Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình. Kinh Pháp cú
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Trí Độ Luận [大智度論] »» Bản Việt dịch quyển số 51 »»

Đại Trí Độ Luận [大智度論] »» Bản Việt dịch quyển số 51

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.74 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.89 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Luận Đại Trí Độ

Kinh này có 100 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 40 | 41 | 42 | 43 | 44 | 45 | 46 | 47 | 48 | 49 | 50 | 51 | 52 | 53 | 54 | 55 | 56 | 57 | 58 | 59 | 60 | 61 | 62 |
Việt dịch: Thích Thiện Siêu

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

GIẢI THÍCH: PHẨM THẮNG XUẤT THỨ 22
(Kinh Ðại Bát nhã ghi: Phần 2, Phẩm Siêu Xuất thứ 20)
KINH: Tuệ mạng Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Ðại thừa là vượt trên hết thảy thế gian trời, người, A tu la.
Bạch đức Thế Tôn! Ðại thừa ấy cùng với hư không bình đẳng, như hư không thụ nạp vô lượng vô biên vô số chúng sinh. Ðại thừa cũng như vậy, thụ nạp vô lượng vô biên vô số chúng sinh.
Bạch đức thế Tôn! Ðại thừa ấy không thấy có chỗ đến, không thấy có chỗ đi, không thấy có chỗ ở. Ðại thừa ấy đời trước không thể có được, đời sau không thể có được, đời giữa không thể có được, ba đời đồng là Ðại thừa.
Bạch đức Thế Tôn! Vì vậy, thừa ấy gọi là Ðại thừa.
Phật bảo Tu bồ đề: Như vậy, như vậy! Bồ tát ma ha tát Ðại thừa ấy là sáu Ba la mật: Thí ba la mật, Giới ba la mật, Nhẫn ba la mật, Tấn ba la mật, Thiền ba la mật, Bát nhã ba la mật; ấy gọi là Ðại thừa của Bồ tát ma ha tát.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát Ðại thừa là hết thảy môn Ðà la ni, hết thảy môn Tam muội, đó là Tam muội Thủ Lăng Nghiêm cho đến Tam muội hư không, xa lìa vướng mắc không nhiễm, ầy gọi là Ðại thừa của Bồ tát ma ha tát.
Lại nữa, Tu bồ đề! Ðại thừa của Bồ tát ma ha tát là nội không cho đến vô pháp hữu pháp không; ấy gọi là Ðại thừa của Bồ tát ma ha tát.
Lại nữa, Tu bồ đề! Ðại thừa của Bồ tát ma ha tát là bốn niệm xứ cho đến mười tám pháp không chung; ấy gọi là Ðại thừa của Bồ tát ma ha tát.
Như lời Tu bồ đề nói: Ðại thừa ấy vượt trên hết thảy thế gian trời, người, A tu la.
Tu bồ đề! Nếu có Dục sẽ thật có tướng không hư vọng, không lẽ khác, không điên đảo, thường có, không biến hoại, chẳng phải không có pháp, thời Ðại thừa ấy không thể vượt trên hết thảy thế gian trời, người, A tu la. Tu bồ đề! Vì cõi Dục hư vọng, do ức tưởng phân biệt, hòa hợp mà có tên gọi, hết thảy đều tướng vô thường, không có pháp, vì vậy nên Ðại thừa vượt trên hết thảy thế gian, trời, người, A tu la.
Tu bồ đề! Cõi sắc, cõi vô sắc nếu sẽ thật có tướng không hư vọng, không lẽ khác, không điên đảo, có thường, không biến hoại, chẳng phải không có pháp, thời Ðại thừa ấy không thể vượt trên hết thảy thế gian, trời, người, A tu la. Tu bồ đề! Song vì cõi Sắc, cõi Vô sắc hư vọng, do sức tưởng phân biệt, hòa hợp mà có tên gọi, hết thảy đều là tướng vô thường phá hoại, không có pháp, vì vậy nên Ðại thừa vượt trên hết thảy thế gian, trời, người, A tu la.
Tu bồ đề! Nếu sắc sẽ thật có tướng không hư vọng, không lẽ khác, không điên đảo, có thường, không biến hoại, chẳng phải không có pháp, thời Ðại thừa ấy không thể vượt trên hết thảy thế gian, trời, người, A tu la. Tu bồ đề! Song vì sắc hư vọng,do ức tưởng phân biệt, hòa hợp mà có tên gọi, hết thảy đều tướng vô thường, phá hoại, không có pháp, vì vậy nên Ðại thừa ấy vượt trên hết thảy thế gian, trời, người, A tu la; thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy.
Tu bồ đề! Nếu mắt cho đến ý, sắc cho đên pháp, nhãn thức cho đến ý thức, nhãn xúc cho đến ý xúc, thọ do nhãn và xúc làm nhân duyên sinh cho đến thọ do ý và xúc làm nhân duyên sinh, nếu sẽ thật có tướng không hư vọng, không lẽ khác, không điên đảo, có thường, không biến hoại, chẳng phải không có pháp, thời Ðại thừa ấy, không thể vượt trên hết thảy thế gian, trời, người, A tu la. Tu bồ đề! Song vì mắt cho đến thọ do ý và xúc làm nhân duyên sinh vì hư vọng, ức tưởng phân biệt hòa hợp mà có tên gọi, hết thảy đều tướng vô thường phá hoại, không có pháp, vì vậy nên Ðại thừa ấy vượt trên hết thảy thế gian, trời, người, A tu la.
Tu bồ đề! Nếu pháp tánh là có pháp, chẳng phải không có pháp, thời Ðại thừa ấy không thể vượt trên hết thảy thế gian, trời, người, A tu la. Tu bồ đề! Song vì pháp tánh không có pháp, chẳng phải pháp, vì vậy nên Ðại thừa ấy vượt lên trên hết thảy thế gian, trời, người, A tu la.
Tu bồ đề! Nếu như như, thật tế, tánh bất khả tư nghì là có pháp, chẳng phải không có pháp thời Ðại thừa ấy không thể vượt trên hết thảy thế gian, trời, người, A tu la. Tu bồ đề! Song vì như như, thật tế, tánh bất khả tư nghì là không có pháp, chẳng phải pháp, vì vậy nên Ðại thừa vượt trên hết thảy thế gian, trời, người, A tu la.
Tu bồ đề! Nếu Thí ba la mật là có pháp, chẳng phải không có pháp, thời Ðại thừa ấy không thể vượt trên hết thảy thế gian, trời, người, A tu la. Song vì Thí ba la mật không có pháp, chẳng phải pháp, vì vậy nên Ðại thừa vượt trên hết thảy thế gian, trời, người, A tu la.
Nếu Giới ba la mật, Nhẫn ba la mật, Tấn ba la mật, Thiền ba la mật, Bát nhã ba la mật là có pháp, chẳng phải không có pháp, thời Ðại thừa ấy không thể vượt trên hết thảy thế gian, trời, người, A tu la. Song vì Giới ba la mật cho đến Bát nhã ba la mật, là không có pháp, chẳng phải pháp, vì vậy nên Ðại thừa ấy vượt trên hết thảy thề gian, trời, người, A tu la.
Tu bồ đề! Nếu nội không cho đến vô pháp hữu pháp không là có pháp, chẳng phải không có pháp, thời Ðại thừa ấy không thể vượt trên hết thảy thế gian, trời, người, A tu la. Song vì nội không cho đến vô pháp hữu pháp không là không có pháp, chẳng phải pháp, vì vậy nên Ðại thừa vượt trên hết thảy thế gian, trời, người, A tu la.
Tu bồ đề! Nếu bốn niệm xứ cho đến mười tám pháp không chung là có pháp, chẳng phải không có pháp thời Ðại thừa ầy không thể vượt trên hết thảy thế gian, trời, người, A tu la. Song vì bốn niệm xứ cho đến mười tám pháp không chung là không có pháp, chẳng phải pháp, vì vậy nên Ðại thừa vượt trên hết thảy thế gian, trời, người, A tu la.
Tu bồ đề! Nếu pháp Tánh nhân là có pháp. chẳng phải không có pháp thời Ðại thừa ấy không thể vượt trên hết thảy thế gian, trời, người, A tu la. Song vì pháp Tánh nhân là không có pháp, chẳng phải pháp, vì vậy nên Ðại thừa vượt trên hết thảy thế gian, trời, người, A tu la.
Tu bồ đề! Nếu pháp Bát nhân, pháp Tu đà hoàn, pháp Tư đà hàm, pháp A na hàm, pháp A la hán, pháp Bích chi Phật, pháp Phật là có pháp, chẳng phải không có pháp, thời Ðại thừa ấy không thể vượt trên hết thảy thế gian, trời, người, A tu la. Song vì pháp Bát nhân cho đến pháp Phật là không có pháp, chẳng phải pháp, vì vậy nên Ðại thừa vượt trên hết thảy thế gian, trời, người, A tu la.
Tu bồ đề! Nếu Tánh nhân là có pháp, chẳng phải không có pháp, thời Ðại thừa ấy không thể vượt trên hết thảy thế gian, trời, người, A tu la. Song vì Tánh nhân là không có pháp, chẳng phải pháp, vì vậy nên Ðại thừa vượt trên hết thảy thế gian, trời, người, A tu la.
Tu bồ đề! Nếu Bát nhân, Tu đà hoàn cho đến Phật, là có pháp, chẳng phải không có pháp, thời Ðại thừa ấy không thể vượt trên hết thảy thế gian, trời, người, A tu la. Song vì Bát nhân cho đến Phật, là không có pháp, chẳng phải pháp, vì vậy nên Ðại thừa vượt trên hết thảy thế gian, trời, người, A tu la.
Tu bồ đề! Nếu hết thảy thế gian, trời, người, A tu la là có pháp, chẳng phải không có pháp, thời Ðại thừa ấy không thể vượt trên hết thảy thế gian, trời, người, A tu la. Song vì hết thảy thế gian, trời, người, A tu la, là không có pháp, chẳng phải pháp, vì vậy nên Ðại thừa vượt trên hết thảy thế gian, trời, người, A tu la.
Tu bồ đề! Nếu Bồ tát ma ha tát từ sơ phát tâm cho đến khi ngồi đạo tràng, các tâm ở giữa khoảng trung gian đó, nếu sẽ là có pháp, chẳng phải không có pháp, thời Ðại thừa ấy không thể vượt trên hết thảy thế gian, trời, người, A tu la. Song vì Bồ tát từ sơ phát tâm cho đến khi ngồi đạo tràng, các tâm ở khoảng trung gian ấy là không có pháp, chẳng phải pháp, vì vậy nên Ðại thừa vượt trên hết thảy thế gian, trời, người, A tu la.
Tu bồ đề! Nếu Bồ tát ma ha tát như Kim cang tuệ là có pháp, chẳng phải không có pháp, thời Bồ tát ma ha tát ấy không thể biết hết thảy kiết sử và tập khí là không có pháp, chẳng phải pháp, được trí nhất thiết chủng. Tu bồ đề! Song vì Bồ tát ma ha tát như Kim cang tuệ là không có pháp, chẳng phải pháp. Thế nên Bồ tát biết hết thảy kiết sử và tập khí là không có pháp, chẳng phải pháp, được trí nhất thiết chủng, vì vậy nên Ðại thừa vượt trên hết thảy thế gian, trời, người, A tu la.
Tu bồ đề! Nếu ba mươi hai tướng của chư Phật là có pháp, chẳng phải không có pháp, thời oai đức chư Phật không thể chiếu sáng, vượt trên hết thảy thế gian, trời,, người, A tu la. Tu bồ đề! Song vì ba mươi hai tướng của chư Phật là không có pháp, chẳng phải pháp, vì vậy nên oai đức chư Phật chiếu sáng, vượt trên hết thảy thế gian, trời, người, A tu la.
Tu bồ đề! Nếu ánh sáng chư Phật là có pháp, chẳng phải không có pháp, thời ánh sáng chư Phật không thể chiếu khắp hằng hà sa thế giới. Tu bồ đề! Song vì ánh sáng chư Phật là không có pháp, chẳng phải pháp, vì vậy nên chư Phật lấy ánh sáng chiếu khắp hằng hà sa thế giới.
Tu bồ đề! Nếu sáu mươi thứ âm thanh trang nghiêm của chư Phật là có pháp, chẳng phải không có pháp, thời chư Phật không thể lấy sáu mươi thứ âm thanh trang nghiêm khắp đến mười phương vô lượng vô số thế giới. Tu bồ đề! Song vì sáu mươi thứ âm thanh trang nghiêm của chư Phật là không có pháp, chẳng phải pháp, vì vậy nên chư Phật có thể lấy sáu mươi thứ âm thanh trang nghiêm khắp đến mười phương vô lượng vô số thế gìới.
Tu bồ đề! Nếu Pháp luân của chư Phật là có pháp, chẳng phải không có pháp, thời chư Phật không thể chuyển Pháp luân, các Sa môn, Bà la môn, hoặc trời, hoặc ma, hoặc phạm và các chúng khác của thế gian không thể đúng như pháp chuyển được. Tu bồ đề! Song vì Pháp luân của chư Phật là không có pháp, chẳng phải pháp, vì vậy nên chư Phật chuyển Pháp luân, các sa môn, Bà la môn, hoặc trời, hoặc ma, hoặc phạm và các chúng khác của thế gian không thể đúng như pháp chuyển được.
Tu bồ đề! Chư Phật vì chúng sinh chuyển Pháp luân, chúng sinh ấy nếu thậy có pháp, chẳng phải không có pháp, thời không thể khiến chúng sinh ấy nơi Vô dư Niết bàn mà nhập Niết bàn. Tu bồ đề! Song vì chư Phật vì chúng sinh Chuyển pháp luân, chúng sinh ấy là không có pháp, chẳng phải pháp, vì vậy nên có thể khiến chúng sinh nơi Vô dư Niết bàn, đã diệt, nay diệt, sẽ diệt (sẽ diệt độ, Niết bàn –ND).
LUẬN. Luận giả nói: Tu bồ đề trên kia lấy năm việc hỏi Ðại thừa, Phật đã đáp rồi. Tu bồ đề hoan hỷ tán thán rằng: Bạch Thế Tôn! Ðại thừa ấy có oai lực lớn, phá hoại người, trời, thế gian đã có thể vượt hơn trong đó; thí như ba người đi qua đường dữ, một người giữa đêm trốn thoát riêng một mình, một người dùng tiền lo mà khỏi, một người như đại vương với đại quân, tướng, binh chúng, phá dẹp giặc thù, cất quân cứu tế toàn thể, không sợ hoạn nạn. Ba thừa cũng như vậy, như A la hán không thể biết hết thảy tướng chung tướng riêng, cũng không thể phá ma vương, lại không thể hàng phục ngoại đạo; chỉ chán già, bệnh, chết, thẳng đến Niết bàn. Như Bích chi Phật thâm nhập các pháp thật tướng hơn Thanh văn, có một ít từ tâm, dùng lực từ tâm hóa độ chúng sinh, phá được phiền não mà không phá được ma và ngoại đạo. Như Bồ tát từ lúc mới phát tâm đã khởi tâm đại từ bi đối với hết thảy chúng sinh, tuy chưa thành Phật, mà ở khoảng trung gian ấy làm lợi ích vô lượng chúng sinh, quyết định biết thật tướng các pháp, đầy đủ sáu Ba la mật nên phá các ma vương và ngoại đạo, dứt phiền não tập khí, đầy đủ trí nhất thiết chủng, tướng chung tướng riêng đều biết đều rõ, thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ba hạng người tuy đều ra khỏi sinh tử, nhưng đường tu phương tiện khác nhau. Thế nên Tu bồ đề tán thán Ðại thừa, dẹp phá hết thảy thế gian, vượt trên trời, người, A tu la; ví như hư không hàm thụ hết thảy quôc độ mà hư không vẫn như cũ không chật. Ðại thừa cũng như vậy, hàm thụ ba đời chư Phật và các đệ tử mà Ðại thừa cũng không đầy. Lại, như hư không vì tướng thường nên không có tướng vào, không có tướng ra, không có tướng trụ lại. Ðại thừa ấy cũng như vậy, không có chỗ vào ở vị lai, không có chỗ ra ở quá khứ, không có chỗ trụ lại ở hiện tại, phá ba thời nên ba đời bình đẳng, gọi là Ðại thừa.
Hỏi: Phật nên khen Tu bồ đề về lời tán thán lành thay, cớ sao lại nói Ðại thừa?
Ðáp: Phật muốn thuận theo lời tán thán của Tu bồ đề nên khen. Vì trên nói Ðại thừa sâu xa, nay lược nói tướng Ðại thừa, vậy sau nói rộng. Ðại thừa được Tu bồ đề tán thán là sáu Ba la mật, các môn Ðà la ni, môn Tam muội, mười tám không, bốn niệm xứ, cho đến mười tám pháp không chung. Ðại thừa như Tu bồ đề nói phá hoại hết thảy thế gian, vượt lên trên trời, người. A tu la, việc ấy thật như vậy, vì cớ sao? Vì ba cõi hư dối, như huyễn như mộng, vô minh hư vọng, do nhân duyên mà có, nhân quả không có thật nhất định, hết thảy vô thường, phá hoại tiêu diệt, đều là tướng không. Vì Ðại thừa trái với ba cõi, nên có thể tồi diệt mà vượt lên trên, nếu ba cõi có thật nhất định, thường không hư vọng, thời Ðại thừa không thể tồi diệt mà vượt lên trên, vì cớ sao? Vì thế lực ngang nhau. Năm uẩn, mười hai nhập, mười tám giới, các thọ do sáu xúc sinh cũng như vậy.
Nếu pháp tánh là có pháp, chẳng phải không có pháp, thời Ðại thừa không thể phá thế gian để được vượt lên trên, vì pháp tánh chẳng phải có, nên Ðại thừa có thể vượt lên trên thế gian được.
Hỏi: Pháp hữu vì do nhân duyên hòa hợp hư vọng nên nói không có, còn như như, pháp tánh, thật tế, tánh bất khả tư nghì, là pháp vô vi thật, gọi là thật tế, vì sao nói không có?
Ðáp: Vì vô vi không nên nói không có.
Lại nữa, Phật nói lìa pháp hữu vi, pháp vô vi không thể có được; thật tướng pháp hữu vi tức là pháp vô vi.
Lại nữa, quán sát pháp hữu vi ấy hư dối còn như như, pháp tánh, thật tế là thật. Vì người ta đối với pháp tánh chấp lấy tướng khởi lên tranh cãi cho nên nói không có pháp tánh; hoặc nói có, hoặc nói không, đều có nhân duyên nên không lỗi. Như như, thật tế, tánh bất khả tư nghì cũng như vậy.
Thí ba la mật thế gian vì chấp trước nên có, Thí ba la mật xuất thế gian vì không chấp trước nên không. Vì phá xan tham nên nói có Thí ba la mật, vì phá tà kiến nên nói Thí ba la mật không có; vì độ người sơ học nên nói có, nếu ở trong tâm Thánh nhân thời nói không. Như Thí ba la mật cho đến nếu chúng sinh thật có, chẳng phải là không có pháp, thời không nên cưỡng ép làm cho tiêu diệt, vào Vô dư Niết bàn.
Hỏi: Từ khi có được ba mươi hai tướng về sau, sao không nói Ðại thừa vượt lên trên?
Ðáp: Cần nên nói, vì sợ văn dài nên không nói.
Lại nữa, từ khi được ba mươi hai tướng cho đến khi vì chúng sinh chuyển Pháp luân, cũng là Ðại thừa, chỉ tên gọi khác nhau mà thôi.
Lại nữa, trên đây tổng quát nói tướng Ðại thừa vượt lên trên, chẳng biết thế nào là vượt lên trên. Nay phân biệt nói rằng Phật có ba mươi hai tướng trang nghiêm thân, nên vượt trên hết thảy chúng sinh, Phật có ánh sáng hơn hết thảy ánh sáng mặt trời mặt trăng, chư Thiên; âm thanh của Phật hơn hềt thảy âm thanh, hơn âm thanh hay của thế gian, hơn phạm âm của chư Thiên. Pháp luân của Phật hơn Bảo luân của Chuyển luân Thánh vương và hềt thảy pháp luân của ngoại đạo, không chướng không ngại. Các Pháp luân khác lợi ích nhỏ nhoi, nông cạn, hoặc một đời, hai đời, cùng tột ngàn vạn đời, còn Pháp luân của Phật có thể khiến vĩnh viễn vào Vô dư Niết bàn, không còn trở lại sinh tử.
Lại nữa, nếu chúng sinh thật có, Phật không nên khiến chúng sinh vào Niết bàn, nhổ sạch gốc nó, đây quá hơn giết một mạng, có lỗi lớn như vậy. Vì chúng sinh tâm điên đảo thấy có ngã, nên Phật phá tâm điên đảo ấy nói có Niết bàn, không có chúng sinh thật có thể diệt, cho nên không lỗi. Có các công đức như vậy nên Ðại thừa vượt trên hết thảy thế gian.
Hỏi: Hết thảy thế gian là mười phương sáu nẻo chúng sinh, cớ sao chỉ nói vượt trên trời, người, A tu la?
Ðáp: Trong sáu đạo, ba là thiện đạo, ba là ác đạo. Ðại thừa còn phá được ba thiện đạo mà vượt lên trên, huống gì là ác đạo!
Hỏi: Trong kinh Long vương nói rồng được đạo Bồ tát, sao nói đó là ác đạo?
Ðáp: Chúng sinh có vô lượng vô biên, rồng được đạo rất ít. Lại nữa, có người nói Ðại Bồ tát biến hóa thân để giáo hóa nên làm thân rồng chúa.

GIẢI THÍCH: PHẨM HÀM THỤ THỨ 23
(Kinh Ðại Bát nhã ghi: Phần 2, Phẩm Vô Sở Hữu thứ 21)
KINH: Phật bảo Tu bồ đề: Ông nói Ðại thừa cùng với hư không bình đẳng? Như vậy, như vậy! Tu bồ đề! Ðại thừa cùng với hư không bình đẳng. Tu bồ đề! Như hư không, không có phương đông, không có phương nam, phương tây, phương bắc, bốn góc, trên dưới. Tu bồ đề! Ðại thừa cũng như vậy, không có phương đông, không có phương nam, phương tây, phương bắc, bốn góc, trên dưới.
Tu bồ đề! Như hư không chẳng phải dài chẳng phải ngắn, chẳng phải vuông chẳng phải tròn. Tu bồ đề! Ðại thừa cũng như vậy, chẳng phải dài chẳng phải ngắn, chẳng phải vuông chẳng phải tròn.
Tu bồ đề! Như hư không, chẳng phải xanh, chẳng phải vàng, chẳng phải đỏ, chẳng phải trắng, chẳng phải đen. Ðại thừa cũng như vậy, chẳng phải xanh, chẳng phải vàng, chẳng phải đỏ, chẳng phải trắng, chẳng phải đen. Vì vậy nên nói Ðại thừa cùng với hư không bình đẳng.
Tu bồ đề! Như hư không chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại. Ðại thừa cũng như vậy, chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại. Vì vậy nên nói Ðại thừa cùng với hư không bình đẳng.
Tu bồ đề! Như hư không chẳng thêm chẳng bớt, Ðại thừa cũng như vậy, chẳng thêm chẳng bớt.
Tu bồ đề! Như hư không, không nhơ không sạch; Ðại thừa cũng như vậy, không nhơ không sạch.
Tu bồ đề! Như hư không, không sinh không diệt, không trụ, không biến khác. Ðại thừa cũng như vậy, không sinh không diệt, không trụ không biến khác.
Tu bồ đề! Như hư không chẳng phải thiện chẳng phải bất thiện, chẳng phải ký chẳng phải vô ký. Ðại thừa cũng như vậy, chẳng phải thiện chẳng phải bất thiện, chẳng phải ký chẳng phải vô ký. Vì vậy, nên nói Ðại thừa cùng với hư không bình đẳng.
Như hư không không thấy, không nghe, không hiểu, không biết. Ðại thừa cũng như vậy, không thấy, không nghe, không hiểu, không biết.
Như hư không không thể hiểu, không thể biết, không thể thấy, không thể dứt, không thể chứng, không thể tu. Ðại thừa cũng như vậy, không thể hiểu, không thể biết, không thể thầy, không thể dứt, không thể chứng, không thể tu. Vì vậy nên nói Ðại thừa cùng với hư không bình đẳng.
Như hư không chẳng phải tướng nhiễm, chẳng phải tướng lìa nhiễm. Ðại thừa cũng như vậy, chẳng phải tướng nhiễm, chẳng phải tướng lìa nhiễm.
Như hư không chẳng trói buộc ở theo cõi Dục, chẳng trói buộc theo cõi Sắc, chẳng trói buộc theo cõi Vô sắc. Ðại thừa cũng như vậy, chẳng trói buộc theo cõi Dục, chẳng trói buộc theo cõi Sắc, chẳng trói buộc theo cõi Vô sắc.
Như hư không không có tâm mới phát, cũng không có tâm thứ hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám chín, mười. Ðại thừa cũng như vậy, không có tâm mới phát, cho đến tâm thứ mười.
Như hư không, không có địa vị Càn tuệ, Tánh địa, Bát nhân địa, Kiến địa, Bạt địa, Ly dục địa, Dĩ biện địa; Ðại thừa cũng như vậy, không có địa vị Càn tuệ, cho đến không có địa vị Dĩ biện.
Như hư không, không có quả Tu đà hoàn, quả Tư đà hàm, quả A na hàm, quả A la hán. Ðại thừa cũng như vậy, không có quả Tu đà hoàn, cho đến không có quả A la hán.
Như hư không, không có địa vị Thanh văn, không có địa vị Bích chi Phật, không có địa vị Phật. Ðại thừa cũng như vậy, không địa vị Thanh văn cho đến địa vị Phật. Vì vậy nên nói Ðại thừa cùng với hư không bình đẳng.
Như hư không, chẳng phải có sắc, chẳng phải không có sắc, chẳng phải có thể thấy, chẳng phải không thể thấy, chẳng phải có đối ngại, chẳng phải không đối ngại, chẳng phải hợp chẳng phải tán. Ðại thừa cũng như vậy, chẳng phải có sắc, chẳng phải không có sắc, chẳng phải có thể thấy, chẳng phải không thể thấy, chẳng phải có đối ngại, chẳng phải không có đối ngại, chẳng phải hợp, chẳng phải tán. Vì vậy nên nói Ðại thừa cùng với hư không bình đẳng.
Tu bồ đề! Như hư không chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, chẳng phải vui, chẳng phải khổ, chẳng phải ngã, chẳng phải vô ngã. Ðại thừa cũng như vậy, chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, chẳng phải vui, chẳng phải khổ, chẳng phải ngã, chẳng phải vô ngã. Vì vậy nên nói Ðại thừa cùng với hư không bình đẳng.
Tu bồ đề! Như hư không, chẳng phải không, chẳng phải chẳng không, chẳng phải tướng, chẳng phải vô tướng, chẳng phải làm, chẳng phải không làm. Ðại thừa cũng như vậy, chẳng phải không, chẳng phải chẳng không, chẳng phải tướng, chẳng phải vô tướng, chẳng phải làm, chẳng phải không làm. Vì vậy nên nói Ðại thừa cùng với hư không bình đẳng.
Tu bồ đề! Như hư không chẳng phải tịch diệt, chẳng phải chẳng tịch diệt, chẳng phải lìa, chẳng phải chẳng lìa. Ðại thừa cũng như vậy, chẳng phải tịch diệt, chẳng phải chẳng tịch diệt, chẳng phải lìa, chẳng phải chẳng lìa. Vì vậy nên nói Ðại thừa cùng với hư không bình đẳng.
Tu bồ đề! Như hư không, chẳng phải tối, chẳng phải sáng. Ðại thừa cũng như vậy, chẳng phải tối chẳng phải sáng. Vì vậy nên nói Ðại thừa cùng với hư không bình đẳng.
Tu bồ đề! Như hư không, chẳng phải khả đắc, chẳng phải bất khả đắc. Ðại thừa cũng như vậy, chẳng phải khả đắc, chẳng phải bất khả đắc. Vì vậy nên nói Ðại thừa cùng với hư không bình đẳng.
Tu bồ đề! Như hư không, chẳng phải có thể nói, chẳng phải không thể nói. Ðại thừa cũng như vậy, chẳng phải có thể nói, chẳng phải không thể nói. Vì vậy, nên nói Ðại thừa cùng với hư không bình đẳng.
Tu bồ đề! Do nhân duyên ấy, nên nói Ðại thừa, cùng với hư không bình đẳng.
LUẬN: Luận giả nói: Tu bồ đề tán thán Ðại thừa như hư không, Phật liền thuật rộng thành việc ầy: Như hư không, không có mười phương, Ðại thừa cũng không có mười phương, cũng không có dài ngắn, vuông tròn, xanh, vàng đỏ, trắng. Ðại thừa cũng như vậy.
Hỏi: Hư không có thể như vậy, là pháp vô vi, không có sắc, không phương hướng, còn Ðại thừa là pháp hữu vi, là sắc pháp, đó là bố thí, trì giới v.v... làm sao nói cùng với hư không bình đẳng?
Ðáp: Sáu Ba la mật có hai thứ là thế gian và xuất thế gian. Thế gian là hữu vi, sắc pháp, chẳng đồng với hư không. Xuất thế gian cùng với như như, pháp tánh, thật tế, hòa hợp với trí tuệ nên giống như hư không. Từ sau khi chứng được Vô sinh pháp nhẫn, không có phân biệt như hư không.
Lại nữa, như Phật dùng trí vô ngại, quán thật tướng như hư không người khác thời không được như vậy, vì trí tuệ không được thanh tịnh rốt ráo.
Lại nữa, Phật trước sau nói các pháp rốt ráo không, như tướng Vô dư Niết bàn, như hư không, không nên nghi ngờ. Các pháp khác cũng như vậy, cho đến như hư không chẳng phải nói, chẳng phải chẳng nói cũng như vậy.
Hỏi Như hư không, nói là không có gì là đủ, cớ sao nói không có các tướng?
Ðáp: Bồ tát mới phát tâm, tâm đắm trước các pháp nhân duyên trong ngoài, vì vậy nên Phật nói như hư không, không có các tướng, Ðại thừa cũng như vậy.
KINH: Tu bồ đề! Như lời ông nói: Như hư không hàm thụ vô lượng vô biên vô số chúng sinh, Ðại thừa cũng hàm thụ vô lượng vô biên vô số chúng sinh. Như vậy, như vậy! Tu bồ đề! Chúng sinh không có nên biết hư không không có; hư không không có nên biết Ðại thừa cũng không có. Vì nhân duyên ấy nên Ðại thừa hàm thụ vô lượng vô biên vô số chúng sinh, vì cớ sao? Vì chúng sinh, hư không, Ðại thừa, các pháp ấy đều không thể có được.
Lại nữa, Tu bồ đề! Ðại thừa không có nên biết vô số không có; vô số không có nên biết vô lượng không có; vô lượng không có nên biết vô biên không có; vô biên không có nên biết hết thảy các pháp không có. Vì nhân duyên ấy, Tu bồ đề! Ðại thừa hàm thụ vô lượng vô biên vô số chúng sinh, vì sao? Vì chúng sinh, hư không, Ðại thừa, vô số, vô lượng, vô biên, hết thảy pháp ấy đều không thể có được.
Lại nữa, Tu bồ đề! Ngã không có, cho đến kẻ biết, kẻ thấy không có, nên biết như như, pháp tánh, thật tế không có; như như, pháp tánh, thật tế không có, nên biết cho đến vô lượng vô biên vô số không có, vô lượng vô biên vô số không có, nên biết hết thảy pháp không có. Vì nhân duyên ấy, Tu bồ đề! Ðại thừa hàm thụ vô lượng vô biên vô số chúng sinh, vì sao? Vì chúng sinh cho đến kẻ biết, kẻ thấy; thật tế, cho đến vô lượng vô biên vô số, hết thảy pháp ấy đều không thể có được.
Lại nữa, Tu bồ đề! Ngã không có cho đến kẻ biết kẻ thấy không có, nên biết tánh bất khả tư nghì không có; tánh bất khả tư nghì không có, nên biết sắc, thọ, tưởng, hành, thức không có, nên biết hư không không có; hư không không có, nên biết Ðại thừa không có; Ðại thừa không có, nên biết vô số không có; vô số không có, nên biết vô lượng không có; vô lượng không có, nên biết vô biên không có; vô biên không có, nên biết hết thảy các pháp không có. Vì nhân duyên ấy, Tu bồ đề! Nên biết Ðại thừa hàm thụ vô lượng vô biên vô số chúng sinh, vì sao? Tu bồ đề! Vì ngã cho đến kẻ biết kẻ thấy v.v... hết thảy pháp đều không thể có được.
Lại nữa, Tu bồ đề! Ngã không có cho đến kẻ biết kẻ thấy không có, nên biết mắt không có; tai, mũi, lưỡi, thân, ý không có; mắt cho đến ý không có, nên biết hư không không có; hư không không có, nên biết Ðại thừa không có; Ðại thừa không có, nên biết vô số không có; vô số không có, nên biết vô lượng không có; vô lượng không có, nên biết vô biên không có; vô biên không có, nên biết hết thảy các pháp không có. Vì nhân duyên ấy, Tu bồ đề! Ðại thừa hàm thụ vô lượng vô biên vô số chúng sinh, vì sao? Tu bồ đề! Ngã cho đến hết thảy các pháp đều không thể có được.
Lại nữa, Tu bồ đề! Ngã không có cho đến kẻ biết kẻ thấy không có, nên biết Thí ba la mật không có; Giới ba la mật, Nhẫn ba la mật, Tấn ba la mật, Thiền ba la mật, Bát nhã ba la mật không có; Bát nhã ba la mật không có, nên biết hư không không có; hư không không có; nên biết Ðại thừa không có; Ðại thừa không có, nên biết vô lượng vô biên vô số không có; vô lượng vô biên vô số không có, nên biết hết thảy các pháp không có. Vì nhân duyên ấy, Tu bồ đề! Ðại thừa hàm thụ vô lượng vô biến vô số chúng sinh, vì sao? Vì ngã, chúng sinh, cho đến hết thảy các pháp đều không thể có được.
Lại nữa, Tu bồ đề! Ngã không có cho đến kẻ biết kẻ thấy không có, nên biết “nội không” không có cho đến “ vô pháp hữu pháp không” không có; vô pháp hữu pháp không không có, nên biết hư không không có; hư không không có, nên biết Ðại thừa không có; Ðại thừa không có, nên biết vô số vô lượng vô biên không có; vô số vô lượng vô biên không có, nên biết hết thảy các pháp không có. Vì nhân duyên ấy, Tu bồ đề! Ðại thừa hàm thụ vô lượng vô biên vô số chúng sinh, vì sao? Vì ngã, chúng sinh, cho đến hết thảy các pháp đều không thể có được.
Lại nữa, Tu bồ đề! Ngã, chúng sinh cho đến kẻ biết kẻ thấy không có, nên biết bốn niệm xứ không có; bốn niệm xứ không có, cho đến mười tám pháp không chung không có; mười tám pháp không chung không có, nên biết hư không không có; hư không không có, nên biết Ðại thừa không có; Ðại thừa không có, nên biết vô số vô lượng vô biên không có; vô số vô lượng vô biên không có, nên biết hết thảy các pháp không có. Vì nhân duyên ấy, Tu bồ đề! Ðại thừa ấy hàm thụ vô lượng vô biên vô số chúng sinh, vì sao? Vì ngã, chúng sinh, cho đến hết thảy các pháp đều không thể có được.
Lại nữa, Tu bồ đề! Ngã, chúng sinh không có, cho đến kẻ biết kẻ thấy không có, nên biết Tánh địa không có, cho đến Dĩ tác địa không có; Dĩ tác địa không có, nên biết hư không không có; hư không không có, nên biết Ðại thừa không có; Ðại thừa không có, nên biết vô số vô lượng vô biên không có; vô số vô lượng vô biên không có, nên biết hết thảy các pháp không có. Vì nhân duyên ấy, Ðại thừa hàm thụ vô lượng vô biên vô số chúng sinh, vì sao? Vì ngã, chúng sinh, cho đến hết thảy các pháp đều không thể có được.
Lại nữa, Tu bồ đề! Ngã, chúng sinh,cho đến kẻ biết kẻ thấy không có, nên biết Tu đà hoàn không có; Tu đà hoàn không có, nên biết Tư đà hàm không có; Tư đà hàm không có, nên biết A na hàm không có; A na hàm không có, nên biết A la hán không có; A la hán không có, nên biết cho đến hết thảy các pháp không có. Vì nhân duyên ấy, Tu bồ đề! Ðại thừa hàm thụ vô lượng vô biên vô số chúng sinh, vì sao? Tu bồ đề! vì ngã cho đến hết thảy các pháp đều không thể có được.
Lại nữa, Tu bồ đề! Ngã cho đến kẻ biết kẻ thấy không có, nên biết Thanh văn thừa không có; Thanh văn thừa không có, nên biết Bích chi Phật thừa không có; Bích chi Phật thừa không có, nên biết Phật thừa không có; Phật thừa không có, nên biết người Thanh văn không có; người Thanh văn không có, nên biết Tu đà hoàn không có; Tu đà hoàn không có cho đến Phật không có; Phật không có, nên biết Trí nhất thiết chủng không có; Trí nhất thiết chủng không có, nên biết hư không không có; hư không không có, nên biết Ðại thừa không có; Ðại thừa không có, nên biết cho đến hết thảy các pháp không có. Vì nhân duyên ấy, Ðại thừa hàm thụ vô lượng vô biên vô số chúng sinh, vì sao? Vì ngã cho đến hết thảy các pháp đều không thể có được, ví như, Tu bồ đề! Tánh Niết bàn hàm thụ vô lượng vô biên vô số chúng sinh, Ðại thừa cũng hàm thụ vô lượng vô biên vô số chúng sinh. Vì nhân duyên ấy, Tu bồ đề! Như hư không hàm thụ vô lượng vô biên vô sồ chúng sinh, Ðại thừa cũng như vậy, hàm thụ vô lượng vô biên vô số chúng sinh.
LUẬN. Hỏi: Sao không nói hư không rộng lớn vô biên nên hàm thụ hết thảy vật, mà lại nói hư không không có nên có thể hàm thụ hết thảy chúng sinh, mọi vật, Ðại thừa cũng không có?
Ðáp: Hiện thấy hư không không có, hết thảy vạn vật đều ở trong đó, vì không có nên có thể hàm thụ.
Hỏi: Tâm tâm số pháp cũng không hình chất, sao không hàm thụ hết thảy vạn vật?
Ðáp: Tâm tâm số pháp có tướng giác tri, chẳng phải tướng hàm thụ. Lại không có chỗ ở, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc gần hoặc xa, chỉ do tướng phân biệt nên biết có tâm. Pháp hình sắc có chỗ ở, nhân chỗ có sắc nên biết có hư không, do sắc không dung thọ các vật nên biết hư không dung thọ các vật. Sắc với hư không trái nhau, sắc nếu không dung thọ, thời biết hư không dung thọ; như do vô minh nên biết có minh, do khổ nên biết có vui, nhân sắc không có nên nói có hư không, chứ không có tướng riêng.
Lại nữa, tâm tâm số pháp còn có nghĩa không dung thọ, như tâm tà kiến không dung thọ chánh kiến, tâm chánh kiến không dung thọ tà kiến. Hư không thời không như vậy, hết thảy đều dung thọ.
Lại tâm tâm số pháp có tướng sinh diệt, là pháp có thể dứt, còn hư không thời không vậy. Tâm tâm số pháp và hư không đều đồng vô sắc, vô hình, chứ không được nói hoàn toàn không khác. Vì vậy, nên trong các pháp, chỉ nói hư không có thể dung thọ hết thảy.
Hỏi: Trước tôi hỏi ý không phải vậy! Ý tôi hỏi cớ sao không nói hư không vì vô lượng vô biên có thể dung thọ hết thảy vật, mà lại nói vì không có nên dung thọ hết thảy vật?
Ðáp: Tôi nói hư không không có tự tướng là đối đãi với sắc tướng mà nói hư không; nếu không có tự tướng thời không có hư không, làm sao nói nó vô lượng vô biên!
Hỏi: Ông nói tướng dung thọ, tức là hư không, cớ sao nói không có?
Ðáp: Tướng dung thọ tức là không có sắc tướng, chỗ sắc không đến được, gọi là hư không, vì vậy nên không có hư không. Nếu thật có hư không, thời khi chưa có sắc phải không có hư không; nếu chưa có sắc đã có hư không, thời hư không vô tướng, vì sao? Vì chưa có sắc. Nhân sắc nên biết có hư không, có sắc nên liền biết có vô sắc. Nếu trước có sắc, sau có hư không, thời hư không là pháp tạo tác, pháp tạo tác thời không gọi là thường. Nếu có pháp vô tướng là không thể có được, vì vậy nên không có hư không.
Hỏi: Nếu thường có hư không, nhân sắc nên tướng hư không hiện rõ, vậy tướng hiện ra sau ấy ở hư không?
Ðáp: Nếu hư không trước không có tướng, sau có tướng cũng không có chỗ ở. Nếu hư không trước có tướng, tướng không có sở tướng; nếu trước không có tướng, tướng cũng không có chỗ ở. Hoặc lìa tướng và vô tướng, vì tướng không có chỗ ở; nếu tướng không có chỗ ở, thời chỗ sở tướng cũng không có, chỗ sở tướng không có, nên tướng cũng không có. Lìa tướng và chỗ tướng ở, thì không còn có pháp. Vì vậy nên hư không không gọi là tướng, không gọi là sở tướng; không gọi là pháp, không gọi là phi pháp; không gọi là có, không gọi là không có. Dứt các ngôn ngữ thời vắng lặng như Vô dư Niết bàn. Các pháp khác cũng như vậy.
Hỏi: Nếu hết thảy pháp như vậy tức là hư không, cớ sao còn lấy hư không làm ví dụ?
Ðáp: Nhân quả các pháp đều là hư dối. Nhân vô minh nên có dối gạt tâm chúng sinh, chúng sinh đắm trước nơi pháp đó mà không đắm trước nơi hư không. Sáu trần dối gạt tâm chúng sinh, hư không tuy cũng dối gạt mà không hư vậy, vì vậy nên lấy hư không làm ví dự; lấy việc thô thiển phá việc vi tế. Như như không nhân nơi sắc nên chỉ có tên tác giả, không có pháp nhất định. Chúng sinh cũng như vậy, nhân năm uẩn hòa hợp nên chỉ có tên giả, cũng không có pháp nhất định. Ðại thừa cũng như thế, vì chúng sinh không, nên không có Phật, không có Bồ tát, vì có chúng sinh nên có Phật có Bồ tát; nếu không có Phật, không có Bồ tát thời không có Ðại thừa. Vì vậy nên Ðại thừa hay dung thọ vô lượng vô biên vô số chúng sinh; nếu có pháp thời không thể dung thọ vô lượng chư Phật và đệ tử.
Hỏi: Nếu thật không có hư không, làm sao có thể dung thọ vô lượng vô biên vô số chúng sinh?
Ðáp: Vì vậy nên Phật nói vì Ðại thừa không có nên vô số không có; vô số không có nên vô lượng cũng không có; vô lượng không có nên vô biên cũng không có, vô biên không có nên hết thảy pháp cũng không có, vì vậy nên có thể dung thọ.
A tăng kỳ (Asamkya) là, Tăng kỳ, Trung Hoa dịch là Số, A dịch là Vô. Chúng sinh và các pháp mỗi mỗi không thể có được biên tế, nên gọi là vô số. Ðếm mười phương hư không xa gần không thể có được biên giới của nó, nên gọi là vô số. Phân biệt đếm sáu Ba la mật, chủng chủng bố thí, chủng chủng trì giới v.v... không có số lượng, đếm bao nhiêu chúng sinh đã lên xe (Chánh pháp), sẽ lên xe, hiện lên xe, không thể kể hết; ấy gọi là vô số.
Lại nữa, có người nói bắt đầu đếm chỉ có một, chỉ có một, một một nên nói hai. Như vậy v.v... đều là một, không còn cách đếm khác; nếu đếm là một thời không có số (vô số).
Có người nói: Hết thảy pháp do hòa hợp nên có tên gọi như bánh xe, vành bánh xe, cái tay hoa xe, cái bầu giữa bánh xe hòa hợp nên gọi là xe, không có thật pháp nhất định. Một pháp không có nên nhiềupháp cũng không, vì trước một sau mới nhiều.
Lại nữa, dùng số đếm sự vật, sự vật không có nên số đếm cũng không có, nên gọi là vô số.
Vô lượng là như lấy đấu lường vật, lấy trí tuệ lường các pháp cũng như vậy. Các pháp không, nên vô số, vô số nên vô lượng vô biên, không có thật trí, làm sao biết được định tướng các pháp?
Vô lượng nên vô biên, lượng là tổng tướng, biên là biệt tướng; lượng là tướng đầu, biên là tướng cuối cùng.
Lại nữa, ngã cho đến kẻ biết kẻ thấy không có nên thật tế cũng không có; thật tế không có nên vô số cũng không có; vô số không có, nên vô lượng cũng không có; vô lượng không có, nên vô biên cũng không có; vô biên không có, nên hết thảy pháp cũng không có. Vì vậy nên hết thảy pháp rốt ráo thanh tịnh. Ðại thừa dung thọ được hết thảy chúng sinh và pháp, vì hai việc nhân nhau, nếu không có chúng sinh thời không có pháp, nếu không có pháp thời không có chúng sinh. Trước, tổng tướng nói hết thảy pháp không, sau mỗi mỗi riêng nói các pháp không. Thật tế là diệu pháp sau cùng, nó cũng không có huống gì các pháp khác. Từ tánh bất khả tư lượng cho đến tánh Niết bàn,cũng như vậy.
KINH: Tu bồ đề! Như ông nói, Ðại thừa ấy chẳng thấy chỗ đến, chẳng thấy chỗ đi, chẳng thấy chỗ ở. Như vậy, như vậy! Tu bồ đề! Ðại thừa ấy chẳng thấy chỗ đến, chẳng thấy chỗ đi, chẳng thấy chỗ ở, vì sao? Tu bồ đề! Vì hết thảy các pháp tướng chẳng động, nên pháp ấy không chỗ đến, không chỗ đi, không chỗ ở, vì sao? Tu bồ đề! Vì sắc không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không ở chỗ nào; thọ, tưởng, hành, thức không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không ở chỗ nào. Tu bồ đề! Sắc pháp không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không ở chỗ nào; thọ, tưởng, hành, thức không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không ở chỗ nào.
Tu bồ đề! Sắc như không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không ở chỗ nào; thọ, tưởng, hành, thức như, không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không ở chỗ nào.
Tu bồ đề! Sắc tánh không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không ở chỗ nào; thọ, tưởng, hành, thức, tánh, không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không ở chỗ nào.
Tu bồ đề! Sắc tướng, khôg từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không ở chỗ nào; thọ, tưởng, hành, thức tướng, không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không ở chỗ nào.
Tu bồ đề! Mắt, pháp mắt, mắt tánh như, mắt tướng, mắt không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không ở chỗ nào; tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp ý, như ý, tánh ý, tướng ý, không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không ở chỗ nào. Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp cũng như vậy.
Tu bồ đề! Ðịa chủng, pháp địa chủng, như địa chủng, tánh địa chủng, tướng địa chủng, không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không ở chỗ nào; nước, lửa, gió, không, thức chủng, pháp thức chủng, như thức chủng, tánh thức chủng, tướng thức chủng, cũng như vậy.
Tu bồ đề! Như như, pháp như như, như như, tánh như như, tướng như như, không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không ở chỗ nào.
Tu bồ đề! Thật tế, pháp thật tế, như thật tế, tánh thật tế, tướng thật tế, không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không ở chỗ nào.
Tu bồ đề! Bất khả tư nghì, pháp bất khả tư nghì, như bất khả tư nghì, tánh bất khả tư nghì, tướng bất khả tư nghì, không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không ở chỗ nào.
Tu bồ đề! Thí ba la mật, pháp Thí ba la mật, như Thí ba la mật, tánh Thí ba la mật, tướng Thí ba la mật, không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không ở chỗ nào. Giới ba la mật, Nhẫn ba la mật, Tấn ba la mật, Thiền ba la mật, Bát nhã ba la mật, pháp Bát nhã ba la mật, như Bát nhã ba la mật, tánh Bát nhã ba la mật, tướng Bát nhã ba la mật, không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không ở chồ nào.
Tu bồ đề! Bốn niệm xứ, pháp bốn niệm xứ, như bốn niệm xứ, tánh bốn niệm xứ, tướng bốn niệm xứ, không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không ở chỗ nào; cho đến mười tám pháp không chung cũng như vậy.
Tu bồ đề! Bồ tát, pháp Bồ tát, như Bồ tát, tánh Bồ tát, tướng Bồ tát, không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không ở chỗ nào.
Phật, pháp Phật, như Phật, tánh Phật, tướng Phật, không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không ở chỗ nào; Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, pháp, như, tánh, tướng, không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không ở chỗ nào.
Tu bồ đề! Hữu vi pháp, pháp hữu vi pháp, như hữu vi pháp, tánh hữu vi pháp, tướng hữu vi pháp, không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không ở chỗ nào.
Tu bồ đề! Vô vi pháp, pháp vô vi pháp, như vô vi pháp, tánh vô vi pháp, tướng vô vi pháp, không từ đâu đến, cũng không đi đâu, cũng không ở chỗ nào.
Do nhân duyên ấy, Tu bồ đề! Ðại thừa không thấy chỗ đến, không thấy chỗ đi, không thấy chỗ ở.
LUẬN. Luận giả nói: Phật bảo Tu bồ đề: Cớ sao ông chỉ tán thán Ðại thừa không đến, không đi, không ở? Hết thảy pháp cũng như vậy, không đến, không đi, không ở, vì thật tướng hết thảy pháp chẳng động
Hỏi: Các pháp hiện có đến, đi, có thể trông thấy, cớ sao nói tướng nó không động, không đến, không đi?
Ðáp: Tướng đến, đi, trước đã phá, nay sẽ nói lại: Trong Phật pháp không có ngã, không có chúng sinh, cho đến không có kẻ biết, kẻ thấy, nên kẻ đến kẻ đi không có; kẻ đến kẻ đi không có, nên tướng đến tướng đi cũng phải không có.
Lại nữa, trong ba đời tìm tướng đi, không thể có được, vì cớ sao? Vì trong khi đã đi không đi, trong khi chưa đi cũng không đi, lìa đã đi và chưa đi, trong khi đi cũng không đi.
Hỏi: Chỗ có thân động chuyển gọi là đi; trong đã đi và chưa đi không thân động chuyển. Vì vậy nên khi đi, thân động chuyển, tức phải có đi?
Ðáp: Không phải vậy! Lìa tướng đi, khi đi không thể có được; lìa khi đi, tướng đi không thể có được, làm sao nói khi đi có đi?
Lại nữa, nếu khi đi có tướng đi, lý dáng lìa tướng đi có khi đi, vì sao? Vì ông nói khi đi có đi?
Lại nữa, nếu khi đi có đi, thời nên có hai đi: Một là biết khi đi, hai là biết khi đi có đi.
Hỏi: Nếu như vậy thời có lỗi gì?
Ðáp: Nếu như vậy có hai người đi, vì sao? Vì lìa người đi không có tướng đi, nếu lìa người đi khi tướng đi, thì lìa tướng đi không có người đi, thế nên người đi không đi, người không đi cũng không đi; lìa đi và không đi, cũng không có đi. Ðến và ở cũng như vậy.
Vì vậy, Phật nói pháp của người phàm phu hư dối không thật, tuy mắt thịt trông thấy không khác loài súc sinh, đều là không thể tin. Thế nên nói các pháp không đến không đi. không ở cũng không động, sao vậy? Như thế gọi là sắc, pháp sắc, như sắc, tánh sắc, tướng sắc.
Sắc là việc của mắt thấy, chưa phân biệt tốt xấu, thật không thật, tướng mình tướng khác; pháp sắc là chỉ vô thường sinh diệt, bất tịnh v.v... Như sắc là sắc do hòa hợp có, như bọt nước không bền chắc, ly tán thời không có, hư ngụy không thật, chỉ dối gạt mắt người. Sắc hiện tại như vậy, sắc quá khứ, vị lai cũng như vậy, như hiện tại lửa nóng, so sánh biết lửa quá khứ vị lai cũng như vậy.
Lại nữa, như chư Phật quán sắc tướng rốt ráo thanh tịnh không, Bồ tát cũng nên quán như vầy: Pháp sắc, như sắc, vì sao không giống như chỗ thấy của phàm phu?
- Vì tánh nó tự như vậy.
- Tánh ấy thâm diệu làm sao biết được?
Do lực của tướng sắc nên biết được. Như lửa lấy khói làm tướng, thấy khói thời biết có lửa. Thấy tướng sắc nay vô thường, phá hoại, khổ não, thô sáp mà biết tánh nó là vậy. Năm pháp ấy không đi không đến không ở, như trước nói. Cho đến vô vi, pháp vô vi; như, tánh, tướng vô vi, không đến không đi không ở cũng như vậy.
KINH: Tu bồ đề! Như ông nói, Ðại thừa tiền tế (đời trước) không thể có được, hậu tế không thể có được, trung tế không thể có được, thừa ấy ba đời bình đẳng, vì vậy nên gọi là Ðại thừa. Như vậy, như vậy! Tu bồ đề! Ðại thừa ấy tiền tế không thể có được, hậu tế không thể có được, trung tế không thể có được, thừa ấy ba đời bình đẳng, vì vậy nên gọi là Ðại thừa, vì sao? Tu bồ đề! Ðời quá khứ, đời quá khứ không; đời vị lai, đời vị lai không; đời hiện tại, đời hiện tại không; ba đời bình đẳng, ba đời bình đẳng không; Ðại thừa, Ðại thừa không; Bồ tát, Bồ tát không; vì sao? Tu bồ đề! Vì Không ấy chẳng phải một, chẳng phải hai, chẳng phải ba, chẳng phải bốn, chẳng phải năm, chẳng phải khác. Vì vậy nên nói ba đời bình đẳng.
Ấy là Ðại thừa của Bồ tát ma ha tát, vì trong thừa ấy tướng đẳng chẳng đẳng không thể có được; nhiễm chẳng nhiễm không thể có được; sân chẳng sân không thể có được; si chẳng si không thể có được; mạn chẳng mạn không thể có được, cho đến hết thảy pháp lành, pháp chẳng lành không thể có được. Trong thừa ấy thường không thể có được, vô thường không thể có được, vui không thể có được, khổ không thể có được, thật không thể có được, không không thể có được; ngã không thể có được, vô ngã không thể có được; cõi Dục không thể có được, cõi Sắc không thể có được, cõi Vô sắc không thể có được; độ cõi Dục không thể có được, độ cõi Sắc không thể có được, độ cõi Vô sắc không thể có được, vì sao? Vì Ðại thừa ấy tự pháp không thể có được.
Tu bồ đề! Quá khứ sắc, quá khứ sắc không, vị lai, hiện tại sắc, vị lai, hiện tại sắc không; quá khứ thọ, tưởng, hành, thức, quá khứ thọ, tưởng, hành, thức không; vị lai, hiện tại thọ, tưởng, hành, thức; vị lai, hiện tại thọ, tưởng, hành, thức không.
Trong không, sắc quá khứ không thể có được, vì sao? Vì trong không, không cũng không thể có được, huống gì trong không, lại có sắc quá khứ được? Trong không, sắc vị lai hiện tại không thể có được, vì sao? Vì trong không, không cũng không thể có được, huống gì trong không có sắc vị lai hiện tại được.
Trong không, thọ, tưởng, hành, thức quá khứ không thể có được, vì sao? Vì trong không, không cũng không thể có được, huống gì trong không có thọ, tưởng, hành, thức quá khứ được, trong không, thọ, tưởng, hành, thức vị lai hiện tại không thể có được , vì sao? Vì trong không, không cũng không thể có được, huống gì trong không có thọ, tưởng, hành, thức vị lai, hiện tại được.
Tu bồ đề! Thí ba la mật quá khứ không thể có được, Thí ba la mật vị lai không thể có được, Thí ba la mật hiện tại không thể có được, trong ba đời bình đẳng Thí ba la mật cũng không thể có được, vì sao? Vì trong bình đẳng, đời quá khứ không thể có được, đời vị lai không thể có được, đời hiện tại không thể có được; trong bình đẳng, bình đẳng cũng không thể có được, huống gì trong bình đẳng có đời quá khứ, đời vị lai, đời hiện tại được. Giới ba la mật, Nhẫn ba la mật, Tấn ba la mật, Thiền ba la mật, Bát nhã ba la mật cũng như vậy.
Lại nữa, Tu bồ đề! Trong đời quá khứ bốn niệm xứ không thể có được, cho đến trong đời quá khứ mười tám pháp không chung không thể có được. Trong đời vị lai, hiện tại cũng như vậy.
Lại nữa, Tu bồ đề! Trong ba đời bình đẳng bốn niệm xứ không thể có được, trong ba đời bình đẳng cho đến mười tám pháp không chung không thể có được, vì sao? Vì trong bình đẳng bốn niệm xứ đời quá khứ không thể có được, trong bình đẳng bốn niệm xứ đời vị lai không thể có được, trong bình đẳng bốn niệm xứ đời hiện tại không thể có được; trong bình đẳng, bình đẳng cũng không thể có được; huống gì trong bình đẳng có bốn niệm xứ đời quá khứ, bốn niệm xứ đời vị lai, hiện tại được. Trong bình đẳng, bình đẳng cũng không thể có được, huống gì trong bình đẳng có quá khứ cho đến mười tám pháp không chung được; đời vị lai, hiện tại cũng vậy.
Lại nữa, Tu bồ đề! Người phàm phu đời quá khứ không thể có được, người phàm phu đời vị lai hiện tại không thể có được. Trong ba đời bình đẳng, người phàm phu cũng không thể có được, vì sao? Vì chúng sinh không thể có được, cho đến kẻ biết kẻ thấy không thể có được. Thanh văn, Bích chi Phật, Bồ tát, Phật trong đời quá khứ không thể có được, Thanh văn, Bích chi Phật, Bồ tát, Phật trong đời vị lai, hiện tại không thể có được. Trong ba đời bình đẳng, Thanh văn, Bích chi Phật, Bồ tát, Phật không thể có được, vì sao? Vì chúng sinh không thể có được, cho đến kẻ biết kẻ thấy không thể có được.
Như vậy, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát trú trong Bát nhã ba la mật học tướng ba đời bình đẳng, sẽ đầy đủ Trí nhất thiết chủng, ấy gọi là Ðại thừa của Bồ tát ma ha tát; nghĩa là tướng ba đời bình đẳng.
Bồ tát ma ha tát trú trong thừa ấy vượt trên hết thảy thế gian người, trời, A tu la, thành tựu Tát bà nhã.
Bấy giờ, Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Lành thay, lành thay! Ðại thừa của Bồ tát ma ha tát, vì sao? Vì các Bồ tát quá khứ nơi thừa ấy học được Trí nhất thiết chủng, các Bồ tát vị lai cũng ở nơi thừa ấy học và dẽ được Trí nhất thiết chủng. Bạch đức Thế Tôn! Các Bồ tát trong mười phương vô lượng vô số thế giới hiện nay cũng ở nơi thừa ấy học được Trí nhất thiết chủng. Vì vậy nên, bạch đức Thế Tôn! Thừa ấy thật là Ðại thừa của Bồ tát ma ha tát.
Phật bảo Tu bồ đề! Như vậy, như vậy! Chư Phật quá khứ vị lai, hiện tại nơi Ðại thừa ấy học, đã được Trí nhất thiết chủng, sẽ được, nay được.
LUẬN: Luận giả nói: Tu bồ đề lược tán thán Ðại thừa ầy tiền tế, hậu tế, trung tế không thể có được, vì ba đời bình đẳng nên gọi là Ðại thừa. Nay Phật diễn rộng lời tán thán của Tu bồ đề: Ba đời tại sao không thể có được? Ðời quá khừ, đời quá khứ không, đời vị lai, đời vị lai không, đời hiện tại, đời hiện tại không, nên không thể có được. Ba đời bình đẳng, bình đẳng là không. Ðại thừa, Ðại thừa tự không; Bồ tát, Bồ tát tự không; ấy là ý nghĩa của tướng không trong ba đời. Tướng ba đời không, như trước đã nói. Trong đây Phật tự nói nhân duyên của không. Nghĩa là không, tướng không, chẳng phải một, chẳng phải hai, chẳng phải ba, chẳng phải bốn, chẳng phải năm v.v..., chẳng khác, chẳng hợp, chẳng tán, không có phân biệt. Thế nên ba đời bình đẳng tướng không, vì không có gì, bình đẳng ấy cũng không
Bồ tát hiểu được ba đời bình đẳng như vậy, không cho từ đời vô thỉ lại đây làm mệt chán, không cho đời vị lai vô biên làm khó khăn, ấy là Bồ tát ba đời bình đẳng, gọi là Ðại thừa. Trong Ðại thừa ấy tướng bình đẳng không thể có được, tướng không bình đẳng cũng không thể có được. Ðược Tam muội về ba đời bình đẳng ấy, phá tướng bất bình đẳng. Vì đối đãi, bất bình đẳng nên có đẳng, bất bình đẳng rốt ráo không có nên đẳng cũng không có. Muốn, chẳng muốn, cho đến ba cõi độ ba cõi, là pháp đối đãi cũng như vậy. Trong đây Phật tự nói: Các pháp ấy đều do nhân duyên hòa hợp nên không có tự tánh, tự tánh không có nên không.
Lại nữa, sắc quá khứ, tướng sắc quá khứ không; vị lai, hiện tại cũng như vậy. Như sắc, bốn uẩn khác cũng như vậy, vì sao? Vì trong không, tướng không thể có được, huống gì trong không có tướng ba đời năm uẩn được. Bồ tát quán năm uẩn không, dứt tham dục, đi vào đạo, là Thí ba la mật v.v... cũng như năm uẩn, trong ba đời không thể có được, vì ba đời bình đẳng, bình đẳng tức là không. Trong bình đẳng ấy, Thí ba la mật không thể có được.
Hỏi: Cớ sao ba đời và trong ba đời bình đẳng, Thí ba la mật không thể có được?
Ðáp: Trong các pháp bình đẳng không có ba đời, trong bình đẳng, tướng bình đẳng cũng không thể có được, huống gì có ba đời. Năm Ba la mật khác cho đến mười tám pháp không chung cũng như vậy.
Lại nữa, trong ba đời tướng phàm phu không thể có được, Thanh văn cho đến Phật cũng không thể có được; vì chúng sinh không vậy. Bồ tát trú trong Bát nhã ba la mật học ba đời bình đẳng không như vậy, nhóm các công đức lành, liền đầy đủ Trí nhất thiết chủng. Phật nói Bồ tát trú được ba đời bình đẳng như vậy, thời vượt trên hết thảy thế gian trời, người và A tu la.
Khi ấy Tu bồ đề, tán thán rằng: Lành thay, lành thay! Ðại thừa lợi ích các Bồ tát, vì sao? Vì các Bồ tát quá khứ học Ðại thừa ấy, đượa Trí nhất thiết chủng; chưa được, nay được cũng như vậy.
Có người nói: Không có nhân duyên được thanh tịnh, cũng không có nhân duyên nhiễm cấu uế, lớn nhỏ, tốt xấu, trói mở đều do vô chủ đưa đến.Có người nói: Tốt xấu, trói mở, thời tiết đến thì tự được. Có người nói: Phước đức thành tựu nên được Phật đạo. Có người nói: Chỉ được thật trí tuệ thanh tịnh mới được Phật đạo.
Những người nói như vậy đều là phi nhân duyên, ít nhân duyên, Tu bồ đề không tán thán. Nay Phật bỏ phi nhân duyên, cũng bỏ nhân duyên, không đầy đủ; mà nói nhân duyên đầy đủ, đó là sáu Ba la mật, ba đời Bồ tát học thừa ấy đầy đủ, được thành đạo. Phật cũng được Tu bồ đề tán thán nói: Lành thay ! lành thay!
(Hết cuốn 51 theo bản Hán)

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 100 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Những tâm tình cô đơn


Các tông phái đạo Phật


Bức Thành Biên Giới


Các bài tiểu luận về Phật giáo của Trần Trọng Kim

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.222.48.24 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập