Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận [念佛三昧寶王論] »» Bản Việt dịch quyển số 1 »»

Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận [念佛三昧寶王論] »» Bản Việt dịch quyển số 1

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Việt dịch (2) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Luận Bảo Vương Tam Muội

Kinh này có 3 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 |
Việt dịch: Thích Hồng Nhơn

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

A Phần tựa
Có người khách cao ngạo đến thiền thất của tôi (Ngài Phi Tích) trước đảnh lễ rồi hỏi : Con đường thẳng tắt thành đạo là cái hạnh Bất Khinh trong Pháp Hoa Tam muội, cái Tôn của Ban Chu trong niệm Phật Tam muội đều là cửa ngõ thâm diệu thiền, nguyện nghe chỗ nhiệm mầu ấy?
Đáp : Tâm ông hy vọng rất cao, nên lời hỏi rất hay ! Ông sắp bước vào bến rồng vô sanh, muốn dở cánh bằng đến Đồ Nam. Tôi biết mình không xuất sắc nhưng cũng gắng gượng mở ra hai mươi môn nói về tôn chỉ này. Quyển thượng có bảy môn niệm vị lai Phật. Quyển trung có sáu môn niệm hiện tại Phật. Quyển hạ có bảy môn chung niệm cả ba đời đều là Phật.
B. Phần chánh tôn
I.. Quyển Thượng. Quyển thượng gồm có bảy môn, nói về niệm Bản Giác tức niệm Ông Phật ở vị lai.
1. Niệm Ông Phật ở vị lai mau thành Tam Muội
Nếu Tâm có hai thì sanh ra nhiều vọng tưởng, nhiều vọng tưởng tuy không thật, nhưng bị mê lầm làm trở ngại, việc trở ngại không giải thích là điều lo của Thánh nhân.
Vần mầu nhiệm thông suốt mà không lời, Pháp thân rỗng mà đủ tướng, không rõ được tướng, không tròn được lời, như thế ý chỉ một vị, tuyệt cả nói năng thì làm sao biết được chỗ qui thú ?
Khi lưới của Đế Thích chưa mở, nghìn hạt châu đâu ai thấy được, chóp lưới vừa động, muôn mắc lưới đều mở. Muốn đầy biển lớn phải dùng nước trăm sông, niệm hiệu Phật chắc thành Tam muội, một lời trùm khắp chính tại chỗ này, cũng như hạt thanh châu bỏ vào nước đục, nước đục không thể không trong, tưởng Phật đặt ở loạn tâm, loạn tâm không thể không có Phật.
Người đời niệm quá khứ Thích Ca, niệm hiện tại Di Đà, hoàn toàn chưa nghe niệm vị lai chư Phật. Vì sao ? Vì không hiểu đức Như Lai đối với cái Thô của chúng sanh mà nói cái Diệu của chư Phật bèn cho chúng sanh ở ngoài Phật.
Kinh Tịnh Danh nói đã có mùi hương hoa Chiêm Bồ không có mùi hương khác. Hoa có loại đeo vào thân, có loại không đeo vào thân. Đây là ý muốn chỉ bày Đại thừa. Chê Tiểu thừa vì để bác bỏ mờ mịt, chỉ bày Đại thừa đồng về với Bất Nhị. Kinh Pháp Hoa là Vua của các kinh đã chỉ rõ pháp Thinh Văn. Như thế, tất cả đều là hương Chiêm Bặc, tôn chỉ của luận này là Đại và Tiểu Thừa không chấp.
Nếu chẳng phải người ấy (phá chấp) tất cả đều cho Chư Phật là bậc rất cao (chí tôn), còn chúng sanh là hàng rất thấp (chí ti). Nếu có cao và thấp là các vọng đều sinh khởi, cung kỉnh và khinh mạng lập ra thì nhất chân pháp giới đều ẩn.
Người chấp chặt như thế ắt coi vạn hữu như cỏ rác, coi thiên hạ như đồ chơi, khi tràng ngã mạn đã lập nên thì cao ngạo chê người, mắt ngó mây xanh, tâm đạo trên thượng đế, không bao giờ chịu hạ thấp.
Kinh Duy Ma nói : Thấy tất cả đều nên cung kỉnh, dùng đồ cúng dường là hạnh tối thắng. Kinh Lăng Già nói : Như Lai Tàng tự tính nó vẫn thanh tịnh, chuyển 32 tướng vào trong tâm tưởng của tất cả chúng sanh, như có bảo châu đại vô giá gói trong áo dơ. Lại như người ăn xin rất hèn hạ cùng đức Như Lai cao cả đều không sai khác, vì thế, niệm tròn đủ chư Phật ba đời là khắp quán các đức Thế Tôn trong mười phương. Trong lý thú Bát Nhã nói : 'Tất cả chúng hữu tình đều là Như Lai Tạng, Bồ Tát Phổ Hiền tự thể trùm khắp các nơi. Như người con gái nghèo có mang một vị quốc vương, như hột gạo trong bao tấm cám, cảnh ấy có thể biết, đâu có thể mắc vào oan trái tám điều ngã mạn ư ? Mọi người đều khinh lờn hào quang ngọc của chư Phật thời vị lai mà không dám khinh lờn sắc vàng của chư Phật ở quá khứ và hiện tại mà khởi ra gốc tội, ở trước Phật tương lai vì được thấy chư Phật đã qua và hiện tại. Chúng sanh nếu chẳng phải là Phật, thì Phật vị lai đâu có !
Nên biết mẹ nghèo nhờ con quí mà sang, gạo nhờ cám mà được bảo toàn, điều ấy phù hợp với tâm Bất Khinh Bồ Tát trong Kinh Pháp Hoa, nếu được như vậy thì niệm Phật Tam muội không cầu mau mà tự thành tựu.
Pháp Hoa niệm Phật nguyên là một môn. Như dùng linh chi nấu thành thuốc. Các người tu tiên, xưa mỗi người ở một nơi không được gọi là Tiên. Người uống thuốc tiên có phép lên mây nên nhờ có thuốc mà nêu danh ở cõi Tiên. Người được dự vào cõi Tiên, người và thuốc tuy khác nhau, nhưng uống vào sẽ được thành tiên.
Nếu không có thánh nhân có ai được đạo, pháp không có Phật giác ngộ đâu ai làm cho ta tự ngộ. Pháp không có Phật thì không ai ngộ, từ đó niệm Phật Tam muội sinh ra, Phật không có pháp không sáng tỏ, nên Pháp Hoa Tam muội khởi. Một vị Tiên có hai danh xưng đều gọi là Tiên, niệm Phật Pháp Hoa đều gọi là Phật huệ. Phật huệ đã đồng chắc chẳng khinh Thiền Vô Thượng của Ban Chu, sự giác ngộ từ đây khởi xướng.
2. Dâm nữ, phường trộm đều chẳng nên khinh
Hỏi : Dâm nữ, phường trộm cướp là hạng người cực ác, đâu có thể được cung kỉnh như Phật ?
Đáp : Phương pháp độ của Phật có cách đối đãi và cách quyết liễu.
A.-Về đối đãi : Đối với người nữ dối trá, Phật nói Như Lai là chỗ chí chơn. Phật là bậc đáng tôn sùng, người nữ là kẻ cần xa lìa. Xa lìa có hai phần là tránh lòng dục vọng và dùng tâm buông bỏ.
Thứ nhất là tránh dục : Trong Kinh Bồ Tát Quở Sắc Dục có dạy : 'Sắc gái đẹp là xiềng xích của thế gian. Kẻ phàm phu yêu đắm không thể tự mình nhổ ra khỏi, nó chính là tai họa lớn của thế gian, kẻ phàm phu bị vướng vào, đến chết cũng không bỏ được, nó chính là tai họa đáng thương của thế gian. Kẻ phàm phu gặp nó thì không có tai ách nào mà không đến'.
Hành giả đã bỏ được rồi, nếu còn nhớ lại, không khác người trong ngục vừa mới ra, lại nhớ ngục thất muốn vào. Như người cuồng vừa tỉnh lại muốn cuồng trở lại, người bệnh được lành lại mong mình được thêm bệnh. Người có trí tuệ biết điều đó là mê mờ điên đảo, người có niệm này sẽ chết không biết ngày nào !
Kẻ phàm phu mê đắm nữ sắc, cam lòng làm nô bộc cho tình yêu sai sử, trọn đời gánh vác những việc cay đắng khổ sở, tuy có ngàn mủi gươm dao đưa đến họ cũng cam lòng gánh chịu chẳng chút than van.
Nếu hành giả có thể bỏ mà không đoái hoài tới thì phá được các gông cùm xiềng xích, ghét mê, nhàm bệnh thì lìa được tai họa lo nghĩ. Tâm được an ổn là tốt, đã được ra khỏi lao ngục, vĩnh viễn không có hoạn nạn.
Người nữ có tướng yểu điệu dịu dàng, lời nói như mật ngọt ru hồn, nhưng lòng đầy thuốc độc. Suối lặng nước trong là chỗ ở của giao long, núi vàng hang báu là nơi cư ngụ của sư tử. Đây là chỗ họa hại không nên ở gần. Nhà cửa không yên là do người phụ nữ, tan nát dòng họ là hại bởi người vợ trong gia đình. Người nữ thật là một kẻ giặc âm thầm diệt hết trí huệ sáng suốt của con người.
Như lưới của người thợ săn đã bủa ra rồi ít con thú thoát nạn, như lưới chim vào rọ không thể bay ra, như lưới nhặt bọn cá bị lùa vào không thể nào ra khỏi, như đường hầm tối, người mù đi vào không thể trở ra, như thiêu thân thấy lửa đua nhau lăn vào. Vì thế, người trí biết rồi nên xa lánh thì không chịu những điều tai hại. Sự mê hoặc tồi tệ và xấu ác không gì bằng nữ sắc này.
Kinh Đại Bảo Tích nói : 'Người bị các khổ như tên độc bắn trúng, cây nhọn đâm thân, rớt xuống núi đao còn ít khổ hơn sự sai sử của người nữ. Họ mượn hương hoa trang sức cho đẹp đẽ, để người ngu thấy đó vọng khởi tham cầu, như chim lạc ngoài bể mong được vào bờ, chết bị đọa vào địa ngục A tỳ, hiện đời gặp nhiều thứ khổ vây quanh mình, bạn lành xa lìa, cung Trời mất vĩnh viễn. Chẳng thà ta liều vào ngục sắt nóng, chạy trên núi đao, nằm trên đống than hồng, nguyện không bao giờ thân cận nữ sắc. Như chim vì tìm miếng ăn không tránh được lưới rập, người tham ái với người nữ bị hại cũng thế. Như cá ở trong nước, bơi lội trước lưới câu do mình muốn tìm mồi đâu ai hại mình được. Người nữ như kẻ bắt cá, lời dịu dàng dối gạt giống như lưới, người con trai giống như con cá bị lưới hay câu cũng như vậy, tự mình muốn tìm đâu ai bắt mình phải đến.'
Thứ hai là phương pháp phóng tâm (tâm buông bỏ). Kinh Đại Bảo Tích dạy : 'Nếu người một lòng chuyên tinh tự giữ mình, khi tâm tham dục phát khởi liền phải tỉnh giác, dùng phương tiện dẹp hết, lại làm tâm trở lại tịch tịnh như cũ.'
Muốn trừ sạch hết phải làm sao ? Chúng ta phải nghĩ thế này : Tham dục này vốn không là chẳng sạch, hãy tìm chỗ sanh chỗ diệt của tâm dục này từ đâu mà đến, rồi đi về đâu, trong ấy ai là người nhiễm, ai là người bị nhiễm, và gì là pháp nhiễm ? Được như vậy mới có thể vào sanh tử chốn trần lao mà không lo bị tai họa bởi tham, sân, si, nên gọi là phóng tâm.
B.-Về quyết liễu : Nếu người xa lìa các vọng tưởng được rốt ráo, không nhiễm, rỗng rang như hư không, thì Phật quá khứ và Phật hiện tại đâu chẳng phải là Phật ở vị lai. Vì sao ? Vì người muốn tìm hạt châu quý báu, vô giá phải ở thương minh (biển sâu), muốn được của báu trí huệ phải tìm từ trong phiền não. Tướng ngũ nghịch là tướng giải thoát, cõi Ma tức là cõi Phật. Nếu còn nghe lời Phật mà vui mừng, nghe lời Ma mà nỗi giận thì chẳng phải là người giác ngộ được các pháp, muốn đến Bắc phải hướng Bắc mà đi, không được có ý về Nam, ngược đường mà đi, đâu được cùng người luận đạo.
Xưa có một vị đại Tiên tên Lộc Đế, dùng thần chú làm cạn cả nước, có cô dâm nữ dụ được làm trời hạn đổ mưa. Người nữ ấy chính là Bà Gia Du Đà La, vị lai sẽ thành Phật hiệu là Cụ Túc Thiên Vạn Quang Tướng Như Lai. A Na Luật ngày xưa là đầu đảng trộm cướp, một hôm vào chùa ăn trộm hạt châu trên trán Phật, lấy mũi tên khơi ngọn đèn trên bàn Phật, làm cho ánh sáng cháy mãi không dứt. A Na Luật Tàu dịch là Vô Diệt (không dứt cũng từ lý do này). Ngài tương lai sẽ làm Phật hiệu là Phổ Minh Như Lai. Hai vị Phật ở vị lai này đủ chứng minh rõ ràng rằng dù phạm dâm hay phạm trộm cũng đều thành Phật.
3. Trì giới, Phá giới đều tướng như Phật.
Trong giới luật, về giới tướng có hai loại: 1/ Giới của Thanh Văn gọi là Tăng giới, 2/ Bồ tát giới gọi là Phật Giới. Về Thinh Văn giới có bảy chúng chẳng đồng:
1. Tỳ kheo giới gồm có 250 giới.
2. Tỳ kheo Ni giới gồm có 348 giới.
3. Thức Xoa Ma Na học sáu pháp.
4. Sa Di gồm có 10 giới.
5. Sa Di Ni cũng có 10 giới.
6. Ưu Bà Tắc (cư sĩ nam) gồm 5 giới.
7. Ưu Bà Di (cư sĩ nữ) cũng có 5 giới
- Về Bồ tát giới có 2 chúng tại gia và xuất gia: Căn cứ vào Kinh Địa Trí, tại gia Bồ tát giới có 6 giới trọng và 28 giới khinh. Căn cứ vào kinh Phạm Võng, xuất gia Bồ tát gồm 10 giới trọng và 48 giới khinh. Giới Bồ tát này cũng gọi là Kim Cương Quang Minh Bửu Giới, cũng gọi là Tam Tụ Tịnh giới:
1. Nhiếp luật nghi giới.
2. Nhiếp thiện pháp giới.
3. Nhiêu ích hữu tình giới.
Cách trì giới: Bảy chúng đệ tử của Phật giữ gìn giới hạnh ở trong 4 oai nghi đi, đứng, ngồi, nằm, có mật thiết quan hệ. Nếu ở trong 4 oai nghi này có một oai nghi nào không tỉnh giác thận trọng là không thể trì. Chữ trì đây có nghĩa là gìn giữ vâng làm. Vì vậy trong lúc đi đứng nằm ngồi không được lơi lỏng nên gọi là trì.
Tỳ kheo có 250 giới: 4 giới đầu thanh tịnh gọi là trì căn bản giới. Còn 246 giới sau mỗi giới đều thúc liễm giữ gìn không cho mất gọi là Tỳ kheo toàn trí. Thầy Tỳ kheo trước tiên ở trên giới đàn, Thầy Yết Ma 3 lần tác bạch, bảy chứng sư vì đại chúng chứng thành, gọi là đã được giới thể. Gìn giữ như thế cho đến thành Phật, được Pháp thân đều từ giới này làm gốc.
Tỳ kheo ni giữ 8 giới trọng, mãi mãi không phạm gọi là căn bản giới thanh tịnh. Còn 340 giới cũng phải bảo toàn không mất gọi là giới phẩm hoàn toàn. Nếu giới phẩm được hoàn toàn thanh tịnh thì thành Phật có dư. Còn Thức Xoa Ma Na chỉ yếu có 6 pháp không phạm là đủ. Sa Di và Sa Di Ni chỉ yếu 10 giới pháp thanh tịnh. Trong 10 giới này chỉ có giới ăn phi thời có quan hệ rất lớn không thể không trì, giới này nếu không trì thì tất cả các giới khó khỏi không phạm. Giới Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di phải giữ 5 điều giới luật, ai cũng biết rõ.
Phá giới: Tỳ kheo trong 4 giới trọng, bị phạm một giới gọi là phá căn bản giới, cũng bị mất giới thể, suốt đời không được khôi phục. Các giới sau có bị phạm gọi là phá chi mạt giới, cho đến rất nhỏ gọi là đột kiết la. Ở cõi Trời Tứ Thiên Vương, một ngày một đêm bằng nhân gian 50 năm. Ở Địa Ngục, một ngày một đêm bằng ở Tứ Thiên Vương 50 năm. Cứ như thế tính thành năm tháng. Người tội ở trong Địa ngục phải trải qua 500 năm mới ra khỏi ngục. Đây là thời gian của người phá giới tội rất nhỏ, bị đọa vào Địa ngục. Sáu chúng sau so sánh như trên thì biết. Nếu người sau khi phá giới phải sanh lòng hỗ thẹn, đến trước vị A xà lê chân thành thổ lộ, không được dấu diếm dù nhỏ bằng sợi tơ. A xà lê sẽ hứa cho sám hối, nếu nhẹ thì tác pháp sám, tập hợp 20 vị Tăng, đối chúng phát lồ, khóc lóc cầu xin, cứu kính không tạo tội mới, sau khi tác pháp rồi, luôn luôn vâng lời Thầy dạy, hoặc trì chú bao nhiêu biến, hoặc tụng kinh bao nhiêu quyển, hoặc lễ sám bao nhiêu bộ, làm xong mới cho vào chúng đồng tu. Nếu phạm căn bản giới sẽ không được sám hối.
Thủ Tướng sám: chẳng luận tụng kinh lễ sám hoặc thời hạn 7 ngày, 49 ngày, 90 ngày hoặc đến 1 năm, 3 năm, cần phải thấy hảo tướng như ánh sáng Phật, hoặc Phật đưa tay sờ đỉnh, hoặc chư thiên tán hoa... được các tướng như thế, tội mới sạch, gọi là Thủ Tướng sám.
Vô Sanh sám: Quán sát tánh của tội ấy, không ở trong, ngoài và chặng giữa, lại không ở quá, hiện, vị lai. Cuối cùng tội từ chỗ nào mà khởi? Tội không tự tánh, do nhân duyên sanh, đã từ nhân duyên mà sanh rồi cũng từ nhân duyên mà diệt. Từ nhân duyên mà sanh là người trong không dùng tâm tàm quý (xấu hổ) làm nhân, ngoài nhờ bạn ác làm duyên, do đó mà tạo ra các tội, nên gọi là sanh. Từ nhân duyên mà diệt là người trong lấy việc tàm quý (xấu hổ) phát lồ làm nhân, ngoài nhờ thiện tri thức làm duyên, nên có thể diệt hết các lỗi lầm nên gọi là diệt. Sáu chúng sau muốn sám hối khi phá giới cũng theo ba pháp sám kể trên.
Trì Bồ tát giới là người từ ở trong thân này đến khi thành Phật không được phạm gọi là Trì.
1. Nhiếp luật nghi giới là các ác đừng làm. Tất cả ác không làm gọi là trì, đã làm gọi là phạm, nên gọi không làm (chỉ) là Trì, có làm (tác) là Phạm.
2. Nhiếp thiện pháp giới: Tất cả việc lành đều làm gọi là Trì, không làm là Phạm nên gọi làm (tác) là Trì, không làm (chỉ) là Phạm.
3. Nhiêu ích hữu tình là không chúng sanh nào mà không độ. Hai cái chỉ và tác ở trên đều là tự độ, cùng độ người, nếu không độ người gọi là Phạm.
Chúng ta, những người niệm Phật, phàm thấy bốn chúng đệ tử của Phật không cần so tính trì giới hay phá giới, không được vọng khởi phân biệt, dùng tâm bình đẳng như Bồ tát Thường Bất Khinh trong Kinh Pháp Hoa thấy tứ chúng liền sanh cung kỉnh, khen ngợi, lễ bái: 'Tôi không dám khinh các Ngài, các Ngài đều sẽ làm Phật'. Nên nói gặp mọi người đều sanh ý tưởng đang gặp Phật.
Hỏi: Kinh Phạm Võng nói: 'Nếu người thọ giới Phật tức vào địa vị của chư Phật.' Các hàng xuất gia là bậc mang giới luật như trăng sáng, đeo châu anh lạc, dự vào địa vị tam tôn, mô phạm cho bảy chúng. Nếu không tinh trì giới luật, vọng động làm điên đảo, ô uế thiền môn. Những người như thế, khinh chê đó cũng không lỗi, đánh đó cũng chẳng tội gì?
Trong Kinh Như Lai Tam Muội Hải, đức Phật vì phụ vương mà nói: 'Ngày xưa có 4 vị Tỳ kheo phạm luật, lấy làm hỗ thẹn, không biết nương tựa vào đâu. Bỗng nhiên trên hư không có tiếng nói: 'Các Ông đừng nói rằng không còn cách gì cứu! Không phải vậy, đức Không Vương Như Lai, tuy đã vào Niết Bàn nhưng hình tượng hãy còn. Các Ông nên vào tháp, một lòng quán tưởng hào quang trắng ở giữa chân mày của bảo tượng. Các Tỳ kheo nghe theo rõ lệ mà nói rằng: 'Phật tượng còn diệt được tội trọng như vậy huống hồ chân dung, khởi thân đảnh lễ đầu mặt sát đất, các tội liền tiêu. Ngày nay ở bốn phương đều thành chánh giác: phương Đông Phật A Súc, phương Nam Phật Bảo Tướng, phương Tây Phật Vô Lượng Thọ, phương Bắc Phật Vi Diệu Thinh. Bốn vị Tỳ kheo phá giới này một lòng quán bửu tướng, liền được vào vị đấng Đại Hùng của đời. Người niệm Phật đâu nên tự lầm và đem đến việc lầm lạc cho người khác.
Kinh Đại Tập nói: 'Nếu các vương thần đánh mắng những người xuất gia trì giới hay phá giới, tội đồng chích một trăm ức thân Phật ra máu'. Nếu thấy có người mặc áo cà sa, không luận là trì giới hay phạm giới, chỉ tưởng như Phật, người có tưởng Phật là người chứng được Niệm Phật Tam muội vậy. Đây lời vàng của Phật dạy và cũng là ý chỉ của Bồ tát Thường Bất Khinh trong Kinh Pháp Hoa, đâu được chẳng tin ư!
Thà làm Tâm của Thầy, đừng làm Thầy của Tâm, thấy xan tham quán tưởng bố thí, thấy người phá giới quán tưởng trì giới. Vì vậy mà ta không bị cảnh giới lục tệ trói buộc, thành tựu Quán môn Lục Độ Ba La Mật. Nếu cố tâm phân biệt, tự mình nhận lấy tối tăm. Như có thể thấu hiểu được chỗ nhận thức này thì Niệm Phật Tam muội thành tựu dễ dàng như nước chảy trong sông vậy.
4. Hiện ở Địa Ngục Không Ngại Thọ Ký
Hỏi: Như kẻ hiện ở nơi Địa ngục, hoặc Ngạ quỷ, Bồ đề tâm khó có thể phát khởi, dòng sông đã đục chưa biết kỳ hạn bao giờ được trong, đâu được xem đồng như Phật?
Đáp: Hái thuốc quí không phải lấy từ nhà trồng hoa, lấy thuốc pháp không phải tự nhiên mà có được.
Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói về 4 thứ thọ ký:
1. Thọ ký người chưa phát tâm.
2. Thọ ký người mới phát tâm.
3. Thọ ký bí mật.
4. Thọ ký hiện tiền.
Nay kẻ hiện ở Địa ngục, Ngạ quỷ, Phật thọ ký tương lai chắc phát đại chí, gặp bạn lành, thực hành đạo Bồ tát, hoàn thành bậc Chánh giác, chính là Phật thọ ký cho người chưa phát tâm sẽ được thành Phật. Khi Phật nói bốn hạng người được thọ ký, ngài Ca Diếp bạch Phật: Chúng con từ nay đối với tất cả chúng sanh tưởng như Thế Tôn, nếu sanh lòng khinh, tự mình bị hại. Phật bảo, lành thay lời nói rất hay! Mọi người đều không thể suy lường chúng sanh, chỉ có đức Như Lai là có thể hiểu thấu đáo. Ta bảo các hàng Thanh văn và các vị Bồ tát đối với chúng sanh nên sanh ý tưởng như Phật.
Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện nói: 'Muốn phá trăm vạn cửa chướng, cần dùng tưởng chúng sanh như Phật này. Phàm nhà chứa châu báu tuy chưa mở cửa, không ngại gì nói có châu báu trong nhà. Hạt châu trên trán che kín, không ngại gì nói châu ẩn trên trán. Nếu không niệm chúng sanh là đương lai Phật, ắt bị sáu trần khuấy nhiễu, lại bị ma quân, tự mình phá hoại thành lủy, bảo tồn cho nước địch, luôn luôn khởi lòng cừu oán. Hai bên chiến trận chưa yên, trống trận còn thúc vang dội, đâu có thể nằm an nhàn say ngủ. Người có thể ngộ sắc thanh là Phật, thời chúng sanh đều là Phật ở tương lai, chắc không lập tâm ở phàm cảnh trước đây, hoặc tưởng thân mình là bổn tôn, thì quán môn thâm diệu của Du Già chơn ngôn, không cần tính toán cũng có được.
Hỏi: Những người ở Địa ngục là người chưa phát tâm, đức Như Lai là một đấng Pháp vương vì lòng từ bi thương xót mà thọ ký cho. Thật ra họ là người chưa ngộ thì bao giờ mới tỉnh?
Đáp: Cái nguồn của trường giang (sông dài) tràn đầy chừng một chén; gốc của đại mê chỉ ở trong hai cái chấp ngã và Pháp mà thôi. Nếu ngoài niệm mà lập ra vô niệm, ngoài sanh lập ra vô sanh thì sanh tử khác với Niết bàn, thì lời vàng của chư Phật cũng không dạy được. Nếu biết rõ niệm mà vô niệm, sanh mà vô sanh, thì phiền não tức Bồ đề, một tướng trang nghiêm nhân đây mà có thể ngộ được.
Cũng như đàn ong ở đỉnh núi đem về phòng vẫn cho mật tốt; bảy báu để trong giếng dơ đem lên không thể bỏ, mà không cho là của quý? Sự quý báu gốc vốn nó đã có đủ, không phải đợi đến bây giờ mới có. Chúng ta hãy xem xét khắp tất cả chỗ mà ta duyên đến đều thấy đức Như Lai thì những thứ tham, sân, si làm sao sanh ra còn được?
Trong Kinh Như Lai Tạng dạy: 'Ta dùng Phật nhãn xem tất cả chúng sanh trong tham, sân, si và các thứ phiền não đều có trí Như lai, mắt Như lai, thân Như lai đang kiết già an ngồi, nghiễm nhiên chẳng động; cho đến đầy đủ các đức tướng như ta không khác gì? Dùng chín thí dụ để rộng nói rằng, tất cả chúng sanh đều có Như lai Tạng. Trong lời giải thích bài tạng của luận Thật Tánh dạy: 'Trong cành hoa héo có chư Phật, trong thùng phẩn có vàng vòng, trong đất có tạng trân bảo, trong các trái củ có mầm non, trong chiếc áo rách có tượng vàng ròng, trong người con gái nghèo xấu có mang chuyển luân vương, trong đám bùn lầy có bảo tượng thượng diệu. Chúng sanh có đầy dẫy các thứ tham, sân, si, vọng tưởng phiền não, nhưng trong cái cảnh trần lao đều có Như lai Tạng'. Qua chứng minh trên chứng tỏ rằng hiện ở trong Địa ngục không có trở ngại gì cho việc thọ ký.
Hỏi: Bậc chí nhân (chí tôn) khi dụng tâm là các thứ phan duyên đều dứt hẳn, còn chúng sanh phóng tâm chạy theo duyên, đều thấy Như lai, chưa biết ở giáo lý nào? Kinh điển nào?
Đáp: Trong giáo lý có dạy: 'Người khởi tâm duyên khắp sáu trần, ba nghiệp nhưng phát diệu nguyện vào cảnh giới Phật, mỗi thứ duyên khởi không lìa Như lai gọi là thấy tất cả, chỗ thấy viên mãn này không phải do mắt mà thấy được.
Kinh Niết Bàn dạy: 'Thanh văn có Thiên nhãn được coi là Nhục Nhãn (mắt thịt), người học Đại thừa lấy nhục nhãn (mắt thịt) làm Phật nhãn vì hiểu rõ thân mình có Phật tánh'.
Kinh Thắng Thiên Vương dạy: 'Các Đại Bồ tát dùng sức phương tiện thực hành Bát Nhã Ba La Mật, đối với tất cả pháp, tâm duyên tự tại. Duyên tất cả sắc nguyện được Phật sắc không chỗ được. Duyên theo các tiếng nguyện được vi diệu âm thinh của Như lai. Duyên các thứ hương nguyện được thanh tịnh giới hương của Như lai. Duyên các mùi vị nguyện được vị đệ nhất Trượng Phu Tướng của Như Lai. Duyên các sự xúc chạm nguyện được bàn tay mềm mại của Như lai. Duyên các pháp nguyện được tâm tịch tịnh của Như lai. Duyên thân nguyện được thân Phật. Duyên khẩu nguyện được Phật khẩu. Duyên ý nguyện được ý bình đẳng của Như lai. Đại Bồ tát thực hành Bát Nhã Ba La Mật không có một tâm một hạnh nào luống qua mà không hướng vào Nhất thiết Chủng trí, duyên khắp các pháp mà không chấp trước. Quán thấy các pháp đều hướng về đạo Bồ đề; Bồ tát tu tập các hạnh đều do ngoại duyên mà thành lập, cũng như quả đất, trên đó nếu muốn đào ao, đào giếng liền có nước mà dùng, nếu không chịu đào, không làm sao mà có được nước? Cảnh giới thánh trí cũng thế, trùm khắp tất cả pháp, nếu người nào siêng năng tu Bát Nhã Phương Tiện thì sẽ được Thắng trí Bát nhã, nếu không chịu tu thì làm sao có thể đạt được?
5. Quán không, vô ngã chọn việc thiện mà theo.
Hỏi: Tức phàm là thánh đều là vô ngã. Như thế vô ngã của Tam giáo tức không khác, nghĩa ấy thế nào?
Đáp: Tên của Tam giáo ban đầu đã không khác lý lại chẳng đồng. Đức Phu Tử (Trọng Ni) ở trong Tứ Tuyệt có nói đến Vô Ngã là ý khiêm nhường; Đạo Lão nói vô ngã là nói thời gian dài không có chủ; Còn Đạo Phật nói vô ngã là quán năm uẩn đều không.
Khổng giáo và Lão Giáo đều không hiểu rõ ngũ uẩn thì làm sao hiểu được Tứ Đế, Lục Độ Vạn Hạnh. Nói gì đến giai cấp. Thánh Hiền tuyệt nhiên chưa nghe, nên kẻ sĩ tu tâm cần phải chọn việc tốt nhất mà theo đó.
Vì việc Bất thiện (chẳng lành) không ích lợi đối với chí chơn, không ghi và quên luôn cả thiện và ác, làm trở ngại cho Phật Pháp, đâu không phải từ đó mà ra nên Thánh Nhân đơn giản (bỏ) mà không lấy. Niệm Phật Tam Muội là bậc thiện tối thượng, là đầu của muôn hạnh, nên gọi là vua Tam Muội.
6. Không chọn thiện không bỏ ác
Hỏi: Nếu chọn thiện để theo vì sao không chọn cái thiện của Chư Phật và bỏ cái ác của chúng sanh?
Đáp: Không cần đổi câu hỏi lại, cũng thành câu đối đáp. Vì sao, vì chọn thiện mà theo thì bao hàm cái ác mà thiện, tức vọng mà chơn. Nếu có thể niệm Ông Phật ở vị lai, nói cái sanh của Bồ Tát Thường Bất Khinh thì trời đất là một, muôn vật là một lông ngựa vậy.
Chúng sanh đều là Phật nên cõi này thường thanh tịnh, khác nào Ngài Xá Lợi Phất xem cõi này là đá, cát, ngói, gạch, đồng với cõi trân bảo trang nghiêm của Phạm Vương, vì vậy chọn chỗ chí thiện là không ai có thể bỏ.
Kinh Pháp Hoa nói rõ diệu ý tuyệt đối đãi: ‘Chúng sanh thấy kiếp cuối, khi lửa lớn thiêu đốt, cõi ta đây yên ổn, trời người rất sung túc, lầu nhà và vườn rừng, các thứ báu trang nghiêm’.
Trong Kinh Thắng Thiên Vương nói: ‘Chỗ Phật ở thật không phải cõi uế, vì chúng sanh phước mỏng nên thấy có bất tịnh’. Phàm năng lực mạnh mẽ của Tam Muội, không thể dùng vọng tưởng muỗi rệp (nhỏ nhít) mà có thể phá hoại. Gõ hồng chung niệm mười niệm không gián đoạn, đối với tán tâm niệm Phật có sai khác rất rõ. Niệm Phật A Di Đà là niệm chung cả Chư Phật trong ba đời, niệm Chư Phật Bồ Tát cũng như vậy. Luận Đại Thừa Khởi Tín dạy: ‘Y cứ vào một hướng nên bị lầm chuyển (Tây cho là Nam) sự thật phương hướng không có đổi. Vì thế, biết rõ được một phương là các phương khác đều đúng, niệm một vị Phật là Chư Phật hiện tiền. Đây chính là yếu nghĩa của Pháp Môn Đại Thừa vậy.
7. Không thể ăn thịt tất cả chúng sanh
Hỏi : Thịt là thứ để cho người ăn, người niệm Phật cấm tuyệt là ý gì ?
Đáp : Quốc Vương Thi Tỳ xã thân cứu con vịt đem toàn thân cân mới bằng, người và cầm thú tuy khác, nhưng đều tham sống sợ chết, nên đâu có thể ăn thịt nó, dùng béo thân mình để hại mạng nó đâu chẳng đáng sợ sao ? Nếu biết rằng chúng sanh là Phật vị lai, thì ai nở dùng dao giết hại mạng chúng!
Kinh Thủ Lăng Nghiêm có bài kệ: 'Vì lợi giết chúng sanh, vì tiền lưới các vật. Hai món đều nghiệp ác, chết vào ngục kêu than'. Vì thế, Phật dạy nếu đem tiền của bố thí thì kẻ lưới thú và những người làm hàng thịt tự nhiên không có. Vì vậy, Tổ Long Thọ không khinh chim nhỏ, bậc cao tăng không dám đạp trùng kiến. Nếu có người hỏi việc này ta có thể đáp: Các chúng sanh lớn nhỏ cùng với ta đồng ở trong bể sanh tử, các chúng sanh kia hoặc có kẻ thành chánh giác trước ta, đâu thể dám khinh lờn. Khinh còn không được, huống gì ăn máu thịt của chúng.
Luận Bửu Tánh dẫn Kinh Như Lai Tạng dạy: 'Chúng sanh là Đệ nhất nghĩa đế (Phật), là Như Lai Tạng, là Pháp Thân, là Bồ Đề'. Nếu người không hiểu ý chỉ niệm vị lai Phật, như con chó chỉ đuổi theo gói đồ ăn, không theo người, việc theo đuổi biết bao giờ dứt. Người chỉ niệm Phật quá khứ và hiện tại mà không niệm Ông Phật vị lai thì lòng ngã mạn không dứt. Nếu sư tử đuổi theo người, thì gói đồ ăn vứt ngay vì không cần thiết. Chúng ta thường nghe cung kỉnh và ngã mạn là một, nhưng tánh cách rất khác nhau. Bỏ cung kỉnh theo ngã mạn đối với cha mẹ là đại nghịch, bất đạo, bỏ ngã mạn theo cung kỉnh đối với cha mẹ là người đại hiếu. Nên kinh Phạm Võng dạy: 'Chúng sanh trong sáu đường đều là cha mẹ. Hiếu gọi là giới, thiện căn phát khởi từ đây.' Quán chúng sanh trong sáu đường đều là Phật ở tương lai rất gần với ý tưởng xem chúng sanh trong sáu đường là cha mẹ. Như vị Sa Di cứu đàn kiến tuổi thọ gia tăng, Lưu Thủy Trưởng giả dẫn nước cứu cá được Trời rưới hoa, thay cái chấp vô số kiếp lượng của chúng sanh để niệm cái thân của tương lai Phật. Phải biết trong đống phân ô uế có vàng ròng, tuy có nhiều lớp mây che, nhưng sau đó là trăng sáng. Như thế việc ham ăn thịt là những mây mù nghiệp báo sanh tử, cần phải dùng gió Huệ quét sạch thì Tam Muội hiện tiền, Kinh Phạm Võng dạy : 'Ta là Phật đã thành, các Ông là Phật đang thành.' Nếu người thường có lòng tin như vậy thì giới phẩm đã trọn vẹn, đâu được không thể niệm vị lai Phật ư?
Hỏi: Thịt không được ăn tôi đã tin rồi, còn ngũ tân thì sao?
Đáp: Kinh Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm dạy : 'Năm thứ rau này, nếu ăn chín thì khởi lòng dâm, ăn sống tăng giận hờn. Người ăn năm thứ rau này dù có thể nói giỏi mười hai bộ kinh, Thiên Tiên trong mười phương nghe mùi hôi hám nên đều xa lánh, các ngạ quỷ theo người ăn ngũ tân liếm môi mỏ, thường cùng quỷ ở chung. Phước đức mỗi ngày mỗi tiêu, thường không lợi ích. Những người tu thiền ăn ngũ tân này, Bồ Tát Thiên Tiên, Thiên Thần trong mười phương không đến giúp hộ, Đại Lực Ma Vương được nhiều phương tiện gia hại. Người tu Đạo Bồ Đề phải vĩnh viễn đoạn tuyệt ngũ tân, đây là việc tăng tiến thứ nhất trong việc tu hành, đây là lời vàng chúng ta đâu nên trái lại.
Kinh Bách Dụ nói: 'Có người ở trên đường nhặt được một rương tiền vàng, cắm cúi đếm chưa xong, chủ rương tiền đến, lấy tiền lại. Người đi đường hối hận sao hồi trước không đi nhanh, buồn rầu khổ sở? Như người gặp Phật Pháp không gấp siêng năng tu hành, chỉ thích nghe nhiều, bất chợt mạng chung, đọa vào ba đường ác, như người ngu kia, lẩn quẩn tính toán để người chủ đến đoạt mất. Có bài kệ rằng:
Ngày nay tạo việc này,
Ngày mai tạo việc kia,
Vui đắm không biết khổ,
Không ngờ giặc chết đến,
Dần dà lo các việc,
Kẻ phàm đều như vậy,
Như kẻ đếm tiền kia,
Việc đó cũng như vậy.

« Kinh này có tổng cộng 3 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.23.101.60 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập