Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại;
giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to!
(Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Nay ở nơi chư Phật
Chắp tay kính đảnh lễ
Con sẽ như giáo nói
Tư lương Bồ-đề Phật.
Phật là giác trong tất cả những gì nên biết -đây là nghĩa Phật- vì như cái nên biết mà biết vậy; lại vì trong vô trí, thùy miên mà giác vậy. Giác là nghĩa giác ngộ, vì lìa vô trí, thụy miên.
Lại, vì các Thích, Phạm không giác ngộ được cái giác này, chỉ đấng danh vang khắp cả ba cõi có thể giác ngộ. Tất cả chư Phật chính là giác ngộ cái giác này, vì tất cả loại trí biết khắp chỉ Phật biết - không phải là Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát - vì đầy đủ Bất cộng pháp.
“Chư” là vì không khuyết- nghĩa là quá khứ, vị lại, hiện tại.
“ Đỉnh” vì là phần ở trên.
“ Hợp chưởng” là chắp tay.
“ Kính” là vì hướng lễ.
“ Ngã thuyết” là vì tự phân biệt.
“ Như giáo” là vì trong các kinh đã nói đủ loại, nay cũng như giáo ấy mà nói.
“ Phật” là vì lìa sự vô trí.
“ Bồ-đề” vì là Nhất thiết trí trí.
“ Tư lương” là vì có thể đầy đủ pháp của Bồ-tát. Ví như bình đầy, vại đầy… của thế gian. Doanh là nghĩa đầy tràn, lấy pháp đầy đủ của Bồ-đề như thế làm tư lương của Bồ-đề.
Lại, lấy trì giữ làm nghĩa. Ví như cùng đi trong thế gian: Mặt trời nhiếp sự nóng, mặt trăng nhiếp sự lạnh. Nhiếp là nghĩa trì giữ. Như thế lấy sự trì giữ pháp của Bồ-đề là tư lương của Bồ-đề. Nói tư lương tức là nghĩa trì giữ.
Lại, lấy trưởng dưỡng làm nghĩa. Ví như thế gian có người có thể đủ một nghìn, hoặc trăm, hoặc mười, hoặc tự đầy đủ, hoặc khó tự đầy đủ. Bồ-đề tư lương cũng lại như thế, lấy sự trưởng dưỡng Bồ-đề làm nghĩa.
Lại, lấy nhân làm nghĩa. Như trong các nhân của nhà cửa, thành, xe thì nói là tư lương nhà cửa, tư lương thành, tư lương xe. Như thế trong sự sinh ra pháp nhân duyên Bồ-đề, gọi là tư lương của Bồ-đề.
Lại, lấy các phần đầy đủ làm nghĩa. Ví như trong phần cúng tế, các thứ đồ cúng như lửa đầy đủ thì gọi là cúng tế, chẳng phải không đầy đủ. Cũng như các phần của thân: Đầu, tay, chân…đầy đủ thời được gọi là thân, chẳng phải là không đầy đủ; phần bố thí cũng như vậy, bố thí là cho vật, nhận là hồi hướng, những điều này đầy đủ thời gọi là tư lương bố thí, chẳng phải không đầy đủ. Các tư lương như Giới…cũng như vậy. Cho nên, nghĩa đầy đủ các phần là nghĩa tư lương.
Như vậy ta nói tư lương của Bồ-đề là: Có thể đầy đủ, trì giữ, trưởng dưỡng, nhân, đầy đủ các phần của Bồ-đề đều là nghĩa ấy vậy.
Sao được nói không khuyết
Các tư lương Bồ-đề?
Chỉ duy có chư Phật
Riêng được vô biên giác.
“Sao được” là lực nào vậy. Vì Thanh văn, Bồ-tát giác biết ít phần, không có năng lực được như vậy. Nếu muốn nói các tư lương của Bồ-đề không khuyết, không sót thì chỉ là chư Phật riêng được vô biên giác. Nói vô biên giác vì nghĩa là không phải giác một phần ít vậy. Vì Phật Thế Tôn trong nghĩa vô biên đáng biết thì giác biết vô ngại, cho nên Phật gọi là Vô Biên Giác.
Lại, trong dục lạc, và các biên kiến tự mệt mỏi khổ đau: Đoạn-thường, hữu-vô… thời giác mà chẳng dính mắc, vì giác ngộ không có giới hạn, cho nên Phật được gọi là đấng Vô Biên Giác.
Hỏi: Vì sao tư lương chỉ Phật có thể nói, người khác không thể?
Đáp:
Phật thể đức vô biên
Tư lương là gốc giác,
Cho nên tư lương giác
Cũng không có giới hạn.
“ Phật thể” tức là thân của Phật vậy, vì Phật thể đầy đủ vô biên công đức nên nói Phật thể vô biên công đức. Công đức là nghĩa đáng xưng tán, nếu đáng xưng tán ắt gọi là công đức.
Lại, có nghĩa làm nhiều, ví như các sự tụng tập kinh thư nhiều lần- chúng ắt gọi là làm công đức.
Lại, là nghĩa bền chắc, ví như bện dây, hoặc hợp hai làm công, hoặc hợp ba làm công. Lại, là nghĩa tăng trưởng, ví như tiền lời, hoặc tăng hai làm công, hoặc tăng ba làm công.
Như vậy, thể của Phật là nơi y chỉ của Giới, Định… vô biên công đức khác nhau, nên nói Phật thể có vô biên công đức.
“ Tư lương là gốc giác” nghĩa là: Tư lương của Bồ-đề là căn bản vô biên công đức của Phật thể. Căn là nghĩa kiến lập, Bồ-đề là trí vậy. Căn bản tức là tư lương, vì tư lương ấy có thể kiến lập Nhất thiết trí trí, cho nên tư lương là căn bản của Phật thể.
Do bởi Phật thể có vô biên công đức, cần dùng vô biên công đức để thành Phật thể kia, Cho nên tư lương cũng là vô biên.
Sẽ nói phần ít kia
Kính lễ Phật, Bồ-tát
Các vị Bồ-tát này
Sau Phật, nên cúng dường.
Các tư lương kia vô biên mà trí có hạn, nên nói rằng tư lương ấy chẳng thể không khuyết, cho nên nói “Sẽ nói phần ít kia, kính lễ Phật, Bồ-tát”.
Hỏi: Nên lễ Phật, vì là tối thượng trong tất cả chúng sinh. Vì nghĩa nào mà trong đó cũng lễ Bồ-tát?
Đáp: Vì các Bồ-tát này nên cúng dường tiếp sau Phật. Các Bồ-tát Sơ phát tâm cho đến Giác trường đều nên cúng dường. Bồ-tát có bảy loại: Một là Sơ phát tâm, hai là Chính tu hành, ba là Đắc vô sinh nhẫn, bốn là Quán đảnh, năm là Một đời nữa thành Phật, sáu là Đời cuối cùng, bảy là Đến Bồ-đề tràng. Các Bồ-tát này nên cúng dường tiếp sau Phật, đem thân, khẩu, ý và các vật bên ngoài mà cúng dường.
Sơ phát tâm thì chưa vào được Địa; Chính tu hành cho đến Thất địa thì được Vô sinh nhẫn, trụ ở địa thứ tám. Quán đảnh trụ địa thứ mười.
Một đời nữa thành Phật mới vào cung Đâu-Suất. Tối hậu sinh trụ nơi Đâu-suất.
Đến Bồ-đề tràng là muốn thọ dụng Nhất thiết trí trí.
Trong bảy loại Bồ-tát này, Bồ-tát Sơ phát tâm, tất cả chúng sinh đều nên kính lễ, huống gì những bậc khác. Tại sao vậy? Vì tâm thâm sâu, rộng lớn, vì căn cứ lời dạy của Như Lai. Khi Bồ-tát Sơ phát tâm phát tâm Bồ-đề, trong mười phương phần không giảm, các cõi Phật không giảm, chúng sinh không giảm, dùng tâm từ bi biến đầy khắp mà phát tâm Bồ-đề: Nếu chúng sinh nào chưa được độ, tôi sẽ độ; chưa được giải thoát, tôi sẽ giải thoát; chưa tỉnh thức, tôi sẽ tỉnh thức; chưa tịch diệt, tôi sẽ tịch diệt; ưng dùng Thanh văn, tôi sẽ khiến vào trong thừa Thanh văn; ưng dùng Độc giác, tôi sẽ khiến vào thừa Độc giác; ưng dùng Đại thừa, tôi sẽ khiến vào trong Đại thừa. Muốn khiến chúng sinh trọn được tịch diệt, chứ không phải chỉ tịch diệt một phần chúng sinh. Vì tâm thâm sâu rộng lớn này, tất cả chúng sinh đều nên lễ kính.
Thế nào là căn cứ vào lời dạy của Như Lai? Như Thế Tôn nói:
Ca-Diếp! Ví như trăng non nên tác lễ, không phải trăng tròn. Cũng thế, Ca-Diếp! Nếu tin Ta, nên phải lễ kính các Bồ-tát, không phải Như Lai. Tại sao thế? Vì từ Bồ-Tát mà có Như Lai.
Lại, trong thừa Thanh văn cũng nói:
Với người biết Pháp kia,
Hoặc già, hoặc trẻ tuổi
Nên cúng dường cung kính
Như Phạm Chí thờ lửa.
Do nghĩa này nên cúng dường các Bồ-tát, tiếp sau Phật. Như kệ rằng:
Tiếp nối dòng giống Phật
Hơn phần hành ít khác,
Cho nên các Bồ-tát
Sau Phật, nên cúng dường.
Từ bi như hư không
Biến khắp các chúng sinh
Cho nên Tối Thắng Tử
Sau Phật, nên cúng dường.
Với các loài chúng sinh
Cho nên bậc Ban Vui
Sau Phật nên cúng dường.
Đại bi coi như con,
Cho nên Phật tử này
Sau Phật, nên cúng dường.
Bi tâm lợi chúng sinh
Không hai, như hư không
Cho nên bậc Vô Úy
Sau Phật nên cúng dường.
Tất cả thời như cha
Tăng trưởng các chúng sinh,
Cho nên các Bồ-tát
Sau Phật nên cúng dường.
Giống như đất, nước, lửa
Chúng sinh thường thọ dụng
Cho nên bậc Ban Vui
Sau Phật nên cúng dường.
Chỉ vì lợi chúng sinh,
Xả lìa nhân tự vui
Nên tất cả các Ngài
Sau Phật nên cúng dường.
Phật, những gì từ Phật
Đều từ Sơ tâm ra,
Cho nên, các Bồ-tát
Sau Phật nên cúng dường.
Hỏi: Tôn giả đã chính thuyết duyên khởi giáo lý tư lương. Nay nên nói về thể của tư lương.
Đáp:
Đã là Mẹ Bồ-tát
Cũng là Mẹ chư Phật
Bát-nhã Ba-la-mật
Tư lương đầu của giác.
Vì Bát-nhã Ba-la-mật là Mẹ của Bồ-tát, nên là tư lương đầu tiên của Bồ-đề. Tại sao vậy? Vì là tối thắng. Như trong các căn của thân, căn mắt là tối thắng, trong các phần của thân, đầu là tối thắng; trong các Ba-la-mật, Bát-nhã Ba-la-mật cũng như vậy. Vì Bát-nhã Ba-la-mật tối thắng nên là tư lương đầu tiên. Lại, vì đi trước, như trong các pháp, Tín đi trước, trong các Ba-la-mật, Bát-nhã Ba-la-mật đi trước cũng như vậy.
Vì Đàn-na nếu không có hồi hướng Bồ-đề ắt chẳng phải Đàn-na; cũng thế, nếu Thi-la.... không hồi hướng Bồ-đề, cũng không phải là Thi-la...Ba-la-mật. Hồi hướng Bồ-đề tức là Bát-nhã. Do vì Bát-nhã đi trước nên có thể hồi hướng. Do vì đi trước, nên trong các Ba-la-mật, Bát-nhã Ba-la-mật là tư lương đầu.
Lại, vì các Ba-la-mật này là thể nhân thanh tịnh của ba luân, nên lấy Bát-nhã Ba-la-mật làm thể nhân của ba luân thanh tịnh các Ba-la-mật. Cho nên Bát-Nhã Ba-La-Mật là tư lương đầu tiên của Bồ-Đề.
Ba luân tịnh là, Bồ-tát trong Bát-nhã ba-la-mật, khi hành bố thí, không niệm tự thân, vì lìa sự bám giữ tự thân; không niệm sự khác nhau của người thọ dụng, vì đoạn tất cả phân biệt; không niệm quả báo của bố thí, vì tướng các pháp không lại, chẳng đi vậy. Như thế Bồ-tát được bố thí với tam luân không tịnh. Như Bố thí thanh tịnh, Giới....thanh tịnh cũng như vậy.
Vì Bát-nhã Ba-la-mật này là thể nhân của ba luân tịnh của các Ba-la-mật, nên Bát-nhã Ba-la-mật là tư lương đầu của Bồ-đề.
Lại, vì quả báo lớn, quả báo lớn của Bát-nhã Ba-la-mật hơn các Ba-la-mật. Như Kinh nói:
Phúc đức tâm Bồ-đề
Và Pháp được nhiếp thọ,
Nơi Không, nếu tin hiểu
Tăng hơn mười sáu phần.
Trong kinh Bi-La-Ma – nói về nhân duyên quả báo lớn, trong đó thuận nói, vì quả báo lớn nên Bát-nhã Ba-la-mật là tư lương đầu của Bồ-đề.
Hỏi: Vì sao Bát-nhã Ba-la-mật được là Mẹ của các Bồ-tát?
Đáp: Vì có thể sinh ra vậy. Phương tiện được nhiếp bởi Bát-nhã sinh ra các Bồ-tát, khiến cầu vô thượng Bồ-đề, không cầu Thanh văn, Duyên giác. Vì là nhân sinh ra thể tính Phật nên Bát-nhã Ba-la-mật là Mẹ của Bồ-tát.
Lại, vì an trí năm Ba-la-mật. Như nói “ Minh bát-la-nị-ba-đệ” vậy. Minh là tính, Bát-la-ni-ba-đệ là tụng. Tức tính tướng này chính là Ma-đa (Ma-đa dịch là Mẹ, từ trong chữ Minh-bát-la-nhị-ba-để mà ra; trong Thanh Luận, chữ Ma-đa từ câu Yên-bát-la-ni-ba-để. Minh là thể tính ma-đa, bát-la-ni-ba-để là nghĩa tụng; bát-la-ni-ma-để dịch là an trí, cho nên an trí là nghĩa của Mẹ). Ví như khi mẹ sinh con, hoặc đặt trên giường hoặc để dưới đất. Bát-nhã Ba-la-mật cũng thế, khi sinh ra Bồ-tát cầu Bồ-đề bèn đặt để trong năm Ba-la-mật như Thí....Vì có thể an trí Bồ-tát cầu Bồ-đề nên nói Bát-nhã Ba-la-mật là Mẹ của Bồ-tát.
Lại, vì lượng. Như nói “Mang-ma-nê“ vậy. Mang là tính, ma-nê là tụng. Tức tính tướng này chính là Ma-đa(Nơi chữ, trong Thanh Luận, chữ Ma-đa lại từ trong câu Mang-ma-ni mà ra, Mang cũng là thể tính, ma-ni là tụng; nghĩa ma-ni chính dịch là lượng, nên lấy lượng làm nghĩa của mẹ). Ví như khi mẹ sinh con rồi, tùy thời trù lượng: Như thế, con tôi đã ăn đồ ăn này nên tăng trưởng, do điều này nên tổn giảm. Bồ-tát cũng như thế, lấy Bát-nhã Ba-la-mật tự lượng thân mình: Ta phải bố thí như vậy, ta phải trì giới như vậy....Vì nhân duyên tự lượng, nên nói Bát-nhã Ba-la-mật là Mẹ của Bồ-tát.
Lại, vì lượng tính, ví như lượng vật thì có: Bát-la-tát-tha, có a-trạch-ca, có pháp-lê-để...để lượng tính. Các Bồ-tát cũng như vậy: Đây là Sơ phát tâm, đây là Tu hành, đây là Đắc Nhẫn.... Vì nhân duyên lượng tính nên nói Bát-nhã ba-la-mật là Mẹ của Bồ-tát.
Lại, vì trong Tu-đa-la tụng, nghĩa là: Trong các kinh tụng gọi là mẹ. Trong các kinh ấy, có tên gọi Bồ-tát khắp các cõi nước Phật, tên là Tùy-ma-lê Cát-lê-đế, nói Già-tha rằng:
Bát-nhã Ba-la-mật
Là Mẹ của Bồ-tát,
Phương tiện khéo là Cha,
Từ bi làm con gái.
Lại, có kinh khác cũng tụng như vậy. Lấy Tu-đa-la làm lượng nên nói Bát-nhã Ba-la-mật là Mẹ của Bồ-tát.
Hỏi: Vì cớ gì mà Bát-nhã Ba-la-mật cũng là Mẹ của chư Phật?
Đáp: Vì sinh ra và hiển thị trí vô chướng ngại. Chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại do Bát-nhã Ba-la-mật, A-hàm nên đã, sẽ và hiện nay tận diệt phiền não. Do sự sinh ra này nên Bát-nhã Ba-la-mật là Mẹ của chư Phật.
Hiển thị trí vô ngại là: Vì chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại đều hiển thị trí vô ngại trong Bát-nhã Ba-la-mật. Vì sự hiển thị trí vô chướng ngại này nên chư Phật cũng lấy Bát-nhã Ba-la-mật làm Mẹ. Trong đây có thâu-lô-già:
Do tương ưng Đại bi
Bát-nhã Ba-la-mật
Nơi vô vi bờ hiểm
Phật tử vượt qua được,
Đến được Vô đẳng giác.
Lợi nhiếp các chúng sinh,
Vì Trí độ là mẹ,
Đại nhân được như vậy
Do vì được Trí độ
Bèn thành được Phật thể
Nên là Mẹ chư Phật
Được đấng Thắng Tiên nói.
Vì cớ gì gọi là Bát-nhã Ba-la-mật? Vì không chung với Thanh văn, Độc giác nên gọi là Bát-nhã Ba-la-mật. Vì không có sự phải biết cao hơn nên gọi là Bát-nhã Ba-la-mật; vì trí này có thể đến tất cả bờ kia nên gọi là Bát-nhã Ba-la-mật; vì Bát-nhã Ba-la-mật này, những thứ khác không thể hơn được nên gọi là Bát-nhã Ba-la-mật; vì ba thời bình đẳng nên gọi là Bát-nhã Ba-la-mật; vì bình đẳng với hư không vô biên nên gọi là Bát-nhã Ba-la-mật. Vì những nhân duyên thù thắng như vậy, như được nói trong Kinh Bát-Nhã Ba-La-Mật, nên gọi là Bát-nhã Ba-la-mật.
Hỏi: Đã nói lược về tư lương đầu của Bồ-đề, nay nên nói về tư lương thứ hai.
Thí, giới, nhẫn, tiến, định
Và khác năm thứ này
Đều là do Trí Độ
Nhiếp vào Ba-la-mật.
Trong đây, Đàn-na ba-la-mật là tư lương thứ hai. Vì Bát-nhã đi trước nên Bồ-tát vì Bồ-đề mà hành bố thí. Cho nên, bố thí là tư lương thứ hai.
Trong đó, sinh ý vui thích cho người khác, cái nhân để gọi là bố thí, không phải là làm khổ. Có hai loại: Tài thí và pháp thí. Tài thí cũng có hai loại: Cộng thức và bất cộng thức.
Cộng thức cũng có hai loại: Trong và ngoài. Nếu bố thí các phần của thân, hoặc bố thí toàn thân thì là bố thí trong; nếu bố thí trai, gái, thê thiếp và các loài hai chân, bốn chân...thì gọi là bố thí ngoài.
Bất cộng thức cũng có hai loại: Có thể ăn và không thể ăn. Đây có nhiều loại: Nếu bố thí các vật để ăn, uống cho sự thọ dụng trong thân thì là có thể ăn; nếu bố thí cho sự thọ dụng bên ngoài thân: Hương, hoa, vàng, bạc, quần áo, đất đai, tài vật, vườn rừng, nơi vui chơi...thì là không thể ăn.
Nhưng pháp thí thọ dụng được cũng có hai loại: Thế gian và xuất thế gian.
Nếu nhân vì bố thí pháp mà ở trong lưu chuyển sinh ra căn thân, cảnh giới đáng yêu thì là thế gian; nếu nhân vì bố thí pháp mà siêu việt sinh tử lưu chuyển thì là xuất thế gian.
Cả tài thí và pháp thí có hai loại là: Có dính mắc và không dính mắc. Nếu vì tự thân hoặc vì các vật tư sinh, hoặc vì quả báo cao hơn, hy vọng mong cầu sự liên tục thì là có dính mắc; nếu vì lợi ích an lạc tất cả chúng sinh, hoặc vì trí vô chướng ngại thì là không dính mắc.
Ngoài ra, còn có vô úy thí...thì cũng tùy mà xếp vào trong tài hoặc pháp thí. Quả báo của hai loại bố thí và dư khí (nước loãng) thì như trong các kinh Đại thừa đã nói đủ. Trong đây lược nói kệ rằng:
Uống, ăn và quần áo
Tùy cần đều bố thí,
Cũng thí vòng hoa, đèn,
Hương bột và âm nhạc;
Hoặc thí các vị ngon,
Thuốc men và gối dựa
Cần thiết cho dưỡng bệnh
Thầy thuốc cùng người hầu;
Nam, nữ và thê thiếp,
Nô tì và kho tàng,
Trang sức các dâm nữ
Tùy cần đều bố thí.
Các vật báu có được
Đủ các loại trang nghiêm,
Các loại xe voi, ngựa,
Vật vi diệu đều thí.
Vườn, rừng, nơi tu đạo,
Ao, giếng, nhà tập hội,
Đất, ruộng, các vật tạp,
Nhà khách đều bố thí.
Hoặc hai chân, bốn chân,
Hoặc lại một bến bãi,
Thôn làng, nước, kinh đô,
Và cảnh vua, trọn thí.
Thí các vật vui đẹp
Lợi lạc người mong cầu,
Nơi nương của chúng sinh;
Người sợ, thí vô úy.
Thí những sự khó xả
Tay, chân, mắt, tai, mũi,
Cũng thí tim và đầu,
Cử thân đều xả được.
Khi tu hành bố thí
Thường nơi người thọ nhận
Phải sinh tưởng ruộng phúc,
Cũng như quyến thuộc tốt.
Các quả báo bố thí
Khéo tụ tập đầy đủ
Hồi hướng vì tự, tha
Thành Phật và tịnh độ.
Bồ-tát hành bố thí
Chính hồi hướng Phật thể,
Đàn-na Bồ-tát này
Được gọi Ba-la-mật.
Bờ này hoặc bờ kia
Cũng không ai nói được
Quả thí đến nơi kia
Gọi là thí bỉ ngạn.
Nay nói sự khác nhau của thí chủ:
Không tham quả đáng yêu,
Bi nên ba luân tịnh
Chính Giác nói thí ấy
Chính là cầu Bồ-đề.
“Tôi đã làm sự này
Đang làm, cũng sẽ làm”
Nếu mà xả như thế
Thuê mướn, chẳng phải thí
Vì tham tăng quả thí.
Tùy cần liền xả được,
Nói chỉ vì lợi người,
Trí niệm: Không thí chủ,
Không tham quả tăng ích,
Chỉ vì bi mà cho
Đây gọi chân thí chủ,
Khác đây, chỉ buôn bán.
Như mây lớn mưa khắp
Tâm bình đẳng thí khắp
Đây gọi đại thí chủ,
Khác, đều là phần ít.
Thí và quả báo thí
Ai mẫn cho người cần,
Thí chủ với mọi người
Giống như cha mẹ họ.
Không niệm vật được thí,
Người nhận và người cho,
Mà thường vui bố thí
Đây gọi là thí chủ.
Nếu không phân biệt Phật,
Bồ-đề và Bồ-tát,
Vì Bồ-đề mà thí
Người ấy chóng thành Phật.
Hỏi: Đã nói lược về Đà-na Ba-la-mật, nay nên nói về Thi-la Ba-la-mật.
Đáp: Nghĩa Ba-la-mật như đã giải thích ở trước. Nghĩa Thi-la nay sẽ nói, vì Thi-la nên gọi là Thi-la.
Nói Thi-la nghĩa là tập cận vậy. Đây là thể tướng.
Lại, là nghĩa bản tính. Như thế gian có giới vui, giới khổ...
Lại, là nghĩa thanh lương, vì không có nhân khiến hối hận, lìa tâm nóng bức phiền não.
Lại, là nghĩa an ổn, vì có thể làm nhân vui cho đời khác.
Lại, là nghĩa an tĩnh, vì có thể kiến lập chỉ, quán.
Lại, là nghĩa tịch diệt, vì được nhân của Niết-bàn.
Lại, là nghĩa đoan nghiêm, vì có thể trang sức vậy.
Lại, là nghĩa tịnh khiết, vì có thể tẩy trừ nhơ ác giới.
Lại, là nghĩa đầu, vì có thể làm nhân khiến vào chúng không khiếp nhược.
Lại, là nghĩa tán thán, vì có thể sinh ra danh tiếng.
Giới này là được chuyển sinh bởi thiện hành của thân, khẩu, ý; trong đó xa lìa sát sinh, không cho mà lấy, tà hành dục- đây là ba loại giới của thân; xa lìa vọng ngữ, phá hoại ngữ, thô ác ngữ, tạp hí ngữ- đây là bốn loại giới cho khẩu; xa lìa tham, sân, tà kiến- đây là ba loại giới cho ý.
Mười loại giới được chuyển sinh của thiện hành thân, khẩu, ý như vậy đối trị với mười loại giới được chuyển sinh ác hành của thân, khẩu, ý.
Mười loại ác hành vì thường tập cận, phẩm hạ, trung, thượng nên đọa địa ngục, súc sinh, diêm-ma thế.
Như mười loại giới thiện hành ở trước, nếu không tương ưng với giác phần, vì thường tập cận thượng, trung, hạ nên tùy bậc cao và cao hơn khác nhau sẽ được trong cõi trời, người khác nhau.
Nếu tương ưng với giác phần, mười loại thiện hành giới cao và cao hơn, thường tu tập gần gũi nhiều, nên sẽ được trong địa Thanh văn và địa Bồ-tát, chuyển thắng khác nhau.
Lại, tụ giới Bồ-tát này có sáu mươi lăm loại vô tận, như trong Kinh Vô Tận Ý nói, phải biết.
Lại, nói lược có hai loại giới là: Bình đẳng chủng thi giới và Bất bình đẳng chủng thi giới.
Bình đẳng chủng thi giới là: Vì tích tập thân, khẩu, ý thiện nên trong các kiếp lại gieo trồng; hoặc giới hoặc phú lạc, hoặc Thanh văn, Độc giác, hoặc tương báo, hoặc Tịnh độ, hoặc thành tựu chúng sinh, hoặc chính biến giác- đều gọi là Bình đẳng chủng thi giới. Nếu ngược lại với điều này thì gọi là Bất bình đẳng chủng thi giới.
Lại, có hai loại giới là: Hữu tác giới và Vô tác giới. Nếu trong hữu tác mà có tạo tác thì gọi là Hữu tác giới. Nếu ngược lại với điều này thì gọi là Vô tác giới.
Lại, có chín loại giới là: Phàm phu giới, Ngoại đạo ngũ thông giới, Nhân giới, Dục giới thiên tử giới, Sắc giới thiên tử giới, Vô sắc giới thiên tử giới, Chư học vô học Thanh văn giới, Độc giác giới, Bồ-tát giới.
Phàm phu giới: Vào chỗ sinh nên chấm dứt.
Ngoại đạo ngũ thông giới: Thần thông thối thất nên chấm dứt.
Giới cõi người: Vì hết mười nghiệp đạo thiện nên chấm dứt.
Giới của Thiên tử cõi Sắc: Vì phúc hết nên sẽ chấm dứt.
Giới của Thiên tử cõi Vô Sắc: Vì tam-ma-bát-đế hết nên chấm dứt.
Giới Thanh văn hữu học và vô học: Vì cuối cùng sẽ vào Niết-bàn nên chấm dứt.
Giới Độc giác: Vì thiếu đại bi nên sẽ chấm dứt.
Giới Bồ-tát: Ắt không có chấm dứt, vì giới này có thể hiển minh các giới, vì chủng tử liên tục không có cùng tận, vì Bồ-tát liên tục không có cùng tận, vì Như Lai giới vô tận- do nhân duyên này nên gọi là giới Ba-la-mật. Trong đây có Thâu-lô-già:
Giống như cha yêu công sức con
Cũng như yêu thọ mạng chính mình
Giới xuất ly hữu ái cũng vậy
Người khỏe tâm lớn đều ái giới.
Giới này Mâu-Ni đã tu tập,
Giải thoát khỏi dục, lìa Hữu ái,
Như chim ác người phàm từ bỏ,
Người trí thường nên ái giới này;
Giới này lợi ích cho mình, người,
Khiến thân đoan nghiêm, lìa ưu, khuyết,
Đời này, đời sau trang nghiêm hơn,
Giới này được ái bởi người trí.
Giới này không do lực người khác,
Chẳng không thể được, chẳng cầu xin,
Đều nhân lực tự mình mà được,
Cho nên thượng nhân ái giới này.
Tiền của, cõi nước cùng đất đai,
Máu thịt cùng đầu của tự mình
Đều có thể bỏ, không xả giới,
Vì muốn thanh tịnh thắng Bồ-đề.
Giả sử từ trời rơi xuống đất,
Hoặc khiến từ đất lên trời cao,
Vì đủ Ly Cấu Địa vô nhiễm
Phải nên quyết định chẳng dời đổi.
Nếu đã đầy đủ phương tiện giới
Lúc ấy liền được Địa thứ hai,
Đã được địa Ly Cấu thanh tịnh,
Khi ấy thành tựu tâm mong cầu.
Nếu lại Trời, Người, Tu-la thế
Và trong súc sinh hóa độ được,
Khéo biết phương tiện giáo hóa rồi,
Tùy niệm đến đó làm lợi ích,
Hoặc dùng bố thí nhiếp chúng sinh,
Hoặc dùng ái ngữ vào ý họ,
Hoặc lại cho họ vui an ổn,
Hoặc lại đồng sự trợ lực họ,
Hoặc trong cõi người mà làm chủ,
Hoặc trong thiên chúng mà tự tại,
Đủ loại phương tiện dẫn dắt họ
Trọn đều đặt trong bạch tịnh pháp;
Vì đủ giới chân thật, thần thông
Bèn cạn khô được cả biển lớn,
Như khi thế tận lửa tăng mạnh
Trong khoảng sát-na trọn thiêu sạch.
Quán đủ loại phiền não thế gian,
Não sinh bệnh do lìa người thân,
Người trí có giới thông phương tiện
Chỗ nương cho đời, chỉ thắng đạo.
Hỏi rằng: Đã giải thích Thi-la Ba-la-mật, nay nên nói về Sằn-đề Ba-la-mật.
Đáp: Trong đó, Sằn-đề là: Hoặc thân hoặc tâm thọ các khổ, vui mà chí kham nhẫn, không cao không hạ, tâm không nhiễm ô- đây gọi là nói lược về Sằn-đề.
Nếu tự tại mà nói, ắt phân làm ba, nghĩa là: Thân trụ trì, tâm trụ trì và pháp trụ trì.
Trong đây, thân trụ trì nhẫn là: Thân gặp khổ- các chạm xúc không đáng yêu thích hữu tâm vô tâm bên ngoài, khổ sinh ra nơi thân thì kham nhẫn, không kể- đây gọi là thân trụ trì nhẫn. Được sinh ra ở bên ngoài là: Vì nhân duyên ăn nên khởi sợ hãi, sân khuể, si mê; và các loài: Ruồi, muỗi, hổ, sư tử, gấu...hai chân, bốn chân, nhiều chân – các vật hữu tâm vô lượng nhân duyên bức não thân. Hoặc lại đến xin các chi tiết của thân như tay, chân, tai, mũi, đầu, mắt mà cắt đứt chúng. Với các sự ác này, tâm không sầu muộn, rối loạn, cũng không động khác. Đây gọi là thân trụ trì nhẫn. Lại, các nhân duyên chạm xúc căng thẳng của gió lớn, nóng, lạnh, mưa bão- khi các vật vô tâm đến bức não, khắp thân khổ thiết mà có thể thọ một cách an. Đây cũng gọi là nhẫn. Lại, trong thân vì nhân duyên giới động khởi lên phong hoàng, đàm ấm và sinh khởi bốn trăm lẻ bốn bệnh làm thân cực khổ, khi bị bức não có thể nhẫn không kể- cũng gọi là thân trụ trì nhẫn.
Trong đây, tâm trụ trì nhẫn là: Nếu có mắng mỏ, sân hiềm, trách mắng, hủy báng, sỉ nhục, dối gạt....thời chẳng nhận lời lẽ; khi đến bức não thì tâm chẳng động cũng không trược loạn- đây gọi là tâm trụ trì nhẫn. Lại, trong sự tiếp xúc với tám loại pháp thế gian: Được lợi, mất lợi, danh tiếng tốt, danh tiếng xấu, chê trách, khen ngợi, khổ, vui thời tâm không cao hạ, chẳng động như núi- đây gọi là tâm trụ trì nhẫn. Lại, đoạn trừ sự thuận theo thùy miên và sân, không có tâm sát hại, không có tâm kết hận, không có tâm đấu tranh, không có tâm tố tụng; tự bảo hộ mình, bảo hộ người. Trong chúng sinh, tương ưng với tâm từ, đi với tâm bi, khởi ý hoan hỉ, luôn hành tâm xả. Những điều này cũng gọi là tâm trụ trì nhẫn.
Trong đây, Pháp trụ trì nhẫn là: Vì như thật quán sát bên trong, bên ngoài.
Bên ngoài: Như mắng chửi, giết hại...
Mắng chửi là: Âm thanh, từ ngữ cùng lúc hòa hợp không tán rời; vì trong sát-na, vì từ ngữ là không, vì âm thanh như huyễn nên không thể nói nghĩa lần lượt tương ưng; trong đó không có mắng chửi, chỉ vì người phàm phân biệt hư vọng mà sinh tâm sân oán, nếu trong nghĩa tự tính của từ và âm thanh, biết rằng không thể đắc được thời tâm ắt tùy thuận, không có đối nghịch, bình đẳng nhẫn thọ. Đây gọi là Pháp trụ trì nhẫn.
Lại, ở chỗ sát hại phải nghĩ thế này: Thân không phải người sát hại; thân nếu không có tâm ắt như cỏ cây, tường vách, hình ảnh. Tâm cũng không phải người sát hại, vì tâm không có sắc, không có chạm xúc, ngăn ngại; trong đệ nhất nghĩa thời chẳng có sát hại. Khi quán như thế, không thấy có sát hại, có thể kham nhẫn được. Đây gọi là Pháp trụ trì nhẫn.
Bên trong là: Khi quán các pháp bên trong, nghĩ như thế này: Sắc như tụ bọt, từ duyên mà khởi, vì không có động tác, vì không tự tại, vì không, vì lìa tôi và của tôi. Thọ như bong bóng nước, tưởng như dương diễm, hành như thân chuối, thức như huyễn, từ duyên mà khởi; vì không có động tác, vì không tự tại, vì sinh diệt trong sát-na, vì không, vì lìa tôi và của tôi. Trong đó, sắc không phải tôi, sắc không phải của tôi; thọ, tưởng, hành cũng như thế; thức không phải tôi, thức không phải của tôi. Các pháp này từ duyên mà sinh. Nếu từ duyên sinh ắt tự tính không sinh. Nếu tự tính không sinh ắt không thể là người hại. Khi quán như thế, tự tính các pháp hoặc trong hay ngoài đều bất khả đắc. Đây gọi là Pháp trụ trì nhẫn. Nếu trong các pháp thân hay tâm, khi quán tự tính liền tùy thuận vô sinh nhẫn. Đây gọi là nói lược về Sằn-đề Ba-la-mật. Nói đủ thì như trong Tu-đa-la. Trong đây có tụng của Thánh giả:
Người dưng hoặc oán, thân
Bi niệm thường bình đẳng,
Nhân của sân còn không
Sao được sân chúng sinh?
Khéo tu tập thường từ
Chúng sinh cùng thể ta,
Bình đẳng không có hai
Tại sao oán chúng sinh?
Tâm thường lìa bỏ sân,
Nhiều đời sinh ái, hỉ
Người khỏe đã vô ngại
Tại sao ngược với đời?
Ở nơi các chúng sinh
Thường mong làm lợi lạc,
Tại sao không sân khuể
Ác thêm được chúng sinh?
Chạm tám pháp thế gian
Tâm không hề lay động
Ví như miệng thổi núi
Nên biết người đắc nhẫn.
Thâm tâm lìa các nhơ,
Sự ngại chẳng thể nhiễm
Như bùn vấy hư không
Nên biết người đắc nhẫn.
Với thân không ái trước
Với mạng cũng chẳng tham,
Các oán trọn không thể
Động được chí liên tục.
Với thanh không đáng yêu
Tâm an, đó như vang,
Các lời cũng như hóa
Tâm nhẫn liền trong tay.
Không ở trong năm uẩn
Chấp tôi và mạng tướng,
Thân cũng chẳng của tôi
Nên biết người đắc nhẫn.
Nếu tự tại không thấy
Có tôi và của tôi
Liền được Vô sinh nhẫn
Phật tử an ổn nhất.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.218.234 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.