Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh [大方廣佛華嚴經] »» Bản Việt dịch quyển số 62 »»

Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh [大方廣佛華嚴經] »» Bản Việt dịch quyển số 62

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » English version (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.59 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.69 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm

Kinh này có 80 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 51 | 52 | 53 | 54 | 55 | 56 | 57 | 58 | 59 | 60 | 61 | 62 | 63 | 64 | 65 | 66 | 67 | 68 | 69 | 70 | 71 | 72 | 73 |
Việt dịch: Thích Trí Tịnh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Lúc ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát khuyến dạy sáu ngàn Tỳ kheo pháp Bồ đề tâm rồi, lần lượt đi về phía Nam, trải qua nhơn gian đến phía đông Phước Thành, ở trong rừng Trang Nghiêm Tràng Ta La, chỗ đại tháp miếu mà chư Phật thuở xưa từng ngự giáo hóa chúng sanh, nơi đây cũng là chỗ mà ngày xưa đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn lúc tu Bồ Tát hạnh hay xả vô lượng sự khó xả. Do đây nên rừng này có tiếng đến vô lượng cõi Phật. Rừng này thường được sự thủ hộ cúng dường của chư Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhơn cùng Phi nhơn.
Lúc ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát và các quyến thuộc đến rừng Trang Nghiêm Tràng Ta La rồi, liền ở tại đó nói khế kinh Phổ Chiếu Pháp Giới cùng với trăm vạn ức na do tha khế kinh.
Khi nói kinh, trong đại hải có vô lượng trăm ngàn ức chư Long đến nghe kinh. Nghe xong chư Long đều chán thân loài rồng nên đều phát tâm cầu Phật đạo. Ðều xả thân rồng sanh trong loài người hoặc cõi trời. Một muôn chư Long được chẳng thối chuyển nơi Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Lại có vô lượng vô số chúng sanh ở trong Tam thừa đều được điều phục.
Lúc đó người Phước Thành hay tin ngàiVăn Thù Sư Lợi Ðồng Tử ở đại tháp miếu trong rừng Trang Nghiêm Tràng Ta La, vô lượng người ra khỏi thành đi đến rừng.
Có Ưu bà tắc tên là Ðại Trí cùng quyến thuộc năm trăm Ưu bà tắc, như là: Tu Ðạt Ða, Bà Tu Ðạt Ða, Phước Ðức Quang, Hữu Danh Xưng, Thí Danh Xưng, Nguyệt Ðức, Thiện Huệ, Ðại Huệ, Hiền Hộ, Hiền Thắng.v.v… đồng đến đảnh lể chân ngài Văn Thù Sư Lợi Ðồng Tử, hữu nhiễu ba vòng, rồi lui ra ngồi qua một phía.
Lại có năm trăm Ưu bà di, như là: Ðại Huệ, Thiện Quang, Diệu Thân, Khả Laϣ Thân, Hiền Hạnh, Hiền Ðức, Hiền Quang, Tràng Quang, Ðức Quang, Thiện Mục, v.v.. đồng đến đảnh lễ chân ngài Văn Thù Sư Lợi Ðồng Tử, hữu nhiễu ba vòng rồi lui ra ngồi qua một phía.
Lại có năm trăm Ðồng tử, như là: Thiện Tài, Thiện Hạnh, Thiện Giới, Thiện Oai Nghi, Thiện Dũng Mãnh, Thiện Tư, Thiện Huệ, Thiện Giác, Thiện Nhãn, Thiện Tý, Thiện Quang, v.v.. đồng đến đảnh lễ chân ngài Văn Thù Sư Lợi Ðồng Tử, hữu nhiễu ba vòng rồi lui ra ngồi qua một phía.
Lại có năm Ðồng nữ, như là: Thiện Hiền, Ðại Trí Cư Sĩ Nữ, Hiền Xưng Mỹ Nhan, Kiên Huệ, Hiền Ðức, Hữu Ðức, Phạm Thọ, Ðức Quang, Thiện Quang, v.v.. đồng đến đảnh lễ chân ngài Văn Thù Sư Lợi Ðồng Tư,#7919;u nhiễu ba vòng rồi ngồi qua một phía.
Ngài Văn Thù Sư Lợi Ðồng Tử biết người Phước Thành đều đã đến đông đủ, tùy tâm sở thích của họ mà hiện thân tự tại ánh sáng rực rỡ chói lấp đại chúng. Ngài dùng đại từ tự tại làm cho họ thanh lương. Dùng đại bi tự tại khởi tâm thuyết pháp. Dùng trí huệ tự tại biết tâm sở thích của họ. Dùng biện tài quảng đại sắp vì họ mà thuyết pháp.
Lúc đó, Ngài lại quán sát Thiện Tài đồng tử do cớ gì mà có tên như vậy. Ngài biết đồng tử này lúc mới nhập thai, trong nhà đó tự nhiên hiện ra lầu các thất bửu. Dưới lâu các đó có bảy phục tạng. Trên phục tạng, đất tự nứt ra mọc lên nanh thất bửu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, chơn chân, xa cừ, mã não.
Sau mười tháng, Thiện Tài đản sanh thân hình tay chân đoan chánh đầy đủ. Lúc đó bảy phục tạng từ đất trồi lên ánh sáng chói rực. Mỗi tạng báu ngang dọc cao thấp đều vuông vức bảy thước tay.
Trong nhà đó lại tự nhiên có năm trăm món đồ bằng thất bửu, mọi vật đều đựng đầy trong đó. Những là: trong chậu kim cang đựng tất cả thứ hương thơm. Trong chậu hương đựng các thứ y phục. Trong bát mỹ ngọc đựng các thứ thực phẩm thượng diệu. Trong bát ma ni đựng đầy những thứ trân bửu đẹp lạ. Bình vàng đựng bạc. Bình bạc đựng vàng. Trong bình vàng bạc đựng đầy ngọc lưu ly và ma ni. Trong bình pha lê đựng đầy xa cừ. Trong bình xa cừ đựng đầy pha lê. Trong bình mã não đựng đầy chơn châu. Trong bình chơn châu đựng đầy mã não. Bình hỏa ma ni đựng đầy thủy ma ni. Bình thủy ma ni đựng đầy hỏa ma ni. Năm trăm đồ đựng châu bửu như vậy tự nhiên xuất hiện.
Nơi đó lại mưa các châu bửu và những tài vật làm cho tất cả kho đụn trong nhà đó đều đầy ngập.
Do cớ trên đây nên cha mẹ thân thuộc và tướng sư đều kêu đứa trẻ ấy là Thiện Tài.
Ngài Văn Thù Sư Lợi Ðồng Tử lại biết Thiện Tài đã từng cúng dường quá khứ chư Phật, gieo sâu căn lành, tin hiểu rộng lớn, thường thích gần gũi các thiện tri thức. Thân ngữ ý đều không lỗi lầm, tu Bồ Tát đạo cấu Nhứt thiết trí thành Phật pháp khí. Tâm đồng tử này thanh tịnh như hư không, hồi hướng Bồ đề không chướng ngại.
Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát quán sát Thiện Tài như vậy rồi, liền an ủi chỉ dạy tất cả Phật pháp.
Những là nói pháp tích tập của tất cả Phật, pháp tương tục của tất cả Phật, pháp thứ đệ của tất cả Phật, pháp chúng hội thanh tịnh của tất cả Phật, pháp pháp luân hóa đạo của tất cả Phật, pháp sắc thân tướng hảo của tất cả Phật, pháp pháp thân thành tựu của tất cả Phật, pháp ngôn từ biện tài của tất cả Phật, pháp quang minh chiếu diệu của tất cả Phật, pháp bình đẳng vô nhị của tất cả Phật.
Ngài Văn Thù Sư Lợi Ðồng Tử vì Thiện Tài đồng tử và đại chúng mà nói những pháp như vậy rồi, lại ân cần khuyên dạy cho họ tăng trưởng đạo lực, cho họ hoan hỷ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Lại làm cho họ tự ghi nhớ thiện căn thuở quá khứ.
Ngài lại vì tất cả đại chúng mà tùy nghi thuyết pháp. Sau đó Ngài rời rừng mà đi.
Thiện Tài đồng tử được nghe pháp nơi ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, được nghe những công đức của chư Phật như vậy, liền nhứt tâm cần cầu Vô thượng Bồ đề, đi theo ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát mà nói kệ rằng:
Ba cõi làm thành quách
Kiêu mạn làm tường vách
Các loài làm cửa nẻo
Nước ái làm hào ao
Tối ngu si đậy che
Lửa tham sân cháy rực
Ma Vương làm quân chủ
Trẻ khờ ở trong đó.
Tham ái làm dây trói
Dua dối làm cương yên
Nghi hoặc che đôi mắt
Thẳng vào những đường tà.
Vì đầy tham ganh kiêu
Vào nơi ba đường ác
Hoặc đọa trong các loài
Khổ sanh già bịnh chết.
Mặt nhựt trí thanh tịnh
Vầng tròn đầy đại bi
Hay cạn biển phiền não
Xin ban diệu quán sát.
Mặt nguyệt trí thanh tịnh
Vầng trong sạch đại từ
Ban an vui tất cả
Xin thương soi xét tôi.
Vua tất cả pháp giới
Pháp bửu làm tiên đạo
Du không chẳng chướng ngại
Xin thương dạy bảo tôi.
Ðại Thương Chủ phước trí.
Dũng mãnh cầu Bồ đề
Lợi khắp các quần sanh
Xin thương thủ hộ tôi.
Thân mặc giáp nhẫn nhục
Tay cầm gươm trí huệ
Tự tại hàng quân ma
Xin thương cứu vớt tôi.
Ở đảnh pháp Tu Di
Ðịnh nữ thường hầu hạ
Diệt hoặc A tu la
Ðế thích xin xem tôi.
Nhà ba cõi phàm ngu
Hoặc nghiệp khổ luân chuyển
Ngài đã điều phục cả
Như đèn sáng soi đường.
Bỏ rời những ác thú
Thanh tịnh những đường lành
Bực vượt hẳn thế gian
Dạy tôi môn giải thoát.
Thế gian chấp điên đảo
Thường thích tưởng ngã tịnh
Trí nhãn đều rời được
Dạy tôi môn giải thoát.
Khéo biết đường tà chánh
Biết rõ tâm không khiếp
Ðấng quyết rành tất cả
Dạy tôi đường Bồ đề.
Trụ bực Phật chánh kiến
Lớn cây Phật công đức
Rưới bông Phật diệu pháp
Dạy tôi đường Bồ đề.
Khứ, lai, hiện tại Phật
Xứ xứ đếu cùng khắp
Như mặt nhựt mọc lên
Vì tôi dạy đạo đó.
Khéo biết tất cả nghiệp
Thấu rõ hạnh các thừa
Người trí huệ quyết định
Dạy tôi pháp Ðại Thừa.
Bánh nguyện, gọng đại bi,
Tín trục, vành kiên nhẫn
Báu công đức trang nghiêm
Cho tôi ngồi xe này.
Rương tổng trì quảng đại
Lọng từ mẫn trang nghiêm
Linh biện tài reo vang.
Khiến tôi ngồi xe này.
Phạm hạnh làm nệm êm
Tam muội làm thể nữ
Trống pháp rền tiếng mầu
Cho tôi ngồi xe này.
Tứ nhiếp tạng vô tận
Báu công đức trang nghiêm
Tàm quý làm yên cương
Ban cho tôi xe này.
Thường rong xe bố thí
Hằng xoa hương tịnh giới
Bò nhẫn nhục trang nghiêm
Cho tôi ngồi xe này.
Thùng thiền định tam muội
Ách trí huệ phương tiện
Ðiều phục chẳng thối chuyển
Cho tôi ngồi xe này.
Xe đại nguyện thanh tịnh
Sức tổng trì kiên cố
Trí huệ được thành tựu
Cho tôi ngồi xe này.
Phổ hạnh làm đi khắp
Bi tâm thong thả đi
Ðến đâu đều không khiếp
Cho tôi ngồi xe này.
Kiên cố như kim cang
Thiện xảo như huyễn hóa
Tất cả không chướng ngại.
Cho tôi ngồi xe này.
Quảng đại rất thanh tịnh
Khắp ban chúng sanh vui
Ðồng hư không pháp giới
Cho tôi ngồi xe này.
Sạch những vòng nghiệp hoặc
Dứt những khổ lưu chuyển
Dẹp ma và ngoại đạo
Cho tôi ngồi xe này,
Trí huệ khắp mười phương
Trang nghiêm khắp pháp giới
Thỏa nguyện của chúng sanh
Cho tôi ngồi xe này.
Thanh tịnh như hư không
Ái, kiến đều trừ diệt
Lợi ích tất cả chúng
Cho tôi ngồi xe này.
Nguyện lực đi mau chóng
Ðịnh tâm an ổn trụ
Chở khắp các hàm thức
Cho tôi ngồi xe này.
Như đại địa chẳng động
Như nước lợi ích cả
Chở chúng sanh như vậy
Cho tôi ngồi xe này.
Vầng từ nhiếp viên mãn.
Sáng tổng trì thanh tịnh
Mặt nhật huệ như vậy
Xin dạy cho tôi thấy.
Ðã vào ngôi Pháp Vương
Ðã đội mão Trí Vương
Ðã vấn lụa diệu pháp
Xin thương chiếu cố tôi.
Lúc đó ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, như tượng vương, xoay nhìn Thiện Tài đồng tử mà bảo rằng:
Lành thay! Lành thay! Này Thiện Nam Tử! Ngươi đã phát tâm Vô thượng Bồ đề, lại muốn thân cận các bực thiện tri thức để hỏi Bồ Tát hạnh, tu Bồ Tát đạo.
Này Thiện Nam Tử! thân cận cúng dường các bực thiện tri thức là nhơn duyên trứơc nhứt để được đầy đủ Nhứt thiết trí.
Vì thế nên công việc này ngươi chớ có mỏi nhàm.
Thiện Tài đồng tử bạch rằng:
Cúi xin đức Thánh vì tôi mà dạy Bồ Tàt phải học Bồ Tát hạnh thế nào? Phải tu Bồ Tát hạnh thế nào? phải đến Bồ Tát hạnh thế nào? Phật thật hành Bồ Tát hạnh thế nào? Phải tịnh Bồ Tát hạnh thế nào? Phải nhập Bồ Tát hạnh thế nào? Phải thành tựu Bồ Tát hạnh thế nào? Phải tùy thuận Bồ Tát hạnh thế nào? Phải ghi nhớ Bồ Tát hạnh thế nào? Phải thêm rộng Bồ Tát hạnh thế nào? Phải làm thế nào cho Phổ Hiền hạnh mau được viên mãn.
Lúc đó ngài Văn Thù Sư Lợ Bồ Tát vì Thiện Tài đồng tử mà nói kệ rằng:
Lành thay tạng công đức
Có thể đến gặp ta
Pháp khởi tâm đại bi
Siêng cầu Vô Thượng Giác.
Ðã pháp nguyện rộng lớn
Diệt trừ khổ chúng sanh
Vì khắp các chúng sanh
Tu hành Bồ Tát hạnh.
Nếu có các Bồ Tát
Chẳng nhàm khổ sanh tử
Thời đủ đạo Phổ Hiền
Tất cả không hoại được.
Phước quang, phước oai lực
Phước xứ, phước tịnh hải
Ngươi vì khắp chúng sanh
Nguyện tu Phổ Hiền hạnh.
Ngươi thấy vô biên tế
Mười phương tất cả Phật
Khắp nghe Phật thuyết pháp
Thọ trì chẳng quên mất.
Ngươi ở mười phương cõi
Thầy khắp vô lượng Phật
Thành tựu những nguyện hải
Ðầy đủ Bồ Tát hạnh.
Nếu nhập phương tiện hải
An trụ Phật Bồ đề
Hay theo Ðạo Sư học
Sẽ thành Nhứt thiết trí.
Khắp tất cả quốc độ
Số kiếp như vi trần
Ngươi tu hạnh Phổ Hiền
Thành tựu Bồ đề đạo.
Ở vô lượng cõi nước
Trong vô biên kiếp hải
Ngươi tu hạnh Phổ Hiền
Thành mãn những đại nguyện.
Vô lượng chúng sanh đây
Nghe ngươi nguyện đều mừng
Ðều phát tâm Bồ đề
Nguyện học hạnh Phổ Hiền
Nói kệ xong, ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bảo Thiện Tài đồng tử rằng:
Lành thay! Lành thay! này Thiện Nam Tử! Ngươi đã phát tâm Vô thượng Bồ đề, cầu hạnh Bồ Tát.
Này Thiện Nam Tử! nếu có chúng sanh phát tâm Vô thượng Bồ đề, đây là việc rất khó. Ðã có thể phát Bồ đề tâm rồi lại cầu Bồ Tát hạnh, việc này càng khó gấp bội.
Này Thiện Nam Tử! Nếu muốn thành tựu Nhứt thiết chủng trí thời phải quyết định cầu chân thiện tri thức.
Này Thiện Nam Tử! Cầu thiện tri thức chớ có mỏi lười. Thấy thiện tri thức chớ có nhàm đủ. Thiện tri thức có dạy bảo điều chi phải đều tùy thuận. Nơi thiện xảo phương tiện của thiện tri thức chớ thấy lỗi lầm.
Phương nam này có một nước tên là Thắng Lạc. Trong nước Thắng Lạc có tòa núi tên là Diệu Phong. Trên núi đó có một Tý kheo tên là Ðức Vân. Ngươi nên đến hỏi Tỳ Kheo Ðức Vân: Bồ Tát phải học Bố Tát hạnh thế nào? Phải tu Bồ Tát hạnh thế nào? Nhẫn đến phải như thế nào để được mau viên mãn hạnh Phổ Hiền? Tỳ Kheo Ðức Vân sẽ chỉ bảo cho ngươi.
Thiện Tài đồng tử nghe xong hớn hở vui mừng, đảnh lễ Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, hữu nhiễu vô số vòng, ân cần chiêm ngưỡng, rơi lệ từ tạ mà đi qua hướng Nam, đến nước Thắng Lạc, lên núi Diệu Phong. Ở trên núi đó xem ngó tìm kiếp khắp bốn phía, lòng khao khát muốn được gặp Tỳ Kheo Ðức Vân. Bảy ngày sau mới được thấy Tý Kheo Ðức Vân ở trên ngọn núi khác đi kinh hành chậm rãi.
Thấy xong, Thiện Tài đồng tử liền đến đảnh lễ chân Tỳ Kheo Ðức Vân, hữu nhiễu ba vòng cung kính đứng trước Ðức Vân mà bạch rằng:
Bạch Ðức Thánh! Tôi đã phát tâm Vô thượng Bồ đề, mà chưa biết Bồ Tát phải học Bồ Tát hạnh thế nào? Phải tu Bồ Tát hạnh thế nào? Nhẫn đến phải thế nào để được mau viên mãn hạnh Phổ Hiền? Tôi nghe đức Thánh khéo có thể dạy bảo, mong đức Thánh thương xót dạy cho tôi thế nào Bồ Tát được thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Ðức Vân Tỳ Kheo bảo Thiện Tài đồng tử rằng:
Lành thay! Lành thay! Này Thiện Nam Tử! Ngươi đã phát tâm Vô thượng Bồ đề, lại có thể hỏi hạnh của Bồ Tát. Việc như vậy là sự khó trong những sự khó. Những là cầu Bồ Tát hạnh, cầu Bồ Tất cảnh giới, cầu đạo xuất ly của Bồ Tát, cầu đạo thanh tịnh của Bồ Tát, cầu tâm thanh tịnh quảng đại của Bồ Tát, cầu Bồ Tát thành tựu thần thông, cầu Bồ Tát thị hiện môn giải thoát, cầu Bồ Tát thị hiện việc làm tại thế gian, cầu Bồ Tát tùy thuận tâm của chúng sanh, cầu môn sanh tử Niết Bàn của Bồ Tát, cầu Bồ Tát quán sát hữu vi vô vi tâm không chấp trước.
Này Thiện Nam Tử! Ta được sức thắng giải tự tại quyết định, tín nhãn thanh tịnh, trí quang chói sáng, thấy khắp các cảnh giới khỏi tất cả chướng ngại, quán sát khéo léo, phổ nhãn sáng suốt, đủ hạnh thanh tịnh. Qua đến tất cả cõi nước mười phương cung kính cúng dường tất cả chư Phật. Thường nhớ tất cả chư Phật Như Lai. Tổng trì tất cả chánh pháp của chư Phật. Thường thấy tất cả chư Phật mười phương.
Những là thấy phương đông một Ðức Phật, hai Ðức Phật, mười Ðức Phật, trăm Ðức Phật, ngàn Ðức Phật, ức Ðức Phật, trăm ức Ðức Phật, ngàn ức Ðức Phật, trăm ngàn ức Ðức Phật, na do tha ức Ðức Phật, trăm na do tha ức Ðức Phật, ngàn na do tha ức Ðức Phật, trăm ngàn na do tha ức Ðức Phật, nhẫn đến thấy vô số, vô lượng, vô biên vô đẳng, bất khả sổ, bất khả xưng, bất khả tư, bất khả lượng, bất khả thuyết, bất khả thuyết bất khả thuyết Ðức Phật. Nhẫn đến thấy chư Phật bằng số vi trần trong Diêm Phù Ðề, bằng số vi trần trong bốn châu thiên hạ, bằng số vi trần trong Tiểu thiên thế giới, bằng số vi trần trong nhị thiên thế giới bằng số vi trần trong Ðại Thiên thế giới, bằng số Phật sát vi trần nhẫn đến thấy chư Phật bằng số bất khả thuyết bất khả thuyết Phật sát vi trần.
Như phương đông, chín phương kia cũng đều thấy như vậy.
Chư Phật trong mỗi phương, những sắc tướng, những hình mạo, những thần thông, những du hí, những chúng hội trang nghiêm đạo tràng, những quang minh chiếu sáng vô biên, những quốc độ, những thọ mạng. Tùy những tâm sở nghi của chúng sanh mà chư Phật thị hiện những môn thành Ðẳng Chánh Giác, làm sư tử hống trong đại chúng.
Này Thiện Nam Tử! Ta chỉ được pháp môn "ức niệm Nhứt thiết chư Phật cảnh giới trí huệ quang minh phổ kiến" này thôi. Ðâu biết hết được vô biên trí huệ thanh tịnh hạnh môn của đại Bồ Tát. Những là: Trí quang phổ chiếu niệm Phật môn, vì thường thấy tất cả chư Phật quốc độ những cung điện đều trang nghiêm thanh tịnh. Môn làm cho tất cả chúng sanh niệm Phật, vì tùy sở nghi của tâm chúng sanh đều làm cho họ được thấy Phật, tâm họ được thanh tịnh. Môn làm cho an trụ nơi lực niệm Phật, vì làm cho họ nhập vào thập lực của Như Lai. Môn làm cho an trụ nơi pháp niệm Phật, vì thấy vô lượng Phật được nghe pháp. Môn niệm Phật chói sáng các phương, vì đều thấy trong tất cả thế giới chư Phật bình đẳng không sai biệt. Môn niệm Phật vào chỗ bất khả kiến, vì đều thấy trong tất cả cảnh vi tế những sự thần thông tự tại của chư Phật. Môn niệm Phật an trụ trong các kiếp, vì trong tất cả kiếp thường thấy những việc làm không tạm bỏ của chư Phật. Môn niệm Phật an trụ trong tất cả thời gian, vì trong tất cả thời gian thường thấy Ðức Như Lai gần gủi đồng ở chẳng rời bỏ. Môn niệm Phật an trụ tất cả cõi, vì tất cả quốc độ đều thấy thân Phật vượt hơn tất cả không gì sánh bằng. Môn niệm Phật an trụ tất cả đời, vì tùy tâm sở thìch thấy khắp tam thế chư Phật. Môn niệm Phật an trụ tất cả cảnh, vì ở khắp trong tất cả cảnh giới thấy chư Như Lai thứ đệ xuất hiện. Môn niệm Phật an trụ tịch diệt, vì trong một niệm thấy tất cả cõi, tất cả chư Phật thị hiện Niết Bàn. Môn niệm Phật an trụ viễn ly, vì trong một niệm thấy tất cả Phật từ nơi chỗ ở mà ra đi. Môn niệm Phật an trụ quảng đại, vì tâm thường quán sát mỗi thân Phật đầy khắp tất cả pháp giới. Môn niệm Phật an trụ vi tế, vì trong một chân lông có bất khả thuyết Như Lai xuất hiện, đều đến chỗ Phật ma kính thờ. Môn niệm Phật an trụ trang nghiêm, vì trong một niệm thấy tất cả cõi đều có chư Phật thành Ðẳng Chánh Giác hiện thần biến. Môn niệm Phật an trụ năng sự, vì thấy tất cả Phật xuất hiện thế gian, phóng trí huệ quang chuyển diệu pháp luân. Môn niệm Phật trụ tâm tự tại, vì biết tùy theo sở thích của tự tâm, tất cả chư Phật hiện hình tượng. Môn niệm Phật an trụ nơi tự nghiệp, vì biết tùy nghiệp tích tập của chúng sanh mà hiện hình tượng làm cho họ được giác ngộ. Môn niệm Phật an trụ thần biến, vì thấy liên hoa quảng đại của Phật ngự nở xòe khắp pháp giới. Môn niệm Phật an trụ hư không vì quán sát những thân Như Lai trang nghiêm pháp giới hư không giới. Như vậy ta làm sao biết được nói được những công đức hạnh của đại Bồ Tát.
Này Thiện Nam Tử! Phương Nam có một nước tên là Hải Môn, nơi đó có Tỳ Kheo tên là Hải Vân. Ngươi đến hỏi Hải Vân rằng Bồ Tát thế nào học Bồ Tát hạnh, tu Bồ Tát đạo? Hải Vân Tỳ Kheo có thể phân biệt nói nhơn duyên phát khởi thiện căn quảng đại.
Này Thiện Nam Tử! Hải Vân Tỳ Kheo sẽ làm cho ngươi nhập ngôi trợ đạo quảng đại, sẽ làm cho ngươi sanh sức thiện căn quảng đại, sẽ vì ngươi mà nói nhơn duyên phát tâm Bồ đề, sẽ làm cho ngươi sanh quang minh đại thừa quảng đại, sẽ làm cho ngươi tu ba la mật quảng đại, sẽ làm cho ngươi nhập những hạnh hải quảng đại, sẽ làm cho ngươi viên mãn thệ nguyện quảng đại, sẽ làm cho ngươi tịnh môn trang nghiêm quảng đại, sẽ làm cho ngươi sanh sức từ bi quảng đại.
Lúc đó Thiện Tài đồng tử đảnh lễ chân Ðức Vân Tỳ Kheo, hữu nhiễu quán sát, từ tạ mà đi.
Thiện Tài đồng tử nhứt tâm suy gẫm lời dạy của thiện tri thức. Chánh niệm quán sát trí huệ quang minh môn, Bồ Tát giải thoát môn, Bồ Tát tam muội môn, Bồ Tát đại hải môn, chư Phật hiện tiền môn, chư Phật phương sở môn, chư Phật quỹ tắc môn, chư Phật đẳng hư không giới môn, chư Phật xuất hiện thứ đệ môn, chư Phật sở nhập phương tiện môn.
Thiện Tài đồng tử đi lần qua phương Nam đến nước Hải Môn, đến chỗ Hải Vân Tỳ Kheo, đảnh lễ chân Hải Vân, hữu nhiễu xong, chắp tay bạch rằng:
Bạch đức Thánh! Tôi đã phát tâm Vô thượng Bồ đề, muốn nhập tất cả trí hải vô thượng, mà chưa biết Bồ Tát thế nào có thể bỏ nhà thế tục sanh vào nhà Như Lai? Thế nào có thể qua khỏi biển sanh tử vào được biển Phật trí? Thế nào lìa được hàng phàm phu vào được hàng Như Lai? Thế nào dứt được dòng sanh tử vào được dòng Bồ Tát hạnh? Thế nào phá được xe sanh tử thành xe Bồ Tát nguyện? Thế nào diệt được cảnh giới ma hiển dược cảnh giới Phật? Thế nào cạn được biển ái dục thêm lớn biển đại bi? Thế nào đóng được cửa các nạn các ác đạo mở được cửa đại Niết Bàn? Thế nào ra khỏi thành tam giới vào được thành Nhứt thiết trí? Thế nào vất bỏ được tất cả vật ngoạn hảo để đem lợi ích tất cả chúng sanh?
Hải Vân Tỳ Kheo bảo Thiện Tài đồng tử rằng:
Thiện Nam Tử! Người đã phát tâm Vô thượng Bồ đề rồi ư?
Thiện Tài thưa:
Vâng, tôi đã phát tâm Vô thượng Bồ đề.
Hải Vân Tỳ Kheo nói:
Thiện Nam Tử! Nếu các chúng sanh chẳng gieo lành thời chẳng có thể phát tâm Vô thượng Bồ đề. Cần phải được phổ môn thiện căn quang minh, đủ chơn thiệt đạo tam muội trí quang, xuất sanh những phước hải quảng đại, tăng trưởng pháp bạch tịnh không có lười nghỉ, thờ thiện trí thức chẳng mỏi nhàm, chẳng kể thân mạng, không thề cất chứa, tâm bình đẳng như mặt đất không có niệm cao hạ, tánh thường từ mẫn với tất cả chúng sanh, nơi các loài sanh tử chuyên niệm chẳng bỏ, hàng thích quán sát cảnh giới Như Lai. Có như vậy mới phát được tâm Vô thượng Bồ đề.
Phát Bồ đề tâm là phát tâm đại bi, vì cứu khắp tất cả chúng sanh. Là phát tâm đại từ,vì khắp giúp tất cả thế gian. Là phát tâm an lạc, vì làm cho tất cả chúng sanh diệt tất cả khổ. Phát tâm lợi ích, vì làm cho tất cả chúng sanh lìa ác pháp. Phát tâm ai mẫn, vì có ai kinh sợ thời đều giữ gìn. Phát tâm vô ngại, vì rời
bỏ tất cả chướng ngại. Phát tâm quảng đại, vì tất cả pháp giới đều đầy khắp. Phát tâm vô biên, vì khắp cõi hư không đều qua đến. Phát tâm rộng rãi, vì đều thấy tất cả Như Lai. Phát tâm thanh tịnh, vì trí không trái với pháp tam thế. Phát tâm trí huệ, vì vào khắp biển nhứt thiết trí huệ.
Này Thiện Nam Tử! Ta ở nước Hải Môn này đã mười hai năm, thường dùng đại hải làm cảnh giới.
Những là suy gẫm đại hải quảng đại vô lượng. Suy gẫm đại hải rất sâu khó lường. Suy gẫm đại hải lần lần sâu rộng. Suy gẫm đại hải vô lượng châu báu kỳ diệu trang nghiêm. Suy gẫm đại hải chứa vô lượng nước. Suy gẫm đại hải màu nước chẳng đồng không thể nghĩ bàn. Suy gẫm đại hải là chỗ ở vô lượng chúng sanh. Suy gẫm đại hải dung thọ những chúng sanh thân to lớn. Suy gẫm đại hải nạp thọ được nước của trận mưa lớn. Suy gẫm đại hải không tăng không giảm.
Này Thiện Nam Tử! Lúc suy gẫm như vậy, ta lại nghĩ rằng:Trong thế gian còn có gì rộng lớn hơn đại hải này chăng? Còn có gì vô lượng hơn đại hải này chăng? Còn có gì rất sâu hơn đại hải này chẳng? Còn có gì báu lạ hơn đại hải này chăng?
Này Thiện Nam Tử! Lúc ta suy gẫm như vậy, bỗng có đại liên hoa xuất hiện.
Liên hoa này cọng bằng vô năng thắng nhơn đà la ni la bửu, cánh bằng phệ lưu ly bửu, lá bằng vàng diêm phù đàn, đài bằng trầm thủy, tua bằng mã não, nở thơm lan khắp trùm che cả đại hải.
Trăm vạn A Tu La Vương cầm lấy cọng hoa.
Trăm vạn châu ma ni kết lưới trang nghiêm giăng che trên hoa.
Trăm vạn Long Vương mưa nước thơm.
Trăm vạn Ca Lâu La Vương ngậm những chuỗi ngọc và dải lụa báu rủ thòng bốn phía.
Trăm vạn La Sát Vương từ tâm quán sát.
Trăm vạn Dạ Xoa Vương cung kính đảnh lễ.
Trăm vạn càn Thát Bà Vương nhiều thứ âm nhạc tán thán cúng dường.
Trăm vạn Thiên vương mưa những thiên hoa, thiên man, thiên hương, thiên thiêu hương, thiên đồ hương, thiên mạt hương, thiên y phục , thiên tràng, thiên phan, thiên cái.
Trăm vạn Phạm Vương đảnh lễ và cung kính.
Trăm vạn Tịnh Cư Thiên chắp tay làm lễ.
Trăm vạn Chuyển Luân Vương cúng dường thất bửu trang nghiêm.
Trăm vạn Hải Thần đồng xuất hiện cung kính đảnh lễ.
Trăm vạn vị quang ma ni bửu quang minh chiếu khắp.
Trăm vạn tịnh phước ma ni bửu dùng để trang nghiêm.
Trăm vạn phổ quang ma ni bửu làm tạng thanh tịnh.
Trăm vạn thù thắng ma ni bửu ánh sáng rực rỡ.
Trăm vạn diệu tạng ma ni bửu quang chiếu vô biên.
Trăm vạn diêm phù đàn ma ni bửu thứ đệ bày hàng.
Trăm vạn kim cang sư tử ma ni bửu chẳng thể phá hoại thanh tịnh trang nghiêm.
Trăm vạn nhật tạng ma ni bửu quảng đại thanh tịnh.
Trăm vạn khả lạc ma ni bửu đủ mọi màu.
Trăm vạn như ý ma ni bửu trang nghiêm vô tận, quang minh chiếu rực.
Liên hoa lớn này có ra là do thiện căn xuất thế của Như Lai. Tất cả Bồ Tát đều sanh lòng tin mến. Thập phương thế giới đều hiện tiền. Từ như huyễn pháp mà sanh, như mộng pháp mà sanh, thanh tịnh nghiệp mà sanh. Trang nghiêm bằng pháp môn vô tránh. Nhập ấn vô vi. Trụ môn vô ngại. Sung mãn tất cả quốc độ mười phương. Tùy thuận cảnh giới thậm thâm của chư Phật.
Trong vô số trong ngàn kiếp ca ngợi công đức đó cũng không hết được.
Lúc đó ta thấy trên liên hoa lớn ấy có một Ðức Như Lai ngồi kết già. Thân Phật từ đây cao đến trời Hữu Ðảnh.
Tòa bửu liên hoa bất tư nghì. Ðạo tràng chúng hội bất tư nghì. Những tướng hảo thành tựu bất tư nghì. Tùy hảo viên mãn bất tư nghì. Thần thông biến hóa bất tư nghì. Sắc tướng thanh tịnh bất tư nghì. Vô kiến đảnh tướng bất tư nghì. Tướng lưỡi rộng dài bất tư nghì. Ngôn thuyết thiện xảo bất tư nghì. Âm thanh viên mãn bất tư nghì. Lực vô biên tế bất tư nghì. Thanh tịnh vô úy bất tư nghì. Biện tài quảng đại bất tư nghì.
Ta lại nghĩ nhớ Ðức Phật đó thuở xưa tu hành bất tư nghì. Tự tại thành đạo bất tư nghì. Diệu âm diễn pháp bất tư nghì. Phổ môn thị hiện các thứ trang nghiêm bất tư nghì. Tùy hai bên thấy Phật đều sai khác bất tư nghì. Tất cả sự lợi ích đều làm cho viên mãn bất tư nghì.
Lúc đó, Ðức Như Lai ấy liền đưa tay hữu rờ đảnh đầu của ta, vì ta mà diễn nói phổ nhãn pháp môn, khai thị cảnh giới tất cả Như Lai, hiển pháp tất cả hạnh Bồ Tát, xiển minh tất cả diệu pháp của chư Phật, tất cả pháp luân đều nhập trong đó. Có thể thanh tịnh tất cả Phật độ. Có thể dẹp tất cả dị đạo tà luận. Có thể diệt tất cả quân ma. Có thể làm cho chúng sanh đều sanh hoan hỷ. Có thể soi tất cả tâm hành của các chúng sanh. Có thể biết những căn cơ của tất cả chúng sanh, tùy tâm chúng sanh đều làm cho được khai ngộ.
Ở nơi Ðức Như Lai ấy, ta được nghe pháp môn này, thọ trì đọc tụng ghi nhớ quán sát.
Giả sử có người dùng nước mực nhiều như nước đại hải, cây viết chất đống lớn như núi Tu Di, biên chép pháp môn phổ nhãn này, một môn trong một phẩm, một pháp trong một môn, một nghĩa trong một pháp, một câu trong một nghĩa cũng viết chẳng được ít phần huống là có thể viết hết.
Này Thiện Nam Tử! Ở nơi Ðức Phật ấy, ta thọ trì pháp môn phổ nhãn như vậy trọn một ngàn hai trăm năm. Trong mỗi ngày, ta dùng văn trì đà la ni quang minh lãnh thọ vô số phẩm. Dùng tịch tịnh môn đà la ni quang minh xu nhập vô số phẩm. Dùng vô biên triền đà la ni quang minh vào khắp vô số phẩm. Dùng tùy tha quán sát đà la ni quang minh phân biệt vô số phẩm . Dùng oai lực đà la ni quang minh nhiếp khắp vô số phẩm. dùng liên hoa trang nghiêm đà la ni quang minh dẫn phát vô số phẩm. Dùng thanh tịnh ngôn âm đà la ni quang minh khai diễn vô số phẩm. Dùng hư không tạng đà la ni quang minh hiển thị vô số phẩm. Dùng quang tụ đà ni quang minh thêm rộng vô số phẩm. Dùng hải tạng đà la ni quang minh luận biện phân tích vô số phẩm.
Nếu có chúng sanh từ mười phương đến, hoặc Thiên, hoặc Thiên Vương, hoặc Long, hoặc Long Vương, hoặc Dạ Xoa, hoặc Dạ Xoa Vương, hoặc Càn Thát Bà, hoặc Càn Thát Bà Vương, hoặc A Tu La, hoặc A Tu La Vương, hoặc Ca Lâu La, hoặc Ca Lâu La Vương, hoặc Khẩn Na la, hoặc Khẩn Na La Vương, hoặc Ma Hầu La Già, hoặc Ma Hầu La Già Vương, hoặc Nhơn, hoặc Nhơn Vương, hoặc Phạm hoặc Phạm Vương. Tất cả đại chúng như vậy đều đến chỗ ta. Ta đều vì họ mà khai thị giải thích xưng dương tán thán. Ðều làm cho họ mến thích xu nhập an trụ quang minh phổ nhãn pháp môn này.
Này Thiện Nam Tử! Ta chỉ biết phổ nhãn pháp môn này.
Như chư đại Bồ Tát thâm nhập tất cả Bồ Tát hạnh hải, vì tùy duyên nguyện lực mà tu hành. Nhập đại nguyện hải vì ở thế gian trong vô lượng kiếp số. Nhập tất cả chúng sanh hải, vì tùy tâm sở thích của họ để rộng lợi ích. Nhập nhứt thiết chúng sanh tâm hải, vì xuất sanh thập phương vô ngại trí quang. Nhập nhứt thiết chúng sanh căn hải, vì đáng tùy cơ nghi giáo hóa đều làm cho điều phục. Nhập tất cả sát hải, vì thành mãn bổn nguyện nghiêm tịnh Phật độ. Nhập tất cả Phật hải, vì nguyện thường cúng dường chư Như Lai. Nhập tất cả pháp hải, vì có thể dùng trí huệ đều ngộ nhập. Nhập tất cả công đức hải, vì mỗi mỗi tu hành cho được đầy đủ. Nhập tất cả chúng sanh ngôn từ hải, vì ở tất cả cả cõi chuyển chánh pháp luân.
Như thế thời ta làm sao biết được nói được công đức hạnh đó.
Này Thiện Nam Tử! Từ đây qua phương Nam sáu mươi do tuần, bên đường Lăng Già, có một tụ lạc tên là. Hải Ngạn. Ở đó có Tỳ Kheo tên là Thiện Trụ. Ngươi nên đến đó hởi: Bồ Tát phải thế nào tịnh Bồ Tát hạnh?
Thiện Tài đồng tử đảnh lễ chân Hải Vân Tỳ Kheo, hữu nhiễu chiêm ngưỡng từ tạ mà đi.
Lúc đó, Thiện tài đồng tử chuyên niệm lời dạy của thiện tri thức, chuyên niệm phổ nhãn pháp môn, chuyên niệm Phật thần lực, chuyên trì pháp cú vân, chuyên nhập pháp hải môn, chuyên gẫm pháp sai biệt, thậm nhập pháp xoay chuyển, vào khắp pháp hư không, trừ sạch pháp ế chương quán sát pháp bửu xứ.
Thiện tài đồng tử vừa tư duy suy gẫm đi lần qua phương Nam, đến bên đường Lăng Già, nơi tụ lạc Hải Ngạn, xem xét mười phương tìm cầu Thiện Trụ Tỳ Kheo. Thấy Thiện Trụ Tỳ Kheo đi kinh hành qua lại ở trên hư không.
Có vô số chư thiên cung kính vây quanh rưới những thiên hoa, trổi thiên kỹ nhạc, tràng phan gấm lụa thảy đều nhiều vô số đầy khắp hư để cúng dường.
Chư đại Long Vương ở giữa hư không nổi bất tư nghì mây trầm thủy hương, chấn sấm, xẹt chớp, dùng để cúng dường.
Khẩn Na La Vương trổi những tiếng nhạc, đúng pháp ca ngợi, dùng đây để cúng dường.
Ma Hầu La Già Vương dùng bất tư nghì y phục rất vi tế trải giăng trần thiết, lòng rất hoan hỷ, để cúng dường.
A Tu La Vương nổi bất tư nghì mây ma ni bửu, vô lượng quang minh các thứ trang nghiêm đồng khắp hư không dùng để cúng dường.
Ca Lâu La Vương hiện hình đồng tử, có vô lượng thể nữ vây quanh, rốt ráo thành tựu tâm không sát hại, ở giữa hư không chắp tay cúng dường.
Bất tư nghì số các La Sát Vương, vô lượng La Sát vây quanh, thân hình cao lớn đáng kinh sợ, thấy Thiện Trụ Tỳ Kheo từ tâm tự tại, liền chắp tay khom mình chiêm ngưỡng cúng dường.
Bất tư nghì số các Dạ Xoa Vương, mỗi vị đều có chúng của mình vây quanh, bao vòng bốn phía cung kính thủ hộ.
Bất tư nghì số các Phạm Thiên Vương, ở giữa hư không, cúi mình chắp tay dùng pháp nhân gian tán dương ca ngợi.
Bất tư nghì số các Tịnh Cư Thiên, với cung điện ở giữa hư không, chắp tay cung kính phát hoằng thệ nguyện.
Thiện tài đồng tử thấy những sự trên đây, lòng hoan hỷ chắp tay kính lễ Thiện Trụ Tỳ Kheo rồi bạch rằng:
Bạch đức Thánh! Tôi đã phát tâm Vô thượng Bồ đề mà chưa biết Bồ Tát thế nào tu hành Phật pháp? Thế nào tích tập Phật pháp? Thế nào đầy đủ Phật pháp? Thế nào huân tập Phật pháp?Thế nào tăng trưởng Phật pháp ? Thế nào tổng nhiếp Phật pháp? Thế nào cứu cánh Phật pháp? Thế nào tịnh trị Phật? thế nào thâm tịnh Phật pháp?Thế nào thông đạt Phật pháp?
Tôi nghe đức thánh hay khéo dạy bảo. Ngưỡng mong xót thương vì tôi mà tuyên nói Bồ Tát thế nào chẳng bỏ thấy Phật, thường ở chỗ Phật siêng năng tu tập? Bồ Tát thế nào chẳng bỏ Phật pháp đều dùng trí huệ mà được minh chứng? Bồ Tát thế nào chẳng bỏ đại nguyện có thể lợi ích khắp tất cả chúng sanh? Bồ Tát thế nào chẳng bỏ chúng sanh trụ tất cả kiếp không lòng mỏi nhàm? Bồ Tát thế nào chẳng bỏ Phật độ có thể nghiêm tịnh tất cả thế giới? Bồ Tát thế nào chẳng bỏ Phật lực đều có thể thấy biết Như Lai tự tại? Bồ Tát thế nào chẳng bỏ hữu vi mà cũng chẳng trụ hữu vi, ở trong tất cả loài hữu lậu, dường như biến hóa, thị hiện thọ sanh tử tu Bồ Tát hạnh? Bồ Tát thế nào chẳng bỏ nghe pháp đều có thể lãnh thọ chánh giáo của chư Phật? Bồ Tát thế nào chẳng bỏ trí quang vào khắp chỗ sở hành của tam thế trí?
Thiện Trụ Tỳ Kheo bảo Thiện Tài rằng:
Lành thay! Lành Thay! Này Thiện Nam Tử! ngươi đã phát tâm Vô thượng Bồ đề, nay lại phát tâm cầu hỏi Phật pháp, cầu hỏi pháp nhứt thiết trí, tự nhiên trí.
Này Thiện Nam Tử! Ta đã thành tựu môn giải thoát vô ngại. Hoặc đi, hoặc đứng, hoặc đến, hoặc lui, tùy thuận tư duy tu tập quán sát, liền được trí huệ quang minh tên là cứu cánh vô ngại.
Vì được trí huệ quang minh này nên biết tâm hành của tất cả chúng sanh không chướng không ngại. Biết sự chết và sanh của tất cả chúng sanh. Biết đời trước của tất cả chúng sanh. Biết những sự trong kiếp vị lai của tất cả chúng sanh. Biết những sự trong đời hiện tại của tất cả chúng sanh. Biết ngôn ngữ âm thanh nhiều loại sai biệt của tất cả chúng sanh. Quyết những nghi vấn của tất cả chúng sanh. Biết căn tánh của tất cả chúng sanh. Tùy theo lúc tất cả chúng sanh nên được giáo hóa đều có thể qua đến nơi họ ở. Biết tất cả sát na, la bà mâu hô lật đa, giờ khắc ngày đêm. Biết thứ đệ lưu chuyển trong biển tam thế. Tất cả những sự thấy biết như vậy đều không chướng không ngại. Cũng có thể đem thân mình qua đến tất cả cõi Phật mười phương không chướng ngại. Tại sao vậy? Vì được sức thần thông vô trụ vô tác.
Này Thiện Nam Tử! Vì ta được sức thần thông này nên ở giữa hư không, hoặc đi, hoặc, đứng, hoặc ngồi, hoặc nằm, hoặc ẩn, hoặc hiển, hoặc hiện một thân, hoặc hiện nhiều thân, đi xuyên qua tường vách như đi nơi trống không. Ở trên hư ngồi kiết già qua lại tự tại như chim bay. Vào trong đất như xuống nước, đi trên nước như trên đất, khắp thân trên dưới đều phát lửa ngọn như đống lửa lớn. Hoặc có lúc chấn động tất cả đại địa. Hoặc có lúc lấy tay rờ rẫm mặt nhựt mặt nguyệt. Hoặc hiện thân mình cao đến phạm cung. Hoặc hiện mây hương đốt. Hoặc hiện mây bửu diệm. Hoặc hiện mây biến hóa . Hoặc hiện mây quang võng. Thảy đều rộng lớn đầy khắp hư không mười phương.
Hoặc trong một niệm qua phương Ðông một thế giới, hai thế giới, trăm thế giới, ngàn thế giới, trăm ngàn thế giới, nhẫn đến qua vô lượng thế giới, bất khả thuyết bất khả thuyết thế giới. Hoặc qua Diêm Phù Ðề vi trần số thế giới. Hoặc qua bất khả thuyết bất khả thuyết Phật sát vi trần số thế giới. Ta ở trước chư Phật Thế Tôn trong tất cả quốc độ đó mà nghe thuyết pháp.
Ở cho mỗi Ðức Phật, hiện vô lượng Phật sát vi trần số thân sai khác.
Mỗi mỗi thân rưới vô lượng Phật sát vi trần số mây đồ cúng dường. Những là mây tất cả hoa, mây tất cả hương, mây tất cả tràng hoa , mây tất cả hương bột, mây tất cả hương thoa, mây tất cả lọng, mây tất cả y phục, mây tất cả tràng, mây tất cả phan, mây tất cả trướng. Ðem tất cả thân vân cúng dường lên chư Phật.
Mỗi Ðức Như Lai có bao nhiêu lời dạy bảo ta đều thọ trì cả.
Mỗi quốc độ có bao nhiêu sự trang nghiêm, ta đều nhớ rõ cả.
Tất cả chín phương kia cũng đều như phương Ðông.
Bao nhiêu chúng sanh trong tất cả thế giới như vậy, nếu được thấy thân của ta, thời đều quyết định được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Tất cả chúng sanh trong những thế giới đó, ta đều thấy rõ tùy theo sư lớn nhỏ thắng liệt khổ vui của họ mà thị hiện đồng thân hình với họ để giáo hóa cho họ được thành tựu.
Nếu có chúng sanh nào thân cận ta, thời ta làm cho họ an trụ nơi pháp môn như đây.
Này Thiện Nam Tử! Ta chỉ biết pháp môn vô ngại giải thoát mau chóng cúng dường khắp chư Phật thành tựu khắp chúng sanh này.
Như chư Bồ Tát trì giới đại bi, giới ba la mật, giới Ðại thừa, giới tương ưng với Bồ Tát đạo, giới vô chướng ngại, giới chẳng thối đọa, giới chẳng bỏ tâm Bồ đề, giới thường dùng Phật pháp làm cảnh sở duyên, giới thường để ý nơi nhứt thiết trí, giới như hư không, giới không y tựa tất cả thế gian, giới không mất, giới không tổn, giới không khuyết, giới không tạp, giới không trược, giới không hối, giới thanh tịnh, giới ly trần, giới ly cấu.
Những công đức như vậy, ta đâu có thể biết và nói được hết.
Này Thiện Nam Tử! từ đây qua phương Nam có một nước tên là Ðạt Lý Tỹ Trà, có thành tên là Tự Tại, trong đó có một người tên là Di Già. Ngươi nên đến đó hỏi Bồ Tát thế nào học Bồ Tát hạnh, trụ Bồ Tát đạo?
Thiện Tài đồng tử đảnh lễ chân Thiện Trụ Tỳ Kheo, hữu nhiễu chiêm ngưỡng lui ra đi về phương Nam.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 80 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Dưới cội Bồ-đề


Có và Không


Hạnh phúc khắp quanh ta


Cẩm nang phóng sinh

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.103.119 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập