Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Gọi đủ: Phạm võng kinh Lô xá na Phật thuyết bồ tát tâm địa giới phẩm đệ thập. Cũng gọi Phạm võng kinh Bồ tát tâm địa phẩm, Phạm võng giới phẩm Kinh, 2 quyển, tương truyền do ngài Cưu ma la thập dịch vào đời Diêu Tần, được thu vào Đại chính tạng tập 24.
Nội dung kinh này nói về các giai vị tu đạo của Bồ tát và 10 giới nặng, 48 giới nhẹ mà Bồ tát thụ trì. Cứ theo bài tựa của ngài Tăng triệu trong kinh Phạm võng, Quảng bản của kinh này gồm có 61 phẩm, 120 quyển, kinh này là phẩm thứ 10. Giáo môn của chư Phật trùng trùng vô tận, trang nghiêm pháp thân không bị ngăn ngại, giống như mạng lưới (võng)Nhân đà la của Đại Phạm thiên vương, lớp lớp giao thoa xen lẫn nhau không cùng tận, cho nên kinh này được gọi là kinh Phạm võng.
- Quyển thượng: Từ tầng trời Đệ tứ thiền, đức Phật Thích ca tiếp dắt đại chúng về cung Tử kim cương quang minh ở thế giới Liên hoa tạng, chiêm ngưỡng đức Phật Lô xá na và thưa hỏi về nhân hạnh của Bồ tát, đức Phật Lô xá na liền đối trước trăm nghìn Phật Thích ca nói rộng về 40 pháp môn: 10 tâm phát thú, 10 tâm trưởng dưỡng, 10 tâm kim cương và 10 địa.
-Quyển hạ: Nói về 10 giới nặng và 48 giới nhẹ của Bồ tát. Đây là các giới pháp do đức Phật Thích ca chỉ dạy dưới gốc cây Bồ đề ở cõi Diêm phù đề trong thế giới Sa bà.
Kinh này được xem là kinh điển bậc nhất về luật Đại thừa, rất được giới Phật giáo Trung quốc và Nhật bản coi trọng. Ngài Tối trừng của Nhật bản đã lấy kinh này làm căn cứ, dựa vào đó mà xử đoán các vấn đề có liên quan đến giới luật đương thời.
Ngoài ra, kinh này vốn do đức Phật Lô xá na tuyên thuyết, đức Phật Thích ca nói lại dưới gốc cây Bồ đề, vì thế nên được xếp vào loại kinh Hoa nghiêm. Bởi lẽ không rõ sự thực lịch sử về sự lưu truyền và người phiên dịch, vả lại, trong lời văn phần nhiều dẫn dụng các kinh khác, nên cũng được suy đoán là không phải dịch từ bản tiếng Phạm, mà là do người Trung quốc ngụy tạo và thời đại biên soạn có lẽ vào khoảng những năm cuối đời Lưu Tống. Xưa nay kinh này thường được lưu hành quyển hạ, gọi là Phạm võng bồ tát giới kinh, Bồ tát giới bản, Đa la giới bản, Bồ tát ba la đề mộc xoa kinh, Phạm võng kinh Lô xá na Phật thuyết bồ tát thập trọng tứ thập bát khinh giới.
Kinh này có rất nhiều sách chú thích như: Bồ tát giới nghĩa sớ, 2 quyển, do ngàiTrí khải soạn vào đời Tùy; Thiên thai bồ tát giới sớ, 3 quyển, do ngài Minh khoáng san bổ vào đời Đường; Phạm võng kinh bồ tát giới bản sớ, 6 quyển, do ngài Pháp tạng soạn vào đời Đường; Bồ tát giới bản sớ, 3 quyển, do ngài Nghĩa tịch, người Tân la soạn. [X. Kim cương đính kinh đại du già bí mật tâm địa pháp môn nghĩa quyết Q.thượng; Khai nguyên thích giáo lục Q.4; luận Hiển giới Q.trung].
PHẠM VÕNG KINH.
Bồ Tát Giới được đề cập trong Kinh Phạm Võng rất cụ thể.
Kinh nầy theo lời tựa của Ngài Tăng Triệu, thì Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch gồm có 120 cuốn, bao gồm 61 phẩm. Nhưng, hiện tại ở Đại Tạng Tân Tu chỉ hai cuốn Thượng và Hạ.
Nội dung của cuốn Thượng nói rằng: Đức Phật Thích Ca bấy giờ, ở tại cõi trời Ma Hê Thủ La của sắc giới, đã đưa tất cả đại chúng đến Liên Hoa Đài Tạng Thế Giới để gặp Đức Phật Tỳ Lô Xá Na, nhằm hỏi con đường thành tựu hàng Bồ Tát Thập địa và cũng như những hình thái để thành tựu Phật quả.
Và bấy giờ, Đức Phật Tỳ Lô Xá Na, đã nói cho đại chúng nghe pháp môn Tâm địa, tức là con đường tu tập thành Phật của Ngài, và thế giới Liên Hoa Đài Tạng là do Ngài tu tập pháp môn Tam địa nầy mà tạo nên, cũng như trăm ngàn ức Đức Thích Ca cũng đều là hóa thân từ Ngài.
Đức Phật Tỳ Lô Xá Na đã nói cho ngàn Đức Phật Thích Ca báo thân và trăm ngàn Đức Phật Thích Ca ứng hóa thân về pháp môn Tâm Địa, mà trong đó gồm có: Thập Phát Thú Tâm, Thập Trưởng Dưỡng Tâm, Thập Kim Cang Tâm và Thập Địa.
Cuốn Hạ, thì kinh đề cập đến sự ẩn một của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ nơi thế giới Liên Hoa Đài Tạng và sự xuất hiện của Ngài trong thế giới Ta Bà nầy. Trong đó, nội dung đề cập đến thân thế, chí nguyện xuất gia, tu tập, thành đạo và nói năm mươi tám giới của Bồ Tát, gồm mười giới tướng là thuộc về giới pháp vô tận.
Bốn mươi tám giới còn lại là thuộc về giới nhẹ, nghĩa là chúng không quan trọng so với mười giới pháp vô tận, nhưng nó lại cần thiết để thành tựu pháp môn Tâm địa.
Kinh do Ngài cưu Ma La Thập (Kumarajìra) dịch vào thời hậu Tần.
Ngài người Kucha (Khâu Tư) thuộc Ấn Độ, xuất gia năm bảy tuổi. Ngài là vị thần đồng không thua bất cứ ai về sự thông minh vào thời bấy giờ.
Ngài học thông Tam Tạng, đáp ứng lời mời của vua Phù Kiên đời Tiền Tần, nên đã đến Trung Quốc năm 383-386.
Ngài đã ở Tràng An để dịch thuật nhiều kinh điển từ Phạn sang Hán và mất năm 413 T L.
Sự nghiệp dịch kinh của Ngài đã để lại cho đời rất vĩ đại. Kinh Phạm Võng là một bản kinh do Ngài dịch, hiện đang được lưu hành, trì tụng rất phổ biến ở các nước Phật giáo Đại Thừa. Kinh hiện có ở Đại Tạng Tân Tu 24, trang 997.
Kinh Phạm Võng
Đức Phật Lô-xá-na thuyết tâm địa giới của Bồ-tát
Phẩm thứ mười
(Quyển thượng)
Thời Hậu Tần, nước Quy Tư, Tam tạng Cưu Ma La Thập dịch.
Bấy giờ, đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở tại cung điện của thiên vương Ma Hê Thủ La, nơi Đệ tứ thiền địa, cùng với vô lượng Đại Phạm thiên vương, và bất khả thuyết bất khả thuyết chúng Bồ tát; Ngài thuyết phẩm Pháp Môn Tâm Địa mà đức Phật Lô Xá Na đã nói ở thế giới Liên Hoa Đài Tạng.
Khi ấy, thân đức Phật Thích Ca phóng ra ánh sáng trí tuệ, chiếu từ thiên vương cung đây cho đến thế giới Liên Hoa Đài Tạng. Chúng sinh trong các thế giới được ánh sáng chiếu đến, thảy đều biểu lộ niềm hoan hỷ an lạc, đều sinh nghi ngờ, không biết lý do gì mà có ánh sáng này; vô lượng chư thiên, loài người cũng sinh nghi ngờ.
Bấy giờ, trong đại chúng có bồ-tát Huyền Thông Hoa Quang Vương vừa rời khỏi Đại trang nghiêm hoa quang tam muội. Đức Phật dùng thần lực phóng ra ánh sáng màu mây trắng và kim cương, soi sáng tất cả thế giới, do đó tất cả Bồ tát cùng về tập hội, chung lòng khác miệng, thưa hỏi: “Những ánh sáng này là biểu tượng cho gì?”
Khi ấy, đức Thích Ca liền nâng đỡ đại chúng ở thế giới này đưa về thế giới Liên Hoa Đài Tạng, vào trong trăm vạn ức cung điện Tử Kim Cương Quang Minh, thấy đức Phật Lô Xá Na đang ngồi trên tòa hoa sen triệu cánh rực rỡ ánh sáng. Sau khi đức Phật Thích Ca và chư đại chúng kính lễ dưới chân đức Phật Lô Xá Na, đức Phật Thích Ca thưa: “Trong thế giới này, tất cả chúng sinh nơi đại địa và hư không thực hành nhân duyên gì để thành tựu con đường của Bồ tát thập địa? Thành tựu quả Phật bằng những sắc thái nào?” Như trong phẩm Phật Tánh Bản Nguyên có hỏi rộng về chủng tử của tất cả Bồ tát.
Bấy giờ, đức Phật Lô Xá Na liền rất hoan hỷ, hiện ra thể tánh hư không và ánh sáng, cùng Bản nguyên thành Phật thường trú pháp thân tam muội, chỉ dạy chư đại chúng: “Này chư Phật tử, hãy lắng nghe, khéo tư duy và tu hành, Ta đã trải qua trăm A tăng kỳ kiếp tu hành tâm địa, lấy đó làm nhân tố, mới bỏ được tánh phàm phu mà thành Đẳng chánh giác, hiệu là Lô Xá Na, trú thế giới hải Liên Hoa Đài Tạng. Có ngàn cánh hoa sen bao quanh đài ấy, một cánh là một thế giới, làm thành một ngàn thế giới. Ta hóa ra một ngàn đức Thích Ca trú ở một ngàn thế giới. Rồi thì một thế giới cánh sen, lại có trăm ức núi Tu Di, trăm ức mặt trời - mặt trăng, trăm ức Bốn châu thiên hạ, trăm ức Nam Diêm Phù Đề, trăm ức Bồ tát Thích Ca ngồi dưới trăm ức cội Bồ đề, mỗi đức Thích Ca sẽ nói pháp môn Tâm địa của Bồ-đề-tát-đỏa mà các ông vừa hỏi. Chín trăm chín mươi chín đức Thích Ca còn lại cũng như vậy. Ngàn Phật Thích Ca hiện ra ngàn lần trăm ức đức Thích Ca. Ngàn Phật Thích Ca trên ngàn cánh sen là hóa thân của Ta. Ngàn lần trăm ức đức Thích Ca là hóa thân của ngàn Phật Thích Ca. Ta chính là bản nguyên, danh hiệu là Phật Lô Xá Na.”
Bấy giờ, đức Phật Lô Xá Na ngự trên tòa Liên Hoa Đài Tạng, dạy bảo thêm cho lời hỏi về pháp môn Tâm địa của ngàn Phật Thích Ca và ngàn lần trăm ức đức Thích Ca: “Chư Phật nên biết, trong tín nhẫn kiên cố có mười tâm phát thú để hướng quả: 1. Xả tâm; 2. Giới tâm; 3. Nhẫn tâm; 4. Tiến tâm; 5. Định tâm; 6. Tuệ tâm; 7. Nguyện tâm; 8. Hộ tâm; 9. Hỷ tâm; 10. Đảnh tâm. Chư Phật nên biết, từ mười tâm phát thú đi vào pháp nhẫn kiên cố, có mười tâm trưởng dưỡng để hướng quả: 1. Từ tâm; 2. Bi tâm; 3. Hỷ tâm; 4. Xả tâm; 5. Thí tâm; 6. Hảo ngữ tâm; 7. Ích tâm; 8. Đồng tâm; 9. Định tâm; 10. Tuệ tâm. Chư Phật nên biết, từ mười tâm trưởng dưỡng đi vào tu nhẫn kiên cố, có mười tâm kim cương để hướng quả: 1. Tín tâm; 2. Niệm tâm; 3. Hồi hướng tâm; 4. Đạt tâm; 5. Trực tâm; 6. Bất thối tâm; 7. Đại thừa tâm; 8. Vô tướng tâm; 9. Tuệ tâm; 10. Bất hoại tâm. Chư Phật nên biết, từ mười tâm kim cương đi vào thánh nhẫn kiên cố, có mười địa để hướng quả: 1. Thể tánh bình đẳng địa; 2. Thể tánh thiện tuệ địa; 3. Thể tánh quang minh địa; 4. Thể tánh nhĩ diễm địa; 5. Thể tánh tuệ chiếu địa; 6. Thể tánh hoa quang địa; 7. Thể tánh mãn túc địa; 8. Thể tánh Phật hống địa; 9. Thể tánh hoa nghiêm địa; 10. Thể tánh nhập Phật giới địa. Đó là phẩm loại của bốn mươi pháp môn. Đó là căn nguyên tu hành đi vào quả Phật khi Ta làm Bồ tát. Như vậy, tất cả chúng sinh đi vào phát thú, trưởng dưỡng, kim cương, thập địa, chứng thành quả Phật: vô vi, vô tướng, đại mãn thường trú, mười lực, mười tám hành bất cộng, đầy đủ pháp thân, trí thân.”
Bấy giờ, nơi thế giới Liên Hoa Đài Tạng, đức Phật Lô Xá Na đang ngự trên tòa ánh sáng lớn rực rỡ; ngàn đức Phật ngự trên ngàn cánh hoa; ngàn lần trăm ức đức Phật trú nơi tất cả thế giới Phật. Trong chúng hội có một vị Bồ tát tên là Hoa Quang Vương Đại Trí Minh Bồ tát, từ chỗ ngồi đứng dậy, thưa với đức Phật Lô Xá Na rằng: “Bạch đức Thế Tôn, Ngài đã khai thị sơ lược về danh tướng của mười phát thú, mười trưởng dưỡng, mười kim cương và mười địa. Đối với những nghĩa lý mà chưa thể hiểu rõ, cúi xin đức Thế Tôn nói đó, cúi xin đức Thế Tôn nói đó.” Đó là tất cả trí môn của Diệu cực Kim cương bảo tạng, mà trong phẩm Như Lai Bách Quán đã hỏi rõ.
Bấy giờ, đức Phật Lô Xá Na dạy: “Ngàn Phật hãy lắng nghe! Trước hết Ta sẽ nói cho các ông thế nào là nghĩa của mười phát thú. Chư Phật tử, xả tâm là xả tất cả các vật hữu vi như quốc độ, thành ấp, ruộng vườn, nhà cửa, vàng bạc châu báu, người nam, người nữ, bản thân. Xả tất cả là vô vi, vô tướng . Tri kiến về mình người toàn do giả danh hội hợp, thành ra có chủ thể tạo tác ngã kiến. Mười hai nhân duyên thì không có hội hợp, không có tan rã, không có thọ giả. Mười hai nhập, mười tám giới, năm ấm, tất cả pháp là tướng nhất hợp, nhưng là tướng vô ngã và vô ngã sở, do giả hợp làm thành các pháp. Nếu đối với tất cả pháp ở trong và tất cả pháp ở ngoài mà Bồ tát không xả bỏ, không thọ nhận, thì gọi là Như giả hội quán hiện tiền. Xả tâm thì đi vào Không tam muội.”
“Chư Phật tử! Giới tâm là phi giới, là chẳng phải phi giới, là không có người thọ giới, là thập thiện giới, là không có đạo sư thuyết pháp, là không dối trá cho đến không tà kiến, là không có sự tập khởi. Tình thương, lương thiện, trong sáng, thẳng thắng, chánh đáng, chân thật, chánh kiến, xả, hỷ, là thể tánh của mười giới. Giới ấy chế ngự và đình chỉ tám thứ điên đảo , rời xa tất cả tánh [nhị biên], là con đường duy nhất đưa tới thanh tịnh.”
“Chư Phật tử! Nhẫn tâm là thể tánh của trí tuệ hữu tướng và vô tướng. Nhất thiết không gọi là Không nhẫn. Nhất thiết xứ nhẫn gọi là Vô sinh hành nhẫn. Nhất thiết xứ đắc gọi là Như khổ nhẫn. Vô lượng hành tướng, mỗi một hành tướng gọi là nhẫn. Nhẫn là không nhận, không đánh, không dao gậy, không tâm giận dữ, đều là chân như. Không có tánh chất biệt lập, đế lý nhất tướng, không có vô tướng, có vô hữu tướng, chẳng phải phi tâm tướng, duyên và vô duyên tướng, đứng đi động dừng, mình người trói buộc và cởi thoát; tất cả các pháp đều là chân như, nên sắc thái của nhẫn là bất khả đắc.”
“Chư Phật tử! Tiến tâm là thực hành bốn uy nghi trong mọi thời gian, chế phục cái không và cái giả, thể hội pháp tánh , lên núi vô sinh, để thấy tất cả pháp là hữu, vô, như hữu, như vô . Quán nhập đại địa, xanh, vàng, đỏ, trắng , biến khắp tất cả, cho đến trí tánh của Tam bảo. Đem tất cả đức tin ấy để thăng tiến đạo: không, vô sinh, vô tác, vô tuệ . Từ cái không đi vào pháp thế tục đế mà không có hai tướng. Tương tục không tâm để thấu suốt thiện căn tiến phần.”
“Chư Phật tử! Định tâm là tịch diệt vô tướng. Người [thông đạt] vô tướng bấy giờ đi vào nội không, gặp bậc đạo tâm chúng sinh , không nói duyên, không thấy vô tướng, có vô lượng hạnh, được Vô lượng tâm tam muội. Phàm phu và Thánh nhân, ai cũng có thể đi vào tam muội, nếu có được định lực và tương ưng được với thể tánh thanh tịnh. Ngã, nhân, tác giả, thọ giả và tất cả phược là nhân duyên chướng ngại cho sự kiến tánh. Tâm trí tán động thì không cần tĩnh lặng mà tự diệt. Không không thì tám thứ điên đảo không còn duyên tố [sinh khởi]. Tuệ quán về giả danh và thanh tịnh thì tất cả ý niệm giả hợp đều diệt. Tất cả tội tánh nhận chịu quả dị thục trong ba cõi được diệt trừ toàn do có được định tâm, từ đó phát sinh tất cả thiện.”
“Chư Phật tử! Tuệ tâm là tuệ giác về không. Tuệ tâm ấy chẳng phải không có duyên tố. Nhận biết thể tánh gọi là tâm. Tâm phân biệt được tất cả pháp, tạm gọi là ông chủ. Tâm ấy xuyên suốt và đồng điệu với tuệ giác, nắm giữ quả, thực hành nhân, nhập Thánh xả phàm, diệt tội khởi phước, giải thoát những phiền não trói buộc, đó là thể tánh và công dụng của tâm. Tất cả những kiến chấp về thường, lạc, ngã, tịnh có ra là do không hiểu rõ phiền não và tuệ tánh. Lấy tuệ làm đầu, tu hành tuệ quán bất khả thuyết , đi vào trung đạo nhất đế . Cái tuệ bị vô minh che lấp, tuệ ấy chẳng có tướng, chẳng từ đâu đến, chẳng phải duyên, chẳng phải tội, chẳng phải tám thứ điên đảo, không có sinh diệt. Ánh sáng tuệ giác soi chiếu bao trùm cái không, từ đó phương tiện chuyển biến thành thần thông, vì lấy cái thể của trí làm ra cái dụng của tuệ vậy.”
“Chư Phật tử! Nguyện tâm là thệ nguyện và mong cầu sự vĩ đại , đó là cầu nhất thiết trí. Vì quả trí mà thực hành nhân hạnh, cho nên nguyện tâm tiếp nối nguyện tâm, tương tục trải trăm [A tăng kỳ] kiếp. Đắc quả Phật thì tội chướng diệt, thiết tha cầu tâm địa, cầu đạt vô sinh, không không và nhất nguyện. Khi tu quán thì phải quán nhập chánh định soi chiếu tuệ giác. Vô lượng thấy biết bị trói buộc nhờ tâm mong cầu mà được giải thoát. Vô lượng diệu hạnh nương tâm mong cầu mà được thành tựu. Vô lượng công đức của bồ đề lấy tâm mong cầu làm căn bản. Khởi đầu phát tâm mong cầu, khoảng giữa tu đạo, thực hiện trọn vẹn những nguyện cầu thì quả Phật liền thành tựu. Quán nhập trung đạo nhất đế, [thường an trú tịch tĩnh], thì chẳng có tịch chiếu, chẳng có ấm giới, chẳng có mất đi và sinh ra, cái thấy chẳng phải là cái thấy. Hiểu biết về tuệ giác là thể tánh của nguyện, là bản nguyên của tất cả hành.”
“Chư Phật tử! Hộ tâm là hộ trì Tam bảo và hộ trì công đức của tất cả hành, bằng cách không cho ngoại đạo, tám thứ điên đảo, ác tà kiến, v.v… nhiễu loạn đức tin chân chánh. Diệt ngã phược và kiến phược bằng tuệ quán vô sinh thì thông suốt hai đế chân tục. Quán tâm ngay hiện tại là sự hộ trì căn bản , trong đó: (1) Hộ trì vô tướng là hộ trì ba giải thoát môn: không, vô tác và vô tướng, để tâm và tuệ đi vào vô sinh, để không đạo và trí đạo đều là ánh sáng. (2) Hộ trì ánh sáng [tuệ giác] là quán nhập đạo lý không và giả nơi các pháp, thấy từng phần là huyễn hóa. Huyễn hóa sinh khởi thì như là không có (như vô). Pháp thể như vô ấy dù tập khởi hay ly tán đều không thể hộ trì, [không thể thủ đắc] . Quán pháp cũng như vậy.”
“Chư Phật tử! Hỷ tâm là thường sinh tùy hỷ, vui thích khi thấy người khác và muôn vật được an vui. Thể hội đạo lý giả không và tịch chiếu, cho nên không đi vào hữu vi, không đi vào vô vi, có được đại lạc của sự tịch nhiên: không có hội hợp, không có ly tán, có tiếp nhận thì dạy dỗ, có giáo pháp thì học hỏi. Huyền diệu (vô vi) và giả huyễn (hữu vi) là pháp tánh bình đẳng. Quán chiếu chuyên nhất vào tâm và tâm hành, nghe nhiều về phước đức và công hạnh của chư Phật. Hoan hỷ và trí tuệ thì vô tướng, nên khi duyên với các pháp, trong tâm sinh khởi ý niệm mà tâm vẫn vắng lặng, sáng soi và an lạc.”
“Chư Phật tử! Đảnh tâm là Bồ tát có được cái trí tối thượng, diệt được vô ngã luân , những kiến nghi về thân và tất cả phiền não tham, sân, v.v... , đảnh pháp quán trí liên tục, quán trí liên tục đảnh pháp . Nhân quả trong pháp giới đều là nhất đạo chân như. Trí tác quán đây là trí tối thắng thượng, như đảnh của sự vật, như đảnh đầu người. Quán trí ấy chẳng phải thân kiến, chẳng phải sáu mươi hai kiến chấp, chẳng phải năm uẩn sinh diệt, chẳng phải thần ngã làm chủ sự chuyển động co duỗi, không tác ý, không cảm thọ, không tâm hành, không có gì để nắm buộc. Bồ tát bấy giờ đi vào nội không, gặp bậc đạo tâm chúng sinh, không thấy duyên, không thấy phi duyên, trú Đảnh tam muội, được Tịch diệt định, phát khởi diệu hạnh, hướng đến tuệ giác, tánh thật. Bồ tát đối với thường kiến về mình người, sinh tám thứ điên đảo, thì vin vào pháp môn bất nhị, vì vậy không thọ tám nạn , hoàn toàn không thọ những quả báo huyễn hóa . Đó là một chúng sinh mà đến đi tọa vị, tu hành diệt tội, trừ mười việc ác, sinh mười việc thiện, là bậc chánh nhân nhập đạo, bậc chánh trí chánh hành, là Bồ tát đạt quán trí hiện tiền, là người không thọ quả báo sáu đường, chắc chắn không thoái lui chủng tánh Phật, đời đời vào nhà của Phật, không rời xa chánh tín.”
Mười phát thú ở trên được nói rộng trong phẩm Thập thiên quang.
Đức Phật Lô Xá Na dạy: “Này ngàn đức Phật! Mười tâm trưởng dưỡng các ông đã hỏi. Chư Phật tử! Từ tâm là thường thực hành tâm từ, nhân tố sinh ra cái lạc. Quán chiếu cái lạc tương ưng bằng trí vô ngã để đi vào các pháp. Trong đại pháp: thọ, tưởng, hành, thức, sắc, không có sinh, không có trú, không có diệt, như huyễn hóa, là chân như vô nhị, cho nên tất cả sự tu hành là làm thành pháp luân , hóa độ tất cả chúng sinh, làm họ sinh chánh tín, không do ma vương dạy dỗ, cũng làm cho tất cả chúng sinh có được cái quả an lạc của từ tâm, cái quả mà phi thật, phi thiện ác, và có được Giải Không thể tánh tam muội.”
“Chư Phật tử! Bi tâm là vận dụng không không và vô tướng vào tâm bi, và lấy tâm bi làm duyên để hành đạo, tự diệt tất cả nguyên nhân của khổ. Đối với vô lượng khổ của tất cả chúng sinh thì sinh khởi trí [đại bi], không làm duyên sát sinh, không làm duyên hủy pháp, không làm duyên chấp ngã, cho nên thường hành không sát, không trộm, không dâm, không gây phiền não cho một chúng sinh nào. Phát bồ đề tâm là thấy như thật tướng của tất cả pháp qua sự quán sát tánh Không; là sinh đạo trí tâm bằng sự thực hành chủng tánh [thanh tịnh sẵn có]; là giúp ba loại người: sáu thân, sáu ác và sáu thân ác bằng Thượng lạc trí . Trong chín phẩm người ác duyên ở trên, ai có được kết quả an vui, Bồ tát đều vui mừng khởi tâm đại bi, vì nơi tánh Không thì tự thân, tha thân, tất cả chúng sinh đều bình đẳng.”
“Chư Phật tử! Hỷ tâm là tâm hỷ duyệt đối với pháp Vô sinh, khi ấy chủng tánh và thể tướng [của các pháp], cùng với đạo trí đều là không không . Hỷ tâm là không dính mắc ngã và ngã sở, là không có tập khởi sự sinh tử nhân quả ba đời. Tất cả pháp hiện hữu đi vào Không, nên quán hạnh thành tựu. Hỷ tâm bình đẳng với tất cả chúng sinh, khởi Không nhập đạo, bỏ ác tri thức, cầu thiện tri thức chỉ dạy mình con đường tốt, làm cho chúng sinh đi vào ngôi nhà Phật pháp. Khi đi vào pháp vị thì thường sinh tâm hoan hỷ đối với chánh pháp. Và còn khiến cho các chúng sinh đi vào chánh tín, bỏ tà kiến, vui mừng khi bỏ được khổ đau trong sáu đường.”
“Chư Phật tử! Xả tâm là thường tu tâm xả bỏ, qua ba pháp như hư không: vô tạo, vô tướng và không. Bình đẳng quán chiếu đối với nhị nguyên: thiện ác, hữu kiến vô kiến, tội phước. Nơi đối tượng của tâm không thấy có nhân ngã, vì tự thể của tự tha thì không thể thủ đắc. Đại xả là xả bỏ tay, chân, thân mạng của mình, xả bỏ con trai, con gái, quốc thành, coi như huyễn hóa, dòng nước, ánh đèn, tất cả vật đều xả bỏ, mà tâm vô sinh. Xả tâm là thường tu sự xả bỏ như vậy.”
“Chư Phật tử! Thí tâm là thường đem tâm thí xả khắp cả chúng sinh, như thí thân thể, thí lời nói, thí ý nghĩ, thí của cải, thí giáo pháp, tức dạy bảo, hướng dẫn tất cả chúng sinh bằng Phật pháp. Nội thân, ngoại thân, quốc thành, người nam, người nữ, ruộng vườn, nhà cửa, đều là sắc thái của chân như. Thí xả mà không có ý niệm về tài vật, người nhận, người cho, không có trong ngoài, không có kết hợp, không có tan rã, không có tâm hành hóa mà vẫn đạt đạo lý, đạt bố thí, tất cả tướng hiện hành ngay hiện tại.”
“Chư Phật tử! Hảo ngữ tâm là nhập Thể tánh ái ngữ tam muội, là pháp ngữ và nghĩa ngữ của đệ nhất nghĩa đế . Tất cả thật ngữ đều thuận theo đệ nhất ngữ của Phật , ngôn ngữ mà điều hòa tâm tánh của tất cả chúng sinh, ngôn ngữ không sân giận và tranh cãi. Trí tuệ về Nhất thiết pháp không thì không có duyên tố, thường sinh ái tâm, hành thuận ý Phật, cũng thuận tất cả người khác. Bồ tát dùng Thánh pháp ngữ để dạy bảo các chúng sinh, thường hành tâm như thật, phát khởi các thiện căn.”
“Chư Phật tử! Lợi ích tâm là khi phát tâm làm lợi ích thì vận dụng thể tánh thật trí để thực hành đạo trí : tập hợp tất cả pháp môn Minh diễm , tập hợp quán hạnh Thất tài . Trên hết là vì lợi ích cho người, nhiếp thọ tất cả thân mạng bằng sự thể nhập Lợi ích tam muội, hóa hiện tất cả thân, tất cả lời nói và tất cả ý nghĩ mà chấn động Đại thiên thế giới. Tất cả hành vi, tạo tác của Bồ tát là vì đưa người vào trong Pháp chủng, Không chủng và Đạo chủng , có được lợi ích và an vui. Bồ tát dù hiện hình trong sáu đường, sống giữa vô lượng khổ não mà không lo lắng gì cả, chỉ có một mục đích là lợi ích mọi người.”
“Chư Phật tử! Đồng tâm là vận dụng Đạo tánh trí, cái trí đồng thể với tánh Không. Lấy trí Vô ngã mà quán chiếu đạo lý Vô nhị thì thấy pháp vô sinh đồng với pháp sinh diệt; thấy tánh Không đồng với nguyên cảnh . Sắc thái chân như của các pháp là thường sinh, thường trú, thường diệt. Các pháp thế gian tương tục, lưu chuyển không có hạn lượng, thế nhưng Bồ tát có thể hiện hóa vô lượng hình thân, sắc tâm, theo các nghiệp của chúng sinh, đi vào sáu đường, hòa đồng tất cả sự loại, tánh Không đồng với Vô sinh, tự ngã đồng với vô vật. Bồ tát phân thân tán hình như vậy mà vẫn đi vào Đồng pháp tam muội.”
“Chư Phật tử! Định tâm là lại từ tâm định tĩnh, quán tuệ để chứng tánh Không, tâm thức luôn duyên tĩnh lặng. Bồ tát đối với ngã, ngã sở, các pháp, thức giới, sắc giới, mà tâm không động chuyển. Bồ tát dù có sống trong thuận cảnh hay nghịch duyên, có thị hiện hay nhập diệt thì vẫn thường đi vào trăm tam muội , mười thiền chi , lấy một niệm trí làm thành cái biết, biết tất cả ngã nhân, hoặc căn ở trong, hoặc cảnh ở ngoài, chủng tử hiện hành, đều không có tụ hội, ly tán, các pháp tập thành, khởi tác mà không thể thủ đắc.”
CHÚ THÍCH
1. Vô vi là nhân không. Vô tướng là pháp không.
2. Pháp ở trong là thân tâm. Pháp ở ngoài là thế giới của thân tâm.
4. Bát đảo: Phàm phu có 4 thứ điên đảo hữu vi: vô thường chấp là thường, vô lạc chấp là lạc, vô ngã chấp là ngã, vô tịnh chấp là tịnh. Nhị thừa có 4 thứ điên đảo vô vi: thường chấp là vô thường, lạc chấp là vô lạc, ngã chấp là vô ngã, tịnh chấp là vô tịnh. (tứ đức niết bàn)
5. Không là biến kế. Giả là y tha. Pháp tánh là viên thành.
6. Hữu là hữu tướng. Vô là vô tướng. Như hữu là thế tục tợ có. Như vô là thắng nghĩa tợ không có.
7. Chỉ cho mười biến xứ, cũng gọi là mười nhất thiết xứ, là quán 10 thứ sau đây mỗi mỗi biến khắp tất cả nơi, đó là xanh, vàng, đỏ, trắng, đất, nước, lửa, gió, không, thức.
8. Chỉ cho tam giải thoát môn: không, vô tướng, vô tác.
9. Vô tuệ là không có tam giải thoát tuệ.
10. Chánh văn là đạo tâm chúng sinh, cách gọi khác của Bồ tát. Bồ tát, gọi đủ là Bồ đề tát đõa, ý dịch là Đạo chúng sinh, Giác hữu tình, Đại giác hữu tình, Đạo tâm chúng sinh, Đại sĩ.
11. Không không là một trong 17 cái Không mà kinh điển thường nói. Sự tác ý tư duy về cái không để đối trị các cái tướng (như tướng nhân vô ngã, tướng pháp vô ngã, tướng duy thức, tướng thắng nghĩa, tướng vô vi, tướng không biến dịch, v.v…) thì có cái tướng không, cái tướng ấy được chính yếu trừ khử bởi không không.
12. Tuệ quán bất khả thuyết = tuệ quán vô ngôn: tuệ quán về pháp tánh vô ngôn.
13. Nhất đế = đệ nhất nghĩa đế: cũng gọi thắng nghĩa đế, chân đế, Thánh đế, niết bàn, chân như, thật tướng, trung đạo, pháp giới.
14. Đó là chí cầu đạo quả Vô thượng bồ đề, cùng với tất cả bồ tát, tất cả chúng sinh, đồng tâm, đồng hành, đồng nguyện, đồng cầu.
15. Ngã phược và kiến phược là hai chấp ngã và pháp.
16. Căn bản là hộ trì tâm mình.
17. Bản thể của các pháp vốn không tập tán, sinh diệt.
18. Vô ngã luân là phiền não nhiễu loạn ở Bồ tát thập trụ.
19. Chỉ cho ngũ lợi sử phiền não: thân kiến, biên chấp kiến, kiến thủ kiến, tà kiến và giới cấm thủ kiến.
20. Chỉ cho ngũ độn sử phiền não: tham, sân, si, mạn và nghi.
21. Chánh văn là như đảnh quán liên, quán liên như đảnh. Đảnh là đảnh đầu hay đảnh núi. Luận Câu xá, quyển 23 tr. 119c15: “Noãn thiện căn đây, hạ trung thượng phẩm, lần lượt tăng trưởng cho đến khi thành mãn, có thiện căn sanh tên là đảnh pháp. Do sự chuyển thắng này nên lập tên khác; trong thiện căn động, pháp đây tối thắng, như là đảnh đầu nên gọi đảnh pháp; hoặc do từ đây có sự tiến thoái hai bên, như đang ở đảnh núi, gọi tên là đảnh.”
22. Tám nạn xứ: tám trường hợp không may mắn, chướng nạn cho sự thấy Phật nghe pháp: 1. Địa ngục; 2. Ngạ quỷ; 3. Súc sinh (1,2,3 là ba đường dữ); 4. Bắc câu lô châu (sống quá sướng); 5. Trời Trường thọ (sống quá lâu); 6. Làm người mà đui, điếc, câm, ngọng; 7. Làm người mà thế trí biện thông; 8. Làm người mà sinh trước hay sau Phật xuất thế và nhằm chỗ hay lúc không có Phật pháp.
23. Chỉ quả báo trong ba cõi, sáu đường.
24. Vô ngã trí = căn bản trí.
25. Đại pháp là tứ đại pháp. Thọ, tưởng, hành, thức là tâm. Sắc là thân.
26. Pháp luân: bánh xe chánh pháp, tức thành tựu pháp của Phật thuyết.
27. Đạo trí tâm = hậu đắc trí.
28. Sáu thân: cha, mẹ, vợ, con, anh, em. Sáu ác là sáu thân mà không tốt (oan gia). Sáu thân ác là người ngoài như thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác, người làm công, người không quen, v.v…
29. Thượng lạc trí = đại bi trí: trí trao cho niềm vui.
30. Nói về mặt ác (không tốt, xấu xa) thì được chia làm 3 bậc thượng trung hạ, mỗi bậc lại có 3, thành ra 9 phẩm.
31. Đạo trí = trung đạo trí, trí biết về chủng tánh và thể tướng của các pháp. Không không là tự tha không, ngã pháp không.
32. Đại xả: vô vi xả, vô tướng xả.
33. Không có thí tâm sinh khởi, không có thí hạnh thực hiện, không có chúng sinh hóa độ.
34. Tất cả tướng: không tướng, vô sinh tướng.
35. Hảo ngữ tâm là ái ngữ nhiếp.
36. Các pháp có pháp tướng và nghĩa tướng. Pháp ngữ là ngôn ngữ về pháp tướng. Nghĩa ngữ là ngôn ngữ về nghĩa tướng. Đệ nhất nghĩa đế (chân lý bậc nhất) cũng gọi là thắng nghĩa đế, chân đế (chân lý chân thật); đối lại là thế tục đế (chân lý phổ thông), cũng gọi là thế đế hay tục đế (chân lý giả thiết).
37. Trong tất cả thật ngữ của người thế gian, lời dạy của chư Phật là chân thật bậc nhất.
38. Lợi ích tâm là lợi hành nhiếp.
39. Thật trí (trí chân thật) = căn bản trí. Đạo trí = hậu đắc trí, quyền trí, phương tiện trí.
40. Pháp môn minh diễm: pháp môn ngọn lửa sáng, pháp môn trí tuệ. Đây là tư lương trí tuệ.
41. Thất tài: cũng gọi là Thất Thánh tài, Thất đức tài, Thất pháp tài. Chỉ cho 7 Thánh pháp để thành tựu Phật đạo. Đó là Tín, Giới, Tàm, Quí, Văn, Thí và Tuệ. Vì 7 pháp được gìn giữ này có công năng trợ giúp cho sự nghiệp thành Phật nên gọi là Tài (của cải). 1. Tín tài: Tin nhận chánh pháp; 2. Giới tài: Giữ gìn giới luật; 3. Tàm tài: Tự hổ thẹn không dám làm các việc xấu ác; 4. Quí tài: Tâm sinh hổ thẹn khi làm điều bất thiện; 5. Văn tài: Có khả năng nghe chánh giáo; 6. Thí tài: Lìa bỏ tất cả không đắm trước; 7. Định tuệ tài: Thu nhiếp tâm không tán loạn, chiếu soi rõ các pháp. Đây là tư lương phước đức.
42. Pháp chủng là trung quán. Không chủng là Không quán. Đạo chủng là giả quán.
43. Đồng tâm = đồng sự tâm, là đồng sự nhiếp.
44. Vô nhị = bất nhị: Nghĩa đen là không hai. Hai là chỉ cho khái niệm đối hiện và đối lập lẫn nhau. Khái niệm như vậy là hiện thân của sự thác loạn. Vô nhị là tự siêu việt lấy nó, là pháp tánh phi hữu vi, phi vô vi. Luận Đại thừa trang nghiêm kinh, phẩm Chân thật: “Vô nhị nghĩa là đệ nhất nghĩa. Năm sắc thái vô nhị được trình bày như sau: (1) Chẳng có, là sự biểu hiện của hai tánh phân biệt và y tha thì không phải thật có, nên nói là không. Chẳng không, là tánh chân thật biểu hiện thì thật có, nên nói là có. (2) Chẳng một, là hai tánh phân biệt và y tha không cùng một thật thể (với tánh chân thật). Chẳng khác, là hai tánh ấy cũng không phải khác thể (với tánh chân thật). (3) Chẳng sanh, chẳng diệt, là vì (chân như thì) vô vi. (4) Chẳng thêm, chẳng bớt, là hai phần tạp nhiễm và thanh tịnh khi sanh khởi hay khi đoạn diệt thì pháp giới các pháp vẫn an trú đúng như vậy. (5) Chẳng sạch, là tự tánh (chân như) vốn vô nhiễm nên chẳng cần tu tập cho thanh tịnh. Chẳng không sạch, là khách trần (phiền não) đã bỏ đi. Đây là năm sắc thái vô nhị, chính là sắc thái đệ nhất nghĩa, cần phải biết.” (tr. 598b24) Tánh phân biệt là tánh biến kế sở chấp. Tánh chân thật là tánh viên thành thật.
45. Đối cảnh chưa có sự phân biệt.
46. Ngã, ngã sở, pháp, thức giới, sắc giới: nói chung lại là thân tâm và thế giới của thân tâm, tùy theo cấp độ nhận thức, định tâm (không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ, diệt tận định).
47. Trăm tam muội: Kinh Nhập Lăng già: “Quán sát hạnh địa liền được Sơ địa vào cả trăm tam muội, được sai biệt tam muội, thấy cả trăm đức Phật và cả trăm Bồ tát. Biết việc về trước về sau cả trăm kiếp, hào quang chiếu cả trăm cõi nước, biết tướng các địa trên, đại nguyện thù thắng, thần lực tự tại, được Pháp vân địa vào vị Quán đảnh, sẽ được Như Lai tự giác địa. Khéo buộc tâm nơi thập vô tận cú, làm thành thục chúng sanh, các thứ biến hóa trang nghiêm sáng suốt, được tự giác thánh lạc tam muội chánh thọ.” (tr. 538a01~09)
48. Mười thiền chi = mười nhất thiết xứ: xanh, vàng, đỏ, trắng, đất, nước, lửa, gió, không, thức.
49. Một niệm trí: một niệm tương ưng trí, tức định và tuệ cùng tương ưng trong một niệm.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.139.83.248 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.