Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Trí Độ Luận [大智度論] »» Bản Việt dịch quyển số 8 »»

Đại Trí Độ Luận [大智度論] »» Bản Việt dịch quyển số 8

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.66 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.77 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Luận Đại Trí Độ

Kinh này có 100 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 |
Việt dịch: Thích Thiện Siêu

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Chương 14
PHÓNG QUANG

KINH: Bấy giờ, Thế Tôn dùng ánh sáng thường chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới, và đến thế giới của chư Phật nhiều như cát sông Hằng ở phương Đông, cho đến mười phương cũng như vậy. Nếu có chúng sanh gặp được ánh sáng ấy, chắc chắn được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam Bồ-đề.
LUẬN:
Hỏi: Trên đã toàn thân mỉm cười và lỗ chân lông phóng ánh sáng, nay vì sao còn phóng ánh sáng thường để chiếu mười phương?
Đáp: Có người thấy ánh sáng lạ, bảo đó không phải ánh sáng của Phật. Thấy ánh sáng của Phật lớn dần thì tâm sanh hoan hỷ, nói đó thật là ánh sáng của Phật, nên chắc chắn đạt đến A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam Bồ-đề.
Hỏi: Thế nào là ánh sáng thường?
Đáp: Bốn bên thân Phật đều có ánh sáng một trượng, khi Bồ-tát sanh ra liền có. Đó là trong ba mươi hai tướng gọi là tướng trượng quang.
Hỏi: Vì sao ánh sáng của Phật thường một trượng mà không nhiều hơn?
Đáp: Ánh sáng thường của chư Phật thì vô lượng, thường chiếu mười phương thế giới. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni có thần thông và thân quang vô lượng, hoặc một trượng, trăm trượng, ngàn trượng, vạn ức cho đến khắp ba ngàn đại thiên thế giới, cho đến cả mười phương, như pháp thường của chư Phật. Nhưng vì chúng sanh ở trong đời ngũ trược ít đức ít trí, nên chỉ hiện ra ánh sáng một trượng, nếu hiện ra ánh sáng nhiều hơn thì hiện chúng sanh phước mỏng, căn độn, mắt không kham nổi ánh sáng đó. Như người thấy thân trời, thì con mắt bị mờ, vì ánh sáng mạnh mà mắt yếu. Nếu chúng ta có lợi căn phước trọng thời Phật sẽ hiện ra ánh sáng vô lượng.
Lại nữa, có người do thấy ánh sáng thường của Phật, sanh tâm hoan hỷ mà được đắc độ, cũng như Quốc vương đem đồ ăn thường còn lại cho kẻ dưới, người nhận được rất vui. Phật cũng như vậy, có người thấy các thứ ánh sáng khác thì tâm không hoan hỷ, mà thấy ánh sáng thường của Phật thì chắc chắn đạt đến A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam Bồ-đề.
KINH: Bấy giờ, Thế Tôn hiện ra tướng lưỡi rộng dài phủ khắp ba ngàn đại thiên thế giới, vui vẻ mỉm cười. Từ thiệt căn ấy phóng ra vô lượng ngàn vạn ức ánh sáng, mỗi ánh sáng ấy hóa thành hoa báu kim sắc ngàn cánh. Trên các hoa ấy đều có hóa Phật kiết-già phu tọa, thuyết sáu độ Ba-la-mật, chúng sanh nghe được, chắc chắn được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam Bồ-đề. Cho đến các thế giới của chư Phật ở mười phương nhiều như cát sông Hằng đều cũng như vậy.
LUẬN: Hỏi: Như Phật Thế-Tôn, Đại đức tôn trọng, vì sao hiện ra lưỡi rộng dài có vẻ như tướng thấp kém?
Đáp: Ở trên đã phóng ra ba thứ ánh sáng chiếu đến mười phương chúng sanh, khiến cho được độ thoát. Nay muốn chính miệng nói ra Đại Bát-nhã Ba-la-mật, Đại Bát-nhã Ba-la-mật rất sâu xa khó hiểu khó biết, khó có thể tín thọ, cho nên hiện ra tướng lưỡi rộng dài để làm chứng. Tướng lưỡi như vậy, nói ra ắt chân thật.
Như xưa có một lần Phật ở nước Xá-bà-đề, thọ tuế xong, A-nan theo Phật du hành các nước, khi sắp đến thành của Bà-la-môn, vua của thành Bà-la-môn vốn biết Phật có thần đức hay chuyển hóa chúng sanh, cảm động tâm mọi người, nay đi đến đây, thì ai còn thích ta nữa! Vua liền ra lệnh cấm: "Nếu ai cúng cho Phật ăn, nghe Phật nói thời bị phạt năm trăm tiền vàng".
Sau khi ra lệnh, Phật đến nước đó, cùng A-nan ôm bát vào thành khất thực, mọi người trong thành đều đóng cửa không tiếp, Phật ôm bát không mà ra khỏi thành. Lúc ấy, trong một gia đình có người tớ già, cầm chậu bể đựng đồ thiu ra khỏi cửa để liệng, thấy Phật Thế-Tôn ôm bát không đi đến, người tớ già thấy tướng hảo của Phật sắc vàng, lông trắng, nhục kế, ánh sáng một trượng, mà bình bát trống không chẳng có đồ ăn. Thấy rồi vị ấy suy nghĩ: "Thần nhân như thế, đáng ăn đồ ăn của trời, nay tự hạ mình cầm bát đi xin, chắc vì lòng đại từ thương xót hết thảy", rồi liền sanh lòng tin thanh tịnh, muốn cúng dường đồ ngon, mà không làm sao được như nguyện. Hổ thẹn, vị ấy thưa với Phật: "Tôi nghĩ muốn dọn bữa cúng dường mà không thể được, nay đồ ăn xấu tệ này, Phật cần thì nhận lấy".
Phật biết tâm người kia tín kính thanh tịnh, nên đưa bình bát ra nhận đồ cúng thí đó. Phật liền cười, phát ra ánh sáng năm sắc, chiếu khắp trời đất, rồi trở lại nhập vào tướng giữa hai chân mày.
A-nan thấy thế quỳ thẳng chắp tay bạch Phật: "Kính thưa Thế Tôn, nay nhân duyên nào mà Ngài cười, xin cho con được nghe ý nghĩa ấy". Phật bảo A-nan: "Thầy Có thấy bà già đem lòng tín vừa cúng thức ăn cho Phật chăng?" A-nan thưa: "Bạch Thế Tôn, con có thấy". Phật nói: "Bà già ấy do cúng Phật ăn mà trong mười lăm kiếp, ở trên cõi trời và trong cõi người, thọ phước báo khoái lạc, không bị đọa ác đạo, sau sẽ được làm thân nam, xuất gia học đạo thành Bích-chi Phật và nhập Vô-dư Niết-bàn". Bấy giờ cạnh Phật có một Bà-la-môn đứng đó, nói kệ:
"Ong là dòng Nhật chủng Sát-lợi,
Thái tử của Tịnh-phạn Quốc vương,
Chỉ vì ăn mà đại vọng ngữ,
Đồ thúi ấy, báo nặng làm sao!"
Bấy giờ Phật đưa lưỡi rộng dài phủ cả mắt lên đến chân tóc, nói với Bà-la-môn: "Ông thấy trong kinh sách nói người có lưỡi như thế này mà nói dối chăng?" Bà-la-môn thưa: "Nếu người có lưỡi phủ đến mũi, nói đã không hư dối, huống gì phủ đến chân tóc. Tâm tôi tin Phật chắc chắn không vọng ngữ, nhưng chỉ không hiểu vì sao bố thí một ít mà được quả báo nhiều như vậy?" Phật nói với Bà-la-môn: "Ông có bao giờ thấy những việc hy hữu khó thấy ở giữa đời chăng?" Bà-la-môn thưa: "Đã thấy. Tôi có lần đi với người Bà-la-môn, giữa đường thấy bóng của một cây Ni-câu-lô-đà phủ cả năm trăm cỗ xe của khách buôn, mà bóng cây vẫn không hết. Ấy là việc hy hữu khó thấy". Phật hỏi: "Hạt giống của cây ấy lớn hay nhỏ?" Bà-la-môn đáp: "Lớn bằng một phần ba hạt cải". Phật nói: "Ai sẽ tin lời ông, cây to thế mà hạt giống lại rất nhỏ?" Bà-la-môn thưa: "Thật vậy, thưa Thế Tôn, chính mắt tôi thấy chứ không phải hư dối" Phật nói: "Ta cũng như vậy, thấy bà già ấy tín tâm thanh tịnh, cúng thí cho Phật, được quả báo lớn. Cũng như cây ấy, nhân ít mà quả báo nhiều. Lại do phước điền tốt của Như Lai mà được như vậy". Bà-la-môn tâm khai ý tỏ, năm vóc sát đất, xin sám hối với Phật: "Tâm tôi mù mờ, ngu si không tin Phật". Phật thuyết mỗi mỗi pháp cho ông nghe rồi chứng được đạo quả ban đầu, tức thời ông đưa tay mà cất to tiếng nói: "Hết thảy mọi người, cửa cam lồ đã mở, vì sao không ra!" Tất cả các Bà-la-môn ở trong thành, đến nạp năm trăm tiền vàng cho vua, để rước Phật mà cúng dường, và đều nói: "Được mùi vị cam lồ, thì còn ai tiếc gì năm trăm tiền vàng ấy?" Mọi người đều đi đến Phật, lệnh cấm bị phá. Vua Bà-la-môn ấy cũng theo thần dân quy mạng Phật pháp. Hết thảy người trong thành đều được tịnh tín.
Như vậy, Phật hiện ra tướng lưỡi rộng dài là vì những người bất tín ấy.
Hỏi: Như vì Bà-la-môn hiện ra tướng lưỡi phủ cả mặt, mà ánh sáng của tướng lưỡi vì sao lại phủ đến ba ngàn đại thiên thế giới?
Đáp: Lưỡi phủ mặt đến chân tóc, là vì sự tin nhỏ, nay vì Bát-nhã Ba-la-mật là đại sự hưng khởi nên hiện tướng lưỡi rộng dài phủ cả ba ngàn đại thiên thế giới.
Hỏi: Người ở trong một thành tất cả thấy được tướng lưỡi phủ cả mặt ấy còn là khó, huống gì nay nói Đại Bát-nhã Ba-la-mật, tất cả đại hội, vô lượng chúng từ phương này và tha phương tập lại mà đều thấy cả sao? Lại mắt người thấy được không quá vài dặm, nay nói khắp ba ngàn đại thiên thế giới, không phải là to lớn khó tín lắm sao?
Đáp: Phật dùng phương tiện gia hộ thần lực, có thể làm cho chúng sanh đều thấy tướng lưỡi phủ cả ba ngàn đại thiên thế giới nầy. Nếu Phật không gia hộ thần lực, thời tuy hàng Thập trụ Bồ-tát cũng không biết tâm Phật. Nếu Phật gia hộ thần lực, thì cho đến súc sanh cũng có thể biết tâm Phật. Như trong Hậu-phẩm của Kinh Bát-nhã Ba-la-mật nói: "Hết thảy chúng sanh đều thấy pháp hội của Phật A-súc ở trước mắt. Cũng như khi Phật nói về thế giới đủ thứ nghiêm tịnh của Phật A-di-đà, A-nan xin nguyện muốn thấy, Phật liền làm cho hết thảy chúng hội đều thấy thế giới nghiêm tịnh của Phật Vô-lượng-thọ. Thấy tướng lưỡi của Phật cũng như vậy, Phật dùng tướng lưỡi rộng dài phủ khắp ba ngàn đại thiên thế giới, rồi sau đó Ngài cười. Nhân duyên cười đã nói như trên.
Hỏi: Ở trước đã phóng ánh sáng của tướng lưỡi, nay vì sao thiệt căn lại phóng ánh sáng?
Đáp: Vì muốn cho hết thảy càng tin gấp bội. Lại vì sắc của tướng lưỡi như Lưu ly, kim quang trong sáng, cùng nhau phát khởi, nên lại phóng ánh sáng.
Lại nữa, các ánh sáng ấy biến thành hoa báu sắc vàng ngàn cánh, từ tướng lưỡi hiện ra hoa báu sắc vàng ngàn cánh ấy, quang minh chiếu suốt như mặt trời mới mọc.
Hỏi: Vì sao trong ánh sáng biến hóa làm hoa báu ấy?
Đáp: Vì Phật muốn ngồi.
Hỏi: Giường có thể ngồi, hà tất Hoa sen?
Đáp: Giường là chỗ ngồi của hàng bạch y thế gian. Lại vì Hoa sen mềm sạch, muốn hiện thần lực, có thể ngồi lên trên đó mà hoa vẫn không hoại. Lại vì chỗ ngồi làm tăng nghiêm diệu pháp. Lại vì các hoa khác đều nhỏ, không bằn g hoa ấy thơm, sạch, lớn. Hoa sen của loài người không quá một thước, còn Hoa sen trong ao Mạn-đà-kỳ-ni và ao A-na-bà-đạt-đa lớn bằng tàng xe. Hoa sen báu trên trời lại lớn hơn thế, ấy thời có thể để kiết-già phu tọa. Hoa của Phật ngồi còn hơn hoa ấy gấp trăm ngàn vạn lần. Lại đài Hoa sen như thế nghiêm tịnh, thơm, đẹp, có thể ngồi.
Lại nữa, lúc kiếp tận đốt cháy, tất cả đều không, do sức nhân duyên phước đức của chúng sanh, gió từ mười phương thổi đến, đối diện nhau, xúc chạm nhau, cầm giữ một giòng nước lớn, trên giòng nườc có một người ngàn cái đầu, hai ngàn tay chân, gọi là vĩ-nữu, từ rốn người ấy xuất ra Hoa sen diệu bảo sắc vàng ngàn cánh, ánh sáng nó rất lớn như muôn mặt trời cùng chiếu, trong hoa có người kiết-già phu tọa. Người ấy lại có vô lượng quang minh, gọi là Phạm-thiên vương. Từ tâm Phạm-thiên vương sanh tám đứa con, tám đứa con sanh ra trời đất nhân dân. Phạm-thiên vương đã diệt sạch các dâm dục, sân nhuế. Do đó, nên nói: "Nếu có người tu thiền, tịnh hạnh, dứt trừ dâm dục, thì gọi là thực hành Phạm đạo". Phật Chuyển pháp luân, gọi là Pháp luân,
hoặc gọi là Phạm luân. Phạm-thiên vương ấy ngồi trên hoa sen, nên chư Phật tùy theo kế tục, kiết-già phu tọa trên hoa sen, nói sáu Ba-la-mật. Người nghe được pháp ấy, chắc chắn đạt đến A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam Bồ-đề.
Hỏi: Thích-ca Văn Phật hóa làm vô lượng ngàn vạn ức chư Phật, làm sao có thể nói pháp trong một lúc? Như trong A-tỳ-đàm nói: "Trong một lúc không có hai tâm, nếu lúc hóa Phật nói, thì Hóa chủ phải im lặng, lúc Hóa chủ nói thì hóa Phật cũng phải im lặng, làm thế nào cùng một lúc mà đều nói sáu Ba-la-mật?
Đáp: Nói như thế là cách biến hóa của hàng ngoại đạo và hàng Thanh-văn. Còn như Phât biến hóa thì vô lượng do sức tam muội không thể nghĩ nghì, nên lúc Phật tự nói, thì cũng vô lượng ngàn vạn ức hóa Phật cũng đều nói.
Lại các hàng ngoại đạo và Thanh-văn không thể làm ra hóa, còn như Phật Thế-Tôn hóa rồi lại làm ra hóa. Các ngoại đạo và hàng Thanh-văn sau khi thân diệt, không thể lư u lại hóa, còn như Phật Thế-Tôn sau khi thân diệt độ, vẫn có thể lưu lại hóa Phật in như Phật không khác.
Lại nữa, trong A-tỳ-đàm, một lúc không có hai tâm, nay Phật cũng như vậy. Đương khi hóa Phật nói, cũng không có tâm, tâm Phật nghĩ tới hoá Phật, muốn khiến hoá Phật nói, liền nói.
Hỏi: Nay Phật muốn nói Bát-nhã Ba-la-mật, cớ sao khiến hóa Phật nói sáu Ba-la-mật?
Đáp: Sáu Ba-la-mật và Bát-nhã Ba-la-mật, là một pháp không khác. Năm Ba-la-mật trước mà không có được Bát-nhã Ba-la-mật, thì không gọi là Ba-la-mật. Như Đàn Ba-la-mật không có được Bát-nhã Ba-la-mật thì bị chìm trong pháp hữu tận của thế gian, hoặc được thành A-la-hán, Bích-chi Phật đạo mà nhập Niết-bàn. Nếu có được Bát-nhã Ba-la-mật cùng hợp lại thì gọi là Ba-la-mật, có thể đạt đến Phật đạo; vì vậy, Bát-nhã Ba-la-mật cùng với năm Ba-la-mật là một pháp không khác.
Bát-nhã Ba-la-mật có hai thứ: Một là trang nghiêm, hai là chưa trang nghiêm. Như có người đeo Anh lạc đẹp để trang nghiêm, có người không đeo, gọi là chưa trang nghiêm. Cũng như Quốc vương có kẻ đem tùy tùng theo, gọi là vua đến, nếu không đem kẻ tùy tùng theo, gọi là một mình.
Như vậy, thế giới nhiều như cát sông Hằng ở phương Đông, cho đến mười phương cũng như vậy.
Hỏi: Nếu Phật có đại thần lực như thế, thì vô số ngàn vạn ức hóa Phật cho đến mười phương đều thuyết sáu Ba-la-mật, độ thoát tất cả, thế thì phải độ hết, không thể có kẻ chưa độ?
Đáp: Có ba thứ chướng ngại: Chúng sanh trong ba đường ác, không thể thấu hiểu; ở trong loài người, trên trời, hoặc quá nhỏ, hoặc quá già, hoặc quá bệnh; và trên cõi Vô sắc, trời Vô tưởng, đều không thể nghe, không thể biết.
Hỏi: Những người nghe được, hiểu được, vì sao không cùng đắc đạo hết?
Đáp: Cũng không thể tất cả đều đắc đạo, vì sao? Vì kiết sử nghiệp chướng. Có nguời kiết sử nặng, thường bị kiết sử che tâm, vì vậy nên không cùng đắc đạo hết.
Hỏi: Mười phương chư Phật hiện nay, cũng nên khiến hóa Phật thuyết sáu Ba-la-mật, và chúng tôi cũng không có ba chướng ngại ấy, vì sao không nghe?
Đáp: Chúng sanh hiện nay, sanh ở đời ác, thời không phải ở vào ba chướng ngại ấy. Ở sau thời Phật, bị nghiệp báo bất thiện, hoặc có chướng ngại vì ác tội nghiệp của thế gian, hoặc có chướng ngại vì kiết sử dày nặng. Sanh nhằm sau thời Phật, con người phần nhiều bị kiết sử dày nặng làm chướng. Hoặc dâm dục mỏng mà sân nhuế dày, sân nhuế mỏng mà dâm dục dày; dâm dục mỏng mà ngu si dày, ngu si mỏng mà sân nhuế dày. Những thứ như vậy triển chuyển có dày có mỏng thay đổi nhau. Vì các chướng ngại của kiết sử, nên không nghe không biết hóa Phật thuyết pháp, không htấy ánh sáng của chư Phật, huống gì đắc đạo. Cũng như mặt trời mọc mà người mù không thấy, bèn nói thế gian không có mặt trời, mặt trăng, chứ mặt trời có lỗi gì! Lại như sấm chớp rung chuyển đất mà người điếc không nghe tiếng, chứ tiếng không có lỗi.
Nay mười phương chư Phật thường nói Kinh pháp, thường khiến hoá Phật đến mười phương thế giới thuyết sáu Ba-la-mật, mà vì tội nghiệp như đui, như điếc, nên không nghe được âm thanh của Chánh pháp; vì vậy không thấy nghe hết được. Tuy là Thánh nhân có tâm đại từ, cũng không thể khiến cho mọi người đều nghe đều thấy. Nếu tội sắp diệt, phước sắp sanh, khi ấy mới được thấy Phật nghe pháp.
KINH: Bấy giờ Thế Tôn muốn ở tại tòa Sư tử, nhập vào Sư tử du hý tam muội, dùng sức thần thông làm cảm động ba ngàn đại thiên thế giới, sáu cách rung động.
LUẬN: Hỏi: Tam muội này vì sao gọi là Sư tử du hý?
Đáp: Thí như Sư tử bắt nai, vui giỡn tự tại. Phật cũng như vậy, khi vào tam muội này, có thể bằng nhiều cách xoay chuyển đại địa này, khiến sáu phen rung động.
Lại nữa, Sư tử du hý cũng như ngày mà Sư tử vui chơi, thời các loài thú được an ổ⮮ Phật cũng như vậy, khi nhập vào tam muội ấy, thời rung động ba ngàn đại thiên thế giới, làm cho chúng sanh trong ba đường ác một lúc đều được nghỉ ngơi an ổn.
Lại nữa, Phật gọi là Nhân Sư tử. Sư tử du hý tam muội tức là Phật tam muội vậy. Khi nhập vào tam muội này, khiến đại địa này rung động sáu cách, chúng sanh trong tất cả đường ác địa ngục đều được giải thoát, được sanh lên trời, nên gọi làhý.
Hỏi: Vì sao Phật nhập vào tam muội ấy?
Đáp: Vì muốn rung động ba ngàn đại thiên thế giới, đưa chúng sanh ra khỏi ba đường ác, đặt vào trong hai đường thiện.
Lại nữa, trên kia ba thứ biến hóa xuất từ thân Phật, người hoặc có tâm tin mà không sâu, nay rung động đại địa là muốn cho chúng sanh biết thần lực là vô lượng, có thể làm cho ngoại vật đều rung động, mà sanh tâm tịnh tín hoan hỷ, đều được lìa khổ.
Hỏi: Có các A-la-hán và chư Thiên cũng có thể làm rung động đại địa, sao chỉ nói thần lực của Phật?
Đáp: Các A-la-hán và chư Thiên không thể làm rung động đầy đủ, chỉ có Phật mới khiến cho đại địa rung động sáu cách.
Hỏi: Phật làm sao làm rung động ba ngàn đại thiên thế giới?
Đáp: Vì muốn khiến chúng sanh biết hết thảy đều là không, vô thường.
Có người nói đại địa, mặt trời, mặt trăng, núi Tu-di, đại hải đều là thường. Thế nên Thế Tông làm sáu cách chấn động, chỉ bày nhân duyên đó khiến biết là vô thường.
Lại nữa, như người muốn nhuộm áo, trước rũ bỏ bụi đất, Phật cũngnhư vậy, trước khiến chúng sanh trong ba ngàn thế giới thấy thần lực của Phật sanh tâm cung kính nhu nhuyến, vậy sau mới nói pháp; vì vậy nên nói sáu cách rung động đại địa. Thế nào là sáu cách rung động?
KINH: Phương Đông vọt lên phương Tây lặn xuống, phương Tây vọt lên phương Đông lặn xuống, phương Nam vọt lên phương Bắc lặn xuống, phương Bắc vọt lên phương Nam lặn xuống, bốn bên vọt lên chính giữa lặn xuống, chính giữa vọt lên bốn bên lặn xuống.
LUẬN: Hỏi: Vì sao chính thức có sáu cách rung động?
Đáp: Đất động có thượng, trung, hạ. Hạ có hai cách: hoặc phương Đông vọt lên phương Tây lặn xuống, hoặc phương Nam vọt lên phương Bắc lặn xuống, hoặc bốn bên vọt lên chính giữa lặn xuống. Trung có bốn: Hoặc Đông, Tây, Nam, Bắc; hoặc Đông, Tây , bốn bên, chính giữa; hoặc Nam, Bắc, bốn bên, chính giữa. Thượng là sáu cách chấn động.
Có nhiều nhân duyên khiến quả đất rung động lớn. Như Phật bảo A-nan: "Có tám nhân tám duyên, khiến đại địa chấn động", như chỗ khác nói.
Lại nữa, có người nói có bốn cách làm đất động: Hỏa động, Rồng động, chim Kim-sí động, Thiên vương động.
Hai mươi tám ngôi sao đi giáp một vòng quanh mặt trời mặt trăng, nếu mặt trăng đi đến sao Mão, sao Trương, sao Để, sao Lâu, sao Thất, sao Vị, trong sáu ngôi sao ấy, bấy giờ đại địa rung động như lở. Cách động ấy thuộc Hỏa thần, lúc ấy không mưa, sông ngòi khô kiệt, mùa lúa bị mất, Thiên tử gặp điều xấu, đại thần thọ ương. Nếu đi đến sao Liễu, sao Vỹ, sao Ky, sao Bích, sao Khuê, sao Nguy, trong sáu ngôi sao ấy, khi ấy đất động như lở. Cách động ấy thuộc Long thần, lúc ấy không mưa, sông ngòi khô kiệt, mùa lúa bị mất, Thiên tử gặp điều xấu, đại thần thọ ương.
Nếu đi đến sao Sâm, sao Quỷ, sao Tinh, sao Chẩn, sao Cang, sao Dực, trong sáu ngôi sao ấy, bấy giờ đất động như lở. Cách động ấy thuộc chim Kim-sí, lúc ấy không mưa, sông ngòi khô kiệt, mùa lúa bị mất, Thiên tử gặp điều xấu, đại thần thọ ương.
Nếu đi đến sao Tâm, sao Giác, sao Phòng, sao Nữ, sao Hư, sao Tĩnh, sao Tất, sao Tuy, sao Đẩu, trong chín ngôi sao ấy, bấy giờ đất động như lở. Cách động ấy thuộc Thiên đế, khi đó an ổn, mưa thuận gió hòa, ngũ cốc được mùa. Thiên tử được điều tốt, đại thần hưởng phước, vạn dân an ổn.
Lại nữa, nhân duyên làm đất rung động có nhỏ có lớn. Có khi rung động một Diêm-phù-đề, có khi rung động tứ thiên hạ, một ngàn, hai ngàn, ba ngàn đại thiên thế giới
Động nhỏ là do nhân duyên nhỏ, như người có phước đức, hoặc sanh, hoặc chết, thì đất của một nước rung động, ấy là động nhỏ. Động lớn là do nhân duyên lớn, như Phật lúc sắp diệt độ, thì ba ngàn đại thiên thế giới chấn động, ấy là động lớn. Nay Phật muốn tập họp chúng sanh một cách rộng lớn nên khiến đại địa này chấn động sáu cách.
Lại nữa, trong pháp Bát-nhã Ba-la-mật, Phật thọ ký cho các Bồ-tát sẽ được làm Phật, mà Phật là vị chủ lớn của trời đất, khi ấy địa thần ấy mừng, rằng ta nay sẽ có được vị chủ tế, thế nên đất động. Cũng như Quốc vương khi mới được lập, thần dân vui mừng, đều tung hô vạn tuế, nhảy nhót ca múa.
Lại nữa, do nhân duyên phước đức của chúng sanh trong ba ngàn đại thiên thế giới nên có đại địa này với núi sông cây cối hết thảy mọi vật, mà chúng sanh không biết nó là vô thường. Vì vậy, Phật dùng đại lực của phước đức trí tuệ, làm chấn động thế giới ấy, khiến chúng sanh phước đức biết là mỏng manh, tất cả đều Ma diệt, trở về vô thường.
KINH: Đất đều nhu nhuyến, khiến chúng sanh hòa vui.
LUẬN: Hỏi: Đất rung động làm sao có thể khiến chúng sanh hòa vui?
Đáp: Tâm tùy theo thân, thân được chuyện vui, thời tâm hân duyệt. Duyệt là những người cùng ở và đồ vật tiện lợi cho thân, hay làm cho tâm vui vẻ. Nay vì chúng sanh hỗn tạp xấu ác trong ba ngàn đại thiên thế giới, tâm nó thô ác, không có điều thiện; vì vậy, Thế Tôn làm rung động đại địa này, khiến đều nhu nhuyến, tâm được lợi ích. Cũng như trời Ba mươi ba ở trong vườn hoan lạc, chư thiên đi vào, tâm đều nhu nhuyến, hoan lạc hòa vui, tâm thô ác không sanh, Khi A-tu-la dấy binh kéo đến, đều không quan tâm. Khi ấy, dân của Thích-đề-bà-na dẫn các thiên chúng vào trong vườn thô-sáp. Vì trong vườn đó, cây cối hoa trái, khí vị không vui vẻ, vì Thô-sáp xấu xa, nên các thiên chúng liền sanh quan tâm. Phật cũng vậy, vì đại địa này thô-sáp xấu xa nên biến nó thành nhu nhuyến, khiến tâm tất cả chúng sanh được vui vẻ. Lại như khi chú thuật thuốc cỏ xông vào mũi người, tâm giận liền sanh, tức thời đấu tranh nhau. Lại có thuốc cỏ làm tâm người hòa vui hoan hỷ, cung kính lẫn nhau. Chú thuật thuốc cỏ còn được như vậy, huống là cả đại địa của ba ngàn đại thiên thế giới đều nhu nhuyến.
KINH: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và tám nạn của ba ngàn đại thiên thế giới tức thời giải thoát, được sanh lên trời, từ trời Tứ thiên vương cho đến trời Tha-hóa-tự-tại.
LUẬN: Hỏi: Nếu Phật nhập vào Sư tử du hý tam muội, có thể khiến cho địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và tám nạn đều được giải thoát, sanh lên cõi trời Tứ thiên vương cho cho đến trời Tha-hóa-tự-tại, như thế còn cần gì tu phước hành thiện mới được quả báo?
Đáp: Điều ấy như trên đã nói, người phước đức nhiều, thấy ánh sáng là được độ, người tội cấu sâu nặng do đất rung động mới được độ. Cũng như mặt trời mọc chiếu bên hồ sen, những sen già nở trước, sen non thì chưa. Phật cũng như vậy, trước phóng ánh sáng, người phước thuần thục, tâm trí lanh lợi thì được giải thoát trước, còn người phước chưa thuần thục, tâm trí không lanh lợi, cho nên chưa được. Phật đại từ đại bi, bình đẳng cứu độ hết thảy, không ghét không thương. Cũng như trái cây, người rung cây, trái chín rụng trước. Phật cũng như vậy, ba ngàn đại thiên thế giới như cây, người rung là Phật, người được độ trước là quả chín, người chưa được độ là quả xanh.
Hỏi: Vì sao nhân duyên thiện tâm mà chỉ sanh lên cõi trời Dục giới, không sanh lên cõi trời Sắc giới và cõi trời Vô sắc giới?
Đáp: Phật muốn độ chúng sanh đắc đạo chứng quả. Ở trong cõi Vô sắc vì không có thân nên không thể thuyết pháp cho. Ở trong Sắc giới, không có tâm biết nhàm chán, nên khó có thể đắc đạo, vì cái vui trong cảnh thiền thời nhiều mà tuệ tâm thời độn.
Lại nữa, Phật dùng thần thông làm cảm động, khiến đại địa của ba ngàn đại thiên thế giới đều nhu nhuyến, chúng sanh có tín tâm đều hoan hỷ nên sanh lên cõi trời Dục giới. Vì không được Tứ thiền và Tứ không định nên không được sanh lên cõi Sắc và cõi Vô sắc.
Hỏi: Năm ấm là vô thường, không, vô ngã, làm sao sanh vào cõi trời và cõi người? Ai chết và ai sanh?
Đáp: Việc ấy, đã nói rộng trong chương Tán Bồ-tát, nay sẽ lược đáp: Ông nói năm uẩn vô thường, không, vô ngã. Năm uẩn ấy ở trong Bát-nhã Ba-la-mật không có thường hay vô thường, không hay vô không, ngã hay vô ngã. Nếu như người ngoại đạo tìm cầu thật ngã, ngã ấy không thể có được, chỉ có giả danh, do các thứ nhân duyên hòa hợp mà có, có danh tự ấy. Cũng như người huyễn thuật giết nhau, người ngoài thấy nó chết, do huyễn thuật khiến đứng dậy, người ngoài thấy nó sống, Sống và chết chỉ có danh tự, không có thật chất. Trong pháp thế gian thì thật có sống chết, trong pháp thật tướng thì không có sống chết.
Lại nữa, người sanh tử có sanh tử, người không sanh tử không có sanh tử, vì sao? Vì người không sanh tử, dùng đại trí tuệ phá trừ tướng sanh, như kệ nói:
"Phật pháp tướng tuy không,
Cũng không phải đoạn diệt,
Tuy sanh cũng phi thường,
Các hạnh nghiệp không mất.
Các pháp như cây chuối,
Hết thảy từ tâm sanh,
Nếu biết pháp không thật,
Tâm ấy lại cũng không.
Nếu có người niệm không,
Thời chẳng phải đạo hành,
Các pháp chẳng đoạn diệt,
Niệm có nên mất tướng.
Có niệm, sa lưới Ma,
Không niệm được ra khỏi,
Tâm động chẳng phải đạo,
Bất động là Pháp ấn".
KINH: Các Thiên nhân ấy tự biết Túc mạng, đều rất hoan hỷ, đi đến chỗ Phật, đầu mặt lễ chân Phật, rồi ngồi một bên.
LUẬN: Hỏi: Chư thiên khi sanh tự biết ba việc: Biết chỗ đi đến, biết chỗ tu hành phước đức, biết phước đức đã làm. Người khi sanh không có ba việc đó. Thế nào là biết Túc mạng?
Đáp: Nhân đạo không nhất định, hoặc có người biết, có người không biết. Lại nữa, nhờ thần lực của Phật, thời biết Túc mạng.
Hỏi: Chư thiên có quả báo đuợc năm thứ thần thông, tự biết Túc mạng, có thể đi đến chỗ Phật, loài người tuy nhờ Phật lực, được biết Túc mạng, song chỗ ở rất xa làm sao có thể đi đến chỗ Phật?
Đáp: Hoặc có người sanh ra đã có quả báo được thần thông, như Chuyển luân Thánh vương, Thánh nhân v.v… Hoặc có người nhờ Phật lực.
Hỏi: Người sanh ra được, phải mười tháng mang thai, ba năm bú mớm, sau mười tuổi mới có thể tự đi ra. Nay nhờ oai thần của Phật, tam đồ bát nạn đều được giải thoát, sanh trong cõi trời hay cõi người, liền đi đến chỗ Phật. Nhưng trời có thể như vậy, còn người, nhân pháp chưa thành làm sao đến được?
Đáp: Cách sanh ra trong ngũ đạo không đồng nhau: Chư thiên, địa ngục đều do hóa sanh; ngạ quỷ thì hoặc thai sanh hoă hóa sanh; nhân đạo và súc sanh có bốn cách là noãn sanh, thấp sanh, hóa sanh, thai sanh.
Noãn sanh là như Tỳ-xá-khư, mẹ của Di-già-la, sanh 32 đứa con (Tỳ-xá-khư sanh 32 cái trứng, trứng nở ra 32 con trai, đều làlực sĩ; Di-già-la là đứa con lớn nhất. Bà mẹ ấy sau được đạo quả thứ ba). Những người như vậy gọi là người sanh ra từ trứng. Thấp sanh là như Dâm nữ Yểm-la-bà-lđảnh sanh Chuyển-luân, v.v… Như vậy gọi là sanh ra từ ẩm ướt. Hoá sanh là như Phật cùng 4 chúng du hành, trong chúng Tỳ-kheo-ni có Tỳ-kheo-ni tên A-la-bà, từ trong đất hóa sanh, và lúc kiếp sơ, người đều hóa sanh. Như vậy gọi là sanh do biến hóa, Thai sanh là sanh như người thường sanh. Người hóa sanh lập tức khôn lớn, có thể đi đến chỗ Phật. Lại nữa, nhờ Phật gia hộ thần lực nên có thể đi đến chỗ Phật.
KINH: Như vậy, thế giới nhiều như cát sông Hằng ở trong mười phương, đất đều chấn động sáu cách, hết thảy địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và tám nạn đều được giải thoát, được sanh lên cõi trời, ngang trời thứ sáu (ở Dục giới).
LUẬN: Hỏi: Chúng sanh trong ba ngàn đại thiên thế giới đã rất nhiều vô lượng vô số, sao lại còn phổ cập đến chúng sanh trong mười phương thế giới nhiều như cát sông Hằng?
Đáp: Phật lực vô lượng, tuy độ chúng sanh trong ba ngàn đại thiên thế giới còn cho là ít, nên lại còn phổ cập đến mười phương.
Hỏi: Nếu Thích-ca Văn-ni Phật dùng đại thần lực rộng độ mười phương, thì sao lại còn cần đến nhiều Phật?
Đáp: Vì chúng sanh vô lượng, không thuần thục một lúc. Lại nhân duyên của chúng sanh không đồng nhau, như trong pháp Thanh-văn nói: Đệ tử có nhân duyên với Xá-lợi-phất, trừ Xá-lợi-phất, chư Phật còn không thể độ, huống gì người khác.
Lại nữa, nay chỉ nói đến một hằng hà sa thế giới phương Đông, không nói hai, ba, bốn cho đến ngàn vạn ức các thế giới nhiều như cát sông Hằng. Lại vì thế giới vô biên vô lượng, nếu có biên có lượng, thời chúng sanh có thể cùng tận.
Vì vậy, chư Phật cần độ mười phương vô lượng thế giới.
KINH: Bấy giờ chúng sanh trong ba ngàn đại thiên thế giới, ngươì mù được thấy, người điếc được nghe, người câm được nói, người điên được tỉnh, người loạn được định, người trần truồng được áo, người đói khát được no đủ, người bệnh được lành, người tàn tật được nguyên vẹn.
LUẬN: Hỏi: Chúng sanh khổ nạn có trăm ngàn thứ, sao thần lực của Phật không làm cho tất cả đều được giải thoát?
Đáp: Hết thảy đều cứu, nay chỉ lược nói phần thô. Như có nhiều kiết sử mà chỉ nói đến ba độc.
Hỏi: Chỉ nói người mù được thấy là đủ, vì sao lại nói là mù bẩm sanh?
Đáp: Người sanh ra đã mù là vì tội nặng đời trước. Tội nặng còn làm cho thấy được huống gì tội nhẹ.
Hỏi: Thế nào vì tội nặng đời trước làm cho sanh ra đã mù?
Đáp: Hoặc phá hư con mắt của chúng sanh, hoặc móc mắt của chúng sanh, hoặc phá con mắt chánh kiến, nói rằng không có tội phước, người ấy chết đọa địa ngục, tội hết được sanh làm người, sanh ra đã mù. Hoặc còn ăn trộm hỏa châu và đèn sáng trong tháp Phật, hoặc còn ăn trộm hỏa châu và đèn sáng trong tháp A-la-hán, Bích-chi Phật. Hoặc ăn cắp ánh sáng của trong ruộng phước khác. Vì những nhân duyên của nghiệp đời trước như thế nên bị đui mắt, đời nay hoặc vì bệnh, vì bị đánh mà đui mắt, ấy là do nhân duyên đời nay.
Lại nữa, chín mươi sáu thứ bệnh mắt, vua thầy thuốc là Xà-ca-na không thể trị được, chỉ Phật Thế Tôn là có thể làm cho được thấy.
Lại nữa, trước làm cho được thấy, sau lại làm cho được con mắt trí tuệ. Kẻ điếc được nghe cũng như vậy.
Hỏi: Nếu có mù bẩm sanh, sao không nói điếc bẩm sanh?
Đáp: Phần nhiều bị mù bẩm sanh, ít có kẻ điếc bẩm sanh, nên không nói.
Hỏi: Vì nhân duyên gì mà điếc?
Đáp: Điếc là vì nhân duyên đời trước, thầy, cha dạy bảo không chịu nghe, không thực hành còn trở lại sân hận. Vì tội ấy mà bị điếc.
Lại nữa, vì cắt tai chúng sanh, hoặc phá hư tai chúng sanh, hoặc ăn trộm kiền chùy, linh, ốc, trống của trong tháp Phật, tháp Tăng và trong các ruộng phước khác (như cha mẹ, thầy …) cho nên mắc tội ấy. Như vậy là những nhân duyên của nghiệp đời trước. Nhân duyên đời nay là hoặc bị bệnh, hoặc bị đánh v.v… là nhân duyên của đời nay làm cho điếc.
Hỏi: Người câm không nói được, làm tội gì mà bị câm?
Đáp: Đời đời cắt lưỡi người khác, hoặc bịt miệng người, hoặc bỏ thuốc độc làm cho không nói được, hoặc nghe giáo sư, cha mẹ dạy bảo, ngắt lời họ, chê lời họ, hoặc làm người ác tà kiến không tin tội phước, phá chánh ngữ, nên sau khi chịu tội ở địa ngục ra, được sanh làm người, bị câm không nói được. Vì các nhân duyên như vậy nên câm.
Hỏi: Kẻ điên được tỉnh, vì sao mà điên?
Đáp: Đời trước tạo tội, phá không cho người tọa thiền, phá nhà tọa thiền, dùng các chú thuật làm cho người nổi giận đấu tranh, dâm dục. Hoặc vì đời nay các kiết sử nặng nề, như kẻ Bà-la-môn làm ruộng bị mất mùa, vợ nó lại chết, tức thời phát điên, trần truồng chạy loạn. Lại như Tỳ-kheo-ni Si-xá-già-kiêu-đàm lúc còn làm cư sĩ tại gia, có bảy người con đều chết, hết sức ưu sầu, nên mất tâm trí phát cuồng. Có người vì quá giận không tự chế được, mà trở thành đại si cuồng. Có người vì ngu si tà ác, lấy tro bôi mình, nhổ tóc, trần truồng, cuồng si ăn phân. Có người hoặc vì bệnh gió, bệnh nóng, bệnh nặng mà thành điên. Có người bị ác quỷ ám, hoặc có người quá ngu uống nhằm nước mưa mà điên. Mất tâm trí như vậy, các thứ như vậy gọi là điên. Nhờ được thấy Phật mà điên được tỉnh.
Hỏi: Kẻ loạn được định. Điên là loạn, vì sao lại khác?
Đáp: Có người không điên mà tâm phần nhiều tán loạn, ý như con khỉ, không thể chuyên chú một chỗ, nên gọi loạn tâm.
Lại có việc gấp gáp vội vàng, tâm vướng theo việc, nên mất tâm lực, không kham lãnh thọ đạo pháp.
Hỏi: Loạn tâm vì nhân duyên gì?
Đáp: Thiện tâm mỏng dần, theo đuổi điều bất thiện, ấy gọi là tâm loạn.
Lại nữa, vì người ấy không quán vô thường, không quán tướng chết, không quán đời là không, ưa đắm sống lâu, tính toán công việc, dong ruổi đủ thứ, cho nên tâm loạn.
Lại nữa, không được cái vui bên trong theo Phật pháp, chạy tìm cái vui bên ngoài. Vì lý do đeo đuổi các vui cho nên tâm loạn. Người tâm loạn như thế, được thấy Phật, tâm họ lại được định.
Hỏi: Trước nói người điên được tỉnh, nay nói người trần truồng được áo, vì sao có sự trần truồng?
Đáp: Điên có hai thứ: Một là ai cũng biết đó là điên, hai là vì ác tà kiến mà tự trần truồng, không ai biết đó là điên. Như kể chuyện kể, ở Nam thiên Trúc có vị Pháp sư, ngồi tòa cao thuyết nghĩa ngũ giới, trong chúng ấy có nhiều ngoại đạo đến nghe. Khi ấy vị quốc vương nạn rằng: "Nếu như lời Pháp sư giảng, người thí cho rượu và người tự uống rượu, phải chịu quả báo điên khùng, thì đáng đời nay người điên phải nhiều hơn người tỉnh, chứ sao nay người điên lại ít mà người tỉnh lại nhiều?" Lúc ấy các ngoại đạo đều nói: "Hay thay, lời vấn nạn thâm thúy! Ông trọc đầu ngồi tòa cao ấy, chắc chắn không đáp được, vì vua lợi trí".
Khi ấy Pháp sư lấy tay chỉ người ngoại đạo, mà nói qua chuyện khác. Vua liền hiểu. Các ngoại đạo nói với vua: "Lời vấn nạn của vua rất thâm thúy, người ấy không biết trả lời, sợ xấu hổ vì điều không biết, nên chỉ đưa tay chỉ và nói qua chuyện khác. Vua nói với ngoại đạo: "Pháp sư ngồi tòa cao lấy tay chỉ là đã đáp xong, vì hộ vệ cho các ngươi nên không dùng lời nói, mà chỉ chỉ các ngươi để nói rằng, các ngươi là người điên, điên không phải ít. Các ngươi lấy tro bôi mình, ở trần truồng không biết hổ, dùng đầu lâu của người đựng phân mà ăn, nhổ tóc, nằm trên chông gai, treo ngược, xông mũi, mùa đông nhảy vào nước, mùa hạ hơ lửa. Các sở hành phi đạo như thế, đều là hình thức của điên khùng. Lại nữa, theo pháp của các ngươi, bán thịt và bán muối là mất Bà-la-môn, khi cúng tế trời nếu được bố thí Bò, liền đem bán đi, tự cho đó là đúng pháp, nhưng Bò cũng như thịt. Dối gạt người như vậy, không phải là lỗi sao? Lại nói "Vào trong sông cát tốt (sông Hằng) tội lỗi đều tiêu trừ. Thế là tội hay phước đều không có nhân duyên chi cả. Bán thịt, bán muối có tội gì? Vào trong sông cát có thể tiêu tội? Nếu có thể tiêu tội cũng có thể tiêu phước, thì đâu có tốt gì? Những việc như vậy không nhân không duyên, cưỡng cho là nhân duyên, đó là điên. Như vậy, các hình thức điên đều chính là các ngươi. Pháp sư muốn hộ vệ các ngươi nên lấy tay chỉ mà không nói". Những việc như vậy gọi là điên trần truồng.
Lại nữa, có người nghèo cùng không có áo, chỉ mặc áo rách lam lũ, nhờ Phật lực làm cho có được áo.
Hỏi: Kẻ đói được no, kẻ khát được uống. Thế nào là đói khát?
Đáp: Phước đức mỏng manh, đời trước không nhân, đời nầy không duyên, thế nên đói khát.
Lại nữa, người ấy đời trước cướp đồ ăn của Phật, A-la-hán, Bích-chi Phật và đồ ăn cha mẹ thân thích, nên tuy gặp đời có Phật vẫn chịu đói khát, là vì tội nặng vậy.
Hỏi: Hiện nay có người sanh ở cõi đời ác trược lại được ăn uống no đủ, còn người sanh gặp đời có Phật lại chịu đói khát, sao lại như vậy? Nếu là người tội, thì không nên sanh gặp đời có Phật, nếu là người phước thì không nên sanh ở đời ác mới phải?
Đáp: Nhân duyên nghiệp báo của mỗi người không đồng nhau. Hoặc có người có nhân duyên gặp Phật lại không có nhân duyên ăn uống, hoặc có nhân duyên ăn uống lại không có nhân duyên gặp Phật. Cũng như Rắn đen ôm ngọc Ma-ni mà nằm, hoặc có A-la-hán đi khất thực mà không được chi. Lại như thời Phật Ca-diếp, có hai anh em xuất gia cầu đạo, một người trì giới, tụng kinh, tọa thiền, một người chỉ lo đến các Đàn-Việt, tu các phước nghiệp. Đến khi đức Phật Thích-ca Văn ra đời, một người sanh vào nhà trưởng giả, một người làm voi trắng lớn, có sức phá giặc. Người con trưởng giả xuất gia học đạo, được sáu thần thông, thành A-la-hán, mà vì bạc phước, đi khất thực khó được. Ngày nọ ôm bình bát vào thành khất thực, đi khắp nơi mà chẳng được gì cả, đi đến ngang chuồng bạch tượng thấy vua cung cấp cho Voi đủ thứ, liền nói với Voi rằng: "Ta với ngươi đều có tội lỗi". Voi liền cảm động thảm uất, ba ngày không ăn. Người giữ Voi sợ hãi, tìm đến gặp đạo nhân, hỏi rằng: "Ông làm chú thuật gì khiến voi trắng của vua bệnh khổ không thể ăn? Đáp: "Voi ấy là em của ta trong đời trước, cùng xuất gia học đạo trong thời Phật Ca-diếp. Ta chỉ lo trì giới, tụng kinh, tọa thiền già cung kính, không biết hành bố thí, còn em ta chỉ lo đến các Đàn-Việt, làm việc bố thí, không học vấn. Vì nó không trì giới, tụng kinh, tọa thiền, nên nay phải làm Voi ấy, và nhờ tu hạnh bố thí nhiều mà ăn uống đầy đủ các thứ, còn ta chỉ lo hành đạo, không biết tu bố thí, nên nay tuy được đạo, mà đi khất thực không ra".
Vì vậy, do nhân duyên bất đồng, nên tuy gặp đời có Phật, mà vẫn chịu đói khát.
Hỏi: Các chúng sanh ấy làm thế nào được no đủ?
Đáp: Có người nói, Phật dùng thần lực biến làm đồ ăn, khiến cho no đủ. Lại có người nói, ánh sáng của Phật chạm vào thân, làm cho không đói khát. Cũng như ngọc Như-ý, Ma-ni, có người tâm nghĩ tới là hết đói khát, huống gì gặp Phật. (Kinh nói): Người bệnh được lành. Bệnh có hai thứ: Do quả báo hành nghiệp đời trước mà bị các thứ bệnh: hoặc đời nay bị lạnh, nóng, gió phát sanh, cũng bị các thứ bệnh. Bệnh đời nay có hai thứ: Một là bệnh bên trong, ngũ tạng không điều hòa, kết chặt thành bệnh cũ. Hai là bệnh bên ngoài, bị đè ép té ngã, binh đao đâm chém, đủ các thứ bệnh.
Hỏi: Vì nhân duyên gì mắc bệnh?
Đáp: Đời trước ưa roi gậy đánh khảo, giam trói, các thứ não hại nên đời nay mắc bệnh. Đời nay mắc bệnh là vì không biết nuôi thân, uống ăn không tiết độ, nằm ngồi đi đứng không chừng mực. Do những việc ấy nên bị các thứ bệnh. Như vậy, có bốn trăm lẻ bốn chứng bệnh, nhờ thần lực của Phật làm cho bệnh được lành. Như truyện kể: Phật ở nước Xá-bà-đề, có một cư sĩ thỉnh Phật và Tăng dùng cơm tại tinh xá, Phật ở tinh xá tiếp nhận đồ ăn, vì có năm nguyên do: 1- Sắp nhập định. 2- Sắp thuyết pháp cho chư thiên. 3- Sắp du hành quan sát phòng các Tỳ-kheo. 4- Chăm sóc các Tỳ-kheo bệnh. 5- Sắp kiết giới cho các Tỳ-kheo chưa được kiết giới. Khi ấy Phật đẩy cửa vào phòng các Tỳ-kheo, thấy một Tỳ-kheo bệnh khổ, không ai chăm sóc, nằm mà đại tiểu tiện, không ngồi dậy được, Phật hỏi Tỳ-kheo: "Ông bị khổ gì mà không ai chăm sóc cả?" Tỳ-kheo thưa: "Bạch đức Thế Tôn, con có tánh lười biếng, khi người khác bệnh, con không chăm sóc, cho nên nay con bệnh, người khác cũng không chăm sóc ". Phật bảo: "Thiện nam tử, Như Lai sẽ chăm sóc ông".
Khi ấy, Thích-đề-bà-na-dân đem nước rửa, Phật lấy tay xoa thân Tỳ-kheo kia. Trong khi xoa thân, thì hết thảy bệnh khổ đều tiêu trừ, thân tâm được an ổn. Khi ấy Thế Tôn từ từ đỡ Tỳ-kheo bệnh dậy, đua ra ngoài phòng, tắm rửa mặc áo, rồi từ từ đưa trở vào, trải nệm bảo ngồi. Phật nói với Tỳ-kheo bệnh ấy rằng: "Lâu nay ông không cần cầu việc chưa được khiến được, việc chưa đến khiến đến, mà phải chịu các khổ nạn. Như vậy sẽ phải còn có thống khổ lớn hơn!" Tỳ-kheo nghe rồi, tâm tự suy nghĩ: "Phật ân vô lượng, thần lực vô số, lấy tay xoa cho ta, bệnh khổ tiêu hết, thân tâm khoái lạc!", Vì thế ấy nên nói Phật dùng thần lực khiến người bẹ⮨ được lành.
Người tàn tật được nguyên vẹn.
Thế nào gọi là tàn tật? Nếu có người đời trước phá hoại thân thể người khác, hoặc chặt đầu, hoặc cắt tay chân, phá các thân phần khác; hoặc phá tượng Phật, hủy hoại núm tay ấn của tượng Phật và hình tượng các Hiền thánh, hoặc phá hình tượng của cha mẹ, vì các tội ấy nên mang thân hình phần nhiều không được toàn vẹn.
Lại nữa, do quả báo của bất thiện pháp nên chịu mang thân hình xấu xí. Hoặc đời này bị giặc, bị tội hình cắt chém. Vì những nhân duyên ấy gây ra tàn tật. Hoặc bị bệnh gió, lạnh, nóng, sanh ra lở lói, thân thể bị hủy hoại, ấy gọi là thân hình tàn hủy. Nhờ đại ân của Phật mà đều được vẹn toàn. Giống như người ở tớ trong thành Kỳ-hoàn tên Kiện-chỉ, là con của người anh vua Ba-tư-nạ꣬ đoan chánh dũng kiện, tâm tánh hiền hòa, đại phu nhân của vua trông thấy sanh tâm đắm trước, bảo nhỏ đi theo mình, Kiện-chỉ không theo, phu nhân nổi giận, sàm tấu với vua, quy tội cho nó. Vua nghe theo liền khiến chặt đứt tay chân, đem quăng giữa gò mả, nhưng chưa chết. Đêm ấy cọp, sói, quỷ La-sát muốn đến ăn thịt. Khi ấy đức Phật đến bên cạnh, hào quang của Ngài chiếu lên thân thể người ấy, thân thể liền bình phục, tâm người ấy rất vui mừng, Phật thuyết pháp cho liền chứng được đạo quả thứ ba. Phật cầm tay người ấy đem đến tinh xá Kỳ-hoàn. Người ấy nói: "Thân con đã bị phá hủy, đã bị quăng bỏ, được Phật nối liền lại, cho con nguyện suốt đời đem thân này bố thí Phật và Tỳ-kheo Tăng".
Ngày mai vua Ba-tư-nạ꣠nghe sự việc như vậy, đi đến Kỳ-hoàn, nói với Kiện-chỉ: "Trẫm xin lỗi ngươi, ngươi thật vô tội, mà Trẫm điên cuồng hình phạt, nay Trẫm sẽ chia cho ngươi nửa Quốc độ để ngươi cai trị". Kiện-chỉ nói: "Tôi đã chán rồi, vua cũng vô tội. Tôi vì tai ương đời trước, mà phải mang tội báo như vậy, nay tôi đem thân bố thí Phật và Tăng, chứ không trở về nữa".
Như vậy, nếu có chúng sanh, thân không toàn vẹn, nhờ ánh sáng của Phật, tức thời bình phục. Thế nên nói: Cho đến thân hình tàn tật không toàn vẹn, nhờ ánh sáng của Phật, tức thời được bình phục.
KINH: Hết thảy chúng sanh nhờ đó mà nhìn nhau với tâm bình đẳng, như cha như mẹ, anh em, chị em, như thân thích và thiện tri thức. Bấy giờ chúng sanh đều thực hành một cách bình đẳng Mười thiện nghiệp đạo, tịnh tu Phạm hạnh, không có các tỳ vết, vui vẻ thư thới, như vị Tỳ-kheo nhập vào đệ Tam thiền. Tất cả đều được hảo huệ, giữ giới, tự thủ hộ, không nhiễu loạn chúng sanh.
LUẬN: Hỏi: Các chúng sanh ấy chưa ly dục, không có thiền định, không được bốn vô lượng tâm thì làm sao được tâm bình đẳng?
Đáp: Bình đẳng không phải bình đẳng của trong thiền định, mà là đối với hết thảy chúng sanh không oán không giận. Do sự bình đẳng ấy mà đem thiện tâm nhìn nhau.
Lại nữa, tâm bình đẳng là như trong Kinh nói: "Thế nào là tâm bình đẳng? Nhìn nhau như cha mẹ, ấy gọi là tâm bình đẳng".
Hỏi: Phải chăng xem hết thảy chúng sanh là cha mẹ, anh em, chị em?
Đáp: Không phải vậy. Xem người già như cha mẹ, người lớn như anh, người nhỏ như em, xem như chị em cũng vậy. Do tâm lực bình đẳng nên đều xem nhau như thân thích.
Hỏi: Sao chẳng phải cha mẹ, cho đến chẳng phải thân thích mà lại nói là thân thích, không mắc tội vọng ngữ ư?
Đáp: Tất cả chúng sanh trong vô lượng kiếp, không ai đã không phải cha mẹ, anh em, chị em, thân thích.
Lại nữa, trong pháp thật tướng, thì không có chi là cha mẹ, anh em, do điên đảo chấp trước tự ngã mà gọi là cha mẹ, anh em. Nay do năng lực của thiện tâm, nên xem nhau như cha mẹ, mà chẳng phải vọng ngữ.
Lại nữa, như người lấy điều nghĩa mà kết thân với nhau, không phải cha mà thờ làm cha, không phải mẹ mà thờ làm mẹ. Anh em, con cái cũng như vậy. Như người có con làm ác, thì truất bỏ đi, còn kẻ khác họ mà làm lành thời đem về nuôi làm con. Nhìn nhau như vậy, thời gọi là tâm bình đẳng, như kệ nói:
"Coi vợ kẻ khác như là mẹ,
Thấy của cải kẻ khác như lửa,
Coi tất cả đều như thân thuộc,
Ấy là sự thấy bình đẳng".
Bấy giờ chúng sanh thực hành một cách bình đẳng. Mười thiện nghiệp đạo là, thân nghiệp đạo có ba là không giết, không trộm, không tà dâm. Khẩu nghiệp đạo có bốn là không nói dối, không nói hai lưỡi, không ác khẩu, không nói thêu dệt. Ý nghiệp đạo có ba là không tham lam, không não hại, không tà kiến. Tự mình không sát sanh, không bảo người khác sát, tán thán người không sát sanh, thấy người không sát sanh thì vui mừng thay cho nó. Cho đến tà kiến cũng có bốn cách như vậy.
Hỏi: Ba nghiệp sau chót là đạo, không phải nghiệp, bảy nghiệp đầu vừa là đạo cũng là nghiệp, tại sao nói là Mười thiện nghiệp đạo?
Đáp: Bỏ ít theo nhiều nên gọi chung là nghiệp đạo. Ba chữ sau chót tuy không phải nghiệp mà có thể khởi nghiệp. Lại vì nghiệp nên sanh khởi, thế cho nên gọi chung là nghiệp đạo.
(Kinh) : Tịnh tu Phạm hạnh, không có các tỳ vết.
Hỏi: Trên đã nói thực hành Mười thiện nghiệp đạo, lý ấy đã đủ, nay sao còn nói tịnh tu phạm hạnh nữa?
Đáp: Có người thực hành Mười thiện nghiệp đạo, mà không đoạn trừ dâm dục. Nay lại vì tán thán người thực hành hạnh Phạm-thiên, đoạn trừ dâm dục, nên nói là tịnh tu Phạm hạnh. Kinh nói: "Không có các tỳ vết" là kẻ hành dâm thì thân ác mà danh thúi, vì thế nên tán thán người đoạn trừ dâm dục rằng: Không có các tỳ vết, ô uế.
(Kinh) : Vui vẻ thư thái.
Hỏi: Đây là thứ vui gì?
Đáp: Vui đây có hai thứ là vui bên trong và vui Niết-bàn. Hai thứ vui nầy không từ năm trần phát sanh. Giống như con suối đá, nước từ trong núi ra, không phải từ ngoài đến. Tâm vui cũng như thế. Thực hành tâm bình đẳng, tu Phạm hạnh, được Mười thiện nghiệp đạo, thanh tịnh không cấu uế là thứ vui bên trong.
Hỏi: Thứ vui ấy hệ thuộc cõi nào? Hệ thuộc cõi Dục, cõi Sắc hay cõi Vô sắc?
Đáp: Thứ vui ấy hệ thuộc Dục giới mà cũng không hệ thuộc, chẳng phải hệ thuộc Sắc giới vàVô sắc giới. Nay nói giống như Tỳ-kheo nhập đệ Tam thiền. Nếu là hệ thuộc vào Sắc giới thì không nên nói giống như Tỳ-kheo đắc đệ Tam thiền. Vì ý nghĩa ấy nên biết chẳng phải hệ thuộc vào Sắc giới. Tâm ở Dục giới sanh hỷ lạc thấm khắp toàn thân, giống như giòng sữa ấm ngập cả thân thể, êm thấm hoan lạc.
Không hệ thuộc là, được thật tướng Bát-nhã Ba-la-mật, quán các pháp bất sanh bất diệt, được trí tuệ chơn thật, tâm không dính mắc. Cái vui vô tướng ấy là không hệ thuộc.
Hỏi: Phật có Niết-bàn vui bậc nhất, vì sao còn nói các vui ở đệ Tam thiền?
Đáp: Hai thứ vui: Có thứ vui lãnh thọ, có thứ vui do lãnh thọ dứt hết. Thứ vui do lãnh thọ dứt hết, là tất cả năm ấm dứt hết không còn sanh trở lại, đó là thứ vui Niết-bàn. Còn do dứt trừ phiền não ưu sầu, trong tâm được hoan hỷ, ấy là thứ vui lãnh thọ. Lạc thọ như vậy đầy đủ, chính ở tại trong đệ Tam thiền. Vì thế nên nói như cái vui của đệ Tam thiền.
Hỏi: Sơ thiền, Nhị thiền, cũng có lạc thọ, vì sao chỉ nói đệ Tam thiền?
Đáp: Vui có thượng, trung, hạ. Hạ là Sơ thiền, trung là Nhị thiền, thượng là Tam thiền. Sơ thiền có hai thứ vui là lạc căn và hỷ căn. Năm thức tương ưng lạc căn, ý thức tương ưng hỷ căn. Trong Nhị thiền, ý thức tương ưng với hỷ căn. Trong đệ Tam thiền, ý thức tương ưng với lạc căn. Trong tất cả ba cõi, trừ đệ Tam thiền, không có nơi nào ý thức tương ưng với lạc căn.
Năm thức không thể phân biệt, không biết đến tướng danh tự, nhãn thức sanh ra trong khoảnh khắc gãy móng tay là đã có ý thức sanh ra. Vì thế nên năm thức tương ưng với lạc căn không thể vui đầy đủ, ý thức tương ưng với lạc căn mới có thể là vui đầy đủ. Vì thế, trong đệ Tam thiền công đức ít màvui thì nhiều, nên không có Tám bội xả, tám thắng xứ, Mười nhất thiết nhập. Lên quá khỏi đệ Tam thiền thì không còn vui. Vì vậy nên nói như Tỳ-kheo nhập đệ Tam thiền.
(Kinh) : Hết thảy chúng sanh đều được hảo huệ, trì giới, tự thủ hộ, không nhiễu loạn chúng sanh.
Hỏi: Vì sao sau khi nói đến sự vui lại nói đến đều được hảo huệ?
Đáp: Người chưa được vui thì hay làm công đức, khi là được vui rồi, vì tâm đắm trước nhiều vào sự vui ấy mà không làm công đức, cho nên sau khi nói đến sự vui thì nói tiếp tâm được hảo huệ. Hảo huệ là trì giới, tự thủ hộ, không nhiễu loạn chúng sanh.
Hỏi: Trì giới tức là thủ hộ, cũng là không nhiễu loạn chúng sanh, cớ sao lại còn nói tự thủ hộ và không nhiễu loạn chúng sanh?
Đáp: Thân và miệng thuần thiện, gọi là trì giới, kiểm thúc tâm vào điều thiện, gọi là tự thủ hộ, cũng gọi là không nhiễu loạn chúng sanh. Tất cả các công đức đều nhập vào giới thân, định thân, huệ thân. Nói rằng khéo trì giới, là nhiếp về giới thân; khéo tự thủ hộ là nhiếp về định thân; không nhiễu loạn chúng sanh và các công đức từ v.v.. của trong thiền định, là nhiếp về huệ thân.
Hỏi: Cũng không có ai nói không khéo trì giới, cớ sao nay nói khéo trì giới?
Đáp: Có kẻ như Bà-la-môn đắm trước theo pháp thế gian mà nói rằng: "Bỏ nhà khéo trì giới, là người làm mất giống nòi". Lại nói: "Do tự lực làm ra của cải, rồi rộng làm công đức, như vậy là có phước, còn xuất gia thì đi khất thực, tự mình không cấp dưỡng được mình, thì làm sao mà làm các công đức". Những lời nói như vậy là chê trách kẻ khéo trì giới.
Cũng có người đắm trước vào những sửa trị thế gian mà chê trách người tự thủ hộ rằng: "Người tu lấy pháp trị đời, thưởng thiện phạt ác, luật pháp không thể phạm, không bỏ tôn thân, lập pháp cứu đời, được ích lợi to lớn, cần gì giữ thiện riêng mình, tự thủ hộ vô sự? Đời loạn không lo sửa sang, người gấp không lo cứu". Những lời như thế là chê trách kẻ khéo tự thủ hộ.
Cũng có người chê trách người khéo không nhiễu loạn chúng sanh rằng" Có oán mà không thể báo, có giặc mà không thể đánh, không trị nổi đứa ác, không sửa được kẻ tội, không thể trừ loạn cứu nạn, cần gì mặc nhiên vô ích". Những lời như thế là chê trách người khéo không nhiễu loạn chúng sanh. Như kệ nói:
"Người mà không dũng kiện,
Sanh ở đời mà chi,
Thân nạn mà không cứu,
Như người gỗ trên dất".
Những lời lẽ không tốt đẹp như thế, gọi là lời chê trách người không nhiễu loạn chúng sanh.
Các hạng trời và người đều được hảo huệ, trì giới, tự thủ hộ, không nhiễu loạn chúng sanh. Thực hành các thiện pháp ấy, thân tâm được an ổn, không có gì phải sợ hãi, không nóng nảy bứt rứt, được danh dự tốt đẹp, mọi người yêu kính. Ấy là nhắm tới cửa Niết-bàn. Khi mạng chung, thấy phước thì tâm vui mừng, không âu lo, không hối hận, nếu chưa được Niết-bàn, thì hoặc được sanh vào thế giới chư Phật, hoặc sanh lên cõi trời, vì thế nên nói là được hảo huệ, trì giới, tự thủ hộ, không nhiễu loạn chúng sanh.
(Hết cuốn 8 theo bản Hán)

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 100 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa


Phật Giáo Yếu Lược


Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa


Nguồn chân lẽ thật

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.139.234.68 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập