Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa Kinh [添品妙法蓮華經] »» Bản Việt dịch quyển số 7 »»

Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa Kinh [添品妙法蓮華經] »» Bản Việt dịch quyển số 7

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.62 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.74 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa

Kinh này có 7 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | Quyển cuối
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Phẩm 23: BỒ TÁT DIỆU ÂM
Bấy giờ, từ trên nhục kế tướng Đại nhân, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni phóng ra ánh sáng chiếu khắp trăm ngàn vạn ức triệu hằng hà sa các thế giới ở phương Đông. Trải qua vô số cõi ấy có thế giới Tịnh quang trang nghiêm, có Phật hiệu là Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô lượng, vô số chúng Bồ-tát vây quanh. Ánh sáng bạch hào của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni chiếu khắp cõi ấy.
Khi đó, trong nước Tịnh quang quang nghiêm, có Bồ-tát Diệu Âm đã từ lâu trồng các công đức, cúng dường, gần gũi vô lượng trăm ngàn vạn ức chư Phật, đã thành tựu trí tuệ sâu xa, chứng các Tam-muội như: Tràng tướng, Pháp hoa, Tịnh đức, Trí vương hý, Vô duyên, Trí ấn, Hiểu tất cả ngôn ngữ của chúng sinh, Tích tập tất cả các công đức, Thanh tịnh thần thông tự tại, Tuệ cự trang nghiêm vương, Tịnh quang minh, Tịnh tạng, Bất cộng nhựt toàn; đắc trăm ngàn vạn ức hằng hà sa các Tam-muội lớn như vậy. Được ánh sáng của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni chiếu đến thân mình, Bồ-tát Diệu Âm liền bạch Đức Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí:
- Bạch Thế Tôn! Con sẽ đến thế giới Ta-bà lễ bái, cúng dường, gần gũi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni và gặp các Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử, Dược Vương, Dũng Thí, Thường Hành ý, Trang Nghiêm Vương, Tú Vương Hoa, Dược Thượng.
Bấy giờ, Đức Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí bảo Bồ-tát Diệu Âm:
- Ông đến thế giới Ta-bà chớ có khinh thường coi là thấp kém. Này thiện nam! Thế giới Ta-bà này rất nhiều sự ô uế, các núi, đá, đất, cao, thấp chẳng bằng phẳng, thân Phật thấp nhỏ, thân các Bồ-tát cũng thấp nhỏ mà thân ông thì cao lớn bốn vạn hai ngàn do-tuần, thân ta sáu trăm tám mươi vạn do-tuần. Thân ông đầy đủ phước đức có ánh sáng vi diệu đặc biệt. Do vậy, ông đến cõi Ta-bà chớ có khinh chê, xem thường Phật, Bồ-tát và quốc độ.
Bồ-tát Diệu Âm bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Con đến thế giới Ta-bà là nhờ diệu lực thần thông tự tại, công đức, trí tuệ trang nghiêm của Như Lai.
Bồ-tát Diệu Âm chẳng rời chỗ ngồi, thân không dao động, nhập vào Tam-muội. Cách pháp tòa không xa, tại núi Kỳ-xà -quật, nhờ lực Tam-muội, Bồ-tát Diệu Âm hóa ra tám vạn bốn ngàn hoa sen báu, cọng bằng vàng ròng, cánh bằng bạc, tua bằng kim cương, đài bằng ngọc chân-thúc-ca.
Bấy giờ, Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử thấy hoa sen này liền bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà xuất hiện điềm lành có ngàn vạn hoa sen, cọng bằng vàng ròng, cánh bằng bạc, tua bằng kim cương, đài bằng ngọc chân-thúc-ca?
Đức Phật Thíeh-ca Mâu-ni bảo Văn-thù-sư-lợi:
- Đại Bồ-tát Diệu Âm từ cõi Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí cùng tám vạn bốn ngàn đồ chúng muốn đến thế giới Ta-bà thân cận, lễ bái ta và cũng muốn cúng dường nghe kinh Pháp Hoa.
Văn-thù -sư-lợi bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát ấy đã trồng thiện căn gì, tu công đức gì, hành Tam-muội gì mà được năng lực thần thông vĩ đại như vậy? Xin Thế Tôn nói danh hiệu những Tam-muội ấy cho chúng con, chúng con cũng muốn nghe và hành trì, thực hành Tam-muội đó mới có thể thấy được sắc tướng lớn nhỏ, oai nghi đi lại của Bồ-tát ấy. Cầu xin Thế Tôn dùng sức thần thông để con được thấy khi Bồ-tát ấy đến.
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:
- Đức Như Lai Đa Bảo đã diệt độ từ lâu, nay sẽ vì các ông mà làm cho thấy thân tướng của Bồ-tát đó.
Đức Phật Đa Bảo bảo Bồ-tát ấy:
- Này thiện nam, hãy đến đây! Văn-thù-sư-lợi muốn thấy than ông.
Bồ-tát Diệu Âm cùng tám vạn bốn ngàn Bồ-tát ẩn mất ở cõi mình, hướng đến thế giới Ta-bà, đi qua các cõi đều chấn động sáu cách, trời mưa hoa sen bảy báu, trăm ngàn nhạc trời không đánh tự kêu, Bồ-tát này mắt như cánh hoa sen xanh rộng lớn, giả sử hòa hợp trăm ngàn vạn mặt trăng cũng không đẹp bằng diện mạo đoan chính của Bồ-tát; thân bằng vàng ròng, trang nghiêm bằng vô lượng trăm ngàn công đức, oai đức rạng rỡ, hào quang chiếu sáng, đầy đủ các tướng như thân Na-la-diên bền chắc.
Bồ-tát ấy lên đài bảy báu, bay lên hư không cách đất bảy cây đa-la cùng các chúng Bồ-tát cung kính theo sau đến núi Kỳ-xà-quật ở thế giới Ta-bà. Đến nơi, Bồ-tát xuống đài bảy báu, lấy chuỗi ngọc vô giá đem đến chỗ Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, đầu mặt đảnh lễ dưới chân, dâng xâu chuỗi ngọc, thưa rằng:
- Bạch Thế Tôn! Đức Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí thăm hỏi Thế Tôn ít bệnh, ít não, an lạc không? Tứ đại điều hòa không? Việc đời có thể kham nhẫn không? Chúng sinh dễ độ, ít tham dục, sân hận, ngu si, ganh ghét, kiêu mạn, không bất hiếu cha mẹ, chẳng kính Sa-môn, không tà kiến, không có tâm bất thiện, giữ gìn năm giác quan không?
Bạch Thế Tôn! Chúng sinh có thể thu phục các ma oán không? Từ lâu Đức Như Lai Đa Bảo đã diệt độ ở trong tháp bảy báu, Thê Tôn có đến nghe pháp không? Lại thăm hỏi Đức Như Lai Đa Bảo an ổn, ít bệnh, có ở lại lâu không? Nay con muốn thấy thân Phật Đa Bảo, cúi xin Thế Tôn chỉ bày cho con được thấy.
Bấy giờ, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni nói với Phật Đa bảo:
- Bồ-tát Diệu Âm muốn được diện kiến.
Phật Đa Bảo nói với Diệu Âm:
- Lành thay, lành thay! Vì cúng dường Phật Thích-ca Mâu-ni, nghe kính Pháp Hoa và gặp Văn-thù-sư-lợi nên ông đến nơi này.
Khi ấy, Bồ-tát Hoa Đức bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Bồ-tát Diệu Âm trồng căn lành gì, tu công đức gì mà có sức thần thông như vậy?
Phật bảo Bồ-tát Hoa Đức:
- Quá khứ có Phật tên là Lôi Âm Vương, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, nước tên là Hiện nhất thiết thế gian, kiếp tên là Hỷ kiến. Bồ-tát Diệu Âm ở trong một vạn hai ngàn năm, dùng mười vạn thứ kỹ nhạc cúng dường Đức Phật Vân Lôi Âm Vương và dâng tám vạn bốn ngàn cái bát bảy báu. Do nhân duyên đó nay được quả báo sinh tại nước Đức Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí, có sức thần thong lớn như thế.
Này Hoa Đức! Ý ông nghĩ sao? Bồ-tát Diệu Âm cúng dường âm nhạc và dâng bát báu đến Đức Phật Vân Lôi Âm Vương thuở đó, đâu phải người nào xa lạ, nay chính là Đại Bồ-tát Diệu Âm.
Này Hoa Đức! Bồ-tát Diệu Âm nay đã từng thân cận cúng dường rất nhiều chư Phật, từ lâu đã trồng cội công đức, lại gặp hằng hà sa trăm ngàn vạn ức na-do-tha Đức Phật.
Này Hoa Đức! Ông chỉ thấy thân Bồ-tát Diệu Âm ở đây, thực ra Bồ-tát hiện ra các thân hình khắp nơi để nói kinh điển này cho chúng sinh. Như hiện ra thân Phạm vương, Đế Thích, Tự tại thiên, Đại tự tại thiên, Thiên đại Tướng quân, Tỳ-sa-môn, Thiên vương, Chuyển luân vương, các Tiểu vương, Trưởng giả, Cư sĩ, Tể quan, Bà-la-môn, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà -di, thân phụ nữ của trưởng giả, Cư sĩ, Tể quan, Bà-la-môn, Đồng nam, Đồng nữ, Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà , A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân... mà nói kinh này; có thể cứu giúp các loài ở địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và những chỗ hiểm nạn, cho đến biến làm thân nữ ở trong hậu cung của vua để nói kinh này.
Này Hoa Đức! Bồ-tát Diệu Âm này hay cứu độ các chúng sinh trong cõi Ta-bà nên hiện hóa nhiều loại thân hình như thế để nói kinh này cho các chúng sinh nhưng trí tuệ, thần thông biến hóa không bị tổn giảm. Bồ-tát này dùng ngần ấy số lượng trí tuệ soi sáng cõi Ta-bà, khiến cho tất cả chúng sinh đều được hiểu biết thì đối với hằng hà sa thế giới khắp cả mười phương, cũng dùng trí tuệ như vậy. Đối với chúng sinh đáng dùng thân Thanh văn để độ thoát, thì hiện thân Thanh văn để nói pháp, hoặc cần dùng than Bích-chi-phật để cứu độ thì hiện thân Bích-chi-phật để nói pháp, hoặc cần đùng thân Bồ-tát để độ thoát thì hiện thân Bồ-tát để nói pháp, hoặc cần dùng thân Phật để độ thoát thì hiện thân hình Phật để nói pháp. Như vậy, đối với các hạng người đáng độ mà hiện thân hình như thế, cho đến cần phải dùng sự diệt độ để được độ thoát thi hiện sự diệt độ.
Này Hoa Đức! Đại Bồ-tát Diệu Âm thành tựu sức trí tuệ đại thần thông như thế.
Bấy giờ, Bồ-tát Hoa Đức bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Bồ-tát Diệu Âm sâu trồng căn lành, trụ Tam-muội gì mà có thể biến hiện thân mình để độ thoát chúng sinh khắp nơi?
Phật bảo Bồ-tát Hoa Đức:
- Này thiện nam! Tam-muội đó tên là Hiện nhất thiết sắc thân. Bồ-tát Diệu Âm trụ trong Tam-muội này có thể làm lợi ích vô lượng chúng sinh như thế.
Lúc Đức Phật nói phẩm Bồ-tát Diệu Âm này thì tám vạn bốn ngàn người cùng với Bồ-tát Diệu Âm đến đây đều được Tam-muội Hiện nhất thiết sắc thân, vô lượng Bồ-tát trong cõi Ta-bà đều được Tam-muội này và Đà-la-ni.
Sau khi cúng dường Phật Thích-ca và tháp Phật Đa Bảo xong, Đại Bồ-tát Diệu Âm trở về cõi mình. Các nước mà Bồ-tát đi qua đều chấn động sáu cách, trời mưa hoa sen báu, trổi trăm ngàn vạn ức loại âm nhạc. Đến cõi mình rồi, Bồ-tát cùng tám vạn bốn ngàn Bồ-tát đi theo đồng đến chỗ Đức Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí, thưa:
- Bạch Thế Tôn! Con đến cõi Ta-bà làm lợi ích chúng sinh, lễ bái cúng dường Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, tháp Phật Đa Bảo, gặp Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, Dược Vương, Đức Cần Tinh Tấn Lực và Dũng Thí, cũng làm cho tám vạn bốn ngàn vị Bồ-tát này được Tam-muội Hiện nhất thiết sắc thân.
Sau khi Đức Phật nói phẩm Bồ-tát Diệu Âm Lai Vãng này xong, bốn vạn hai ngàn Thiên tử được Vô sinh pháp nhẫn, Bồ-tát Hoa Đức cũng được Pháp hoa Tam-muội.
Phẩm 24: PHỔ MÔN, BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM
Bấy giờ, Bồ-tát Vô Tận Ý từ chỗ ngồí đứng dậy trịch áo bày vai bên phải, chắp tay hướng về Đức Phật thưa:
- Bạch Thế Tôn! Bồ-tát Quán Thế Âm vì nhân duyên gì mà tên là Quán Thế Âm?
Phật bảo Bồ-tát Vô TậnÝ:
- Này thiện nam! Nếu có vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sinh chịu các khổ não, nghe danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm này nhất tâm gọi tên Bồ-tát Quán Thế Âm, tức thì Bồ-tát Quán Thế Âm quán xét âm thanh ấy làm cho được giải thoát.
Nếu có người trì danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, dù vào lửa lớn cũng không bị cháy, là nhờ thần lực của Bồ-tát. Nếu bị nước lớn cuốn trôi, gọi danh hiệu Bồ-tát này liền được đến nơi cạn. Nếu có trăm ngàn vạn ức chúng sinh vì tìm vàng bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, trân châu và các thứ ngọc quý mà vào biển lớn. Giả sử có gió lớn thổi ghe thuyền ấy trôi dạt đến nước quỷ La-sát, trong đó dù chỉ một người gọi danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, thì các người kia đều được thoát nạn quỷ La-sát, vì nhân duyên đó mà gọi tên là Quán Thế Âm.
Nếu có người sắp bị giết hại, gọi tên Bồ-tát Quán Thế Âm tức thì dao gậy ấy gãy ra từng đoạn, mà được thoát khỏi. Nếu quỷ Dạ-xoa và quỷ La-sát đầy trong cõi tam thiên đại thiên muốn đến hại người, nghe gọi tên Bồ-tát Quán Thế Âm, thì các quỷ dữ không thể dùng mắt dữ để nhìn, huống gì làm hại. Giả sử có người bị tội hay không bị tội, gông cùm xiềng xích trói buộc nơi thân, gọi tên Bồ-tát Quán Thế Âm, tất cả đều gãy nát, liền được giải thoát. Giả sử có vị thương chủ dẫn các người buôn đem nhiều của quý, qua đoạn đường hiểm trong đó có người nói lớn rằng:
Này các thiện nam! Đừng nên lo sợ, các vị hãy nhất tâm xưng niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, vị Bồ-tát ấy hay đem lại sự không sợ hãi cứu giúp chúng sinh. Nếu các ông niệm danh hiệu: “Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát” thì được thoát khỏi nạn tặc này.
Nhờ nghe như vậy, những người buôn đồng thanh niệm danh hiệu Bồ-tát, liền được giải thoát.
Này Vô Tận Ý! Đại Bồ-tát Quán Thế Âm có sức oai thần rộng lớn như thế.
Nếu có chúng sinh nào nhiều lòng dâm dục, thường niệm, cung kính Bồ-tát Quán Thế Âm liền được lìa dục. Nếu có ngườí nào nhiều lòng giận hờn, thường cung kính niệm Bồ-tát Quán Thế Âm liền khỏi giận hờn. Nếu có người ngu si nào thường cung kính niệm Bồ-tát Quán Thế Âm, liền khỏi ngu si.
Này Vô Tận Ý! Bồ-tát Quán Thế Âm có sức oai thần lớn như thế, làm nhiều lợi ích cho nên chúng sinh tâm thường nhớ nghĩ.
Nếu có người nữ, muốn cầu con trai, lễ bái cúng dường Bồ-tát Quán Thế Âm, liền sinh con trai, phước đức trí tuệ. Giả sử muốn cầu con gái, liền sinh con gái có tướng xinh đẹp, được mọi người kính mến, vì trước đã trồng cội phước đức .
Vô Tận Ý! Bồ-tát Quán Thế Âm có sức thần thông như thế. Chúng sinh nào cung kính lễ lạy Bồ-tát Quán Thế Âm thì phước đức chẳng tổn giảm, cho nên chúng sinh đều phải thọ trì danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm.
Vô Tận Ý! Nếu có người thọ trì danh hiệu của sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ-tát, lại trọn đời cúng dường các thức ăn uống, áo quần, giường nằm, thuốc thang… ý ông nghĩ sao? Công đức của người thiện nam, thiện nữ đó có nhiều không'?
Vô Tận Ý thưa:
- Bạch Thế Tôn, rất nhiều!
Phật dạy:
- Nếu có người thọ trì danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm cho đến lễ lạy cúng dường chỉ trong chốc lát thì phước đức của hai người đó bằng nhau không khác, trải qua trăm ngàn muôn ức kiếp không thể cùng tận.
Bồ-tát Vô Tận Ý! Thọ trì danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm được vô lượng, vô biên phước đức lợi ích như vậy.
Vô Tận Ý Bồ-tát bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Bồ-tát Quán Thế Âm giáo hóa ở thế giới Ta-bà như thế nào? Thuyết pháp cho chúng sinh như thế nào? Và dùng sức phương tiện như thế nào?
Phật bảo Bồ-tát Vô Tận Ý:
- Thiện nam! Nếu chúng sinh trong quốc độ nào cần thân Phật để độ thoát thì Bồ-tát Quán Thế Âm liền hiện thân Phật để nói pháp.
Người cần dùng thân Duyên giác để độ thoát thì Bồ-tát hiện thân Duyên giác để nói pháp.
Ngườí cần dùng thân Bích-chi-phật để độ thoát thì Bồ-tát hiện thân Bích-chi-phật để nói pháp.
Người cần dùng thân Thanh văn để độ thoát thì Bồ-tát hiện thân Thanh văn để nói pháp.
Ngườí cần dùng thân Phạm vương để độ thoát thì Bồ-tát hiện thân Phạm vương để nói pháp.
Người cần dùng thân Đế Thích để độ thoát thì Bồ-tát hiện thân Đế thích để nói phá[.
Người cần dùng thân Tự tại thiên để độ thoát thì Bồ-tát hiện thân Tự tại thiên để nói pháp.
Người cần dùng thân Đại Tự tại thiên để độ thoát thì Bồ-tát hiện thân Đại Tự tại thiên để nói pháp.
Người cần dùng thân Thiên đại Tướng quân để độ thoát thì Bồ-tát hiện thân Thiên đại Tướng quân để nói pháp.
Người cần dùng thân Tỳ-sa-môn để độ thoát thì Bồ-tát hiện thân Tỳ-sa-môn để nói pháp.
Người cần dùng thân Tiểu vương để độ thoát thì Bồ-tát hiện thân Tiểu vương để nói pháp.
Người cần dùng thân Trưởng giả để độ thoát thì Bồ-tát hiện thân Trưởng giả để nói pháp.
Người cần dùng thân Cư sĩ để độ thoát thì Bồ-tát hiện thân Cư sĩ để nói pháp.
Người cần dùng thân Tể quan để độ thoát thì Bồ-tát hiện than Tể quan để nói pháp.
Người cần dùng thân Bà-la-môn để độ thoát thì Bồ-tát hiện thân Bà-la-môn để nói pháp.
Người cần dùng thân Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di để độ thoát thì Bồ-tát hiện thân Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di để nói pháp.
Người cần dùng thân phụ nữ của Trưởng giả, Cư sĩ, Tể quan, Bà-la-môn để độ thoát thì Bồ-tát hiện thân phụ nữ của Trưởng giả, Cư sĩ, Tể quan, Bà-la-môn để nói pháp.
Người cần dùng thân Đồng nam, Đồng nữ để độ thoát thì Bồ-tát hiện thân Đồng nam, Đồng nữ để nói pháp.
Người cần dùng thân Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân để độ thoát thì Bồ-tát hiện thân tất cả để nói pháp.
Người cần dùng thân Chấp kim cang để độ thoát thì Bồ-tát hiện thân Chấp kim cang để nói pháp.
Vô Tận Ý! Bồ-tát Quán Thế Âm thành tựu các công đức như thế, bằng nhiều thân hình đến các cõí nước để độ thoát chúng sinh cho nên các ông phải một lòng cúng dường Bồ-tát Quán Thế Âm.
Đại Bồ-tát Quán Thế Âm này bố thí sự không lo sợ, sợ hãi. Ở nơi tai nạn sợ sệt, Bồ-tát hay ban cho sự không sợ, cho nên cõi Ta-bà này đều gọi ngài là Bậc cho sự không sợ.
Bồ-tát Vô Tận Ý bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Lúc này con muốn cúng dường Bồ-tát Quán Thế Âm.
Vô Tận Ý liền cởi chuỗi ngọc quý báu giá trị trăm ngàn lượng vàng ở nơi cổ đem trao cho Bồ-tát Quán Thế Âm và nói:
- Thưa Bồ-tát, xin nhận lấy chuỗi ngọc quý báu này.
Khi ấy, Bồ-tát Quán Thế Âm chẳng chịu nhận chuỗi. Vô Tận Ý lại thưa:
- Xin Bồ-tát thương chúng con mà nhận chuỗi ngọc này.
Bấy giờ, Phật bảo Bồ-tát Quán Thế Âm:
- Ông hãy lân mẫn Bồ-tát Vô Tận Ý và bốn chúng cùng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân… mà nhận chuỗi ngọc.
Tức thời Bồ-tát Quán Thế Âm lân mẫn bốn chúng Trời, Rồng, Nhân phi nhân… nhận chuỗi ngọc đó chia làm hai phần. Một phần dâng lên Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, một phần dâng cúng tháp Phật Đa Bảo.
Này Vô Tận Ý! Bồ-tát Quán Thế Âm có sức thần thông tự tại như thế, hành hóa khắp cõi Ta-bà.
Lúc đó, Bồ-tát Trang Nghiêm Tràng hỏi Bồ-tát Vô Tận Ý:
- Này Phật tử! Vì nhân duyên gì mà gọi là Quán Thế Âm?
Bồ-tát Vô Tận Ý liền quán xét hết hạnh nguyện như biển trong quá khứ của Bồ-tát Quán Thế Âm, rồi nói với Bồ-tát Trang Nghiêm Tràng:
- Này Phật tử! Hãy lắng nghe việc làm của Bồ-tát Quán Thế Âm. Rồi nói kệ:
Thế Tôn đủ tướng tốt
Con hỏi sự việc kia
Phật tứ, do duyên gì
Tên là Quán Thế Âm?
Đấng đầy đủ tướng tốt
Kệ đáp Vồ Tận Ý
Ông nghe hạnh Quán Âm,
Ứng hiện khắp các nơi,
Thệ rộng sâu như biển
Nhiều kiếp chẳng nghĩ bàn
Hầu nhiều ngàn Đức Phật
Phát nguyện thanh tịnh lớn.
Ta lược nói cho ông
Nghe tên cùng thấy thân,
Tâm niệm không uổng phí
Diệt trừ khổ các cõi.
Nếu bị ai gây hại
Xô xuống hầm lửa lớn,
Do sức niệm Quan Âm
Hầm lửa thành ao mát.
Hoặc trôi ngoài biển lớn
Bi nạn quỷ, cá, rồng
Do sức niệm Quan Âm
Sóng lớn chẳng nhận chìm.
Hoặc trên đỉnh Tu-di
Bị người đẩy rớt xuống
Do sức niệm Quan Âm
Như mặt trời trên không.
Hoặc bị người ác rượt
Rớt xuống núi Kim cang
Do sức niệm Quan Âm
Chẳng tổn đến mảy lông.
Hoặc gặp oán tặc vây
Đều cầm dao làm hại
Do sức niệm Quan Âm
Chúng liền sinh lòng lành.
Hoặc bị khổ nạn vua
Sắp bị hành hình chết
Do sức niệm Quan Âm
Đao liền gãy từng đoạn.
Hoặc tù cấm xiềng xích
Tay chân bị gông cùm
Do sức niệm Quan Âm
Tháo rã được giải thoát.
Dùng thuốc độc bùa chú
Muốn làm hại thân người
Do sức niệm Quan Âm
Trở lại người gây ra.
Hoặc gặp La-sát dữ
Các loài quỷ rồng độc
Do sức niệm Quan Âm
Tất cả không dám hại
Hoặc thú dữ vây quanh
Nanh vuốt nhọn đáng sợ
Do sức niệm Quan Âm
Vội vàng chạy mất cả.
Rắn độc cùng bò cạp
Hơi độc khói lửa đốt
Do sức niệm Quan Âm
Nghe tiếng tự bỏ đi.
Mây sấm nổ, sét đánh
Tuôn đá, xối mưa lớn
Do sức niệm Quan Âm
Tức khắc liền tiêu tan.
Chúng sinh bị khổ ách
Trăm ngàn khổ bức thân
Quan Âm sức trí diệu
Hay cứu khổ thế gian.
Đầy đủ sức thần thông
Rộng từ trí phương tiện
Các cõi nước mười phương
Không cõi nào không hiện.
Các loài trong đường dữ
Địa ngục, quỷ, súc sinh
Khổ sinh, già, bệnh, chết
Dần dần đều tiêu hết
Quán chân, quán thanh tịnh
Quán trí tuệ rộng lớn
Quán Từ và quán Bi
Luôn nguyện cầu chiêm ngưỡng
Hào quang tịnh trong sạch
Ánh sáng phá tối tăm
Hay tiêu nạn khói lửa
Chiếu sáng khắp thế gian.
Lòng Bi vang như sấm
Ý Từ như mây lành
Tuôn mưa pháp cam lồ
Tiêu trừ lửa phiền não.
Thưa kiện đến chỗ quan
Sợ hãi trong quân trận
Do sức niệm Quan Âm
Oán thù đều lui tan.
Diệu Âm, Quán Thế Âm
Phạm Âm, Hải triều Âm.
Tiếng siêu việt hơn đời
Cho nên thường phải niệm.
Niệm niệm chớ sinh nghi
Bậc Tịnh thánh Quán Âm
Chỗ khổ não bệnh chết
Hay làm việc cứu giúp.
Đầy đủ các công đức
Mắt từ nhìn chúng sinh,
Biển phước lớn không cùng
Cho nên phải đảnh lễ.
Lúc đó, Bồ-tát Trì Địa từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước Phật thưa:
- Bạch Thế Tôn! Chúng sinh nào nghe được năng lực thần thông thị hiện toàn diện, đạo nghiệp tự tại của Bồ-tát Quán Thế Âm này, nên biết công đức người đó chẳng ít.
Lúc Phật nói phẩm Phổ Môn này, trong chúng có tám vạn bốn ngàn chúng sinh đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Phẩm 25: BẢN SỰ CỦA VUA DIỆU TRANG NGHIÊM
Bấy giờ, Đức Phật dạy đại chúng:
-Vào thời quá khứ, cách đây vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ kiếp có Đức Phật ra đời hiệu Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri; nước tên là Quang minh trang nghiêm, kiếp tên Hỷ kiến. Trong pháp hội của Đức Phật ấy có một vị vua tên Diệu Trang Nghiêm, vợ của vua tên Tịnh Đức, có hai người con, một Tịnh Tạng, hai Tịnh Nhãn. Hai người con này có thần lực, phước đức, trí tuệ rất lớn, từ lâu đã hành đạo Bồ-tát như là Bố thí ba-la-mật, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ, Phương tiện, Từ, Bi, Hỷ, Xả, cho đến ba mươi bảy phẩm Trợ đạo đều hiểu rõ thông suốt, lại chứng đắc thông đạt những Tam-muội thanh tịnh của Bồ-tát như: Nhật minh tú, Tịnh quang, Tịnh sắc, Tịnh chiếu minh, Trường trang nghiêm, Đại oai đức.
Đức Phật muốn giáo hóa cho vua Diệu Trang Nghiêm cùng thương tưởng chúng sinh nên nới kinh Pháp Hoa này. Hai người con Tịnh Nhãn và Tịnh Tạng đến gặp mẹ, chắp tay thưa:
- Xin mẹ đến nơi của Đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí và chúng con cũng sẽ đi theo để thân cận cúng dường, lễ bái. Vì sao? Vì Đức Phật này đang thuyết kinh Pháp Hoa giữa đại chúng trời và người, chúng ta nên nghe và lãnh thọ
Mẹ nói với các con:
- Cha các con tin theo ngoại đạo, lệ thuộc hẳn vào pháp Bà-la-môn, các con nên đến thưa với cha cùng đi.
Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn chắp tay thưa với mẹ:
Chúng con là đệ tử Phật lại sinh vào nhà tà kiến.
Người mẹ bảo:
- Các con nên thương cha mà hiện thần thông, nếu cha các con thấy được thì tâm liền thanh tịnh và cho phép chúng ta đi đến gặp Phật.
Lúc ấy, hai người con thương cha liền bay lên giữa hư không, cách đất bảy cây Đa-la hiện ra các phép thần thông, ở trong không trung đi đứng nằm ngồi, trên thân tuôn nước , dưới thân phun lửa, hoặc trên thân phun lửa, dưới thân phun nước, hoặc hiện thân lớn chật cả hư không, hoặc hiện ra thân nhỏ, nhỏ rồi lại lớn, mất trên hư không, thình lình bỗng nhiên hiện ra trên đất, vào đất như vào nước, hoặc đi trên nước như đi trên đất. Hiện ra các loại thần thong như vậy khiến cho vua cha tin hiểu chân chánh.
Thấy thần thông của con như vậy, vua cha rất vui mừng, được điều chưa từng có, chắp tay hướng về các con nói:
- Thầy của các con là ai? Con là đệ tử của ai?
Hai người con thưa:
- Tâu phụ vương, vị ấy là Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí đang an tọa trên pháp tòa dưới gốc cây Bồ-đề bảy báu, giảng thuyết kinh Pháp Hoa cho tất cả chúng trời, người trong thế gian; đó là Thầy của chúng con, chúng con là đệ tử.
Cha nói với các con:
- Nay ta cũng muốn gặp Thầy của các con, chúng ta nên cùng đi.
Bấy giờ, hai người con từ trên không trung hạ xuống đi đến chỗ mẹ, chắp tay thưa:
- Cha các con nay đã tin hiểu, đã phát tâm cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Chúng con đã vì cha mà làm Phật sự. Xin mẹ cho chúng con đến chỗ Đức Phật để xuất gia tu học.
Muốn trình lại ý trên, hai người con nói kệ:
Mong mẹ cho chúng con
Xuất gia làm Sa-môn,
Các Phật gặp rất khó
Chúng con theo học Phật.
Hoa Ưu-đàm khó thấy
Gặp Phật lại khó hơn,
Thoát các nạn cũng khó
Xin cho con xuất gia.
Mẹ liền nói:
- Ta cho con xuất gia. Vì sao? Vì rất khó gặp Phật.
Lúc đó hai người con thưa với mẹ:
- Lành thay thưa cha mẹ! Bây giờ, chúng con xin đến gặp Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí để gần gũi cúng dường. Vì sao? Vì rất khó gặp Phật, như hoa Ưu-đàm-bát-la, như con rùa một mắt gặp bọng cây nổi. Chúng còn nhờ phước đức sâu dày đời trước, nên đời này gặp Phật pháp. Vì vậy, cha mẹ nên cho con xuất gia. Tại sao? Chư Phật khó gặp, thời kỳ gặp Phật lại khó hơn.
Lúc ấy, nơi hậu cung của vua Diệu Trang Nghiêm có tám vạn bốn ngàn người đều phát tâm thọ trì kinh Pháp Hoa. Bồ-tát Tịnh Nhãn đối với Pháp Hoa Tam-muội đã thông đạt từ lâu. Bồ-tát Tịnh Tạng trong vô lượng trăm ngàn muôn ức kiếp, thông đạt Tam-muội, lìa các cõi ác, muốn cho hết thảy chúng sinh xa rời các cõi ác. Phu nhân của vua được Tam-muội tu tập của chư Phật, có thể biết được tạng bí mật của chư Phật. Hai người con dùng sức phương tiện khéo giáo hóa cha mình, khiến cho tin hiểu rõ, an vui nơi Phật pháp. Lúcấy, vua Diệu Trang Nghiêm cùng đầy đủ quần thần, quyến thuộc, thể nữ nơi hậu cung và hai con của vua cùng với bốn vạn hai ngàn người cùng lúc đến chỗ của Phật.
Đến nơi, họ lạy dưới chân Phật, đi quanh Phật ba vòng, đứng sang một bên.
Bấy giờ, Đức Phật thuyết pháp làm cho vua được lợi ích vui mừng. Vua Diệu Trang Nghiêm cùng phu nhân mở chuỗi ngọc trân châu nơi cổ giá trị đến trăm ngàn lượng vàng, rải trên đất Phật, hóa thành đài báu bốn trụ lơ lửng giữa hư không. Trong đài có tòa báu lớn, được trải bằng trăm ngàn vạn áo trời, trên đó có Đức Phật ngồi kiết già, phóng hào quang rực rỡ.
Bấy giờ, vua Diệu Trang Nghiêm lại nghĩ thân Phật trang nghiêm, thanh tịnh hiếm có, thành tựu sắc thân vi diệu thứ nhất.
Khi ấy, Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí nói với đại chúng:
- Các ông có thấy vua Diệu Trang Nghiêm chắp tay đứng trước ta không? Ở trong pháp ta, vị vua này làm Tỳ-kheo siêng năng tu tập pháp trợ Phật đạo, rồi sẽ thành Phật hiệu Ta-la Thọ Vương, nước tên Đại quang, kiếp tên Đại cao vương. Đức Phật Ta-la Thọ Vương có vô lượng chúng Bồ-tát và Thanh văn, nước ấy bằng phẳng, công đức như vậy.
Khi ấy, nhà vua đem đất nước giao lại cho em. Vua cùng phu nhân, hai con và các quyến thuộc xuất gia học đạo ở trong Phật pháp.
Sau khi xuất gia, trong tám vạn bốn ngàn năm, vua luôn tinh tấn tu hành kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Qua thời gian đó, vua được Tam-muội Nhất thiết tịnh trang nghiêm công đức liền bay lên hư không cao bằng bảy cây Đa-la, bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Nay hai con của con đã làm Phật sự, dùng sức thần thông biến hóa, chuyển đổi tâm tà của con, làm cho con được đứng vững ở trong Phật pháp, được gặp Thế Tôn. Hai người con này là Thiện tri thức của con, vì muốn phát khởi căn lành đời trước và giúp ích cho con nên sinh trong nhà con.
Bấy giờ, Đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí nói với vua Diệu Trang Nghiêm:
- Đúng vậy, đúng vậy, như lời ông nói! Nếu có người thiện nam, tín nữ nào trồng căn lành thì dời đời gặp được Thiện tri thức, những vị Thiện tri thức đó hay làm Phật sự, chỉ dạy làm cho lợi ích, hoan hỷ, khiến đi đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đại vương nên biết, Thiện tri thức là nhân duyên lớn dìu dắt làm cho thấy Phật, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Đại vương! Ông có thấy hai người con không? Hai người này đã từng gần gũi cúng dường sáu mươi lăm trăm ngàn muôn ức na-do-tha hằng hà sa các Đức Phật; gần gũi, cung kính, thọ trì kính Pháp Hoa ở chỗ chư Phật; thương tưởng chúng sính tà kiến khiến vào trong chánh kiến.
Vua Diệu Trang Nghiêm từ trên hư không hạ xuống tán thán Đức Phật:
- Bạch Thế Tôn! Như Lai là bậc hiếm có đầy đủ công đức trí tuệ, nhục kế trên đầu phóng ra ánh sáng rực rỡ, mắt dài rộng màu sắc xanh biếc, tướng lông trắng giữa chân mày như ngọc kha nguyệt, răng trắng đều khít thường có ánh sáng, môi sắc đỏ đẹp như trái tần-bà.
Sau khi khen ngợi Đức Phật có vô lượng trăm ngàn vạn ức công đức như thế, vua Díệu Trang Nghiêm ở trước Đức Phật một lòng chắp tay bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thế Tôn là bậc hiếm có, thành tựu đầy đủ các pháp của Như Lai, công đức vi diệu không thể nghĩ bàn, dạy bảo, hành động an ổn hoàn hảo; con từ nay không còn hành động theo ý mình, không sinh tà kiến, kiêu mạn, giận dữ, các ác.
Nói lời ấy rồi vua lễ Phật lui ra.
Phật bảo đại chúng:
- Các ông nghĩ sao? Vua Diệu Trang Nghiêm đâu phải người nào lạ, nay chính là Bồ-tát Hoa Đức; còn phu nhân Tịnh Đức nay chính là Bồ-tát Quang Chiếu Trang Nghiêm Tướng đang ở trước Đức Phật, vì thương xót vua Diệu Trang Nghiêm cùng các quyến thuộc nên sinh vào nhà này. Hai vị thái tử kia, nay là Bồ-tát Dược Vương, Dược Thượng. Dược Vương, Dược Thượng thành tựu các công đức lớn như vậy là nhờ đã ở chỗ vô lượng trăm ngàn muôn ức chư Phật, trồng các cội công đức, thành tựu các công đức hoàn hảo chẳng thể nghĩ bàn. Nếu có người nào biết tên của hai vị Bồ-tát này thì hết thảy chư Thiên và loài người cũng nên lễ bái người ấy.
Lúc Phật nói phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương Bản Sự có tám vạn bốn ngàn người xa lìa trần cấu, ở trong Phật pháp được pháp nhãn tịnh.
Phẩm 26: BỒ TÁT PHỔ HIỀN KHUYẾN PHÁT
Bấy giờ, Bồ-tát Phổ Hiền dùng thần thông tự tại, uy đức vang xa, cùng với vô lượng, vô biên, vô số các vị Bồ-tát từ phương Đông đi đến; đi qua các nước đều có chấn động, trời mưa hoa sen báu, trổi vô lượng trăm ngàn vạn ức các thứ âm nhạc; tháp tùng với đoàn còn có vô số đại chúng Trời rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Khẩn-na-la, Ca-lầu-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân… mỗi người hiện ra oai đức thần thông, đến thế giới Ta-bà, tại núi Kỳ-xà-quật, đầu mặt lạy Đức Thích-ca Mâu-ni, đi quanh bên phải bảy vòng rồi bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Con ở trong nước Phật Bảo Oai Đức Thượng Vương, nghe ở thế giới Ta-bà thuyết kinh Pháp Hoa nên cùng vô lượng, vô biên trăm ngàn vạn ức chúng Bồ-tát đều đến nghe nhận. Cúi xin Thế Tôn vì chúng con mà dạy bảo: “Sau khi Như Lai diệt độ, thiện nam và thiện nữ làm thế nào để được kinh Pháp Hoa?”
Phật dạy Bồ-tát Phổ Hiền:
- Nếu có thiện nam, thiện nữ nào sau khi Như Lai diệt độ, hoàn thành bốn pháp thì sẽ được kinh Pháp Hoa này. Một là được chư Phật hộ niệm; hai là trồng các cội công đức; ba là nhập vào chánh định tụ; bốn là phát tâm cứu hết thảy chúng sinh. Người thiện nam, tín nữ nào thành tựu bốn pháp như vậy, sau khi Như Lai diệt độ thì được kinh Pháp Hoa.
Lúc ấy, Bồ-tát Phổ Hiền bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Năm trăm năm sau trong đời ác trược, nếu có người nào thọ trì kinh Pháp Hoa này, con sẽ hộ trì, trừ các hoạn nạn cho họ khiến được an ổn, không để một ai tìm cách gây hại họ được; như là ma, hoặc là con của ma, hoặc ma nữ, hoặc ma dân, hoặc người bị ma dựa, hoặc Dạ-xoa, hoặc La-sát, hoặc Cưu-bàn-trà, hoặc Tỳ-xá-xà, hoặc Kết-giá , hoặc Phú-đơn-na, hoặc Vi-đà-la… làm hại đến người ấy đều không thể được. Người ấy khi đi hay đứng tụng kinh này thì lúc ấy con cõi voi chúa trắng sáu ngà cùng đại chúng Bồ-tát đến nơi người ấy mà hiện thân cúng dườn, che chở, làm cho tâm họ được an ổn, cũng để cúng dường kinh Pháp Hoa này.
Nếu người nào ngồi tư duy kinh này, khi ấy con lại cỡi voi chúa trắng hiện ra trước mặt họ; nếu người ấy đối với kinh Pháp Hoa này có quên mất một câu, một bài kệ con sẽ dạy họ và cùng nhau tụng khiến người này được thông suốt. Bấy giờ, người thọ trì, đọc tụng kinh Pháp Hoa này được thấy thân con sẽ rất vui mừng, càng thêm tinh tấn. Nhờ thấy thân con, họ liền được Tam-muội và Đà-la-ni như Triền Đà-la-ni, trăm ngàn vạn ức Triền Đà-la-ni, Pháp âm phương tiện Đà-la-ni, được các Đà-la-ni như vậy.
Bạch Thế Tôn! Sau khi Như Lai diệt độ năm trăm năm sau, trong đời ác trược, nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di tìm cầu thọ trì, đọc tụng, biên chép, tu tập kinh Pháp Hoa này thì trong hai mươi mốt ngày nên nhất tâm tinh tấn, mãn hai mươi mốt ngày đó rồi con sẽ cỡi voi chúa trắng sáu ngà cùng với vô lượng Bồ-tát vây quanh, dùng thân mà tất cả chúng sinh ưa nhìn hiện trước người đó để nói pháp, chỉ dạy lợi ích, an vui; cũng cho thần chú Đà-la-ni, được Đà-la-ni rồi không có phi nhân nào phá hoại được, cũng không bị người nữ làm mê loạn, chính con cũng hộ người ấy. Cúi xin Thế Tôn cho con nói chú Đà-la-ni.
Rồi liền nói ở trước Phật:
“Đa điệt tha, a đàn đồ, đàn đồ bạt để, đàn đồ bạt la đa nhĩ đàn đồ củ xá lê, đàn đồ tô đà lê tô đà-la-ni, a bạt la đát nhĩ, a la đát nhĩ, tăng giá bá lê, ỷ yết tăng già nhĩ, già đa nê đạt la ma bả lê, ỷ yết la bà sa đa, bà hộ lô đa, kiếu xá na gia, a nỗ giả đê tư già tỉ chỉ lê trì đê.”
Bạch Thế Tôn! Nếu có Bồ-tát nghe được thận chú này thì nên biết đó là thần lực của Phổ Hiền. Nếu có người nào trong cõi Diêm-phù-đề thọ trì kinh Pháp Hoa, đó cũng là oai thần lực của Phổ Hiền. Nếu có người nào thọ trì đọc tụng, nghĩ nhớ đúng, hiểu được ý nghĩa và tu hành đúng lời dạy, nên biết người này đang thực hành hạnh Phổ Hiền, ở chỗ vô lượng, vô biên chư Phật trồng sâu căn lành, được Như Lai lấy tay xoa đầu. Nếu chỉ biên chép, người này sau khi qua đời sẽ sinh lên cõi trời Đao-lợi, được tám vạn bốn ngàn Thiên nữ nổi các âm nhạc đón tiếp, được đội mũ bảy báu, vui chơi hưởng lạc cùng các thể nữ; huống chi là người thọ trì đọc tụng, ghi nhớ nghĩa lý như vậy, tu hành đúng lời dạy. Nếu người nào thọ trì, đọc tụng, hiểu rõ nghĩa lý, sau khi qua đời sẽ được ngàn Đức Phật nắm tay khiến cho không sợ hãi, không rơi vào đường ác, sinh lên chỗ Bồ-tát Di-lặc ở cõi trời Đâu-suất. Bồ-tát Di-lặc có ba mươi hai tướng tốt, chúng Đại Bồ-tát vây quanh có trăm ngàn vạn ức quyến thuộc Thiên nữ sống ở trong đó, Ngài có những công đức, lợi ích như vậy. Do đó người trí phải nên một lòng tự chép hoặc bảo người chép, thọ trì đọc tụng, ghi nhớ đúng lời dạy mà tu hành.
Bạch Thế Tôn! Sau khi Như Lai diệt độ, con dùng thần thông bảo hộ kinh này khiến cho lưu truyền rộng rãi không để tuyệt mất trong cõi Diêm-phù-đề.
Lúc ấy Đức Phật Thích-ca Mâu-ni khen ngợi:
- Lành thay, lành thay! Này Phổ Hiền! Ông có thể hỗ trợ kinhnày, làm cho chúng sinh được nhiều an lạc lợi ích, ông đã thành tựu công đức không thể nghĩ bàn, Từ bi rộng lớn. Từ xưa đến nay ông phát tâm Vô thượng Bồ-đề nên mới có nguyện bảo vệ kinh này bằng thần thong. Ta sẽ đem sức thần thông che chở người thọ trì danh hiệu Bồ-tát Phổ Hiền.
Này Phổ Hiển! Nếu có người nào thọ trì, đọc tụng, nhớ nghĩ, tu tập, biên chép kinh này thì nên biết người này người ấy gặp được Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, được nghe kinh này từ miệng Đức Phật nói, nên biết người này đã cúng dường Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, Phật khen ngợi người này, người này được Phật lấy tay xoa đầu, được y của Phật che cho. Người như thế thì không còn tham đắm dục lạc thế gian, không ưa thích kinh sách ngoại đạo, lại không gần gũi người trước tác sách ngoại đạo cùng kẻ hành nghề xấu ác như đồ tể, nuôi heo, dê, gà, chó hoặc kẻ săn bắn, hoặc kẻ buôn bán nữ sắc. Người này tâm ý ngay thẳng, ghi nhớ đúng, có năng lực phước đức. Người này không bị ba độc làm hại, cũng không bị ganh ghét, ngã mạn, tà mạn, tăng thượng mạn gây hại, ít muốn biết đủ, có khả năng tu hạnh Phổ Hiền.
Này Phổ Hiền! Sau khi Như Lai diệt độ năm trăm năm, nếu có người nào thấy ai đọc tụng, thọ thì kinh Pháp Hoa thì nên nghĩ người ấy không bao lâu sẽ đến đạo tràng phá các ma quân, được Vô thượng Bồ-đề, chuyển pháp luân, đánh trống pháp, thổi kèn pháp, rưới mưa pháp và ngồi trên pháp tòa Sư tử giữa chúng trời, người.
Này Phổ Hiển! Đời sau nếu ai thọ trì, đọc tụng kinh này thì không còn tham đắm. Y phục, ngọa cụ, vật thực, tài sản, mong cầu đều được toại nguyện, đời hiện tại người ấy cũng được phước báo.
Nếu có người khinh chê, hủy báng người ấy: “Ông là kẻ điên cuồng, làm việc vô ích, không có kết quả.” Người hủy báng như vậy sẽ bị quả báo mù lòa đời đời. Nếu có người nào cúng dường, tán thán khen ngợi thì đời này sẽ hưởng phước báo. Nếu thấy người thọ trì kinh này mà nêu bày tội lỗi thật, hoặc không thật của họ thì hiện tại người ấy sẽ mắc bệnh hủi. Nếu ai khinh chê cười nhạo thì đời đời răng bị thưa thiếu, môi xấu, mũi tẹt, tay chân cong quẹo, mắt lé, thân thể dơ bẩn ghẻ lở máu mủ, bụng bệnh thủng, hơi ngắn và các bệnh nặng. Do vậy, Phổ Hiền! Nếu thấy người nào thọ trì kinh này thì phải đứng dậy cung kính như đối với Phật.
Khi Phật nói phẩm Phổ Hiền Khuyến Phát này, có hằng hà sa vô lượng, vô biên Bồ-tát được trăm ngàn ức Triền Đà-la-ní và vô số Bồ-tát nhiều như số vi trần trong tam thiên đại thiên thế giới được đầy đủ đạo hạnh Phổ Hiền.
Phẩm 27: CHÚC LỤY
Bấy giờ, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni từ chỗ ngồi đứng dậy hiện sức thần thông lớn, dùng tay phải xoa đầu của vô lượng Đại Bồ-tát, rồi dạy lời này:
- Trong vô lượng trăm ngàn vạn ức a-tăng-kỳ kiếp, ta đã tu tập pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác khó được này. Nay ta đem giao phó cho các ông, các ông phải một lòng truyền bá pháp này rộng khắp, làm cho phát triển.
Phật ba lần xoa đầu các Bồ-tát như thế rồi nói:
- Trong trăm ngàn vạn ức a-tăng-kỳ kiếp, ta đã tu tập pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác khó được này. Nay ta đem giao phó cho các ông, các ông phải họ trì đọc tụng, thuyết giảng pháp này cho tất cả chúng sinh đều được nghe biết.
Vì sao? Vì Như Lai có lòng Từ bi lớn không có bỏn sẻn, không có sợ sệt, có thể làm cho chúng sinh được trí tuệ của Phật, trí tuệ Như Lai, trí tuệ tự nhiên. Như Lai là vị đại thí chủ của chúng sinh. Các ông nên học theo pháp của Như Lai, chớ bỏn sẻn.
Vào đời vị lai, nếu có thiện nam, thiện nữ nào tin tưởng trí tuệ của Như Lai, thì các ông nên giảng nói kinh Pháp Hoa này khiến họ đều nghe biết, đều được trí tuệ của Phật. Nếu có chúng sinh nào không tin và thọ trì thì nên đem giáo pháp thâm diệu khác của Như Lai dạy bảo cho họ, khiến được lợi ích, hoan hỷ. Các ông nếu làm được như thế là đã báo đáp hồng ân của chư Phật.
Nghe Phật dạy như vậy, các Đại Bồ-tát đều rất vui mừng, bày tỏ lòng tin kính, nghiêng mình cúi đầu, chắp tay hướng về Đức Phật đồng thanh thưa:
- Như lời Thế Tôn dạy, chúng con sẽ vâng làm đầy đủ, cúi mong Thế Tôn chớ có lo!
Các chúng Đại Bồ-tát đều lên tiếng thưa ba lần như vầy:
- Như lời Thế Tôn dạy, chúng con sẽ vâng làm đầy đủ, cúi mong Thế Tôn chớ lo!
Bấy giờ, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni muốn phân thân của các Đức Phật trong mười phương đều trở về chỗ cũ nên nói thế này:
- Các Phật đều ở chỗ mình, tháp của Phật Đa Bảo trở về chỗ cũ.
Phật nói dứt lời, vô lượng phân thân của các Đức Phật ngồi trên tòa Sư tử dưới cây báu cùng Phật Đa Bảo và vô Iượng, vô biên a-tăng-kỳ kiếp đại chúng Bồ-tát, bậc thượng hạnh, Xá-lợi-phất, bốn chúng Thanh văn và hàng Trời, Người, A-tu-la, nghe Phật nói kinh này đều rất vui mừng.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 7 quyển »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Lược sử Phật giáo


Báo đáp công ơn cha mẹ


Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 2


Dưới bóng đa chùa Viên Giác

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.101.75 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập