Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Lại nữa, này đại vương! Pháp hy hữu rất sâu xa khó hiểu, là tướng tịch diệt của tất cả pháp, chẳng nắm bắt, chẳng xả bỏ, chẳng tụ tập, chẳng tan rã, do nhơn duyên sanh, không có chủ tể. Vì do duyên sanh nên chẳng phải mình chẳng phải người, các pháp không có tự tánh. Vì tự tánh là không, nên nó không sở đắc. Do không sở đắc nên tất cả pháp tịch tịnh. Tướng tịch tịnh là tướng chân thật. Ðại vương nên có lòng tin chân chánh nên tu học như vậy, nên quán sát như vậy. Nếu học như vậy là lìa tất cả tướng, chẳng phải có sở học chẳng phải không có sở học, không được không mất. Nếu hiểu rõ như vậy là chánh giải thoát. Tướng giải thoát là các pháp. Tánh không của các pháp là nghĩa chân thật, tức là không chấp trước không hạn ngại. Nên đó gọi là pháp hy hữu vô thượng.
Lại nữa, này đại vương! Ông nên biết rằng nhãn căn chẳng nhiễm chẳng tịnh. Vì sao ? Vì tự tánh của nhãn căn vốn chân thật. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân căn cũng chẳng nhiễm chẳng tịnh, vì tự tánh của chúng vốn chân thật.
Này đại vương! Sắc chẳng nhiễm chẳng tịnh, thọ tưởng hành thức cũng chẳng nhiễm chẳng tịnh. Vì sao ? Vì tự tánh của uẩn vốn chân thật. Cho đến tất cả pháp cũng như vậy chẳng nhiễm chẳng tịnh vì tự tánh vốn chân thật.
Ðại vương nên biết! Tâm không có hình tướng nên mắt không chỗ quán tâm không chỗ trụ. Trong, ngoài, chặn giữa đều không thể đắc. Vì sao ? Vì tự tánh của tâm chẳng nhiễm chẳng tịnh, không tăng giảm không động chuyển. Cho nên này đại vương! Nên quán như thật đừng có nghi ngờ hãy trụ vào pháp chân thật. Vì tâm này chân thật nên các pháp cũng như vậy.
Này đại vương! Ví như hư không lìa các sắc tướng, cũng không động chuyển. Nếu có người nói rằng : “ Ta lấy khói, mây, bụi, sương làm ô nhiễm hư không” thì điều này ông có tin không ?
Vua trả lời :
- Không! Vì hư không không có tướng nên không bị ô nhiễm.
Bồ tát nói :
- Tâm cũng như vậy, xưa nay vốn thanh tịnh không chứa chấp trần cấu. Cũng vậy, cho đến tất cả pháp, tự tánh nó không nhiễm.
Lại nữa, này đại vương! Tất cả pháp và pháp giới chẳng hợp chẳng lìa, vốn tánh bình đẳng không có sai khác. Nếu ai hiểu rõ điều này tức là đối với các pháp không bị chướng ngại cũng không tăng không giảm.
Khi Bồ tát Diệu Cát Tường nói pháp này, vua Ma Già Ðà giác ngộ tánh không của các pháp, lòng rất vui mừng lập tức đắc được Vô sanh pháp nhẫn, phát tâm hy hữu, chắp tay cung kính thưa với Bồ tát Diệu Cát Tường :
- Bồ tát có lòng đại bi và phương tiện thiện xảo, pháp ngài nói rất là hy hữu, vi diệu sâu xa, xưa con chưa từng được nghe. Hôm nay, con không còn nghi ngờ gì nữa, tâm đã được khai sáng.
Bồ tát Diệu Cát Tường nói :
- Này đại vương! Ðừng nói rằng : Nghi ngờ đã được trừ, nếu ai nói như vậy tức là chưa đoạn được các tướng. Vì còn có tướng ở nơi tâm thì đó là đại nghi ngờ.
Ðại vương nên biết! Các pháp tịch diệt không nói năng, không biểu thị không nghe không đắc, thì chẳng lẽ có nghi ngờ để trừ sao ?
Vua nói :
- Thưa Bồ tát! Nếu như vậy thì tất cả phiền não tham sân si... có làm chướng ngại tâm không ?
Bồ tát nói :
- Này đại vương! Trước đây ta đã nói hư không vốn thanh tịnh không bị nhiễm, nghĩa ấy như vậy. Này đại vương! Tâm vốn thanh tịnh, phiền não tánh không, hai pháp này không đắc thì sao bị chướng ngại. Cho nên trong tâm đừng có sanh tướng tội cấu.
Ðại vương nên biết! Tâm quá khứ không thể đắc, tâm vị lai không thể đắc, tâm hiện tại không thể đắc cho đến tất cả pháp cũng như vậy. Ở trong ba đời không đến không đi, không trụ không chấp, không có chỗ nhập vào không có chỗ nương tựa, lìa các vọng tưởng, chẳng phải dùng tri kiến để lường kịp. Nếu lìa tướng tri kiến thì đó là Phật nói. Cho nên người trí nên quán như vậy, nên hiểu rõ như vậy.
Bấy giờ đại vương thưa Bồ tát Diệu Cát Tường :
- Như Bồ tát đã nói thì con đã hiểu rõ tự tánh của tâm, tự tánh của các pháp xưa nay vốn thanh tịnh, không bị những chướng làm ô nhiễm, cũng không có tướng để đắc. Cho nên hôm nay ở trước Bồ tát con được lòng tin bất hoại.
Bồ tát nói :
- Này đại vương! Nếu như vậy tức là được giải thoát, xa lìa các lỗi lầm.
Nghe Bồ tát Diệu Cát Tường giảng nói diệu pháp, vua nước Ma Già Ðà rất vui mừng, liền đứng dậy đem vải mỏng thượng diệu giá trị trăm ngàn tiền đến dâng cúng dường Bồ tát Diệu Cát Tường và định lấy vải ấy khoác vào thân Bồ tát. Lúc đó trong sát na, Bồ tát biến mất chỉ nghe giữa không trung có tiếng rằng :
- Này đại vương! Nếu còn thấy có tướng thì ta không thọ nhận. Nếu muốn ta thọ nhận thì không còn thấy thân mình không thấy thân người, không có người bố thí, không có người được bố thí, cho đến tất cả pháp cũng đều như vậy, không còn thấy các tướng xa lìa tâm chấp thủ.
Này đại vương! Vải để cúng dường đó nếu có thể thấy thân ai thì nên cúng dường cho vị ấy.
Bấy giờ có Bồ tát tên Trí Ngộ. Vua liền đem vải ấy dâng cúng Bồ tát. Bồ tát ấy nói :
- Này đại vương! Nếu còn thấy tướng thì tôi không nhận. Nếu tôi thọ nhận thì không chấp dị sanh và pháp dị sanh, không trụ vào hữu học và pháp hữu học, không chứng vô học và pháp vô học, không hướng đến Duyên giác và pháp Duyên giác, cũng không cầu giải thoát Niết bàn của chư Phật Như Lai để làm quả chứng. Như vậy đối với tất cả pháp không có tướng để chấp. Hai loại năng thí và sở thí đều thanh tịnh không lợi không đắc. Nếu ai bố thí như vậy thì tôi có thể nhận.
Lúc ấy đại vương định lấy vải khoác vào thân Bồ tát nhưng lập tức Bồ tát đã biến mất, chỉ nghe tiếng trong hư không :
- Nếu có thể thấy thân ai thì hãy cúng dường vị ấy.
Bấy giờ có Bồ tát tên Thiện Tịch Giải Thoát. Vua liền đem vải dâng cúng, Bồ tát nói :
- Này đại vương! Nếu còn thấy tướng thì ta không nhận. Nếu ta nhận thì không còn có ta thấy và vật ta thấy, chẳng phải hợp phiền não chẳng phải lìa phiền não, chẳng phải tâm trụ định chẳng phải tán loạn, chẳng phải trí huệ chẳng phải ngu si, lìa các nắm bắt và xả bỏ. Nếu bố thí như vậy thì có thể thọ nhận.
Lúc ấy đại vương định lấy vải khoác lên thân Bồ tát nhưng lập tức Bồ tát biến mất, chỉ nghe tiếng trong hư không rằng :
- Nếu có thể thấy thân ai thì hãy cúng dường vị ấy.
Lại có Bồ tát tên Tối Thắng Tác Ý, vua liền đem vải đến cúng dường. Bồ tát nói :
- Này đại vương! Nếu còn thấy có tướng thì ta không nhận. Nếu ta nhận thì không còn có các tướng, không hành thân nghiệp, không sanh ngữ nghiệp, không tạo ý nghiệp, không chấp vào uẩn xứ giới, hiểu rõ tất cả pháp đều không thể đắc, chẳng phải dùng trí để biết, chẳng phải dùng lời nói để đo lường, không có chỗ nương tựa mà phải lắng trong như hư không. Người bố thí như vậy thì ta nhận.
Lúc ấy đại vương định đem lấy vải khoác lên thân Bồ tát nhưng lập tức Bồ tát biến mất, chỉ nghe tiếng trong hư không :
- Nếu có thể thấy thân ai thì nên cúng dường vị ấy.
Lại có Bồ tát tên Thượng Ý. Vua liền đem vải dâng cúng dường, Bồ tát nói :
- Nếu còn tướng để thấy thì ta không nhận. Nếu ta nhận thì không còn chấp tướng và tâm mong cầu. Nếu ai nói phát tâm Vô thượng Bồ đề đó là chấp tướng có mong cầu. Vì sao ? Vì lìa tâm hữu tướng đó là tâm đại Bồ tát. Vì tâm này bình đẳng cho nên tâm Bồ đề cũng bình đẳng. Tâm Bồ đề này là tâm của tất cả Như Lai. Do tâm bình đẳng cho nên các pháp cũng bình đẳng, không hai không khác, không nắm bắt cũng không xả bỏ. Vì lìa nắm bắt và xả bỏ nên tướng ngã không sanh, tướng ngã đã diệt thì không có gì để mong cầu. Người bố thí như vậy thì ta có thể nhận.
Lúc đó đại vương định lấy vải khoác lên thân Bồ tát nhưng lập tức Bồ tát biến mất, chỉ nghe tiếng trong hư không :
- Nếu có thể thấy thân ai thì cúng dường cho vị đó.
Lại có Bồ tát tên Tam Muội Khai Hoa, vua liền đem vải đến cúng dường, Bồ tát ấy nói :
- Còn thấy có tướng thì ta không nhận. Nếu như ta nhận thì đối với tất cả môn Tam Ma Ðịa đã chứng nhưng lại vô tướng, không phân biệt, hiểu rõ tánh của tất cả pháp là không động tức là Tam Ma Ðịa. Bố thí như vậy thì ta nhận.
Lúc đó đại vương định đem vải khoác vào thân Bồ tát nhưng lập tức Bồ tát đã biến mất, chỉ nghe tiếng trong hư không :
- Nếu có thể thấy thân ai thì cúng dường cho vị đó.
Lại có Bồ tát tên Thành Tựu Ý, vua lại đem vải đến cúng dường, Bồ tát ấy nói :
- Này đại vương! Còn thấy có tướng thì ta không nhận. Nếu như ta nhận thì hiểu rõ tất cả ngôn ngữ văn tự, tự tánh vốn không, không có tướng để chấp. Ai sanh tâm ham muốn cầu các pháp thì rơi vào hữu tướng, không gọi là thành tựu. Nếu hiểu rõ tất cả pháp không sở đắc thì là thành tựu tất cả. Tất cả đều như ý. Bố thí như vậy thì ta nhận.
Lúc đó đại vương định khoác vải lên thân Bồ tát nhưng lập tức Bồ tát biến mất, chỉ nghe tiếng trong hư không :
- Nếu có thể thấy thân ai, thì cúng dường cho vị đó.
Lại có Bồ tát tên Tam Luân Thanh Tịnh, vua liền đem vải đến cúng dường, Bồ tát ấy nói :
- Này đại vương! Còn thấy có tướng thì ta không nhận. Nếu như ta nhận thì phải không có người cúng dường, không có người thọ nhận. Người thọ nhận không sở đắc, người cúng dường không sở đắc, ngã còn không có thì sở hữu của ngã cũng không. Bố thí như vậy thì ta nhận.
Lúc đó Vua định đem vải khoác lên thân Bồ tát nhưng Bồ tát đã biến mất, chỉ nghe tiếng trong hư không :
- Nếu có thể thấy thân ai, thì cúng dường cho vị ấy.
Lại có Bồ tát tên Pháp Hóa, vua liền đem vải đến cúng dường, Bồ tát ấy nói :
- Này đại vương! Còn thấy có tướng thì ta không nhận. Nếu như ta nhận thì không lấy Niết bàn của Thanh văn, Duyên giác mà làm quả chứng, cũng không lấy đại bát Niết bàn mà làm quả chứng, không lìa pháp luân hồi, không cầu pháp Niết bàn. Vì sao ? Vì sanh tử và Niết bàn cả hai đều bình đẳng. Bố thí như vậy thì ta nhận.
Lúc ấy đại vương định lấy vải khoác lên thân Bồ tát nhưng Bồ tát đã biến mất, chỉ nghe tiếng trong hư không :
- Nếu có thể thấy thân ai, thì cúng dường cho vị đó.
Ðại vương đã đem vải dâng cúng dường, nhưng các đại Bồ tát đều ẩn thân không thọ nhận.
Ðại vương lại đem vải ấy đến chỗ tôn giả Ðại Ca Diếp thưa rằng :
- Thưa tôn giả Ca Diếp! Trong chúng Thanh văn, ngài tuổi cao đức lớn được đức Phật khen ngợi là hạnh đầu đà đệ nhất, cúi xin ngài nhận vải đẹp thượng diệu này để con được thỏa lòng cúng dường của con.
Ca Diếp nói :
- Này đại vương! Còn thấy có tướng thì ta không nhận. Như người mà ta nhận là không đoạn tham sân si, không bị nhiễm trước, cho đến vô minh, hữu ái cũng đều không đoạn, cũng không tương ưng với không. Thấy khổ, đoạn tập, chứng diệt, tu đạo, không thấy Phật, không nghe pháp, không nhập vào số chúng, chẳng phải tận trí, vô sanh trí mà có thể đắc, có thể chứng, không có người bố thí, không có người nhận, không có quả lớn, không có quả nhỏ, không có luân hồi để nhàm chán, không có Niết bàn để chứng. Các pháp thanh tịnh xa lìa các tướng. Người bố thí như vậy thì có thể nhận.
Vua liền đem vải định khoác vào thân tôn giả, nhưng Ca Diếp cũng biến mất, chỉ nghe tiếng giữa hư không nói :
- Nếu có thể thấy thân ai thì nên cúng dường vị đó.
Cứ như vậy, đại vương đã đem vải dâng cúng cho 500 đại Thanh văn nhưng vị nào cũng ẩn thân không thọ nhận.
Khi ấy, đại vương suy nghĩ : “ Chúng Thanh văn, Bồ tát này đều không nhận vải cúng dường của ta. Bây giờ ta đem về hậu cung để tặng phu nhân và các quyến thuộc chắc chắn mọi người sẽ nhận”. Suy nghĩ vậy xong, vua đem vải vào cung để định đưa cho họ, nhưng đại vương không thấy phu nhân. Vua lại nghĩ đem cho các cung tần nhưng cũng chẳng thấy họ đâu cả. Như vậy, vua lần lượt quán sát tất cả nhà, cung điện, thành đều trống trơn chẳng thấy gì cả. Ðại vương lại suy nghĩ : “ Vải đẹp thượng diệu này không được cúng dường”. Nghĩ vậy xong, vua định lấy vải tự khoác vào thân mình, nhưng tức khắc vua không thấy thân mình đâu nữa, chỉ nghe tiếng giữa hư không : “ Nếu có thể thấy thân ai thì hãy cúng dường vị ấy. Này đại vương! Ông hãy tự quán sắc thân tướng của mình nay ở đâu ?
Vua tự quán mà không thấy tướng của mình, thì quán người khác cũng vậy. Tướng của mình và người đều không thể đắc. Nếu ai thấy như vậy tức là thấy pháp chân thật. Pháp chân thật là xa lìa tất cả kiến. Vì lìa các kiến cho nên trụ vào pháp bình đẳng”.
Khi nghe giữa hư không nói như vậy, đại vương lìa tâm hữu tướng, đoạn trừ tưởng nghi ngờ. Như từ trong giấc ngủ mà được tỉnh ngộ. Tức thì quyến thuộc, hậu phi, nhà cửa, cung điện thành quách đều hiện ra sắc tướng của nó trở lại như cũ. Vua liền đến chỗ đại chúng Bồ tát lại được nhìn thấy tất cả tướng của các Bồ tát như xưa không khác.
Bấy giờ, đại vương đến trước Bồ tát Diệu Cát Tường thưa :
- Ðại chúng Bồ tát vừa rồi đã đi đâu mà con không thấy ?
Diệu Cát Tường nói :
- Này đại vương! Vua đừng nghi ngờ, đại chúng này tướng vốn không đến thì đi về đâu.
Này đại vương! Bây giờ vua có thấy chúng đây không ?
Vua trả lời :
- Dạ con đã thấy.
Bồ tát hỏi :
- Vua thấy thế nào ?
Vua trả lời :
- Như thấy pháp chân thật thì quán chúng này cũng như vậy.
Bồ tát hỏi :
- Pháp chân thật này vua thấy thế nào ?
Vua trả lời :
- Pháp chân thật lìa tất cả tướng, chẳng phải dùng mắt để quán, không ở trong, không ở ngoài, không ở chặn giữa nên nói tướng hai pháp không thể đắc.
Bồ tát Diệu Cát Tường lại nói với vua :
- Ðại vương nên biết! Trước đây vua tạo ác. Tôi nghe Phật thọ ký vào đời sau sẽ đọa vào đường ác phải không ?
Vua thưa Bồ tát :
- Thưa Ðại sĩ, không có. Phật Thế Tôn chưa từng nói người đọa đường ác hay người chứng Niết bàn. Vì sao ? Vì trong pháp chân thật không có hai riêng biệt.
Bồ tát lại nói :
- Thưa đại vương! Không phải vậy. Như đức Phật đã nói nghiệp quả thiện ác ứng chiếu như vậy. Nếu nói như vậy thì nghĩa là thế nào ?
Ðại vương nói :
- Thưa Ðại Sĩ Bồ tát! Theo ý của con thì chư Phật Như Lai tùy theo phương tiện mà khéo nói sanh tử Niết bàn, để các chúng sanh nhàm chán khổ sanh tử mà hướng đến vui Niết bàn. Nếu nói một cách như thật thì sanh tử và Niết bàn đều bình đẳng. Vì sao ? Vì các pháp đều không, không có tự tánh. Tánh của các pháp ấy là tánh pháp giới. Trong tánh pháp giới không có hai riêng biệt. Do nghĩa đó mà các pháp không chỗ sanh không chỗ trụ, không ham muốn không nhàm chán. Nay con có lòng tin chân chánh không còn lo sợ.
Bồ tát Diệu Cát Tường nói :
- Lành thay đại vương! Vua nói điều này rất rõ ràng đó là lìa các hữu tướng.
Vua nói :
- Thưa Bồ tát! Tự tánh của con là không, vậy người nói là ai ? Pháp vốn vô tướng vậy lìa cái gì ? Như Phật đã nói, trong pháp chân thật thì ngã tướng vốn không lìa tình chẳng phải tình. Các pháp không tạo tác cũng không có người thọ nhận.
Bồ tát nói :
- Ðại vương! Trong pháp chân thật mặc dầu ông đã hiểu rõ nhưng còn sanh chấp trước.
Vua hỏi :
- Làm sao để lìa chấp trước ?
Bồ tát trả lời :
- Không hoại tướng cõi ác, đó là không chấp trước.
Vua nói :
- Ðúng vậy! Ðúng vậy! Theo ý của con tướng cõi ác không động chuyển, không hoại không chấp trước, không có gì lo sợ. Nay con đã lìa được các chấp trước, vĩnh viễn không còn sanh sự thấy về hữu tướng. Ví như Bồ tát đắc Nhẫn không còn tư tưởng về ba độc.
Khi ấy Bồ tát Trí Tràng nói với vua :
- Ðại vương! Ðối với đạo trí huệ, vua đã được thanh tịnh, lìa các trần nhiễm, được đầy đủ Nhẫn.
Vua thưa Bồ tát :
- Các pháp rất thanh tịnh rộng lớn không thể lường. Phiền não không thể nhiễm ô, Niết bàn không thể đắc. Chỉ có Phật Thế Tôn mới có thể tự chứng tri.
Khi Bồ tát Diệu Cát Tường và các Ðại Sĩ vào cung vua nói chánh pháp, vua nước Ma Già Ðà đắc được Vô sanh pháp nhẫn. Trong cung vua có 32 cô gái. Sau khi thấy Bồ tát Diệu Cát Tường dùng thần thông biến hóa tất cả đều phát tâm Vô thượng Bồ đề. Trong chúng hội có 500 người đắc pháp Nhãn tịnh. Tất cả nhân dân trong thành Vương xá đều đem hương hoa thơm đẹp nổi tiếng tụ tập trước cửa cung vua để cúng dường Bồ tát Diệu Cát Tường và các đại chúng.
Bấy giờ, Bồ tát Diệu Cát Tường thấy thương xót tất cả nhân dân trong thành, để làm lợi ích cho họ, Bồ tát dùng ngón chân đặt xuống đất. Tức thì mặt đất đều thành màu phệ lưu ly trong suốt sáng rỡ thấu cả trong lẫn ngoài. Khi ấy trong thành tất cả nhân dân dù nam hay nữ cũng đều được thấy Bồ tát Diệu Cát Tường và các đại chúng không bị chướng ngại. Ví như gương tròn trong sáng chiếu rõ mặt của mình. Tất cả nhân dân chiêm ngưỡng tướng Bồ tát cũng như vậy. Lúc đó Bồ tát Diệu Cát Tường vì họ mà nói pháp trong thành có tám vạn bốn ngàn người đắc pháp Nhãn tịnh, 500 người phát tâm Vô thượng Bồ đề.
Sau khi Bồ tát Diệu Cát Tường thọ sự cúng dường thức ăn uống của vua nước Ma Già Ðà, và vì vua mà giảng pháp thì quyến thuộc trong cung vua cho đến tất cả nhân dân đều được lợi lạc, phát tâm hy hữu và rất vui mừng.
Bồ tát Diệu Cát Tường liền đứng dậy và cùng đại chúng Bồ tát lần lượt rời khỏi cung vua. Khi ấy, vua Ma Già Ðà, các tùy tùng cùng quyến thuộc lễ lạy bái tạ và theo Bồ tát đến hội của đức Phật. Bồ tát đã ra khỏi cung vua và đi chậm rãi. Giữa đường, Bồ tát thấy một người ở dưới gốc cây khóc lóc thảm thiết nói rằng :
- Tôi đã tạo nghiệp sát sanh thật đáng sợ hãi, đời sau nhất định đọa vào địa ngục, làm thế nào để tôi được cứu độ đây ?
Thấy người này như vậy, Bồ tát quán biết căn duyên của họ đã thành thục, có thể hóa độ được. Bồ tát liền hóa thành một người giống y như ông ta và đến gần bên ông ta cũng khóc lóc thảm thiết nói như vầy :
- Tôi tạo nghiệp sát sanh rất đáng sợ hãi, đời sau nhất định sẽ đọa vào địa ngục.
Sau khi nghe vậy, người kia liền nói với hóa nhơn rằng :
- Tôi cũng tạo nghiệp sát sanh như vậy. Ðã gặp nhau ở đây, ai có phương tiện để cứu độ được ?
Hóa nhơn liền nói với người kia rằng :
- Chúng ta tạo tội rất nặng, dù rất lo sợ nhưng không có ai cứu được, chỉ có Phật Thế Tôn mới có đại phương tiện để cứu độ được thôi. Chúng ta nên cùng nhau đến chỗ Phật.
Hóa nhơn nói vậy xong rồi liền đi trước. Người kia thấy vậy cũng đi theo đến chỗ Phật. Sau khi đến hội của Phật, hóa nhơn đem đầu mặt lễ lạy sát chân Phật và thưa :
- Bạch Thế Tôn! Con tạo nghiệp sát sợ đọa địa ngục, cứu xin Phật từ bi cứu độ con.
Thế Tôn liền khen :
- Lành thay! Lành thay! Này thiện nam tử! Nay ở trước Phật ông đã nói lên lời thành thật. Việc ông làm gọi là nói một cách chân thật. Theo lời ông đã nói, người tạo nghiệp sát thì với ông từ tâm nào mà có tướng tội, là quá khứ, vị lai hay hiện tại ? Nếu khởi tâm quá khứ thì quá khứ đã diệt tâm không thể đắc. Nếu khởi tâm vị lai thì vị lai chưa đến, tâm không thể đắc. Nếu khởi tâm hiện tại thì hiện tại không dừng tâm cũng không thể đắc. Ba đời đều không thể đắc thì tức là không tạo tác. Vì không tạo tác nên thấy tướng của tội ấy ở đâu ?
Này thiện nam tử! Tâm không chỗ trụ, không ở bên trong bên ngoài hay chặn giữa, tâm không có sắc tướng, chẳng phải xanh, vàng, đỏ, trắng. Tâm không tạo tác vì không có người tạo. Tâm chẳng phải huyễn hóa vì vốn chân thật. Tâm không có biên giới vì chẳng hạn lượng. Tâm không thủ xả vì chẳng phải thiện ác. Tâm không động chuyển vì chẳng sanh diệt. Tâm như hư không vì không chướng ngại. Tâm không nhiễm tịnh vì lìa tất cả số.
Này thiện nam tử! Những người có trí nên quán như vậy. Ai quán như vậy tức là cầu tất cả pháp nhưng tâm không thể đắc. Vì sao ? Vì tự tánh của tâm tức là tánh của các pháp. Tánh không của các pháp là tánh chân thật. Do nghĩa này, ông không nên lầm lạc mà sanh sợ hãi.
Nghe Phật giảng nói pháp chân thật, hóa nhơn rất vui mừng và thưa với Phật :
- Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Ngài nói rõ về tự tánh thanh tịnh của pháp giới. Con nay ngộ được tánh không của nghiệp tội nên không sợ hãi. Con muốn ở trong Phật pháp được xuất gia tu đạo giữ phạm hạnh. Cúi xin đức Thế Tôn thâu nhận con.
Phật nói :
- Thiện tai! Này thiện nam tử! Nay đã đúng giờ ta thâu nhận ngươi.
Khi ấy chỉ trong chốc lát, hóa nhơn râu tóc tự rụng, ca sa mặc vào thân thành tướng Bí sô và bạch Phật :
- Bạch Thế Tôn! Bây giờ con nhập Niết bàn, cúi xin Phật cho phép.
Phật nói :
- Tùy ý.
Khi ấy nhờ sức oai thần của Phật, hóa nhơn liền vọt lên hư không cao bảy cây đa la hóa lửa tự thiêu thân không còn gì cả, giống như hư không kia.
Sau khi thấy hóa nhơn xuất gia và nghe Phật thuyết pháp, người tạo nghiệp thật liền suy nghĩ : “ Người này tạo nghiệp tội giống như ta, mà được giải thoát trước. Ta cũng nên cầu xin Phật hóa độ”. Suy nghĩ vậy xong, liền lễ lạy sát chân Phật và thưa :
- Bạch Thế Tôn! Con tạo nghiệp sát sợ đời sau đọa vào đại địa ngục, cúi xin Phật từ bi mà rủ lòng cứu độ con.
Phật nói :
- Lành thay này thiện nam tử! Ở trước Phật, ông đã nói lên lời thành thật. Nghiệp ông đã tạo sanh ở tâm nào ? Tướng của tội nghiệp ra sao ?
Vì người này do căn lành đã thành thục nên sau khi nghe Phật hỏi từ các lỗ chân lông trên thân phát ra lửa dữ cháy xung quanh thân của ông. Ông ta liền thưa :
- Con nay qui y Phật xin Ngài rủ lòng cứu độ con.
Bấy giờ Thế Tôn duỗi cánh tay vàng lên trên đỉnh đầu ông ta. Lập tức lửa trên thân của người ấy liền dập tắt, không còn khổ não và được khoái lạc lớn, với lòng tin thanh tịnh, chắp tay thưa trước Phật :
- Thật hy hữu thay bạch đức Thế Tôn! Trước đây con nghe Phật giảng nói pháp thanh tịnh, pháp giới, lìa tướng. Nay con được giác ngộ về tánh không của nghiệp tội nên không còn tư tưởng sợ hãi. Con cũng muốn ở trong Mật pháp xuất gia tu trì phạm hạnh, cúi xin Phật thâu nhận con.
Phật nói :
- Lành thay! Ðã đúng lúc Ta thâu nhận ngươi.
Tức thời râu tóc của người này tự rụng, ca sa mặc vào thân thành tướng Bí sô như người trăm tuổi lạp. Các căn ổn định, oai nghi đỉnh đạc, sở nguyện được viên mãn.
Bấy giờ đức Thế Tôn giảng pháp Tứ đế cho ông ta. Nghe pháp xong, ông ta liền xa lìa trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh, lại quán rất kỹ về đế lý. Ngay trong hội, ông ta chứng quả A la hán và bạch Phật :
- Bạch Thế Tôn! Bây giờ con muốn nhập Niết bàn cúi xin Phật cho phép.
Phật nói :
- Tùy ý.
Khi ấy Bí sô vọt lên hư không cao bảy cây đa la hóa lửa tự thiêu thân không còn gì cả. Lúc đó trong hội có 100 ngàn trời người phát tâm hy hữu đều kính lạy Phật. - Hết quyển thứ năm -
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.82.128 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.