Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn,
ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần,
ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó.
Kinh Pháp cú
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác.
Kinh Đại Bát Niết-bàn
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác.
Kinh Pháp cú
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
[620c] Đúng thật như thế, chính tôi được nghe: Một thời, Đức Phật cùng các tì-kheo[1] cư trú tại tinh xá Trúc Lâm ở Kỳ Thụ Cấp Cô Độc Viên[2] thuộc nước Xá-vệ. Mỗi buổi sáng, các thầy tì-kheo đều đắp y, mang bát vào thành khất thực rồi trở về tinh xá thụ trai. Thụ trai xong, các thầy chải răng súc miệng, thu dọn y bát, rồi nhóm họp tại giảng đường. Tất cả đều muốn nghe về nhân duyên đời quá khứ.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng nhĩ căn thanh tịnh, siêu việt thế gian nghe các thầy tì-kheo cùng nhau bàn luận, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến giảng đường, ngồi giữa đại chúng, hỏi:
- Này các tì-kheo! Các ông nhóm họp nơi đây muốn nói pháp gì?
Các tì-kheo bạch:
- Bạch Đức Thế Tôn! Thụ trai, chải răng súc miệng xong, chúng con cùng nhau nhóm họp tại đây, đều muốn nghe nhân duyên đời quá khứ.
- Các ông thích nghe về nhân duyên đời quá khứ thì nên lắng tâm và suy nghĩ kĩ, Ta sẽ nói cho các ông về việc đó.
- Xin Thế Tôn chỉ dạy, chúng con muốn được nghe!
Đức Phật bảo:
- Vào thuở quá khứ, cách đây vô lượng vô biên a-tăng-kì kiếp, lúc ấy có vị tiên nhân tên Thiện Huệ, siêng tu Phạm hạnh[3], cầu Nhất thiết chủng trí. Vì muốn thành tựu được trí tuệ rộng lớn này, Ngài nguyện vào biển sinh tử, thụ sinh trong năm đường[4], hết thân này lại thụ thân khác, vô lượng lần như thế. [0621a] Nếu như gom tất cả cỏ cây trong thiên hạ chẻ làm thẻ, dùng để tính số thân của Thiện Huệ đã thụ sinh, cũng không thể tính hết được. Khoảng thời gian từ thành đến hoại của trời đất gọi là một kiếp, số lượng trời đất thành hoại mà thân Thiện Huệ đã trải qua cũng không thể tính đếm.
Tiên nhân vì thương xót chúng sinh mãi đam mê ái dục, chìm đắm trong biển khổ, nên khởi lòng từ bi muốn cứu vớt họ ra khỏi nơi ấy. Ngài lại nghĩ: “Ngày nay, chúng sinh sở dĩ bị chìm đắm trong sinh tử không thể tự giải thoát được, đều do tham, sân, si và say đắm các cảnh sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Nay ta nhất định đoạn trừ tất cả bệnh này cho họ. Tuy sinh vào trong các đường, nhưng ta không quên ý nghĩ này. Ta xem hết thảy chúng sinh, dù kẻ oán hay người thân đều bình đẳng. Ta lấy bố thí độ kẻ nghèo cùng, trì giới độ người phá giới, tu nhẫn nhục độ người sân hận, hành tinh tấn độ kẻ biếng lười, dùng thiền định độ người tán loạn, đem trí tuệ độ kẻ ngu si. Như thế, khiến chúng sinh được lợi ích lâu dài và làm nơi nương tựa vững chắc cho họ. Riêng đối với các Đức Như Lai, ta luôn cung kính cúng dường, ưa thích nghe pháp. Ta cũng giảng nói chính pháp cho mọi người; thường dùng tứ sự[5] cúng dường chúng tăng; đối với Phật pháp luôn tôn trọng giữ gìn. Các việc như thế, ta đã làm không thể kể hết”.
Bấy giờ, ở nước kia, có vua Đăng Chiếu, trụ trong thành Đề-bá-bà-để. Nhân dân trong nước đó thọ tám mươi nghìn tuổi, cuộc sống an ổn, vui vẻ, sung túc và rất hưng thịnh, các điều mong muốn đều được như ý, đầy đủ như ở cõi trời. Vị vua ấy thường dùng chính pháp để trị dân, không ép bức và dùng các hình phạt đau khổ như giết hại, đánh đập. Vua thương dân như con một. Thái tử, con vua Đăng Chiếu lúc mới sinh, dung mạo đoan nghiêm, uy đức đầy đủ, có ba mươi hai tướng quí và tám mươi vẻ đẹp không ai sánh bằng. Ngày thái tử chào đời, khắp nơi đều sáng rực khiến ánh sáng của mặt trời, mặt trăng không còn tác dụng. Vua thấy thái tử có điềm lành như thế, liền triệu tập các quần thần vào cung hội kiến.
Vua nói:
- Thái tử vừa sinh ra đã có những tướng kì lạ này. Các khanh xem nên đặt tên gì cho thái tử?
Quần thần tâu:
- Tâu bệ hạ! Nên đặt tên cho thái tử là Phổ Quang.
Vua lại mời thầy tướng đến xem. Xem xong, ông ta tâu:
- Nếu thái tử ở đời, thừa kế ngôi vị, sẽ làm bậc Chuyển luân vương, thống lĩnh cả bốn châu[6] thiên hạ. Nếu xuất gia, Ngài sẽ thành bậc Chính đẳng chính giác.
Vua, phu nhân cùng thể nữ trong hậu cung nghe vậy, càng thương yêu thái tử hơn. Ngài lại được các hàng trời, rồng, dạ-xoa[7], càn-thát-bà[8], a-tu-la[9], ca-lầu-la[10], khẩn-na-la[11], ma-hầu-la-già[12], nhơn và phi nhơn[13] cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen.
[0621b] Lúc bấy giờ, thái tử ở trong cung nói pháp cho phu nhân và thể nữ nghe. Đến hai mươi chín nghìn tuổi, thái tử bỏ ngôi vị Chuyển luân, cầu xin cha mẹ cho xuất gia, nhưng không được chấp thuận. Thái tử cầu xin ba lần vẫn không được. Nhưng vì lòng từ bi muốn cứu vớt chúng sinh, nên thái tử đành chịu lỗi nhỏ để thành tựu chí nguyện lớn. Thế là, Ngài đi vào rừng sâu, ở bên gốc cây, cạo bỏ râu tóc, mặc y hoại sắc, siêng năng tu khổ hạnh mãn sáu nghìn năm, chứng quả Vô thượng Chính đẳng chính giác. Sau đó, Ngài vì hàng trời, người và tám bộ chúng mà chuyển pháp luân mà tất cả trời, người, ma, Phạm[14] trong thế gian không thể làm được. Ngài dùng pháp Tam thừa[15] giáo hóa chúng sinh, được vô lượng lợi ích.
Khi ấy, vua cha, phu nhân cùng thể nữ trong cung nghe thái tử Phổ Quang thành Phật đều rất vui mừng. Quần thần, nhân dân và hàng bà-la-môn v.v… trong nước nghe tin thái tử thành đạo, mỗi người tự nghĩ: “Thái tử Phổ Quang xa lìa ngôi vị Chuyển luân vương, cạo bỏ râu tóc, mặc y hoại sắc, xuất gia tu hành, thành tựu quả vị Chính đẳng chính giác. Chúng ta ngày nay cũng nên xuất gia”. Nghĩ vậy, họ cùng nhau đến chỗ Đức Phật Phổ Quang.
Khi ấy, Đức Phật Phổ Quang quán xét tâm của mỗi người, tùy theo cơ duyên mà diễn nói các pháp, độ bốn nghìn người trong số các đại thần và hàng bà-la-môn v.v… chứng quả A-la-hán. Nhân dân trong nước và những người ở bốn phương đến nghe pháp, có hơn tám mươi nghìn người đắc Vô sinh pháp nhẫn[16].
Lúc bấy giờ, đức Phổ Quang Như Lai cùng với tám muôn bốn nghìn vị a-la-hán trở về nước mình, du hành giáo hóa. Vua cha nghe được tin này, lòng rất vui mừng, liền ban lệnh cho toàn dân trong nước sửa sang đường sá, rưới nước thơm trên đất, treo tràng phan, bảo cái bằng tơ lụa quí báu, rải các thứ hoa, cảnh tượng trang nghiêm như thế rộng khắp mười hai do-tuần[17]. Vua lại cho đánh trống ra lệnh khắp trong nước: Ai có hoa thì không được bán, phải dâng nạp cho vua. Đồng thời, ban lệnh cho tất cả nhân dân không một ai được cúng dường Đức Phật trước tiên. Sau đó, vua sai các vị đại thần trỗi các kĩ nhạc, đốt hương rải hoa, đến thỉnh đức Phổ Quang Như Lai.
Khi ấy, tiên nhân Thiện Huệ đang ở trong núi, nằm mộng thấy năm điều rất kì lạ:
1. Thấy mình nằm trên biển lớn.
2. Thấy mình gối đầu trên núi Tu-di.
3. Thấy hết thảy các loài chúng sinh trong biển đều vào trong thân mình.
4. Thấy tay mình bắt mặt trời.
5. Thấy tay mình bắt mặt trăng.
[0621c] Giật mình tỉnh giấc, ông ta nghĩ: “Những điềm mộng này chẳng phải là việc nhỏ, biết hỏi ai đây? Ta nên vào trong thành hỏi các bậc trí thức”. Nghĩ thế, ông liền mặc áo da hươu, tay cầm bình nước, che dù đi vào trong thành. Trên đường đi, Thiện Huệ ghé qua trụ xứ của ngoại đạo. Họ có đến năm trăm người, đều là bậc tài giỏi.
Thiện Huệ nghĩ: “Ta nên đem những điềm mộng kia hỏi các vị này”. Đồng thời, ông cũng thấy được sự nghiệp tu tập của họ, liền giảng thuyết đạo nghĩa cho họ, phá trừ những kiến chấp sai lầm. Năm trăm ngoại đạo khuất phục và xin làm đệ tử tiên nhân. Họ rất mực cung kính, mỗi người cúng dường cho Thiện Huệ một đồng tiền.
Sau đó, lại có năm trăm ngoại đạo khác thấy Thiện Huệ thông minh tài giỏi cũng sinh tâm tùy hỉ. Các ngoại đạo cùng bàn luận: “Nay đức Phổ Quang Như Lai xuất hiện ở đời”. Thiện Huệ nghe vậy, toàn thân rúng động, vui mừng khôn xiết, liền từ biệt các ngoại đạo ra đi.
Các ngoại đạo thưa:
- Nay Thầy đi đâu?
Thiện Huệ đáp:
- Nay ta đến cúng dường Đức Phật Phổ Quang.
- Nếu Thầy đến đó, xin cho chúng tôi theo cùng!
- Nay ta có việc cần nên phải đi trước.
Thiện Huệ lên đường, mang theo năm trăm đồng tiền. Các ngoại đạo trong lòng buồn thảm, luyến tiếc từ biệt trở về. Trên đường đi, Thiện Huệ thấy người của vương gia sửa sang đường sá, rưới nước thơm lên đất, treo nhiều tràng phan, bảo cái, trang nghiêm rực rỡ.
Thiện Huệ hỏi:
- Vì việc gì mà các ông sửa sang như thế?
Họ đáp:
- Có Đức Phật xuất hiện ở đời, hiệu là Phổ Quang. Nay vua Đăng Chiếu thỉnh Ngài vào cung. Do đó, phải sửa sang, trang hoàng gấp đường sá như thế!
Thiện Huệ lại hỏi:
- Các ông có biết nơi nào bán hoa không?
Những người kia đáp:
- Thưa Ngài! Đức vua Đăng Chiếu đánh trống ra lệnh truyền khắp nhân dân trong nước, tất cả các loại hoa không được bán mà phải nạp cho vua.
Thiện Huệ nghe nói vậy, lòng rất buồn rầu, nhưng không nản chí. Ông lặn lội tìm nơi bán hoa.
Một lúc sau, Thiện Huệ thấy người hầu của vương gia lén cầm bảy cành hoa sen xanh đi ngang qua. Vì sợ lệnh cấm của vua nên cô ta giấu hoa trong bình. Nhưng vì lòng chí thành của Thiện Huệ cảm ứng, nên hoa sen kia vươn ra khỏi miệng bình. Thiện Huệ từ xa trông thấy, vội đuổi theo gọi lớn:
- Này cô! Xin dừng bước! Hoa này có bán không?
Người hầu nghe hỏi vậy, trong lòng rất kinh ngạc, tự nghĩ:
- Ta giấu hoa rất kín, người nam này là ai mà lại thấy, hỏi mua nhỉ?
[0622a] Người hầu quay nhìn vào bình, quả thật thấy hoa vươn ra ngoài. Cô nghĩ: “Thật là kì lạ!”, bèn đáp:
- Thưa ông! Hoa sen xanh này phải mang vào cung để dâng cúng Phật nên không bán được!
Thiện Huệ nài nỉ:
- Tôi xin đem năm trăm đồng tiền đổi lấy năm cành hoa mà thôi!
Người hầu trong lòng sinh nghi, tự nghĩ: “Hoa này trị giá không quá vài tiền, mà người nam này lại trả đến năm trăm đồng tiền để mua năm cành hoa”.
Cô bèn hỏi:
- Ông mua hoa này để làm gì?
Thiện Huệ đáp:
- Nay có Đức Như Lai xuất hiện ở đời, vua Đăng Chiếu thỉnh vào cung, nên tôi muốn mua hoa này để cúng dường Phật. Cô nên biết! Các Đức Như Lai rất khó gặp, giống như hoa ưu-đàm-bát-la[18] đúng thời tiết mới trổ một lần.
- Ông cúng dường Như Lai để cầu điều gì?
- Vì tôi muốn thành tựu Nhất thiết chủng trí[19], độ thoát vô lượng chúng sinh đau khổ.
Người hầu nghe nói như thế, trong lòng tự nghĩ: “Người nam này dung mạo đoan chính, mặc áo da hươu vừa đủ che thân, nhưng lòng chí thành, không tiếc tiền của”. Cô liền nói:
- Nay tôi tặng hoa này cho ông, nguyện đời đời chúng ta luôn làm vợ chồng.
Thiện Huệ nói:
- Tôi tu hành Phạm hạnh, cầu đạo vô thượng, không thể chấp nhận cùng cô kết duyên sinh tử.
Cô gái nói:
- Nếu ông không thuận theo ý nguyện của tôi, thì hoa này không thể cho ông được!
Thiện Huệ lại nói:
- Nếu cô nhất định không cho, tôi chấp nhận ý nguyện này của cô. Nhưng tôi thích bố thí, không phụ ý người. Nếu có người đến xin tôi đầu, mắt, tủy, não… cho đến vợ, con thì cô chớ ngăn cản, hoại tâm bố thí của tôi.
Cô gái đáp:
- Hay lắm! Hay lắm! Xin vâng theo ý ông. Nay tôi mang thân nữ thấp hèn, không thể đến trước Đức Thế Tôn. Vậy, tôi xin gởi ông hai cành hoa này dâng lên cúng Phật giúp tôi. Khiến đời đời tôi không quên ý nguyện này, dù đẹp hay xấu, chúng ta cũng không xa rời nhau, nguyện này giữ mãi trong lòng, mong Phật chứng tri!
Lúc bấy giờ, vua Đăng Chiếu cùng các vương tử, đại thần, bà-la-môn v.v… mang hương hoa, phẩm vật cúng dường, cung đón đức Phổ Quang Như Lai. Tất cả nhân dân trong nước cũng đều đi theo.
Khi ấy, năm trăm đệ tử của Thiện Huệ nói với nhau:
- Hôm nay, Quốc vương và các thần dân đều đến chỗ Phật Phổ Quang. Thầy ta cũng sẽ đi. Chúng ta nên đến đó đỉnh lễ Đức Phật.
Nói xong, mọi người cùng nhau lên đường. [0622a] Đi chưa bao xa, họ gặp Thiện Huệ. Thầy trò gặp nhau, lòng rất vui mừng, cùng đến chỗ Phật Phổ Quang. Đến nơi, họ thấy vua Đăng Chiếu đã đến trước Đức Phật. Vua là người cúng dường lễ bái Phật đầu tiên. Lần lượt, các vị đại thần cũng đều cung kính đỉnh lễ và tung hoa cúng dường Phật, nhưng hoa đều rơi xuống đất.
Mọi người cúng dường xong, Thiện Huệ và năm trăm đệ tử chiêm ngưỡng dung nghi tướng hảo của Đức Như Lai, phát nguyện muốn dứt trừ tất cả khổ não cho chúng sinh và thành tựu Nhất thiết chủng trí. Thiện Huệ liền tung năm cành hoa lên, hoa ấy liền trụ giữa hư không, kết thành đài. Sau đó, ông lại tung hai cành hoa còn lại, hoa ấy cũng lơ lửng trên hư không, ở hai bên Đức Phật.
Quốc vương và hàng quyến thuộc cùng các thần dân, trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lầu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già, nhơn và phi nhơn thấy điều kì lạ này, đều khen ngợi là việc hiếm có.
Khi ấy, đức Phổ Quang Như Lai dùng trí tuệ vô ngại khen ngợi Thiện Huệ:
- Hay lắm! Hay lắm! Này thiện nam tử! Vì việc làm này, trải qua vô lượng a-tăng-kì[20] kiếp sau, ông sẽ thành Phật, hiệu Thích-ca Mâu-ni Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế tôn.
Lúc Phật thụ kí cho Thiện Huệ, vô lượng trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lầu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già, nhơn và phi nhơn rải các hoa báu khắp cả hư không, và phát lời nguyện: “Đời sau, lúc Thiện Huệ thành Phật, chúng ta đều nguyện làm quyến thuộc của Ngài”.
Lúc ấy, đức Phổ Quang Như Lai thụ kí: “Trong đời sau, các ông đều sẽ sinh về nước đó!”.
Đức Như Lai thụ kí rồi, nhưng Thiện Huệ vẫn còn hình tướng tiên nhân, búi tóc, mặc áo da hươu. Đức Như Lai muốn khiến ông xả bỏ hình tướng này, liền hóa ra một vũng bùn dơ và tỏ ý muốn đi qua. Thiện Huệ nghĩ: “Làm sao có thể để bàn chân có tướng thiên bức luân[21] của Đức Phật đi trên đó được?”. Ông liền cởi áo da trải trên đất, nhưng không đủ lấp kín, bèn gỡ luôn búi tóc trải chỗ còn lại. Đức Như Lai liền bước lên trên mà đi. Nhân đó, Phật thụ kí: “Sau này, ông sẽ thành Phật trong đời ác năm trược[22], độ khắp trời, người, không biết mệt mỏi, giống như Ta vậy”.
Nghe lời Phật thụ kí, Thiện Huệ rất vui mừng, liền thông suốt tất cả các pháp đều “không”, đạt Vô sinh nhẫn, liền bay lên hư không, cách mặt đất bảy cây đa-la[23], [0622c] nói kệ tán thán Phật:
Nay gặp đấng Đạo sư,
Khiến con mở mắt tuệ,
Phật nói pháp thanh tịnh,
Lìa tất cả chấp trước.
Gặp đức Thiên nhân tôn,
Khiến con được Vô sinh,
Nguyện đời sau chứng quả,
Như bậc Lưỡng Túc Tôn[24].
Nói kệ khen Phật xong, Thiện Huệ từ trên hư không xuống, đến trước Phật, năm vóc sát đất, đỉnh lễ Đức Phật và cầu thỉnh:
- Xin Đức Thế Tôn thương xót cho con được xuất gia!
Đức Phổ Quang Như Lai đáp:
- Hay thay! Thiện lai tì-kheo!
Lập tức, Thiện Huệ râu tóc tự rụng, thân mặc ca-sa, liền thành sa-môn.
Bấy giờ, có hai người già nghèo khốn đi đến, mỗi người có một trăm thân quyến. Thấy Phật tướng hảo, uy đức trang nghiêm, họ cảm thương cho bản thân mình nghèo khổ không có gì để cúng dường. Khi ấy, Đức Như Lai thương xót lòng chí thành của họ, liền hóa ra mảnh đất phía trước rất nhiều cỏ rác, khiến hai người nghèo kia thấy dơ, hoan hỉ phát tâm quét dọn sạch sẽ. Đức Phổ Quang Như Lai liền thụ kí: “Trải qua vô lượng a-tăng-kì kiếp về sau, khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni xuất hiện ở đời, lúc ấy, các người sẽ là đệ tử Thanh văn đầu tiên của Ngài”.
Thụ kí xong, Đức Phổ Quang Như Lai liền cùng tám muôn bốn nghìn tì-kheo, vua Đăng Chiếu, bà-la-môn, các quần thần, nhân dân v.v… thứ tự đi vào thành Đề-bá-bà-để. Lúc ấy, vua Đăng Chiếu và hàng quyến thuộc dâng tứ sự cúng dường đức Như Lai và tám muôn bốn nghìn tì-kheo.
Trải qua bốn mươi nghìn năm, vua thoái vị, truyền ngôi lại cho con, rồi cùng tám muôn bốn nghìn quyến thuộc của mình và tám muôn bốn nghìn quyến thuộc của phu nhân, cùng xuất gia tu đạo, chứng đắc các pháp tam-muội đà-la-ni. Tì-kheo Thiện Huệ cũng theo đức Phổ Quang Như Lai thụ nhận sự cúng dường của vua, mãn bốn mươi nghìn năm, chứng đắc đà-la-ni và các môn tam-muội, giáo hóa chúng sinh không thể tính hết.
Bấy giờ, tì-kheo Thiện Huệ bạch đức Phổ Quang Như Lai:
- Bạch Đức Thế Tôn! Ngày trước con ở trong rừng sâu, thấy năm điềm mộng rất kì lạ:
1. Thấy con nằm trên biển lớn.
2. Thấy con gối đầu trên núi Tu-di.
3. Thấy tất cả các loài chúng sinh trong biển đều vào trong thân con.
4. Thấy tay con bắt mặt trời.
5. Thấy tay con bắt mặt trăng.
Ngưỡng mong Đức Thế Tôn giải nói tướng trạng của điềm mộng này cho con rõ.
[0622c] Đức Phổ Quang Như Lai đáp:
- Hay lắm! Nếu ông muốn biết ý nghĩa của các điềm mộng này, Ta sẽ giảng rõ.
1- Điềm mộng nằm trên biển lớn, là lúc ông đang ở trong biển lớn sinh tử.
2-Điềm mộng gối đầu trên núi Tu-di, là ông đã ra khỏi sinh tử, chứng đắc Niết-bàn.
3- Điềm mộng tất cả chúng sinh trong biển đều vào trong thân, là ông sẽ vào trong biển lớn sinh tử, làm nơi nương tựa cho chúng sinh.
4-Điềm mộng tay bắt mặt trời, là ông được ánh sáng trí tuệ chiếu khắp pháp giới.
5- Điềm mộng tay bắt mặt trăng, là ông dùng trí phương tiện vào biển sinh tử, đem pháp thanh lương giáo hóa chúng sinh, xa lìa phiền não.
Những điềm mộng này chính là tướng đời sau ông sẽ thành Phật.
Thiện Huệ nghe thế, lòng rất vui mừng, lễ Phật rồi lui ra.
Trải qua một thời gian ngắn, Đức Phổ Quang Như Lai nhập niết-bàn. Tì-kheo Thiện Huệ hộ trì chính pháp, suốt hai vạn năm, dùng pháp Tam thừa giáo hóa chúng sinh, lợi ích không thể kể xiết. Lúc tì-kheo Thiện Huệ thị tịch, ngài sinh lên cõi trời làm Tứ Thiên Vương[25], dùng pháp Tam thừa giáo hóa thiên chúng. Khi tuổi thọ cõi trời hết, ngài sinh xuống nhân gian, làm Chuyển luân thánh vương[26], thống lĩnh bốn châu thiên hạ, đầy đủ bảy báu như:
1. Bánh xe vàng.
2. Voi trắng.
3. Ngựa lông màu tía xanh.
4. Thần châu.
5. Ngọc nữ.
6. Đại thần giữ kho tàng.
7. Tướng quân nắm binh quyền.
Vua ấy có một nghìn người con, đều rất dũng mãnh, có thể hàng phục kẻ địch. Vua dùng chính pháp cai trị đất nước, không có các việc lo buồn, thường dùng thập thiện[27] dạy dỗ nhân dân. Đến lúc mạng chung, ngài sinh lên cõi trời Đao-lợi làm Thiên chủ. Khi thọ mạng dứt, ngài lại sinh xuống nhân gian, làm bậc Chuyển luân thánh vương, cho đến khi mạng chung, sinh lên cõi Phạm thiên. Trên thì làm vua cõi trời, dưới làm thánh chủ, mỗi thân trải qua ba mươi sáu lần thọ sinh. Trong khoảng thời gian đó, hoặc có lúc làm tiên nhân, hoặc làm lục sư ngoại đạo[28], bà-la-môn, tiểu vương…, biến hiện như thế không thể tính hết được.
Bấy giờ, công hạnh đã viên mãn, bồ-tát Thiện Huệ bước vào giai vị Thập địa[29] làm bậc nhất sinh bổ xứ[30], gần đạt Nhất thiết chủng trí. Bồ-tát lại sinh vào cõi trời Đâu-suất[31] tên là Thánh Thiện Bạch, diễn nói hạnh nhất sinh bổ xứ cho các vua trời, lại hiện các thân hình khắp cõi nước trong mười phương, đồng thời ứng theo căn cơ chúng sinh mà nói pháp. Đến kì hạn sẽ sinh xuống nhân gian thành quả vị Phật. Bồ-tát liền quán xét năm việc:
1. Xem xét căn cơ chúng sinh thuần thục hay chưa.
2. Xem xét thời cơ đã đến hay chưa.
[0623b] 3. Xem xét nên sinh vào nơi nào, cõi nước nào.
4. Quán sát xem dòng tộc nào cao quí nhất.
5. Quán xét nhân duyên đời quá khứ, ai là người chân chính, thích hợp làm cha mẹ mình.
Quán xét năm việc như thế rồi, ngài tự nghĩ: “Các chúng sinh đều đã thuần thục từ lúc ta mới phát tâm cho đến nay, họ có thể lĩnh thụ chính pháp thanh tịnh vi diệu. Đối với tam thiên đại thiên thế giới[32] này, nước Ca-tì-la-bái-đâu[33] ở cõi Diêm-phù-đề là bậc nhất trong các cõi. Con cháu đời sau của dòng tộc thánh vương Cam-giá, dòng họ Thích-ca là bậc nhất. Quán xét nhân duyên quá khứ, vợ chồng vua Bạch Tịnh chân chính, có thể làm cha mẹ mình”. Ngài lại quán sát thọ mạng của Ma-da phu nhân, bồ-tát thấy khi mang thai thái tử đủ mười tháng, sau khi thái tử chào đời bảy ngày thì hoàng hậu sẽ mất. Quán sát xong, bồ-tát tự nghĩ: “Nếu ngay lúc này ta hạ sinh thì không thể làm lợi ích khắp trời, người”. Ngài bèn ở trên cung trời hiện ra năm tướng, khiến các vị trời biết đã đến lúc bồ-tát hạ sinh làm Phật. Năm tướng:
1. Mắt bồ-tát luôn máy động.
2. Trên đầu hoa héo.
3. Y phục bị nhiễm bẩn.
4. Nách tiết mồ hôi.
5. Không thích ngồi trên tòa của mình.
Khi các vị trời thấy bồ-tát có các tướng kì lạ như thế, trong lòng rất kinh sợ, máu từ các lỗ chân lông trên thân chảy như mưa, họ nói với nhau: “Không bao lâu bồ-tát sẽ rời xa chúng ta”.
Lúc đó, bồ-tát lại hiện ra năm điềm lành:
1. Phóng ánh sáng lớn chiếu khắp ba nghìn đại thiên thế giới.
2. Mặt đất khởi mười tám tướng chấn động[34], khiến nước biển, núi Tu-di, các cung điện cõi trời đều chấn động.
3. Các cung ma đều ẩn mất.
4. Ánh sáng của mặt trời, mặt trăng và các vì sao không còn tác dụng.
5. Thân của tám bộ trời, rồng… đều rung động, không thể kiềm chế được.
Khi ấy, các vị trời ở cõi Đâu-suất thấy thân bồ-tát đã hiện ra năm tướng, lại thấy năm việc bên ngoài rất hiếm có như vậy, họ liền nhóm họp, đến chỗ bồ-tát, cúi đầu đỉnh lễ dưới chân ngài và bạch:
- Thưa tôn giả! Hôm nay chúng con thấy các tướng như thế, toàn thân rung động không thể làm chủ được, cúi mong tôn giả vì chúng con mà giải thích rõ việc đó!
Bồ-tát nói:
- Này các thiện nam tử! Nên biết các hành đều vô thường, không bao lâu nữa ta lìa khỏi cung trời này sinh xuống cõi Diêm-phù-đề.
Chư thiên nghe nói thế, lòng rất buồn rầu, cảm thương khóc lóc, toàn thân rướm máu đỏ như hoa ba-la-xa[35]. [0623b] Có người không thích tòa của mình, có người lại bỏ các trang sức tốt đẹp, có người mê ngất ngã xuống đất hoặc than oán cái khổ vô thường. Lúc bấy giờ, có một vị thiên tử nói kệ:
Bồ-tát ở nơi đây,
Khai pháp nhãn chúng con,
Nay Ngài sắp lìa xa,
Chúng con như kẻ mù,
Không có người dẫn đường.
Lại như muốn qua sông,
Bỗng nhiên mất cầu, thuyền
Cũng giống con thơ dại,
Sớm mất người mẹ hiền.
Chúng con cũng như thế,
Không còn nơi nương tựa,
Trôi theo dòng sinh tử,
Hoàn toàn không lối thoát.
Chúng con trong đêm dài,
Bị tên ngu si bắn,
Lại mất thầy thuốc giỏi,
Ai sẽ cứu chúng con?
Nằm mãi giường vô minh,
Chìm đắm biển ái dục,
Lời tôn giả không còn,
Biết bao giờ thoát khổ.
Bồ-tát thấy các thiên tử buồn khóc sầu não, lại nghe những lời kệ luyến mộ như vậy, Ngài liền dùng những lời từ ái an ủi:
- Này các thiện nam tử! Hễ làm người, có sinh ắt có tử, ân ái hội ngộ sẽ có lúc xa lìa. Trên đến cõi trời A-ca-nị-trá[36], dưới đến địa ngục A-tì[37], tất cả chúng sinh ở trong đó không ai mà không bị ngọn lửa vô thường thiêu đốt; vì thế, các ngươi không nên luyến mộ. Nay ta cùng các ngươi đều chưa thoát khỏi sự thiêu đốt của sinh tử, cho đến không tránh được những sự nghèo giàu, sang hèn.
Bồ-tát liền nói kệ:
Các hành đều vô thường,
Cũng là pháp sinh diệt,
Sinh diệt đã diệt rồi,
Tịch diệt là an vui.
Bồ-tát nói với thiên tử:
- Bài kệ này, các Đức Phật đời quá khứ đều nói. Tính tướng của các hành đều như thế, các ngươi chớ lo buồn. Ta ở trong sinh tử từ vô lượng kiếp đến nay, chỉ còn một kiếp sau cùng, không bao lâu nữa ta sẽ lìa các hành. Các ngươi nên biết! Nay đã đến lúc hóa độ chúng sinh, ta sẽ sinh xuống cõi Diêm-phù-đề, trong nhà vua Bạch Tịnh, làm con cháu họ Thích, dòng tộc Cam-giá, ở nước Ca-tì-la-bái-đâu. [0624a] Sau đó, ta sẽ rời xa cha mẹ, lìa bỏ vợ con và ngôi vị Chuyển luân thánh vương, xuất gia học đạo, siêng năng tu khổ hạnh, hàng phục quân ma, thành tựu Nhất thiết chủng trí, chuyển pháp luân mà tất cả thế gian trời, người, ma, Phạm [38]đều không thể chuyển được. Ta cũng y theo cách giáo hóa của các Đức Phật đời quá khứ, làm lợi ích tất cả trời người, dựng cờ pháp lớn, xô ngã cờ ma, làm khô biển phiền não, mở bày con đường bát chính[39], dùng các pháp ấn ấn vào tâm chúng sinh, lập pháp hội lớn mời các trời người. Khi ấy, các ngươi đều dự trong pháp hội này, lĩnh thụ pháp thực. Do vậy, các người không nên buồn rầu.
Bấy giờ, bồ-tát nói:
Ta ở đây không lâu ,
Sinh xuống cõi Diêm-phù,
Nước Ca-tì-la-bái,
Ở cung vua Bạch Tịnh.
Rời cha mẹ, quyến thuộc,
Bỏ ngôi vua Chuyển luân,
Xuất gia hành Phật đạo,
Thành Nhất thiết chủng trí.
Dựng lập cờ chính pháp,
Làm khô biển phiền não,
Đóng cửa các đường ác,
Mở ra đường bát chính.
Lợi ích khắp trời người,
Số lượng không kể xiết,
Vì nhân duyên như thế,
Không nên sinh lo buồn.
Khi ấy, tất cả lỗ chân lông trên thân bồ-tát đều phóng ra ánh sáng. Nghe bồ-tát nói, lại thấy toàn thân ngài phát ra ánh sáng rực rỡ, các thiên tử rất vui mừng, không còn lo khổ, thầm nghĩ: “Không bao lâu bồ-tát sẽ thành Chính giác”.
Bồ-tát quán xét thấy đã đến lúc gá thai. Ngài liền cỡi voi trắng sáu ngà từ trên cung trời Đâu-suất hạ xuống nhân gian. Khi ấy, vô lượng chư thiên trỗi các kĩ nhạc, đốt các hương thơm, rải nhiều hoa trời, theo bồ-tát, đầy cả hư không, phóng ánh sáng lớn chiếu khắp mười phương. Đến ngày mùng tám tháng tư, lúc trời vừa sáng, thần thức bồ-tát gá vào thai mẹ.
Lúc ấy, phu nhân Ma-da đang ngủ, bỗng thấy bồ-tát cỡi voi trắng sáu ngà từ trên không xuống, đi vào hông phải của mình, thân ánh hiện ra bên ngoài giống như ở trong lưu li. Phu nhân cảm thấy trong người an ổn vui vẻ như vừa được uống cam lộ; nhìn lại, thấy thân mình chiếu sáng như mặt trời, mặt trăng, lòng rất vui mừng. Thấy những tướng ấy, phu nhân liền tỉnh giấc, nghĩ là việc hi hữu, bèn đến tâu vua Bạch Tịnh:
- Trong lúc ngủ, thần thiếp mộng thấy điềm lành rất kì lạ.
Vua nói:
- Vừa rồi, ta cũng thấy có ánh sáng rực rỡ. Hơn nữa, ta thấy dung mạo của ái khanh lúc này rất khác thường, [0624b] nàng mau kể lại điềm mộng ấy cho ta nghe.
Phu nhân thuật lại đầy đủ mọi việc và nói kệ:
Thấy người cỡi voi trắng,
Sáng trong như nhật, nguyệt,
Thích, Phạm và chư thiên,
Đều cầm các cờ báu,
Đốt hương, rải hoa trời,
Và trỗi các kĩ nhạc,
Đầy khắp cả hư không,
Thứ lớp mà đi xuống,
Vào nơi hông phải thiếp,
Giống như vào lưu li.
Nay trình với đại vương
Đây là điềm lành gì?
Nghe phu nhân Ma-da thuật lại những điềm lành như thế, vua Bạch Tịnh rất vui mừng, liền cho người thỉnh các bà-la-môn xem tướng giỏi đến. Vua dâng hương hoa, các thức ăn uống cúng dường. Cúng dường xong, vua chỉ vào hông phải của phu nhân, thuật lại điềm mộng kia, và thưa:
- Xin các vị đoán xem đó là điềm gì?
Xem xong, các vị bà-la-môn tâu:
- Thưa đại vương! Phu nhân mang thai thái tử, điềm lành rất nhiều không thể kể hết, nay chúng thần chỉ nói cho đại vương nghe những điểm chính. Đại vương nên biết, đứa trẻ trong bụng phu nhân sẽ làm rạng rỡ dòng tộc Thích-ca. Lúc giáng sinh vào thai mẹ, có ánh sáng lớn, chư thiên, Thích, Phạm, vây quanh hầu hạ, đây là điềm báo thái tử sẽ thành bậc Chính Giác. Nếu không xuất gia, thái tử sẽ làm Chuyển luân thánh vương, thống lĩnh bốn châu thiên hạ, đầy đủ bảy báu, có một nghìn người con.
Nghe bà-la-môn nói, vua rất vui mừng hạnh phúc, liền cung cấp cho các vị bà-la-môn những thứ báu, vàng bạc, voi, ngựa, xe cộ và thôn ấp. Phu nhân Ma-da cũng dâng thể nữ và các thứ trân báu cho các vị ấy.
Từ khi mang thai bồ-tát, phu nhân Ma-da hàng ngày tu tập sáu pháp ba-la-mật, chư thiên dâng các thức ăn uống, bà không còn thích mùi vị của thế gian. Ba nghìn đại thiên thế giới đều sáng rực, những nơi tối tăm, ánh sáng của mặt trời, mặt trăng không thể chiếu đến cũng đều sáng rực. Chúng sinh trong đó đều nhìn thấy nhau, đồng nói: “Vì sao nơi đây bỗng sinh ra chúng sinh?”.
[0624c] Lúc bồ-tát vào thai, ba nghìn đại thiên thế giới khởi mười tám tướng chấn động; gió thơm tỏa mát khắp nơi, những người bị bệnh đều được lành; tham dục, sân hận, ngu si trong tâm mọi người đều dứt sạch.
Lúc bấy giờ, trên cung trời Đâu-suất, có vị thiên tử suy nghĩ: “Bồ-tát đã sinh vào cung vua Bạch Tịnh, ta cũng sẽ sinh xuống nhân gian. Lúc bồ-tát thành Phật, ta sẽ làm quyến thuộc đầu tiên, cúng dường nghe pháp”. Nghĩ vậy, thiên tử ấy liền sinh vào cung vua Chiên-đà-la-cấp-đa, dòng tộc Minh Nguyệt, thành Vương Xá. Lại có chín mươi chín ức thiên tử như thế đồng sinh xuống nhân gian, có thiên tử sinh vào cung vua nước Xá-vệ; có thiên tử sinh vào cung vua nước Thâu-la-quyết-xoa; có thiên tử sinh vào cung vua nước Độc Tử; có thiên tử sinh vào cung vua nước Bạt-la; có thiên tử sinh vào cung vua nước Lư-la; có thiên tử sinh vào cung vua nước Đức-xoa-thi-la; có thiên tử sinh vào cung vua nước Câu-la-bà; có thiên tử sinh vào nhà bà-la-môn; có vị thiên tử sinh vào các nhà trưởng giả, cư sĩ, tì-xá, thủ-đà-la. Lại có năm trăm vị sinh vào dòng họ Thích.
Lại từ cõi trời Tha hóa tự tại[40], cho đến cõi Tứ thiên vương sinh xuống nhân gian không thể tính hết. Vua ở cõi trời Hữu sắc và quyến thuộc của mình cũng đều sinh xuống làm tiên nhân.
Tuy bồ-tát ở trong thai, nhưng đi, đứng, nằm, ngồi đều không chướng ngại, cũng không gây khổ nhọc cho mẹ. Bồ-tát ở trong thai, buổi sáng thuyết pháp cho chư thiên ở cõi Sắc, buổi trưa thuyết pháp cho chư thiên ở cõi Dục, buổi chiều thuyết pháp cho các quỉ thần. Ba thời ban đêm cũng thành thục như vậy, luôn làm lợi ích cho vô lượng chúng sinh. Lúc bồ-tát đang ở trong thai, có các vị phu nhân và thể nữ đến lễ bái cúng dường. Nếu nghe người ước nguyện sau này thái tử thành bậc Chuyển luân thánh vương thì bồ-tát không vui, nếu nghe có người cầu nguyện cho thái tử thành bậc Nhất thiết chủng trí thì bồ-tát rất vui.
Bồ-tát ở trong thai sắp tròn mười tháng, thì đã đầy đủ các chi và tướng hảo, khiến các căn của người mẹ an tịnh, thích nơi yên tĩnh, không ưa ồn ào.
[0625a] Lúc bấy giờ, vua Bạch Tịnh nghĩ: “Phu nhân mang thai, ngày tháng gần đủ mà sao không thấy có hiện tượng sắp sinh”. Khi vua đang nghĩ như thế, đúng lúc phu nhân sai người đến báo tin: “Phu nhân muốn ra vườn dạo chơi”. Vua nghe như thế, lòng rất vui mừng, liền ban lệnh cho nhân dân ngoài thành quét dọn vườn Lâm-tì-ni. Lại sai người trồng các loại hoa, quả quí báu, dòng suối, ao tắm đều trong sạch, lan can, thềm cấp đều dùng bảy báu để trang nghiêm. Lại có nhiều loài chim như: phỉ thúy, uyên ương, loan, phượng hoàng và các loài chim khác tập hợp về đây ca hót. Lại treo tràng phan, bảo cái, đốt hương, rải hoa, trỗi các kĩ nhạc giống như vườn Hoan hỉ của trời Đế Thích. Vua lại ban lệnh những nơi phu nhân đi qua đều phải sạch sẽ, trang hoàng mọi thứ, đồng thời chuẩn bị mười vạn cỗ xe bảy báu, mỗi xe đều chạm trổ tinh xảo. Lại ban lệnh bày bốn đội quân như: tượng binh, mã binh, xa binh và bộ binh. Lại chọn ra tám muôn bốn nghìn thể nữ trong cung, dung mạo đoan chính, không già không trẻ, tính khí nhu hòa, thông minh hiểu biết, theo hầu phu nhân Ma-da. Lại chọn tám muôn bốn nghìn đồng nữ, dung mạo đoan chính, trên thân trang sức các chuỗi bảy báu, mang hương hoa đến vườn Lâm-tì-ni trước. Vua ban lệnh cho quần thần bá quan đều theo hộ giá phu nhân. Lúc phu nhân lên xe thì các vị đại thần và thể nữ thứ lớp đến vườn Lâm-tì-ni. Lúc ấy, tám bộ trời, rồng, cũng đều đi theo, khắp cả hư không.
Khi phu nhân vào trong vườn rồi, các căn đều an tịnh. Phu nhân mang thai vừa đủ mười tháng, đến ngày mùng tám tháng hai, lúc mặt trời vừa mọc, bà thấy trong vườn có một cây lớn tên là vô ưu, sắc hoa rực rỡ, mùi hương thơm ngát, cành lá bủa rộng rất đẹp, liền với tay phải muốn hái hoa kia. Ngay khi đó, bồ-tát từ hông phải bước ra. Lúc ấy, nơi gốc cây cũng hiện ra bảy hoa sen bảy báu, lớn như bánh xe. Bồ-tát đứng trên hoa sen không cần người đỡ, tự đi bảy bước, đưa cánh tay phải lên, cất giọng như sư tử rống: “Trong tất cả trời người, ta là bậc tôn quí nhất; vô lượng sinh tử, hôm nay đã chấm dứt. Đời này ta sẽ làm lợi ích tất cả chúng sinh”. Vừa nói xong, bốn vị thiên vương lấy lụa trời đỡ lấy thái tử, đặt trên ghế báu, [0625b] Thích-đề-hoàn-nhơn tay cầm bảo cái và Đại Phạm thiên vương cầm phất trần đứng hầu hai bên, long vương Nan-đà, long vương Ưu-ba-nan-đà ở trên hư không phun một dòng nước ấm, một dòng mát trong sạch tắm cho thái tử. Thân thái tử màu vàng ròng, có ba mươi hai tướng, phóng ánh sáng rực rỡ chiếu khắp ba nghìn đại thiên thế giới. Tám bộ trời, rồng ở trên hư không trỗi các kĩ nhạc, ca tụng khen ngợi, đốt các hương thơm, rải nhiều hoa báu, tuôn xuống như mưa các loại y trời và anh lạc rực rỡ, không thể tính kể.
Phu nhân Ma-da sau khi sinh thái tử, nghỉ dưới tàng cây, thân thể an ổn vui vẻ, không còn các khổ não, lòng hoan hỉ vô cùng. Bỗng nhiên quanh bà xuất hiện bốn giếng nước trong sạch thơm ngát, đầy đủ tám tính chất[41]. Lúc đó, phu nhân Ma-da và quyến thuộc tùy theo nhu cầu, tự do tắm gội. Lại có các vua dạ-xoa vây quanh bảo vệ thái tử và phu nhân. Ngay lúc ấy, người ở cõi Diêm-phù-đề cho đến cõi trời A-ca-nị-tra, tuy đã xa lìa sự hỉ lạc, nhưng đối với việc này cũng đều vui mừng khen ngợi: “Bậc Nhất thiết chủng trí nay đã xuất hiện ở thế gian, vô lượng chúng sinh đều được lợi ích. Mong sao Ngài chóng thành Chính giác, chuyển bánh xe pháp, độ khắp chúng sinh”. Chỉ riêng ma vương trong lòng sầu não, không ngồi yên trên tòa của mình. Ngay khi đó, ứng hiện ba mươi bốn điềm lành:
1. Mười phương thế giới thảy đều sáng rực.
2. Ba nghìn đại thiên thế giới khởi mười tám tướng chấn động, gò nổng đều bằng phẳng.
3. Tất cả cây khô đều được sống lại, trong cõi nước mọc lên những cây quí lạ.
4. Trong vườn sinh ra các quả ngọt lạ thường.
5. Trên đất sinh các hoa sen báu, lớn như bánh xe.
6. Các kho tàng ẩn trong lòng đất đều tự hiện ra.
7. Các kho báu phát ra ánh sáng rực rỡ.
8. Y phục tốt đẹp cõi trời tự nhiên hiện đến.
9. Muôn dòng sông đều trong sạch và chảy êm đềm.
10. Gió lặng mây tan, bầu trời trong xanh.
11. Gió thổi hương thơm từ khắp nơi bay đến, trời mưa phùn thấm ướt, khắp nơi không bụi bặm.
12. Trong cõi nước, những người bệnh đều được lành.
13. Trong cõi nước, các cung điện, nhà cửa đều sáng rực, không cần dùng đèn đuốc.
14. Mặt trời, mặt trăng và các vì sao đều không di chuyển.
15. Sao Tì-xá-khư[42] hiện xuống nhân gian đợi thái tử sinh.
[0625c] 16. Các vị Phạm thiên vương cầm bảo cái che rợp cả hoàng cung.
17. Các vị tiên, thánh nhân ở tám phương mang vật báu đến dâng cúng.
18. Trăm món ngon của cõi trời tự nhiên hiện đến trước mặt.
19. Có vô số bình báu đựng đầy cam lộ.
20. Xe của các cõi trời chở châu báu đến.
21. Vô số voi trắng đầu đội hoa sen, đứng khắp trước điện.
22. Ngựa có lông màu tía xanh của cõi trời tự nhiên đến.
23. Năm trăm sư tử chúa màu trắng từ núi Tuyết đi ra, dứt tính ác, trong lòng vui mừng, đứng khắp trước cửa thành.
24. Kĩ nữ của các cõi trời ở trên hư không trỗi âm nhạc vi diệu.
25. Ngọc nữ của các cõi trời cầm phất trần bằng lông chim khổng tước, hiện ra trên tường hoàng cung.
26. Ngọc nữ của các cõi trời cầm bình báu đựng đầy nước thơm, đứng khắp hư không.
27. Các vị trời ca tụng công đức của thái tử.
28. Sự tra tấn đau đớn trong địa ngục đều dừng.
29. Trùng độc đều ẩn núp, các loài chim hung ác trở thành hiền lành.
30. Các vị hành ác luật nghi[43] bỗng sinh lòng từ bi.
31. Các phụ nữ có thai trong nước đều sinh con trai, dù mắc trăm thứ bệnh cũng tự nhiên lành mạnh.
32. Tất cả thần cây hóa thành hình người đều đến đỉnh lễ và hầu hạ.
33. Vua của các nước khác đều mang vật báu đến hiến dâng.
34. Tất cả trời, người nói năng đúng lúc.
Lúc bấy giờ, các thể nữ thấy những điềm lành như thế, lòng rất vui mừng, nói với nhau: “Hôm nay thái tử đản sinh có các việc tốt đẹp như thế, mong thái tử sống lâu, không bị bệnh khổ, để chúng ta không phải lo buồn”. Nói như thế rồi, họ bèn lấy vải trời quấn thân thái tử, bế đến chỗ phu nhân. Ngay đó, có bốn vị thiên vương trên hư không cung kính đi theo, Thích-đề-hoàn-nhân cầm bảo cái đến che, có hai mươi tám vua đại quỉ thần đứng quanh bốn góc vườn hộ vệ giữ gìn. Khi ấy, có một cung nữ thông minh sáng suốt, từ vườn Lâm-tì-ni trở về cung, đến gặp vua Bạch Tịnh mà tâu: “Oai đức của đại vương ngày càng thêm lớn. Phu nhân Ma-da đã sinh thái tử, dung mạo đoan chính, có ba mươi hai tướng quí và tám mươi vẻ đẹp, đứng trên hoa sen, đi bảy bước, đưa cánh tay phải mà cất giọng như sư tử hống: ‘Đối với tất cả trời người, Ta là bậc tối tôn; vô lượng sinh tử ngày nay chấm dứt. Đời này Ta sẽ làm lợi ích cho tất cả trời người’. [0626a] Các việc kì lạ như thế, không thể trình bày hết”. Vua Bạch Tịnh nghe cung nữ kia nói như thế rồi, lòng rất vui mừng, liền mở chuỗi bảy báu trên thân ban tặng cho cung nữ.
Bấy giờ, vua Bạch Tịnh dàn bốn thứ quân, các quyến thuộc vây quanh, cùng với một ức người dòng họ Thích-ca, thứ tự đến vườn Lâm-tì-ni. Khi vào, vua thấy tám bộ trời, rồng v.v… đều đầy đủ. Đến chỗ phu nhân, ngài thấy thái tử tướng tốt kì lạ, trong lòng vui mừng vô cùng, giống như sông biển nổi sóng lớn; nhưng rồi lòng lại lo sợ thụ mạng thái tử ngắn ngủi. Ví như núi Tu-di khó có thể lay động, chỉ khi cả đại địa chấn động thì ngọn núi kia mới lay động. Bản tính của vua Bạch Tịnh vốn điềm tĩnh, bình thường không biểu lộ trạng thái vui mừng hay lo lắng, thế mà, hôm nay vừa mừng vừa lo. Phu nhân Ma-da bản tính vốn hòa nhã, khi sinh thái tử, thấy các điềm lành kì lạ, phu nhân càng thêm dịu dàng.
Khi đó, vua Bạch Tịnh chắp tay đỉnh lễ các vị thiên thần, rồi bế thái tử đặt trên xe voi bảy báu, cùng các quần thần, thể nữ trong cung, các vị trời ở trên hư không trỗi các kĩ nhạc theo vào thành. Lúc ấy, vua Bạch Tịnh và các vị dòng họ Thích chưa biết Tam Bảo, liền đưa thái tử đến đền thần. Lúc thái tử vào thì các tượng Phạm thiên đều đứng dậy, lễ dưới chân thái tử mà nói với vua: “Đại vương nên biết, vị thái tử này là bậc tối tôn trong trời, người. Thiên thần khắp trên hư không thảy đều kính lễ. Đại vương há không thấy ư? Sao còn đến đây đỉnh lễ ta?”.
Bấy giờ, vua Bạch Tịnh và các vị dòng họ Thích, quần thần trong ngoài nghe thấy, khen ngợi việc chưa từng có. Họ liền đưa thái tử ra khỏi đền thần, trở về hậu cung. Những người dòng họ Thích cũng trong ngày ấy, sinh năm trăm bé trai. Trong các chuồng trại của vua, voi sinh ra voi trắng, ngựa sinh ra ngựa trắng, trâu dê cũng sinh ra trâu dê năm màu, mỗi loại sinh ra năm trăm con, cung nữ của nhà vua cũng sinh năm trăm bé trai. Khi ấy, trong cung có năm trăm kho tàng ẩn dưới lòng đất tự nhiên hiện ra, mỗi một kho tàng đều có bảy báu bao quanh. Lại có những thương buôn của các nước lớn, ra biển tìm châu báu trở về nước Ca-tì-la-bái-đâu, họ mang vật báu quí lạ đến dâng vua.
Lúc đó, vua Bạch Tịnh hỏi:
[0626b] - Các ngươi ra biển tìm châu báu đều được thuận lợi, không trở ngại chứ? Những người bạn cùng đi có thất lạc không?
Các khách buôn thưa:
- Tâu đại vương! Những đoạn đường đi qua đều rất an ổn.
Vua nghe nói thế lòng rất vui mừng, liền sai người đến thỉnh các bà-la-môn. Khi bà-la-môn nhóm họp đông đủ, nhà vua bèn cúng dường voi, ngựa, bảy báu, ruộng, nhà và tôi tớ. Cúng dường xong, Vua cho bế thái tử ra, rồi hỏi các vị bà-la-môn:
- Nên đặt tên gì cho thái tử?
Các vị bà-la-môn cùng bàn bạc, rồi thưa với vua:
- Lúc thái tử sinh thì tất cả kho báu đều xuất hiện, có những điềm lành như thế, do đó, nên đặt tên thái tử là Tát-bà-tất-đạt.
Họ vừa dứt lời thì trên hư không, thiên thần liền đánh trống trời, đốt hương rải hoa và xướng:
- Hay thay!
Các vị trời và nhân dân trong nước cũng đồng gọi:
- Tát-bà-tất-đạt!
Cũng trong ngày ấy, tám vua nước khác đồng sinh thái tử như vua Bạch Tịnh. Các vị vua kia đều rất vui mừng nghĩ: “Hôm nay ta sinh thái tử, có các điều kì lạ”, nhưng không biết đó chính là điềm lành của thái tử Tát-bà-tất-đạt. Khi ấy, các vị vua kia nhóm họp bà-la-môn đặt tên cho mỗi vị thái tử một tên đẹp.
- Thái tử thành Vương-xá tên Tần-tì-sa-la
- Thái tử nước Xá-vệ tên Ba-tư-nặc.
- Thái tử nước Thâu-la-câu-tra tên Câu-lạp-bà.
- Thái tử nước Độc Tử tên Ưu-đà-diên.
- Thái tử nước Bạt-la tên Uất-đà-la-diên.
- Thái tử nước Lư-la tên Tật Quang.
- Thái tử nước Đức-xoa-thi-la tên Phất-ca-la-sa-la.
- Thái tử nước Câu-la-bà tên Câu-la-bà.
Bấy giờ, vua Bạch Tịnh ban chiếu lệnh cho quần thần đi tìm các bậc trí tuệ thông minh, học rộng, xem tướng giỏi, là bậc tri thức của thế gian. Quần thần vâng lệnh, hỏi tìm khắp nơi. Bấy giờ, vua cho xây một cung điện ở thượng uyển, cửa sổ, lan can đều trang trí bằng bảy báu.
Lúc này, các quần thần gặp được năm trăm bà-la-môn thông minh, biết xem tướng. Những vị này thấy có điềm lành kì lạ, muốn đến chỗ vua. Gặp lúc vua sai người tìm, nên mau chóng đi đến. Đại thần tâu vua:
- Các thầy tướng Ba-la-môn đã đến!
Vua nghe vậy rất vui mừng, liền ra lệnh cho mời vào điện ngồi, mang phẩm vật cúng dường.
Những bà-la-môn kia hỏi vua:
- Chúng tôi nghe đại vương mới sinh thái tử, có các tướng tốt và điềm lành rất kì lạ, xin cho chúng tôi được diện kiến thái tử.
Vua liền cho bế thái tử ra. [0626c] Các vị bà-la-môn vừa thấy thái tử tướng tốt uy nghiêm, đều khen là chưa từng có.
Vua hỏi bà-la-môn:
- Các vị xem tướng thái tử, thấy thế nào?
Bà-la-môn thưa:
- Tất cả chúng sinh đều muốn con mình tốt đẹp. Nay đại vương sinh thái tử là rất trân quí, không nên lo sợ.
Lại thưa tiếp:
- Đại vương! Thái tử tuy là con của Ngài, nhưng kì thật thái tử chính là con mắt của trời, người ở thế gian.
Vua lại hỏi:
- Vì sao biết được?
Bà-la-môn thưa:
- Chúng tôi thấy toàn thân thái tử sáng rực giống như vàng ròng, lại có các tướng quí và vẻ đẹp rất trong sáng. Nếu xuất gia, sẽ thành bậc Nhất thiết chủng trí, còn tại gia thì làm bậc Chuyển luân thánh vương, thống lĩnh bốn châu thiên hạ. Ví như các sông ngòi, biển là lớn nhất; trong tất cả ngọn núi, núi Tu-di là hơn hết; tất cả ánh sáng, mặt trời là sáng nhất; tất cả sự mát mẻ, chỉ có ánh sáng mặt trăng là bậc nhất; trong tất cả trời, người nhân gian, thái tử là bậc tối tôn quí!
Vua nghe nói thế, lòng rất vui mừng, không còn lo lắng.
Bà-la-môn kia lại thưa với vua:
- Có vị tiên nhân tên A-tư-đà, đầy đủ ngũ thông, hiện đang ở Hương sơn, vị ấy có thể giải trừ các nghi ngờ cho đại vương!
Các bà-la-môn nói như thế, rồi từ biệt mà đi.
Khi ấy, vua Bạch Tịnh suy nghĩ: “Tiên nhân A-tư-đà ở trên Hương sơn. Đường đi chật hẹp hiểm trở, người bình thường không thể đến được, phải dùng cách nào để thỉnh tiên nhân đến đây?”. Trong lúc vua đang suy nghĩ như thế, tiên nhân A-tư-đà từ xa đã biết; lại trước đó thấy các điềm lành kì lạ, nên tiên nhân biết chắc bồ-tát vì phá trừ đường sinh tử mà thị hiện thụ sinh. Tiên nhân vận sức thần thông bay lên hư không, đến trước cửa hoàng cung. Bấy giờ, lính canh cửa vào tâu vua:
- Tâu đại vương! Tiên nhân A-tư-đà từ trên hư không bay đến, nay đang ở ngoài cửa.
Vua nghe rồi, rất vui mừng, liền ra lệnh cho mời vào. Sau đó, đích thân ngài ra đến cửa thành nghinh đón.
Vừa thấy tiên nhân, vua cung kính đỉnh lễ, hỏi:
- Tôn giả đã đến, sao đứng ngoài cửa, hay lính canh không cho vào?
Tiên nhân đáp:
- Không phải, đã đến gặp ngài, nên phải thưa trước!
Vua cùng tiên nhân vào hậu cung, cung kính mời ngồi. Vua hỏi:
- Tôn giả! Bốn đại thường an ổn điều hòa chăng?
Tiên nhân đáp:
- Nhờ ân đức của đại vương, nên thần được an ổn.
Vua Bạch Tịnh hỏi tiên nhân:
[0627a] - Hôm nay, tôn giả đến đây thì dòng tộc chúng tôi từ nay về sau sẽ ngày càng an ổn thịnh vượng. Phải chăng Ngài đi ngang qua đây rồi ghé vào?
Tiên nhân đáp:
- Ta ở trên Hương sơn, thấy ánh sáng rực rỡ và các điềm lành kì lạ, lại biết được ý nghĩ của đại vương, do đó mà đến đây. Vả lại, lúc ta vận thần thông bay trên hư không, nghe các vị trời nói: “Thái tử sẽ thành bậc Nhất thiết chủng trí, độ thoát tất cả trời người”. Thái tử lại sinh ra từ hông phải, đứng trên hoa sen bảy báu, đi bảy bước, đưa cánh tay phải lên mà cất giọng như sư tử rống: “Trong tất cả trời người, Ta là bấc tôn quí nhất; vô lượng sinh tử, hôm nay đã chấm dứt. Đời này Ta sẽ làm lợi ích cho trời người”. Lại có các vị trời cung kính vây quanh.
Khi nghe các việc kì lạ như thế, ta nói:
- Hay thay! Tâu đại vương, Ngài phải nên vui mừng. Bây giờ, có thể cho tôi diện kiến thái tử được không?
Vua liền đưa tiên nhân đến chỗ thái tử, vua và phu nhân bồng thái tử ra muốn đỉnh lễ. Tiên nhân liền ngăn vua lại:
- Thái tử là bậc tối tôn trong ba cõi trời người, cớ sao đỉnh lễ tôi!
Bấy giờ, tiên nhân đứng dậy chắp tay đỉnh lễ dưới chân thái tử.
Vua và phu nhân thưa:
- Xin tôn giả đoán tướng cho thái tử.
Tiên nhân trả lời:
- Vâng!
Xem tướng cho thái tử rồi, bỗng nhiên ông buồn khóc, không kiềm chế được. Vua và phu nhân thấy tiên nhân như vậy thì toàn thân run sợ, lòng rất lo buồn, giống như sóng lớn đánh vào thuyền nhỏ, liền hỏi:
- Lúc ta vừa sinh thái tử, bỗng hiện các điềm như thế, có điều gì không tốt hay sao mà tôn giả khóc?
Tiên nhân sụt sùi đáp:
- Đại vương! Thái tử đầy đủ tướng tốt, không có gì bất tường cả!
Vua lại hỏi:
- Xin tôn giả đoán tướng cho thái tử có sống lâu không? Làm được vua Chuyển luân, thống lĩnh bốn châu thiên hạ không? Ta nay đã già, sau này muốn giao đất nước cho thái tử, ẩn nơi núi rừng xuất gia học đạo. Đây mới là chí nguyện của ta. Tôn giả xem đúng thế không?
Tiên nhân thưa:
- Đại vương! Thái tử có đủ ba mươi hai tướng đại nhân:
1. Lòng bàn chân bằng phẳng như đáy hộp.
2. Tướng bánh xe báu nghìn căm hiện dưới lòng bàn chân.
3. Ngón tay, ngón chân thon dài hơn người khác.
4. Tay chân mềm mại hơn các chi phần trên thân.
5. Gót chân đầy đặn.
6. Giữa các ngón tay và ngón chân đều có màng mỏng nối liền nhau.
[0627b] 7. Mu bàn chân cao lên đầy đặn, tương xứng với gót chân.
8. Tướng xương đùi tròn thon như nai chúa.
9. Khi đứng thẳng, hai tay duỗi xuống dài quá đầu gối.
10. Tướng nam căn ẩn kính trong thân, như mã vương, tượng vương.
11. Thân hình cao lớn đầy đặn, cân phân như cây ni-câu-luật.
12. Mỗi lỗ chân lông đều có một sợi màu lưu li xanh, mềm mại, xoay về bên phải.
13. Tất cả lông tóc trên thân đều mềm mại và xoay về bên phải.
14. Toàn thân màu vàng ròng vi diệu hơn màu vàng của Diêm-phù-đàn.
15. Ánh sáng toàn thân chiếu xa một trượng.
16. Da dẻ mịn màng, trơn láng, bụi bặm không dính, muỗi không đốt.
17. Nơi lòng bàn tay, bàn chân, hai vai và cổ đều đầy đặn.
18. Hai nách đầy đặn như châu ma-ni.
19. Thân tướng uy nghiêm như sư tử chúa.
20. Thân cao lớn ngay thẳng.
21. Hai vai đầy đặn cân phân.
22. Có bốn mươi cái răng.
23. Răng trắng, đều nhau và khít.
24. Bốn răng nanh trắng và lớn.
25. Hai gò má như hai má sư tử.
26. Trong miệng tiết ra nước bọt mùi thơm tối thượng hơn tất cả các mùi vị.
27. Lưỡi lớn, rộng, mềm, mỏng le ra phủ đến mí tóc.
28. Giọng nói thanh nhã vang xa như tiếng chim ca-lăng-tần-già.
29. Cặp mắt xanh biếc như hoa sen xanh.
30. Lông mi như ngưu vương.
31. Giữa hai chặng mày có sợi lông trắng mềm mại như đâu-la-miên.
32. Trên đỉnh đầu có bướu thịt nổi cao như hình búi tóc.
Thái tử có đủ tướng quí như thế, nếu ở nhà, năm hai mươi chín tuổi làm Chuyển luân thánh vương, nếu xuất gia sẽ thành bậc Nhất thiết chủng trí, độ khắp trời người. Nhưng nhất định thái tử sẽ xuất gia học đạo, thành tựu quả vị Vô thượng Chính đẳng chính giác, không lâu sau sẽ chuyển bánh xe pháp thanh tịnh, làm lợi ích tất cả trời người, mở mắt tuệ cho thế gian. Năm nay tôi đã một trăm hai mươi tuổi, không lâu nữa sẽ mạng chung, sinh lên cõi trời Vô tưởng, không gặp Phật ra đời, không nghe được kinh pháp, cho nên buồn khóc.
Vua lại hỏi:
- Vừa rồi tôn giả xem, nói có hai trường hợp:
1. Sẽ làm Chuyển luân thánh vương.
2. Sẽ thành Chính giác.
Vậy tại sao nay tôn giả nói nhất định sẽ thành bậc Nhất thiết chủng trí?
Tiên nhân đáp:
- Theo cách xem tướng của tôi, nếu có chúng sinh nào đủ ba mươi hai tướng, nhưng không đúng chỗ, các tướng không hiện rõ ràng, người này nhất định sẽ thành bậc Chuyển luân thánh vương. Nếu có đủ ba mươi hai tướng, đúng chỗ, lại hiện rõ ràng thì người ấy chắc chắn sẽ thành bậc Nhất thiết chủng trí. [0627c] Tôi xem thái tử của đại vương đầy đủ các tướng ấy, lại rất rõ ràng, vì thế biết chắc thái tử sẽ thành Chính giác.
Tiên nhân nói cho vua nghe như thế, rồi từ biệt ra đi.
Lúc bấy giờ, vua Bạch Tịnh nghe tiên nhân nói quả quyết như thế, trong lòng sầu não, lo sợ thái tử xuất gia, liền chọn năm trăm cung nữ hiền thục, thông minh làm vú nuôi chăm sóc nuôi dưỡng thái tử; người cho bú mớm, người ẵm bồng, người tắm rửa, người giặt giũ…, những việc như thế đều cung cấp hầu hạ thái tử đầy đủ. Lại cho xây cung điện ba mùa: ôn hòa, nóng và lạnh, mỗi nơi khác nhau. Cung điện đều trang hoàng bằng bảy báu; y phục, trang sức cũng theo mùa. Vua sợ thái tử bỏ hoàng cung xuất gia học đạo, nên hạ lệnh thiết kế cửa thành, mỗi khi đóng hoặc mở, tiếng vang xa bốn mươi dặm. Lại chọn năm trăm kĩ nữ, dung mạo đoan chính, không mập không ốm, không cao không thấp, không trắng không đen, có tài năng, mỗi người thông thạo vài nghề, trang sức thân thể bằng bảy báu và chuỗi anh lạc, trăm người một phiên, ban đêm thay nhau canh giữ thái tử. Trước mỗi cung điện trồng rất nhiều cây quả thơm ngọt, cành lá rậm rạp, hoa quả sum sê. Ao tắm sạch sẽ trong mát, hai bên bờ mọc cỏ thơm, hoa sen nhiều màu rực rỡ khắp nơi, không thể tính hết. Lại có khoảng vài trăm nghìn loại chim lạ màu sắc rực rỡ trước mắt, làm vui lòng thái tử.
Sau khi sinh thái tử được bảy ngày, phu nhân Ma-da mạng chung. Nhờ mang thai thái tử, có công đức lớn, nên phu nhân được sinh lên cõi trời Đao-lợi, hưởng thụ tự nhiên. Thái tử tự biết phước đức của mình quá lớn, không có người nữ nào kham nhận nổi sự lễ kính, do đó chỉ gá vào thai người sắp mạng chung mà đản sinh.
Bấy giờ, thái tử được di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề nuôi dưỡng như mẹ ruột. Vua Bạch Tịnh ra lệnh làm mũ trời bằng bảy báu và chuỗi anh lạc cho thái tử. Thái tử dần dần khôn lớn, vua ban cho các loại xe voi, ngựa, trâu, dê. Hễ bất cứ đồ vật nào mà những trẻ con thích vua đều ban cho thái tử. Khi ấy, tất cả nhân dân trong nước đều thực hành nhân đức, lúa thóc được mùa, mưa hòa gió thuận, không có nạn trộm cướp, giặc giã, an ổn vui vẻ, đều nhờ phước đức của thái tử. Vua cũng cho năm trăm người con của cung nữ như: Xa-nặc v.v… hầu hạ thái tử.
Năm thái tử lên bảy tuổi, vua Bạch Tịnh nghĩ: “Thái tử đã lớn, nên cho học chữ”. [0628a] Ngài liền tìm các vị bà-la-môn thông minh, am tường các sách và tài nghệ, mời đến dạy cho thái tử. Bấy giờ, có vị bà-la-môn tên Bạt-đà-la-ni và năm trăm bà-la-môn quyến thuộc, được mời vào cung. Vua thưa:
- Tôi muốn mời tôn giả làm thầy thái tử.
Bà-la-môn đáp:
- Hễ tôi biết gì đều truyền dạy cho thái tử.
Vua Bạch Tịnh xây trường học, trang hoàng bảy báu, bàn ghế, dụng cụ học tập cực kì tinh xảo lộng lẫy cho thái tử. Vua chọn được ngày tốt, liền giao thái tử cho bà-la-môn dạy dỗ.
Bà-la-môn lấy quyển sách bốn mươi chín chữ cái dạy cho thái tử đọc. Trong chốc lát thái tử đã học thuộc lòng, liền hỏi thầy:
- Đây là sách gì? Tất cả các sách trong cõi Diêm-phù-đề có bao nhiêu loại?
Vị thầy im lặng không đáp được.
Lại hỏi:
- Chữ “A” này có nghĩa gì?
Vị thầy cũng im lặng không thể trả lời được, trong lòng hổ thẹn, liền từ chỗ ngồi đứng dậy lễ dưới chân thái tử và khen:
- Lúc thái tử mới sinh ra, tự đi bảy bước, nói: “Trong tất cả trời người, Ta là bậc tôn quí nhất”. Lời nói này chẳng phải hư dối vậy. Mong thái tử nói cho tôi biết, sách trong cõi Diêm-phù-đề có bao nhiêu loại?
Thái tử đáp:
- Trong cõi Diêm-phù-đề có tất cả sáu mươi bốn loại như: Phạn thư, Khư-lâu thư, Liên hoa thư… Chữ “A” này là Phạn âm, có nghĩa là không thể hoại, cũng có nghĩa là đạo chân chính vô thượng, những nghĩa như thế thì vô lượng vô biên.
Bà-la-môn vô cùng hổ thẹn, liền đến chỗ vua, thưa:
- Đại vương! Thái tử là bậc thầy đệ nhất trong trời người, tôi làm sao dạy được!
Vua Bạch Tịnh nghe nói như thế, lòng rất vui mừng, khen việc chưa từng có, liền tùy theo ý muốn bà-la-môn kia cúng dường rất trọng hậu. Thái tử tự nhiên thông thạo các kĩ nghệ, sách xưa, nghị luận, thiên văn, địa lí, toán số, bắn cung, cỡi ngựa v.v… Chú thích:
[1] Tì-kheo 比丘 (S: bhikṣu): người nam được độ xuất gia, thụ giới cụ túc; một trong bảy chúng của giáo đoàn Phật giáo. Luận Đại trí độ III ghi, tì-kheo có năm nghĩa: 1. Khất sĩ (người tự khất thực để nuôi sống một cách thanh tịnh); 2. Phá phiền não ác (phá ác); 3. Xuất gia; 4. Trì giới thanh tịnh; 5. Làm ma sợ hãi (bố ma).
[2] Kỳ Thụ Cấp Cô Độc Viên 祇樹給孤獨園 (S: Jetavana-anāthapiṇḍasyārāma): tinh xá ở khu vườn phía nam thành Xá-vệ nước Kiều-tát-la, thuộc Trung Ấn Độ (nay thuộc khu vực phía nam Nepal). Đây là nơi nổi tiếng nhất trong các nơi Phật thuyết pháp. “Kì Thụ”: rừng cây thái tử Kì-đà (S: Jeta). “Cấp Cô Độc Viên”: khu vườn do trưởng giả Cấp Cô Độc (S: Anāthapiṇḍada) dâng cúng để cất tinh xá.
[3] Phạm hạnh 梵行 (Cg: Tịnh hạnh, S: Brahma-caryā): hạnh thanh tịnh mà người xuất gia và tại gia tu tập.
[4] Năm đường (Ngũ thú: 五趣): năm cõi của loài hữu tình sinh đến sau khi chết: địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, người, trời.
[5] Tứ sự 四事: bốn việc: ăn, mặc, ở, bệnh. Hoặc chỉ cho bốn nhu cầu cần thiết trong sinh hoạt hằng ngày của chúng tăng tương ứng với bốn việc trên: thức ăn uống, áo quần, thuốc men, vật dụng để ngồi nằm.
[6] Bốn châu (Tứ châu 四洲): Đông Thắng Thân châu, Nam Thiệm-bộ châu, Tây Ngưu Hoá châu, Bắc Câu-lô châu.
[7] Dạ-xoa 夜叉 (S: yakṣa): một loại quỉ ở trên mặt đất hoặc trong hư không, dùng oai thế não hại người hoặc giữ gìn chính pháp.
[8] Càn-thát-bà 乾闥婆 (S: candhabha; Hd: thực hương): vị thần chuyên hòa tấu âm nhạc. Vị này và thần khẩn-na-la thường hầu hạ trời Đế Thích. Theo truyền thuyết, vị thần này không ăn thịt, uống rượu, chỉ hưởng mùi hương.
[9] A-tu-la 阿修羅 (S: asura): một loại quỉ thần hiếu chiến của Ấn Độ bị xem là ác thần thường tranh đấu với trời Đế Thích.
[10] Ca-lâu-la 迦樓羅 (S: suparni; Cg: kim sí điểu): một loại chim giống diều hâu trong thần thoại Ấn Độ. Đây là loại chim được thần thoại hóa, thân to lớn và hung dữ, của trời Tì-thấp-nô cưỡi. Tương truyền: lúc mới sinh ra, thân nó phát sáng chói lọi, chư thiên lầm tưởng là Hóa thiên nên kéo nhau đến lễ bái.
[11] Khẩn-na-la 緊那羅 (S: kimnara; Cg: ca nhạc thần): nguyên chỉ các vị thần trong thần thoại Ấn Độ, sau được Phật giáo dung nạp và xếp vào bộ thứ bảy trong tám bộ chúng.
[12] Ma-hầu-la-già 摩睺羅伽 (S: mahoraga; Cg: địa long): vị thần đầu người mình rắn, một trong thiên long bát bộ.
[13] Phi nhân 非人 (S: amanuṣya): từ gọi chung các loại trời, rồng, dạ-xoa, ác quỉ, tu-la, địa ngục… không thuộc loài người, mắt người không thể thấy được.
[14] Ma, Phạm 魔梵: từ chỉ chung thiên ma ở trời Tha Hóa Tự Tại cõi Dục và Phạm Thiên Vương ở cõi Sắc.
[15] Tam thừa 三乘 (S: Trīṇi yānāni): ba xe, dụ cho ba pháp môn chuyên chở chúng sinh vượt sinh tử, đến bờ niết-bàn. Đó là Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ-tát thừa.
[16] Vô sinh pháp nhẫn 無生法忍 (S: Anutpattika-dharma-kṣānt): một trong ba nhẫn, nhẫn thứ tư trong năm nhẫn nói trong kinh Nhân vương, tức là quán lý không sinh không diệt của các pháp, nhận kĩ lí ấy, an trụ tâm bất động.
[17] Do-tuần 由旬 (S: yojana): Đơn vị đo độ dài của Ấn Độ thời xưa. Có nhiều thuyết khác nhau, theo Hữu bộ bách nhất yết-ma 3 của ngài Nghĩa Tịnh: người Ấn Độ tính 1 do-tuần là 16 km, Phật giáo tính là 6 km.
[18] Hoa ưu-đàm-bát-la 優曇跋羅 (S: uḍumbara; Cg: uất-đàm hoa): một loại thực vật ẩn hoa, thuộc họ cây dâu, sống dưới chân núi Hymalaya, cao nguyên Deccan và Srilanca. Thân cây cao hơn ba mét, lá có hai loại: trơn, phẳng và thô nhám, đều dài từ 10 đến 18cm, đầu nhọn hơi dài. Loại dài lớn thì như nắm tay, loại nhỏ bằng ngón tay cái, kết thành chùm mười hoa, mọc trên thân, tuy ăn được nhưng vị không ngon.
[19] Nhất thiết chủng trí 一切種智 (S: Sarvathā-jñāna): trí tuệ biết nhân chủng của tất cả các pháp và chúng sinh, đồng thời cũng là trí tuệ thấu suốt tướng tịch diệt và hạnh loại sai biệt của các pháp; chỉ có Phật mới chứng được. Luận Đại trí độ (Đại 25, 259 thượng) ghi: Phật thấu rõ cả tổng tướng và biệt tướng của các pháp thiền định, trí tuệ, nên gọi là Nhất thiết chủng trí.
[20] A-tăng-kì 阿僧祇: đơn vị số lượng của Ấn Độ, là số cực lớn chẳng thể tính đếm được.
[21] Thiên bức luân tướng, 千輻輪相: tướng quí có hình bánh xe nghìn căm do các đường vân hiện thành dưới lòng bàn chân Phật. Tướng này còn tượng trưng cho việc chuyển bánh xe pháp của Đức Phật. Hiện dưới lòng bàn chân là biểu thị cho việc Ngài du hoá khắp nơi để chuyển bánh xe pháp.
[22] Năm trược (Ngũ trược 五濁): năm thứ cặn đục khởi lên trong kiếp giảm: kiếp trược; kiến trược; phiền não trược; chúng sinh trược; mạng trược.
[23] Cây đa-la 多羅樹: loại cây miền nhiệt đới, thuộc họ cọ, cao khoảng 20m, lá dài rộng, bằng phẳng cứng chắc, trơn láng. Xưa được dùng để chép kinh, gọi là bối-đa-la diệp (lá bối). Quả chín màu đỏ như quả thạch lựu, ăn được; mọc nhiều ở vùng đất cát ven biển các nước Ấn Độ, Miến Điện, Tích Lan… Cây này nếu bị đốn ngang thân thì không mọc lại được, cho nên trong các kinh thường lấy cây này dụ cho các tì-kheo phạm trọng tội Ba-la-di.
[24] Lưỡng Túc Tôn 兩足尊: danh hiệu của Phật. Vì Phật có đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, thành tựu các pháp vô học vô lậu như: tận trí, vô sinh trí và các pháp bất cộng như: mười lực, 4 vô uý, nên tôn hiệu này có 2 nghĩa: 1/ Phật là bậc tôn quí nhất trong loài chúng sinh hai chân, mà đại biểu là trời và người. 2/ Đức Phật đây đủ quyền và thật, giới và định, phước và tuệ, giải và hành nên gọi là Lưỡng Túc Tôn.
[25] Tứ Thiên Vương 四天王 (S: Caturmahārājika-deva; Cg: Tứ Thiên Vương Thiên): tầng trời thứ nhất trong sáu tầng trời cõi Dục. Tầng trời đầu tiên trong các thiên xứ. Tứ Thiên Vương gồm: Trì Quốc Thiên ở phía đông, Tăng Trưởng Thiên ở phía nam, Quảng Mục Thiên ở phía tây, Đa Văn Thiên ở phía bắc.
[26] Chuyển luân thánh vương 轉輪聖王 (S: Cakra-varti-rājan): vị vua làm cho chính pháp ngự trị ở thế gian, cai trị bốn châu quanh núi Tu-di. Cõi nước vị vua này trị vì giàu đẹp, nhân dân an lạc. Vua đi xe báu, có đầy đủ bảy báu: xe, voi, ngựa, minh châu, ngọc nữ, cư sĩ, binh đội và đầy đủ bốn đức: sống lâu, không bệnh tật, dung mạo đẹp đẽ, kho báu dồi dào.
[27] Thập thiện 十善 (S: daśa kuśala-karmāni): 1- Không sát sinh; 2- Không trộm cắp; 3- Không tà hạnh; 4- Không vọng ngữ; 5- Không lưỡng thiệt; 6- Không ác khẩu; 7- Không ỷ ngữ; 8- Không tham dục; 9- Không sân nhuế; 10- Không tà kiến.
[28] Lục sư ngoại đạo 六師外道: 1- San-xà-da Tì-la-chi-tử: những người theo phái Hoài nghi luận; 2- A-tì-đa Xí-xà-khâm-bà-la: những người theo phái Duy vật luận. 3- Mạc-già-lê Câu-xá-lê: những người theo phái Tự nhiên luận thuộc Túc mạng luận. 4- Phú-lan-na Ca-diếp: những người chủ trương Vô đạo đức luận. 5- Ca-la-cưu-đà Ca-chiên diên: những người theo Cảm giác luận thuộc Vô nhân luận. 6- Ni-càn-đà Nhã-đề-tử: người sáng lập ra Kỳ-na giáo.
[29] Thập Địa 十地: mười giai vị bồ-tát được nói trong kinh Hoa nghiêm. 1- Hoan hỉ địa; 2- Li cấu địa; 3- Minh địa; 4- Diệm địa; 5- Nan thắng địa; 6- Hiện tiền địa; 7- Viễn hành địa; 8- Bất động địa; 9- Thiện huệ địa; 10- Pháp vân địa.
[30] Nhất sinh bổ xứ 一生補處 (S: eka-jāti-pratiboddha): người còn bị sinh tử lần cuối, nghĩa là sau đời sống hiện tại này sẽ được thành tựu Phật quả tại nhân gian. “Bô xứ” nhằm chỉ cho địa vị bồ-tát tối cao, là bồ-tát Đẳng giác như trường hợp của bồ-tát Di lặc.
[31] Đâu Suất thiên 兜率天 (S: Tuṣita, Cg: Đâu-suất-đà thiên): cõi trời thứ sáu trong sáu tầng trời cõi Dục, rộng tám vạn do-tuần, vị trí ở giữa trời Dạ-ma và trời Biến hoá lạc, cách trời Dạ-ma 16 vạn do-tuần. Theo luật lập thế A-tì-đàm 6: chư thiên ở cõi trời này luôn hỉ lạc, vật chất sung mãn, tinh tiến tu tập bát chính đạo.
[32] Tam thiên đại thiên thế giới 三千大千世界 (S: tri-sāhasra-mahā-sāhasrāḥloka-dhātavaḥ): vũ trụ quan của người Ấn Độ thời xưa lấy núi Tu-di làm trung tâm, chung quanh có bốn đại châu và chín lớp núi, tám lớp biển gọi là một tiểu thế giới, là từ cõi trời Sơ thiền của cõi Sắc, đến lớp phong luân dưới đáy mặt đất. Trong đó bao gồm: mặt trời, mặt trăng, núi Tu-di, Tứ Thiên Vương, Tam Thập Tam thiên, trời Dạ-ma, trời Đâu-suất, trời Biến Hóa, trời Tha Hóa Tự Tại, trời Phạm Thế… một nghìn tiểu thế giới này, hình thành một tiểu thiên thế giới, một nghìn tiểu thiên thế giới hợp thành trung thiên thế giới, một nghìn trung thiên thế giới hợp thành đại thiên thế giới, nên gọi là Tam thiên đại thiên thế giới.
[33] Ca-tì-la-bái-đâu (迦毗羅斾兜; Cg: Ca-tì-la-vệ): đô thành nơi Đức Phật đản sinh và cũng là vương quốc của dòng họ Thích-ca, nay là Tilorakot, Ta-rai, Nepal. Theo truyền thuyết, thỉ tổ của phái Số luận là tiên nhân Ca-tì-la cũng ở xứ này nên lấy tên ông đặt tên nước. Thành Ca-tì-la-vệ bị vua Tì-lưu-li nước Kiều-tất-la phá hủy nên điêu tàn. Năm 1895, các nhà khảo cổ tìm thấy phế tích thành Ca-tì-la-vệ gần làng Ruminide.
[34] Mười tám tướng chấn động (Thập bát chủng chấn động tướng 十八種震動相): mười tám tướng chấn động do sáu loại chấn động của mặt đất gây ra. (Lục chủng chấn động, 六種震動: động, khởi, dũng, chất, hống, kích; 1. Động: lay động không yên; 2. Khởi: từ thấp dần dần lên cao; 3. Dũng: bỗng nhiên vọt lên. Ba thứ này chỉ cho hình thức địa chấn; 4. Chấn: phát ra tiếng động ầm ỉ; 5. Hống: tiếng rống mạnh mẽ của loài thú; 6. Kích: phát ra tiếng dội ầm ầm. Ba thứ này chỉ cho âm thanh địa chấn. “Hình” và “thanh” mỗi thứ đều có một loại, gọi là chấn động).
Sáu thứ này mỗi thứ đều có ba tướng: tiểu (độc), trung (biến) và đại (phổ biến, đẳng biến), cho nên cộng chung có 18 tướng là: Động, biến động, đẳng biến động; Khởi, biến khởi, đẳng biến khởi; Dũng, biến dũng, đẳng biến dũng; Chấn, biến chấn, đẳng biến chấn; Hống, biến hống, đẳng biến hống; Kích, biến kích, đẳng biến kích. Biến là bốn phía đều lay động, còn phổ biến là tám phía đều lay động
[35] Hoa ba-la-xa 波羅奢: một loại cây có hoa đỏ, được bà-la-môn giáo Ấn Độ xem như là một cây thánh. Thân cây này có thể chế tạo nhiều món đồ dùng để cúng tế. Mủ cây màu đỏ thẫm có thể chế thuốc hoặc làm phẩm nhuộm. Lá lớn màu xanh.
[36] A-ca-nị-trá 阿迦尼吒 (S: Akaniṣṭha): cõi trời cao nhất trong các tầng trời đệ Tứ thiền, cao nhất trong 18 tầng trời cõi Sắc, là cõi trời cùng tột của các cõi trời có hình thể, một trong 18 tầng trời cõi Sắc, một trong năm cõi trời Tịnh cư, cao hơn cõi trời này là các tầng trời của cõi Vô sắc.
[37] A-tì địa ngục 阿鼻地獄 (S: Avīci; Cg: địa ngục Vô gián): một trong tám địa ngục nóng. Phẩm Quán Phật tâm nói: “Địa ngục này ở dưới tầng cuối cùng trong các địa ngục. Có bảy lớp thành sắt, bảy tầng lưới sắt. Trong bảy lớp thành có rừng gươm, dưới có mười tám phòng giam, bảy lớp bao quanh đều là rừng đao. Có mười ngục tốt, trên bậc cửa, ở bốn cửa địa ngục A-tì có tám mươi cái chảo, nước đồng sôi sùng sục vọt lên chảy tràn ra ngoài. Chúng sinh giết cha hại mẹ, mắng chửi lục thân, sau khi chết đọa vào địa ngục này”. Vì sao gọi là địa ngục A-tì: “A” là vô, “tì” là gián cách; “A” là vô, “tì” là cứu; “A” là cực nóng, “tì” là rất buồn bã; “A” là không rảnh rang, “tì” là không dừng trụ
[38] Ma, Phạm: 魔梵: Thiên ma ở cõi trời Tha hóa tự tại thuộc cõi Dục và Phạm Thiên vương ở cõi Sắc.
[39] Bát chính đạo 八正道 (S: aryaṣṭāṅgika-mārga): tám con đường chân chính cầu đạo niết-bàn. Đây là pháp môn thực tiễn đại biểu nhất trong 37 phẩm trợ đạo của Phật giáo, tức tám phương pháp hoặc tám đường tắt chính xác hướng thẳng đến niết-bàn giải thoát. Lúc chuyển pháp luân, Đức Thế-tôn thuyết về việc xa lìa hai bên dục lạc và khổ hạnh, đi theo con đường trung đạo, tức chỉ cho bát chính đạo này: 1. Chính kiến: thấy rõ khổ, tập, diệt, đạo; nghiệp báo thiện ác; 2. Chính tư duy: suy nghĩ chân chính, không có dục giác, sân giác, hại giác; 3. Chính ngữ: xa lìa nói dối, nói đâm thọc hai chiều, nói ác, nói thêu dệt; 4. Chính nghiệp: lìa sát sinh, trộm cướp; 5. Chính mạng: rời bỏ tà mạng, như chú thuật, bói toán v.v…; 6. Chính tinh tiến: phát nguyện và phấn đấu thực hiện mĩ mãn nội dung phát nguyện; 7. Chính niệm: lấy biệt tướng hoặc tổng tướng mà quán về tứ niệm xứ; 8. Chính định: xa lìa pháp ác ở cõi Dục, thành tựu Sơ thiền cho đến Tứ thiền
[40] Tha hóa tự tại 他化自在 (S: Para-nirmita-vaśa-vartin): tầng trời thứ sáu trong sáu tầng trời cõi Dục. Cõi trời này nhờ niềm vui mà người khác hóa độ được để thành tựu niềm vui của mình, nên gọi là Tha hóa tự tại thiên. Luận Đại trí độ 9 (Đại 25, 122 thượng) ghi: “Cõi trời này lấy sự hóa độ người khác mà tự vui, nên gọi là Tha hóa tự tại”, tức là đối với sự tha hóa được tự tại. Cõi trời này đứng đầu cõi Dục, cùng cõi trời Ma-hê-thủ-la đứng đầu cõi Sắc đều là loại ma vương nhiễu hại chính pháp, là thiên ma trong tứ ma, được gọi là đệ lục thiên ma vương.
[41] Nguyên văn: Bát công đức thủy, 八功徳水, Cg: bát định thủy ): nước có tám tinh chất thù thắng. Ở Tịnh độ của Phật có ao nước có tám tinh chất: trong trẻo, mát mẻ, ngon ngọt, mềm nhẹ, thấm nhuần, an hòa, trừ đó khát, nuôi lớn các căn.
[42] Tì-xá-khư 毘舍佉 (S: Viśākhā): tên một ngôi sao Trung Hoa, dịch là biệt chi, trưởng dưỡng.
[43] Ác luật nghi: 惡律儀: Vô biểu sắc bất thiện sinh khởi do tham lợi hoặc do cuộc sống mà làm các nghiệp sát sinh …
Kinh Đại phương tiện Phật báo ân 6, nêu ra 12 loại ác luật nghi: 1. Kẻ làm hàng thịt; 2; Đầu đảng giết người; 3. Nuôi heo; 4. Nuôi gà; 5. Đánh cá; 6. Săn bắn; 7. Giăng lưới bắt chim; 8. Bắt rắn; 9. Chú long; 10. Cai tù; 11. Làm kẻ cướp; 12. Vương gia sai bắt giặc.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.149.29.98 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.