Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi.
Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phẩm Văn Thù Sư Lợi Thăm Bệnh
Thứ Năm
Bấy giờ Phật bảo Văn Thù Sư Lợi đến thăm bệnh, Văn Thù bạch Phật rằng:
-Thế Tôn! Bậc Thượng Nhơn kia khó bề đối đáp, vì Ngài thấu đạt thật tướng, khéo thuyết pháp yếu, trí huệ biện tài vô ngại, biết hết tất cả lối tu của Bồ Tát, thâm nhập bí tạng của chư Phật, du hí thần thông, hàng phục ma chúng, trí huệ phương tiện đều đã viên mãn. Tuy thế, con xin vâng thánh chỉ đến thăm bệnh Ngài.
Lúc ấy các Bồ Tát, đại đệ tử và Thích Phạm tứ thiên vương trong chúng đều nghĩ rằng:
"-Nay hai đại sĩ Văn Thù và Duy Ma Cật gặp nhau, ắt sẽ thuyết diệu pháp." Tức thì tám ngàn vị Bồ Tát, năm trăm Thanh Văn và trăm ngàn trời người đều muốn đi theo.
Bấy giờ, Văn Thù cùng các vị Bồ Tát đại đệ tử và trời người cung kính cùng nhau vào thành Tỳ Da Ly.
Lúc ấy Duy Ma Cật biết Văn Thù cùng đại chúng đến, liền dùng thần lực dời đi tất cả đồ đạc và thị giả, trong phòng rỗng không, chỉ còn một giường để nằm bệnh. Văn Thù vừa bước vào nhà thì Duy Ma Cật liền nói:
-Khéo đến Văn Thù! Tướng chẳng đến mà đến, tướng chẳng thấy mà thấy.
Văn Thù nói:
-Ðúng thế, cư sĩ! Nếu đến rồi thì chẳng đến nữa, nếu đi rồi thì chẳng đi nữa. Tại sao? Nói đến thì chẳng từ đâu đến, nói đi thì chẳng đi về đâu, chỗ được thấy chẳng còn thấy nữa. Hãy tạm bỏ qua việc này, nay bệnh của cư sĩ dễ chịu không? Ðiều trị có bớt mà chẳng thêm không? Thế Tôn gởi lời vô lượng ân cần để hỏi thăm cư sĩ. Bệnh do đâu mà khởi? Ðã bao lâu rồi? Làm sao mới khỏi được?
Duy Ma Cật nói:
-Từ Si có Ái thì bệnh Ngã sanh. Vì tất cả chúng sanh bệnh nên tôi bệnh, nếu tất cả chúng sanh chẳng bệnh thì tôi khỏi bệnh. Tại sao? Bồ Tát vì độ chúng sanh nên vào sanh tử, có sanh tử thì có bệnh. Nếu chúng sanh được lìa bệnh thì Bồ Tát chẳng còn bệnh. Ví như trưởng giả chỉ có một đứa con, con bệnh thì cha mẹ cũng bệnh, nếu con lành bệnh thì cha mẹ cũng lành. Bồ Tát cũng như thế, đối với chúng sanh thương mến như con ruột, nếu chúng sanh bệnh thì Bồ Tát bệnh, chúng sanh lành bệnh thì Bồ Tát cũng lành. Còn nói về bệnh này do đâu mà khởi, bệnh của Bồ Tát do Ðại Bi khởi.
Văn Thù hỏi:
-Phòng của cư sĩ sao rỗng không chẳng có thị giả?
-Duy Ma Cật nói:
-Các cõi Phật đều rỗng không.
-Lấy gì làm Không?
-Lấy Không làm không.
-Không đâu cần không?
-Vì chẳng phân biệt nơi Không nên không.
-Không có thể phân biệt ư?
-Phân biệt cũng không.
-Cái Không ấy nên cầu ở nơi nào?
-Nên cầu nơi sáu mươi hai kiến chấp.
-Sáu mươi hai kiến chấp nên cầu ở nơi nào?
-Nên cầu nơi giải thoát của chư Phật.
-Giải thoát của chư Phật nên cầu ở nơi nào?
-Nên cầu nơi tâm hạnh của chúng sanh. Về câu hỏi: Sao chẳng có thị giả? Tất cả ma chúng và ngoại đạo đều là thị giả của tôi. Tại sao? Bọn ma ham sự sanh tử, Bồ Tát ở nơi sanh tử mà chẳng bỏ; ngoại đạo ham sự tri kiến, Bồ Tát ở nơi tri kiến mà chẳng động.
Văn Thù lại hỏi:
-Tướng bệnh của cư sĩ như thế nào?
Duy Ma Cật đáp:
-Bệnh tôi vô hình chẳng thể trông thấy.
-Bệnh này hợp với thân hay hợp với tâm?
-Chẳng hợp với thân vì vốn lìa tướng thân; cũng chẳng hợp với tâm vì tâm như huyễn hóa.
-Trong tứ đại thì đại nào là bệnh?
-Bệnh này chẳng phải địa đại, cũng chẳng lìa địa đại. Thủy, hỏa, phong đại đều cũng như thế. Nhưng vì bệnh chúng sanh từ tứ đại khởi, vì họ có bệnh nên tôi bệnh vậy.
Bấy giờ Văn Thù hỏi Duy Ma Cật rằng:
-Bồ Tát làm sao an ủi vị Bồ Tát có bệnh?
Duy Ma Cật nói:
-Nói thân vô thường, chẳng nói nhàm chán nơi thân. Nói thân có khổ, chẳng nói ưa thích Niết Bàn. Nói thân vô ngã mà thuyết pháp giáo hóa chúng sanh. Nói thân không tịch, chẳng nói tịch diệt rốt ráo. Nói hối cải tội trước mà chẳng nói vào thời quá khứ, vì bệnh của mình mà thương xót bệnh của người. Phải biết đau khổ từ vô số kiếp trước. Tưởng niệm lợi ích tất cả chúng sanh nên nhớ việc tu phước, tưởng niệm nơi tịnh mạng nên chẳng sanh phiền não. Thường khởi hạnh tinh tấn, nguyện làm y vương để điều trị bệnh chúng sanh. Bồ Tát nên an ủi vị Bồ Tát có bệnh như thế để cho họ hoan hỉ.
Văn Thù hỏi:
-Cư sĩ! Vị Bồ Tát có bệnh phải tự điều phục tâm như thế nào?
Duy Ma Cật đáp:
-Vị Bồ Tát có bệnh nên nghĩ rằng "bệnh của mình đều do các phiền não, điên đảo, vọng tưởng từ kiếp trước mà sanh. Pháp vốn chẳng thật, thì ai là kẻ thọ bệnh. Tại sao? Vì tứ đại hòa hợp giả danh là thân. Tứ đại không có chủ, thân cũng vô ngã. Hơn nữa, bệnh này sanh khởi đều do chấp ngã, vì thế ở nơi ngã chẳng nên chấp trước. Ðã biết gốc bệnh, liền trừ ngã tưởng và chúng sanh tưởng, phải khởi pháp tưởng." Bồ Tát nên nghĩ rằng "Thân này do các pháp hòa hợp mà thành, khởi chỉ là pháp khởi, diệt chỉ là pháp diệt." Dù nói các pháp hoà họp mà mỗi mỗi pháp đều chẳng biết nhau. Lúc khởi chẳng nói ta khởi. Lúc diệt chẳng nói ta diệt. Bồ Tát muốn diệt pháp tưởng nên nghĩ rằng, "Pháp tưởng này cũng là điên đảo. Ðiên đảo tức là bệnh lớn, ta nên lìa nó."
Thế nào là lìa? Lìa ngã và ngã sở. Thế nào là lìa ngã, và ngã sở? Ấy là lìa nhị pháp. Thế nào là lìa nhị pháp? Chẳng nghĩ các pháp trong và ngoài, hành nơi bình đẳng. Thế nào là hành nơi bình đẳng? Là ngã với Niết Bàn bình đẳng. Tại sao? Vì ngã với Niết Bàn cả hai đều không. Lấy gì làm không? Vì chỉ có danh tự nên không. Nhị pháp như thế, pháp tánh vốn chẳng có nhất định. Ðược sự bình đẳng đó thì chẳng còn bệnh khác, chỉ có bệnh chấp không, cho đến không bệnh cũng không. Vị Bồ Tát có bệnh dùng tâm vô sở thọ mà thọ sự thọ. Khi Phật pháp chưa viên mãn cũng chẳng diệt thọ mà thủ chứng. Vì thân có khổ nên nghĩ đến chúng sanh trong ác thú mà khởi tâm đại bi. "Tâm ta đã điều phục thì cũng nên điều phục tâm của tất cả chúng sanh. Nhưng trừ bệnh họ mà chẳng trừ pháp họ, vì dứt trừ gốc bệnh mà giáo hóa họ."
Thế nào là gốc bệnh? Vì có phan duyên, từ chỗ phan duyên mới thành gốc bệnh. Phan duyên nơi nào? Phan duyên tam giới. Làm sao đoạn dứt? Dùng tâm vô sở đắc. Nếu tâm vô sở đắc thì chẳng có phan duyên. Thế nào là vô sở đác? Là lìa nhị kiến. Thế nào là lìa nhị kiến? Phàm tất cả nhị biên đối đãi như nội kiến, ngoại kiến đều gọi là nhị kiến, nên nói lìa nhị kiến tức là vô sở đắc vậy.
Văn Thù! Ấy là cách điều phục tâm của Bồ Tát có bệnh. Bồ Ðề của Bồ Tát là đoạn dứt các khổ lão, bệnh, tử. Nếu chẳng như thế thì sự tu hành của mình không được trí huệ, thiện lợi, ví như người thắng kẻ oán tặc mới được gọi là người dũng cảm. Cũng thế, kẻ trừ được lão, bệnh, tử mới được gọi là Bồ Tát vậy.
Vị Bồ Tát có bệnh kia nên nghĩ rằng "bệnh của ta đây phi chơn phi hữu, và bệnh của chúng sanh cũng phi chơn phi hữu." Lúc quán như thế, đối với chúng sanh nếu có khởi lòng đại bi ái kiến thì phải dẹp bỏ ngay. Tại sao? Bồ Tát vì dứt trừ khách trần phiền não mà khởi đại bi. Ðại bi chẳng có ái kiến. Nếu đại bi có ái kiến thì nơi sanh tử có tâm nhàm chán. Nếu được lìa bỏ ái kiến thì chẳng có nhàm chán, dù sanh nơi nào cũng chẳng bị ái kiến trói buộc. Chỗ sanh chẳng bị trói buộc mới có thể thuyết pháp mở trói cho chúng sanh. Như lời Phật thuyết: Nếu tự mình bị trói mà mở trói được cho người thì chẳng có chỗ đúng. Nếu tự mình chẳng bị trói, thì mới có thể mở trói cho người. Vì thế Bồ Tát chẳng nên có sự trói buộc.
Thế nào là trói? Thế nào là mở? Tham đắm thiền vị là trói buộc của Bồ Tát. Chẳng chấp thiền vị là phương tiện mở trói của Bồ Tát.
Lại nữa, phương tiện và trí huệ chẳng thể lìa nhau. Có trí huệ mà chẳng có phương tiện thì bị trí huệ trói buộc. Nếu có phương tiện thì trí huệ được mở trói. Có phương tiện mà chẳng có trí huệ thì bị phương tiện trói buộc. Nếu có trí huệ thì phương tiện được mở trói.
Thế nào là chẳng có phương tiện thì bị trí huệ trói buộc? Bồ Tát dùng tâm ái kiến trang nghiêm cõi Phật, thành tựu chúng sanh, ở trong pháp không, vô tướng, vô tác mà tự điều phục. Ấy gọi là chẳng có phương tiện thì bị trí huệ trói buộc.
Thế nào là có phương tiện thì trí huệ được mở trói? Ấy là chẳng dùng tâm ái kiến trang nghiêm cõi Phật, thành tựu chúng sanh, ở trong pháp không, vô tướng, vô tác tự điều phục mà chẳng nhàm chán. Ấy là có phương tiện thì trí huệ được mở trói.
Thế nào là chẳng có trí huệ thì bị phương tiện trói buộc? Bồ Tát trụ nơi các phiền não như: tham, sân, si, tà kiến, v.v... mà gieo trồng cội lành. Ấy gọi là chẳng có trí huệ thì bị phương tiện trói buộc.
Thế nào là có trí huệ thì phương tiện được mở trói? Ấy là lìa các phiền não như: tham, sân, si, tà kiến, v.v... mà gieo trồng cội lành và hồi hướng Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Ấy gọi là có trí huệ thì phương tiện được mở trói.
Văn Thù! Bồ Tát có bệnh kia nên quán các pháp như thế và quán thân vô thường, là khổ, là không, là phi ngã, ấy gọi là trí huệ. Thân dù có bệnh mà chẳng diệt hẳn gọi là phương tiện.
Lại nữa, hể quán thân thì thân chẳng lìa bệnh, bệnh chẳng lìa thân, Bệnh ấy thân ấy chẳng mới chẳng cũ, ấy gọi là trí huệ. Thân dù có bệnh mà chẳng diệt hẳn gọi là phương tiện.
Văn Thù! Bồ Tát có bệnh nên điều phục tự tâm như thế mà chẳng trụ trong đó, cũng không trụ nơi điều phục tâm. Tại sao? Nếu trụ nơi chẳng điều phục tâm là pháp phàm phu. Nếu trụ nơi điều phục tâm là pháp Thanh Văn. Vì thế bồ Tát chẳng nên trụ nơi điều phục và chẳng điều phục. Lìa hai pháp này là hạnh Bồ Tát.
Ở nơi sanh tử chẳng hành việc ô nhiễm, trụ nơi Niết Bàn mà chẳng diệt độ hẳn là hạnh Bồ Tát. Phi hạnh phàm phu, phi hạnh hiền thánh là hạnh Bồ Tát; phi hạnh cấu, phi hạnh tịnh là hạnh Bồ Tát. Dù siêu việt hạnh ma mà thị hiện việc hàng phục bọn ma là hạnh Bồ Tát, cầu nhất thiết trí mà chẳng có sự cầu phi thời là hạnh Bồ Tát. Dù quán các pháp chẳng sanh mà chẳng nhập chánh vị là hạnh Bồ Tát. Dù quán thập nhị duyên khởi mà nhập các tà kiến là hạnh Bồ Tát. Dù nhiếp độ tất cả chúng sanh mà chẳng khởi lòng yêu mến là hạnh Bồ Tát. Dù ưa xa lìa tất cả, mà không hướng theo sự dứt hết thân tâm là hạnh Bồ Tát. Dù hành nơi tam giới mà chẳng hoại pháp tánh là hạnh Bồ Tát. Dù hành nơi tánh không mà gieo trồng nhiều cội lành là hạnh Bồ Tát. Dù hành nơi vô tướng mà độ chúng sanh là hạnh Bồ Tát. Dù hành nơi vô tác mà thị hiện thọ thân là hạnh Bồ Tát. Dù hành nơi vô khởi mà khởi tất cả thiện hạnh là hạnh Bồ Tát. Dù hành sáu Ba La Mật mà biết khắp các tâm pháp, tâm số của chúng sanh là hạnh Bồ Tát. Dù hành lục thông mà chẳng dứt tập lậu (tập khí phiền não) là hạnh Bồ Tát. Dù hành tứ vô lượng tâm mà chẳng tham đắm sanh cõi Phạm Thiên là hạnh Bồ Tát. Dù hành Thiền định, giải thoát, tam muội mà chẳng theo Thiền định thọ sanh là hạnh Bồ Tát. Dù hành tứ niệm xứ mà chẳng lìa hẳn thọ dụng của thân tâm là hạnh Bồ Tát. Dù hành tứ chánh cần mà chẳng xả thân tâm tinh tấn của Ðại thừa là hạnh Bồ Tát. Dù hành tứ như ý túc mà đắc thần thông tự tại của Ðại thừa là hạnh Bồ Tát. Dù hành ngũ căn mà hay phân biệt căn cơ lợi độn của chúng sanh là hạnh Bồ Tát. Dù hành ngũ lực mà ưa cầu thập lực của Phật là hạnh Bồ Tát. Dù hành thất giác chi mà hay phân biệt trí huệ của Phật là hạnh Bồ Tát. Dù hành Bát Chánh Ðạo mà ưa tu vô lượng Phật đạo là hạnh Bồ Tát. Dù hành pháp trợ đạo của chỉ quán mà cuối cùng chẳng đọa nơi tịch diệt là hạnh Bồ Tát. Dù hành các pháp chẳng sanh chẳng diệt mà dùng tướng tốt để trang nghiêm thân mình là hạnh Bồ Tát. Dù thị hiện oai nghi của Thanh Văn Duyên Giác mà chẳng xả Phật pháp đại thừa là hạnh Bồ Tát. Dù theo tướng tịnh rốt ráo của các pháp mà tùy cơ ứng hiện thân hình là hạnh Bồ Tát. Dù quán các cõi Phật tịch diệt như hư không mà thị hiện mỗi mỗi trong sạch của cõi Phật là hạnh Bồ Tát. Dù chứng đắc quả Phật, chuyển pháp luân, nhập Niết Bàn mà chẳng bỏ đạo Bồ Tát là hạnh Bồ Tát vậy.
Lúc Duy Ma Cật nói những lời ấy rồi, cả đại chúng đi theo Ngài Văn Thù, trong đó có tám ngàn thiên tử đều phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Phẩm Bất Tư Nghì
Thứ Sáu
Bấy giờ Xá Lợi Phất thấy trong phòng chẳng có giường ngồi mà nghĩ rằng:
"Các Bồ Tát và chúng đại đệ tử sẽ ngồi đâu?"
Duy Ma Cật biết ý liền nói với Xá Lợi Phất rằng:
-Thế nào, Nhơn giả vì pháp đến hay vì giường ngồi mà đến.
Xá lợi Phất đáp:
-Tôi vì pháp đến chớ chẳng vì giường ngồi.
Duy Ma Cật nói:
- Xá Lợi Phất! Kẻ cầu pháp thân mạng còn chẳng tiếc, huống là giường ngồi. Kẻ cầu pháp chẳng cẩu nơi ngũ uẩn, lục nhập, thập bát giới, cũng chẳng cầu nơi dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Xá Lợi Phất! Kẻ cầu pháp chẳng chấp cầu Phật, cầu Pháp, cầu Tăng. Kẻ cầu pháp chẳng cầu nơi khổ, tập, diệt, đạo. Tại sao? Pháp chẳng hí luận, nếu ta nói thấy khổ phải đoạn tập, chứng diệt, tu đạo, ấy là hí luận, chẳng phải cầu pháp.
Xá Lợi Phất! Pháp gọi Tịch Diệt, nếu hành nơi sanh diệt là cầu sanh diệt, chẳng phải cầu pháp. Pháp gọi là Vô Nhiễm, nếu nhiễm nơi pháp cho đến Niết Bàn, ấy là nhiễm đắm, chẳng phải cầu pháp. Pháp chẳng chỗ hành, nếu hành nơi pháp, ấy là chỗ hành, chẳng phải cầu pháp. Pháp chẳng thủ xả, nếu thủ xả pháp, ấy là thủ xả, chẳng phải cầu pháp. Pháp chẳng xứ sở, nếu chấp xứ sở, ấy là chấp xứ sở, chẳng phải cầu pháp. Pháp gọi Vô Tướng, nếu nhận biết theo tướng, ấy là cầu tướng, chẳng phải cầu pháp. Pháp chẳng thể trụ, nếu trụ nơi pháp, ấy là trụ pháp, chẳng phải cầu pháp. Pháp chẳng thể Kiến Văn Giác Tri, nếu hành Kiến Văn Giác Tri, ấy là Kiến Văn Giác Tri, chẳng phải cầu pháp. Pháp gọi Vô Vi, nếu hành hữu vi, chẳng phải cầu pháp. Như thế, Xá Lợi Phất! Kẻ cầu pháp, đối với tất cả pháp nên Vô sở cầu.
Khi Ngài nói lời ấy rồi, năm trăm thiên tử nơi các pháp được Pháp Nhãn Tịnh.
Bấy giờ, Duy Ma Cật hỏi Văn Thù rằng:
-Nhơn giả đã dạo qua vô lượng muôn ngàn ức A Tăng Kỳ cõi Phật, thấy cõi nào có tòa sư tử được thành tựu công đức vi diệu nhất?
Văn Thù nói:
-Cư sĩ! Bên phương Ðông cách đây ba mươi sáu hằng sa quốc độ, có thế giới gọi là Tu Di Tướng, hiện nay có Phật hiệu là Tu Di Ðăng Vương. Thân Phật ấy cao tám muơi bốn ngàn do tuấn, tòa sư tử cũng cao như thế, trang nghiêm hạng nhất.
Duy Ma Cật nghe xong liền hiện thần thông. Tức thì Ðức Phật ấy điều khiển ba mươi hai ngàn tòa sư tử cao rộng trang nghiêm, đến trong phòng Duy Ma Cật. Các Bồ Tát, đại đệ tử và Thích Phạn Tứ Thiên Vương, v.v... đều thấy việc xưa nay chưa từng thấy. Phòng nhỏ này dung nạp ba mươi hai ngàn tòa sư tử cao rộng như thế, mà chẳng thấy ngăn ngại, nơi thành Tỳ Da ly, cho đến cõi Ta Bà, bốn thiên hạ cũng chẳng thấy chật hẹp, tất cả trạng thái đều y như cũ.
Khi ấy Duy Ma Cật mời Văn Thù và các Bồ Tát thượng nhơn an tọa. Những Bồ Tát đắc thần thông liền biến hình cao bằng tòa sư tử và lên ngồi. Nhưng các sơ tâm Bồ Tát và đại đệ tử vì chưa được thần thông tự tại, đều chẳng thể lên ngồi.
Kế đó, Duy Ma Cật mời Xá Lợi Phất an tọa. Xá Lợi Phất nói:
-Thưa Cư sĩ! Tòa này cao rộng quá, tôi chẳng thể lên được.
Duy Ma Cật nói:
-Xá Lợi Phất! Hãy đảnh lễ Tu Di Ðăng Vương Như Lai thì mới ngồi được.
Nghe vậy, các sơ tâm Bồ Tát và đại đệ tử đầu đảnh lễ Tu Di Ðăng Vương Như Lai, liền ngồi được trên tòa sư tử.
Xá Lợi Phất nói:
-Thưa Cư sĩ! Thật chưa từng có. Phòng nhỏ này dung nạp các tòa cao rộng như thế, mà nơi thành Tỳ Da Ly chẳng thấy ngăn ngại, các thôn quê, thành phố, trong cõi Ta Bà và cung điện của chư Thiên, Long Vương, quỷ thần nơi tứ thiên hạ cũng chẳng thấy chật hẹp.
Duy Ma Cật nói:
-Xá Lợi Phất! Chư Phật Bồ Tát có pháp môn giải thoát gọi là Bất Khả Tư Nghì. Nếu Bồ Tát trụ pháp giải thoát đó, đem núi Tu Di cao rộng để trong hạt cải mà chẳng thêm bớt, tướng chúa núi Tu Di vẫn như cũ. Tứ Thiên Vương và Ðao Lợi chư Thiên cũng chẳng hay biết mình đã vào đó, chỉ có người đáng độ mới thấy núi Tu Di vào trong hạt cải thôi, ấy gọi là pháp môn Giải Thoát Bất Khả Tư Nghì.
Lại nữa, Bồ Tát đem nước của bốn biển lớn để vào một lỗ chân lông, mà các loài thủy tộc như: cá, rùa, tôm, cua, v.v... chẳng bị khuấy động, tánh biển vẫn y như cũ. Các loài rồng, quỷ thần, A Tu La, v.v... cũng chẳng hay biết mình đã vào đó, đối với những chúng sanh ấy cũng chẳng bị khuấy động.
Xá Lợi Phất! Bồ Tát trụ nơi giải thoát Bất Khả Tư Nghì, rút lấy đại thiên thế giới, như lấy đồ gốm để trong bàn tay phải, quăng ra ngoài hằng sa thế giới, rồi đem trở lại chỗ cũ, mà chúng sanh ở trong đó chẳng hay biết mình bị di chuyển qua lại từ xa, tướng thế giới này cũng vẫn y như cũ.
Xá Lợi Phất! Hoặc có chúng sanh đáng độ, mà ham trụ lâu nơi thế gian, thì Bồ Tát biến hiện bảy ngày dài như một kiếp, khiến chúng sanh kia tưởng là một kiếp. Hoặc có chúng sanh đáng độ mà chẳng ham trụ lâu thì Bồ Tát rút một kiếp lại thành bảy ngày, khiến chúng sanh ấy tưởng là bảy ngày.
Xá Lợi Phất! Bồ Tát trụ nơi Giải Thoát Bất Khả Tư Nghì, đem sự nghiệp trang nghiêm của tất cả cõi Phật gom trong một quốc độ để thị hiện cho chúng sanh biết. Lại nữa, Bồ Tát ấy đem chúng sanh trong tất cả cõi Phật, để trên bàn tay phải bay khắp mười phương thế giới, bày ra cho ai cũng thấy mà chỗ ở vẫn như cũ, chẳng bị lay động.
Xá Lợi Phất! Những đồ cúng dường chư Phật của mười phương chúng sanh, Bồ Tát khiến đều hiện nơi một lỗ chân lông cho ai cũng được nhìn thấy, khiến tất cả nhật nguyệt tinh tú trong cõi mười phương cùng hiện nơi một lỗ chân lông cho tất cả đều thấy.
Xá Lợi Phất! Tất cả khắp mười phương thế giới, Bồ Tát hút vào trong miệng mà thân hình chẳng thêm bớt, cây cối cũng chẳng gãy ngã. Khi kiếp hỏa cháy tan cõi mười phương, Bồ Tát đem kiếp hỏa ấy để trong bụng, hỏa đang cháy mà bụng chẳng bị thương tổn. Bồ Tát từ hằng sa thế giới nơi phương dưới, đem một cõi Phật đưa lên phương trên, đi qua hằng sa thế giới như cầm mũi kim ghim một lá táo, mà tất cả chúng sanh trong đó chẳng thấy khuấy động.
Xá Lợi Phất! Bồ Tát trụ nơi Giải Thoát Bất Khả Tư Nghì, dùng thần thông hiện làm thân Phật, hoặc hiện thân Duyên Giác, hoặc hiện thân Thanh Văn, hoặc hiện thân Ðế Thích, hoặc hiện thân Phạm Vương, hoặc hiện thân vua chúa thế gian, hoặc hiện thân Chuyển Luân Pháp Vương. Lại khiến tất cả âm thanh lớn nhỏ trong mười phương thế giới đều biến thành âm thanh của Phật, diễn ra các tiếng vô thường, khổ, không và vô ngã, v.v... cho đến mỗi mỗi pháp của mười phương chư Phật sở thuyết đều ở trong đó, ai cũng được nghe.
Xá Lợi Phất! Nay ta lược thuyết năng lực của Bồ Tát giải thoát bất khả tư nghì như thế, nếu nói rộng ra thì cùng kiếp cũng chẳng hết.
Khi đó, Ðại Ca Diếp nghe nói pháp môn Giải Thoát Bất Khả Tư Nghì của Bồ Tát, tán thán việc chưa từng có, lại nói với Xá Lợi Phất rằng:
-Ví như có người hiện nhiều sắc tướng trước mặt người mù. Những tướng ấy đều chẳng phải sở thấy của họ. Tất cả hàng Thanh Văn Duyên Giác nghe pháp môn Giải Thoát Bất Khả Tư Nghì này, cũng chẳng thể hiểu biết như thế. Nếu người trí được nghe thì có ai mà chẳng phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề. Tại sao chúng ta tuyệt hẳn giống Phật nơi Ðại Thừa nầy như hạt giống thúi mục? Vậy tất cả hàng Thanh Văn nghe pháp môn này đều nên khóc to và tiếng khóc ấy vang cả đại thiên thế giới. Tất cả Bồ Tát lại nên vui mừng mà thọ lãnh pháp này. Nều có Bồ Tát tín giải pháp môn này, tất cả bọn ma muốn khuấy phá cũng chẳng làm gì được.
Ðại Ca Diếp nói lời này rồi, có ba mươi hai ngàn thiên tử phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.
Bấy giờ Duy Ma Cật nói với Ðại Ca Diếp rằng:
-Nhơn giả! Các vị làm ma vương trong mười phương vô lượng A Tăng Kỳ thế giới, đa số là Bồ Tát trụ nơi Giải Thoát Bất Khả Tư Nghì, vì dùng phương tiện để giáo hóa chúng sanh nên thị hiện làm ma vương.
Ca Diếp! Mười phương vô lượng sơ tâm Bồ Tát đôi khi có người đến xin tay, chân, tai, mũi, đầu, mắt, xương, thịt, tủy não, nhà cửa, vợ con, quyến thuộc, xe cộ, trâu ngựa, vàng bạc, thất bửu, cho đến quần áo, thức ăn, v.v... Những kẻ ăn xin như thế, đa số là Bồ Tát trụ nơi Giải Thoát Bất Khả Tư Nghì, dùng phương tiện để thử thách, khiến lòng tin họ vững chắc. Tại sao? Bồ Tát trụ nơi Giải Thoát Bất Khả Tư Nghì mới có oai đức hành sự bức ngặt như thế, để chỉ bày cho chúng sanh những việc khó làm. Nếu là phàm phu hạ liệt thì chẳng có sức mạnh thần diệu để bức ngặt những sơ tâm Bồ Tát như thế. Ví như sự đá đạp của long tượng, chẳng phải con lừa có thể làm được. Ấy gọi là cửa trí huệ phương tiện của Bồ Tát trụ nơi Giải Thoát Bất Khả Tư Nghì. Phẩm Quán Chúng Sinh
Thứ Bảy
Bấy giờ, Văn Thù hỏi Duy Ma Cật rằng:
-Bồ Tát nên quán chúng sanh như thế nào?
Duy Ma Cật nói:
-Ví như nhà huyễn thuật thấy người huyễn của mình hóa ra. Bồ Tát nên quán chúng sanh như thế. Như người trí thấy trăng trong nước, thấy hình trong gương, như dương diệm, như tiếng vang, như mây giữa trời. Cho đến những vật chẳng thể tưởng tượng như: lông rùa, sừng thỏ, v.v... Bồ Tát nên quán chúng sanh như thế.
Văn Thù nói:
-Nếu Bồ Tát quán như thế làm sao hành việc Từ?
Duy Ma Cật nói:
-Bồ Tát quán như thế rồi tự nghĩ rằng: Ta nên vì chúng sanh thuyết pháp này. Ấy tức là hạnh Từ chơn thật. Hạnh Từ tịch diệt vì vốn vô sanh. Hạnh Từ chẳng nóng nảy vì vô phiền não. Hạnh Từ bình đẳng vì tam thế bình đẳng. Hạnh Từ vô tranh vì vô sở khởi. Hạnh Từ bất nhị vì trong ngoài bất hợp. Hạnh Từ chẳng hoại vì vốn là không thật. Hạnh Từ kiên cố vì tâm chẳng hoại diệt. Hạnh Từ trong sạch vì pháp tánh trong sạch. Hạnh Từ vô biên vì như hư không. Hạnh Từ A La Hán vì phá kết tặc phiền não. Hạnh Từ Bồ Tát vì cho chúng sanh yên tâm. Hạnh Từ Như Lai vì đắc tướng Như Như. Hạnh Từ Chư Phật vì giác ngộ chúng sanh. Hạnh Từ tự nhiên vì vô nhân mà đắc. Hạnh Từ Bồ Ðề vì bình đẳng nhất vị. Hạnh Từ vô đẳng vì đoạn dứt ái nhiễm. Hạnh Từ đại bi vì dẫn dắt theo Ðại Thừa. Hạnh Từ chẳng nhàm chán vì quán pháp Không -Vô Ngã. Hạnh Từ pháp thí vì chẳng luyến tiếc. Hạnh Từ trì giới vì độ người phá giới. Hạnh Từ nhẫn nhục vì hộ cho mình và người. Hạnh Từ tinh tấn vì gánh vác chúng sanh. Hạnh Từ thiền định vì chẳng thọ thiền vị. Hạnh Từ trí huệ vì vô sở bất tri. Hạnh Từ phương tiện vì thị hiện tất cả. Hạnh Từ chẳng ẩn dấu vì tâm trong sạch ngay thẳng. Hạnh Từ thâm tâm vì chẳng hành tạp nhiễm. Hạnh Từ chẳng dối vì chẳng hư giả. Hạnh Từ an lạc vì khiến người được an vui của Phật. Hạnh Từ của Bồ Tát là như thế.
Văn Thù lại hỏi:
-Thế nào là Bi?
Ðáp:
-Công đức sở hành của Bồ Tát đều cùng chung với tất cả chúng sanh.
-Thế nào là Hỉ?
-Hoan hỉ làm việc chúng sanh mà chẳng hối tiếc.
-Thế nào là Xả?
-Dù làm việc phước đức mà chẳng có mong cầu chi cả.
Văn Thù lại hỏi:
-Ðối với sanh tử đáng sợ, Bồ Tát nên y nơi đâu?
Ðáp:
-Nên y nơi sức công đức của Như Lai.
-Bồ Tát muốn y sức công đức của Như Lai phải trụ nơi nào?
-Nên trụ nơi độ thoát chúng sanh.
-Muốn độ thoát chúng sanh phải trừ những gì?
-Muốn độ thoát chúng sanh, nên trừ phiền não của họ.
-Muốn trừ phiền não phải hành thế nào?
-Nên hành nơi chánh niệm.
-Thế nào là hành nơi chánh niệm?
-Nên hành chẳng sanh, chẳng diệt.
-Pháp nào chẳng sanh, pháp nào chẳng diệt?
-Bất thiện chẳng sanh, thiện pháp chẳng diệt.
-Thiện với bất thiện lấy gì làm gốc?
-Lấy thân làm gốc.
-Thân lấy gì làm gốc?
-Lấy tham dục làm gốc.
-Tham dục lấy gì làm gốc?
-Lấy hư vọng phân biệt làm gốc.
-Hư vọng phân biệt lấy gì làm gốc?
-Lấy điên đảo tưởng làm gốc.
-Ðiên đảo tưởng lấy gì làm gốc?
-Lấy Vô trụ làm gốc.
-Vô trụ lấy gì làm gốc?
-Vô trụ thì chẳng có gốc.
Nói đến đây, Duy Ma Cật liền nhấn mạnh rằng:
-Văn Thù! Từ gốc Vô trụ lập tất cả các pháp. Như thế là thật Vô Sở Trụ vậy.
Bấy giờ, trong phòng Duy Ma Cật có một Thiên nữ thấy các vị Trời người đang nghe thuyết pháp, liền hiện hình thiên nữ rãi hoa trên thân các Bồ Tát và đại đệ tử. Hoa đến thân các Bồ Tát liền rơi xuống đất, đến các đại đệ tử thì dính trên thân chẳng rơi xuống. Tất cả đệ tử dùng thần lực phủi hoa cũng chẳng phủi rớt.
Lúc ấy, thiên nữ hỏi Xá Lợi Phất rằng:
-Tại sao phủi hoa?
Ðáp:
-Hoa nầy chẳng đúng pháp nên phủi.
Thiên nữ nói:
-Chớ bảo hoa này chẳng đúng pháp. Tại sao? Vì hoa này chẳng có phân biệt, tại nhơn giả tự sanh phân biệt tưởng mà thôi. Người ở nơi Phật pháp xuất gia, có tâm phân biệt là chẳng đúng pháp, nếu chẳng phân biệt tức là đúng pháp. Nay thử xem các vị Bồ Tát chẳng dính hoa là vì đã đoạn diệt phân biệt tưởng vậy. Ví như người đang có khiếp sợ thì phi nhơn mới được dịp mê hoặc. Cũng thế, các vị đệ tử vì đang sợ sanh tử thì sắc, thanh, hương, vị, xúc mới được dịp mê hoặc. Kẻ đã lìa được khiếp sợ thì tất cả ngũ dục đều chẳng thể mê hoặc. Kẻ kiết tập (tập khí trói buộc) chưa sạch, hoa mới dính vào thân. Kẻ kiết tập đã sạch thì hoa chẳng dính vậy.
Xá Lợi Phất hỏi:
-Thiên nữ ở trong phòng này được bao lâu?
Ðáp:
-Tôi ở trong phòng này lâu như ông được giải thoát.
-Ở đây lâu chăng?
-Như ông giải thoát cũng có lâu mau sao?
Xá Lợi Phất im lặng chẳng đáp.
Thiên nữ hỏi:
-Tại sao bậc kỳ cựu Ðại Trí lại nín lặng?
Ðáp:
-Sự giải thoát vốn chẳng ngôn thuyết, nên tôi chẳng biết nói gì.
Thiên nữ nói:
-Ngôn thuyết văn tự đều là tướng giải thoát. Tại sao? Vì sự giải thoát chẳng ở trong, ngoài và khoảng giữa. Văn tự cũng như thế. Cho nên, Xá Lợi Phất! Chẳng có sự lìa văn tự mà thuyết pháp giải thoát. Tại sao? Vì tất cả các pháp là tướng giải thoát rồi.
Xá Lợi Phất hỏi:
-Chẳng cần lìa tham sân si mà được giải thoát ư?
Ðáp:
-Phật vì đối với kẻ tăng thượng mạn mà nói lìa tham sân si là giải thoát mà thôi. Nếu kẻ chẳng phải tăng thượng mạn thì Phật nói tánh tham sân si tức là giải thoát vậy.
Xá Lợi Phất nói:
-Lành thay! Lành thay! Nàng đắc được gì, chứng được gì mà biện tài như thế?
Thiên nữ đáp:
-Tôi vô đắc vô chứng nên biện tài như thế. Tại sao? Vì kẻ có đắc có chứng ở nơi Phật pháp gọi là tăng thượng mạn.
Xá Lợi Phất hỏi:
-Nàng ở nơi tam thừa có chí cầu gì?
Ðáp:
-Dùng pháp Thanh Văn hóa độ chúng sanh thì tôi làm Thanh Văn. Dùng pháp nhân duyên hóa độ chúng sanh thì tôi làm Duyên Giác. Dùng pháp đại bi hóa độ chúng sanh thì tôi làm Ðại Thừa.
Xá Lợi Phất! Như người vào rừng huỳnh hoa, chỉ ngửi mùi hương huỳnh hoa, chẳng ngửi mùi hương khác. Cũng thế, nếu vào phòng này, chỉ ngửi mùi hương của công đức Phật, chẳng ưa ngửi mùi hương của công đức nhị thừa.
Xá Lợi Phất! Những vị Thích Phạm Tứ Thiên Vương và Thiên Long, quỷ, thần, v.v... vào trong phòng này, được nghe Thượng nhơn giảng thuyết chánh pháp, đều ưa mùi hương công đức Phật mà phát tâm Ðại Thừa.
Xá Lợi Phất! Tôi ở phòng này mười hai năm, chưa từng nghe pháp nhị thừa, chỉ nghe Phật pháp đại từ đại bi bất khả tư nghì của Bồ tát.
Xá Lợi Phất! Phòng này thường hiện tám thứ pháp khó đắc, chưa từng có. Tám thứ ấy là:
1) Trong phòng thường có ánh sáng màu vàng ngày đêm chiếu soi, chẳng nhờ ánh sáng nhật nguyệt.
2) Kẻ vào phòng này chẳng bị các cấu bẩn làm cho phiền não.
3) Trong phòng này thường có Thích Phạm Tứ Thiên Vương và Bồ Tát ở nơi phương khác đến tụ hợp chẳng gián đoạn.
4) Phòng này thường thuyết sáu Ba La Mật và pháp bất thối chuyển.
5) Phòng này thường trỗi âm nhạc bậc nhất của trời người, vang ra vô lượng pháp âm.
6) Phòng này có bốn kho tàng lớn chứa đầy bửu vật, cứu giúp kẻ nghèo, hễ cầu liền được.
7) Phòng này vô lượng chư Phật nơi mười phương như Phật Thích Ca, Phật A Di Ðà cho đến Phật Sư Tử Hưởng, Phật Nhất Thiết Lợi Thành v.v... Khi Thượng nhơn khởi niệm, liền đền rộng thuyết pháp tạng bí mật của chư Phật, thuyết xong trở về.
8) Phòng này tất cả cung điện của chư Thiên và cõi Tịnh độ của chư Phật đều hiện trong đó.
Ấy là tám thứ pháp chưa từng có.
Xá Lợi Phất! Phòng này thường hiện tám pháp như thế. Người thấy việc bất khả tư nghì này, đâu còn ưa pháp Thanh Văn nữa!
Xá Lợi Phất hỏi:
-Nàng sao chẳng chuyển biến thân nữ đi?
Thiên nữ đáp:
-Tôi từ mười hai năm cầu tướng người nữ trọn bất khả đắc mà chuyển cái gì? Ví như nhà huyễn thuật hóa ra huyễn nữ. Nếu có người hỏi sao chẳng chuyển biến thân nữ đó đi, vậy người hỏi đó có đúng không?
Xá Lợi Phất nói:
-Không ạ! Huyễn chẳng tướng nhất định, làm sao mà chuyển.
Thiên nữ nói:
-Tất cả pháp chẳng có tướng nhất định cũng như thế, sao lại hỏi chẳng chuyển biến thân nữ đi!
Tức thì thiên nữ dùng sức thần thông biến Xá Lợi Phất thành Thiên nữ, tự mình hóa thân như Xá Lợi Phất mà hỏi rằng:
-Sao chẳng chuyển biến thân nữ đi?
Xá Lợi Phất mang tướng thân nữ mà đáp rằng:
-Nay tôi chẳng biết tại sao chuyển biến làm thân nữ?
Thiên nữ nói:
-Nếu Xá Lợi Phất chuyển được thân nữ này, thì tất cả thân nữ cũng chuyển được. Như Xá Lợi Phất chẳng phải người nữ mà hiện thân nữ, tất cả người nữ cũng như thế, dù hiện thân nữ mà chẳng phải người nữ. Cho nên phật thuyết: Tất cả pháp phi nam, phi nữ.
Tức thì Thiên nữ thu nhiếp thần lực lại, thân Xá Lợi Phất trở lại như cũ. Thiên nữ hỏi Xá Lợi Phất rằng:
-Tướng thân nữ của ông nay còn đâu?
Xá Lợi Phất nói:
-Tướng thân nữ chẳng còn, chẳng không còn.
Thiên nữ nói:
-Tất cả pháp cũng như thế, chẳng còn, chẳng không còn. Sự chẳng còn, chẳng không còn đó là do Phật sở thuyết.
Xá Lợi Phất hỏi Thiên nữ:
-Nàng diệt nơi đây, rồi sẽ sanh nơi nào?
Ðáp:
-Phật biến hóa sở sanh. Tôi cũng theo đó sanh.
Nếu Phật biến hóa sở sanh thì chẳng phải diệt và sanh. Chúng sanh cũng chẳng phải diệt và sanh.
Xá Lợi Phất hỏi:
-Nàng bao lâu sẽ đắc Vô Thượng Bồ Ðề?
Ðáp:
-Khi Xá Lợi Phất trở lại phàm phu thì tôi sẽ thành Vô Thượng Bồ Ðề.
Xá Lợi Phất nói:
-Tôi làm phàm phu thì chẳng có chỗ đúng.
-Tôi đắc Vô Thượng Bồ Ðề cũng chẳng có chỗ đúng. Tại sao? Bồ Ðề chẳng nơi trụ, nên chẳng có kẻ đắc.
Xá Lợi Phất nói:
-Nay chư Phật đắc Vô Thượng Bồ Ðề, đã đắc, sẽ đắc như hằng sa. Những việc này gọi là gì?
-Ấy là dùng văn tự, số lượng của thế tục mà nói có tam thế, chứ chẳng phải Bồ Ðề có quá khứ, hiện tại, vị lai.
-Xá Lợi Phất! Ông đắc đạo A La Hán ư?
Ðáp:
-Vì vô sở đắc mà đắc.
Thiên nữ nói:
-Chư Phật Bồ Tát cũng thế. Vì vô sở đắc mà đắc.
Bấy giờ Duy Ma Cật nói với Xá Lợi Phất rằng:
-Thiên nữ này đã từng cúng dường chín mươi hai ức chư Phật. Ðã đắc du hí thần thông của Bồ Tát, nguyện lực đầy đủ, đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, trụ nơi chẳng thối chuyển. Vì theo bổn nguyện, nên tùy ý thị hiện để giáo hóa chúng sanh. Phẩm Phật Ðạo
Thứ Tám
Bấy giờ, Văn Thù hỏi Duy Ma Cật rằng:
-Thế nào là Bồ Tát thông đạt Phật đạo?
Duy Ma Cật nói:
-Nếu Bồ Tát hành nơi phi đạo gọi là thông đạt Phật đạo.
Hỏi:
-Thế nào là Bồ Tát hành nơi phi đạo?
Ðáp:
-Nếu Bồ Tát gây tội ngũ ngịch mà chẳng có buồn giận, đến nơi địa ngục mà chẳng có tội cấu, đến nơi súc sanh mà chẳng có vô minh kiêu mạn, đến nơi ngạ quỷ mà đầy đủ công đức, đến cõi sắc giới và vô sắc giới mà chẳng cho là thù thắng, thị hiện tham dục mà lìa các nhiễm đắm, thị hiện sân hận mà đối với chúng sanh chẳng có quái ngại, thị hiện ngu si mà dùng trí huệ điều phục tâm mình, thị hiện tham lam bỏn xẻn mà bỏ tất cả của cải, chẳng tiếc thân mạng. Thị hiện phá giới mà an trụ tịnh giới, cho đến có tội nhỏ cũng rất sợ hãi. Thị hiện giận dữ mà thường từ bi nhẫn nhục, thị hiện giãi đãi mà siêng tu công đức, thị hiện tán loạn mà thường niệm chánh định, thị hiện ngu si mà thông đạt trí huệ thế gian và xuất thế gian, thị hiện siểm khúc giả dối mà khéo dùng phương tiện tùy theo nghĩa kinh, thị hiện kiêu mạn mà xem chúng sanh cũng như cầu đò độ người. Thị hiện phiền não mà tâm thường thanh tịnh, thị hiện nhập ma mà tùy thuận trí huệ Phật chẳng theo đạo khác. Thị hiện Thanh Văn mà vì chúng sanh thuyết những pháp chưa từng nghe, thị hiện Duyên Giác mà thành tựu đại bi giáo hóa chúng sanh, thị hiện nghèo nàn mà có công đức vô tận, thị hiện tàn tật mà đầy đủ tướng tốt để tự trang nghiêm, thị hiện hạ tiện mà sanh trong chủng tánh Phật, đầy đủ công đức. Thị hiện ốm yếu xấu xí mà được thân Na La Diên (tướng đoan trang hùng mãnh) tất cả chúng sanh đều ham gặp, thị hiện già bệnh mà dứt hẳn gốc bệnh, siêu việt sanh tử. Thị hiện giàu sang mà quán pháp vô thường thật chẳng lòng tham, thị hiện có thê thiếp tỳ nữ mà thường xa lìa bùn lầy ngũ dục, thị hiện nơi ngu độn mà thành tựu biện tài, chẳng mất Tổng trì, thị hiện vào tà đạo mà dùng tà đạo cứu độ chúng sanh, thị hiện vào khắp các đạo mà đoạn dứt các nhân duyên, thị hiện nơi Niết Bàn mà chẳng dứt sanh tử. Văn Thù! Bồ Tát hành nơi phi đạo như thế gọi là thông đạt Phật đạo.
Bấy giờ, Duy Ma Cật hỏi Văn Thù:
-Thế nào là hạt giống Như Lai?
Ðáp:
-Có thân là hạt giống Như Lai. Vô minh có ái là giống, tham sân si là giống, tứ điên đảo là giống, ngũ cái (ngũ dục) là giống, lục nhập là giống, thất thức xứ là giống, bát tà pháp là giống, cửu não là giống, thập bất thiện đạo ... là giống. Nói tóm lại, sáu mươi hai kiến chấp vá tất cả phiến não đều là hạt giống Phật.
Hỏi:
-Tại sao?
Ðáp:
-Nếu kẻ thấy vô vi vào chánh vị thì chẳng thể còn phát Tâm Vô Thượng Bồ Ðề nữa. Ví như chỗ gò cao chẳng thể sanh hoa sen, mà nơi bùn lầy ẩm thấp mới sanh hoa sen. Cũng thế, kẻ thấy pháp vô vi vào chánh vị thì chẳng còn có thể sanh khởi Phật pháp, trong bùn lầy phiền não mới có chúng sanh sanh khởi Phật pháp thôi. Như gieo giống nơi hư không thì chẳng thể sanh khởi, ở đất phân bùn mới tốt tươi được. Cũng thế, kẻ vào vô vi chánh vị chẳng sanh khởi Phật pháp, kẻ có ngã kiến như núi Tu Di còn có thể phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề, sanh khởi Phật pháp. Nên biết tất cả phiền não là hạt giống Như Lai, ví như chẳng xuống biển cả thì chẳng được bữu châu vô giá. Cũng thế, chẳng vào biển phiền não thì chẳng thể đắc ngọc báu Nhất Thiết Trí vậy.
Lúc ấy Ðại Ca Diếp tán thán rằng:
-Lành thay! Lành thay! Văn Thù! Lời này rất đúng. Thật như lời ông nói, bọn trần lao mới là hạt giống của Như Lai, nay chúng tôi chẳng còn có thể phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề. Người mang tội ngũ vô gián còn có thể phát tâm sanh nơi Phật pháp, mà chúng tôi đây trọn chẳng thể phát, ví như những người ngũ căn đã hư, đối với ngũ dục chẳng còn cảm xúc. Cũng thế, hàng Thanh Văn đã dứt phiền não trói buộc, xem Phật pháp chẳng còn ích lợi gì nên chẳng phát nguyện nữa.
Cho nên, Văn Thù! Phàm phu ở nơi Phật pháp có biến chuyển mà Thanh Văn thì không. Tại sao? Phàm phu nghe Phật pháp dược sanh khởi đạo tâm vô thượng, chẳng dứt hạt giống Tam Bảo. Dẫu cho Thanh Văn suốt đời nghe Phật pháp và được sức vô úy v.v... chung qui chẳng thể phát đạo tâm vô thượng.
Khi ấy, trong Hội có vị Bồ Tát tên Phổ Hiện Sắc Thân hỏi Duy Ma Cật rằng:
-Cha mẹ, vợ con, thân nhân, quyến thuộc, thầy trò, tri thức của cư sĩ mỗi mỗi là ai? Tỳ nữ, tôi tớ, voi ngựa, xe cộ nay ở nơi nào?
Duy Ma Cật dùng bài kệ đáp rằng:
TRÍ là mẹ Bồ Tát,
PHƯƠNG TIỆN gọi là cha,
Ðạo sư tất cả chúng,
Ðều từ đó sinh ra.
PHÁP HỈ chính là vợ,
TÂM TỪ BI là gái,
TÂM THÀNH THẬT là trai,
KHÔNG TỊCH là nhà cửa.
TRẦN LAO là đệ tử,
Tùy ý để giáo hóa,
Ðạo phẩm thiện tri thức.
Do đó thành chánh giác.
PHÁP LỤC ÐỘ là bạn,
TỨ NHIẾP là ca nữ,
Xướng ngâm tụng lời pháp,
Lấy đó làm âm nhạc.
TỔNG TRÌ là vườn bông,
VÔ LẬU là rừng cây,
GIÁC TÂM là diệu hoa,
Giải thoát trí huệ quả.
BÁT GIẢI là ao tắm,
Nước Ðịnh lặng trong đầy.
Bảy thứ hoa trong sạch,
Ðể tắm người không nhơ.
Ngũ thông voi ngựa chạy,
ÐẠI THỪA là xe cộ,
NHẤT TÂM là phu xe,
Dạo nơi BÁT CHÁNH ÐẠO.
Tướng tốt để nghiêm thân,
Và trang điểm dung mạo,
HỔ THẸN làm quần áo,
THÂM TÂM làm tràng hoa,
Giàu sang đầy thất bửu.
Giáo thọ sanh lợi tức,
Tu hành theo sở thuyết,
Hồi hướng là lợi lớn.
TỨ THIỀN làm sàng tọa,
Từ nơi Tịnh mạng sanh.
Ða văn thêm trí huệ.
Ấy là tiếng tự giác.
Món ăn: Pháp cam lồ,
Nước uống: vị giải thoát,
Tắm rửa là TỊNH TÂM,
HƯƠNG HOA là GIỚI PHẨM,
Trừ dẹp phiền não tặc,
Dũng cảm chẳng ai bằng.
Hàng phục bốn thứ ma,
Phướn thắng dựng đạo tràng, (1)
Dù biết chẳng sanh diệt,
Phương tiện hiện có sanh.
Hiện khắp các quốc độ,
Như mặt trời soi khắp.
Cúng dường khắp mười phương,
Vô lượng ức Như Lai,
Chư Phật và thân mình,
Chẳng có phân biệt tưởng. Ghi chú:
Phướn thắng: Ở Ấn Ðộ, hễ biện luận Phật pháp được thắng lợi thì dựng lập phướng thắng. Ở nơi đạo tràng hàng ma cũng dựng lập phướng thắng để tỏ sự thắng lợi.
Dù biết các cõi Phật,
Và chúng sanh tánh không,
Mà thường tu tịnh độ.
Giáo hóa khắp mỗi loài,
Bồ Tát vô úy lực,
Oai nghi và sắc thinh,
Cùng hiện trong nhất thời.
Biết rõ việc ma chúng,
Mà theo hành của họ.
Khéo dùng trí phương tiện,
Mà tùy ý thị hiện.
Hoặc hiện già, bệnh, chết,
Thành tựu cho chúng sanh.
Liễu tri như huyễn hóa,
Thông đạt chẳng chướng ngại.
Hiện kiếp hỏa cháy tan,
Trời đất đều trống rỗng,
Nếu chúng sanh chấp thường,
Thì cho biết vô thường.
Vô số ức chúng sanh.
Cùng nhau thỉnh Bồ Tát,
Nhất thời đến nhà họ,
Dạy cho hướng đạo Phật,
Phép chú và kinh sách,
Với công thương - kỹ nghệ,
Ðều hiện làm việc này.
Lợi ích cho chúng sanh,
Các đạo pháp thế gian,
Thảy xuất gia trong đó,
Ðược giải mê cho người,
Mà chẳng đọa tà kiến.
Hoặc làm Nhựt nguyệt thiên,
Phạm Vương chúa thế giới,
Hoặc địa thủy hỏa phong,
Hoặc gặp có bệnh dịch,
Hiện làm các dược thảo,
Người được uống thuốc đó,
Bệnh trừ, độc cũng tiêu.
Trong đời có đói khát,
Hiện làm đò ăn uống,
Trước cứu đói khát họ,
Sau giảng dạy Phật pháp.
Trong đời có chiến tranh,
Khiến khởi tâm từ bi,
Hóa độ những chúng sanh,
Trụ nơi đất vô tranh.
Hai trận đang đánh nhau,
Mà giúp bên sức yếu,
Hiện oai thế Bồ Tát,
Hàng phục khiến giải hòa.
Trong tất cả quốc độ,
Chỗ nào có địa ngục,
Thì đi đến nơi đó,
Cứu vớt khổ não họ,
Trong tất cả quốc độ,
Súc sinh ăn nuốt nhau,
Thị hiện sanh nơi đó,
Giải oán thù cho họ.
Dù thọ nơi ngũ dục,
Mà cũng hiện tu thiền,
Khiến tâm ma rối loạn,
Chẳng có dịp khuấy phá,
Trong lửa sanh hoa sen,
Ấy là việc hy hữu.
Thọ dục mà thành Thiền,
Hy hữu cũng như thế.
Hoặc hiện làm dâm nữ,
Dụ kẻ mê sắc đẹp,
Trước dùng dục lôi kéo,
Sau khiến vào trí Phật.
Hoặc làm chủ trong ấp,
Hoặc làm thầy khách buôn,
Quốc sư và đại thần,
Ðể lợi ích chúng sanh.
Chỗ nào có kẻ nghèo,
Hiện làm kho vô tận,
Nhân đó khuyên dạy họ,
Khiến phát Bồ Ðề Tâm.
Gặp kiêu căng ngã mạn,
Thì hiện làm lực sĩ,
Ðể hàng phục cống cao,
Khiến trụ vô thượng đạo.
Những người hay sợ sệt,
Trước thí pháp vô úy,
Sau khiến phát đạo tâm,
Cho họ được an ủi.
Hoặc hiện lìa dâm dục,
Mà làm tiên ngũ thông,
Dẫn dắt cho chúng sanh,
Khiến trụ giới nhẫn từ.
Thấy người cần hầu hạ,
Hiện làm kẻ tôi tớ,
Cho họ được vui lòng,
Nhân đó phát đạo tâm.
Khéo dùng sức phương tiện,
Tùy theo nhu cầu họ,
Ðể giúp cho đầy đủ,
Ðể được vào Phật đạo.
Ðạo pháp nhiều vô lượng,
Sở hành chẳng bờ bến,
Trí huệ lớn vô biên,
Ðộ thoát vô số chúng.
Giả sử tất cả Phật,
Nơi vô số ức kiếp,
Tán thán công đức ấy,
Cũng chẳng thể hết được,
Ai nghe pháp như thế,
Chẳng phát Bồ Ðề Tâm!
Trừ Xiển Ðề chẳng tin,
Và ngu si vô trí. Phẩm Nhập Pháp Môn Bất Nhị
Thứ Chín
Bấy giờ, Duy Ma Cật bảo các Bồ Tát rằng:
-Các nhơn giả! Bồ Tát làm sao nhập pháp môn bất nhị? Hãy tùy sở ngộ của mình mà nói ra.
Trong hội có Bồ Tát tên là Pháp Tự Tại nói:
-Các nhơn giả! Sanh diệt là nhị. Pháp vốn chẳng sanh, nay cũng chẳng diệt. Ðắc Vô Sanh Pháp Nhẫn này, gọi là nhập pháp môn bất nhị.
Ðức Thủ Bồ Tát rằng:
-Ngã với sở là nhị. Vì có ngã mới có sở. Nếu chẳng có ngã thì chẳng ngã sở. Ấy là nhập pháp môn bất nhị.
Bất Thuấn Bồ Tát rằng:
-Thọ với chẳng thọ là nhị. Nếu pháp chẳng thọ thì bất khả đắc, vì bất khả đắc nên vô thủ xả, vô tác, vô hành. Ấy là nhập pháp môn bất nhị.
Ðức Ðảnh Bồ Tát rằng:
-Cấu với tịnh là nhị. Nếu thấy thật tánh của cấu, thì tướng chẳng tịnh, cũng là thuận theo tướng diệt. Ấy là nhập pháp môn bất nhị.
Thiện Túc Bồ Tát rằng:
-Ðộng với niệm là nhị. Bất động thì vô niệm, vô niệm thì chẳng phân biệt. Thông đạt lý này là nhập pháp môn bất nhị.
Thiên Nhãn Bồ Tát rằng:
-Nhất tướng vô tướng là nhị. Nếu biết nhất tướng tức là vô tướng, cũng chẳng chấp vô tướng, vào nơi bình đẳng. Ấy là nhập pháp môn bất nhị.
Diệu Tý Bồ Tát rằng:
-Tâm Bồ Tát, tâm Thanh Văn là nhị. Kẻ quán tâm tướng vốn không, như huyễn hóa, thì chẳng có tâm Bồ Tát, tâm Thanh Văn. Ấy là nhập pháp môn bất nhị.
Phất Sa Bồ Tát rằng:
-Thiện với bất thiện là nhị. Nếu chẳng khởi thiện, bất thiện thì vào nơi vô tướng. Kẻ thông đạt lý này là nhập pháp môn bất nhị.
Sư Tử Bồ Tát rằng:
-Tội với phước là nhị. Nếu thông đạt tánh tội, thì với tánh phước chẳng khác. Kẻ dùng trí huệ Kim Cang thấu liễu tướng này vốn chẳng trói mở. Ấy là nhập pháp môn bất nhị.
Sư Tủ Ý Bồ Tát rằng:
-Hữu lậu vô lậu là nhị. Nếu chứng được các pháp bình đẳng thì chẳng khởi niệm lậu và vô lậu, chẳng chấp nơi tướng, cũng chẳng trụ nơi vô tướng. Ấy là nhập pháp môn bất nhị.
Tịnh Giải Bồ Tát rằng:
-Hữu vi vô vi là nhị. Nếu lìa tất cả số lượng, tâm như hư không, thì trí hụệ trong sạch, chẳng có chướng ngại. Ấy là nhập pháp môn bất nhị.
Na La Diên Bồ Tát rằng:
-Thế gian xuất thế gian là nhị. Thế gian tánh không tức là xuất thế gian, ở trong đó chẳng nhập chẳng xuất, chẳng trào chẳng tan. Ấy là nhập pháp môn bất nhị.
Thiện Ý Bồ Tát rằng:
-Sanh Tử Niết Bàn là nhị. Nếu thấy tánh sanh tử thì chẳng có sanh tử, chẳng trói chẳng mở. Vậy chẳng sanh tử cũng chẳng Niết Bàn. Kẻ hiểu như thế là nhập pháp môn bất nhị.
Hiện Kiến Bồ Tát rằng:
-Tận với bất tận là nhị. Pháp nếu cứu cánh, thì tận và bất tận đều là tướng vô tận. Tướng vô tận tức là không. Không thì chẳng có tướng tận và bất tận. Ngộ nhập như thế, là nhập pháp môn bất nhị.
Phổ Thủ Bồ Tát rằng:
-Ngã với vô ngã là nhị. Ngã còn bất khả đắc, phi ngã làm sao đắc. Kẻ thấy thật tánh của ngã thì chẳng khởi nhị pháp. Ấy là nhập pháp môn bất nhị.
Ðiện Thiên Bồ Tát rằng:
-Minh với vô minh là nhị. Thật tánh của vô minh tức là minh. Minh cũng bất khả đắc, lìa tất cả số lượng. Ở trong đó bình đẳng chẳng khác. Ấy là nhập pháp môn bất nhị.
Hỷ Kiến Bồ Tát rằng:
-Sắc với không là nhị. Sắc tức là không. Chẳng phải sắc diệt rồi mới không. Tánh sắc tự không. Thọ, tưởng, hành, thức cũng thế. Ngũ uẩn với không là nhị. Ngũ uẩn tức là không. Chẳng phải ngũ uẩn diệt rồi mới không. Tánh ngũ uẩn tự không. Thấu đạt lý này là nhập pháp môn bất nhị.
Minh Tướng Bồ Tát rằng:
-Tứ đại khác với không đại là nhị. Tánh tứ đại tức là tánh không đại. Như quá kứ, vị lai tánh không, thì hiện tại cũng không. Nếu biết thật tánh chư đại như thế, là nhập pháp môn bất nhị.
Diệu Ý Bồ Tát rằng:
-Nhãn với sắc là nhị. Nếu ngộ biết tánh nhãn, nơi sắc chẳng khởi tham sân si gọi là tịch diệt. Cũng thế, nhĩ - thanh, tỷ - hương, thiệt - vị, thân - xúc, ý - pháp là nhị. Nếu ngộ biết tánh lục căn, nơi lục trần chẳng khởi tham sân si gọi là tịch diệt. An trụ trong đó là nhập pháp môn bất nhị.
Vô Tận Ý Bồ Tát rằng:
-Bố thí với hồi hướng nhất thiết trí là nhị. Tánh bố thí tức là tánh hồi hướng nhất thiết trí. Cũng thế, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí huệ với hồi hướng nhất thiết trí là nhị. Tánh của sáu Ba La Mật tức là tánh hồi hướng nhất thiết trí. Kẻ ở trong đó ngộ nhập nhất tướng là nhập pháp môn bất nhị.
Thâm Huệ Bồ Tát rằng:
-Không với Vô tướng, Vô tác là nhị. Không tức vô tướng, vô tướng tức vô tác. Ba cửa giải thoát này: không với vô tướng, vô tác nghĩa là vô tâm, ý, thức. Một cửa giải thoát tức ba cửa giải thoát. Ấy là nhập pháp môn bất nhị.
Tịch Căn Bồ Tát rằng:
-Phật Pháp Tăng là nhị. Phật tức Pháp, Pháp tức Tăng. Tam bảo đều là tướng vô vi, bằng như hư không. Tất cả pháp cũng thế. Kẻ hành theo pháp này là nhập pháp môn bất nhị.
Tâm Vô Ngại Bồ Tát rằng:
-Thân với thân diệt là nhị. Thân tức là thân diệt. Tại sao? Kẻ thấy thật tướng của thân thì chẳng thấy có thân và thân diệt. Thân và thân diệt chẳng hai chẳng khác. Ðối với pháp chẳng khác này chẳng khiếp sợ. Ấy là nhập pháp môn bất nhị.
Thượng Thiện Bồ Tát rằng:
-Thân khẩu ý nghiệp là nhị. Tam nghiệp ấy đều là tướng vô tác. Vậy thân vô tác, tức khẩu vô tác. Khẩu vô tác, tức ý vô tác. Tướng vô tác của tam nghiệp này là tướng vô tác của tất cả pháp. Kẻ có trí huệ tùy thuận tướng vô tác như thế, là nhập pháp môn bất nhị.
Phước Ðiền Bồ Tát rằng:
-Phước hạnh, tội hạnh, bất động hạnh là nhị. Thật tánh của ba hạnh tức là tánh không. Tánh không thì chẳng phước hạnh, tội hạnh và bất động hạnh. Vậy, chẳng sanh khởi ba hạnh là nhập pháp môn bất nhị.
Hoa Nghiêm Bồ Tát rằng:
-Do ngã khởi nhị là nhị. Kẻ thấy được thật tướng của ngã thì chẳng khởi nhị pháp. Chẳng trụ nơi nhị pháp thì chẳng có năng biết và sở biết. Ấy là nhập pháp môn bất nhị.
Ðức Tạng Bồ Tát rằng:
-Có tướng sở đắc là nhị. Nếu vô sở đắc thì chẳng thủ xả, cũng chẳng kẻ thủ xả. Ấy là nhập pháp môn bất nhị.
Nguyệt Thượng Bồ Tát rằng:
-Tối với sáng là nhị. Chẳng tối chẳng sáng thì chẳng có nhị. Tại sao? Như nhập định Diệt Thọ Tưởng thì chẳng có tối sáng. Tất cả pháp tướng cũng thế. Kẻ nhập nơi bình đẳng là nhập pháp môn bất nhị.
Bảo Ấn Thủ Bồ Tát rằng:
-Ưa Niết Bàn, chán thế gian là nhị. Nếu chẳng ưa Niết Bàn, chẳng chán thế gian thì chẳng có nhị. Tại sao? Hễ có trói mới có mở. Nếu vố chẳng trói thì ai cần mở? chẳng trói chẳng mở, thì chẳng ưa chẳng chán. Ấy là nhập pháp môn bất nhị.
Châu Ðảnh Vương Bồ Tát rằng:
-Chánh đạo tà đạo là nhị. Kẻ trụ nơi chánh đạo thì chẳng nên phân biệt tà chánh. Lìa hai thứ này là nhập pháp môn bất nhị.
Lạc Thập Bồ Tát rằng:
-Thật với chẳng thật là nhị. Kẻ thấy thật tướng còn chẳng thấy có thật, huống là chẳng thật. Tại sao? Thật tường chẳng phải là sở thấy của nhục nhãn, có huệ nhãn mới thấy được. Mà huệ nhãn này thì chẳng có thấy với chẳng thấy. Ấy là nhập pháp môn bất nhị.
Các Bồ Tát mỗi mỗi đã nói xong như trên, rồi hỏi Văn Thù: Thế nào là nhập pháp môn bất nhị của Bồ Tát?
Văn Thù đáp:
-Theo ý tôi, nơi tất cả pháp vô ngôn vô thuyết, vô thị vô thức, lìa nơi vấn đáp. Ấy là nhập pháp môn bất nhị.
Khi đó Văn Thù hỏi Duy Ma Cật rằng:
-Chúng tôi mỗi mỗi đã tự nói xong. Nay đến lượt Nhơn giả nói: "Thế nào là nhập pháp môn bất nhị của Bồ Tát?"
Duy Ma Cật im lặng. Văn Thù tán thán rằng:
-Lành thay! Lành thay! Cho đến chẳng có văn tự, lời nói mới là chơn nhập pháp môn bất nhị.
Khi thuyết phẩm này rồi, ở trong chúng có năm ngàn vị Bồ Tát đều nhập pháp môn bất nhị, đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.253.195 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.