Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác.
Kinh Pháp cú
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Lại nữa Đại Vương! Pháp ít có, rất sâu khó hiểu, tức là tướng tất cả pháp tịch diệt (1): chẳng phải thủ, chẳng phải xả, không tụ không tán, từ nhân duyên sanh, không có chủ tể; vì duyên sanh, nên không tự không tha, các pháp không tự tánh, vì tự tánh không, tức là "vô sở đắc", do "vô sở đắc", cho nên tất cả pháp tịch tĩnh, tướng tịch tĩnh đó là tướng chân thật. Đại Vương phải khởi tâm chánh tín, phải tu học như thế, quán sát như thế, người học như thế lìa tất cả tướng, chẳng phải có sở học, chẳng phải không sở học, không đặng không mất, hiểu biết như thế là chánh giải thoát. Tướng giải thoát tức là các pháp vậy. Các pháp tánh không là nghĩa chân thật, tức là không chỗ chấp trước, không có ngăn ngại. Ấy gọi là pháp tối thượng hy hữu.
Lại nữa Đại Vương! Phải biết nhẫn căn (2), không nhiễm không tịnh. Vì sao? Vì nhãn căn tự tánh nó vốn chân thật. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý căn cũng không nhiễm không tịnh, nhưng tự tánh kia vốn là chơn thật. Đại Vương! Sắc không thể nhiễm không tịnh, thọ, tưởng, hành, thức cũng không nhiễm không tịnh. Vì sao? Vì tự tánh của uẩn vốn là chân thật. Cho đến tất cả pháp cũng lại như thế, không nhiễm, không tịnh, vì tự tánh nó chân thật. Đại Vương nên biết, tâm không hình tướng, không nhãn sở quán, tâm không sở trụ, trong, ngoài và chính giữa đều không thể được. Vì cớ sao? Vì tự tánh của tâm không nhiễm không tịnh, không chỗ tăng giảm, không chỗ động chuyển. Thế nên Đại Vương! Phải quán như thật, chớ sanh tâm nghi lầm; trụ pháp chơn thật. Vì tâm nầy chơn thật, các pháp cũng như thế. Đại Vương! Thí như hư không lìa các sắc tướng cũng không động chuyển. Nếu có người nói, ta phải dùng khói, mây, bụi, mù kia để nhiễm hư không, việc ấy có tin được không?
Đại Vương nói: Không thể có, vì hư không vô tướng không chỗ nhiễm trước.
Bồ Tát nói:
- Tâm cũng như vậy, xưa nay thanh tịnh, không lãnh thọ các cấu nhiễm, cho đến tất cả pháp tự tánh không nhiễm, cũng lại như thế!
Lại nữa Đại Vương! Tất cả pháp cùng pháp giới chẳng phải "tức", chẳng phải "ly" , bản tánh bình đẳng. không có sai khác. Nếu ai hiểu biết được thế, tức là đối với các pháp không có ngăn ngại cũng không tăng giảm.
Bồ Tát Diệu Kiết Tường khi nói pháp ấy Vua nước Ma Già Đà ngộ pháp tánh vốn không, sanh tâm đại hoan hỷ, tức thời chứng đặng vô sanh pháp nhẫn (3), phát tâm hy hữu, chấp tay cung kính bạch Bồ Tát Diệu Kiết Tường rằng:
- Bồ Tát có lòng đại từ khéo léo phương tiện, như pháp đã nói, rất là ít có, vi diệu sâu xa, xưa nay chưa từng nghe. Hôm nay, tôi đã dứt hết các tâm nghi lầm, thấu rõ vấn đề.
Bồ Tát Diệu Kiết Tường thưa:
- Tâu Đại Vương! Chớ nói như thế, nghi lầm mà trừ hết, còn nói lời ấy, chưa dứt các tướng, có tướng ở nơi tâm là đại nghi lầm. Đại Vương nên biết! Các pháp tịch diệt, không nói, không chỉ, không nghe, không đặng, đâu có chi nghi lầm mà có thể trừ ư?
Đại Vương bạch:
- Bồ Tát! Nếu như thế đó thì tham lam, giận tức, si mê v.v…tất cả phiền não, phải không ngại nơi tâm ư?
Bồ Tát nói:
- Tâu Đại Vương! Tôi trước đã nói hư không vốn thanh tịnh, không bao giờ bị nhiễm ô! Nghĩa kia như thế đó, Đại Vương! Tâm vốn thanh tịnh, phiền não tánh không, cả hai đều không đặng, có chỗ nào mà ngăn ngại ư? Thế nên, không thể dùng tướng tội cấu mà sanh nơi tâm. Đại Vương phải biết, tâm quá khứ không thể đặng, tâm vị lại không thể đặng, mà cả tâm hiện tại cũng không thể đặng, cho đến tất cả pháp cũng lại như thế. Ở trong ba đời không lai không khứ, không trụ không trước, không chỗ nhập, không chỗ về, lìa các vọng tưởng, không phải thấy biết bì kịp, lìa pháp tri kiến; Đức Phật đã nói như thế đó. Vậy người trí phải quán như thế, phải rõ biết như thế.
Lúc ấy Đại Vương bạch với Bồ Tát Diệu Kiết Tường rằng:
- Như Bồ Tát đã nói, tôi nay hiểu rõ tự tánh của tâm, tự tánh các pháp xưa nay thanh tịnh, không bị chướng nhiễm, cũng không có tưởng có thể đặng. Thế nên tôi nay đối trước Bồ Tát, đặng lòng tin không hoại diệt.
Bồ Tát nói:
- Đại Vương! Nếu đúng như thế, tức là giải thoát, xa lìa các sự lỗi lầm.
Lúc bấy giờ Vua nước Ma Già Đà nghe Bồ Tát Diệu Kiết Tường tuyên nói pháp nhiệm mầu, tâm đại hoan hỷ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cầm áo báu thượng diệu, giá trị trăm nghìn lượng bạc đến chỗ Bồ Tát Diệu Kiết Tường dâng lên cúng dường, muốn áo quý báu ấy, mặc trên thân của Bồ Tát. Khi ấy Bồ Tát ở trong giây phút, ẩn thân không hiện, chỉ nghe ở giữa hư không có tiếng nói rằng: Đại Vương! Có chỗ thấy tướng, chẳng phải ngã "sở thọ" như ta là người thọ, không thấy tự thân, không thấy tha thân, không có người năng cúng, mà cũng không có kẻ bị cúng, cho đến tất cả pháp cũng lại như thế, không chỗ thấy tướng, lìa tâm chấp trước. Đại Vương! Sự cúng áo quý báu ấy, nếu có thấy thân, phải nên cúng thí. Khi ấy có vị Bồ Tát tên là Trí Ngộ, ông Vua liền đem áo quý báu dâng cúng. Vị Bồ Tát kia nói:
- Đại Vương! Có chỗ thấy tướng, chẳng phải tôi lãnh thọ, như tôi lãnh thọ, thì không chấp trước dị sanh và pháp dị sanh, không trụ hựu học và pháp hựu học, không chứng vô học và pháp vô học, không đến Duyên Giác và pháp Duyên Giác, cũng không cầu giải thoát, Niết Bàn của chư Phật Như Lai, và chứng quả. Như thế đối với tất cả pháp không chỗ trước tướng, năng thí, sở thí hai thứ thanh tịnh, không lợi không đặng, như thế người thí, nhưng cũng được lãnh thọ.
Khi ấy Đại Vương muốn đem áo quý kia đắp trên thân của Bồ Tát. Bồ Tát tức thời ẩn thân không hiện, nhưng nghe giữa hư không có tiếng nói rằng:
- Nếu có người nào hay thấy thân mạng thì nên bố thí áo. Lúc ấy, lại có Bồ Tát tên là Thiện Tịch Giải Thoát, Vua liền mang áo quý dâng cúng, Bồ Tát kia nói:
- Đại Vương! Có chỗ nào thấy tướng, chẳng phải ngã sở thọ, như tôi thọ lãnh, không khởi ngã kiến (4) và ngã sở kiến (5), chẳng tức phiền não, chẳng ly phiền não, chẳng trụ định tâm, chẳng khởi tán loạn, không trí, không ngu, lìa các thủ xả, người trí được như thế mới nên lãnh thọ.
Lúc ấy Đại Vương muốn đem áo quý báu đắp lên thân Bồ Tát. Bồ Tát tức thời ẩn thân không hiện, chỉ nghe giữa hư không có tiếng nói rằng: Nếu có người hay thấy bản thân, sẽ nên thí đó. Lại có vị Bồ Tát tên là Tối Thắng Tác ý, Vua liền mang áo quý cúng thí, Bồ Tát kia nói:
- Đại Vương! Có chỗ thấy tướng, chẳng phải tôi đã thọ, như tôi là người thọ, không khởi các tướng, không hành thân nghiệp, không phát ngữ nghiệp, không khởi ý nghiệp, không trụ trước pháp năm uẩn (6), mười hai xứ (7), và mười tám ranh giới (8), rõ biết tất cả pháp đều không thể đặng, không trí bị hiểu biết, không lời nói nào bì kịp, không chỗ y chỉ, lặng như hư không. Như thế người thí, mới lãnh thọ được.
Khi ấy Đại Vương, muốn đem áo quý báu kia, mặc lên thân của Bồ Tát, Bồ Tát tức thới ẩn thân không hiện, chỉ nghe tiếng nói rằng: nếu có người hay thấy thân mình, sẽ nên thí đó. Lại có Bồ Tát tên là Thượng Ý, Vua lập tức mang áo quý cúng thí, Bồ Tát kia nói:
- Đại Vương ! có chỗ nào thấy tướng, chẳng phải tôi lãnh thọ, như tôi lãnh thọ thì khởi tâm chấp tướng mong cầu, nếu nói người nào phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác (9). Ấy là chấp tướng, có chỗ trông cầu. Vì cớ sao? Vì lìa tâm có tướng, tức là tâm đại Bồ Tát, tâm nầy bình đẳng, nên tâm Bồ Đề cũng bình đẳng. Tâm bồ đề nầy tức lá tất cả tâm Như Lai. Do sự bình đẳng nầy nên các pháp đều bình đẳng, không hai không sai khác, không thủ cũng không xả, lìa được thủ xả, nên ngả tướng không sanh, ngã tướng diệt rồi, không có chỗ trông cầu. Người thí như thế đáng được lãnh thọ.
Khi ấy, Đại Vương muốn đem áo quý báu mặc trên thân Bồ Tát. Bồ Tát liền khi ấy ẩn thân không hiện, chỉ nghe tiếng nói rằng: Nếu có người nào hay thấy thân mạng, nên thí cho họ. Lại có Bồ Tát tên là Tam Muội Khai Hoa, Vua liền khi đó mang áo quý cúng thí. Vị Bồ Tát kia nói:
- Đại Vương! Có chỗ nào còn thấy tướng, chẳng phải tôi thọ lãnh, như tôi thọ lãnh, đối với tất cả cửa Tam Ma Địa (10), chứng nhưng không tướng, không chỗ phân biệt, rõ biết tất cả pháp tự tánh không động, tức là tam ma địa. Người thí như thế, đáng được lãnh thọ.
Lúc ấy Đại Vương muốn mang áo quý mặc lên trên thân Bồ Tát, Bồ Tát liền khi đó ẩn thân không hiện, chỉ nghe tiếng nói rằng: nếu có người hay thấy thân nên thí cho họ. Lại có Bồ Tát tên là Thành Tựu Ý. Vua liền mang áo quý cúng thí. Bồ Tát kia nói:
- Đại Vương! Có chỗ thấy tướng thì không phải tôi lãnh thọ. Như tôi lãnh thọ, rõ biết tất cả ngôn ngữ văn tự, tự tánh vốn không, không chỗ trước tướng. Luận về người muốn khởi tâm cầu các pháp, rơi vào trong hình tướng, không gọi là thành tựu.Nếu đối với tất cả pháp, hiểu rõ "vô sở đắc", tức là tất cả nghĩa thành tựu, tất cả đều như ý. Thí được như thế đáng nên lãnh thọ.
Lúc ấy Đại Vương muốn đem áo quý giá mặc lên thân Bồ Tát, Bồ Tát tức thời ẩn thân không hiện, chỉ nghe tiếng nói rằng: nếu có người hay thấy thân, đáng được thí cho. Lại có vị Bồ Tát tên là Tam Luân Thanh Tịnh, Vua liền mang áo quý cúng thí, Bồ Tát kia nói rằng:
- Đại Vương! Có tướng sở kiến chẳng phải tôi sở thọ, như tôi lãnh thọ thì không có kia năng thí và không có đây năng thọ, người thọ "vô sở đắc" người thí không quả báo. "Ngã" còn không thì "ngã sở" cũng không (11). Người thí như thế đáng được lãnh thọ. Vua liền mang áo quý mặc trên thân kia, Bồ Tát kia ẩn thân không hiện, chỉ nghe tiếng nói rằng: nếu có người nào hay thấy thân, nên được thí đó. Lại có vị Bồ Tát tên là Pháp Hoa, Vua liền khi đó mang áo quý cúng thí, vị Bồ Tát kia nói:\
- Đại Vương! Có tướng sở kiến, chẳng phải tôi sở thọ. Như tôi thọ lãnh thì chẳng dùng Niết Bàn của Thinh Văn Duyên Giác mà làm sự chứng quả cũng chẳng dùng đại bát niết bàn của Phật mà làm sự chứng quả, không lìa pháp luân hồi, không cầu pháp Niết Bàn. Vì sao? Vì sanh tử cùng niết bàn cả hai đều bình đẳng. Thí như thế đó, đáng được lãnh thọ. Vua liền mang áo muốn mặc trên thân kia. Bấy giờ vị Bồ Tát ấy ẩn thân không hiện, chỉ nghe tiếng nói: Nếu có người nào hay thấy có thân đáng được thí đó. Khi ấy Đại Vương dùng áo quý dâng lên các vị đại Bồ Tát nhưng các ngài đều ẩn thân không nạp thọ.
Lúc bấy giờ Đại Vương liền đem áo quý kia, đến chỗ tôn giả Đại Ca Diết, nói như thế nầy:
- Thưa Tôn Giả Ca Diếp! Ở trong hàng Thinh Văn, ngài là vị niên trưởng có đức, Phật thường khen ngợi, tu hạnh đầu đà số một, xin Ngài nhận lãnh áo quý giá để cho tâm tôi được mãn nguyện.
Ca Diếp đáp rằng:
- Đại Vương! Có tướng "sở kiến" chẳng phải sở thọ của tôi, như tôi lãnh thọ, không đoạn tham, sân, si, không chỗ nhiễm trước, cho đến vô minh có ái, thảy đều không đoạn, cũng không cùng câu chấp: thấy khổ, đoạn tập, chứng diệt, thật hành đạo lý, không thấy Phật, không nghe pháp, không vào số chúng, chẳng phải trí cùng tận, trí vô sanh, có thể đặng, có thể chứng, không người thí, không kẻ thọ, không đại quả cũng không tiểu quả, không nhàm chán luân hồi, không cầu chứng niết bàn, các pháp thanh tịnh, lìa tất cả tướng. Người thí có ý tưởng như thế, mới đáng thọ lãnh.
Vua liền trao áo quý muốn mặc trên thân kia. Ca Diếp cũng lại ẩn thân không hiện, chỉ nghe tiếng nói: nếu có ai hay thấy thân sẽ được thí đó.
Như thế đó, tới năm trăm (500) vì đại Thanh Văn đều mang đến cúng thí, nhưng mỗi vị đều không thọ, ẩn thân chẳng hiện.
Lúc bấy giờ, Đại Vương liền suy nghĩ, nay các vị Bồ Tát, Thanh Văn đây đều không thọ lãnh áo lông cừu quý giá của tôi cúng thí, tôi nay mang đến phía sau hoàng cung, ban cho các phu nhơn và các quyến thuộc, các vị đó sẽ lãnh thọ. Nghĩ như thế rồi liền mang áo quý vào cung để ban cho họ.
Khi ấy Đại Vương không thấy phu nhơn, lại nghĩ thí cho cung tần quyến thuộc kia, nhưng lại cũng chẳng thấy ai, như thế thứ lớp quan sát cung thành điện vũ, thảy đều không hiện, đồng như hư không. Bấy giờ Đại Vương lại suy nghĩ, nay đây áo lông cừu cao quý chưa cúng thí được, phải làm sao đây? Nghĩ thế rồi, muốn tự đem cái áo quý nầy tự mặc vào thân.
Khi đó Vua cũng tự không thấy thân mình, chỉ nghe giữa hư không có tiếng nói: nếu người nào hay thấy thân mạng, phải nên thí áo. Đại Vương! Phải tự quán tướng sắc thân nay ở chỗ nào, như tự quán thân không thấy tướng kia, quán tướng khác cũng như thế, tướng tự tha đều không thể đặng, nếu người thấy như thế, tức là thấy pháp chân thật. Pháp chân thật xa lìa tất cả kiến chấp, vì lìa các kiến chấp, tức là trụ pháp bình đẳng (12)
Lúc bấy giờ Đại Vương nghe giữ hư không có tiếng nói rồi, lìa tâm hữu tướng, dứt tưởng nghi lầm, như người đang ngủ say, bỗng được tỉnh dậy, tức thời cung thành điện vũ, cung phi quyến thuộc, thấy sắc tướng kia trở lại như cũ, liền đến chỗ Bồ Tát và đại chúng, đều đặng chiêm ngưỡng tướng Bồ Tát, như trước không khác. Khi ấy Đại Vương đến trước Bồ Tát Diệu Kiết Tường bạch rằng:
- Bồ Tát và đại chúng mới đây đã đi về đâu, sao tôi không thấy?
Diệu Kiết Tường nói:
- Đại Vương! Chớ sanh lòng nghi nan. Nay đại chúng đây bản tướng không đến, chỗ nào lại đi. Đại Vương! Giờ nầy đã thấy đại chúng nầy không?
Vua bạch:
- Vâng! Đã thấy.
Bồ Tát nói:
- Đã thấy gì?
Đáp:
- Như thấy pháp chân thật, quán sát chúng nầy cũng như thế.
Lại hỏi:
- Chân thật nầy làm sao thấy được?
Đáp:
- Pháp chơn thật lìa tất cả tướng, không phải con mắt quan sát được, không ở trong, không ở ngoài, không ở chính giữa, danh và tướng hai pháp không thể đặng.
Lúc bấy giờ Bồ Tát Diệu Kiết Tường lại tâu Vua rằng:
- Đại Vương! Phải biết Vua trước tạo ác, tôi nghe Phật đã ghi chép đến đời sau ông sẽ đọa vào đường ác.
Vua bạch Bồ Tát rằng:
- Không bao giờ, bạch Đại Sĩ! Đức Phật Thế Tôn chưa từng có nói người đọa trong đường ác hay người chứng Niết Bàn. Vì sao? Ở trong chơn pháp, không có hai sự sai khác.
Bồ Tát lại nói:
- Không phải vậy, Đại Vương! Như Phật đã nói thiện ác, nhơn quả báo ứng rõ ràng, những lời nói ấy, nghĩa nó thế nào?
Đại Vương đáp rằng:
- Bồ Tát Đại Sĩ! Theo như ý tôi, chư Phật Như Lai thuận theo phương tiện, khéo nói sanh tử cùng Niết Bàn, khiến các chúng sinh, nhàm khổ sinh tử, đến vui Niết Bàn, như thật mà nói sinh tử cùng Niết Bàn, cả hai đều bình đẳng. Vì sao? Vì các pháp đều không, không có tự tánh, tính của các pháp kia tức tánh pháp giới, trong tánh pháp giới, không hai sai khác. Vì do nghĩa ấy, các pháp không chỗ sanh cũng không chỗ trụ, không ưa muốn, không nhàm bỏ. Tôi nay khởi lòng chánh tín, không sanh tâm sợ hãi. Bồ Tát Diệu Kiết Tường nói:
- Hay thay Đại Vương! Khéo nói lời ấy, lìa các tướng có.
Vua nói:
- Bồ Tát! Tánh tôi tự không ai là người nói, pháp vốn không tướng sẽ lìa chỗ nào? Như Phật đã nói, trong pháp chân thật, ngã tướng vốn không lìa "tình và phi tình", các hạnh không tạo tác cũng không lãnh thọ.
Bồ Tát bảo rằng:
- Đại Vương! Vua ở trong pháp chân thật, mặc dù có hiểu biết hãy còn sanh chấp tướng.
Vua lại bạch rằng:
- Thế nào gọi là lìa chấp trước?
Bồ Tát tâu rằng:
- Không hoại tướng ác thú (14), ấy là không chỗ chấp trước.
Vua bạch Bồ Tát;
- Đúng vậy! đúng vậy, như ý tôi hiểu tướng ác thú không chỗ động chuyển, không hoại, không trụ trước, không chỗ sợ sệt. Tôi nay lìa được các cố chấp, không bao giờ lại sanh cố chấp hữu tướng. Ví như Bồ Tát Đắc Nhẫn, không sanh lại ác tướng ba độc.
Lúc ấy Bồ Tát Trí Tràng tâu với Vua kia rằng:
- Đại Vương! Đối với con đường trí huệ đã được thanh tịnh, lìa các nhiễm trần, đầy đủ sự nhẫn nhục.
Vua bạch với Bồ Tát rằng:
- Các pháp rất là thanh tịnh rộng lớn, không có hạng lượng, phiền não không thể nhiễm, niết bàn không thể đặng, chỉ có Phật Thế Tôn, tự Ngài chứng biết rõ.
Lúc bấy giờ, Bồ Tát Diệu Kiết Tường và các Đại Sĩ, ở trong cung Vua, khi nói chánh pháp, Vua nước Ma Già Đà chứng đặng vô sanh pháp nhẫn (15). Trong cung Vua có 32 phụ nữ, thấy Bồ Tát Diệu Kiết Tường có thần thông biến hóa, đều phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Trong pháp hội lại có 500 người đặng pháp nhãn tịnh (16). Tất cả nhân dân trong thành Vương Xá đều mang các hoa tốt hương thơm, tụ hội trước cung môn của nhà Vua để thành tâm cúng dường Bồ Tát Diệu Kiết Tường và đại chúng.
Lúc bấy giờ Bồ Tát Diệu Kiết Tường thương xót tất cả nhân dân trong thành, vì sự lợi lạc chung nên dùng ngón chân bấm dưới đất, tức thời đại địa trở thành sắc phệ lưu ly (17), trong sạch sáng suốt, trong ngoài chiếu sáng. Khi ấy trong đại thành hoặc nam hoặc nữ, tất cả nhân dân đều được diện kiến Bồ Tát Diệu Kiết Tường và đại chúng, không có chi ngăn ngại. Ví như tấm gương tròn sáng trong sạch soi thấy toàn diện các hình tướng, tất cả nhân dân chiêm ngưỡng, tướng Bồ Tát cũng lại như thế. Lúc bấy giờ Bồ Tát Diệu Kiết Tường, vì các vị đó, đúng thời thuyết pháp, trong thành có tám muôn bốn nghìn người đắc pháp nhãn tịnh, năm trăm người phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Khi ấy, Bồ Tát Diệu Kiết Tường thọ lãnh đồ ăn, đồ uống của Vua nước Ma Già Đà cúng dường, vì Vua cùng các đại thần rộng thuyết pháp rồi cung thuộc của Vua cho đến tất cả nhân dân, đều đặng lợi lạc, phát tâm hy hữu, sang đại hoan hỷ, Bồ Tát Diệu Kiết Tường liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cùng đại chúng vá các vị Bồ Tát, cùng nhau vây quanh ra khỏi cung Vua.
Lúc ấy Vua nước Ma Già Đà cùng các Đại Thần và các quyến thuộc lễ kính từ tạ, đi theo Bồ Tát đồng đến pháp hội của Phật. Khi ấy Bồ Tát đã lìa cung Vua tuần tự mà đi. Ở giữa đường thấy có một người, ngồi dưới gốc cây, khóc lóc buồn rầu, phát ra lời nói: "Tôi đã tạo nghiệp sát rát là sợ hãi, tương lai quyết định sẽ đọa vào nơi địa ngục.Tôi nay phải làm thế nào để được cứu hộ?" Lúc bấy giờ Bồ Tát thấy người ấy rồi, quán sát căn duyên của người kia gần được thuận thục có thể kham chịu hóa độ. Bồ Tát liền biến hóa một người tương tợ như người kia không khác, đến chỗ người kia, đã cùng nhau tâm sự, cũng lại khóc lóc nói với người kia rằng:
- Tôi lỡ tạo nghiệp sát rất là sợ hãi, tương lai quyết định đọa vào địa ngục.
Người trước nghe rồi liền nói rằng:
- Tôi cũng tạo nghiệp sát giống anh, tình cờ chúng ta gặp nhau, ai có phương tiện gì, tìm người cứu độ
Lúc ấy hóa nhơn (18) liền đề nghị rằng:
- Chúng ta tạo tội rất nặng, dù có sợ hãi, không sao tránh khỏi.Giờ đây chỉ có Phật Thế Tôn có sức oai thần, có thể cứu độ, chúng ta hôm nay nên đến chỗ Phật.
Hóa nhơn nói rồi liền ra đi trước, người kia thấy rồi cũng lại đi theo, liền đến chỗ Phật. Vị hóa nhơn kia đến pháp hội của Phật rồi, đầu mặt đảnh lễ dưới chân đức Phật, rồi bạch Phật rằng:
- Thưa Thế Tôn! Chúng con tạo nghiệm sát, sợ đọa vào địa ngục. Xin Phật từ bi cứu độ chúng con.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn liền khen rằng:
- Lành thay, lành thay! Thiện nam tử, nay ở trước Phật, nên phát lời thành thật, như các việc đã làm. Cứ xưng thiệt mà nói. Như ông đã thốt ra, đã tạo nghiệp sát, các ông từ tâm nào mà khởi tội tướng (19), là tâm quá khứ, là tâm vị lai hay là tâm hiện tại? Nếu khởi tâm quá khứ, tâm quá khứ đã diệt, không thể được; nếu khởi tâm vị lai, tâm vị lai chưa đến, không thể được; nếu khởi tâm hiện tại, tâm hiện tại không trụ cũng không thể được; cả ba thời gian đều không thể được, tức là không khởi tát (20), vì không khởi tác ở trong tội tướng kia, chỗ nào mà thấy được ư? Thiện nam tử! tâm không chỗ trụ, không ở trong, không ở ngoài, không ở chinh giữa, tâm không sắc tướng, không có xanh, vàng, đỏ, trắng, tâm không tạo tác, vì không tác giả; tâm không huyển hóa vì vốn chân thật, tâm không biên tế vì không hạng lượng; tâm không thủ xả (21) vì không thiện ác; tâm không động chuyển vì không sanh diệt; tâm như hư không vì không ngăn ngại, tâm không nhiễm tịnh vì xa lìa tất cả số mục. Thiện nam tử! các người có trí phải quán như thế, làm phép quán ấy rồi, tức là đối với tất cả pháp cầu tâm không thể được. Vì cớ sao? Vì tự tánh của tâm tức là tánh của các pháp, tánh của các pháp không, tức là tánh chơn thật. Vì ý nghĩa đó, nên nay các ông không nên vọng sanh sợ hãi.
Bấy giờ hóa nhơn nghe Phật tuyên nói pháp chân thật, tâm sanh đại hoan hỷ, liền bạch Phật rằng:
- Thế Tôn rất là ít có, khéo nói tự tánh pháp giới thanh tịnh, chúng con hôm nay được tội nghiệp tánh không, chẳng sanh lòng sợ hãi. Con nay ưa muốn xuất gia ở trong Phật Pháp, tu hành làm đạo, giữ giới đúng với phạm hạnh (22). Cúi mong Thế Tôn nạp thọ cho con.
Phật nói:
- Quý hóa thay! Thiện nam tử, nay chính đúng thời vì ông mà nhiếp thọ.
Hóa nhơn ở trong giây phút, râu tóc tự rụng, cà sa (23) mặc vào thân thành tướng Bí Sô (24), liền bạch Phật rằng:
- Thế Tôn! Con nay xin vào niết bàn, xin Phật hứa khả.
Phật nói: Tùy ý.
Khi ấy vị hóa tỳ kheo, nhờ sức oai thần của Phật thân liền hiện trên không trung, cao một cây Đa La (25), hóa lửa tự đốt, dứt hết thân không còn, đồng với hư không kia.
Lúc bấy giờ, người thật tạo nghiệp thấy vị hóa nhơn xuất gia và nghe Phật thuyết pháp rồi, tâm sinh suy nghĩ: "Người nầy cùng với ta đồng tạo tội nghiệp nhưng nay được giải thoát. Còn ta cũng nên cầu Phật hóa độ, nghĩ như thế rồi, liền đầu mặt lạy dưới chân đức Thế Tôn mà bạch Phật rằng:
- Thưa Thế Tôn! Con tạo nghiệp sát, sợ trong tương lai phải đọa địa ngục, xin Phật từ bi mà dũ lòng tế độ.
Đức Phật nói:
- Quý hóa thay! Thiện nam tử! nay đối trước Phật, phát ra lời thành thật. Ông đã tạo nghiệp, phát khởi từ tâm nào? Tướng tạo nghiệp lại như thế nào?
Giờ phút ấy người kia vì căn lành thành thục, nghe Phật nói rồi, các lỗ chân lông trong thân bốc ra sức nóng, giống như ngọn lửa hừng hực, vây quanh thân người ấy, liền nói như thế nầy: "Tôi nay quy đầu với Phật được Ngài cứu độ".
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn, dũ cánh tay mặt sắc vàng phóng trên đầu người kia. Vị ấy tức thời lửa trong thân liền diệt, lìa các khổ não kia đặng đại khoái lạc khởi tâm tịnh tín (26), hướng về đức Phật chấp tay bạch với Phật rằng:
- Thật là ít có, bạch đức Thế Tôn! Con trước nghe Phật nói rộng những pháp thanh tịnh ly tướng pháp giới. Con nay đã ngộ tội nghiệp (27) tánh không, nhưng không sanh tướng sợ hãi. Con nay ở trong Phật pháp, ưa thọ.
Đức Phậ nói:
- Lành thay! Quý hóa thay! Nay rất đúng thời, vì ông mà nhiệp thọ.
Tức thời người ấy râu tóc tự rụng, áo cà sa (29) mặc vào thân, thành tướng Bí Sô (30), như vị 100 hạ lạp (31), các căn thanh tịnh, oai nghi tề chỉnh, sở nguyện thành tựu viên mãn
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn vì người kia tuyên nói pháp tứ diệu đế (32). Vị Bí Sô kia nghe rồi liền xa lìa trần cấu, đắc pháp nhãn thanh tịnh, cao xa hơn Ngài quán sát đế lý (33), tại pháp hội Ngài chứng quả A La Hớn, rồi bạch Phật rằng:
- Thưa Thế Tôn! Con nay muốn vào niết bàn xin Phật hứa khả.
Đức Phậ dạy: Tùy ý ông.
Khi ấy vị Bí Sô, thân vọt lên hư không, cao bảy cây Đa La (34), hóa lửa đốt thân, tiêu hết không còn. Lúc bấy giờ trong pháp hội có 5.000 thiên nhơn, phát tâm hy hữu, mỗi vị thân tâm cung kính đảnh lễ. Chú thích:
1. Pháp tịch diệt: Giáo pháp tịch diệt. Tức là thật tướng của các pháp, cái lặng lẽ, hoàn toàn, dứt hết các hình tướng, lời ăn tiếng nói, tư tưởng vọng động.
2. Nhãn căn: Con mắt, một căn trong sáu căn, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.
3. Vô sanh pháp nhẫn: Đức nhẫn của người tu học đắc đạo thể nhập chân lý: các pháp không sanh không diệt. Bực tu hành nếu hiểu các pháp không sanh, không diệt tức là hiểu thật tướng sự vật vốn không sanh diệt. Hiểu như thế thì không còn lo rầu, phiền não, đối với chúng sinh, được vậy gọi là vô sanh pháp nhẫn. Đi đến chỗ không còn sinh tử luân hồi.
4. Ngã kiến: Y kiến chấp có cái ta, sự thấy rằng có cái thân thiệt. Cũng gọi là thân kiến.
5. Ngã sở kiến: Cái ý kiến khư khư chấp lấy những vật của mình. Vật gì cũng bảo thủ cho là thật có của mình.
6. Pháp năm uẩn: Năm món tích tụ, hòa hợp làm thành bản thân của mỗi chúng sinh. Chúng che khuất chơn lý, khiến chúng sanh luân hồi thọ khổ. Ấy là: Sắc, thọ, tưởng, hành và thức.
7. Mười hai xứ: 12 chỗ, sáu căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, và sáu cảnh là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Mười hai chỗ nương tựa với nhau.
8. Mười tám ranh giới: Dix huit localites: sáu căn là sáu cảnh ở trong, sáu trần là sáu cảnh bên ngoài, sáu thức là sáu cảnh ở khoảng giữa. Sáu căn nội giới là: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý. Sáu trần ngoại giới là: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Sáu thức trung giới là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Gọi chung là 18 ranh giới.
9. Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác: Anuttara-Samyak Sambodhi. Quả vị Phật. Tức là quả đạo lý tối cao mà đức Phật chứng ngộ, lúc Ngài đại định dưới cội Bồ Đề
10. Tam ma địa: Samadhi, pháp đại định của nhà đạo bực cao, trong khi nhập định thân tâm không xao động, chăm chú vào một mục đích mà thôi. Các vọng tưởng tà kiến không thể nào xâm nhập vào tâm của nhà tu đại định. Đắc cảnh tam ma địa được vào pháp thân thanh tịnh.
11. Ngã sở: Tức là ngã sở hữu. Cái của ta, vật của mình. Tự thân mình, kêu là ngã, các vật ở ngoài thân, thuộc về mình gọi là ngã sở, hay ngã sở hữu. Thí như, nhà của mình, con của mình, tiền của, ruộng vườn, đất nước của mình đều là ngã sở.
12. Trụ pháp bình đẳng: Ở mỗi đặc tính của sự vật đều bình đẳng. Luận về sự tướng thì có sai khác còn bản tính của sự vật thì bình đẳng như nhau. Hay nói đến chân lý cũng là bình đẳng. Chánh pháp bình đẳng, chân tâm bình đẳng…
13. Tình và phi tình: Tình là tình thức, phi tình là phi tình thức. Chúng sanh là loài có tình cảm, tình thức, tình ý, tình ái, nên gọi là hữu tình. Còn các vật vô tri, vô giác, những vật chẳng phải chúng sanh, thì được gọi là vô tình hay phi tình.
14. Không hoại tướng ác thú: Tướng ác thú cũng có Phật tánh, cũng đầy chơn tâm sáng suốt, đầy sự lân mẫn phàm tình.
15. Vô sanh pháp nhẫn: Đức nhẫn nhục của người tu học đắc đạo thể nhập chân lý: các pháp không sanh không diệt. Bực tu hành nếu hiểu các pháp không sanh, không diệt, tức là hiểu thật tướng sự vật vốn không sanh diệt. Hiểu như thế thì không còn lo rầu, phiền não, đối với chúng sinh, được vậy gọi là vô sanh pháp nhẫn. Đi đến chỗ không còn sinh tử luân hồi.
16. Đặng pháp nhãn tịnh: Chứng đặng pháp lý, mắt được thanh tịnh. Chứng đặng quả vị Thanh Văn hay Duyên Giác. Pháp thì tự mình tu tập mà được, hoạc là do bực trên trước truyền cho mà được.
17. Phệ lưu ly: Ngọc lưu ly sáng chói trong ngoài, khi tâm đã thanh tịnh rồi, thì tất cả đều thanh tịnh. Lúc ấy ngọc lưu ly sáng hiển lộ.
18. Hóa nhơn: Người được biến hóa. Các vị Bồ Tát có nhiều trường hợp phải dùng thần lực để chuyển hóa nhiều hình thức để hóa độ chúng sinh, bất cứ lúc nào.
19. Tội tướng: Tướng trạng của tội. Trong nhà Phật thường nói. Tội tướng vốn không do tâm tạo, vì nó không có thật, khi còn vọng tâm là còn tội, lúc vọng tâm dứt, thì tội không còn.
20. Không khởi tác: Không có phát khởi và tạo tác. Đây là nói chân tâm thanh tịnh, xa lìa tất cả các phát khởi, tạo tác…
21. Không thủ xả: Không bảo thủ mà cũng không buông bỏ.Đây cũng chỉ là đặc tính của chân tâm. Chân tâm không thủ xả, không tạo tác, không nhiễm tịnh, không không tất cả.
22. Phạm hạnh: Brahmacarya. Hạnh tu thanh tịnh của người xuất gia, đoạn hẳn tứ trọng tội. Người tu phạm hạnh trong đạo Phật sẽ vào niết bàn. Vãng sanh về cõi Phật.
23. Ca sa: Kasaya, kasava, kesa, Soutane, casa nghĩ là hoại sắc, bất chánh sắc. Ấy là bộ áo nhà sư trong đạo Phật, hiệp lại thành 3 cái; 1. Tăng già lê (Samhati); Uất Đà La Tăng (Uttara-samgha) và An Đà Hội (Antarvasaka)
24. Bí Sô: Dịch âm từ chữ Bhiksu. Tỳ kheo trong đạo Phật, vị đã thọ cụ túc giới, 250 giới, để tu hành và hoằng dương Phật pháp.
25. Cây Đa La: Tức là cây thốt nốt. Tên một giống cây, dịch là ngạn thọ (cây ở bờ) hay cao tủng thọ (cây cao vót), hình nó như cây tung lư, mình cứng như sắt, lá dài và đông đặc, dù mưa to lâu ngày mà cái chỗ bóng lá che xuống vẫn khô, như ở dưới mái nhà. Thứ gỗ khô của cây Đa La có thể khắc bản in chữ được. Trái nó chín thì màu đỏ, như trái thạch lựu lớn, người ta phần nhiều an trái nó. Tại vùng đông Ấn Độ cây nầy rất nhiều.
26. Tâm tịnh tín: Lòng tin trong sạch. Như đem lòng tịnh tín, thờ trọng Tam Bảo, tụng Kinh, tọa thiền, niệm Phật.
27. Tội nghiệp tánh không: Tội chướng nghiệp chướng, bản tánh của nó vôn không. Không có thật, nhờ vậy người tu hành chuyển được tội chướng, nghiệp chướng.
28. Phạm hạnh: Brahmacarya. Hạnh tu thanh tịnh của người xuất gia đoạn hẳn tứ trong tội. Người tu phạm hạnh trong đạo Phật sẽ vào niết bàn. Vãng sanh về cõi Phật.
29. Ca sa: Kasaya, kasaya, kesa: Soutane, casa nghia là hoại sắc, bất chánh sắc. Ấy là bộ áo nhà sư trong đạo Phật, hiệp lại thành 3 cái: 1 Tăng Già Lê (Samghati); Uất Đà La Tăng (Uttara-Samgha) và An Đà Hội (Antarvakasa).
30. Bí sô: Bhiksu; Moine. Vị tu sĩ bên nam đã thọ cụ túc giới, gọi là Bí Sô. Nữ kêu là Bí Sô Ni.
31. Hạ lạp: Trọn năm (tuổi) tu, cũng gọi là pháp lạp, giới lạp. Tỳ kheo an cư được một mùa hạ, kể là một hạ lạp, tức là một tuổi tu, Giáo hội xét theo hạ lạp, nhiều hay ít mà sắp đặt ngôi thứ của vị tỳ kheo. Ngôi thứ ấy gọi là lạp thứ.
32. Pháp tứ đế: Catvariaryasatyani, quatre, verites, excellentes. Giáo pháp nói về bốn chơn lý. Cũng gọi là Tứ Diệu Đế, Tứ Thánh Đế, Hỉ Chơn Đế. Ấy là khổ, tập, diệt, và đạo. Giáo pháp nầy đức Phật nói thời đầu tiên tại vườn Lộc Giả ở Sarnath.
33. Đế Lý: Tức là chơn lý chắc thật, bất di, bất dịch.
34. Cây Đa La: Tức là cây thốt nốt. Tên một giống cây, dịch là ngạn thọ (cây ở bờ) hay cao tủng thọ (cây cao vót), hình nó như cây tung lư, mình cứng như sắt, là dài và đông đặc, dù mưa to lâu ngày mà cái chỗ bóng lá che xuống vẫn khô, như ở dưới mái nhà. Thứ gỗ khô của cây Đa La, có thể khắc bản in chữ được. Trái nó chín thì màu đỏ, như trái thạch lựu lớn, người ta phần nhiều ăn trái nó. Tại vùng đông Ấn Độ cây nầy rất nhiều.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.141.201.95 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.