Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Hỏi: Thế nào là Ðàn Ba-la-mật được viên mãn?
Ðáp: Nghĩa chữ Ðàn như trên đã nói. Ba-la-mật (Tàu dịch là Ðáo bỉ ngạn - Ðến bờ bên kia). Ấy gọi là vượt qua sông bố thí được đến bờ kia.
Hỏi: Thế nào gọi là không đến bờ kia?
Ðáp: Ví như vượt qua sông chư a đến bờ mà trở lui, gọi là không đến bờ kia. Như khi ngài Xá-lợi-phất, trong sáu mươi kiếp hành đạo Bồ-tát, muốn vượt qua sông bố thí, bấy giờ có kẻ ăn xin đến xin con mắt. Xá-lợi-phất nói: "Con mắt không dùng được chi, xin nó làm gì? Nếu cần thân tôi và tài vật, thời tôi sẽ đem cho!" Người kia đáp: "Không cần thân ông và tài vật, chỉ muốn được con mắt thôi. Nếu ông thực hành bố thí, hãy lấy con mắt cho tôi". Bấy giờ, Xá-lợi-phất móc một con mắt cho, người ăn xin được mắt, liền ở trước mặt Xá-lợi-phất, ngửi rồi chê thúi, nhổ nước miếng mà quăng xuống đất; lại lấy chân chà đạp. Xá-lợi-phất suy nghĩ rằng: "Hạng người tệ như vậy, khó có thể độ được. Con mắt thật vô dụng, mà cố xin cho được, được rồi quăng đi, lại lấy chân chà đạp, sao tệ lắm thế. Hạng người như vậy, không thể độ được; chẳng bằng tự điều phục, sớm thoát vòng sanh tử". Suy nghĩ thế xong, thối đạo Bồ-tát mà xoay hướng Tiểu thừa; ấy gọi là không đến bờ kia. Nếu có thể thẳng tiến không lùi, thành tựu Phật đạo; ấy gọi là đến bờ kia.
Lại nữa, làm công việc được thành tựu cũng gọi là đến bờ kia.
Lại nữa, bờ này là xan tham, bố thí là giữa sông, bờ kia là Phật đạo.
Lại nữa, chấp có chấp không là bờ này; trí tuệ phá chấp có chấp không là bờ kia, siêng tu bố thí gọi là giữa sông.
Lại nữa, bố thí có hai: 1- Ma bố thí, 2- Phật bố thí. Nếu bị giặc kiết sử cướp đoạt, lo buồn sợ hãi (màbố thí); ấy gọi là Ma bố thí, gọi là ở bờ này. Nếu có tâm thanh tịnh bố thí, không bị giặc kiết sử, không sợ hãi, đến được Phật đạo; ấy là Phật bố thí, gọi là đến bờ kia, ấy là Ba-la-mật. Như Phật nói trong kinh Ðộc xà dụ rằng: "Có người mắc tội với vua, vua sai giữ một cái hòm có bốn con rắn độc, vua bảo người tội chăm sóc nuôi nấng. Người ấy suy nghĩ: "Bốn con rắn ấy khó gần, gần thời bị hại, một con còn không nuôi được, huống là bốn con?" Liền quăng hòm mà chạy, vua sai năm người cầm đao rượt theo. Lại gặp một người, miệng thì nói thuận theo mà trong lòng muốn người kia bị thương, nên nói với người ấy rằng: "Biết nuôi Rắn đúng cách, ấy cũng không khó". Nhưng người kia biết rõ, vẫn rong chạy thục mạng, đến một xóm trống vắng, gặp một người lành, mới nói rằng: "Xóm này tuy trống vắng, nhưng là chỗ giặc ở, nay ngươi ở đây chắc chắn bị giặc hại, chớ có ở". Lại chạy nữa, đến một con sông lớn, bờ bên kia là một nước khác, nước đó an vui, thản nhiên thanh tịnh, không có hoạn nạn. Bấy giờ, gom các cỏ cây, buộc lại làm chiếc bè, lấy tay chân bơi tới, hết sức mong vượt qua, khi đã đến được bờ, an vui không còn hoạn nạn.
Vua là ví cho Ma vương, cái hòm là thân người, bốn con rắn độc là bốn đại, năm kẻ giặc cầm đao là năm ấm, một người miệng lành tâm ác là sự nhiễm trước. Xóm trống vắng là sáu căn, giặc là sáu trần, một người thương xót nói cho là vị thầy lành, con sông lớn là ái, chiếc bè là tám Thánh đạo, tay chân siêng bơi qua là tinh tấn. Bờ này là thế gian, bờ kia là Niết-bàn. Vượt qua là A-la-hán sạch hết lậu hoặc. Trong pháp của Bồ-tát cũng như vậy. Nếu bố thí còn có ba thứ chướng ngại là chấp có ta cho, kia nhận và tài vật bố thí, thì ấy là rơi vào cảnh giới Ma, chưa lìa khỏi các nạn. Còn như Bồ-tát bố thí, ba thứ đều thanh tịnh không chướng ngại, thì được chư Phật khen ngợi; ấy là đến bờ kia. Sáu Ba-la-mật này có thể làm cho người ta qua khỏi biển lớn phiền não nhiễm trước và xan tham v.v... đến nơi bờ kia. Thế cho nên gọi là Ba-la-mật.
Hỏi: A-la-hán, Bích-chi Phật cũng có thể đến bờ kia; tại sao không gọi là Ba-la-mật?
Ðáp: A-la-hán, Bích-chi Phật qua đến bờ kia, cùng với Phật qua đến bờ kia, danh đồng mà thật thì khác. A-la-hán, Bích-chi Phật cho sanh tử là bờ này, Niết-bàn là bờ kia, nên không thể vượt qua đến bờ kia của bố thí, vì cớ sao? Vì không thể dùng hết thảy vật, hết thảy thời, hết thảy thứ bố thí. Dầu có thể bố thí cũng không có tâm lớn, hoặc đem tâm vô ký, tâm hữu lậu thiện; hoặc là tâm vô lậu bố thí mà không có tâm đại bi, không thể vì hết thảy chúng sanh mà bố thí. Còn Bồ-tát bố thí thì biết bố thí là bất sanh bất diệt, vô lậu vô vi, như tướng Niết-bàn, vì hết thảy chúng sanh mà bố thí, ấy gọi là Ðàn Ba-la-mật.
Lại nữa, có người nói: "Hết thảy vật, hết thảy vật trong ngoài thân đều đem bố thí, mà không cầu quả báo. Bố thí như vậy, gọi là Ðàn Ba-la-mật.
Lại nữa, không thể cùng tận, nên gọi là Ðàn Ba-la-mật, vì cớ sao? Vì biết vật bố thí là rốt ráo không, như tướng Niết-bàn. Dùng tâm ấy mà bố thí cho chúng sanh, thế nên quả báo không thể cùng tận; gọi là Ðàn Ba-la-mật. Như ngũ thông tiên nhân, đem bảo vật tốt chứa để trong đá, muốn giữ gìn bảo vật ấy, mài kim cương mà bôi lên trên, để không bị phá. Bồ-tát bố thí cũng như vậy. Mài trí tuệ về Niết-bàn thật tứơng mà bôi lên bố thí, làm cho không thể cùng tận.
Lại nữa, Bồ-tát vì hết thảy chúng sanh nên bố thí, số chúng sanh không thể cùng tận nên bố thí cũng không thể cùng tận.
Lại nữa, Bồ-tát vì Phật pháp mà bố thí. Phật pháp vô lượng vô biên nên bố thí cũng vô lượng vô biên. Do vậy, A-la-hán và Bích-chi Phật, tuy đồng đến bờ kia; mà không gọi là Ba-la-mật.
Hỏi: Thế nào gọi là đầy đủ viên mãn?
Ðáp: Như trước đã nói, Bồ-tát bố thí tất cả vật, trong, ngoài, lớn nhỏ, nhiều ít, thô tế; ưa đắm, không ưa đắm; dùng không dùng. Ðủ các thứ như vậy, tất cả có thể xả thí, tâm không lẩn tiếc, bình đẳng cho tất cả chúng sanh. Không khởi lên quan niệm người lớn nên cho, người nhỏ không nên cho; người xuất gia nên cho, người không xuất gia không nên cho. Người nên cho, cầm thú không nên cho. Ðối với tất cả chúng sanh, tâm bình đẳng bố thí, bố thí không cầu quả báo, lại rõ thật tướng của bố thí, ấy gọi là đầy đủ viên mãn.
Cũng không kể thời, không ngày, không đêm, không đông, không hạ, không tốt, không xấu, tất cả thời thường bình đẳng bố thí, tâm không lẩn tiếc, cho đến đầu mắt tủy não, bố thí mà không lẩn, ấy gọi là đầy đủ viên mãn.
Lại nữa, có người nói: "Bồ-tát từ khi phát tâm cho đến khi đủ ba mươi bốn tâm ở tại cội Bồ-đề. Ở vào khoảng trung gian ấy, gọi là đầy đủ viên mãn.
Lại nữa, Thất trụ Bồ-tát được trí tuệ về thật tướng hết thảy các pháp, bấy giờ trang nghiêm Phật độ, giáo hoá chúng sanh, cúng dường chư Phật, được đại thần thông, có thể phân một thân làm vô số thân, mỗi mỗi thân đều mưa xuống bảy báu, hoa hương, phan lọng, hóa làm đèn lớn như núi Tu-di, cúng dường mười phương chư Phật và Bồ-tát Tăng. Lại dùng diệu âm tán tụng đức của Phật, lễ bái, cúng dường, cung kính nghinh tiếp.
Lại nữa, Bồ-tát ấy đối với trong hết thảy mười phương vô lượng cõi ngạ quỷ, mưa xuống các thứ ẩm thực, y phục, khiến cho đầy đủ. Ðược đầy đủ rồi, đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Lại đi đến trong đường súc sanh, khiến nó tự cải thiện, không còn có ý hại nhau, trừ sự sợ hãi, theo chỗ nó cần thiết, đều làm cho đầy đủ. Ðược đầy đủ rồi, đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Ðối với trong địa ngục vô lượng khổ, có thể làm cho lửa địa ngục tiêu diệt, nước sôi hóa lạnh, tội dứt, tâm lành, trừ hết đói khát. Ðược sanh vào cõi trời cõi người, nhờ nhân duyên ấy, đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Nếu là người ở mười phương, ai nghèo cùng thì cấp cho tài vật, ai giàu sang thì cho hương vị lạ, màu sắc lạ, làm cho hoan hỷ. Nhờ nhân duyên ấy, đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Nếu đến trong cõi trời Dục giới, thì khuyên họ trừ bỏ dục lạc cõi trời, thí cho pháp lạc diệu bảo, khiến được hoan hỷ. Nhờ nhân duyên ấy, đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Nếu đi đến trong cõi trời Sắc, thì trừ sự vui đắm của họ, lấy thiền pháp của Bồ-tát làm cho vui thích. Nhờ nhân duyên ấy, đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Như vậy cho đến Thập trú Bồ-đề, ấy gọi là Ðàn Ba-la-mật đầy đủ viên mãn.
Lại nữa, Bồ-tát có hai loại thân: Một là kết nghiệp sanh thân, hai là pháp thân. Với hai loại thân ấy, Ðàn Ba-la-mật được viên mãn; , ấy gọi là đầy đủ Ðàn Ba-la-mật.
Hỏi: Sao gọi là kết nghiệp sanh thân Ðàn Ba-la-mật viên mãn?
Ðáp: Khi chưa được pháp thân, kiết sử chưa hết, có thể lấy hết thảy bảo vật, đầu, mắt, tủy, não, quốc thành, vợ con, tài vật, trong ngoài đã có được, đều đem bố thí, tâm không động chuyển. Như Thái tử Tu-đề-lê-noa (Sudana - Tàu dịch là Thiện Thí, Hảo Ái), đem hai đứa con bố thí cho người Bà-la-môn, tiếp lại bố thí vợ, mà tâm không lay chuyển.
Lại như vua Tát-bà-đạt (Tàu dịch làNhất-thiết-thí) bị nước địch tiêu diệt, trốn thân chốn rừng sâu. Thấy có người Bà-la-môn từ xa đi đến, muốn theo mình để xin, tự cho là mình bị quốc phá gia vong, một thân trốn tránh, nhưng thương kia tân khổ, phải từ xa đi đến mà không xin được gì, mới nói với Bà-la-môn rằng: "Tôi là vua Tát-bà-đạt, vua mới đang mộ người tìm tôi bắt rất gắt". Liền tự trói thân thí cho người Bà-la-môn mang đến vua mới, để nhận được tài vật lớn.
Cũng như Nguyệt Quang Thái tử (Candra-prabha) ra ngoài đi dạo, một người hủi trông thấy đến đón xe thưa rằng: "Thân tôi trọng bệnh, tân khổ áo não, Thái tử dạo chơi, vui riêng một mình chăng? Ðại từ thương tưởng, xin cứu chữa cho?" Thái tử nghe nói, đem hỏi các thầy thuốc. Thầy thuốc nói: "Phải cần đến huyết và tủy của người nào từ khi sanh đến trưởng thành mà không có sân giận, dùng bôi và uống, như vậy có thể lành". Thái tử nghĩ rằng: "Dẫu có người ấy, cũng tham sanh tiếc sống, làm sao được ư? Trừ thân ta ra không chỗ nào tìm được". Liền gọi kẻ Chiên-đà-la bảo trừ thân thịt, chẻ xương lấy tủy đem bôi cho người bệnh, còn huyết thì lấy cho uống.
Như vậy đủ các thứ bố thí thân, vợ con mà không lẩn tiếc, như vứt bỏ cỏ cây. Quán sát vật bố thí biết từ nhân duyên mà có, suy tìm sự thật của nó, hoàn toàn vô sở đắc, hết thảy thanh tịnh như tướng Niết-bàn, ấy là từ nơi thân do kiết nghiệp sanh, thực hành Ðàn Ba-la-mật viên mãn.
Thế nào là pháp thân Bồ-tát thực hành Ðàn Ba-la-mật viên mãn? Nhục thân cuối cùng của Bồ-tát chứng được Vô sanh Pháp nhẫn, xả nhục thân được ở pháp thân, ở trong sáu đạo mười phương biến thân ứng theo sự thích hợp để hóa độ chúng sanh, thí cấp cho hết thảy trân bảo, y phục, ẩm thực. Lại đem đầu mắt, tủy não, quốc độ, vợ con, những vật trong ngoài có được đều đem bố thí. Ví như Thích-ca Văn Phật, từng làm voi trắng sáu ngà, kẻ thợ săn rình cơ hội, lấy tên bắn, cả bầy voi xông đến muốn đạp nát kẻ thợ săn, voi trắng lấy thân cản lại, ủng hộ người kia, thương nó như thương con, và khuyến dụ bầy voi, từ từ hỏi người thợ săn rằng: "Cớ gì bắn tôi?" Thợ săn đáp: "Ta cần ngà của ngươi". Tức thời voi dụi sáu ngà vào trong lỗ đá, máu thịt tuôn ra, dùng vòi quấn ngà đưa cho thợ săn. Tuy rằng thân voi, mà dụng tâm như vậy nên biết voi ấy không phải chịu quả báo súc sanh. Trong pháp A-la-hán, hoàn toàn không có tâm đó. Nên biết đó là pháp thân Bồ-tát.
Có khi người Diêm-phù-đề không biết lễ kính bậc kỳ túc có đức, lấy lời lẽ giáo hoá, mà chưa thể độ họ được. Khi ấy Bồ-tát tự biến thân mình làm chim Ca-lăng-tần-già. Chim ấy có hai bạn thân, một là voi lớn, hai là khỉ, cùng ở chung dưới cây Tất-bát-la. Tự hỏi nhau rằng: "Chúng ta không biết ai đáng là lớn?" Voi nói: "Tôi xưa thấy cây này ở dưới bụng ta mà nay lớn như vậy. Lấy đó để suy, tôi đáng là lớn". Khỉ nói: "Tôi từng ngồi xổm trên đất, đưa tay kéo đọt cây. Lấy đó để suy, tôi đáng là lớn". Chim nói: "Tôi ở trong rừng Tất-bát-la, ăn trái cây này, hạt theo phân đi ra mọc lên cây này. Lấy đó để suy, tôi đáng là người lớn hơn cả". Voi lại nói rằng: "Theo lễ nên cúng dường tiên sanh là bậc kỳ túc". Tức thì voi đưa lưng cõng khỉ, còn chim thì đậu trên khỉ, mà đi dạo khắp. Các loài cầm thú hỏi: "Cớ sao như thế?" Ðáp: "Ðể cung kính cúng dường bậc lão trưởng". Các cầm thú chịu cảm hóa, đều thực hành lễ kínnh, không xâm hại ruộng dân, không giết hại sinh mạng loài vật, mọi người nghi ngờ lấy làm lạ nói: "Tất cả cầm thú không còn làm hại nhau".
Người thợ săn vào rừng, thấy voi cõng khỉ, khỉ đội chim, đi kính lễ và cảm hóa loài vật, loài vật đều biết tu thiện, liền truyền rao đến cho người trong nước biết ai nấy đều mừng nói: "Thời sắp thái bình, chim thú mà nhân từ!"
Người cũng phải bắt chước, đều đi lễ kính. Từ xưa đến nay, đức hóa ấy lưu truyền muôn đời. Nên biết, ấy là pháp thân Bồ-tát.
Lại nữa, pháp thân Bồ-tát, trong khoảng nhất thời, hoá làm vô ương vô số thân, cúng dường mười phương chư Phật. Một lúc có thể hóa ra vô lượng tài vật, cấp đủ cho chúng sanh, có thể tùy theo hết thảy âm thanh bậc thượng, bậc trung, bậc hạ, trong khoảng nhất thời khắp vì thuyết pháp, cho đến khi ở tại cội Bồ-đề. Các thứ như vậy v.v... gọi là pháp thân Bồ-tát, thực hành Ðàn Ba-la-mật viên mãn.
Lại nữa, bố thí có ba thứ: Một là vật thí, hai là cúng dường cung kính thí, ba là Pháp thí.
Thế nào là vật thí? Trân bảo, y phục, ẩm thực, đầu, mắt, tủy, não, tất cả vật nội ngoại có được như vậy, đều đem bố thí; ấy gọi là vật thí.
Cung kính thí là tín tâm thanh tịnh, cung kính lễ bái, tiễn đón rước đưa, tán thán đi nhiễu quanh cúng dường. Các thứ như vậy v.v... gọi là cung kính thí.
Pháp thí là, vì đạo đức, nói năng luận nghị, tụng đọc thuyết giảng, hỏi đáp để trừ nghi, trao truyền ngũ giới cho người. Các thứ như vậy v.v... vì Phật đạo nên bố thí; gọi là Pháp thí. Ba thứ bố thí ấy viên mãn, gọi là Ðàn Ba-la-mật viên mãn.
Lại nữa, do nhân duyên ba sự phát sanh bố thí: Một là tín tâm thanh tịnh, hai là tài vật, ba là phước điền. Tâm có ba: Hoặc thương xót, hoặc cung kính, hoặc cả thương xót và cung kính. Bố thí cho người nghèo cùng hạ tiện và các súc sanh; ấy là thương xót mà bố thí. Bố thí cho Phật và các pháp thân Bồ-tát; ấy là cung kính bố thí. Bố thí cho người già, bệnh, nghèo thiếu, A-la-hán, Bích-chi Phật; ấy là vừa cung kính vừa thương xót bố thí. Vật thí thanh tịnh là vật chẳng phải do trộm cướp mà có, đúng thời mà thí, không cầu danh dự, không cầu lợi dưỡng; hoặc là do tâm mà được phước đức lớn, hoặc là do phước điền mà được công đức lớn; hoặc là do vật tốt mà được công đức lớn.
Thứ nhất là do tâm, như bốn đẳng tâm (từ, bi, hỷ, xả), Niệm Phật tam muội, đem thân thí cho Cọp; như vậy là do tâm mà được công đức lớn. Do phước điền có hai thứ: Một là lân mẫn phước điền; hai là cung kính phước điền. Lân mẫn phước điền là hay sanh tâm lân mẫn; cung kính phước điền là hay sanh tâm cung kính. Như vua A-dục (tàu dịch là Vô Ưu) lấy đất dâng cho Phật.
Lại nữa, về vật thí, như một người nữ, bị rượu say ngập tâm, đem chuỗi Anh lạc bảy báu bố thí tháp Phật Ca-diếp, nhờ phước đức ấy được sanh lên cõi trời Ba-mươi-ba. Các thứ như vậy, gọi là vật thí.
Hỏi: Ðàn gọi là xả bỏ tài vật; sao lại nói đầy đủ không pháp gì xả bỏ?
Ðáp: Ðàn có hai, là xuất thế gian và không xuất thế gian. Nay nói về xuất thế gian. Ðàn là vô thượng, vô tướng nên không có xả bỏ. Thế nên nói đầy đủ không pháp gì xả bỏ.
Lại nữa, tài vật là không thể có được, nên gọi là không có gì xả bỏ. Vật ấy ở vị lai, quá khứ đều không có; còn trong hiện tại thì phân biệt không có pháp gì nhất định. Do đó nên nói không có pháp gì xả bỏ.
Lại nữa, hành giả khi xả bỏ tài vật mà có tâm nghĩ rằng việc bố thí này đem lại công đức lớn, nên ỷ thị mà sanh tâm kiêu mạn ái kiết v.v... Do vậy nên nói là không có gì xả bỏ. Vì không có gì xả bỏ nên không kiêu mạn. Không kiêu mạn nên ái kiết không sanh.
Lại nữa, người thí có hai hạng là người thế gian và người xuất thế gian. Người thế gian có thể xả tài mà không xả thí, còn người xuất thế gian có thể xả tài, có thể xả thí, vì cớ sao? Vì tài vật và tâm bố thí đều không thể có được. Do vậy nên nói đầy đủ không có gì xả bỏ.
Lại nữa, trong Ðàn Ba-la-mật, nói tài vật, người thí và người nhận, ba việc ấy đều không thể có được.
Hỏi: Ba việc hòa hợp, nên gọi là Ðàn. Nay nói cả ba việc không thể có được thì làm sao gọi là Ðàn Ba-la-mật đầy đủ viên mãn? Nay chính có đủ tài vật, người thí và người nhận, sao nói là ba việc không thể có được? Như tấm lụa được bố thí là thật có, vì sao? Vì đã có tên lụa thời có pháp lụa, nếu không có pháp lụa thì cũng không có tên lụa, nhưng đã có tên lụa tất phải có lụa thật?
Lại nữa, lụa có dài có ngắn, thô, tế, trắng, đen, vàng, đỏ, có nhân; có duyên; có làm ra; có phá đi; có quả báo; tùy pháp mà sanh tâm. Mười thước là dài, năm thước là ngắn. Sợi to là thô, sợi nhỏ là tế; tùy theo nhuộm mà có màu, có sợi là nhân, đồ dệt là duyên; nhân ấy duyên ấy hợp lại là tấm lụa. Người tạo thành là làm, người hoại bỏ là phá. Nó ngăn được lạnh nóng, che thân thể; ấy là quả báo. Người có được rất mừng, bị mất đi rất buồn. Dùng nó bố thí, thì được phước và giúp đạo. Nếu kẻ nào ăn trộm hoặc cướp lấy, thì bị giết giữa đô thị, chết vào địa ngục. Các thứ nhân duyên như vậy, nên biết có lụa, gọi là pháp lụa. Tại sao nói vật bố thí là không thể có được?
Ðáp: Ông nói vì có tên gọi cho nên có, việc ấy không đúng, vì sao mà biết? Tên gọi có hai, có cái thật và cái không thật. Có tên mà không thật, như có một loại cỏ tên Thù-lợi (Tàu dịch là giặc). Cỏ Thù-lợi chẳng ăn trộm, chẳng ăn cướp. Thật chẳng phải là giặc mà gọi là giặc. Lại như sừng Thỏ, lông Rùa, cũng chỉ có tên mà không có thật. Lụa tuy không như sừng Thỏ lông Rùa, hoàn toàn không có, nhưng do nhân duyên hội hợp cho nên có, nhân duyên tan rã cho nên không, như đám rừng, như toán quân, các thứ ấy đều là có mà không thật. Vì như người tuy có tên gọi là người mà không thể tìm ra pháp người. Luạ tuy có tên gọi cũng không thể tìm ra lụa thật. Lụa là nhân duyên có thể sanh ra tâm niệm nơi người, được nó thì mừng, mất nó thì buồn, ấy là nhân duyên của tâm niệm.
Tâm sanh do hai nhân duyên: Có khi từ thật mà sanh, có khi từ không thật mà sanh. Như cảnh thấy trong mộng, như trăng trong nước, như ban đêm thấy cây rung cho là người. Như vậy là từ trong không thật mà khiến cho tâm sanh. Nhân duyên ấy bất định, không thể nói vì có tâm sanh cho nên có thật vậy. Nếu do tâm sanh nên có, lại không thể tìm cái thật có, như mắt thấy trăng trong nước, tâm sanh ra bảo đó là trăng, nếu từ tâm mà có trăng ấy, thời không còn là trăng thật.
Lại nữa, ba thứ có: 1- Tương đãi có, 2- Giả danh có, 3- Pháp có.
Tương đãi là đối đãi, như dài ngắn, kia đây v.v... Thật ra không có dài ngắn, cũng không có kia đây, do đối đãi nhau mà có tên gọi. Dài nhân ngắn mà có, ngắn cũng do dài mà có. Kia cũng nhân đây, đây cũng nhân kia. Nếu đứng phiá đông của một vật, thì cho nó là phía Tây; ở phía Tây thời cho nó là phía Ðông. Một vật chưa hề đổi khác mà có Ðông Tây khác nhau. Ðây tức là có danh mà không có thật. Như vậy v.v... gọi là tương đãi cớ; trong đó không có thật pháp, không như sắc, thanh, hương, vị, xúc v.v...
Giả danh có là, như sữa chua có sắc, hương, vị, xúc; bốn sự nhân duyên hợp lại nên giả danh là sữa chua. Tuy có, không đồng với pháp nhân duyên có. Tuy không, cũng không như sừng Thỏ, lông Rùa không, chỉ do nhân duyên hợp lại nên gọi giả danh là sữa chua. Lụa cũng như vậy.
Lại nữa, do có cực vi sắc, hương, vị, xúc nên có phần tử lông; do phần tử lông nên có lông; do có lông nên có lông nhỏ; do có lông nhỏ nên có sợi; do có sợi nên có lụa; do có lụa nên có áo. Nếu không có nhân duyên của cực vi sắc, hương, vị, xúc thì cũng không có phần tử lông; không có phần tử lông thì cũng không có lông; không có lông thì cũng không có lông nhỏ; không có lông nhỏ thì cũng không có sợi; không có sợi thì cũng không có lụa; không có lụa thì cũng không có áo.
Hỏi: Cũng không hẳn mọi vật đều do nhân duyên hòa hợp nên có, như mảy bụi quá nhỏ nên không chia chẻ được, không chia chẻ nên không hòa hợp. Lụa thô nên có thể phá, còn mảy bụi không chia chẻ được thì làm sao có thể phá?
Ðáp: Quá nhỏ cũng không có thật, chỉ gượng mà gọi, vì cớ sao? Thô và tế đối đãi nhau, nhân thô nên có tế; tế ấy lại còn phải có tế nữa...
Lại nữa, nếu cực vi sắc, thời có mười phần theo mười phương hướng. Nếu có mười phần theo mười phương hướng, thời không gọi là cực vi; nếu không có mười phần theo mười phương hướng thời không gọi là sắc.
Lại nữa, nếu có cực vi thời phải chiếm một vị trí giới hạn giữa hư không, nếu có giới hạn thời không gọi là cực vi.
Lại nữa, nếu có cực vi, trong ấy có thành phần sắc, hương, vị, xúc. Có thành phần sắc, hương, vị, xúc; ấy thời không gọi là cực vi. Lấy đó suy tìm, vi trần là không thể có được. Như trong kinh nói: "Sắc hoặc thô, hoặc tế, hoặc trong hoặc ngoài, chung lại quán sát đều là vô thường vô ngã. Không nói có vi trần, ấy là quán không theo cách chia chẻ phá hoại.
Lại có cách quán không, là quán lụa tùy theo tâm. Như người tọa thiền, quán lụa hoặc làm thành đất, hoặc thành nước, hoặc thành lửa, hoặc thành gió, hoặc xanh, hoặcvàng, hoặc trắng, hoặc đỏ, hoặc hoàn toàn không, như quán mười thiết nhập. Như khi Phật ở núi Kỳ-xà-quật, cùng với chúng Tỳ-kheo Tăng, đi vào thành Vương-xá. Giữa đường trông thấy một gốc cây lớn, Phật trải tọa cụ trên gốc cây mà ngồi, bảo các Tỳ-kheo: Nếu Tỳ-kheo nhập thiền, tâm được tự tại, thì có thể khiến gốc cây lớn thành đất.
Liền thành đất thật, vì cớ sao? Vì trong cây ấy có phần tử đất.
Lại nữa, như một sắc đẹp, người dâm dục lấy đó cho là sạch đẹp, tâm sanh nhiễm đắm. Người tu phép Quán bất tịnh thấy toàn là xấu xa trần trụi, không một chút sạch. Người vợ cùng hàng trông thấy thì ghen giận thêm dữ, mắt không muốn nhìn, cho là nhơ nhớp. Người dâm dục xem cho là vui, người ghen ghét xem cho là khổ, người tu tịnh hạnh xem thì đắc đạo, còn người không can dự, thấy mà không chuyên chú, như thấy đất thấy cây. Nếu sắc đẹp ấy thực sạch thì cả bốn hạng người xem đều phải thấy sạch; nếu nó thật không sạch thì cả bốn hạng người xem đều phải thấy là không sạch. Do vậy nên biết, đẹp xấu tại tâm, còn bên ngoài không nhất định. Quán không cũng vậy.
Lại nữa, chính trong lụa ấy có mười tám tướng không, quán xem đó bèn không, "không" cho nên không thể có được. Do các thứ nhân duyên như vậy nên tài vật là không, quyết định không thể có được.
Thế nào là người bố thí không thể có được? Như lụa do nhân duyên hòa hợp nên có, cứ từng phần suy xét, lụa không thể có được. Người bố thí cũng như vậy. Bốn đại bao quanh trống không; gọi là thân. Ở thân ấy có thức động tác các việc đi, lại, ngồi, dậy, giả danh là người. Từng phần suy tìm tướng người cũng không thể có được.
Lại nữa, trong tất cả năm ấm, mười tám giới, mười hai nhập tìm tướng ta không thể có được. Vì ta không thể có được nên người bố thí cũng không thể có được, vì sao? Ta có các thứ tên chữ như người, trời, trai, gái, người thí, người nhận, người thọ khổ, người thọ vui, súc sanh v.v... đều chỉ có tên gọi, mà thật pháp thì không thể có được.
Hỏi: Nếu người thí là không thể có được, thế tại sao có Bồ-tát thực hành Ba-la-mật?
Ðáp: Do nhân duyên hòa hợp nên có danh tự như nhà, như xe, mà thật pháp là không thể có được.
Hỏi: Vì sao "ngã" là không thể có được?
Ðáp: Như trong chương "Như vậy tôi nghe một thời" đã nói nay lại nói thêm. Phật nói sáu thức: Nhãn thức và pháp tương ứng với nhãn thức, cùng duyên sắc, mà chẳng duyên các tên gọi như nhà, thành quách. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân thức, cũng như vậy. Ý thức và pháp tương ứng với ý thức, biết mắt, biết sắc, biết nhãn thức cho đến biết ý, biết pháp, biết ý thức. Các pháp của thức ấy duyên đều là không, vô ngã vì nó sanh diệt và không tự tại. Trong pháp vô vi cũng không chấp ngã, vì không thọ khổ lạc. Trong đây nếu gượng nói có ngã pháp thời phải nên có thức thứ bảy biết ngã, nhưng nay không như vậy, do đó nên biết vô ngã.
Hỏi: Vì sao nói vô ngã? Tất cả mọi người đều chính tự trong thân mình mà sanh chấp ngã, chứ không ở trong thân khác mà sanh chấp ngã. Lại nữa, nếu bên trong vô ngã, còn thức biết sắc cứ niệm niệm sanh diệt, thời làm sao phân biệt biết ấy là sắc xanh, đỏ, vàng, trắng? Lại nữa, nếu vô ngã mà thức của người trong hiện tại, thì lại sanh diệt mới mãi; khi thân mạng chấm dứt nó cũng hết luôn, thế thời các việc làm tội phước, ai đem theo, ai lãnh thọ? Ai thọ khổ vui? Ai được giải thoát? Do các thứ nhân duyên như vậy, nên biết có ngã?
Ðáp: Các việc này đều có nạn vấn! Nếu ở nơi thân khác mà sanh chấp ngã, thời lại sẽ nói vì sao không chính tự thân mình mà sanh chấp ngã?
Lại nữa, do năm uẩn làm nhân duyên mà sanh ra cho nên không, vô ngã. Từ vô minh làm nhân duyên sanh hai mươi thân kiến. Thân kiến ấy từ nơi năm uẩn tương tục sanh. Vì từ năm uẩn tương tục sanh, nên liền chấp năm uẩn ấy làm ngã chứ không chấp ở thân người khác, vì tập quen vậy.
Lại nữa, nếu có thần ngã (linh hồn) thời có thể có cái ngã kia, nhưng thần ngã của ông có hay không chưa rõ, mà hỏi đến cái ngã kia, thì cũng giống như người hỏi sừng thỏ, mà đáp nó tựa như sừng ngựa. Sừng ngựa nếu thật có, thời có thể đem nó làm chứng cho sừng thỏ, nhưng sừng ngựa còn chưa rõ có hay không có mà muốn đem nó làm chứng cho sừng thỏ sao được?
Lại nữa, tự thân mình mà sanh chấp ngã, nên tự cho là có thần ngã. Nhưng các ông nói thần ngã là biến khắp, vậy cũng nên chấp thân người khác làm ngã. Do vậy không nên nói: "Chỉ tự nơi thân mình sanh chấp ngã, nơi thân khác thì không sanh, nên biết có thần ngã".
Lại nữa, có người ở nơi trong vật khác sanh tâm chấp ngã, như người ngoại đạo tọa thiền, khi dùng đất mà tu phép quán thiết nhập, thì thấy đất là ngã, ngã là đất. Quán nước, lửa, gió, không cũng như vậy. Ðó là vì điên đảo, nên ở thân khác cũng chấp ngã.
Lại nữa, có khi ở thân khác mà sanh chấp ngã. Như có một ngươì lãnh sứ mệnh đi xa, một mình vào ngủ trong ngôi nhà trống, nửa đêm thấy một con quỷ mang xác một người chết đến quăng trước mặt. Lại có một con quỷ khác rượt đến, giận mắng con quỷ trước rằng: "Người chết này là vật của ta, sao mày mang đến?" Quỷ trước cãi lại: "Vật của ta, ta tự mang đến". Hai con quỷ, mỗi con cầm một cánh tay dành giật. Con quỷ trước nói: "Trong nhà này có người, có thể hỏi xem?". Quỷ sau liền hỏi: "Xác người chết này ai mang đến?" Người kia suy nghĩ: "Hai con quỷ này sức mạnh, nếu đáp thật cũng phải chết, nếu đáp dối cũng phải chết. Cả hai cách đều không khỏi chết, sao ta lại nói dối?" Liền đáp: "Quỷ trước mang đến". Con quỷ sau liền nổi giận, cầm cánh tay người kia bứt ra quăng xuống đất. Con quỷ trước liền lấy một cánh tay người chết chắp thế vào liền dính. Như vậy, hai tay, hai chân, đầu, sườn, thân thể đều thay đổi. Khi ấy hai con quỷ chung nhau ăn thân người bị thay đổi, xong chùi miệng bỏ đi. Người kia suy nghĩ: "Thân do cha mẹ sanh của ta, tận mắt thấy hai con quỷ đã ăn hết, thân này của ta hiện nay đều là thịt của người chết kia. Vậy ta chắc chắn có thân ư, hay là không có thân ư? Nếu cho là có, thì toàn là thân của người khác; nếu bảo là không, thì hiện nay ta có thân". Suy nghĩ như vậy, tâm rất mê muội, giống như người cuồng, sáng sớm phăng đường mà đi, đến một quốc độ thấy có chúng Tăng tại nơi tháp Phật, không hỏi chuyện gì khác, chỉ hỏi thân mình là có hay không? Các Tỳ-kheo hỏi lại: "Ông làngười nào?" Ðáp: "Tôi cũng không tự biết là người hay không phải là người". Liền kể rõ lại việc trên cho chúng Tăng nghe. Các Tỳ-kheo nói: "Người này tự biết vô ngã, dễ có thể đắc độ". Bèn nói với người kia rằng: "Thân người từ xưa đến nay, thường tự vô ngã, chứ không phải vừa mới ngày nay. Chỉ do bốn đại hòa hợp nên chấp cho là ngã thân, như thân củ của ông là ngã thân, cùng với nay không khác."
Các Tỳ-kheo độ cho tu đạo, dứt hết các phiền não, liền chứng được A-la-hán. Ấy là khi chấp thân người khác làm ngã, chứ không thể nói do có kia có đây nên bảo là có thần ngã.
Lại nữa, thật tánh của thần ngã ấy quyết chắc là không thể có được. Hoặc nó có tướng thường, tướng phi thường, tướng tự tại, tướng chẳng tự tại, tướng làm, tướng chẳng làm, tướng sắc, tướng chẳng sắc; các tướng như vậy đều không thể có được. Nếu có tướng thời có pháp, không tướng thời không pháp. Nay thần ngã là không tướng , thời biết là không có thần ngã. Nếu thần ngã là thường thời không nên có tội sát, vì cớ sao? Thân có thể sát vì chẳng phải thường; còn thần ngã không thể sát, vì là thường.
Hỏi: Thần ngã tuy thường cho nên không thể sát, nhưng sát thân thời mắc tội sát?
Ðáp: Nếu sát thân người mắc tội sát, nhưng trong Luật tạng nói: "Tự sát thân không mắc tội sát". Tội hay phước là do làm não hại hay làm lợi ích người khác mà có, chẳng phải do tự cúng dường thân hay tự sát thân mà có tội phước. Do vậy nên trong Luật tạng nói: "Tự sát thân không có tội sát, mà chỉ có cái lỗi là ngu si, tham nhục, sân nhuế".
Nếu thần ngã là thường, thời không nên có chết, không nên có sanh, vì cớ sao? Vì trong giáo pháp của các ông, thần ngã là thường, biến khắp cả trong năm đường, làm sao có chết sanh? Chết là mất chỗ này, sanh ra ở chỗ kia. Do vậy không được nói "thần ngã là thường". Nếu thần ngã là thường, thời cũng không nên có thọ khổ thọ vui, vì cớ sao? Vì khổ đến thời buồn, lạc đến thời mừng. Nếu bị lo buồn vui mừng làm biến đổi, thời chẳng phải thường. Nếu thần ngã thường thời lẽ đánh như hư không, mưa không thể làm ướt, nắng không thể làm khô; cũng không có đời này, đời sau, chẳng nên có việc đời sau sanh, đời này chết. Nếu thần ngã thường, thời thường có ngã kiến, không thể chứng được Niết-bàn. Nếu thần ngã thường thời không sanh không diệt, không thể có quên có mất. Vì không có thần ngã, mà thức là vô thường, nên có quên có mất. Thế cho nên biết thần ngã chẳng phải thường. Do các thứ nhân duyên như vậy, nên biết thần ngã chẳng phải có tướng thường.
Nếu thần ngã có tướng vô thường, thì cũng không tội, không phước. Nếu thân vô thường, thần ngã cũng vô thường, hai sự đều diệt mất, thời rơi vào chấp đoạn. Rơi vào chấp đoạn, thời không có cái gì đi đến đời sau để thọ tội phước. Nếu đoạn diệt, thời chứng đắc Niết-bàn không cần phải đoạn kiết sử, cũng không cần nhân duyên tội phước của đời sau. Do các thứ nhân duyên như vậy, nên biết thần ngã chẳng phải có vô thường.
Nếu thần ngã có tướng tự tại, tướng tự làm, thời phải tùy theo muốn gì được nấy, nhưng nay điều ước muốn lại không được, điều không ước muốn lại được. Nếu thần ngã tự tại, cũng không nên có sự làm ác hành, phải đọa vào trong ác đạo súc sanh.
Lại nữa, hết thảy chúng sanh đều không ưa khổ. Ai đang ưa vui mà lại bị khổ? Do vậy nên biết thần ngã không tự tại, không tự làm. Lại như người vì sợ tội mà tự gắng làm lành. Nếu tự tại thì vì sao còn sợ tội mà gắng tu phước? Lại các chúng sanh không được như ý, thường bị phiền não ái phược lôi kéo. Do các thứ nhân duyên như vậy, nên biết thần ngã không tự tại, không tự làm. Nếu thần ngã không tự tại, không tự làm, thế là không có tướng thần ngã. Cái ngã các ông nói đó, chính là thức, chứ không phải gì khác.
Lại nữa, nếu thần ngã không làm, tại sao khi Diêm vương hỏi người tội: "Ai khiến ngươi làm tội ấy?" Tội nhân đáp: "Ðó là ngã tự làm". Do vậy nên biết chẳng phải không tự làm. Nếu nói thần ngã có sắc tướng, việc ấy không đúng, vì sao? Vì hết thảy sắc đều vô thường.
Hỏi: Tại sao người ta nói sắc là ngã tướng?
Ðáp: Có người nói "Thần ngã ở trong tâm, nhỏ như hạt cải, thanh tịnh nên gọi là thân tịnh sắc".
Lại có người nói nó như hạt lúa, có người nói nó như hạt đậu, có người nói nửa tấc, có người nói một tấc. Lúc mới thọ thân, nó thọ trước hết, giống như hình tượng xương có trước hết, đến khi thành thân, thì như hình tượng đã được trang nghiêm.
Có người nói thần ngã lớn nhỏ tùy theo thân người, khi chết nó đi ra trước. Những việc như vậy, đều không đúng, vì cớ sao? Vì hết thảy đều do bốn đại tạo nên, là nhân duyên sanh nên vô thường; thần ngã cũng vô thường. Nếu vô thường thì như trên đã nói.
Hỏi: Thân có hai thứ: Thân thô và thân tế. Thân thô là vô thường, còn thân tế là thần ngã, đời đời thường đi vào trong năm đường?
Ðáp: Thân vi tế ấy là không thể có được. Nếu có thân vi tế, thời phải có nơi chỗ có thể biết được; như từ mỗi chỗ trong năm tạng (tâm , can, tỳ, phế, thận) bốn chi thể để tìm đều không thể thấy được.
Hỏi: Tế thân ấy rất vi tế. Khi mới chết nó đã đi; khi còn sống thì tìm không thể có được, thời ông làm sao mà có thể thấy? Lại thân vi tế ấy, chẳng phải năm thức có thể thấy, có thể biết, chỉ có bậc Thánh nhân có thần thông, mới có thể thấy được?
Ðáp: Nếu như vậy, cùng với "không vật" chẳng khác nhau. Như khi người chết, bỏ thân sanh ấm, vào trong thân trung ấm, bấy giờ, thân của đời này diệt, mà thọ thân trung ấm. Nó không có trước sau, khi vừa diệt liền sanh; giống như cái ấn bằng sáp ấn xuống bùn, trong khi bùn nhận được ấm, cái ấn tức thời hoại mất. Bên thành và bên hoại cùng một lúc, không có trước sau. Ngay khi ấy thọ thân trung ấm trung hữu, xã thân trung ấm trung hữu này, thọ thân sanh ấm sanh hữu. Ông nói thân vi tế, chính là thân trung ấm này. Thân trung ấm không ra không vào, giống như ngọn đèn cháy đỏ, sanh và diệt tiếp nối, chẳng thường chẳng đoạn. Phật dạy: "Hết thảy sắc uẩn hoặc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, thảy đều vô thường". Thần ngã với sắc vi tế của ông cũng phải vô thường đoạn diệt. Do các nhân duyên như vậy, nên biết thần ngã chẳng phải sắc tướng.
Thần ngã chẳng phải không sắc tướng. Không sắc là bốn uẩn (thọ, tưởng, hành, thức) và pháp vô vi. Bốn uẩn vì là vô thường, vì là không tự tại, vì thuộc nhân duyên, nân chẳng phải là thần ngã. Trong ba pháp vô vi, thì không chấp có thần ngã được, vì không thọ nhận gì. Do các nhân duyên như vậy, nên biết thần ngã chẳng phải sắc tướng.
Như vậy giữa trời đất, hoặc trong hoặc ngoài, ba đời mười phương tìm thần ngã không thể có được. Chỉ có mười hai nhập hòa hợp sanh ra sáu thức, ba việc hòa hợp gọi là xúc. Từ xúc sanh ra các tâm số pháp thọ, tưởng, tư v.v... Trong pháp ấy do sức vô minh nên có thân kiến sanh; có thân kiến sanh nên cho là có thần ngã. Thân kiến ấy, khi thấy được Khổ đế, phát sanh khổ pháp trí và khổ tỷ trí (bốn loại trí) thì dứt. Khi thân kiến dứt thời không còn thấy có thần ngã. Trước đây các ông nói: Nếu bên trong không có thần ngã, còn thức biết sắc thì cứ niệm niệm sanh diệt, làm sao mà phân biệt biết sắc xanh, vàng, đỏ, trắng?" Theo các ông, nếu có thần ngã, cũng không thể một mình biết được sắc, mà phải nương nhãn thức mới có thể biết được. Nếu như vậy, thì thần ngã thành vô dụng. Nhãn thức biết sắc, sắc sanh diệt. Do tương tợ sanh, tương tợ diệt, vậy sau trong tâm có pháp sanh ra, gọi là niệm. Tướng của niệm ấy thuộc pháp hữu vi, tuy diệt về quá khứ mà có thể biết. Như trí tuệ lực của Thánh nhân, có thể biết việc đời vị lai. Niệm niệm cũng như vậy, có thể biết pháp quá khứ. Nếu nhãn thức trước diệt, sanh nhãn thức sau, nhãn thức sau càng có sức lanh lợi. Sắc tuy tạm có chẳng đứng yên song do niệm lực lanh lợi nên có thể biết. Do sự ấy, tuy niệm niệm sanh diệt vô thường, mà có thể phân biệt biết sắc.
Lại nữa, ông nói thức của người trong hiện tại cứ sanh diệt mới mãi, một khi thân mạng chấm dứt, nó cũng hết luôn. Như vậy các hạnh nghiệp tội phước, ai đem theo, ai lãnh thọ? Ai chịu khổ vui? Ai được giải thoát? Nay sẽ đáp cho các ông: Nay các ông chưa được đạo chân thật, bị các phiền não che tâm, tạo nghiệp làm nhân duyên cho thân tái sanh, khi chết năm uẩn tuần tự tương tục sanh ra, giống như một ngọn đèn lại đốt một ngọn đèn. Lại như hạt lúa sanh ra do có ba nhân duyên là đất, nước và hạt giống. Thân đời sau sanh ra cũng như vậy, có thân, có nghiệp hữu lậu và có kiết sử. Có ba nghiệp ấy nên thân sau sanh ra, trong đó thân và nghiệp là nhân duyên không thể dứt, không thể phá; chỉ các kiết sử là có thể dứt. Khi kiết sử dứt, tuy còn có thân dư tàn, vẫn có thể được giải thoát. Như có hạt lúa, có đất mà không có nước, nên không sanh được. Như vậy tuy có thân, có nghiệp mà không có nước ái kiết thấm nhuần thời không sanh được. Ấy gọi là tuy không có thần ngã, cũng gọi là được giải thoát. Do vô minh nên bị trói; do trí tuệ nên đuợc mở, thời thần ngã vô dụng.
Lại nữa, do danh và sắc hòa hợp, giả danh là người, người ấy bị các kiết sử trói buộc. Ðược móng tay trí tuệ vô lậu mở các kiết sử ấy, bấy giờ gọi là người được giải thoát. Cột dây, mở dây; dây tức là cột, cột không là một pháp riêng khác. Trong thế gian nói cột dây mở dây. Danh và sắc cũng vậy. Danh và sắc hai pháp hòa hợp, giả danh là người. Kiết sử ấy cùng với danh sắc không riêng khác, chỉ có gọi là danh sắc cột, danh sắc mở. Thọ tội thọ phước cũng là như vậy. Tuy không có một pháp gọi là người thật, chỉ có danh sắc thọ quả tội phước mà được gọi là người. Giống như xe chở đồ vật, cứ mỗi mỗi suy tìm. Rốt ráo không có xe thật, nhưng do chở đồ vật nên gọi là xe. Người thọ tội phước cũng là như vậy. Do danh sắc thọ tội phước, mà nhận được cái tên là người thọ. Thọ khổ vui cũng như vậy. Do các nhân duyên như vậy, thần ngã là không thể có được. Thần ngã chính là người bố thí người thọ nhận. Cũng như vậy. Các ông cho thần ngã là người, do vậy nên người thí là không thể có được. Do các nhân duyên như vậy, nên nói là tài vật, người thí, người thọ đều là không thể có được.
Hỏi: Nếu các đức Phật đối với các pháp nói là không bị phá, không bị diệt, không bị sanh, không bị làm; cớ sao ở đây nói ba việc tài vật, người thí và người thọ, phá hoại chia chẻ thì không thể có được?
Ðáp: Như người phàm tục thấy có người thí, thấy có người thọ, thấy có tài vật; đó là cái thấy hư vọng điên đảo, được sanh vào thế gian thọ vui, khi hết phước phải xoay trở lại. Cho nên Phật muốn hàng Bồ-tát thực hành thật đạo, được thật quả báo, tức là Phật đạo. Phật vì phá cái thấy hư vọng nên nói ba việc không thể có được, mà kỳ thật không có gì phá, vì cớ sao? Vì các pháp từ xưa đến nay, rốt ráo là không. Do vô lượng nhân duyên như vậy, mà không thể có được, nên gọi là Ðàn Ba-la-mật đầy đủ viên mãn.
Lại nữa, nếu Bồ-tát thực hành Ðàn Ba-la-mật, mà có thể sanh sáu Ba-la-mật. Khi ấy gọi là Ðàn Ba-la-mật đầy đủ viên mãn.
- Thế nào là bố thí sanh Ðàn Ba-la-mật? Ðàn có bậc thượng, bậc trung, bậc hạ. Từ bậc hạ sanh bậc trung, từ bậc trung sanh bậc thượng. Nếu dùng thức uống ăn thô xấâu đem tâm nhu nhuyến mà bố thí ấy gọi là bậc hạ. Tập quen bố thí dần dần tăng lên có thể đem y phục bảo vật mà bố thí, ấy là từ bậc hạ sinh bậc trung. Tâm bố thí càng tăng, không thương tiếc gì, có thể đem đầu, huyết thịt, quốc thành, tài vật, vợ con mà bố thí hết; ấy là từ bậc trung sanh bậc thượng. Như đức Phật Thích-ca Mâu-ni khi mới phát tâm, làm đại Quốc vương, tên là Quang Minh, tìm cầu Phật đạo, ít nhiều bố thí luân chuyển đời sau thọ thân làm người thợ gốm, dùng đồ tắm rửa và nước đường phèn bố thí cho đức Phật Thích-ca Mâu-ni khác và Tỳ-kheo Tăng. Kiếp sau đó chuyển thân làm người con gái của đại trưởng giả, đem đèn cúng dường đức Phật Kiều-trần-nhã. Các thứ như vậy, gọi là Bồ-tát bố thí bậc hạ.
Như tiền thân đức Phật Thích-ca Mâu-ni thân làm con ông trưởng giả, đem y bố thí cho Phật Ðại-âm-thanh. Sau lại chuyển thân làm vị đại quốc vương, đem lọng bảy báu dúng dường Phật Sư-tử. Sau lại thọ thân làm vị đại trưởng giả, cúng dường cho Phật Diệu Nhân phòng xá thượng hảo và hoa đẹp bảy báu. Các thứ như vậy, gọi là Bồ-tát bố thí bậc trung.
Như tiền thân đức Phật Thích-ca Mâu-ni làm tiên nhân, thấy đức Phật Kiều-trần-nhã đoan chánh thù diệu, bèn từ trên núi cao tự gieo mình xuống trước Phật, thân kia vẫn an ổn, đứng ở một bên Phật. Lại như Bồ-tát Chúng-sanh hỷ-kiến, lấy thân làm đèn cúng dường đức Phật Nhật-nguyệt-quang-đức. Các thứ như vậy không tiếc thân mạng, cúng dường chư Phật, đó là Bồ-tát bố thí bậc thượng. Ấy gọi đó là Bồ-tát ba hạng bố thí.
Nếu có người bắt đầu phát Phật tâm, bố thí cho chúng sanh cũng như vậy. Trước tiên dùng thức uống ăn bố thí, tâm bố thí tăng dần, có thể đem thân thịt bố thí. Trước đem các thứ nước ngon bố thí, sau tâm bố thí tăng dần, có thể đem thân huyết để cho. Trước đem giấy mực, kinh sách bố thí, và đem y phục, ẩm thực, ngoạ cụ, y dược bốn thứ cúng dường để cúng dường pháp sư, sau chứng được pháp thân lại vì vô lượng chúng sanh thuyết đủ các pháp, để làm pháp thí. Các thứ như vậy, từ trong Ðàn Ba-la-mật phát sanh Ðàn Ba-la-mật.
- Thế nào là Bồ-tát bố thí sanh Thi-la Ba-la-mật? Bồ-tát suy nghĩ: "Chúng sanh không biết bố thí, đời sau chịu nghèo cùng; vì nghèo cùng mà sanh trộm cắp; vì trộm cắp mà gây giết hại. Vì nghèo cùng nên không đầy đủ sắc đẹp; vì sắc không đầy đủ mà hành tà dâm. Lại vì nghèo cùng mà bị làm người hạ tiện; hạ tiện sợ hãi mà sanh nói dối. Do nhân duyên nghèo cùng như vậy, làm mười điều bất thiện đạo; nếu tu hành bố thí, sanh ra có tài của; có tài của nên không làm điều phi pháp, vì cớ sao? Vì ngũ dục đầy đủ, không thiếu thốn chi. Như Ðề-bà-đạt kiếp trước từng làm một con rắn, ở chung với một con ếch, một con rùa trong một cái ao; kết làm bạn thân, sau đó nước ao khô hết, đói khổ cùng khốn, không tố cáo đâu được. Rắn khiến Rùa kêu ếch đến, ếch nói kệ bảo lại Rùa rằng:
"Nếu gặp nghèo cùng mất bản tâm,
Không vì nghĩa cũ, trước vì ăn,
Anh đem lời tôi nói lại rắn,
Ếch không bao giờ đến bên rắn".
Nếu tu bố thí, đời sau có phước, không bị thiếu thốn, thời có thể trì giới, không làm các điều ác. Ấy là bố thí phát sanh Giới Ba-la-mật.
Lại nữa, khi bố thí, có thể làm cho các kiết sử phá giới bị mỏng, tăng thêm tâm trì giới, được kiên cố. Ấy là bố thí làm nhân duyên tăng ích cho giới.
Lại nữa, Bồ-tát bố thí, thường sanh tâm từ bi đối với người lãnh thọ, không đắm tài vật; vật của mình còn không tiếc, huống gì cướp trộm? Ðã từ bi với người thọ lãnh, thì đâu còn có ý giết hại? Hay ngăn sự phá giới như vậy; ấy là bố thí sanh giới. Nếu năng bố thí để phá cái tâm xan tham, vậy sau trì giới, nhẫn nhục v.v... để được thực hành. Như Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, vào kiếp rất xa trong quá khứ, từng làm Tỳ-kheo, đi vào thành khất thực, được "hoàn hoan hỷ" đủ trăm vị đầy bình bát. Trong thành có một em bé đi theo xin, không cho liền, đợi đến trước bức tranh Phật cầm hai hoàn hoan hỷ lên mà giao ước với nó rằng: "Nếu em ăn một hoàn còn một hoàn bố thí cho chúng Tăng, thì ta sẽ cho!". Nó liền chấp nhận, đem một hoàn hoan hỷ bố thí chúng Tăng, vậy sau xin thọ giới với Văn-thù-sư-lợi, phát nguyện làm Phật. Bố thí như vậy, có thể làm cho thọ giới phát tâm làm Phật, ấy là sanh Giới Ba-la-mật.
Lại nữa, quả báo bố thí được bốn sự cúng dường, gặp quốc độ tốt, thầy hay, không bị thiếu thốn, cho nên có thể trì giới. Lại, quả báo bố thí làm cho tâm kia điều nhu, do tâm điều nhu nên phát sanh sự trì giới; do phát sanh sự trì giới, nên từ pháp bất thiện mà có thể tự điều phục tâm. Do các nhân duyên bố thí như vậy, từ bố thí phát sanh giới Ba-la-mật.
- Thế nào là bố thí làm phát sanh Nhẫn nhục Ba-la-mật? Khi Bồ-tát bố thí, gặp người thọ lãnh ngỗ nghịch mắng nhiếc; hoặc đòi xin cho nhiều; hoặc đòi xin không phải lúc; hoặc không đáng đòi xin mà cứ đòi xin. Khi ấy Bồ-tát tự suy nghĩ rằng: "Ta nay bố thí để cầu Phật đạo, cũng không bảo có ai khiến tabố thí, chính ta tự làm, tại sao ta sân?" Suy nghĩ như vậy, để thực hành Nhẫn nhục, ấy là bố thí làm phát sanh Nhẫn nhục Ba-la-mật.
Lai nữa, khi Bồ-tát bố thí, gặp người thọ lãnh oán giận bức não, bèn tự suy nghĩ rằng: "Nay ta bố thí, tài vật trong ngoài, khó bỏ mà có thể bỏ; huống gì đối với âm thanh trống rỗng mà không thể nhẫn được sao? Nếu ta không nhẫn, thì những vật bố thí trở thành bất tịnh. Ví như Voi trắng vào ao tắm rửa, ra khỏi ao lại lấy đất bôi vào mình. Bố thí mà không nhẫn nhục cũng nhu vậy. Suy nghĩ như vậy, mà thực hành nhẫn nhục". Do các nhân duyên của bố thí như vậy, nên phát sanh Nhẫn nhục Ba-la-mật.
- Thế nào là bố thí làm phát sanh Tinh tấn Ba-la-mật? Khi Bồ-tát bố thí, thường thực hành Tinh tấn, vì cớ sao? Khi Bồ-tát mới phát tâm, công đức chưa lớn. Bấy giờ muốn thực hành hai sự bố thí, để làm mãn nguyện của hết thảy chúng sanh. Nhưng vì tài vật không đủ, phải siêng năng tìm tài và pháp để cung cấp cho đầy đủ. Như tiền thân của đức Phật Thích-ca Mâu-ni, làm vị đại y vương, chữa hết thảy bệnh, không cầu danh lợi, mà chỉ vì thương xót chúng sanh. Song người bệnh quá nhiều, sức không cứu khắp, lo nghĩ đến hết thảy, nhưng không làm theo được tâm nguyện, áo não mà chết, liền sanh lên cõi trời Ðao-lợi, tự suy nghĩ rằng: "Nay ta sanh cõi Trời, chỉ ăn phước báo, không có ích lâu dài", liền tự tìm phương tiện chấm dứt thân mạng, bỏ đời sống cõi Trời, hạ sanh làm Thái tử Rồng ở trong cung Long vương Ta-già-đà. Thân hình to lớn, cha mẹ quý yêu. Lại muốn lấy cái chết, đi đến vua chim Kim-sí, chim liền bắt Rồng Thái tử đem lên cây Xa-ma-lỵ mà nuốt. Cha mẹ kêu la khóc lóc áo não. Rồng con sau khi đã chết, lại sanh làm Thái tử của vị đại Quốc vương trong cõi Diêm-phù-đề, tên là Năng thí. Khi sanh ra đã nói được, hỏi các người hai bên: "Nay trong nước này có những vật gì đều đem hết lại đây để bố thí". Mọi người sợ hãi, đều bỏ chạy cả. Mẹ thái tử thuơng xót, một mình tự giữ con. Thái tử nói với mẹ: "Con không phải quỷ La-sát, sao mọi người chạy hết? Kiếp trước con thường ưa bố thí, con là Ðàn-việt của mọi người". Mẹ Thái tử nghe lời nói ấy, đem nói lại với mọi người, mọi người liền trở lại.
Bà mẹ khéo nuôi nấng Thái tử, đến khi khôn lớn, tự mình có được gì Thái tử đều đem bố thí hết. Ðến chỗ vua cha, xin vật để bố thí, vua cha chia phần cho lại đem thí hết. Thấy người cõi Diêm-phù-đề nghèo cùng tân khổ, suy nghĩ muốn cấp thí mà tài vật không đủ, bèn tự than khóc, hỏi người hai bên rằng: "Làm cách nào để khiến cho hết thảy đầy đủ tài vật?" Các người lão trả lời rằng: "Chúng tôi từng nghe nói có ngọc Như ý, nếu được ngọc ấy thời có thể tùy tâm cầu gì được nấy". Bồ-tát nghe lời ấy xong, thưa với cha mẹ xin đi vào biển cả tìm ngọc báu Như ý trên đầu Long vương. Cha mẹ trả lời: "Ta chỉ có một mình con, nếu vào biển cả, tai nạn khó tránh. Một mai mất con, chúng ta sống làm gì, không cần đi! Trong kho của ta hiện còn nhiều vật, sẽ cấp cho con". Thái tử nói: "Vật trong kho có hạn, mà tâm con vô hạn. Con muốn đem của cho đủ hết thảy, không còn ai thiếu thốn. Xin chấp nhận cho con được toại nguyện, làm cho người cõi Diêm-phù-đề, hết thảy sung túc". Cha mẹ biết chí lớn của con, không dám cầm ngăn, bèn để cho đi.
Khi ấy năm trăm khách buôn, vì cho Thái tử là bậc đại nhân phước dức, đều thích đi theo, biết ngày khởi hành của Thái tử, tập họp tại cửa biển. Bồ-tát trước nghe nói trên đầu Long vương Ta-già-đàcó ngọc báu Như ý, hỏi mọi người rằng: "Ai biết thủy đạo dẫn đến cung của Rồng kia?" Có một người mù tên là Ðà-xá, từng có bảy phen đi vào biển cả, biết rõ hải đạo. Bồ-tát liền bảo cùng đi. Người ấy trả lời: "Tuổi tôi đã già, hai mắt không sáng, tuy từng vào biển nhiều lần, song nay không thể đi được". Bồ-tát hỏi: "Ta nay đi đây, không vì thân mình mà khắp vì hết thảy tìm ngọc Như ý, để cung cấp đủ cho chúng sanh, để cho thân không còn thiếu thốn. Kế đó đem đạo pháp nhân duyên mà giáo hóa họ. Ông là người trí, từ chối sao được ư? Nguyện ta được thành tựu, há chẳng phải nhờ sức ông sao!" Ðà-xá nghe lời Thái tử ước hẹn, vui vẻ đồng tình, nói với Bồ-tát rằng: "Nay tôi đi với ông vào biển cả, chắc thân tôi không toàn, ông hãy đặt thi hài của tôi trên bãi cát vàng trong biển cả".
Việc đi ra tập họp xong, bức sợi dây thứ bảy, thuyền đi như bay, đến các bãi báu. Các khách buôn dành lấy bảy báu, ai nấy đã đủ, hỏi Bồ-tát rằng: "Vì sao không lấy?" Bồ-tát trả lời: "Thứ tôi cần là ngọc báu Như ý, còn đây là vật có ngày hết, tôi không cần. Các người hãy nên biết đủ, biết độ lượng, đừng để thuyền nặng, không tự thoát khỏi được". Các khách buôn thưa với với Bồ-tát rằng: "Ðại đức! Chú nguyện cho chúng tôi để được an ổn". Rồi cáo từ chia tay. Ðà-xá khi ấy nói với Bồ-tát rằng: "Giữ lại chiếc thuyền nhỏ theo đường riêng mà đi. Ðợi gió bảy ngày, nương gió theo bờ biển phía nam, đến một chỗ hiểm, sẽ có ven núi chót vót, nhánh cây rừng táo đều phủ trên nước, gió lớn thổi thuyền, thuyền sẽ lật ấp. Ông hãy ngước lên vin cành cây táo, có thể tự cứu được; còn tôi không có mắt, sẽ chết nơi đây. Qua khỏi bờ hiểm này, sẽ có bãi cát vàng, có thể đem xác tôi đặt trong cát ấy; cát vàng thanh tịnh, ấy là ý nguyện của tôi".
Thái tử liền như lời nói ấy, gió đến mà đi. Khi đã đến bờ chót vót, đúng như lời Ðà-xá nói, Bồ-tát ngước lên vin cành táo, tự được thoát khỏi. Ðặt thây Ðà-xá, quàng yên nơi đất vàng, rồi đi một mình. Ðúng như lời chỉ bày của Ðà-xá trước đó, nổi trong nước sâu bảy ngày; giữa nước ngang họng đi bảy ngày; giữa nước ngang lưng đi bảy ngày; giữa nước ngang đầu gối đi bảy ngày ; sát giữa bùn đi bảy ngày. Thấy hoa sen đẹp, xinh tươi mềm dịu, Bồ-tát tự suy nghĩ: "Hoa này mềm bở, ta hãy nhập Hư không tam muội, tự làm nhẹ mình", đi trên Hoa sen bảy ngày. Thấy các con Rắn độc, lại suy nghĩ: "Loại trùng ngậm độc rất đáng sợ". Bồ-tát liền nhập Từ tâm tam muội, đi trên đầu Rắn độc bảy ngày. Rắn độc ngẩng đầu lên để Bồ-tát đạp lên trên mà đi qua. Qua khỏi nạn này, thấy có thành báu bảy lớp, có bảy lớp hào; trong hào đầy cả Rắn độc; có hai con Rồng lớn giữ cửa. Rồng thấy Bồ-tát hình dung đoan chánh, tướng hảo uy nghi, vượt khỏi các nạn được đến nơi đây; suy nghĩ rằng: "Ðây không phải là người phàm phu, chắc là bậc Bồ-tát công đức lớn!", liền cho phép bước tới đi thẳng vào cung.
Gặp khi vợ chồng Long vương vừa mới chôn con, còn đang khóc lóc. Thấy Bồ-tát đến, vợ chồng Long vương có thần thông, biết đó là con, hai vú sữa chảy ra, bảo ngồi xuống mà hỏi rằng: "Con là con ta, bỏ ta mà qua đời, nay sanh ở chỗ nào?". Bồ-tát cũng tự biết kiếp trước, biết đây là cha mẹ, mà trả lời mẹ rằng: "Con sanh trên cõi Diêm-phù-đề, làm thái tử của đại Quốc vương, thương xót người nghèo cùng, đói rét cực khổ, không được tự tại, cho nên đi đến đây, muốn xin ngọc Như ý". Long mẫu nói: "Trên đầu cha con, có ngọc báu đó, để trang sức đầu, khó có thể cho con được. Chắc sẽ đưa con vào kho báu, tùy ý con muốn, ắt muốn cho con. Con hãy trả lời rằng: Các thứ tạp bảo kia, con không cần, con chỉ muốn được ngọc báu trên đầu phụ vương. Nếu được thương xót, xin lấy cho con. Như thế có thể được".
Bồ-tát liền đến gặp Long phụ, Long vương rất vừa mừng, vừa thương, vui vẻ vô hạn. Thương nghĩ đứa con, từ xa vượt gian nan mới đi đến được đây, liền đưa tay chỉ các châu bảo tốt: "Tùy ý cho con, cần thì lấy". Bồ-tát nói: "Con từ xa đến, nguyẹân gặp phụ vương, cầu xin ngọc báu Như ý trên đầu. Nếu được thương xót, hãy lấy cho con; nếu không được cho, con không cần vật khác!" Long vương trả lời rằng: "Ta chỉ có một viên ngọc, thường trang sức trên đầu, người cõi Diêm-phù-đề bạc phước hạ tiện, không đáng thấy". Bồ-tát nói: "Con vì ngọc đó, xa vượt gian nan, liều chết đến đây, chính vì người cõi Diêm-phù-đề bạc phước hạ tiện, để xin ngọc báu Như ý cứu vớt sự mong cầu của họ; vậy sau lấy nhân duyên Phật đạo mà giáo hóa họ". Long vương cho ngọc và dặn dò rằng: "Nay ta lấy ngọc này cho con, khi con qua đời, hãy đem trả lại cho ta". Bồ-tát thưa: "Kính vâng như lời Phụ vương nói".
Bồ-tát được ngọc. Bay lên hư không, trong khoảnh khắc co duỗi cánh tay, đã đến Diêm-phù-đề. Vua cha vua mẹ cõi người thấy con yên lành trở về, vui mừng nhảy nhót, ôm mà hỏi rằng:" Con được vật gì?". Bồ-tát thưa: "Ðược ngọc báu Như ý". Lại hỏi: "Nay ở đâu rồi". Ðáp: "Ở trong chéo áo này". Cha mẹ nói: "Sao, nó lớn nhỏ?" Thưa: "Cốt ở thần đức của nó, không cốt lớn. Thưa cha mẹ, hãy sắc cho trong ngoài thành, quét dọn đốt hương, tro lụa, phan, lọng, trì trai thọ giới, sáng sớm ngày mai, dựng cây dài làm nêu, lấy ngọc đặt lên trên". Bồ-tát, khi ấy lập thệ nguyện rằng: "Nếu tôi sẽ thành Phật đạo, độ thoát hết thảy thì ngọc sẽ theo như ý nguyện của tôi, xuất sanh hết thảy bảo vật, tùy ai cần gì thì được đầy đủ". Bấy giờ, mây im trải khắp, mưa các vật báu; y phục ẩm thực, ngọa cụ thuốc thang, đầy đủ các điều cần thiết cho mọi người; cho đến khi mạng chung, thường như vậy không dứt. Như vậy gọi là Bồ-tát bố thí phát sanh Tinh tấn Ba-la-mật.
- Thế nào Bồ-tát bố thí phát sanh Thiền Ba-la-mật? Khi Bồ-tát bố thí thì trừ được xan tham. Trừ xan tham rồi, nhân việc bố thí này mà thực hành nhất tâm, trừ dần năm triền cái. Trừ được năm triền cái; ấy gọi là thiền.
Lại nữa, tâm nương theo bố thí mà nhập vào Sơ thiền, cho đến Diệt-tận-định thiền. Thế nào là nương? Nếu khi bố thí cho người hành thiền, tâm tự nghĩ rằng: "Ta vì người này hành thiền định nên tịnh tâm cúng dường; ta nay vì sao tự bỏ tu thiền? Liền tự kiềm chế tâm, tư duy hành thiền. Nếu bố thí cho người nghèo, suy nghĩ đời trước người này làm các điều bất thiện, không cầu nhất tâm, không tu phước nghiệp, nên đời nay nghèo cùng, do đó tự cố gắng tu thiện, nhất tâm để vào thiền định. Như truyện nói: "Chuyển luân Thánh vương Hỷ kiến, có tám vạn bốn ngàn tiểu vương đến chầu, đều đem bảy báu, vật quý đến hiến. Vua nói: "Tôi không cần, các ngươi mỗi người tự nên tu phước". Các vua nói: "Ðại vương tuy không cần lấy, chúng tôi cũng không nên tự đem dùng". Liền chung nhau tìm thợ, lập điện bảy báu, làm ao tắm bảy báu. Ở trong đại điện tạo tám vạn bốn ngàn lầu bảy báu, trong lầu đều có giường nằm bảy báu, gối bọc tạp sắc, đặt ở hai đầu giường, treo lụa phan lọng, xông hương bôi đất. Mọi việc đầy đủ, bạch đại vương rằng: "Xin đại vương thọ nhận pháp điện, cây báu, ao báu" Vua im lặng thọ nhận, mà tự nghĩ rằng: "Ta nay không cần trước tiên ở điện mới, để tự vui chơi, nên cầu thiện nhân, các Sa-môn, Bà-la-môn, trước tiên vào để cúng dường, vậy sau ta sẽ ở". Liền nhóm các thiện nhân, trước tiên vào bảo điện, cúng dường đầy đủ các thứ vi diệu. Khi mọi người ra rồi, vua mới vào bảo điện, lên lầu vàng, ngồi giường vàng, nghĩ tới việc bố thí, trừ năm triền cái, nhiếp sáu căn, trừ sáu trần, thọ hỷ lạc vào Sơ thiền. Tiếp lên lầu bạc, ngồi giường vàng, vào Nhị thiền. Tiếp lên lầu Tỳ-lưu-ly, ngồi giường pha lê, vào Tam thiền. Tiếp lên lầu pha lê, ngồi giường Tỳ-lưu-ly, vào Tứ thiền. Ngồi một mình tư duy, suốt trong ba tháng.
Ngọc nữ, bảo hậu, với tám vạn bốn ngàn thị nữ đông đủ, đều lấy ngọc trắng danh bảo xâu làm chuỗi đeo thân, đến thưa với vua: "Từ lâu trái bỏ hầu hạ, nay chúng tôi dám đến thăm hỏi". Vua bảo: "Các em gái, các em mỗi người hãy đoan chánh tâm, nên làm người tri thức của tôi, chớ làm kẻ oán của tôi". Ngọc nữ, bảo hậu, đều rơi lệ nói: "Ðại vương! Sao gọi chúng tôi là em gái? Chắc ngài có lòng khác, xin cho nghe ý ấy? Tại sao sắc bảo "Hãy làm người tri thức, chớ làm kẻ oán của tôi?" Vua bảo rằng: "Các vị nếu lấy tôi làm nhân duyên ở đời, chung hành dục sự cho là vui sướng, thì đó là kẻ oán cuả tôi. Nếu giác ngộ được lẽ vô thường, biết thân như huyễn, lo tu phước hành thiện, dứt bỏ dục tình, thì đó là người tri thức của tôi". Các ngọc nữ thưa: "Kính vâng lời như vua sắc". Nói lời ấy xong, liền bảo nhau trở về.
Các ngọc nữ đi ra rồi, vua lên lầu vàng, ngồi giường bạc, thực hành Từ tam muội. Lên lầu bạc, ngồi giường vàng, thực hành Bi tam muội. Lên lầu Tỳ-lưu-ly, ngồi giường pha lê, thực hành Hỷ tam muội. Lên lầu báu pha lê, ngồi giường Tỳ-lưu-ly, thực hành Xả tam muội, ấy là Bồ-tát bố thí phát sanh Thiền Ba-la-mật.
- Thế nào là Bồ-tát bố thí phát sanh Bát-nhã Ba-la-mật? Khi Bồ-tát bố thí, biết rõ sự bố thí này chắc chắn có quả báo không chút nghi hoặc, phá được tà kiến vô minh, ấy là bố thí phát sanh Bát-nhã.
Lại nữa, khi Bồ-tát bố thí, có thể phân biệt biết: "Người không trì giới, hoặc hay đánh đập tra khảo, giam trói trái phép; nhưng nếu được tài vật mà biết làm bố thí, thì sẽ sanh ra trong loài voi, ngựa, trâu. Tuy chịu thân hình súc sanh, chở nặng, bị roi đánh, cùm xiềng, kéo xe, cỡi, nhưng thường được ở nhà tốt, ăn ngon, được người quí trọng, được người cung cấp.
Lại biết người ác, ôm lòng sân hận nhiều, tâm quanh co không ngay thẳng, mà biết làm bố thí, sẽ đọa trong loài Rồng, được cung điện bảy báu, ăn ngon, sắc đẹp.
Lại biết người nhiều kiêu mạn bố thí với sân tâm, sẽ đọa trong loài chim Kim-sí. Thường được tự tại; có ngọc báu Như ý để làm chuỗi Anh lạc; mọi sự cần dùng đều được tự do, không có điều gì không như ý; biến hóa vạn đoan; không việc gì không làm,
Lại biết người tể quan, uổn lạm của nhân dân, không thuận theo pháp trị mà chiếm lấy tài vật để dùng bố thí, sẽ đọa trong loài quỷ thần, làm quỷ Cưu-bàn-trà biến hóa đủ cách, tự vui với Năm trần.
Lại biết người nhiều sân giận, tàn nhẫn, ngang trái, yêu thích rượu thịt, mà biết bố thí, sẽ đọa trong loài Dạ-xoa đi trên đất, thường được các thứ hoan lạc, âm nhạc, ăn uống.
Lại biết có người cang cường, ngang bướng, hùng hổ, mà biết bố thí, sẽ đọa trong loài Dạ-xoa đi giữa hư không, có sức mạnh, đi đến nơi như gió.
Lại biết có người tâm hay tật đố, ưa đấu tranh, song biết đem phòng xá, đồ nằm, y phục, ăn uống tốt bố thí, cho nên sanh trong loài Dạ-xoa có cung quán bay đi; có các vật thuận tiện làm vui thân.
Các thứ như vậy, khi bố thí có thể phân biêït biết, ấy là Bồ-tát bố thí phát sanh Bát-nhã.
Lại nữa, bố thí ăn uống thì được quả báo có sức mạnh, sống lâu, an lạc, đồ ăn ngon. Nếu bố thí y phục, khi sanh ra biết tàm quý, có oai đức đoan chánh, thân tâm an lạc. Nếu bố thí phòng nhà, thời tự nhiên có được các thứ cung quán bảy báu, tự vui thú năm dục. Nếu bố thí giường, ao, suối nước, các thứ nước ngon, khi sanh ra không bị đói khát, có đầy đủ năm dục lạc. Nếu bố thí cầu đò và giày dép, khi sanh ra có đủ các thứ xe ngựa. Nếu bố thí vưòn rừng, thời được hào qúy, tôn trọng, làm chỗ nương dựa cho hết thảy, thọ thân đoan chánh, tâm vui không lo buồn. Những hạng người như vậy, do nhân duyên bố thí mà được.
Nếu người bố thí, tu hành phước đức, mà không ưa tác nghiệp sanh hoạt theo hữu vi, thời sanh được chỗ Tứ-thiên-vương. Nếu người bố thí, còn thêm cúng dường cha mẹ và chú bác anh chị, không sân không hận, không ưa tranh cãi, thời sanh được vào cõi trời Ðao-lợi, Diệm-ma, Ðâu-suất, Hóa-tự-tại, Tha-hóa-tự-tại. Các thứ phân biệt về bố thí như vậy; ấy là Bồ-tát bố thí phát sanh Bát-nhã.
Nếu người bố thí, mà tâm không nhiễm đắm, nhàm chán thế gian, cầu vui Niết-bàn; ấy là A-la-hán, Bích-chi Phật bố thí.
Nếu người bố thí mà vì Phật đạo, vì chúng sanh; ấy là Bồ-tát bố thí. Như vậy trong các thứ bố thí đều phân biệt biết; ấy là Bồ-tát bố thí phát sanh Bát-nhã Ba-la-mật.
Lại nữa, khi Bồ-tát bố thí, tư duy thật tướng của ba sự (người thí, người nhận, tài vật) như trên đã nói. Biết được như thế là Bồ-tát bố thí phát sanh Bát-nhã Ba-la-mật.
Lại nữa, nhân duyên của hết thảy trí tuệ và công đức đều do bố thí. Như ngàn Phật khi mới phát tâm, là đem các thứ tài vật bố thí cho chư Phật, hoặc lấy hương hoa, hoặc lấy y phục, hoặc lấy cành dương bố thí để mà phát tâm. Các thứ bố thí như vậy, ấy làBồ-tát bố thí phát sanh Bát-nhã Ba-la-mật.
(Hết cuốn 12 theo bản Hán)
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 52.14.88.137 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.