Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình.
Kinh Pháp cú
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác.
Kinh Pháp cú
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phẩm 12: Phân biệt Đế.
Chi 2: Các loại Trí và Định
Người toạ thiền như thế hiện quán Diệt, do đã quán Diệt xong thành ra sợ nhân của ấm, lại sợ ấm sanh ra. Sợ ba cõi (= dục giới, sắc giới và vô sắc giới), sợ năm đường (= điạ ngục, ngạ qủi, A-tu-la, người, trời), sợ bảy nơi thức trú, chín chốn cư trú của chúng sanh, như sợ người ác tuốt đao, như sợ rắn độc, như sợ lửa bừng cháy. Như thế, do quán sự diệt mà thành ra sợ các nguyên nhân của ấm, sợ ấm sanh ra, sợ ba cõi, năm đường, bảy thức trú, chín chốn cư trú của chúng sanh.
Hiện tác ý do theo lẽ vô thường khiến cho ý tưởng lo sợ (= uý tưởng) được yên ổn, để khởi lên vô tướng. Hiện tác ý do theo lẽ khổ thành ra sự sợ sanh ra được yên ổn, để khởi lên vô sanh. Hiện tác ý do theo lẽ vô ngã thành ra sự lo sợ cùng việc ngại sanh ra được yên ổn, khiến cho vô tướng và vô sanh khởi lên. Quán các lỗi lầm, quán sự nhàm chán và lìa xa (= yếm ly), mà mềm dẻo tùy theo sự kham nhẫn tương tự, đó là lời nói tổng quát.
Đến đây chấm dứt việc khiến cho Trí lo sợ khởi lên.
Người toạ thiền do vì mối lo ngại mà hiện tu hành, khiến khởi lên trí muốn được giải thoát ( lạc giải thoát Trí). Khi lo ngại về tướng các ấm, trí muốn được giải thoát khởi lên. Khi lo ngại về các ấm sanh khởi, trí muốn được giải thoát khởi lên. Khi lo ngại về ba cõi, năm đường, bảy thức trú, chín nơi cư trú của chúng sanh, trí muốn được giải thoát khởi lên. Đó cũng tựa như con chim bị lửa cháy bao vây, muốn được thoát khỏi lửa, như người bị giặc dữ bao vây, muốn được thoát khỏi tay giặc. Như thế, người toạ thiền do nơi nỗi lo ngại về nguyên nhân các ấm, sự khởi sanh của các ấm, ba cõi, năm đường, bảy thức trú, chín chốn cư trú của chúng sanh, mà khởi lên trí muốn được giải thoát.
Theo lẽ vô thường mà tác ý lo ngại về nguyên nhân các ấm. Theo lẽ khổ mà tác ý lo ngại về sự sanh. Theo lẽ vô ngã mà tác ý lo ngại về nguyên nhân các ấm và sự khởi sanh của chúng, và do đó mà khởi lên trí muốn được giải thoát.
Như thế, kẻ phàm phu và các bực học nhơn, do theo nơi trí muốn được giải thoát dùng hai cách mà dẫn tâm hoặc quán hoan hỉ. Nơi đây, tâm thông đạt hiện quán trở nên hoan hỉ, vượt qua ưu não vốn là chướng ngại cho việc tu hành, thành tựu nên thấy được chỗ khó thấy trong tư duy, hành, xả, nương tùy theo với sự kham nhẫn tương tự. Đó là lời nói tổng quát.
Đến đây chấm dứt Trí muốn được giải thoát.
Người tọa thiền như thế hiện đang tu tập về trí muốn được giải thoát. Để được giải thoát khỏi tất cả chư hành và đắc được Niết-bàn, người ấy thấy chư hành thành cùng một tướng, muốn theo cửa giải thoát mà khởi lên trí tương tự. Do ba cách mà đắc được tương tự trí; ba cách đó vượt qua khỏi sự kết tụ của năm ấm.
Người ấy hiện thấy được năm ấm đều vô thường thì đắc được tương tự trí, nhận rõ khi năm ấm diệt, đó tức là Niết-bàn, nên vượt qua được sự kết tụ của năm ấm. Người ấy hiện thấy được năm ấm đều khổ thì đắc được tương tự trí, nhận rõ khi năm ấm diệt, đó tức là Niết-bàn, nên vượt qua được sự kết tụ của năm ấm. Người ấy hiện thấy được năm ấm đều vô ngã thì đắc được tương tự trí, nhận rõ khi năm ấm diệt, đó tức là nghiã đệ nhứt của Niết-bàn, nên vượt qua được sự kết tụ của năm ấm.
Hỏi: Do trí nào biết hiện vượt qua sự kết tụ, do trí nào biết đã vượt qua xong?
Đáp: Do tánh trừ trí mà biết hiện vượt qua sự kết tụ của chư hành; và do đạo trí mà biết hiện đã vượt qua xong.
Hỏi: Tương tự trí nghiã là gì?
Đáp: Tương tự có nghiã là trí thông đạt được các môn sau đây: bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy yếu tố của sự giác ngộ, tám ngành của Bát Chánh đạo; tâm trí phù hợp với, và giống như các môn ấy, đó gọi là Tương tự trí.
Nói một cách tổng quát, chẳng oán ghết để thấy lợi cho mình và kham nhẫn, đó là lời nói chung về tương tự trí.
Đến đây chấm dứt Tương tự trí.
Từ nơi tướng của tất cả chư hành, khởi lên tương tự trí theo thứ lớp chẳng gián đoạn, hướng về đối tượng của Niết-bàn thì sanh khởi lên được tánh trừ trí.
Hỏi: Thế nào là tánh trừ trí?
Đáp: Vượt trừ được các pháp phàm phu, gọi là tánh trừ. Nơi chẳng phải pháp phàm phu cũng gọi là tánh trừ. Tánh có nghiã là Niết-bàn.
Lại nữa, gieo hột giống Niết-bàn cũng gọi là tánh trừ. Như A-tỳ-đàm (= Abhidhamma, Luận tạng) có nói: "Trừ được sự sanh gọi là tánh; trừ bỏ để đến được cõi vô sanh, cũng gọi là tánh trừ". Lại nữa, trừ bỏ được nguyên nhân của sự sanh, gọi là tánh trừ. Đến được cõi vô sanh, cõi vô tướng cũng gọi là tánh trừ. Đó là bước đầu của con đường dẫn tới Niết-bàn; từ chỗ bên ngoài đó đã chuyển được trí huệ.
Trên đây kà lời nói tổng quát về tánh trừ trí.
Đến đây chấm dứt Tánh trừ trí.
Tánh trí theo thứ lớp chẳng gián đoạn hiện biết rõ về Khổ đế,,hiện đoạn trừ nguyên nhân của Tập đế, hiện chứng đắc được sự tận diệt của Diệt đế và hiện tu tập về Đạo đế, thành ra sanh khởi lên trí về đạo Tu-đà-huờn cùng tất cả các pháp Bồ-đề khác. Người toạ thiền vào lúc đó, trong sự an tịch, hiện thấy được đâu là nơi hữu biên(= còn có giới hạn; biên = bờ ranh), đâu là nơi đề hồ (= cảnh Niết-bàn vô vi; đề hồ là chất kem ngon của sữa). Và trong một sát-na (= đơn vị thời gian hết sức ngắn) trí người ấy biết rõ ràng, chẳng trước đó cũng chẳng sau đó, phân biệt được Bốn Chơn lý Nhiệm mầu, đã biết rõ Khổ, đã đoạn trừ Tập, đã chứng thấy Diệt, đã tu theo Đạo, thật phân minh, đúng như thí dụ trong bài Kệ sau đây:
Như người lià bờ nầy,
Dùng thuyền sang bờ kia,
Chở vật đến bờ đó,
Ngồi thuyền, trừ lậu hoặc.
Như thuyền lướt trên mặt nước, chẳng trước chẳng sau, trong một sát-na, bỏ bốn việc nơi bờ nầy là trừ lậu hoặc, vượt đến bờ bên kia như chuyên chở vật lià bờ bên nầy. Như thế, trí phân biệt Khổ như trừ lậu hoặc. Như thế, trí phân biệt đoạn trừ Tập như sang đến bờ kia. Như thế, trí phân biệt chứng đắc sự tận diệt của Diệt như dùng thuyền chở vật. Như thế, trí phân biệt Đạo như ngồi thuyền sang bờ bên kia.
Như ngọn đèn cùng sanh trong một sát-na, chẳng trước chẳng sau, đồng thực hiện bốn việc: thắp cháy tim đèn, trừ được sự tối tăm, làm cho dầu hao mất, và khởi lên ánh sáng. Cũng như mặt trời, chẳng trước chẳng sau, trong một sát-na, đồng thực hiện được bốn việc: làm sắc hiện lên, trừ sự tối tăm, dẹp sự lạnh lẽo, tạo nên ánh sáng để thấy được sắc. Như thế, trí phân biệt Khổ cũng như trừ sự tối tăm. Như thế, trí phân biệt đoạn Tập như dẹp được sự lạnh lẽo. Như thế, trí phân biệt chứng được Diệt như làm khởi lên ánh sáng. Như thế, trí phân biệt tu Đạo Bát chánh như mặt trời, đó còn gọi là Thánh trí.
Hỏi: Thế nào là tướng của trí vào lúc hiện thấy rõ Khổ, đoạn trừ Tập, chứng đắc Diệt, tu hành theo Đạo?
Đáp: Nếu chẳng thấy rõ được Khổ thì bốn điều điên đảo sẽ sanh khởi. Vào lúc đó, như đã giảng qua, do nhờ sự an tịch mà quán tưởng đâu là cõi hữu biên, đâu là cõi vô vi Niết-bàn, trí phân biệt trong một sát-na, chẳng trước chẳng sau, liền phân biệt được Bốn Chơn lý Nhiệm mầu.
Hỏi: Nghiã nầy như thế nào?
Đáp: Khi thấy chư hành sanh và diệt, trí còn chưa nhận ra được đúng như thật các khổ lậu cùng các lỗi lầm của tất cả chư hành. Do theo tướng của chư hành, liền khởi tâm muốn vượt qua chư hành mà đến chỗ vô hành. Nhờ đó mà thấy được đúng như thật các lỗi lầm của chư hành. Rồi từ tướng của chư hành, khởi tâm vượt đến chỗ vô hành, để từ nơi ấy mà thấy ra được các khổ lậu đến tận mức cuối cùng vậy.
Lại có thuyết cho rằng, nếu được như vậy, thì ta có thể phân biệt được Đế, do nhờ vào sự an tịch và tánh trừ trí. Tánh từ trí có nghiã là, khởi từ hành tướng mà vượt qua đến vô hành. Nếu tánh trừ trí khởi từ hành tướng vượt qua đến vô hành mà thành công thì đắc được Niết-bàn. Nơi Niết-bàn chỉ nắm giữ nguyên nhân làm đối tượng. Nhờ nắm giữ được đối tượng mà đắc được định tâm. Nếu chẳng đắc được định, thì chẳng sanh ra định lực và huệ lực, và các pháp Bồ-đề cũng chẳng thành mãn. Nếu vào lúc đắc được Niết-bàn mà có định tâm thì Định và Huệ thành mãn cùng với tất cả các pháp Bồ-đề. Do đó, chỉ nhờ vào Đạo trí mà thành phân biệt được Đế.
Như thành cháy, có ngưòi chạy ra, bị kẹt ở cửa thành, chỉ thò ra được một chân, thì lúc đó chẳng gọi được là thoát khỏi. Cùng thế ấy, tánh trừ trí từ nơi hành tướng mà khởi lên vượt qua đến chỗ vô hành, thì lúc ấy chưa vượt qua được các phiền não của chư pháp, chưa được thành mãn. Trái lại, như người trong thành cháy chạy ra, hai chân đã ra ngoài, bấy giờ mới gọi đó là thoát khỏi lửa thành cháy. Cùng thế ấy, tánh trừ trí chẳng gián đoạn sanh khởi lên Đạo trí, lúc bấy giờ mới gọi là thoát khỏi các phiền não và thành mãn được tất cả các pháp. Do đó, nhờ tánh trừ trí mà thành ra phân biệt được Đế.
Hỏi: Phân biệt Đế nghiã như thế nào?
Đáp: Trong một sát-na, bốn Thánh đế hoà hợp khởi lên đó gọi là phân biệt Đế. Vào lúc ấy, Đạo trí hoà hợp y theo nghiã, các căn trở thành bình đẳng nhau. Năm lực với nghiã là bất động. Bồ-đề phần với nghiã "thừa", tức là cổ xe đưa đến nơi giác ngộ. Bát thánh Đạo phần với nghiã nhân duyên đưa đến sự giải thoát. Bốn Niệm xứ có nghiã niệm an trú trong bốn lãnh vực. Chánh cần có nghiã phân biện thiện được ưu thắng. Bốn như ý túc có nghiã là phương tiện. Đế có nghiã là sự thật, Chơn lý. Xa-ma-tha (= định tâm) có nghiã là chẳng loạn đông. Tì-bà-xá-na (= huệ tâm) với nghiã tùy quán. Song với nghiã chẳng rời nhau. Giới thanh tịnh với nghiã che chở. Tịnh kiến có nghiã là tâm tánh trong sạch chẳng loạn động. Kiến với nghiã là kiến giải được thanh tịnh. Giải thoát có nghiã là thoát khỏi. Minh xả có nghiã là thông đạt. Diệt trí căn có nghiã đoạn bỏ và vượt qua. Tác ý có nghiã là khiến khởi ý lên một cách bình đẳng. Xuất ly có nghiã là xúc và thọ đã diệt xong. Định tức là y theo nghiã hiện truớc mặt. Huệ có nghiã là niệm chân thực. Đề-hồ với nghiã phân biệt sâu xa và rốt ráo. Nê-hoàn (= Niết-bàn) có nghiã bình đẳng thật rốt ráo.
Như thế, người toạ thiền thấy đúng như vậy, biết đúng như vậy, nên đoạn trừ được tam kết (= ba điều kết sử) là thân kiến, nghi và giới cấm thủ, cùng các phiền não tương ứng.
Hỏi: Thế nào là thân kiến?
Đáp: Kẻ phàm phu ít học thấy sắc cho đó là ngã (= tôi), tôi có hình sắc; sắc đó là ngã sở (= của tôi). Cùng như thế đó đối với thọ, tưởng, hành, thức. Thấy thức, cho đó là tôi có thức (= sự hiểu biết), thức đó là thức của tôi. Đấy gọi là thân kiến. Nay cắt đứt được thân kiến, thì đồng thời cũng đoạn trừ xong sáu mươi hai tà kiến.
Hỏi: Thế nào là nghi?
Đáp: Hoặc nơi Khổ, hoặc nơi Tập, hoặc nơi Diệt, hoặc nơi Đạo, hoặc nơi Phật Pháp Tăng, hoặc nơi lúc khởi đầu, hoặc nơi lúc tận cùng, hoặc cả hai thời khởi và tận, đều có sự nghi nan về sự sanh khởi theo pháp nhân duyên; nay mối nghi nan đó được đoạn trừ.
Hỏi: Thế nào là giới đạo?
Đáp: Có hai loại giới đạo (= còn gọi là giới cấm thủ, tức là sự tin tưởng vào các giới cấm mê tín): do khát ái và do ngã si (= mê mờ cho là có ngã). Người vì khát ái nghĩ rằng: "Nhờ tuân theo các giới cấm nầy, nhờ tu theo các khổ hạnh nầy, nhờ tập theo các Phạm hạnh nầy, tôi sẽ được sanh lên các cõi Trời"; đó gọi là giới đạo vì khát ái. Hoặc có kẻ ngoại đạo, hay người Bà la môn nào nghĩ rằng: "Nhờ tuân theo giới cấm nầy, nhờ giữ theo giới nầy cho thanh tịnh, tôi được trong sạch"; đó gọi là giới đạo vì si ngã. Cả hai loại giới đạo đó đều được đoạn trừ
Hỏi: Thế nào là các phiền não tương ứng?
Đáp: Ba mối kết sử (thân kiến, nghi và giới cấm thủ) khiến khởi lên các phiền não: tham muốn, giận hờn, si mê và sanh vào các nẻo dữ. Các phiền não nầy cũng được cắt đứt.
Vào lúc ấy, người toạ thiền chứng được quả Tu-đà-huờn hướng. Tu-đà-huờn hướng là chưa đắc trọn quả Tu-đà-huờn trú, mà chỉ đến bực bát địa. Đến khi lên tới kiến địa hoặc định điạ, thì từ nơi hai điạ nầy khởi chuyển huệ mà trọn thành quả Tu-đà-huờn. Đó là lời nói tổng quát về Tu-đà-huờn đạo.
Ngay khi ấy, vị Tu-đà-huờn cứ theo thứ lớp chẳng gián đoạn, cắt trừ ba kết sử, khiến cho đối tượng trở thành vô vi, chẳng sai biệt với Đạo và các pháp khác, làm phương tiện khởi lên trí hiểu biết về Tu-đà-huờn quả. Trí, quả, tâm, hoặc hai hoặc cả ba, khởi lên chẳng gián đoạn, cùng vượt qua đến phần sau. Tâm theo từ phần sau nầy khởi quán về Đạo, về Quả, về Niết-bàn; quán xong liền đoạn trừ các phiền não, rồi quán đến các phiền não còn dư sót mà cắt bỏ. Đó gọi là pháp Tu-đà-huờn chẳng thoái chuyển định hướng về Bồ-đề, hướng về các quả ở vị lai. Đó gọi là được sanh ra từ ngực của Thế tôn, sanh ra từ nơi miệng của Thế tôn, sanh ra từ Chánh pháp, đó là pháp mà các vật khác chẳng thể sánh nổi được. Đó gọi là thấy được đầy đủ, tu hành thông đạt Thánh pháp, đến tận ngưỡng cửa Niết-bàn. Đã đắc diệu pháp đó, đã thấy biết rõ diệu pháp đó, đã được giác trí thành tựu, đã được giác minh thành tựu, liền nhập vào dòng nước Thánh, thông đạt Huệ, khai mở cửa Niết-bàn. Thế nên, có Kệ rằng:
Nơi cõi đất là một bực quốc vương,
Cõi Thiên đường là một đấng Vua Trời,
Thống lãnh tất cả thế gian mọi cõi,
Đó chính là thắng quả Tu-đà-huờn.
Người toạ thiền ấy, từ giai đoạn nầy tiến lên khởi tinh tấn dõng mãnh để chứng được quả vị Tư-đà-hàm. Người ấy thấy rõ được sự sanh, sự diệt từ buổi ban sơ, nên hiện quán như đã được thuyết giảng ở trước. Người ấy hiện tu hành theo như đã thấy con đường Đạo, nương theo năm căn, năm lực, bảy yếu tố của sự giác ngộ, như thế mà quán phân biệt về Bốn Chơn lý Nhiệm mầu. Như thế, người ấy tu hành hướng về Diệt, đoạn trừ các dục thô, sân hận, cùng các phiền não tương ứng khác. Trên con đường Đạo đó, chẳng bao lâu, chẳng gián đoạn, người ấy chứng được quả vị Tư-đà-hàm.
Người toạ thiền ấy, từ giai đoạn nầy tiến lên khởi tinh tấn dõng mãnh để chứng quả vị A-na-hàm. Người ấy thấy rõ được sự sanh và sự diệt, lấy chỗ sơ kiến (= vừa mới thấy) làm chỗ hiện thấy, hiện quán, như đã được thuyết giảng ở trước. Người ấy hiện tu hành theo như đã thấy con đường Đạo, nương theo năm căn, năm lực, bảy yéu tố của sự giác ngộ, như thế mà quán phân biệt về Bốn Chơn lý Nhiệm mầu. Như thế, người ấy tu hành hướng về Diệt, đoạn trừ các dục vi tế, sân hận và các phiền não tương ứng còn sót lại. Trên con đường Đạo đó, chẳng bao lâu, chẳng gián đoạn, người ấy chứng được quả vị A-na-hàm.
Người toạ thiền ấy, từ giai đoạn nầy tiến lên khởi tinh tấn dõng mãnh để chứng quả vị A-la-hán. Người ấy thấy rõ được sự sanh và sự diệt, lấy chỗ sơ kiến đó làm chỗ hiện thấy, hiện quán, như đã được thuyết giảng ở trước. Người ấy hiện tu hành theo như đã thấy con đường Đạo, nương theo năm căn, năm lực, bảy yếu tố của sự giác ngộ, như thế mà quán phân biệt về Bốn Chơn lý Nhiệm mầu, theo đúng như thế mà hướng về sự đoạn trừ sắc dục, vô sắc dục, kiêu mạn, trạo cử, vô minh, các phiền não còn dư sót đều đoạn tận. Trên con đường Đạo đó, người toạ thiền chứng thấy quả vị A-la-hán, quán Đạo nầy, quán quả Niết-bàn, quán đoạn trừ phiền não.
Người Tỳ-kheo đó đắc thành A-la-hán, diệt xong các lậu hoặc, đã làm xong việc phải làm, đặt gánh nặng xuống, đạt tới diệu nghiã, đoạn trừ các hữu kết, chơn chánh thấy đúng sự giải thoát, lià xa năm phần, thành tựu sáu phần, được sự thủ hộ, chẳng còn bị sự chết ràng buộc, diệt trừ các tà đế còn sót, tin tưởng và tầm cầu sự vô lậu, giữ an ổn các thân hành, khéo giải thoát tâm, khéo giải thoát tuệ, làm tròn Phạm hạnh đã thành bực đại trượng phu tối thắng, bực đại trượng phu chứng được chỗ đắc đệ nhứt. Đó gọi là đã trừ xong sân hận, đến bờ bên kia, lià phiền não, chẳng còn bị kết sử làm chướng ngại, đắc được đôi cánh của bực Thánh giả, buông bỏ gánh nặng chẳng tương ứng xuống, thành bực Sa-môn, bà la môn, A-la-hán, bực dứt cả tham dục, bực bảo hộ chánh pháp, bực bà la môn tối thượng. A-la-hán có nghiã là vượt qua, thoát khỏi, khuất phục được, an tịch, khiến cho an tịch. Đó là lời nói tổng quát về A-la-hán.
Nếu người đắc quả vị Tu-đà-huờn trong đời nầy, chẳng tinh tấn tu lên nữa, sẽ thuộc vào ba hạng Tu-đà-huờn sau đây: (1) thất sanh, (2) gia gia, (3) nhứt sanh. Như thế, người căn cơ chậm lụt sẽ thành thất sanh. Người căn cơ trung bình sẽ thành gia gia. Người căn cơ sắc bén sẽ thành nhứt sanh. Thất sanh thì sau khi tái sanh trên cõi Thiên đường sáu lần, còn trở lại cõi nầy một lần nữa để chấm dứt Khổ. Gia gia thì hoặc hai lần, hoặc ba lần tái sanh về cõi nầy để chấm dứt Khổ. Nhứt sanh thì còn phải sanh làm người một lần nữa, để chấm dứt Khổ.
Vậy, Tu-đà-huờn, nếu trong đời nầy chẳng tinh tấn tu lên nữa thì phải trở lại cõi người ít nhứt một lần nữa để chấm dứt Khổ.
Nếu vị A-na-hàm, trong đời nầy, chẳng tinh tấn tu lên nữa, đến khi mạng chung sẽ sanh lên cõi Tịnh cư. Tùy theo chư căn mỗi người bén nhạy khác nhau mà có năm hạng A-na-hàm: (1) trung gian Bát-Niết-bàn, (2) sanh Bát-Niết-bàn, (3) bất hành Bát-Niết-bàn, (4) hành Bát-Niết-bàn, (5) sanh lên trên cõi Trời A-ca-ni-tha. Gọi là Trung gian Bát-Niết-bàn, vị A-na-hàm nào khởi lên Thánh đạo để đoạn trừ các kết sử dư sót lại, còn chưa đến giữa chừng thọ mạng, đã mất đi. Gọi là Sanh Bát-Niết-bàn, vị A-na-hàm nào khởi lên Thánh đạo để trừ các kết sử còn dư sót, mất đi khi đến quá nửa chừng thọ mạng. Gọi là Bất hành Bát-Niết-bàn, vị A-na-hàm nào khởi lên Thánh đạo để đoạn trừ các kết sử còn dư sót, mà chẳng do hành động bên ngoài thúc giục. Gọi là Hành Bát-Niết-bàn, vị A-na-hàm nào khởi lên Thánh đạo để đoạn trừ các kết sử còn dư sót, nhờ có hành động bên ngoài thúc giục. Gọi là Sanh lên cõi Trời A-ca-ni-tha, vị A-na-hàm nào từ cõi Bất phiền thiên lần lượt sanh sang các cõi Bất nhiệt thiên, Thiện kiến thiên, Thiện hiện thiên, sau rốt mới đến cõi A ca ni tha thiên (Pàli: Akanittha), khởi lên Thánh đạo để đoạn trừ các kết sử còn dư sót. Nơi cõi Bất phiền thiên, thọ mạng một vạn kiếp; ở cõi Bất nhiệt thiên, thọ mạng hai vạn kiếp; ở cõi Thiện kiến thiên, thọ mạng bốn vạn kiếp; ở cõi Thiện hiện thiên, thọ mạng tám vạn kiếp; ở cõi A ca ni tha thiên, thọ mạng mười sáu vạn kiếp. (...)
Bực A-la-hán đã đoạn trừ xong tất cả phiền não chẳng còn dư sót, nên chẳng còn gây thêm nguyên nhân để phải sanh lại nữa. Do đó, bực A-la-hán đã miễn trừ được hình, mạng, hành và diệt; đó là đoạn trừ được Khổ, chẳng khởi thêm Khổ nữa; đấy gọi là Khổ đã đến mức cuối cùng rồi.
Có Kệ rằng:
Tựa như trùy đập vào sắt nóng,
Như ánh sao chìm xuống giữa dòng,
Theo thứ lớp mà thành tịch diệt,
Nào ai biết được hướng người đi!
Như thế, là giải thoát chánh chơn
Khi vượt qua dục lậu ràng buộc,
Đạt đến cõi an lạc bất động,
Nào ai biết được hướng người đi!
Hỏi: Có thuyết của đại sư nói, cứ theo thứ lớp mà tu Đạo để đoạn trừ các phiền não, thì có lần lượt phân biệt được Bốn Chơn lý Nhiệm mầu chăng?
Đáp: Hoặc do lấy mười hai pháp, hoặc do lấy tám pháp, hoặc do lấy bốn đạo trí mà chứng được quả.
Hỏi: Theo như đó, khi nào thấy chẳng tương ưng?
Đáp: Nếu theo thứ lớp tu hành và đoạn trừ các phiền não thì do theo đó mà lần lượt chứng quả, như thế vui lòng thấy được đạo và quả tương ứng nhau.
Nếu vui lòng được như thế thì thành tựu được quả Tu-đà-huờn chăng? Nếu chưa vui lòng, thì lại theo thứ lớp tu Đạo, theo thứ lớp đoạn trừ phiền não, thì cũng được.
Lại nữa lần thứ hai: khi thấy được Khổ, thấy Khổ được đoạn trừ, thấy phiền não được đoạn diệt, thì chứng được bốn phần của quả Tu-đà-huờn và khởi lên vui lòng với phương tiện thành tựu. Nếu như thế vui lòng tác chứng được bốn phần Tu-đà-huờn, bốn phần Thất sanh Tu-đà-huờn, bốn phần Gia gia Tu-đà-huờn, bốn phần Nhứt sanh Tu-đà-huờn thì thành ra có bốn phần trú nơi đạo, còn bốn phần trú nơi quả, như thế thì chẳng tương ứng. Nếu như thế chẳng vui lòng khi đã thấy Khổ, thấy Khổ đã được đoạn trừ, còn phiền não có được diệt hết chăng; như thế vẫn còn chưa tương ứng.
Lại nữa lần thứ ba: nếu lấy chỗ đã thấy Khổ, thấy Khổ đã được đoạn trừ và phiền não đã diệt xong, làm chỗ vui lòng, thì đó là hiện thấy được Khổ, trú vào bốn phần Tu-đà-huờn đạo, bốn phần tín hành, bốn phần pháp hành, làm chỗ vui lòng, chớ vẫn chưa thấy được ba Chơn lý kia còn lại (...); như vậy thì cũng chẳng tương ứng. (...)
Lại nữa lần thứ tư: cũng chẳng tương ứng, nếu hiện thấy đạo thành hướng, đã trú vào quả điều đó đáng vui ; lấy chỗ hiện thấy Khổ nầy thành hướng đã trú vào quả cũng nên khá vui , khi thấy cả hai tương ứng nhau thành chung một tướng. Nếu khá vui lòng khi thấy hướng cùng trú và quả thành ra nhiều thứ như thế, thì vẫn còn chẳng tương ứng.(...)
Lại nữa, lần thứ năm: nếu đã thấy đạo mà chứng quả, nhưng còn chưa thấy được Khổ Tập, Khổ Diệt, hoặc đã thấy Khổ Tập, Khổ Diệt là vô nghiã, thì cũng chưa tương ứng.
Lại thêm lần thứ sáu: nếu lấy hoặc mười hai pháp, hoặc tám pháp, hoặc bốn đạo trí để tác chứng Tu-đà-huờn quả, (...), thì đạo trí thành ra vô quả. Nếu như thế mà quán theo đó, thì quán đó cũng chẳng tương ứng. (...)
Lại nữa, lần thứ bảy: nếu hoặc do mười hai pháp, hoặc do tám pháp, hoặc do bốn đạo trí mà khiến khởi lên Tu-đà-huờn quả, thì đó lại cũng chẳng tương ứng, vì do nhiều đối tượng mà khởi lên một quả, tựa như lấy nhiều trái xoài mà làm thành một trái vậy.
Hỏi: Nếu trong một sát-na, chẳng trước chẳng sau, lấy một trí mà phân biệt Tứ Đế thì thành ra có bốn cái nhìn nắm giữ đối tượng. Nếu lấy cái thấy Khổ làm thành cái thấy về Tứ Đế, thì Tứ đế sẽ trở thành Khổ đế. Vậy, có phải cả hai cách đó, chẳng cách nào tương ưng với một trí, chẳng trước chẳng sau, trong một sát-na, phân biệt được Tứ Đế chăng?
Đáp: Chẳng phải một trí có bốn cái thấy nắm giữ bốn đối tượng; lại cũng chẳng phải Tứ Đế thành Khổ đế. Người toạ thiền khi ban sơ quán về Tứ Đế, thấy tướng của mỗi Đế đều chung một tướng "như" như nhau, tướng trước được phân biệt trước, thì vào lúc ấy đang quán về Khổ đế. Như thế, một tướng đã thông đạt thì thành ra thông đạt được cả Tứ Đế vì cùng một nghiã "như" . Cùng theo cách ấy trước đây, năm ấm tuy khác loại nhưng cùng một tướng, nên tướng trước được phân biệt trước, do đó mà phân biệt được sắc ấm. Cũng vây, lấy nghiã vô thường nơi sắc ấm mà thấy năm ấm đều vô thường, (...), chớ chẳng phải sắc ấm là năm ấm. Nhập, giới, cũng được quán phân biệt theo lối đó, điều ấy có thể suy mà biết được.
Sau đây giảng qua các pháp linh tinh về: quán, giác, hỉ, thọ, điạ, căn, giải thoát, phiền não, chánh thọ, hai cấp định.
Quán có hai thứ: thiền quán và táo quán (táo = khô, cằn)
Hỏi: Thế nào là thiền quán?
Đáp: Thiền quán có nghiã là, đã đắc định rồi, lấy định lực mà hàng phục các triền cái, lấy danh mà phân biệt so sánh với sắc, quán thấy các thiền chi, lấy Xa-ma-tha (= định) làm bước đầu để tu Tì-bà-xá-na (= huệ).
Táo quán có nghiã là, lấy trí lực phân biệt để hàng phục các triền cái, lấy sắc mà phân biệt so sánh với danh, quán thấy chư hành, lấy Tì-bà-xá-na làm bước đầu để tu Xa-ma-tha.
Giác có nghiã là, nơi Sơ thiền, lấy táo quán cùng thiền quán mà quán đạo và quả, thì thành có giác. Nơi Tam thiền, từ Tì-bà-xá-na cho đến tánh trừ trí thì có giác, còn đạo và quả thì chẳng có giác. Nơi giác địa (= chỗ có giác), đạo thành tựu được tám ngành của Bát Chánh Đạo. Nơi vô giác điạ, bảy ngành Bát Chánh Đạo thành tựu, trừ Chánh tư duy.
Hỉ có nghiã là, táo quán ở Sơ thiền khiến thiền giả thấy được đầy đủ nỗi khổ của chư hành; nhờ có Tì-bà-xá-na và trí tương tự khởi lên thành tánh trừ trí nên thấy các khổ chẳng còn nữa; do đó mà đạo và quả cùng khởi lên được hỉ và táo quán đắc được hỉ đầy đủ. Nơi Nhị thiền, Tì-bà-xá-na, cùng với đạo và quả, đồng khởi lên hỉ. Nơi Tam thiền và Tứ thiền, Tì-bà-xá-na và đạo cùng quả chẳng khởi lên hỉ. Nơi hỉ điạ, đạo và quả làm khởi lên Thất giác chi (= bảy yếu tố của sự giác ngộ). Còn nơi vô hỉ điạ, chỉ có sáu giác chi khởi lên, trừ yếu tố hỉ.
Thọ có nghiã là, ở Sơ thiền, táo quán khiến thấy đầy đủ nỗi khổ của chư hành, nhờ Tì-bà-xá-na và trí tương tự khởi lên niệm xả, rồi tánh trừ trí cùng đạo và quả đồng khiến cho hỉ phát sanh, do đó mà táo quán đắc được lạc (= vui) đầy đủ. Nơi Tam thiền, Tì-bà-xá-na, đạo và quả, cùng với hỉ khởi lên. Nơi Tứ thiền, Tì-bà-xá-na, đạo và quả cùng với xả khởi lên.
Điạ có nghiã là, có hai điạ: kiến điạ và tư duy điạ (điạ = đất, phạm vi; kiến = thấy; tư duy = suy nghĩ). Tu-đà-huờn đạo thuộc về Kiến địa; còn ba đạo kia và bốn quả Sa-môn thuộc về Tư duy điạ. Trước còn chưa thấy ra, nay khiến thấy được rõ, nên gọi đó là kiến điạ. Thấy như thế, rồi tu tập theo như thế, đó là tư duy điạ.
Lại nữa, còn có hai thứ điạ: học điạ và vô học điạ (học điạ, ở đây, có nghiã là các người còn phải học thêm nữa; còn vô học điạ, ở đây, các người đã học xong, chẳng cần học thêm nữa). Như thế, bốn đạo và ba quả Sa-môn thuộc về học điạ. Quả A-la-hán thuộc về vô học điạ.
Căn có nghiã là, có ba căn xuất thế gian: (1) vị tri tri căn (= căn biết được điều còn chưa biết); (2) dĩ tri căn (= căn đã biết rốt ráo và (3) tri dĩ căn (= căn biết đã biết). Như vậy, trí người đắc Tu-đà-huờn đạo biết được điều còn chưa biết, thuộc vào loại căn (1). Trí của ba đạo và ba quả còn lại, vì đã biết các pháp đến mức rốt ráo, nên thuộc vào loại căn (2). Trí người đắc quả A-la-hán biết được đã biết xong tất cả mọi pháp chẳng sót pháp nào, nên thuộc vào loại căn (3).
Giải thoát có nghiã là, có ba loại giải thoát: (1) vô-tướng giải-thoát, (2) vô-tác giải-thoát, và (3) Không-giải-thoát. Như vậy, trí tương tự tu theo Đạo mà chẳng khởi lên hình tướng, đó là vô-tướng giải-thoát. Tu mà chẳng có lòng mong cầu hay ước nguyện nào khác, đó là vô-tác giải-thoát. Tu mà chẳng có sự chấp thủ nào, chẳng vướng mắc tríu mến điều nào, đó là Không-giải-thoát.
Lại nữa, khi quán kiến ba loại giải thoát đó, thì thành tựu được các đạo; khi đắc được một loại giải thoát, thì cả ba loại giải thoát đều thành tựu.
Hỏi: Thế nào là quán ba giải thoát mà thành tựu được các đạo?
Đáp: Do quán kiến vô thường mà thành được vô-tướng giải-thoát. Do quán kiến khổ mà thành được vô-tác giải-thoát. Do quán kiến vô ngã mà thành được Không-giải-thoát.
Hỏi: Thế nào là quán kiến vô thường mà thành được vô-tướng giải-thoát?
Đáp: Do vô thường, hiện tác ý thấy chư hành diệt đi mà khởi thành tâm được giải thoát, nên đắc tín căn và bốn căn kia. Biết được đúng như thật hình tướng của tất cả chư hành đều vô thường làm khởi lên lo sợ, từ đó tâm trí khởi lên vượt qua các hình tướng ấy mà đến chỗ vô tướng, khiến cho thân đắc được giải thoát. Như thế, do quán vô thường mà thành được vô-tướng giải-thoát.
Hỏi: Thế nào là quán kiến khổ mà thành tựu được vô-tác giải-thoát?
Đáp: Do theo Khổ mà hiện tác ý, lấy sự lo sợ về nỗi khổ của chư hành mà khởi lên tâm muốn được an tịch nhiều; nhờ đó, đắc được định căn và bốn căn kia. Biết được đúng như thật nỗi khổ sở nơi chư hành, thành ra thấy được sự Khổ, và do sự lo sợ khổ mà tâm trí khởi lên vượt đến cõi vô sanh (= chẳng phải bị tái sanh nữa), lấy sự vô tác, chẳng còn mong muốn, chẳng tham cầu nữa, khiến cho thân được giải thoát. Như thế, do quán kiến Khổ mà thành tựu được vô-tác giải-thoát.
Hỏi: Thế nào là quán kiến vô ngã mà thành được Không-giải-thoát?
Đáp: Do theo vô ngã mà hiện tác ý, lấy tánh không của chư hành mà khởi lên tâm rất chán ghét chúng; nhờ đó, đắc được huệ căn với bốn căn kia. Biết được đúng như thật tướng Không của chư hành và tướng sanh, thành ra thấy được tất cả mọi pháp đều vô ngã, lấy sự lo sợ tướng vô ngã cùng tướng sanh mà khởi lên tâm trí vượt qua đến vô tướng, vô sanh diệt, đến Niết-bàn, khiến cho thân được Không-giải-thoát. Như thế, do quán kiến vô ngã mà thành tựu được Không-giải-thoát.
Như thế, do quán kiến ba giải thoát mà thành tựu được tất cả các đạo.
Hỏi: Thế nào là đắc được ba giải thoát thì thành tựu được một đạo?
Đáp: Nếu đã đắc được vô-tướng giải-thoát, thì cả ba giải thoát đều thành tựu cả. Tại sao vậy? Người nầy lấy tâm đã đắc được vô tướng, mà tự giải thoát cho mình chỗ đã mong cầu và chỗ đã chấp trước, trước kia.
Nếu đã được vô-tác giải-thoát thì cả ba giải thoát đều thành tựu cả. Tại sao vậy? Vì lấy tâm đã được giải thoát mà tự giải thoát cho mình khỏi các tướng đã cố chấp.
Đắc được Không-giải-thoát thì cả ba giải thoát đều thành tựu cả. Tại sao vậy? Nếu tâm trước kia bị dính mắc hiện nay được thoát ly, đó là do sự giải thoát khỏi hình tướng và sự mong cầu.
Như thế, cả ba giải thoát đều thành tựu chung một đạo.
Hỏi: Giải thoát và giải thoát môn khác nhau thế nào?
Đáp: Thoát khỏi các phiền não đang che mờ trí hiểu biết về Đạo, gọi là giải thoát. Được vào cửa Niết-bàn, đó gọi là giải thoát môn (môn = cửa vào).
Lại nữa, giải thoát có nghiã là trí hiểu biết về Đạo, còn đối tượng của Đạo, tức là Niết-bàn, đó gọi là giải thoát môn.
Hỏi: Thế nào là phiền não?
Đáp: Có tất cả một trăm ba mươi bốn phiền não: ba căn chẳng lành (= bất thiện căn), ba điều mong cầu (= mịch), bốn rỉ chảy (= lậu), bốn ràng buộc (= kết), bốn tràn ngập (= lưu), bốn ách, bốn bám níu (= thủ), bốn hành nghiệp sa vào nẻo dữ (= ác thú hành), năm keo kiệt (= khan), năm che đậy (= ngũ cái), sáu căn tranh cãi (= tránh căn), bảy sự bị sai khiến ở thế gian (= sử thế gian), tám pháp, chín kiêu căng (= mạn), mười nơi phiền não, mười đường gây nghiệp dữ (= thập bất thiện nghiệp đạo), mười điều ràng buộc (= thập kết), mười tà kiến, mười hai điều điên đảo, mười hai tâm sở chẳng lành.
Ba căn chẳng lành (= tam bất thiện căn) là tham, giận và si mê. Nơi ba căn đó, giận thì được ba đạo làm cho trở nên mỏng mẻo; tham đến quả A-na-hàm, được diệt hết chẳng còn dư sót; còn si mê được ba đạo dũa mòn cho thành thưa thớt, đến A-la-hán đạo mới tận diệt.
Ba điều mong cầu (= tam mịch) gồm có mong cầu dục lạc, mong cầu được hiện hữu mãi, mong cầu được sanh lên cõi Trời Phạm. Trong ba sự mong cầu đó, việc cầu sanh cõi Trời Phạm thì khi đắc Tu-đà-huờn đạo mới dứt hẳn; sự mong cầu hưởng các thú vui ham muốn (= dục mịch) thì đến A-na-hàm đạo mới diệt; còn khát vọng được hiện hữu mãi (= hữu mịch) đến A-la-hán đạo mới bỏ hẳn.
Bốn rỉ chảy (= tứ lậu) gồm có dục lậu, hữu lậu, kiến lậu, vô minh lậu (lậu = rỉ chảy; dục = ham muốn; hữu = hiện hữu, cuộc sống; kiến lậu = tà kiến; vô minh = si mê). Trong bốn lậu đó, kiến lậu được diệt ở Tu-đà-huờn đạo; dục lậu diệt ở A-na-hàm đạo; còn hữu lậu và vô minh lậu đến A-la-hán đạo mới chấm dứt.
Bốn điều ràng buộc (= tứ kết) là bốn điều mà thân bị ràng buộc: (1) vì ham muốn, (2) vì giận hờn, (3) vì giới cấm thủ và (4) vì cho đó là Chơn lý. Thân bị ràng buộc vì giới cấm thủ và vì cho đó là Chơn lý, thì được Tu-đà-huờn đạo diệt đi. Thân bị ràng buộc vì giận hờn đến A-na-hàm đạo mới trừ xong.
Thân bị ràng buộc vì tham đến A-la-hán đạo mới trừ dứt.
Bốn tràn ngập (= tứ lưu) gồm có: dục lưu, hữu lưu, kiến lưu, và vô minh lưu. Bốn ách (= tứ ách) gồm có: dục ách, hữu ách, kiến ách và vô minh ách, về cách tận diệt, xem lại bốn rỉ chảy (= tứ lậu) như đã nói qua.
Bốn điều bám níu (= tứ thủ) chia ra làm: dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ và ngã ngữ thủ (= chấp vào lời tôi nói). Ba điều chấp thủ sau thì được Tu-đà-huờn đạo diệt trừ, còn dục thủ thì đến A-la-hán đạo mới diệt xong.
Bốn hành nghiệp dẫn đến các nẻo ác (= tứ ác thú hành) là những hành động tạo nghiệp khiến phải tái sanh vào các nẻo dữ ác; đó là vì ham muốn, vì giận hờn, vì sợ hãi, vì si mê. Chấm dứt các hành động gây nghiệp đó khi tu theo Tu-đà-huờn đạo.
Năm keo kiệt (= ngũ khan) là keo kiệt về nơi cư trú, về gia đình, về lợi dưỡng, và về pháp; cả năm thứ keo kiệt nầy đến A-na-hàm đạo thì diệt xong.
Năm che đậy (= ngũ cái) là năm triền cái: ham muốn (để thoả mãn các giác quan), giận hờn, lười nhác, ham ngủ cùng xao động, kiêu căng cùng nghi ngờ. Nghi ngờ diệt được ở Tu-đà-huờn đạo. Ham muốn, giận hờn và kiêu căng thì đến A-na-hàm đạo mới diệt hết. Còn lười nhác và xao động đến A-la-hán đạo mới trừ xong. Ham ngủ nghỉ thì tùy theo sắc.
Sáu căn tranh cãi (= lục tránh căn) là những tâm sở: phẫn (= hay nổi giận), phú (= che dấu), tật (= ganh tị), siểm (= nịnh bợ), ác lạc (= thích làm ác) và kiến xúc (= về tà kiến). Ba tâm sở sau diệt được ở Tu-đà-huờn đạo; còn ba tâm sở trước đến A-na-hàm đạo mới diệt hết.
Bảy sự bị sai khiến (= thất sử) gồm có các sự bị sai khiến: vì ham muốn, vì giận hờn, vì kiêu căng, vì tà kiến, vì nghi ngờ, vì ham muốn được hiện hữu (= sống) mãi, vì vô minh. Bị tà kiến và sự nghi nan sai khiến thì đến Tu-đà-huờn đạo diệt trừ xong . Bị sai khiến vì lòng ham muốn và vì giận hờn, thì đến A-na-hàm đạo mới trừ xong. Bị sai khiến vì kiêu căng, vì ham muốn sống mãi, và vì vô minh thì đến A-la-hán đạo mới tận trừ.
Tám ngọn gió ở thế gian (= thế gian bát thế pháp) là lợi, suy, nói xấu, tâng bốc, khen, chê, khổ, vui. Bốn ngọn gió suy, nói xấu, chê, khổ, làm cho giận hờn thì đến A-na-hàm đạo diệt hết; bốn món còn lại gây ra ưa thích phải đến A-la-hán đạo mới trừ xong.
Chín sự kiêu căng xảy ra, khi nói hay nghĩ rằng: (1) tôi hơn bực cao, (2) tôi bằng bực cao, (3) tôi chỉ thua bực cao, (4) tôi hơn kẻ bằng tôi, (5) tôi bằng với kẻ bằng tôi, (6) tôi chỉ thua kẻ bằng tôi, (7) tôi hơn bọn dưới, (8) tôi bằng các người thấp, (9) tôi chỉ thua các người thấp. Chín sự kiêu mạn đó đến A-la-hán đạo mới trừ tiệt.
Mười nơi phiền não là tham, giận, si mê, kiêu căng, tà kiến, nghi nan, lười nhác, xao động, chẳng biết tự thẹn, chẳng biết thẹn với người. Tà kiến và nghi nan thì Tu-đà-huờn đạo diệt trừ; A-na-hàm đạo thì trừ giận; bảy nơi phiền não còn lại đến A-la-hán đạo mới dẹp xong.
Lại nữa, còn có mười nơi phiền não nầy, khi nghĩ rằng: kẻ ấy đã, đang, và sẽ làm phiền tôi; hoặc kẻ ấy đã, đang và sẽ gây phiền não cho người thân của tôi, hoặc kẻ ấy đã, đang và sẽ trợ giúp kẻ thù của tôi, và như thế mà có hành động chẳng thích đáng. Các nơi phiền não nầy đến A-la-hán đạo mới diệt được hết.
Mười đường gây nghiệp dữ là sát hại sanh mạng, lấy của chẳng được cho, tà hạnh, nói dối, nói ác độc, nói lưỡi hai chiều, nói thêu dệt, tham, giận và tà kiến. Sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối và tà kiến được dẹp xong ở Tu-đà-huờn đạo. Nói ác độc, nói lưỡi hai chiều và giận đến A-na-hàm đạo thì dứt. Nói thêu dệt và tham, phải đến A-la-hán đạo mới trừ xong.
Mười kết sử (kết = bị ràng buộc; sử = bị sai sử) là dục sử (dục = ham muốn), sân sử (sân = giận), mạn sử (mạn = kiêu căng), kiến sử (kiến = tà kiến, ý kiến sai lầm), nghi sử (= nghi nan), giới thủ sử (giới thủ = cố chấp vào các giới mê tín), hữu nhiễm sử (hữu = đời sống, nhiễm = nhuốm dơ), tật sử (tật = ganh ghét), khan sử (khan = rít róng), vô minh sử (vô minh = si mê). Các kết sử về tà kiến, giới cấm thủ, và nghi nan được dẹp trừ ở Tu-đà-huờn đạo. Các kết sử dục nhiễm, giận, ganh ghét, và rít róng đến A-na-hàm đạo thì dẹp xong. Các kết sử về kiêu căng, hữu nhiễm và vô minh đến A-la-hán đạo mới quét sạch.
Mười tà biên kiến là tà kiến, tà tư duy, tà ngữ (ở đây là vọng ngữ, nói dối), tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định, tà trí, tà giải thoát. Tu-đà-huờn đạo dẹp trừ các tà kiến: tà kiến, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà trí, tà giải thoát. Tà tư duy, tà ngữ (ở đây là ác ngữ, lời độc ác), nói lưỡi hai chiều, đến A-na-hàm đạo thì diệt. Tà ngữ (ở đây là ỷ ngữ, lời nói thêu dệt), tà tinh tấn, tà niệm, tà định, đến A-la-hán mới diệt hết. (Tà biên kiến = tà kiến ở ngoài bìa; biên = ngoài bià).
Mười hai điên đảo là tưởng điên đảo, tâm điên đảo và kiến điên đảo, liên quan đến vô thường cho là thường, khổ cho là vui, dơ cho là sạch, vô ngã cho là ngã. (...) Kiến điên đảo về khổ với lạc, về bất tịnh với tịnh, được Tu-đà-huờn đạo diệt. Tưởng điên đảo và tâm điên đảo về bất tịnh với tịnh, được A-na-hàm đạo dẹp. Tưởng điên đảo và tâm điên đảo về khổ với vui, được A-la-hán đạo trừ dứt.
Mười hai tâm sở bất thiện khởi lên là, (1) cùng với hỉ, chẳng do ngoại duyên, tâm khởi lên kiến tương ứng; (2) cùng với hỉ, do theo ngoại duyên, tâm khởi lên kiến tương ứng; (3) cùng với hỉ, chẳng do ngoại duyên, tâm khởi lên kiến chẳng tương ứng; (4) cùng với hỉ, do theo ngoại duyên, tâm khởi lên kiến chẳng tương ứng; (5) cùng với xả, chẳng do ngoại duyên, tâm khởi lên kiến tương ứng; (6) cùng với xả, do theo ngoại duyên, tâm khởi lên kiến tương ứng; (7) cùng với xả, chẳng do ngoại duyên tâm khởi lên kiến chẳng tương ứng; (8) cùng với xả, do theo ngoại duyên, tâm khởi lên kiến chẳng tương ưng; (9) cùng với lo âu, chẳng do ngoại duyên, tâm khởi lên giận hờn tương ứng; (10) cùng với lo âu, do theo ngoại duyên, tâm khởi lên giận hờn tương ứng; (11) tâm khởi lên cùng với trạo cử (= xao động), (12) tâm khởi lên cùng với nghi nan.
Như vậy, tâm sở bốn kiến tương ứng và tâm sở nghi nan, cùng khởi lên, đến Tu-đà-huờn đạo, thì được diệt trừ. Hai tâm sở lo âu và giận hờn, đến Tư-đà-hàm đạo thì được dũa mòn và được A-na-hàm đạo quét sạch chẳng còn dư sót. Tâm sở bốn kiến chẳng tương ứng, và tâm sở trạo cử, cùng khởi lên, được ba đạo trước dũa thành mỏng mảnh, đến A-la-hán đạo thì dẹp sạch chẳng còn sót lại.
Hai chánh thọ có nghiã là, chánh thọ mà kẻ phàm phu chẳng thể đắc được, và chánh thọ về quả đã thành tựu được sự diệt tận của thọ ấm và tưởng ấm.
Hỏi: Thế nào là quả chánh thọ? Tại sao lại gọi là quả chánh thọ? Ai tu? Ai niệm khởi lên được? Tại sao lại tu? Thế nào là tác ý để thành tựu được? Có bao nhiêu nhân duyên để khởi lên, để an trú vào? Chánh thọ thuộc pháp thế gian hay pháp xuất thế gian?
Đáp: Quả chánh thọ có nghiã là, đó là quả Sa-môn, tâm được an trú trong cảnh giới Niết-bàn. Tại sao vậy? Quả chánh thọ chẳng phải là thiện, cũng chẳng phải là chẳng thiện, chẳng có đối tượng, là đạo xuất thế do quả báo mà thành. Do đó, bực A-la-hán cùng bực A-na-hàm nhập vào định mà thành mãn được quả chánh thọ.
Lại có thuyết cho rằng, các bực Thánh nhơn có thể khiến khởi lên quả chánh thọ. Như A-tỳ-đàm (= Abhidhamma, Luận Tạng) có nói: "Để đắc được Tu-đà-huờn đạo, quả chánh thọ trừ sanh, nên gọi là đó là tánh trừ." (...)
Lại còn có thuyết cho rằng, chỉ các bực Thánh nhơn đã diệt trừ xong hết các lậu hoặc, mới khởi lên đầy đủ định nầy, như Trưởng lão Na la đà có nói với chư Tỳ-kheo: "Ví như giữa rừng cây trên núi, có một giếng nước sâu mà chẳng có dây gàu để kéo nước lên. Bấy giờ có một người đang dang nắng, khát nước và mệt mỏi, nhìn thấy giếng nước, nhưng thân chẳng làm sao múc nước được. Tôi đây cũng thế, biết rõ và khéo thấy như thật rằng, hữu nầy diệt tận tức là Niết-bàn, nhưng tôi còn chưa phải là bực A-la-hán, đâu đã trừ xong hết các lậu hoặc."
Hỏi: Vì sao khiến khởi lên chánh thọ?
Đáp: Vì hiện thấy rõ Chánh pháp nên muốn trú vào cảnh giới an lạc. Như Thế tôn có dạy Đại Đức A-nan: "Nầy A-nan, vào lúc ấy, Như lai chẳng tác ý tất cả mọi tướng, chỉ diệt thọ khiến tâm vô tướng an trú trong định. Lúc bấy giờ, nầy A-nan, thân Như lai thành an ổn."
Hỏi: Làm cách nào để khởi lên chánh thọ?
Đáp: Người toạ thiền đi đến nơi yên vắng, hoặc ngồi, hoặc nằm, muốn đắc được quả chánh thọ, quán tưởng về sự khởi sanh và sự tiêu diệt của chư hành, cho chí đến tánh trừ trí. Chẳng gián đoạn, tánh trừ trí liền khiến an trú vào quả chánh thọ nơi Niết-bàn. Y theo thiền nầy thì thành tựu được Đạo, đó là tác dụng của thiền nầy, nên gọi là quả chánh thọ.
Hỏi: Tác ý như thế nào?
Đáp: Do theo sự an tịch mà tác ý về quả Niết-bàn vô vi thì quả chánh thọ được thành tựu.
Hỏi: Nhờ nhân duyên nào mà khởi lên và an trú vào quả chánh thọ?
Đáp: Quả chánh thọ có hai nhân duyên: chẳng tác ý về tất cả mọi tướng, chỉ tác ý nơi vô tướng giới. Có ba nhân duyên để an trú được vào quả chánh thọ: chẳng tác ý về tất cả mọi tướng, tác ý về vô tướng giới, và có sự chuẩn bị trước. Có hai nhân duyên để xuất ra khởi quả chánh thọ: tác ý về tất cả mọi tướng, chẳng tác ý về vô tướng giới.
Hỏi: Quả chánh thọ là định thế gian hay xuất thế gian?
Đáp: Quả đó là chánh thọ xuất thế, chẳng phải là định thế gian.
Hỏi: Bực A-na-hàm hiện quán quả định, tại sao tánh trừ trí chẳng sanh ngay liền A-la-hán đạo?
Đáp: Chẳng sanh vì chưa đến nơi, sức quán kiến còn yếu ớt. Do đó mà có hai quả khác nhau: (1) thắng quả thì thành có đạo và có quả của tánh trừ trí, vì hiện tác chứng; (2) nhập quả định thành chẳng có đạo, và theo diệt định khởi thành chẳng có quả tánh trừ.
Quả chánh thọ chấm dứt.
Hỏi: Thế nào là Định diệt thọ tưởng?
Đáp: Chẳng sanh khởi tâm và các tâm sở, đó gọi là Định Diệt thọ tưởng.
Hỏi: Ai khởi lên được Định Diệt thọ tưởng?
Đáp: Bực A-la-hán và A-na-hàm khởi lên đầy đủ Định Diệt thọ tưởng.
Hỏi: Ai chẳng có khả năng khởi lên Định ấy?
Đáp: Kẻ phàm phu, bực Tu đà hườn, Tư-đà-hàm và những người sanh cõi vô sắc giới. Vì chẳng cùng chung một cảnh giới, nên kẻ phàm phu chẳng thể khởi lên Định Diệt tho tưởng. Bực Tu-đà-huờn và Tư-đà-hàm, vì chưa đoạn trừ hết các phiền não làm chướng ngại, nên cũng chẳng thể khởi lên Định ấy. Vì chẳng cùng chung một cảnh giới nên các người sanh cõi vô sắc giới, cũng chẳng thể khởi lên Định ấy.
Hỏi: Có đủ bao nhiêu lực mới khởi lên được Định ấy?
Đáp: Cần có đủ hai lực nầy mới khởi lên Định Diệt thọ tưởng được: định lực (= Xa-ma-tha) và huệ lực (= Tì-bà-xá-na). Như vậy, dùng định lực là do nhập định được tự tại. Dùng huệ lực là đã thuần thục trong bảy pháp quán. Bảy pháp quán đó là những gì? Quán về vô thường, về Khổ, về vô ngã, về sự nhàm chán, về sự vô nhiễm (= chẳng nhuốm dơ), về sự tiêu diệt, về sự xuất ly (= rời xa). Định lực (= Xa-ma-tha) làm cho các thiền chi diệt đi và làm cho được giải thoát bất động. Huệ lực (= Tì-bà-xá-na) khiến thấy được các lỗi lầm của sự sanh và đắc được vô sanh giải thoát.
Hỏi: Phải trừ bao nhiêu hành động để khởi lên Định?
Đáp: Trừ ba hành động sau đây để khởi lên Định: hành động của miệng, của thân và của tâm. Như thế, nhập được vào Nhị thiền, thì giác và quán về hành động của miệng lấy đó làm chỗ phải trừ. Nhập vào Tứ thiền, hơi thở ra, hơi thở vào của thân hành làm chỗ phải trừ. Nhập vào Định Diệt thọ tưởng, thì thọ, tưởng, và tâm hành là chỗ phải trừ.
Hỏi: Trước cần phải làm những việc gì?
Đáp: Trước cần phải tuân hành bốn điều: (1) áo cà-sa, bình bát, để trong bọc, cần phải giữ gìn; (2) các phương tiện và vật dụng thưòng dùng chẳng để lộn xộn, (3) bảo vệ thân sức, xét việc làm cho xứng với sức mình, lấy ngày tháng mà phân biệt thuở xa xưa; (4) xét sự việc cho phải thời, như chưa tới giờ hội họp chúng Tăng thì cứ ngồi lại, đợi lúc kêu tên. Như thế đìều (1) là để giữ áo cà-sa; các điều (2) và (3) là để phòng hộ thân thể, và điều (4) là để chẳng phương hại đến sự hoà hiệp của Tăng đoàn. Như thế là để an trú vào vô sở hữu xứ, hoặc làm xong các điều cần làm nêu trên, rồi nhập Sơ thiền.
Hỏi: Tại sao lại khiến khởi lên Định ấy?
Đáp: Vì muốn được trú vào an lạc ngay trong hiện tại. Vì đây là Định tối hậu của các bực Thánh nhơn trong cảnh bất động. Lại vì muốn đắc thần thông, nhập vào Định rộng rãi, như trường hợp của Trưởng lão A-la-hán Sanjiva. Lại cũng vì để phòng thủ thân như trường hợp của các Trưởng lão Xá-lợi-phất (Sariputta), Bạch lộ tử Đề-sa (Tissa).
Hỏi: Làm cách nào để khởi lên Định ấy?
Đáp: Người toạ thiền đi đến trú nơi yên vắng, hoặc ngồi, hoặc nằm, vui muốn nghĩ đến ý tưởng về Diệt, vui muốn nhập vào Diệt định, rồi nhập vào Sơ thiền, kế xuất ra được an tường, liền thấy chẳng gián đoạn được thiền đó và vô thường, khổ, vô ngã cho đến khi trí có niệm xả đối với tất cả chư hành. Khi ấy, lần lượt từ các cõi Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, Hư-Không-xứ, thức xứ, vô sở hữu xứ, người theo thứ lớp nhập vào và xuất ra được an tường, liền thấy, chẳng gián đoạn, Chánh định, vô thường, khổ, vô ngã, cho đến niệm xả đối với tất cả chư hành. Vào lúc ấy, người liền, chẳng gián đoạn, nhập vào phi phi tưởng xứ, và theo đó hoặc hai lần, hoặc ba lần, khởi lên tâm phi phi tưởng; tâm ấy khởi xong, liền khiến nó diệt đi, khi tâm ấy đã diệt liền nhập vào cảnh giới chẳng sanh, chẳng hiện, đó gọi là nhập vào Diệt thọ tưởng Định.
Hỏi: Làm thế nào để theo đó trú trong Định ấy?
Đáp: Người toạ thiền chẳng nên tác ý như vầy: "Tôi sẽ xuất ra, trở lại lúc ban đầu đã làm những gì." (...)
Hỏi: Tâm như thế nào khi đã xuất Định?
Đáp: Bực A-na-hàm tâm xuất ra nơi quả A-na-hàm; bực A-la-hán, tâm xuất ra nơi quả A-la-hán.
Hỏi: Khi xuất Định xong, tâm ở vào nơi nào?
Đáp: Tâm chuyên duyên theo sự an tịch.
Hỏi: Tâm đã tiếp xúc với những nơi nào?
Đáp: Có ba nơi đã tiếp xúc được: tiếp xúc với Không, với vô tướng và với vô tác (= vô nguyện).
Hỏi: Khi mới xuất ra, theo hành động nào?
Đáp: Theo thân hành và và theo khẩu hành.
Hỏi: Người chết và người nhập Diệt thọ tưởng Định khác nhau ra sao?
Đáp: Người chết thì ba hành động ở thân, miệng và ý chấm dứt chẳng hiện ra nữa, thọ mạng đã dứt, sức nóng hết, các căn mất. Người nhập Định Diệt thọ tưởng ba hành động ở thân, miệng, ý mất đi, nhưng chẳng mất thọ mạng, sức nóng vẫn còn, các căn chẳng đổi khác. Đó là chỗ sai biệt.
Hỏi: Định Diệt thọ tưởng là hữu vi hay vô vi?
Đáp: Chẳng thể nói Định ấy hữu vi hay vô vi được.
Hỏ i: Tại sao thế?
Đáp: Pháp hữu vi, nơi Định nầy, thì chẳng có. Xuất ra và nhập vào pháp vô vi, thì cũng chẳng thể biết được. Vì thế, chẳng thể nói Định nầy là hữu vi hay vô vi.
Diệt thiền định chấm dứt.
(Giải Thoát Đạo Luận: Phẩm 12; Phân biệt Đế chấm dứt)
-ooOoo-
Sau đây là số thứ tự các Phẩm:
1) Nhân duyên
2) Giới
3) Đầu-đà
4) Phân biệt về Định
5)Tìm gặp Thiện tri thức
6) Phân biệt về Tánh hạnh
7) Phân biệt về Hành xứ
8) Hành môn
9) Năm Thần thông
10) Phân biệt về Huệ
11) Năm Phương tiện
12) Phân biệt về Đế.
Đó là 12 Phẩm theo thứ tự của Giải-Thoát-Đạo Luận.
Có Kệ rằng:
Vô lượng, vô biên, chẳng chi bằng,
Lời hay khéo nói chẳng thể bàn.
Nơi pháp nầy, ai người siêng biết?
Chỉ năng ngồi thiền mới thọ trì.
Đạo vi diệu khéo hành Giáo pháp,
Dứt xong lậu hoặc, lià vô minh.
(Giải Thoát Đạo Luận: Quyển 12 chấm dứt)
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.23.103.216 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.