Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Bản Việt dịch Đại Thừa Già Da Sơn Đỉnh Kinh [大乘伽耶山頂經] »»

Kinh điển Bắc truyền »» Bản Việt dịch Đại Thừa Già Da Sơn Đỉnh Kinh [大乘伽耶山頂經]

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.26 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.32 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Đại Thừa Già Da Sơn Đỉnh

Việt dịch: Thích Tâm Châu

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Chính tôi được nghe: một thời kia đức Thế-Tôn ở nơi Tinh-xá, trên đỉnh núi thuộc Già-Da-thành, cùng với một nghìn Đại-Tỳ-Khưu-chúng, mà các vị trước đây đều là dòng Phạm-Chí để tóc dài. Các vị đều là bậc A-La-Hán mọi lậu-nghiệp đã hết, chỗ tạo-tác đã xong, xả được mọi gánh nặng, việc lợi mình đã được, hết mọi sự ràng-buộc trong các cõi, chính-tri giải-thoái, tâm được tự-tại, đến bờ Niết-bàn [2]. Lại cùng vô-lượng các vị Đại-Bồ-Tát đều cùng tụ-hội nơi Phật.
Khi đức Thế-Tôn, thành ngôi Chính-Giác, không mấy ngày, Ngài tịch-nhiên an-tọa, nhập nơi Chính-định, quán-sát pháp-giới, khởi ý-niệm rằng: "Ta chứng được Bồ-đề rồi, được Thánh-trí-tuệ rồi, chỗ nên làm đã làm xong, đã xả được mọi gánh nặng, đã ra ngoài đồng rộng sinh-tử, đã xả vô-minh, được trí-minh rồi, đã nhổ được mũi tên độc, đã gạn hết tâm khát-ái, đã chứng pháp-giới, đã đánh trống pháp, đã thổi loa pháp, đã dựng pháp-tràng, đã lìa bỏ con mắt sinh-tử, nói rõ về con mắt pháp (pháp-nhãn), đã đóng đường ác, mở mọi đường thiện, đã xả nơi phi-điền, chỉ-bảo những phúc-điền.[3]
"Ta nay xét kỹ những pháp như thế, pháp gì hiện-chứng, đã chứng và sẽ chứng được? Pháp ấy là do thân chứng hay là do tâm chứng? [4]
"Nếu là thân chứng Bồ-đề, thời thân là ngoan-độn, không biết, không nghĩ, cũng như cỏ, cây, tường, vách, ngói, đá..., từ nơi tứ-đại, cha mẹ sinh ra, là pháp vô-thường bại-hoại, tan-diệt, phải nhờ mọi duyên tắm giặt, cơm, áo, mà được tồn tại [5].
"Nếu là tâm chứng Bồ-đề, thời tâm như-huyễn-hóa, vô tướng, vô hình, không chỗ y-cứ, không chỗ dung-nạp, lĩnh-thụ [6].
"Hơn nữa, Bồ-đề là tùy theo thế-gian, lập ra danh-tự, chứ nó không có âm-hưởng, không có hình-sắc, không thành thực (kết-quả), không có tướng-trạng, không lại, không đi, không ra, không vào, qua cả ba cõi, không có xứ-sở nào; không thể trông thấy, nghe biết, không thể nhớ nghĩ, xa nơi phan-duyên (dính-líu duyên trần), không phải là cảnh hí-luận, không nơi vào (vô sở nhập) không văn-tự, không thể dao-động, không thể an-lập và nó dứt hết tất cả đường ngôn-ngữ [7].
"Nói về hiện-chứng, đã chứng và sẽ chứng được Bồ-Đề, chỉ là danh-tự hư-vọng phân-biệt, chứ nó không sinh, không khởi, không có thể-tính, không thể lấy, không thể nói, không thể ái-trước. Trong ấy thực không có gì là đã thành Chính-Giác, hiện thành Chính-Giác và sẽ thành Chính-Giác. Nếu vô chứng (không chứng), vô thành (không thành) được như thế, mới được gọi là thành Chính-Giác. Tại sao? - Vì, Bồ-Đề (chính-giác) là lìa hết thảy tướng biến-động vậy." [8]
Bấy giờ, Đại-Bồ-Tát Văn-Thù-Sư-Lỵ biết được chỗ Phật suy-nghĩ như thế, mới bạch Phật rằng: "Lạy đức Thế-Tôn! Nếu tướng Bồ-Đề như thế, các thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân phát Bồ-Đề-Tâm, nên trụ vào đâu?"
- Đức Phật dạy: "Như tướng của Bồ-Đề thế nào, thời nên trụ vào như thế." [9]
- Bồ-Tát Văn-Thù-Sư-Lỵ bạch Phật rằng: "Lạy đức Thế-Tôn! Gì là tướng của Bồ-Đề?"
- Đức Phật dạy: "Văn-Thù-Sư-Lỵ! Tướng của Bồ-Đề cao vượt ba cõi, tùy theo thế-tục mà có ra danh-tự, nhưng xa-lìa hết thảy âm-thanh, ngôn-thuyết. Các Bồ-Tát phát tâm xu-hướng Bồ-Đề, từ khi mới phát-tâm, đã là "vô-sở-thú" (không có chỗ xu-hướng, vì Bồ-Đề thuộc không-tính). Thế nên, Văn-Thù-Sư-Lỵ! Các thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nên dùng cái tâm xa-lìa sự phát-tâm, xu-cầu mà trụ vào Bồ-Đề. Văn-Thù-Sư-Lỵ! Nếu các Bồ-Tát phát-tâm, xu-hướng được vào nơi "vô-sở-thú", thế là xu-hướng đạo Bồ-Đề. Văn-Thù-Sư-Lỵ! Xu-hướng về "vô-tự-tính" là xu-hướng Bồ-Đề; xu-hướng về "vô-xứ-sở" là xu-hướng Bồ-Đề; xu-hướng về "pháp-giới-tính", là xu-hướng Bồ-Đề; xu-hướng về nơi của trong hết thảy pháp không còn chỗ chấp-trước, là xu-hướng Bồ-Đề; xu-hướng về "thực-tế không sai-biệt", là xu-hướng Bồ-Đề; xu-hướng về chỗ "như bóng trong gương, như bóng trong ánh sáng, như mặt trăng dưới nước, như lửa trong mùa nóng" là xu-hướng Bồ-Đề!"[10]
Lúc đó, trong đại-chúng có một vị Thiên-tử tên là Tịnh-Nguyệt Uy-Quang bạch Bồ-Tát Văn-Thù-Sư-Lỵ rằng: "Thưa Đại-Sĩ! Các Đại Bồ-Tát tu-tập hạnh gì và y vào đâu mà tu?" - Bồ-Tát Văn-Thù-Sư-Lỵ đáp: "Thưa Thiên-tử! Các Đại Bồ-Tát tu hạnh Đại-bi, y nơi hết thảy chúng sinh mà tu." - Thiên-tử Tịnh-Nguyệt lại hỏi:" Hạnh đại-bi của Bồ-Tát, y vào tâm nào phát-khởi? "Bồ-Tát Văn-Thù-Sư-Lỵ:" Hạnh đại-bi của Bồ-Tát y vào tâm không siểm-nịnh, lừa-dối phát-khởi." - Thiên-tử Tịnh-Nguyệt lại hỏi: "Tâm không siểm-nịnh, lừa-dối y vào đâu phát- khởi?" - Đáp: "Tâm không siểm-nịnh, lừa-dối y vào tâm bình-đẳng của hết thảy chúng-sinh phát-khởi." - Hỏi: "Tâm bình-đẳng của hết thảy chúng-sinh y vào đâu phát-khởi?" - Đáp: "Y nơi tâm nhập vào pháp-tính phi nhất (không phải là một), phi dị (không phải khác) phát-khởi." Hỏi: "Tâm nhập vào pháp-tính phi nhất, phi dị ấy y vào đâu phát-khởi?" - Đáp: "Y vào thâm-tín-tâm phát-khởi." - Hỏi: "Thâm-tín-tâm y vào đâu phát-khởi?" - Đáp: "Y vào tâm Bồ-Đề phát-khởi." - Hỏi: "Tâm Bồ-Đề y vào đâu phát-khởi?" - Đáp: "Y vào sáu pháp Ba-la-mật phát-khởi." - Hỏi: "Sáu pháp Ba-la-mật y vào đâu phát-khởi?" - Đáp: "Y nơi phương-tiện-tuệ [11] phát-khởi." - Hỏi: "Phương-tiện-tuệ y vào đâu phát-khởi?" - Đáp: "Y vào nơi không buông-lung phát-khởi." - Hỏi: "Không buông-lung y vào đâu phát-khởi?" - Đáp: "Y vào ba hạnh thanh-tịnh (thân, khẩu, ý) phát-khởi." - Hỏi: "Ba hạnh thanh-tịnh y vào đâu phát-khởi?" - Đáp: "Y vào mười thiện-nghiệp-đạo [12] phát-khởi." - Hỏi: "Mười thiện- nghiệp-đạo y vào đâu phát-khởi?" - Đáp: "Y vào giữ giới thanh-tịnh phát-khởi." - Hỏi: "Giữ giới thanh-tịnh y vào đâu phát-khởi?" - Đáp: "Y vào sự suy-nghĩ như chính-lý phát-khởi." - Hỏi: "Suy-nghĩ như chính-lý y vào đâu phát-khởi?" - Đáp: "Y vào tâm quán-sát phát-khởi." - Hỏi: "Tâm quán-sát y vào đâu phát-khởi?" - Đáp: "Từ chỗ ức-trì (nhớ-nghĩ, gìn-giữ) không quên phát-khởi." [13]
Khi ấy, Thiên-tử Tịnh-Nguyệt Uy-Quang lại hỏi Bồ-Tát Văn-Thù-Sư-Lỵ: "Thưa Đại-Sĩ! Các Bồ-Tát phát tâm Bồ-Đề gồm có mấy thứ nhân, quả mà được thành-tựu?" - Bồ-Tát Văn-Thù-Sư-Lỵ đáp: "Thưa Thiên-tử! Các Bồ-Tát phát tâm Bồ-Đề gồm có bốn thứ nhân quả mà được thành-tựu. Bốn thứ nhân, quả ấy là gì?, - Một là, Sơ-phát-tâm. Hai là, Giải, Hành, Trụ-phát-tâm. Ba là, Bất-thoái-chuyển phát-tâm. Bốn là, Nhất-sinh bổ-xứ phát-tâm [14]. Nên biết rằng Sơ-phát-tâm là nhân của Giải, Hành, Trụ, Giải, Hành, Trụ phát-tâm là nhân của Bất-thoái-chuyển, Bất-thoái-chuyển phát-tâm là nhân của Nhất-sinh bổ-xứ, Nhất-sinh bổ-xứ là nhân của Nhất-thiết-trí."[15]
Lại nữa, Thiên-tử! Nên biết sơ-phát-tâm như hạt giống mới gieo xuống ruộng, giải, hành, trụ phát-tâm như mầm dần dần tăng-trưởng, bất-thoái-chuyển phát-tâm như cành, lá, hoa, quả lần-lượt sinh ra, nhất-sinh bổ-xứ phát-tâm, như quả-trái thành-thục.
Lại nữa, Thiên-tử! Phát-tâm thứ nhất như người làm xe, trước phải thu thập gỗ, phát-tâm thứ hai như được gỗ rồi, chia ra và bào gọt sạch-sẽ, phát-tâm thứ ba như người thợ mộc kia đã làm thành một cái xe, phát-tâm thứ tư như cái xe của người kia đã chở nhiều thứ nặng đi đến chốn xa-xôi.
Lại nữa, Thiên-tử! Phát-tâm thứ nhất cũng như mặt trăng đầu tháng, phát-tâm thứ hai như mặt trăng đêm mồng năm đến đêm mồng bảy, phát-tâm thứ ba như mặt trăng đêm mồng mười, phát-tâm thứ tư như mặt trăng đêm mười tư. Nên biết trí-tuệ nơi Như-Lai, ví như mặt trăng sáng đúng đêm hôm rằm, hết thảy ánh sáng đều viên-mãn.
Lại nữa, Thiên-tử! Phát-tâm thứ nhất siêu-việt Thanh-Văn-địa, phát-tâm thứ hai siêu-việt Bích-chi-Phật địa, phát-tâm thứ ba siêu-việt Bất-định-địa, phát-tâm thứ tư trụ nơi Quyết-định-địa.
Lại nữa, Thiên-tử! Phát-tâm thứ nhất ví như có người mới học chữ cái, phát-tâm thứ hai như người đi học kia dần-dần biết phân-tích, phát-tâm thứ ba như người đi học kia đã biết tính-toán rành-mạch lâu rồi, phát-tâm thứ tư như người đi học kia thuần-thục và liễu-đạt mọi luận-thuyết.
Lại nữa, Thiên-tử! Phát-tâm thứ nhất Bồ-Tát trụ nơi nhân (nguyên nhân) phát-tâm thứ hai Bồ-Tát trụ nơi trí (trí-tuệ), phát-tâm thứ ba Bồ-Tát trụ nơi đoạn (đoạn-diệt hai chướng), phát-tâm thứ tư Bồ-Tát trụ nơi quả (quả-vị Bồ-Đề).
Lại nữa, Thiên-tử! Phát-tâm thứ nhất nhiếp vào (nắm giữ) nhân, phát-tâm thứ hai nhiếp vào trí, phát-tâm thứ ba nhiếp vào đoạn, phát-tâm thứ tư nhiếp vào quả.
Lại nữa, Thiên-tử! Phát-tâm thứ nhất từ nhân phát-khởi, phát-tâm thứ hai từ trí phát-khởi, phát-tâm thứ ba từ đoạn phát-khởi, phát-tâm thứ tư từ quả phát-khởi.
Lại nữa, Thiên-tử! Phát-tâm thứ nhất là phần sai-biệt của nhân, phát-tâm thứ hai là phần sai-biệt của trí, phát-tâm thứ ba là phần sai-biệt của đoạn, phát-tâm thứ tư là phần sai-biệt của quả.
Lại nữa, Thiên-tử! Phát-tâm thứ nhất như hái góp mọi thứ thuốc lại, phát-tâm thứ hai như phân-biệt tính của từng vị thuốc, phát-tâm thứ ba như tùy bệnh, hợp thuốc nào cho thuốc ấy, phát-tâm thứ tư như uống thuốc khỏi bệnh.
Lại nữa, Thiên-tử! Phát-tâm thứ nhất sinh vào nhà Pháp-vương, phát-tâm thứ hai học pháp của Pháp-vương, phát-tâm thứ ba học đã hiểu-biết rành-rẽ được, phát-tâm thứ tư học được tự-tại.[16]
Bấy giờ, trong pháp-hội có vị Thiên-tử tên là Quyết-Định Quang-Minh, bạch Bồ-Tát Văn-Thù-Sư-Lỵ rằng: "Thưa Đại-Sĩ! Gì là con đường nhanh-chóng của Đại Bồ-Tát? Và, các Đại Bồ-Tát đi con đường ấy chóng được Vô-thượng Chính-đẳng, Chính-giác chăng?
- Bồ-Tát Văn-Thù-Sư-Lỵ đáp: "Thưa Thiên-tử! Con đường nhanh-chóng của Đại Bồ-Tát có hai và Đại Bồ-Tát đi con đường ấy chóng được đạo Vô-thượng Chính-đẳng, Chính-giác. Hai con đường ấy là gì? - Một là, đường Phương-tiện. Hai là, đường Bát-nhã. Đường Phương-tiện nhiếp thủ (nắm giữ) mọi thiện-pháp, đường Bát-nhã hiểu-biết lựa-chọn mọi pháp; đường Phương-tiện không bỏ chúng-sinh, đường Bát-nhã hay xả mọi pháp; đường Phương-tiện biết pháp hòa-hợp, đường Bát-nhã biết pháp không hòa-hợp, đường Phương-tiện thường làm nhân-duyên, đường Bát-nhã thường đưa tới nơi tịch-diệt (vô-vi); đường Phương-tiện biết được tướng sai-biệt của mọi pháp, đường Bát-nhã biết được lý không sai-biệt của pháp-giới; đường Phương-tiện thường làm trang-nghiêm trọn-vẹn những quốc-độ của chư Phật, đường Bát-nhã biết được lẽ bình-đẳng trong quốc-độ của chư Phật; đường Phương-tiện thường biết căn-tính, hành-động bất đồng của chúng-sinh, đường Bát-nhã biết được căn-tính, hành-động là "không", không chỗ có (vô sở hữu); đường Phương-tiện khiến các Bồ-Tát đến nơi đạo-tràng, đường Bát-nhã thường khiến Bồ-Tát đạt tới chỗ "Vô-sở-giác" (không còn chỗ, không còn tướng giác-ngộ).[17]
- Thưa Thiên-tử! Đại Bồ-Tát lại có hai con đường nhanh-chóng. Hai con đường ấy là gì? - Một là, đường Tư-lương (sửa soạn, tu-tập). Hai là, đường Quyết-trạch (lựa chọn quyết-định). Đường Tư-lương là năm pháp Ba-la-mật như Bố-thí v.v..., đường Quyết-trạch là Bát-nhã Ba-la-mật. Đường hữu-trước (còn có sự chấp-trước), đường vô-trước (không còn sự chấp-trước), đường hữu-lậu, đường vô-lậu, đều nói có sự Tư-lương và Quyết-trạch như thế.[18]
Lại có hai đường nhanh-chóng. Hai đường ấy là gì? - Một là, đường hữu-lượng (có hạn-lượng). Hai là, đường vô-lượng (không hạn-lượng). Đường hữu-lượng là có tướng-vị, đường vô-lượng là không có tướng-vị.[19]
Lại có hai đường nhanh-chóng nữa, là đường Trí (trí-tuệ) và đường Đoạn (đoạn-diệt). Đường Trí là từ sơ-địa đến đệ thất địa. Đường Đoạn là từ đệ bát đến đệ thập địa.[20]
Khi ấy, trong pháp-hội có vị Bồ-Tát tên là Dũng-Tu Trí-Tín, bạch Bồ-Tát Văn-Thù-Sư-Lỵ rằng: "Thưa Đại-Sĩ! Thế nào là chỗ biết nghĩa-tướng của Đại Bồ-Tát? Thế nào là chỗ tu trí của Đại Bồ-Tát?[21]
- Bồ-Tát Văn-Thù-Sư-Lỵ đáp: "Thiện-nam-tử! Nghĩa không phải là hòa-hợp, trí là hòa-hợp".
- Bồ-Tát Dũng-Tu Trí-Tín hỏi: "Thưa Đại-Sĩ! Vì nhân-duyên gì nghĩa không phải là hòa-hợp, mà trí là hòa-hợp?"
- Bồ-Tát Văn-Thù-Sư-Lỵ đáp: "Thiện-nam-tử! Nghĩa là vô-vi, vô-vi thời phi-nghĩa (không còn có nghĩa-tướng), trong phi-nghĩa không có pháp gì hoặc hòa-hợp hay không hòa-hợp, Nghĩa là không biến-đổi, không thành thực (kết-quả), không thể lấy, không thể bỏ, đều nói đúng như thế. Thiện-nam-tử! Trí gọi là "Đạo" (đường), đạo cùng tâm hòa-hợp, không phải là không hòa-hợp. Lại nữa, thiện-nam-tử! Trí chỉ là hòa-hợp, không phải là không hòa-hợp.
- Bồ-Tát Dũng-Tu Trí-Tín hỏi: "Thưa Đại-Sĩ! Vì nhân-duyên gì Trí chỉ là hòa-hợp, không phải là không hòa-hợp?"
- Bồ-Tát Văn-Thù-Sư-Lỵ đáp: "Thiện-nam-tử! Trí quán-sát rành năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới [22], quán-sát rành pháp duyên-khởi, quán-sát rành xứ, phi-xứ (đúng chỗ hay không phải chỗ), vì thế nên chỉ hòa-hợp, không phải không hòa-hợp.[23]
Lại nữa, Thiện-nam-tử! Đại Bồ-Tát có mười trí. Mười trí ấy là gì? Một là, nhân-trí. Hai là, quả-trí. Ba là, nghĩa-trí. Bốn là, phương-tiện-trí. Năm là, Bát-nhã-trí. Sáu là, nhiếp-trí. Bảy là, Ba-la-mật-trí. Tám là, đại-bi-trí. Chín là, giáo-hóa chúng-sinh-trí. Mười là, đối với hết thảy pháp, trí vô-sở-trước. Thiện-nam-tử! Như thế gọi là mười trí của Đại Bồ-Tát.[24]
Lại nữa, Thiện-nam-tử! Đại Bồ-Tát có mười hạnh phát-khởi. Mười hạnh phát-khởi ấy là gì? Một là, thân-phát-khởi: vì hết thảy chúng-sinh, thiện-trị nghiệp thân thanh-tịnh. Hai là, khẩu-phát-khởi: vì hết thảy chúng-sinh, thiện-trị nghiệp khẩu thanh-tịnh. Ba là, tâm-phát-khởi: vì hết thảy chúng-sinh, thiện-trị nghiệp ý thanh-tịnh. Bốn là, nội-phát-khởi: đối với hết thảy chúng-sinh không chấp-trước. Năm là, ngoại-phát-khởi: đối với hết thảy chúng-sinh, thực-hành hạnh bình-đẳng. Sáu là, trí-phát-khởi: tu-tập hết thảy Phật-trí. Bảy là, quốc-độ phát-khởi: thị-hiện hết thảy công-đức trang-nghiêm trong các cõi Phật. Tám là, giáo-hóa chúng-sinh phát-khởi: biết các bệnh phiền-não của chúng-sinh mà cho thuốc. Chín là, chân-thực phát-khởi: thành-tựu được quyết-định-tụ[25]. Mười là, vô-vi-trí mãn-túc (trọn-vẹn trí-tuệ vô-vi) phát-khởi: đối với hết thảy pháp trong ba cõi, tâm không chấp-trước. Như thế gọi là mười hạnh phát-khởi của Đại Bồ-Tát".[26]
Lại nữa, Thiện-nam-tử! Đại Bồ-Tát có mười hạnh. Mười hạnh ấy là gì? - Một là, tu hạnh lục Ba-la-mật. Hai là, tu hạnh tứ-nhiếp[27], nhiếp-thủ chúng-sinh. Ba là, tu hạnh Bát-nhã (không-tuệ). Bốn là, tu hạnh phương-tiện. Năm là, tu hạnh đại-bi. Sáu là, tu cầu tư-lương về tuệ. Bảy là, tu cầu tư-lương về trí. Tám là, tu hạnh tín-tâm thanh-tịnh. Chín là, tu hạnh quán-nhập các đế-lý (như: chân-đế, tục-đế, tứ-đế). Mười là, tu hạnh không phân-biệt cảnh yêu, ghét. Như thế gọi là mười hạnh của Đại Bồ-Tát.
Lại nữa, Thiện-nam-tử! Đại Bồ-Tát có mười pháp quán vô-tận (không cùng tận). Mười pháp quán ấy là gì? - Một là, quán thân vô-tận. Hai là, quán sự vô-tận. Ba là, quán pháp vô-tận. Bốn là, quán ái (yêu) vô-tận. Năm là, quán kiến (tư-tưởng) vô-tận. Sáu là, quán vô-sở-trước (không còn chỗ chấp-trước) vô-tận. Chín là, quán tương-ứng (sự hợp nhau) vô-tận. Mười là, quán đạo-tràng thức tự-tính vô-tận[28]. Thiện-nam-tử! Như thế gọi là mười pháp quán vô-tận của Đại Bồ-Tát.[29]
Lại nữa, Thiện-nam-tử! Đại Bồ-Tát có mười pháp điều-phục-hạnh. Mười pháp ấy là gì? - Một là, điều-phục hạnh sẻn-tham, ghen-ghét, bỏ của bố-thí coi như hạt mưa. Hai là, điều-phục hạnh phá-giới, thân, khẩu, ý-nghiệp thanh-tịnh. Ba là, điều-phục hạnh giận-dữ, tu-tập tâm từ. Bốn là, điều-phục hạnh lười-biếng, cầu pháp không chán-nản. Năm là, điều-phục hạnh bất-thiện, được Thiền-định, giải-thoát và thần-thông. Sáu là, điều-phục hạnh vô-minh, sinh tư-lương quyết-định, thiện-sảo trí-tuệ. Bảy là, điều-phục hạnh về các phiền-não, đầy đủ về tư-lương của Nhất-thiết-trí. Tám là, điều-phục hạnh điên-đảo, xuất-sinh tư-lương-đạo chân-thực không điên-đảo. Chín là, điều-phục hạnh không được tự-tại, dù đúng thời hay phi-thời đều tự-tại. Mười là, điều-phục hạnh chấp ngã, quán-sát các pháp vô-ngã. Thiện-nam-tử! Như thế gọi là mười pháp điều-phục-hạnh của Đại Bồ- Tát.[30]
Lại nữa, Thiện-nam-tử! Đại Bồ-Tát có mười nơi tịch-tĩnh (tịch-tĩnh-địa). Mười nơi ấy là gì? - Một là, thân-tịch-tĩnh: xa lìa ba nghiệp bất-thiện nơi thân (sát, đạo, dâm). Hai là, khẩu-tịch-tĩnh: thiện-trị trong-sạch bốn thứ thuộc khẩu nghiệp (nói dối, thêu-dệt, hai lưỡi, ác khẩu). Ba là, tâm-tịch-tĩnh: bỏ hẳn ba ác-hạnh nơi ý (tham, sân, si). Bốn là, nội-tịch-tĩnh: không chấp-trước tự thân. Năm là, ngoại-tịch-tĩnh: không chấp-trước hết thảy pháp. Sáu là, trí-tư-lương tịch-tĩnh: không chấp-trước chỗ hành-đạo. Bảy là, bất tự-cao tịch-tĩnh: quán-sát tự-tính của Thánh-trí[31]. Tám là, cứu-cánh biên-tế thần-thông tịch-tĩnh[32]: xuất-sinh Bát-nhã Ba-la-mật. Chín là, diệt hí-luận tịch-tĩnh: không dối-gạt hết thảy chúng-sinh. Mười là, bất cố-luyến (không đoái-tưởng, luyến-tiếc) thân-tâm tịch-tĩnh: tâm đại-bi giáo-hóa chúng-sinh. Thiện-nam-tử! Như thế gọi là mười nơi tịch-tĩnh của Đại Bồ-Tát.[33]
Lại nữa, Thiện-nam-tử! Các Đại Bồ-Tát như-thực tu-hành (như-thực-hành)[34] thời được đạo Bồ-Đề, không như-thực tu-hành thời không chứng được. Như-thực tu-hành là đúng như chỗ nói ấy thế nào, thời tu-hành như thế; không như-thực tu-hành là chỉ có ngôn-thuyết, chứ không hay tín-thụ, không hay tu-tập.
Lại nữa, Thiện-nam-tử! Đại Bồ-Tát có hai lối như-thực tu-hành. Hai lối ấy là gì? Một là, như-thực tu-hành theo đạo phương-tiện. Hai là, như-thực tu-hành đoạn hẳn vọng-hoặc. Thiện-nam-tử! Đại Bồ-Tát lại có hai lối như-thực tu-hành. Hai lối ấy là gì? Một là, như-thực tu-hành tự-điều-phục. Hai là, như-thực tu-hành giáo-hóa chúng-sinh. Thiện-nam-tử! Đại Bồ-Tát lại có hai lối như-thực tu-hành. Hai lối ấy là gì? Một là, như-thực tu-hành theo trí-tuệ có công-dụng tác-động[35]. Hai là, như-thực tu-hành theo trí-tuệ không có công-dụng tác-động[36]. Thiện-nam-tử! Đại Bồ-Tát lại có hai lối như-thực tu-hành. Hai lối ấy là gì? Một là, như-thực tu-hành, kiến-lập (phân-biệt) rành mọi "địa" (thập-địa). Hai là, như- thực tu-hành, quán-sát rành mọi "địa" không sai-biệt[37]. Thiện-nam-tử! Đại Bồ-Tát lại có hai lối như-thực tu-hành. Hai lối ấy là gì? Một là như-thực tu-hành, khéo xa-lìa sai-lầm của các địa. Hai là, như-thực tu-hành khéo làm viên-mãn công-đức của các địa. Thiện-nam-tử! Đại Bồ-Tát lại có hai lối như-thực tu-hành nữa. Hai lối ấy là gì? Một là, như-thực tu-hành, nói rõ Thanh-Văn, Bích-Chi-Phật-Địa. Hai là, như-thực tu-hành, nói rõ pháp Bồ-Đề bất-thoái-chuyển của chư Phật. Thiện-nam-tử! Đại Bồ-Tát có vô-lượng, vô-biên pháp như-thực tu-hành như thế, nếu ai như-thực tu-hành được như thế, nên biết người ấy không bao lâu sẽ được đạo Vô-thượng Chính-đẳng, Chính-giác. Các Đại Bồ-Tát nên siêng-năng tu, học như thế!
Bấy giờ, đức Thế-Tôn tán-thán Bồ-Tát Văn-Thù-Sư-Lỵ rằng: "Quý-hóa thay, quý-hóa thay! Ông Văn-Thù-Sư-Lỵ! Ông khéo nói xác-thực những lời như-thực ấy!
Đức Phật nói kinh này rồi, Đại Bồ-Tát Văn-Thù-Sư-Lỵ, Đại Bồ-Tát Dũng-Tu Trí-Tín, Thiên-Tử Tịnh-Nguyệt Uy-Quang, Thiên-Tử Quyết-Định Quang-Minh cùng hết thảy thế-gian Thiên, Nhân, A-tu-la v.v... chúng-nhân trong Pháp-hội, đều rất hoan-hỷ, tín-thụ phụng-hành.


Chú thích:

[1] Kinh này là cuốn kinh số 467 trong Đại-tạng-kinh. Kinh này nói tại Già-Da-sơn, nên lấy tên núi mà đặt tên kinh. Già-Da-sơn là tiếng Phạm, Trung-Hoa phiên âm là Yết-sà-thi- lỵ-sa (Gajasirsa) và dịch là "Tượng-đầu", nghĩa là trái núi hình đầu voi. Núi này một mặt phụ-cận núi Linh-thứu, một mặt phụ-cận Bồ-Đề đạo-tràng (nơi đức Phật thành đạo). Và, theo Thái-Hư-Đại-Sư thời Già-Da-sơn còn có nghĩa là "thân"; thân có nghĩa là tích-tụ, do tích-tụ tứ-đại, ngũ-uẩn mà thành.
[2] Kinh này nói sau khi Phật thành đạo đã độ được 1.000 vị dòng Phạm-Chí để tóc dài, tức là đồ-chúng của ba anh em ngài Ca-Diếp. Tất cả các vị này đều thành A-La-Hán, đã được nhiều công-đức giải-thoát, Niết-Bàn nên đoạn này là tán-thán công-đức các vị (Nghĩa những câu tán-thán này xem các kinh trước đã chú-giải).
[3] Trên đây nói đức Phật vào Chính-định tự quán-niệm nơi mình thấy đã chứng Bồ-Đề, tránh khỏi phiền-não, vô-minh, tham-ái sinh-tử, chúng pháp-giới-thân, hoằng-pháp, độ-sinh, mở đường thiện-chí, mở pháp-nhân, xa-lìa mảnh ruộng ngoại-đạo (phi-điền), chỉ cho Tam-Bảo phúc-điền. Nghĩa là đã đầy-đủ trí-tuệ giác-ngộ và bi nguyện độ sinh.
[4] Đây đức Phật quán-sát lại sự thành-tựu Bồ-Đề của Ngài, Ngài nghĩ: pháp gì đã chứng, nay chứng và sau này sẽ chứng. Và sự chứng được Bồ-Đề này là thân-chứng hay tâm chứng? Tức là quán-sát kỹ về ba pháp: năng-chứng, sở-chứng, Bồ-Đề vậy.
[5] Đây nói: nếu bảo là thân chứng Bồ-Đề thời thân này là giả-hợp, là vô-thường, sao chứng được Bồ-Đề?
[6] Đây nói: nếu bảo là tâm chứng Bồ-Đề, thời tâm như huyễn-hóa, sao chứng được Bồ-Đề?
[7] Đây nói: Bồ-Đề có chi, đó chỉ là người đời đặt tên cho nó mà thôi, chứ thực nó không có hình-tướng, đi, lại... chi cả, thời có gì là Bồ-Đề, để mà chứng? Quán-sát tỷ-mỷ thời không có thân, tâm chứng Bồ-Đề, cũng không có Bồ-Đề để mà chứng, mới là chứng Bồ-Đề.
[8] Trên kia đã nói: thân, tâm đều không phải là nơi chứng Bồ-Đề và Bồ-Đề cũng chỉ là danh-dự mà thôi. Đây lại nói không có cả sự hiện-chứng, đã chứng và sẽ chứng Bồ-Đề nữa. Vì, Bồ-Đề là không-tính, Bồ-Đề lìa tướng biến-động, chỉ vô-chứng, vô thành mới là chứng Bồ-Đề hay gọi là thành Chính-giác."
[9] Đoạn này Bồ-Tát Văn-Thù hỏi đức Phật: tướng của Bồ-Đề như thế, chúng-sinh nên trụ vào đâu mà phát-tâm được? Ngài dạy: trụ vào chỗ vô-tướng ấy!
[10] Đây Bồ-Tát Văn-Thù hỏi, đức Phật đáp: Bồ-Đề là "không-tính" mặc dầu có danh-tự, nhưng nó xa-lìa cả âm-thanh, ngôn-ngữ. Vì thế, Bồ-Tát phát-tâm, xu-hướng Bồ-Đề, phải không thấy có "phát-tâm", không thấy có xu-hướng" mới là "phát-tâm, xu-hướng Bồ-Đề". Nghĩa là hướng về nơi "vô-sở", nhập cùng "pháp-giới-tính".
[11] Phương-tiện tuệ: Trí-tuệ biết dùng phương pháp đối-trị.
[12] Mười Thiện-nghiệp-đạo: Không sát-sinh, không trộm-cắp, không tà-dâm, không nói dối, không hai lưỡi, không nói thêu-dệt, không ác-khẩu, không tham, không sân và không si.
[13] Đoạn văn trên đây là Thiên-tử Tịnh-Nguyệt hỏi về hạnh tu-tập cùng nơi y-chỉ của hạnh ấy nơi các Đại-Bồ-Tát, được Bồ-Tát Văn-Thù giải-đáp tỷ-mỷ với mục-đích làm cho sự phát-tâm Bồ-Đề của Thiên-Tử đi sâu vào sự thực-hành hạnh Đại-thừa để đạt tới đích bất-thoái-chuyển.
[14] Đây Bồ-Tát Văn-Thù đáp về 4 nhân, quả của Bồ-Đề: Sơ-phát-tâm là chỉ vào Thập-tín-vị; giải (thắng-giải), hành, trụ chỉ cho Thập-trụ, Thập-hành, Thập-hồi-hướng; Bất-thoái-chuyển chỉ cho Thập-địa và Nhất-sinh bổ-xứ là chỉ cho vị Bồ-Tát tu rốt-ráo về Thập-địa, chỉ một lần chuyển-sinh bổ-xung lên Phật-địa mà thôi.
[15] Đây nói 4 nhân, quả của Bồ-Đề, đầu từ sơ-phát-tâm sẽ làm nguyên-nhân, kết-quả lẫn nhau.
[16] Đoạn "lại nữa" trên đây, Bồ-Tát Văn-Thù nói về tỷ-dụ, nhân-quả và sự đạt-thành từ thấp tới cao, dẫn người hỏi đi sâu vào sự tìm-hiểu minh-bạch và thực-tế.
[17] Đoạn văn trên đây Thiên-tử Quyết-Định hỏi Bồ-Tát Văn-Thù: con đường nào nhanh-chóng đạt tới Vô-thượng Bồ-Đề. Bồ-Tát Văn-Thù đáp: có 2 con đường là Phương-tiện và Bát-nhã. Phương-tiện là tư-lương của phúc-đức, Bát-nhã là tư-lương của trí-tuệ. Phương-tiện biểu-hiện tính-cách hòa-đồng để nhiếp-dẫn, Bát-nhã đứng trên phương-diện lý-giải không-tính, để đạt tới chỗ không còn có tướng của giác-ngộ (vô-sở-giác).
[18] Cũng trong hai con đường nhanh-chóng. Bồ-Tát tu 5 độ trước là phúc-đức tư-lương, tu Bát-nhã là quyết-trạch. Cho đến hữu-trước, hữu-lậu thuộc 5 độ trước, vô-trước, vô-lậu thuộc Bát-nhã.
[19] Hữu-lượng là con đường Bồ-Tát tu lục-độ, từ sơ-địa đến thất-địa có sự trước-tướng nên công-đức có hạn-lượng. Vô-lượng là từ Bát-địa Bồ-Tát tu không trước-tướng, vô công-dụng đạo, nên không có hạn-lượng.
[20] Từ sơ-địa đến thất-địa, thực biết pháp-giới, nhưng còn chút phiền-não, nên gọi là "trí", Bát-địa trở lên đoạn hết phiền-não, nên gọi là "đoạn"
[21] Nghĩa-tướng tức đệ-nhất nghĩa thực-tướng của các pháp. Trí đây là trí-tuệ của Đại Bồ-Tát.
[22] Năm uẩn, 12 xứ, 18 giới: Xem các kinh trước đã giải.
[23] Đoạn văn trên đây Bồ-Tát Dũng-Tu Trí-Tín hỏi Bồ-Tát Văn-Thù về hai chỗ "Nghĩa" và "Trí". Nghĩa là đệ-nhất-nghĩa thực-tướng, là vô-vi nên không còn có nghĩa gì là hòa-hợp, tức là thuộc về không-tính. Trí là trí-tuệ, là con đường (đạo), là chính-lý, quán-sát thâu-suốt sự-vật, đúng chỗ (xứ), hay không đúng chỗ (phi-xứ) mà nó luôn luôn hòa-hợp với thiện-tâm vậy.
[24] Đây giải rõ 10 trí của Đại Bồ-Tát. 10 trí này đứng trong vòng đối-đãi, hòa-hợp, lợi-sinh và không trước-tướng mà có. Trong nầy "nghĩa-trí" tức là trí-tuệ của đệ-nhất-nghĩa; "nhiếp-trí" là trí-tuệ để nhiếp-trì trong những trí-tuệ đối-đãi, như nhân với quả v.v...
[25] Quyết-định-tụ: Công-đức tu-tập kết-tụ nhất-định không còn động-chuyển.
[26] Đây nói: Bản thân thanh-tịnh của Bồ-Tát phát khởi những hạnh làm lợi-ích chúng-sinh.
[27] Tứ-Nhiếp: Bố-thí, ái-ngữ, lợi-hành, đồng-sự.
[28] Đây nói rất nhiều nơi chư Phật thành đạo. Chư Phật thành đạo tức là lúc tự-tính đại-viên-mãn-giác hợp với vô-cấu-thanh-tịnh-thức, nên gọi là "đạo-tràng (nơi giác-ngộ) thức tự-tính vô-tận".
[29] Đây quán-sát pháp-giới không chướng-ngại, không cùng tận.
[30] Đây là phương-pháp rèn-luyện thân, tâm, nhiếp-phục phiền-não và phá chấp.
[31] Tự-tính của Thánh-trí bình-đẳng không cao, thấp, hay, dở.
[32] Dùng Bát-nhã-trí, được thần-thông tịch-tĩnh vô-biên trong mai sau, mà đạt tới cứu-cánh-địa.
[33] Đây nói về công-đức thanh-tịnh nơi tự-thân đạt thành.
[34] Đây nói về như-thực tu-hành và không như-thực tu-hành. Như-thực tu-hành nói rõ nghĩa là y thực như thế mà tu-hành.
[35] Đây chỉ vào các vị tu-hành từ sơ-địa đến thất-địa.
[36] Đây chỉ vào các vị tu-hành từ bát-địa trở lên.
[37] Đây: quán-nhập nhất-tướng-trí, không chấp-tướng, không còn sự sai-biệt.

« Kinh này có tổng cộng 1 quyển »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Về mái chùa xưa


Vào thiền


Phóng sinh - Chuyện nhỏ khó làm


Đừng bận tâm chuyện vặt

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.223.238.38 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập