Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó.
Kinh Pháp cú
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận.
Kinh Pháp cú
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Tôi nghe như vầy: Một thuở nọ Phật ở tại nước Xá Vệ, trong đất vườn của ông Cấp Cô Ðộc và rừng cây của thái tử Kỳ Ðà, cùng với chúng đại Tỳ kheo gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị.
Bấy giờ, Thế Tôn vào đúng giờ ăn đắp y mang bát vào đại thành Xá Vệ khất thực. Ở bên trong thành tuần tự khất rồi, ngài quay trở về, dùng cơm xong cất dọn y bát, rửa sạch chân rồi trải tòa mà ngồi.
Lúc ấy, trưởng lão Tu Bồ Ðề ở trong đại chúng đứng giậy khỏi tòa, trệch y để trần vai phải, gối phải qùy xuống đất, chắp tay cung kính bạch với Phật rằng:
“- Thế Tôn, thật hiếm có thay ! Như lai bảo bọc thương tưởng chư Bồ Tát rất là toàn hảo, ngài giao phó lại cho chư Bồ Tát rất là trọn vẹn!
“- Thế Tôn, thiện nam tử thiện nữ nhân nào phát tâm A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề, thời phải làm sao trụ tâm, phải làm sao nhiếp phục tâm mình?”
Phật nói : “- Khéo thay, khéo thay, Tu Bồ Ðề ! Như ông vừa nói, Như Lai thương tưởng và bảo bọc chư Bồ Tát rất là toàn hảo, Như Lai giao phó lại cho chư Bồ Tát rất là trọn vẹn ! Nay ông lắng nghe, ta sẽ vì ông mà nói, thiện nam tử thiện nữ nhân nào mà phát tâm A nậu đa la Tam miệu Tam Bồ Ðề thời phải trụ tâm như sau, phải nhiếp phục tâm mình như sau.”
“- Thưa vâng Thế Tôn, con rất vui lòng muốn nghe !”
Phật bảo Tu Bồ Ðề : “- Các Bồ tát Ma ha tát phải nhiếp phục tâm mình như sau : Tất cả chúng sinh có bao nhiêu loại, hoặc do trứng sinh, hoặc do thai sinh, hoặc do ẩm thấp sinh, hoặc do hóa sinh, hoặc có sắc tướng, hoặc không sắc tướng, hoặc có tâm tưởng, hoặc không tâm tưởng, hoặc không phải có tưởng cũng không phải không tưởng, tôi đều khiến cho vào trong Niết Bàn vô dư để diệt độ hết. Diệt độ như thế vô lượng vô biên vô số chúng sinh, mà thật không chúng sinh nào được diệt độ cả.
“- Tại sao vậy ? Tu Bồ Ðề, nếu Bồ Tát mà có tướng “ta”, tướng “người”, tướng “chúng sinh”, tướng “thọ mạng”, tức không phải là Bồ Tát.
“- Lại nữa Tu Bồ Ðề, Bồ Tát đối với các pháp phải không trụ vào đâu hết mà [hành, như] hành bố thí. Nghĩa là không trụ vào sắc mà bố thí, không trụ vào thanh, hương, vị, xúc, pháp mà bố thí. Tu Bồ Ðề, Bồ Tát phải bố thí như thế : không trụ vào tướng. Tại sao vậy ? Nếu Bồ Tát không trụ vào tướng mà bố thí, thì phúc đức ấy không thể suy lường nổi.
“- Tu Bồ Ðề, ý ông nghĩ sao : Hư không ở phương đông có thể suy lường nổi hay không ?”
“- Không thể, Thế Tôn !”
“- Tu Bồ Ðề, hư không ở các phương nam, tây, bắc, bốn phương phụ, phương trên và dưới, có thể nào suy lường nổi không ?”
“- Không thể, Thế Tôn !”
“- Tu Bồ Ðề, Bồ Tát không trụ vào tướng mà bố thí, thì công đức cũng y như vậy, không thể suy lường nổi. Tu Bồ Ðề, Bồ Tát phải trụ đúng theo như đã được dạy [như thế].
“- Tu Bồ Ðề, ý ông nghĩ sao ? Có thể nào do các tướng của thân mà thấy được Như lai hay không ?”
“- Không thể, Thế Tôn ! Không thể do các tướng của thân mà thấy được Như Lai. Tại sao vậy ? Các tướng của thân mà Như Lai nói đó tức không phải là tướng của thân.”
Phật bảo Tu Bồ Ðề : “- Hễ đã có tướng thì đều là hư vọng. Nếu thấy được các tướng không phải là tướng, tức là thấy Như lai.”
Tu Bồ Ðề bạch Phật rằng : “- Thế Tôn, có chăng chúng sinh nào nghe được các lời lẽ câu cú như thế mà sinh lòng tin chắc thật hay không ?”
Phật bảo Tu Bồ Ðề : “- Ðừng nói như vậy. Như Lai diệt rồi, năm trăm năm sau, có người trì giới, tu phúc, đối với câu cú này sẽ sinh tín tâm, cho đó là thật vậy. Phải biết người ấy không phải chỉ nơi một vị Phật, hai vị Phật, ba bốn năm vị Phật gieo trồng thiện căn, mà nơi vô lượng ngàn vạn vị Phật gieo trồng thiện căn. Nếu ai nghe các câu cú này, cho đến chỉ trong một niệm phát sinh lòng tin thanh tịnh, Tu Bồ Ðề, Như Lai biết rõ thấy rõ các chúng sinh ấy được công đức vô lượng như thế.
“- Tại sao vậy ? Các chúng sinh này không còn lại có tướng “ta”, tướng “người”, tướng “chúng sinh”, tướng “thọ mạng”, không còn có tướng pháp cũng không có tướng phi pháp.
“- Tại sao vậy ? Các chúng sinh này nếu tâm giữ lấy các tướng, tức là bám vào “ta, người, chúng sinh, thọ mạng”. Nếu giữ lấy tướng pháp, tức bám vào “ta, người, chúng sinh, thọ mạng”. Tại sao vậy ? Nếu giữ lấy tướng phi pháp, tức bám vào “ta, người, chúng sinh, thọ mạng”.
“- Thế nên, không giữ lấy tướng pháp cũng không giữ lấy tướng phi pháp. Do vì nghĩa ấy, Như Lai thường nói : Tỳ kheo các ông, phải biết là ta nói pháp cũng như thí dụ chiếc bè. Pháp còn phải xả, huống gì là phi pháp.”
“- Tu Bồ Ðề, Ý ông nghĩ sao ? Như Lai có đắc A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề không ? Như lai có pháp để mà nói không?”
Tu Bồ Ðề nói : “Như con hiểu nghĩa những gì Phật nói, thì không pháp nào xác định gọi là A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề, cũng không pháp nào xác định Như Lai có thể nói được. Tại sao vậy ? Pháp do Như Lai nói, đều không thể giữ lấy được, không thể nói gì được, [pháp ấy] không phải pháp cũng không phải phi pháp. Cớ gì như vậy ? Tất cả Hiền Thánh đều do pháp vô vi [mà Phật nói đó] mà thành có sai biệt.”
“- Tu Bồ Ðề, ý ông nghĩ sao ? Nếu ai có bẩy báu đầy khắp thế giới đại thiên gồm một tỉ tiểu thế giới dùng mà bố thí. Phúc đức người ấy có được thử hỏi có nhiều hay không ?”
Tu Bồ Ðề nói : “- Rất nhiều, Thế Tôn ! Tại sao vậy ? Phúc đức ấy tức thuộc tính không phải là phúc đức, thế nên Như Lai mới nói là phúc đức nhiều.”
“- Nếu lại có người ở trong Kinh này nhận giữ cho đến bài kệ bốn câu, nói cho người khác, phúc này hơn hẳn phúc kia. Tại sao vậy ? Tu Bồ Ðề, tất cả chư Phật và A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề của chư Phật đều từ Kinh này mà ra. Tu Bồ Ðề, những gì mà gọi là Phật pháp ấy tức không phải là Phật pháp.
“- Tu Bồ Ðề, ý ông nghĩ sao ? Tu Ðà Hoàn có nghĩ được rằng : “Ta đắc quả Tu đà hoàn” hay không ?
Tu Bồ Ðề nói : “- Không thể, Thế Tôn. Tại sao vậy ? Tu Ðà Hoàn gọi là “Vào Dòng”, song thật không hề có chỗ vào; không vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, như thế mới gọi là Tu Ðà Hoàn.”
“- Tu Bồ Ðề, ý ông nghĩ sao ? Tư Ðà Hàm có nghĩ được rằng : “Ta đắc quả Tư đà hàm” hay không ?”
“- Tu Bồ Ðề nói : Thưa không, Thế Tôn. Tại sao vậy ? Tư Ðà Hàm gọi là “Một Lần Trở Lại”, song thật ra không hề có qua lại, như thế mới gọi là Tư Ðà Hàm.”
“- Tu Bồ Ðề, ý ông nghĩ sao ? A Na Hàm có nghĩ được rằng : “Ta đắc quả A na hàm” hay không ?”
Tu Bồ Ðề nói : “- Thưa không, Thế Tôn ! Tại sao vậy ? A Na Hàm gọi là “Không Trở Lại”, song thật không hề có không trở lại, thế nên mới gọi là A Na Hàm.”
“- Tu Bồ Ðề, ý ông nghĩ sao ? A La Hán có nghĩ được rằng : “Ta đắc A La Hán Ðạo” hay không ?”
Tu Bồ Ðề nói : “Thưa không, Thế Tôn ! Tại sao vậy ? Thật không có pháp nào gọi là A La Hán. Thế Tôn, nếu A La Hán nghĩ như vầy “Ta đắc A La Hán Ðạo”, tức là bám vào “ta, người, chúng sinh, thọ mạng”. Thế Tôn, Phật nói con đắc Tam muội không tranh cãi, là tối đệ nhất giữa loài người, là A La Hán lìa dục đệ nhất. Song Thế Tôn, con không nghĩ rằng “Ta là A La Hán lìa dục”. Thế Tôn, nếu con nghĩ rằng “Ta đắc A La Hán Ðạo”, thời Thế Tôn đâu có nói “Tu Bồ Ðề là người ưa thích thực hành A lan na”. Do Tu Bồ Ðề thật không có hành gì hết nên mới gọi Tu Bồ Ðề là ưa thích thực hành A lan na.
Phật bảo Tu Bồ Ðề : “- Ý ông nghĩ sao ? Như Lai xưa vào lúc gặp Phật Nhiên Ðăng, đối với pháp có đắc được gì chăng?”
“- Thưa không, Thế Tôn ! Như Lai thuở gặp Phật Nhiên Ðăng, đối với pháp thật không đắc được gì hết.”
“- Tu Bồ Ðề, Ý ông nghĩ sao ? Bồ Tát có làm đẹp cõi Phật hay không ?”
“- Thưa không, Thế Tôn ! Tại sao vậy ? Làm đẹp cõi Phật ấy tức không phải là làm đẹp, như thế mới gọi là làm đẹp.”
“- Thế nên Tu Bồ Ðề, Các Bồ Tát Ma ha tát cần phải như thế mà sinh tâm trong sạch : không nên trụ nơi sắc mà sinh tâm, không nên trụ nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sinh tâm. Phải không trụ vào đâu hết mà sinh tâm ấy.
“- Tu Bồ Ðề, ví như có người thân như núi chúa Tu Di, ý ông nghĩ sao ? Thân ấy có lớn hay chăng ?”
Tu Bồ Ðề nói : “- Rất lớn, Thế Tôn ! Tại sao vậy ? Phật nói [thân ấy] không phải là thân, như thế mới gọi là thân lớn.”
“- Tu Bồ Ðề, như trong sông Hằng có bao số cát, thì bằng đó sông Hằng bằng số cát ấy, ý ông nghĩ sao ? Số cát của bằng đó sông Hằng có là nhiều chăng ?”
Tu Bồ Ðề nói : “- Rất nhiều, Thế Tôn ! Chỉ số sông Hằng đã nhiều vô số, huống gì số cát của chúng.”
“- Tu Bồ Ðề, ta nay lời thật bảo ông : Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân nào lấy bẩy loài báu đầy khắp hết các thế giới đại thiên gồm một tỉ tiểu thế giới nhiều bằng số cát của các sông Hằng đó. dùng để bố thí, được phúc có nhiều chăng ?”
Tu Bồ Ðề nói : “- Rất nhiều, Thế Tôn !”
Phật bảo Tu Bồ Ðề : “Nếu thiện nam tử thiện nữ nhân nào ở trong Kinh này nhận giữ cho đến chỉ một bài kệ bốn câu, nói cho người khác, thì phúc đức họ hơn phúc đức trước.
“- Lại nữa Tu Bồ Ðề, tùy theo nói lên Kinh này, cho đến chỉ một bài kệ bốn câu, phải biết chỗ ấy tất cả Trời, người, A tu la trong thế gian này đều phải cúng dường, như [cúng dường] tháp miếu của Phật, huống gì có người có thể nhận giữ đọc tụng trọn Kinh. Tu Bồ Ðề, phải biết người ấy thành tựu được Pháp đệ nhất hiếm có tối thượng. Nếu ở chỗ nào có Kinh điển này, tức là có Phật hoặc hàng đệ tử đáng tôn trọng.”
Bấy giờ, Tu Bồ Ðề bạch Phật rằng : “- Thế Tôn, lấy gì gọi tên Kinh này ? Chúng con làm sao tuân giữ ?”
Phật bảo Tu Bồ Ðề : “- Kinh này gọi là Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật, bằng danh tự ấy ông hãy tuân giữ. Cớ sao như vậy ? Tu Bồ Ðề, Phật nói Bát nhã Ba la mật tức không phải là Bát nhã Ba la mật, như thế mới gọi là Bát nhã Ba la mật.”
“- Tu Bồ Ðề, ý ông nghĩ sao ? Như Lai có pháp nào để nói hay không ?”
Tu Bồ Ðề bạch Phật rằng : “- Thế tôn, Như Lai không nói gì hết !”
“- Tu Bồ Ðề, ý ông nghĩ sao ? Số mảy bụi có trong thế giới đại thiên gồm một tỉ tiểu thế giới, có nhiều hay không ?”
Tu Bồ Ðề nói : “- Rất nhiều, Thế Tôn !”
“- Tu Bồ Ðề, các bụi nhỏ, Như Lai nói không phải là bụi nhỏ, như thế mới gọi là bụi nhỏ. Như Lai nói thế giới tức không phải là thế giới, như thế mới gọi là thế giới.
“- Tu Bồ Ðề, ý ông nghĩ sao ? Có thể dùng ba mươi hai tướng mà thấy được Như Lai hay không ?”
“- Thưa không, Thế Tôn ! Không thể do ba mươi hai tướng mà thấy được Như Lai. Tại sao vậy ? Như Lai nói ba mươi hai tướng, tức là không phải tướng, như thế mới gọi là ba mươi hai tướng.”
“- Tu Bồ Ðề, nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân nào dùng số thân mạng nhiều bằng số cát sông Hằng để mà bố thí. Nếu lại có người ở nơi Kinh này nhận giữ cho đến chỉ một bài kệ bốn câu, nói cho người khác, phúc này rất nhiều.”
Bấy giờ, [khi] Tu Bồ Ðề nghe nói Kinh này, hiểu ra thật sâu nghĩa lý [của Kinh], nước mắt tuôn rơi, thương cảm khóc bạch phật rằng :
“- Hiếm có thay Thế Tôn ! Phật nói Kinh điển rất sâu như thế, con được mắt huệ từ xưa đến nay, mà chưa từng được nghe các Kinh như vậy. Thế Tôn, nếu lại có người được nghe Kinh này, tín tâm trong sạch, mà sinh ngay tướng thật, thời phải biết người ấy thành tựu công đức hiếm có đệ nhất. Thế Tôn, cái tướng thật này tức là không phải tướng, thế nên Như Lai mới nói gọi là tướng thật.
“- Thế Tôn, con nay được nghe Kinh điển như thế mà tin hiểu nhận giữ chẳng lấy làm khó, song nếu đời mai sau, năm trăm năm sau, có chúng sinh nào nghe được Kinh này mà tin hiểu nhận giữ, thời người ấy chính là hiếm có đệ nhất. Tại sao vậy ? Người ấy không có tướng “ta”, không có tướng “người”, không có tướng “chúng sinh”, không có tướng “thọ mạng”. Cớ sao như vậy ? Tướng “ta” tức là không phải tướng ; tướng “người”, tướng “chúng sinh”, tướng “thọ mạng” tức là không phải tướng. tại sao vậy ? Lìa hết tất cả tướng, tức gọi là chư Phật.”
Phật bảo Tu Bồ Ðề : “- Ðúng vậy, đúng vậy ! nếu lại có người được nghe Kinh này mà không kinh không sợ không hãi, phải biết người ấy rất là hiếm có.
“- Tại sao vậy ? Tu Bồ Ðề, Như Lai nói Ba la mật đệ nhất tức không phải là Ba la mật đệ nhất, như thế mới gọi là Ba la mật đệ nhất. Tu Bồ Ðề, nhẫn nhục ba la mật như lai nói tức không phải là nhẫn nhục ba la mật, như thế mới gọi là nhẫn nhục ba la mật. Tại sao vậy ? Tu Bồ Ðề, như xưa kia ta bị vua Ca Lợi cắt lìa thân thể, ta vào lúc đó không có tướng “ta”, không có tướng “người”, không có tướng “chúng sinh”, không có tướng “thọ mạng”. Tại sao vậy ? Ta thuở xa xưa ấy khi cơ thể từng phần đứt đoạn nếu lại có các tướng “ta”, tướng “người”. tướng “chúng sinh”, tướng “thọ mạng”, thời phải sinh sân hận. Tu Bồ Ðề, ta lại nhớ quá khứ trong năm trăm đời là tiên nhân nhẫn nhục. Trong suốt các đời ấy không hề có tướng “ta”, không có tướng “người”, không có tướng “chúng sinh”, không có tướng “thọ mạng”.
“- Thế nên Tu Bồ Ðề, Bồ Tát phải lìa tất cả các tướng mà phát tâm A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề. Không nên trụ nơi sắc mà sinh tâm [ấy], không nên trụ nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sinh tâm [ấy]. Phải nên sinh tâm [ấy mà] không trụ vào đâu hết. Nếu tâm có trụ tức là không phải trụ. Thế nên Phật nói tâm Bồ Tát không nên trụ sắc bố thí. Tu Bồ Ðề, Bồ Tát vì lợi ích tất cả chúng sinh nên phải bố thí như vậy. Như Lai nói tất cả các tướng tức không phải là tướng, tất cả chúng sinh tức không phải là chúng sinh.
“- Tu Bồ Ðề, Như Lai là bậc lời nói chân thật, là bậc lời nói đúng thật, là bậc lời nói như thật, là bậc lời nói không dối gạt, là bậc lời nói không sai khác. Tu Bồ Ðề, Pháp mà Như Lai đắc, Pháp ấy không thật không hư.
“- Tu Bồ Ðề, nếu Bồ Tát tâm trụ vào pháp mà hành bố thí, thì y như người vào tối sẽ không thấy được gì nữa. Nếu Bồ Tát tâm không trụ pháp mà hành bố thí, thì y như người có mắt, lại ánh mặt trời chiếu sáng, nên thấy đủ loại hình sắc.
“- Tu Bồ Ðề, trong đời tương lai nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân nào mà có thể nhận giữ đọc tụng Kinh này, thời sẽ được Như Lai dùng trí huệ Phật, biết rõ người ấy, thấy rõ người ấy, và đều được thành tựu vô lượng vô biên công đức.
“- Tu Bồ Ðề, nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân nào vào khoảng rạng ngày dùng số thân nhiều như số cát sông Hằng để mà bố thí, khoảng giữa ngày lại đem số thân nhiều như số cát sông Hằng để mà bố thí, khoảng cuối ngày cũng dùng số thân nhiều như số cát sông Hằng để mà bố thí. Cứ thế cho đến vô lượng trăm ngàn vạn ức kiếp dùng thân bố thí như thế. Nếu lại có người nghe Kinh điển này mà tâm tin tưởng không đi ngược lại, thì phúc người này hơn cả người kia, huống gì lại biên chép, nhận giữ, đọc tụng, giảng nói cho người.
“- Tu Bồ Ðề, nói tóm lại Kinh này có công đức vô biên không thể nghĩ lường, không thể cân lượng. Như Lai vì những người phát [khởi tiến về] Ðại Thừa mà nói, vì những người phát [khởi tiến về] Tối Thượng Thừa mà nói. Nếu có ai có thể nhận giữ, đọc tụng, nói khắp cho người, thì Như Lai rõ biết người ấy, rõ thấy người ấy, và đều được thành tựu công đức không thể đo, không thể cân, không bến bờ, không thể nghĩ lường. Các người như thế chính là gánh vác A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề của Như Lai. Tại sao vậy ? Nếu người ưa thích pháp nhỏ mà bám vào các cái thấy “ta”, thấy “người”, thấy “chúng sinh”, thấy “thọ mạng”, thời đối với Kinh này sẽ không thể nghe nhận, đọc tụng, giảng nói cho người được.
“- Tu Bồ Ðề, bất cứ nơi nào mà có Kinh này, thì đó là nơi đáng được tất cả Trời, người, A tu la trong thế gian này cúng dường. Phải biết nơi này chính tức là tháp, đều phải cung kính lễ lậy đi quanh, dùng hương cùng hoa mà ca ngợi chỗ ấy.
“- Lại nữa Tu Bồ Ðề, nếu thiện nam tử thiện nữ nhân nào nhận giữ, đọc tụng Kinh này, mà hoặc bị người khinh tiện. Người ấy do tội nghiệp đời trước đáng phải đọa vào các đường ác, do đời nay bị người khinh tiện, thế nên tội nghiệp đời trước liền được tiêu diệt, và rồi sẽ đắc được A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề.
“- Tu Bồ Ðề, ta nhớ lại quá khứ vô lượng a tăng kỳ kiếp về trước thời Phật Nhiên Ðăng, ta được gặp tám mươi bốn ngàn tỷ na do tha chư Phật, và trọn đều cúng dường hầu hạ không để sót qua. Nếu lại có người vào đời mạt pháp sau này mà có thể nhận giữ đọc tụng Kinh này, thì công đức có được so với công đức cúng dường chư Phật của ta, trăm phần [công đức của ta] không được một, ngàn vạn ức phần [công đức của ta cũng không được một, ] cho đến toán số hay thí dụ cũng không thể [đem ra mà so] sánh được. Tu Bồ Ðề, nếu các thiện nam tử thiện nữ nhân vào đời mạt pháp sau này mà có ai nhận giữ đọc tụng Kinh này, công đức có được nếu ta nói đủ, thì ai mà nghe tâm sẽ rối loạn nghi ngờ không tin. Tu Bồ Ðề, phải biết ý nghĩa của Kinh này không thể nào nghĩ lường, quả báo của Kinh cũng không thể nào nghĩ lường.”
Bấy giờ, Tu Bồ Ðề bạch Phật rằng : “- Thế Tôn, các thiện nam tử thiện nữ nhân phát tâm A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề thì phải làm sao mà trụ [tâm], phải làm sao nhiếp phục tâm mình ?”
Phật bảo Tu Bồ Ðề : “- Các thiện nam tử thiện nữ nhân mà phát tâm A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề, thì phải sinh tâm như sau : Ta phải diệt độ tất cả chúng sinh ; diệt độ tất cả chúng sinh rồi, mà không có một chúng sinh nào thật sự diệt độ hết. Tại sao vậy ? Tu Bồ Ðề, nếu Bồ Tát có tướng “ta”, tướng “người”, tướng “chúng sinh”, tướng “thọ mạng”, tức không phải là Bồ Tát. Cớ sao như vậy ? Tu Bồ Ðề, thật ra không hề có pháp nào là [pháp] phát tâm A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề hết !
“- Tu Bồ Ðề, ý ông nghĩ sao ? Như Lai khi gặp Phật Nhiên Ðăng, có pháp nào [gọi là] đắc A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề hay không ?”
“- Thưa không, Thế Tôn ! Như con hiểu ý nghĩa những gì Phật nói, thì Phật khi gặp Phật Nhiên Ðăng không có pháp nào [gọi là] đắc A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề hết.”
Phật nói : “- Ðúng vậy, đúng vậy ! Tu Bồ Ðề, thật không có pháp để mà Như Lai đắc A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề. Tu Bồ Ðề, nếu có pháp mà Như Lai đắc A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề, thì Phật Nhiên Ðăng sẽ không chứng nhận cho ta là “Ông trong tương lai sẽ được làm Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni.” Do thật không có pháp để đắc A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề, thế nên Phật Nhiên Ðăng mới chứng nhận cho ta mà nói như sau : “Ông trong tương lai sẽ được làm Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni.” Tại sao vậy ? Như Lai ấy tức là nghĩa “như” của các pháp vậy. Nếu có ai nói “Như Lai đắc A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề”. Tu Bồ Ðề, thật không có pháp cho Phật đắc a nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề.
“- Tu Bồ Ðề, A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề mà Như Lai đắc được, nơi ấy không thật không hư. Thế nên Như Lai mới nói tất cả các pháp đều là Phật pháp. Tu Bồ Ðề, nói “tất cả các pháp” ở đây tức không phải là tất cả các pháp, thế nên mới gọi là tất cả các pháp. Tu Bồ Ðề, ví như thân người to lớn.”
Tu Bồ Ðề nói : “- Thế Tôn, Như Lai nói “thân người to lớn” tức không phải là thân lớn, như thế mới gọi là thân lớn.”
“- Tu Bồ Ðề, Bồ Tát cũng như vậy. Nếu lại nói rằng “ta sẽ diệt độ vô lượng chúng sinh”, thì không gọi là Bồ Tát nữa. Tại sao vậy ? Tu Bồ Ðề, thật không có pháp nào gọi là Bồ Tát. Thế nên Phật nói tất cả các pháp không “ta”, không “người”, không “chúng sinh”, không “thọ mạng”. Tu Bồ Ðề, nếu Bồ Tát nói như sau “ta sẽ làm đẹp cõi Phật”, thì không gọi là Bồ Tát nữa. Tại sao vậy ? Như lai nói làm đẹp cõi Phật ấy tức không phải là làm đẹp cõi Phật, như thế mới gọi là làm đẹp.
“- Tu Bồ Ðề, ý ông nghĩ sao ? Như Lai có mắt phàm hay không ?”
“- Thưa có, Thế Tôn ! Như Lai có mắt phàm.”
“- Tu Bồ Ðề, ý ông nghĩ sao ? Như Lai có mắt trời hay không ?”
“- Thưa có, Thế Tôn ! Như Lai có mắt trời.”
“- Tu Bồ Ðề, ý ông nghĩ sao ? Như Lai có mắt huệ hay không ?”
“- Thưa có, Thế Tôn ! Như Lai có mắt huệ.”
“- Tu Bồ Ðề, ý ông nghĩ sao ? Như Lai có mắt pháp hay không ?”
“- Thưa có, Thế Tôn ! Như Lai có mắt pháp.”
“- Tu Bồ Ðề, ý ông nghĩ sao ? Như Lai có mắt Phật hay không ?”
“- Thưa có, Thế Tôn ! Như Lai có mắt Phật.”
“- Tu Bồ Ðề, ý ông nghĩ sao ? Như số cát có trong sông Hằng, Phật có nói là cát không ?”
“- Thưa có, Thế Tôn ! Như Lai nói là cát.”
“- Tu Bồ Ðề, ý ông nghĩ sao ? Như số cát có trong một con sông Hằng, giờ số sông Hằng lại nhiều bằng số cát ấy, và số thế giới Phật lại nhiều bằng số cát của bằng đó sông Hằng ấy, như thế có đúng là nhiều không ? ”
“- Thưa rất nhiều, Thế Tôn !”
Phật bảo Tu Bồ Ðề : “- Có bao nhiêu chúng sinh trong bằng đó cõi nước ấy, bằng đó các tâm đủ loại, Như Lai đều biết hết. Tại sao vậy ? Như Lai nói các tâm đều không phải là tâm, như thế mới gọi là tâm. Cớ sao như vậy ? Tu Bồ Ðề, tâm quá khứ không thể có được, tâm hiện tại không thể có được, tâm tương lai không thể có được.
“- Tu Bồ Ðề, ý ông nghĩ sao ? Nếu có người đem số bẩy báu đầy khắp hết thế giới đại thiên gồm một tỉ tiểu thế giới để mà bố thí. Người ấy do nhân duyên đó được phúc nhiều không ?”
“- Ðúng vậy, thưa Thế Tôn ! Người ấy do nhân duyên đó mà được phúc rất nhiều.”
“- Tu Bồ Ðề, nếu phúc đức có thật, Như Lai đã không nói là được phúc đức nhiều. Do bởi phúc đức không có nên Như Lai mới nói là được phúc đức nhiều.
“- Tu Bồ Ðề, ý ông nghĩ sao ? Có thể nào qua thân sắc đầy đủ mà thấy được Phật hay không ?”
“- Thưa không, Thế Tôn ! Không thể nào qua thân sắc đầy đủ mà thấy được Như lai. Tại sao vậy ? Như Lai nói thân sắc đầy đủ tức không phải là thân sắc đầy đủ, như thế mới gọi là thân sắc đầy đủ.”
“- Tu Bồ Ðề, ý ông nghĩ sao ? Có thể nào bằng các tướng đầy đủ mà thấy được Như Lai hay không ?”
“- Thưa không, Thế Tôn ! Không thể nào do toàn thể các tướng mà thấy được Như Lai. Tại sao vậy ? Như Lai nói các tướng đầy đủ tức không phải là đầy đủ, như thế mới gọi là đầy đủ.”
“- Tu Bồ Ðề, ông đừng cho là Như Lai suy nghĩ như sau “ta sẽ có pháp để thuyết”. Ðừng nghĩ như thế, tại sao vậy ? Nếu ai nói là “Như Lai có pháp để thuyết”, tức là hủy báng ta, không thể hiểu được những gì ta nói.
“- Tu Bồ Ðề, nói pháp ấy, thời không có pháp gì để có thể nói được, như thế mới gọi là nói pháp.”
Bấy giờ, Huệ Mạng Tu Bồ Ðề bạch Phật rằng : “- Thế Tôn, có chăng chúng sinh trong đời mai sau khi nghe nói pháp này, mà sinh tâm tin tưởng hay không ?”
Phật nói : “- Tu Bồ Ðề, người ấy chẳng phải là chúng sinh, cũng chảng phải không là chúng sinh. Tại sao vậy ? Tu Bồ Ðề, chúng sinh, chúng sinh ấy, Như Lai nói không phải là chúng sinh, như thế mới gọi là chúng sinh.”
Tu Bồ Ðề bạch Phật rằng : “- Thế Tôn, Phật đắc A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề đó là không có đắc gì hết hay sao ?”
Phật nói : “- Ðúng vậy, đúng vậy ! Tu Bồ Ðề, ta đối với A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề cho đến không có một chút ít pháp nào được đắc, như thế mới gọi là A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề.
“- Lại nữa tu Bồ Ðề, pháp này bình đẳng không có cao thấp, như thế mới gọi là A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề. Do không có “ta”, không có “người”, không có “chúng sinh”, không có “thọ mạng” mà tu tất cả các pháp thiện, thời sẽ đắc A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề. Tu Bồ Ðề, pháp thiện nói ở đây, Như Lai nói tức không phải là pháp thiện, như thế mới gọi là pháp thiện.
“- Tu Bồ Ðề, như bao nhiêu núi chúa Tu Di có trong thế giới đại thiên gồm một tỉ tiểu thế giới này, có người đem các khối bẩy báu nhiều bằng số núi như thế ra mà bố thí. Nếu có người đem Kinh Bát Nhã Ba La Mật này ra cho đến chỉ một bài kệ bốn câu mà nhận giữ đọc tụng, nói cho người khác, thì so với phúc đức trước, trăm phần [phúc đức trước kia] không được một, trăm ngàn vạn ức phần cho đến toán số thí dụ gì cũng không sánh được.
“- Tu Bồ Ðề, ý ông nghĩ sao ? Các ông đừng cho rằng Như Lai nghĩ như sau : Ta sẽ độ chúng sinh. Tu Bồ Ðề, đừng nghĩ như vậy. Tại sao thế ? Thật không có chúng sinh nào mà Như Lai độ hết. Nếu có chúng sinh mà Như Lai độ, thì tức là Như lai có “ta”, “người”, “chúng sinh”, “thọ mạng”. Tu Bồ Ðề, Như Lai nói có “ta” ấy tức không phải là có ta, song các phàm phu cho là có ta. Tu Bồ Ðề, phàm phu ấy, Như Lai nói tức không phải là phàm phu, như thế mới gọi là phàm phu.
“- Tu Bồ Ðề, ý ông nghĩ sao ? Có thể do ba mươi hai tướng mà nhận biết được Như Lai hay không ? ”
Tu Bồ Ðề nói : “- Ðúng vậy, đúng vậy ! Do ba mươi hai tướng ấy mà nhận biết Như Lai.”
Phật nói : “- Tu Bồ Ðề, nếu do ba mươi hai tướng mà nhận biết được Như Lai, thì Chuyển Luân thánh vương tức là Như Lai.”
Tu Bồ Ðề bạch Phật rằng : “- Thế Tôn, như con hiểu nghĩa những gì Phật nói, thì không thể do ba mươi hai tướng mà nhận biết được Như Lai.”
Bấy giờ, Thế Tôn mới nói kệ rằng :
Nếu qua sắc thấy ta,
Do âm thanh cầu ta,
Người ấy hành tà đạo,
Không thể thấy Như Lai.
“- Tu Bồ Ðề, nếu ông nghĩ như sau : Như Lai không do các tướng đầy đủ ấy mà đắc A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề. Tu Bồ Ðề, đừng nghĩ như thế : Như Lai không do các tướng đầy đủ ấy mà đắc A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề.
“- Tu Bồ Ðề, nếu ông nghĩ như thế : người phát tâm A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề là [người tuyên] thuyết các pháp đoạn diệt. Ðừng nghĩ như vậy. Tại sao thế ? Người phát tâm A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề đối với pháp không hề nói [pháp] là tướng đoạn diệt.
“- Tu Bồ Ðề, nếu Bồ Tát dùng số bẩy báu đầy khắp các thế giới nhiều bằng số cát sông Hằng để mà bố thí. Nếu lại có người do biết tất cả pháp “không có ta” mà thành được “nhẫn”, thì Bồ Tát này sẽ hơn hẳn phúc đức mà Bồ Tát trước có được. Tại sao vậy ? Tu Bồ Ðề, do các Bồ Tát không thọ nhận phúc đức vậy.”
Tu Bồ Ðề bạch Phật rằng : “- Thế Tôn, tại sao Bồ Tát lại không thọ nhận phúc đức ?”
“- Tu Bồ Ðề, phúc đức do Bồ Tát làm không nên tham bám vào, thế nên mới nói là không thọ nhận phúc đức.
“- Tu Bồ Ðề, nếu có ai nói : Như lai hoặc đi, hoặc lại, hoặc ngồi, hoặc nằm. Người ấy không hiểu ý nghĩa những gì ta nói. Tại sao vậy ? Như Lai ấy là không từ đâu lại mà cũng không đi về đâu, nên mới gọi là Như lai.
“- Tu Bồ Ðề, nếu thiện nam tử thiện nữ nhân nào đem thế giới đại thiên gồm một tỉ tiểu thế giới này ra đập nát thành bụi nhỏ, ý ông nghĩ sao ? Các bụi nhỏ ấy có phải nhiều chăng ?”
Tu Bồ Ðề nói : “- Rất nhiều, Thế Tôn ! Tại sao vậy ? Nếu các bụi nhỏ này mà thật sự là có, thì Phật đã không nói đó là các bụi nhỏ. Cớ sao như vậy ? Phật nói các bụi nhỏ tức không phải là bụi nhỏ, như thế mới gọi là các bụi nhỏ. Thế Tôn, thế giới đại thiên gồm một tỉ tiểu thế giới mà Như lai nói đó tức không phải là thế giới, như thế mới gọi là thế giới. Tại sao vậy ? Nếu thế giới mà là thật có, thì đó là tướng tổng hợp làm một. Như lai nói tướng tổng hợp làm một ấy tức không phải là tướng tổng hợp làm một, như thế mới gọi là tướng tổng hợp làm một.”
“- Tu Bồ Ðề, tướng tổng hợp làm một ấy tức chính là không thể diễn nói được, song các người phàm phu lại tham bám vào đó !”
“- Tu Bồ Ðề, Nếu ai nói : Phật nói lên cái thấy “ta”, cái thấy “người”, cái thấy “chúng sinh”, cái thấy “thọ mạng”. Tu Bồ Ðề, ý ông nghĩ sao ? Người ấy có hiểu ý nghĩa những gì ta nói chăng ?”
“- Thưa không, Thế Tôn ! Người ấy không hiểu ý nghĩa những gì mà Phật nói. Tại sao vậy ? Thế Tôn nói cái thấy “ta”, cái thấy “người”, cái thấy “chúng sinh”, cái thấy “thọ mạng”, tức không phải là cái thấy “ta”, cái thấy “người”, cái thấy “chúng sinh”, cái thấy “thọ mạng”, như thế mới gọi là cái thấy “ta”, cái thấy “người”, cái thấy “chúng sinh”, cái thấy “thọ mạng”.
“- Tu Bồ Ðề, người phát tâm A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề đối với tất cả các pháp phải biết như vậy, phải thấy như vậy, tin hiểu như vậy, không sinh khởi tướng pháp. Tu Bồ Ðề, tướng pháp nói ở đây, Như Lai nói tức không phải là tướng pháp, như thế mới gọi là tướng pháp.
“- Tu Bồ Ðề, nếu có người đem số bẩy báu đầy khắp hết vô lượng vô số thế giới để mà bố thí. Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân nào mà phát tâm Bồ Ðề gìn giữ Kinh này cho đến chỉ một bài kệ bốn câu, nhận giữ đọc tụng, giảng nói cho người khác, phúc người này hơn hẳn người kia. Giảng nói cho người như thế nào ? Không nắm giữ tướng, cứ thế không động. Tại sao vậy ?
Tất cả pháp hữu vi
Như bọt, bóng, huyễn, mộng,
Như sương, như chớp nháng,
Phải quán sát như vậy.
Phật nói Kinh này rồi, trưởng lão Tu Bồ Ðề cùng các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, tất cả Trời, Người, A tu la trong thế gian nghe những gì Phật nói đều vô cùng vui mừng tin nhận tuân hành. Phật nói Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.77.51 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.