Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Ưu Bà Tắc Giới Kinh [優婆塞戒經] »» Bản Việt dịch quyển số 5 »»

Ưu Bà Tắc Giới Kinh [優婆塞戒經] »» Bản Việt dịch quyển số 5

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (2) » English version (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.58 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.72 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Tại Gia Bồ Tát Giới

Kinh này có 7 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 |
Việt dịch: Thích Tịnh Nghiêm

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Thiện nam tử! Nếu người nào đối với thân, mệnh, tài sản, lận tiếc không chịu bố thí, thì gọi là người bỏn sẻn. Những người này ôm chặt tâm không bố thí, không biết thương xót, lấy lý do tích giữ của cải để tìm bậc phước điền, thế nhưng, khi đã gặp được thì lại tìm lỗi của họ, tự nghĩ tài sản gây dựng khó nhọc, nếu đem cho người khác mình sẽ bị khổ sở, hoặc cho rằng không có nhân quả, không có sự bố thí, cũng không có người thọ nhận; lại có người ôm lòng mến tiếc vợ con quyến thuộc, bòn mót tiền của để cầu danh, cho rằng tài sản là bền chắc, đây gọi là những người keo kiết bẩn thỉu. Sự bẩn thỉu này làm nhơ nhớp tâm thức của chúng sinh, do nhân duyên này, tài vật của người khác, họ còn không dám đem bố thí, huống chi là tài vật của chính họ.
Người trí làm việc bố thí, không phải vì muốn được báo ơn, không phải vì mong cầu phụng sự, không phải vì bênh vực những người bỏn sẻn tham lam, không phải để được mọi người biết được tiếng tốt, không phải vì sợ hãi, không phải vì cầu cạnh người khác, không phải để tranh hơn thua, không phải vì sợ mất của, không phải vì muốn tăng gia của cải, không phải vì không dùng đến, không phải vì sự quy định của gia tộc, cũng không phải vì muốn người khác gần gũi mà bố thí. Người trí làm việc bố thí vì thương xót chúng sinh, vì muốn làm cho mọi người được sự an lạc, vì muốn người khác học tập hạnh bố thí, vì muốn thực hành những hạnh mà các bậc Thánh nhân đã làm, vì muốn diệt trừ các phiền não, vì muốn đoạn trừ hữu lậu, chứng nhập Niết bàn.
Thiện nam tử! Bồ tát làm việc bố thí, xa lìa bốn pháp ác: (1) phá giới, (2) nghi ngờ, (3) tà kiến, (4) bỏn sẻn. Lại có năm pháp: (1) lúc bố thí không chọn người đức hạnh hay không đức hạnh, (2) lúc bố thí không nói việc thiện ác, (3) lúc bố thí không lựa chọn chủng tính, (4) lúc bố thí không coi thường người xin, (5) lúc bố thí không thóa mạ chửi rủa. Lại có ba việc, làm cho người bố thí không được quả báo thù thắng: (1) mới đầu định cho nhiều, sau lại cho ít, (2) lấy đồ vật hư xấu đem bố thí, (3) sau khi bố thí sanh lòng hối hận.
Thiện nam tử! Lại có tám việc, làm cho người bố thí không được quả báo thù thắng: (1) bố thí xong, tìm lỗi người nhận; (2) lúc bố thí, tâm không bình đẳng; (3) bố thí xong, yêu cầu người nhận phục vụ cho mình; (4) bố thí xong, hay tự khen mình; (5) trước nói không có, sau đó mới bố thí; (6) bố thí xong, thóa mạ chửi rủa; (7) bố thí xong, đòi trả lại gấp đôi; (8) bố thí xong, khởi tâm nghi ngờ. Những người bố thí như vậy, ắt sẽ không được gần gũi chư Phật cùng các bậc Hiền thánh.
Nếu đem đồ vật đầy đủ sắc, hương, vị, xúc, bố thí cho người khác, gọi là bố thí thanh tịnh; nếu đồ vật bố thí có được đúng như pháp, gọi là bố thí thanh tịnh; nếu biết rõ tài vật là vô thường, không thể giữ lâu, bèn đem làm việc bố thí, gọi là bố thí thanh tịnh; nếu vì muốn diệt trừ phiền não mà bố thí, gọi là bố thí thanh tịnh; nếu vì muốn thanh tịnh tự tâm mà bố thí, gọi là bố thí thanh tịnh; nếu có thể quán sát ai là người bố thí, ai là người nhận, bố thí vật gì, do nhân duyên gì mà bố thí, sự bố thí tức là mười hai nhập, người nhận, người cho, vật bố thí tức là mười hai nhập, nếu người bố thí có thể quán sát như vậy, gọi là bố thí thanh tịnh. Lúc bố thí, đối với các bậc phước điền, sanh lòng hoan hỷ, giống như các bậc phước điền nguyện cầu công đức, ta cũng phải nguyện cầu công đức không ngừng nghỉ. Bố thí cho vợ con, quyến thuộc, tôi tớ, nên sinh lòng thương xót; bố thí cho người nghèo khốn, vì muốn diệt trừ sự khổ não cho họ. Lúc bố thí không cầu quả báo thế gian, bố thí để diệt trừ sự kiêu mạn, bố thí với tâm nhu hòa, bố thí để được lìa ba cõi, bố thí vì cầu mong sự giải thoát vô thượng, bố thí vì đã quán sát thâm sâu đường sanh tử nhiều tội lỗi, bố thí mà không màng đối tượng có phải là phước điền hay không, người nào có thể bố thí như vậy, nến biết phước báo sẽ không rời người đó, giống như trâu nghé quấn quít bên trâu mẹ.
Nếu có tâm mong cầu quả báo của sự bố thí, thì chẳng khác gì sự đổi chác ở chợ búa. Giống như vì thân mệnh mà cầy cấy trồng trọt sinh sống, tùy mỗi loại hạt giống, mà được cây trái khác nhau. Người bố thí cũng giống như thế, tùy vào vật bố thí và người nhận mà được phước báo khác nhau. Nếu như người nhận, sau khi thọ nhận sự bố thí, tăng trưởng thọ mệnh, nhan sắc, sức lực, an vui, biện tài, thì người bố thí cũng được năm quả báo như thế!
Nếu bố thí cho súc sanh, được phước gấp trăm lần; bố thí cho kẻ phá giới, được phước gấp ngàn lần; bố thí cho người trì giới, được phước gấp mười vạn lần; bố thí cho ngoại đạo đã ly dục, được phước gấp trăm vạn lần; bố thí cho bậc Tu đà hoàn hướng, được phước gấp ngàn ức lần; bố thí cho bậc Tu đà hoàn, được phước vô lượng; bố thí cho bậc Tư đà hàm hướng, được phước vô lượng; nhẫn đến bố thí cho Đức Phật, cũng được phước vô lượng.
Thiện nam tử! Nay ta vì ông mà phân biệt các loại phước điền, mà nói rằng bố thí được phước gấp trăm lần, nhẫn đến được phước vô lượng. Nếu có thể chí tâm phát lòng thương xót rộng lớn, bố thí cho súc sanh, hoặc chuyên tâm cung kính cúng dường chư Phật, hai phước báo này bằng nhau không khác. Nói được phước gấp trăm lần, nghĩa là, như đem thọ mệnh, nhan sắc, sức lực, an vui, biện tài, bố thí cho người xin, thì sau đó người cho sẽ được thọ mệnh, nhan sắc, sức lực, an vui, biện tài, mỗi mỗi đều gấp trăm lần, nhẫn đến vô lượng, cũng giống như vậy. Cho nên trong khế kinh, ta có nói: “Ta bố thí cho ông Xá Lợi Phất, ông Xá Lợi Phất cũng bố thí cho ta, thế nhưng ta được nhiều phước hơn ông ấy.”
Hoặc có người nói: “Nếu người nhận làm ác, người cho sẽ bị tội.” Điều này không đúng. Vì sao? Người cho, lúc bố thí, vì muốn trừ diệt sự khổ não cho người xin, chứ không phải muốn tạo tội, vì thế người cho phải được phước báo! Người nhận dùng của bố thí làm ác, tự mình tạo tội, không can hệ gì đến người cho. Người bố thí, nếu dùng những vật quý báu để bố thí, sau đó sẽ được dung mạo trang nghiêm, mọi người đều ưa mến, tiếng tốt đồn xa, mọi sự mong cầu đều như ý, sinh vào dòng dõi cao quý, không thể gọi đây là ác báo, tại sao lại nói thí chủ bị tội? Người cho sau khi bố thí, vui vẻ không tiếc nuối, gần gũi người lành, giàu sang tự tại, sinh vào gia đình quý tộc, được sự vui người, trời, nhẫn đến sự vui vô thượng, lìa xa tất cả mọi sự trói buộc của phiền não. Chỉ có người bố thí mới có được phước báo như vậy, tại sao lại gọi cho rằng bị ác quả báo? Thí chủ nếu có thể tự tay mình bố thí, sẽ được sinh vào nhà quyền quý, gặp thiện tri thức, tiền của dư dật, quyến thuộc đông đảo, của cải mặc sức tự tiêu dùng hay đem bố thí, tất cả chúng sinh đều vui mừng mong được thấy mặt, thấy rồi cung kính tôn trọng, ca ngợi. Người bố thí được quả báo tốt đẹp như vậy, sao lại cho là bị thọ ác báo? Thí chủ nếu đem của cải thanh tịnh bố thí, nhờ nhân duyên đó của cải, kho đụn tràn đầy, sinh vào nhà quyền quý, quyến thuộc nhiều vô lượng, thân không bệnh khổ, tâm không sợ hãi lo buồn, tất cả tài sản sở hữu, chánh quyền, trộm cướp, lửa cháy, nước trôi, đều không làm tổn hoại. Giả sử có mất mát của cải, cũng không sầu não. Trong vô lượng đời thân tâm an lạc. Tại sao cho rằng thọ ác quả báo? Nếu như, lúc chưa bố thí, phát lòng tin tưởng vào công đức của sự bố thí, lúc bố thí lòng hoan hỷ, sau khi bố thí, trong lòng an lạc, thì lúc đang tìm cầu tài vật để bố thí, lúc giữ gìn tài vật đợi bố thí, lúc ban bố tài vật, đều không cảm thấy khổ não. Nếu dùng y phục bố thí, sẽ được dung mạo trang nghiêm; nếu dùng thức ăn bố thí, sẽ được sức mạnh vô địch; nếu dùng đèn đuốc bố thí, sẽ được đôi mắt sáng ngời; nếu dùng xe cộ bố thí, sẽ được thân thể khoẻ mạnh; nếu dùng nhà cửa bố thí, sẽ được vật dụng dư xài. Người bố thí sẽ được quả lành như thế, tại sao cho rằng bị quả báo xấu?
Lại nữa, người bố thí cúng dường cho Đức Phật xong, Ngài thọ dụng hay không thọ dụng, quả báo bố thí đã được quyết định.
Bố thí cho người khác và bố thí cho chúng tăng có hai loại phước báo: (1) từ sự thọ dụng của người nhận phát sinh, (2) từ công đức của người nhận phát sinh. Vì sao? Lúc thí chủ bố thí, tự trừ diệt được sự bỏn sẻn của chiùnh mình; lúc người nhận thọ dụng, trừ diệt được sự bỏn sẻn của thí chủ, cho nên khế kinh có nói: “Từ sự thọ dụng của người nhận, phát sinh phước báo của thí chủ”. Lại từ phương diện thọ dụng mà nói, nếu người nhận là người tại gia, đem bố thí cho người khác, người bố thí cũng được phước bằng như trước; nhưng nếu người nhận là người xuất gia, nhận xong lại đem bố thí cho vị xuất gia khác, thì phước báo của thí chủ càng lúc càng tăng trưởng. Nếu như khi bố thí không cầu quả báo thế gian, hoặc không vì lý do tăng trưởng phiền não mà bố thí, thì sự bố thí sẽ được quả báo thanh tịnh vô thượng, tức là Niết bàn.
Nếu có người mỗi ngày lập thệ nguyện: “Trước tiên bố thí cho người khác thức ăn, sau đó mới dùng. Nếu như vi phạm lời nguyện, sẽ đền tài vật cho Phật.” Khi vi phạm, sinh lòng hổ thẹn. Nếu như không vi phạm lời nguyện, đây tức là nhân duyên phát sinh trí tuệ vi diệu. Bố thí như vậy là sự bố thí thù thắng nhất. Người bố thí đó được gọi là vị thí chủ bậc thượng.
Nếu như thuận theo ý của người xin, trong vô lượng đời vị lai, thí chủ sẽ được tất cả sở cầu như ý. Nếu như tâm ý, tài vật, phước điền đều thanh tịnh, thì vị thí chủ sẽ được vô lượng quả báo lành. Nếu như đem lòng lo lắng, vui vẽ, cung cấp quần áo, thức ăn cho vợ con, tôi tớ, thì vị thí chủ đó trong tương lai sẽ được vô lượng phước đức.
Nếu thấy vườn ruộng, hoặc trong kho có nhiều chuột, hay chim chóc ăn phá lúa gạo, nên khởi tâm thương xót, nghĩ rằng: “Chim chuột này nhờ ta mà được sống.” Nghĩ xong vui mừng, không còn ý tưởng muốn tàn hại chúng. Nên biết người đó được phước vô lượng.
Nếu vì tự thân mà may sắm quần aó, chuỗi ngọc anh lạc, đồ trang sức, các loại dụng cụ. Sắm sửa xong, lòng sinh vui mừng, nếu chưa kịp sử dụng mà lại đem bố thí cho người khác, thì người đó về sau tất cả sở cầu đều được như ý.
Nếu có người cho rằng: “Lìa sự bố thí được quả báo lành.” Đây là điều không thể có. Không có tài vật, hoặc không có người nhận, hoặc không xả bỏ tâm bỏn sẻn, mà thành sự bố thí, đây là điều không thể có.
Nếu như có người, người khác chưa xin mà đã bố thí, hoặc tự mình đang thiếu thốn mà vẫn bố thí, hoặc xin ít mà bố thí nhiều, xin đồ xấu mà bố thí đồ tốt, chỉ cho người khác cách cầu xin, tự mình đến nơi người xin mà bố thí, nên biết người đó, trong đời vị lai sẽ được nhiều kho báu, những đồ vật tầm thường đều biến thành trân bảo.
Nếu như vì bởn cợt đối phương mà bố thí, hoặc bố thí cho người không phải phước điền, hoặc tuy bố thí mà không tin nhân quả, đây không gọi là bố thí.
Nếu như có người chỉ riêng bố thí cho bậc phước điền lớn, không thích bố thí cho người tầm thường, nên biết người ấy đời sau khi được quả báo, sẽ không ưa thích bố thí.
Nếu có người sau khi bố thí, sinh lòng hối hận, hoặc cướp đoạt vật của người khác đem bố thí, người đó đời sau, tuy được tài vật, thường bị tiêu hao, không cất giữ được.
Nếu làm khổ người thân, lấy vật đem bố thí, người đó đời sau tuy được quả báo lớn, nhưng thường bị bệnh khổ.
Nếu như không biết cúng dường cha mẹ, bức não vợ con, làm tôi tớ khốn khổ, để lấy của đem bố thí, đây gọi là người ác, giả danh bố thí, không phải là sự bố thí có ý nghĩa. Người bố thí đó là người không lòng thương xót, là người vô ơn, trong đời vị lai tuy được tiền tài trân bảo, nhưng thường hao tổn, tán thất, không thể tiêu dùng, thân nhiều bệnh khổ.
Nếu có người như pháp dùng tiền tài bố thí, trong đời vị lai sẽ được vô lượng phước, có tiền của tiêu dùng. Nếu như bố thí tiền tài không như pháp, người đó đời sau tuy được quả báo, phải nương nhờ vào người khác mới được. Nếu như người kia mệnh chung, thì người đó trở lại nghèo cùng.
Thiện nam tử! Bố thí có hai loại, tài thí và pháp thí. Tài thí là bậc hạ, pháp thí là bậc thượng. Thế nào là pháp thí? Nếu có tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, có thể dạy người khác đầy đủ tín tâm, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ; hoặc đem giấy mực cho người khác biên chép, hoặc tự mình biên chép kinh điển của Như Lai, sau đó bố thí cho người khác đọc tụng, đây gọi là pháp thí. Người bố thí pháp, trong vô lượng đời sau, sẽ được dung nhan mỹ lệ. Vì sao? Chúng sinh nghe pháp, đoạn trừ tâm sân, do nhân duyên này, người bố thí trong vô lượng đời, được dung nhan tuyệt thế. Lại nữa, chúng sinh nghe pháp, sinh lòng từ không sát hại, do nhân duyên này, người bố thí trong vô lượng đời sau, được tuổi thọ dài lâu. Lại nữa, chúng sinh nghe pháp, không trộm cướp người khác, do nhân duyên này, thí chủ trong vô lượng đời sau, được nhiều của cải. Lại nữa, chúng sinh nghe pháp, sinh lòng ưa thích bố thí, do nhân duyên này, thí chủ trong vô lượng đời sau, được sức khoẻ dồi dào. Lại nữa, chúng sinh nghe pháp, đoạn trừ sự buông lung, do nhân duyên này, thí chủ trong vô lượng đời sau, thân được an lạc. Lại nữa, chúng sinh nghe pháp, đoạn trừ tâm ngu si, do nhân duyên này, thí chủ trong vô lượng đời sau, được lòng tin sáng tỏ. Các trường hợp trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, cũng giống như vậy. Do đây, pháp thí thù thắng hơn tài thí.
Hoặc có người cho rằng: “Con tu pháp lành, cha làm việc ác. Nhân vì người con tu thiện, người cha sẽ không bị đọa vào ba đường ác.” Điều này không đúng. Vì sao? Vì nghiệp thân khẩu ý của mỗi người đều khác nhau.
Nếu như người cha sau khi mất đọa vào ngạ quỷ, người con vì cha mà tu phước, thì người cha sẽ được phần; còn nếu người cha sinh vào cõi trời, thì sẽ không còn nghĩ đến những vật nhân gian. Vì sao? Vì cõi trời có sẵn những vật trân bảo thù thắng. Nếu như người cha đọa vào địa ngục, thân bị thọ khổ, không còn rãnh để tưởng nghĩ đến vật nhân gian, cho nên không được phần. Đọa vào súc sanh, hoặc sanh cõi người, cũng giống như vậy.
Nếu như hỏi rằng ngạ quỷ vì nhân duyên gì mà được? Nên biết, vì người mệnh chung bổn tính tham lam bỏn sẻn, cho nên đọa vào ngạ quỷ. Sau khi làm ngạ quỷ, tâm thường hối hận lỗi lầm xưa, tưởng nghĩ mong được, cho nên hoạch được phước báo do sự hồi hướng.
Giả như người tu phước đó thác sinh vào cõi khác, còn tất cả quyến thuộc đều bị sinh vào ngạ quỷ, thì tất cả quyến thuộc này sẽ được phước báo do người tu phước hồi hướng. Vì thế, người trí phải nên vì loài ngạ quỷ mà siêng tu phước đức!
Nếu đem quần áo, thức ăn, phòng xá, ngọa cụ, các vật cần dùng, bố thí những khất sĩ bần cùng như sa môn, bà la môn, v.v..., dùng công đức này chú nguyện cho loài ngạ quỷ được phước báo, và nhờ thế lực của nhân duyên bố thí chú nguyện này, những người đọa vào ngạ quỷ sẽ được thế lực lớn. Thí chủ bố thí bao nhiêu, thì họ được hưởng bấy nhiêu phước báo? Vì sao? Vì chỗ thác sinh là như thế.
Thức ăn của loài ngạ quỷ không đồng; hoặc ăn mủ, hoặc ăn phẩn, hoặc ăn máu dơ, đồ thổ mửa, khạc nhổ. Nếu như được sự bố thí vừa nói trên, thì tất cả món ăn của họ sẽ biến thành màu sắc xinh đẹp, mùi vị thơm tho.
Nếu đem nước cặn rửa bát bố thí cho những loài có thể dùng được, nhưng lại bị người khác ngăn chặn, làm cho những loài kia rốt cuộc không được ăn, tuy thế, người bố thí vẫn được phước báo. Vì sao? Vì người bố thí có lòng thương xót.
Nếu như cúng tế quỷ thần thì ai là người thọ hưởng? Điều này tùy vào nơi chốn của chỗ thờ tự đó. Nếu như gần rừng, thì thọ thần hưởng; gần sông, gần suối, gần giếng, rừng núi, ụ đất, v.v..., cũng giống như vậy. Phần người cúng tế cũng được phước đức. Vì sao? Làm cho người thọ nhận sanh lòng vui mừng. Phước của việc cúng tế có thể bảo hộ thân mạng, tài sản.
Nếu cho rằng sát sinh để tế tự sẽ được phước. Điều này không đúng! Vì sao? Chưa từng thấy người thế gian trồng hạt cây y lan mà lại sinh cây chiên đàn, hoặc giết hại sinh mạng của chúng sinh mà lại được phước đức.
Nếu như muốn tế tự, nên dùng hương, hoa, sữa, lạc, tô, thuốc men. Có ba thời gian cầu phước cho người mất: tháng hai mùa xuân, tháng năm mùa hạ, và tháng chín mùa thu.
Nếu đem phòng xá, ngọa cụ, thuốc men, vườn, rừng, ao, giếng, trâu, dê, voi, ngựa, các loại đồ dùng, bố thí cho người khác, sau khi bố thí rồi mệnh chung, tùy theo những đồ vật bốâ thí xử dụng lâu hay mau, phước đức của người bố thí, tùy đó mà sinh trưởng. Phước đức theo bên người đó, như bóng theo hình.
Hoặc có người cho rằng: “Sau khi mệnh chung, phước đức của sự bố thí gián đoạn.” Điều này không đúng. Vì sao? Chỉ có hai lúc, hoặc vật bố thí bị hư hoại, hoặc người nhận không còn xử dụng, thì phước đức bố thí mới gián đoạn, chứ không phải lúc người bố thí mệnh chung.
Nếu người xuất gia bắt chước người tại gia, vào những ngày lễ lộc, bày tiệc ăn uống vui mừng, đây gọi là bắt chước thế gian, chẳng phải chân thực, mặc dù người đó cũng tin pháp thế gian và pháp xuất thế gian.
Nếu có thể thường ưa thích đem bố thí đồ vật trong nhà, dù tốt hay xấu, đây gọi là bố thí tất cả.
Nếu đem thân thể, vợ con, những vật quí báu bố thí cho người khác, thì gọi là sự bố thí không thể nghĩ bàn.
Nếu bố thí cho mười một loại người như sau: (1) người ác, (2) người phá giới, (3) người oán thù, (4) người không biết ơn nghĩa, (5) người không tin nhân quả, (6) người cưỡng bức cầu đòi, (7) người có thế lực lớn, (8) người hung hãn chửi rủa, (9) người nhận bố thí rồi sinh sân, (10) người giả bộ đạo đức, (11) người giàu sang quyền quí, thì gọi là sự bố thí không thể nghĩ bàn.
Thiện nam tử! Tất cả sự bố thí có ba căn bổn: (1) bố thí cho người nghèo vì lòng thương xót, (2) bố thí cho kẻ oán thù không cần đền ơn, (3) bố thí cho bậc phước đức, tâm vui mừng kính trọng.
Thiện nam tử! Nếu có người giàu có, trong vô lượng đời cúng dường Tam Bảo, tuy được vô lượng phước đức, không bằng khuyên người khác cùng mình làm việc thiện.
Nếu có người hiềm vật bố thí ít ỏi, hư xấu, bèn hổ thẹn không chịu đem bố thí, người đó đang làm tăng trưởng sự nghèo khổ của chiùnh mình trong đời sau.
Hai người cùng làm việc bố thí, nếu tài vật, bậc phước điền, tâm bố thí bằng nhau, thì hai người sẽ được quả báo bằng nhau không khác.
Nếu tài vật và tâm bố thí như nhau, người nào bố thí cho bậc phước điền thù thắng, thì được phước báo thù thắng.
Nếu phước điền và tâm bố thí đều là bậc hạ, người nào bố thí tài vật thù thắng, sẽ được quả báo thù thắng.
Nếu như phước điền, tài vật đều là bậc hạ, người nào có tâm bố thí thù thắng, sẽ được quả báo thù thắng.
Nếu như phước điền và tài vật đều thù thắng, người nào tâm bố thí bậc hạ, được quả báo sẽ không bằng người kia.
Thiện nam tử! Người trí lúc bố thí không cầu quả báo. Vì sao? Biết chắc tạo nhân ắt sẽ có quả. Nếu người không có tâm từ, không biết ơn nghĩa, không ham thích công đức của các bậc thánh nhân, luyến tiếc tài sản, thân mệnh, lòng tham mạnh mẽ, những người như vậy không thể bố thí.
Người trí quán sát tất cả chúng sanh, nếu có người nào, lúc cầu tài sản, không tiếc thân mệnh, sau khi được tài vật lại có thể đem bố thí cho người khác, nên biết người đó có thể hy sinh thân mệnh. Người bỏn sẻn không thể bố thí tài sản, nên biết người đó cũng tham tiếc thân mệnh. Người nào có thể xả bỏ thân mạng để cầu được tài vật đem bố thí, nên biết người đó là đại thí chủ.
Nếu người được tài sản, tham tiếc không bố thí, nên biết người đó đang trồng hạt giống bần cùng trong đời vị lai. Cho nên trong khế kinh, ta có nói: “Trong bốn châu thiên hạ, người châu Diêm phù đề có ba việc thù thắng: (1) dũng kiện, (2) có tâm ghi nhớ, (3) hạnh thanh tịnh.” Không thấy quả báo mà biết tu nhân; không tiếc thân mệnh cầu được tài vật để bố thí; phá trừ tâm bỏn sẻn, đem tài sản bố thí; sau khi bố thí tâm không hối tiếc, lại có thể phân biệt phước điền và không phải phước điền. Đây gọi là dũng kiện.
Thiện nam tử! Bố thí xong sinh lòng hối tiếc là do ba việc: (1) tham tiếc tài sản, (2) nghe theo tà kiến, (3) thấy lỗi của người nhận. Lại có ba việc: (1) sợ người khác quở trách, (2) sợ hết của sẽ bị khổ, (3) thấy người khác sau khi bố thí trở nên nghèo cùng khổ não.
Thiện nam tử! Người trí đối với việc bố thí không bao giờ sinh tâm hối hận. Lại có ba việc làm cho không sinh tâm hối hận: (1) sáng suốt tin nhân quả, (2) gần gũi bạn lành, (3) không tham tiếc tài sản. Tin nhân quả lại có hai việc: (1) tin sâu, (2) trí tuệ. Không tham tiếc tài sản cũng có hai việc: (1) quán vô thường, (2) không được tự tại.
Thiện nam tử! Người bố thí nếu có thể quán sát, thực hành việc bố thí như thế, nên biết người đó có thể thực hành đầy đủ bố thí ba la mật. Cho nên trước đây ta đã nói: “Có bố thí không phải ba la mật, có ba la mật không phải bố thí, có bố thí vừa là ba la mật, có vừa không phải bố thí vừa không phải ba la mật.”
Thiện nam tử! Người trí có ba hạng: (1) có thể xả bỏ vật bên ngoài, (2) có thể bố thí thân thể, (3) sau khi bố thí thân mệnh tài sản, lại còn giáo hóa chúng sinh.
Làm thế nào để giáo hóa? Thấy người nghèo khổ, trước tiên nên hỏi họ: “Ông có thể quy y Tam Bảo không? Có thể thọ trai giới không?” Nếu trả lời có thể, trước tiên truyền thọ Tam quy y và trai giới, sau đó bố thí tài vật. Nếu trả lời không thể, nên nói với họ: “Nếu như không thể, ông có thể lập lại theo tôi rằng các pháp là vô thường, vô ngã, Niết bàn tịch tĩnh hay không?” Nếu trả lời có thể, liền dạy họ nói, sau đó bố thí. Nếu họ trả lời chỉ có thể nói hai việc, mà không thể nói các pháp vô ngã, thì nên nói với họ: “Nếu ông không thể nói các pháp vô ngã, ông có thể nói các pháp không có tự tính hay không?” Nếu trả lời có thể, dạy họ nói xong, sau đó bố thí. Nếu như có thể trước tiên giáo hóa sau hành bố thí, người đó được gọi là bậc đại thí chủ.
Thiện nam tử! Nếu như có thể giáo hóa chúng sinh như thế, nhẫn đến không phân biệt người thân kẻ thù, người đó được gọi là bậc đại thí chủ.
Thiện nam tử! Người trí lúc có tài vật để bố thí, phải nên tu tập hạnh bố thí như trên. Nếu như không có tài vật, nên chỉ bảo cho những người có tài vật tu hạnh bố thí. Nếu như các vị thí chủ đó, trước đã biết pháp này, không cần phải chỉ bảo, thì tự mình nên đến giúp đỡ họ làm việc bố thí.
Nếu người nghèo không tài vật, nên học các phương thuốc cùng các loại chú thuật, tìm cầu những phương thuốc thông thường, đem bố thí cho những người cần dùng. Hết lòng khám bệnh, chăm sóc, trị liệu. Khuyến khích người có của, bào chế các thứ thuốc, hoặc thuốc viên, thuốc bột, thuốc thang, v.v...
Sau khi biết rõ phương pháp trị bệnh, đi khắp nơi để khám bệnh, tùy phương chẩn mạch, tìm rõ bệnh tình, sau đó tùy theo căn bệnh mà trị liệu. Trong lúc trị liệu, khéo biết phương tiện, tuy gặp hoàn cảnh thiếu vệ sinh, cũng không sinh tâm nhờm gớm. Không những biết rõ bệnh tình tăng giảm, lại còn biết rõ loại thuốc nào, thức ăn nào có thể làm tăng thêm hoặc giảm bớt căn bệnh. Nếu như người bệnh đòi ăn những thứ thức ăn, hoặc uống những thứ thuốc làm tăng bệnh, thì phải nên khéo léo giảng giải cho họ, không nên cấm đoán. Nếu như cấm đoán, có thể làm cho họ tăng thêm đau khổ. Nếu như biết chắc người bệnh sẽ chết, không nên nói thẳng với họ, mà nên dạy họ quy y Tam Bảo, niệm Phật pháp tăng, siêng tu cúng dường. Nên nói với họ bệnh khổ là do nhân duyên không lành đời trước, cho nên bị khổ báo, nay phải nên sám hối. Nếu người bệnh nghe xong, hoặc sinh lòng sân hận, chửi rủa, nhục mạ, nên im lặng không đối đáp, cũng không xả bỏ họ. Mặc dù chăm sóc trị liệu cho họ, cẩn thận không nên trách cứ họ vô ơn. Sau khi lành bệnh, vẫn đến thăm nom, sợ sau đó họ lao nhọc, bệnh sẽ tái phát.
Nếu thấy bình phục sức khoẻ như xưa, nên sinh lòng vui mừng, không cầu báo ơn. Nếu như người bệnh mệnh chung, nên lo việc an táng. Thuyết pháp an ủi những người quen biết và thân quyến của họ.
Không nên đem thức ăn hoặc thuốc men có hại cho sức khoẻ, bố thí cho người khác. Nếu người bệnh sau khi lành mạnh, vui mừng đem đồ vật đền ơn, cũng nên thâu nhận, sau đó đem bố thí cho người nghèo khổ khác.
Nếu có thể khám bệnh, chăm sóc, trị liệu như thế, nên biết người đó là đại thí chủ, chân thực cầu đạo Vô thượng Bồ đề.
Thiện nam tử! Người trí lúc cầu Vô thượng Bồ đề, tuy của cải dư dật, cũng nên học tập phương pháp trị bệnh, tạo lập phòng khám bệnh, cung cấp đầy đủ đồ cần dùng, thực phẩm, thuốc men, v.v..., cho bệnh nhân.
Đường xá lồi lõm, chật hẹp, nên sửa chửa cho bằng phẳng, rộng rãi; trừ dẹp chông gai, đá sỏi, phẩn uế, nhơ nhớp. Chỗ hiểm trở nếu cần dùng ván, thang, cây, dây thừng, thảy đều bố thí.
Cạnh đường lộ nơi chốn hoang vu, nên đào giếng, trồng cây ăn trái, sửa sang khe lạch. Nơi không cây cối, vun trồng cây cối. Vệ đường nơi các người gánh gồng nghỉ chân, vì họ đắp những chỗ ngồi. Xây tạo trạm nghỉ ngơi, trang bị đầy đủ các vật cần dùng như bình, bồn, đèn đuốc, giường chiếu. Nơi có các dòng nước dơ chảy qua, làm cầu bắc ngang. Nơi các bến đò, bến sông, làm cầu, bố thí thuyền bè. Những người không thể tự qua sông lạch, tự mình đến đưa họ qua. Đối với người già, trẻ con, bệnh hoạn, ốm yếu, tự tay dẫn dắt, giúp họ băng qua sông lạch. Bên cạnh đường xây tháp, trồng hoa, cây ăn trái. Thấy người sợ hãi trốn chạy, giúp họ bằng cách che dấu, sau đó đem của cải, dùng lời khéo léo khuyên người bắt tha mạng.
Nếu thấy người đến gần chỗ nguy hiểm, liền đến đón đưa, giúp cho qua khỏi. Nếu thấy có người không nhà cửa, linh đinh lưu lạc, tùy nghi bố thí, dùng lời an ủi. Người đi đường xa mệt mỏi, giúp họ tắm rửa, xoa bóp tay chân, cho họ giường ghế, nếu không giường ghế, lấy cỏ trải mà làm chỗ nghỉ ngơi.
Lúc nóng nực, bố thí quạt và quần áo mát; lúc lạnh, bố thí lửa và quần áo ấm. Hoặc tự mình bố thí, hoặc chỉ bảo người khác bố thí.
Đối với người mua bán, khuyên nhắc họ nên đối xử bình đẳng, không vì tham chút lợi mà dối gạt lẫn nhau.
Thấy người đi đường, chỉ dẫn đường nào nên đi, đường nào không nên đi. Đường nên đi là đường có nước cỏ, không có giặc cướp; đường không nên đi là chỗ có nhiều hoạn nạn.
Thấy có người giày, dép, quần áo, bình bát cũ rách hư tổn, giúp cho họ vá may, giặt nhuộm, sửa chửa.
Nếu có nạn chuột, rắn, chấy rận, trùng độc, đều nên trừ dẹp.
Bố thí vật cọ lưng, đồ cắt móng tay, móc tai; vá may, giặt giũ đồ vật của chúng tăng, chẳng hạn như tọa cụ, y áo, v.v... Trong nhà xí để sẵn nước sạch, xà phòng hay tro đất sạch, v.v...
Nếu tự mình may y phục, làm bình bát, trước tiên nên dâng cúng Phật, sau đó dâng cho cha mẹ, sư trưởng, hòa thượng thọ dụng trước, sau đó mới tới phiên mình. Nếu như trước đã cúng Phật y, bát, v.v..., có thể dùng hoa, hương chuộc lại, cúng cho người khác dùng.
Các thức ăn uống, trước tiên phải nên cúng dường sa môn, phạm chí, rồi sau mới ăn.
Thấy có người ở xa đến, nhỏ nhẹ hỏi han, cung cấp cho họ nước sạch tắm rửa, sau đó đưa dầu xoa chân, hương, hoa, tăm xỉa răng, xà phòng, tro đất sạch, dầu thơm, nước thơm, mật, tỳ bát la xá lặc, áo lót; sau khi người đó xoa dầu, tắm rửa xong, lại đem các loại hương hoa, thuốc hoàn, thuốc tán, thức ăn, nước trái cây, tùy theo chỗ cần dùng mà bố thí.
Lại bố thí dao cạo râu tóc, đảy lọc nước, kim, chỉ, y nạp, giấy, bút, mực, v.v... Nếu không thể thường bố thí, thì nên bố thí vào những ngày thọ bát quan trai.
Nếu thấy người mù, tự đến cầm tay dẫn dắt, hoặc bố thí gậy và chỉ đường cho họ. Nếu thấy người khổ, mất mát tài sản, cha mẹ chết hết, nên đem tài vật cung cấp, dùng lời khéo léo nói pháp, an ủi, can gián, khuyên lơn, khéo nói về hai loại quả báo: phiền não và phước đức.
Thiện nam tử! Nếu người nào có thể tu tập sự bố thí như vậy, thì được gọi là vị đại thí chủ.
Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia làm thí chủ thanh tịnh, điều này không khó. Bồ tát tại gia làm thí chủ thanh tịnh, điều này mới khó. Vì sao? Vì người tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.
Phẩm Hai Mươi
Thanh Tịnh Tam Quy Y

Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Như Đức Phật trước đây có nói 'Nếu có người đến cầu thọ giới Bồ tát, trước tiên nên cho họ thọ Tam quy y, sau đó mới thọ giới Bồ tát.' Do nhân duyên gì mà phải thọ Tam quy y? Thế nào là Tam quy y?”
- Thiện nam tử! Vì muốn phá diệt sự khổ đau, đoạn trừ phiền não, hưởng thọ sự vui tịch diệt vô thượng, do nhân duyên này mà thọ Tam quy y. Như lời ông vừa hỏi, Tam quy y tức là Phật, pháp, tăng. Phật là bậc chỉ dạy phương pháp trừ diệt nguyên nhân của phiền não, để đạt đến sự giải thoát chân chánh; Pháp là phương pháp trừ diệt nguyên nhân của phiền não, để đạt đến sự giải thoát chân thực; còn Tăng là người bẩm thọ phương pháp diệt trừ nguyên nhân của phiền não, để đạt đến sự giải thoát chân chánh. Có người nói rằng: “Nếu vậy, tức là chỉ có một quy y.” Điều này không đúng. Vì sao? Đức Như Lai xuất hiện hay không xuất hiện thế gian, Chánh pháp vẫn thường tồn tại, thế nhưng không có người giảng nói. Sau khi Đức Như Lai xuất thế, Ngài là bậc giảng nói Chánh pháp, cho nên phải riêng thọ quy y Phật. Lại nữa, Đức Như Lai xuất thế hay không xuất thế, Chánh pháp vẫn thường hiện hữu, thế nhưng không có người bẫm thọ, chỉ có đệ tử của Phật mới có thể bẩm thọ, cho nên phải riêng thọ quy y Tăng. Con đường giải thoát chân thực gọi là pháp, bậc không thầy mà tự giác ngộ gọi là Phật, có thể thọ trì đúng như pháp thì gọi là Tăng. Không có Tam quy y thì làm sao nói có Bốn lòng tin không hoại?[23] Những nguời bẩm thọ Tam quy y, hoặc bẩm thọ đủ, hoặc không đủ. Thế nào gọi là đủ? Nghĩa là quy y Phật, Pháp, Tăng. Thế nào là không đủ. Như Đức Như Lai chỉ quy y Pháp mà không quy y Tăng. Còn các tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di đều bẩm thọ đầy đủ Tam quy y.
Thiện nam tử! Như Phật, Duyên giác, Thanh văn, có sự khác biệt, bởi thế Tam Bảo cũng có sự khác biệt. Khác biệt thế nào? Những sự phát tâm, tu hành, đắc đạo đều có sự khác biệt, cho nên gọi là khác biệt. Nhân duyên nào mà cho rằng Phật tức là Pháp? Vì hiểu rõ các pháp, cho nên gọi là Phật. Bẩm thọ giáo pháp của Phật thì gọi là Tăng. Nếu nói rằng: “Phật thuộc vào hàng ngũ của Tăng”, điều này không đúng. Vì sao? Nếu Phật thuộc vào hàng ngũ của Tăng, thì sẽ không có Tam Bảo, Tam quy y và Bốn lòng tin không hoại. Này thiện nam tử! Pháp của Bồ tát khác biệt, cho nên Phật và Tăng cũng khác biệt. Bồ tát có hai loại, một là Bồ tát hậu thân, hai là Bồ tát tu đạo. Nếu quy y với Bồ tát hậu thân, thì gọi là quy y Pháp; còn quy y với Bồ tát tu đạo, thì gọi là quy y Tăng. Những bậc quán sát các pháp hữu vi đầy dẫy những tội chướng lỗi lầm, riêng một mình tu tập, được vị cam lộ, thì được gọi là Phật. Tất cả pháp giới vô lậu vô vi được gọi là Pháp. Những bậc thọ trì cấm giới, đọc tụng, giảng nói mười hai phần giáo, thì được gọi là Tăng. Nếu có người nói: “Sau khi Đức Như Lai đã diệt độ, thì quy y Phật là quy y với ai?”
Thiện nam tử! Quy y như thế là quy y với pháp vô học của chư Phật đời quá khứ. Như trước đây ta có dạy ông trưởng giả Đề Vị rằng: “Ông nên quy y với chư Tăng đời vị lai.” Quy y với chư Phật đời quá khứ cũng giống như vậy! Vì quả báo, phước điền, hoặc nhiều hoặc ít, mà chia làm ba ngôi Phật, Pháp, Tăng. Đức Phật còn tại thế hay sau khi nhập Niết bàn, quả báo của sự cúng dường không có gì khác biệt. Sự thọ Tam quy y cũng giống như vậy. Như Đức Phật lúc tại thế, vì các hàng đệ tử chế lập giới luật. Sau khi Ngài nhập Niết bàn, nếu có người phạm giới, cũng vẫn phạm tội. Quy y chư Phật đời quá khứ cũng giống như thế. Cũng như lúc Đức Như Lai gần nhập Niết bàn, tất cả trời người vì cầu pháp Niết bàn, nên đều dâng lễ vật cúng dường lên Đức Như Lai, khi ấy Đức Như Lai chưa nhập Niết bàn, vẫn còn tại thế, Ngài đã thọ nhận sự cúng dường của chúng sinh đời vị lai. Quy y chư Phật đời quá khứ cũng giống như thế. Giống như có người, cha mẹ tuy ở xa, nếu người ấy giận dữ mắng chửi cha mẹ, cũng sẽ mắc tội; hoặc nếu như đối với cha mẹ cung kính, khen ngợi, cũng sẽ được phước. Quy y chư Phật đời quá khứ cũng giống như thế. Cho nên ta có nói: “Nếu có người cúng dường cho ta, khi còn tại thế hay sau khi nhập Niết bàn, phước đức sẽ như nhau, không có sự khác biệt.”
Thiện nam tử! Người nam, hoặc người nữ nào, nếu có thể lập lại ba lần pháp Tam quy y, thì người đó gọi là ưu bà tắc, hoặc ưu bà di. Tuy rằng tất cả chư Phật đều quy y Pháp, thế nhưng Pháp phải do chư Phật nói ra, mới có thể hiển hiện ở thế gian, vì thế chúng sinh trước tiên phải quy y Phật. Nếu đem thân khẩu ý thanh tịnh chí tâm niệm Phật, ắt sẽ xa lìa được sự sợ hãi khổ não, vì thế trước tiên phải quy y Phật. Người trí quán sát sâu xa sự tối thắng của trí tuệ giải thoát của Đức Như Lai, Ngài có thể nói pháp giải thoát, nói nhân cho sự giải thoát, có thể chỉ cho chúng sinh nơi vô thượng tịch tĩnh, có thể làm khô cạn biển lớn sinh tử khổ não. Đức Phật uy nghi chững chạc, ba nghiệp tịch tĩnh, vì thế, trước tiên phải quy y Phật.
Người trí quán sát thâm sâu pháp sinh tử là tập hợp của sự khổ, chỉ có đạo Chân chánh Vô thượng mới có thể trừ đoạn. Pháp sinh tử là pháp tham ái, đói khát, chỉ có Cam lộ Vô thượng mới có thể viên mãn tất cả sự mong cầu. Pháp sinh tử là sự sợ hãi, hiểm nạn, chỉ có Chánh pháp Vô thượng mới có thể trừ đoạn. Pháp sinh tử, đầy dẫy sự sai lầm, tà vạy bất chánh, vô thường chấp là thường, vô ngã chấp là ngã, không vui chấp là vui, bất tịnh chấp là tịnh, chỉ có Chánh pháp Vô thượng có thể đoạn trừ tất cả, do nhân duyên này, nên phải quy y Pháp.
Người trí nên quán sát những kẻ ngoại đạo, không biết hổ thẹn, không sống đúng như pháp, tuy cũng tu hành, nhưng lại không biết con đường chơn chánh, tuy cũng cầu giải thoát, nhưng không biết điểm cốt yếu chân thật, tuy cũng được chút ít pháp lành của thế gian, nhưng lại bỏn sẽn giấu diếm, không chịu truyền dạy cho người khác, cái không phải là pháp lành, lại cho là pháp lành. Còn như các vị Tăng trong Phật pháp, tâm tính tịch tĩnh, lòng thường thương xót, ít muốn biết đủ, sống đúng như pháp, tu tập chánh đạo, được sự giải thoát chân chánh, đã được rồi lại đem chỉ dạy cho người khác, bởi thế, kế đó phải quy y Tăng.
Nếu có người lễ bái Tam Bảo, cung kính đón đưa, tôn trọng khen ngợi, sống đúng như pháp, tin tưởng không nghi, như thế gọi là cúng dường Tam Bảo. Nếu như có người sau khi quy y Tam Bảo, tuy chưa thọ giới, nhưng lại đoạn trừ tất cả pháp ác, tu tập tất cả pháp lành, tuy đó là người tại gia, nhưng sống đúng như pháp, người đó cũng được gọi là ưu bà tắc. Nếu có người cho rằng: “Nếu trước đó không quy y Tam Bảo Phật Pháp Tăng, nên biết người thọ giới đó không đắc ngũ giới.” Điều này không phải như vậy. Vì sao? Như trước đây ta có nói: “Thiện lai tỳ kheo.” Những người đó chưa hề quy y Tam Bảo, thế nhưng bọn họ đều được đầy đủ giới pháp. Hoặc có người cho rằng: “Nếu không thọ hết các giới tướng, thì sẽ không đắc được giới thể. Pháp bát quan trai cũng giống như thế.” Thế nhưng, điều này lại cũng không phải như vậy. Vì sao? Nếu như không thọ hết tất cả giới tướng thì không đắc được giới thể, tại sao những ưu bà tắc chỉ mong cầu phước lạc nhân thiên lại được đắc giới? Sự thật là đắc được giới thể, chỉ có giới tướng là không đầy đủ. Tương tự, không thọ đủ giới tướng Bát giới trai, tuy không gọi là trai, nhưng vẫn có thể gọi là pháp lành.
Thiện nam tử! Nếu có thể dùng nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh thọ giới ưu bà tắc, thì gọi là ngũ ấm. Thế nào là ngũ ấm? Không thọ nhận tà kiến, không giảng nói tà kiến, tin tưởng thọ nhận chánh kiến, giảng nói chánh kiến, tu hành Chánh pháp, đây gọi là ngũ ấm.
Nếu như sau khi thọ Tam quy y, lại tạo tác nghiệp ngu si, tiếp thọ tà pháp của ngoại đạo, nghe lời của bọn Tự tại thiên, do nhân duyên này sẽ mất Tam quy y. Nếu có người lòng dạ ngay thẳng, không bỏn sẻn tham lam, thường biết hổ thẹn, ít muốn biết đủ, người đó không bao lâu sẽ được Thân tịch tĩnh. Nếu như tạo tác nghiệp tạp nhiễm, vì muốn hưởng sự vui sướng mà tu các pháp lành, nhưng lòng không biết thương xót chúng sinh, giống như việc mua bán đổi chác, những người như vậy không đắc được pháp Tam quy y. Nếu như có người vì muốn giữ gìn nhà cửa, thân mạng, mà thờ cúng thần linh, những người đó không gọi là mất Tam quy y. Nếu như có người hết lòng tin tưởng rằng ngoại đạo có thể cứu giúp mình qua tất cả sự sợ hãi, mà lễ lạy bọn họ, thì người đó mất Tam quy y. Nếu như nghe các vị trời đó đã từng quy y Phật, công đức của họ thù thắng hơn mình, thì sự lễ bái cúng dường họ cũng không mất pháp Tam quy y. Nếu lễ lạy Tự tại thiên vương cũng giống như lễ lạy các vị quốc vương, trưởng giả, quý tộc, những người tuổi tác đức hạnh, thì những người lễ lạy đó cũng không mất pháp Tam quy y.
Tuy có lúc lễ lạy tà pháp của ngoại đạo, thế nhưng, phải nên cẩn thận không tiếp thọ giáo pháp của bọn họ. Lúc cúng dường chư thiên, nên khởi tâm từ bi, vì muốn bảo hộ thân mạng, của cải, cõi nước, và làm cho nhân dân không sợ hãi. Tại sao không tiếp thọ những tà thuyết của ngoại đạo? Người trí nên quán sát những gì mà ngoại đạo nói, bọn họ cho rằng tất cả mọi vật đều do trời Tự tại sinh ra. Nếu tất cả đều do trời Tự tại sinh ra, tại sao ngày hôm nay chúng ta lại phải tu tập pháp lành? Hoặc có người nói: “Nhảy xuống vực sâu, nhảy vào lửa, nhịn đói, tự vận thì được hết khổ.” Những điều này là nhân của sự khổ, tại sao lại cho rằng nhờ đây sẽ được hết khổ? Tất cả chúng sinh làm nghiệp thiện ác, do nghiệp duyên này mà tự mình thọ quả báo. Lại có người cho rằng: “Tất cả vạn vật, hoặc do thời gian, hoặc do tinh tú, hoặc do trời Tự tại sinh ra.” Nếu thế, tại sao chúng ta lại thọ nhận quả báo của nghiệp trong đời này và đời quá khứ? Người trí biết rõ đó là quả báo của nghiệp, tại sao lại cho rằng mọi vật là do thời tiết, tinh tú, hoặc trời Tự tại sinh ra? Nếu do nhân duyên của thời tiết, tinh tú mà thọ sự khổ, sự vui, như vậy, trong thiên hạ có nhiều người sinh đồng thời tiết, hoặc cùng tinh tú, tại sao người này thọ khổ, người kia hưởng vui? Người này là nam, người kia là nữ? Như các vị trời, và a tu la, sinh ra đồng thời tiết, hoặc cùng tinh tú, tại sao hoặc là trời thắng, a tu la thua, hoặc là a tu la thắng, trời thua. Tại sao lại có các vị vua, tuy cũng sinh đồng thời, cùng tinh tú, mà trên phương diện chánh trị, lại có người mất nước, có người giữ nước. Các bọn ngoại đạo lại cũng nói rằng: “Nếu có năm xấu, lúc sao xấu xuất hiện, phải dạy bảo cho chúng sinh tu pháp lành để tiêu tai giải nạn.” Nếu nhân vì năm xấu, hoặc sao xấu, tại sao do tu pháp lành lại qua tai nạn? Đã biết như vậy, người trí sao lại còn lãnh thọ tà thuyết sai lầm của ngoại đạo?
Thiện nam tử! Tất cả chúng sinh tùy hạnh nghiệp của mình, nếu biết tu tập chánh kiến sẽ hưởng sự an vui, nếu như tu tập tà kiến sẽ thọ nhiều khổ não. Nhờ tu tập nghiệp lành mà được tự tại, sau khi được tự tại, chúng sinh sẽ đến gần gũi, sau đó vì chúng sinh mà nói nghiệp lành, chúng sinh nhờ nghiệp lành mà được tự tại. Tất cả chúng sinh nhờ tu nghiệp lành mà được an lạc, chẳng phải do năm tháng, hay do tinh tú.
Thiện nam tử! Vua A Xà Thế và Đề Bà Đạt Đa, đã do tạo nghiệp mà đọa địa ngục, chẳng phải do năm tháng, tinh tú mà bị quả báo đó. Còn ông Uất Đầu Lam Phất do vì nhân duyên tà kiến, mà trong tương lai sẽ đọa địa ngục.
Thiện nam tử! Lòng ham muốn là gốc của tất cả pháp lành. Do lòng ham muốn mà được ba pháp Bồ Đề và quả giải thoát. Do lòng ham muốn mà chúng sinh xuất gia, phá nghiệp ác căn bản và nghiệp gây tạo sinh tử luân hồi. Có thể thọ trì giới luật, gần gũi chư Phật, bố thí tất cả của cải cho những người đến xin. Kiên quyết phá diệt tất cả quả báo ác, trừ diệt tất cả nghiệp ác lớn, được “quyết định tụ”, xa lìa ba chướng, khéo léo tu tập phương pháp phá diệt phiền não. Bởi do lòng ham muốn, có thể thọ trì Tam quy y. Do đã thọ Tam quy y, có thể thọ ngũ giới. Sau khi thọ giới, tất cả sự kiến đạo, tu đạo, đều hơn hàng Thanh văn. Ngay những người vì sợ sư tử, cọp, sói, ác thú mà quy y Phật, còn được giải thoát, huống chi những người phát tâm lành cầu thoát ly sinh tử mà không được giải thoát? Khi ông Cấp Cô Độc bảo người vợ thọ Tam quy y cho đứa con còn trong thai, thì đứa trẻ đó chưa thành tựu pháp Tam quy y. Vì sao? Vì pháp Tam quy y phải do tự miệng mình nói ra. Tuy chưa thành tựu, nhưng đứa trẻ trong thai cũng được long thiên bảo hộ.
Thiện nam tử! Bọn ngoại đạo cho rằng tất cả pháp thế gian đều do trời Tự Tại tạo ra, lại còn cho rằng trong tương lai, sau một trăm kiếp, sẽ có người huyễn xuất hiện. Bọn họ nói “người huyễn”, là muốn ám chỉ Đức Phật. Nếu như trời Tự Tại tạo ra Phật, tại sao Phật lại đả phá ý nghĩa của sự “quy y trời Tự Tại”? Nếu như trời Tự Tại không tạo ra Phật, tại sao lại nói trời Tự Tại tạo ra tất cả? Bọn ngoại đạo lại cho rằng: “Ba vị trời Phạm Thiên, Đại Tự Tại, và Tỳ Nữu, chỉ là một vị, nhưng chỗ sinh của mỗi vị đều khác nhau. Trời Tự tại, còn có tên là “Thường”, là “Chúa”, là “Hữu”, là “Luật đà”, là “Thi Bà”, mỗi tên đều có ý nghĩa khác nhau. Trời Tự tại là người cầu sự giải thoát, mà cũng chiùnh là sự giải thoát.” Thế nhưng điều này không đúng. Vì sao? Nếu trời Tự Tại có thể tạo ra chúng sinh, thì ông ta cũng tạo ra thế gian, tạo ra nghiệp thiện ác cùng quả báo của nghiệp, tạo ra tham, sân, si trói buộc chúng sinh. Bọn ngoại đạo lại cho rằng, lúc chúng sinh được giải thoát, sẽ nhập vào thân của trời Tự Tại, cho nên biết rằng giải thoát là pháp vô thường. Điều này không đúng. Vì sao? Nếu là vô thường, thì làm sao gọi là giải thoát? Ví như đứa con của người Bà la môn, thọ mạng có hạn, cho nên biết ông ta không được gọi là trời Tự Tại. Ba vị trời Đại Phạm Thiên, Đại Tự Tại, và Tỳ Nữu cũng chẳng phải là một. Vì sao? Vì giống dân A Châu Na được giải thoát bởi trời Tỳ Nữu và trời Đại Phạm, vì lý do đó, ba vị trời này không phải là một.
Nếu cho rằng giải thoát là pháp vô thường, thì sự giải thoát là huyễn hóa, chứ không phải Đức Phật là huyễn hóa. Nếu như có thể thấy chân ngã một cách chánh xác rõ ràng, gọi là sự giải thoát. Hoặc có người cho rằng: “Thấy được sự khác biệt của bổn tánh, và sự khác biệt của chân ngã, gọi là giải thoát.” Điều này không đúng! Vì sao? Người nào tu đạo thấy được bốn Thánh đế, đó mới là người thấy được bổn tánh, thấy được chân ngã, và hơn nữa, chỉ có người thọ Tam quy y mới có thể thấy bốn Chân đế, vì thế pháp Tam quy y là căn bổn cho vô lượng pháp lành, nhẫn đến A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề.
Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia thanh tịnh Tam quy y, điều này không khó. Bồ tát tại gia thanh tịnh Tam quy y, điều này mới khó. Vì sao? Vì người tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.
Phẩm Hai Mươi Mốt
Bát Quan Trai Giới

Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Nếu có người thọ Tam quy y, và giới Bát quan trai, người đó sẽ được những quả báo gì?”
- Thiện nam tử! Nếu có người thọ Tam quy y, phải biết rằng người đó sẽ được quả báo không thể cùng tận.
Thiện nam tử! Trong nước Ca Lăng Già có kho bảy báu tên là Tân Già La. Tất cả nhân dân trong nước đó, lớn, nhỏ, nam, nữ, trong bảy năm bảy tháng bảy ngày, đem tất cả xe cộ, voi, ngựa, lạc đà, lừa, v.v..., đến để chuyên chở mà vẫn không hết. Nếu như có người chí tâm thọ trì Tam quy y và giới Bát quan trai, người đó sẽ được quả báo công đức còn nhiều hơn của cải trong kho bảy báu.
Thiện nam tử! Trong nước Tỳ Đề Ha có kho bảy báu tên là Bán Lục Ca. Tất cả nhân dân trong nước đó, lớn, nhỏ, nam, nữ, trong bảy năm bảy tháng bảy ngày, đem tất cả xe cộ, voi, ngựa, lạc đà, lừa, v.v..., đến để chuyên chở mà vẫn không hết. Nếu như có người chí tâm thọ trì Tam quy y và giới Bát quan trai, người đó sẽ được quả báo công đức còn nhiều hơn của cải trong kho bảy báu.
Thiện nam tử! Trong nước Ba La Nại có kho bảy báu tên là Nhương Khê. Tất cả nhân dân trong nước đó, lớn, nhỏ, nam, nữ, trong bảy năm bảy tháng bảy ngày, đem tất cả xe cộ, voi, ngựa, lạc đà, lừa, v.v..., đến để chuyên chở mà vẫn không hết. Nếu như có người chí tâm thọ trì Tam quy y và giới Bát quan trai, người đó sẽ được quả báo công đức còn nhiều hơn của cải trong kho bảy báu.
Thiện nam tử! Trong nước Càn Đà La có kho bảy báu tên là Y La Bát Đa. Tất cả nhân dân trong nước đó, lớn, nhỏ, nam, nữ, trong bảy năm bảy tháng bảy ngày, đem tất cả xe cộ, voi, ngựa, lạc đà, lừa, v.v..., đến để chuyên chở mà vẫn không hết. Nếu như có người chí tâm thọ trì Tam quy y và giới Bát quan trai, người đó sẽ được quả báo công đức còn nhiều hơn của cải trong kho bảy báu.
Thiện nam tử! Nếu có người từ các vị xuất gia ba phen thọ Tam quy y và Bát giới, thì người ấy sẽ đầy đủ giới thể tịnh hạnh ưu bà tắc trong một ngày đêm. Qua ngày sau, lúc mặt trời mọc, thì giới thể ấy sẽ tự động tiêu mất. Do đó, không được thọ giới trước Phật, mà phải thọ từ các vị xuất gia. Người thọ giới, căn bản đã thanh tịnh, thọ xong giữ giới thanh tịnh, trang nghiêm thanh tịnh, giác quán thanh tịnh, tâm niệm thanh tịnh, quả báo thanh tịnh. Đây gọi là Tam quy y, Bát giới thanh tịnh.
Thiện nam tử! Nếu có thể thọ Tam quy y Bát giới thanh tịnh như vậy, sẽ trừ diệt được tội ngũ nghịch, và các tội báo khác. Giới Bát quan trai này, hai người không thể cùng thọ một lúc. Vì sao? Nếu như hai người cùng thọ một lúc, do nhân duyên gì mà một người phạm giới, một người trì giới? Hơn nữa, do thế lực của giới pháp, đời sau, khi sinh ra, sẽ không tạo ác nghiệp; còn như, nếu sau khi thọ giới lại hủy phạm, thì cũng không bị vĩnh viễn mất đi giới thể.
Nếu như có người, trước đó gửi thư sai kẻ thuộc hạ đi giết người, vì thư đi chậm, chưa đến nơi kẻ thuộc hạ, trong khoảng thời gian đó người ấy lại phát tâm thọ giới. Trong khi đang thọ giới, kẻ thuộc hạ nhận được thư, bèn đi giết người. Tuy là hai việc thọ giới và giết người xảy ra cùng lúc, nhưng vì thế lực của giới, người thọ giới cũng không phạm tội sát sinh.
Nếu có người quyền thế, ra lệnh cho thuộc hạ làm việc ác, nếu muốn thọ giới Bát quan trai, trước tiên phải ra lệnh ngưng làm việc ác đó, thì sau đó sự thọ giới mới có thể thành tựu. Nếu như trước đó không ra lệnh ngăn cấm việc ác, mà lại đi thọ giới, thì không gọi là thọ Bát quan trai. Nếu người quyền thế muốn thọ Bát quan trai, trước tiên phải thông báo cho tất cả mọi người trong khu vực cai trị của mình rằng mình muốn thọ giới Bát quan trai, và ra lệnh trong ngày thọ Bát quan trai đó, phải ngưng tất cả những việc ác, cùng những việc hành hình, xử phạt. Nếu có thể thọ trì giới Bát quan trai thanh tịnh như vậy, người đó sẽ được vô lượng phước báo, nhẫn đến quả vui Vô thượng.
Khi Đức Di Lặc ra đời, lúc đó thọ trì Bát quan trai cả trăm năm, không bằng trong đời hiện nay thọ giới trong một ngày đêm. Vì sao? Vì trong đời hiện nay, chúng sinh gồm đủ năm điều ô trược. Bởi thế, ta có dạy Lộc Tử Mẫu rằng: “Này thiện nữ nhân! Nếu cây Sa la có thể thọ giới Bát quan trai, thì nó cũng sẽ được quả vui trời người, nhẫn đến quả vui Vô thượng.”
Thiện nam tử! Giới Bát quan trai này là một việc làm dễ dàng, mà lại có thể được vô lượng công đức. Nếu có việc dễ làm mà không chịu làm, đó gọi là người phóng dật.
Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia có thể dạy bảo chúng sinh thọ Bát quan trai thanh tịnh, điều này không khó. Bồ tát tại gia dạy bảo người khác thọ giới thanh tịnh, điều này mới khó. Vì sao? Vì người tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.


Chú thích:
[23] Bốn lòng tin không hoại: nghĩa là lòng tin đối với Phật, pháp, tăng và giới không còn bị dao động, phá hoại.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 7 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 13.59.58.68 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập