Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó.
Kinh Pháp cú
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận.
Kinh Pháp cú
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Chương 46
Giải Thích:Phẩm Dâng Bát Thứ 2
Kinh. Phật bảo Xá-lợi-phất, nếu Bồ-tát ma-ha-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật. Làm được công đức ấy, khi ấy bốn Thiên vương đều rất hoan hỷ, nghĩ rằng: chúng ta sẽ lấy bốn chiếc bát dâng lên Bồ-tát, như trước đây Thiên vương dâng bát trước tiên cho Phật.
Luận. Hỏi: Phẩm trước nói đã đầy đủ, nay cớ sao còn nói lại?
Đáp: Trước tuy tán thán Bát-nhã ba-la-mật, việc chưa đầy đủ, người nghe không chán, cho nên lại nói nữa.
Lại nữa, phẩm đầu chỉ tán thán năng lực Bát-nhã ba-la-mật, nay tán thán hành giả làm được công đức ấy, được bốn Thiên vương hoan hỷ dâng bát.
Lại nữa, Bồ-tát đủ được các nguyện hạnh, nên Phật an ủi khuyên tấn nói có quả báo ấy, trọn không hư dối.
Lại nữa, Bát-nhã ba-la-mật có hai thành quả: 1. Thành Phật độ chúng sanh. 2. Là tuy chưa thành Phật được hưởng quả báo thế gian, hoặc làm Chuyển luân thánh vương, Ðế-thích, Phạm vương làm chủ ba ngàn thế giới, sự cúng dường phước lạc của thế gian, đều được đầy đủ. Nay lấy quả báo thế gian chỉ cho chúng sanh, cho nên nói việc ấy.
Lại nữa, thế gian muốn thành nghiệp lớn, phần nhiều bị hoại loạn, Bồ-tát thời không như vậy, nội tâm đã định ngoại sử ứng theo. Do nhân duyên như vậy, nên nói Phẩm này.
Hỏi: Khi Bồ-tát tăng ích sáu Ba-la-mật, chư thiên người đời vì cớ sao vui mừng?
Đáp: Chư thiên đều nhân nơi mười điều thiện, bốn thiền, bốn vô lượng tâm mà được sanh ra, nhưng các công đức ấy lại do chư Phật Bồ-tát mà có. Nếu Phật ra đời thời làm tăng ích chúng chư thiên, tổn giảm chúng A-tu-la; nếu Phật không ra đời, thời chúng A-tu-la nhiều, chúng chư thiên giảm ít, vì tạo phước không thanh tịnh. Nếu chư Phật xuất thế, có thể dứt lưới nghi cho chư thiên, có thể thành đại sự. Như Thích-đề-hoàn nhân khi mạng chúng sắp chết, ôm tâm sợ hãi, cầu Phật cứu, tìm khắp không biết chỗ, tuy thấy người xuất gia ở giữa núi đầm, được người cúng dường, cũng không thể dứt lưới nghi cho họ.
Khi ấy, trời Tỳ-thủ-kiết-la thưa với Thích-đề-hoàn nhân rằng: vua Thi-tỳ (Sibi) khổ hạnh kỳ đặc, đời rất hy hữu. Các người trí nói: người ấy không bao lâu sẽ thành Phật.
Thích-đề-hoàn nhân nói: việc ấy khó thành; sao biết được? như trứng cá, bông xoài, và người phát tâm Bồ-đề, ba việc ấy khi còn ở trong nhân thì nhiều, khi thành rất ít, nay hãy thử xem.
Ðế-thích tự hóa làm chim cắt, Tỳ-thủ-kiết-la hóa làm chim bồ câu, bồ câu chui vào vua, vua tự cắt thịt mình, cho đến đem thân lên cân để thế mạng chim bồ câu, đại địa chấn động.
Khi ấy, Thích-đề-hoàn nhân, tâm rất hoan hỷ, rải các hoa trời, tán thán việc chưa từng có.
Ðại tâm quyết định như vậy, thành Phật không lâu.
Lại nữa, người phàm mắt thịt, không có trí tuệ, khổ thân tìm của, để nuôi sống, nghe nói Bồ-tát tăng ích sáu Ba-la-mật, thành Phật không lâu, mà còn hoan hỷ, huống gì chư thiên!
Hỏi: Trời Tứ thiên vương, trời Ba mươi ba còn bị nạn A-tu-la, còn chư thiên trên đó không có nạn ấy, cớ sao hoan hỷ?
Đáp: Chư thiên trên đó tuy không có nạn A-tu-la, nếu Phật không ra đời, thì được sanh lên cõi ấy rất ít; giả sử có được sanh, năm dục lạc không đẹp, vì cớ sao? Vì chỉ tu phước bất tịnh. Cung điện, ánh sáng, thọ mạng của chư thiên cõi Sắc cũng như vậy.
Lại nữa, trong chư thiên, người có trí tuệ biết được thiền vị, năm dục đều vô thường, chỉ có khi Phật ra đời mới khiến được Niết-bàn thường vui. Vì vui thế gian, vui Niết-bàn, đều do nơi Phật Bồ-tát mà được, cho nên hoan hỷ; ví như cây trái ngon ngọt, thành tựu tốt tươi đầy đặn, thì người rất hoan hỷ. Vì cây đó các thứ lợi ích, có người nhờ bóng im của nó, có người dùng hoa, có người ăn quả. Bồ-tát cũng như vậy. Hay lấy bóng im lìa pháp bất thiện ngăn che khổ nóng của ba ác, hay cho trời người hoa giàu vui, khiến các hiền thánh được quả Tam thừa, cho nên hoan hỷ?
Hỏi: Chư thiên có nhiều việc cúng dường, cớ sao dâng bát?
Đáp: Bốn thiên vương dâng bát, các trời khác cúng dường, đều có pháp nhất định, như khi Phật mới sanh, Thích-đề-hoàn nhân lấy áo trời nâng thân Phật, Phạm thiên vương đích thân cầm lọng, bốn Thiên vương phòng hộ bốn bên. Chư thiên Tịnh-cư muốn khiến Bồ-tát sanh tâm chán lìa, nên hóa làm người già, bệnh, chết, và thân hình Sa-môn. Lại khi xuất gia, bốn Thiên vương sắc lệnh sứ giả đỡ nổi chân ngựa, tự mình hầu giúp bốn phía Bồ-tát. Thiên Ðế-thích lấy tóc bỏ lót dựng tháp tóc ở ngoài cửa đông thành trên trời. Lại lấy y báu của Bồ-tát dựng tháp y ở ngoài cửa nam thành, lúc Phật đi đến dưới cây thì dâng cỏ tốt. Bồ-tát Chấp Kim cang, thường cầm Kim cang hộ vệ, Phạm thiên vương thỉnh Phật Chuyển pháp luân. Như vậy mỗi mỗi đều có phép nhất định. Vì vậy nên bốn Thiên vương dâng bát. Ý nghĩa bốn bát như trước đã nói.
Hỏi: Phật một mình cớ sao lãnh thọ bốn bát?
Đáp: Bốn vua lực bằng nhau, không thể lãnh thiên về một người. Lại khiến thấy thần lực của Phật, hợp bốn bát làm một, tâm mừng, lòng tin thanh tịnh, nghĩ rằng: từ khi Bồ-tát mới sanh, đến nay thành Phật, chúng ta cúng dường, công đức không hư dối.
Hỏi: Bốn Thiên vương sống lâu 500 năm, Bồ-tát quá vô lượng vô số kiếp sau mới thành Phật, bốn Thiên vương hiện nay chẳng phải là bốn Thiên vương sau này, tại sao hoan hỷ?
Đáp: Vì đồng một họ, ví như dòng họ sang, con cháu truyền trăm đời, không vì xa mà cho là khác.
Hoặc hành giả khi thấy Bồ-tát tăng ích sáu Ba-la-mật, tâm phát nguyện rằng: Bồ-tát ấy khi thành Phật, ta sẽ dâng bát, thế nên được sanh (bốn Thiên vương).
Lại nữa, bốn Thiên vương sống 500 năm, nhân gian 50 năm bằng một ngày một đêm ở bốn Thiên vương, và 30 ngày làm một tháng, 12 tháng làm một năm. Lấy sự sống lâu 500 năm ấy so bằng 900 vạn năm ở nhân gian Bồ-tát làm được công đức ấy, hoặc gần thành Phật, bốn Thiên vương mới sanh, đủ có thể gặp được Phật.
Hỏi: Như trong kinh Ðại thừa nói: có đức Phật lấy hỷ làm món ăn, không ăn đồ ăn bốc nắm. Giống như Thiên vương, y phục nghi dung của Phật không khác với người đời, thời không cần bát ăn, cớ sao nói bốn Thiên vương nhất định phải dâng bát?
Ðáp: Nhất định là vì dùng bát, nên không nói không dùng.
Lại nữa, chư Phật dùng bát thí nhiều, không dùng bát ít, cho nên lấy nhiều làm định lệ.
Kinh: Trời Ba mươi ba cho đến trời Tha-hóa-tự-tại, cũng đều hoan hỷ, ý nghĩ rằng: chúng ta sẽ hầu hạ cúng dường Bồ-tát, tổn giảm chúng A-tu-la, tăng ích chúng chư thiên. Ba ngàn đại thiên thế giới, bốn Thiên vương cho đến trời A-ca-ni-sắc, đều rất hoan hỷ. Ý nghĩ rằng: chúng ta sẽ thỉnh Bồ-tát ấy Chuyển pháp luân.
Luận: Chư thiên ấy, lấy hương hoa anh lạc, lễ bái cung kính, nghe pháp, tán thán cúng dường, cũng nghĩ rằng: người tu phước thanh tịnh, thì A-tu-la chúng giảm, tăng ích trời Ba mươi ba. Chư thiên chúng ta cũng được tăng ích.
Hỏi: Trên đã nói sáu hạng trời, sao còn nói trong ba ngàn đại thiên thế giới, cho đến trời A-ca-ni sắc đều hoan hỷ cúng dường?
Đáp: Trước nói hạng sáu trời ở trên một núi Tu-di, đây nói chư thiên trong ba ngàn đại thiên thế giới, trước chỉ nói cõi Dục, nay nói trời cõi Dục, cõi Sắc thỉnh Phật Chuyển pháp luân. Trên tuy nói chu thiên Tịnh-cư cúng dường khuyến trợ các thứ, nay thỉnh Phật Chuyển pháp luân là việc lớn.
Hỏi: Trong ba tạng chỉ nói Phạm thiên thỉnh Chuyển pháp luân, nay cớ sao bốn Thiên vương cho đến trời A-ca-ni sắc?
Đáp: Trời cõi Dục gần, cho nên đến trước, trời cõi Sắc đều gọi là Phạm. Nếu nói Phạm vương thỉnh là đã nói các trời khác.
Lại nữa, Phạm là cánh cửa đầu của cõi Sắc, nói đầu nên sau cũng nói.
Lại nữa, có Phật không Phật, chúng sanh thường biết Phạm thiên. Vì Phạm thiên là tổ phụ của thế gian, vì người đời tin như vậy, nên Phật nói Phạm thiên. Tướng Pháp luân như trước đã nói.
Kinh: Này Xá-lợi-phất! Bồ-tát ma-ha-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, khi tăng ích sáu Ba-la-mật, các thiện nam tử, thiện nữ nhân, đều hoan hỷ, ý nghĩ rằng: chúng ta sẽ vì người ấy làm cha mẹ, vợ con, thân tộc, tri thức?
Luận. Hỏi: Trước đã nói làm được công đức ấy, nay sao còn nói tăng ích sáu Ba-la-mật?
Đáp: Trước nói tướng chung, nay nói tướng riêng.
Lại nữa, trước nói công đức có vô lượng thứ, người nghe chán mệt, nay chỉ lược nghe nói sáu Ba-la-mật, thời thu nhiếp hết các công đức.
Lại nữa, vì trời nói làm được các công đức, vì người nói tăng ích sáu Ba-la-mật, sao biết? Như sau nói: thiện nam tử, thiện nữ nhân, do vậy nên biết.
Hỏi: Bốn Thiên vương cho đến trời A-ca-ni-sắc, cớ sao không nói là thiện thiên, mà chỉ đối với người thì nói là thiện nam tử, thiện nữ nhân?
Đáp: Chư thiên đều có Thiên nhãn, Thiên nhĩ, Tha tâm trí, biết cúng dường Bồ-tát, nên không nói riêng chư thiện thiên, còn người vì mắt thịt không biết thiện, mà biết cúng dường, vì ít nói riêng thiện. Thiện là theo Phật nghe pháp, hoặc theo đệ tử Phật và Bồ-tát nghe pháp. Hoặc nghe thọ ký sẽ làm Phật, lại nghe Phật tán thán danh tự, cho nên biết tu thiện.
Hỏi: Cớ sao chỉ nói nam tử, nữ nhân thiện, mà không nói kẻ hai căn (nam nữ), kẻ không căn là thiện?
Đáp: Không căn là không có căn đắc đạo, cho nên không nói như trong luật không cho xuất gia, vì người ấy mất tướng nam nữ; tâm họ bất định, gặp chút nhân duyên đã nổi giận, kiết sử nhiều, mê đắm thế sự, ôm lòng nghi ngờ, không vui đạo pháp, tuy tu chút ít việc phước, trí tuệ cạn mỏng, không thể thâm nhập, bản tánh thay đổi, cho nên không nói. Ðó là trong pháp Thanh văn nói như vậy. Còn trong pháp Ðại thừa, ví như biển lớn, không gì không dung, hạng không căn ấy hoặc có khi cũng tu thiện, chỉ vì ít nên không nói. Gọi rằng ít, vì trong số nam nữ, hạng người không căn ấy rất ít, trong hạng không căn mà tu thiện, càng ít hơn. Ví như người tại gia tuy tóc, râu, nốt ruồi đen mà không gọi là người đen. Người hai căn kiết sử cấu tạp nhiều, cũng làm việc nam, cũng làm việc nữ, tâm kia tà cong, khó có thể tế độ, ví như ở rừng rậm kéo cây, cây cong khó ra. Lại như A-tu-la, tâm nó không đoan chánh, thường nghi Phật, cho Phật hỗ trợ trời. Phật dạy năm uẩn, họ cho là có sáu uẩn, còn một uẩn Phật không nói, hoặc dạy bốn đế, họ cho là có năm đế, còn một đế Phật không nói. Người hai căn cũng như vậy. Vì tâm nhiều tà cong, không thể đắc đạo, vì vậy nên chỉ nói thiện đối với nam tử nữ nhân.
Tướng thiện là có tâm từ bi hay nhẫn lời mắng ác, như phẩm Mắng trong kinh Pháp-cú nói: hay nhẫn lời mắng ác, là ở trên mọi người; ví như ngựa lành tốt, có thể để vua cỡi.
Lại nữa, năm thứ tà ngữ, roi, gậy, đánh hại, trói buộc... không hủy hoại tâm kia được, ấy gọi là tướng thiện.
Lại nữa, ba nghiệp không lỗi, vui với người thiện, không hủy báng người khác thiện, không phô trương đức mình, tùy thuận mọi người, không nói lỗi người, không đắm cái vui thế gian, không cầu danh tự, tin ưa cái vui đạo đức, nghiệp mình thanh tịnh, không não hại chúng sanh, tâm quý thật pháp, khinh hèn thế sự, chỉ ưa lời thẳng, không theo người dối, vì cái vui của tất cả chúng sanh, tự bỏ vui mình, làm cho tất cả chúng sanh được lìa khổ, nên lấy mình thay thế. Như vậy có vô lượng việc, gọi là tướng người lành. Tướng này phần nhiều ở nam nữ, cho nên nói thiện nam tử, thiện nữ nhân.
Hỏi: Thiện nam tử, thiện nữ nhân, vì sao có thể phát lời nguyện ấy?
Đáp: Thiện nam tử, thiện nữ nhân, tự biết phước mỏng, trí tuệ ít, tập gần Bồ-tát, cầu được vượt qua, ví như trầm thạch tuy nặng nương thuyền được qua.
Lại thiện nam tử, thiện nữ nhân nghe nói “Bồ-tát không phải từ một đời, hai đời mà được hành đạo, mà phải qua lại sanh tử trong vô số kiếp, liền suy nghĩ ta sẽ cùng bồ-tát làm nhân duyên.
Lại nữa, Bồ-tát chứa đức sâu dày, nên ở chỗ sanh ra, chúng sanh đều đến kính ngưỡng Bồ-tát, để mong nhờ lợi ích sâu nặng. Nếu thấy Bồ-tát xả thọ mạng, thời nguyện ta sẽ cùng Bồ-tát làm cha mẹ, vợ con, quyến thuộc, vì cớ sao? Vì biết tập gần người thiện, được tăng ích công đức. Ví như chứa nhiều hương, hơi thơm càng nhiều: như Bồ-tát đời trước làm thái tử của quốc vương, thấy người cõi Diêm-phù-đề nghèo cùng, muốn tìm ngọc Như ý, đi vào biển lớn, đi đến cung Long vương, rồng thấy thái tử oai đức thù diệu, liền đứng dậy nghinh đón, mời đến trước để cúng dường mà hỏi rằng: làm sao từ xa đến được?
Thái tử đáp: tôi thương xót chúng sanh cõi Diêm-phù-đề, nên muốn tìm ngọc Như ý để cứu giúp.
Rồng nói: hãy ở lại cung tôi thọ cúng dường một tháng, rồi tôi sẽ cho.
Thái tử liền ở một tháng, vì Long vương tán thán đa văn, rồng liền cho ngọc. Ngọc như ý này, có thể mưa xuống một do tuần (khoảng 12 km).
Rồng nói: thái tử có tướng, không lâu sẽ làm Phật, tôi sẽ làm đệ tử đa văn đệ nhất.
Khi ấy, thái tử lại đi đến một cung rồng khác được ngọc, mưa xuống hai do tuần. Hai tháng vì rồng tán thán năng lực thần thông. Rồng nói Thái tử không bao lâu sẽ làm Phật, tôi sẽ làm đệ tử thần túc đệ nhất.
Lại đi đến một cung rồng khác được thứ ngọc, mưa xuống ba do tuần. Ba tháng vì rồng tán thán trí tuệ. Rồng nói Thái tử không bao lâu sẽ thành Phật, tôi sẽ làm đệ tử trí tuệ đệ nhất.
Các rồng cho ngọc xong nói: khi người hết thọ mạng, ngọc đem trả lại ta, Bồ-tát hứa lời.
Thái tử được ngọc, đi đến cõi Diêm-phù-đề, một ngọc mưa đồ ăn uống, một ngọc mưa y phục, một ngọc mưa bảy báu, lợi ích chúng sanh.
Lại như Bồ-tát Tu-ma-đề, trông thấy Phật Nhiên Ðăng, Bồ-tát liền đi theo người con gái tên Tu-la-bà hỏi mua năm cành hoa, người con gái không chịu bán, bồ-tát liền đem năm trăm tiền vàng, để được mua năm trăm cành hoa, người con gái vẫn không bán mà lại giao ước rằng: nguyện tôi đời đời làm vợ ông, rồi sẽ bán cho. Bồ-tát cần lấy hoa cúng dường Phật, nên hứa lời.
Lại Bồ-tát Diệu Quang, có người con gái ông trưởng giả thấy thân Bồ-tát có 28 tướng, sanh tâm ái kính, đứng ở dưới cửa. Bồ-tát đi đến, người con gái liền cỡi ngọc lưu ly nơi cổ, để vào trong bình bát của Bồ-tát, tâm nguyện rằng: tôi sẽ đời đời làm vợ người này. Người con gái này trong 250 kiếp, nhóm các công đức, sau sanh ở giữa hoa sen trong vườn của dâm nữa Hỷ kiến. Hỷ kiến nuôi làm con gái (đặt tên là Hỷ đức), đến năm 14 tuổi, nữ công, thế trí, đều đầy đủ.
Bấy giờ có vua cõi Diêm-phù-đề, tên là Tài chủ, thái tử tên là Ðức chủ, có tâm đại bi, thường ra khỏi cửa thành vào vườn du ngoạn, các dâm nữ dẫn đạo ca tán, Thái tử Ðức chủ rải các vật báu, y phục, ẩm thực, thí như rồng mưa, không chỗ nào không khắp. Người con gái Hỷ đức thấy thái tử, tự tạo ca kệ mà tán dương thái tử, con mắt ái luyến chăm nhìn chưa từng nhấp nháy, tự phát nguyện rằng: việc thế gian tôi đều biết hết, xin đem thân tôi dâng cấp thái tử.
Thái tử hỏi: người thuộc về ai? Nếu có thuộc về ai, thời chẳng phải nên nhận.
Bấy giờ dâm nữ Hỷ kiến đáp lời Thái tử: đứa con gái tôi đây năm, tháng, ngày, giờ, nó sanh ra đồng với thái tử. Ðứa con gái này chẳng phải từ trong bụng tôi sanh ra. Sáng sớm tôi vào vườn, thấy trong hoa sen có bé gái này sanh ra, tôi nhận nuôi làm con gái, chớ vì tôi mà khinh hèn đứa con gái này. Ðứa con gái này giỏi 64 điều, không điều gì không đầy đủ, nữ công, mỹ thuật, kinh thư, phương thuốc, thảy đều thông suốt. Thường có lòng hổ thẹn, nội tâm trung trực, không có tật đố, không ý tưởng tà dâm. Con gái tôi đạo đức oai nghi như vậy, Thái tử hẳn nên nhận lấy!
Thái tử Ðức chủ trả lời với người con gái: chị! Tôi phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tu đạo Bồ-tát, không có yêu tiết gì, quốc tài vợ con, voi ngựa bảy báu, nếu có ai đến xin, tôi không trái ý họ. Nếu con trai con gái của người sanh ra, và chính thân người, nếu có người xin, tôi sẽ cho họ, chớ sanh lo buồn hối hận. Hoặc có khi tôi bỏ ngươi đi tu, làm đệ tử Phật, ở tịnh chỗ núi rừng, ngươi cũng chớ sầu.
Người con gái Hỷ đức đáp: giả sử lửa địa ngục thổi đến cháy nát thân tôi, tôi không bao giờ hối hận. Tôi cũng không phải vì dâm dục vui chơi mà đến làm thân hảo tôi chỉ vì khuyến trợ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho nên phụng sự chánh sĩ.
Người con gái lại thưa với Bồ-tát rằng: đêm qua tôi mộng thấy thân Phật Diệu Nhật ngồi dưới gốc đại thọ, nên cùng nhau đến chiêm ngưỡng.
Thái tử thấy người con gái đoan chánh, lại nghe nói đức Phật xuất hiện. Vì hai lẽ đó nên lên một xe cùng đi đến chỗ Phật.
Phật thuyết pháp cho nghe, thái tử được vô lượng môn đà-la-ni, người con gái được tâm chí điều phục.
Bấy giờ thái tử lấy năm trăm hoa báu cúng dường Phật, để cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Thái tử thưa với phụ vương rằng: con gặp được thân Phật Diệu Nhật mà được thiện lợi lớn.
Phụ vương nghe rồi, bỏ vật ái trọng đem cho thái tử, rồi cùng với nội cung quan thuộc, nhân dân trong nước, đi đến chỗ Phật.
Phật thuyết pháp cho nghe, vua chứng được đà-la-ni. Ðèn hết thảy pháp không tối.
Khi ấy vua suy nghĩ: không thể lấy pháp thế tục nhiếp trị quốc độ, hưởng thọ ngũ dục mà có thể đắc đạo.
Suy nghĩ như vậy xong, lập Ðức chủ thái tử làm vua, để xuất gia cầu đạo.
Bấy giờ thái tử vào ngày rằm, có sáu thứ báo ứng đến. Người vợ tên Hỷ đức biến làm nữ báu. Nhân duyên như vậy, trong kinh Bất khả tư nghì có nói rộng.
Cho nên biết thiện nam tử, thiện nữ nhân, nguyện đời đời làm cha mẹ, vợ con, quyến thuộc Bồ-tát.
Kinh: Bấy giờ trời Tứ thiên vương cho đến trời A-ca-ni-sắc, đều rất hoan hỷ, ai nấy tự nghĩ rằng: chúng ta hãy làm phương tiện, khiến Bồ-tát xa lìa dâm dục, từ khi mới phát tâm, thường làm kẻ đồng chơn, đừng để cho chung hội với sắc dục. Nếu hưởng thụ ngũ dục, còn chướng ngại sanh cõi Phạm thiên, huống gì Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì vậy, Xá-lợi-phất! Bồ-tát ma-ha-tát diệt dâm dục xuất gia nên được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chứ chẳng phải không dứt.
Luận. Hỏi: Chư thiên cớ sao nguyện như vậy?
Đáp: Trong thế gian, ngũ dục là đệ nhất, không ai không ưa thích. Trong lục dục, xúc dục là đệ nhất, nó trói buộc tâm người, như người bị rớt xuống bùn sâu, khó thể vớt khỏi, vì vậy chư thiên phương tiện khiến Bồ-tát xa lìa dâm dục.
Lại nữa, nếu hưởng thụ các dục khác, vẫn không mất trí tuệ, còn khi hội hiệp dâm dục, thân tâm hoan mê, không cón tỉnh giác, tự chìm đắm sâu. Vì vậy chư thiên làm cho Bồ-tát xa lìa.
Hỏi: Làm sao khiến xa lìa?
Đáp: Như Bồ-tát Thích-ca Văn ở trong cung vua Tịnh-phạn, muốn ra ngoài thành đạo xem, chư thiên Tịnh cư, hóa làm người già, bệnh, chết, khiến tâm kia chán. Lại khiến nửa đêm, thấy các cung nhân kỷ nữ lộ hình xấu xí bất tịnh, nước bọt mũi chảy ra, phân đãi bừa bãi, Bồ-tát thấy rồi liền sanh ghê chán. Hoặc có khi chư thiên khiến người con gái sanh ác tâm đố kỵ, chẳng biết ân đức, ác khẩu dối trá, không biết tỉnh xét. Bồ-tát thấy rồi liền sanh niệm nghĩ rằng: thân tuy tợ người mà tâm nó thật đáng ghét, liền xa bỏ nó.
Muốn khiến Bồ-tát từ khi mới phát tâm, thường làm hạnh đồng chơn, không hội cùng sắc dục, vì cớ sao? Vì dâm dục là gốc các thứ kiết sử. Phật dạy: thà lấy dao bén cắt đứt thân thể, không nên hội cùng nữ sắc, dao cắt tuy khổ, không đọa đường ác, còn nhân duyên dâm dục phải chịu khổ địa ngục trong vô lượng kiếp số. Người hưởng thọ ngũ dục còn không được sanh cõi Phạm thiên, huống gì được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Hoặc có người nói: Bồ-tát tuy hưởng thọ ngũ dục, tâm không đắm trước, không chướng ngại đạo, vì vậy nên Kinh nói: hưởng thọ ngũ dục, còn không được sanh cõi Phạm thế.
Phạm thế là nơi vô thỉ chúng sanh đều được sanh đến đó, song người hưởng thọ ngũ dục, chỗ thường đáng được còn không được sanh, huống gì Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, là nơi vốn không được lại muốn được.
Vì vậy Bồ-tát nên làm kẻ đồng chơn tu hành phạm hạnh, sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Bồ-tát phạm hạnh không nhiễm trước thế gian, nên mau thành Bồ-tát đạo. Nếu người dâm dục, thí như keo sơn, khó thể lìa được, vì cớ sao? Vì thân hưởng thọ dục lạc, rễ dâm dục càng sâu. Cho nên trong pháp xuất gia, dâm dục đứng đầu, lại cũng nặng.
Kinh: Xá-lợi-phất bạch Phật răng: Thế Tôn! Bồ-tát ma-ha-tát cần phải có cha mẹ, vợ con, thân tộc, tri thức chăng?
Phật bảo Xá-lợi-phất: hoặc có Bồ-tát có cha mẹ, vợ con, thân tộc, tri thức. Hoặc có Bồ-tát từ khi mới phát tâm đã dứt dâm dục, tu phạm hạnh đồng chơn, cho đến khi chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không phạm sắc dục. Hoặc có Bồ-tát do lực phương tiện, thọ ngũ dục rồi, xuất gia được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Luận. Hỏi: Ba hạng Bồ-tát ấy, hạng đầu như người thế gian, thọ ngũ dục rồi sau mới lìa bỏ đi tu, chứng được giác ngộ. Hạng thứ hai có đại công đức kiên cố, khi mới phát tâm đã dứt dâm dục, cho đến khi thành Phật. Hạng Bồ-tát này hoặc là pháp thân, hoặc là pháp thân, hoặc là nhục thân, hoặc lìa dục, hoặc chưa lìa dục. Hạng thứ ba là Bồ-tát pháp thân thanh tịnh, được vô sanh pháp nhẫn, trú ở sáu thần thông, vì giáo hóa chúng sanh nên cùng với chúng sanh đồng sự để nhiếp thủ họ. Hoặc làm Chuyển luân thánh vương, hoặc làm vua Diêm-phù-đề, Trưởng giả, Sát-lợi, tùy theo chỗ cần mà làm lợi ích.
Kinh: Thí như huyễn sư, hoặc đệ tử huyễn sư, khéo biết cách huyễn, huyễn làm ra ngũ dục, cùng nhau vui chơi trong đó, ý ngươi nghĩ sao? Người ấy đối với ngũ dục, thật hưởng thụ chăng?
Xá-lợi-phất thưa: thưa không, bạch Thế Tôn.
Phật bảo Xá-lợi-phất, Bồ-tát ma-ha-tát dùng lực phương tiện hóa làm ngũ dục, thọ vui trong đó, thành tựu chúng sanh, cũng lại như vậy. Bồ-tát ma-ha-tát ấy không nhiễm nơi dục, mà dùng đủ cách chê bai ngũ dục, dục là bừng cháy, dục là uế ác, dục là hủy hoại, dục như là kẻ oán. Thế nên Xá-lợi-phất, nên biết Bồ-tát vì chúng sanh mà hưởng thọ ngũ dục.
Luận: Hỏi: Trong ba hạng Bồ-tát, sao chỉ nêu riêng một hạng Bồ-tát ra để ví dụ?
Đáp: Hạng thứ nhất đồng như thông lệ con người, không dứt dâm dục. Hạng thứ hai thường dứt dâm dục, tu tịnh hạnh. Hạng thứ ba cũng tu tịnh hạnh mà hiện thọ dâm dục. Vì người không hiểu nên nêu làm ví dụ.
Hỏi: Cớ sao không lấy chuyện mộng, biến hóa... làm ví dụ?
Đáp: Cảnh mộng chẳng phải do năm căn biết được, chỉ nội tâm nhớ tưởng sanh ra, người do năm căn trông thấy biến mất vô thường, có thể hiểu được, cảnh biến hóa, tuy năm căn biết được, mà người trông thấy rất ít. Phật vì độ chúng sanh có thể độ và sự huyễn là điều chúng sanh tin cho nên nêu làm thí dụ: như huyễn sư dùng huyễn thuật hiện ra việc hy hữu giữa mọi người, khiến họ hoan hỷ. Bồ-tát huyễn sư cũng như vậy; dùng thuật năm thần thông hóa làm ra ngũ dục ở giữa chúng sanh, cùng nhau vui chơi mà hóa độ chúng sanh.
Chúng sanh có hai hạng: tại gia và xuất gia. Vì độ hạng xuất gia nên hiện thân Thanh văn, Bích-chi Phật và các thầy ngoại đạo xuất gia. Hạng tại gia hoặc có người thấy người xuất gia mà đắc độ, hoặc thấy người tại gia đồng thọ ngũ dục mà được hóa độ.
Bồ-tát thường lấy các nhân duyên chê bai ngũ dục như: dục là bừng cháy. Khi nó chưa mất thì lửa ba độc cháy, khi nó mất thì lửa vô thường cháy. Hai lửa đều cháy, nên gọi là bừng cháy, chẳng lúc nào vui.
Dục là uế ác: chư Phật, Bồ-tát, A-la-hán, các người lìa dục, đều cho là uế hèn. Ví như người thấy chó ăn phân, khinh hèn mà thương xót, nó không được đồ ăn ngon, mà ăn đồ bất tịnh. Người hưởng thọ ngũ dục cũng như vậy. Không được cái vui nội tâm lìa dục, mà cầu cái vui nơi sắc dục bất tịnh.
Dục là hủy hoại: vì đắm mê ngũ dục, vua trời, vua người, những người giàu sang mất nước nguy thân đều do nơi đó.
Dục như kẻ oán, làm mất thiện lợi của người, cũng như kẻ thứ khách, bề ngoài như thân thiện mà trong tâm thì ôm hại. Ngũ dục như vậy làm tan mất thiện tâm, cướp tuệ mạng người. Ngũ dục sanh ra, chính là phá hoại các thiện, hủy bại đức nghiệp.
Lại biết ngũ dục như lưỡi câu giết cá, như bẩy hại nai, như đèn đốt cháy con thiêu thân, cho nên nói dục như kẻ oán.
Cái khổ của kẻ oan gia, không quá một đời, vì mê đắm ngũ dục, đọa ba đường ác, chịu khổ độc vô lượng.
Kinh: Xá-lợi-phất bạch Phật: Bồ-tát ma-ha-tát làm sao hành Bát-nhã ba-la-mật?
Phật bảo Xá-lợi-phất: Bồ-tát ma-ha-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật, không thấy Bồ-tát, không thấy danh tự Bồ-tát, không thấy Bát-nhã ba-la-mật, cũng không thấy ta hành Bát-nhã ba-la-mật, cũng không thấy ta không hành Bát-nhã ba-la-mật, vì cớ sao? Vì Bồ-tát, danh tự Bồ-tát tánh không, trong không, không sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng không có không. Không tức là sắc, sắc tức là không; không tức là thọ, tưởng, hành, thức; thọ, tưởng, hành, thức tức là không, vì cớ sao? Xá-lợi-phất chỉ có danh tự gọi là Bồ-đề, chỉ có danh tự gọi là Bồ-tát, chỉ có danh tự gọi là không, vì cớ sao? Vì thật tánh các pháp, không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch, Bồ-tát ma-ha-tát hành như vậy, cũng không thấy sanh, cũng không thấy diệt, cũng không thấy nhơ, cũng không thấy sạch, vì cớ sao? Vì danh tự là pháp do nhân duyên hòa hợp làm ra, chỉ phân biệt ức tưởng giả danh nói.
Thế nên Bồ-tát ma-ha-tát, khi hành Bát-nhã ba-la-mật, không thấy tất cả danh tự, không thấy nên không đắm.
Luận: Hỏi: Việc ấy, trên kia Xá-lợi-phất đã hỏi, sao nay còn hỏi lại?
Đáp: Trước kia nhân Phật dạy “muốn đem nhất thiết chủng biết nhất thiết pháp, thời nên học Bát-nhã ba-la-mật" cho nên hỏi, chứ chẳng phải tự ý hỏi.
Lại nữa, Xá-lợi-phất nghe trên kia tán thán công đức Bát-nhã, tâm hoan hỷ tôn trọng Bát-nhã cho nên hỏi làm sao có thể tu hành, như người bệnh nghe tán thán thuốc hay, liền hoi làm thế nào có thể uống.
Hỏi: Trước đã hỏi trú pháp không trú. Hành Ðàn ba-la-mật, người cho, người nhận, tài vật đều không thể có được, như vậy là hành Bát-nhã, sao nay còn hỏi hành?
Đáp: Trên hỏi chung các Ba-la-mật, ở đây chỉ hỏi Bát-nhã, trên rộng tán thán Bát-nhã là chủ, ở đây hỏi thẳng sự tu hành Bát-nhã.
Lại nữa, trên tuy tán thán rộng Bát-nhã ba-la-mật, hội chúng đương thời khát ngưỡng muốn được. Cho nên Xá-lợi-phất vì chúng sanh nên hỏi cách hành Bát-nhã ba-la-mật.
Công đức Bát-nhã ba-la-mật vô lượng vô tận, trí tuệ Phật cũng vô lượng vô tận, nếu Xá-lợi-phất không hỏi thời Phật tán thán không ngừng, nếu Xá-lợi-phất không hỏi, thời không có lý do, nên không thể ngừng.
Hỏi: Công đức Bát-nhã tôn trọng, nếu Phật tán thán rộng rãi, có gì không được?
Đáp: Tán thán Bát-nhã, người nghe hoan hỷ tôn trọng tăng trưởng phước đức, nếu nghe nói Bát-nhã thời tăng trưởng trí tuệ. Không chỉ do phước đức có thể thành Phật đạo, còn phải có trí tuệ mới được thành. Thế nên không phải chỉ tán thán mà thôi, người nghe tán thán, tâm đã được thanh tịnh, khát ngưỡng muốn được Bát-nhã, như vì người khát mà tán thán đồ uống ngon, không giải được khát, bèn phải cho uống.
Do các nhân duyên như vậy, Xá-lợi-phất nay hỏi làm sao hành Bát-nhã.
Hỏi: Như người có mắt thấy, mới biết chỗ đi đến, vậy sau mới có thể đi, Bồ-tát cũng như vậy, trước niệm Phật đạo, biết Bát-nhã, thấy rồi vậy sau thân mới có thể làm, nay cớ sao nói không thấy Bồ-tát và Bát-nhã. Nếu không thấy thì sao hành được?
Đáp: Trong đây không nói thường không thấy, chỉ nói rõ khi vào Bát-nhã quán, không thấy Bồ-tát và Bát-nhã ba-la-mật. Bát-nhã ba-la-mật vì làm cho chúng sanh biết thật pháp nên xuất hiện và danh tự Bồ-tát chỉ là tên giả do các nhân duyên hòa hợp, như trong phẩm sau nói rộng. Danh tự Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy, do các nhân duyên hòa hợp nên giả danh gọi là Bát-nhã ba-la-mật.
Bát-nhã ba-la-mật là giả danh, nhưng có thể phá các hý luận, vì nó không có tự tánh nên nói chẳng thể thấy, như lửa từ các duyên hòa hợp giả danh là lửa, tuy không có thật mà thể đốt vật.
Hỏi: Nếu vào trong Bát-nhã ba-la-mật không thấy, khi ra liền thấy,làm sao tin được?
Đáp: Trên kia nói Bát-nhã vì thật pháp mà xuất hiện, ấy là có thể tin, ra khỏi Bát-nhã ba-la-mật thì không thật, nên không thể tin.
Hỏi: Nếu vào trong Bát-nhã không thấy, ra khỏi thời thấy, nên biết như vậy chẳng phải thường không, chỉ vì do lực Bát-nhã cho nên không?
Đáp: Vì theo pháp thế tục nên nói hành giả vào Bát-nhã ba-la-mật, vì hý luận về các pháp quán dứt, nên không ra không vào. Nếu các hiền thánh không dùng danh tự để nói, thời không thể giáo hóa phàm phu. Nên nhận ý nghĩa, chứ chẳng nên chấp vào ngữ ngôn.
Hỏi: Nếu trong Bát-nhã quí “hết thảy pháp không”, cớ gì trong đây trước nói “chúng sanh không “ để phá ngã?
Đáp: Ðối với người mới đầu nghe Bát-nhã không được nói hết thảy không. Ngã, không dùng năm căn tìm được, chỉ do ức tưởng phân biệt sanh ý tưởng ngã, không mà bảo có. Lại trong ý căn, không có duyên nhất định, chỉ do ức tưởng phân biệt điên đảo nên đối với năm uẩn trống không, sanh ra ý tưởng ngã, nếu nghe nói vô ngã, thời dễ hiểu được.
Các pháp sắc... chính mắt hiện thấy, nếu lúc đầu mà nói sắc không, không có, thời khó có thể tin. Nay trước tiên phá ngã, tiếp phá ngã sở; phá ngã, ngã sở rồi, thời hết thảy pháp đều không, như vậy lìa dục, gọi là đắc đạo.
Lại nữa, Bát-nhã ba-la-mật, không có pháp nhất định, nên không thấy ta hành Bát-nhã, không thấy ta không hành Bát-nhã. Như phàm phu không được Bát-nhã, nên gọi là không hành. Bồ-tát thời không như vậy, chỉ hành không Bát-nhã, cho nên không thấy không hành.
Lại nữa, Phật là vua pháp, xem thấy trí các Bồ-tát khác rất ít, xen lẫn các kiết sử, không gọi là hành, ví như quốc vương tuy được một vật ít, không gọi là được. Phật cũng như vậy, dạy các Bồ-tát tuy có hành chút ít không gọi là hành.
Lại nữa, người tu hành Bát-nhã ba-la-mật, thì sanh tâm kiêu mạn nói ta có Bát-nhã ba-la-mật, thủ lấy tướng ấy. Nếu không hành thì tâm sanh giải đãi mà ôm lòng ưu não. Thế nên không thấy ta hành cùng không hành.
Lại nữa, không thấy ta hành Bát-nhã ba-la-mật thời phá chấp trước hữu kiến, không thấy ta không hành Bát-nhã ba-la-mật, thời phá chấp trước vô kiến.
Lại nữa, không thấy ta hành Bát-nhã ba-la-mật thời ngưng hý luận các pháp, không thấy ta không hành thời ngưng tâm giải đãi; ví như cỡi ngựa, mau thời gò lại, chậm thời roi đánh. Như vậy phân biệt hành cùng không hành.
Lại nữa, Phật tự nói nhân duyên rằng, Bồ-tát danh tự, Bồ-tát tánh không, trong đây tuy chỉ nói danh tự Bồ-tát không, mà năm uẩn cũng không. Trong không không sắc, lìa sắc cũng không không; không là pháp không, trong pháp không, không có một mảy may pháp, huống gì có sắc thô. Không cũng chẳng lìa sắc, vì cớ sao? Vì phá sắc nên có không, làm sao nói lìa sắc được! Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy, vì cớ sao? Vì Phật lại tự nói nhân duyên rằng, chỉ có danh tự gọi là Bồ-đề, chỉ có danh tự gọi là Bồ-tát, chỉ có danh tự gọi là không.
Hỏi: Trước kia đã nói việc ấy, nay sao còn nói lại?
Đáp: Trước kia nói không thấy Bồ-tát, không thấy danh tự Bồ-tát, không thấy Bát-nhã ba-la-mật, nay nói không thấy nhân duyên ấy, nghĩa là nói chỉ có danh tự gọi là Bồ-đề, chỉ có danh tự gọi là Bồ-tát, chỉ có danh tự gọi là không. Nghĩa chữ Bồ-tát trên kia và Bồ-tát ở đây đồng. Danh tự Bồ-tát thời như trong chương Bồ-tát đã nói.
Bát-nhã ba-la-mật chia làm hai phần: thành tựu gọi là Bồ-đề, chưa thành tựu gọi là không. Thật tướng của sanh là không thể có được nên gọi là vô sanh, vì cớ sao? Vì hoặc trước “sanh” sau có “pháp”, hoặc trước “pháp” sau “sanh”, hoặc sanh và pháp cùng một lúc, đều không thể có được. Như trước đã nói: không sanh nên không diệt, nếu pháp không sanh không diệt như hư không, thì làm sao có nhơ có sạch, ví như hư không, muôn năm mưa không ướt, lửa đốt không cháy, khói không dính, vì cớ sao? Vì vốn tự vô sanh. Bồ-tát quán được như vậy, không thấy lìa pháp chẳng sanh chẳng diệt ấy, lại có pháp sanh diệt, nhơ sạch, vì cớ sao? Vì Phật tự nói nhân duyên rằng hết thảy pháp đều do ức tưởng phân biệt nhân duyên hòa hợp nên cưỡng nói danh tự. Bất khả thuyết là thật nghĩa, còn khả thuyết đều là danh tự.
Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, không thấy hết thảy danh tự, trước chỉ lược nói danh tự là, Bồ-tát, danh tự Bồ-tát, Bát-nhã ba-la-mật, danh tự Bồ-đề. Nay nói rộng hết thảy danh tự, đều không thể thấy, không thấy nên không đắm, không đắm vì không thể có được. Như trong các con mắt, con mắt trí tuệ đệ nhất. Bồ-tát dùng tuệ nhãn tìm khắp không thấy, cho đến không thấy một pháp vi tế, thế nên không đắm.
Hỏi: Nếu Bồ-tát không đắm hết thảy pháp, tại sao không được vào Niết-bàn?
Đáp: Việc ấy đã nói ở nhiều nơi, nay trong đây lược nói: vì tâm đại bi, vì mười phương Phật hộ niệm, vì bổn nguyện chưa tròn, vì lực Tinh tấn ba-la-mật, vì Bát-nhã ba-la-mật và phương tiện hai sự hòa hợp, được gọi là không đắm nơi không đắm.
Có các nhân duyên như vậy, nên nói Bồ-tát tuy không đắm pháp mà chẳng vào Niết-bàn.
(Hết Phẩm Dâng bát thứ 2)
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.189.186.247 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.