Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
PHẨM 24: DIỆU ÂM BỒ-TÁT
Lúc bấy giờ Đức Phật Thích-ca-mâu-ni phóng quang minh từ đảnh nhục kế, là tướng của bậc đại nhân, và phóng ra ánh sáng từ tướng bạch hào ở giữa đôi chân mày. Hào quang đó biến chiếu 108 vạn ức na-do-tha Hằng Hà sa thế giới của chư Phật ở phương đông.
Vượt qua số thế giới này có một thế giới tên là Tịnh Quang Trang Nghiêm. Quốc độ ấy có một Đức Phật, hiệu là Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Có vô lượng vô biên Bồ-tát đại chúng đang cung kính vây quanh và Ngài thuyết Pháp cho họ. Khi ấy, ánh sáng bạch hào của Đức Phật Thích-ca-mâu-ni chiếu soi khắp cõi nước kia.
Lúc bấy giờ trong quốc độ Nhất Thiết Tịnh Quang Trang Nghiêm có một vị Bồ-tát tên là Diệu Âm. Từ xưa ngài đã gieo trồng căn lành, thân cận cúng dường vô lượng trăm ngàn vạn ức chư Phật và thành tựu được trí tuệ thậm thâm. Ngài đã đắc:
- Diệu Tràng Tướng Chánh Định,
- Pháp Hoa Chánh Định,
- Tịnh Đức Chánh Định,
- Tú Vương Hí Chánh Định,
- Vô Duyên Chánh Định,
- Trí Ấn Chánh Định,
- Giải Nhất Thiết Chúng Sanh Ngữ Ngôn Chánh Định,
- Tập Nhất Thiết Công Đức Chánh Định,
- Thanh Tịnh Chánh Định,
- Thần Thông Du Hí Chánh Định,
- Tuệ Cự Chánh Định,
- Trang Nghiêm Vương Chánh Định,
- Tịnh Quang Minh Chánh Định,
- Tịnh Tạng Chánh Định,
- Bất Cộng Chánh Định,
- và Nhật Toàn Chánh Định.
Ngài đã đắc trăm ngàn vạn ức Hằng Hà sa các đại chánh định như thế.
Khi hào quang của Đức Phật Thích-ca-mâu-ni chiếu đến thân, ngài liền thưa với Tịnh Hoa Tú Vương Trí Phật rằng:
"Thưa Thế Tôn! Con nên đi đến Thế giới Kham Nhẫn để lễ bái, thân cận, và cúng dường Đức Phật Thích-ca-mâu-ni cùng thấy được Diệu Cát Tường Pháp Vương Tử Bồ-tát, Dược Vương Bồ-tát, Dũng Thí Bồ-tát, Tú Vương Hoa Bồ-tát, Thượng Hành Ý Bồ-tát, Trang Nghiêm Vương Bồ-tát, và Dược Thượng Bồ-tát."
Lúc bấy giờ Đức Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí bảo Diệu Âm Bồ-tát rằng:
"Ông chớ khinh cõi nước kia và nghĩ rằng nó thấp kém.
Này thiện nam tử! Thế giới Kham Nhẫn kia có chỗ cao chỗ thấp và không bằng phẳng. Có đất, đá, núi non, và tràn đầy các đồ dơ bẩn cùng những việc xấu ác. Phật thân bé nhỏ và thân hình của chư Bồ-tát cũng nhỏ. Còn thân ông cao 42.000 do-tuần, thân Ta cao 680 vạn do-tuần. Thân của ông đoan chánh đệ nhất với trăm ngàn vạn phước cùng quang minh thù diệu. Cho nên khi đến nơi đó, ông chớ khinh khi và sanh ý tưởng thấp kém đối với cõi nước kia cùng Phật và chư Bồ-tát ở quốc độ ấy."
Diệu Âm Bồ-tát bạch Đức Phật kia rằng:
"Bạch Thế Tôn! Bây giờ con sẽ đi đến Thế giới Kham Nhẫn bằng vào sức của Như Lai, thần thông du hí của Như Lai, và công đức trí tuệ trang nghiêm của Như Lai.
Khi ấy, thân của Diệu Âm Bồ-tát chẳng động dao, không rời khỏi tòa và nhập chánh định. Bằng với sức chánh định, ngài đi đến núi Linh Thứu cách Pháp tòa không xa. Rồi biến hóa ra 84.000 chúng bảo liên hoa, với cọng làm bằng vàng ở sông Thắng Kim, bạc trắng làm lá, kim cang làm nhụy, và ngọc xích bảo làm cuống.
Lúc bấy giờ khi Diệu Cát Tường Pháp Vương Tử thấy những hoa sen này, ngài bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà hiện ra điềm tướng này, có vài ngàn vạn hoa sen với cọng làm bằng vàng ở sông Thắng Kim, bạc trắng làm lá, kim cang làm nhụy, và ngọc xích bảo làm cuống?"
Lúc bấy giờ Đức Phật Thích-ca-mâu-ni bảo ngài Diệu Cát Tường:
"Đây là do Diệu Âm Đại Bồ-tát từ quốc độ của Đức Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí, ngài với 84.000 Bồ-tát đang vây quanh Đức Phật kia, họ muốn đến Thế giới Kham Nhẫn này để cúng dường, thân cận, và lễ bái Ta. Lại cũng muốn cúng dường và nghe Kinh Pháp Hoa."
Ngài Diệu Cát Tường bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn! Vị Bồ-tát đó đã gieo trồng căn lành và tu công đức gì mà có sức đại thần thông này? Ngài đã tu hành chánh định gì? Ngưỡng mong Thế Tôn nói các danh tự của chánh định ấy cho chúng con. Chúng con cũng muốn siêng tu hành các chánh định ấy để có thể thấy sắc tướng, dáng vóc, và uy nghi lúc đến đi của vị Bồ-tát này.
Kính mong Thế Tôn hãy dùng sức thần thông để khiến chúng con thấy được khi vị Bồ-tát kia đến."
Lúc bấy giờ Đức Phật Thích-ca-mâu-ni bảo ngài Diệu Cát Tường:
"Đức Đa Bảo Như Lai đã diệt độ từ lâu, sẽ vì các ông mà hiện ra các tướng đó."
Khi ấy Đức Phật Đa Bảo nói với vị Bồ-tát kia rằng:
"Hãy đến, thiện nam tử! Diệu Cát Tường Pháp Vương Tử muốn thấy thân ông."
Diệu Âm Bồ-tát liền biến mất ở cõi nước kia và cùng 84.000 Bồ-tát đồng khởi hành. Các quốc độ đi qua thảy đều chấn động sáu cách, mưa xuống hoa sen bảy báu và trăm ngàn âm nhạc trời không cần khảy mà tự vang.
Mắt của vị Bồ-tát này rộng lớn như cánh hoa sen xanh. Cho dù cả trăm ngàn vạn mặt trăng hợp lại thì cũng không vượt hơn diện mạo đoan chánh của ngài. Thân có màu sắc vàng ròng và trang nghiêm với vô lượng trăm ngàn công đức. Uy đức hiển hách, quang minh chiếu diệu, đầy đủ mọi tướng và thân kiên cố như Đại Lực Thiên.
Khi ấy ngài vào đài thất bảo và bay lên hư không cách mặt đất với độ cao bằng bảy cây tāla, cùng với chư Bồ-tát cung kính vây quanh, ngài đi đến núi Linh Thứu ở Thế giới Kham Nhẫn. Lúc đến nơi, ngài bước xuống đài bảy báu và cầm xâu chuỗi anh lạc với trị giá hàng trăm ngàn. Sau đó, ngài đi đến chỗ của Đức Phật Thích-ca-mâu-ni, cúi đầu đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật, rồi dâng lên xâu chuỗi anh lạc và bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn! Đức Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí thăm hỏi Thế Tôn không có bệnh và không có phiền não chứ? Đi đứng có nhẹ nhàng chăng? Hạnh làm có an lạc chăng? Tứ đại có điều hòa chăng? Thế sự có thể nhẫn chăng? Chúng sanh có dễ độ, ít tham dục, sân hận, ngu si, tật đố, keo kiệt, và ít khinh mạn chăng? Có ai bất hiếu với cha mẹ, chẳng kính trọng Sa-môn, tà kiến, tâm bất thiện và không thu nhiếp năm thứ tình chăng?
Bạch Thế Tôn! Chúng sanh có thể hàng phục chúng ma oán chăng? Đức Đa Bảo Như Lai đã diệt độ từ lâu đang ở trong tháp bảy báu có đến nghe Pháp chăng?"
Rồi ngài cũng lại thăm hỏi về Đức Đa Bảo Như lai có được an ổn, ít phiền não, và kham nhẫn cửu trụ không.
"Bạch Thế Tôn! Con nay muốn thấy Đức Phật Đa Bảo. Duy nguyện Thế Tôn hãy làm cho con trông thấy."
Lúc bấy giờ Đức Phật Thích-ca-mâu-ni bảo Đức Phật Đa Bảo rằng:
"Diệu Âm Bồ-tát này muốn được thấy Ngài."
Khi đó Đức Phật Đa Bảo nói với Diệu Âm Bồ-tát rằng:
"Lành thay, lành thay! Ông vì cúng dường Đức Phật Thích-ca-mâu-ni, muốn nghe Kinh Pháp Hoa, cùng muốn thấy Diệu Cát Tường Bồ-tát và các vị khác nên mới đến đây."
Lúc bấy giờ Hoa Đức Bồ-tát bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn! Vị Diệu Âm Bồ-tát này đã gieo trồng thiện căn và tu công đức gì mà có thần lực như thế?"
Phật bảo Hoa Đức Bồ-tát:
"Vào thuở quá khứ có Đức Phật hiệu là Vân Lôi Âm Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác. Quốc độ tên là Hiện Nhất Thiết Thế Gian. Kiếp tên là Hỷ Kiến. Suốt 1.200 năm, Diệu Âm Bồ-tát đã dùng trăm ngàn loại âm nhạc để cúng dường Đức Phật Vân Lôi Âm Vương và cũng dâng lên 84.000 bình bát bảy báu. Do quả báo của nhân duyên đó nên nay sanh ở cõi nước của Đức Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí và có thần lực như thế.
Này Hoa Đức! Ý ông nghĩ sao?
Diệu Âm Bồ-tát đã cúng dường âm nhạc và dâng lên bình bát báu cho Đức Phật Vân Lôi Âm Vương thuở đó nào có ai khác đâu, nay chính là Diệu Âm Đại Bồ-tát.
Này Hoa Đức! Diệu Âm Bồ-tát đã từng cúng dường và thân cận vô lượng chư Phật. Từ xưa đã gieo trồng căn lành và lại gặp Hằng Hà sa trăm ngàn vạn ức na-do-tha chư Phật.
Này Hoa Đức! Ông chỉ thấy thân của Diệu Âm Bồ-tát đang ở tại nơi đây. Nhưng vị Bồ-tát này hóa hiện đủ mọi thân hình ở khắp nơi để thuyết giảng Kinh điển này cho các chúng sanh.
- Hoặc hiện thân Phạm Vương;
- Hoặc hiện thân Đế Thích;
- Hoặc hiện thân Tự Tại Thiên;
- Hoặc hiện thân Đại Tự Tại Thiên;
- Hoặc hiện thân thiên đại tướng quân;
- Hoặc hiện thân Đa Văn Thiên Vương;
- Hoặc hiện thân Chuyển Luân Thánh Vương;
- Hoặc hiện thân tiểu vương;
- Hoặc hiện thân trưởng giả;
- Hoặc hiện thân cư sĩ;
- Hoặc hiện thân tể quan;
- Hoặc hiện thân Bà-la-môn;
- Hoặc hiện thân Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di;
- Hoặc hiện thân phu nhân của trưởng giả hay cư sĩ;
- Hoặc hiện thân phu nhân của tể quan;
- Hoặc hiện thân phu nhân của Bà-la-môn;
- Hoặc hiện thân đồng nam, đồng nữ;
- Hoặc hiện thân trời, rồng, dạ-xoa, tầm hương thần, phi thiên, kim sí điểu, nghi thần, đại mãng xà, người và phi nhân mà thuyết giảng Kinh này.
Ở những nơi có địa ngục, ngạ quỷ, bàng sanh cùng các chướng nạn, ngài đều có thể cứu hộ. Cho đến trong hậu cung của vua, ngài cũng có thể biến hiện thân nữ mà thuyết giảng Kinh này.
Này Hoa Đức! Diệu Âm Bồ-tát có thể cứu hộ hết thảy chúng sanh ở Thế giới Kham Nhẫn. Diệu Âm Bồ-tát này có thể biến hóa đủ mọi thân hình như thế. Ngài ở tại Thế giới Kham Nhẫn thuyết giảng Kinh điển này cho các chúng sanh mà thần thông biến hóa và trí tuệ chẳng hề tổn giảm.
Ánh sáng trí tuệ của vị Bồ-tát này chiếu soi Thế giới Kham Nhẫn, khiến tất cả mỗi chúng sanh được sự hiểu biết của mình. Trong Hằng Hà sa thế giới ở mười phương cũng lại như vậy.
Đáng dùng thân Thanh Văn để độ thoát, liền hiện thân Thanh Văn mà thuyết Pháp cho họ.
Đáng dùng thân Độc Giác để độ thoát, liền hiện thân Độc Giác mà thuyết Pháp cho họ.
Đáng dùng thân Bồ-tát để độ thoát, liền hiện thân Bồ-tát mà thuyết Pháp cho họ.
Đáng dùng thân Phật độ thoát, liền hiện thân Phật mà thuyết Pháp cho họ.
Và như vậy, ngài dùng đủ mọi thân hình mà tùy cơ hóa độ, cho đến nếu cần hiện diệt độ để độ thoát, sẽ liền thị hiện diệt độ.
Này Hoa Đức! Diệu Âm Đại Bồ-tát thành tựu sức đại thần thông và trí tuệ, việc đó là như vậy."
Lúc bấy giờ Hoa Đức Bồ-tát bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn! Diệu Âm Bồ-tát ấy đã gieo trồng thiện căn rất sâu dày.
Bạch Thế Tôn! Vị Bồ-tát này đã trụ chánh định gì mà có thể biến hiện để độ thoát chúng sanh như thế?"
Phật bảo Hoa Đức Bồ-tát:
"Này thiện nam tử! Chánh Định đó tên là Hiện Nhất Thiết Sắc Thân. Diệu Âm Bồ-tát trụ trong chánh định này nên mới có thể làm lợi ích vô lượng chúng sanh như thế."
Khi thuyết Phẩm Diệu Âm Bồ-tát này, 84.000 vị tùy tùng với Diệu Âm Bồ-tát đều đắc Hiện Nhất Thiết Sắc Thân Chánh Định. Vô lượng Bồ-tát ở Thế giới Kham Nhẫn cũng đắc chánh định và tổng trì đó.
Lúc bấy giờ khi Diệu Âm Đại Bồ-tát đã cúng dường Đức Phật Thích-ca-mâu-ni cùng tháp của Phật Đa Bảo xong, ngài trở về bổn độ. Các cõi nước đi qua đều chấn động sáu cách, mưa xuống bảo liên hoa và vang lên trăm ngàn loại âm nhạc.
Khi đã trở về bổn quốc, cùng với 84.000 Bồ-tát vây quanh, ngài đi đến chỗ của Đức Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí và bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn! Con đã đến Thế giới Kham Nhẫn để lợi ích chúng sanh. Con diện kiến Đức Phật Thích-ca-mâu-ni cùng thấy tháp của Phật Đa Bảo và đã lễ bái cúng dường. Con cũng lại thấy Diệu Cát Tường Pháp Vương Tử Bồ-tát, Dược Vương Bồ-tát, Đắc Cần Tinh Tấn Lực Bồ-tát, Dũng Thí Bồ-tát, và những vị khác. Con cũng lại khiến cho 84.000 Bồ-tát nơi đây đắc Hiện Nhất Thiết Sắc Thân Chánh Định."
Khi đã thuyết Phẩm Diệu Âm Bồ-tát từ lúc đến và lúc trở về xong, 42.000 thiên tử đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn. Hoa Đức Bồ-tát đắc Pháp Hoa Chánh Định. PHẨM 25: QUÁN THẾ ÂM BỒ-TÁT PHỔ MÔN
Lúc bấy giờ Vô Tận Ý Bồ-tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo lộ vai phải, chắp tay hướng Phật, bạch rằng:
"Bạch Thế Tôn! Quán Thế Âm Bồ-tát do nhân duyên gì mà tên là Quán Thế Âm?"
Phật bảo Vô Tận Ý Bồ-tát:
"Này thiện nam tử! Nếu có vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sanh đang thọ các khổ não mà nghe đến Quán Thế Âm Bồ-tát, rồi nhất tâm xưng danh hiệu, Quán Thế Âm Bồ-tát tức thời quán sát âm thanh kia, liền được giải thoát.
Nếu có người trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, như bị rơi vào trong lửa lớn, lửa chẳng đốt được. Đây là do sức uy thần của Bồ-tát.
Nếu bị nước lớn cuốn trôi mà xưng danh hiệu ngài thì liền gặp chỗ cạn.
Nếu có trăm ngàn vạn ức chúng sanh vì tìm vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, trân châu, và các thứ báu, phải vào trong biển lớn, giả sử bị gió bão và thổi ghe thuyền của họ trôi dạt tới nước quỷ la-sát. Trong đó dù chỉ có một người xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, thì các người ấy đều được thoát khỏi nạn quỷ la-sát.
Do nhân duyên này mà tên là Quán Thế Âm.
Nếu lại có người sắp bị hại mà xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, thì dao gậy của người cầm bèn gãy từng đoạn và liền được giải thoát.
Nếu quỷ dạ-xoa cùng la-sát đầy khắp trong Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới muốn đến não loạn người, nhưng khi nghe xưng niệm Quán Thế Âm Bồ-tát, thì những ác quỷ đó còn không thể dùng mắt dữ để nhìn, huống nữa là gây hại.
Nếu lại có người, hoặc có tội hay vô tội, bị gông cùm xiềng xích trói buộc nơi thân, khi họ xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, thì thảy đều đứt rã và liền được giải thoát.
Nếu kẻ oán tặc đầy khắp trong Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới và có một vị thương chủ dẫn các thương gia, họ mang theo châu báu quý và đi qua đường hiểm trở. Trong đó có một người xướng rằng:
'Các thiện nam tử! Chớ nên sợ hãi, các ông nên nhất tâm xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, vị Bồ-tát đó hay đem Pháp Vô Úy thí cho chúng sanh. Các ông nếu xưng danh hiệu ngài thì sẽ thoát khỏi oán tặc này.'
Các thương gia nghe xong đều đồng thanh niệm:
'♪ Nam mô Quán Thế Âm Bồ-tát.'
Do xưng danh hiệu ấy nên liền được giải thoát.
Này Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Đại Bồ-tát có sức uy thần rộng lớn như thế.
Nếu có chúng sanh nào nhiều lòng dâm dục mà thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ-tát thì liền được lìa dục.
Nếu nhiều sân hận mà thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ-tát thì liền được lìa sân.
Nếu nhiều ngu si mà thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ-tát thì liền được lìa si.
Này Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ-tát có sức uy thần to lớn và nhiều lợi ích như thế. Cho nên chúng sanh thường phải tâm niệm.
Nếu có người nữ, giả như muốn cầu con trai và lễ bái cúng dường Quán Thế Âm Bồ-tát thì liền sanh con trai với phước đức trí tuệ.
Giả như muốn cầu con gái thì liền sanh con gái với tướng mạo đoan chánh; do vốn đã gieo trồng phước đức đời trước nên mọi người kính mến.
Này Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ-tát có sức uy thần như thế.
Nếu có chúng sanh cung kính lễ bái Quán Thế Âm Bồ-tát thì phước ấy không tiêu mất. Vì thế chúng sanh đều nên thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát.
Này Vô Tận Ý! Nếu có người thọ trì danh hiệu của chư Bồ-tát với số lượng bằng số cát trong 62 ức sông Hằng, lại trọn đời cúng dường ẩm thực, y phục, gối nệm, và thuốc thang.
Ý ông nghĩ sao? Công đức của thiện nam tử thiện nữ nhân đó có nhiều chăng?"
Ngài Vô Tận Ý đáp:
"Rất nhiều, thưa Thế Tôn!"
Đức Phật bảo:
"Nếu lại có người thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, cho đến chỉ một lần lễ bái cúng dường, thì phước của hai người ấy bằng nhau không khác, suốt trăm ngàn vạn ức kiếp cũng không thể cùng tận.
Này Vô Tận Ý! Thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát được vô lượng vô biên phước đức lợi ích như thế."
Vô Tận Ý Bồ-tát bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn! Quán Thế Âm Bồ-tát dạo ở Thế giới Kham Nhẫn như thế nào? Ngài thuyết Pháp cho chúng sanh ra sao? Sức phương tiện việc đó thế nào?"
Phật bảo Vô Tận Ý Bồ-tát:
"Này thiện nam tử! Nếu có chúng sanh trong quốc độ nào đáng dùng thân Phật để độ thoát, Quán Thế Âm Bồ-tát liền hiện thân Phật mà thuyết Pháp cho họ.
Đáng dùng thân Độc Giác để độ thoát, liền hiện thân Độc Giác mà thuyết Pháp cho họ.
Đáng dùng thân Thanh Văn để độ thoát, liền hiện thân Thanh Văn mà thuyết Pháp cho họ.
Đáng dùng thân Phạm Vương để độ thoát, liền hiện thân Phạm Vương mà thuyết Pháp cho họ.
Đáng dùng thân Đế Thích để độ thoát, liền hiện thân Đế Thích mà thuyết Pháp cho họ.
Đáng dùng thân Tự Tại Thiên để độ thoát, liền hiện thân Tự Tại Thiên mà thuyết Pháp cho họ.
Đáng dùng thân Đại Tự Tại Thiên để độ thoát, liền hiện thân Đại Tự Tại Thiên mà thuyết Pháp cho họ.
Đáng dùng thân Thiên Đại Tướng Quân để độ thoát, liền hiện thân Thiên Đại Tướng Quân mà thuyết Pháp cho họ.
Đáng dùng thân Đa Văn Thiên Vương để độ thoát, liền hiện thân Đa Văn Thiên Vương mà thuyết Pháp cho họ.
Đáng dùng thân tiểu vương để độ thoát, liền hiện thân tiểu vương mà thuyết Pháp cho họ.
Đáng dùng thân trưởng giả để độ thoát, liền hiện thân trưởng giả mà thuyết Pháp cho họ.
Đáng dùng thân cư sĩ để độ thoát, liền hiện thân cư sĩ mà thuyết Pháp cho họ.
Đáng dùng thân tể quan để độ thoát, liền hiện thân tể quan mà thuyết Pháp cho họ.
Đáng dùng thân Bà-la-môn để độ thoát, liền hiện thân Bà-la-môn mà thuyết Pháp cho họ.
Đáng dùng thân Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di để độ thoát, liền hiện thân Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di mà thuyết Pháp cho họ.
Đáng dùng thân phu nhân của trưởng giả, cư sĩ, tể quan, Bà-la-môn để độ thoát, liền hiện thân phu nhân mà thuyết Pháp cho họ.
Đáng dùng thân đồng nam đồng nữ để độ thoát, liền hiện thân đồng nam đồng nữ mà thuyết Pháp cho họ.
Đáng dùng thân trời, rồng, dạ-xoa, tầm hương thần, phi thiên, kim sí điểu, nghi thần, đại mãng xà, người và phi nhân để độ thoát, liền đều hiện ra mà thuyết Pháp cho họ.
Đáng dùng thân Chấp Kim Cang Thần để độ thoát, liền hiện thân Chấp Kim Cang Thần mà thuyết Pháp cho họ.
Này Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ-tát ấy thành tựu công đức như thế. Với đủ mọi thân hình, ngài dạo các cõi nước để độ thoát chúng sanh. Vì thế các ông phải nên nhất tâm cúng dường Quán Thế Âm Bồ-tát. Quán Thế Âm Đại Bồ-tát đó ở trong nguy nạn sợ hãi khéo ban điều không sợ hãi. Cho nên ở Thế giới Kham Nhẫn đều gọi ngài là vị Thí Vô Úy."
Vô Tận Ý Bồ-tát bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn! Con nay phải cúng dường Quán Thế Âm Bồ-tát."
Vô Tận Ý Bồ-tát liền cởi xâu chuỗi anh lạc châu báu trên cổ với trị giá trăm ngàn lượng vàng để dâng lên và bạch rằng:
"Thưa Nhân giả! Xin ngài hãy nhận Pháp thí trân bảo anh lạc này."
Khi ấy Quán Thế Âm Bồ-tát không chịu nhận. Ngài Vô Tận Ý lại thưa với Quán Thế Âm Bồ-tát rằng:
"Thưa Nhân giả! Cúi mong ngài hãy thương xót chúng tôi mà nhận lấy chuỗi anh lạc này."
Lúc bấy giờ Phật bảo Quán Thế Âm Bồ-tát:
"Ông nên thương xót Vô Tận Ý Bồ-tát này và hàng tứ chúng, cùng trời, rồng, dạ-xoa, tầm hương thần, phi thiên, kim sí điểu, nghi thần, đại mãng xà, người và phi nhân mà nhận chuỗi anh lạc ấy."
Khi đó Quán Thế Âm Bồ-tát vì thương xót hàng tứ chúng cùng trời, rồng, người và phi nhân mà nhận chuỗi anh lạc đó, rồi chia làm hai phần: một phần dâng lên Đức Phật Thích-ca-mâu-ni, một phần phụng hiến tháp Phật Đa Bảo.
"Này Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ-tát có sức uy thần tự tại dạo khắp Thế giới Kham Nhẫn như thế."
Lúc bấy giờ Vô Tận Ý Bồ-tát dùng kệ hỏi Phật:
"Thế Tôn đủ diệu tướng
Con nay xin hỏi Ngài
Phật tử nhân duyên gì
Tên là Quán Thế Âm"
Cụ túc diệu tướng Tôn
Kệ đáp Vô Tận Ý
"Ông nghe hạnh Quán Âm
Khéo ứng khắp mọi nơi
Nguyện rộng sâu như biển
Nhiều kiếp chẳng nghĩ bàn
Hầu nhiều ngàn ức Phật
Phát đại nguyện thanh tịnh
Ta vì ông lược nói
Nghe tên cùng thấy thân
Tâm niệm chớ lãng quên
Hay diệt khổ các cõi
Giả sử sanh lòng hại
Xô rớt hầm lửa lớn
Do sức niệm Quán Âm
Hầm lửa biến thành ao
Hoặc trôi dạt biển khơi
Các nạn quỷ cá rồng
Do sức niệm Quán Âm
Trên sóng nổi không chìm
Hoặc tại đỉnh Diệu Cao
Bị người xô đẩy xuống
Do sức niệm Quán Âm
Như mặt trời trên không
Hoặc bị kẻ ác rượt
Rơi xuống núi Kim Cang
Do sức niệm Quán Âm
Chẳng tổn đến mảy lông
Hoặc gặp oán tặc vây
Cầm đao muốn gây hại
Do sức niệm Quán Âm
Tức liền khởi từ tâm
Hoặc bị khổ nạn vua
Khi hành hình sắp chết
Do sức niệm Quán Âm
Đao liền gãy từng đoạn
Hoặc tù giam gông cùm
Tay chân bị xiềng xích
Do sức niệm Quán Âm
Đứt rã được giải thoát
Trù ếm các thuốc độc
Muốn hại đến thân người
Do sức niệm Quán Âm
Quay ngược lại kẻ gây
Hoặc gặp ác la-sát
Rồng độc các loài quỷ
Do sức niệm Quán Âm
Thảy đều không dám hại
Hoặc ác thú bao vây
Răng móng nhọn đáng sợ
Do sức niệm Quán Âm
Vội tháo chạy biệt tăm
Rắn độc cùng bò cạp
Phun khí độc khói lửa
Do sức niệm Quán Âm
Nghe tiếng tự bỏ đi
Mây sấm nổ điện chớp
Mưa đá trút mưa lớn
Do sức niệm Quán Âm
Tức thời được tiêu tan
Chúng sanh bị khốn ách
Vô lượng khổ bức thân
Quán Âm diệu trí lực
Hay cứu khổ thế gian
Đầy đủ sức thần thông
Rộng tu trí phương tiện
Các cõi nước mười phương
Không nơi nào chẳng hiện
Mọi loài các thú dữ
Địa ngục quỷ bàng sanh
Sanh lão bệnh tử khổ
Lần lần sẽ diệt tan
Chân quán thanh tịnh quán
Trí tuệ quán rộng lớn
Bi quán và từ quán
Thường nguyện thường chiêm ngưỡng
Vô cấu thanh tịnh quang
Trời tuệ phá đen tối
Hay trừ tai gió lửa
Chiếu sáng khắp thế gian
Thể Bi giới sấm vang
Lòng Từ như mây lớn
Pháp cam lộ mưa thấm
Lửa phiền não diệt tan
Tranh tụng đến chỗ quan
Trong quân trận sợ hãi
Do sức niệm Quán Âm
Các oán đều lui tan
Diệu âm Quán Thế Âm
Phạm âm hải triều âm
Thắng hơn thế gian âm
Cho nên thường phải niệm
Niệm niệm chớ sanh nghi
Quán Thế Âm tịnh Thánh
Trong khổ não tử ách
Bảo hộ làm chỗ nương
Đủ tất cả công đức
Mắt hiền trông chúng sanh
Biển phước tụ vô lượng
Vì thế nên đảnh lễ"
Lúc bấy giờ Trì Địa Bồ-tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, rồi ngài ở trước Đức Phật bạch rằng:
"Bạch Thế Tôn! Nếu có chúng sanh nào nghe được Phẩm Quán Thế Âm Bồ-tát về đạo nghiệp tự tại và sức thần thông phổ môn thị hiện của ngài, thì phải biết công đức người đó không nhỏ."
Khi Phật thuyết Phẩm Phổ Môn này thì trong chúng hội có 84.000 chúng sanh đều phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. PHẨM 26: THẦN CHÚ
Lúc bấy giờ Dược Vương Bồ-tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo lộ vai phải, chắp tay hướng Phật, bạch rằng:
"Bạch Thế Tôn! Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân nào có thể thọ trì Kinh Pháp Hoa, hoặc đọc tụng thông suốt, hay biên chép quyển Kinh này, thì người đó sẽ được bao nhiêu phước đức?"
Phật bảo ngài Dược Vương:
"Ý ông nghĩ thế sao, nếu như có thiện nam tử thiện nữ nhân nào cúng dường 800 vạn ức na-do-tha Hằng Hà sa chư Phật, phước đức của người ấy có nhiều chăng?"
"Rất nhiều, thưa Thế Tôn!"
Đức Phật bảo:
"Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân nào có thể thọ trì Kinh này, dẫu chỉ một bài kệ bốn câu, đọc tụng giải nghĩa và như thuyết tu hành, thì công đức sẽ rất nhiều."
Lúc bấy giờ Dược Vương Bồ-tát bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn! Con nay sẽ truyền cho những vị thuyết Pháp một thần chú để bảo hộ họ."
Chú thuyết như vầy:
"an nhĩ, mạn nhĩ, ma nể, ma ma nể, chỉ lệ, già lê đệ, xa mế, xa lý đa, vĩ thiên đế, mục đế, mục đa lý, sa lý, a vĩ sa lý, tang lý sa lý, xoa duệ, a xoa duệ, a kỳ nị, thiên đế, xa lý, đà ra ni, a lô già bà sa, phả giá tỳ xoa nị, nể tỳ thế, a tiện đa ra nể lý thế, a đẳng đa ba lệ du địa, ẩu cứu lệ, mâu cứu lệ, a ra lệ, ba ra lệ, thủ ca sai, a tam ma tam lý, phật đà tỳ kiết rị trật đế, đạt ma ba rị sai đế, tăng già niết cù sa nể, bà xá bà xá du địa, mạn đa ra, mạn đa ra xoa dạ đa, bưu lâu đa, bưu lâu đa kiều xá lược, ác xoa la, ác xoa dã đa dã, a bà lô, a ma nhã na đa dạ.
|| anye manye mane mamane citte carite same samitā viśānte mukte muktatame same aviṣame samasame jaye [kṣaye] akṣaye akṣiṇe śānte samite dhāraṇi ālokabhāṣe pratyavekṣaṇi nidhiru abhyantaraniviṣṭe abhyantarapāriśuddhimutkule araḍe paraḍe sukāṅkṣi asamasame buddhavilokite dharmaparīkṣite saṁghanirghoṣaṇi [nirghoṇi] bhayābhayaviśodhani mantre mantrākṣayate rute rutakauśalye akṣaye akṣayavanatāye [vakkule] valoḍra amanyanatāye [svāhā] ||
Bạch Thế Tôn! Thần chú này đã có 62 ức Hằng Hà sa chư Phật tuyên thuyết. Nếu có kẻ nào hủy phạm vị Pháp sư đó thì cũng tức là hủy phạm chư Phật kia."
Khi ấy Đức Phật Thích-ca-mâu-ni ngợi khen Dược Vương Bồ-tát rằng:
"Lành thay, lành thay, Dược Vương! Ông vì lòng từ mẫn muốn ủng hộ vị Pháp sư đó nên tuyên thuyết thần chú này, như thế sẽ mang đến nhiều lợi ích cho chúng sanh."
Lúc bấy giờ Dũng Thí Bồ-tát bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn! Con vì người thọ trì đọc tụng Kinh Pháp Hoa mà cũng tuyên thuyết thần chú để ủng hộ. Nếu vị Pháp sư đó đắc tổng trì này thì sẽ không có dạ-xoa, la-sát, quỷ xú uế, quỷ khởi thi, quỷ úng hình, hay loài ngạ quỷ nào mà có thể tìm chỗ hở để trục lợi."
Liền ở trước Phật mà nói chú rằng:
"tọa lệ, ma ha tọa lệ, uất chỉ, mục chỉ, a lệ, a la bà đệ, niết lệ đệ, niết lệ đa bà đệ, y trí nễ, vi trí nễ, chỉ trí nễ, niết lệ trì nễ, niết lê trì bà để."
|| jvale mahājvale ukke [tukke] mukke aḍe aḍāvati nṛtye nṛtyāvati iṭṭini viṭṭini ciṭṭini nṛtyani nṛtyāvati [svāhā] ||
Bạch Thế Tôn! Thần chú này đã có Hằng Hà sa chư Phật tuyên thuyết, hết thảy chư Phật cũng đều tùy hỷ. Nếu có kẻ nào hủy phạm vị Pháp sư đó thì cũng tức là hủy phạm chư Phật kia."
Lúc bấy giờ Đa Văn Hộ Thế Thiên Vương bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn! Vì thương xót chúng sanh, con cũng muốn ủng hộ vị Pháp sư đó nên thuyết chú này."
Chú thuyết như vầy:
"a lê, na lê, nậu na lê, a na lô, na lý, câu na lý.
|| aṭṭe [taṭṭe] naṭṭe vanaṭṭe anaḍe nāḍi kunaḍi [svāhā] ||
Bạch Thế Tôn! Bằng vào thần chú này, con sẽ ủng hộ vị Pháp sư đó. Con cũng sẽ đích thân ủng hộ người thọ trì Kinh này, khiến trong vòng 100 do-tuần sẽ không có các hoạn nạn xảy đến thân họ."
Lúc bấy giờ Trì Quốc Thiên Vương cũng đang có mặt trong Pháp hội và cùng ngàn vạn ức na-do-tha tầm hương thần cung kính vây quanh. Ngài đến ở trước Phật, chắp tay và bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn! Con cũng dùng thần chú để ủng hộ người thọ trì Kinh Pháp Hoa."
Chú thuyết như vầy:
"a già nể, già nể, cù rị, can đà rị, chiên đà li, ma đẳng kỳ, thường cầu li, phù lâu sa nễ, át để.
|| agaṇe gaṇe gauri gandhāri caṇḍāli mātaṅgi [pukkasi] saṁkule vrūsali sisi svāhā ||
Bạch Thế Tôn! Thần chú này đã có 42 Hằng Hà sa chư Phật tuyên thuyết. Nếu có kẻ nào hủy phạm vị Pháp sư đó thì cũng tức là hủy phạm chư Phật kia."
Lúc bấy giờ có các la-sát nữ:
- Vị thứ nhất tên là Kết Phược,
- Vị thứ nhì tên là Ly Kết,
- Vị thứ ba tên là Khúc Xỉ,
- Vị thứ tư tên là Hoa Xỉ,
- Vị thứ năm tên là Hắc Xỉ,
- Vị thứ sáu tên là Đa Phát,
- Vị thứ bảy tên là Vô Yếm Túc,
- Vị thứ tám tên là Trì Anh Lạc,
- Vị thứ chín tên là Hà Sở,
- và vị thứ mười tên là Đoạt Nhất Thiết Chúng Sanh Tinh Khí.
Mười vị la-sát nữ này, cùng quỷ tử mẫu với con và hàng quyến thuộc của bà, đều đến chỗ Phật và đồng thanh bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn! Chúng con cũng muốn ủng hộ người đọc tụng thọ trì Kinh Pháp Hoa và diệt trừ các hoạn nạn. Nếu có kẻ nào tìm chỗ hở của vị Pháp sư đó thì chẳng thể được."
Liền ở trước Phật mà nói chú rằng:
"y đề lý, y đề mẫn, y đề lý, a đề lý, y đề lý, nê lý, nê lý, nê lý, nê lý, nê lý, lâu hê, lâu hê, lâu hê, lâu hê, đa hê, đa hê, đa hê, đâu hê, nậu hê.
|| iti me iti me iti me iti me iti me | nime nime nime nime nime | ruhe ruhe ruhe ruhe [ruhe] | stuhe stuhe stuhe stuhe stuhe [svāhā] ||
Kẻ phá hoại có thể leo lên đầu chúng con chớ đừng não loạn vị Pháp sư đó. Sẽ không có dạ-xoa, la-sát, quỷ đói, quỷ xú uế, quỷ khởi thi, quỷ nhập xác chết đi giết người, quỷ càn-đà, quỷ điên hắc sắc, quỷ điên cuồng, dạ-xoa khởi thi quỷ, người khởi thi quỷ; sẽ không có bệnh sốt nào từ một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, hay cho đến bảy ngày; sẽ không có bất cứ bệnh sốt nào; sẽ không có loài nào hiện hình kẻ nam người nữ hay đồng nam đồng nữ, cho đến trong mộng chúng cũng chẳng thể não hại."
Liền ở trước Phật mà nói kệ rằng:
"Nếu kẻ nào không thuận chú này
Não loạn hại vị Pháp sư đây
Đầu sẽ bị vỡ thành bảy mảnh
Gãy như là nhánh cây hoa lan
Bằng quả báo tội giết mẹ cha
Hoặc như là pha ép trộn dầu
Hay cân đo lừa dối gạt người
Tội phá Tăng Đề-bà-đạt-đa
Pháp sư này ai dám hủy phạm
Tai ương như thế sẽ mắc lấy"
Khi các la-sát nữ nói bài kệ đó xong, họ bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn! Chúng con cũng sẽ đích thân ủng hộ người thọ trì đọc tụng và tu hành Kinh này, khiến họ được an ổn, lìa xa mọi hoạn nạn và tiêu trừ mọi thứ độc dược."
Phật bảo các la-sát nữ:
"Lành thay, lành thay! Các cô như chỉ có thể ủng hộ người thọ trì tên Kinh Pháp Hoa thì đã có phước đức chẳng thể suy lường. Huống nữa là ủng hộ người thọ trì trọn vẹn, cúng dường quyển Kinh này với hương hoa anh lạc, hương bột, hương xoa, hương đốt, tràng phan, lọng che, âm nhạc, thắp muôn loại đèn, như là đèn bơ, đèn dầu, đèn dầu thơm, đèn dầu hoa lài, đèn dầu hoa ngọc lan, đèn dầu hoa vũ thời, đèn dầu hoa sen xanh và trăm ngàn loại đèn như thế để cúng dường.
Này Hà Sở! Các cô cùng quyến thuộc nên ủng hộ vị Pháp sư đó như vậy."
Khi thuyết Phẩm Thần Chú này xong, 68.000 người đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn. PHẨM 27: DIỆU TRANG NGHIÊM VƯƠNG BỔN SỰ
Lúc bấy giờ Phật bảo các đại chúng:
"Vào thuở quá khứ vô lượng vô biên bất khả tư nghị vô số kiếp về trước, có Đức Phật hiệu là Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác. Quốc độ tên là Quang Minh Trang Nghiêm. Kiếp tên là Hỷ Kiến.
Trong thời giáo hóa của Đức Phật kia có một vị quốc vương tên Diệu Trang Nghiêm. Phu nhân của nhà vua tên là Tịnh Đức. Hoàng hậu có hai người con. Hoàng tử thứ nhất tên là Tịnh Tạng. Hoàng tử thứ nhì tên Tịnh Nhãn. Hai vị hoàng tử này có đại thần lực cùng phước đức trí tuệ. Họ đã từ xa xưa tu hành Bồ-tát Đạo.
Các Pháp như là: Bố Thí Độ, Trì Giới Độ, Nhẫn Nhục Độ, Tinh Tấn Độ, Thiền Định Độ, Trí Tuệ Độ, Phương Tiện Độ, từ bi hỷ xả, và cho đến 37 Phẩm Trợ Đạo. Họ thảy đều minh liễu thông đạt.
Họ lại đắc Bồ-tát Thanh Tịnh Chánh Định, Nhật Tinh Tú Chánh Định, Tịnh Quang Chánh Định, Tịnh Sắc Chánh Định, Tịnh Chiếu Chánh Định, Trường Trang Nghiêm Chánh Định, và Đại Uy Đức Chánh Định. Đối với các chánh định này, họ cũng đều thông đạt.
Lúc bấy giờ Đức Phật kia vì muốn dẫn đạo Diệu Trang Nghiêm Vương cùng lân mẫn chúng sanh, Ngài đã thuyết Kinh Pháp Hoa này. Khi ấy hai vị hoàng tử Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn đến chỗ của mẹ, chắp mười đầu ngón tay và thưa rằng:
'Xin mẫu hậu hãy đi đến Đạo Tràng của Đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí. Chúng con cũng sẽ đi theo để thân cận, cúng dường và lễ bái Ngài.
Vì sao thế? Bởi Đức Phật ấy đang thuyết Kinh Pháp Hoa cho tất cả trời người. Chúng ta nên đi nghe và thọ trì.'
Hoàng hậu bảo các con của bà rằng:
'Phụ vương của các con tin theo ngoại đạo và chấp sâu vào pháp của Bà-la-môn. Các hoàng nhi nên đến thưa hỏi và khuyên cha cùng đi.'
Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn chắp mười đầu ngón tay và thưa với mẹ rằng:
'Chúng con là Pháp Vương Tử, nhưng sao lại sanh ở nhà tà kiến này!'
Hoàng hậu bảo các con của bà rằng:
'Các hoàng nhi nên thương xót cha của các con mà hóa hiện thần biến. Nếu cha của các con thấy được, tâm sẽ thanh tịnh, hoặc giả là sẽ nghe chúng ta mà đi đến chỗ của Phật.'
Bởi xót thương phụ vương, hai vị hoàng tử này vọt lên hư không với độ cao bằng bảy cây tāla và hóa hiện mọi thần biến:
- đi đứng nằm ngồi ở trong hư không;
- phần trên của thân vọt ra nước;
- phần dưới của thân phun ra lửa;
- phần dưới của thân vọt ra nước;
- phần trên của thân phun ra lửa;
- hoặc hiện thân lớn đầy khắp hư không;
- lại hiện ra thân nhỏ, rồi từ thân nhỏ lại hiện ra thân lớn;
- ở không trung biến mất và hốt nhiên xuất hiện trên đất;
- vào trong đất như vào trong nước;
- đi trên nước như đi trên đất.
Hai vị hoàng tử hiện ra đủ mọi thần biến như thế để khiến cho tâm của phụ vương họ được thanh tịnh và sanh tín giải.
Khi thấy các con mình có thần lực như thế, lòng của quốc vương vui mừng khôn xiết và được điều chưa từng có. Ngài chắp tay hướng về các con mình mà nói rằng:
'Thầy của các hoàng nhi là ai? Các con là đệ tử của ai?'
Hai vị hoàng tử thưa rằng:
'Đại vương! Bây giờ có Đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí đang ngồi trên Pháp tòa ở dưới cây Bồ-đề bảy báu và rộng nói Kinh Pháp Hoa cho hết thảy trời người trong thế gian. Đức Phật kia là thầy của chúng con. Chúng con là đệ tử của Ngài.'
Quốc vương bảo các con của mình rằng:
'Trẫm nay cũng muốn thấy sư phụ của các hoàng nhi. Chúng ta hãy cùng đi!'
Hai vị hoàng tử liền từ trên không hạ xuống, họ đến chỗ của hoàng hậu và chắp tay thưa với mẹ rằng:
'Nay phụ hoàng đã sanh tín giải và có thể phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Chúng con đã vì cha mà làm Phật sự, vậy xin mẫu hậu cho phép chúng con được xuất gia tu Đạo ở nơi Đức Phật kia.'
Lúc bấy giờ hai vị hoàng tử muốn tuyên lại ý nguyện ở trên nên dùng kệ thưa với mẹ rằng:
'Mong mẫu hậu cho phép chúng con
Được xuất gia làm bậc Sa-môn
Chư Phật xuất thế rất khó gặp
Chúng con đây muốn theo học Phật
Rất quý hiếm như hoa linh thụy
Gặp được Phật lại càng khó hơn
Thoát các nạn cũng lại rất khó
Xin cho phép chúng con xuất gia'
Hoàng hậu liền bảo rằng:
'Ta cho chép các con xuất gia. Vì sao thế? Bởi chư Phật rất khó gặp.'
Hai vị hoàng tử liền thưa với cha mẹ rằng:
'Lành thay, phụ mẫu! Xin cha mẹ giờ hãy đi đến Đạo Tràng của Đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí để thân cận và cúng dường Ngài.
Vì sao thế? Bởi chư Phật rất khó gặp, hiếm như hoa linh thụy nở. Việc ấy giống như có một con rùa chỉ còn một mắt mà gặp được một khúc gỗ có lỗ thủng đang trôi. Do phước đức sâu dày ở đời trước nên chúng ta trong đời này mới gặp Phật Pháp. Thế nên, phụ vương và mẫu hậu hãy nghe lời chúng con nói và cho phép chúng con đi xuất gia.
Vì sao thế? Bởi chư Phật rất khó gặp và sanh vào thời có Phật còn trụ thế lại càng khó hơn.'
Lúc bấy giờ, hậu cung của vua Diệu Trang Nghiêm có 84.000 người, họ thảy đều có thể thọ trì Kinh Pháp Hoa này.
Tịnh Nhãn Bồ-tát đã từ lâu thông đạt Pháp Hoa Chánh Định. Còn Tịnh Tạng Bồ-tát đã ở trong vô lượng trăm ngàn vạn ức kiếp thông đạt Ly Chư Ác Thú Chánh Định, là vì ngài muốn khiến tất cả chúng sanh xa lìa các chốn ác đạo.
Phu nhân của nhà vua đắc Chư Phật Tập Chánh Định và có thể biết các tạng bí mật của chư Phật.
Hai vị hoàng tử đã dùng sức phương tiện như thế, khéo giáo hóa cha mình, khiến tâm sanh tín giải, và yêu mến Phật Pháp.
Khi đó, vua Diệu Trang nghiêm cùng với các quần thần và hàng quyến thuộc, Tịnh Đức phu nhân cùng với hậu cung thể nữ và hàng quyến thuộc, hai người con của nhà vua cùng với 42.000 người, họ đồng đi đến chỗ của Phật. Khi đến nơi, họ cúi đầu đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật, nhiễu Phật ba vòng và đứng qua một bên.
Lúc bấy giờ Đức Phật kia thuyết Pháp cho nhà vua. Ngài chỉ dạy sự lợi ích an lạc và khiến cho nhà vua vui mừng vô cùng.
Khi ấy, vua Diệu Trang Nghiêm cùng phu nhân của ngài cởi xâu chuỗi anh lạc trân châu với trị giá bằng cả trăm ngàn và rải lên Đức Phật. Ở trong hư không, các xâu chuỗi hóa thành một đài báu với bốn trụ. Trong đài báu có giường báu lớn với trăm ngàn vạn thiên y trang trí xung quanh. Trên đó có một vị Phật ngồi kiết già và phóng đại quang minh.
Khi ấy, vua Diệu Trang Nghiêm nghĩ như vầy:
'Phật thân thật hiếm có, đoan nghiêm thù đặc, và thành tựu sắc tướng vi diệu đệ nhất.'
Bấy giờ Đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí bảo hàng tứ chúng rằng:
'Các ông có thấy vua Diệu Trang Nghiêm đang chắp tay đứng ở trước Ta không? Vị vua này sẽ trở thành Tỳ-kheo trong Pháp của Ta. Ngài sẽ tinh tấn tu hành, hộ trì Đạo Pháp của chư Phật và sẽ thành Phật, hiệu là Sāla Thụ Vương. Quốc độ tên là Đại Quang. Kiếp tên là Đại Cao Vương. Đức Phật Sāla Thụ Vương ấy có vô lượng chư Bồ-tát và vô lượng Thanh Văn. Cõi nước đó bằng phẳng và công đức như thế!
Sau đó, nhà vua liền lập tức nhường ngôi lại cho hoàng đệ. Rồi cùng phu nhân, hai vị hoàng tử, và hàng quyến thuộc mà xuất gia tu Đạo trong giáo Pháp của Phật. Sau khi nhà vua đã xuất gia, trong 84.000 năm, ngài luôn chuyên cần tinh tấn tu hành Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
Về sau, ngài đắc Nhất Thiết Tịnh Công Đức Trang Nghiêm Chánh Định. Rồi ngài liền bay lên hư không với độ cao bằng bảy cây tāla và bạch Phật rằng:
'Bạch Thế Tôn! Hai hoàng nhi của con đã hoàn tất Phật sự. Với thần thông biến hóa, họ đã chuyển hóa tà tâm của con, khiến con an trụ trong Phật Pháp, và thấy được Thế Tôn. Hai vị đó là bậc Thiện Tri thức của con. Vì muốn con phát khởi căn lành đời trước và muốn con được lợi ích, nên họ mới đến sinh ở nhà con.'
Lúc bấy giờ Đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí bảo Diệu Trang Nghiêm Vương rằng:
'Như thị, như thị! Đúng như lời ông nói. Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân nào gieo trồng căn lành, thì đời đời họ sẽ gặp Thiện Tri Thức. Bậc Thiện Tri Thức ấy có thể làm Phật sự, chỉ dạy sự lợi ích an lạc, và khiến họ nhập Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Này đại vương! Phải biết rằng gặp bậc Thiện Tri Thức là một đại nhân duyên, bởi vì sẽ được ngài giáo hóa, khiến thấy được Phật và phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Này đại vương! Ông có thấy hai người con của ngài đây chăng? Hai vị này đã từng cúng dường và thân cận cung kính 65.000 vạn ức na-do-tha Hằng Hà sa chư Phật. Họ ở nơi của chư Phật thọ trì Kinh Pháp Hoa, lân mẫn các chúng sanh tà kiến và muốn dìu dắt chúng sanh trụ nơi chánh kiến.'
Diệu Trang Nghiêm Vương liền từ hư không hạ xuống và bạch Đức Phật kia rằng:
'Bạch Thế Tôn! Như Lai rất là hiếm có. Do bởi công đức và trí tuệ, nên hào quang trên đảnh nhục kế của Phật sáng chói hiển hách. Mắt Phật dài, rộng, và có màu xanh biếc. Tướng bạch hào ở giữa đôi chân mày trắng như ánh trăng rằm. Răng Phật trắng, đều, và luôn có quang minh. Môi Phật có màu sắc đỏ thắm như màu của quả gấc.'
Lúc bấy giờ khi đức vua Diệu Trang Nghiêm đã tán thán vô lượng trăm ngàn vạn ức công đức như thế xong, ngài ở trước Như Lai, nhất tâm chắp tay, và lại bạch Phật rằng:
'Bạch Thế Tôn! Pháp của Như Lai rất hiếm có. Như Lai thành tựu viên mãn công đức vi diệu chẳng thể nghĩ bàn. Giáo Pháp và giới luật của Phật mang đến sự bình an và vui vẻ. Từ nay về sau, con sẽ không bao giờ chạy theo tâm ý của mình, không sanh tà kiến, kiêu mạn, sân hận, hoặc bất kỳ những tâm ác nào.'
Khi nói lời ấy xong, ngài đảnh lễ Đức Phật kia rồi từ biệt."
Phật bảo đại chúng rằng:
"Ý các ông nghĩ sao? Diệu Trang Nghiêm Vương thuở đó nào có ai khác, nay chính là Hoa Đức Bồ-tát. Tịnh Đức phu nhân, nay chính là Phật Tiền Quang Chiếu Trang Nghiêm Tướng Bồ-tát. Tịnh Đức phu nhân vì xót thương Diệu Trang Nghiêm Vương và hàng quyến thuộc, nên mới sanh trong đó. Còn hai vị hoàng tử, nay chính là Dược Vương Bồ-tát và Dược Thượng Bồ-tát.
Dược Vương Bồ-tát và Dược Thượng Bồ-tát đã thành tựu các đại công đức như thế. Họ đã ở trong vô lượng trăm ngàn vạn ức chư Phật gieo trồng thiện căn và thành tựu các công đức lành chẳng thể nghĩ bàn. Nếu có ai biết được danh hiệu của hai vị Bồ-tát này, thời hết thảy hàng trời người trong thế gian đều phải nên lễ bái."
Khi Phật thuyết Phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn Sự, có 84.000 người xa rời trần cấu. Ở trong tất cả pháp, họ đắc Pháp nhãn tịnh. PHẨM 28: PHỔ HIỀN BỒ-TÁT KHUYẾN PHÁT
Lúc bấy giờ Phổ Hiền Bồ-tát với sức thần thông tự tại, uy đức cùng danh xưng vang khắp, ngài đã đến từ phương đông với vô lượng vô biên chẳng thể tính đếm kể số đại Bồ-tát. Các cõi nước đi qua thảy đều chấn động, có hoa sen báu rơi xuống và trỗi lên vô lượng trăm ngàn vạn ức loại âm nhạc.
Lại cũng có vô số trời, rồng, dạ-xoa, tầm hương thần, phi thiên, kim sí điểu, nghi thần, đại mãng xà, người và phi nhân vây quanh Phổ Hiền Bồ-tát. Họ cùng đi theo ngài và mỗi vị đều hiện sức uy đức thần thông.
Khi đã đến núi Linh Thứu tại Thế giới Kham Nhẫn, họ đảnh lễ Đức Phật Thích-ca-mâu-ni, rồi đi nhiễu bên phải bảy vòng. Tiếp đến, Phổ Hiền Bồ-tát bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn! Con ở quốc độ của Đức Phật Bảo Uy Đức Thượng Vương và từ nơi xa đã nghe ở Thế giới Kham Nhẫn đang thuyết Kinh Pháp Hoa. Con cùng với vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức chư Bồ-tát đều đồng đến nghe và thọ trì.
Ngưỡng mong Thế Tôn hãy thuyết giảng.
Sau khi Như Lai diệt độ, nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân nào muốn đắc Kinh Pháp Hoa này thì phải làm sao?"
Phật bảo Phổ Hiền Bồ-tát:
"Sau khi Như Lai diệt độ, nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân nào thành tựu bốn Pháp, thời sẽ đắc Kinh Pháp Hoa này:
1. Người đó được chư Phật hộ niệm.
2. Người đó gieo trồng căn lành.
3. Người đó nhập chánh định.
4. Người đó phát tâm muốn cứu độ hết thảy chúng sanh.
Sau khi Như Lai diệt độ, nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân nào thành tựu bốn Pháp như thế, thời tất sẽ đắc Kinh này."
Lúc bấy giờ Phổ Hiền Bồ-tát bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn! Trong đời ác trược của 500 năm sau cùng, nếu có ai thọ trì Kinh điển này, con sẽ bảo hộ, trừ diệt các hoạn nạn, và khiến họ được an ổn. Không ai có thể trục lợi người ấy, hoặc giả là ma, con của ma, ma nữ, ma dân, hoặc bị ma nhập, dạ-xoa, la-sát, quỷ úng hình, quỷ hút tinh khí, quỷ khởi thi, quỷ xú uế, quỷ nhập xác chết đi giết người, hay kẻ xấu não loạn--tất cả đều chẳng thể làm hại.
Hoặc giả người này đang đi hay đứng và đọc tụng Kinh này, khi ấy con sẽ cưỡi voi trắng chúa sáu ngà và cùng chư đại Bồ-tát đến nơi đó. Con sẽ hiện thân, bảo hộ cúng dường, an ủi tâm họ, và cũng là vì cúng dường Kinh Pháp Hoa.
Hoặc giả người ấy ngồi và tư duy Kinh này, lúc đó con cũng sẽ cưỡi voi trắng chúa và hiện thân ở trước họ. Nếu người ấy quên mất một câu hay một bài kệ của Kinh Pháp Hoa thì con sẽ chỉ dạy và cùng họ đọc tụng cho đến khi thông thạo.
Lúc bấy giờ, người thọ trì đọc tụng Kinh Pháp Hoa sẽ thấy được thân con, lòng vui mừng vô cùng và càng thêm tinh tấn. Do thấy được con, họ sẽ liền đắc chánh định và tổng trì như là: Toàn Tổng Trì, Bách Thiên Vạn Ức Toàn Tổng Trì, và Pháp Âm Phương Tiện Tổng Trì. Họ sẽ đắc các tổng trì như thế.
Bạch Thế Tôn! Trong đời ác trược của 500 năm sau cùng, nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, hoặc Ưu-bà-di nào thành khẩn, thọ trì, đọc tụng, biên chép, hay muốn tu tập Kinh Pháp Hoa này, thì trong 21 ngày nên nhất tâm tinh tấn. Lúc mãn 21 ngày, con sẽ cưỡi voi trắng sáu ngà với vô lượng Bồ-tát vây quanh. Ở trước người đó, con sẽ hiện một thân hình mà hết thảy chúng sanh đều hoan hỷ muốn thấy để thuyết Pháp và chỉ dạy sự lợi ích an vui. Con cũng sẽ truyền cho họ một thần chú. Bởi đắc tổng trì đó nên sẽ không có loài phi nhân nào có thể phá hoại và họ cũng chẳng bị người nữ mê hoặc. Con cũng sẽ đích thân luôn bảo hộ người ấy. Duy nguyện Thế Tôn lắng nghe con tuyên thuyết thần chú này."
Liền ở trước Phật mà nói chú rằng:
"a đàn địa, đàn đà bà địa, đàn đà bà đế, đàn đà cưu xá lệ, đàn đà tu đà lệ, tu đà lệ, tu đà ra bà để, phật đà ba thiên nể, tát bà đà ra ni, a bà đa ni, tát bà bà sa, a bà đa ni, tu a bà đa ni, tăng già bà lý xoa ni, tăng già niết già đà ni, a tăng kỳ, tăng già bà già địa, đế lệ a nọa, tăng già đâu lược, a la đế bà la đế, tát bà tăng già địa, tam ma địa già lan địa, tát bà đạt ma, tu ba rị sát đế, tát bà tát đỏa, lâu đà kiêu xá lược, a nậu già địa, tân a tỳ kiết rị địa đế.
|| adaṇḍe daṇḍapati daṇḍāvartani daṇḍakuśale daṇḍasudhāri sudhārapati buddhapaśyane sarvadhāraṇi āvartani saṁvartani saṁghaparīkṣite saṁghanirghātani dharmaparīkṣite sarvasattvarutakauśalyānugate siṁhavikrīḍite [anuvarte vartani vartāli svāhā] ||
Bạch Thế Tôn! Nếu có Bồ-tát nào nghe được thần chú này, thì phải biết là do sức thần thông của Phổ Hiền. Nếu Kinh Pháp Hoa lưu hành ở châu Thắng Kim và có ai thọ trì, thì họ nên nghĩ như vầy:
'Đây đều do sức uy thần của Phổ Hiền.'
Nếu có người thọ trì đọc tụng, chánh niệm tư duy, giảng giải nghĩa thú, và như thuyết tu hành, thì phải biết người này đang tu hạnh Phổ Hiền. Họ đã gieo trồng sâu căn lành nơi vô lượng vô biên chư Phật và đã được chư Như Lai lấy tay xoa đảnh đầu.
Nếu có ai chỉ biên chép Kinh này thì khi người ấy mạng chung, họ sẽ sanh lên trời Tam Thập Tam. Lúc đó, 84.000 thiên nữ sẽ trỗi các loại âm nhạc để chào đón. Họ sẽ liền đội mũ bảy báu và cùng các thể nữ thọ hưởng vui sướng. Huống nữa là thọ trì đọc tụng, chánh niệm tư duy, giảng giải nghĩa thú, và như thuyết tu hành.
Nếu có ai thọ trì đọc tụng và giảng giải nghĩa thú của Kinh này, thì khi người ấy mạng chung, 1.000 chư Phật sẽ dang tay tiếp dẫn, khiến họ chẳng bị kinh hoàng và chẳng đọa vào ác đạo. Họ sẽ liền vãnh sanh đến chỗ của Từ Thị Bồ-tát ở trên trời Hỷ Túc. Từ Thị Bồ-tát có 32 tướng, cùng với chư đại Bồ-tát vây quanh, và có trăm ngàn vạn ức thiên nữ quyến thuộc. Khi được sanh ở đó, họ sẽ có các công đức và sự lợi ích như thế.
Cho nên, bậc trí giả phải nên hết lòng tự mình biên chép Kinh này, hoặc bảo người khác biên chép, thọ trì đọc tụng, chánh niệm tư duy, và như thuyết tu hành.
Bạch Thế Tôn! Con nay sẽ dùng sức thần thông để bảo hộ Kinh này. Sau khi Như Lai diệt độ, con sẽ rộng lưu bố ở châu Thắng Kim và chẳng để bị đoạn tuyệt."
Lúc bấy giờ Đức Phật Thích-ca-mâu-ni ngợi khen rằng:
"Lành thay, lành thay, Phổ Hiền! Ông có thể hộ trì Kinh này và khiến chúng sanh được nhiều sự lợi ích an vui. Ông đã thành tựu công đức không thể nghĩ bàn và có lòng đại từ bi thâm sâu. Từ thuở xa xưa, ông đã phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác và có thể phát nguyện để dùng thần thông bảo hộ Kinh này. Ta sẽ dùng sức thần thông để thủ hộ cho những ai có thể thọ trì danh hiệu của Phổ Hiền Bồ-tát.
Này Phổ Hiền! Nếu có ai thọ trì đọc tụng, chánh niệm tư duy, tu tập, và biên chép Kinh Pháp Hoa này, thì phải biết người ấy đã thấy Đức Phật Thích-ca-mâu-ni, như chính họ đã từ kim khẩu của Phật mà nghe được Kinh điển này.
- Phải biết người đó đã cúng dường Đức Phật Thích-ca-mâu-ni.
- Phải biết họ đã được Phật ngợi khen: “Lành thay!”
- Phải biết người ấy đã được Đức Phật Thích-ca-mâu-ni lấy tay xoa đảnh đầu.
- Phải biết họ đã được Pháp y của Đức Phật Thích-ca-mâu-ni phủ lên thân.
Người như thế sẽ không bao giờ còn tham trước dục lạc của thế gian và chẳng còn ưa thích sách vở của ngoại đạo. Người đó cũng không còn vui thích thân cận với họ cùng những kẻ xấu ác, kẻ đồ tể, người nuôi heo dê gà chó, người săn bắn, hay kẻ dắt gái.
Tâm ý của người này sẽ ngay thẳng, có chánh niệm, và có lực của phước đức. Họ sẽ không bị ba độc não hại và cũng chẳng bị tật đố, ngã mạn, tà mạn, hay tăng thượng mạn não loạn. Người đó thiểu dục tri túc và có thể tu hạnh Phổ Hiền.
Này Phổ Hiền! Sau khi Như Lai diệt độ và trong 500 năm sau cùng, nếu ông thấy có ai thọ trì đọc tụng Kinh Pháp Hoa thì phải nên nghĩ như vầy:
'Người này không bao lâu sẽ đến ngồi ở Đạo Tràng, phá các chúng ma, và đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Rồi chuyển Pháp luân, đánh trống Pháp, thổi loa Pháp, mưa Pháp vũ, và sẽ ngồi trên Pháp tòa sư tử ở giữa đại chúng trời người.'
Này Phổ Hiền! Vào đời sau, nếu ai thọ trì đọc tụng Kinh điển này thì người ấy sẽ chẳng còn tham trước y phục, gối nệm, ẩm thực, hay những đồ vật trong cuộc sống. Sở nguyện của họ chẳng hư dối. Lại ở hiện đời sẽ được phước báo.
Nếu có ai khinh rẻ và hủy báng họ mà nói rằng:
'Thiệt là kẻ điên rồ! Làm ba cái việc vô ích và cuối cùng chẳng được gì!'
Tội báo như thế là đời đời sẽ không có mắt.
Nếu có ai cúng dường và ngợi khen họ, thì ở đời này sẽ được quả báo lành.
Nếu ai thấy có người thọ trì Kinh này mà lại nói ra lỗi sai hay điều ác của họ, dù thật hay chẳng thật, thì hiện đời kẻ đó sẽ bị bệnh hủi.
Nếu ai khinh chê và chế giễu họ, thì đời đời răng sẽ thưa hoặc bị rụng, môi trờ, mũi trẹt, tay chân co quắp, mắt hình tam giác, thân thể hôi hám với máu mủ mụn nhọt, bụng chứa toàn nước, hơi thở đứt quãng, hoặc các trọng bệnh xấu ác.
Vì thế, Phổ Hiền! Nếu ai thấy có người thọ trì Kinh điển này thì phải nên từ xa chào đón và cung kính họ như Phật."
Khi thuyết giảng Phẩm Phổ Hiền Bồ-tát Khuyết Phát này, Hằng Hà sa vô lượng vô biên Bồ-tát đắc Bách Thiên Vạn Ức Toàn Tổng Trì. Có chư Bồ-tát bằng số vi trần của Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới được đầy đủ Đạo Phổ Hiền.
Khi Phật nói Kinh này xong, ngài Phổ Hiền và chư Bồ-tát, ngài Xá-lợi Tử và hàng Thanh Văn, cùng trời, rồng, người và phi nhân, hết thảy chúng hội đều hoan hỷ vô lượng. Họ thọ trì lời Phật dạy, đảnh lễ và cáo lui. 卍 Kinh Diệu Pháp Liên Hoa - Hết quyển 7
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 13.59.58.68 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.