Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Phật Đỉnh Như Lai Mật Nhơn Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh [大佛頂如來密因修證了義諸菩薩萬行首楞嚴經] »» Bản Việt dịch quyển số 4 »»

Đại Phật Đỉnh Như Lai Mật Nhơn Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh [大佛頂如來密因修證了義諸菩薩萬行首楞嚴經] »» Bản Việt dịch quyển số 4

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (2) » Việt dịch (3) » English version (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.51 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.59 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Thủ Lăng Nghiêm

Kinh này có 10 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
Việt dịch: Thích Duy Lực

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Lúc bấy giờ, Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử ở trong chúng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo tay phải, quỳ gối chân phải, chắp tay cung kính bạch Phật rằng:
- Thế Tôn có oai đức lớn, khéo vì chúng sanh hiển bày đệ nhất nghĩa đế của Như Lai. Thế Tôn thường khen con là bậc nhất trong những người thuyết pháp, mà nay con nghe pháp âm nhiệm mầu của Như Lai, cũng như người điếc, cách xa trăm bước mà nghe tiếng muỗi bay, vốn chẳng thể thấy, huống là được nghe! Phật dù chỉ rõ, khiến con dứt trừ lỗi lầm, nhưng con còn chưa thấu suốt chỗ chẳng nghi hoặc của nghĩa này.
- Thế Tôn, hàng hữu lậu như A Nan, dù được khai ngộ, nhưng chưa dứt tập khí phiền não, còn chúng con là bậc vô lậu trong hội này, nay nghe pháp âm của Như Lai còn mắc phải những điều nghi ngờ.
- Thế Tôn, nếu tất cả các thứ căn, trần, ấm, xứ, giới v.v... của thế gian đều là Như Lai Tạng, bản tánh vốn trong sạch, sao lại bỗng sanh các tướng hữu vi như núi sông, đất đai, thành rồi hoại, hoại rồi thành, thành hoại chẳng ngừng?
- Lại Như Lai nói Địa, Thủy, Hỏa, Phong, bản tánh viên dung, cùng khắp pháp giới, trạm nhiên thường trụ. Thế Tôn, nếu tánh Địa cùng khắp, thì làm sao dung nạp được Thủy? Nếu tánh Thủy cùng khắp thì Hỏa chẳng thể sanh; sao lại nói hai tánh Thủy và Hỏa đều cùng khắp hư không, chẳng đoạt mất nhau?
- Thế Tôn, tánh Địa thì ngăn ngại, tánh không thì trống rỗng, làm sao hai tánh ấy đều cùng khắp pháp giới? Nay con chẳng biết nghĩa này thế nào, xin Phật từ bi, khai mở lòng mê muội của con và đại chúng.
Nói xong, năm vóc gieo sát đất, kính mong lời dạy Vô Thượng của Như Lai.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Phú Lâu Na và hàng A La Hán lậu tận vô học trong Hội rằng:
- Hôm nay, Như Lai vì cả chúng trong Hội này hiển bày tánh chơn thắng nghĩa trong thắng nghĩa, khiến hàng định tánh Thanh Văn và tất cả A La Hán chưa được Nhị Không (nhân ngã không và pháp ngã không), phát tâm hướng về thượng thừa, đều được chỗ tu hành chơn chánh, thiết thực chẳng xao động của cảnh giới tịch diệt nhất thừa, các ngươi hãy chú ý nghe.
Phú Lâu Na và đại chúng kính vâng pháp âm của Phật, yên lặng ngồi nghe.
Phật bảo:
- Phú Lâu Na, như lời ngươi nói, bản tánh trong sạch, sao lại bỗng sanh núi sông đất đai. Ngươi chẳng thường nghe Như Lai dạy rằng: Tánh giác diệu minh, bản giác minh diệu hay sao?
LƯỢC GIẢI
Tức diệu thường minh mà chẳng lập sở minh, cũng chẳng phải bất minh, nên nói diệu minh, tức minh thường diệu, mà chẳng bị kẹt nơi minh, nên nói minh diệu. Nếu chấp thật cho là giác minh, bèn lọt vào tình thức, thành ra lìa giác chẳng minh, thì đâu thể nói là diệu, nên Kinh nói: "Do giác minh thành lỗi lầm" vậy.
*****
- Bạch Thế Tôn, vâng ạ, con thường nghe Phật khai thị nghĩa này.
Phật bảo:
- Ngươi nói giác minh, là do tánh minh được gọi là giác; hay là cái giác bất minh, gọi là minh giác?
Phú Lâu Na nói:
- Nếu cái bất minh này gọi là giác, thì chẳng có sở minh.
Phật bảo:
- Nếu chẳng có sở minh thì chẳng có minh giác, có sở chẳng phải là giác, không sở chẳng phải là minh, chẳng minh lại chẳng phải tánh trạm nhiên sáng tỏ của bản giác. Vì tánh giác ắt minh, vọng cho là minh giác, bổn giác chẳng phải sở minh, do chấp sự minh nên lập sở minh, sở minh đã vọng lập, thì sanh cái năng minh hư vọng của ngươi.
- Ở trong chẳng đồng dị, vọng chấp thành dị, khác với cái dị này, do sự dị mà lập sự đồng, tướng đồng dị đã sanh, từ đó lại lập ra cái chẳng đồng chẳng dị. Nhiễu loạn như thế, đối đãi nhau sanh ra mỏi mệt, mỏi lâu thành trần, tự hỗn tạp lẫn nhau, do đó sanh ra trần lao phiền não, khởi dậy thành thế giới, tịch lặng thành hư không; hư không là đồng, thế giới là dị, do đồng dị lập ra chẳng đồng chẳng dị, ấy là pháp hữu vi, cái vốn chẳng đồng dị của bản giác, mới thật là pháp vô vi.
- Bản giác tánh không, chẳng minh chẳng vô minh, tùy theo nghiệp thức biến hiện nên vô minh bắt đầu; một niệm vô minh bỗng khởi, thì bản giác lìa tánh không mà sanh vọng minh, tánh không cũng lìa bản giác mà sanh ám muội. Bản giác sanh vọng minh thì phát ra thức, chỗ trong lặng chẳng lay động của thức tinh (nguồn gốc của thức) tức là Thủy, tánh "không" sanh ám muội, kết tụ thành sắc, tức là Địa (trái đất), Địa và Thủy nhiễu loạn nhau thành Phong (Bầu khí quyển bao phủ trái đất). Vì tánh "không" bị ám muội, cố chấp cái năng minh thành chướng ngại, nên vọng cho bản giác là sở minh, năng sở nhiễu loạn, nên vọng có tánh biến hóa của Hỏa, ngọn Hỏa xông lên, nên có hơi Thủy khắp cả mười phương hư không. Hỏa bốc lên, Thủy chảy xuống, giao lộn vọng lập thì Thủy ướt thành biển cả, đất khô thành lục địa. Do nghĩa này, nên trong biển cả Hỏa thường phun lên, trong lục địa sông ngòi thường chảy. Thế Thủy kém thế Hỏa thì kết thành núi, nên khi đập đá núi thì có tia lửa; thế Địa kém thế Thủy thì mọc lên thành cỏ cây, nên đốt cỏ cây thì thành đất, vắt ra thì có nước. Tứ đại giao lộn lẫn nhau vọng sanh nhân quả, do nhân duyên này nên thế giới tương tục.
LƯỢC GIẢI
Theo lý thuyết Ngũ hành là sáng lập từ Trung Quốc, người Ấn Độ thì chẳng biết học thuyết này. Nên các Kinh Phật chỉ nói tứ đại, ngũ uẩn, lục nhập, thập nhị xứ, thập bát giới, cho đến thất đại, đoạn này từ tiếng Phạn dịch sang tiếng Hán, mà dịch giả mượn ngũ hành để sáng tỏ nghĩa Kinh, lý thuyết ngũ hành người xưa còn có thể hiểu được, đời nay thì ít người thấu suốt. Cho nên độc giả đời nay cảm thấy rất khó hiểu, nếu không hiểu được thì đánh mất tác dụng của lời kinh. Vì Phật thuyết pháp, hay dùng những sự vật của chúng sanh đã hiểu biết, để chứng tỏ tri kiến của chúng sanh chẳng đúng. Do đó, nên chúng tôi lược bỏ phần ngũ hành, chỉ dựa theo tứ đại mà dịch đoạn kinh này, xin độc giả từ bi hoan hỉ cho.
*****
- Lại nữa, Phú Lâu Na, cái minh hư vọng này chẳng phải gì khác, do giác minh thành lỗi lầm; sở minh đã vọng lập, thành lý minh có ngằn mé. Vì vậy, nên nghe chẳng ra ngoài tiếng, thấy chẳng vượt khỏi sắc, sáu thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp đã vọng lập, do đó chia ra Kiến, Văn, Giác, Tri. Cộng nghiệp ràng buộc lẫn nhau mà có hợp, ly, thành, hóa; do kiến chấp của sở minh nên sanh khởi sắc tướng, do năng minh của kiến chấp thì thành tư tưởng, ý kiến khác với mình thì thành ghét, tư tưởng đồng với mình thì thành yêu, gieo cái yêu thành hạt giống, thu nạp tư tưởng thành cái thai, giao cấu phát sanh, hấp dẫn cộng nghiệp, nên có nhân duyên sanh ra bào thai.
- Các loài thai sanh, noãn sanh, thấp sanh, hoá sanh, tùy theo sự cảm ứng mà thành: noãn do tưởng niệm mà sanh, thai do ái tình mà có, thấp sanh do hợp mà cảm ứng, hóa sanh do tách ly mà hiện. Tình, tưởng, hợp, ly, thay đổi lẫn nhau, các loài thọ nghiệp theo đó mà thăng trầm, do nhân duyên này, nên chúng sanh tương tục.
- Phú Lâu Na, do tư tưởng thương yêu liên kết thành nghiệp, yêu mãi không rời thì những cha mẹ con cháu trong thế gian sanh nhau chẳng ngừng, ấy đều từ gốc Dục Tham sanh khởi.
- Lòng tham ái giúp nhau tăng trưởng, tham mãi không thôi thì các loại thai, noãn, thấp, hóa trong thế gian, tùy sức mạnh yếu, ăn nuốt lẫn nhau, ấy đều từ gốc Sát Tham sanh khởi.
- Người ăn thịt dê, dê chết làm người, người chết làm dê, như vậy cho đến mười loại chúng sanh, chết sống sống chết, ăn nuốt lẫn nhau, ác nghiệp lan tràn cùng tột đời vị lai, ấy đều từ gốc Đạo Tham (trộm cắp) sanh khởi.
- Ngươi nợ mạng ta, ta trả nợ ngươi, do nhân duyên này, trải qua trăm ngàn kiếp, thường ở trong dòng sanh tử; ngươi yêu tâm ta, ta ưa sắc ngươi, do nhân duyên này trải qua trăm ngàn kiếp, thường ở trong dòng ràng buộc, ấy đều từ gốc Sát, Đạo, Dâm sanh khởi. Do nhân duyên này nên nghiệp quả tương tục.
- Phú Lâu Na, ba thứ điên đảo kể trên tương tục như vậy, đều do sự lỗi lầm của giác minh cho là có tánh liễu tri của năng minh rồi biến hiện sắc tướng, từ vọng kiến đó sanh khởi các tướng hữu vi như núi sông đất đai, theo thứ tự dời đổi, vì hư vọng này nên xoay chuyển chẳng ngừng.
Phú Lâu Na nói:
- Thế Tôn! Nếu Diệu Giác này vốn nhiệm mầu sáng tỏ, cùng với tâm Như Lai chẳng thêm, chẳng bớt, khi không bỗng sanh các tướng hữu vi như núi sông, đất đai; nay Như Lai đã chứng Diệu Giác, làm sao núi sông đất đai và các tập khí hữu lậu còn được sanh trở lại?
Phật bảo Phú Lâu Na:
- Ví như người mê ở một xóm làng, nhận lầm phương Nam thành phương Bắc, vậy sự mê lầm này từ mê ra hay từ ngộ ra?
Phú Lâu Na đáp:
- Người mê như vậy chẳng từ mê ra, cũng chẳng từ ngộ ra? Tại sao? Mê vốn chẳng gốc, làm sao từ mê ra? Ngộ chẳng sanh mê, sao nói từ ngộ ra?
Phật nói:
- Người mê kia đang trong lúc mê, bỗng có người ngộ chỉ thị cho ngộ, Phú Lâu Na, ý ngươi thế nào? Người ấy dẫu mê, đối với xóm làng này, còn mê lại nữa chăng?
- Bạch Thế Tôn, không ạ!
- Phú Lâu Na, mười phương Như Lai cũng như vậy, sự mê này vốn chẳng có gốc, tánh rốt cuộc là không, xưa vốn chẳng mê, do vọng chấp nên tựa như có mê có giác, giác được cái mê thì mê liền diệt, giác chẳng sanh mê.
- Cũng như người nhặm thấy hoa đốm trên không, nếu trừ được bệnh nhặm thì hoa đốm nơi không liền diệt. Bỗng có người ngu ở chỗ hư không mà hoa đốm đã diệt kia, mong đợi hoa đốm sanh nữa, ngươi xét người này là ngu hay trí?
Phú Lâu Na đáp:
- Hư không vốn chẳng có hoa đốm, vọng thấy có sanh diệt, thấy hoa đốm diệt đã là điên đảo rồi, lại còn muốn hoa đốm sanh nữa, thì thật là điên dại, làm sao còn gọi người điên như vậy là ngu hay trí!
Phật bảo:
- Theo như ngươi hiểu, sao lại còn hỏi Diệu Giác của chư Phật lại sanh núi sông đất đai nữa! Cũng như quặng vàng, đất cát lộn với vàng ròng, khi quặng đã luyện thành vàng ròng thì chẳng trở thành quặng nữa; như cây đã đốt thành tro, thì chẳng trở lại thành cây nữa. Bồ Đề Niết Bàn của chư Phật cũng như vậy.
- Phú Lâu Na, ngươi còn hỏi về bản tánh viên dung, cùng khắp pháp giới của Địa, Thủy, Hỏa, Phong nghi rằng tánh Thủy và Hỏa sao chẳng đoạt mất nhau, và hỏi sao hư không và tánh Địa đều khắp pháp giới, lẽ ra chẳng dung nạp nhau.
- Phú Lâu Na, ví như hư không chẳng phải các tướng, cũng chẳng ngăn ngại các tướng phát huy. Tại sao? Phú Lâu Na, ở nơi hư không, mặt trời chiếu thì sáng, mây che thì tối, gió thổi thì động, trời tạnh thì trong, sương mù thì đục, bụi nổi thì mờ, nước lặng thì lóng lánh, ý ngươi thế nào? Các tướng hữu vi khác nhau như vậy, là tự sanh hay từ hư không ra? Phú Lâu Na, nếu mỗi mỗi tự sanh, khi lúc mặt trời chiếu, đã là mặt trời chiếu sáng, thì mười phương hư không đều thành màu sắc của mặt trời, tại sao lại còn thấy mặt trời trên không? Nếu hư không tự sáng, thì hư không phải tự chiếu sáng, tại sao lúc giữa đêm mây mù lại chẳng thấy sáng? Nên biết cái sáng như vậy chẳng phải mặt trời, chẳng phải hư không, cũng chẳng ngoài mặt trời và hư không. Xét các tướng ấy vốn là hư vọng, chẳng thể chỉ bày, cũng như muốn hoa đốm trên không kết thành quả hư không, làm sao còn hỏi cái nghĩa chẳng đoạt mất nhau? Diệu Tâm sáng tỏ, vốn chẳng phải thủy, hỏa, tại sao lại còn hỏi về nghĩa chẳng dung nạp nhau?
- Tánh sáng tỏ của Diệu Tâm cũng vậy, nếu ngươi phát minh cái hư không thì hư không hiện ra; địa, thủy, hỏa, phong mỗi mỗi phát minh thì mỗi mỗi hiện ra, nếu cùng phát minh thì cùng hiện ra.
- Thế nào là cùng hiện? Phú Lâu Na, như trong một dòng nước, hiện ra bóng mặt trời, hai người cùng xem bóng đó, rồi người đi phương Đông, người đi phương Tây, mỗi người đều thấy mặt trời theo mình, một cái đi về phương Đông, một cái đi về phương Tây, chẳng có nhất định. Không nên hỏi rằng: Mặt trời là một, sao lại mỗi cái đi theo mỗi người? Bóng mặt trời trong nước đã thành hai, tại sao trên trời chỉ có một? Sự hư vọng quanh lộn như thế chẳng có căn cứ.
- Phú Lâu Na, ngươi cho tướng Sắc, Không đoạt mất lẫn nhau nơi Như Lai Tạng, thì Như Lai Tạng tùy theo sắc không cùng khắp pháp giới, nên ở trong đó, gió thổi thì động, hư không thì lặng, mặt trời thì sáng, mây mù thì tối, chúng sanh mê muội, trái giác tánh, hợp cảnh trần, phát khởi trần lao, nên có tướng thế gian.
- Ta dùng tánh chẳng sanh diệt của diệu tâm sáng tỏ hợp với Như Lai Tạng, thì Như Lai Tạng chỉ duy nhất một diệu tâm sáng tỏ, tròn đầy chiếu khắp pháp giới, nên ở trong đó, một là vô lượng, vô lượng là một, trong nhỏ hiện ra lớn, trong lớn hiện ra nhỏ, đạo tràng chẳng động mà khắp mười phương thế giới, thân thể bao hàm vô tận hư không, nơi đầu một mảy lông hiện ra cõi Phật, ngồi trong vi trần chuyển đại pháp luân, nghịch cảnh trần, hợp giác tánh, nên hiện ra tánh Chơn Như sáng tỏ của diệu tâm.
- Cái diệu tâm sáng tỏ này, phi tâm, phi không, phi địa, thủy, hỏa, phong; phi nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; phi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; phi nhãn thức giới cho đến phi ý thức giới; phi minh, phi vô minh, phi minh vô minh tận, như thế cho đến phi lão phi tử, phi lão tử tận; phi khổ, tập, diệt, đạo; phi trí, phi đắc, phi bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí huệ; phi đến bờ bên kia, cho đến phi Như Lai, phi Ứng Cúng, phi chánh Biến Tri; phi Đại Niết Bàn, phi thường đức, lạc đức, ngã đức, tịnh đức, (tứ đức của Niết Bàn), cho đến các pháp thế gian và xuất thế gian đều phi cả.
- Cái diệu tâm sáng tỏ này tức tâm, tức không, tức địa, thủy, hỏa, phong; tức nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; tức sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; tức nhãn thức giới, cho đến tức ý thức giới; tức minh, tức vô minh, tức minh vô minh tận; cho đến tức lão, tức tử, tức lão tữ tận, tức khổ, tập, diệt, đạo; tức trí, tức đắc; tức bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí huệ; tức đến bờ bên kia, cho đến tức Như Lai, tức Ứng Cúng, tức Chánh Biến Tri; tức Đại Niết Bàn, tức thường đức, lạc đức, ngã đức, tịnh đức; cho đến các pháp thế gian và xuất thế gian đều tức như thế cả.
- Cái diệu tâm sáng tỏ này lìa Tức lìa Phi, cũng Tức cũng Phi Tức, tại sao chúng sanh tam giới của thế gian và các hàng Thanh Văn, Duyên Giác của xuất thế gian muốn dùng cái tâm sở tri để suy lường Vô Thượng Bồ Đề của Như Lai; muốn dùng lời nói của thế gian để nhập Tri Kiến Phật, đâu có thể được!
- Ví như những cây đàn: cầm sắt, tỳ bà, dù có diệu âm, nếu chẳng có sự khéo léo của ngón tay, thì diệu âm chẳng thể phát ra. Cũng vậy, cái diệu tâm chơn thật của ngươi và chúng sanh mỗi mỗi vốn saün đầy đủ. Nhưng nơi ta khi búng tay thì hải ấn phát ra ánh sáng, (hải ấn là: lâu đài bỗng hiện trên mặt biển, dụ cho sức dụng vô biên của tự tánh tự hiện), còn nơi các ngươi, vừa móng tâm thì trần lao đã khởi; ấy là do chẳng cầu vô thượng Bồ Đề, ham thích tiểu thừa, được ít cho là đủ.
Phú Lâu Na nói:
- Diệu tâm sáng tỏ của con và Như Lai đều viên mãn không hai. Nơi con, vì xưa kia mắc phải vọng tưởng từ vô thỉ, chịu luân hồi đã lâu, nay dù chứng được thánh quả, nhưng chưa đến chỗ rốt ráo. Nơi Thế Tôn thì tất cả vọng tưởng đều diệt, chỉ diệu tâm chơn thường hiện hành. Vậy xin hỏi Như Lai: Tất cả chúng sanh vì sao có vọng, tự che khuất diệu tâm, cam chịu chìm đắm?
Phật bảo Phú Lâu Na:
- Ngươi dù trừ được lòng nghi, nhưng còn có mê hoặc chưa dứt sạch, nay ta đem những việc của thế gian hỏi ngươi. Ngươi há chẳng nghe trong thành Thất La Phiệt, có ông Diễn Nhã Đạt Đa, buỗi sáng lấy gương soi mặt, nhìn thấy mặt mày, bỗng ưa cái đầu trong gương, rồi tự trách đầu mình sao chẳng tự thấy mặt mũi, cho là yêu mị, khi không phát điên bỏ chạy. Ý ngươi thế nào? Người ấy vì sao khi không bỏ chạy?
Phú Lâu Na đáp:
- Người ấy tâm điên, chứ chẳng do gì khác.
Phật nói:
- Diệu tâm vốn tròn đầy sáng tỏ, đã gọi là vọng, làm sao có nhân? Nếu có cái nhân, sao còn gọi là vọng? Chỉ do các vọng tưởng xoay vần, tự làm nhân cho nhau, từ mê thêm mê, trải qua vô lượng kiếp, dù được Phật phát minh đại nghĩa, còn chẳng chịu quay về. Cái nhân mê như vậy, do mê tự có, biết cái mê vô nhân thì vọng chẳng chỗ dựa; sanh còn chẳng có, lấy gì để diệt?
- Người đắc đạo Bồ Đề, như người tỉnh giấc nói việc trong chiêm bao; tâm dù rõ ràng, làm sao lấy được những vật trong chiêm bao ra? Huống là vô nhân, vốn chẳng có gì! Như Diễn Nhã Đạt Đa, đâu có nhân duyên gì mà tự sợ đầu mình bỏ chạy. Nếu bỗng nhiên hết điên, cái đầu đâu phải từ ngoài mà được; dù chưa hết điên, đầu cũng chẳng mất. Phú Lâu Na, tánh vọng như thế, làm sao có nhân?
- Nếu ngươi chẳng duyên theo thế gian, nghiệp quả, chúng sanh, ba thứ phân biệt này xoay chuyển liên tục, ba duyên đã diệt thì ba nhân chẳng sanh, tánh điên của Diễn Nhã Đạt Đa trong tâm ngươi tự dứt, dứt tức là Bồ Đề. Vậy diệu tâm sáng tỏ vốn khắp pháp giới, chẳng từ người khác mà được, chẳng nhờ nhọc nhằn tu chứng mà có.
- Ví như có người, nơi áo mình có hạt châu như ý mà chẳng tự biết, nghèo nàn rách rưới, ăn xin nơi phương xa. Người ấy dù nghèo, hạt châu chưa từng mất, bỗng được người trí chỉ ra hạt châu, liền thành giàu sang tùy theo ý muốn, mới ngộ bảo châu chẳng từ bên ngoài mà có.
Tức thời, A Nan ở trong chúng đảnh lễ chân Phật, bạch Phật rằng:
- Nay Thế Tôn, nói ba nghiệp Sát, Đạo, Dâm diệt rồi thì ba nhân chẳng sanh, và tánh điên của Diễn Nhã Đạt Đa trong tâm tự dứt, dứt tức là Bồ Đề, chẳng từ người khác mà được. Thế thì rõ ràng là nhân duyên rồi, làm sao Như Lai bác bỏ nghĩa nhân duyên? Chính con do nhân duyên mà tâm được khai ngộ.
- Thế Tôn, nghĩa này chẳng những hàng Thanh Văn hữu học trẻ tuổi như chúng con, cả Đại Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất và Tu Bồ Đề trong hội này, đều từ nơi ông lão Phạn Chí nghe cái thuyết nhân duyên của Phật, tâm được khai ngộ, thành quả vô lậu. Nay Phật nói Bồ Đề chẳng do nhân duyên, vậy thì cái thuyết tự nhiên của bọn ngoại đạo Câu Xá Ly lại thành đệ nhất nghĩa sao? Xin Phật đại bi, khai phá chỗ mê muội cho chúng con.
Phật bảo A Nan:
- Như Diễn Nhã Đạt Đa, nếu diệt trừ được cái nhân duyên phát điên, thì tánh chẳng điên tự nhiên hiện ra, lý cùng tột của nhân duyên và tự nhiên là vậy.
- A Nan! Nếu đầu của Diễn Nhã Đạt Đa vốn tự nhiên, đã là tự nhiên, thì tại sao sợ đầu bỏ chạy? Ấy là do nhân duyên nào?
- Nếu đầu tự nhiên do nhân duyên nên phát điên, tại sao chẳng tự nhiên do nhân duyên mà mất đi? Đầu vốn chẳng mất, tại sao vẫn còn vọng sanh điên sợ? Thế thì đâu phải nhờ nhân duyên?
- Nếu bản tánh vốn tự nhiên có điên sợ, vậy khi chưa điên, cái điên ẩn núp ở chỗ nào? Nếu tánh chẳng điên là tự nhiên, đầu vốn chẳng vọng, sao lại bỏ chạy?
- Nếu ngộ được cái đầu vốn chẳng mất, tánh điên cuồng vốn vọng danh, thì nhân duyên và tự nhiên đều là hý luận.
- Cho nên ta nói ba duyên diệt rồi tức là tâm Bồ Đề. Tâm Bồ Đề sanh, thì tâm sanh diệt được diệt, ấy cũng là sanh diệt; khi sanh và diệt đều sạch, mới gọi là vô công dụng đạo.
- Nếu có sự chẳng sanh, chẳng diệt gọi là tự nhiên, thì tâm tự nhiên này là do sanh diệt đã sạch mà hiện, ấy cũng là pháp sanh diệt, chẳng phải Bồ Đề. Cái lý chẳng sanh diệt kia gọi là tự nhiên, cũng như các tướng lẫn lộn thành một thể của thế gian, gọi là tánh hòa hợp; cái chẳng hòa hợp thì gọi là tự nhiên. Tự nhiên chẳng phải tự nhiên, hòa hợp chẳng phải hòa hợp, tự nhiên và hòa hợp đều lìa, có lìa có hợp đều sai, đến chỗ này mới được gọi là pháp chẳng hý luận.
- Nếu dựa vào chỗ này để thủ chứng Vô Thượng Bồ Đề và Niết Bàn thì quả Phật vẫn còn cách xa lắm. Tại sao? Vì chấp do dụng công tu chứng mà có sở đắc vậy. Kỳ thật, Bồ Đề Niết Bàn vốn saün đầy đủ, chỉ có thể sát na ngộ nhập, chẳng do nhiều kiếp siêng năng tu chứng mà được, dẫu cho nhớ hết diệu lý thanh tịnh như cát sông Hằng trong mười hai bộ Kinh của mười phương Như Lai, chỉ càng thêm hý luận.
- Ngươi dù nói lý nhân duyên, tự nhiên chắc chắn rõ ràng, người đời khen ngươi đa văn bậc nhất, với cái huân tập đa văn nhiều kiếp này, chẳng thể tránh khỏi nạn Ma Đăng Già, phải nhờ thần chú của ta, làm cho Ma Đăng Già dập tắt lửa dâm, sông ái khô cạn, chứng quả A Na Hàm, nơi pháp ta thành tựu tinh tấn, khiến ngươi giải thoát. A Nan, ngươi dù nhiều kiếp ghi nhớ những lời bí mật nhiệm mầu của Như Lai, chẳng bằng một ngày tu nghiệp vô lậu, xa lìa hai khổ yêu, ghét của thế gian. Như Ma Đăng Già xưa kia là dâm nữ, do sức thần chú, tiêu diệt lòng ái dục, nay trong pháp ta gọi là Tỳ Kheo Ni Tánh với Gia Du Đà La (mẹ của La Hầu La), cùng ngộ nhân xưa, biết được nhân duyên nhiều kiếp, đều do tham ái làm khổ, chỉ một niệm huân tu pháp vô lậu thiện, nay người thì ra khỏi ràng buộc, người thì được Phật thọ ký, sao ngươi còn tự dối, kẹt nơi thấy nghe?
A Nan và đại chúng nghe lời Phật dạy, nghi hoặc tiêu trừ, tâm ngộ thật tướng, thân ý khinh an, được pháp chưa từng có, rơi lệ đảnh lễ chân Phật, quỳ gối chắp tay bạch Phật rằng:
- Lòng trong sạch vô thượng đại bi của Phật, khéo khai ngộ cho tâm chúng con, dùng đủ thứ nhân duyên và phương tiện dìu dắt kẻ chìm đắm ra khỏi biển khổ. Thế Tôn, nay con dù được nghe pháp âm như thế, nhận biết diệu tâm sáng tỏ khắp mười phương thế giới, trùm chứa các cõi Phật thanh tịnh trang nghiêm trong mười phương quốc độ. Như Lai lại trách con đa văn vô ích, chẳng bằng tu tập, nay con như người phiêu bạt, bỗng được Thiên Vương ban cho cái nhà sang, dù được nhà lớn, nhưng phải biết chỗ cửa vào. Vậy xin Như Lai từ bi khai thị cho những kẻ mê muội trong hội này, lìa bỏ tiểu thừa, đều được bước lên con đường đã phát tâm từ xưa nay, thẳng đến Vô Dư Niết Bàn của Như Lai, khiến hàng hữu lậu biết cách uốn dẹp tâm phan duyên từ lâu đời, được pháp tổng trì, chứng nhập Tri Kiến Phật.
Nói xong, năm vóc gieo sát đất, cả chúng trong hội một lòng mong đợi lời dạy của Phật.
Lúc bấy giờ, Thế Tôn thương xót hàng Thanh Văn, Duyên Giác trong hội chưa được tự tại nơi tâm Bồ Đề, và những chúng sanh phát tâm Bồ Đề trong đời mạt pháp, khai thị pháp tu nhiệm mầu của Vô Thượng Thừa, bảo A Nan và đại chúng rằng:
- Các ngươi quyết định phát tâm Bồ Đề, đối với pháp Tam Ma Đề nhiệm mầu của chư Phật, chẳng sanh mỏi mệt, trước hết nên biết hai nghĩa quyết định trong lúc mới phát tâm.
- Thế nào là hai nghĩa quyết định lúc mới phát tâm?
- A Nan! Nghĩa thứ nhất: Nếu các ngươi muốn lìa bỏ Thanh Văn, tu Bồ Tát Thừa, nhập Tri Kiến Phật, thì nên xét kỹ chỗ phát tâm của nhân địa, với chỗ giác ngộ của quả địa là đồng hay là khác? A Nan, nếu ở nơi nhân địa, dùng tâm sanh diệt làm cái nhân tu hành, để cầu cho được quả chẳng sanh diệt của Phật thừa thì chẳng đúng.
- Do nghĩa này, ngươi nên xét kỹ vạn vật trên thế gian, các pháp có thể tạo ra đều phải biến diệt. A Nan, ngươi hãy xem các pháp có thể tạo ra, có cái nào chẳng hoại chăng? Nhưng chẳng bao giờ nghe nói hư không biến hoại. Tại sao? Vì hư không chẳng phải là vật sở tạo, cho nên chẳng thể biến hoại.
- Vậy thì trong thân ngươi, tánh cứng là Địa, ướt nhờn là Thủy, hơi ấm là Hỏa, lay động là Phong, do tứ đại ràng buộc, mà chia cái diệu tâm sáng tỏ của ngươi ra thành Kiến, Văn, Giác, Tri từ vô thỉ, tạo thành năm lớp ô trược.
- Sao gọi là trược? A Nan, ví như nước trong bản tánh thanh khiết, và những thứ bụi, đất, tro, cát, bản chất ngăn ngại, thể tánh vốn khác nhau. Bỗng có người lấy đất cát bỏ vào nước trong, làm cho đất mất ngăn ngại, nước mất thanh khiết, thành tướng vẩn đục, nên gọi là trược. Năm lớp ô trược của ngươi cũng vậy.
- A Nan! Ngươi thấy hư không khắp mười phương thế giới, hư không và kiến tinh chẳng thể phân ra rõ ràng; hư không thì chẳng có bản thể, tức là ngoan không; kiến tinh thì chẳng có bản giác, tức là vô minh, cả hai giao kết lẫn nhau, vọng thành lớp thứ nhất, gọi là Kiếp Trược.
- Kiến, Văn, Giác, Tri vốn chẳng ngăn ngại, vì kẹt nơi tứ đại nên thành ngăn ngại; Địa, Thủy, Hỏa, Phong vốn chẳng giác tri, vì xoay chuyển theo lục căn thành có giác tri, các điều đó giao kết lẫn nhau, vọng thành lớp thứ hai, gọi là Kiến Trược.
- Lại, trong tâm ngươi, tánh tưởng nhớ học tập phát ra tri kiến, dung nạp lục trần, lìa trần thì chẳng có tướng, lìa giác thì chẳng có tánh, từ đó giao kết lẫn nhau vọng thành lớp thứ ba gọi là Phiền Não Trược.
- Lại tâm niệm của ngươi ngày đêm sanh diệt chẳng ngừng, tri kiến thì muốn ở mãi trên thế gian, nhưng nghiệp báo xoay vần lại thường dời đổi trong lục đạo, những điều ấy giao kết lẫn nhau, vọng thành lớp thứ tư, gọi là Chúng Sanh Trược.
- Tánh kiến văn của các ngươi vốn chẳng khác biệt, do lục trần ngăn cách, bỗng thành khác biệt, tánh biết thì đồng, sự dụng thì khác, đồng và khác chẳng định, từ đó giao kết lẫn nhau, vọng thành lớp thứ năm, gọi là Mệnh Trược.
- A Nan! Nay ngươi muốn cho Kiến, Văn, Giác, Tri khế hợp với tứ đức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh của Như Lai, trước hết phải lọc bỏ cội gốc sanh tử, dựa theo tánh trong lặng chẳng sanh diệt của diệu tâm, để xoay các thứ sanh diệt hư vọng trở về bản giác. Được tánh chẳng sanh diệt của bản giác làm cái tâm nhân địa, rồi mới viên thành sự tu chứng của quả địa. Như lắng nước đục trong đồ đựng nước, để yên mãi chẳng lay động, đất cát tự chìm và nước trong hiện ra, ấy gọi là bắt đầu uốn dẹp được khách trần phiền não; gạn bùn hết sạch, chỉ còn nước trong, gọi là dứt hẳn căn bản vô minh, tướng minh thuần nhất thì tất cả biến hiện đều chẳng gây ra phiền não, và đều hợp với diệu đức trong sạch của Niết Bàn.
- Nghĩa thứ hai: Các ngươi nếu muốn phát tâm Bồ Đề nơi Bồ Tát Thừa, sanh lòng đại dũng mãnh, quyết định lìa bỏ các tướng hữu vi, nên suy xét kỹ cái cội gốc phiền não của nhuận (nhuần) nghiệp vô minh và nhuận sanh vô minh từ vô thỉ này là ai làm, ai chịu?
LƯỢC GIẢI
Xét kỹ chỗ phát tâm của nhân địa là để hợp cái Chơn; xét kỹ cội gốc của phiền não là để tuyệt cái Vọng, vọng đã chẳng vọng thì tức vọng tức chơn.
Cội gốc của phiền não có hai: một là Nhuận Nghiệp Vô Minh (nhuận là thấm nhuần), tức là phiền não của những kiếp quá khứ; hai là Nhuận Sanh Vô Minh, tức là khi đầu thai, nơi tình thức sanh khởi yêu, ghét đối với cha mẹ. Hai thứ phiền não này vốn chẳng tự tánh, nếu ngộ biết chẳng tự tánh thì chẳng có kẻ làm, chẳng có kẻ chịu, ngay đó "không tịch", còn ai phiền não? Người tiểu thừa chẳng lìa công dụng hữu vi, cho thật có phiền não cần phải phá trừ, ấy do chẳng biết căn trần là hư vọng. Người đại thừa thì khác, thẳng đến Vô Thượng Bồ Đề, chỉ cần xét kỹ nơi căn trần ai làm ai chịu, bỗng được khám phá, thì căn bản vô minh tức thời tan rã.
*****
- A Nan! Người tu đạo Bồ Đề, nếu chẳng suy xét cội gốc phiền não, thì chẳng thể biết căn trần hư vọng đó điên đảo ở chỗ nào; chỗ còn chẳng biết thì làm sao uốn dẹp được nó, để chứng nhập quả vị của Như Lai?
- Cũng như người thế gian, khi muốn mở cái thắt kết, nếu chẳng thấy cái chỗ thắt kết thì làm sao biết mở? Nhưng chưa từng nghe nói hư không bị người ta phá hủy. Tại sao? Vì hư không chẳng hình tướng, chẳng thể thắt mở. Vậy thì hiện tiền lục căn của ngươi làm mai mối cho giặc, tự cướp của báu trong nhà, vọng thành sự thắt kết (phiền não). Do sự thắt kết này nên thế giới chúng sanh tự sanh ràng buộc từ vô thỉ, chẳng thể ra khỏi thế gian vậy.
- A Nan! Sao gọi là thế giới chúng sanh? Thế là dời đổi, Giới là phương vị, nên biết: Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc, phương trên phương dưới là giới; quá khứ, hiện tại, vị lai là Thế. Về phương vị của không gian có mười, về sự lưu chuyển của thời gian có ba. Không gian, thời gian cùng với sự dời đổi trong thân của tất cả chúng sanh giao lộn lẫn nhau, nên thành thế giới chúng sanh. Tánh giới (không gian) dù thiết lập thành mười phương, nhưng phương vị nhất định mà người thế gian có thể rõ được, chỉ có Đông, Tây, Nam, Bắc tứ phương, còn phương trên, phương dưới và chính giữa thì chẳng có vị trí nhất định.
- Tứ phương nhân với tam thế, thành số mười hai, rồi nhân với lớp thứ ba, thành 12 x 100 = 1200 (Nguyên văn có nêu ra 4 lớp: l, l0, l00, l000). Tổng quát lại, trong lục căn mỗi mỗi có đến một ngàn hai trăm công đức.
- A Nan! Ngươi nên ở trong lục căn xác định chỗ hơn kém của mỗi căn.
- Như Nhãn Căn chỉ thấy phía trước, chẳng thấy phía sau, ngó qua hai bên thì ba phần chỉ thấy được hai. Tóm lại, công đức của nhãn căn chỉ được hai phần ba, vậy biết nhãn căn chỉ có tám trăm công đức.
- Như Nhĩ Căn nghe khắp mười phương chẳng sót, lúc động thì tựa như có xa gần, lúc tịnh thì chẳng bờ bến, vậy biết nhĩ căn đầy đủ một ngàn hai trăm công đức.
- Như Tỷ Căn ngửi biết khi thở ra hít vào, có ra có vào, mà sót khoảng giữa khi ra vào giao tiếp, vậy ba phần thiếu một, nên biết Tỷ Căn chỉ có tám trăm công đức.
- Như Thiệt Căn tuyên dương cùng tột trí thế gian và xuất thế gian; lời nói dù có chừng ngằn, nhưng nghĩa lý thì vô cùng, vậy biết thiệt căn đầy đủ một ngàn hai trăm công đức.
- Như Thân căn ở nơi thuận nghịch sanh ra xúc giác; (khi hợp thì năng giác có xúc giác), khi lìa thì bất tri (chẳng xúc giác), lìa chỉ có một, hợp thì thành hai, (khi lìa chỉ có một năng hoặc một sở chẳng định, khi hợp thì gồm đủ năng sở thành có hai), vậy ba phần thiếu một, nên biết thân căn chỉ có tám trăm công đức.
- Như Ý Căn thầm lặng mà cùng khắp tất cả pháp thế gian và xuất thế gian trong mười phương tam thế, cùng tột thánh phàm, đều bao gồm trong đó, vậy biết ý căn đầy đủ một ngàn hai trăm công đức.
- A Nan! Nay ngươi muốn ngược dòng sanh tử, trở về nguồn gốc của lưu chuyển, đến chỗ chẳng sanh diệt, thì nên xét kỹ sự thọ dụng của lục căn này, cái nào hợp, cái nào lìa; cái nào sâu, cái nào cạn; cái nào viên thông, cái nào chẳng viên thông. Nếu ngươi ngay nơi những căn này ngộ được căn nào viên thông, nương theo căn viên thông đó mà xoay ngược dòng nghiệp hư vọng từ vô thỉ thì so với các căn khác, hiệu quả gấp nhiều lần, một ngày bằng một kiếp.
- Nay ta đã hiển bày một số công đức của lục căn như vậy, tùy ngươi lựa chọn căn nào dễ nhập, thì ta sẽ phát minh, khiến ngươi được thêm tinh tấn. Mười phương Như Lai nơi thập bát giới, mỗi người mỗi chọn một giới theo đó mà tu hành, đều được Vô thượng Bồ Đề, trong đó vốn chẳng hơn kém. Vì ngươi nay còn thấp kém, chưa thể phát huy trí huệ tự tại, nên ta khai thị căn viên thông, khiến ngươi từ một cửa đi vào. Vào sâu một cửa đến chỗ chẳng vọng, thì tất cả lục căn đều nhất thời trong sạch.
- Bạch Thế Tôn, tại sao ngược dòng sanh tử đi sâu vào một căn, có thể khiến lục căn đều nhất thời trong sạch?
Phật bảo A Nan:
- Nay ngươi đã được quả Tu Đà Hoàn, diệt được kiến hoặc của chúng sanh ba cõi trên thế gian, nhưng còn chưa biết những tập khí hư vọng đã tích chứa trong căn từ vô thỉ, tập khí ấy phải nhờ tu đạo mới được dứt trừ. Khi đã dứt trừ, tức là đến bậc vô học, chẳng những biết được quá trình dời đổi của sanh, trụ, dị, diệt nơi một chúng sanh, mà còn biết được những hành tướng vi tế, niệm niệm dời đổi của tất cả chúng sanh trong đại thiên thế giới.
- Nay ngươi hãy xét lục căn này là nhất hay lục? A Nan, nếu cho là nhất, thì tai sao chẳng thấy, mắt sao chẳng nghe, đầu sao chẳng đi, chân sao chẳng nói? Nếu cho là lục, như ta ở trong hội vì ngươi chỉ dạy pháp môn nhiệm mầu, vậy lục căn của ngươi căn nào lãnh thọ?
A Nan đáp:
- Con dùng tai nghe.
Phật nói:
- Tai ngươi tự nghe, có liên quan gì đến thân miệng, mà miệng thì hỏi đạo, thân tỏ cung kính? Vậy biết phi nhất thành lục, phi lục thành nhất; kỳ thật căn ngươi chẳng phải vốn nhất vốn lục. A Nan nên biết cái căn phi nhất phi lục này, vì vọng chấp điên đảo, chìm nổi từ vô thỉ, nên ở nơi bản tánh viên thông, sanh ra cái nghĩa nhất lục. Ngươi là bậc Tu Đà Hoàn, dù được tiêu lục, nhưng chưa diệt nhất, ví như hư không đặt vào nhiều khuôn hình, do khuôn hình khác nhau nên nói hư không có khác, nếu trừ bỏ khuôn hình, xem lại hư không thì nói hư không là một, hư không làm sao lại vì ngươi mà thành đồng hay dị, huống chi còn gọi là một hay chẳng phải một! Vậy biết, sự thọ dụng của lục căn cũng như vậy.
LƯỢC GIẢI:
A Nan nghi: sao một căn sâu vào có thể khiến lục căn đều nhất thời trong sạch?
Phật giải thích rằng: Giả sử lục căn vốn một, vốn tự trong sạch, thì chẳng cần nói chi "lục tặc", giả sử lục căn vốn lục, chaüng hỗ dụng nhau, làm sao có thể nhất thời trong sạch? Như hư không vốn chẳng khác biệt, do đặt nhiều khuôn hình thành có khác biệt; vì khuôn hình khác biệt, bèn cho hư không cũng khác biệt, nên nói sáu chẳng phải một, nếu trừ bỏ khuôn hình, xem lại hư không, thì nói hư không là một, tức là sáu tiêu một còn, đây là dụ cho sanh ra nghĩa nhất lục. Thật ra, hư không và khuôn hình chẳng thể hòa hợp, tất nhiên chẳng có đồng dị, đã chẳng đồng dị thì có chỗ nào để gán cái tên nhất lục ư? Đây là dụ cho vốn chẳng nhất lục. Thấy được chỗ vốn chẳng nhất lục, thì tánh viên thông thường tịch hiện tiền, đâu còn chỗ nào chẳng trong sạch!
Tu Đà Hoàn gọi là "nhập lưu", mà chẳng có sở nhập, chẳng nhập sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, tức là lục tiêu, nhưng còn chấp thật có Niết Bàn, nên chưa diệt nhất. Kỳ thật, Nhất từ đâu đến, Không từ đâu khởi? Chỗ này cần phải tham cứu đến tự ngộ mới được rõ.
*****
- Nhãn căn nơi diệu viên, tánh vốn trong lặng, do hai thứ sáng và tối tỏ bày lẫn nhau, dính bụi thành cái thấy; cái thấy gặp sắc trần, kết sắc trần thành căn, gốc căn thuộc nơi thanh tịnh tứ đại, gọi là bản thể con mắt như trái nho tươi. Phù căn tứ trần lưu chuyển theo sắc trần, tạo đủ thứ nghiệp.
- Nhĩ căn nơi diệu viên, tánh vốn trong lặng, do hai thứ động và tịnh đối chọi lẫn nhau dính bụi thành cái nghe, cái nghe gặp thanh trần, cuốn thanh trần thành căn, gốc căn thuộc nơi thanh tịnh tứ đại gọi là bản thể lỗ tai như lá cây cuốn. Phù căn tứ trần lưu chuyển theo thanh trần tạo đủ thứ nghiệp.
- Tỷ căn nơi diệu viên, tánh vốn trong lặng, do hai thứ thông và nghẽn phát hiện lẫn nhau, dính bụi thành cái ngửi, cái ngửi gặp hương trần, thu nạp hương trần thành căn, gốc căn thuộc nơi thanh tịnh tứ đại, gọi là bản thể cái mũi như hai móng tay rũ xuống. Phù căn từ trần lưu chuyển theo hương trần, tạo đủ thứ nghiệp.
- Thiệt căn nơi diệu viên, tánh vốn trong lặng, do hai thứ lạt và vị xen lộn lẫn nhau, dính bụi thành cái nếm, cái nếm gặp vị trần, thu hút vị trần thành căn, gốc căn thuộc nơi thanh tịnh tứ đại, gọi là bản thể cái lưỡi như trăng lưỡi liềm. Phù căn tứ trần lưu chuyển theo vị trần, tạo đủ thứ nghiệp.
- Thân căn nơi diệu viên, tánh vốn trong lặng, do hai thứ ly và hợp xoa nhau, dính bụi thành xúc giác, xúc giác gặp xúc trần, nắm xúc trần thành căn, gốc căn thuộc nơi thanh tịnh tứ đại, gọi là bản thể cái thân như dáng trống cơm. Phù căn tứ trần lưu chuyển theo xúc trần, tạo đủ thứ nghiệp.
- Ý căn nơi diệu viên, tánh vốn trong lặng, do hai thứ sanh và diệt tương tục lẫn nhau, dính bụi thành cái biết; cái biết gặp pháp trần, ôm pháp trần thành căn, gốc căn thuộc nơi thanh tịnh tứ đại, gọi là cái ý suy tư như sự thấy trong phòng tối. Phù căn tứ trần lưu chuyển theo pháp trần tạo đủ thứ nghiệp.
- A Nan! Lục căn như thế, do giác minh kia có năng minh để minh cái giác, thì đánh mất cái tinh minh liễu triệt ấy (tự tánh), thành ra dính mắc nơi hư vọng, rồi phát ra ánh sáng (cái ánh sáng do hư vọng phát ra, thì sáng chẳng phải sáng thật). Cho nên ngươi hôm nay, lìa tối lìa sáng thì chẳng có cái thấy; lìa động lìa tịnh thì vốn chẳng cái nghe; không thông không nghẽn thì cái tánh ngửi chẳng sanh; không vị không lạt thì sự nếm chẳng ra; bất ly bất hợp thì xúc giác vốn chẳng có; không sanh không diệt thì sự liễu tri đặt ở chỗ nào?
- Ngươi chỉ cần chẳng duyên theo sự động tịnh, hợp ly, vị lạt, thông nghẽn, sanh diệt, sáng tối, mười hai tướng hữu vi này, tùy tiện nhổ ra một căn, thoát khỏi sự dính mắc, trở về bản tánh chân thật, hiện ra sự chiếu soi của tự tánh. Tánh chiếu soi phát ra ánh sáng, thì sự dính mắc của ngũ căn kia liền cùng được giải thoát và tri kiến khởi lên, chẳng do cảnh trần. Chiếu soi chẳng duyên theo lục căn, mà nhờ lục căn phát ra ánh sáng, do đó, sự dụng của lục căn dung thông lẫn nhau.
LƯỢC GIẢI
Bản tánh diệu viên trong lặng, gặp sắc trần thì thành cái thấy, gặp thanh trần thì thành cái nghe, v.v... nên gọi là diệu viên. Nước trong lặng vốn chẳng dính mắc, do bụi trần lọt vào thành có dính mắc. Tánh của địa, thủy, hỏa, phong vốn đều không tịch, nên gọi là thanh tịnh tứ đại, gốc căn ẩn bên trong, trần phù bên ngoài, nên gọi là phù căn, tướng của địa, thủy, hỏa, phong vốn đều lay động, nên gọi là tứ trần. Nếu như sự thấy trong phòng tối thì đâu thể có phù căn tứ trần? Vì tánh "không" lìa bản giác thành ám muội, cái ám muội này kết với tối đen thành sắc trần; tối đen và sắc trần xen lộn với vọng tưởng, lay động bên trong thành có đen tối để thấy, cũng có thể gọi là phù căn tứ trần vậy, nên nói như sự thấy trong phòng tối.
Thanh tịnh tứ đại là một danh từ để tỏ rõ cái nghĩa của thắng-nghĩa-căn, hai chữ Thắng Nghĩa là để hiển bày cái nghĩa lý siêu việt hơn nghĩa lý thông thường. Vì hay chiếu soi cảnh trần, phát ra cái thức phân biệt, cũng gọi là tịnh-sắc-căn (gốc căn chẳng có hình sắc để đối với mắt, nên gọi tịnh-sắc-căn). Phù căn tứ trần là một danh từ để tỏ rõ cái nghĩa của phù-trần-căn, vì hay lưu chuyển theo cảnh trần, tạo đủ thứ nghiệp vậy.
*****
- A-Nan! Ngươi há chẳng biết hiện trong hội này, A Na Luật Đà chẳng mắt mà thấy; rồng Bạt Nan Đà chẳng tai mà nghe; thần nữ Căng Già chẳng mũi mà ngửi hương; Kiều Phạm Bát Đề lưỡi trâu mà biết vị; thần Thuấn Nhã Đa bản chất là gió, vốn chẳng tự thể, do ánh sáng tự tánh, tạm hiện hình bóng, nên chẳng có thân mà biết xúc; các hàng Thanh văn được diệt tận định trong hội này như Ma Ha Ca Diếp, ý căn đã diệt từ lâu mà vẫn rõ biết khắp nơi, chẳng do tâm niệm.
- A Nan! Nếu các căn của ngươi đều đã được giải thoát, thì sự dụng của tự tánh tự hiện, như trong lặng mà phát ra ánh sáng, vậy phù trần và các tướng biến hóa trong thế gian đều tiêu, như nước sôi làm tan băng đá, ngay đó liền hóa thành Vô Thượng Tri Giác.
- A Nan! Như người thế gian cho sự thấy do con mắt, nếu bỗng nhắm mắt lại thì tướng tối hiện ra, lục căn mịt mù, đầu và chân giống nhau. Người ấy dùng tay rờ thân người khác, mắt dù chẳng thấy, nhưng vẫn phân biệt được đầu và chân, vậy sáng tối dù khác, mắt dù chẳng thấy, nhưng vẫn phân biệt được đầu và chân, vậy sáng tối dù khác, tánh biết vẫn đồng. Nếu duyên sáng mới có thấy thì khi tối thành chẳng thấy, nếu chẳng duyên sáng mà phát ra tánh thấy, thì các tướng tối chẳng thể làm mờ được. Căn trần đã tiêu, thì giác tánh đâu thể chẳng thành diệu viên?
A Nan bạch Phật rằng:
- Như lời Phật dạy, nếu muốn cầu được quả thường trụ, thì chỗ phát tâm của nhân địa và quả địa phải cân xứng với nhau. Thế Tôn, trong quả vị Như Lai, bảy thứ: Bồ Đề, Niết Bàn, Chơn Như, Phật tánh, Am Ma La Thức, Không Như Lai Tạng, Đại Viên Cảnh Trí, tên gọi dù khác, nhưng thể tánh trong sạch viên mãn kiên cố như Kim Cang Vương, thường trụ chẳng hoại.
- Nếu cái thấy nghe này lìa những tướng sáng tối, động tịnh, thông nghẽn vốn chẳng tự thể; cũng như tâm niệm lìa nơi tiền trần vốn chẳng có gì cả, thì tại sao lại có thể đem sự đoạn diệt này làm nhân tu, mà mong cầu bảy quả thường trụ của Như Lai.
- Thế Tôn, nếu lìa sáng tối thì cái thấy thành không có; nếu chẳng có tiền trần thì tâm niệm tịch diệt, nghĩ tới nghĩ lui, suy xét tỉ mỉ, vốn chẳng có cái tâm và tâm sở của con, vậy lấy gì làm nhân để cầu quả Vô Thượng Giác? Như Lai trước kia đã nói tánh giác trạm nhiên thường trụ, vậy lời nói trái với lẽ thường thì chỉ thành hý luận, làm sao nhận được lời nói của Như Lai là chơn thật? Xin Phật từ bi khai mở chỗ mê muội của con.
Phật bảo A Nan:
- Ngươi chỉ học rộng nghe nhiều, chưa dứt sạch tập khí phiền não, trong tâm dù biết rõ cái nhân điên đảo, mà điên đảo thật hiện tiền thì chẳng biết, e rằng ngươi còn chưa thiệt lòng tín phục, nay ta thử đem những việc trần thế để phá trừ cái nghi của ngươi.
Tức thời, Như Lai bảo La Hầu La đánh một tiếng chuông, hỏi A Nan:
- Nay ngươi nghe chăng?
A Nan và đại chúng đều đáp:
- Có nghe!
Khi tiếng chuông dứt rồi, Phật lại hỏi:
- Các ngươi nghe chăng?
A Nan và đại chúng đều đáp:
- Chẳng nghe!
Khi đó La Hầu La lại đánh thêm một tiếng, Phật lại hỏi:
- Các ngươi nghe chăng?
A Nan và đại chúng đều đáp:
- Có nghe!
Phật hỏi A Nan:
- Ngươi cho thế nào là có nghe, thế nào là chẳng nghe?
A Nan và đại chúng đều bạch Phật rằng:
- Khi tiếng chuông đánh lên thì chúng con được nghe. Khi tiếng chuông ngưng rồi, âm vang đều dứt thì chẳng nghe.
Như Lai lại bảo La Hầu La đánh chuông, rồi hỏi A Nan:
- Nay có tiếng chăng?
A Nan và đại chúng đều đáp:
- Có tiếng.
Ít lâu tiếng ngưng, Phật lại hỏi:
- Nay có tiếng chăng?
A Nan và đại chúng đều đáp:
- Không tiếng.
Lát sau, La Hầu La lại đánh một tiếng chuông. Phật lại hỏi:
- Nay có tiếng chăng?
A Nan và đại chúng đều đáp:
- Có tiếng.
Phật hỏi A Nan:
- Ngươi cho thế nào là có tiếng, thế nào là chẳng có tiếng?
A Nan và đại chúng đều bạch Phật rằng:
- Khi tiếng chuông đánh lên thì gọi là có tiếng, khi tiếng chuông ngưng rồi, âm vang đều dứt, thì gọi là chẳng có tiếng.
Phật bảo A Nan và đại chúng:
- Lời nói các ngươi sao tự càn loạn với nhau!
Đại chúng và A Nan đồng thời bạch Phật:
- Sao gọi chúng con là càn loạn?
Phật nói:
- Ta hỏi về nghe thì các ngươi nói nghe, ta hỏi về tiếng thì ngươi nói tiếng, cái nghe và tiếng trả lời chẳng định như thế, không phải càn loạn là gì?
- A Nan! Tiếng dứt chẳng âm vang thì ngươi nói là chẳng nghe, nếu thật chẳng nghe thì tánh nghe phải diệt, đồng như cây khô, khi tiếng chuông lại đánh lên, thì ngươi làm sao biết được? Biết có biết không ấy là thanh trần, hoặc có hoặc không đâu phải tánh nghe vì ngươi mà thành có thành không? Nếu tánh nghe thật không thì ai biết không nghe?
- A Nan! Thanh trần ở trong tánh nghe tự có sanh diệt, chẳng phải tánh nghe của ngươi theo thanh trần sanh diệt khiến tánh nghe thành có thành không. Ngươi còn điên đảo nhận lầm thanh trần là tánh nghe, lạ gì chẳng mê muội cho Thường là Đoạn?
- Tóm lại, chẳng nên cho rằng lìa các tướng động, tịnh, thông, nghẽn, nói chẳng có tánh nghe.
Như người đang ngủ mê trên giường, trong nhà có người giã gạo, người ấy trong chiêm bao nghe tiếng giã gạo, tưởng thành tiếng khác, hoặc cho là tiếng trống, hoặc cho là tiếng chuông, trong chiêm bao liền lấy làm lạ, sao tiếng chuông lại như tiếng cây đập vào đá, khi chợt tỉnh dậy nghe tiếng chày, bảo với người nhà rằng, trong lúc chiêm bao đã lầm tiếng chày cho là tiếng trống. A Nan, người đó trong chiêm bao đâu nhớ những sự động, tịnh, thông, nghẽn. Thân hình dù ngủ, nhưng tánh nghe chẳng mất, vậy dẫu cho hình tướng tiêu tan, thân mạng dời đổi, làm sao tánh nghe này lại vì ngươi mà tiêu diệt.
- Do các chúng sanh từ vô thỉ, nương theo sắc thanh, đuổi theo vọng niệm mà lưu chuyển, chưa từng khai ngộ bản tánh trong sạch thường trụ, chẳng theo tánh chơn thường, lại đuổi theo sanh diệt, do đó đời đời bị xoay vần trong vòng tạp nhiễm.
- Nếu bỏ sanh diệt, giữ tánh chơn thường, thì ánh sáng của Chơn Thường tự hiện, căn, trần, tâm thức, ngay đó liền tiêu; tướng vọng tưởng là trần, tánh phân biệt là cấu, cả hai đều xa lìa, thì pháp nhãn của ngươi liền được trong suốt, làm sao lại chẳng thành Vô Thượng Tri Giác?
(QUYỂN BỐN HẾT)

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 10 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.191.93.18 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập