân, đều lấy sự phân biệt sự tướng làm đối tượng.
Hỏi: Thế nào là mười hai hành xứ lấy bản thể thực sự làm đối tượng?
Đáp: Đó là nhứt thiết nhập về thức, cùng phi phi tưởng xứ và mười thiền ngoại hành.
Hỏi: Thế nào là năm hành xứ lấy sự chẳng phân biệt sự tướng với bản thể thực sự làm đối tượng?
Đáp: Đó là bốn tâm vô lượng, và vô sở hữu xứ.
Lại nữa, hai hành xứ, lấy sự tướng của việc tạo ra trong tâm (nội doanh) cùng chuyện xảy ra trong tâm (nội sự) làm đối tượng, là nhứt thiết nhập về thức và phi phi tưởng xứ.
Hai hành xứ, lấy sự tướng của việc tạo ra trong tâm (nội doanh sự) cùng chuyện xảy ra bên ngoài (ngoại sự) làm đối tượng, là niệm hơi thở và niệm thân.
Một hành xứ, lấy sự tướng của chuyện tạo ra bên ngoài (ngoại doanh) cùng việc xảy ra trong tâm (nội sự) làm đối tượng, là niệm về sự chết.
Hai mươi mốt hành xứ, lấy sự tướng của chuyện tạo ra bên ngoài (ngoại doanh) cùng việc xảy ra bên ngoài (ngoại sự) làm đối tượng, là mười tưởng bất tịnh, bốn tâm vô lượng, bốn nhứt thiết nhập về sắc, nhứt thiết nhập về Hư-không, niệm Phật, và niệm Tăng.
Bốn hành xứ, lấy sự tướng của chuyện trong tâm tạo nên, gây thành việc xảy ra bên ngoài (nội doanh nội sự thiết ngoại sự), làm đối tượng, là niệm giới, niệm thí, quán tưởng về tứ đại, và thức ăn bất tịnh.
Bốn hành xứ, lấy sự tướng của việc tạo ra bên ngoài do tâm bên trong xếp đặt nên (nội doanh ngoại sự thiết ngoại doanh sự) làm đối tượng, là bốn nhứt thiết nhập về sắc.
Hai hành xứ, lấy sự tướng của việc xảy ra trong tâm và bên ngoài, do việc tạo nên trong tâm và bên ngoài gây ra, (thiết nội doanh sự, thiết ngoại doanh sự, thiết nội sự, thiết ngoại sự) làm đối tượng, là niệm Phật và niệm an tịch.
Một hành xứ lấy sự tướng của chuyện trong tâm, gây nên do việc đã tạo bên trong và bên ngoài (nội ngoại doanh sự, nội sự) làm đối tượng, là niệm Thiên.
Một hành xứ lấy sự tướng của chuyện tạo nên bên trong (nội doanh sự) nhưng chẳng ưng nói về chuyện trong tâm và ngoài tâm (nội sự, ngoại sự) làm đối tượng, là vô sở hữu xứ.
Hai hành xứ lấy sự tướng của việc quá khứ làm đối tượng là nhứt thiết nhập về thức, và phi phi tưởng xứ.
Một hành xứ lấy sự tướng của việc tương lai làm đối tượng là niệm về sự chết.
Một hành xứ lấy sự tướng của việc hiện tại làm đối tượng là niệm Thiên.
Sáu hành xứ lấy sự tướng của các việc quá khứ, vị lai và hiện tại làm đối tượng là: niệm Phật, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, và quán tưởng về tứ đại và tưởng về thức ăn bất tịnh.
Hai hành xứ, lấy sự tướng của việc quá khứ, hiện tại nhưng chẳng ưng nói về vị lai, làm đối tượng, là niệm Pháp và niệm an tịch.
Hai mươi sáu hành xứ chẳng ưng nói về sự việc của ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai, là chín nhứt thiết nhập, mười tưởng bất tịnh, bốn tâm vô lượng, niệm hơi thở, niệm thân, cùng vô sở hữu xứ.
Bốn hành xứ lấy sự tướng của việc động làm đối tượng là: nhứt thiết nhập về lửa, về gió, và tưởng trùng hôi, cùng niệm hơi thở; sự tướng thì chẳng động, còn môi trường của chúng ắt phải động, ngoại trừ ba mươi bốn sự việc bất động.
Như thế, do lấy sự tướng làm đối tượng mà biết được các hành xứ (= các đề mục quán tưởng).
Hỏi: Thế nào là do thù thắng?
Đáp: Tám nhứt thiết nhập, bốn định vô sắc, được gọi là thù thắng, vì là sự việc chân thực. Do vì tám nhứt thiết nhập được gọi là định thắng, nên khi đắc được cõi tứ thiền, bốn định vô sắc được gọi là định thắng. Mười tưởng bất tịnh và tưởng thức ăn bất tịnh gọi là tưởng thắng, do vì nơi sắc, hình, Hư-không, phương hướng, phân biệt, hoà hiệp, kết hiệp, và tưởng bất tịnh. Mười niệm xứ được gọi là thù thắng, do vì niệm trở nên vi tế, và sự chú tâm theo sát với niệm. Bốn tâm vô lượng là thù thắng vì chẳng còn gì vượt quá hơn được, do sự tăng thêm lợi ích. Quán tứ đại gọi là huệ thắng, do vì có sự liên kết với Hư-không.
Như thế, do thù thắng mà biết được các hành xứ.
Hỏi: Thế nào là do cảnh giới?
Đáp: Mười hai hành xứ chẳng sanh lên cảnh giới Thiên, đó là mười tưởng bất tịnh, với niệm thân và tưởng thức ăn bất tịnh. Mười ba hành xứ chẳng sanh lên cảnh giới sắc, đó là mười hai hành xứ đầu tiên với niệm hơi thở. Ngoại trừ hành xứ vô sắc xứ, các hành xứ còn lại chẳng sanh lên cảnh giới vô sắc.
Như thế, do cảnh giới mà biết được các hành xứ.
Hỏi: Thế nào là do nắm giữ?
Đáp: Mười bảy hành xứ nắm giữ tướng do sự thấy: đó là, ngoại trừ nhứt thiết nhập về gió và về vô sắc ra, bảy nhứt thiết nhập còn lại cùng với mười tưởng bất tịnh. Niệm hơi thở là hành xứ do sự xúc chạm mà nắm giữ. Nhứt thiết nhập về gió là hành xứ nắm giữ hoặc do sự thấy, hoặc do sự xúc chạm. Mười chín hành xứ còn lại do sự nghe mà phân biệt nắm giữ.
Lại có năm hành xứ mà người sơ học toạ thiền chẳng nên thực tập là bốn cõi vô sắc và tâm xả. Các hành xứ còn lại, người ấy có thể học được.
Như thế, do nắm giữ mà biết được các hành xứ.
Hỏi: Thế nào là do tánh hạnh người?
Đáp: Người tánh hạnh hay ham muốn chẳng nên tu bốn tâm vô lượng, do vì tướng tịnh. Tại sao vậy? Vì tánh hạnh người hay ham muốn chẳng thường khởi ý về tướng tịnh, cũng tựa như người bị bịnh đàm mà ăn nhiều thức ăn mỡ béo chẳng hạp vậy. Người tánh hạnh hay giận hờn chẳng nên tu mười tưởng bất tịnh, do vì tướng hờn giận thường khởi lên, cũng tựa như người bị bịnh đàm mà ăn uống các chất nóng chẳng hạp vậy. Người tánh hạnh ngu si vì trí huệ chẳng tăng trưởng, thiếu sự khéo léo, cho nên chẳng nên tu các hành xứ, nếu chẳng khéo léo mà cố tinh tấn tu cũng chẳng có kết quả, tựa như người cởi voi mà chẳng cầm theo cây móc câu để kềm giữ voi.
Người tánh hạnh hay ham muốn nên tu các tưởng bất tịnh và quán tưởng về thân, vì để đối trị lại các ham muốn. Người tánh hạnh hay giận hờn nên tu bốn tâm vô lượng, vì sự sân hận được đối trị; hoặc nên tu nhứt thiết nhập về sắc, khiến tâm biết tùy theo đó. Người tánh hạnh hay tin nên tu sáu niệm xứ vì niệm Phật khiến niềm tin sơ khởi được an định lại. Người tánh hạnh ý trí nên tu quán tứ đại, tưởng thức ăn bất tịnh, niệm về sự chết, niệm an tịch, vì đã sẵn có ý trí thâm sâu.
Lại nữa, người tánh hạnh ý trí đối với tất cả các hành xứ, có thể tu mà chẳng phương hại chi cả. Người tánh hạnh ham hiểu biết nên tu niệm hơi thở, để đoạn các tư tưởng rời rạc thiếu mạch lạc. Người tánh hạnh ngu si dùng lời mà hỏi Pháp, theo thời mà nghe Pháp, cung kính đối với Pháp bảo và vị thầy bổn sư mà mình đang nương tựa học hỏi, khiến cho trí uệ tăng trưởng rồi tùy theo sở thích mà chọn các hành xứ, riêng niệm về sự chết và quán tưởng tứ đại là thù thắng nhứt cho anh ta.
Lại có thuyết nói: Khi phân biệt các hành xứ, tôi đã thấy sự thù thắng của chúng. Tuy nhiên, sự phân biệt ra sáu hạng người có thể tóm lại thành ba.
Hỏi: Nếu quả như vậy, thì lúc ban đầu có gì phương hại?
Đáp: Có hai hạng người tánh hạnh hay ham muốn: (1) người độn căn, căn tánh chậm chạp và (2) người lợi căn, căn trí lanh lẹ. Với người tánh hạnh hay ham muốn mà độn căn, nên tu quán tưởng bất tịnh, vì đối trị được các ham muốn của y, đó là điều nên dạy cho y để trừ lòng ham muốn. Người tánh hạnh hay ham muốn mà căn trí lanh lợi (lợi căn) nên tu các niệm xứ để làm tăng trưởng lòng tin còn sơ khởi nơi y, đó là điều nên dạy cho y diệt trừ lòng dục.
Có hai hạng người tánh hạnh hay giận hờn: kẻ độn căn và người lợi căn. Người hay giận mà độn căn nên tu bốn tâm vô lượng, vì để đối trị lại tánh giận hờn, đó là điều nên dạy cho y tu hành để trừ sân hận. Người hay giận mà lợi căn nhờ trí huệ tăng trưởng, nên tu các thắng xứ, đó là điều nên dạy cho y tu hành để diệt lòng sân.
Người tánh ngu si cũng có hai hạng: kẻ vô căn và người độn căn. Người vô căn, đã ngu si lại chẳng có khả năng nào, thì chẳng nên dạy tu các hành xứ. Còn người tánh hạnh ngu si mà độn căn nên tu niệm hơi thở, để đối trị sự loạn tưởng.
Như thế, đã tóm lược thành ba hạng người, chẳng chi phương hại. Theo như pháp nói trên, các nhứt thết nhập và niệm hơi thở, được phát triển thêm xuyên qua Không-xứ, thành được tất cả các hành xứ chẳng có phương hại chi. Nếu có đủ công đức thù thắng, việc tu tập các hành xứ sẽ thành tựu chẳng trở ngại.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 12 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 18.226.222.89 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập