Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phẩm Thứ Bốn Mươi: A Nan Tổng Trì
Chính tôi được nghe: Một thời đức Phật ở nước Xá Vệ, tại vườn Cấp Cô Độc, rặng cây của Thái Tử Kỳ Đà.
Vào thời bấy giờ tôi là một người thông mình nhất, có trí nhớ nhất, nên các vị Tỷ Khưu sanh lòng nghĩ như vầy:
- Không rõ ông A Nan đời quá khứ làm công đức gì? Mà nay được Tổng trì? Nghe Phật nói đến đâu là nhớ đến đó, không quên một câu!
Các vị nghĩ thế rồi lên bạch Phật rằng:
- Kính đức Thế Tôn! Ông A Nan đời trước có công đức gì? Kiếp này được vô lượng Tổng Trì như vậy? Cúi xin Ngài dạy bảo cho chúng con được rõ?
Phật: - Hay lắm! Các ông muốn biết phúc đức Tổng trì của ông A Nan, hãy để ý nghe cho kỹ! Đây cũng là một đời thuộc kiếp quá khứ, có một vị Tỷ Khưu nuôi một bác Sa Di, ngày ngày bắt bác ấy, phải chăm tụng kinh và đúng thời khóa. Nếu bác tụng niệm thời khóa đầy đủ thì ông vui! Nếu trễ, hoặc tụng thiếu sót, không đủ thời khóa, thì ông buồn, và quở trách!
Như thế nên bác Sa Di, lúc nào cũng lo và buồn vì được ăn thì mất tụng; được tụng thì mất ăn. Hôm nào đi khất thực về sớm thì tụng niệm đủ khóa, hôm muộn thì mất khóa tụng kinh.
Không may ngày hôm đó người dân ít cúng dàng, nên phải đi mãi gần trưa mà chưa đủ hai thầy trò ăn, thành ra trễ khóa bị thầy mắng! Ngày hôm sau buồn quá, vừa đi vừa khóc!
Ông trưởng giả thấy thế hỏi rằng:
- Tại sao sư bác khóc thế?
- Thưa trưởng giả! Thầy tôi nghiêm khắc quá! Ngày ngày bắt tôi tụng kinh định hạn theo thời khóa; nếu hôm nào tụng đủ thời khóa thì Ngài hoan hỷ! Nếu thiếu trễ thì bẳn gắt. Vì đi khất thực không có nhất định, hôm nào người dân cúng dàng đông, thì về sớm, tụng niệm thời khóa đầy đủ; hôm nào người dân ít cúng dàng, phải đi mãi, về đến chùa bị trễ, thiếu khóa tụng kinh, vì thế nên tôi khóc?
Trưởng giả nói: Vậy từ ngày hôm nay trở đi, sư bác cứ đến nhà tôi, tôi xin cúng dàng đầy đủ để khỏi lo việc ăn uống, cứ việc chuyên tâm tụng kinh tu học!
Từ đó sư bác được cúng dàng đầy đủ của ông trưởng giả, hàng ngày chuyên tâm tụng kinh tu học, thời khóa lễ niệm hoàn toàn, cả hai thầy trò đều vui vẻ!
Phật nhắc lại rằng:
- Tỷ Khưu các ông nên biết! Ông thầy của bác Sa Di khi đó, là đức Phật Định Quang, còn bác Sa Di là tiền thân của ta, ông trưởng giả cúng dàng hằng ngày, nay là ông A Nan.
Do thời quá khứ ông làm hạnh tụng kinh, nên kiếp này được phúc báo Tổng trì không quên một câu kinh, hay một bài kệ, cho đến một chữ; do ta tuyên giảng chánh pháp. Bấy giờ các vị Tỷ Khưu nghe Phật nói xong, ai nấy đều vui vẻ! Khát ngưỡng công đức trì tụng, và cúng dàng cúi đầu tạ lễ mà lui. Phẩm Thứ Bốn Mươi Mốt: Ư Bà Tư
Chính tôi được nghe: Một thời ở nước Xá Vệ, tại vườn Cấp Cô Độc, cây của Kỳ Đà.
Thuở đó nước La Duyệt Kỳ có hai anh em người lái buôn, cùng ở một nơi. Người anh hỏi con gái ông Trưởng Giả, nhưng cô ấy hãy còn ít tuổi, nên chưa cho xin cưới.
Vì sự sinh kế cho đời, nên người anh ra nước ngoài buôn bán, không biết vì lý do gì mà lâu năm không về. Cô con ông Trưởng Giả đã lớn, chờ đợi sợ muộn xuân, tục thường nói:
"Trai trẻ mãi, gái có thời".
Nên ông Trưởng giả gọi cậu em đến bảo rằng:
- Anh của chú đi xa, chắc chết rồi nên không thấy về, vậy tôi gả con gái tôi cho chú, ý chú nghĩ sao?
- Dạ, thưa Trưởng giả! Không được! Anh tôi hãy còn sống và tôi không bao giờ làm những chuyện kỳ quặc như vậy!
Từ đó trở đi, ông Trưởng giả luôn luôn thúc đẩy phải lấy con gái ông, nhưng anh vẫn kiên nhẫn không nghe.
Ông bất đắc dĩ phải mạo ra một lá thư, cho người lái buôn khác mang lại, ý nói rằng:
- Anh của chú đã chết lâu rồi.
Khi bắt được thơ, mở xem biết rằng anh mình đã chết, đương buồn phiền thương anh! Thì ông Trưởng giả đến hỏi:
- Hôm nay tại sao chú buồn thế?
- Thưa Trưởng giả, tôi vừa nhận được tin anh tôi đã chết từ lâu!
- Thôi chú ạ! Sự sinh tử chết sống của con người là thường! Việc chết thì lo việc chết, còn việc sống phải lo việc sống! Giờ đây tôi hỏi thực chú: con gái tôi có định kết duyên với nó thì xin trả lời, bằng không tôi sẽ định liệu cho nó?
Cũng do ông ép uổng quá, nên anh phải nhận lời.
Từ đó trai gái hai người kết duyên với nhau, chẳng bao lâu cô vợ đã có mang.
Người em yên trí rằng: Anh mình chết, mình chẳng lấy vợ của anh, thì kẻ khác cũng lấy, đương cuộc nồng nhiệt yêu nhau của đôi vợ chồng trẻ! Bỗng nhiên được tin anh ở nước ngoài trở về, người em sợ quá! Chạy trốn sang nước Xá Vệ.
Sau khi chạy trốn thì các bạn thân của người anh lại khám nghiệm té ra cô đã đánh đọa thai từ lâu.
Người em tìm đến chốn Phật ngự, thấy Phật anh ta tủi thẹn, cúi đầu lễ dưới chân, bạch Phật rằng:
- Kính lạy đức Thế Tôn! Con tới đây một lòng thành kính, cầu xuất gia tu học, cúi xin Ngài từ bi tế độ!
Phật hoan hỷ cho nhập làm Sa Môn và cải tên là Ưu Bà Tư, Chăm chỉ tu hành, chẳng bao lâu đã đắc quả A La Hán, đủ thần thông đạo lực.
Người anh khi về tới nhà, biết em đã lấy vợ của mình, nổi giận hầm hầm đi tìm để giết, tìm mãi không thấy. Có người họ mách em anh sang nước Xá Vệ, và đã theo Phật làm Sa Môn.
Anh ấy bỏ ra năm trăm lượng vàng, thuê người giết, và cùng đi sang nước Xá Vệ, tới nơi thấy Ưu Bà Tư đương tọa thiền, người đó tự phát sinh tâm từ bi nghĩ như vầy:
- Ta nỡ nào giết ông Tỷ Khưu kia, ông có thù oán gì với ta, nhưng nếu ta không giết thì sao lấy được số vàng này?
Trương cung bắn soành một tiếng, cái tên ấy trúng phải người anh, kêu la dữ dội oán hận mà chết, linh hồn đọa sinh làm con rắn độc, ở hố cổng nơi ấy, chờ thời cơ để cắn chết báo thù; một hôm bò qua ngưỡng cửa bị cánh cổng khép lại chết mất, tuy chết nhưng lòng uất hận chưa nguôi, nên lại nguyện sinh làm con trùng độc ở ngay phòng Ưu Bà Tư. Chờ khi Ưu Bà Tư tọa thiền nhảy xuống giữa đỉnh đầu đốt chết.
Trong chúng Đại Khưu, thấy ông Ưu Bà Tư chết một cách tự nhiên, không hiểu tại sao? Ngài Xá Lợi Phât biết nguyên uỷ như vậy, bạch với Phật rằng:
- Kính lạy đức Thế Tôn! Ưu Bà Tư Tỷ Khưu hiện đã đắc La Hán quả; còn bị trùng đốt chết, cúi xin chỉ giáo cho chúng con được biết nguyên do?
Phật nói: - Xá Lợi Phất ông nên biết: Đây cũng một nghiệp báo từ thời quá khứ; thuở bấy giờ có một vị Bích Chi Phật tu trong rừng đá đắc quả, một hôm có người đi săn, đặt lưới bắt cầm thú, vị Bích Chi Phật vì lòng thương nhân vật, nên Ngài hóa phép làm cho họ không bắt được con nào. Vì thế người đi săn tức giận, dùng tên độc bắn Ngài. Muốn cho người đó khỏi tội báo lâu đời, biết ăn năn tội lỗi của mình, nên Ngài bay lên hư không hiện ra mười tám phép thần túc.
Người đi săn thấy thế, sợ hãi trách mình, sinh lòng kính cẩn tới trước tạ lỗi, cầu xin xá tội.
Ngài cũng hoan hỷ cho sám hối. Sau khi về nhà bị trùng độc đốt chết, thần hồn đọa xuống địa ngục; khi hết tội địa ngục trong năm trăm kiếp bị trùng độc mà chết, cho đến ngày nay đắc đạo A La Hán, còn phải tội bị trùng độc cắn chết. Người đi săn thuở đó chính là Tỷ Khưu Ưu Bà Tư ngày nay, bởi lúc đó ác tâm hại vị Bích Chi Phật, nhưng lại biết sám hối, và phát nguyện đời sau được gặp Thánh Sư, tu đắc phép thần túc, bởi thế được gặp Ta và đắc đạo quả.
Khi Phật nói xong, Ngài Xá Lợi Phất và tất cả mọi người trong đại chúng, ai nấy đều sợ hãi nghiệp báo từ tâm nóng giận phát khởi chuyên lòng khắc ý, tẩy trừ sân hỏa, nguyện thanh tam độc, vui mừng tạ lễ lui ra. Phẩm Thứ Bốn Mươi Hai: Con Ngộ Sát Cha
Chính tôi được nghe: Một thời ở nước Xá Vệ, tại vườn cây của ông Cấp Cô Độc và Thái Tử Kỳ Đà.
Thuở đó có một ông lão, vợ chết sớm, nhà nghèo, hai cha con ở với nhau. Tự giác ngộ thấy đời là vô thường tất cả muôn loài đều bị khổ: sinh, già, bệnh, chết, ưu sầu, khổ não, bất luận sang hèn bần tiện, đã có thân tất có khổ, chỉ theo Phật xuất gia là một đặc điểm giải thoát hơn tất cả.
Vì thế nên hai cha con đến chốn Phật ngự, cúi đầu lễ sát đất bạch rằng:
- Kính lạy đức Thế Tôn! Chúng con một lòng thành kính tới đây, cầu xin xuất gia tu học, cúi xin Ngài từ bi tế độ!
Phật dạy: Hay lắm! Theo ta tu học phải chăm chỉ mới chóng có kết quả!
- Dạ, lạy đức Thế Tôn, chúng con xin phụng giáo!
Đức Phật ngài cho người cha thọ Tỷ Khưu giới, người con thọ Sa Di Giới.
Cứ như thế cha con hằng ngày hầu Phật và Tăng, sớm đi khất thực, tối về chùa tụng kinh tọa thiền.
Một hôm hai cha con đến thôn xa khất thực, gần tối mới ra về qua một khu rừng nhiều thú dữ, người con sợ. Nắm tay cha, vừa lôi vừa đun đi cho mau. Cha già sức yếu, bị con lôi mạnh quá, xảy chân vấp ngã đập đầu vào tảng đá chết mất! Người con thấy cha chết, bỏ chạy về một mình. Song cũng không thưa trình gì với Phật và sư Tăng chuyện đó, lặng yên như không.
Các vị Tỷ Khưu không thấy ông già, hỏi Sa Di rằng:
- Cha con đâu? Không thấy ở Tinh Xá?
- Bạch chư Đại Đức, hôm qua cha con đi khất thực xa quá đường tối sợ ác thú hổ lang vồ bắt, nên con đẩy cha đi cho mau, không may cha con trượt chân ngã chết mất, lúc đó con sợ hãi quá chạy về một mình!
Các thầy Tỷ Khưu mắng rằng:
- Mi là kẻ đại ác, mi giết cha mi, giết sư của mi, thế mà từ hôm qua đến nay, cứ lặng yên không nói chi cả! Không hỏi đến cũng làm thinh!
Rồi quý thầy đem chuyện ấy thưa với Phật, để lo liệu cho ông.
Phật nói: - Tuy có mang danh giết cha, nhưng nó không có ý ác, là vì không thật tâm định giết, chỉ là một sự ngộ sát thôi!
Phật hỏi Sa Di rằng:
- Con giết cha con phải không?
- Dạ, lạy đức Thế Tôn, con chỉ có đẩy cha con đi cho mau, chớ không có ý gì ác đối với cha con, mà thành ra con giết cha con!
Phật dạy: - Con nói phải rồi! Ta biết tâm con không có ác, đời quá khứ cũng như thế; vì đời đó cha con cũng giết con; lúc đó cha con cũng không có ý ác, như thế là do thiện ác, sự báo ứng trả đáp.
Các thầy Tỷ Khưu nghe Phật nói xong, thưa rằng:
- Kính lạy đức Thế Tôn! Đời quá khứ cha con ông Tỷ Khưu già này, tại nhân duyên gì mà giết nhau một cách vô tâm như vậy, cúi xin Ngài nói lại cho chúng con được biết?
Phật dạy: - Các ông hãy lắng tai nghe tôi nói: từ đời đó tới đây đã lâu lắm, có hai cha con ở với nhau, gặp lúc người cha có bệnh nằm trên giường bị ruồi muỗi làm xúc não, cha bảo con rằng:
- Con ngồi cầm quạt, đuổi ruồi cho cha!
Người con đuổi luôn tay, nhưng hễ ngơi tay đuổi thì ruồi lại đến bâu. Người con đuổi mãi giận quá? Đi tìm một cây gậy lớn, chờ cho ruồi đến bậu vào mắt, mặt trán nhiều, giơ gậy đập vào giữa trán, người cha vỡ trán, máu chảy đẫm mặt chết tươi, thì lúc đó người con cũng không chủ tâm giết cha.
Các ông nên biết rằng: Người con lúc đó nay là ông Tỷ Khưu già, chính cha là Sa Di bấy giờ, mà người cha bị con đập chết thuở đó, nay là Sa Di. Bởi lúc đó vô tình đập chết cha, chứ không cố định, thì nay trả báo, cũng không cố sát!
Từ đó Sa Di chăm chỉ tu hành chẳng bao lâu đã đắc quả A Na Hàm. Các vị nghe Phật nói quả báo như vậy, ai nấy đều tin thực, và biết rằng quả báo không bao giờ xóa nhòa được, dầu cho lâu kiếp cũng phải đền trả, mọi người cúi đầu tạ lễ lui ra. Phẩm Thứ Bốn Mươi Ba: Tu Đạt Làm Tinh Xá
Chính tôi được nghe: Một thời Phật ở thành Vương Xá, tại vườn Trúc.
Khi đó nước Xá Vệ có một ông quan đại thần tên là Tu Đạt, nhà giàu, lại chăm làm hạnh bố thí, và hay cứu cấp kẻ nghèo khốn cùng khổ, vì thế nên thời bấy giờ người gọi ông là: Cấp Cô Độc.
Ông sinh được bảy người con trai và đã cưới vợ cho sáu cậu. Cậu thứ bảy có đầy đủ phúc đức tài năng, tướng người tốt đẹp, nên ông yêu quý hơn các cậu kia.
Một hôm có người bạn thân dòng Bà La Môn đến chơi, ông nói rằng:
- Thưa bác tôi sinh hạ được bảy cháu trai, đã lập gia đình cho sáu cháu, còn cháu thứ bảy, muốn nhờ bác, tìm hộ cho cháu, một nơi con nhà thế phiệt có đức hạnh tinh khiết, nết na hòa nhã, thân tướng xinh đẹp.
- Dạ, việc đó tôi xin giúp bác, không khó, vì tôi quen biết nhiều.
Hôm ấy ông sang thành Vương Xá, vào nhà quan Đại Thần tên là Hộ Di khất thực.
Cô con gái ông đưa món ăn cúng dàng, nhìn thấy con người có đức hạnh và xinh, nên ông hỏi cô rằng:
- Thưa cô, xin lỗi, tôi muốn hỏi thăm cô một lời có được không?
- Dạ, xin ông cứ việc hỏi, không sao.
- Dầu tốt lành, hay không tốt lành cô đừng buồn nhé!
- Dạ ông cứ hỏi!
- Thế này không phải! Cô đã lập gia đình chưa?
- Thưa ông chưa có, cháu còn đương ở với ba má cháu.
- Đã có ai bỏ cau chưa à?
- Thưa ông chưa có!
- Quan đại thần hôm nay có nhà không?
- Thưa ông, ba cháu hôm nay ở nhà!
- Cô thưa với quan lớn, tôi muốn vào thăm quan, và nói câu chuyện.
Cô vào thưa với quan đại thần rằng:
- Thưa cha, ngoài có người Bà La Môn, muốn vào gặp cha thưa chuyện?
Ông ra nhà khách, hai người gặp nhau, hỏi han vui vẻ! Bà La Môn nói:
- Thưa Phụ Tướng! Ngài có biết ông Tu Đạt làm quan đại thần ở nước Xá Vệ không?
- Thưa, chưa gặp ông lần nào; nhưng có biết tiếng!
- Thưa, Phụ Tướng! Ông nầy nhà giàu nhất nước Xá Vệ; được người con trai út, thông minh tuấn tú, sau này có thể làm lớn, tôi có nhận một lời ông ấy đi kén vợ cho cậu nhưng đã đi nhiều nơi. Song chưa tìm đâu được người có thể hợp ý, tình cờ hôm nay vào đây, thấy con gái của Ngài là một người đoan chính hơn đời.
Vậy tôi xin mối cho con ông Tu Đạt thì Ngài có vui lòng không?
- Dạ, được lắm tưởng nhà ai, chứ nhà ông Tu Đạt tôi rất bằng lòng.
Định về báo tin, nhưng gặp người lái buôn về nước Xá Vệ, nên ông biên thơ gởi cho ông Tu Đạt.
Khi bắt được thư ông vào tâu rằng:
- Tâu Bệ Hạ! Hạ thần có chút việc bên nước Xá Vệ, xin phép Hoàng Thượng đi ít ngày thu xếp.
- Khanh có việc chi bên đó?
- Tâu Bệ Hạ! Còn thằng cháu thứ bạy, để sang cưới vợ cho cháu.
- Con nhà ai bên đó?
- Tâu Bệ Hạ! Quan Phụ Tướng Hộ Di.
- Trẫm mừng cho Khanh! Được lắm!
Ông sắm đủ các lễ vật, mang đi rất nhiều vàng bạc. Trong khi đi đường gặp ai nghèo đói đều cấp tế cho họ.
Khi tới nơi, ông Hộ Di ra tiếp chào mừng vui vẻ! Rồi đưa vào nhà an nghỉ.
Hôm ấy ông Tu Đạt thấy nhà ông Hộ Di, nhiều người tấp nập, sửa sang nhà cửa, kê giường đặt ghế, trải chiếu, gối nệm trang nghiêm và thấy nấu nhiều các món ăn ngon lạ, hỏi rằng:
- Thưa Phụ Tướng, ngày mai có mời vua quan quý khách, hay có việc chi, mà làm nhiều cỗ bàn như vậy?
- Dạ, thưa không phải, muốn để cầu phước, nên nhà tôi ngày mai mời Phật và chư Tăng đến nhà cúng dàng!
Ông Tu Đạt được nghe thấy danh hiệu Phật và chư Tăng ngạc nhiên quá! Hình như được một điềm gì hay! Vui vẻ hỏi:
- Thưa Phụ Tướng, Phật là thế nào, xin nói cho chúng tôi được rõ?
- Ôi! Ngài không biết ư? Phật là con vua Tịnh Phạn. Tên là Tất Đạt Đa, lúc sơ sinh có ba mươi hai vạn ông thần; xuống thị vệ và có nhiều thụy ứng khác: Đi bảy bước trong bốn phương, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất phán:
- Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn!
Thân sắc vàng, có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, nếu ở tại gia thì làm Kim Luân Vương, cai trị bốn thiên hạ. Vì thấy chúng sinh có bốn tướng sinh, già, bệnh, chết, nên Ngài xuất gia, tu khổ hạnh trong sáu năm được nhất thiết trí, hết kết sử thành Phật, hàng phục được mười tám ức vạn thiên ma ngoại đạo hiệu là Năng Nhân. Có thập lực, tứ vô úy, thập bát cộng pháp, quang minh chói sáng, soi suốt ba cõi nên gọi là Phật.
- Dạ, thưa Phụ Tướng! Thế nào gọi là Tăng, xin nói cho biết?
- Khi Ngài thành Phật rồi, ông vua cõi Trời Phạm Thiên xuống ân cần cầu thỉnh thuyết pháp. Sau khi nhận lời mời của ông. Ngài đến nước Ba La Nại tại vườn Lộc Uyển thuyết pháp nói về tứ chân đế, độ nhóm ông Kiều Trần Như năm người đắc quả La Hán hết lậu nghiệp đủ sáu thần thông, tứ như ý túc, thất giác, bát đạo, trên hư không có tám vạn người cõi Trời đắc quả Tu Đà Hoàn, và vô lượng người phát Bồ Đề tâm. Sau độ cho anh em ông Uất Bệ Ca Diếp ngàn người, cũng được hết lậu nghiệp thành La Hán quả, thứ ba độ ông Xá Lợi Phất, ông Mục Kiền Liên, và tất cả đồ chúng của các ông ấy cả thảy năm trăm người đều được đắc quả giải thoát, có thể tác phúc cho nhân gian thiên thượng nên gọi là Tăng.
Tu Đạt nghe nói một việc quý hóa, vui mừng bủn rủn chân tay một lòng tin kính, mong cho chóng sáng, để đến yết kiến Phật. Vì lòng thành kính thiết tha có thần cảm ứng, đương nữa đêm tối mà ông tự thấy ánh sáng tỏ soi khắp mặt đất như ban ngày, lòng hoan hỷ khôn xiết! Đứng dậy đi sang nước La Duyệt Kỳ để yết kiến đức Thế Tôn, vừa ra khỏi thành gặp ngôi thiên từ, ông bước vào làm lễ, tự nhiên quên mất tâm khát vọng Phật lại thấy tối om, sợ mãnh thú ác quỷ, định trở về thành chờ đợi sáng sẽ đi.
Cũng may ông có người bạn thân, chết được sinh lên cõi Trời Tứ Thiên Vương, thấy ông hối hận trở về, liền xuống bảo rằng:
- Cư Sĩ ông chớ hối nữa! Đi yết kiến Phật được phúc vô biên, ví nay được một trăm cỗ xe chở châu bảo, không bằng cất chân một bước, đi yết kiến đức Thế Tôn, còn được lợi gấp muôn ngàn; Cư Sĩ ông đi yết kiến Phật, chớ hối nữa ví như kiếp này được một trăm con voi chở châu bảo, cũng không bằng rời chân một bước đi yết kiến đức Thế Tôn còn được lợi ích khôn kể, Cư Sĩ ông nên đi, chớ hối nữa, chính như ông có được vàng bạc châu bảo, đầy cõi Diêm Phù Đề chăng nữa, cũng không bằng dời chân một bước đi yết kiến đức Thế Tôn, còn được lợi trăm muôn ngàn triệu; Cư Sĩ ông nên đi chớ hối nữa, ví như kiếp nay ông được vàng bạc châu bảo đầy bốn thiên hạ, cũng không bằng cất chân một bước đi viếng đức Thế Tôn, còn được lợi ích gấp trăm muôn ngàn triệu kể trên.
Ông Tu Đạt nghe nói, vui vẻ, cảm mến đức Thế Tôn, tự nhiên u tối băng tiêu, ánh bình minh tỏa soi trên đại địa như ban ngày, sung sướng đi yết kiến đức Thế Tôn.
Phật biết ông có duyên lành từ lâu kiếp nên Ngài ra ngoài đi kinh hành để ông gặp. Tu Đạt, đằng xa nhìn thấy đức Thế Tôn, thân sáng như quả núi vàng, oai nghi đĩnh đạc, tôn nghiêm lẫm liệt, tuy thấy Ngài nhưng ông không biết, vì chưa từng được gặp, tới nơi hỏi rằng:
- Thưa Ngài, đức Thế Tôn ở nơi nào xin làm ơn chỉ hộ?
Phật nói:
- Cư Sĩ ông hãy ngồi tạm chơi.
Khi ấy ông Tịnh Cư Thiên ở xa ngó thấy ông Tu Đạt gặp đức Thế Tôn mà không biết lễ bái viếng thăm, ông bèn hóa ra bốn người đi tới, cúi đầu lễ dưới chân, nhiễu về bên hữu ba vòng rồi lui ngồi về một phía.
Ông Tu Đạt thấy thế cũng bắt chước lễ bái như mấy người kia, rồi lui ngồi về một bên.
Khi đó đức Thế Tôn, giảng phép Tứ Diệu Đế, khổ, không, vô thường.
Ông Tu Đạt nghe xong, đắc quả Tu Đà Hoàn vui mừng! Như người đói được ăn, khát được uống, cũng như lụa Bạch Điệp nhuộm các sắc. Ông quỳ chắp tay thưa rằng:
- Kính lạy đức Thế Tôn! Trong thành Xá Vệ, những người nghe pháp, chóng giác ngộ như con có được nhiều không? Cúi xin ngài chỉ giáo cho?
Phật dạy: "Trong thành Xá Vệ đối với sự nghe pháp mau hiểu ngộ, không được một người thứ hai như khanh, phần nhiều kẻ tà kiến khó được người tin theo chánh giáo".
- Kính lạy đức Thế Tôn! Con nguyện xin Ngài sang nước Xá Vệ thuyết pháp để khiến cho nhân dân biết bỏ tà quy chính!
Phật nói: - Ngài xuất gia phải xa nơi thế tục, làm thế nào có một tinh xá, thì mới tiện nghi cho việc giảng diễn Chánh Pháp!
- Dạ, kính lạy đức Thế Tôn! Con xin về làm Tinh Xá, cúi xin ngài hứa khả cho?
- Muốn cho lợi ích chúng sinh, và gây phúc cho chính mình, ông nên gắng sức, công đức vô lượng!
Ông lễ tạ lui ra, về nhà lo việc cưới vợ cho con xong đâu đấy, lại sang nước La Duyệt Kỳ bạch Phật rằng:
- Kính lạy đức Thế Tôn! Con về bản quốc lập Tinh Xá, nhưng không biết phương pháp làm thế nào? Kính xin Ngài cho một vị Sa Môn sang chỉ bảo cách thức?
Ngài nghĩ như vầy: "Nước Xá Vệ nguyên những kẻ Bà La Môn tin theo tà giáo, ai là người hàng phục nổi! Chỉ có ông Xá Lợi Phất trước là dòng Bà La Môn. Cũng có chút đỉnh thông minh và phép thần túc, sai đi có lẽ đắc lực".
Phật gọi ông Xá Lợi Phất bảo rằng:
- Xá Lợi Phất! Ông Tu Đạt muốn cho hưng long ngôi Tam Bảo, đưa dắt chúng sinh cải tà quy chính, nên ông định lập tinh xá tại nưới Xá Vệ, mời ta về thuyết pháp, nhưng không biết cách thức làm. Vậy ông sang đó, góp sức với ông ấy xây cất tinh xá cho ta!
- Dạ! Lạy đức Thế Tôn con xin phụng giáo!
Ông Tu Đạt hỏi Ngài Xá Lợi Phất rằng:
- Kính thưa Tôn Giả! Đức Thế Tôn đi bộ mỗi ngày được mấy dặm?
Đức Thế Tôn đi mỗi ngày được nữa do tuần; cũng bằng vua Chuyển Luân Thánh Vương.
Bắt đầu từ thành Vương Xá, cứ cách hai mươi dặm ông làm một Khách Xá (nhà nghỉ chân) cho tới nước Xá Vệ.
Khi về tới nhà hai người an nghỉ vài ngày cho mạnh sức, rồi đi tìm đất làm Tịnh Xá. Hai ông đi khắp nước không tìm được nơi nào chỉ có khu vườn của Thái Tử Kỳ Đà bằng phẳng rộng rãi mát mẻ, cây cối tốt tươi có thể đắc xứ sở. Ngài Xá Lợi Phất bảo ông Tu Đạt rằng:
- Chỉ có khu vườn này làm được, không gần thành thị, và cũng không xa, nếu xa chư Tăng đi khất thực khó; gần thì huyên náo, sợ phế bỏ sự hành đạo.
- Thưa Thái Tử, tôi có một việc muốn phiền Thái Tử được không.
- Ngài có việc gì; nếu có thể tôi xin giúp.
- Thưa Thái Tử! Vườn đất nhà tôi rất nhiều, nhưng không dùng được khu nào để làm Tịnh Xá, mời Phật về nước ta thuyết pháp, giáo hóa cho nhân dân, nhận thấy khu vườn của Thái Tử nơi rộng rãi mát mẻ, muốn mua lại khu vườn ấy, để kiến tạo Tịnh Xá, Thái Tử có vui lòng không?
Thái Tử cười nói: - Tôi có thiếu thốn gì mà phải bán, để lúc thư nhàn ra hóng mát chỉ tiêu dao ý chí!
Tu Đạt ân cần nói đến hai ba lần. Bất đắc dĩ Thái Tử, nói một giá rất đắt, để ông về nhà cho yên chuyện.
- Vâng, nếu Đại Thần muốn mua thì đem vàng lát khắp mặt đất không hở một chỗ nào thì tôi bán!
- Dạ! Thái Tử lấy từng ấy tôi cũng xin trả!
Thái Tử nói: - Tôi nói đùa vậy chứ bán làm sao được!
Tu Đạt nói: - Ngài làm Thái Tử không thể nói dối được. Nói dối sau này Ngài trị dân làm sao?
Ông Tu Đạt định tâm nếu thái tử không bán, thì kiện. Vì thế ông Tịnh Cư Thiên, sợ các quan xử thiên lệch, nên hiện thân xuống nói với Thái Tử rằng:
- Phép làm Thái Tử không được nói dối: Ngài đã hứa thì không nên sai lời!
Thái Tử nghe có lý đáp lời rằng:
- Phải! Tôi vui lòng bán cho Đại Thần đấy!
Tu Đạt vui vẻ, về nhà lập tức sai gia nhân, đưa voi chở vàng đến, chỉ trong tám mươi khoảnh khắc đã lát vàng khắp mặt đất, riêng còn đám gốc cây chưa lát xong.
Tu Đạt thầm nghĩ: "Đám gốc cây này, chẳng còn bao nhiêu, ta cứ lát hết!"
Thái Tử Kỳ Đà, nghĩ như vầy:
- Đức Phật phải là người thế nào cho nên ông này, mới khinh của như thế; chắc rằng cúng Ngài có phúc đức lớn, vậy ta cũng nên cầu phước.
Nghĩ xong ngăn lại nói rằng:
- Thôi! Ông đừng cho lấy vàng đến nữa! Vườn là thuộc ông, còn cây tôi xin dâng Phật làm Tinh Xá.
Thấy Thái Tử đã phát tâm kính mộ Phật. Ông Tu Đạt rất vui lòng! Về nhà đặt công tác xây cất.
Đoạn này bọn Lục Sư nghe biết ông Tu Đạt xây cất Tịnh Xá, để mời Phật về thuyết pháp, lên tâu vua rằng:
- Tâu Bệ Hạ! Trưởng giả Tu Đạt mua rừng Kỳ Hoàn, làm Tinh Xá mời Sa Môn Cồ Đàm về giảng đạo, xin Bệ Hạ cho chúng tôi đấu phép: nếu Sa Môn thắng thì cho làm; nếu chúng tôi thắng thì không cho làm. Hiện nay đồ chúng của Sa Môn Cồ Đàm ở thành Xá Vệ chúng tôi ở tại đây.
Nhà vua triệu ông Tu Đạt vào cung hỏi:
- Tu Đạt, Lục Sư nói Khanh mua rừng Kỳ Hoàn làm Tinh Xá, để mời Sa Môn Cồ Đàm về giảng đạo phải không?
- Dạ! Tâu Bệ Hạ! Việc đó có thực, xin Bệ Hạ thứ lỗi cho!
- Chúng xin ta đấu phép với đệ tử của Sa Môn: nếu thắng được chúng thì cho làm, nếu thua thì không được làm. Khanh nghĩ sao?
- Tâu Bệ Hạ! Việc đó để Hạ Thần về hỏi xem, nếu đệ tử của Sa Môn vui lòng đấu, thì Hạ Thần xin tâu sau!
Tu Đạt hết vui, vừa lo vừa buồn!
Sớm ngày mai ông Xá Lợi Phất mặc áo cầm bát đến nhà, thấy ông có vẻ buồn liền hỏi rằng:
- Hôm nay coi ông có vẻ buồn! Hay việc chi cản trở chăng?
- Thưa Tôn Giả! Việc làm Tịnh Xá không biết có thành không? Vì thế nên tôi buồn!
- Có việc chi mà ông sợ không thành?
- Thưa Tôn Giả bọn Lục Sư lên tâu vua, xin đấu phép với Tôn Giả; nếu Tôn Giả thắng thì cho làm, nếu thua chúng thì không được làm. Bọn chúng xuất gia, tu học đã lâu năm, pháp thuật cao cường khó người địch nổi, tôi không biết Tôn Giả có thắng được không, nên từ qua đến nay cứ tư lự mãi!
- Không sao! Ông cứ yên tâm, dầu cho bọn chúng nhiều như tre gỗ khắp mặt đất, cũng không có thể làm động nổi trên cái lông chân của tôi, muốn đấu thì đấu, tôi hẹp chi!
Tu Đạt mừng quá! Tắm rửa sạch sẽ, mặc áo tề chỉnh lên tâu vua rằng:
- Tâu Bệ Hạ! Hạ Thần về hỏi đệ tử của Sa Môn vui lòng đấu với Lục Sư, xin Bệ Hạ thông cáo!
Nhà vua gọi Lục Sư lên nói rằng:
- Trẫm đã hỏi đệ tử của Sa Môn rồi! Họ bằng lòng đấu phép, các ông sửa soạn đi, ta cho phép sau bảy ngày nữa sẽ đấu.
- Dạ! Tâu Bệ Hạ, để thông cáo cho quốc dân biết đến xem.
- Được tuỳ ý!
Nước Xá Vệ có mười tám ức người, luật đánh trống hội họp như sau: nếu nhân dân nghe thấy đánh trống đồng, thì số mười hai ức người lại họp; nếu nghe thấy đánh trống bạc, thì mười bốn ức người lại họp tất cả. Khi tới ngày đấu phép họ đánh trống vàng.
Nhà vua sắc lệnh cho dân sửa sang nơi thí vàng, treo cờ, dựng biểu ngữ, bày tòa đặt ghế trang nghiêm. Vua quan dân chúng ra trước; vua ngồi trên, các quan ngồi dưới, dân chúng đứng vây quanh. Lục Sư đồ chúng có hai ức người tới sau, thứ tự ngồi yên tĩnh. Ông Tu Đạt cũng bày một tòa cao đẹp để dành riêng cho Ngài Xá Lợi Phất.
Giữa lúc đó Ngài Xá Lợi Phất đương ngồi thiền dưới gốc cây, sáu căn vắng lặng, du chơi các thiền định, vô chướng ngại, thầm nghĩ như vầy:
- Đại hội này chúng tập thói tà Kiền Đà Lâu, kiêu ngạo tự cao tự đại cũng như lối cỏ rác, ta biết lấy đức gì để hóa phục họ?
Nghĩ thế rồi xuất định đứng lên dùng tam đức, và lập thệ rằng:
- Nếu tôi trong vô số kiếp đã tu từ hiếu với cha mẹ, kính trọng Sa Môn, Bà La Môn, xin cho tôi mới tới hội, thì tất cả đại chúng đều phải đứng dậy tác lễ!
Khi đó Lục Sư thấy người đến đã đông đủ mà ông Xá Lợi Phất chưa đến, lên tâu vua rằng:
- Tâu Bệ Hạ! Sa Môn đệ tử biết không có tài, đánh bạo nói đấu, giờ đây thấy dân chúng đến đông đảo, chắc sợ không lại!
Vua gọi ông Tu Đạt hỏi rằng:
- Tu Đạt, để tử của Thầy khanh nhận lời đấu phép, tại sao giờ chưa tới?
- Dạ, Tâu Bệ Hạ để hạ thần về tìm.
Ông Tu Đạt về nơi Ngài ngự, quỳ bạch rằng:
- Kính bạch Đại Đức Tôn Giả! Vua quan dân chúng, và bọn Lục Sư đã tới đông đủ, xin Ngài ra hội.
Ngài Xá Lợi Phất lấy áo mặc tề chỉnh, tấm Ni Sư Đàn vắt vai bên tả đi ung dung đĩnh đạc, như Sư Tử Vương tới nơi. Tất cả vua quan dân chúng, Lục Sư, nhìn thấy oai phong của Ngài đáng sợ; thốt nhiên toàn thể đứng lên, lễ Ngài như giã gạo, chẳng khác chi một cơn gió mạnh thổi lướt trên làn cỏ lau.
Ngài thăng tòa ngồi nghiễm nhiên như núi Tu Di. Bọn Lục Sư có một người tên là Lao Độ Sai, pháp thuật giỏi nhất, trước mặt đại chúng đọc chú, hóa ra một cây to lớn che rợp cả đại hội, cành lá xanh tươi, hoa quả tốt đẹp, mọi người đều vỗ tay reo, hoan hô thần biến của Lao Độ Sai!
Ngài Xá Lợi Phất dùng thần lực hóa thành cơn gió lốc, đập gẫy tan cây ấy ra như vi trần. Đại chúng đều vỗ tay hô lớn, thần biến của Ngài Xá Lợi Phất giỏi, Lao Độ Sai kém!
Lao Độ Sai đọc chú hóa ra một cái ao, bốn bề đều bằng thất bảo, trong ao có rất nhiều hoa. Đại hội đều vỗ tay khen tài!
Ngài Xá Lợi Phất hóa ra con bạch tượng sáu ngà, trên mỗi ngà có bảy ao sen, trên mỗi hoa sen có bảy người ngọc nữ. Bạch tượng từ từ đi đến ao của Lao Độ Sai hóa, thả voi hút hết nước. Đại hội đều vỗ tay khen thần thông Ngài Xá Lợi Phất giỏi!
Lao Độ Sai lại hóa ra một quả núi trang nghiêm bằng thất bảo có suối nước chảy, cây cối um tùm, hoa quả tốt tươi. Đại chúng đều vỗ tay reo!
Ngài Xá Lợi Phất hóa ra rất nhiều các vị Kim Cương lực sĩ, đứng xa cầm chày chỉ, tự nhiên núi ấy tan bay ra như bụi nhỏ. Đại chúng đều vỗ tay khen Ngài Xá Lợi Phất giỏi!
Lao Độ Sai hóa ra một con rồng mười đầu bay trên không gian, mưa các thứ châu bảo xuống, và làm sấm chớp dữ dội. Đại chúng đều kinh sợ, và hoan hô giỏi!
Ngài Xá Lợi Phất liền hóa ra một con chim Kỳ Súy Điểu, lấy chân bắt rồng xé nát bỏ mồm nuốt chửng. Đại chúng vỗ tay kêu như pháo nổ, hoan hô thần biến của Ngài Xá Lợi Phất đại thắng!
Lao Độ Sai hóa ra một con trâu thân thể lớn, béo tốt khỏe mạnh, chân to móng sắc, quỳ dưới đất kêu rống mấy tiếng rất dữ dội, rồi chồm nhảy lại trước mặt Ngài Xá Lợi Phất.
Ngài Xá Lợi Phất hóa ra một con Sư Tử, lấy chân móc họng trâu rồi xé nát ra ăn hết. Đại chúng đều vỗ tay reo. Khen Ngài Xá Lợi Phất thắng, Lao Độ Sai bại.
Lao Độ Sai biến thân thành con quỷ Dạ Xoa cao lớn, trên đầu lửa cháy dữ dội, mắt đỏ như huyết, bốn răng khóe dài nhọn mọc chìa ra ngoài, mồm phun ra lửa, chồm nhảy rất ghê sợ!
Ngài Xá Lợi Phất tự hóa thân làm ông Tì Sa Môn Thiên Vương, quỷ Dạ Xoa sợ hãi chạy trốn, bị bốn bên lửa cháy vây như một bức thành, hết lối tẩu thoát, chỉ nơi Ngài Xá Lợi Phất mát mẻ.
Đến đây Lao Độ Sai chịu khuất phục, năm thê gieo xuống đất cúi đầu xin tha mệnh, nhưng vì bị nhục quá nên lửa ở quả tim, phát ra cháy thiêu mất thân thể. Khi đó tất cả đại chúng, đều vỗ tay kêu như sấm! Vui mừng! Và hoan hô Ngài Xá Lợi Phất đại thắng.
Muốn cho toàn thể vua quan, dân chúng, cải tà quy chính, biết tôn sùng ngôi Tam Bảo, nên Ngài bay lên hư không, hiện ra bốn oai nghi: đi đứng nằm ngồi trên hư không, trên mình phun ra nước, dưới mình phun ra lửa, ẩn bên đông, hiện bên tây, nhô bên nam, hiện bên bắc; hoặc hiện thân to lớn chật hư không, rồi thu hình lại rất nhỏ; hoặc biến ra trăm ngàn muôn ức thân, xong lại hợp nhất; đương trên không hốt nhiên ở dưới đất; hoặc đi trên mặt nước, cũng như người đi trên đất, biến hiện rất nhiều phép thần túc, lại về ngồi trên bảo tọa như cũ.
Tất cả đại chúng từ vua đến dân, nhìn thấy phép thần vô ngại, ai nấy đều kính phúc, phát tâm tín kính ngôi Tam Bảo.
Ngài thấy họ đã phát tâm chuyển hướng theo Phật, nên Ngài nói về tội phúc báo ứng, nhân duyên sinh Pháp. Nghe xong có người đắc quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, cho đến quả A La Hán. Còn ba ức đồ chúng của Lục Sư, quay đầu về theo Ngài, làm đệ tử xuất gia, tất cả cúi đầu tạ lễ lui ra, rồi giải tán.
Cách mấy bữa sau, Ngài và ông Tu Đạt, đo đất tại khu vườn Kỳ Hoàn, mỗi người cầm một đầu dây, thấy Ngài mỉm cười! Ông hỏi:
- Tôn Giả cười gì?
- Tôi cùng ông cầm dây đo, vừa hết một vòng vườn này, thì cung điện ở trên sáu cõi trời đã làm xong! Vì thế mà tôi cười!
- Vì lý do gì Tôn Giả cười?
- Vì ông làm Tinh Xá cúng Phật nên phúc của ông được ở các cung điện cõi trời, hiện ra nhanh như vậy! Tôi sẽ cho ông mượn đạo nhãn mà coi!
Ông Tu Đạt nhờ đạo nhãn, nhìn thấy những cung điện rất trang nghiêm đẹp đẽ, giành riêng cho mình trên sáu cõi trời, thưa rằng:
- Kính thưa Tôn Giả trong sáu cõi này; cõi nào vui hơn nhất.
- Ba cõi dưới đam hoang về sắc dục nhiều, đến cõi thứ tư, là những người ít dục biết đủ, thường có những Bồ Tát nhất sinh bổ xứ sinh tới, tiếng thuyết pháp không lúc nào ngớt. Trên, còn hai cõi nữa, chúng sinh ở đấy có tính kiêu mạn dậc lạc; buông lung lu bù.
- Kính thưa Tôn Giả! Nếu vậy, đời sau con nguyện sinh lên cõi thứ tư!
Ông nguyện xong, các cung điện kia đều diệt hết, mà chỉ nhìn thấy cung điện cõi thứ tư, yên nhiên không biến động, bắt đầu đo, ông nhìn thấy Ngài có sắc buồn! Bèn hỏi:
- Tôn Giả, tại sao Ngài có vẻ buồn?
- Trưởng giả có nhìn thấy đàn kiến này không?
- Dạ, thưa Tôn Giả, có nhìn thấy!
- Trưởng giả, vì chưa có đạo nhãn, nên không biết nguyên uỷ đám kiến này. Đời quá khứ cũng ở khu đất này, ông làm Tinh Xá cúng dàng đức Phật Tỳ Bà Thi, thì đàn kiến này nó ở đây! Đến đời đức Phật Thi Khí, ông cũng làm Tinh Xá ở khu đất này cúng Phật, đàn kiến này nó cũng sinh ở đây! Đến đời đức Phật Tỳ Xá Phú ông cũng làm Tinh Xá ở khu đất này cúng Phật, thì đàn kiến này nó cũng sinh đây! Đến đời đức Phật Câu Lưu Tôn ông cũng làm Tinh Xá ở khu đất này cúng Phật, đàn kiến này nó cũng sinh ở đây! Cho đến nay đã chín mươi mốt kiếp, còn phải làm thân con kiến không thôi, biết ngày nào giải thoát? Ông nên coi sinh tử đọa lạc lâu dài như thế, đã mấy ai biết sợ mà cầu giải thoát, cho nên con người có trí phải biết bớt bỏ lòng tham dục si mê mà tu đạo làm thiết yếu.
Tu Đạt nghe xong rơi lệ chứa chan! Thương mình và thương chúng sinh; mê đường lạc nẻo, tham chút vinh lạc nhơ bẩn của thế gian, đến nỗi bỏ thân này, thụ thân kia, lộn vòng xoay trong các thú!
Đo đất xong bắt đầu xây cất Tinh Xá, làm riêng một lầu gác bằng gỗ chiên đàn cúng Phật, nơi biệt cư cúng Tăng, làm hai mươi khu, gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị, để hiệp lệnh riêng. Làm xong ông tự nghĩ rằng:
- Dầu sao mình cũng là một kẻ hạ thần của nhà vua, nếu cứ tự do mời Phật, sợ có chướng ngại hoặc vua không hài lòng, vậy ta tâu vua xem ý thế nào?
- Tâu Bệ Hạ! Hạ thần làm Tinh Xá, để mời Phật về nước nhà, giảng đạo, cho dân chúng bớt bỏ lòng bạo ngược tham tàn, tu theo chánh giáo, ngõ hầu quốc gia được an lạc thái bình. Cúi xin Bệ Hạ, cho sứ đi mời Phật, hạ thần được đội ơn vạn bội!
Nhà vua nghe nói rất hợp ý mình, liền sai người sang thành Vương Xá mời Phật và chư Tăng. Tuân lệnh, Sứ sang Vương Xá, vào yết kiến Phật, cúi đầu làm lễ thưa rằng:
- Kính lạy đức Thế Tôn! Chúa công con và hạ thần Tu Đạt, cho con tới đây câu thỉnh Thế Tôn hạ cố quang lâm sang nước Xá Vệ, để tuyên đương chánh pháp, cho quần sinh được ân triêm đức hóa, cúi xin Ngài từ bi hoan hỷ! Cho chúa con và hạ thần Tu Đạt được ăn mày công đức!
Phật dạy: - Quý hóa! Chúa khanh và hạ thần Tu Đạt muốn cho quốc dân được an vui sung sướng trên cõi nhân thiên, mãi mãi, ta hứa một ngày gần đây sẽ đến.
Sứ thần tạ lễ lui ra!
Đức Thế Tôn sau khi nhận lời mời của nhà vua, muốn cho chánh pháp chóng soi tỏ lòng người, nên đầu tiên Ngài phóng Đại Quang Minh ở trên đỉnh đầu, làm chấn động thiên địa, khắp nước Xá Vệ mọi người đều biết oai thần của ngài.
Khi đi sang nước Xá Vệ có rất nhiều đệ tử theo hầu, tới khách xá, Ngài cùng đại chúng vào nghỉ chân. Trong lúc đi đường, Ngài cũng giáo hóa được rất nhiều người quy y Tam Bảo. Dần dần tới nước, Quốc Vương quần thần nhân dân, mang hương ra đón, người đông như hội, ai nấy đều lễ sát đất, như một làn gió thổi lướt trên đám cỏ lau, thực là một buổi vô cùng vui vẻ! Ngựa xe chật đường, người đi như nước chảy. Nơi tiếp Ngài, một khu đất cao sạch mát mẻ, quy vuông năm ngàn mẫu, trang trí tôn nghiêm, treo cờ, dựng biểu ngữ, phướn lọng rợp trời. Đức Phật tới nơi ngồi trên bảo tọa oai nghiêm phóng Đại Quang Minh chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới, ngón chân bấm xuống đất làm chuyển động hoàn cầu, các nhạc tự nhiên vang động, không người điều khiển. Nhờ đức hóa của Phật, kẻ mù được sáng con mắt; kẻ điếc được nghe rõ; kẻ câm ngọng được nói năng; kẻ còng được ngay thẳng, nói tóm lại tất cả toàn quốc đều hết tật bệnh đau khổ. Nhân dân lớn nhỏ trai gái trẻ già đều vui mừng hớn hở chen nhau đến lễ Phật.
Khi đó, đức Phật tùy theo căn khí mà thuyết pháp cho họ nghe. Cũng như ông thầy thuốc, tuỳ theo bệnh nhân mà cho thuốc, những người có phúc duyên nhiều, nghe pháp chóng được chứng đạo; có người chứng quả Tu Đà Hoàn; Tư Đà Hàm; A Na Hàm; cho đến quả A La Hán; cũng có người gây nhân Bích Chi Phật, cũng có người phát tâm cầu đạo vô thượng Bồ Đề.
Khi đó Phật bảo tôi (A Nan) rằng:
- Vuờn này thuộc ông Cấp Cô Độc, cây thuộc Thái Tử Kỳ Đà, hai người chung sức làm Tinh Xá. Vậy nên đề rằng: Cây của Thái Tử Kỳ Đà, vườn của ông Cấp Cô Độc, lưu truyền cho hậu thế.
Đức Phật dạy thế, tôi xin phụng mạng, rồi đó mọi người đều cúi đầu, lễ Phật lui ra. Phẩm Thứ Bốn Mươi Tư: Lặc Na Sà Gia
Chính tôi được nghe: Một thời đức Phật ở nước Ca Tỳ La Vệ, tại Tịnh Xá Ni Câu Lư Đà.
Khi bây giờ giòng họ Thích và nhân dân thấy đức Thế Tôn có quang minh thần biến, tuyên dương chánh giáo, đường đường chính chính, khắp nhân thiên phàm thánh đều quy ngưỡng. Họ ca tụng nhóm ông Kiều Trần Như năm người đối với Phật có duyên gì tốt, mà được nghe pháp đầu tiên; được đắc giải thoát trước, trong thành ngoài ấp đều tùng phục tôn kính.
Các vị Tỳ Khưu nghe biết, lên bạch Phật rằng:
Kính lạy đức Thế Tôn! Nhân dân họ đương tán tụng Thế Tôn! Và khen nhóm ông Kiều Trần Như, tiền thế có phúc lành gì mà được độ trước, cúi xin Ngài chỉ bảo cho. Phật dạy: Các ông nên biết kiếp xưa đã quá lâu, ta phải lấy thân làm thuyền để cứu bọn ông; cũng do duyên lành ấy, mà nay ta độ cho bọn ông trước!
Các thầy lại thưa với Phật rằng:
- Kính lạy đức Thế Tôn, đời trước Ngài cứu bọn ông ấy, việc đó thế nào cúi xin chỉ giáo cho chúng con được biết?
- Các ông hãy để ý nghe cho kỹ! Cũng ở Châu Diêm Phù Đề này, thời đó có một nước gọi là Ba La Nại, vua nước ấy là Phạm Ma Đạt.
Ông Lặc Na Sà Gia là một nhà buôn, hôm đó ra chơi nơi khu rừng gặp một người khóc và đương thắt cổ tự tử! Ông tới nơi hỏi rằng:
- Anh tại sao thế? Thân người khó được, mạng sống mỏng manh suy biến luôn luôn, nay còn mai thác! Thôi, anh hãy cởi dây ra, đừng chết đi cho uổng, muốn gì nói cho tôi nghe, nếu có thể giúp được, tôi xin giúp.
- Thưa ông! Thôi nghèo khổ quá! Cùng cực khổ! Công nợ nhiều, hết phương kế sống! Chủ nợ lại đòi sỉ nhục thậm tệ, nhà cửa ruộng nương họ tịch thâu hết, tuy ông có tâm can tôi, nhưng sống không chỗ dung thân, tôi định bỏ mạng ở đây cho hết khổ!
- Anh cởi dây ra, công nợ nhiều ít tôi sẽ trả cho, đừng lo!
- Anh ta vui mừng quá! Cởi dây, rồi theo về nhà. Ngày mai ra chợ để gặp các chủ nợ, bảo cho họ biết sẽ trả, và dặn đến nhà ông Lặc Na Sà Gia.
Hôm sau họ đến đông quá, ông trả tận gia tài mà chưa hết nợ, đến nỗi vợ con ông phải đi ăn xin, cha mẹ anh em làng xóm đều ghét ông là kẻ cuồng si, phá hoại gia nghiệp, để vợ con đói khổ!
Đương lúc ông bị cùng đường, có bọn nhà luôn mời ông ra biển buôn một chuyến, ông nói:
- Tôi là một người hướng đạo cho các bạn, lý ra tôi phải mua thuyền cho các bạn đi, hồi này hết tiền thì các bạn tính sao?
Đáp: - Chúng tôi có năm trăm người, xin bỏ tiền mua thuyền.
Sau họ góp nhau lại được rất nhiều vàng đưa cho ông, ông mua thuyền một ngàn lạng; mua lương ăn đường một ngàn lạng, sắm các đồ trên thuyền một ngàn lạng. Còn bao nhiêu cho vợ con, và cấp đỡ cho anh nhà nghèo nói trên.
Chiếc thuyền dầy khỏe bảy lần ván, dùng bảy dây buộc neo trên bờ, rồi phát lệnh cho các khách buôn để sửa soạn nhập hải, khi đến đông đủ, ông lớn tiếng nói rằng:
- Ai không mến gia đình vợ con, thân mạng, cho đến quốc gia thì đi, vì ra biển rất nhiều nguy hiểm, nào sóng to gío lớn, cá Ma Kiệt, quỷ dạ xoa, rồng độc, nói xong cắt một dây neo, bảy ngày cắt bảy dây.
Thuyền bắt đầu đi, biển cả mênh mông, một trời một nước, hốt nhiên gặp sóng gió lớn, làm cho thuyền nghiêng ngả chực đắm, mọi người đều sợ hãi, khi đó kẻ dùng phao, dùng gỗ, người nhảy xuống biển; người ở trên thuyền, trong số đó có năm người thưa với ông rằng:
- Chúng tôi theo ông tới đây, giờ chết sắp đến, mong ông cứu chúng tôi!
- Dạ, tôi nghe trong biện cả, không bao giờ chứa nạp tử thi, vậy các ông nắm lấy tôi, tôi sẽ tự sát thân này cứu các ông, nguyện đem công đức cầu thành Phật, khi đó tôi sẽ lấy thuyền vô thượng chánh pháp chở các ông sang qua bể lớn sinh tử trước.
Nói xong lấy dao đâm cổ chết, đại hải bất nạp tử thi, ông thần biển dùng gió thổi xác ông dạt vào bờ, bọn năm người được thoát chết trở về nước.
Nói tới đây Ngài nhắc lại rằng:
- Tỷ Khưu các ông nên biết: Ông Lặc Na Sà Gia thuở đó, chính là tiền thân của ta, còn năm người bám vào xác chết nay là nhóm ông Kiều Trần Như năm người, tới nay ta thành Phật, bọn ông được nghe pháp đắc quả đầu tiên, là vì lý do ấy.
Nghe lời Phật nói, các vị đều tán thán công đức của Phật vô cùng to lớn, ai nấy đều gắng sức tiến tu, cúi đầu tạ lễ lui ra. Phẩm Bốn Mươi Lăm: Cá Trăm Đẩu
Chính tôi được nghe: Một thời đức Phật ở nước Ma Kiệt Đề, tại vườn Trúc.
Một hôm đức Thế Tôn và các vị Tỷ Khưu, sang nước Tỳ Xá Ly, ngồi nghỉ mát trên bờ sông Lê Việt. Trên bờ có năm trăm người chăn trâu và năm trăm người đánh cá; những người đánh cá này, họ có ba thứ lưới: một thứ hai trăm người kéo; một thứ ba trăm người kéo; một thứ năm trăm người kéo.
Đức Như Lai và các vị Tỷ Khưu ngồi cách họ cũng không xa, một lát thấy năm trăm người nọ, kéo hết sức cũng không nổi, sau họ gọi bọn năm trăm người chăn trâu lại kéo giùm, một lúc kéo lên được con cá rất lớn; trên mình cá có đủ trăm đầu thú: đầu ngựa, đầu lạc đà, đầu hổ, đầu chó sói, đầu lợn v.v… cá lạ xúm nhau lại xem.
Thấy thế, Phật sai tôi lại coi. Tôi vâng lời, lại nhìn thấy con cá lớn trên mình có đủ trăm đầu thú khác nhau, tôi lại trở về bạch Ngài biết rõ căn nguyên.
Ngài cùng đại chúng đi lại xem, khi tới nơi Ngài hỏi cá rằng:
- Cá, có phải là Ca Tỳ Lê không?
Cá đáp: - Thưa phải.
Ngài hỏi tiếp:
- Kiếp này làm cá, kiếp sau biết về đâu không?
- Thưa Ngài, kiếp sau về địa ngục A Tỳ.
Tôi và đại chúng không rõ tại sao, bèn hỏi Phật rằng:
- Kính lạy đức Thế Tôn! Ngài gọi con cá này là Ca Tỳ Lê vì lý do gì, xin nói cho chúng con được rõ?
Phật dạy: - Các ông hãy lắng nghe tôi nói nguyên ủy con cá này cho biết: Trước đây, về thời đức Phật Ca Diếp có một người Bà La Môn sinh được cậu con trai, đặt tên là Ca Tỳ Lê; cậu này thông minh tài trí, đối với hàng văn hoa trí thức thời đó; anh ta giỏi nhất. Tuy thế nhưng đối với trí tuệ học vấn của các vị Sa Môn thì anh ta kém đặc.
Khi cha anh chết có dặn anh rằng:
- Con chớ đàm luận với các vị Sa Môn của đức Phật Ca Diếp; vì các vị có trí tuệ sâu rộng, con không thể bì kịp.
Sau khi cha anh chết: anh vẫn còn đi học; và anh được tiếng khen trong nước là người tài biện luận, nhưng không bao giờ anh ngồi đàm luận với các vị Sa Môn, thấy con khuyết diểm ấy, nên một hôm mẹ anh hỏi rằng:
- Con vốn là người cao minh học vấn; đời nay có ai hơn được con không?
- Dạ! Thưa mẹ, các vị Sa Môn hơn con nhiều lắm!
- Hơn con thế nào?
- Thưa mẹ! Nếu con có chỗ nào không biết, đến hỏi thì các vị giải đáp rõ ràng dễ hiểu; nếu các vị hỏi lại thì con không đáp nổi, bởi vậy nên con biết kém!
- Vậy sao con không đến học hỏi phương pháp ấy?
- Thưa mẹ! Nếu học phương pháp ấy, thì phải làm Sa Môn, con là kẻ thế tục làm sao học được!
- Con sẽ giả làm Sa Môn, học tập cho giỏi, rồi lại trở về với mẹ có hại gì!
- Dạ, mẹ dạy con nghe!
Cách một thời gian, anh mang áo cầm bình giả làm Sa Môn, vào tu học, vì anh có trí thông minh sẵn, chỉ một thời gian đã quán thông tam tạng, một hôm về nhà chơi, mẹ anh hỏi: - Con học đã giỏi hơn các vị Sa Môn chưa?
- Thưa mẹ! Học vấn con giỏi ngang, còn tọa thiền con kém.
- Tại sao con biết kém?
- Thưa mẹ, vì phép tọa thiền khó, lý thú siêu hình, con tập cũng không được, học cũng không đạt, vì thế mỗi khi con đàm luận đều bị thua!
- Từ nay trở đi, có đàm luận nếu thua, thì con cứ la mắng sỉ nhục!
- Thưa mẹ, các vị Sa Môn tu đạo từ bi, có tội gì mà mẹ bảo con mắng!
- Vì con có mắng, thì con được!
Ca Tỳ Lê nghe lời mẹ dạy, cứ mỗi khi đàm luận với các vị Sa Môn bị thua, mắng liền: người là kẻ ngu! Người là loài súc sinh hiểu biết gì? Rồi lại tỷ các vị như đầu con thú này; đầu con thú khác, luôn luôn có thái độ ác liệt đối với cá vị Sa Môn!
Nói tới đây Phật nhắc lại rằng:
- A Nan, ông nên biết Ca Tỳ Lê vì ác tâm mắng các vị Sa Môn thuở đó, nay phải chịu báo làm con cá trăm đầu!
- Kính lạy đức Thế Tôn, Ca Tỳ Lê bao giờ được thoát khỏi thân cá!
- A Nan ông nên biết: như ta lấy Phật nhãn mà coi, hãy còn lâu lắm, trong đời hiền kiếp, một ngàn đức Phật đã quá khứ đi rồi, cũng chưa được thoát.
Khi đó tôi và các vị Tỷ Khưu nghe Phật nói xong, ai nấy đều rùng mình rởn gáy, bi thương giao cảm! Đồng thanh nói: Tất cả chúng sanh thân, miệng, và ý nghĩ, phải nên cẩn thận!
Thấy Phật và đại chúng hỏi đáp như vậy, các người đánh cá và chăn trâu, đều chắp tay bái Phật, xin xuất gia tu phạm hạnh.
Phật khen họ tốt và nói:
- Thiện Lai Tỷ Khưu!
Ngài nói dứt lời, râu tóc họ rụng hết, áo mặc mình họ hóa ra áo Cà Sa, biến thành các vị Sa Môn.
Theo Phật tu học không bao lâu, đã hết lậu nghiệp, đắc quả A La Hán.
Vì đại chúng, Phật giảng về Tứ Diệu Đế, tất cả mọi người được nghe diệu pháp đều phát tâm hướng đạo vô thượng Bồ Đề, cúi đầu tạ lễ mà lui.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.63.131 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.