Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn,
ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần,
ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt,
luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phần I
1. Vô Ngã hay Danh
Vua Di Lan Ðà ngự đến chùa San khế đa (Sankheyya), chỗ đại đức Na Tiên bây giờ đang tạm trú với tám chục tỳ kheo, ông tiến đến trước mặt Ðại đức và cung kính vái chào. Ðại đức đáp lễ. Sau lễ tương kiến, nhà vua cung kính ngồi né một bên.
Ðoạn, vua khởi chuyện hỏi rằng:
-- Kính bạch Ðại đức, trẫm muốn hỏi ngài ít câu có được không?
-- Xin Ðại vương cứ phán hỏi, bần tăng xin nghe.
-- Bạch Ðại đức, quý danh là gì?
-- Người ta gọi bần tăng là Na Tiên. Các pháp hữu của bần tăng cũng gọi bần tăng bằng tên ấy. Nhưng dù cho cha mẹ bần tăng có đặt cho bần tăng tên Na Tiên (Nagasena) hay một tên nào khác, chẳng hạn như Duy Tiên (Viranasena), Thủ La Tiên (Surasena) hoặc Duy Ca Tiên (Sihasena)..., thì chẳng qua cũng chỉ là những tên suông, đặt ra để phân biệt người nọ với người kia mà thôi. Trong những cái tên đó không hề có cái "ta" hay cái "của ta" như tà kiến và ngã chấp thường lầm nhận.
Nhà vua kinh ngạc quay sang đám tùy tùng hộ vệ và chư vị tỳ kheo trong chùa để phân bua:
-- Này năm trăm quan chức và tám chục tỳ kheo! Tất cả quý vị hãy ghi nhớ lời nói của Ðại đức Na Tiên hôm nay. Ngài nói: Tên là do cha mẹ đặt ra và bạn hữu dùng để gọi, chứ trong đó không có cái "ta". Như vậy trẫm có thể tin được lời ngài chăng?
Phân bua xong, nhà vua quay lại hỏi Ðại đức Na Tiên rằng:
-- Bạch Ðại đức! Nếu không có cái "ta" trong đó thì khi tín thí cúng dường y bát, vật thực, phòng xá, thuốc men, dụng cụ..., ai thâu nhận các món cúng dường ấy? Ai bảo tồn luân lý, đạo nghĩa? Ai tham thiền nhập định? Ai hành đạo, đắc quả và nhập niết bàn? Nếu không có cái "ta" trong người thì ai giữ giới? Ai phạm giới? Ai sát sanh? Ai trộm cướp? Ai hành dâm? Ai nói dối? Ai say sưa? Nếu quả như vậy thì không ai tạo nghiệp lành, cũng chẳng ai tạo nghiệp dữ. Luôn cả nghiệp lành dữ cũng không có. Những việc làm lành hay làm dữ không có quả báo gì hết. Bạch Ðại đức, như thế thì nếu có kẻ giết Ðại đức cũng không phạm tội sát sanh chăng? Và trong chư tăng, không có ai là giáo thọ giảng dạy, chẳng có ai là hòa thượng truyền giới thu nhận đệ tử tu lên bậc trên? Ngay các pháp hữu của Ðại đức gọi Ðại đức là Na Tiên cũng không có nốt? Và cái tên Na Tiên đó là ai? Kính mong Ðại đức giải cho trẫm được biết. Thưa Ðại đức đã nghe rõ rồi chứ?
-- Tâu Ðại vương, bần tăng đã nghe rõ rồi.
-- Người nghe đó có phải là Na Tiên không?
-- Tâu Ðại vương, không phải đâu.
-- Thế thì ai là Na Tiên? Cái gì là Na Tiên? Tóc trên đầu là Na Tiên chăng?
-- Tâu Ðại vương, không phải.
-- Lông là Na Tiên chăng?
-- Tâu Ðại vương, không phải.
-- Móng là Na Tiên chăng?
-- Tâu Ðại vương, không phải.
-- Hay răng, da, thịt, tủy, gân... là Na Tiên chăng?
-- Tâu Ðại vương cũng không phải.
-- Sắc (1) là Na Tiên chăng?
-- Tâu Ðại vương, không phải.
-- Thọ (2) là Na Tiên chăng?
-- Tâu Ðại vương, không phải.
-- Tưởng (3) là Na Tiên chăng?
-- Tâu Ðại vương, không phải.
-- Hành (4) là Na Tiên chăng?
-- Tâu Ðại vương, không phải.
-- Thức (5) là Na Tiên chăng?
-- Tâu Ðại vương, không phải.
-- Hay nhãn căn (6) là Na Tiên chăng?
-- Tâu Ðại vương, không phải.
-- Hay nhĩ căn, tỹ căn, thiệt căn, thân căn hoặc ý căn là Na Tiên chăng?
-- Tâu Ðại vương, không phải.
-- Hay tất cả năm uẩn Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức hợp lại là Na Tiên chăng?
-- Tâu Ðại vương, không phải.
-- Hay ngoài năm uẩn ra còn có cái gì đó là Na Tiên chăng?
-- Tâu Ðại vương, cũng không phải nốt.
-- Bạch Ðại đức, nãy giờ trẫm gạn hỏi tường tận về 32 thể trược, 5 uẩn và 18 giới có phải là Na Tiên không, hết thảy đều bị Ðại đức phủ nhận. Theo lời dạy bảo của Ðại đức, trẫm quán tưởng cũng thấy rằng trong từng cái nêu hỏi đều không có Na Tiên, và Na Tiên cũng không có trong tất cả những cái đó hợp lại, Na Tiên chỉ là cái danh suông. Như vậy trong đoạn trước, Ðại đức bảo với trẫm rằng người ta gọi Ðại đức là Na Tiên, như thế là Ðại đức đã nói dối, chứ thật ra không có Na Tiên. Này năm trăm quan chức và tám chục tỳ kheo! Xin các vị hãy làm chứng cho.
Bấy giờ, Ðại đức Na Tiên chậm rãi tâu lại nhà Vua rằng:
-- Tâu Ðại vương, Ðại vương thật là một bậc đế vương thanh nhã, hưởng nhiều phước báo an vui. Nhưng trên con đường từ hoàng cung đến chùa nầy, chắc hẳn vì gặp lúc khí trời oi bức, Ðại vương thấy trong người khó chịu, ngọc thể bất an, nên tâm trí Ðại vương có phần nóng nảy kém thanh tịnh. Chẳng hay Ðại vương đến đây bằng bộ hay bằng xe?
-- Bạch Ðại đức, trẫm đến bằng xe. Chỉ khi tiến vào đây, trẫm mới đi chân.
Nghe nhà Vua nói xong, Ðại đức Na Tiên hướng về đám tùy tùng hộ vệ của nhà Vua mà phân bua rằng:
-- Này năm trăm quan chức! Xin quý vị hãy ghi nhớ lời nói của nhà Vua, Ngài bảo rằng đến đây bằng xe. Xin quý vị hãy nhớ và làm chứng cho.
Phân chứng cớ xong, Na Tiên quay lại hỏi nhà Vua:
-- Tâu Ðại vương, Ðại vương bảo rằng ngài ngự đến bằng xe. Ðó là ngài nói thật chứ?
-- Bạch Ðại đức, trẫm nói chắc thật.
-- Vậy xin Ðại vương cho bần tăng biết rõ về cái xe. Gọng có phải là xe không?
-- Thưa, không phải.
-- Trục có phải là xe không?
-- Thưa, không phải.
-- Bánh có phải là xe không?
-- Thưa, không phải.
-- Căm có phải là xe không?
-- Thưa, không phải .
-- Thùng có phải là xe không?
-- Thưa, không phải.
-- Ách có phải là xe không?
-- Thưa, không phải.
-- Chỗ gác chân có phải là xe không?
-- Thưa, không phải.
-- Mui có phải là xe không?
-- Thưa, không phải.
-- Dây cương có phải là xe không?
-- Thưa, không phải.
-- Hay cây roi là xe?
-- Thưa, không phải.
-- Hay tất cả các món ấy họp lại và buộc chung với nhau là xe?
-- Thưa, không phải.
-- Hay ngoài các món ấy ra còn có một món nào khác gọi là xe?
-- Thưa cũng không phải.
-- Hay tiếng khua động là xe?
-- Thưa, cũng không phải nốt.
-- Vậy chớ xe là cái gì?
Nhà Vua lặng thinh, không trả lời.
Ðại đức Na Tiên dừng nghỉ một lát, rồi tâu rằng:
-- Tâu Ðại vương! Nãy giờ bần tăng đã gạn hỏi tường tận về từng món một như gọng, mui, thùng... có phải là xe không, hết thảy đều bị Ðại vương phủ nhận. Theo lời phán bảo của Ðại vương, bần tăng quả thật cũng thấy rằng trong từng món nêu hỏi đều không có xe, và xe cũng không có trong tất cả những món đó họp lại; xe chỉ là cái danh suông. Như vậy, khi Ðại vương nói với bần tăng rằng Ðại vương đến đây bằng xe, điều đó tưởng e đáng ngờ vực lắm. Ðại vương là một vị đại hoàng đế cao cả, làm chủ một vùng đất nước mênh mông, thật hẳn không đáng lại đây để nói những lời luống dối như thế. Này năm trăm quan chức! Xin quý vị hãy làm chứng cho.
Thấy nhà Vua ngồi câm nín và các quan chức thì tỏ lòng tán dương bằng nhiều cách khác nhau, Ðại đức Na Tiên bèn từ hòa tâu với nhà Vua rằng:
-- Trong kinh, Phật có dạy như vầy: "Hiệp các món gọng, thùng, bánh, mui... theo một mẫu mực nào đó thì thành một cái mà người ta tạm gọi là xe. Cũng như thế, hiệp tất cả đầu, mặt, tay, chân, hơi thở, lời nói, sự khổ, sự vui, điều lành, điều dữ... thì cũng thành một đơn vị mà người ta tạm gọi là cái "ta" để tiện bề phân biệt. Chứ thật ra thì không có cái "ta" chơn thật nào cả! Ðúng như lời của nữ tôn giả Hoa Si Ra (Vajirã) đã bạch với Ðức Thế Tôn khi Ngài còn tại thế: "Danh xưng xe sở dĩ có là do nhiều món đồ hợp lại là vẽ thành. Nhiều món cơ thể vẽ thành một vật mệnh danh là chúng sanh".
Vua Di Lan Ðà nghe đến đây, lấy làm hoan hỷ, cực lực tán thán Ðại đức Na Tiên:
-- Hay thay! Hay thay! Chớ chi Ðức Phật còn tại thế thì hẳn Ngài phải khen ngợi Ðại đức lắm. Chú thích:
(1) Sắc: Sắc chất cấu tạo nên cơ thể con người nói riêng, loài hữu tình nói chung.
(2) Thọ: Cảm thọ vui, khổ và không vui, không khổ.
(3) Tưởng: Hình ảnh của ngoại giới hiện ra trong tâm linh sau khi cảm thọ.
(4) Hành: Tạo tác của các hình ảnh ấy trong tâm linh.
(5) Thức: Phân biệt và nhận biết sự vật
Năm yếu tố trên đây gọi chung là Ngũ uẩn (năm cái chứa nhóm) trong đó Thọ, Tưởng và Hành gọi là Danh, hợp với Sắc thành Danh Sắc và có tác dụng là Thức.
(6) Nhãn căn là con mắt thịt. Nhãn căn, Nhĩ căn... gọi là sáu Căn. Sáu Căn tiếp xúc với sáu Trần (Sắc, Thanh...) phát khởi sáu tác dụng nhận biết gọi là sáu Thức (Nhãn thức, Nhĩ thức...) Sáu Căn, sáu Trần, sáu Thức gọi chung là 18 giới (dhatu).
Ðứng về mặt pháp tướng, ngoài cách phân tích con người thành năm uẩn, một cách phân tích khác chi li hơn là cách phân tích thành 18 giới; nghĩa là 18 phạm trù riêng biệt và sai khác nhau.
Hỏi về cái Ta, Vua Di Lan Ðà bắt đầu từ những hình tướng cụ thể như tóc, lông... dần dần đi sâu vào giáo nghĩa và đề cập đến năm Uẩn, mười hai Xứ, mười tám Giới. 2. Danh số
Sau khi đã được Na Tiên giải đáp về Danh (vì Ngã chỉ là cái Danh suông), vua Di Lan Ðà bèn hỏi về Số:
-- Bạch Ðại đức, nhà vua hỏi, Ðại đức tu hành trải bao nhiêu hạ lạp rồi?
-- Thưa đã bảy hạ lạp rồi.
-- Nói bảy hạ là đếm luôn cả Ðại đức vào trong đó, hay chỉ đếm riêng hạ không mà thôi? Con số bảy là con số của Ðại đức hay con số của hạ?
Trong lúc nhà vua đặt câu hỏi nầy thì bóng ông đương rọi vào ché nước bên cạnh long sàng và hiện ra rõ ràng với chiếc long bào oai nghiêm có đính đầy đồ trang sức rực rỡ. Na Tiên liền nắm lấy dữ kiện ấy mà hỏi ngược lại nhà vua rằng:
-- Tâu Ðại vương, cái bóng đương hiện ra trong ché nước kia là Ðại vương hay cái long thể đương đối diện với bần tăng là Ðại vương?
-- Bạch Ðại đức, chính trẫm mới là Ðại vương, cái bóng kia chỉ nương nơi trẫm mà có. Nó có là bởi nơi trẫm.
-- Cũng như thế đó, xin tâu Ðại vương rõ, chính số hạ mới là bảy, chứ không phải bần tăng là bảy. Nhưng số bảy ấy là nương nơi bần tăng mà có. Nó có bởi nơi bần tăng.
-- Hay thay, quả thật đúng như vậy. 3. Cách nói chuyện của hiền giả và vương giả hay điều kiện đối thoại.
Sau hai câu hỏi khai đề Danh và Số, đến đây Di Lan Ðà đi thẳng vào đối tượng chính của cuộc thảo luận. Vua hỏi:
-- Bạch Ðại đức, trẫm muốn hầu chuyện với Ðại đức về những điểm khó trong kinh điển và về đạo lý nói chung, chẳng hay tôn ý có hoan hỷ doãn nặc cho chăng?
-- Tâu Ðại vương, nếu Ðại vương đứng trên tư thế của một hiền giả mà nói chuyện (Panditavàda) thì bần tăng xin vui lòng đối đáp. Còn nếu Ðại vương đứng trên tư thế của một vương giả mà nói chuyện (Ràjavàda) thì bần tăng sẽ không có gì để đối đáp lại hết. (Ý nói: không thể có đối thoại trong điều kiện như thế)
-- Ðứng trên tư thế của một hiền giả mà nói chuyện là thế nào?
-- Tâu Ðại vương, hiền giả trong khi nói chuyện thì vừa tự dò xét lấy mình lại vừa soi sáng cho kẻ đối thoại một cách nhiệt thành. Trong câu chuyện dù đối phương viện dẫn những lý lẽ hoặc đúng hoặc không đúng, hoặc cao hoặc thấp, hiền giả vẫn không bao giờ móng tâm buồn giận bứt rứt, không hề lấy việc thắng bại làm điều và tự biết rằng trong đó ai cao trỗi hơn, ai có trí tuệ nhiều hơn. Nếu gặp phải một đối tượng quắc thước già giặn và có tài hùng biện, hiền giả cũng không vì thế mà tìm đường cản ngăn hay áp đảo bằng cách đuổi kẻ kia ra khỏi chỗ ngồi hoặc dùng xảo thuật luận lý mở trói, trói mở để thủ thắng cho kỳ được. Tâu Ðại vương, đó là cách nói chuyện của hiền giả.
-- Còn đứng trên tư thế của một vương giả mà nói chuyện là thế nào?
-- Tâu Ðại vương, vương giả trong khi nói chuyện thì thường thường hay dùng quyền thế mà áp đảo kẻ đối thoại, buộc kẻ kia phải chấp nhận quan điểm một chiều của mình. Nếu kẻ kia bất tuân, dám phát biểu ý kiến đối nghịch, thì các ngài chẳng ngại ngùng gì mà chẳng giáng chỉ bắt tội và hình phạt để nêu cao uy quyền riêng của mình, bất chấp lẽ phải và công bằng tối thiểu đối với người. Quyền uy mà các ngài hằng ngày thường sử dụng, tiêm nhiễm lâu năm thành thói quen, khiến các ngài chỉ muốn lấn lướt kẻ khác và không chịu để ai lấn lướt mình trong bất cứ trường hợp nào. Các ngài luôn luôn bị ám ảnh bởi lòng tự cao, tự đại gắn liền với quyền uy, nên chẳng nhận ra sự hơn kém trong lý lẽ viện dẫn của mỗi bên để làm sáng tỏ nội dung câu chuyện đương thảo luận. Chính cái thái độ trịch thượng, một chiều, điên rồ và nguy hiểm ấy đã là nguyên nhân bít lối đối thoại giữa đôi bên, chặt cầu thông cảm giữa đôi bờ. Tâu Ðại vương, đó là cách nói chuyện của vương giả.
-- Bạch Ðại đức, xin Ðại đức chớ ngại. Trẫm sẽ cố gắng học đòi hiền giả và đứng trên tư thế nầy mà hầu chuyện với Ðại đức. Và cũng xin Ðại đức đừng có ý nghĩ rằng Ðại đức đương đối diện với một vương giả mà tiếp chuyện. Xin ngài cứ nói một cách tự nhiên như hằng ngày ngài vẫn thuyết giảng cho tỳ kheo, tỳ kheo ni, sa di, sa di ni, ưu bà tắc hay ưu bà di nghe. Chúng ta có bổn phận phải soi sáng cho nhau. Ngài nên vững tâm, chớ e ngại gì hết. Không quấy lỗi gì đâu.
-- Tâu Ðại vương, những lời Ðại vương vừa phán rất hay và rất đúng. Ðược như thế, bần tăng mới có thể giải đáp thoải mái những câu hỏi đạo của Ðại vương được.
-- Bạch Ðại đức, vậy trẫm xin hỏi một câu.
-- Ðại vương hỏi đi.
-- Trẫm đã hỏi rồi.
-- Bần tăng đã đáp rồi.
-- Ðại đức đáp thế nào?
-- Ðại vương hỏi thế nào?
-- Trẫm không hỏi gì hết.
-- Bần tăng không đáp gì hết.
Vua Di Lan Ðà đặt câu hỏi như thế nầy là cốt để thử trí tuệ và tài hùng biện của Ðại đức Na Tiên đó thôi. Kỳ thật, câu hỏi nầy đã được nhà vua hỏi rồi trong đoạn trước. 4. Di Lan Ðà thỉnh Na Tiên vào hoàng cung
Bấy giờ, nhà vua thầm nghĩ rằng: "Vị Sa môn nầy quả thật là bậc thông minh có trí tuệ siêu việt. Ta còn nhiều điều dự định đem ra hỏi ngài. Hôm nay, trời sắp tối rồi, Mai ta sẽ cho triệu thỉnh ngài vào hoàng cung, chừng đó mặc tình mà đối đáp."
Nghĩ như thế rồi, nhà vua liền phán bảo cận thần là Ðờ Va Mang Ti Da (Devamantiya) (1) thăm dò riêng ý kiến của Na Tiên xem ngài có thuận tình không. Na Tiên khứng nhận. Nhà vua bèn rời khỏi chổ ngồi, chấp tay chào tạm biệt Na Tiên, rồi nhảy lên lưng tuấn mã mà trở về hoàng cung. Trên đường về, nhà vua như tuồng bị ám ảnh bởi hình bóng Na Tiên, cứ tơ tưởng vẫn vơ đến con người kỳ tài ấy mãi, không sao lắng quên được. Có lúc nhà vua thốt lên thành lời: "Na Tiên, Na Tiên... toàn tài!"
Sáng hôm sau, lúc mặt trời vừa mọc thì các đại thần Ðờ Va Măng Ti Da, A Năng Ta Ca Da (Anantakàya), Nơ Mít Ti Da (Nemittiya), Sa Ba Ði Na (Sapkadinna)... đến chầu vua và tâu rằng:
-- Có nên đi rước Na Tiên chăng?
-- Nên lắm, vua phán.
-- Thỉnh ngài với bao nhiêu Tỳ Kheo tăng tháp tùng?
-- Bao nhiêu cũng được. Việc ấy tùy ngài định đoạt.
Lúc ấy, Sa Ba Ði Na là quan giữ kho, tiến lên tâu rằng:
-- Xin thỉnh Na Tiên với mười vị Sa môn là đủ rồi.
-- Hãy cứ để Na Tiên tự do muốn mang theo theo bao nhiêu tùy ý, Vua phán.
Sa Ba Ði Na ba lần tâu. Nhà vua ba lần từ chối. Cuối cùng nhà vua nổi giận phán rằng:
-- Nhà ngươi thật là người keo lẫn không ai bằng. Hèn chi tên nhà ngươi là Sa Ba Ði Na! ("Sa ba đi na" nghĩa là keo lẫn). Ngươi tiếc của của nhà vua một cách thái quá. Nếu là của riêng của ngươi, ngươi còn tiếc đến bực nào? Vật thực ở trong hoàng cung có nhiều. Làm đến bực đế vương như trẫm mà không nuôi nổi tất cả chư vị Sa môn hay sao?
Sa Ba Ði Na nghe vua quỡ mắng, tự lấy làm hổ thẹn, chẳng dám thốt ra lời. Trong khi đó, Ðờ Măng Ti Da, A Năng Ta Ca Da với các vị thần khác cùng nhau đi đến chỗ ở của Na Tiên để cung thỉnh ngài vào hoàng cung.
Na Tiên hỏi:
-- Tôn ý đức vua muốn bần tăng đến với bao nhiêu Sa môn?
-- Bạch Ðại đức, đến với bao nhiêu cũng được.
Na Tiên bấy giờ đã chuẩn bị xong, mình choàng cà sa, tay ôm bình bát, cùng đi vào thành Sá Kiệt (Sakàla) với 80 vị tỳ kheo tháp tùng.
Dọc đường, A Năng Ta Ca Da đi hộ vệ cạnh Na Tiên để lân la hỏi đạo, bèn bạch rằng:
-- Bạch Ðại đức, hôm qua ngài có nói với đức vua rằng ngài tên là Na Tiên; sau đó ngài phủ quyết lại rằng không có Na Tiên. Vậy chớ ai là Na Tiên? Cái gì là Na Tiên?
-- Theo ông nghĩ cái gì là Na Tiên?
-- Theo tôi nghĩ, hơi thở tức mạng khí có vô có ra, chính đó là Na Tiên. Vì nhờ hơi thở đó mà sanh mạng được duy trì.
-- Nếu hơi thở kia có ra mà không có vô thì người có hơi thở ấy có sống không?
-- Người ấy chắc chắn phải chết.
-- Hơi thở của người thổi kèn, thổi sáo, hay thổi ống bễ thợ rèn, hơi thở đó ra rồi có trở vô không?
-- Thưa không.
-- Thế thì những người ấy sống hay chết?
A Năng Ta Ca Da sửng sờ ngơ ngác không biết nói sao. Giây lâu mới bạch lại rằng:
-- Bạch Ðại đức, trí tuệ của Ðại đức thật là siêu việt. Tôi không đủ thông minh để hiểu thấu. Xin Ðại đức khai thị giúp cho.
-- Này Ðại quan, hơi thở chẳng qua cũng chỉ là một phần việc trong nhiều phần việc của thân thể mà thôi. Cũng như phần việc của cái lưỡi là nói ra những điều gì mình suy nghĩ, mình cảm hay phần việc của cái ý là suy tư những điều gì xúc,... Mỗi bộ phận trong cơ thể đều có phần việc của nó. Ðó là điều được mệnh danh là "thân hành" hằng trú trong năm uẩn, nhất là trong Sắc uẩn. Phân tách các hành tướng của thân hành thì thấy toàn là trống không, vì vậy mà nói rằng: Không có Na Tiên.
A Năng Ta Ca Da nghe Na Tiên giảng giải, tâm ý dần sáng tỏ và thông suốt. Ông bèn xin thọ trì năm giới và trở thành tín đồ Ưu bà tắc.
(1) Bản Hán dịch phiên âm là Triêm Di Lỵ Vọng Quần, và còn gọi là Triêm Di Lỵ . 5. Cứu cánh đích thực của bậc xuất gia
Sau buổi trai tăng thịnh soạn do nhà vua cúng dường toàn thể chúng tăng, nhà vua yêu cầu Na Tiên lưu lại 10 vị cùng ngồi dự đàm, còn bao nhiêu xin mời trở lui về chùa an nghỉ. Nhà vua cũng truyền bảo tất cả cung phi mỹ nữ rời khỏi hậu cung, tiến vào ngự điện, ngồi nép sau rèm mà nghe vua luận đạo với Na Tiên.
Bãy giờ, vua cho thiết ngai ngồi trước mặt Na Tiên, rồi lên tiếng hỏi:
-- Bây giờ nên luận đàm về vấn đề gì đây?
-- Vấn đề gì mà nhà vua cho là chánh đáng hơn hết.
-- Bạch Ðại đức, chư vị xuất gia cho điều gì là lành nhất trên đời nầy? Vì cớ gì các ngài xuất gia làm Sa môn?
-- Tâu Ðại vương, anh em bần tăng chúng tôi sở dĩ xuất gia làm Sa môn là vì muốn thoát khỏi khổ não trong đời hiện tại, lại cũng không muốn vướng mắc khổ não trong đời vị lai.
-- Hết thảy Sa môn đều như thế cả hay sao?
-- Không hẳn như thế. Sa môn có bốn hạng. Có kẻ vì mang công mắc nợ mà làm Sa môn. Có kẻ vì sợ luật vua, phép nước mà làm Sa môn. Có kẻ vì nghèo túng khốn cùng mà làm Sa môn. Ở đây bần tăng chỉ muốn nói đến hạng thứ tư, tức hạng muốn thoát khỏi khổ não, ái dục, tiêu diệt khổ lụy trong đời nầy và đời sau, chí tâm cầu đạo mà xuất gia làm Sa môn.
-- Nói vậy thì Ðại đức chính vì mục đích ấy mà làm Sa môn chăng?
-- Hồi còn thơ ấu nào có biết gì! Nhưng về sau dần dần nhờ thấu rõ đạo lý Phật dạy trong kinh, lại nhờ có chư Sa môn trưởng lão giáo hóa mới thấy được mục đích của mình. Vì vậy, bần tăng quyết tâm tiêu trừ mọi khổ não trong đời nầy và đời sau. Ðó là mục đích của bần tăng.
-- Lành thay! Lành thay! 6. Nguyên nhân luân hồi và phương pháp giải thoát
Vua hỏi:
-- Bạch Ðại đức, có ai chết rồi mà không sanh trở lại không?
-- Tâu Ðại vương, có kẻ sanh trở lại mà cũng có kẻ không sanh trở lại.
-- Những ai sanh trở lại và những ai không sanh trở lại?
-- Ai còn nặng nợ tham dục ái ân, kẻ đó còn sanh trở lại đời sau. Ai đã thoát khỏi vòng tham dục ái ân, người đó không còn sanh trở lại nữa.
-- Bạch Ðại đức, kẻ nào nhất tâm niệm chánh pháp có thoát khỏi luân hồi không?
-- Tâu Ðại vương, nhất tâm niệm chánh pháp mà lại còn phải đạt được trí ruệ và các điều thiện khác nữa thì mới thoát khỏi luân hồi.
-- Nhứt tâm và trí tuệ có đồng nghĩa nhau không?
-- Không.
-- Gia súc như bò, ngựa, chó, mèo... có trí tuệ không?
-- Chúng có nhứt tâm nhưng không có trí tuệ.
-- Nhứt tâm và trí tuệ khác nghĩa nhau như thế nào?
-- Nhứt tâm là định. Có định mới hiểu biết. Trí tuệ là đoạn. Nhờ trí tuệ mà cắt đứt được phiền não mê lầm và chất dứt luân hồi sanh tử.
-- Xin ví dụ cho trẩm dễ hiểu.
-- Ðại vương từng thấy thợ gặt lúa chứ? Tay trái họ gom bụi lúa lại, trong khi đó thì tay mặt họ cầm lưỡi hái mà cắt. Cũng giống như thế, nhà tu hành dùng nhứt tâm gom tư tưởng lại và dùng lưỡi hái trí tuệ cắt đứt phiền não ái dục. Phiền não ái dục đã cắt đứt thì vĩnh viễn không còn tái sanh. Luần hồi chấm dứt.
-- Hay thay! Hay thay! Ví dụ của Ðại đức rõ lắm. 7. Pháp lành
Vua hỏi:
-- Bạch Ðại đức, ngoài điều lành chánh đáng nhất đã nói, còn những điều lành nào khác đáng nói nữa không? Và đó là những điều gì?
-- Tâu Ðại vương, đó là: Tín tâm, Trì giới, Tinh tấn, Niệm thiện, Nhứt tâm và Trí tuệ (1).
a) Tín tâm
-- Tín tâm ra sao và gồm những gì?
-- Tín tâm cởi mở lòng ngờ vực. Có tín tâm thì mọi nghi nan ngần ngại mới tiêu tan. Như tin có Phật; tin nơi kinh pháp; tin có tỳ kheo tăng; tin có đạo quả A La Hán; tin có đời nầy và đời sau; tin phải ăn ở hiếu hạnh với cha mẹ; tin làm lành hưởng phước và làm ác bị đọa. Nhờ có tín tâm như thế, người ta mới trở nên trong sạch và tinh tấn mà lướt lên.
-- Trong sạch ra sao và tinh tấn lướt lên như thế nào?
-- Trong sạch là xa lìa và trừ khử năm điều ác: tham dâm, sân nộ, lười biếng ham ngủ, say mê ca nhạc, nghi kỵ, không dám dấn thân. Hễ chưa diệt trừ được năm điều ác ấy thì tâm ý luôn luôn bất định. Chỉ khi nào tận diệt được năm điều ác ấy, tâm ý mới trở nên trong sạch không chút bợn nhơ.
-- Xin cho một ví dụ cho dễ hiểu.
-- Ví như một vị đại vương dắt một đoàn người ngựa xe cộ vượt qua một con rạch, nước rạch bị quậy lên đục ngầu. Nhưng khi qua rạch rồi thì vua khát nước muốn uống. Giả sử bấy giờ nhà vua có một viên ngọc Ðịnh Thủy Châu ném xuống, nước liền trở nên trong và nhà vua có nước mà giải khát. Ấy, lòng người với năm điều ác nói trên cũng như nước đục vậy. Ðệ tử Phật tự độ thoát ra khỏi vòng sanh tử bằng viên ngọc Ðịnh Thủy Châu làm cho nước trong. Diệt được tội ác rồi thì tín tâm thanh tịnh như viên ngọc sáng rỡ dưới ánh trăng rằm.
-- Lúc nãy, Ðại đức có bảo rằng nhờ tín tâm mà tinh tấn lướt tới là như thế nào?
-- Ðệ tử Phật hàng ngày chứng kiến hàng ngũ mình sách tấn nhau tu tập để trở nên thanh tịnh. Trong số đó, có kẻ đắc quả Tu Ðà Hoàn, có kẻ đắc quả Tư Ðà Hàm, có kẻ đắc quả A Na Hàm, có kẻ đắc quả A La Hán. Quả nào cũng nhờ tận lực vận dụng tín tâm, trừ khử các mối ác trược dơ bẩn, mà thủ đắc. Nhân đó, các ngài bèn ra sức tinh tấn, cố gắng xông lên mãi mãi để đạt đạo giải thoát.
-- Xin cho một ví dụ để dễ hiểu.
-- Ví như khi trời đổ mưa to, nước mưa theo triền núi chảy xuống, tràn ngập cả sông hồ ao rạch. Một đoàn bộ hành trờ tới, ngại ngùng không biết nước nông sâu, dừng lại bên bờ rạch chẳng dám băng qua để tiếp tục lộ trình đã dự định. Bổng có một người từ phương xa đến. Người nầy ngắm thế rạch, độ được mực nước thấp cao tuỳ từng đoạn nông sâu, rồi bình thản vượt qua rạch. Ðệ tử Phật cũng thế, thấy người đi trước mình nhờ tâm thanh tịnh mà đắc quả Tu Ðà Hoàn, Tư Ðà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, những kẻ đi sau bèn tinh tấn lướt tới để cùng đắc quả như nhau. Trong kinh, Phật có dạy rằng: "Ai có tín tâm đều có thể tự độ được ra khỏi luân hồi sanh tử. Ai có đủ nghị lực tự kềm chế lòng mình, diệt trừ được ngũ dục, nhận chân được những nỗi đau khổ của tự thân thì có thể tự giải thoát được. Và trên con đường giải thoát, phải dùng trí tuệ mà mà thành tựu đạo đức của mình. "
b) Trì giới
Vua hỏi:
-- Bạch Ðại đức, còn trì giới là như thế nào?
-- Tâu Ðại vương, là giữ giới, vì giới là nền tảng của tất cả các pháp lành, gồm tóm trong ba mươi bảy phẩm pháp.
-- Ba mươi bảy phẩm pháp đó là gì?
-- Ðó là bốn Ý chỉ, bốn Ý đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác ý, tám Ðạo hành. (2)
-- Bốn Ý chỉ ra sao và gồm những gì? (3)
-- Là bốn điều ngưng nghỉ khiến ý thôi vọng động. Phật dạy rằng: Một là quán tưởng thân bất tịnh thì thân ngưng nghỉ. Hai là quán tưởng bệnh tật đau đớn thì bệnh tật ngưng nghỉ. Ba là quán tưởng ý nghĩ vô thường thì ý nghĩ ngưng nghỉ. Bốn là quán tưởng các pháp do duyên sanh thì các pháp ngưng nghỉ. Bốn ý chỉ là như vậy đó.
-- Còn bốn Ý đoạn? (4)
-- Là bốn điều dứt trừ. Ðạt được bốn điều ngừng nghỉ nói trên, không còn nhớ nghĩ đến nữa, vĩnh viễn dứt trừ được chúng, như vậy gọi là Ý đoạn. Nhờ đoạn ý mà không còn phạm tội lỗi mới, tiêu trừ được tội lỗi cũ, tập làm điều lành chưa làm, tăng trưởng điều lành đã làm.
-- Còn bốn Thần túc?
-- Là bốn điều thông suốt tận nguồn gốc. Một là mắt thấy suốt vạn vật. Hai là tai nghe suốt mọi âm thanh. Ba là biết suốt tâm niệm kẻ khác. Bốn là thân bay lên được hư không. Bốn Thần túc là như vậy đó.
-- Còn năm Căn?
-- Là năm điều không đắm trước của Căn. Một là nhìn sắc dù đẹp, dù xấu, mắt không đắm trước. Hai là nghe âm thanh dù hay dù dỡ, tai không đắm trước. Ba là ngửi hương vị dù thơm dù thối, mũi không đắm trước. Bốn là nếm mùi vị dù ngon dù dỡ, lưỡi không đắm trước. Năm là đụng đồ vật dù mịn dù nhám, thân không đắm trước. Năm Căn là như vậy đó.
-- Còn năm Lực?
-- Là năm sức mạnh kềm chế năm Căn, không cho dấy khởi các điều dữ. Một là kềm chế được con mắt. Hai là kềm chế được lỗ tai. Ba là kềm chế được lỗ mũi. Bốn là kềm chế được lỗ miệng. Năm là kềm chế được cái thân. Nhờ năm sức mạnh nầy kềm chế năm Căn khiến ý tránh khỏi sự sa ngã. Năm lực là vậy đó.
-- Còn bảy Giác Ý?
-- Là tác dụng của trí hiểu biết trong bảy phương diện. Một là Ý giác ý nghĩa là trí tự giác ngộ. Hai là Phân biệt giác ý nghĩa là trí chọn lựa chánh pháp, tà pháp. Ba là Tinh tấn giác ý nghĩa là trí chuyên cần tu tập chính pháp. Bốn là Khả giác ý nghĩa là ý trừ bỏ các chướng ngại. Năm là Ỷ giác ý nghĩa là trí thường niệm giải thoát. Sáu là Ðịnh giác ý nghĩa là trí thường ở trong đại định. Bảy là Hộ giác ý nghĩa là trí loại bỏ các tà pháp, bảo vệ các pháp lành đã tu tập được. Bảy giác ý là như vậy đó.
-- Còn tám Ðạo hành? (9)
-- Là tám phương thức hành đạo, dẫn dắt đến đạo quả. Một là Trực Kiến nghĩa là kiến giải ngay thẳng. Hai là Trực Niệm nghĩa là nhớ nghĩ ngay thẳng. Ba là Trực Ngữ nghĩa là lời nói ngay thẳng. Bốn là Trực Trị nghĩa là trị lý công việc ngay thẳng. Năm là Trực Nghiệp nghĩa là đời sống ngay thẳng. Sáu là Trực Phương Tiện nghĩa là phương tiện ngay thẳng. Bảy là Trực Ý nghĩa là ý nghĩ ngay thẳng. Tám là Trực Ðịnh nghĩa là định lực ngay thẳng. Ðó là tám phương thức hành đạo. Tất cả ba mươi bảy phẩm pháp nầy đều lấy việc trì giới làm gốc.
-- Xin cho một ví dụ để dễ hiểu.
-- Ví như người mang đồ nặng đi xa, sở dĩ đi đứng vững vàng được là nhờ đất nâng đở. Lại ví như ngũ cốc và các loại thảo mộc thảy đều từ đất mọc lên. Lại ví như tay thợ khéo xây thành, trước hết phải đo lường đám đất để thiết lập nền móng rồi mới khởi công xây cất. Lại ví như người mãi võ muốn trình diện nghệ thuật của mình, trước tiên phải dọn dẹp một đám đất sạch sẽ, bằng phẳng nhiên hậu mới thi thố tài năng được. Ðất là căn bản của muôn vật. Cũng vậy, giới là nền tảng của đức hạnh. Là bậc cầu đạo giải thoát, đệ tử Phật trước tiên phải thực hành giới hạnh, ức niệm hơn hành, hiểu rõ sự cần khổ thì mới xả bỏ được ái dục và tư niệm tám phương thức hành đạo.
-- Làm sao xả bỏ được ái dục?
-- Nhứt tâm niệm đạo thì ái dục tự nhiên diệt.
-- Hay thay! Hay thay!
c) Tinh tấn
Vua hỏi:
-- Bạch Ðại đức, còn như tinh tấn là như thế nào?
-- Tâu Ðại vương, giữ gìn điều lành và tán trợ điều lành, đó là tinh tấn.
-- Xin ví dụ cho dễ hiểu.
-- Ví như trong việc ngăn ngừa một bức vách sắp đổ hay một ngôi nhà sắp sập, người ta dùng trụ chống để đỡ thì vách và nhà khỏi xiêu. Cũng thế, tinh tấn có công năng chống đỡ người tu hành, nhờ đó mà lòng lành khỏi ngã nghiêng. Lại ví như khi vua sai quân binh ra ngự giặc, thế giặc quá mạnh, quân binh sắp thua, vua phải phái thêm viện binh ra tiếp cứu và trợ chiến, nhờ đó mà thắng trận đuổi được quân giặc. Người có điều dữ như quân ít binh yếu trước thế giặc mạnh. Nếu không nhờ vào tinh tấn để níu giữ điều lành, làm cho vững và tiêu diệt điều dữ cho hết, thì không sao thắng được ác tâm mà thăng tiến trên con đường đạo. Như thế gọi là gìn giữ điều lành và tán trợ điều lành.
Nói đến đây, Na Tiên bèn dẫn đọc một bài kệ:
Tinh tấn giúp điều lành.
Ðường lành ai đi xong,
Ðường đời sẽ ra khỏi.
Ba cõi chẳng trở lui.
-- Hay thay! Hay thay!
d) Niệm thiện
Vua hỏi:
-- Bạch Ðại đức, còn niệm thiện là như thế nào?
-- Tâu Ðại vương, niệm thiện là ý luôn luôn nhớ nghĩ các việc lành. Nhớ nghĩ bằng hai cách: phân ra và hiệp lại. Giống như người hái hoa, trước phải chọn từng cánh hoa thơm mà cắt, cắt xong lại phải buộc chặt lại thành một bó. Bó kỷ thì gió thổi qua không làm chúng tản lạc hay bay mất đi được. Lại cũng ví như quan giữ kho của vua, sau khi được giao nhiệm vụ, trước phải chia đếm từng món vàng bạc châu báu, soát xét cẩn thận; soát xét xong từng món mới gộp chung lại để biết tổng số vàng bạc châu báu phải gìn giữ là bao nhiêu. Cũng thế, người tu hành muốn đắc đạo, phải thường tâm niệm 37 phẩm pháp để ghi nhớ. Như vậy gọi là niệm đạo lý xuất sanh tử. Ai tưởng niệm đạo lý như thế mới biết điều lành để theo và điều dữ nên tránh. Phân biệt rành rẽ đâu là trắng, đâu là đen, rồi sau đó mới tự mình quan sát suy tư mà mà bỏ ác hướng lành.
-- Xin cho ví dụ.
-- Ví như quan hầu giữ cửa cung vua, phải biết những ai được vua ưa chuộng, những ai không được vua ưa chuộng, những ai có ích cho vua, những ai không có ích cho vua. Người có ích được vua ưa chuộng thì mới rước vào; kẻ không có ích cũng không được vua chuộng hẳn phải ngăn lại hoặc xua đuổi đi. Người tu hành gìn giữ niệm thiện cũng giống như thế. Ðiều lành thì cho vào, điều không lành thì xua ra. Giữ gìn cái ý chế ngự cái tâm, phải như thế đó.
Ðến đây Na tiên dẫn đọc một bài kệ:
Tu hành cần giữ kỷ,
Sáu giặc và tâm ý.
Ái dục phải kềm chặt,
Luân hồi chắc chắn thoát.
-- Hay thay! Hay thay!
e) Nhứt tâm
Vua hỏi:
-- Bạch Ðại đức, còn nhứt tâm là như thế nào?
-- Tâu Ðại vương, nhứt tâm là quy cái tâm về một mối. Tức thiền định. Trong các điều lành, nhứt tâm là pháp tối thắng hơn hết. Ai quy nhứt được tâm mình thì khai thông được mọi điều lành. Vì mọi điều lành do nhứt tâm mà ra.
-- Xin cho ví dụ.
--Ví như nhà phải có nóc thì rui, mè, kèo, cột mới từ đó mà trùm xuống làm kín nhà. Cũng thế, người làm điều lành phải bắt gốc từ nhứt tâm thì điều lành mới trọn vẹn. Lại ví như vua xuất quân ra trận, các binh chủng như tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh thảy đều theo mệnh lệnh vua và do vua điều khiển, thì mới tiến đánh được quân giặc. Nếu không có chủ soái thì binh loạn. Các giới điều và các việc lành mà Phật nói trong kinh đều tùy nơi nhứt tâm hết. Nhứt tâm là chủ soái; giới điều và việc lành là quân binh.
Ðến đây Na tiên dẫn đọc một bài kệ:
Nhứt tâm là cội điều lành,
Y vào cội ấy tu hành mới xong.
Tử sanh nước chảy xuôi giòng,
Trước sau tiếp nối khốn hòng nghỉ ngưng.
f) Trí tuệ
Vua hỏi:
-- Bạch Ðại đức, còn trí tuệ là như thế nào?
-- Tâu Ðại vương, như đã nói ở đoạn trước, trí tuệ là "Ðoạn" và "Minh". Người có trí tuệ mới cắt đứt được (đoạn) các điều nghi ngờ và làm sáng tỏ được (minh) các điều lành. Trí tuệ là như thế đó.
-- Xin cho ví dụ.
-- Ví như đèn sáng thắp trong phòng tối. Ánh sáng ngọn đèn vừa toả ra, tức khắc bóng tối tiêu tan, phòng tự bừng rạng, trông rõ mồn một. Cũng thế trí tuệ soi suốt cả, như ánh sáng ngọn đèn soi sáng khắp phòng. Lại ví như dao bén chặt cây, lát dao đưa đến đâu, cắt đứt đến đó. Cũng thế, trí tuệ cắt đứt các điều dữ, giống như dao bén chặt ngọt. Trên thế gian nầy, trí tuệ là pháp tối thắng số một. Ai có trí tuệ mới mong độ thoát khỏi cái khổ sanh tử luân hồi.
-- Bạch Ðại đức, các điều lành mà đại đức đã giải bày tường tận cho trẫm nghe nãy giờ gồm nhiều loại sai khác nhau, nhưng công hiệu của chúng trong việc xua đuổi các điều dữ có giống nhau không?
-- Tâu Ðại vương, các điều lành nói trong kinh Phật thảy đều cùng một công hiệu như nhau là diệt trừ tất cả các điều dữ.
-- Xin cho ví dụ.
-- Ví như bốn binh chủng: Tượng, mã, xa, bộ mà vua đốc thúc ra trận để ngự địch, không binh chủng nào giống binh chủng nào, nhưng tất cả đều cùng nhằm một mục đích chung; chiến thắng quân địch. Cũng thế, các điều lành nói trong kinh Phật, tuy chủng loại có khác nhau, nhưng tất cả đều hướng đến một mục đích chung đua nhau công phá và tận diệt các điều dữ.
-- Hay thay! Hay thay! Lời Ðại đức nói, quả có đúng như vậy. Chú thích:
(1) Bản Hán dịch ghi là: Thành tín, Hiếu thuận, Tinh Tấn, Niệm thiện, Nhứt tâm, Trí tuệ. Bản dịch Pali ghi là: Trì giới, Ðức tin, Tinh tấn, Trí nhớ, Nhập định, Trí tuệ. Trong 6 pháp thiện nầy, thứ tự và danh xưng của 2 bản Hán và Pali có sai khác nhau. Thành tín trong bản Hán tương đương với Ðức tin trong bản Pali. Trì giới trong bản Pali tương đương với Hiếu thuận trong bản Hán. Lại nữa xét về nội dung thì trong Thành Tín chỉ nói về tín tâm hay đức tin, nên ở đây chúng tôi đổi là Tín tâm. Dưới danh xưng Hiếu thuận, nội dung chỉ nói đến phương pháp rèn luyện đức hạnh, nên ở đây chúng tôi đổi lại là Trì giới.
(2) Về ba mươi bảy phẩm pháp nầy, danh xưng thông dụng ngày nay là: Tam thập thất đạo phẩm, hay tam thập thất phần pháp, hay Tam thập thất bồ đề phần pháp, hay Tam thập thất phẩm. Ðây là lương thực, là hành trang và tiền của (tư lương) của người tu hành trên con đường tiến đến niết bàn giải thoát. Gồm có: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, ngũ lực, Thất giác chi, Bát chánh đạo phần.
Bản dịch Pali ghi theo thứ tự và danh xưng: Ngũ căn, ngũ lực, Thất giác chi, Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ thần túc, Tứ thiền, 8 phép giải thoát, 1 pháp định và 3 pháp nhập định; cọng thành 45 pháp.
Trong hai bản Hán dịch hiện có trong Ðại tạng kinh (đánh số 1670 A và số 1670 B) đều ghi con số 37 và đều cùng gọi là: Tam thập thất phẩm kinh. Có sai khác nhau về chi tiết, danh xưng và nhất là nội dung.
Bản 1670 A không ghi đủ con số 37 phẩm, 37 phẩm trong bài nầy lấy trong bản 1670 B.
(3) Bản 1670 A ghi là: Thiện sự tâm ý sở chị Gồm có: 1) quán sát trong và ngoài thân mình; 2) biết khổ hay vui của ý; 3) biết điều lành hay điều dữ của tâm; 4) biết chánh pháp.
(4) Bản 1670 A không có danh xưng riêng, chỉ nêu lên 4 điều kiềm chế ý mình: 1) không cho điều dữ lọt vào tai; 2) tâm lỡ móng điều dữ liền khử bỏ ngay; 3) tâm luôn cầu có điều lành vào; 4) tâm có điều lành phải khéo giữ lấy chớ không buông ra.
(5) Bản 1670 A ghi là: Tự tại dục sở tác. Gồm có: 1) khước dục; 2) tinh tấn; 3) chế tâm, 4) tư duy.
(6) Bản 1670 A bỏ sót không ghi.
(7) Bản 1670 A ghi là: Ngũ hiệu sự. Gồm có: 1) thành tín; 2) hiếu thuận; 3) tinh tấn; 4) tận tâm niệm thiện; 5) trí tuệ.
Như vậy là gần trùng với sáu pháp lành căn bản nói ở đoạn đầu.
(8) Bản 1670 A ghi là: Thất sự khí trừ chư ác, cũng gọi là thất thiện hay thất giác ý. Nhưng không ghi danh xưng từng điều một.
(9) Bản 1670 A ghi là: Bát chủng đạo hành, giống như trong bản 1670 B, nhưng không ghi danh xưng từng điều một. 8. Tương quan giữa thân trước và thân sau.
Vua hỏi:
-- Bạch Ðại đức, kinh Phật nói con người sau khi chết, tiếp tục thác sanh trở lại theo nghiệp lành dữ đã gây, như vậy đó là con người cũ hay là một con người mới nào khác?
-- Tâu Ðại vương, không phải con người cũ, nhưng cũng chẳng phải lìa con người cũ ra mà sanh một con người mới khác.
-- Như thế nghĩa là thế nào?
Na Tiên chụp hỏi lại:
-- Bệ hạ hồi còn bú vú mẹ với bệ hạ cai trị trăm họ bây giờ có khác gì nhau không?
-- Khác chứ! Hồi đó trẫm nhỏ dại, bây giờ trẫm lớn khôn.
-- Như vậy thì lệnh mẫu hoàng hồi đó không phải mẫu hoàng ngày nay! Lệnh phụ hoàng cũng thế! Và bệ hạ cũng chẳng có phụ đạo. Vì ông thầy ấy chỉ dạy đứa bé mươi mười lăm tuổi cách đây mấy chục năm, chứ đâu có dạy bệ hạ bây giờ! Thân trước thân sau khác nhau thì mẹ đứa bé không phải là mẹ nhà vua! Người học trò thuở trước cũng không phải nhà vua trong hiện tại! Và kẻ phạm tội giết người năm ngoái không phải là người bị cáo ra tòa ngày nay! Bệ hạ làm sao buộc tội được người ấy?
-- Bạch Ðại đức, không phải như thế. Nhưng có ai hỏi Ðại đức về khoản nầy thì Ðại đức giải đáp ra sao?
-- Tâu Ðại vương, thân bần tăng lúc nhỏ với thân bần tăng bây giờ cũng là một thân mà thôi. Thân ấy từ nhỏ đến lớn, trải qua nhiều quảng đời khác nhau, nhưng vẫn được liên tục nuôi dưỡng bởi một sinh mạng.
-- Xin cho thí dụ.
-- Ví như một ngọn đèn thắp từ đầu hôm nó có thể cháy mãi cho tới sáng không?
-- Có thể.
-- Lửa ngọn đèn thắp lên từ đầu hôm với lửa ngọn đèn lúc nửa đêm và lửa ngọn đèn lúc gần sáng có phải là một không?
-- Không.
-- Trong ba khoảng thời gian khác nhau ấy, người ta có đốt ngọn đèn nào khác không?
-- Vốn chỉ một ngọn đèn với một cái bấc và cùng một loại dầu từ đầu hôm cho đến tảng sáng.
-- Trong con người cũng như thế đó, tâu Ðại vương. Pháp nầy đi thì pháp kia tới, trước sau tiếp nối nhau, không ngừng mà nuôi dưỡng tinh thần. Từ khi sinh ra cho đến lớn lên rồi già chết, nó lại thú hướng đến một kiếp sống khác, cứ thế triển chuyển tương tục hoài hoài. Cho nên nói rằng thân cũ sanh trở lại thì không đúng, nhưng nói lìa thân cũ ra mà có một thân mới khác cũng không được. Lại ví như sữa tươi mới vắt, để lâu thì thành sữa ôi, thành bơ... Nói sữa tươi là bơ thì hẳn không phải, nhưng nói bơ không do sữa tươi mà ra thì cũng sai. Cũng tương tợ như thế, con người sinh ra với tinh thần và sau khi sinh thì lớn, già, rồi chết. Chết rồi nó lại mang một thân mới mà sinh trở lại. Mất thân trước, nó liền thọ thân sau. Cho nên nói người đầu thai sinh trở lại và người đã chết là một thì không đúng, mà nói chúng tách lìa khỏi nhau cũng chẳng nhằm.
-- Hay thay! Hay thay! 9. Tự biết hết tái sanh
Vua hỏi:
-- Bạch Ðại đức, người không còn tái sanh nữa có thể tự mình xác tri việc đó được không?
-- Tâu Ðại vương, có thể được.
-- Bằng cách nào?
-- Ai tự biết mình không còn ân ái, không còn tham dục, không có dụng tâm làm điều dữ, người đó tự biết chắc không còn tái sanh trên cõi đời nầy nữa.
-- Xin cho ví dụ.
-- Ví như người làm ruộng, đầu mùa lo cày bừa, gieo giống, cấy mạ thì đến cuối mùa thu hoạch nhiều lúa cất chứa trong vựa. Qua năm sau nếu người ấy không cày bừa, gieo giống và cấy mạ nữa, mà chỉ tiêu dùng số lúa còn dự trữ của năm trước, như vậy người ấy có thể tự biết rằng mình không gặt lúa nữa không?
-- Biết chứ!
-- Bằng cách nào?
-- Không cày, không gieo, không cấy, tức nhiên không có lúa mà gặt.
-- Bậc tu hành đắc đạo cũng giống như thế. Quên ân ái, xả khổ vui, không tham dục, tức như không cày, không gieo, không cấy. Ðương nhiên là sẽ không gặt quả tái sanh. Vì vậy, bậc đắc đạo biết chắc rằng đời sau mình không còn tái sanh trên thế gian nầy nữa. 10. Trí và Minh.
Vua hỏi:
-- Bạch Ðại đức, người đắc đạo không còn tái sanh trong đời sau thì trí tuệ người ấy trong hiện tại có khác gì người thường không?
-- Tâu Ðại vương, có khác chứ!
-- Thế thì có sáng suốt (minh) không?
-- Có chứ!
-- Trí tuệ và sáng suốt giống và khác nhau chỗ nào?
-- Ngang bằng như nhau.
-- Người có trí tuệ và sáng suốt có biết hết vạn sự vạn vật không? hay là có điều còn không biết?
-- Có điều biết mà cũng có điều không biết.
-- Vì sao thế? Vậy những gì trí tuệ biết được và những gì nó không biết được?
-- Những gì trước đã có học thì nay biết. Những gì trước chưa học thì nay không biết. Ðó là lẽ đương nhiên. Nhưng người có trí tuệ sở dĩ khác với người thường là chỉ ở các điểm sau đây: họ biết rõ người và muôn vật thảy đều quy không, không tự tại; biết rõ những ham muốn của con người gieo trồng đau khổ khiến nẩy sinh thêm nhiều đau khổ khác. Nói tóm lại là người có trí tuệ biết rõ mọi việc thành bại vô thường trên cõi đời nầy.
-- Người có trí tuệ rồi thì bao nhiêu si ám, u mê trước kia đi đâu?
-- Tự tiêu tan hết.
-- Xin cho ví dụ.
-- Ví như người cầm cây đèn đang cháy đi vào phòng tối, trọn phòng liền sáng, bóng tối tự nó tiêu tan không lưu dư dấu vết. Ấy người đắc đạo có trí tuệ cũng như vậy đó: Si ám, u mê tự dứt trừ.
-- Rồi sau đó trí tuệ đi đâu?
-- Nó lại cũng tự biến mất. Nhưng những gì mà nó tạo ra như sự hiểu biết về cuộc đời đau khổ, về bản ngã hư dối..., những cái ấy thì còn.
-- Xin cho ví dụ.
-- Ví như ban đêm thắp đèn lên để chép sách, sau khi đèn tắt, chữ trên trang giấy vẫn còn lưu lại dấu vết.
-- Ðại đức bảo rằng trí tuệ sau khi thành tựu công việc lại tự biến đi, như thế là ra làm sao? Xin ví dụ cho nghe.
-- Tâu Ðại vương, ví như để đề phòng một trận hỏa tai, người ta sắp sẵn năm chum đầy ấp nước. Kế đó, hỏa tai xảy ra nước trong năm chum được dùng để cứu lửa. Nước vào, lửa tắt. Tai qua, nạn khỏi, vĩnh viễn không còn sợ diễn lại nữa. Bãy giờ người ta có còn đem để năm chum nước ấy trở lại chỗ cũ nữa không?
-- Hẳn là không, vì không còn ích lợi nữa.
-- Cũng thế, người có trí tuệ dùng năm điều thiện để tiêu trừ các điều ác, giống như kẻ kia dùng năm chum nước để diệt trừ ngọn lửa. Năm điều thiện đó là: tín tâm, trì giới, tinh tấn, niệm thiện và nhứt tâm. Ai phụng hành được năm điều thiện ấy thì đắc đạo và có trí tuệ. Có trí tuệ thì biết rõ thân mình và muôn vật thảy đều vô thường, không tự tại, trống rỗng, không thật. Và cái trí tuệ sau khi thông đạt rồi thì tự nó lại tiêu biến, nhưng những gì mà nó đã thông đạt thì vẫn còn.
-- Xin cho một ví dụ khác.
-- Ví như ông thầy thuốc trị bệnh cho người ốm, dùng năm loại dược thảo mà bào chế rồi cho người ốm uống. Uống xong, người ốm lành bệnh. Sau đó ông thầy thuốc có còn đem năm thứ thuốc ấy mà tiếp tục cho người kia uống nữa không?
-- Hẳn là không. Vì không còn ích lợi gì nữa.
-- Năm loại dược thảo ví như năm điều thiện. Ông thầy thuốc ví như người tu hành đắc đạo. Căn bệnh ví như cắc điều ác. Người ốm ví như kẻ ngu si. Người ốm lành bệnh ví như kẻ được cứu ra khỏi sanh tử luân hồi. Sau khi thành tựu sứ mạng, trí tuệ của người đắc đạo tự tiêu biến, nhưng những gì nó tạo ra đều vẫn còn.
-- Xin cho thêm một ví dụ nữa cho rõ nghĩa hơn.
-- Ví như một tướng quân xuất trận tay cầm cung tên mà xông ra chống giặc. Tướng quân bắn ra năm mũi tên, giặc thua chạy. Vậy sau đó, ông ta có còn bắn thêm nữa không?
-- Hẳn là không, vì không còn cần nữa.
-- Năm điều thiện giống như năm mũi tên. Người tu hành đắc đạo giống như tướng quân xuất trận. Các điều ác giống như quân giặc. Tướng quân nhờ năm mũi tên mà chiến thắng quân giặc. Cũng thế, người tu hành dắc đạo nhờ năm điều thiện mà chiến thắng các điều ác, chúng không còn nẩy sanh trở lại nữa, mà cái trí tuệ diệt trừ các điều ác cũng tiêu biến luôn. Nhưng những gì nó tạo ra thì vẫn thường tại, bất diệt.
-- Hay thay! Hay thay! 11. Ðắc đạo rồi có còn đau khổ không?
Vua hỏi:
-- Bạch Ðại đức, bậc tu hành đắc đạo không còn tái sanh trong đời sau, nhưng trong đời nầy có còn thấy mình đau khổ nữa không?
-- Tâu Ðại vương, tùy từng việc một. Có việc còn thấy đau khổ, có việc không.
-- Có việc có, có việc không, là như thế nào?
-- Ðau khổ của thân thì còn, đau khổ của tâm thì hết.
-- Vì sao vậy?
-- Sở dĩ thân còn đau khổ là vì nhân duyên sinh ra loại đau khổ nầy là thân, hễ nhân duyên ấy còn tồn tại thì đau khổ của thân còn. Sở dĩ tâm hết đau khổ là vì nhân duyên sinh ra loại đau khổ thứ hai là lòng tham dục, một khi tâm ý đã dứt trừ hết các điều dữ, tham dục không còn nữa, thì đau khổ của tâm hết.
-- Bậc tu hành đã đắc đạo rồi mà không khiến thân lìa được khổ đau, như thế là chưa chứng đắc Niết Bàn chăng? Ðắc đạo rồi mà thân còn đau khổ thì làm sao gọi là đắc đạo? Còn nán ở lại trần thế làm gì để còn chịu khổ đau?
-- Tâu Ðại vương, bậc đắc đạo không chuộng mà cũng không ghét, không tìm cầu mà cũng không xua đuổi. Bình thản mà sống giữa cõi đời nầy, không hấp tấp, không vội vả. Ví như chuối non không cần phải vú ép. Lại cũng không cần chờ chuối chín để chực hái. Vì vậy nên đức Xá Lợi Phất xưa có dạy rằng:
Không cần tịch diệt,
Cũng không cần trường sanh.
Chưa phải lúc thì ở,
Thời đến thì ra đi.
Vua nói:
-- Hay thay! Hay thay!
(1) Theo bản Hán dịch đánh số 1670B trong Ðại Tạng đến đây thì hết quyển thượng.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.129.39.85 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.