Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi.
Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình.
Kinh Pháp cú
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác.
Kinh Pháp cú
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác.
Kinh Đại Bát Niết-bàn
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
"Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi."
Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Hỏi: Nếu như thế, vì không có tụ phúc bằng trăm núi Tu-Di, nên cũng không một ai có thể được Bồ-đề.
Đáp:
Tuy làm phúc đức nhỏ
Đây cũng có phương tiện:
Ở nơi các chúng sinh
Phải trọn khởi phan duyên.
Nếu Bồ-tát này tuy làm phúc nhỏ, nhưng vì có phương tiện nên thành phúc tụ lớn. Hoặc lấy đồ uống ăn xả thí cho chúng sinh, hoặc dùng hương, hoa vòng...cúng dường tôn tượng của Như Lai.
Các phúc đức ấy, nơi tất cả chúng sinh được nhiếp bởi tất cả thế giới trọn đều duyên theo: Tôi đem phúc này khiến các chúng sinh đều được Vô thượng chánh giác. Lại đem phúc này chung cho tất cả chúng sinh. Những phúc như thế, cùng các chúng sinh hồi hướng Vô thượng bồ-đề, gọi là phương tiện của Bồ-tát. Hồi hướng như thế phúc đức sẽ thành vô lượng vô biên, vô số. Do đó nên Nhất thiết trí trí tuy là vô biên, lại vì tướng phúc đức này cũng vô biên nên có thể đắc được.
Lại có nghĩa khác:
Tôi có các động tác
Thường vì lợi chúng sinh,
Các tâm hành như thế
Ai lượng được phúc ấy?
Bồ-tát ngày đêm thường khởi tâm hành như vầy: Nếu tôi có động tác gì của thân khẩu ý thiện đều vì độ các chúng sinh, vì giải thoát chúng sinh, vì tịch tĩnh các chúng sinh, vì đến được Nhất thiết trí trí. Ngài đầy đủ đại bi như vậy, an trụ phương tiện thiện xảo, chỉ trừ chư Phật ra, ai có thể suy lường được? Cho nên đủ phúc này, có thể đắc được Bồ-đề.
Hỏi: Vì cớ gì phúc này lại vô lượng như vậy?
Đáp:
Không ái thân thuộc mình
Cùng thân, mạng, tài sản,
Chẳng tham vui Tự Tại,
Phạm Thế và Trời khác,
Cũng không tham Niết-bàn
Do vì chúng sinh vậy,
Đây chỉ niệm chúng sinh
Phúc ấy ai lượng được?
Trong đây, khi Bồ-tát hành hạnh lục độ, với nam, nữ và thân thuộc của mình, hoặc tài vật như kim cương..., hoặc thọ mạng của mình, hoặc chi tiết của thân, hoặc toàn thân, hoặc sự vui của thân tâm, hoặc tự tại trong cõi Trời, Người, hoặc thân của Phạm thiên, hoặc cõi trời Vô sắc, cho đến Niết-bàn, vì chúng sinh nên đều không ái, chỉ với chúng sinh thương xót không bỏ: Tôi sẽ làm thế nào khiến các chúng sinh như trẻ nhỏ, phàm phu bị màn vô trí che mù thoát khỏi ngục tù ba cõi, để nơi Niết-bàn thường lạc trong thành Vô úy. Bồ-tát làm sự lợi lạc như thế, với các chúng sinh không nhân mà ái, phúc đức có được thì ai có thể lượng?
Lại, kệ rằng:
Đời không chỗ nương, hộ
Cứu hộ khổ não ấy,
Khởi tâm hành như thế
Phúc đức ai lượng được?
Bồ-tát này thường dùng đại bi nghĩ như vầy: Nay thế gian này không ai cứu hộ, đi khắp sáu đường, vào lửa ba khổ, không nơi nương tựa, chạy nháo đây kia, các bệnh thân tâm thường có khổ não. Không có chỗ nương thì tôi sẽ làm chỗ nương, cứu thân tâm họ chịu các khổ. Khởi tâm hành này thời phúc đức có được ai có thể lượng?
Tập tương ưng Trí Độ
Như khoảnh vắt sữa trâu,
Một tháng lại nhiều tháng,
Phúc ấy ai lượng được?
Bát-nhã Ba-la-mật này có thể sinh ra chư Phật, Bồ-tát và thành tựu pháp của chư Phật, Bồ-tát. Bồ-tát nếu với khoảnh thời gian như vắt sữa trâu như vậy, tư duy tu tập thời tụ phúc ấy còn vô lượng, huống chi một ngày một đêm, hai ngày đêm, ba ngày đêm cho đến bảy ngày đêm, nửa tháng, một tháng, lại nhiều tháng tu tập tương ưng, phúc đức có được ai có thể lượng?
Kinh sâu xa Phật khen
Tự tụng và dạy người,
Lại vì phân biệt nói
Gọi là tụ phúc đức.
Thậm thâm là Kinh điển hết sức thâm sâu, tương ưng với Không, xuất thế gian- đó là thậm thâm.
Lại nữa, vì phân biệt duyên sinh. Duyên sinh tức là pháp, pháp tức là thân của Như Lai, kinh ấy tương ưng với thân Như Lai. Kinh thậm thâm này được chư Phật Thế Tôn tán thán. Nếu tự tụng hoặc dạy người tụng, hoặc vì người khác giải thích với tâm không mong cầu, vì chỉ không muốn thân Như Lai bị ẩn mất thân. Thân Như Lai tức là pháp thân, vì muốn khiến trụ dài, nên phúc đức có được thời ai có thể lường!
Khiến vô lượng chúng sinh
Phát tâm vì Bồ-đề
Tạng phúc lại tăng thêm
Sẽ được địa Bất Động.
Đây có Bồ-tát thiện xảo phương tiện, trước dùng bốn sự nhiếp các chúng sinh, biết các chúng sinh kia thọ nhận lời của ta rồi, sau đó giáo hóa khiến phát tâm Bồ-đề. Bồ-tát đầy đủ phương tiện thiện xảo như thế, khiến các chúng sinh phát tâm Bồ-đề. Phúc đức có được của vị ấy không ai có thể lượng, vì vô lượng vậy.
Lại, vì khiến chúng sinh phát tâm Bồ-đề nên phúc đức càng tăng thêm. Nói phúc tạng là: Vì phúc vô tận, vì có thể đến vô tận nên không thể cùng tận.
Bất động địa là vì chẳng thể lay động nên gọi là bất động địa. Trong đó, Bồ-tát vì khiến người khác phát tâm Bồ-đề, nên trong các kiếp sinh, tâm Bồ-đề không động, không mất. Vì khiến người khác phát tâm Bồ-đề nên tâm này tức là nhân của bất động địa.
Chuyển theo Phật đã chuyển
Pháp luân tối thắng kia,
Tịch tĩnh các gai ác
Là tạng phúc Bồ-tát.
Như Phật Thế Tôn trong thành Ba-La-Nại, chỗ của tiên nhân, rừng Hươu, chuyển pháp luân rồi, với pháp luân tối thắng kia, tùy thuận mà chuyển- cũng là tạng phúc.
Sự tùy thuận chuyển này có ba loại nhân duyên là:
Với kinh thâm sâu được Như Lai nói, tương ưng với Không, tương ưng với xuất thế gian, nếu trì giữ, hoặc nói và thuận theo pháp mà hành pháp; hoặc với các kinh như thế, trì giữ khiến không mất- thì là tùy thuận chuyển pháp luân thứ nhất.
Vì chúng sinh có căn khí mà phân biệt diễn nói- là tùy thuận chuyển pháp luân thứ hai.
Như được nói trong kinh ấy, như pháp tu hành- là tùy thuận chuyển pháp luân thứ ba.
Tịch tĩnh các gai ác là: Gai ác của Phật giáo là ngoại đạo tà kiến và ác ma tự tại trong cõi Dục chán ghét giải thoát.
Nếu trong bốn chúng hoặc có người khác, không phải pháp mà nói là pháp, không phải luật mà nói là luật, không phải giáo lý của Thầy mà nói là giáo lý của Thầy- là gai ác trong Phật giáo . Phải nên như pháp phân tích mà hàng phục họ; bẻ kiêu mạn, phá tà kiến khiến cho Pháp rực sáng. Đây gọi là tịch tĩnh các gai ác. Vì tịch tĩnh các gai ác nên gọi là tạng phúc của Bồ-tát.
Vì lợi lạc chúng sinh
Nhẫn khổ lớn địa ngục,
Huống gì khổ nhỏ khác
Bồ-đề trong lòng tay.
Nếu Bồ-tát mặc giáp kiên cố, thường vì lợi lạc chúng sinh mà phát ý tinh tiến, với một chúng sinh, vì khiến giải thoát, nên tuy ở trong địa ngục lớn A-tì-chỉ, trải các kiếp khổ mà an nhẫn bất động, huống gì khổ nhỏ khác. Bồ-tát có thể nhẫn các khổ như vậy thời phải biết rằng Bồ-đề như trong lòng tay.
Khởi làm chẳng vì mình
Chỉ lợi lạc chúng sinh,
Đều do đại bi nên
Bồ-đề trong lòng tay.
Nếu Bồ-tát khởi làm những gì, hoặc bố thí...do vì đại bi, chỉ vì lợi lạc chúng sinh, cũng vì khiến chúng sinh được Niết-bàn, rốt chẳng vì mình dù chỉ chút sự vui. Vị ấy cũng là bậc đại bi. Với bậc đại nhân như vậy, phải biết Bồ-đề đến trong lòng tay.
Trí tuệ lìa hý luận,
Tinh tiến lìa giải đãi,
Xả thí lìa xan tiếc,
Bồ-đề trong lòng tay.
Hỏi: Ở trước đã giải thích các Ba-la-mật như Đà-na, nay lại giải thích để làm gì?
Đáp: Trước phần nhiều là vì người tu hành mà giải thích, nay vì người không có được nhẫn và ánh sáng trí tuệ mà giải thích. Vì đã giác biết đạo Nhất Tướng nên người trí ấy lìa xa hí luận; vì không xả ách nên vị ấy tinh tiến, lìa giải đãi; vì trừ tham nên vị ấy bố thí, lìa xa xan tiếc. Vị Bồ-tát như thế, phải biết rằng Bồ-đề nằm trong lòng tay.
Định vô y vô giác,
Giới viên mãn không tạp,
Nhẫn sinh không từ đâu,
Bồ-đề trong lòng tay.
Nếu Bồ-tát khéo thành tựu Thiền-na ba-la-mật rồi, định này không nương ba cõi, tướng ấy tịch tĩnh không có suy tư. Lại, Thi-la tròn đầy không tạp, không đục, hồi hướng Bồ- đề không có diệt mất. Lại, khéo thành tựu Bát-nhã ba-la-mật rồi, trong pháp duyên sinh trụ Vô sinh nhẫn. Vì căn bản thắng nên không có thối chuyển. Phải biết rằng, Bồ-đề nằm trong lòng tay.
Hỏi: Đã nói rằng, Bồ-tát tu hành và đã đắc nhẫn tích tụ các phúc điền, tụ phúc này có thể được Bồ-đề. Vì sao Bồ-tát sơ phát tâm tích tập các ruộng phước, phúc tụ này có thể đắc Bồ-đề?
Đáp:
Hiện tại ở mười phương
Có bao đấng Chánh Giác
Con trọn trước các Ngài
Nói ra bất thiện con.
Nếu có chư Phật Thế Tôn hiện tại ở mười phương trong thế gian không chướng ngại, vì bản nguyện lực lợi lạc chúng sinh nên trụ, nay trước các đấng thật chứng mà phát lộ các tội: Nếu con từ vô thỉ lưu chuyển đến nay, trong thời trước và hiện tại hoặc tương lai, hoặc tự làm các nghiệp ác, hoặc bảo người làm, hoặc tùy hỷ; vì tham sân, si khiến thân, khẩu, ý ác, con nay bày nói không dám che đậy, trọn sẽ đoạn dứt vĩnh viễn, đến cuối không lại tạo nữa.
Trong mười phương thế giới
Nếu Phật đắc Bồ-đề
Mà không diễn nói Pháp
Con thỉnh chuyển pháp luân.
Nếu Phật Thế Tôn đầy đủ đại nguyện, dưới cây Bồ-đề chứng Vô thượng chánh giác rồi, lại ít muốn, an trụ tịch tĩnh, không vì thế gian mà chuyển pháp luân, con sẽ khuyến thỉnh các Phật Thế tôn chuyển pháp luân của Phật, lợi ích an lạc nhiều người, thương xót thế gian và vì đại chúng, lợi lạc trời người.
Hiện tại mười phương giới
Có bao đấng Chánh Giác
Nếu muốn xả bỏ mạng
Đảnh lễ, khuyến thỉnh trụ.
Nếu chư Phật Thế Tôn thế gian vô ngại, ở mười phương chứng Bồ-đề, chuyển pháp luân, an trụ chánh pháp; những chúng sinh đáng hóa độ đã hóa độ xong, muốn xả mạng; con sẽ đảnh lễ chư Phật Thế Tôn ấy, thỉnh trụ lâu, lợi ích nhiều người, an lạc nhiều người, thương xót thế gian, vì đại chúng, lợi lạc trời, người.
Nếu các chúng sinh kia
Từ nơi thân, khẩu, ý
Phúc sinh từ Thí, Giới
Cùng với tư duy, tu,
Thánh nhân và phàm phu
Thời quá, hiện, vị lai
Có bao phúc tích tụ
Con nay đều tùy hỷ.
Nếu các chúng sinh làm các sự phúc đức, tu tập bố thí, trì giới...sinh ra từ thân, khẩu, ý, đã tích tụ, hiện tích tụ và tương lai; chư Thanh văn, Độc giác, chư Phật, Bồ-tát, các Thánh nhân và phàm phu có bao phúc đức, con đều tùy hỷ.
Tùy hỷ như vậy là tiên đạo, là thắng trụ, là thù dị, là tối thượng, là thắng nhiếp, là mỹ diệm, là vô thượng, là vô đẳng, là vô đẳng đẳng- tùy hỷ như vậy mới gọi là tùy hỷ.
Nếu con có được phúc
Trọn dùng làm một tụ
Hồi hướng cho chúng sinh
Vì khiến được chánh giác.
Nếu con từ vô thỉ lưu chuyển đến nay, nơi Phật, Pháp, Tăng và người khác, có bao nhiêu phúc, cho đến cho súc sinh một miếng ăn, hoặc căn lành quy y, hoặc căn lành sám hối, hoặc căn lành khuyến thỉnh, hoặc căn lành tùy hỉ, đều xứng với lượng chung làm một tụ, con vì các chúng sinh, vì hồi hướng Bồ-đề, trọn đều xả thí; dùng căn lành này khiến các chúng sinh chứng Vô thượng chánh giác, được Nhất thiết trí.
Con sám hối như vậy
Phúc tùy hỷ, thỉnh chuyển
Và hồi hướng Bồ-đề
Sẽ biết như chư Phật.
Nếu con có căn lành vì chúng sinh mà hồi hướng Bồ-đề, hoặc thiện căn thỉnh chuyển pháp luân, hoặc thiện căn khuyến thỉnh trường thọ, hoặc thiện căn tùy hỷ - đều xứng lượng làm một tụ rồi, như quá khứ, vị lai, hiện tại chư Phật Thế Tôn khi vì Bồ-đề, đã hồi hướng, đang hồi hướng, sẽ hồi hướng, con cũng hồi hướng thiện căn về Bồ-đề như thế, dùng thiện căn hồi hướng này khiến con và chúng sinh sẽ chứng Vô thượng chánh giác.
Tôi nay lại lược nói:
Phơi bày tội lỗi con,
Phúc thỉnh Phật, tùy hỷ
Và hồi hướng Bồ-đề
Như đấng Tối Thắng nói.
Tự có tội ác trọn đều sám hối và các phúc đức thỉnh chuyển pháp luân, thỉnh trụ thọ lâu dài, phúc tùy hỷ, hồi hướng, hồi hướng như trước, vì Bồ-đề, như được nói bởi đấng tối Thắng. Hồi hướng như vậy.
Hỏi: Lại, sự hồi hướng phải làm thế nào?
Đáp:
Gối phải quỳ sát đất
Một vai, chỉnh thượng y,
Ngày, đêm đều ba thời
Chắp tay làm như vậy.
Phải tự thanh tịnh, mặc đồ sạch sẽ, rửa sạch tay chân, y áo tề chỉnh. Một bên vai phải chỉnh lý thượng, đắp y rồi, dùng một gối bên phải quỳ yên trên đất, chắp tay, một lòng lìa ý phân biệt; hoặc nơi tháp của Như Lai, hoặc trước Tôn tượng, hoặc hướng hư không phan duyên chư Phật như tại hiện tiền. Nghĩ như thế rồi, như đã được nói ở trước, hoặc ngày hoặc đêm đều ba thời mà thực hiện.
Một thời phúc làm được
Nếu mà có hình sắc
Hằng sa số đại thiên
Cũng không thể dung chứa.
Trong sáu thời hồi hướng được nói đó, nếu phân biệt phúc đức làm được trong một thời, thì được nói bởi chư Phật Thế Tôn thấy như thật rằng: Nếu phúc đức ấy có hình sắc như thóc lúa tụ thì phúc đức tích tụ ấy không có hạn lượng, tuy đến tận cùng giới hạn của ba nghìn đại thiên thế giới số nhiều như cát sông Hằng cũng không thể dung chứa, vì phúc đức hồi hướng ấy bằng với hư không mà hồi hướng vậy. Cho đến một thời hồi hướng còn có phúc đức như vậy, huống lại nhiều hồi hướng. Tuy là Bồ-tát sơ phát tâm, nhưng do lực hồi hướng cũng thành phúc lớn. Trở lại vì tướng phúc tụ như thế, lần lượt có thể đắc Bồ-đề.
Hỏi: Đã nói phương tiện mà các Bồ-tát thành được phúc lớn, nay muốn bảo hộ phúc đức thời dùng phương tiện gì?
Đáp:
Kia sơ phát tâm rồi
Với các Bồ-tát nhỏ
Phải khởi tôn trọng, ái
Giống như Thầy, cha, mẹ.
Vị Bồ-tát sơ phát tâm kia, nếu muốn bảo hộ căn lành của mình và bảo hộ thân mình, với các Bồ-tát sơ phát tâm, phải khởi tâm tôn trọng ái kính đến cùng cực, coi giống như Thế Tôn Nhất Thiết Trí Sư và cha, mẹ sinh ra mình.
Lấy Bồ-tát sơ phát tâm như thế làm đầu, với các Bồ-tát cũng phải như vậy, ái trọng cùng cực. Nếu khác như đây ắt tự thân và căn lành trọn đều diệt hết. Như trong kinh Thế Tôn từng nói: Ta không thấy một pháp nào khác chướng ngại Bồ-tát và diệt hết căn lành như khởi tâm sân hận với Bồ-tát. Bồ-tát tuy trăm kiếp tích tụ căn lành, do vì tâm sân với Bồ-tát khác mà trọn đều diệt hết. Cho nên với các Bồ-tát phải khởi tôn trọng giống như Thầy dạy.
Bồ-tát tuy có lỗi
Mà còn không nên nói
Huống gì sự không thật,
Chỉ nên như thật khen.
Nếu Bồ-tát chê hủy lầm lỗi của người hành Đại thừa, khiến bị danh xấu, thời thiện pháp có được qua các kiếp trọn đều diệt hết, không tăng trưởng được bạch pháp. Cho nên các Bồ-tát tuy có lỗi lầm, vì bảo hộ căn lành và mạng của mình, không nên nói ra, huống gì lại chẳng thật. Ví như tội của vua, như trong kinh nói: Có Bồ-tát mạng sống thanh tịnh, không thể hủy phạm. Nhưng Tỳ-khưu Đạt-Ma, vì vọng nói ác nên trong bảy mươi kiếp thọ quả báo địa ngục, lại trong sáu vạn kiếp làm người bần cùng, thường bị bệnh mù, bệnh hủi, ác bệnh. Cho nên nơi Bồ-tát, nếu có ác hoặc không có ác, đều không được nói. Nếu vị ấy có đức thật, chỉ nên ngợi ca, vì để tự tăng trưởng căn lành của mình, cũng vì khiến người khác trụ tín tâm vậy.
Nếu ai muốn làm Phật
Muốn khiến không thối chuyển
Thị hiện và xí thịnh,
Cũng khiến sinh vui thích.
Nếu có chúng sinh đã phát nguyện cầu Bồ-đề, chỉ muốn khiến họ không thối thất. Nhưng có người ngu si, sân khuể và tham, vì bè phái mình nên nói như vầy: Sao phải dùng cái hành khó hành lâu dài của Bồ-tát? Cái vui của Niết-bàn cũng bình đẳng tương tợ; hành của Thanh văn nhanh chóng đắc Niết-bàn.
Những điều này, sau sẽ nói quả báo.
Nếu dùng đủ loại thí dụ để hiển bày công đức Phật khiến vào được vào tâm- chính là hiển thị; khiến họ đầy đủ tinh tiến các hành của Bồ-tát- chính là xí thịnh; muốn khiến tinh tiến tăng nhanh lợi ích, vì nói các sự thần thông lớn công đức của đấng Chánh Giác- chính là vui thích. Như thế khiến họ không bỏ tâm Bồ-đề.
Chưa hiểu kinh thậm thâm
Chớ rằng: Phật không nói.
Nếu mà nói như thế
Chịu ác báo khổ nhất.
Kinh thậm thâm là được Phật nói, tương ưng với Không, Vô tướng, Vô nguyện; trừ vô lượng các biên kiến như: Đoạn- thường; diệt tự tính của: Ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả; hiển hiện công đức đại thần thông hi hữu của Như Lai. Với kinh luật này, nếu chưa chứng biết, chớ có vì si mà nói rằng không phải Phật nói. Tại sao thế? Phật Thế Tôn nói: Nếu phỉ báng Kinh được nói bởi Như Lai sẽ chịu ác báo khổ nhất.
Các tội như Vô gián
Trọn dùng làm một tụ
So với hai tội trước
Chẳng bằng một phần, số.
Thế Tôn trong Kinh Bất Thối Luân nói: Các tội có được của năm nghiệp vô gián, hoặc tội báo đoạn mạng chúng sinh có trong ba nghìn đại thiên thế giới, hoặc tội báo của sự thiêu, hoặc hủy hoại chi-đề của chư Phật Thế Tôn sau khi diệt độ như số cát sông Hằng, hoặc tội báo chướng ngại pháp nhãn của chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai- các tội như thế trọn đều làm một tụ; nếu chưa hiểu kinh thâm sâu mà khởi chấp trước, nói rằng, không phải Phật nói; và Bồ-tát đã phát tâm Bồ-đề rồi mà khiến thối tâm Bồ-đề. Hai loại tội này, tội của năm loại vô gián tụ ở trước mà so thì không bằng một phần trăm, không bằng một phần nghìn, cho đến một phần số, một phần toán, một phần thí dụ, một phần Ưu-ba-ni-sa-đà cũng không bằng, vì tội tướng này.
Vì để bảo hộ thân mình và căn lành của mình, chớ làm hai loại tội này.
Hỏi: Đã nói về Bồ-tát bảo hộ căn lành của mình. Thế nào là thắng nghĩa của tu đạo?
Đáp:
Với ba môn giải thoát
Phải nên khéo tu tập
Đầu: Không, tiếp: Vô tướng,
Người trí thì Nguyện gì?
Trong đó, khi Bồ-tát hành Bát-nhã Ba-la-mật, phải tu ba môn giải thoát. Đầu tiên hết phải tu môn giải thoát Không, vì phá tan các kiến chấp; thứ hai là môn giải thoát Vô Tướng, vì không nắm giữ các ý phân biệt phan duyên; thứ ba là môn giải thoát Vô Nguyện, vì vượt qua cõi Dục, cõi sắc, cõi Vô Sắc.
Hỏi: Cớ gì những môn ấy gọi là môn giải thoát?
Đáp:
Vô tự tính nên Không,
Đã không sao có tướng?
Các tướng đã tịch diệt
Người trí có nguyện gì?
Vì duyên sinh nên pháp không có tự tính- đây gọi là Không; vì Không nên tâm chẳng phan duyên- ắt không có tướng; vì lìa các tướng nên ắt chẳng mong cầu.
Lại, nếu pháp từ duyên sinh, tự tính nó không sinh, vì tự tính không sinh nên pháp ấy là Không; nếu pháp là Không thì trong đó không có tướng, vì tướng không có nên là Vô tướng; nếu không có tướng thì trong đó tâm không chỗ tựa, vì không chỗ tựa nên trong ba cõi tâm không chỗ mong cầu.
Ở đây khi tu niệm
Đến gần đạo Niết-bàn,
Chớ nghĩ: Không Phật thể,
Ở đó chớ phóng dật.
Khi tu ba môn giải thoát này, nếu không được nhiếp bởi phương tiện, ắt tiếp cận Niết-bàn; tuy phải tu tập nhưng chớ rơi vào Bồ-đề khác, phải cầu được Nhẫn vô sở đắc, phải trụ phương tiện thiện xảo.
Tôi với đạo Niết-bàn
Không nên liền tác chứng,
Phải phát tâm như vầy:
Nên thành thục Trí Độ.
Phát tâm nghư vầy: Tôi phải lợi ích các chúng sinh, độ thoát các chúng sinh; tuy tu ba môn giải thoát nhưng không nên nơi Niết-bàn tác chứng. Nhưng tôi vì học Bát-nhã Ba-la-mật, trong ba môn giải thoát phải tinh chuyên thành thục. Tôi phải tu Không mà không nên chứng Không, tôi phải tu Vô tướng mà không nên chứng Vô tướng, tôi phải tu Vô nguyện mà chẳng nên chứng vô nguyện.
Như thầy bắn phóng tên
Mỗi mũi bắn nối nhau,
Giữ nhau khiến không rơi,
Đại Bồ-tát cũng vậy.
Ví như bậc thầy bắn cung khéo học bắn rồi, bắn tên lên hư không, bắn liên tục những mũi tên sau, những mũi tên ấy theo nhau, giữ nhau trên không trung, khiến không rớt xuống đất.
Trong môn giải thoát Không
Khéo phóng mũi tên tâm,
Tên phương tiện liền nhau
Không rơi xuống Niết-bàn.
Như thế, Bồ-tát bậc thầy bắn cung lớn, dùng cung Không, Vô tướng, Vô nguyện đã tu học; trong hư không ba môn giải thoát, phóng mũi tên tâm rồi, lại dùng mũi tên phương tiện khéo bi mẫn chúng sinh, triển chuyển liên tục trong hư không ba cõi, giữ mũi tên tâm kia khiến không rơi vào thành Niết-bàn.
Hỏi: Làm thế nào lại khiến tâm kia chẳng rơi vào thành Niết-bàn?
Đáp:
“Tôi không bỏ chúng sinh
Vì lợi ích chúng sinh”.
Trước khởi niệm như thế
Sau tu tập tương ưng.
Nếu tôi trong ba môn giải thoát khéo thành thục rồi, muốn lấy Niết-bàn thì như trong lòng tay, nhưng tôi vì phàm phu như trẻ nhỏ còn phải mớm sữa không thể tự đến thành Niết-bàn, vì chưa Niết-bàn nên tôi với Niết-bàn không nên một mình vào. Tôi sẽ phát khởi tinh tiến như thế này: “Tùy tôi làm gì chỉ vì lợi ích các chúng sinh, cũng chỉ vì khiến các chúng sinh được niết-bàn”, trước phải khởi nghĩ như thế; tiếp đó tâm với ba môn giải thoát tùy thuận tương ưng. Tùy thuận là nghĩa sau vậy. Nếu không như thế, thì mũi tên tâm kia, vì không được nhiếp và phương tiện khéo, khi hành ba môn giải thoát liền rơi vào trong giải thoát của Thanh văn hoặc giải thoát của Độc giác.
Nay lại có thêm phương tiện khéo:
Các chúng sinh chấp Hữu
Đêm trường và hiện hành,
Điên đảo với các tướng
Đều vì si mê vậy.
Các chúng sinh phàm phu, trẻ nhỏ, vì si mê, nơi đêm trường lưu chuyển vô thỉ dính mắc bốn điên đảo: Vô thường cho là thường, khổ cho là vui, bất tịnh cho là tịnh, vô ngã cho là ngã. Và, trong các giới, nhập trong và ngoài chấp ngã, ngã sở, cho rằng có sở đắc; hành trong đêm trường và hành trong hiện tại.
Người điên đảo chấp tướng
Nói pháp vì đoạn trừ,
Trước phát tâm như vậy,
Sau tu tập tương ưng.
Các chúng sinh như thế, vì si mê nên khởi hai loại chấp trước ngã, ngã sở. Lại trong sự vô sở hữu của sắc...vọng khởi phân biệt nắm lấy tướng, sinh bốn loại tà kiến điên đảo, tôi sẽ vì họ nói pháp khiến đoạn trừ. Trước phát tâm như thế rồi, sau đó trong ba môn giải thoát tu tập tương ưng. Nếu khác điều này mà tu tập ba môn giải thoát ắt sẽ thú hướng đạo cận Niết-bàn.
Bồ-tát lợi chúng sinh
Mà không thấy chúng sinh
Đây là sự khó nhất
Hiếm có, không thể nghĩ.
Bồ-tát khởi tưởng chúng sinh- điều này cũng là khó nhất, không thể suy nghĩ, chưa từng có như vẽ hư không. Trong nghĩa tối thắng vốn không có chúng sinh. Bồ-tát này “không biết”, “không đắc”, nhưng vì lợi ích chúng sinh mà động hành tinh tiến. Chỉ trừ đại bi, chỗ nào còn có sự khó như thế.
Tuy vào chính định vị
Tập ứng môn giải thoát,
Vì chưa mãn Bồ-đề
Không chứng nơi Niết-bàn.
Điều này nên suy lượng. Nếu Bồ-tát đến chính định vị, vì ba mươi hai pháp nên vào chính định vị, khi tương ưng với môn giải thoát; trong khoảng giữa chưa mãn bản nguyện thì là chứng Niết-bàn hay không chứng Niết bàn?
Trong kinh Thế Tôn nói rằng: Bốn đại có thể khiến biến đổi, chứ không có nhập chính định vị Bồ-tát trong khoảng trung gian chưa mãn bản nguyện mà chứng Niết-bàn. Cho nên, Bồ-tát đến chính định vị, chưa mãn bản nguyện thời chẳng chứng Niết-bàn.
Nếu chưa đến định vị
Vì lực phương tiện nhiếp
Vì chưa mãn bản nguyện
Cũng không chứng Niết-bàn.
Nếu Bồ-tát sơ phát tâm chưa đến chính định vị, vị ấy do phương tiện khéo nhiếp, khi tu ba môn giải thoát, trong khoảng giữa chưa mãn bản nguyện, cũng không chứng Niết-bàn.
Cực chán ghét lưu chuyển
Nhưng cũng hướng lưu chuyển,
Tin thích nơi Niết-bàn
Cũng quay lưng Niết-bàn.
Bồ-tát này trong lưu chuyển, vì ba loại lửa cháy nên cực chán lìa. Không nên khởi tâm trốn lánh lưu chuyển, vì phải với chúng sinh nghĩ như con mà hướng về lưu chuyển. Và, phải tin, thích Niết-bàn vì như nhà cửa che trở bảo hộ, nhưng phải quay lưng với Niết-bàn, vì để viên mãn Nhất thiết trí trí.
Trong lưu chuyển, nếu có tâm chán lìa ắt với Niết-bàn cũng có tin thích. Nếu không hướng lưu chuyển, chẳng quay lưng với Niết-bàn, chưa mãn bản nguyện, khi tu tập môn giải thoát ắt sẽ tác chứng Niết-bàn.
Phải nên sợ phiền não,
Không nên sạch phiền não,
Phải vì tích các thiện
Lấy ngăn ngăn phiền não.
Vì là nhân của lưu chuyển, phải nên sợ phiền não, nhưng không rốt ráo đoạn sạch phiền não. Nếu đoạn sạch phiền não ắt chẳng thể tích tập tư lương Bồ-đề. Cho nên Bồ-tát dùng pháp ngăn mà ngăn phiền não. Do vì ngăn phiền não khiến nó không có lực thời tích tập được căn lành tư lương của Bồ-đề. Vì tích tập căn lành nên đầy đủ được bản nguyện, có thể đến bồ-đề.
Hỏi: Vì cớ gì không vì đoạn diệt mà diệt các phiền não?
Tính Bồ-tát phiền não
Không phải tính Niết-bàn,
Không thiêu các phiền não
Sinh chủng tử Bồ-đề.
Như các thánh nhân Thanh văn, tính là Niết-bàn, vì phan duyên Niết-bàn nên đắc quả Sa-môn. Chư Phật không lấy Niết-bàn làm tính mà lấy phiền não làm tính, vì tâm Bồ-đề do đây mà sinh. Thanh văn, Độc giác thiêu các phiền não nên không sinh chủng tử của tâm Bồ-đề, vì tâm Nhị thừa chủng tử không lưu chuyển. Cho nên phiền não là Như Lai tính. Vì chúng sinh có phiền não phát tâm Bồ-đề, sinh ra Phật thể, nên không lìa phiền não.
Hỏi: Nếu thiêu phiền não mà không sinh chủng tử tâm Bồ-đề, thì vì cớ gì trong kinh Pháp Hoa lại thọ ký cho các Thanh văn thiêu phiền não?
Đáp:
Thọ ký các chúng sinh
Ký này có nhân duyên,
Chỉ là Phật thiện xảo
Phương tiện đến bờ kia.
Không biết những chúng sinh nào thành tựu, nhân duyên trong đó chỉ Phật biết. Vì đã đến bờ kia của điều phục, không tương tợ với các chúng sinh khác, nhưng họ không sinh chủng tử tâm Bồ-đề vì vào chính định vị vô vi. Như Kinh nói:
Như không và hoa sen,
Bờ cao và hố sâu,
Loại bất nam, Già-chế,
Cũng như thiêu hạt giống.
Như trong hư không chẳng sinh chủng tử, như thế trong vô vi chẳng từng sinh Phật pháp, cũng sẽ không sinh. Như trong cao nguyên hoang dã chẳng sinh hoa sen, cũng như thế Thanh văn, Độc giác vào trong chính định vị chẳng sinh Phật pháp.
Bờ vực là: Trong thành Nhất thiết trí trí của đạo có hai bờ vực: Bờ vực của địa vị Thanh văn, bờ vực của địa vị Độc giác. Thanh văn, Độc giác nếu có Nhất thiết chủng trí ắt chẳng phải hai bờ vực của Bồ-tát vậy.
Hố sâu là: Như trượng phu khéo học nhảy, tuy rơi xuống hố sâu nhưng an ổn mà trụ. Nếu không khéo học mà rơi vào hố sâu thời sẽ chết trong hố. Như thế, vì Bồ-tát tu tập căn lành tương ưng vô vi, tuy tu vô vi mà không rơi vào trong vô vi. Các Thanh văn tu tập vô vi không khéo tương ưng ắt rơi vào vô vi.
Giới là: Vì Thanh văn tự buộc tại giới vô vi, không lại có thể hành trong hữu vi, cho nên trong đó không sinh tâm Bồ-đề.
Bất nam là: Như trượng phu căn bị hoại, trong năm dục lạc không được lợi. Như thế Thanh văn đủ pháp vô vi, với lợi của Phật pháp cũng không có lợi.
Già-chế là: Như châu Già-chế, chư thiên nhân gian tuy khéo trau dồi châu Già-chế, rốt cuộc chẳng thể thành báu Tì-lưu-ly. Như thế Thanh văn tuy đủ các giới học, đầu đà công đức Tam-ma-đề...Rốt cuộc chẳng thể ngồi Bồ-đề đạo tràng chứng Vô thượng chánh giác.
“Cũng như thiêu hạt giống” là: Như chủng tử bị thiêu, tuy đặt trong đất, nước ngấm nuôi, mặt trời chiếu, rốt cuộc chẳng thể sinh. Như thế Thanh văn thiêu chủng tử phiền não rồi, trong ba cõi không sinh nghĩa.
Vì các kinh như thế, phải biết rằng, Thanh văn đắc pháp vô vi rồi, không sinh tâm Bồ-đề.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.222.110.5 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.