Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Thừa Bổn Sanh Tâm Địa Quán Kinh [大乘本生心地觀經] »» Bản Việt dịch quyển số 6 »»

Đại Thừa Bổn Sanh Tâm Địa Quán Kinh [大乘本生心地觀經] »» Bản Việt dịch quyển số 6

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (2) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.46 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.59 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Đại Thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán

Kinh này có 8 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 |
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Phẩm 6: LY THẾ GIAN
Bấy giờ, trong pháp hội có một vị Đại Bồ tát tên là Nhạo Viễn Ly Hạnh, nhờ uy lực của Phật, từ tòa ngồi đứng dậy, ở trong đại chúng vì các Bồ tát nêu bày về hạnh A-lan-nhã, nói với tất cả các vị Bồ tát:
- Bồ tát xuất gia ở A-lan-nhã nên nghĩ: Do nhân duyên gì mà ta xa lìa thế tục, Tu diệu hạnh thanh tịnh ở A-lan-nhã? Các Phật tử nhất tâm nghe kỹ! Tôi nay nương uy lực Phật vì các vị phân biệt diễn thuyết về hạnh A-lan-nhã!
Các Bồ tát nói:
- Quý hóa thay! Đại sĩ đã vì chúng tôi, cùng các vị cầu Bồ tát đạo ở đời mai sau, kính xin Đại sĩ cứ nói cho, chúng tôi muốn nghe!
Khi ấy, Bồ tát Nhạo Viễn Ly Hạnh bảo đại chúng:
- Tất cả chúng sinh ở thế gian có nhiều sự sợ hãi, Bồ tát xuất gia vì chán những sự sợ hãi nơi thế gian ấy nên rời bỏ cha mẹ cùng các quyến thuộc đến ở nơi A-lan-nhã, tu hạnh viễn ly.
Thế nào là những sự sợ hãi?
Hoặc có Bồ tát nghĩ: “Ngã” là sợ hãi, vì tất cả phiền não từ “ngã" sinh ra. Hoặc có Bồ-tát nói “ngã sở” là sợ hãi, vì tất cả phiền não từ “ngã sở” sinh ra. Hoặc có Bồ tát nói “bảy thứ mạn” là sợ hãi, vì các thứ mạn ấy đều không biết kính người thiện. Hoặc có Bồ tát lấy “ba độc” kia làm sự sợ hãi, vì do nó tạo ra vô lượng tội, phải sa đọa vào các đường ác. Hoặc có Bồ tát lấy “năm dục” kia làm sự sợ hãi, vì đam trước sự vui thế gian, sẽ phải sa vào tám nạn. Ví như ở đời có con rắn gọi là “Thất bộ xà”, nếu khi nó hại người, nọc độc của nó rất mạnh, người ta đi ra khỏi bẩy bước bị trúng độc thân mạng liền chết ngay. Sức một con rắn độc còn làm tổn hại người như thế, huống chi là năm con rắn cùng làm sự tổn hại, thời sức độc càng mạnh thêm, thân mạng khó toàn được! Năm dục của đời cũng thế, mỗi một thứ dục lạc đều có thể dẫn khởi ra tám vạn bốn ngàn thứ phiền não cấu uế hết sức vi tế, mê hoặc kẻ ngu si, làm cho họ bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, cùng các tai nạn khác, chịu nhiều khổ não, huống là tham đắm đầy đủ các món “trần” khác? Vô số chư Phật như số cát sông Hằng ra đời, thuyết pháp giáo hóa, thời gian vun vút như ánh sáng luồn qua chỗ hở nhanh chóng, mà kẻ ngu si hoàn toàn không được trông thấy, vì thường ở trong các đường ác như ở nhà mình, ở nơi không được ngắm nhìn thong thả mà như dạo xem trong vườn vui chơi. Thời quá khứ có Đức Phật muốn khiến cho chúng sinh chán bỏ năm dục nên nói bài kệ rằng:
Như con thiêu thân thấy ánh lửa
Lấy đó làm thích nên đua vào
Nhưng không biết tánh lửa rất nóng
Phải đành bỏ mạng cho lửa đốt.
Phàm phu trên đời cũng như thế
Ham thích sắc đẹp đi tìm tòi
Không biết sắc đẹp nhiễm vào người
Lại bị lửa đốt, mọi khổ tới.
Ví như đàn hươu trong rừng rú
Ăn nơi cỏ ngon nuôi sống mình
Thợ săn giả làm tiếng hươu mẹ
Đàn hươu trúng tên đều chết cả.
Phàm phu trên đời cũng như thế
Tham đắm mọi tiếng nghe vừa ý
Không biết tiếng kia nhiễm vào người
Khổ báo ba đường trở lại chịu.
Ví như ong mật bay đi xa
Dạo tới rừng xuân hút nhụy hoa
Vì thích mùi thơm nơi má voi
Tai voi nhân đó trập lại chết.
Phàm phu trên đời cũng như thế
Ham thích mọi mùi hương thọ dụng
Không biết hương kia nhiễm vào tâm
Sinh tử luân hồi nhiều kiếp khổ.
Ví như cá lớn ở trong nước
Bơi, lội, lặn, nổi tự vui vẻ
Vì tham mùi thơm bèn cắn câu
Ham mùi, quên mạng đều bị chết.
Phàm phu trên đời cũng như thế
Lưỡi ham mùi ngon giúp thân thể
Giết người, sống mình tâm thiên lệch
Cảm báo ba đường dữ, khổ cực.
Ví như voi trắng ở núi rừng
Tự tại cũng như sư tử chúa
Lòng dục loạn say thành mờ tối
Tìm đến voi cái sinh tham nhiễm.
Tất cả phàm phu cũng như thế
Tới chỗ ái ân như voi cuồng
Ân ái ràng buộc không ngừng dứt
Chết vào địa ngục khổ khôn lường.
Trai, gái trên đời tham cầu nhau
Đều bởi ham đắm các sắc dục
Trời, người bởi thế nên ràng buộc
Đọa lạc ba đường trong tăm tối.
Nếu lìa bỏ được tâm tham dục
Ở A-lan-nhã tu phạm hạnh
Quyết vượt qua được khổ sinh tử
Chóng vào cung “Vô vi, thường lạc”.
Hoặc có Bồ tát lấy việc tham nhiều của cải làm sự sợ hãi. Của báu nơi mình thường tìm kiếm tích góp lại, không dám thọ dụng, huống chi là đem bố thí cho chúng sinh nghèo thiếu? Đối với của báu của mình sinh tâm tham đắm, còn đối với của báu nơi khác thì lại muốn cho tổn giảm. Bởi nhân duyên ấy, sau khi mạng chung phải đọa vào đại địa ngục chịu vô lượng khổ. Khổ báo như thế gọi là quả báo chánh cảm thứ nhất. Từ địa ngục ra phải chịu thân súc sinh, thân thường khổ nhọc, nước cỏ không đủ và phải qua trong nhiều thời đền trả sự tổn hại của người trước. Mọi khổ như thế gọi là quả báo chánh cảm thứ hai. Chịu tội ấy xong, sinh vào trong ngạ quỷ, khôn khổ đói khát vô lượng, hàng ngàn kiếp không hề nghe thấy tên thức ăn, nước uống; cổ nhỏ như thân kim, bụng to như núi, ví dù được thức ăn uống, theo nghiệp liền biến thành lửa. Thân khổ như thế gọi là quả báo chánh cảm thứ ba. Hết tội ấy rồi, lại sinh về nhân gian, vào hạng nghèo cùng hèn hạ, bị người sai khiến; đối với các thứ của báu cầu rất khó được và đối với tất cả mọi thời đều không tự tại. Dư báo như thế gọi là “Tương tự quả”. Tất cả Bồ tát thấy biết về nhân quả rõ ràng như thế, nên thường sinh tâm sợ hãi muốn cầu giải thoát. Do chỗ sợ hãi ấy, nên xa lìa quyến thuộc và ở nơi A-lan-nhã.
Hoặc có Bồ tát lấy tâm khát ái làm sự sợ hãi, vì đối với những khi chưa được tất cả của báu, ngày đêm tìm tòi, sinh tâm khao khát. Hoặc có Bồ tát lấy “ngã, ngã sở kiến” làm sự sợ hãi, vì nó chỗ nương tựa của các phiền não. Hoặc có Bồ tát lấy các “pháp kiến” làm sự sợ hãi, vì nó là chỗ nương tựa cho sở tri chướng. Hoặc có Bồ tát lấy sáu mươi hai kiến làm sự sợ hãi, vì vào rừng tà kiến thì khó ra khỏi được. Hoặc có Bồ tát lấy “nghi” làm sự sợ hãi, vì đối với pháp chân chánh sinh tâm nghi hoặc. Hoặc có Bồ tát lấy “đoạn kiến” kia làm sự sợ hãi, vì chấp không có đời sau, gạt đi, cho là không có nhân quả, sinh tà kiến nặng nề phải bị đọa vào địa ngục. Hoặc có Bồ tát lấy “thường kiến” kia làm sự sợ hãi, vì chấp thân của chúng sinh trong năm cõi thường hằng như thế, theo nghiệp thiện, ác vẫn không biến đổi. Hoặc có Bồ tát lấy “tật đố” kia làm sự sợ hãi, vì không chịu sự vẻ vang của người, mang tâm niệm ác. Hoặc có Bồ tát thường lấy “trạo cử” làm sự sợ hãi, vì tâm không tịch tĩnh, sinh ra tán loạn. Hoặc có Bồ tát lấy tâm “bất tín” làm sự sợ hãi, ví như người tay không, tuy đến núi báu, nhưng hoàn toàn không thể lấy được gì; người không có bàn tay tin tưởng, tuy gặp Tam bảo nhưng không thu đạt được gì. Hoặc có Bồ tát lấy “vô tàm” kia làm sự sợ hãi, vì bên trong không biết hổ thẹn, nên thường tạo các nghiệp ác, nghiệp chướng vô minh khó thấy được Phật. Hoặc có Bồ tát lấy tâm “vô quý” làm sự sợ hãi, vì bên ngoài không biết xấu hổ, bỏ ân bội đức, phải sinh tử luân hồi và đọa vào ba đường dữ. Hoặc có Bồ tát lấy “phẫn hận” làm sự sợ hãi, vì nó hay làm tổn hại mình và người thành ra sự oán kết lẫn nhau, trong nhiều kiếp, làm chướng ngại đối với đạo Phật. Hoặc có Bồ tát lấy sự “vong thất” lãng quên không nhớ kia làm sự sợ hãi, vì đối với sự nghe pháp không ghi nhớ được, quên mất văn nghĩa, thêm sự ngu si.
Hoặc có Bồ tát cho tất cả những nghiệp đen tối bất thiện là sợ hãi. Sao vậy? Vì tất cả nghiệp bất thiện là nhân của sinh tử, xoay chuyển trong ba cõi không thoát khỏi được, đối với vô lượng vô biên sự sợ hãi ấy đều làm chướng ngại cho thắng pháp xuất thế. Hoặc có Bồ tát lấy “năm thứ che lấp” làm sự sợ hãi, vì năm thứ phiền não ấy che lấp tâm Bồ đề của Bồ tát. Hoặc có Bồ tát lấy tâm ghen ghét làm sự sợ hãi, đối với các chúng sinh không có tâm thương xót, nên tu hạnh Bồ đề hay bị thoái chuyển. Hoặc có Bồ tát lấy sự cấu uế do “phá giới” làm sự sợ hãi, vì điều ấy làm nhơ nhớp Thánh pháp, khó được quả báo chân chánh. Hoặc có Bồ tát lấy “ưu não” làm sợ hãi, vì các vọng tưởng mạnh luôn làm mất nghiệp thiện. Hoặc có Bồ tát lấy tâm “ác tác” làm sợ hãi, vì đối với chỗ tu thiện sinh tâm hối tiếc. Hoặc có Bồ tát nói sự “cuồng túy” là điều sợ hãi, vì nó không biết thiện, ác, không có tôn ty. Hoặc có Bồ tát lấy sự chết không đúng thời làm điều sợ hãi, vì không an trụ nơi chánh niệm, hướng về vô thường. Hoặc có Bồ tát lấy nghiệp vọng ngữ làm điều sợ hãi, vì kiếp kiếp đời đời có nói năng gì tất cả chúng sinh đều không tin nhận. Hoặc có Bồ tát lấy bốn thứ điên đảo làm sợ hãi, vì do bốn món điên đảo ấy nên phải bị luân hồi sinh tử, khởi nghiệp phiền não không cầu Phật. Hoặc có Bồ tát nói “bạn ác” là điều sợ hãi, vì theo bạn bất thiện ấy mà tạo ra nghiệp ác. Hoặc có Bồ tát lấy “ngũ uẩn ma” làm điều sợ hãi, vì thân năm uẩn này từ phiền não sinh ra, sinh rồi liền dấy lên vô lượng phiền não; nhân các phiền não mà tạo nghiệp bất thiện, do các hoặc nghiệp nên bị sa xuống hầm sâu lớn, bởi nhân duyên ấy sinh ra sợ hãi. Hoặc có Bồ tát lấy “phiền não ma” làm điều sợ hãi, vì các thứ đại, tiểu phiền não nối tiếp sinh tử, làm thoái tâm Bồ đề, bị đọa vào đường ác. Hoặc có Bồ tát chán ngán và lo lắng về “tử ma” làm điều sợ hãi, vì phát tâm Bồ đề chưa được tới chỗ bất thoái, thân nát, mạng mất, sinh tâm thoái chuyển. Hoặc có Bồ tát cho các Thiên ma là điều sợ hãi, vì họ hàng Thiên ma đầy dẫy trong cõi Dục, làm chướng ngại người tu đạo, thoái tâm Bồ đề. Hoặc có Bồ tát lấy tâm “vô ký" làm điều sợ hãi, vì đối với pháp thiện không tiến tu được, luống qua thời gian dài, lui mất nghiệp thiện. Hoặc có Bồ tát lấy tám nạn kia làm điều sợ hãi, vì nếu bị đọa vào trong tám nạn ấy thời như từ chỗ tối lại vào chỗ tối, đêm dài sinh tử khó gặp được ánh sáng. Hoặc có Bồ tát quán địa ngục kia làm điều sợ hãi, vì một khi sa vào địa ngục, thời trải qua vô lượng kiếp chịu khổ não lớn khó được giải thoát. Hoặc có Bồ tát cho sự đọa vào hàng súc sinh là điều sợ hãi, vì trong giới bàng sinh phải chịu quả báo ngu si, trải vô lượng kiếp khó thoát khỏi được. Hoặc có Bồ tát thấy nẻo ngạ quỷ là điều sợ hãi, vì trong hằng sa kiếp phải chịu khổ đói khát, khó gặp được Phật, Pháp, Tăng. Hoặc có Bồ tát tưởng sự sinh trong cõi Dục làm điều sợ hãi, vì phiền não tạp khởi, tạo các nghiệp ác, bị đọa vào ba đường dữ. Hoặc có Bồ tát cho cõi sắc kia là điều sợ hãi, vì các “hữu phú phiền não” hay làm chướng ngại tu Định. Hoặc có Bồ tát cho cõi Vô sắc là điều sợ hãi, vì trong ba cõi ấy tịch tĩnh quá, cũng như Niết bàn, nên chúng sinh vọng chấp làm cứu cánh, đến khi kiếp hết mạng mất, phải đọa vào địa ngục. Hoặc có Bồ tát cho sự nối tiếp liên tục cửa sinh tử làm điều sợ hãi, vì sinh vào nhà tà kiến, khó ra khỏi được. Hoặc có Bồ tát cho sự chán bỏ sinh tử làm điều sợ hãi, vì chết đây, sinh kia, thường chịu khổ não, như thế làm chướng ngại hạnh Bồ tát cầu Niết bàn. Hoặc có Bồ tát cho giọng tiếng thế gian là điều sợ hãi, vì nó làm cho tâm thường bị tán loạn, phương hại tới nghiệp thiện. Hoặc có Bồ tát lấy “tâm, ý, thức” làm điều sợ hãi, vì những hành tướng sở duyên của nó là không thể biết được.
Nếu ở nhà thế tục, do những sự sợ hãi ấy, ngày đêm nối tiếp nhau nhiễu loạn tâm thiện, không thể chứng được pháp “không sợ hãi”. Bồ tát thời quá khứ ở nơi A-lan-nhã đều chứng được pháp không sợ hãi, tức là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bồ tát đời vị lai ở nơi A-lan-nhã đều sẽ được pháp không sợ hãi, tức là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Các Đại Bồ tát trong mười phương hiện tại, ở nơi A-lan-nhã dứt bỏ tất cả chướng ngại, được pháp không sợ hãi tức là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Các vị nên biết, tùy theo căn khí, nên tu học về nhiếp niệm thân tâm ở nơi A-lan-nhã của các Bồ tát trong ba đời, để điều phục vọng tưởng, vĩnh viễn không sợ hãi, đạt tới cứu cánh Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Lại nữa, Bồ tát xuất gia ở nơi A-lan-nhã nên làm nghiệp gì? Nên tạo những niệm gì? Ngày đêm thường suy nghĩ như thế này: “Tất cả mọi sự sợ hãi hiện có của thế gian đều từ “ngã” sinh: vì tất cả mọi sợ hãi đều do chấp trước vào “ngã” mà sinh ra; tất cả sợ hãi đều do ngã làm căn bản; tất cả sợ hãi đều do “ngã ái” sinh ra; tất cả sợ hãi đều do “ngã tưởng” sinh ra; tất cả sợ hãi đều từ “ngã kiến” sinh ra; tất cả sợ hãi đều lấy “ngã” làm trụ xứ; tất cả sợ hãi đều từ nhân là “ngã” mà sinh; tất cả sợ hãi là do phân biệt sinh ra; tất cả sợ hãi là từ phiền não sinh ra; tất cả phiền não đều từ “ngã ái” sinh ra. Nếu ta ở nơi A-lan-nhã mà không lìa bỏ được chấp trước về “ngã, ngã sở”, thì không nên ở trong A-lan-nhã ấy và không bằng trở về nhà ở tại gia còn hơn. Sao vậy? Nếu người có “ngã tướng” (ta), thì không nên ở nơi A-lan-nhã. Nếu người có “nhân tướng” (người) thì không nên ở nơi A-lan-nhã. Nếu có người đủ cả hai chấp: “ngã, ngã sở” thì không nên ở nơi A-lan-nhã. Nếu người có “pháp kiến” thì không nên ở nơi A-lan-nhã. Nếu người có đủ bốn thứ điên đảo chấp ấy, thì không nên ở nơi A-lan-nhã.”
Các vị nghe kỹ, nếu có người tu hành tạo ra tướng Niết bàn thì cũng không nên ở nơi A-lan-nhã, huống chi là còn khởi ra các tướng phiền não.
Các vị nghe kỹ, nếu có người không chấp trước vào tất cả hình tướng của các pháp thì nên an trụ nơi A-lan-nhã, như thế gọi là đang ngồi trong “Vô trước đạo tràng” đối với tất cả các pháp đều “bất khả đắc”. Nếu người tâm điều phục, nhu hòa được, không có tranh luận, thì nên an trụ nơi A-lan-nhã. Đối với mọi nhân duyên ở đời đều không chấp trước, thì nên an trụ ở nơi A-lan-nhã. Đối với các pháp như sắc, thanh, hương, vị, xúc, không còn nương tựa vào chúng, thì nên an trụ nơi A-lan-nhã. Đối với tất cả các pháp đều có sự thấy biết bình đẳng, thì nên an trụ nơi A-lan-nhã. Đối với bốn uy nghi có thể điều phục được tâm mình, thì nên an trụ nơi A-lan-nhã. Bỏ được tất cả các điều sợ hãi, thì nên an trụ nơi A-lan-nhã.
Các Phật tử, nói một cách tổng quát, những người đối với các phiền não đã giải thoát được, thì nên an trụ nơi A-lan-nhã. Nếu người thành tựu được nhân Niết bàn, thì nên an trụ nơi A-lan-nhã. Người khéo tu hành bốn Vô cấu tánh, nên an trụ nơi A-lan-nhã. Nếu người có tư tưởng ít muốn, biết đủ, nên an trụ nơi A-lan-nhã. Người có trí tuệ, đầy đủ đa văn, nên an trụ nơi A-lan-nhã. Nếu người tu hành được ba môn giải thoát, nên an trụ nơi A-lan-nhã. Người dứt hẳn được các thứ phiền não ràng buộc, nên an trụ nơi A-lan-nhã. Người quán sát kỹ lưỡng được mười hai nhân duyên, nên an trụ nơi A-lan-nhã. Người mà chỗ tạo tác đã biện giải xong, nên an trụ nơi A-lan-nhã. Người đã bỏ được gánh nặng, nên an trụ nơi A-lan-nhã. Người chứng ngộ diệu lý sâu xa của chân như, nên an trụ nơi A-lan-nhã.
Các vị nên biết, nơi A-lan-nhã, các loại cây thuốc, các thứ gỗ lớn, nhỏ sinh ra ở nơi ấy, từng không sợ hãi, cũng không phân biệt. Đại Bồ tát ở nơi A-lan-nhã cũng thế, quán sát thân tâm mình như cây khô, như tường vách, ngói sỏi... không khác, đối với tất cả pháp, không có phân biệt. Ta quán sát thân tâm ta cũng như huyễn mộng, không thực, từng niệm, từng niệm già suy, hơi thở của ta ra rồi không vào được nữa; khi đó, do nhân thiện, ác, theo nghiệp mà chịu báo. Thân này vô thường, chóng khởi, chóng diệt, thân này hư giả, quyết không tồn tại lâu được. Như thế, trong thân không có “ngã, ngã sở” không có hữu tình, không có mạng, không có “dưỡng dục”, không có “sĩ phu”, không có “Bổ-đặc-già-la”, không có “tác nghiệp”, không có “hữu kiến”, mọi tướng như thế là bản lai không tịch, cũng như hư không, cũng như bọt nước. Niệm niệm thường nên thực hành quán pháp như thế thời tất cả sợ hãi đều được giải thoát, như cây gỗ kia không có sự sợ hãi. Khi ấy, các Bồ tát được ở nơi an lạc lớn lao không còn có sự sợ hãi sinh ra, thế gọi là Bồ tát ở nơi A-lan-nhã, cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Lại nữa, Bồ tát xuất gia ở nơi A-lan-nhã, suốt ngày đêm nên quán như thế này: “A-lan-nhã này là nơi an vui tu tập thuần bốn Vô cấu tánh. A-lan-nhã này là nơi tu tập thuần hạnh Tri túc. A-lan-nhã này là nơi giải thoát các phiền não. A-lan-nhã này là nơi đầy đủ trí tuệ, đa văn. A-lan-nhã này là nơi điều phục và đoạn diệt các thứ phiền não chướng, sở tri chướng. A-lan-nhã này là nơi chứng nhập ba môn giải thoát. A-lan-nhã này là nơi chứng trọn tám pháp giải thoát. A-lan-nhã này là nơi quán sát đầy đủ mười hai nhân duyên. A-lan-nhã này là nơi dứt trừ được các nghiệp chướng. A-lan-nhã này là nơi chứng Sơ quả Dự lưu. A-lan-nhã này là nơi chứng quả thứ hai Nhất lai. A-lan-nhã này là nơi chứng quả thứ ba Bất hoàn. A-lan-nhã này là nơi chứng quả thứ tư A la hán. A-lan-nhã này là nơi chứng quả Bích chi phật. A-lan-nhã này là nơi đã biện giải xong được chỗ tạo tác, được tự tại. A-lan-nhã này là nơi bỏ được các gánh nặng, đạt được mọi sự nhẹ nhàng an vui. A-lan-nhã này là nơi được “Nhị không chân như”. A-lan-nhã này là nơi tu vô lượng tâm Đại từ. A-lan-nhã này là nơi tu chứng vô lượng tâm Đại bi. A-lan-nhã này là nơi tu tập thành tựu “Hỷ vô lượng”. A-lan-nhã này là nơi tu tập thành tựu “Xả vô lượng”. A-lan-nhã này là nơi phát tâm Bồ đề. A-lan-nhã này là nơi Bồ tát tu trì đến Thập tín. A-lan-nhã này là nơi Bồ tát tu tiến tuần tự đến Thập trụ. A-lan-nhã này là nơi Bồ tát tu thêm dần dà đến Thập hạnh. A-lan-nhã này là nơi Bồ tát tu hạnh dần dà đến Thập hồi hướng. A-lan-nhã này là nơi tu tập thuần bốn Thiện căn. A-lan-nhã này là nơi tu hành sáu pháp Ba-la-mật. A-lan-nhã này là nơi tu hành từ Sơ địa đến Thập địa. A-lan-nhã này là nơi chứng được sáu căn thanh tịnh. A-lan-nhã này là nơi chứng được Thiên nhãn thông. A-lan- nhã này là nơi chứng được Thiên nhĩ thông và Túc trụ trí, Sinh tử trí minh, Thần cảnh, Tha tâm thông.
A-lan-nhã này là nơi có sự tàm quý. A-lan-nhã là nơi không phóng dật. A-lan-nhã này là nơi tu tập năm căn. A-lan-nhã này là nơi chứng được vô lượng, vô biên Tam muội. A-lan-nhã này là nơi đạt được hằng sa Đà-la-ni môn, chứng tự tại. A-lan-nhã này là nơi chứng ngộ Nhẫn vô sinh. A-lan-nhã này là nơi dứt sinh tử, ra hẳn ba cõi. A-lan-nhã này là nơi đạt được Bất thoái chuyển. A-lan-nhã này là nơi hàng phục tất cả mọi ma oán địch, tiêu trừ nghiệp chướng, thấy Phật, nghe Pháp. A-lan-nhã này là nơi được pháp môn Bất cộng tối thượng của Phật. A-lan-nhã này là nơi tu tập Giới uẩn thanh tịnh. A-lan-nhã này là nơi xuất sinh Tam-ma-địa vô lậu. A-lan-nhã này là nơi sinh Bát-nhã, chứng giải thoát. A-lan-nhã này là nơi sinh Giải thoát tri kiến. A-lan-nhã này là nơi được ba mươi bảy Pháp phận Bồ đề. A-lan-nhã này là nơi khéo tu nhiếp mười hai hạnh Đầu-đà. A-lan-nhã này là nơi trụ của trí tuệ phân biệt rõ ràng nghĩa lý. A-lan-nhã này là nơi vĩnh viễn đoạn trừ mầm mống năm uẩn hữu lậu. A-lan-nhã này là nơi được giải thoát khỏi mười hai nhập. A-lan-nhã này là nơi lìa hẳn mười tám giới hữu lậu. A-lan-nhã này là nơi quán sát mười tám không vi diệu. A-lan-nhã này là nơi dung thọ tất cả các pháp không.
A-lan-nhã này là nơi sinh và làm tăng trưởng mười thiện pháp. A-lan-nhã này là nơi làm tăng trưởng tâm Bồ đề kiên cố. A-lan-nhã này là nơi chư Phật ba đời luôn khen ngợi. A-lan-nhã này là nơi tất cả Bồ tát đều cung kính, tán thán.
A-lan-nhã này là nơi Đức Phật Tỳ Bà Thi thành đạo ở dưới gốc cây Ni-câu-đà. A-lan-nhã này là nơi Đức Phật Thi Khí thành đạo dưới gốc cây Thi-ly-sa. A-lan-nhã này là nơi Đức Phật Tỳ Xá Phù thành đạo dưới gốc cây A-thi-bà-đa. A-lan-nhã này là nơi Đức Phật Câu Lưu Tôn thành Bậc Đẳng Chánh Giác ở dưới gốc cây Vô Ưu. A-lan-nhã này là nơi Đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni thành Bậc Đẳng Chánh Giác ở dưới gốc cây Ưu-đàm. A-Lan-nhã này là nơi Đức Phật Ca Diếp thành Bậc Đẳng Chánh Giác ở dưới gốc cây Bà-đà. A-lan-nhã này là nơi Đức Phật Thích Ca thành đạo dưới gốc cây Tất-bát-la. Các ông nên biết! A-lan-nhã có vô lượng công đức thắng lợi như thế!
Lúc đó, Bồ-tát Nhạo Viễn Ly Hạnh vì đại chúng nói bài kệ:
Bồ tát xuất gia ở Lan-nhã
Cần nên nghĩ gì, làm nghiệp gì?
Mọi sự sợ hãi thế gian có
Đều từ “ngã kiến, ngã sở” sinh.
Nếu đoạn trừ được “ngã, ngã sở”
Tất cả sự hãi không nơi dựa.
Nếu còn có tâm chấp “ngã kiến ”
Rốt ráo không thành đạo Bồ đề.
Niết bàn thường trụ đều vô tướng
Huống chi phiền não phi pháp Tướng?
Không chấp các pháp và chúng sinh
Tâm không tranh luận, tu chánh niệm
Trong bốn uy nghi điều phục tâm
Nên ở Lan-nhã thường tịch tĩnh.
Dứt được phiền não, tâm biết đủ
Ở trong Lan-nhã nhà “Không tịch ”
Vào ba môn giải thoát Vô tướng
Ở nơi Lan-nhã lìa trần cấu.
Hay quán mười hai pháp nhân duyên
Tứ đế, nhị không: chân diệu lý
Tám pháp thế gian không lay động
Bồ tát như thế ở Lan-nhã.
Hay quán thân mình như gỗ khô
Cũng như bọt nước, như huyễn mộng
Không chấp hai bên, tướng bình đẳng
Bồ-tát như thế ở Lan-nhã.
Tội, nghiệp ràng buộc thân vô thường
Bản lai hư giả vốn không thực
Chấp pháp, chấp ngã, chấp tội tướng
Ở trong ba đời “bất khả đắc”,
Thân mình, thân người không có hai
Tất cả các pháp cũng như thế
Xem kỹ: pháp tánh không đi, lại
Bồ tát như thế ở Lan-nhã.
Chiên-đàn thoa mình và tán thán
Lấy dao cắt xẻo và mạ nhục
Với hai người ấy không yêu, ghét
Bồ tát như thế ở Lan-nhã.
Xuất gia thích ở A-lan-nhã
Ngày đêm nên quán sát như vầy:
Nơi A-lan-nhã, chân đạo tràng
Tất cả Như Lai thành Chánh giác,
Nơi A-lan-nhã, diệu pháp không
Chánh pháp xuất thế từ đấy sinh,
Nơi A-lan-nhã, Thánh tôn kính
Sinh ra ba thừa Thánh đạo vậy,
Nơi A-lan-nhã, nhà các Thánh
Tất cả Thánh hiền thường ở đó,
Nơi A-lan-nhã, cung Như Lai
Là chỗ mười phương Phật nương dựa
Nơi A-lan-nhã, tòa Kim cang
Chư Phật ba đời đắc đạo vậy,
Nơi A-lan-nhã, điện Niết bàn
Như Lai ba đời viên tịch đây
Nơi A-lan-nhã, nhà “Đại từ”
Bồ-tát ở đó tu tâm Từ,
Nơi A-lan-nhã là ruộng “Bi”
Chư Phật ba đời tu tâm “Bi”,
Nơi A-lan-nhã, nhà “Lục thông”
Bồ tát ở đó du hóa khắp,
Nơi A-lan-nhã, đại Vô úy
Dứt trừ tất cả sự sợ hãi,
Nơi A-lan-nhã, Tam-ma-địa
Những người cầu đạo được Định ấy,
Nơi Lan-nhã được Đà-la-ni
Những người trì chú được thần lực,
Nơi A-lan-nhã, nhà thiện pháp
Tăng trưởng tất cả các pháp lành,
Nơi A-lan-nhã, nhà Bồ đề
Bồ tát tu đạo được pháp nhẫn,
Nếu muốn vượt hẳn khổ ba cõi
Bồ đề Niết bàn nên tu chứng,
Quang khắp pháp giới lợi quần sinh
Nên ở nhà Bồ đề Lan-nhã,
Tu về Sáu độ, Bốn nhiếp pháp
Hồi thí ba cõi và bốn ân
Mình, người đều vào thành cam lộ
Đồng chứng “Nhất như chân pháp giới”.
Khi Bồ tát Ma-ha-tát Nhạo Viễn Ly Hạnh vì đại chúng nói pháp ấy rồi, Đức Phật bảo:
- Quý hóa thay! Quý hóa thay! Thiện nam, ông đã vì đại chúng và người cầu Phật đạo ở đời sau mà phân biệt diễn nói về công đức thù thắng nơi A-lan-nhã, đem lại lợi ích an lạc cho tất cả chúng sinh, trong hiện tại và vị lai hướng đến nẻo giác ngộ Bồ đề chánh chân, ông sẽ thành tựu vô lượng công đức, mà ngàn Đức Phật cùng nói cũng không cùng tận được.
Lúc ấy, trong pháp hội Bồ tát Trí Quang, vô lượng a-tăng-kỳ đại chúng Bồ tát, nghe công đức tối thắng nơi A-lan-nhã, liền được “Văn trì Đà-la-ni môn”. Vô lượng chúng sinh phát tâm Vô đẳng đẳng, Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đạt được Bất thoái chuyển. Ngàn ức chúng sinh xa lìa mọi bụi bặm cấu uế có được pháp nhãn thanh tịnh.
Phẩm 7: YẾM THÂN
Bấy giờ, Đại Bồ tát Di Lặc liền từ tòa đứng dậy, trịch áo vai phải, gối phải sát đất, chắp tay cung kính bạch Phật:
- Bạch Đức Thế Tôn, chúng tôi đã ngộ được việc Đại Bồ tát xuất gia, chán bỏ thế gian, ở nơi A-lan-nhã, điều phục tâm mình, tu hạnh Vô cấu. Song, Bồ tát ấy nơi tịch tĩnh, tự thân mình nên thực hành pháp quán gì?
Đức Phật bảo Bồ tát Di Lặc:
- Quý hóa thay! Quý hóa thay! Thiện nam, ông vì chúng sinh khởi tâm đại bi, thỉnh vấn Như Lai về “Nhập Thánh trí quán diệu hạnh pháp môn”. Ông nên khéo nghe, nay Ta vì ông giảng nói về vấn đề ấy!
Bồ tát Di Lặc bạch:
- Dạ, bạch Thế Tôn, chúng con nguyện muốn được nghe!
- Thiện nam, Bồ tát xuất gia ở nơi A-lan-nhã, khi cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thời trong lúc đi, đứng, ngồi, nằm nên quán sát tỉ mỉ: “Thân hữu lậu này có ba mươi bảy thứ bất tịnh uế tạp, là thứ không đáng yêu và là thứ không bền chắc”.
Nên quán thân này cũng như đồ gốm, bên ngoài dùng màu sắc sặc sỡ như vàng bạc bảy báu tô điểm khéo đẹp, nhưng bên trong đầy phẩn uế, mọi thứ bất tịnh, rồi hai vai gánh đi, ai trông thấy cũng đều sinh lòng ưa thích, mà không biết trong đồ ấy đựng đầy thứ bất tịnh. Có sáu con rắn đen ở bên trong đồ ấy, một con cựa quậy thì đồ liền vỡ nát, sự độc hại, hôi nhơ tóe ra, không ai chịu nổi được. Người thế gian trang sức tô điểm thân mình, như đồ gốm sặc sỡ đựng những thứ bất tịnh kia. Ba món: tham, sân, si là tâm bệnh, ba bệnh; bệnh phong hàn, hoàng nhiệt, đàm ấm là thân bệnh. Trong ngoài sáu bệnh hay làm hại thân tâm, như sáu con rắn ở trong đồ nhơ; mỗi một con rắn cựa quậy, đồ liền vỡ nát, thời mỗi một bệnh phát ra, thân liền vô thường, Thiện nam, Bồ tát xuất gia ở chốn thanh vắng quán sát thân này gọi là Quán tướng Bất tịnh thứ nhất.
Trọn ngày đêm, Bồ tát xuất gia lại quán thân mình nhơ nhớp chẳng sạch, cũng như thân loài chó chết. Sao vậy? Vì thân kia cũng từ thứ bất tịnh nơi cha mẹ làm duyên sinh ra.
Bồ tát xuất gia lại quán sát thân mình như tổ kiến là nơi yên ở của nhiều kiến trong đó, một hôm có một con voi trắng đi đến bên tổ, lấy mình cọ vào tổ, tổ kiến liền vỡ ra. Thiện nam, tổ ấy là thân ngũ uẩn, voi trắng là sứ giả của Diễm-ma-la, thân hướng về đời sau như voi trắng phá tổ kiến.
Bồ tát xuất gia lại quán thân mình mà nghĩ rằng: “Nay thân này của ta, từ đầu đến chân, da, thịt xương, tủy cùng hòa hợp nhau làm thành thân mình cũng như cây chuối ở trong không có thực.”
Bồ tát xuất gia lại quán thân mình không có sức mạnh, da thịt mỏng che phủ, như vữa tô trát tường, ức vạn lông tóc như cỏ mọc trên đất, chút gió nhẹ ra vào lỗ chân lông. Như thế, ai là người có trí tuệ lại ưa thích thân này? Vì từng sát na, sát na, sự suy bại luôn luôn nối tiếp chuyển biến!
Bồ tát xuất gia lại quán thân mình như nuôi rắn độc mà chuốc lấy hại. Nay ta tuy đem thức ăn uống quần áo giúp đỡ nuôi lớn thân này mà nó không biết ân, cuối cùng lại làm cho mình phải đọa vào đường ác.
Bồ tát xuất gia lại quán thân mình ví như kẻ thù oán giả làm bạn thân, rình lúc thuận tiện, đem thuốc độc làm cho mạng căn kia chết. Thân ta như thế, vốn không phải chân thực, quyết đi đến chỗ vô thường, nên bậc Thánh không hề yêu quý.
Bồ tát xuất gia lại quán thân mình như bọt nước, tuy coi đẹp đẽ như sắc ngọc lưu ly, nhưng trong sát na, nhân duyên khởi, diệt không thường, vì nó là hữu vi, nên từng niệm niệm không ở lâu được.
Bồ tát xuất gia quán thân mình như thành Càn-thát-bà, tuy rằng hiện ra tướng trạng mà không thực có. Nay thân ta cũng như thế.
Bồ tát xuất gia lại quán thân mình cũng như ảnh tượng. Thân ta cũng thế, tuy có nhưng chẳng phải thực.
Bồ tát xuất gia lại quán thân mình ví như giặc oán cường thịnh của nước ngoài. Nay thân ta cũng như thế, giặc oán phiền não xâm lược thiện căn của ta.
Bồ tát xuất gia lại quán thân mình như ngôi nhà hư dột, tuy cố gắng sửa sang lại, nhưng quyết sẽ hỏng nát. Thân ta cũng như thế, tuy cố gắng yêu mến nó, nhớ nghĩ đến nó, nhưng nó quyết sẽ vô thường.
Bồ tát xuất gia lại quán thân mình như ở gần nước oán địch, nhân dân thành ấp thường mang lòng sợ hãi. Nay thân ta cũng như thế, trong lòng từng niệm niệm sợ giặc oán vô thường.
Bồ tát xuất gia lại quán thân mình như rất nhiều củi bị lửa đốt cháy, mà lửa dữ ấy chưa từng biết đủ. Thân ta cũng thế, lấy lửa tham ái, đốt củi năm dục, tâm tham cầu càng tăng trưởng thêm cũng như thế.
Bồ tát xuất gia lại quán thân mình như con mới đẻ, mẹ hiền thương xót luôn luôn gắng công săn sóc, gìn giữ. Thân ta cũng thế, nếu không gìn giữ, thân tâm bị bệnh, tức không thể tu chứng được.
Bồ tát xuất gia lại quán “bản tánh tự thân bất tịnh”. Ví như có người chán ngán và lo sợ màu than, mới đặt mọi phương tiện, lấy nước gột tẩy, qua nhiều thời gian màu đen vẫn như cũ và cho đến khi màu than hết, hoàn toàn cũng không được ích gì. Thân ta cũng thế, là thân hữu lậu bất tịnh, giả sử lấy nước biển cho đến hết đời vị lai mà tẩy cũng vô ích và cũng lại như thế thôi.
Bồ tát xuất gia lại quán thân mình như dầu tưới củi, lấy lửa đốt cháy, lại gặp gió lớn, thế mạnh không thể dập tắt được. Thân này cũng thế, là đống củi năm uẩn tưới dầu tham ái, phóng lửa giận dữ, sức gió ngu si không thể ngừng được.
Bồ tát xuất gia lại quán thân mình cũng như ác tật, vì nó là chỗ ở của bốn trăm lẻ bốn bệnh, cũng như ruột già, là chỗ ở của tám vạn bốn ngàn con trùng; là chốn vô thường, vì hơi thở ra không trở vào được, tức là vô thường; cũng như “Phi tình thần thức” dễ thoát vì đồng như ngói đá; cũng như nước sông, trước sau mỗi sát na, không tạm ngừng nghỉ; cũng như ép dầu, đối với tất cả mọi sự, đều phải chịu đựng khổ nhọc. Thân này như không có chỗ nương tựa, cũng như con trẻ mất cha mẹ. Thân này như không có người cứu hộ, cũng như con ễnh ương bị rắn nuốt. Thân này như huyệt không đáy, vì tâm, tâm sở pháp không thể biết được. Thân này thường không biết đủ, vì đối với năm món dục lạc, tâm không biết chán. Thân này thường không được tự tại, vì bị đoạn kiến, thường kiến ràng buộc. Thân này không biết sinh sự thẹn hổ, vì tuy nhờ họ hàng nuôi nấng, nhưng vẫn vứt bỏ sự sống của mình. Thân này như thây chết, vì đối với ngày đêm tiếp nối đi gần đến chỗ diệt hoại. Thân này chỉ để chịu mọi khổ, vì đối với tất cả mọi chỗ không có gì là sự vui chân thực. Thân này là chỗ nương tựa của khổ, vì tất cả mọi khổ đều dựa vào thân mà có. Thân này như xóm làng trống vắng, vì trong thân này không có chủ tể. Thân này rốt ráo là vắng lặng tịch tĩnh, vì do tánh “Biến kế sở chấp” tạo dựng, vẽ càn ra. Thân này như tiếng vang trong hang, đều là hư vọng hiển hiện. Thân này cũng như thuyền buồm, nếu không có Thuyền sư liền bị trôi giạt. Và thân này cũng như xe lớn vận tải của báu. Sao vậy? Vì nhờ ngồi trên xe Đại thừa mà đến được cõi Bồ đề vậy.
Thiện nam, Bồ tát xuất gia ngày đêm quán sát, cần mến tiếc thân này, vì còn muốn làm cho chúng sinh ra khỏi biển sinh tử, đến bờ Niết bàn.
Khi Đức Thế Tôn nói pháp ấy rồi, Ngài bảo Đại Bồ tát Di Lặc:
- Thiện nam, tu hạnh như thế, là chỗ quán pháp chủ yếu của người Phật tử xuất gia. Nếu có Phật tử nào phát tâm Bồ đề vì cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ở nơi A-lan-nhã, tu tập ba mươi bảy phép quán như thế, lại dạy người ta cùng tu tập pháp quan trọng ấy, cùng giảng giải, viết chép, thọ trì, đọc tụng, xa lìa tất cả sự chấp ngã, ngã sở, dứt hẳn sự tham đắm năm dục lạc ở đời, thì sẽ chóng thành tựu đầy đủ được tín tâm bất hoại, cầu Đại Bồ đề, không tiếc thân mạng, huống chi là đối với các ngọc báu hiện có của thế gian. Như thế thì thân hiện tại quyết thành tựu rốt ráo tất cả Trí ấn Kim cang của Như Lai, đối với đạo Vô thượng quyết không thoái chuyển; sáu lục, muôn hạnh chóng được viên mãn, chóng thành Bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Lúc đó, trong pháp hội, tám vạn bốn ngàn Bồ tát mới phát tâm, quá chán thế gian, đạt được sức nhẫn lớn lao, đối với đạo Vô thượng không còn thoái chuyển. Trăm ngàn Bà-la-môn phát tâm Bồ đề, thành tựu đầy đủ tín căn, được bất thoái chuyển. Ba vạn sáu ngàn thiện nam, thiện nữ xa lìa trần cấu, đạt được pháp nhãn thanh tịnh.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 8 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Hạnh phúc là điều có thật


Rộng mở tâm hồn và phát triển trí tuệ


Kinh Di giáo


Giai nhân và Hòa thượng

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.148.109.197 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập