Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn,
ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần,
ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
QUYỂN THƯỢNG - I.DUYÊN KHỞI
Có một lúc, Phật ở thành Xá-vệ, trong vườn Kỳ thọ Cấp Cô Độc. Bấy giờ, chư vị tăng ni, nam nữ cư sĩ, chư thiên cõi trời, các vị quốc vương, đại thần, trưởng giả, dân chúng... cùng đến nghe Phật thuyết kinh, có đến hơn mười ngàn người.
Đức Phật tự nghĩ: “Hôm nay chúng hội tụ tập đông đảo huyên náo.” Ngài thấy trong thân không được an ổn, ý muốn lìa xa chúng hội đến chỗ thanh vắng để ngồi suy tưởng về đạo.
Phật liền lìa bỏ chúng hội, đến chỗ núi cao, dưới một cội cây lớn mà ngồi suy tưởng đạo thanh tịnh.
Cách chỗ cội cây ấy không xa, có một bầy voi hơn 500 con. Trong ấy có một con voi chúa tên là Hiền Thiện, vốn rất khôn ngoan, biết phân biệt các việc thiện, ác. Cũng giống như loài người, bầy voi đông đảo ấy quây quần chung quanh voi chúa, có voi già, voi lớn, voi nhỏ... đủ hạng.
Khi ấy voi chúa khát, muốn tìm đến chỗ có nước mà uống. Đám voi con liền chạy trước, xuống nước uống và đùa nghịch khuấy đục lên, nên voi chúa chẳng có nước trong mà uống.
Voi chúa đói lòng, muốn đi ăn cỏ. Đám voi con lại chạy trước, ăn hết cỏ non, rồi đùa nghịch, giẫm đạp. Voi chúa không còn cỏ sạch để ăn.
Khi ấy voi chúa tự nghĩ rằng: “Nạn lớn của ta chính là bầy voi đông đảo này. Chúng khuấy nước, giẫm cỏ, khiến ta chẳng có nước trong mà uống, chẳng có cỏ sạch mà ăn. Nếu ta lìa bỏ bầy voi này, một mình đến nơi yên vắng, chẳng thích ý lắm sao?”
Nghĩ vậy rồi liền rời bỏ bầy voi, đi vào núi, tìm đến chỗ cội cây cao, nhìn thấy đức Phật đang tọa thiền nơi đó. Voi chúa lấy làm mừng rỡ, đến trước đức Phật mà cúi mọp xuống lạy, rồi đứng hầu sang một bên.
Khi ấy, đức Phật tự nghĩ: “Ta rời bỏ chúng hội đông đảo mà đến đây. Voi chúa cũng rời bỏ bầy voi mà đến đây. Ý nghĩa thật giống như nhau.” Phật liền vì voi chúa mà thuyết kinh. Phật là bậc tôn quý nhất trong loài người. Voi chúa là tôn quý nhất trong loài voi.
Phật nói: “Tâm ta với tâm voi chúa nay thật hòa hiệp nhau, cùng vui nơi chỗ cội cây yên vắng này.” Voi chúa nghe Phật thuyết kinh rồi, trong tâm có chỗ khai ngộ, hiểu rõ được ý Phật. Voi dùng vòi lấy nước rưới nơi chỗ đất quanh Phật, lại dùng vòi nhổ cỏ sạch, dùng chân giẫm đất cho bằng phẳng.
Voi chúa sớm chiều lo việc phụng sự. Ít lâu sau, Phật nhập Niết-bàn. Voi chúa không biết Phật ở đâu, đi quanh tìm hoài chẳng được, sầu khổ than khóc, trong lòng không vui, chẳng chịu ăn uống gì.
° ° °
Xứ ấy có một ngôi chùa trên núi tên là Ca-la-hoàn, có 500 vị sa-môn cùng tu tập ở đó, tất cả đều đã đắc quả A-la-hán. Mỗi tháng có 6 ngày các thầy tụng kinh từ đầu hôm đến sáng.
Voi chúa cũng ở trên núi gần chùa ấy. Voi biết chùa có lệ thường tụng kinh mỗi tháng 6 ngày nên luôn đến nghe kinh. Các vị sa-môn cũng biết voi chúa muốn nghe kinh, mỗi khi sắp tụng kinh đều có ý chờ voi đến nghe rồi mới bắt đầu tụng.
Voi chúa nghe kinh cho đến sáng, chẳng ngủ, chẳng nằm, cũng chẳng hề xao động. Nghe kinh như thế nhiều ngày, sau đó mạng chung.
Bỏ thân voi rồi, được sanh làm người trong một nhà bà-la-môn, nhưng chẳng được nghe kinh Phật, cũng chẳng được gặp các thầy sa-môn. Khi lớn khôn lại bỏ nhà lên núi cao, học theo đạo bà-la-môn.
Ở gần đó lại cũng có một thầy bà-la-môn khác đến tu tập. Hai người thường qua lại cùng đàm đạo, học hỏi nhau.
Bấy giờ, một trong hai người phát nguyện rằng: “Ta chán bỏ cảnh quan tước thế gian, những buồn khổ, già, bệnh, chết, sau lại phải đọa vào địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, những cảnh bần cùng, nên ta nguyện cạo đầu mặc áo cà-sa làm sa-môn học đạo vô vi mà cứu nhân độ thế.”
Người kia lại phát nguyện rằng: “Ta nguyện sẽ làm bậc quốc vương có sức mạnh, uy lực, khiến hết thảy nhân dân trong thiên hạ đều nghe theo sự giáo hóa, dạy dỗ của ta.”
Cả hai phát nguyện như thế rồi, về sau khi mạng chung đều được sanh ra trở lại làm thân người, ứng theo lời đã nguyện. II.XUẤT SANH
Người phát nguyện tu đạo độ thế, sanh về xứ Kế Tân bên Thiên Trúc. Khi chào đời, thân đã mang sẵn áo cà-sa. Sở dĩ có áo cà-sa mang trên người mà sanh ra, là do lời phát nguyện học đạo ngày trước được ứng nghiệm. Khi sanh đứa bé này, trong nhà lại có một con voi cũng sanh ra cùng ngày. Tiếng Thiên Trúc gọi con voi là Na, vì thế, cha mẹ liền đặt tên cho cậu bé là Na-tiên.
Na-tiên lớn lên được chừng mười lăm, mười sáu tuổi, có người cậu tên là Lâu-hán, vốn là một vị sa-môn tài đức hơn người. Vị này có mắt nhìn thấu được khắp nơi, tai nghe thấu được khắp chốn, chứng đắc thần thông biến hóa, có thể thấu biết được suy nghĩ trong tâm ý của hết thảy mọi người. Na-tiên đến thăm cậu, thưa rằng: “Ý con muốn học theo đạo Phật, xuất gia mặc cà-sa làm sa-môn. Nay muốn làm đệ tử của cậu, có thể vì con mà độ cho xuất gia làm sa-môn chăng?”
Lâu-hán rõ biết chuyện tiền thân trước đây của Na-tiên nên trân trọng lắm, liền đồng ý cho xuất gia, thọ giới làm sa-di. Na-tiên vừa xuất gia, ngay trong ngày thọ mười giới của sa-di, tụng đọc kinh điển, suy nghĩ hiểu thấu ý nghĩa liền chứng đắc tứ thiền, tự nhiên rõ biết hết thảy các kinh, chỉ có điều chưa được thọ đại giới của bậc sa-môn mà thôi.
Bấy giờ, trong xứ ấy có ngôi chùa tên là Hòa Thiền, có 500 vị tăng tu tập, thảy đều đã đắc quả A-la-hán. Trong số ấy, có một vị cao trổi hơn hết tên là Át-pha-viết, có thể rõ biết chuyện quá khứ cũng như hiện tại và vị lai trên khắp cõi đời.
Khi Na-tiên tròn 20 tuổi, thọ đại giới thành sa-môn, liền đến viếng chỗ Át-pha-viết nơi chùa Hòa Thiền. III. CHỨNG ĐẠO
Bấy giờ nhằm ngày rằm, 500 vị A-la-hán ở đó đều tụ hội lại để thuyết giới. Tất cả các vị đều vào trong giảng đường lớn, Na-tiên đến đó rồi cũng theo vào. Khi đại chúng đều đã ngồi yên, Át-pha-viết quán sát tâm niệm của mọi người, biết là ai nấy đều đã đắc quả A-la-hán, duy chỉ có một mình Na-tiên là chưa.
Khi ấy, Át-pha-viết liền lấy một thí dụ trong kinh mà thuyết rằng: “Như khi sàng gạo lấy gạo trắng, nếu có gạo đen tất là không tốt, phải lựa ra. Nay trong hội này, tất cả đều là trắng, chỉ riêng Na-tiên là đen, vì chưa đắc quả A-la-hán vậy.”
Na-tiên nghe Át-pha-viết thuyết thí dụ trong kinh như thế, lấy làm buồn rầu, liền đứng dậy lễ bái 500 vị sa-môn rồi rời khỏi giảng đường.
Na-tiên bước ra ngoài, tự suy nghĩ rằng: “Lẽ ra ta không nên vào ngồi trong pháp hội ấy. Chỉ có mình ta là chưa được đạo giải thoát, còn lại hết thảy mọi người đều đã được giải thoát. Ví như trong bầy sư tử lại có xen vào một con chồn. Ta nay ở giữa các vị A-la-hán lại cũng chẳng khác nào như thế. Từ nay về sau, nếu ta chưa được đạo giải thoát, quyết không trở lại ngồi chung trong chúng hội.”
Át-pha-viết rõ biết ý nghĩ ấy, liền gọi Na-tiên đến trước mặt, lấy tay xoa đầu Na-tiên mà nói rằng: “Ngày con đắc đạo cũng sẽ không bao lâu nữa. Con không nên âu sầu.”
Nhân đó, Át-pha-viết liền lưu giữ Na-tiên ở lại.
Na-tiên lại có một vị thầy nữa đã hơn tám mươi tuổi, tên là Ca-duy-viết. Trong vùng có vị cư sĩ thí chủ lớn thường ngày vẫn cúng dường thức ăn cho đệ tử của ngài Ca-duy-viết. Na-tiên thay thầy mang bình bát đi xin cơm, ngài liền dạy phải ngậm nước trong miệng mà đến nhà vị cư sĩ thí chủ lớn ấy xin cơm.
Vị cư sĩ thấy Na-tiên tuổi nhỏ mà hình dung, cốt cách đoan chánh khác người, biết là bậc có trí tuệ, lại đã được nghe danh Na-tiên là người sáng suốt có thể thuyết giảng kinh đạo.
Na-tiên vào nhà rồi, vị cư sĩ liền đứng dậy đến trước mặt lễ bái, chắp tay cung kính thưa rằng: “Tôi cúng dường cho các vị sa-môn đã lâu, chưa từng có vị nào vì tôi mà thuyết giảng nghĩa kinh. Nguyện hôm nay được ngài vì tôi mà thuyết giảng, trừ bỏ sự ngu si mê muội của tôi.”
Na-tiên tự nghĩ: “Ta vâng lời thầy, ngậm nước trong miệng không được nói. Nay nếu mở miệng ra, tức trái lời thầy, biết làm sao bây giờ?”
Lại nghĩ rằng: “Vị cư sĩ đây có tài, có chí, như được nghe ta thuyết kinh ắt sẽ được đạo.” Nghĩ vậy rồi liền nhổ nước trong miệng ra mà thuyết kinh rằng:
“Người đời biết bố thí, làm việc thiện, giữ theo giới luật, hiện thời được sự an ổn, đời sau được sinh về cõi trời. Như sanh trong cõi người, cũng được giàu sang trí tuệ, sau lại không phải đọa vào ba nẻo ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Người không học theo kinh, không giữ giới, hiện thời phải chịu khổ, đời sau lại phải đọa vào ba nẻo ác, không có lúc ra.”
Vị cư sĩ nghe thuyết kinh liền sanh tâm hoan hỷ. Na-tiên biết cư sĩ đã sanh tâm hoan hỷ, liền tiếp tục thuyết kinh nghĩa sâu xa vi diệu rằng: “Hết thảy vạn vật trên thế gian này rồi đều phải trôi qua đi, không có gì thường tại cả, vì thế hết thảy đều là khổ, cho đến thân người cũng vậy. Người thế gian đều nói rằng: ‘Đây là thân của ta...’ Nghĩ như vậy, nên không thể tự tại, được đạo Niết-bàn. Chỗ vui vẻ thật sự tối thượng chính là Niết-bàn không sanh, không già, không bệnh, không chết, không sầu, không ưu, hết thảy các việc ác đều tiêu diệt...”
Na-tiên thuyết kinh xong, vị cư sĩ ấy liền đắc quả Tu-đà-hoàn. Tự thân Na-tiên cũng đắc quả Tu-đà-hoàn.
Vị cư sĩ hết sức vui mừng, liền mang thức ăn ngon ra cúng dường cho Na-tiên. Na-tiên nói: “Hãy cúng dường vào bát của thầy tôi trước đã.”
Na-tiên dùng cơm xong, mang cơm về cho thầy. Thầy nhìn bát cơm, nói rằng: “Hôm nay đi khất thực đến chỗ có đồ ăn ngon, phạm vào quy ước của chúng tăng, phải trục xuất ngươi khỏi chúng.”
Na-tiên nghe nói buồn rầu không vui. Thầy Ca-duy-viết cho triệu tập chúng tăng nhóm họp, nói rằng: “Na-tiên phạm vào quy ước của chúng tăng, chúng ta nên trục xuất đi, không thể cho ở chung trong chúng.”
Khi ấy, ngài Át-pha-viết liền nói thí dụ rằng: “Như có người bắn một mũi tên mà trúng hai đích. Người được như thế không nên trục xuất. Na-tiên thuyết pháp, tự mình đắc quả, lại khiến cho cư sĩ kia cũng đắc quả, không nên trục xuất.”
Ca-duy-viết nói: “Chính vì một mũi tên bắn trúng hai đích, lại phạm quy ước của chúng tăng, nên không thể giữ lại. Người khác tất không thể nào đắc quả như Na-tiên, nên phải ngừa dứt việc sau này, kẻo có những người khác lại bắt chước làm theo.”
Khi ấy cả chúng hội đều ngồi yên không ai nói gì. Như vậy nghĩa là thuận theo lời thầy Át-pha-viết mà trục xuất Na-tiên.
Na-tiên liền lễ bái thầy, rồi lễ bái khắp chúng tăng. Lễ xong, ra đi vào tận chốn rừng sâu, ngồi dưới một gốc cây, ngày đêm suy tưởng đạo pháp. Không bao lâu liền chứng quả A-la-hán, có thể bay trên không, nhìn rõ khắp nơi, nghe thấu khắp chốn, lại có thể biết được tâm niệm của người khác và những chuyện quá khứ, vị lai.
Đắc quả A-la-hán rồi, Na-tiên liền quay về chùa Hòa Thiền cầu xin được sám hối với tất cả chúng tỳ-kheo tăng. Chúng tăng nhận cho sự sám hối ấy rồi, Na-tiên liền lễ bái từ biệt ra đi. IV. ĐỘ SANH
Na-tiên từ đó ra đi, du hóa khắp nơi, vì người mà thuyết giảng kinh pháp, dạy người làm việc thiện. Những người được ngài giáo hóa, có kẻ phát tâm thọ trì Năm giới, có người đắc quả Tu-đà-hoàn, có người đắc quả Tư-đà-hàm, có người đắc quả A-na-hàm, hoặc cũng có người xuất gia làm sa-môn, đắc quả A-la-hán. Cho đến các vị Thiên vương, Đế-thích cõi trời cũng thường hiện xuống nghe ngài thuyết pháp. Thanh danh của ngài vang lừng khắp chốn, ngài đi đến đâu, ai nấy được gặp ngài đều sanh tâm hoan hỷ, được nhiều phước báu, cho đến các loài rồng, quỷ thần cũng được nhờ sức tế độ.
Sau ngài đến xứ Xá-kiệt ở Thiên Trúc, ngụ trong chùa Tiết-trì-ca. Nơi ấy, ngài gặp lại người quen cũ từ kiếp trước, nay sanh ra ở một vùng ven biển, làm thái tử con vua, tên là Di-lan-đà.
° ° °
Di-lan-đà tuổi còn nhỏ đã thích đọc kinh sách, học qua các đạo khác biệt đều có thể phân biệt hiểu rõ, thường chất vấn các thầy tu đạo khác, không ai có thể đối đáp hơn được.
Khi vua cha băng hà, Di-lan-đà nối ngôi làm quốc vương, lấy chánh pháp trị quốc. Vua là người tài cao, có trí tuệ, hiểu thấu việc đời, có thể luận bàn việc quá khứ, hiện tại, vị lai đều thông suốt, lại giỏi việc chiến trận, nhiều mưu trí, không việc gì là không rõ biết.
Một hôm, vua ra ngoài thành dạo chơi, dẫn theo cả quần thần binh tướng. Bấy giờ, lòng vua cao ngạo, tự nghĩ rằng: “Ta nay làm vua, có thể hiểu thấu hết thảy kinh điển của các đạo, không còn ai có thể đối đáp hơn được ta.”
Nghĩ vậy rồi, vua liền bảo quần thần rằng: “Bây giờ còn sớm lắm, trở vào thành cũng không có việc chi làm. Các ngươi xem gần đây có vị đạo nhân nào có thể cùng ta đối đáp nghĩa lý kinh đạo hay chăng?”
Có vị cận thần tên là Triêm-di-lỵ Vọng-quần tâu lên rằng: “Tâu đại vương, gần đây có vị sa-môn tên là Giả-hòa-la, thông thạo kinh nghĩa, có thể cùng đại vương đối đáp.”
Vua liền sai Triêm-di-lỵ đi thỉnh trưởng lão Giả-hòa-la đến. Triêm-di-lỵ đến chỗ trưởng lão, thưa rằng: “Đại vương muốn được gặp ngài.” Giả-hòa-la đáp: “Đại vương muốn gặp, nên tự đi đến đây, ta không đến chỗ ông ấy.”
Triêm-di-lỵ trở về tâu lên vua như vậy. Vua liền lên xe, cùng với 500 quân cưỡi ngựa thẳng đến chỗ ngôi chùa của trưởng lão Giả-hòa-la. Gặp nhau chào hỏi xong, vua liền hỏi: “Ngài vì sao từ bỏ nhà cửa, vợ con, xuất gia làm sa-môn? Ngài cầu được đạo lý gì?”
Giả-hòa-la đáp rằng: “Ta học theo đạo Phật, làm việc chân chánh, đời này được phước báu, đời sau lại cũng được nhiều phước báu. Vì thế mà cạo tóc xuất gia làm sa-môn.”
Vua lại hỏi: “Như có người cư sĩ tại gia, có vợ con, làm việc chân chánh thì đời này có được phước báu chăng? Đời sau có được phước báu chăng?”
Giả-hòa-la đáp: “Dù là cư sĩ tại gia, có vợ con, nếu biết làm việc chân chánh thì đời này cũng được phước báu, đời sau cũng được phước báu.”
Vua liền hỏi: “Như người tại gia có vợ con, làm việc chân chánh, đời này cũng được phước báu, đời sau cũng được phước báu. Thế thì ngài đâu cần phải cạo tóc, xuất gia làm sa-môn?”
Giả-hòa-la lặng thinh không đáp lại.
Quần thần quanh vua liền nói rằng: “Vị sa-môn này sáng suốt trí tuệ, cũng không đủ đối đáp với đại vương.” Rồi họ đều đưa nắm tay lên cao mà hô to rằng: “Đại vương thắng rồi! Đại vương thắng rồi!”
Trưởng lão Giả-hòa-la lặng thinh nhận thua cuộc.
Vua đưa mắt nhìn các vị cư sĩ quanh đó, thấy sắc mặt họ thản nhiên không tỏ vẻ gì là xấu hổ. Vua liền nghĩ rằng: “Bọn cư sĩ ở đây chẳng lấy gì làm xấu hổ khi thấy vị sa-môn này thua cuộc. Như vậy chắc hẳn là còn có sa-môn khác trí tuệ sáng suốt hơn, có thể cùng ta đối đáp nghĩa lý.”
Vua liền quay sang hỏi cận thần Triêm-di-lỵ: “Còn có vị sa-môn nào trí tuệ sáng suốt hơn, có thể cùng ta đối đáp chăng?”
Triêm-di-lỵ thưa rằng: “Tâu đại vương! Có vị sa-môn tên là Na-tiên, trí tuệ sâu rộng, hiểu thấu chỗ yếu nghĩa trong kinh điển, có thể cùng đại vương đối đáp.”
Vua hỏi lại: “Quả thật có thể cùng ta đối đáp chăng?”
Triêm-di-lỵ đáp: “Tất nhiên là được. Vị ấy có thể cùng chư thiên cõi trời đối đáp, huống chi là ở cõi người.”
Vua liền lập tức sai Triêm-di-lỵ đi thỉnh Na-tiên đến. Triêm-di-lỵ tìm đến nơi, thưa rằng: “Đại vương muốn được gặp ngài.” Na-tiên liền cùng các vị đệ tử đi theo, thẳng đến chỗ vua. V. HỘI NGỘ
Vua tuy chưa từng được gặp Na-tiên trước đó, nhưng Na-tiên phong thái khác thường, nổi bật lên trong cả nhóm đông người, vua từ xa nhìn thấy đã có thể ngầm đoán biết ai là Na-tiên.
Vua lại tự nghĩ rằng: “Ta xưa nay đã từng gặp qua rất nhiều hạng người, đã từng đến dự rất nhiều cuộc thuyết giảng, nhưng chưa từng tự thấy sợ sệt, lo lắng như giờ đây sắp đối mặt với Na-tiên. Hôm nay Na-tiên nhất định là sẽ thắng ta rồi, nên trong lòng ta mới bồn chồn không an ổn như vậy.”
Khi ấy, Triêm-di-lỵ đến trước tâu rằng: “Na-tiên đã đến.”
Na-tiên đến rồi, vua hỏi: “Người nào là Na-tiên?”
Triêm-di-lỵ liền giới thiệu với vua. Vua vui mừng nói: “Quả là đúng như ta đã nhận biết trước.”
Hai bên gặp nhau chào hỏi xong, vua lấy làm hoan hỷ mời Na-tiên cùng ngồi. Na-tiên bảo vua rằng: “Kinh Phật có dạy: Mối lợi lớn nhất của người ta là được an ổn. Sự giàu sang lớn nhất của người ta là biết đủ. Niềm vui lớn nhất của người ta là đạt đến Niết-bàn.”
° ° °
Vua hỏi Na-tiên: “Bạch đại đức, tên ngài là gì?”
Na-tiên đáp: “Cha mẹ đặt tên cho bần tăng là Na-tiên, nhân đó mọi người đều gọi là Na-tiên. Nhưng cho dù cha mẹ có đặt cho là Duy-tiên, Thủ-la-tiên hay Duy-ca-tiên... cũng chỉ là một phương tiện dùng để nhận biết, phân biệt mà thôi. Tên gọi của mọi người ở thế gian cũng đều chỉ có ý nghĩa như vậy.”
Vua liền hỏi: “Nếu đại đức nói thế, xin hỏi tên gọi Na-tiên ấy thật ra là chỉ vào cái gì? Cái đầu là Na-tiên chăng?”
Na-tiên đáp: “Không phải, đầu chẳng phải là Na-tiên.”
Vua lại hỏi: “Mắt, tai, mũi, lưỡi là Na-tiên chăng?”
Na-tiên đáp: “Mắt, tai, mũi, lưỡi chẳng phải là Na-tiên.”
Vua lại hỏi: “Thế thì cổ, gáy, vai, cánh tay, tay chân, đó là Na-tiên chăng?”
Na-tiên đáp: “Không phải Na-tiên.”
Vua lại hỏi: “Thế thì như bắp đùi, bàn chân... phải là Na-tiên chăng?”
Na-tiên đáp: “Không phải Na-tiên.”
Vua hỏi: “Vậy hình sắc nhìn thấy đó có phải là Na-tiên chăng?”
Na-tiên đáp: “Không phải Na-tiên.”
Vua hỏi: “Như vậy sự cảm thọ vui, khổ là Na-tiên chăng?”
Na-tiên đáp: “Không phải Na-tiên.”
Vua lại hỏi: “Vậy phân biệt thiện ác, đó là Na-tiên chăng?”
Na-tiên đáp: “Không phải Na-tiên.”
Vua lại hỏi: “Như vậy, thân xác là Na-tiên chăng?”
Na-tiên đáp: “Không phải Na-tiên.”
Vua hỏi: “Vậy hết thảy các cơ quan trong nội tạng là Na-tiên chăng?”
Na-tiên đáp: “Không phải Na-tiên.”
Vua lại hỏi: “Như vậy, hợp cả năm điều là hình sắc, cảm thọ khổ vui, thiện ác, thân, tâm, đó là Na-tiên chăng?”
Na-tiên đáp: “Không phải Na-tiên.”
Vua hỏi: “Giả sử như không có năm điều ấy, có thể đó là Na-tiên chăng?”
Na-tiên đáp: “Không phải Na-tiên.”
Vua lại hỏi: “Như vậy âm thanh, tiếng vọng, cho đến hơi thở ra vào, có phải là Na-tiên chăng?”
Na-tiên đáp: “Không phải Na-tiên.”
Vua liền hỏi: “Như thế, thật ra đâu mới là Na-tiên?”
Na-tiên không đáp, hỏi lại vua rằng: “Đại vương gọi tên chiếc xe, thật ra đâu mới là xe? Cái trục xe là xe chăng?”
Vua đáp: “Trục xe chẳng phải là xe.”
Na-tiên hỏi: “Vậy vành bánh xe là xe chăng?”
Vua đáp: “Vành bánh xe cũng chẳng phải là xe?”
Na-tiên lại hỏi: “Vậy nan bánh xe là xe chăng?”
Vua đáp: “Nan bánh xe chẳng phải là xe.”
Na-tiên hỏi: “Vậy bánh xe là xe chăng?”
Vua đáp: “Bánh xe cũng chẳng phải là xe.”
Na-tiên hỏi: “Vậy càng xe là xe chăng?”
Vua đáp: “Càng xe chẳng phải là xe.”
Na-tiên hỏi: “Vậy cái ách có phải là xe chăng?”
Vua đáp: “Ách chẳng phải là xe.”
Na-tiên lại hỏi: “Chỗ ngồi có phải là xe chăng?”
Vua đáp: “Chỗ ngồi chẳng phải là xe.”
Na-tiên hỏi tiếp: “Chỗ gác chân có phải là xe chăng?”
Vua đáp: “Chỗ gác chân chẳng phải là xe.”
Na-tiên hỏi: “Vậy mui xe là xe chăng?”
Vua đáp: “Mui xe chẳng phải là xe.”
Na-tiên lại hỏi: “Vậy hợp đủ tất cả các món ấy lại là xe chăng?”
Vua đáp: “Dù hợp đủ tất cả các món ấy lại cũng không phải là xe.”
Na-tiên hỏi: “Giả sử như không hợp tất cả các món ấy lại, vậy là xe chăng?”
Vua đáp: “Không hợp các món ấy lại, cũng không phải là xe.”
Na-tiên hỏi: “Vậy âm thanh phát ra là xe đó chăng?”
Vua đáp: “Âm thanh cũng chẳng phải là xe.”
Na-tiên liền hỏi: “Nói như vậy thì thật ra đâu mới là xe?”
Vua lặng thinh không đáp được.
Đại đức Na-tiên bấy giờ mới thong thả nói: “Kinh Phật dạy rằng, nếu hợp tất cả các yếu tố ấy lại mà làm xe, người ta sẽ có cái vật được gọi là xe. Con người cũng vậy. Như hòa hợp tất cả các yếu tố đầu, mặt, tai, mũi, lưỡi, cổ, gáy, vai, tay chân, xương, thịt, nội tạng, nhan sắc, âm thanh, tiếng vọng, hơi thở ra vào, cảm thọ khổ vui, phân biệt thiện ác... sẽ hình thành một thực thể được gọi là con người.”
Vua hiểu ra, tán thán rằng: “Hay thay, hay thay!”
° ° °
Vua lại hỏi: “Bạch đại đức, ngài có thể cùng với trẫm đối đáp về nghĩa lý trong kinh điển hay chăng?”
Đại đức Na-tiên đáp: “Nếu như đại vương theo cách nói chuyện của bậc trí giả mà cùng bần tăng vấn đáp thì có thể được. Bằng như theo cách nói chuyện của hàng vương giả kiêu ngạo thì không thể được.”
Vua hỏi: “Cách nói chuyện của bậc trí giả là như thế nào?”
Na-tiên đáp: “Bậc trí giả khi nói chuyện thì chất vấn lẫn nhau đến cùng cực, giải thích cho nhau để cùng hiểu được vấn đề, khi tranh luận sẵn lòng chấp nhận có hơn có kém, có thắng có bại, có đúng có sai, tự biết nhận ra lý lẽ đúng đắn nhất, sáng suốt nhất. Bậc trí giả không hề có sự giận dữ, nóng nảy khi tranh luận. Cách nói chuyện của bậc trí giả là như thế.”
Vua lại hỏi: “Còn cách nói chuyện của hàng vương giả kiêu ngạo là như thế nào?”
Na-tiên đáp: “Hàng vương giả kiêu ngạo khi nói chuyện thì hoàn toàn theo ý mình, chẳng cần biết đến luật lệ. Nếu không theo với ý mình, tất sẽ dùng sức mạnh mà đàn áp, trừng phạt. Cách nói chuyện của hàng vương giả kiêu ngạo là như thế.”
Vua liền nói: “Vậy trẫm xin chọn cách nói chuyện của bậc trí giả, không theo cách nói chuyện của hàng vương giả. Xin đại đức cũng đừng nên nghĩ là mình đang nói chuyện với một vị vua chúa quyền uy. Hãy xem như là ngài đang nói chuyện với các vị sa-môn, với các vị đệ tử, hoặc với hàng cư sĩ học đạo, hoặc như đang dạy dỗ cho hàng sa-môn vậy. Xin đừng sanh tâm lo sợ, xin lấy tâm chân chánh mà chỉ bày cho trẫm.”
Đại đức Na-tiên khen rằng: “Thật tốt đẹp biết bao.”
° ° °
Vua liền nói: “Bạch đại đức, trẫm có điều muốn hỏi.”
Na-tiên đáp: “Xin đại vương cứ hỏi.”
Vua nói: “Trẫm đã hỏi rồi.”
Na-tiên đáp: “Bần tăng đã đáp rồi.”
Vua hỏi: “Ngài đáp điều gì vậy?”
Na-tiên hỏi: “Đại vương hỏi bần tăng điều gì vậy?”
Vua nói: “Trẫm không có chỗ hỏi.”
Na-tiên nói: “Bần tăng cũng không có chỗ đáp.”
° ° °
Khi ấy, vua tự suy nghĩ rằng: “Vị sa-môn này quả thật là bậc đại trí tuệ, sáng suốt vô cùng. Giờ đây ta còn rất nhiều điều muốn hỏi ngài, hay là ngày mai ta sẽ cho thỉnh ngài vào cung cho rộng thì giờ đối đáp vậy.”
Vua đem ý ấy nói với viên cận thần Triêm-di-lỵ. Người này liền thưa với đại đức Na-tiên rằng: “Hôm nay trời sắp tối, đại vương phải về cung. Ngày mai, đại vương muốn thỉnh ngài vào cung để cùng nhau đối đáp.”
Na-tiên nhận lời, nói rằng: “Như vậy hay lắm.”
Vua lên xe về cung. Giữa đường, lúc nào cũng nghĩ đến Na-tiên, lẩm bẩm gọi thầm tên ngài trong miệng: “Na-tiên, Na-tiên...” Cứ suy tưởng như vậy mãi cho đến sáng hôm sau. VI. THỈNH VẤN
Sáng hôm sau, Triêm-di-lỵ với quần thần cùng tâu hỏi vua rằng: “Có nên đi thỉnh đại đức Na-tiên chăng?”
Vua đáp: “Nên đi ngay đi.”
Triêm-di-lỵ lại hỏi: “Đến thỉnh đại đức, nên để cho bao nhiêu vị sa-môn cùng đi?”
Vua nói: “Việc ấy cứ tùy ý đại đức.”
Khi ấy có viên quan giữ kho của vua tên là Xan đang đứng cạnh đó, liền tâu vua rằng: “Xin để cho mười vị sa-môn cùng đi.”
Vua nói: “Việc ấy để tùy ý đại đức Na-tiên.”
Xan lại nói: “Có thể để cho mười vị sa-môn đi theo được chăng?”
Vua nói: “Cứ để tùy ý đại đức, ngài muốn dẫn theo bao nhiêu sa-môn cũng đều được.”
Xan lại nói: “Có lẽ nên cho phép dẫn theo mười vị sa-môn thôi.”
Vua nghe ông Xan lãi nhãi hoài chuyện ấy, liền nổi giận nạt rằng: “Ông thật là keo lận hết chỗ nói. Thảo nào tên ông là Xan, quả đúng không sai! Ông tham tiếc của vua khác nào của ông, không biết là trái ý ta sẽ bị tội chết hay sao? Thôi ông hãy đi đi, ta tạm tha tội cho ông đó. Lẽ nào ta làm đến bậc vương giả mà không đủ sức đãi cơm các vị sa-môn hay sao?”
Ông Xan nghe vua nói xấu hổ đi ra, không dám nói thêm gì nữa.
Triêm-di-lỵ đến chỗ ngài Na-tiên, vào thưa rằng: “Bạch đại đức, đại vương thỉnh ngài vào cung.”
Na-tiên hỏi: “Nhà vua cho phép ta dẫn theo bao nhiêu sa-môn?”
Triêm-di-lỵ đáp: “Xin tùy ý ngài, muốn dẫn theo bao nhiêu cũng được.”
Na-tiên liền cùng với nhóm ông Giả-hòa-la và tám mươi vị sa-môn nữa vào cung.
Triêm-di-lỵ cùng đi, giữa đường thưa hỏi đại đức Na-tiên rằng: “Bạch đại đức, hôm qua nói chuyện với nhà vua, chung quy tôi vẫn không biết lấy gì là Na-tiên?”
Đại đức Na-tiên quay sang hỏi ông: “Vậy theo ý ông, lấy gì là Na-tiên?”
Triêm-di-lỵ đáp: “Theo ý tôi, hơi thở có vào có ra, ấy là Na-tiên.”
Na-tiên hỏi: “Nếu như hơi người đưa ra rồi không vào lại, người ấy có sống không?”
Triêm-di-lỵ đáp: “Hơi ra mà không vào, nhất định phải chết.”
Na-tiên hỏi: “Như người thổi kèn, thổi sáo hoặc thổi lửa, hơi ấy ra rồi có vào lại chăng?”
Triêm-di-lỵ đáp: “Thưa không.”
Na-tiên hỏi: “Vậy những người thổi kèn, thổi sáo hoặc thổi lửa ấy, hơi đưa ra rồi không vào lại, vì sao không chết?”
Triêm-di-lỵ không đáp được, thưa rằng: “Như chuyện hơi thở ra vào này, sức tôi thật không hiểu nổi. Xin đại đức vì tôi mà giải thích cho.”
Na-tiên nói: “Hơi thở ra vào chẳng qua chỉ là một trong nhiều hoạt động của cơ thể đó thôi. Như trong tâm có suy nghĩ gì, nhờ cái lưỡi mà nói ra thành lời. Ấy là hoạt động của lưỡi. Như trong ý có chỗ nghi ngại, trong tâm liền suy xét, ngẫm nghĩ, đó là hoạt động của tâm. Mỗi mỗi đều hòa hợp theo chủ ý của người, nhưng tách biệt ra thì hết thảy đều là không, chẳng có gì là Na-tiên cả.”
Triêm-di-lỵ chợt hiểu ra, liền phát tâm xin thọ Năm giới, nguyện làm người cư sĩ tu tại gia.
° ° °
Na-tiên vào cung vua rồi, thẳng đến chỗ vua. Vua liền lễ bái, thỉnh ngài và tám mươi vị sa-môn cùng ngồi.
Vua sai dọn các món ăn ngon quý để cúng dường tất cả. Vua lại tự tay tiếp đãi ngài Na-tiên rất ân cần.
Khi các vị sa-môn đều đã dùng bữa xong, vua lại cúng dường cho mỗi vị một bộ cà-sa và một đôi dép. Riêng ngài Na-tiên và Giả-hòa-la mỗi người ba bộ cà-sa với một đôi dép.
Cúng dường xong, vua nói với đại đức Na-tiên rằng: “Xin lưu mười vị ở lại, còn bao nhiêu xin cho về.”
Na-tiên liền giữ lại mười vị sa-môn, số còn lại cho trở về chùa.
Vua lại cho gọi tất cả mọi người trong hậu cung đến để được nghe vua và đại đức Na-tiên cùng đối đáp. VII. VẤN ĐÁP
Vua cho dọn chỗ ngồi đối diện với ngài Na-tiên. Sau đó, vua hỏi đại đức Na-tiên: “Bạch đại đức, nên nói về những chuyện gì trước nhất?”
Na-tiên đáp: “Đại vương muốn nghe những điều cốt yếu, nên bàn chuyện cốt yếu vậy.” 1. MỤC ĐÍCH XUẤT GIA
Vua hỏi: “Theo ngài thì chuyện gì là cốt yếu nhất? Vì muốn cầu điều chi mà các ngài xuất gia làm sa-môn?”
Na-tiên đáp: “Chúng tôi xuất gia làm sa-môn là muốn trừ hết những khổ não trong đời này, cũng không muốn đời sau phải chịu khổ não nữa. Vì những mục đích ấy, chúng tôi xuất gia làm sa-môn. Chúng tôi xem đó là điều cốt yếu nhất, tốt đẹp nhất vậy.”
Vua lại hỏi: “Có phải hết thảy các vị sa-môn đều vì muốn diệt khổ não đời này và đời sau nên mới xuất gia làm sa-môn hay chăng?”
Na-tiên đáp: “Không phải vậy. Thật ra, những người xuất gia làm sa-môn có bốn hạng khác nhau.”
Vua hỏi: “Thế nào là bốn hạng khác nhau?”
Na-tiên nói: “Trong số những người xuất gia làm sa-môn, có người do nơi mắc phải nợ nần nên xuất gia để tránh né; có người vì phạm phép nước nên sợ mà xuất gia để lẩn tránh; có người vì quá nghèo khổ nên xuất gia để được có cơm ăn, áo mặc. Ba hạng ấy không phải vì muốn diệt khổ não mà xuất gia. Hạng thứ tư là những bậc chân chánh xuất gia. Vì muốn trừ diệt hết khổ não đời này và đời sau, nên mới xuất gia làm sa-môn.”
Vua hỏi: “Như đại đức, có phải vì cầu đạo mà làm sa-môn chăng?”
Na-tiên đáp: “Bần tăng vốn xuất gia khi còn nhỏ tuổi, nhờ có kinh điển của Phật, cùng các vị sa-môn đều là những bậc cao minh giáo hóa cho. Bần tăng học kinh, thọ giới, thâm nhập vào trong tâm. Vì thế mà lập chí nguyện quyết trừ dứt khổ não trong đời này và đời sau vậy.”
Vua tán thán rằng: “Lành thay! Lành thay!” 2. TÁI SANH
Vua lại thưa hỏi: “Bạch đại đức, có người nào sau khi chết không tái sanh trở lại chăng?”
Đại đức Na-tiên đáp: “Có người phải tái sanh, nhưng cũng có người không phải tái sanh.”
Vua hỏi: “Những ai phải tái sanh? Những ai không phải tái sanh?”
Na-tiên đáp: “Người nào chưa dứt lòng tham muốn ân tình, ái luyến thì sẽ phải tái sanh. Người nào đã dứt được lòng tham muốn ân tình, ái luyến thì sẽ không phải tái sanh nữa.”
Vua hỏi: “Như người hết lòng niệm tưởng pháp lành chân chánh, có phải sanh ra ở đời sau nữa chăng?”
Na-tiên đáp: “Người nào hết lòng niệm tưởng chánh pháp, niệm tưởng trí tuệ lành, cùng với các điều lành khác nữa, có thể nhờ đó mà không còn phải sanh ra ở đời sau.”
Vua lại hỏi: “Người hết lòng niệm tưởng pháp lành chân chánh, so với có trí tuệ, hai điều ấy có đồng nghĩa với nhau chăng?”
Na-tiên đáp: “Không, hai điều ấy có ý nghĩa khác nhau.”
Vua hỏi: “Các loài trâu, ngựa, gia súc ... có trí hay chăng?”
Na-tiên đáp: “Các loài trâu, ngựa, gia súc... mỗi loài đều tự có trí, nhưng tâm của chúng không đồng nhau.”
Na-tiên lại nói: “Đại vương từng thấy người gặt lúa chăng? Tay trái nắm lấy bó lúa, tay phải cắt đi. Này đại vương, bậc có trí tuệ đoạn tuyệt ái dục cũng giống như người cắt lúa.”
Vua khen rằng: “Hay thay! Hay thay!” 3. CÁC ĐIỀU LÀNH
Vua hỏi: “Bạch đại đức, còn các điều lành khác nữa là những gì?”
Na-tiên đáp: “Thành tín, hiếu thuận, tinh tấn, nghĩ nhớ điều lành, nhất tâm và trí tuệ. Đó gọi là các điều lành.”
Vua hỏi: “Thế nào là thành tín?”
Na-tiên đáp: “Thành tín là không còn nghi ngại gì nữa. Tin là có Phật, có kinh điển của Phật, có các vị tỳ-kheo tăng, có các vị đắc A-la-hán. Tin là có đời nay và còn có đời sau, tin vào việc hiếu thuận với cha mẹ, tin vào việc làm lành gặp lành, làm ác gặp ác. Vững tin được như vậy, tâm liền được thanh tịnh, tức lìa xa được năm điều ác.
“Những gì là năm điều ác? Một là tham dâm, hai là sân nhuế, ba là mê ngủ, bốn là tham đắm các trò vui, năm là còn có chỗ nghi.
“Người chưa lìa được năm điều ác ấy thì tâm ý chẳng được an định. Lìa được năm điều ác ấy thì trong tâm liền thanh tịnh.
“Ví như vua Giá-ca-việt dẫn theo người, ngựa với xe cộ lội qua một dòng nước. Qua khỏi rồi, vua khát muốn tìm nước uống. Vua có hạt châu quý có thể làm lắng trong nước đục, liền dùng hạt châu ấy đặt xuống nước, nước đục tức thời lắng trong. Vua liền có nước sạch để uống.
“Lòng người chất chứa điều ác, ví như nước đục. Đạo tâm vượt thoát sanh tử của hàng đệ tử Phật ví như hạt châu quý có thể làm nước lắng trong. Người trừ sạch được các điều ác rồi, lòng thành tín trong sạch sáng rỡ như hạt châu minh nguyệt.”
Vua tán thán rằng: “Lành thay! Lành thay!”
Vua lại hỏi: “Còn như người tinh tấn thành tín là thế nào?”
Na-tiên đáp: “Hàng đệ tử tu theo Phật, tự sách tấn làm gương cho nhau. Trong số ấy có những người trừ hết các tâm ác, có người đắc quả Tu-đà-hoàn, có người đắc quả Tư-đà-hàm, có người đắc quả A-na-hàm, có người đắc quả A-la-hán, lại có những người học làm theo tâm thành tín. Hết thảy những người ấy đều được thoát khỏi chốn thế tục.
“Ví như có trận mưa rất lớn trên núi cao, nên dòng nước dưới chân núi dâng cao mênh mông. Những người ở hai bên bờ nước đều không biết mức sâu cạn thế nào, nên sợ chẳng dám lội qua.
“Bấy giờ có người từ xa đến, nhìn dòng nước biết được mức rộng hẹp, sâu cạn, rồi tự lượng sức mình, liền lội xuống nước mà vượt qua. Những người ở hai bên bờ nước liền bắt chước theo người ấy, đều lội qua được dòng nước.
“Hàng đệ tử Phật cũng giống như vậy, phát khởi tâm thành tín vì thấy những người đi trước được tâm thanh tịnh, đắc các quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, đều là nhờ nơi có thiện tâm với sức tinh tấn.
“Kinh Phật dạy rằng: Người có tâm thành tín, có thể vượt ra khỏi thế tục. Người tu hành trước phải kiềm chế, ngăn chặn được năm mối tham dục, tự biết thân này là khổ, sau mới có thể cứu độ cho người khác. Hết thảy đều là nhờ nơi trí tuệ mà thành tựu đạo đức vậy.”
Vua tán thán rằng: “Hay thay! Hay thay!” 4. HIẾU THUẬN
Vua lại hỏi: “Bạch đại đức, những gì được gọi là hiếu thuận?”
Na-tiên đáp: “Tất cả các điều lành đều là hiếu thuận. Phàm ba mươi bảy pháp trợ đạo đều do nơi hiếu thuận làm gốc.”
Vua hỏi: “Những gì là ba mươi bảy pháp trợ đạo?”
Na-tiên đáp: “Đó là Bốn pháp dừng ý, Bốn pháp đoạn ý, Bốn pháp thần túc, Năm căn, Năm sức, Bảy giác ý và Tám chánh đạo.”
“Những gì gọi là Bốn pháp dừng ý?”
“Phật dạy rằng, một là quán thân thì thân dừng, hai là quán bệnh khổ thì bệnh khổ dừng, ba là quán ý thì ý dừng, bốn là quán pháp thì pháp dừng. Như vậy gọi là Bốn pháp dừng ý.”
Vua lại hỏi: “Những gì là Bốn pháp đoạn ý?”
“Khi đã phân biệt được Bốn pháp dừng ý nói trên, không còn khởi niệm trở lại nữa, gọi là Bốn pháp đoạn ý. Đã được Bốn pháp đoạn ý, trong ý niệm liền tự nhiên được Bốn thần túc.”
“Những gì là Bốn thần túc trong ý niệm?”
“Một là mắt có thể nhìn thấu khắp nơi, hai là tai có thể nghe thấu khắp nơi, ba là có thể biết được chỗ suy nghĩ trong tâm người khác, bốn là có thể bay đi trên không. Đó là Bốn thần túc trong ý niệm.”
Vua hỏi: “Còn những gì gọi là Năm căn?”
Na-tiên đáp: “Một là mắt thấy các hình sắc đẹp đẽ hay xấu xí, trong ý đều không tham đắm. Hai là tai nghe các âm thanh êm dịu hay lời nhục mạ, trong ý đều không tham đắm. Ba là mũi ngửi mùi hương thơm tho hay khó ngửi, trong ý đều không tham đắm. Bốn là lưỡi nếm các mùi vị ngon ngọt hay cay đắng, trong ý đều không tham đắm. Năm là thân thể xúc chạm êm dịu, trong ý cũng không vui thích; thân thể xúc chạm thô cứng, trong ý cũng không khó chịu. Như vậy gọi là Năm căn.”
Vua lại hỏi: “Còn những gì gọi là Năm sức?”
Na-tiên đáp: “Một là chế ngự được mắt, hai là chế ngự được tai, ba là chế ngự được mũi, bốn là chế ngự được lưỡi, năm là chế ngự được thân. Nhờ đủ sức chế ngự được năm giác quan ấy nên tâm ý không bị sa đọa, như vậy gọi là Năm sức.”
Vua hỏi: “Những gì là Bảy giác ý?”
Na-tiên đáp: “Một là Ý giác ý, hai là Phân biệt giác ý, ba là Tinh tấn giác ý, bốn là Khả giác ý, năm là Ỷ giác ý, sáu là Định giác ý, bảy là Hộ giác ý. Đó là Bảy giác ý.”
Vua hỏi: “Những gì gọi là Tám món đạo hạnh?”
Đáp: “Một là chỗ thấy biết chân chánh, hai là suy nghĩ chân chánh, ba là lời nói chân chánh, bốn là việc làm chân chánh, năm là đời sống chân chánh, sáu là tinh tấn chân chánh, bảy là chỗ nhớ nghĩ chân chánh, tám là định ý chân chánh. Đó gọi là Tám món đạo hạnh.
“Phàm ba mươi bảy phẩm trợ đạo này đều lấy hiếu thuận làm gốc.
“Như người mang đồ nặng đặt để nơi xa, có thể vững vàng được là nhờ nơi mặt đất. Các loại ngũ cốc, cây cỏ trên thế gian này, đều sanh từ đất mà mọc hướng lên trời.
“Lại như người muốn xây thành lớn, trước phải lo việc đo đạc làm nền móng, rồi sau mới có thể khởi công xây dựng.
“Lại như người muốn nhào lộn biểu diễn, trước phải lo dọn chỗ đất cho sạch và bằng phẳng, sau mới có thể nhào lộn trên đó.
“Đệ tử Phật muốn cầu đạo, trước phải thực hành theo kinh giáo, trì giới, nhớ nghĩ điều lành, vì rõ biết sự cần khổ nên liền lìa bỏ được các mối ái dục, liền suy tưởng nghĩ nhớ đến Tám chánh đạo.”
Vua lại hỏi: “Nên nhờ vào những điều gì để lìa được các mối ái dục?”
Na-tiên đáp: “Một lòng nghĩ nhớ đến đạo, ái dục tự nhiên diệt mất.”
Vua liền tán thán: “Hay thay! Hay thay!” 5. TINH TẤN
Vua hỏi: “Những gì gọi là tinh tấn?”
Na-tiên đáp: “Giữ lấy điều lành đã có, tăng tiến điều lành chưa có, ấy gọi là tinh tấn.
“Như có bức tường nhà sắp đổ, nhờ có trụ chống nên lại đứng vững. Tinh tấn cũng giống như vậy.
“Như có vị vua mang quân đi đánh. Quân không đủ mạnh, vua liền sai thêm quân đến trợ lực, nhờ vậy được chiến thắng.
“Người ta có lắm điều ác, cũng như lúc quân kia yếu ớt. Người giữ được tâm thiện, tiêu diệt các tâm ác, cũng như vua sai quân đến tăng viện mà được chiến thắng.
“Giữ lấy năm tâm thiện, trừ mất năm tâm ác, cũng như chiến đấu được đắc thắng. Như vậy gọi là tinh tấn tăng tiến điều lành.”
Đến đây, ngài Na-tiên đọc kệ rằng:
Tinh tấn giúp thêm sức,
Người đi trọn đường lành.
Vượt thoát được thế tục,
Không còn phải xoay vần.
Vua nghe xong, tán thán rằng: “Hay thay! Hay thay!” 6. NHỚ NGHĨ ĐIỀU LÀNH
Vua lại hỏi: “Sao gọi là tâm ý luôn nhớ nghĩ điều lành?”
Na-tiên đáp: “Như người hái nhiều thứ hoa, dùng chỉ kết chặt lại thành chuỗi, gió không thổi tung ra được.
“Thí như người giữ kho của vua, biết phân biệt rõ được trong kho vua có các thứ vàng bạc, châu ngọc nhiều ít, tốt xấu thế nào. Người tu hành muốn được đạo, tâm ý luôn nhớ nghĩ đến Ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Như vậy tức là nhớ nghĩ đến đạo xuất thế. Người có nhớ nghĩ đạo lý, nhân đó mới biết được điều lành, điều ác; biết điều nào có thể làm, điều nào không thể làm; phân biệt được tốt xấu, tự suy ngẫm lấy, liền bỏ ác mà làm lành.
“Thí như người giữ cửa cho vua, biết những người nào được vua kính trọng, những người nào vua không kính trọng, những người nào có lợi cho vua, những người nào không có lợi cho vua. Người ấy biết những ai được vua kính trọng, những ai có thể làm lợi cho vua, liền cho vào. Biết những ai vua không kính trọng, những ai không có lợi cho vua, liền không cho vào.
“Người tu hành kiểm soát ý niệm mình cũng như vậy. Những điều lành thì để cho vào, những điều ác thì ngăn giữ lại. Gìn giữ ý lành, chế phục trong tâm cũng lại như vậy.”
Đến đây, ngài Na-tiên dẫn thuyết lời trong kinh rằng:
“Người tu học phải tự kiên cường gìn giữ phòng hộ ý niệm của mình, cảnh giác với sáu món ái dục trong thân. Làm được như vậy mới có thể thoát ra khỏi vòng thế tục.”
Vua tán thán rằng: “Hay thay! Hay thay!” 7. NHẤT TÂM
Vua lại hỏi: “Những gì có thể gọi nhất tâm?”
Na-tiên đáp: “Trong các điều lành, chỉ riêng có nhất tâm là cao hơn hết. Nếu người có thể đạt được nhất tâm, các điều thiện khác đều tùy đó sanh ra.
“Thí như xây dựng lầu gác, muốn vững vàng phải có nền móng chịu đựng. Hết thảy các điều thiện đều phải do nơi nhất tâm.
“Như có vị vua dẫn bốn đạo quân ra thành chiến đấu, có quân cưỡi voi, quân cưỡi ngựa, quân dùng xe và quân đánh bộ, thảy đều do vua điều khiển. Hết thảy kinh điển, giới luật của Phật, cùng các điều lành khác đều tùy theo nơi nhất tâm, cũng như các đạo quân kia tùy theo vua vậy.”
Đến đây, ngài Na-tiên dẫn kinh thuyết rằng:
“Trong các điều lành, nhất tâm là gốc. Tất cả những người học đạo, trước hết đều phải nương vào sự nhất tâm. Nếu không thì việc sanh tử từ quá khứ đến nay cứ như nước chảy xuôi giòng, trước sau nối nhau không có lúc dừng.”
Vua khen rằng: “Hay thay! Hay thay!” 8. TRÍ TUỆ
Vua lại hỏi: “Thế nào là trí tuệ?”
Na-tiên đáp: “Bần tăng trước đã có nói. Người có trí tuệ có thể dứt trừ các mối nghi, rõ biết các việc lành. Như vậy là trí tuệ.
“Thí như cầm đèn sáng bước vào nhà tối, vừa bước vào thì bóng tối liền tan biến, tự thấy sáng tỏ. Người sáng suốt có trí tuệ, cũng như ánh đèn sáng vậy.
“Lại như người dùng thanh đao bén chặt cây. Người có trí tuệ có thể đoạn dứt các điều ác, cũng như thanh đao bén kia.
“Người ta ở trong thế gian, trí tuệ là cao quý hơn hết. Ai có được trí tuệ, có thể vượt thoát được qua khỏi sự khổ về sanh tử.”
Vua khen rằng: “Hay thay! Hay thay!” 9. CÔNG NĂNG CỦA CÁC ĐIỀU LÀNH
Vua lại hỏi: “Bạch đại đức, từ trước đến giờ ngài đã thuyết dạy đủ các điều khác nhau trong kinh, phải chăng đều chỉ là vì muốn trừ sạch các điều ác?”
Na-tiên đáp: “Đúng vậy! Kinh Phật thuyết dạy các điều lành khác biệt nhau, thảy đều là vì muốn trừ sạch hết thảy các điều ác.
“Như vị vua kia dẫn bốn đoàn quân khác nhau ra trận chiến đấu. Nhưng từ khi phát binh, mỗi mỗi đều chỉ vì muốn công kích quân địch. Phật thuyết trong kinh đủ các điều lành, cũng chỉ vì muốn công kích, trừ bỏ cho hết các điều ác đi vậy.”
Vua tán thán rằng: “Hay thay! Hay thay! Đại đức Na-tiên thuyết giảng kinh Phật nghe thật rất thỏa chí!” 10. AI TÁI SANH
Vua lại hỏi: “Bạch đại đức! Như có nói, khi người ta chết đi, theo nơi chỗ thiện hoặc ác đã làm mà tái sanh. Vậy tái sanh đó là thân mạng với thần thức này đi tái sanh chăng? Hay thân mạng với thần thức khác?”
Na-tiên đáp: “Không phải thân mạng với thần thức này, cũng không lìa khỏi thân mạng với thần thức này.”
Khi ấy, ngài Na-tiên hỏi lại vua rằng: “Này đại vương, thân mạng khi còn ấu thơ theo bú sữa mẹ, với thân mạng khi đã lớn khôn, là một hay là khác?”
Vua đáp: “Thân mạng khi còn ấu thơ, vốn là khác.”
Na-tiên nói: “Người ta khi còn ở trong bụng mẹ, từ lúc mới vừa thụ tinh, cho đến thành bào thai có khác nhau chăng? Cho đến hình thành đủ xương cốt, da thịt, có khác nhau chăng? Từ khi sanh ra, cho đến khi tuổi lớn, có khác nhau chăng?
“Như một người học viết, người khác có thể thay người ấy mà viết hay chăng?”
Vua nói: “Không thể được.”
Na-tiên lại hỏi: “Như một người phạm pháp, tội đáng mang ra xử, người vô tội chịu thay được chăng?”
Vua đáp: “Không thể được.”
Đại đức Na-tiên đã dùng các việc như trên mà dẫn dụ, nhưng ý vua vẫn chưa hiểu thấu nên thưa hỏi: “Bạch đại đức, như lại có ai hỏi ngài việc này, ngài giảng giải thế nào?”
Na-tiên đáp: “Thân của bần tăng đây, từ thuở thiếu thời cho đến khi khôn lớn, vốn chỉ là một thân được liên tục nuôi lớn đó thôi.”
Na-tiên lại hỏi vua: “Như người thắp lên ngọn đèn lúc đầu hôm, có thể giữ cháy cho đến sáng chăng?”
Vua đáp: “Có thể được.”
Na-tiên lại hỏi: “Lửa đã thắp lên nơi ngọn đèn ấy, lúc đầu hôm, lúc giữa đêm, cho đến lúc gần sáng, có phải cùng một ngọn lửa chăng?”
Vua đáp: “Không phải.”
Na-tiên lại hỏi: “Thắp đèn lúc đầu hôm, lúc nửa đêm có thắp lại chăng? Lúc gần sáng có thắp lại chăng?”
Vua đáp: “Không. Đầu hôm đã thắp đèn, lửa ấy nơi tim đèn cháy mãi cho đến sáng mà thôi.”
Na-tiên nói: “Thần thức của con người tiếp nối mà thay đổi cũng là như thế. Mất ở nơi này, sanh ở nơi khác. Người sanh ra vốn chỉ một thần thức ấy cho đến lúc già chết, rồi sau lại hướng đến một đời sống khác. Tiếp nối mà thay đổi như vậy, nên thật không phải, mà cũng không lìa cái thần thức trước đó. Người sau khi chết rồi, thần thức đều phải hướng đến một đời sống mới.
“Ví như dùng sữa mà làm ra bơ, phó-mát, đề hồ... Có thể nào lấy những đề-hồ, phó-mát, bơ... ấy trở lại gọi là sữa chăng? Có người nói như vậy, có đúng chăng?”
Vua đáp: “Lời nói như vậy không đúng.”
Na-tiên nói: “Thần thức con người cũng như sữa kia vậy. Từ sữa mà làm ra bơ, phó-mát, đề-hồ... Thần thức con người cũng như vậy. Do nơi thần thức mà thọ sanh, từ sanh ra cho đến khôn lớn, già chết. Sau khi chết rồi lại tái sanh. Thân này vừa mất liền thọ thân khác, ví như hai vị chúa tể, lại tương quan với nhau như một.”
Vua khen rằng: “Hay thay! Hay thay!” 11. KHÔNG CÒN TÁI SANH
Vua lại hỏi Na-tiên: “Như có người không phải tái sanh ở đời sau, người ấy có thể tự biết việc ấy chăng?”
Na-tiên đáp: “Tất nhiên. Người ấy có thể tự biết được.”
Vua hỏi: “Nhờ đâu mà biết?”
Na-tiên đáp: “Người ấy tự biết mình không còn ân tình ái luyến, không còn tham dục, không còn các điều ác trong tâm. Vì thế tự biết không còn phải tái sanh đời sau nữa.”
Na-tiên lại hỏi vua: “Như nhà nông kia cày ruộng, gieo giống, đến khi thu hoạch vào chứa trong kho. Vụ mùa năm sau người ấy không cày ruộng, không gieo giống, chỉ dùng thóc chứa trong kho. Người nhà nông ấy có mong gì được thu hoạch thóc mới chăng?”
Vua nói: “Nhà nông ấy thật không thể mong như vậy được.”
Na-tiên hỏi: “Nhà nông ấy do đâu mà biết sẽ không có thu hoạch thóc mới?”
Vua đáp: “Vì nhà nông ấy không cày ruộng, không gieo giống trở lại, nên biết không thể mong gì có thu hoạch thóc mới.”
Na-tiên nói: “Người tu hành đắc đạo cũng giống như vậy. Tự biết mình đã dứt bỏ ân tình, ái luyến, vui khổ; không còn tâm tham muốn, vì vậy tự biết là đời sau không còn phải tái sanh nữa.” 12. TRÍ TUỆ CỦA NGƯỜI ĐẮC ĐẠO
Vua lại hỏi: “Người đã chấm dứt được sự tái sanh, ngay trong đời này có được trí tuệ khác người thường chăng?”
Na-tiên đáp: “Tất nhiên. Người ấy có trí tuệ khác người thường.”
Vua lại hỏi: “Người ấy có thể sáng suốt hiểu rõ chăng?”
Na-tiên đáp: “Tất nhiên, người ấy có thể sáng suốt hiểu rõ.”
Vua hỏi: “Có trí tuệ và sáng suốt hiểu rõ, hai việc ấy có khác nhau hay chăng?”
Na-tiên đáp: “Hai việc ấy đều như nhau.”
Vua hỏi: “Người có trí tuệ sáng suốt hiểu rõ, có thể hiểu biết hết thảy mọi việc chăng? Có những việc gì không thể hiểu thấu chăng?”
Na-tiên đáp: “Có điều hiểu thấu, có điều không hiểu thấu.”
Vua hỏi: “Những gì hiểu thấu? Những gì không hiểu thấu?”
Na-tiên đáp: “Những gì trước đây chưa từng học đến, không thể hiểu thấu. Những gì đã có học qua, có thể hiểu thấu. Nhưng người có trí đều hiểu thấu được rằng vạn vật thảy đều trôi qua đến chỗ không không, chẳng tùy theo ý mình; lòng người tham đắm sự vui thảy đều là gieo lấy nhân của sự khổ, dẫn đến sự khổ. Người có trí tuệ biết rõ lý thành bại không thường tồn của sự vật, vì vậy mà khác với kẻ tầm thường.”
Vua hỏi: “Như người có trí tuệ, sự ngu si khi ấy ở đâu?”
Na-tiên đáp: “Người có trí tuệ, những điều ngu si tự nhiên diệt mất. Ví như người cầm đèn sáng đi vào nhà tối, trong nhà liền được chiếu sáng, bóng tối tức thời diệt mất. Trí tuệ cũng như đèn sáng, ngu si như bóng tối. Người có trí tuệ, hết thảy các điều ngu si tất phải bị tiêu diệt.”
Vua lại hỏi: “Diệt hết ngu si rồi, khi ấy trí tuệ ở đâu?”
Na-tiên đáp: “Người sau khi đã dùng trí tuệ mà diệt hết ngu si, thì trí tuệ ấy cũng tự mất. Nhưng những gì mà trí tuệ tạo ra vẫn còn tồn tại.
“Ví như người đang đêm thắp đèn để viết thư. Đèn tắt rồi nhưng lá thư vẫn còn tồn tại. Trí tuệ cũng như vậy. Đã thành tựu được cho người rồi, trí tuệ liền mất, nhưng những điều đã có được vẫn còn tồn tại.”
Vua nói: “Đại đức bảo rằng trí tuệ thành tựu cho người rồi tự mất. Xin nói rõ thêm về lời ấy.”
Na-tiên đáp: “Ví như người muốn phòng hỏa hoạn, nên chuẩn bị sẵn 5 thùng nước lớn. Khi có hỏa hoạn, liền dùng nước trong 5 thùng ấy mà dập tắt lửa. Lửa đã tắt rồi, người ấy còn có ý muốn dùng mấy cái thùng nữa hay chăng?”
Vua đáp: “Người ấy tất không còn muốn dùng mấy cái thùng nữa. Lửa đã tắt, dùng mấy cái thùng ấy mà làm chi?”
Na-tiên nói: “Người tu học dùng năm tâm lành diệt hết các điều ác, cũng giống như những thùng nước kia dập tắt lửa.” 13. NĂM TÂM LÀNH
Vua hỏi: “Những gì là năm tâm lành?”
Na-tiên đáp: “Một là tin vào điều thiện, điều ác. Hai là không hủy báng kinh điển, giới luật. Ba là tinh tấn. Bốn là ân cần nhớ nghĩ các điều lành. Năm là một lòng nhớ nghĩ đến đạo pháp. Đó là năm điều lành. Người có thể làm theo năm điều lành ấy, liền được trí tuệ sáng suốt, hiểu rõ được thân mạng này cũng như vạn vật đều không thường tồn, hiểu được lẽ khổ não, rằng mọi việc đều không theo như ý muốn, hiểu được lẽ không có gì là sở hữu cả.
“Ví như vị thầy thuốc mang năm loại thuốc đến nhà người bệnh. Lấy năm thứ thuốc ấy cho bệnh nhân uống, được khỏi bệnh. Sau đó, thầy thuốc có còn muốn dùng các loại thuốc ấy nữa chăng?”
Vua đáp: “Bệnh đã khỏi, tất nhiên không còn muốn dùng các loại thuốc ấy nữa.”
Na-tiên nói: “Năm loại thuốc ấy, ví như năm điều lành, như trí tuệ. Người thầy thuốc ấy cũng như người học đạo. Bệnh ấy ví như các điều ác. Ngu si ví như bệnh nhân. Hiểu đạo rồi, xa lìa cõi thế, như bệnh nhân được khỏi. Trí tuệ đã thành tựu, người học đạo đã vượt ra khỏi thế tục, chứng đắc đạo pháp, trí tuệ liền tự diệt mất. Ví như người dũng sĩ chiến đấu, nhắm vào kẻ địch mà bắn ra năm mũi tên, được đắc thắng. Đã chiến thắng rồi, người ấy còn có muốn được lại năm mũi tên ấy chăng?”
Vua đáp: “Không, không thể muốn được lại năm mũi tên ấy.”
Na-tiên nói: “Năm mũi tên như năm điều sáng suốt của người. Người trí nhờ trí mà được đạo, như dũng sĩ kia chiến thắng kẻ địch. Các điều ác cũng như kẻ địch. Người tu giữ lấy năm điều lành, diệt hết các điều ác. Các điều ác đã diệt, trí tuệ lành tất sanh. Người tu nhờ nơi trí tuệ lành mà được độ thoát. 14. NGƯỜI ĐẮC ĐẠO CÓ KHỔ HAY KHÔNG?
Vua lại hỏi: “Như người đã đắc đạo, đời sau không còn phải sanh ra nữa. Người như vậy có còn chịu khổ hay chăng?”
Na-tiên đáp: “Cũng có khổ, cũng không khổ.”
Vua hỏi: “Sao gọi là cũng có khổ, cũng không khổ?”
Na-tiên đáp: “Thân còn chịu khổ, tâm không còn chịu khổ.”
Vua hỏi: “Như vậy nghĩa là thế nào?”
Na-tiên đáp: “Thân sở dĩ có khổ, là vì thân này còn đang tồn tại cho nên phải có khổ. Tâm đã trừ bỏ các điều ác, dứt sạch tham dục nên không còn phải khổ.” 15. ĐẮC ĐẠO VÀ NHẬP NIẾT BÀN
Vua hỏi: “Giả sử như người đắc đạo mà vẫn không dứt được nỗi khổ của thân, vậy là chưa được Niết-bàn chăng?”
Na-tiên đáp: “Người đã đắc đạo không còn ân tình ái luyến, thân tuy khổ nhưng tâm ý an vui. Như vậy còn mong cầu được đạo gì nữa?”
Vua nói: “Nếu như người đã đắc đạo rồi, vậy còn lưu lại cõi thế làm chi?”
Na-tiên đáp: “Ví như quả cây chưa chín, không thể ép được. Như khi đã chín, tất không cần phải chờ đợi nữa. Bần tăng nay chẳng cầu sống, cũng chẳng cầu chết, chỉ đợi thời điểm đến thì ra đi thôi.”
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.23.103.216 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.